LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 127

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ ĐẠI TẠO, phần 1

* Trong các xứ do đại chủng tạo ra có bao nhiêu thứ có kiến, bao nhiêu thứ không kiến? Các chương như thế và việc giải nghĩa các chương đã lãnh hội rồi, nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Các sắc hiện có đều là bốn đại chủng và do bốn đại chủng tạo nên. Khế kinh tuy nói như thế nhưng chưa biện luận rộng về các xứ do đại chủng tạo nên, bao nhiêu thứ có kiến, bao nhiêu thứ không kiến, cho đến nói rộng. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, điều nào kinh chưa nói thì nay sẽ nêu bày, do đấy tạo ra phần Luận này.

Có thuyết nói: Vì để ngăn chận những điều nêu bày của các Sư khác. Nghĩa là ở trong Bộ này có hai vị Luận sư là Giác Thiên và Pháp Cứu. Tôn giả Giác Thiên nói: Sắc chỉ là đại chủng, tâm sở tức là tâm. Tôn giả bảo: Tạo ra sắc tức là sự sai khác của các đại chủng, còn tâm sở tức là sự sai khác của tâm. Do đâu Tôn giả ấy nói như thế? Đó là dựa theo Khế kinh. Như Khế kinh nói: Trong khối thịt tròn của mắt, nếu ở đó mỗi thứ riêng có loại cứng, tánh cứng, có chấp thọ gần, gọi là giới địa bên trong, cho đến mỗi thứ riêng có loại động, tánh động, có chấp thọ gần, gọi là giới phong bên trong. Tôn giả đã căn cứ vào kinh này nên nói sắc tạo tức là đại chủng.

Lại như Khế kinh nói: Thế nào là đẳng trì? Nghĩa là tánh khéo giữ tâm chuyên vào một cảnh. Do đó nên nói tâm sở tức là tâm.

Hỏi: Tôn giả ấy đã nói việc thành lập giới, xứ, uẩn như thế nào?

Đáp: Tôn giả nói thế này: Bốn đại chủng có thứ là chủ thể thấy, có thứ là đối tượng được thấy, cho đến có thứ là chủ thể chạm xúc, có thứ là đối tượng được chạm xúc. Các thứ là chủ thể thấy thì lập làm nhãn giới, còn các thứ là đối tượng được thấy thì lập làm sắc giới, cho đến các thứ là chủ thể chạm xúc thì lập làm thân giới, còn các thứ là đối tượng được chạm xúc thì lập làm xúc giới. Trong tâm có thứ nương vào nhãn căn, cho đến có thứ nương vào ý căn. Nếu thứ nương vào nhãn căn thì lập làm nhãn thức giới, cho đến thứ nương vào ý căn thì lập làm ý thức giới. Tức là sáu thức thân không gián đoạn đã diệt, lập làm ý giới. Tức tâm sai khác có thứ gọi là thọ, có thứ gọi là tưởng, có thứ gọi là tư và cả ba thứ vô vi lập làm pháp giới.

Như nói về giới, thì xứ cũng như thế.

Về uẩn thì các thứ bốn đại chủng lập làm sắc uẩn. Còn các sự sai khác của tâm có thứ gọi là thọ, có thứ gọi là tưởng, có thứ gọi là tư, có thứ gọi là thức, lập làm bốn uẩn.

Hỏi: Tôn giả làm sao thông khi Khế kinh nói các sắc hiện có đều là bốn đại chủng và do bốn đại tạo ra?

Đáp: Tôn giả nói là không có tiếng Được tạo ra vì ngoài bốn đại chủng còn có nhân riêng, tức đối với đại chủng lập tiếng Được tạo ra. Làm sao nhận biết được? Như Khế kinh nói: Các Bí-sô nên biết! Xúc do hai duyên đó là mắt và sắc, cho đến ý pháp. Có sáu xúc xứ, là cái làm ra, tạo ra trước, ta nói đó tức là nghiệp cũ. Nên biết hàng phàm phu ngu tối do chỗ chạm xúc này mà nhận được vui hay khổ, hoặc do chỗ tạo tác này, hoặc tùy theo một thứ. Không phải lìa sáu xúc xứ trước mà riêng có xúc xứ thứ bảy, có thể từ đó lập tiếng Được tạo ra. Tức phải nói là do sáu thứ trước là chỗ tạo ra. Kinh trước cũng nói thế, không phải là ngoài bốn đại chủng ra riêng có chỗ tạo để đối với đại chủng lập tiếng Được tạo ra, tức đối với ta không có vấn nạn.

Các Luận sư của A-tỳ-đạt-ma nói: Kinh được Tôn giả Giác Thiên dẫn ra riêng có mật ý, vì không thể dẫn chứng nơi kinh đã dẫn ở trước. Kinh ấy nói trước về sáu xúc xứ tức mật ý nói về phần vị chưa sáng rõ. Còn lời nói sau: Do chỗ tạo tác này, hoặc tùy theo một thứ, thì mật ý là nói về phần vị đã sáng rõ.

Như phần vị chưa sáng rõ và đã sáng rõ, các thứ phần vị không phân biệt, có phân biệt, phần vị chưa có thể hiển bày, đã có thể hiển bày, phần vị chưa có thể nói, đã có thể nói nên biết cũng như thế.

Lại, sáu xúc xứ là nói ở phần vị trung hữu. Còn do đấy nên được tạo ra v.v… là nói về phần vị bản hữu.

Tôn giả Diệu Âm nói: Kinh ấy trước nói sáu xúc xứ, tức là mật ý nói về phần vị căn không thiếu sót, còn câu nói sau do đấy nên được tạo ra v.v… là mật ý nói về phần vị căn có thiếu sót.

Hiếp Tôn giả nói: Có sáu xúc xứ là mật ý nói về cõi dục, còn do đấy nên được tạo ra v.v… là mật ý nói về cõi sắc. Và hoặc tùy theo một thứ thì mật ý là nói về cõi vô sắc. Nghĩa của kinh như thế thì làm thế nào có thể chứng minh điều kinh trước nói về sắc được tạo ra. Lại, nếu việc tạo ra không có dị biệt thì điều trong các kinh khác đã nói lại làm sao thông? Như Khế kinh nói: Tôn giả Viên Mãn nói với Tôn giả Khánh Hỷ: Cụ thọ nên biết! Ngã chấp hiện có thì cái gì đã tạo ra? Đó là sắc đã tạo ra, là thọ, tưởng, hành, thức đã tạo ra. Còn ngã chấp tức là Tát-ca-da-kiến. Nếu nói chỗ tạo ra không có nghĩa riêng khác thì há có việc thấy thân này là sắc v.v… nhưng lìa sắc v.v… thì riêng có ngã chấp. Cho nên biết kinh nói: Sắc được tạo ra không phải là các đại chủng.

Hỏi: Nếu lìa các đại chủng riêng có sắc được tạo ra thì làm sao giải thích chỗ kinh đã dẫn nói trong khối thịt tròn của mắt có địa giới v.v… (Một trong bốn đại)?

Đáp: Kinh ấy nói nhãn căn nương vào đại chủng không nói thể của mắt. Lại, kinh ấy nói: Ở đời mọi người đều biết khối thịt tròn ấy gọi là mắt không phải nói là nhãn căn, vì người đời đối với khối thịt tròn ấy mà nghĩ cho là mắt hoạt động.

Tôn giả Diệu Âm nói thế này: Đời đối với các đại chủng mà lập ra tên gọi nhãn căn vì nó làm chỗ nương dựa cho nhãn căn.

Có Sư khác cho: Về kinh được dẫn ra đó không phương hại gì cho nghĩa cả, vì kinh ấy chỉ nói trong khối thịt của mắt có địa giới v.v… không hề nói địa v.v… là nhãn căn, vậy thì đối với nghĩa đâu có phương hại gì.

Tôn giả Pháp Cứu nói: Lìa các đại chủng riêng có sắc được tạo ra, còn nói tâm sở không phải là tâm. Nhưng phải nói: Trong sắc có hai thứ không có thật, đó là xúc được tạo ra và sắc của pháp xứ. Về việc lập ra các uẩn xứ giới thì như tông chỉ của Đối pháp, họ cũng không phải thế, tức là các xúc được tạo ra cũng như các sắc đã tạo ra đó đều phải riêng có. Nếu không có sắc thuộc về pháp xứ thì cũng không nên có giới không biểu hiện v.v…

Vì muốn ngăn chận các điều đã nói của hai vị ấy, nên mới tạo ra phần Luận này.

Có thuyết nói: Vì để ngăn chận các điều ngoại đạo nói, tức ngoại đạo bảo có năm thứ đại chủng là bốn thứ trước và có thêm hư không. Nay chỉ nói có bốn thứ và nêu rõ hư không không phải là đại chủng.

Hỏi: Vì sao không lập hư không làm đại chủng?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu giải thích: Vì hư không không có tướng của đại chủng. Tức có tăng có giảm là tướng của đại chủng, còn không tăng không giảm là tướng của hư không. Có tổn hại có ích lợi là tướng của đại chủng, còn không tổn hại không ích lợi là tướng của hư không. Có hưng thịnh, có suy yếu là tướng của đại chủng, còn không hưng thịnh không suy yếu là tướng của hư không. Thế nên không lập hư không làm đại chủng.

Tôn giả Diệu Âm giải thích thế này: Hư không và đại chủng mỗi thứ có tướng khác biệt nhau. Nghĩa là các đại chủng hiện có trong thân hữu tình phần nhiều đều là dị thục của nghiệp đời trước sinh ra, còn thể của hư không không có nghĩa do dị thục sinh ra. Do đó, không lập hư không làm đại chủng.

Đại đức nói: Hư không tuy rộng lớn nhưng Thể của nó không phải là hạt giống nên không thể sinh ra. Còn các pháp hữu vi khác tuy có thể làm hạt giống nhưng thể của nó không lớn, tướng không hiện bày khắp, do đó không lập hư không làm đại chủng.

Nay nhằm ngăn chận chỗ chấp của ngoại đạo như thế và hiển bày tông chỉ của mình nên tạo ra phần Luận này.

Có Sư khác nêu: Không phải chỉ nhằm ngăn chận chỗ chấp của kẻ khác, hiển bày tông chỉ của mình, song ở trong nghĩa tương ưng với pháp tướng cần hiển bày chỗ sáng rõ nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây biện luận trước về sự tạo tác của các đại chủng?

Đáp: Đấy là do ý của tác giả luận này muốn thế. Nghĩa là Luận sư của bản luận này theo ý muốn của mình miễn là không trái với pháp tướng nên luận trước về sự tạo tác của các đại chủng.

Có thuyết nói: Các hữu tình quán sát hai thứ này để bước vào cửa cam lộ đích thực của pháp Phật. Đó là quán bất tịnh và trì tức niệm (Quán sổ tức). Quán bất tịnh là quán sát các sắc được tạo ra, còn trì tức niệm là quán sát các đại chủng.

Có thuyết cho: Nếu ai quán sát các đại chủng và các sắc được tạo thì dần dần có thể chứng được ba quả Bồ-đề là Phật, Độc giác và Thanh văn. Nghĩa là nếu người do thượng trí quán sát sắc và các đại thì sẽ khởi thân niệm trụ phẩm thượng, từ đó khởi thọ niệm trụ phẩm thượng, đến tâm đến pháp, kế đến là khởi các tạp duyên rồi tới noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất. Kế tiếp là khởi kiến đạo, cho đến khởi đạo vô học đều do phẩm thượng cả. Bấy giờ gọi là bậc thiện sĩ phẩm thượng và chứng được quả Bồ-đề Chánh đẳng vô thượng.

Nếu người do trí bậc trung quán sát chúng và khởi thân niệm trụ trung phẩm, nói rộng cho đến khởi đạo vô học, đều do trung phẩm cả, khi đó gọi là bậc thiện sĩ trung phẩm, chứng đắc quả Bồ-đề Độc giác trung phẩm.

Nếu người dùng hạ trí quan sát chúng, khởi thân niệm trụ phẩm hạ, nói rộng cho đến khởi đạo vô học, đều do phẩm hạ, bấy giờ gọi là bậc thiện sĩ phẩm hạ chứng được quả Bồ-đề Thanh văn phẩm hạ.

Có thuyết nói: Nếu ai quán sát các đại chủng và sắc được tạo ra có thể hàng phục được tất cả tâm kiêu mạn và phóng túng. Nghĩa là các hữu tình do những thứ giòng họ, tiền của, châu báu tự tại, quyến thuộc v.v… nên sinh kiêu mạn. Nếu khi chưa quán sát các đại chủng v.v… thì sẽ ỷ lại vào một trong các thế lực mạnh mẽ nêu trên mà kiêu mạn phóng túng. Còn khi đã quán sát hai thứ ấy rồi liền có thể khắc phục được. Vì sao? Vì thân vua Chuyển luân do các đại tạo ra thì các loài dê, chó v.v… cũng có các đại như thế. Do sự quán sát này nên liền bỏ được tâm kiêu mạn, phóng túng. Vì các nguyên do đã nói trên, nên trong uẩn này cần luận trước về các đại chủng tạo ra.

Khế kinh nói các sắc hiện có đều là bốn đại chủng và là các thứ do bốn đại chủng tạo ra. Nói các thứ hiện có gồm có hai thứ: Một là nghĩa hữu dư (Chưa đầy đủ). Hai là nghĩa vô dư (Đầy đủ).

Nghĩa hữu dư như thế gian nói: Các món ăn hiện có tôi đều muốn ăn cả. Ở đây chỉ muốn ăn một phần ít theo chỗ có thể.

Nghĩa vô dư như đời thường nói: Các pháp hiện có tôi đều muốn biết hết. Ở đây là muốn gồm biết hết tất cả pháp tướng. Chữ hiện có nói trong đây là chỉ rõ chung tất cả các sắc pháp đều gồm hết. Nghĩa là các sắc hiện có gồm chung có hai thứ: Một là bốn đại chủng. Hai là sắc được tạo ra. Trừ hai thứ này thì không có một thể của sắc thứ ba nào cả.

Hỏi: Vì sao đại chủng chỉ có bốn thứ?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Không nên vấn nạn về điều này. Vì sao? Vì nếu tăng thêm hay giảm bớt đều sinh nghi ngờ. Còn nếu không do nghi thì trái với pháp tướng. Nên chỉ theo Thánh giáo chỉ nói có bốn đại.

Có Sư khác cho: Nếu giảm dưới bốn thì công dụng thiếu sót, nếu nhiều hơn bốn thì cũng vô dụng. Cũng như ghế ngồi chỉ có bốn chân. Hỏi: Vì sao gọi là đại chủng?

Đáp: Tức đại mà là chủng (To lớn mà là hạt giống) nên gọi là đại chủng. Như nói đại địa, đại vương, nghĩa tuy có khác nhưng thể thì đồng, nên tùy theo nghiệp đã được mà giải thích.

Hỏi: Nghĩa của đại, của chủng là thế nào?

Đáp: Có thể giảm bớt, có thể tăng thêm, có thể gây tổn hại, có thể tạo lợi ích và thể của nó khởi lên hoặc diệt mất, đó là nghĩa của chủng. Còn thể tướng, hình lượng hiện bày khắp các phương cõi, tạo thành sự nghiệp lớn, đó là nghĩa của đại.

Hỏi: Bốn thứ này vì sao gọi là tạo thành sự nghiệp lớn?

Đáp: Cùng với các đại tích tụ, tạo ra các sắc làm chỗ nương, khiến cho chúng hoại đi hoặc thành nên, đó là sự nghiệp lớn. Do chỉ có bốn thứ này là không tăng thêm, không giảm bớt. Nghĩa là giảm bớt thì sự nghiệp lớn không thành, còn tăng thêm thì đối với sự nghiệp lại thành vô dụng.

Hỏi: Vì sao các pháp khác không gọi là đại chủng?

Đáp: Các pháp khác không có tướng của đại chủng như thế. Nghĩa là pháp vô vi thì đại nhưng không phải là chủng, còn các pháp hữu vi khác là chủng mà không phải là đại, chỉ có bốn thứ này mới được gọi là đại chủng.

Hỏi: Tạo có nghĩa như thế nào? Là nghĩa của nhân hay là nghĩa của duyên? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Tức đều có lỗi. Nếu nghĩa là nhân, thì bốn đại chủng này đối với sắc được tạo ra, cả năm nhân đều không có, như thế làm sao có thể nói là chủ thể tạo ra các sắc? Còn nếu nghĩa là duyên, các sắc được tạo mỗi thứ trừ tự thể, còn tất cả các pháp khác không thứ nào không đều là tăng thượng duyên này cả. Như thế tại sao chỉ nói là do đại chủng tạo ra?

Đáp: Nên nói như vầy: Tạo là nghĩa của nhân.

Hỏi: Thứ này đối với sắc được tạo ra, cả năm nhân đều không, như thế sao là nghĩa của nhân được?

Đáp: Tuy năm nhân như đồng loại v.v… đều không, nhưng nó riêng có nghĩa của năm thứ nhân khác, đó là nhân sinh, nhân y, nhân lập, nhân trì và nhân dưỡng, do đó có thể tạo ra được.

Có Sư khác nói: Tạo là nghĩa của duyên.

Hỏi: Các sắc được tạo, mỗi thứ trừ thể của mình, các pháp còn lại đều là tăng thượng duyên này, vì sao chỉ nói do các đại chủng tạo ra?

Đáp: Nghĩa của tăng thượng duyên thì có thân có sơ, có gần có xa, có hợp có không hợp, có tại đời này có tại đời khác. Các thứ thân, gần, hợp, ở tại đời này gọi là nhân, còn các thứ sơ, xa, không hợp, ở tại đời khác gọi là duyên. Do nghĩa này nên nói các đại chủng cùng với sắc được tạo ra là nhân tăng thượng cũng không trái lý.

Hỏi: Địa, thủy, hỏa, phong (Đất, nước, gió, lửa) có tướng và nghiệp như thế nào?

Đáp: Cứng chắc là tướng của đất, giữ gìn (Trì) là nghiệp của đất. Ẩm ướt là tướng của nước, gồm thâu là nghiệp của nước. Ấm áp là tướng của lửa, thục (chín) là nghiệp của lửa. Động là tướng của gió, lớn lên là nghiệp của gió.

Hỏi: Đất là tướng cứng chắc cũng là tướng của sắc v.v… Nói rộng cho đến gió là tướng động cũng là tướng của sắc. Như thế một pháp lại có hai tướng chăng?

Đáp: Nếu có cũng không có lỗi. Do lý sâu xa này nên đối với một pháp có thể thành lập nhiều tướng. Như một pháp hữu lậu tức có như bệnh tật, ghẻ, nhọt v.v…, nói rộng cho đến một trăm bốn mươi trường hợp các tướng lỗi lầm tai họa, cũng không lỗi gì. Đây cũng như thế.

Có Sư khác nói: Tướng có hai thứ: Một là tự tướng. Hai là cộng tướng. Các tướng cứng chắc, ẩm ướt, ấm ấp, chuyển động là tự tướng. Còn tướng của sắc là cộng tướng. Như thế thì hai tướng ấy cùng hợp giúp nhau không hề trái ngược, đối với một pháp lập ra cũng không lỗi.

Hỏi: Bốn đại chủng này trong mọi lúc không hề lìa nhau chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Làm thế nào nhận biết được? Như kinh Nhập Thai nói: Đức Phật bảo Tôn giả Khánh Hỷ: Yết-la-lam đầu tiên nếu có địa giới không có thủy giới thì liền khô, tan ra. Nay đã không tan ra thì nước đã gồm thâu. Nếu có thủy giới, không có địa giới thì sẽ trôi đi, nay không trôi đi là có đất nắm giữ. Nếu có đất nước, không có hỏa giới thì liền thối rã, nay đã không thối rã là có lửa hâm chín. Nếu có ba giới kia mà không có phong giới thì liền không lớn lên, nay đã lớn lên là có gió chuyển động.

Hỏi: Các kinh khác nói làm sao thông? Như nói: Khi địa giới nhiễu loạn, hoặc khiến hữu tình phải chết, hoặc khiến hữu tình phải chịu khổ gần chết. Cho đến phong giới cũng thế.

Đáp: Đây là nói các đại chủng tùy lúc có tăng mạnh lên thì có thể nhiễu loạn, không phải là bốn đại chủng ấy có lúc rời nhau.

Hỏi: Bốn đại chủng này có bao nhiêu thứ phẩm loại?

Đáp: Có bốn phẩm loại, đó là: 1. Dị thục sinh. 2. Nuôi lớn. 3. Đẳng lưu. 4. Biến hóa.

Có Sư khác nói: Chỉ có ba phẩm loại đó là Dị thục sinh, Nuôi lớn và Đẳng lưu. Còn Biến hóa thì gồm trong Nuôi lớn.

Lại có thuyết cho: Có hai phẩm loại đó là Dị thục sinh và Nuôi lớn. Vì Biến hóa của đại chủng thì nhập chung với Nuôi lớn. Còn Đẳng lưu thì nhập chung vào Dị thục sinh và Nuôi lớn.

Lời bình: Trong ba thuyết, thuyết đầu là đúng, có bốn đại chủng, không phải là hai thứ gồm thâu.

Hỏi: Một trong bốn đại chủng chỉ tạo được một sắc được tạo rất nhỏ hay có thể tạo ra được nhiều sắc? Nếu chỉ tạo được một sắc thì sao không thành nhân bốn quả một, nhân nhiều quả ít, thì lý đâu như thế? Còn nếu có thể tạo được nhiều sắc tức một trong bốn đại chủng tạo ra sắc có nhiều thứ rất nhỏ, làm sao lần lượt không phải là nhân câu hữu? Phái Đối Pháp nói: Sắc được tạo có đối cùng lần lượt đối chiếu nhau không cần nhân câu hữu. Nếu chấp nhận như thế liền trái với nghĩa của tông chỉ Đối Pháp.

Đáp: Nên nói như vầy: Một trong bốn đại chủng chỉ có thể tạo ra một sắc rất nhỏ.

Hỏi: Như thế thì tại sao lại không thành nhân bốn quả một, nhân nhiều quả ít, lý đâu như thế?

Đáp: Quả ít nhân nhiều cũng đâu có lỗi. Vì ở hiện đời thường thấy có nhiều loại như thế, nhân bốn quả một đâu có trái lý.

Có thuyết bảo: Tạo ra nhiều sắc.

Hỏi: Nếu như thế thì một trong bốn đại chủng tạo ra sắc có nhiều thứ rất nhỏ làm sao lần lượt không phải là nhân câu hữu?

Đáp: Vì không phải một quả nên không phải là nhân câu hữu, vì pháp cùng có nhân tất đồng một quả. Đây không thành nhân thì cũng đồng như do dự.

Lời bình: Thuyết nói trước là đúng.

Hỏi: Các đại chủng tạo ra sắc làm sao mà trụ? Là đại chủng ở dưới tạo sắc ở trên, hay là đại chủng ở trên tạo sắc ở dưới? Là đại chủng tạo các sắc xen lẫn nhau mà trụ và đại chủng ở bên ngoài tạo sắc ở bên trong? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Tất cả đều có lỗi. Vì nếu các đại chủng ở dưới tạo sắc ở trên thì các sắc được tạo ra ở gần đại chủng có thể lấy đại chủng làm nhân của chủ thể tạo, còn các sắc được tạo ra ở khoảng giữa cách xa làm sao lấy đại chủng làm nhân? Nếu đại chủng ở trên tạo sắc ở dưới, sắc được tạo ra phải làm nhân cho đại chủng, không phải đại chủng làm nhân cho sắc được tạo ra. Còn nếu đại chủng tạo sắc xen lẫn nhau mà trụ và đại chủng ở ngoài tạo sắc ở trong thì khi cắt đứt phải thấy được các lỗ nhỏ, cũng như khi cắt ngang một ngó sen.

Đáp: Có thuyết nói: Ở dưới làm nhân cho pháp nương theo phải như vậy.

Hỏi: Nếu như thế thì đối với các sắc bị ngăn cách gần tức có thể nói là có thể tạo ra, còn đối với các sắc cách xa làm sao tạo ra được?

Đáp: Không hề nói trong một cây hết thảy đều ở phía dưới tạo ra các sắc, chỉ nói trong một cây có nhiều phần, mỗi phần đều có đại chủng ở phía dưới tạo sắc ở trên.

Có thuyết cho: Xen lẫn nhau mà trụ và các đại chủng ở bên ngoài tạo sắc bên trong.

Hỏi: Nếu như thế thì lúc cắt ra phải thấy các lỗ nhỏ như khi cắt ngang một ngó sen.

Đáp: Tuy là có lỗ nhỏ nhưng không thể thấy được, vì các đại chủng không phải là vật thấy được, các lỗ nhỏ thấy được chỉ là sắc được tạo ra.

Hỏi: Các việc trong, ngoài, tướng của chúng mỗi thứ đều khác biệt. Việc sai khác bên trong nghĩa như có hàng trăm ngàn người tụ họp một nơi, các hình tướng, cử chỉ của mỗi mỗi người đều không giống nhau. Còn việc sai khác bên ngoài tức như các thứ trái cây, đất đá v.v… hoặc các màu xanh, đỏ, trắng, hương thơm, vị mặn ngọt v.v… các tướng ấy mỗi thứ đều không giống nhau. Các tướng sai khác như thế là do nghiệp mà khác hay do đại chủng mà khác hay là do sắc tạo ra mà khác nhau?

Đáp: Đều do cả ba thứ. Nếu nương vào nhân dị thục, tức nói do nghiệp nên khác nhau. Vì dựa vào nhân sinh, nhân lập, nhân trì, nhân dưỡng tức nói do đại chủng nên khác nhau. Vì nương vào nhân đồng loại tức nói là do sắc tạo ra nên khác nhau.

Hỏi: Việc sai khác bên ngoài là do nghiệp nào mà khác?

Đáp: Nếu các hữu tình làm các hành diệu sẽ chiêu cảm được các việc bên ngoài có hình tướng bằng phẳng, ngay thẳng, các thứ sắc, hương, vị, xúc đều tốt đẹp, thượng diệu. Nếu các hữu tình làm các hành ác thì sẽ chiêu cảm các sự việc bên ngoài có hình tướng hiểm trở, quanh co, các thứ sắc, hương, vị, xúc đều thô xấu, thấp kém.

Hỏi: Về các thứ trái cây, đất, đá v.v… các tướng của chúng mỗi thứ đều khác nhau và các màu xanh, đỏ, trắng, hình dáng v.v… khác nhau, hoặc có thứ giống nhau thì do sức mạnh (oai lực) nào?

Đáp: Do ba lực (sức mạnh) nhưng đại chủng là mạnh nhất, tức là các đại chủng không bằng nhau liền có các thứ màu sắc hình ảnh v.v… khác nhau, nếu các đại chủng bình đẳng thì có các tướng giống nhau.

Hỏi: Khi miệng các hữu tình phát ra tiếng, nên nói là các đại chủng ở chỗ nào tạo ra?

Đáp: Có thuyết nói: Do các đại chủng ở bên cổ họng tạo ra.

Có thuyết cho: Do các đại chủng ở bên quả tim tạo ra.

Có thuyết nêu: Do các đại chủng ở dưới rún tạo nên.

Lời bình: Nói chung, tiếng này là do tất cả các đại chủng của toàn thân tạo ra. Nếu nói riêng, các tiếng nhỏ nhẹ phải nói là do các đại chủng ở bên cổ họng tạo nên. Còn các thứ tiếng quát tháo, la hét, gầm rống, kêu gọi v.v… phải nói là do các đại chủng ở khắp thân thể tạo nên, vì khi thấy các thứ tiếng này cùng lúc với sự múa tay múa chân.

Hỏi: Tưng có các sắc không phải là bốn đại chủng, cũng không phải là các thứ do bốn đại chủng tạo nên chăng?

Đáp: Có. Đó là một, hai, ba đại chủng. Đây tuy là sắc nhưng không phải là bốn đại chủng mà chỉ là một, hai, ba thứ. Cũng không phải là các thứ do bốn đại chủng tạo nên, vì các đại chủng không phải là thứ được tạo nên.

Hỏi: Vì sao các đại chủng không phải là vật được tạo nên?

Đáp: Chủ thể tạo ra, đối tượng được tạo ra, tánh của mỗi thứ đều khác nhau, vì nhân và quả khác nhau, nên chủ thể thành tựu và đối tượng được thành tựu, tánh của mỗi thứ cũng khác nhau. Như chủ thể tạo thành và đối tượng được tạo thành, thì các thứ chủ thể dẫn dắt, đối tượng được dẫn dắt, chủ thể sinh, đối tượng được sinh, chủ thể làm, đối tượng được làm, chủ thể hòa hợp, đối tượng được hòa hợp, chủ thể chuyển, đối tượng được chuyển, chủ thể giúp, đối tượng được giúp nên biết cũng như thế.

Có thuyết nói: Nếu đại chủng là thứ được tạo ra, ba thứ tạo ra một thứ, bốn thứ tạo ra một thứ. Nếu ba thứ tạo ra một thứ thì thể và dụng của nó thiếu sót, làm sao có thể tạo ra được. Còn nếu bốn thứ tạo ra một thứ thì địa giới v.v… phải tạo ra địa giới v.v… tức có lỗi của tự tánh quán tự tánh, song tất cả các pháp lấy tánh khác làm duyên nên có thể có các việc làm không đoái hoài đến tự thể. Do đó các đại chủng không gọi là được tạo ra.

Các thứ bốn đại chủng có mười một thứ: Tức chỗ nương của nhãn xứ cho đến chỗ nương của thân xứ và chỗ nương của sắc xứ cho đến chỗ nương của pháp xứ. Còn các sắc tạo ra cũng có mười một xứ, tức là nhãn xứ cho đến thân xứ và sắc xứ cho đến pháp xứ.

Hỏi: Nhãn xứ nương vào các đại chủng có thể tạo ra bao nhiêu sắc được tạo, cho đến pháp xứ nương vào các đại chủng có thể tạo ra bao nhiêu sắc được tạo?

Đáp: Nên nói như vầy: Nhãn xứ khi nương vào các đại chủng chỉ tạo ra nhãn xứ, cho đến pháp xứ khi nương vào các đại chủng chỉ tạo ra pháp xứ.

Có thuyết nói: Nhãn xứ khi nương vào các đại chủng có thể tạo ra ba thứ, đó là nhãn xứ, thân xứ và xúc xứ. Các xứ nhĩ, tỷ, thiệt khi nương vào các đại chủng cũng như thế. Còn thân xứ khi nương vào các đại chủng có thể tạo ra hai thứ là thân xứ và xúc xứ. Và các xứ sắc, thanh, hương, vị, pháp khi nương vào các đại chủng cũng như thế. Còn xúc xứ khi nương vào các đại chủng chỉ tạo ra xúc xứ.

Lại có người muốn khiến tất cả các đại chủng đều có thể tạo ra sắc, thanh, xúc, và các đại chủng ở cõi dục đều tạo ra hương, vị. Họ bảo nhãn xứ nương vào các đại chủng có thể tạo ra bảy thứ, đó là nhãn, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc xứ. Các xứ nhĩ, tỷ, thiệt nương vào đại chủng cũng như thế.

Thân xứ khi nương vào các đại chủng có thể tạo ra sáu thứ, đó là các thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc xứ. Và pháp xứ nương vào các đại chủng cũng như thế.

Sắc xứ khi nương vào các đại chủng có thể tạo ra năm thứ, là các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc xứ. Và các xứ thanh, hương, vị, xúc khi nương vào các đại chủng cũng như thế.

Có Sư khác cho: Nhãn xứ khi nương vào đại chủng có thể tạo ra mười một thứ, cho đến pháp xứ khi nương vào đại chủng cũng như thế.

Lời bình: Trong các thuyết vừa nói trên, thuyết đầu tiên là đúng, tức là nhãn xứ khi nương vào các đại chủng chỉ tạo ra nhãn xứ, cho đến pháp xứ nương vào các đại chủng chỉ tạo ra pháp xứ.

Hỏi: Vì sao các đại chủng khác tướng nhau có thể tạo ra các sắc tướng giống nhau?

Đáp: Vì quán xét nghĩa riêng để nói cũng không có lỗi. Nghĩa là quán xét nghĩa riêng nên nói đại chủng khác tướng tạo ra các sắc được tạo đồng tướng. Vì quán xét nghĩa riêng nên nói các đại chủng đồng tướng tạo ra các sắc được tạo đồng tướng. Và quán xét nghĩa riêng nên nói các đại chủng có tướng cứng chắc, ẩm ướt, ấm nóng, chuyển động tạo ra các sắc có tướng của xúc.

Có thuyết nêu: Thứ này tạo ra các tướng thấy được nơi sắc được tạo v.v…

Vì quán xét nghĩa riêng nên nói đại chủng đồng tướng tạo ra các sắc được tạo khác tướng: Nghĩa là các đại chủng có tướng xúc tạo ra mười một thứ sắc được tạo. Quán xét nghĩa riêng nên nói các đại chủng khác tướng tạo ra các sắc được tạo khác tướng: Nghĩa là các đại chủng có tướng cứng chắc, ẩm ướt, ấm nóng, chuyển động tạo ra mười một thứ sắc được tạo. Quán xét nghĩa riêng nên nói các đại chủng đồng tướng tạo ra các sắc được tạo đồng tướng: Nghĩa là các đại chủng có tướng xúc tạo ra các sắc được tạo có tướng xúc.

Có thuyết biện: Thứ này tạo ra các sắc được tạo có tướng thấy v.v…

Hỏi: Tướng khác nhau của đại chủng và sắc được tạo như thế nào?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Nhân là đại chủng, quả là sắc được tạo. Chủ thể sinh là đại chủng, đối tượng được sinh là sắc được tạo. Đối tượng được nương là đại chủng, chủ thể nương vào là sắc được tạo. Chủ thể giúp là đại chủng, đối tượng được giúp là sắc được tạo. Hòa hợp là đại chủng, hòa hợp được sinh ra là sắc được tạo. Chủ thể kiến lập là đại chủng, đối tượng được kiến lập là sắc được tạo.

Đại đức nói: Các tướng cứng chắc, ẩm ướt, ấm nóng, chuyển động là đại chủng, còn sắc nào do đại chủng làm nhân nhưng không có tướng của đại chủng là sắc được tạo.

Có Sư khác cho: Đại chủng như vua trời, còn sắc được tạo như chúng trời. Đại chủng như trời Tự Tại, còn sắc được tạo như quyến thuộc. Đại chủng như vua, còn sắc được tạo như các quan. Đại chủng như mặt trời, mặt trăng, còn sắc được tạo như ánh sáng của chúng. Đại chủng như thân cây to, còn sắc được tạo như cành lá. Đại chủng như vách tường, còn sắc được tạo như bóng che của nó. Đại chủng như lửa của ngọn đèn, còn sắc được tạo như ánh sáng đèn. Đại chủng như ngó sen, còn sắc được tạo như hoa sen. Đại chủng như gương soi, còn sắc được tạo như hình tượng.

Thế nên Tôn giả Thời-tỳ-la nói:

Gốc sinh từ đại chủng

Như ánh sáng ngọn đèn

Như ngó sinh hoa sen

Như gương soi hình bóng.

Các Luận sư của A-tỳ-đạt-ma nói: Đại chủng thì không thấy, còn sắc được tạo thì có thấy và không thấy. Đại chủng thì có đối, còn sắc được tạo thì có đối và không đối. Đại chủng thì hữu lậu, còn sắc được tạo thì hữu lậu và vô lậu. Đại chủng thì vô ký, còn sắc được tạo thì thiện, bất thiện và vô ký. Đại chủng thì thuộc về cõi dục và cõi sắc, còn sắc được tạo thuộc về cõi dục, cõi sắc và không thuộc cõi nào. Đại chủng là phi học phi vô học, còn sắc được tạo là học, vô học, phi học phi vô học. Đại chủng do tu đạo đoạn, còn sắc được tạo do tu đạo đoạn và không đoạn. Đại chủng là thuộc về đế khổ, tập, còn sắc được tạo thuộc về đế khổ, tập, đạo. Đại chủng thì không có dị thục, còn sắc được tạo thì có dị thục và không dị thục. Đại chủng thì không nhiễm ô, còn sắc được tạo thì nhiễm ô và không nhiễm ô. Đại chủng thì không phải nghiệp, còn sắc được tạo là nghiệp và không phải nghiệp. Như thế đại chủng và sắc được tạo cả hai cùng sai biệt có vô lượng môn.

Xúc xứ thật sự có mười một thứ, tức là bốn đại chủng và bảy xúc được tạo. Bảy xúc được tạo là: 1. Trơn láng. 2. Rít nhám. 3. Nhẹ. 4. Nặng. 5. Lạnh. 6. Đói. 7. Khát. Trơn láng tức là nhỏ mềm. Rít nhám tức là thô to, mạnh. Nhẹ tức không thể cân đo. Nặng tức có thể cân đo. Lạnh là khi bị thứ này bức ép mong được ấm áp. Đói là khi bị thứ này bức bách mong được ăn. Khát là khi bị thứ này bức bách mong được uống.

Hỏi: Những đại chủng nào tăng mạnh nên có trơn láng v.v.. cho đến có khát?

Đáp: Có thuyết nói: Không phải do các đại chủng riêng tăng mà có trơn láng v.v… cho đến đói khát, chỉ do đại chủng có tánh loại sai khác nên sinh ra quả trơn láng v.v… cho đến sinh ra quả khát.

Có Sư khác cho: Khi nước và lửa tăng thì có trơn láng, khi đất và gió tăng thì có rít nhám, nếu lửa và gió tăng thì nhẹ mà đất và nước tăng thì nặng.

Luận Thi Thiết hỏi: Vì sao khi sống thì thân thể nhẹ nhàng, điều hòa thuận hợp, còn khi chết thì thân thể cứng đờ, nặng trịch không điều thuận?

Đáp: Vì khi còn sống thì lửa và gió chưa mất hết, nên thân thể nhẹ nhàng dễ điều hòa thuận hợp, còn sau khi chết thì lửa và gió trong thân đã dứt mất, nên nặng nề không điều thuận được. Khi nước và gió tăng cho nên lạnh. Gió tăng nên sinh đói tức là gió tăng thì kích động thức ăn mau tiêu dẫn đến cảm xúc đói nên khiến muốn ăn. Lửa tăng nên sinh ra khát, tức là lửa tăng nên nấu chưng thức ăn uống mau tiêu, dẫn đến cảm xúc khát nên sinh khởi muốn uống.

Hỏi: Trong mười một xúc có rất nhiều duyên, có bao nhiêu thứ phát sinh ra thức thân?

Đáp: Có thuyết nói: Mỗi mỗi duyên khác nhau sinh ra các thức thân, vì cả mười một thứ tướng và dụng đều tăng.

Có Sư khác cho: Có rất nhiều duyên, nhưng chỉ năm thứ phát sinh ra thức thân, tức là bốn đại chủng và tùy một thứ như trơn láng.

Lại có thuyết nói: Các duyên chung nơi mười một xứ cũng sinh ra thức thân.

Hỏi: Há chẳng phải năm thức chỉ giữ lấy tự tướng nơi cảnh chăng?

Đáp: Tự tướng có hai thứ: 1. Tự tướng của sự việc. 2. Tự tướng của xứ. Nếu dựa vào tự tướng của sự việc mà nói thì duyên với mười một thứ xúc sinh ra thức thân. Nếu dựa vào tự tướng của xứ mà nói thì năm thức thân giữ lấy cảnh của tự tướng, nên không có lỗi. Như thế nên nói: Nếu duyên với mười một sự thì cũng sinh ra thức thân. Như duyên với hai mươi thứ sự nơi sắc xứ cũng sinh ra nhãn thức. Đây cũng như thế. Cho nên năm thức thân duyên với cả chung và riêng cũng không có lỗi năm thức giữ lấy cộng tướng. Vì một thức có thể duyên với tự tướng của rất nhiều sự việc, nhưng không được sáng rõ.

Hỏi: Duyên với năm sắc căn, nương vào các đại chủng có phát sinh ra thức thân chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không phát sinh. Như năm sắc căn không thể chạm xúc, nên không phát sinh thức thân. Vì nương vào đại chủng, lý phải như thế.

Hỏi: Nếu như vậy tại sao nói về sự nhận biết của thức thân?

Đáp: Dựa theo pháp tánh mà nói thức thân nhận biết các cảnh của thức thân ở đời vị lai, nhưng không có nghĩa là ở hiện tại có phát sinh các thức thân.

Có thuyết nêu: Trừ thân căn nương vào các đại chủng, còn đều có thể phát sinh ra các thức thân, vì chỗ nương của thân căn rất gần gũi nên không thể phát sinh. Song thức thân khác duyên với cảnh nên cũng được gọi là thức thân nhận biết.

Hỏi: Cả mười một thứ xúc có bao nhiêu thứ ở cõi dục, bao nhiêu thứ ở cõi sắc?

Đáp: Có hai thứ ở tại cõi dục, tức là đói và khát. Còn chín thứ kia thì chung cả cõi dục và cõi sắc.

Hỏi: Nếu trong cõi sắc có xúc nặng là do nghĩa gì?

Đáp: Luận Thi Thiết nói: Châu Bắc câu lô có áo nặng một lượng, cõi trời Tứ đại vương chúng có áo nặng nửa lượng, áo cõi trời Ba mươi ba nặng một thù (một lượng bằng hai mươi bốn thù), áo cõi trời Dạ ma nặng nửa thù, áo cõi trời Đồ sử đa nặng một phần bốn thù, áo cõi trời Lạc biến hóa nặng một phần tám thù, áo cõi trời Tha hóa tự tại nặng một phần mười sáu thù. Còn áo ở các cõi trời trên nữa đều không thể cân được chăng?

Có thuyết biện: Áo ở cõi sắc không thể cân, nhưng các vật khác đều có thể cân đếm.

Có thuyết nói: Cõi đó, một áo thì không thể cân đếm, nhưng nếu nhiều áo gom lại thì có thể cân đếm. Cũng như sợi tơ nhỏ bé nhưng nếu gom góp nhiều thì cũng thành nặng.

Hỏi: Nếu ở cõi sắc có xúc lạnh thì sao Luận Thi Thiết lại nói: Như người ở cõi trời Dục, hết thảy các lạnh ấm đều có thể nhận biết rõ. Vậy ở các cõi trên đều không có chăng?

Đáp: Lạnh có hai thứ: 1. Có thể làm lợi ích. 2. Có thể gây tổn hại. Ở cõi đó không gây tổn hại, chỉ có thể tạo lợi ích. Lại, họ nói hết thảy các ấm lạnh ở cõi trên đều không có, đâu vì lời nói liền cho ở cõi đó cũng không có xúc ấm nóng. Nếu như thế thì các đại chủng đó nên chỉ có ba thứ, nhưng không phải là thiếu công dụng có thể tạo ra các sắc, vì ở cõi sắc ấm lạnh đều có.

Hỏi: Hai xúc đói và khát là thuộc Trưởng dưỡng hay Đẳng lưu, hay là Dị thục?

Đáp: Các vị Luận sư nước Kiện-đà-la ở phương Tây (Ấn Độ) nói: Nó chung cả Trưởng dưỡng và Đẳng lưu mà không phải là Dị thục sinh, vì ăn uống có thể đoạn trừ được. Còn A-tỳ-đạt-ma không nhận sắc dị thục đã dứt rồi lại còn nối tiếp.

Có thuyết cho: Đói và khát cũng chung cả dị thục sinh vì tánh do ăn uống chỉ tạm đoạn trừ, không phải dứt hẳn. Vì đoạn có hai thứ: Đoạn hẳn và Đoạn tạm thời. Nếu đã đoạn hẳn thì không thể tiếp tục, không phải như đoạn tạm thời. Như trong địa ngục thì thân thể bị cắt đứt tạm thời, vì dị thục sinh nên sắc đã đoạn dứt liền tiếp tục sống lại.

Các Luận sư nước Ca-thấp-di-la nói: Khi no thì họ cũng không đoạn dứt việc ăn uống, chỉ bị trở ngại nên không biết rõ. Khi ăn uống đã tiêu hóa rồi thì lại có thể biết rõ.

Hỏi: Nếu là dị thục là quả của nghiệp thiện hay là quả của nghiệp ác?

Đáp: Là quả của cả hai thứ nghiệp. Thế nên người giàu có đói khát là quả của nghiệp thiện. Còn kẻ nghèo, đói khát là quả của nghiệp ác.

Hỏi: Đói khát do đại chủng ở đâu tạo ra?

Đáp: Có thuyết nêu: Do các đại chủng ở bên bụng tạo ra. Kinh Nhập Thai nói: Khi còn ở trong bụng mẹ, có lúc ở bên roan các hữu tình khi có dị thục của nghiệp là hơi gió nhẹ bắt đầu khởi lên thì các đại chủng ở đấy liền tạo ra sự đói khát.

Có Sư khác nói: Các đại chủng ở khắp các phần trong thân có thể tạo ra sự đói khát, khi đó sẽ quấy nhiễu khắp toàn thân.

HẾT – QUYỂN 127