BẢO KẾ KINH TỨ PHÁP ƯU BA ĐỀ XÁ
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Tỳ Mục Trí Tiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

GHI NHẬN VỀ VIỆC PHIÊN DỊCH KINH BỬU KẾ TỨ PHÁP ƯU BA ĐỀ XÁ

Kinh Bửu Kế là một tập trong Đại tập. Tông chỉ của kinh này là bốn pháp vô cùng sâu xa vi diệu. Bồ-tát Thiên Thân đã lược nêu bày về pháp môn đó, cho nên gọi là Ưu Ba Đề Xá.

Với hạnh lực tự tại của bậc Thánh, Bồ-tát đã tạo kinh này trong một hoàn cảnh rất tốt đẹp về xứ sở, con người và thời gian.

Hôm nay là ngày mùng một tháng chín, thuộc ngày Canh ngọ, năm Tân dậu, niên hiệu Hưng Hòa thứ ba, các vị:

  1. Tam tạng Pháp sư Tỳ Mục Trí Tiên, giòng vua Sát đế lợi, người nước Ô Trường.
  2. Cù Đàm Lưu Chi, giòng Bà-la-môn, người nước Trung Thiên Trúc.
  3. Đại sĩ Hộ pháp là Phiêu Kỵ đại tướng quân nhà Ngụy.
  4. Cao Trọng Mật, người Bột Hải, Ngự sử trung úy, Khai phủ nghi đồng Tam ty.
  5. Sa-môn Đàm Lâm, là người yêu thích chánh pháp.

Cả đạo tục đều nương nhờ nhau ở chùa Kim Hoa, trong thành Nghiệp, dịch ra Hán văn gồm 4.999 chữ.

 

BẢO KẾ KINH TỨ PHÁP ƯU BA ĐỀ XÁ

Tôi nghe như vậy:

Một thời, Đức Bà-già-bà đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo Tăng và chúng Đại Bồ-tát hội đủ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Bửu Kế:

Này Thiện nam! Bồ-tát có bốn thứ phát khởi tinh tiến, không xa lìa bố thí. Đó là:

  1. Phát khởi tinh tiến với đầy đủ tất cả chúng sinh.
  2. Phát khởi tinh tiến với đầy đủ tất cả pháp Phật.
  3. Phát khởi tinh tiến với tướng cứu cánh tùy hình hảo.
  4. Phát khởi tinh tiến với thế giới Phật thanh tịnh.

Bốn thứ phát khởi tinh tiến như thế, được nêu bày đầy đủ nơi kinh này.

Bốn thứ chánh pháp của Bồ-tát như thế đã được giảng nói, chứng minh các việc làm vị tha của Bồ-tát được thâu nhiếp trong kinh Đại thừa.

Nay ở đây, xin đem ra giải thích.

Do ý nghĩa nào mà Bồ-tát kia có đầy đủ diệu lực lớn lao không thể suy lường, luôn siêng năng tinh tiến không cấu uế, không động, tinh tiến một cách vững chắc bậc nhất? Đức Thế Tôn nói kệ:

Đấng Pháp Vương Mâu Ni Thế Tôn,

Tinh tiến không thể suy lường được,

Siêng năng bất động-không cấu nhiễm,

Sức mạnh tinh tiến tốt đẹp nhất,

Thuyết giảng về Tu-đa-la này,

Làm lợi ích cho những nơi nào?

Lại nữa, do nghĩa gì gọi là Thế Tôn? Làm lợi ích gì ở kinh thành Vương-xá? Vì ý nghĩa gì mà Đức Thế Tôn bảo với Bồ-tát Bửu Kế? Tại sao Bồ-tát có tên là Bửu Kế? Này Thiện nam! Bồ-tát có bốn thứ phát khởi tinh tiến, không xa lìa bố thí. Bồ-tát như thế là thuộc về giòng họ nào? Những nghĩa này cần phải giải thích.

Tại sao phát khởi bốn loại tinh tiến không nhiều, không ít? Bố thí là sao? Có bao nhiêu thứ bố thí? Phát khởi tinh tiến đầy đủ chúng sinh là gì? Những điều này cần được giải thích.

Chúng sinh là gì? Là có hay là không? Chúng sinh nếu có mà tất cả các pháp đều nói lìa chúng sinh, thì làm thế nào để tránh khỏi? Chúng sinh nếu không nhưng nói đầy đủ tất cả chúng sinh thì không tương ưng. Bồ-tát bố thí là đang có đầy đủ tất cả chúng sinh hay là không đầy đủ? Nếu đều đầy đủ thì vì nhân duyên gì, tất cả chúng sinh không hay, không biết? Như Đức Thế Tôn đã nói, lời nói trên với Long vương: “Nếu bốn pháp của Ta đã chấp giữ về chúng sinh, thì tất cả các chúng sinh kia đều phải biết pháp Ta đã giảng nói. Nếu không đầy đủ thì tự mâu thuẫn với lời giảng nói của Ta trong Tu-đa-la”.

Nếu nói phát khởi tinh tiến với đầy đủ tất cả pháp Phật, thì Như Lai giảng nói những gì gọi là pháp Phật?

Lại nữa, Bồ-tát bố thí như thế nào? Nếu đã đầy đủ tất cả pháp Phật như thế, thì cần gì phải giảng nói sáu pháp Ba-la-mật? Nếu sự bố thí đó đầy đủ như thế, tức là không có năm Ba-la-mật. Nếu có sáu thì tự mâu thuẫn với lời Phật đã nói trong Tu-đa-la?

Nếu nói tướng cứu cánh, tùy hình hảo, phát khởi tướng tinh tiến tùy hình hảo thì về nghĩa này cần phải giảng nói tướng tốt đẹp là gì? Lại nữa, về nghĩa này Đức Thế Tôn đã giảng nói rồi. Nếu Đức Thế Tôn nói tướng tốt đẹp hoàn toàn, phát khởi tinh tiến về Thi la Ba-la-mật, thì Phật đã giảng nói như vậy. Nếu có Bồ-tát nào hy vọng muốn được tương ứng với tùy hình hảo mà bố thí, thì phải biết rằng Bồ-tát đó là Bồ-tát chấp trước.

Vì ý nghĩa gì ở đây thì tùy thuận nói Thi la Ba-la-mật, còn nơi kia thì lại ngăn chặn nhân duyên như thế? Về nghĩa này cần phải nói rõ.

Nếu nói phát khởi tinh tiến với thế giới Phật thanh tịnh, thì có bao nhiêu thứ thế giới thanh tịnh và không thanh tịnh của chư Phật? Nghĩa này cần nói rõ.

Lại nữa, thế giới này là thế giới của Phật Thế Tôn Thích-ca Mâuni, là thanh tịnh hay không thanh tịnh? Nếu thế giới này đều là thanh tịnh thì mâu thuẫn với lời Như Lai đã nói về cảnh giới trang nghiêm trong kinh A-Di-Đà: “Nay Ta đã ra khỏi đời dữ gồm đủ năm thứ ô trược, chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Nếu không thanh tịnh, thì vì sao trong kinh này lại nói Bồ-tát có bốn thứ phát khởi tinh tiến, không xa lìa bố thí. Về nghĩa ấy cần nói rõ.

Nói tóm lại, phát khởi tinh tiến với đầy đủ tất cả chúng sinh như thế là sao? Cho đến phát khởi tinh tiến thế giới Phật thanh tịnh là sao? Đức Thế Tôn đã nói vấn đề này đều là khó lãnh hội.

Sự thanh tịnh không nhơ vào bậc nhất như thế, như đã vấn nạn trong Tu-đa-la này, nay sẽ giảng nói.

Pháp đã nói ở đây, về ý nghĩa là thế nào? Do nghĩa nào mà pháp kia không có chướng ngại, không thể lượng tương ứng với tuệ thù thắng không cấu uế, không thể nghĩ bàn với thân-miệng-ý tốt đẹp, là Tu-đa-la thứ nhất, được các hàng Trời, Người, A-tu-la cúng dường, hành hóa thù thắng, tịch tĩnh, không thể tư duy, luận bàn, là pháp sáng suốt không gì sánh, không ai bằng mà Như Lai đã giảng nói kinh này bằng kệ:

Không chướng ngại rộng lớn vô biên,

Tuệ thù thắng vượt lên ba cõi,

Thân không thể nào nghĩ bàn được,

Miệng và ý cũng lại như vậy.

Các hàngTrời người, A-tu-la,

Tất cả mọi người đều cúng dường,

Nghĩa gì cho nên thuyết kinh này,

Hành Vô thượng lìa xa cấu nhiễm?.

Chánh giáo Đức Phật đã thuyết ra,

Công hạnh tịch tĩnh đứng thứ nhất,

Có ánh sáng không thể nghĩ bàn,

Không có gì có thể sánh được.

Nay xin nói về nghĩa này, vì có người hoài nghi mà phá trừ nghi, đem lại lợi ích. Trong đại hội này có Trời, Người, có cả A-tu-la hoặc rồng, Dạ-xoa, Cưu-bàn-trà, nghe Phật Thế Tôn giảng nói kinh này cho Bồ-tát.

Từ các thứ ngọc báu, thức ăn uống, xe cộ, y phục trang nghiêm, hoặc ngựa, hoặc voi, nơi chốn tu đạo, vườn rừng vui chơi, thành ấp, thôn xóm đông người đang ở, hoặc đem cả đất đai, vợ con, các bộ phận như tay chân, tim, da, thịt, máu, xương tủy trong toàn thân thể để bố thí. Tuy nhiên, vừa nghe Đức Như Lai giảng nói xong, họ vội sinh ngờ vực trong tâm: “Bồ-tát phát khởi tinh tiến được bao lâu rồi với những việc bố thí khó làm như thế?” Đức Như Lai quán xét biết đang có những thắc mắc đó, nhằm dứt bỏ mối nghi ngờ ấy, nên Phật giảng nói kinh này: “Này Thiện nam! Bốn thứ phát khởi tinh tiến, không xa lìa bố thí của Bồ-tát là pháp được tất cả người trí đề cập đến, không phải cho Bồ-tát biếng trễ trong việc bố thí. Thế nên, với bốn thứ phát khởi tinh tiến đã làm được lợi ích như thế”.

Lại nữa, vì lợi ích nào mà Như Lai nói đến bố thí thanh tịnh của Đàn Ba-la-mật?

Có người nào nhớ nghĩ, muốn nghe Đức Phật giảng nói hạnh thí thanh tịnh nơi Đàn Ba-la-mật, vừa nghe xong là được lợi ích.

Người nào muốn nghe Ta giảng nói kinh này? Người đó là các Bồ-tát như Bửu Kế.

Các chúng Bồ-tát Đại Thánh như thế đều hiện diện đầy đủ, đã khéo ứng hiện trên thế giới rồi quang lâm đến đại hội này, đem các thứ thắng diệu cúng dường Đức Thế Tôn.

Sau khi cúng dường, Bồ-tát hỏi: “Bạch Thế Tôn! Con chưa biết Bồ-tát có bao nhiêu hạnh thanh tịnh? Kính xin Đức Thế Tôn giảng nói, nay con muốn được nghe”.

Đức Thế Tôn nói: “Này Thiện nam! Bồ-tát có đủ bốn hạnh thanh tịnh, đó là:

  1. Hạnh thanh tinh Ba-la-mật.
  2. Hạnh thanh tịnh pháp phần Bồ-đề.
  3. Hạnh thanh tịnh thần thông, trí tuệ cứu cánh.
  4. Hạnh thanh tịnh thuần thục chúng sinh”.

Hạnh thanh tịnh bố thí Ba-la-mật là gì? Đức Như Lai giảng nói thế nào?

Đức Thế Tôn giảng nói bốn thứ phát khởi tinh tiến của Bồ-tát không xa lìa bố thí, đạt được lợi ích như thế.

Lại nữa, sự lợi ích của nghĩa này là gì? Ở đây, nay tôi nói rõ về lợi ích cho mình và đem lại lợi ích cho mọi người. Vì không biết là nhân lợi ích cho mình và cho người, nên Đức Như Lai bảo cho biết nhân tố lợi ích cho mình và cho người đó, do đó Ngài giảng nói Tu-đa-la này. Tại sao tất cả người trí đều chỉ rõ về bốn thứ phát khởi tinh tiến, bố thí này? Vì có người đã phát tâm Bồ-đề rồi, người đó đã làm đầy đủ lợi ích cho mình và cho người, không chỉ là sự nhớ nghĩ trong tâm.

Tướng tốt cứu cánh phát khởi tinh tiến, đầy đủ pháp Phật phát khởi tinh tiến, vì thế cho nên bố thí sẽ được lợi ích trọn vẹn cho mình.

Chúng sinh phát khởi tinh tiến, thế giới Phật thanh tịnh phát khởi tinh tiến, thế nên Bồ-tát bố thí sẽ làm được lợi ích cho mọi người, lợi ích là như thế.

Lại nữa, còn có chỗ lợi ích nào? Nay sẽ giảng nói về nghĩa này. Nếu có Bồ-tát không học tập trí bố thí, thì Đức Như Lai sẽ bảo Bồ-tát đó học trí bố thí. Như thế là làm lợi ích cho Nhất thiết trí, cho nên Đức Như Lai mới chỉ rõ.

Nếu có Bồ-tát không học trí bố thí nhưng cũng hành thí thì gọi là bố thí, không phải là Ba-la-mật. Như giảng nói Đàn Ba-la-mật, trong đó Đức Thế Tôn dạy, nếu người nào trải qua Hằng hà sa số kiếp tu hành bố thí mà không học hỏi trí bố thí, thì Bồ-tát như thế chỉ được gọi là bố thí chứ không phải là Ba-la-mật.

Lại còn lợi ích nào nữa? Về nghĩa này nay sẽ nói. Nếu có Bồ-tát muốn hành bố thí ít mà được quả báo nhiều thì dùng phương tiện gì? Người Nhất thiết trí là bậc vô học, nhưng khéo vận dụng phương tiện. Học với người không học đó, vì lợi ích mà giảng nói cho họ kinh này. Người Nhất thiết trí đem bốn thứ ấy chỉ rõ cho họ, dùng phương tiện bố thí ít mà được quả báo nhiều, như khéo dùng phương tiện nơi Tu-đa-la để giảng nói, tức là khéo dùng phương tiện cho nên Bồ-tát bố thí ít, mà hành hóa sâu rộng làm vô lượng lợi ích như thế.

Còn có lợi ích nào nữa? Về nghĩa này, nay sẽ nói: Nếu có Bồ-tát xa lìa trí nguyện, thì Đức Như Lai khiến trí nguyện của Bồ-tát ấy hòa hợp, sẽ được lợi ích như thế, bậc Nhất thiết trí chỉ rõ: Bồ-tát không phát nguyện thì không bố thí. Lại nguyện như thế này: Hôm nay tôi đã hành bố thí đầy đủ với các thực phẩm, nguyện nơi đời vị lai, tôi sẽ dùng pháp vô thượng để bố thí với đầy đủ mười lực, bốn pháp vô úy và pháp bất cộng, pháp Phật với tướng tùy hình hảo như thế, đều được chứng đắc. Tôi sẽ khéo làm thanh tịnh thế giới của Phật, lợi ích là như thế.

Ngoài ra còn lợi ích gì nữa? Về nghĩa này nay sẽ nói đến. Bồ-tát mong bốn thứ đầy đủ, không học nhân bố thí, chỉ học nhân làm lợi ích. Bậc Nhất thiết trí chỉ rõ: Nếu ông muốn cầu đạt bốn thứ đầy đủ, nên thực hành bốn thứ phát khởi tinh tiến hành bố thí. Bốn thứ đó là:

  1. Chúng Tăng đầy đủ.
  2. Trí đầy đủ.
  3. Thân đầy đủ.
  4. Thế giới Phật đầy đủ.

Nhất thiết trí chỉ rõ: Nếu ông muốn cầu đạt bốn thứ đầy đủ, nên thực hành bốn thứ phát khởi tinh tiến, làm việc bố thí. Nếu nói đầy đủ tất cả chúng sinh mà phát khởi tinh tiến thì sẽ được chúng Tăng đầy đủ. Nếu nói đầy đủ tất cả pháp Phật, mà phát khởi tinh tiến thì sẽ được Trí đầy đủ. Nếu nói tướng cứu cánh tùy hình hảo mà phát khởi tinh tiến, thì sẽ được Thân đầy đủ; nếu nói thế giới thanh tịnh của Phật mà phát khởi tinh tiến, thì sẽ được Thế giới Phật đầy đủ.

Lợi ích như thế là lợi ích cho mình và cho người, cho nên Như Lai giảng nói kinh này.

Lại nữa, do nghĩa nào gọi là Thế Tôn? Làm những lợi ích gì nơi kinh thành Vương-xá? Hai vấn nạn này, như trong phần Tâm Bồ-đề Ưu -ba-đề-xá đã giảng nói, nên biết.

Vì sao Bồ-tát được gọi là Bửu Kế? Nay sẽ giảng nói về nghĩa đó. Vì căn thiện đã trọn vẹn như thế, trải qua vô số vô lượng trăm ngàn Atăng-kỳ kiếp, nên Bồ-tát đã được nhục kế bằng ngọc báu, trải rộng cả ba ngàn đại thiên thế giới, trong đó đầy đủ bảy thứ châu báu, cho nên, vị Thánh đó có tên là Bửu Kế. Ví như dùng tay cầm kim cương, nên gọi là kim cương thủ (tay kim cương). Vì trong nhục kế như thế có ngọc báu, cho nên gọi là Bửu Kế. Ba điều khéo đầy đủ, Ưu-ba-đề-xá (giải thích) như đã nói trong kinh, nên biết.

Vì lẽ gì mà phát khởi bốn thứ tinh tiến, không nhiều không ít? Nghĩa đó nay sẽ nói. Vì nhân suy tưởng, nhớ nghĩ đến bốn thứ phát khởi tinh tiến ấy, nhớ tưởng đến lợi ích đầy đủ và cứu cánh. Bốn thứ đó có vật gì khiến suy tưởng, nhớ nghĩ đến lợi ích? Nay ở đây tôi sẽ giảng nói về lợi ích của mình và người. Bốn thứ đó không cần nhiều, cũng không được ít. Lại suy tưởng, nhớ nghĩ đến lợi ích rốt ráo thì không được nói là ít.

Đức Như Lai đã nói bốn thứ phát khởi tinh tiến như thế. Ví như người đàn ông có hai chân thì đi được, lại không dùng nhiều, nhưng một chân thì không đi được. Đây cũng như thế.

Bố thí là gì? Có bao nhiêu thứ bố thí? Hai câu hỏi này, và ba điều khéo đầy đủ, Ưu-ba-đề-xá đã giảng nói trong kinh kia, nên biết.

Chúng sinh là gì? Là có hay là không? Ưu-ba-đề-xá trong phần tâm Bồ-đề đã giảng nói ở kinh kia, nên biết. Bồ-tát bố thí là đang đầy đủ tất cả chúng sinh hay là không đầy đủ? Nghĩa đó nay sẽ nói. Bồ-tát đầy đủ, thế nào là đầy đủ? Đối với hết thảy muôn loài, tâm Bồ-tát đều bình đẳng, buông bỏ tất cả vật, bố thí rộng khắp, đầy đủ thệ nguyện với tất cả chúng sinh. Bồ-tát làm thế nào buông bỏ tất cả vật đã có, tất cả của cải trong người, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được giải thoát, tâm được thanh tịnh. Thí cho người đến cầu xin, như vật của mình, từ vật mình tưởng cho đến xem tất cả chúng sinh với tâm bình đẳng.

Nếu Bồ-tát bố thí, xa lìa ngã chấp, thí cho áo cơm mới là bố thí đầy đủ cho tất cả chúng sinh. Nếu chúng sinh không nhận lấy của bố thí thì điều đó không phải lỗi ở Bồ-tát.

Bồ-tát thí cho tất cả người ăn xin, cũng như Long vương. Ví như Long vương đối với tất cả người cầu xin, đều cho một cách bình đẳng. Nếu người nào không nhận thì không phải là lỗi do Long vương. Như Long vương nổi lên đám mây dày đặc rộng lớn che khắp cả hư không, trút xuống trận mưa bình đẳng, những đám cỏ thuốc, cây rừng đều sinh sôi nảy nở nhanh chóng, các chốn ao hồ đều ngập tràn. Ở chỗ nào cao không tiếp nhận được nước mưa, điều đó không phải là lỗi ở Long vương. Cũng như thế, Bồ-tát bình đẳng hành thí đến khắp tất cả người ăn xin. Nếu có người nào không dám tới nhận lãnh thì không phải lỗi ở Bồ-tát, vì Bồ-tát đã đáp ứng nguyện vọng của tất cả chúng sinh.

Khi bố thí, Bồ-tát phát nguyện như thế này: “Ta vì muốn làm thỏa mãn niềm an lạc vô thượng cho tất cả chúng sinh, nên nguyện đem mọi vật dụng ban cho tất cả nơi chốn sinh sống, thường xuyên tạo mọi đầy đủ cho tất cả chúng sinh”. Thế nên, Bồ-tát phát nguyện bố thí cho tất cả nơi sinh sống đều được giàu có an vui. Chính vì diệu lực của phát nguyện, diệu lực bố thí huân tập mà Bồ-tát đã thực hành mọi việc bố thí từ đời này sang đời khác, từ xứ sở này sang xứ sở khác cho vô lượng chúng sinh đều đầy đủ hoàn toàn. Xa lìa mọi điều bất thiện như giết hại các loài, là Bồ-tát đã thí cho pháp không sợ hãi, khiến tất cả chúng sinh thảy đều thọ nhận hành trì. Như Đức Thế Tôn đã nói: Vì đình chỉ sự giết hại các loài, đó là bố thí sự không sợ hãi, không oán ghét cho tất cả chúng sinh.

Vì bố thí như thế, là chỉ cho chúng sinh biết cảnh giới Niết-bàn rốt ráo, vô lượng chúng sinh đều an trú trong Niết-bàn diệu lạc. Vì thọ nhận lời Phật truyền trao xong, cho nên Bồ-tát về sau tự chọn lấy Niết-bàn.

Với nhân duyên trừ bỏ hết đau khổ đạt được an lạc, như thế là Bồtát đã làm đầy đủ cho tất cả chúng sinh.

Pháp của Phật là gì? Về nghĩa này nay sẽ nói.

Pháp thân dựa vào mười lực, bốn pháp vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật. Vì tất cả các pháp đó đều chỉ có Phật mới nhận biết, cho nên gọi là pháp của Phật, như Thánh giả Văn-thù-sư-lợi đã nói kệ:

Chánh giác không thể nghĩ bàn được,

Như Lai không thể suy lường được,

Các hàng Thanh văn và Duyên giác,

Vốn không thể nào suy lường được.

Huống là tất cả các chúng sanh,

Ai có năng lực biết Như Lai,

Phàm phu thực hành luôn hý luận,

Như Lai không bao giờ hý luận.

Chỉ riêng Phật có thể biết Phật,

Nương dựa công hạnh của pháp Phật,

Thân-tâm và trí đều tự nhiên,

Trừ Đức Phật ra không ai hiểu.

Lại nữa, thế nào là Bồ-tát bố thí đầy đủ tất cả pháp Phật? Như thế thì cần gì phải giảng nói sáu pháp Ba-la-mật. Về nghĩa đó nay sẽ nói đến. Thật có sáu thứ, do ý gì chỉ nói về bố thí? Nghĩa này nay sẽ nêu rõ.

Đây là ý nói Bồ-tát khéo dùng phương tiện. Như Bồ-tát khéo dùng phương tiện bố thí thì có thể hành trì đầy đủ sáu Ba-la-mật. Như khéo dùng phương tiện trong kinh giảng nói về những điều Úc-già-la nêu hỏi. Bồ-tát tại gia bố thí đầy đủ sáu Ba-la-mật. Thế nào là đầy đủ? Nghĩa là Bồ-tát có nhiều của cải vật báu ai đến xin, đều thí cho với tâm không phân biệt. Như thế gọi là Bố thí Ba-la-mật. Dựa vào tâm Bồ-đề để tu hành bố thí, như thế gọi là Trì giới Ba-la-mật. Đối với người cầu xin, không giận dữ, không loạn động, như thế gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Nếu bố thí cho người khác, ta sẽ còn gì để dùng? Không có tâm niệm như thế, có được năng lực như thế, gọi là Tinh tiến Ba-la-mật. Như có người cầu xin, nếu bố thí không tỏ vẻ bực dọc, tự tâm không hối tiếc, luôn cảm thấy rộn lên trong lòng những ý nghĩ vui mừng tốt lành, như thế gọi là Thiền định Ba-la-mật. Nếu bố thí rồi, đối với tất cả pháp, tâm không thủ đắc, không hy vọng sẽ được quả báo. Với trí tuệ thông sáng, không vướng mắc một chút chấp trước nơi giáo pháp mà cảm thấy hoan hỷ, hoàn toàn với tâm trong sáng, không tham đắm như thế, chỉ mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như thế gọi là Bát nhã Ba-la-mật.

Nói tóm lại, đều đầy đủ tất cả sáu pháp Ba-la-mật như thế trong hạnh bố thí.

Hơn nữa, như trong kinh Đại thừa, Đức Thế Tôn đã từng giảng nói vô lượng sự đầy đủ nơi sáu Ba-la-mật. Như vậy, tất cả đều bao quát trong kinh này.

An trú nơi địa Đại thừa, các Bồ-tát đều có một ý niệm như thế. Bồ-tát kia an trú nơi địa Đại thừa với ý niệm của các Bồ-tát, luôn bố thí đầy đủ tất cả pháp Phật.

Hơn nữa, vì đối trị để giáo hóa các chúng sinh cho nên Đức Thế Tôn giảng nói pháp. Hoặc có chúng sinh phải dùng môn bố thí để giảng nói đầy đủ tất cả pháp Phật cho họ. Hoặc có chúng sinh phải dùng các môn khác, cho đến dùng môn trí tuệ.

Lại nữa, chỉ rõ về thệ nguyện của Bồ-tát là Bồ-tát luôn đáp ứng ý muốn của người cầu xin, và phát nguyện như thế này: Như ta đã đáp ứng mọi ý muốn của người cầu xin, ta sẽ đem căn thiện này nguyện đạt đầy đủ tất cả pháp Phật. Nói như thế thì sẽ không có lỗi.

Tướng tốt là gì? Về nghĩa đó nay sẽ giảng nói. Có ba mươi hai tướng. Nghĩa là: Tay, chân đều có dấu vân bánh xe ngay thẳng, bằng phẳng. Tay chân đều mềm mại. Kẽ giữa hai ngón tay-chân đều có màng lưới mỏng như tơ lụa. Có bảy chỗ bằng phẳng, đầy đặn. Ngón tay dài, thân rộng lớn ngay ngắn. Cổ trong như mình con sò không có lông. Đùi vế như đùi vế của Nai nhân ni. Cánh tay bằng thẳng, âm mã vương tàng, da màu vàng, tóc đẹp, ở mỗi lỗ của mỗi sợi lông trong chân mày đều có hào quang trắng, gương mặt sáng rỡ. Vai như vai sư tử, trước sau đều tròn trịa. Lưng Phật ngay ngắn, phẳng, là thượng vị trong các mùi vị. Thân thể Phật tròn đầy như Ni-câu-đà. Phía trên cổ cao tròn, cuống lưỡi của Phật rộng dài, nói tiếng Phạm nhiệm mầu. Má tươi nhuận, răng trắng bằng đều khít, gồm bốn mươi chiếc, mắt trong trẻo xanh biếc như mắt ngưu vương.

Tám mươi tướng tốt đẹp: Mu bàn chân nõn nà trơn nhẵn, ngón tay tròn có hoa tay, mạch tay không lộ ra, mắt cá-gót chân đều bằng phẳng, đốt xương rắn chắc sát sao, mép dưới đôi bàn chân bằng phẳng có chỉ vắt ngang, ngay ngắn-sâu nhẵn-mịn màng, lưỡi nói theo trình tự mạch lạc, sắc môi đỏ tươi đẹp, trong như quả Tần-bà, không cao, không thấp, lưỡi đỏ-mềm, mỏng như lưỡi của voi chúa trắng. Tiếng nói của Phật như sấm vang trong mây, âm thanh tốt đẹp như tiếng nói của Bồ-tát Văn-thù.

Đầy đủ các tướng tốt: Hai cánh tay ngang bằng, thân thể sạch sẽ, xiêm y cũng thế, toàn thân đều mềm mại, các bộ phận đều cân đối, mỗi bộ phận của thân thể đều khít khao, tùy theo chỗ rộng hẹp, cách ngồi của Phật rất tròn đầy, lưỡi ngay thẳng, luận đàm với lời lẽ rất đẹp và có thứ lớp. Lưỡi bằng, đều sâu, nói những điều bí mật của tiên vương, phổ biến những điều thanh tịnh tốt lành bậc nhất, rất đáng ưa thích, lìa tối tăm như ánh chớp sáng với hào quang soi khắp. Bước đi của Phật luôn xoay về bên phải như bước đi của Sư tử, Ngưu vương, Long vương. Lưỡi không dài-ngắn mà là tròn đẹp. Hai hông không lộ ra, chứng tỏ đã từ bỏ dục vọng xấu xa. Thân Phật không có nốt ruồi đen, không chút vết bẩn bám bên ngoài, tròn trịa, nhanh nhẹn. Đôi chân không cao, luôn sạch, không nhơ, mỉm cười mà thong thả, mắt như chiếc lá xanh ở Bà-la-gia, lúc Phật cười, vị trí chân mày-mặt như pháp đều theo trình tự nhịp nhàng với nhau, chân mày ngay ngắn không cong, lông mày không ít-không nhiều, hoàn toàn xa lìa mọi lỗi lầm, không ai có thể dám chê bai.

Các căn đều tốt đẹp hơn hết. Vẻ hoan hỷ bậc nhất luôn biểu lộ giữa vừng trán rộng của Phật. Gương mặt và trán Phật đều bằng phẳng đầy đặn, như trên toàn thân Phật, không trắng không đen, luôn tỏa ra mùi thơm, không rắn chắc-không vết bẩn, mạch lạc, khít khao.

Với vẻ đẹp vi diệu thù thắng có Nan-đề toàn bạt-đà-ma-na, với thân hình cân đối thích hợp và tóc xoay theo chiều từ phải sang trái, không rối.

Vì sao ở đây, Đức Phật bảo cho biết tướng tốt cứu cánh là Trì giới Ba-la-mật, nhưng ở chỗ kia lại ngăn nghĩa này?

Nay nói về nghiệp ban đầu của Bồ-tát là nhớ nghĩ tướng tốt đẹp với hy vọng muốn cho mình có được. Vì nhằm đem lại lợi ích cho Bồtát, cho nên Đức Phật dùng phương tiện để chỉ rõ. Bồ-tát tu hành chưa lâu, nên còn ái mộ tướng tốt mà rời bỏ lợi ích. Tâm xót thương bố thí luôn tương ưng với lợi ích, người như vậy thì nên ngăn ngừa.

Lại nữa, nếu người nào tham đắm sắc thân mầu nhiệm, cùng tướng tốt trọn vẹn rồi luôn hy vọng nhớ nghĩ, Bồ-tát nên vì người đó mà ngăn ngừa.

Nếu có chúng sinh thành tựu đầy đủ lợi ích cho người đó, thì Bồtát chỉ cần bảo: Ở đây có chúng sinh trông thấy thân của Như Lai với tướng tốt trang nghiêm, vì phát tâm Bồ-đề nên nói như thế, như trong Tu-đa-la Chuyển Nữ Thân đã giảng nói.

Hơn nữa, đối với người chưa phát tâm Bồ-đề, vì muốn đem lại lợi ích cho họ thì nên chỉ dạy.

Lại nữa, đối với người từ lâu đã phát tâm Bồ-đề, vì lợi ích tương ưng với Không, cho nên ngăn ngừa. Vả lại, vì muốn cho họ được phước đức cụ thể và đầy đủ lợi ích, cho nên Bồ-tát chỉ bảo họ về trí viên mãn, vì muốn đầy đủ lợi ích cho nên ngăn ngừa.

Vả lại, có người mong cầu tướng tùy hình hảo đầy đủ hoàn toàn của Thế Tôn mà ngăn ngừa quan niệm vướng chấp, tham đắm của họ.

Lại nữa, vì lỗi lầm tham đắm nơi hỷ lạc và lợi ích của cảnh vắng lặng yên tĩnh, vì vậy ngăn ngừa cho họ.

Với những nhân duyên như thế, trong kinh này không ngăn cấm.

Thế giới của chư Phật có bao nhiêu thứ thanh tịnh, có bao nhiêu thứ không thanh tịnh? Nghĩa đó không nói.

Sự không thanh tịnh kia, tóm tắt có hai thứ:

  1. Tướng chúng sinh.
  2. Tướng hành động.

Tướng chúng sinh nghĩa là lời nói lỗi lầm của chúng sinh.

Tướng hành động nghĩa là lỗi lầm của hành động, tức là hành động ác và lỗi lầm của các chúng sinh kia, do chúng sinh dựa vào mọi thứ kiến chấp giả dối.

Hành động lỗi lầm của chúng sinh. Những lỗi lầm sa vào hầm hố, thung lũng, chông gai ở địa điểm gian nan, hiểm trở như thế, đa số những thứ cần dùng như: uống, ăn, y phục, của báu đều thiếu thốn.

Công đức của chúng sinh tương đối như thế, cho nên làm công đức để cho thế giới thanh tịnh. Ở thế giới đó, còn có vô lượng diệu lực thệ nguyện tự tại của Bồ-tát, nên biết như thế.

Vì thế giới của chư Phật có vô biên công đức, cho nên sự phát khởi tinh tiến ở đây cũng vô biên. Những công đức như thế không thể kể hết.

Lại nữa, thế giới thanh tịnh của chư Phật này là chỉ nói một phần ít. Ngoài ra còn nhiều nữa, nên biết. Như Đức Thế Tôn giảng nói: “Có mười hai thứ Tràng (nơi chốn tụ hội) các công đức hòa hợp tụ hội, nơi đó đều được giác ngộ thanh tịnh, thành tựu thế giới Phật”. Mười hai Tràng đó là:

  1. Tràng kiếp số: Hòa hợp tụ hội hoàn thành do tràng công đức trọn vẹn đầy đủ.
  2. Tràng thời gian: Hòa hợp tụ hội, chứng đắc, không để thời gian trôi qua mà dùng vào tu tập chánh pháp.
  3. Tràng chúng sinh: Hòa hợp tụ hội có được là do trí pháp.
  4. Tràng thế giới: Hòa hợp tụ hội được là do khéo làm thanh tịnh.
  5. Tràng điều ngự chúng sinh: Hòa hợp tụ hội được là do không bó buộc.
  6. Tràng thừa: Hòa hợp tụ hội được là do hành trì một hạnh.
  7. Tràng Đà-la-ni: Hòa hợp tụ hội chứng ngộ được là do không có vật gì khác.
  8. Tràng pháp Phật: Hòa hợp tụ hội, chứng đạt vì không có pháp của tất cả ngoại đạo.
  9. Tràng công đức: Hòa hợp tụ hội, chứng đạt vì không lừa dối.
  10. Tràng tâm ngay thẳng-sâu xa: Hòa hợp tụ hội, chứng đắc vì bản tánh thanh tịnh, sống trong sạch và chỗ ở của chúng sinh trong sạch.
  11. Tràng Thánh: Hòa hợp tụ hội, chứng đạt vì không xa lìa ruộng phước.
  12. Tràng Đạo: Hòa hợp tụ hội, chứng đắc vì tiếp theo Phật trước mà sự hành hóa đạt tới.

Lại nữa, thế giới của Phật Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni này là thanh tịnh, hay không thanh tịnh? Nay nói về sự thanh tịnh. Vì lẽ gì biết là thanh tịnh? Vì tâm của Thế Tôn đã khéo thanh tịnh.

Nếu gặp phải người vì tâm không thanh tịnh thì họ thấy thế giới của Phật này không thanh tịnh, là do ý nghĩ của họ. Đức Thế Tôn nói:

“Nay Ta đã ra khỏi thế giới xấu ác đủ năm thứ ô trược và đã chứng ngộ Bồ-đề vô thượng”. Như trong Tu-đa-la Vô Cấu Xứng (Kinh Duy Ma) đã nói: “Bồ-tát muốn làm thanh tịnh thế giới Phật, trước hết phải làm thanh tịnh tâm mình. Tùy thuộc ở tâm mình thanh tịnh thì thế giới Phật sẽ thanh tịnh”. Bấy giờ, vâng theo oai thần của Phật, Tuệ mạng Xá-lợiphất liền suy nghĩ, nghi hoặc: “Nếu tâm Bồ-tát thanh tịnh, thì thế giới Phật thanh tịnh, hiện nay Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni của ta, khi còn làm Bồ-tát, tâm ý của Ngài há không thanh tịnh, tại sao thế giới của

Phật lại không thanh tịnh như thế?”

Lúc ấy, vì nhận biết ý nghĩ của Tuệ mạng Xá-lợi-phất, nên Phật mới hỏi: “Này Xá-lợi-phất! Ý thầy thế nào? Thầy đừng nghĩ như vậy, vì mặt trời, mặt trăng há không thanh tịnh chăng? Nhưng sao người mù không trông thấy?”

Tuệ mạng Xá-lợi-phất thưa: “Không phải vậy, bạch Thế Tôn! Vì đó là do lỗi của người mù, chứ không phải là lỗi do mặt trời-mặt trăng”.

Phật bảo: “Này Xá-lợi-phất! Chúng sinh cũng như vậy. Vì cái tội là không có trí cho nên không trông thấy thế giới thanh tịnh của Như Lai, chứ không phải là lỗi ở Như Lai. Này Xá-lợi-phất! Thế giới này của ta thường xuyên tự thanh tịnh, nhưng thầy không nhìn thấy”.

Khi đó, Phạm vương Loa Kế nói với Tuệ mạng Xá-lợi-phất: “Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Xin Đại đức chớ bảo thế giới của Phật đây là không thanh tịnh. Thế giới của Phật Thích-ca Mâu-ni đây là thanh tịnh”.

Tuệ mạng Xá-lợi-phất hỏi Phạm vương: “Tại sao thế giới của Phật đây thanh tịnh?”

Phạm vương đáp: “Này Đại đức Xá-lợi-phất! Ví như cung điện trang nghiêm tốt đẹp kỳ diệu của trời Tha-hóa-tự-tại, tôi nhận thấy thế giới thanh tịnh của Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni với công đức trang nghiêm, cũng lại như thế”.

Tuệ mạng Xá-lợi-phất lại hỏi Phạm vương: “Nay tôi chỉ trông thấy thế giới của Đức Phật này toàn là gò nổng, hầm hố, gai gốc, gạch cát, các núi đất đá đầy dẫy mọi thứ cấu uế, xấu ác”.

Phạm vương Loa Kế nói: “Đại đức Xá-lợi-phất! Vì tâm của nhân giả nghĩ như thế, nên thấy có gò đất, hầm hố cùng những vật cấu uế. Vì nhân giả tin là không thanh tịnh, nên nhìn thấy thế giới của Đức Phật đây không thanh tịnh. Lại nữa, Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu người nào có thể đối với tất cả chúng sinh, tâm đều bình đẳng, tâm sâu xa và thanh tịnh, thì người đó sẽ trông thấy thế giới của Phật đây đều thanh tịnh”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn ấn ngón chân xuống đất, tức thì hiện ra cả ba ngàn đại thiên thế giới đều được trang nghiêm rực rỡ bằng vô lượng trăm ngàn công đức với đầy đủ các thứ châu báu không thể kể hết. Như thế giới Phật được trang nghiêm bằng bảy thứ châu báu với vô lượng công đức thù thắng, nhiệm mầu, ba ngàn đại thiên thế giới này cũng y như vậy. Tất cả đại chúng đều trông thấy và khen ngợi là sự kiện chưa từng có, ai nấy cũng đều thấy mình đang ngồi trên hoa sen báu.

Lúc này, Đức Thế Tôn bảo Tuệ mạng Xá-lợi-phất: “Này Xá-lợiphất! Nay thầy đã nhìn thấy thế giới Phật của Ta với đầy đủ vô lượng công đức thù thắng trang nghiêm chưa?”

Tuệ mạng Xá-lợi-phất bạch: “Bạch Thế Tôn! Con đã trông thấy. Con vốn không được trông thấy, không được nghe, hôm nay con mới được trông thấy thế giới thanh tịnh trang nghiêm không thể nghĩ bàn của Thế Tôn”.

Phật nói: “Này Xá-lợi-phất! Thế giới Phật của Ta thanh tịnh như thế, do chúng sinh thấp kém nên thấy không thanh tịnh thôi. Này Xálợi-phất! Ví như chư Thiên tuy có cùng một dụng cụ đựng thức ăn bằng ngọc báu, nhưng tùy thuộc vào nghiệp lực của họ mà phần cơm không đồng nhau. Như thế, này Xá-lợi-phất! Chúng sinh cùng sinh trong một thế giới Phật, nếu tâm người nào thanh tịnh thì sẽ trông thấy thế giới của Thế Tôn thanh tịnh. Hôm nay, Ta đem kinh này để lường xét, nên nói là thanh tịnh”.

Nói tóm lại, Phát khởi tinh tiến với đầy đủ chúng sinh là Như Lai chỉ rõ tâm của tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Phát khởi tinh tiến với đầy đủ pháp Phật là tự chứng ngộ một cách sáng tỏ.

Phát khởi tinh tiến với tướng tốt cứu cánh, đây là từ Như Lai hiện rõ. Phổ Hiền dựa vào thế giới thanh tịnh, phát khởi tinh tiến là chỉ rõ tất cả chúng sinh đều được an lạc sung mãn.

Lại nữa, còn có nghĩa:

  1. Như người bệnh hoạn nhàm chán.
  2. Như nghe nói đến thuốc chữa bệnh.
  3. Như người mong được thuốc.
  4. Như nhà cửa người bệnh đang ở.Lại còn chỉ rõ:
  5. Là diệu lực của tâm Đại Bi.
  6. Chỉ rõ diệu lực của trí tuệ.
  7. Diệu lực của thân-tâm.
  8. Diệu lực của sự tu tập tâm ngay thẳng, tâm sâu xa, chỉ rõ như thế.

Lại còn có nghĩa:

  1. Nói rõ là không rời bỏ tất cả chúng sinh.
  2. Chứng đắc tất cả pháp Phật như mười lực, bốn pháp vô sở úy, mười pháp bất cộng của Phật.
  3. Chứng được thân, hiển bày không có gì đáng chê trách.
  4. Được tương ứng với thế giới của Phật là Đấng Pháp vương vô thượng.

Lại còn có nghĩa:

  1. Phát khởi tinh tiến với đầy đủ chúng sinh là Đàn Ba-la-mật, Tỳ lê gia Ba-la-mật vì được Phật chỉ rõ.
  2. Phát khởi tinh tiến với đầy đủ pháp Phật là Bát nhã Ba-la-mật, là Trí Ba-la-mật.
  3. Phát khởi tinh tiến với tướng tốt rốt ráo là Nhẫn nhục Ba-la-mật, Phương tiện Ba-la-mật.
  4. Phát khởi tinh tiến với thế giới Phật thanh tịnh là Thi Ba-la-mật, Thiền Ba-la-mật, chỉ rõ như thế.