LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 128

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ ĐẠI TẠO, phần 2

Đại chủng tạo nên các xứ bao nhiêu thứ có thấy, bao nhiêu thứ không thấy?

Hỏi: Vì sao không hỏi bao nhiêu thứ có sắc, bao nhiêu thứ không có sắc?

Đáp: Vì tác giả của phần Luận này có ý muốn như thế. Tùy theo ý muốn ấy để tạo luận chỉ cần không trái với pháp tánh, nên đừng nêu vấn nạn.

Có thuyết nói: Các thứ được tạo ra không hề có vô sắc, vì thế không nên hỏi bao nhiêu thứ có sắc, bao nhiêu thứ không sắc?

Hỏi: Cũng không có vô vi, nên sau đó cũng không nên hỏi có bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp: Cũng không nên hỏi, nhưng câu hỏi sau nên biết là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Vì muốn dùng các lời văn, các câu nói nêu bày luôn có nghĩa lý trang nghiêm, khiến dễ lãnh hội.

Lại nữa, muốn dùng hai môn, hai bậc thềm (trình độ), hai tóm lược, hai nguồn sáng, hai ngọn đuốc, hai hình ảnh, hai ánh sáng v.v… cùng giúp nhau hiển bày. Như không có vật được tạo ra là không sắc thế nên đừng hỏi. Cũng vậy, không có thứ được tạo ra là vô vi thì cũng không nên hỏi. Như không có thứ được tạo ra là vô vi nhưng được hỏi. Như thế tuy không có thứ được tạo ra là không sắc cũng nên hỏi. Hai môn như thế cùng giúp nhau nêu bày, hiển thị hình ảnh khiến biết rõ các việc hỏi đáp trước sau lý lẽ thông suốt.

Có Sư khác cho: Trong đây, phân biệt các sắc được tạo ra có bao nhiêu thứ có thấy v.v… Đã nêu lên các sắc được tạo ra làm chương đề, đâu lại có thể hỏi bao nhiêu thứ có sắc v.v… Vì nói các sắc là đã chỉ rõ có sắc, mà thể của sắc đều có nghĩa là biến đổi, ngăn trở, nên khi đã có nghĩa của sắc ấy, nên gọi là có sắc, không phải như có áo, có con v.v…

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ có thấy?

Đáp: Có một thứ, là sắc xứ.

Hỏi: Vì sao sắc xứ gọi là có thấy?

Đáp: Nhãn căn gọi là thấy, có tác dụng thấy. Đối tượng được thấy là sắc xứ, có chủ thể thấy là mắt nên gọi là có thấy, như có chủ v.v… Hoặc lại thấy, tức có thể hiển bày tướng thô trọng của sắc xứ, có thể cùng nêu bày làm sáng tỏ tướng trạng khác nhau ở chỗ này chỗ khác. Sắc được hiển bày có thể bày ra, nên gọi là có thấy, như có tên gọi v.v… Hoặc lại thấy, tức là các hình ảnh. Vì chỉ có sắc xứ mới có được hình ảnh nên gọi là có thấy, còn các thứ khác thì không như thế. Hỏi: Có bao nhiêu thứ không thấy?

Đáp: Có tám thứ và phần ít của hai thứ. Tám thứ tức là nhãn, tỷ, nhĩ, thiệt, thân, thanh, hương, vị (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tiếng, hương thơm, mùi vị). Còn phần ít của hai thứ, tức là xúc xứ và pháp xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc không thấy, nhưng không phải tất cả là sắc được tạo ra. Nếu sắc được tạo ra cũng không thấy thì hỏi thứ này, không phải hỏi các thứ khác, nên nói là phần ít. Về pháp xứ cũng như vậy.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ có đối?

Đáp: Có chín xứ và phần ít của một xứ. Chín xứ tức là năm xứ bên trong và bốn xứ bên ngoài, còn phần ít của một xứ tức là xúc xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc về có đối, nhưng tất cả không phải đều là sắc được tạo ra. Nếu sắc được tạo ra cũng có đối, đó là hỏi thứ này không phải hỏi các thứ khác, nên nói là phần ít.

Nhưng có đối có ba thứ: 1. Có đối của chướng ngại. Tức là mười sắc xứ. 2. Có đối của cảnh giới. Tức là năm sắc căn và tâm, tâm sở. 3. Có đối của đối tượng duyên. Tức là tâm, tâm sở. Trong đây, nói có đối của chướng ngại, không phải các thứ khác.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ là hữu lậu?

Đáp: Có chín xứ và phần ít của hai xứ. Chín xứ như trước đã nói (năm trong, bốn ngoài). Còn phần ít của hai xứ là xúc xứ và pháp xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc về hữu lậu, nhưng không phải tất cả đều là sắc được tạo ra. Nếu sắc được tạo ra cũng là hữu lậu, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Còn các pháp xứ không phải đều thuộc về hữu lậu, cũng không phải tất cả đều là sắc được tạo ra. Nếu sắc được tạo ra cũng là hữu lậu, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là vô lậu?

Đáp: Phần ít của một xứ, là pháp xứ. Không phải các pháp xứ đều thuộc vô lậu, cũng không phải tất cả là sắc được tạo ra. Nếu sắc được tạo ra cũng là vô lậu đó là thuộc câu hỏi này, không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ là hữu vi?

Đáp: Có chín xứ và phần ít của hai xứ. Chín xứ như trước đã nói. Còn phần ít của hai xứ là xúc xứ và pháp xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc về hữu vi nhưng không phải tất cả đều là sắc được tạo. Nếu sắc được tạo cũng là hữu vi, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Còn các pháp xứ không phải đều thuộc về hữu vi, cũng không phải tất cả đều là sắc được tạo. Nếu là sắc được tạo cũng là hữu vi, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Còn các pháp xứ đều không phải tùy thuộc hữu vi, cũng không phải tất cả đều là sắc được tạo. Nếu sắc được tạo cũng là hữu vi, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp: Không có, vì chúng đều là hữu vi.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ thuộc về quá khứ?

Đáp: Có phần ít của mười một xứ, nghĩa là trừ ý xứ. Tuy các nhãn xứ đều thuộc thứ được tạo ra, nhưng không phải tất cả đều ở quá khứ, vì có thứ ở đời vị lai và hiện tại. Nếu các thứ được tạo ra cũng là quá khứ thì thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Các xứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị cũng như thế. Không phải các xúc xứ đều thuộc thứ được tạo ra, cũng không phải đều tất cả ở quá khứ. Nếu các thứ được tạo ra cũng là quá khứ, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Pháp xứ cũng như thế.

Như nói về quá khứ, các thứ hiện tại, vị lai nói cũng như thế. Do có số như nhau.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ là thiện?

Đáp: Có phần ít của ba xứ, tức là sắc, thanh và pháp xứ. Tuy các sắc xứ đều thuộc được tạo ra nhưng không phải tất cả đều là tánh thiện. Nếu là thứ được tạo ra cũng có tánh thiện, thì đó thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Thanh xứ cũng như thế. Các pháp xứ không phải đều thuộc thứ được tạo ra, cũng không phải tất cả đều là tánh thiện. Nếu các thứ được tạo ra cũng là tánh thiện, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là bất thiện?

Đáp: Có phần ít của ba xứ, như trước đã nói.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Có bảy xứ và phần ít của ba xứ. Bảy xứ là năm xứ bên trong và hai xứ là hương và vị. Còn phần ít của ba xứ là sắc, thanh, xúc xứ. Tuy các sắc xứ đều thuộc thứ được tạo ra nhưng không phải tất cả đều là vô ký. Nếu các thứ được tạo ra cũng là vô ký thì đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Thanh xứ cũng như vậy. Tuy các xúc xứ đều thuộc vô ký nhưng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu vô ký cũng là được tạo ra, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ thuộc cõi dục?

Đáp: Có hai xứ và phần ít của chín xứ. Hai xứ là hương và vị, còn phần ít của chín xứ là năm xứ bên trong và các xứ sắc, thanh, xúc, pháp. Tuy các nhãn xứ đều thuộc thứ được tạo ra, nhưng không phải tất cả đều thuộc về cõi dục. Nếu các thứ được tạo ra cũng thuộc cõi dục, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Các xứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh cũng như thế. Các xúc xứ đều thuộc thứ được tạo ra, nhưng cũng không phải tất cả đều thuộc cõi dục. Nếu các thứ được tạo ra cũng thuộc cõi dục, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Pháp xứ cũng như thế.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ thuộc cõi sắc?

Đáp: Có phần ít của chín xứ, như trước đã nói.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ thuộc cõi vô sắc?

Đáp: Không có, vì cõi kia không có sắc.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ là học?

Đáp: Có phần ít của một xứ là pháp xứ. Không phải các pháp xứ đều thuộc về học, cũng không phải tất cả đều là thứ được tạo ra. Nếu là thứ được tạo ra cũng thuộc về học, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là vô học?

Đáp: Là phần ít của một xứ, như trước đã nói.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ là phi học phi vô học?

Đáp: Có chín xứ và phần ít của hai xứ. Chín xứ là năm xứ bên trong và bốn xứ bên ngoài. Còn phần ít của hai xứ là xúc xứ và pháp xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc về phi học phi vô học, nhưng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu phi học phi vô học cũng là được tạo ra, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Các pháp xứ không phải đều thuộc phi học phi vô học, cũng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu phi học phi vô học cũng là thứ được tạo ra, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn trừ?

Đáp: Không có. Tức không có các sắc do kiến đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn trừ?

Đáp: Có chín xứ và phần ít của hai xứ. Chín xứ tức như trước đã nói. Còn phần ít của hai xứ là xúc xứ và pháp xứ. Tuy các xúc xứ đều thuộc do tu đạo đoạn trừ, nhưng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu do tu đạo đoạn trừ cũng là thứ được tạo ra, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít. Các pháp xứ không phải đều do tu đạo đoạn trừ, nhưng cũng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu do tu đoạn trừ cũng là thứ được tạo ra, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ không đoạn trừ?

Đáp: Có phần ít của một xứ, là pháp xứ. Không phải các pháp xứ đều là không đoạn trừ, cũng không phải tất cả đều là được tạo ra. Nếu các thứ được tạo ra cũng là không đoạn trừ, đó là thuộc câu hỏi này không phải hỏi các điều khác, nên nói là phần ít.

Hỏi: Nếu thành tựu các đại chủng thì cũng thành tựu sắc được tạo ra chăng?

Đáp: Các trường hợp thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc được tạo ra. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ra nhưng không thành tựu đại chủng. Tức là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Những ai thành tựu các đại chủng và các sắc được tạo ra? Đó là tất cả hữu tình ở cõi dục và cõi sắc. Đây là nói chung, nếu nói riêng: Hoặc có hữu tình thành tựu nhiều đại chủng và nhiều sắc được tạo ra. Hoặc có hữu tình thành tựu ít đại chủng và ít sắc được tạo ra.

Thành tựu nhiều đại chủng và nhiều sắc được tạo ra: Như ở trong biển cả có các hữu tình thân hình rất lớn, từ một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm du-thiện-na. Hoặc như các vua A-tố-lạc Hạt-la-hô có được thân hình rất to lớn. Như nơi cõi sắc cứu cánh có thân hình lớn đến một vạn sáu ngàn du-thiện-na.

Thành tựu ít đại chủng và ít sắc được tạo ra: Như các thứ ruồi muỗi, các loài trùng ở trong nước v.v… cho đến các thứ rất nhỏ bé mắt người không nhìn thấy được.

Hỏi: Vì sao các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc chỉ thành tựu sắc được tạo ra, không thành tựu các đại chủng?

Đáp: Vì cõi ấy là không sắc. Lại, không thành tựu các đại chủng ở cõi khác, vì pháp hữu lậu vượt khỏi địa là bỏ, còn sắc được tạo ra thì không như thế, mà chung cả vô lậu, nên thành tựu ở địa khác. Không có bậc Thánh nào không thành tựu giới vô lậu. Thế nên bậc Thánh sinh ở cõi đó chỉ thành tựu sắc được tạo ra. Trong đó, hữu học thành tựu sắc tùy chuyển hữu học, vô học thành tựu sắc tùy chuyển vô học.

Hỏi: Nếu không thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc được tạo chăng?

Đáp: Các thứ không thành tựu sắc được tạo thì cũng không thành tựu đại chủng. Có thứ không thành tựu đại chủng cũng không phải là sắc được tạo. Tức là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Những ai không thành tựu sắc được tạo và các đại chủng?

Đáp: Đó là tất cả phàm phu sinh ở cõi vô sắc, vì cõi đó không có tất cả sắc. Lại không thành tựu sắc ở cõi dưới, nên các sắc hữu lậu sinh ở cõi trên bị mất, còn các sắc vô lậu thì chưa có được.

Hỏi: Thuận theo trường hợp trước không gồm thâu những gì nhưng lại thuận lập theo trường hợp sau?

Đáp: Thuận theo trường hợp trước chỉ gồm thâu tất cả hữu tình ở cõi dục và cõi sắc, cùng gồm thâu tất cả các bậc Thánh ở cõi vô sắc, nhưng chưa gồm thâu tất cả phàm phu ở cõi vô sắc, vì muốn gồm thâu phần ấy lại lập thuận theo trường hợp sau.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu đại chủng nhưng không thành tựu sắc thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai. Hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất. Vì loài này đang ở trong trứng hay phàm phu đang ở trong bào thai, đời trước đã có sắc biểu hiện và không biểu hiện. Do đã mất chỗ nương dựa là chúng đồng phần nên đã bỏ tất cả. Nay ở phần vị này chưa thể khởi được sự biểu hiện. Lại không có lý nhập định nên không thành tựu tất cả sắc thiện.

Hỏi: Vì sao ở phần vị này chưa thể khởi được các nghiệp có biểu hiện?

Đáp: Vì thân làm chỗ nương dựa quá yếu kém. Vì thân thể cần phải mạnh mẽ mới có thể khởi nghiệp có biểu hiện. Lại, ở phần vị này có tâm quá yếu kém. Vì tâm cần phải lớn mạnh mới có thể phát sinh nghiệp có biểu hiện. Lại, ở phần vị này tâm bên trong chuyển, cần có tâm bên ngoài chuyển biến mới có thể khởi nghiệp có biểu hiện. Lại, ở phần vị này lúc còn nằm trong trứng, trong bào thai bị nhiều thứ bức bách hãy còn không thể động được huống lại có thể khởi các nghiệp có biểu hiện. Nhưng cũng có những lúc bào thai động đậy, là do sức của gió, không phải do tâm gây nên, vì nghiệp có biểu hiện phải do sức của tâm mới có thể khởi được.

Hỏi: Vì sao ở phần vị này không có lý nhập định?

Đáp: Vì ở phần vị này, thân và tâm đều yếu kém, lại không có duyên với gia hạnh nhập định, nên khi được nhẫn, thì phàm phu này lúc chết sẽ bỏ nhẫn, như ở chương Nghiệp Uẩn trước đã quyết trạch rộng.

Về bốn loài nói rộng cũng như nơi chương Nghiệp Uẩn.

Nếu sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện: Tức là đang mê ngủ, say rượu, sầu muộn, và bỏ gia hạnh không cầu khởi nghiệp có biểu hiện.

Nếu như có mà mất: Nghĩa là do ba duyên nên mất. Đó là: a. Ý lạc dứt. b. Bỏ gia hạnh. c. Quá hạn định nơi thế mạnh. Đây cũng như nơi chương Nghiệp Uẩn đã nói rộng.

2. Có trường hợp thành tựu sắc thiện nhưng không thành tựu đại chủng. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc. Là bậc Thánh nên thành tựu các sắc thiện, vì sinh vào cõi vô sắc nên không thành tựu các đại chủng. Các bậc Thánh này là chung cả hữu học vô học. Nếu hữu học thì thành tựu sắc thiện hữu học, còn vô học thì thành tựu sắc thiện vô học.

3. Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Nếu các bậc Thánh sinh nơi cõi sắc, đang ở trong bào thai, nhất định thành tựu các nghiệp đạo hữu lậu, vô lậu không biểu hiện có sức rất mạnh.

Nếu sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi: Nghĩa là tùy chỗ ứng hợp trụ nơi ba thứ luật nghi, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi.

Hiện có thân ngữ biểu hiện thiện: Nghĩa là không ngủ mê, không say rượu, không sầu muộn, không bỏ gia hạnh, luôn cầu khởi nghiệp có biểu hiện.

Hoặc trước đã có không mất: Nghĩa là do ba duyên như trước đã nói. Nếu sinh vào cõi sắc thì người ấy nhất định thành tựu được luật nghi tĩnh lự.

4. Có trường hợp không thành tựu đại chủng cũng không thành tựu sắc thiện. Nghĩa là các phàm phu sinh vào cõi vô sắc. Vì sinh vào cõi vô sắc nên không thành tựu các đại chủng, do sắc thiện hữu lậu vượt khỏi cõi nên đã bỏ, còn sắc thiện vô lậu thì chưa được.

Hỏi: Nếu thành tựu các đại chủng thì cũng tạo thành sắc bất thiện chăng?

Đáp: Các thứ tạo thành sắc bất thiện thì người này nhất định thành tựu các đại chủng. Có trường hợp thành tựu đại chủng không phải là sắc bất thiện. Tức là đang ở trong trứng, đang nằm trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, lại không có thân ngữ có biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất. Hoặc sinh vào cõi dục. Nghĩa là nếu tạo thành sắc bất thiện, người này nhất định ở cõi dục, nếu không ở cõi dục thì không thành tựu các đại chủng, vì ở đó tất có thân. Do đấy nên được thuận lập thành trường hợp sau. Các lời đáp, các giải thích về câu, lời văn khác đều căn cứ theo trên, nên biết.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Các thứ thành tựu sắc hữu phú vô ký thì nhất định thành tựu các đại chủng. Nhưng có trường hợp thành tựu đại chủng không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, hoặc sinh ở cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký. Nghĩa là nếu thành tựu sắc hữu phú vô ký thì nhất định là ở cõi sắc. Vì không có ở cõi sắc mà không thành tựu đại chủng là vì có thân. Do đấy nên được thuận lập trường hợp sau. Không có sinh vào cõi dục khởi nghiệp biểu hiện hữu phú vô ký. Vì các nghiệp biểu hiện thiện và nhiễm ô đều nương vào thân của địa mình.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc vô phú vô ký chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Do thành tựu đại chủng tất cũng thành tựu thân căn. Nếu thành tựu thân căn tất thành tựu đại chủng. Tất cả hữu tình sinh ở cõi dục, cõi sắc đều thành tựu đại chủng cùng sắc vô phú vô ký, còn sinh vào cõi vô sắc thì cả hai đều không có.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện và bất thiện chăng?

Đáp:

1. Có trường hợp thành tựu đại chủng không phải là sắc thiện và bất thiện. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

2. Có trường hợp thành tựu đại chủng, cũng là sắc thiện nhưng không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Lại không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc có mà mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

3. Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng tạo thành sắc bất thiện không phải là sắc thiện. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

4. Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện và bất thiện. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất. Nếu trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, hoặc trước đã có không mất.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc thiện và bất thiện thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là thành tựu sắc thiện và bất thiện tất ở tại cõi dục. Vì ở tại cõi dục nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng không phải là sắc thiện, hữu phú vô ký. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc thiện nhưng không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc sinh vào cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc thiện, hữu phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là nếu thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký, tất ở tại cõi sắc. Vì ở cõi sắc nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc vô phú vô ký nhưng không phải là sắc thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc phàm phu đang nằm trong bào thai. Hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc thiện, vô phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang nằm trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc thiện, vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là nếu thành tựu sắc thiện, vô phú vô ký, tất ở cõi dục và cõi sắc. Vì ở tại cõi dục và cõi sắc nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc bất thiện, hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là nếu tạo thành sắc bất thiện, tất ở tại cõi dục. Thành tựu sắc hữu phú vô ký tất ở tại cõi sắc. Tức không có hữu tình cùng sinh ở hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc vô phú vô ký nhưng không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng hay trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng là sắc bất thiện, vô phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là nếu thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký, tất ở tại cõi dục, vì ở tại cõi dục nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký, vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc vô phú vô ký nhưng không phải là hữu phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, hoặc sinh nơi cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc hữu phú vô ký, vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là nếu thành tựu hai thứ sắc vô ký này, tất ở tại cõi sắc, vì ở tại cõi sắc nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, bất thiện, hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc thiện, bất thiện tất ở cõi dục, còn kẻ thành tựu sắc thiện và hữu phú vô ký tất ở cõi sắc. Một hữu tình không thể cùng sinh nơi hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, bất thiện, vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc vô phú vô ký, không phải là sắc thiện và bất thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc hàng phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, nếu như có mà mất.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện, vô phú vô ký, không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là các bậc Thánh đang nằm trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký, không phải là sắc thiện. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện, bất thiện, vô phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, hoặc trước đã có không mất.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc thiện, bất thiện, vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là người thành tựu ba thứ sắc ấy tất ở tại cõi dục, vì ở tại cõi dục nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc vô phú vô ký, không phải là sắc thiện, hữu phú vô ký. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi không luật nghi cùng không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện, vô phú vô ký, không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi sắc, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc sinh vào cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Có trường hợp thành tựu đại chủng cũng thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký. Nghĩa là sinh nơi cõi sắc, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký thì cũng thành tựu đại chủng chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là người thành tựu ba thứ sắc ấy tất ở cõi sắc, vì ở cõi sắc nên nhất định thành tựu đại chủng.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc bất thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký tất ở cõi dục, còn người thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký tất ở cõi sắc. Không có một hữu tình cùng sinh ở hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thì cũng thành tựu sắc thiện, bất thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc thiện, bất thiện, vô phú vô ký tất ở tại cõi dục. Còn người thành tựu sắc thiện, hữu phú vô ký, vô phú vô ký tất ở nơi cõi sắc. Không có một hữu tình cùng sinh nơi hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc bất thiện chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu sắc thiện không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh vào cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

2. Có trường hợp thành tựu sắc bất thiện không phải là sắc thiện. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

3. Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng thành tựu sắc bất thiện. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, hoặc trước đã có không mất.

4. Có trường hợp không thành tựu sắc thiện cũng không thành tựu sắc bất thiện. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Những người thành tựu sắc hữu phú vô ký thì nhất định thành tựu sắc thiện. Hoặc thành tựu sắc thiện không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh nơi cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký, hoặc các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc vô phú vô ký chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu sắc thiện không phải là sắc vô phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

2. Có trường hợp thành tựu sắc vô phú vô ký không phải là sắc thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

3. Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng là sắc vô phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi sắc, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

4. Có trường hợp không thành tựu sắc thiện cũng không thành tựu sắc vô phú vô ký. Nghĩa là các phàm phu sinh nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc bất thiện, hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc bất thiện tất ở tại cõi dục, còn người thành tựu sắc hữu phú vô ký tất ở tại cõi sắc. Không có một hữu tình cùng sinh nơi hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu sắc thiện không phải là sắc bất thiện, vô phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng là sắc vô phú vô ký nhưng không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh ở cõi sắc.

Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng là sắc bất thiện và vô phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện và bất thiện, hoặc trước đã có không mất.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký thì cũng thành tựu sắc thiện chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu, hoặc không thành tựu.

Thế nào là thành tựu? Tức là như trên đã nói.

Thế nào là không thành tựu? Tức là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, hoặc trước đã có không mất, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, nếu như có mà mất.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu sắc thiện không phải là thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng thành tựu sắc vô phú vô ký, nhưng không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện thiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh ở cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Có trường hợp thành tựu sắc thiện cũng là sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, hiện có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Nếu như thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký thì cũng thành tựu sắc thiện chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là người thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký tất ở nơi cõi sắc. Vì ở cõi sắc nên nhất định thành tựu sắc thiện.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc thiện thì cũng thành tựu sắc bất thiện, hữu phú vô ký và vô phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc bất thiện, vô phú vô ký tất ở nơi cõi dục, còn người thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô phú vô ký tất ở nơi cõi sắc. Không có một hữu tình cùng sinh nơi hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc bất thiện thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là người thành tựu sắc bất thiện tất ở nơi cõi dục, còn người thành tựu sắc hữu phú vô ký tất ở nơi cõi sắc. Không có một hữu tình cùng sinh nơi hai cõi.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc bất thiện thì cũng thành tựu sắc vô phú vô ký chăng?

Đáp: Những kẻ thành tựu sắc bất thiện thì nhất định thành tựu sắc vô phú vô ký. Có trường hợp thành tựu sắc vô phú vô ký không phải là sắc bất thiện. Nghĩa là đang ở trong trứng, hay ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi và không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có nghiệp thân ngữ biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh ở cõi sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc bất thiện thì cũng thành tựu sắc hữu phú vô ký và vô ký vô ký chăng?

Đáp: Không có. Như trên đã nói.

Hỏi: Nếu thành tựu sắc hữu phú vô ký thì cũng thành tựu sắc vô phú vô ký chăng?

Đáp: Các trường hợp thành tựu sắc hữu phú vô ký nhất định thành tựu sắc vô phú vô ký. Có trường hợp thành tựu sắc vô phú vô ký không phải là sắc hữu phú vô ký. Nghĩa là sinh ở cõi dục, hoặc sinh nơi cõi sắc, hiện không có nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký, như trên đã nói.

Tóm tắt chung nghĩa tức là bốn đại chủng, nếu sinh ở cõi dục và cõi sắc tất nhất định thành tựu, còn sinh ở cõi vô sắc thì nhất định không thành tựu. Sắc vô phú vô ký cũng như thế. Sắc thiện nếu sinh ở cõi sắc nhất định thành tựu, còn sinh ở cõi vô sắc, cõi dục thì hoặc thành tựu hoặc không thành tựu. Sắc bất thiện sinh ở cõi sắc và cõi vô sắc thì nhất định không thành tựu, sinh ở cõi dục thì hoặc thành tựu hoặc không thành tựu. Sắc hữu phú vô ký nếu sinh ở cõi dục, cõi vô sắc nhất định không thành tựu, còn sinh ở cõi sắc thì hoặc thành tựu hoặc không thành tựu.

HẾT – QUYỂN 128