LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 129

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ ĐẠI TẠO, phần 3

* Các thứ bốn đại chủng dựa vào định nào để diệt? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn hiển bày công đức to lớn của chư Phật khi xuất hiện ở đời. Như trong Luận Thi Thiết nói: Ở châu Thiệm bộ quanh bờ biển lớn có con đường của vua Chuyển Luân rộng đến một do-tuần. Khi các vua Chuyển Luân chưa ra đời, nước biển phủ ngập con đường nên không thể đi lại được. Nếu khi có Chuyển Luân Vương xuất thế, nước biển rút xuống một do-tuần, con đường ấy hiện ra, bằng phẳng, sạch sẽ, mặt đường được trải toàn cát vàng, nước hương chiên đàn tự nhiên tưới rải khắp, thấm đượm, thơm ngát. Mỗi khi muốn đi tuần tra châu này, vua Chuyển Luân dẫn theo bốn đạo quân vượt qua con đường ấy. Cũng như thế, khi chư Phật chưa xuất hiện ở đời, không có các địa căn bản để có thể nương vào đó đoạn trừ các phiền não. Đến khi Đức Phật là vị Đại Pháp luân vương gồm đủ mười lực xuất hiện ở đời, con đường địa căn bản bình đẳng thanh tịnh hiện ra, được trải toàn cát vàng giác phần, thấm đượm nước thơm của giới, định. Đức Phật cùng với vô số quyến thuộc nương nơi lối đi ấy tiến vào cung Niết-bàn vô úy.

Hỏi: Trong đây vì sao hiển bày khi Phật xuất hiện ở đời thì có công đức to lớn?

Đáp: Khi Đức Phật không xuất hiện ở đời, câu hỏi này hãy còn không có, huống là có thể trả lời.

Thuở trước, khi Đức Phật ngụ tại rừng Thệ Đa, thuộc thành Thất-la-phiệt, lúc ấy có Bí-sô tên là Mã thắng, là bậc A-la-hán, ở riêng một mình trong tĩnh thất, thầm nghĩ: Bốn đại chủng này ở xứ nào sẽ đoạn dứt hẳn? Vì muốn biết điều ấy, Bí-sô liền nhập đẳng trì thù thắng, rồi do tâm định, Bí-sô biến mất khỏi khu rừng Thệ Đa, xuất hiện nơi cõi trời Tứ Đại vương chúng, từ định khởi, Bí-sô Mã Thắng hỏi chúng trời kia: Ở xứ nào sẽ đoạn đứt hẳn bốn đại chủng? Chúng trời đáp: Chúng tôi cũng chẳng hiểu ở xứ nào thì dứt hẳn bốn đại chủng này. Song chúng tôi đang thờ kính trời Tứ Đại thiên vương, trí tuệ và oai đức đều tối thắng may ra hiểu rõ chăng, xin hãy đến hỏi thử.

Tôn giả liền đến chỗ vua trời Tứ vương trình câu hỏi trên, nhưng cũng được trả lời là không biết, rồi chỉ Tôn giả sang hỏi chúng trời Ba mươi ba, chúng trời ấy lại chỉ lên Đế thích, Đế thích lại chỉ lên chúng trời Dạ ma, chúng trời Dạ ma chỉ lên vị thiên tử Tô-dạ-ma, vị này lại chỉ sang chúng trời Đổ-sử-đa, chúng trời này chỉ lên vị thiên tử San-đổ-sử-đa, vị này lại chỉ sang chúng trời Lạc biến hóa, chúng trời này lại chỉ lên thiên tử Diệu biến hóa, vị này lại chỉ sang chúng trời Tha hóa tự tại, chúng trời này lại chỉ lên vị thiên tử Diệu tự tại, vị này lại chỉ sang chúng trời Phạm thiên.

Như Thế Tôn giả đi hỏi khắp các cõi trời ở Dục giới xong, nhưng cũng không biết được xứ nào dứt hết các đại chủng. Tôn giả lại muốn đến cõi trời Phạm thế nên liền nhập vào đẳng trì. Lại do tâm định nên biến mất nơi cung trời tự tại, xuất hiện tại cõi trời Phạm chúng, và từ định khởi, nêu câu hỏi như trên. Phạm chúng cùng bảo: Chúng tôi cũng không biết. Nay có Đại Phạm vương, là Phạm Đại Phạm, là bậc tạo tác biến hóa, là cha của tất cả tự tại sinh trưởng, đủ oai đức lớn không ai sánh kịp, không điều gì là không thấy không thấu tỏ, nhất định là biết rõ điều đó. Xin Tôn giả hãy đến hỏi xem. Tôn giả liền hỏi trụ xứ của Đại Phạm vương. Phạm chúng đều thưa: Chúng tôi cũng không biết rõ chỗ ở nhất định của Đại Phạm Thiên vương, chỉ khi nào muốn gặp thì tùy theo chỗ kêu cầu khẩn thiết, sẽ có một vầng sáng và từ đó ngài hiện ra.

Tôn giả Mã thắng liền phát tâm thành, cầu mong Đại Phạm Thiên vương hiện ra giữa đại chúng. Ngay lúc đó, Đại Phạm liền phóng ra ánh sáng lớn, tự hóa thành một đồng tử, đầu phân năm đảnh, dung mạo đoan nghiêm theo ánh sáng hiện rõ giữa Phạm chúng. Tôn giả Mã thắng liền tiến đến và hỏi: Thưa Đại Tiên! Bốn đại chủng ở nơi xứ nào sẽ được dứt hẳn? Bấy giờ, Phạm vương không thấu rõ nhưng bịa lời nói: Bí-sô nên biết! Ta là Đại Phạm, là bậc tự tại, tạo ra, hóa ra, sinh ra, nuôi lớn tất cả, là cha của muôn loài v.v… Đây là lời nói khoe khoang dối trá do ngữ nghiệp phát sinh, nên Tôn giả liền thưa: Tôi không nói nhân giả là Phạm hay không phải là Phạm, tôi chỉ muốn hỏi các đại chủng từ xứ nào diệt vĩnh viễn?

Bấy giờ, Đại Phạm nhận biết đối với Bí-sô này không thể dùng lời lẽ bịa đặt để đáp được, nên liền nắm tay Tôn giả dắt ra khỏi Phạm chúng. Đây là hành động dua nịnh lừa lối do thân nghiệp phát sinh. Ra khỏi Phạm chúng Đại Phạm liền tạ tội với Tôn giả: Thật tình tôi không biết rõ đại chủng diệt ở xứ nào, nhưng vì cả Phạm chúng đều cho tôi là đấng tự tại tạo tác không điều gì là không thấu suốt. Nếu ở giữa Phạm chúng tôi nói không biết, thì cả Phạm chúng sẽ xem thường tôi ngay. Còn Tôn giả cũng tự có lỗi là ở bên cạnh Đức Như Lai lại bỏ đi nhọc công xa xôi để thưa hỏi điều không ai có thể thông đạt! Vậy xin mau trở về chỗ Đức Phật để thỉnh vấn theo như lời Phật dạy mà tin thọ trị.

Tôn giả Mã Thắng nghe Phạm Vương nói đến Đức Phật thì hết sức hoan hỷ bèn từ tạ lui gót. Tôn giả lại nhập đẳng trì, tức do tâm định biến khỏi cõi Phạm thế phút chốc hiện ra nơi rừng Thệ Đa, từ định khởi, sửa lại y phục nghiêm chỉnh, rồi đi đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ và thưa hỏi bốn đại chủng này nơi xứ nào thì vĩnh viễn diệt. Khi đó, Đức Thế Tôn đã vì Tôn giả Mã Thắng nêu dụ về loài chim không nhìn thấy bến bờ rồi bảo Tôn giả cũng như vậy, đã đến tận Phạm cung thưa hỏi khắp, chẳng đạt được biên vực mới trở lại nơi này, giống như chim kia không thấy được bến bờ. Nhưng câu hỏi của Tôn giả không hợp lẽ nên tùy theo đấy mà đáp cũng đáp trái lý. Tôn giả muốn hỏi nên hỏi như vầy:

Bốn đại tạo ngắn dài

Tế thô tịnh không tịnh

Ở xứ nào dứt hẳn?

Gọi sắc diệt trọn vẹn.

Tùy thuận câu hỏi ấy, nên đáp như vầy:

Thức vô biên chẳng thấy

Tánh rộng lớn hiện khắp

Lại rộng lớn hoàn toàn

Lấn át rộng lớn này.

Bốn đại tạo ngắn dài

Tế thô tịnh không tịnh

Ở xứ nào dứt hẳn?

Gọi sắc diệt trọn vẹn.

Có thuyết nói: Trong đây Đức Phật nói về Thánh đạo, Đức Thế Tôn dùng tiếng thức để chỉ cho điều ấy.

Có thuyết cho: Trong đây Đức Phật nói về Niết bàn, do nói về thức vô biên không thấy. Nếu không có Đức Phật xuất hiện ở đời để thuyết giảng chánh pháp thì tuy là Phạm vương cũng chỉ là kẻ nhiều ngu tối mê lầm. Nếu Đức Phật xuất hiện ở đời giảng nói chánh pháp thì một Sa-di (Cần sách) tám tuổi cũng có thể hiểu rõ. Giả như có người đến hỏi vị trưởng lão có biết chăng các thứ bốn đại chủng ở nơi xứ nào vĩnh viễn diệt. Vị này nên trì tụng đại chủng uẩn tức nói: Dựa vào bốn định hoặc dựa vào vị chí diệt. Thế gian nếu không có Phật thì những điều ấy tức không có. Thế nên nói Đức Phật xuất hiện ở đời có công đức lớn.

Hỏi: Các thứ bốn đại chủng và sắc được tạo dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào bốn định, hoặc dựa vào vị chí diệt. Định hoặc gọi là đạo, hoặc gọi là hành tích, hoặc gọi là đối trị, hoặc gọi là tác ý, nghĩa không sai biệt. Diệt hoặc gọi là đoạn, hoặc gọi là lìa nhiễm, hoặc gọi là dứt hết, hoặc gọi là lìa trói buộc, nghĩa cũng không khác.

Xưa, nơi bộ này có hai vị Luận sư, một tên là Thời-tỳ-la, vị kia tên là Cù-sa-phạt-ma.

Tôn giả Thời-tỳ-la nói: Ở đây chỉ nói đoạn dứt vĩnh viễn, đoạn dứt rốt ráo, đoạn dứt không còn theo buộc, đoạn dứt không còn phần ít, đoạn dứt không còn ảnh tượng. Nói bậc Thánh đoạn dứt không phải hàng phàm phu đoạn dứt. Nói tác dụng của Thánh đạo không phải là tác dụng của đạo thế tục. Vì sao? Vì dựa vào kinh Thất Y để lập phần Luận này. Kinh ấy chỉ nói về địa căn bản không có phàm phu. Hoặc các bậc Thánh dựa vào địa căn bản khởi đạo thế tục có thể lìa nhiễm.

Tôn giả Cù-sa-phạt-ma nói: Ở đây chỉ nói đoạn dứt vĩnh viễn, đoạn dứt rốt ráo, đoạn dứt không còn theo buộc, đoạn dứt không còn phần ít, đoạn dứt không còn ảnh tượng. Đây là nói đúng lý, các thứ khác thì không như thế. Vì sao? Vì ở đây là nói chung cả các bậc Thánh đạo đoạn trừ cùng phàm phu đoạn trừ, là tác dụng của Thánh đạo cùng tác dụng của đạo thế tục.

Hỏi: Dựa vào kinh Thất Y để lập phần Luận này, kinh ấy chỉ nói các địa căn bản không có phàm phu, hoặc các bậc Thánh dựa vào địa căn bản để khởi đạo thế tục có thể lìa nhiễm vì sao cho là nói chung?

Đáp: Do đấy nên nói A-tỳ-đạt-ma là gương soi, là ngọn đèn, là ánh sáng của các kinh. Trong các Khế kinh chưa tuyên thuyết thì ở đây tuyên thuyết, điều nào chưa chỉ rõ thì ở đây chỉ rõ. Kinh nói chưa trọn vẹn thì ở đây nói đầy đủ. Kinh nói ý có khác, ở đây nói ý không khác. Trong A-tỳ-đạt-ma nêu bày phần nhiều là tận lý. Do đó hai cách nói của Kinh, Luận đều khéo thông suốt.

Các đại chủng và sắc được tạo dựa vào bốn định diệt: Nghĩa là dựa vào bốn tĩnh lự.

Dựa vào vị chí diệt: Nghĩa là dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ. Trong đây, cận phần của tĩnh lự và vô sắc, tĩnh lự trung gian đều gọi là vị chí cùng chưa có thể nhập địa căn bản thù thắng nhưng có thể hiện tiền để đoạn trừ các phiền não.

Hỏi: Khế kinh chỉ nói dựa vào căn bản vì sao trong đây nói dựa vào vị chí?

Đáp: Có thuyết nêu: Trong đây nên nói dựa vào bốn định, hoặc vị chí diệt, không nên nói dựa vào vị chí. Nhưng nói dựa vào là có ý gì? Văn này lại nói là địa căn bản.

Dựa vào bốn định: Là nói bốn thứ dựa nơi định.

Dựa vào vị chí: Là nêu các chỗ dựa và hiển bày các thứ vị chí, không phải nói vị chí này làm chỗ dựa. Như nói vào thành, chưa vào thành, tuy là lập lại tiếng thành nhưng không có sự việc của thành khác. Đây cũng như thế.

Có Sư khác biện: Ở đây nói tiếng dựa là nói chung về các định, không phải chỉ là căn bản, đều có thể cùng với đạo làm chỗ nương dựa. Nhưng bảy thứ nương dựa nơi định là căn cứ vào chỗ hơn để nói, là các đại chủng và sắc được tạo hệ thuộc nơi năm địa, là cõi dục và bốn tĩnh lự. Thế nên khi lìa hết nhiễm của tĩnh lự thứ tư mới là đoạn trừ rốt ráo. Song khi lìa nhiễm đó hoặc dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất, hoặc dựa vào bốn tĩnh lự, hoặc dựa vào tĩnh lự trung gian, hoặc dựa vào cận phần của Không vô biên xứ. Nếu khi dựa vào cận phần của Không vô biên xứ để lìa các nhiễm ấy thì chung cho bậc Thánh và phàm phu, và chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo. Nếu khi dựa vào các địa khác để lìa các nhiễm kia thì chỉ bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục.

Trong đây nói diệt trừ rốt ráo các đại chủng và sắc được tạo, nghĩa là hệ thuộc tĩnh lự thứ tư nên nói dựa vào bốn định hoặc dựa vào vị chí diệt. Nếu các đại chủng và sắc được tạo hệ thuộc cõi dục, chỉ nên nói là dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Khi các đại chủng và sắc được tạo hệ thuộc tĩnh lự thứ nhất, nên nói là dựa vào định thứ nhất hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian và cận phần của hai tĩnh lự đầu diệt. Các đại chủng và sắc được tạo hệ thuộc tĩnh lự thứ hai, nên nói là dựa vào hai định hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào hai tĩnh lự đầu, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba diệt. Các đại chủng và sắc được tạo hệ thuộc tĩnh lự thứ ba, nên nói là dựa vào ba định hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào ba tĩnh lự trước, tĩnh lự trung gian và cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ tư diệt.

Nên biết trong đây các thứ dựa vào ba tĩnh lự trước và tĩnh lự trung gian diệt, chỉ là bậc Thánh không phải là các phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt là chung cho các bậc Thánh và phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của ba tĩnh lự còn lại diệt là chung cho bậc Thánh và hàng phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo, vì cận phần của bảy thứ trên không có Thánh đạo.

Hỏi: Các tầm tứ và xúc có đối dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào định thứ nhất, hoặc dựa vào vị chí diệt.

Dựa vào định thứ nhất diệt: Tức là dựa vào tĩnh lự thứ nhất.

Dựa vào vị chí diệt: Tức là dựa vào cận phần của hai tĩnh lự đầu và tĩnh lự trung gian.

Các tầm tứ và xúc có đối thuộc về hai địa, nghĩa là cõi dục và tĩnh lự thứ nhất. Thế nên khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất mới là đoạn trừ rốt ráo. Nhưng khi lìa nhiễm ấy hoặc dựa vào tĩnh lự thứ nhất, hoặc dựa vào tĩnh lự trung gian, hoặc dựa vào cận phần của hai tĩnh lự đầu.

Nếu khi dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ hai để lìa nhiễm ấy là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo. Nếu khi dựa vào địa khác để lìa nhiễm ấy thì chỉ bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục.

Trong đây nói diệt trừ rốt ráo các tầm tứ và xúc có đối, nghĩa là thuộc về tĩnh lự thứ nhất, nên nói là dựa vào định thứ nhất, hoặc dựa vào vị chí diệt. Nếu các tầm tứ và xúc có đối hệ thuộc cõi dục, thì chỉ nên nói là dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Đây là chung cho bậc Thánh cùng phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục.

Hỏi: Lạc căn thì dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào ba định, hoặc dựa vào vị chí diệt.

Dựa vào ba định: Nghĩa là dựa vào ba tĩnh lự trước.

Dựa vào vị chí diệt: Nghĩa là dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ tư.

Lạc căn thuộc về ba địa, nghĩa là cõi dục, tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba. Thế nên khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba mới là đoạn trừ rốt ráo. Nhưng khi lìa nhiễm ấy, hoặc dựa vào ba tĩnh lự trước, hoặc dựa vào tĩnh lự trung gian, hoặc dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ tư.

Nếu khi dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ tư để lìa nhiễm ấy thì chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo. Nếu khi dựa vào các địa khác để lìa nhiễm ấy, thì chỉ là bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục.

Trong đây nói diệt trừ rốt ráo lạc căn, nghĩa là lạc căn thuộc về tĩnh lự thứ ba, nên nói dựa vào ba định, hoặc dựa vào vị chí diệt. Nếu lạc căn hệ thuộc cõi dục thì chỉ nên nói là dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Lạc căn hệ thuộc tĩnh lự thứ nhất, nên nói là dựa vào định thứ nhất, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian và cận phần của hai tĩnh lự đầu diệt.

Trong đây các thứ dựa vào tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự trung gian diệt chỉ là bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt, là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục. Dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt, là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo.

Hỏi: Hỷ căn dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào hai định hoặc dựa vào vị chí diệt.

Dựa vào hai định diệt: Nghĩa là dựa vào hai tĩnh lự đầu.

Dựa vào vị chí diệt: Nghĩa là dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian và cận phần của tĩnh lự thứ ba.

Hỷ căn thuộc về ba địa, tức là cõi dục và hai tĩnh lự đầu. Thế nên khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai mới là đoạn trừ rốt ráo. Nhưng khi lìa nhiễm ấy, hoặc dựa vào hai tĩnh lự đầu, hoặc dựa vào tĩnh lự trung gian, hoặc dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba.

Nếu khi dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ ba để lìa nhiễm ấy là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo. Nếu khi dựa vào các địa khác để lìa nhiễm ấy, thì chỉ là bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục.

Trong đây nói diệt trừ rốt ráo hỷ căn, tức là hỷ căn hệ thuộc tĩnh lự thứ hai nên nói dựa vào hai định, hoặc dựa vào vị chí diệt. Nếu hỷ căn thuộc cõi dục, chỉ nên nói là dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Nếu hỷ căn hệ thuộc cõi dục, thì chỉ nên nói dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Nếu hỷ căn hệ thuộc tĩnh lự thứ nhất, nên nói dựa vào định thứ nhất, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian và cận phần của hai tĩnh lự đầu diệt.

Trong đây các thứ dựa vào tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian diệt chỉ là các bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt, là chung cho bậc Thánh và phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục. Dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo.

Hỏi: Khổ căn, ưu căn và đoạn thực dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào vị chí diệt. Tức là cận phần của tĩnh lự thứ nhất, do khổ căn v.v… chỉ hệ thuộc cõi dục, thế nên khi lìa nhiễm ở cõi ấy tức đoạn trừ rốt ráo. Nhưng khi lìa nhiễm ấy, chỉ dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất. Đây là chung cho cả bậc Thánh và phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục.

Hỏi: Xả căn, xúc tư, thức thực dựa vào định nào diệt?

Đáp: Dựa vào bảy định, hoặc dựa vào vị chí diệt.

Dựa vào bảy định diệt: Nghĩa là dựa vào bốn tĩnh lự và ba vô sắc trước.

Dựa vào vị chí diệt: Nghĩa là dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự trung gian.

Xả căn v.v… này hệ thuộc chín địa, nghĩa là từ cõi dục cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Thế nên khi lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ mới là đoạn trừ rốt ráo. Nhưng khi lìa nhiễm ấy, hoặc dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất, hoặc dựa vào tĩnh lự trung gian, hoặc dựa vào bốn tĩnh lự, hoặc dựa vào ba vô sắc trước. Đây chỉ là bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục.

Trong đây, nói xả căn và ba cách ăn được diệt trừ rốt ráo, nghĩa là chúng hệ thuộc nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nên nói dựa vào bảy định, hoặc dựa vào vị chí diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc cõi dục, thì chỉ nên nói dựa vào vị chí diệt, dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc tĩnh lự thứ nhất, nên nói là dựa vào định thứ nhất, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian và cận phần của hai tĩnh lự đầu diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc tĩnh lự thứ hai, nên nói là dựa vào hai định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào hai thứ tĩnh lự đầu, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc tĩnh lự thứ ba, nên nói là dựa vào ba định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào ba tĩnh lự đầu, tĩnh lự trung gian và cận phần của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ tư diệt.

Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc tĩnh lự thứ tư, nên nói là dựa vào bốn định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào bốn tĩnh lự, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất, cận phần của Không vô biên xứ diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc Không vô biên xứ, nên nói là dựa vào năm định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào bốn tĩnh lự, Không vô biên xứ, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất, cận phần của Thức vô biên xứ diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc Thức vô biên xứ, nên nói là dựa vào sáu định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào bốn tĩnh lự, hai vô sắc trước, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất, cận phần của Vô sở hữu xứ diệt. Nếu xả căn và ba cách ăn hệ thuộc sở hữu xứ, nên nói là dựa vào bảy định, hoặc dựa vào vị chí diệt, dựa vào bốn tĩnh lự, ba vô sắc trước, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ nhất, cận phần của Phi tưởng phi phi tưởng xứ diệt.

Trong đây, các thứ dựa vào bảy định và tĩnh lự trung gian diệt, chỉ là bậc Thánh không phải là phàm phu, chỉ là Thánh đạo không phải là đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của tĩnh lự thứ nhất diệt, là chung cho bậc Thánh và phàm phu, chung cho Thánh đạo và đạo thế tục. Các thứ dựa vào cận phần của bảy địa trên diệt, là chung cho bậc Thánh và phàm phu, chỉ là đạo thế tục không phải là Thánh đạo.

Hỏi: Các thứ bốn đại chủng và sắc được tạo đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả A-la-hán, hoặc không trụ vào đâu.

Trụ vào quả A-la-hán: Nghĩa là các đại chủng và sắc được tạo của Bổ-đặc-già-la ấy đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp là trụ vào quả vô học.

Hoặc không trụ vào đâu: Nghĩa là các đại chủng và sắc được tạo của Bổ-đặc-già-la kia đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng vẫn chưa trụ vào quả nào. Tức là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc và trước khi lìa nhiễm ấy đã nhập chánh tánh ly sanh, trụ nơi mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo. Hoặc lần lượt lìa các nhiễm của tĩnh lự thứ tư và đạo giải thoát sau cùng, lìa nhiễm của Không vô biên xứ. Các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, nên biết cũng như thế.

Khi lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát, các Bổ-đặc-già-la trụ nơi các phần vị này, có các đại chủng và sắc được tạo đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đối với bốn quả Sa-môn cũng chưa trụ.

Hỏi: Trước khi lìa nhiễm nơi cõi sắc, nhập và chánh tánh ly sanh và khi được đạo loại trí, các đại chủng và các sắc được tạo đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, Bổ-đặc-già-la ấy trụ vào quả Bất hoàn, vì sao ở đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Vì trong đây căn cứ vào chỗ lần lượt để nói. Nghĩa là nói về người còn đủ ràng buộc nhập chánh tánh ly sanh, không phải là các vị đã vượt quá, thế nên không nói.

Hỏi: Tầm tứ và xúc có đối đã đoạn trừ, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả A-la-hán, hoặc không trụ vào đâu.

Trụ vào quả A-la-hán: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có các tầm tứ và xúc có đối đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp là trụ vào quả vô học.

Hoặc không trụ vào đâu: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có tầm tứ và xúc có đối đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng chưa trụ vào quả nào. Tức là các phàm phu đã lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất, hoặc trước khi lìa nhiễm ấy đã nhập chánh tánh ly sanh, trụ nơi mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo. Nếu là lần lượt thì lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, đạo giải thoát sau cùng, lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai. Các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ nên biết cũng như thế.

Khi đã lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát, các Bổ-đặc-già-la trụ nơi các phần vị này có tầm tứ và xúc có đối đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đối với bốn quả Sa-môn vẫn chưa trụ.

Hỏi: Trước khi lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất, nhập chánh tánh ly sanh, khi đã được đạo loại trí, tầm tứ và xúc có đối đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, Bổ-đặc-già-la này trụ nơi quả Bất hoàn, vì sao trong đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Trong đây là căn cứ vào chỗ lần lượt để nói, nói rộng như trước.

Hỏi: Lạc căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả A-la-hán, hoặc không trụ vào đâu.

Trụ vào quả A-la-hán: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có lạc căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp là trụ vào quả vô học.

Hoặc không trụ vào đâu: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có lạc căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, cũng chưa trụ vào quả nào. Tức các phàm phu đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, hoặc trước khi lìa nhiễm ấy đã nhập chánh tánh ly sanh, trụ nơi mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo. Nếu là lần lượt thì lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba và đạo giải thoát sau cùng, lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ tư. Các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, nên biết cũng như thế.

Khi lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát, các Bổ-đặc-già-la trụ nơi các phần vị này có lạc căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đối với bốn quả Sa-môn vẫn chưa trụ.

Hỏi: Trước khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ ba, nhập chánh tánh ly sanh, lúc đã được đạo loại trí, bấy giờ lạc căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, Bổ-đặc-già-la này trụ nơi quả Bất hoàn, vì sao trong đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Trong đây là căn cứ vào chỗ lần lượt để nói, nói rộng như trước.

Hỏi: Hỷ căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả A-la-hán, hoặc không trụ vào đâu.

Trụ vào quả A-la-hán: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có hỷ căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp là trụ vào quả vô học.

Không trụ vào đâu: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có hỷ căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, vẫn chưa trụ vào quả nào. Tức là các phàm phu đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, hoặc trước khi lìa nhiễm ấy đã nhập chánh tánh ly sanh, trụ nơi mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo. Nếu là lần lượt thì lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai và đạo giải thoát sau cùng, lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba. Các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ nên biết cũng như thế.

Khi lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát, Bổ-đặc-già-la trụ nơi các phần vị ấy có hỷ căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đối với bốn quả Samôn vẫn chưa trụ.

Hỏi: Trước khi lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ hai, nhập chánh tánh ly sanh, khi có được đạo loại trí, lúc đó hỷ căn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, Bổ-đặc-già-la ấy đã trụ vào quả Bất hoàn, vì sao ở đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Trong đây là căn cứ vào chỗ lần lượt để nói, nói rộng như trước.

Hỏi: Khổ căn, ưu căn và đoạn thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả Bất hoàn, hoặc trụ vào quả A-la-hán, hoặc không trụ vào đâu.

Trụ vào quả Bất hoàn: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có ba thứ như khổ căn v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp và trụ vào quả hữu học thứ ba.

Trụ vào quả A-la-hán: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có ba thứ như khổ căn v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp và trụ vào quả vô học.

Không trụ vào đâu: Nghĩa là Bổ-đặc-già-la ấy có ba thứ như khổ căn v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp nhưng chưa trụ vào quả nào. Tức là hàng phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, hoặc trước khi lìa nhiễm ấy đã nhập chánh tánh ly sanh, trụ nơi mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, Bổ-đặc-già-la trụ nơi các phần vị này có ba thứ như khổ căn v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đối với bốn quả Sa-môn vẫn chưa trụ.

Trong đây, không nói các phần vị lần lượt gọi là không trụ vào đâu. Vì khi lìa nhiễm nơi cõi dục, đạo vô gián sau cùng được sinh. Bấy giờ, ba thứ như khổ căn v.v… đã được đoạn dứt rốt ráo, khi được đạo giải thoát sau cùng thì Bổ-đặc-già-la này tất trụ vào quả Bất hoàn.

Hỏi: Xả căn và ba cách ăn: Xúc, ý tư, thức đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói là trụ vào quả nào?

Đáp: Trụ vào quả A-la-hán. Trong đây, không nói hoặc không trụ vào đâu là vì khi lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạo vô gián sau cùng được sinh. Lúc đó, xả căn và ba cách ăn đã được đoạn dứt rốt ráo, khi có đạo giải thoát sau cùng thì Bổ-đặc-già-la này tất trụ vào quả A-la-hán. Có Sư khác đã giải thích sự việc này theo ý riêng. Tức là ý này hỏi: Khi bốn đại chủng v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nên nói chúng thuộc về quả nào? Do đó không nói bốn đại chủng v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, Trụ vào quả Bất hoàn, trước là lìa nhiễm sắc, sau là nhập chánh tánh ly sanh, khi được đạo loại trí, tuy được quả Bất hoàn, nhưng người này vì đã lìa hết mọi ràng buộc nên không thuộc vào quả Bất hoàn, vì quả Bất hoàn chỉ gồm thâu việc đoạn trừ quả do kiến đạo đoạn trừ và ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ.

Lời bình: Thuyết đầu là đúng. Vì sao? Vì trong đây chỉ hỏi Bổ-đặc-già-la có bốn đại chủng v.v… đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp được trụ vào quả nào, không hỏi do quả nào gồm thâu.

***

* Trong Khế kinh nói về ăn có bốn cách: 1. Đoạn thực (Ăn bằng từng phần). 2. Xúc thực (Ăn bằng cách chạm xúc). 3. Ý tư thục (Ăn bằng cách nghĩ tưởng). 4. Thức thực (Ăn bằng cách nhận biết).

Thế nào là đoạn thực? Nghĩa là do từng phần đoạn thô tế làm duyên để nuôi lớn các căn, tăng trưởng đại chủng.

Thế nào là xúc thực, ý tư thực, thức thực? Nghĩa là các xúc, ý tư, thức hữu lậu làm duyên để nuôi lớn các căn, tăng trưởng đại chủng.

Trong đây nói: Nuôi lớn các căn: Tức chỉ rõ về nuôi lớn các pháp. Tăng trưởng đại chủng: Tức là chỉ rõ về dị thục nơi các pháp.

Hỏi: Các căn cũng có thể tăng trưởng, có dị thục. Các đại chủng cũng có thể nuôi lớn, cũng có nuôi lớn. Vì sao trong đây chỉ nói như thế?

Đáp: Các căn và đại chủng đều nên nói có hai thứ như thế, nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì muốn dùng các thứ văn, các cách nêu bày khác nhau để tô điểm cho nghĩa khiến dễ lãnh hội.

Lại nữa, muốn nêu rõ hai môn, hai thềm bậc, hai sách lược, hai nguồn sáng, hai ngọn đuốc, hai hình ảnh, hai ánh sáng v.v… hỗ tương hiển bày. Như đối với căn nói nuôi lớn thì đối với đại chủng cũng nên như thế. Như đối với đại chủng nói tăng trưởng, thì đối với căn cũng nên như thế. Do hai môn này hỗ tương bổ sung, nên các điều nói ra thì lý thông, lời gọn, nghĩa sáng.

Hỏi: Như nói về sự nuôi lớn và giúp ích thì pháp nuôi lớn giúp ích có nuôi lớn giúp ích hay pháp nuôi lớn giúp ích không nuôi lớn giúp ích? Nếu pháp nuôi lớn giúp ích có nuôi lớn giúp ích thì pháp ấy cần gì phải nuôi lớn giúp ích. Còn pháp nuôi lớn giúp ích không nuôi lớn giúp ích thì pháp ấy đâu cần phải nuôi lớn giúp ích?

Đáp: Không phải đối với pháp nuôi lớn tăng trưởng có nuôi lớn tăng trưởng, cũng không phải đối với pháp không nuôi lớn tăng trưởng có nuôi lớn tăng trưởng, nhưng là nơi hai pháp đó, trước khi trụ nơi vị lai, nếu gặp duyên nuôi lớn tăng trưởng thì pháp không nuôi lớn tăng trưởng diệt, pháp nuôi lớn tăng trưởng sinh. Nếu gặp duyên không nuôi lớn tăng trưởng thì pháp nuôi lớn tăng trưởng diệt, pháp không nuôi lớn tăng trưởng sinh. Tuy không chuyển tạo nhưng nghĩa cùng lập.

Hỏi: Từng có các xúc, tư, thức hữu lậu làm duyên để nuôi lớn các căn, tăng trưởng đại chủng mà không phải là ăn chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là các xúc, tư, thức ở cõi khác có thể nuôi lớn tăng trưởng các căn và đại chủng.

Hỏi: Từng có xúc, tư, thức cùng cõi làm duyên để nuôi lớn các căn, tăng trưởng đại chủng mà không phải là ăn chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là các xúc, tư, thức ở địa khác có thể nuôi lớn tăng trưởng các căn và đại chủng.

Hỏi: Từng có xúc, tư, thức cùng địa làm duyên để nuôi lớn các căn, tăng trưởng đại chủng mà không phải là ăn chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là các xúc, tư, thức vô lậu có thể nuôi lớn tăng trưởng các căn và đại chủng.

Hỏi: Vì sao vô lậu không lập ra việc ăn uống?

Đáp: Các pháp vô lậu không có tướng ăn.

Lại, pháp hiện tiền làm tăng trưởng các hữu, có thâu nhận các hữu, trụ giữ các hữu, nên có thể nói là ăn. Các pháp vô lậu thì luôn làm tổn giảm, trái bỏ hủy hoại các hữu, nên không nói là ăn.

Lại, pháp hiện tiền nối tiếp các hữu, nối tiếp già chết, có thể khiến sinh tử luân chuyển không cùng, nên có thể nói là ăn. Các pháp vô lậu thì đoạn dứt các hữu, đoạn dứt già chết, có thể khiến sinh tử không còn luân chuyển nữa, nên không nói là ăn.

Lại, pháp hiện tiền thuận theo khổ tập, thuận theo già chết, có thể khiến sinh tử nơi các hữu thế gian lưu chuyển không dứt, nên có thể nói là ăn. Các pháp vô lậu thì thuận theo diệt khổ tập, thuận theo diệt già chết, có thể khiến sinh tử nơi các hữu thế gian không còn lưu chuyển, nên không nói là ăn.

Lại, pháp hiện tiền là sự việc thân kiến, là sự việc điên đảo, là sự việc tham ái, là sự việc tùy miên, là xứ an lập của tham sân si, có cấu có độc, có uế có đục, có gai có oán, thuộc về các hữu, rơi vào các đế khổ tập, nên có thể nói là ăn. Các pháp vô lậu không phải là sự việc thân kiến, không phải là sự việc điên đảo, không phải là sự việc tham ái, không phải là sự việc tùy miên, không phải là nơi chốn an lập của tham sân si, không cấu không độc, không uế không đục, không gai không oán, không thuộc về các hữu, không rơi vào các đế khổ tập, nên không gọi là ăn.

Lại, pháp vô lậu không thể nuôi lớn rốt ráo các hữu, tuy tạm thời có nuôi lớn nhưng không phải là cứu cánh, nên không gọi là ăn.

Tôn giả Diệu Âm nói: Pháp vô lậu không nuôi lớn các hữu, tuy tạm thời có nuôi lớn nhưng không phải là cứu cánh, hoàn toàn trái với hữu, nên không nói là ăn. Phàm nói là ăn thì đều có thể nuôi lớn.

Hỏi: Thể của ăn là gì?

Đáp: Đó là mười sáu sự việc. Trong ấy có mười ba sự việc là thể của đoạn thực, tức là mười một xúc và hai xứ hương, vị. Còn ba thứ xúc, tư, thức là thể của các thứ ăn kia.

Nói về uẩn, giới, xứ gồm thâu là do mười một giới, năm xứ, phần ít của ba uẩn gồm thâu.

Mười một giới: Là bảy giới của tâm và bốn giới hương, vị, xúc, pháp.

Năm xứ: Là các xứ hương, vị, xúc, ý, pháp.

Ba uẩn: Là uẩn sắc, hành, thức.

Đó là tự thể ngã vật tánh tướng của bốn thứ ăn.

Đã nói về tự tánh, nay sẽ nói về lý do.

Hỏi: Vì sao gọi là ăn? Ăn có nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa lôi dắt hữu là nghĩa của ăn. Nghĩa nối tiếp hữu là nghĩa của ăn. Nghĩa duy trì hữu là nghĩa của ăn. Nghĩa sinh khởi hữu là nghĩa của ăn. Nghĩa nuôi dưỡng hữu là nghĩa của ăn. Nghĩa tăng trưởng hữu là nghĩa của ăn. Bốn thứ ăn ấy đối với hữu có thể lôi dắt, cho đến có thể tăng trưởng, nên gọi là ăn.

Hỏi: Nếu lôi dắt hữu, cho đến tăng trưởng hữu là nghĩa của ăn, thì các pháp hữu lậu đều nên gọi là ăn, vì sao chỉ nói có bốn thứ này?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới thấu suốt rốt ráo về tánh tướng của các pháp, cũng nhận biết rõ về thế dụng, không phải kẻ khác có thể nhận biết được. Nếu pháp có tướng và tác dụng của ăn, có thể lập làm ăn thì liền lập, nếu không có thì không lập.

Tôn giả Thế Hữu cho: Đây là Đức Thế Tôn nêu giảng chưa trọn vẹn, là nói tóm lược, hoặc nói có hình ảnh, hoặc nói có quán đãi (quán xét đối đãi). Đức Phật quán sát những người được giáo hóa rồi thích nghi theo đó để giảng nói giáo pháp.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đức Phật nhận biết bốn thứ này có thể tướng và tác dụng lôi dắt hữu, nối tiếp hữu, duy trì hữu, sinh khởi hữu, nuôi dưỡng hữu, tăng trưởng hữu rất mạnh thịnh, gần gũi, nên lập làm ăn. Các pháp khác thì không như thế, nên không nói là ăn.

Có Sư khác nói: Bốn pháp như thế có thể nuôi lớn tột cùng các cõi, nẻo sinh, già, chết nơi thế gian, khiến chúng luôn lưu chuyển nên lập làm ăn. Còn các thứ khác thì không như thế.

Hoặc có thuyết nói: Ăn có hai tướng: 1. Là lôi kéo dẫn dắt các hữu sẽ có khiến hiện tiền. 2. Là nhận giữ các hữu đang có khiến nối tiếp mà trụ.

Có Sư khác cho: Ăn có ba thứ: 1. Ăn của nghiệp. 2. Ăn của sinh. 3. Ăn của nuôi lớn. Ăn của nghiệp tức là tư thực. Ăn của sinh tức là thức thực. Ăn của nuôi lớn tức là đoạn thực và xúc thực.

HẾT – QUYỂN 129