LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 197

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ TRÍ, phần 2

Hỏi: Nếu pháp cùng với pháp kia làm đối tượng duyên, hoặc có khi pháp này cùng với pháp kia không làm đối tượng duyên chăng?

Đáp: Không khi nào không phải là đối tượng duyên.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận thuyết do thiếu hiểu biết về pháp của sở duyên duyên đã chấp cho pháp của sở duyên duyên là không có thể tánh thật. Nay nhằm làm rõ sở duyên duyên là pháp có thật, nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây, không khi nào không phải là đối tượng duyên: Là do tâm tâm sở pháp đối với đối tượng duyên đã định rõ.

Hỏi: Thế nào là tâm tâm sở pháp đối với đối tượng duyên đã định rõ? Là định rõ đối với xứ, đối với màu xanh v.v… hay định rõ đối với sát-na?

Đáp: Ở đây có thuyết nói: Tâm tâm sở pháp chỉ ở nơi xứ là định rõ, không phải là đối với màu xanh hay sát-na định rõ. Vì sao? Vì nếu đối với màu xanh hay sát-na được định rõ thì có vô lượng tâm tâm sở pháp trụ trong pháp không sinh. Vì khiến không có lỗi như thế, nên chỉ ở nơi xứ là được định rõ.

Hỏi: Nếu chỉ ở nơi xứ được định rõ thì trong sắc xứ kia có nhiều thứ tánh sắc như xanh, vàng v.v… Nếu ở nơi đấy không định rõ thì đối với chúng nhận biết rõ về màu xanh tức cũng nhận biết rõ về màu vàng. Các thứ khác cũng như thế. Không thể một lần nhận biết rõ về nhiều tánh, vì không có hai quyết định?

Đáp: Có thuyết nói: Tâm tâm sở pháp ở nơi xứ được định rõ thì cũng ở nơi màu xanh v.v… được định rõ, không phải ở nơi sát-na. Vì sao? Vì nếu ở nơi sát-na được định rõ thì có vô lượng tâm tâm sở pháp trụ trong pháp không sinh. Chớ nên có lỗi ấy, vì thế không nói ở nơi sát-na được định rõ.

Hỏi: Nếu vậy thì như trong màu xanh có nhiều thứ xanh tức là xanh nơi gốc, nơi cành, thân, nhánh, lá, hoa, quả. Nếu chính ở nơi đấy không nói là định rõ, thì khi nhận biết rõ về gốc kia tức biết rõ về cành, nhánh v.v… Các thứ khác cũng như vậy. Không thể một lần nhận biết rõ có nhiều tánh, vì không có hai quyết định?

Đáp: Nên nói như vầy: Tức tâm tâm sở pháp ở nơi ba sự được định rõ.

Hỏi: Nếu như vậy tức nên có vô lượng tâm tâm sở pháp trụ trong pháp không sinh chăng?

Đáp: Tức có vô lượng tâm tâm sở pháp trụ trong pháp không sinh lại có lỗi gì? Đời vị lai rộng lớn không có xứ dung nạp chúng sao? Nhưng chúng xưa nay đã có trụ xứ.

Hỏi: Tâm tâm sở pháp như ở nơi đối tượng duyên đã được định rõ thì cũng ở nơi đối tượng nương dựa được định rõ chăng?

Đáp: Ở nơi đối tượng nương dựa cũng được định rõ. Tức là năm thức như nhãn, v.v… và pháp tương ưng ở nơi đời vị lai cùng với đối tượng nương dựa là xa. Hiện tại tức cùng có. Quá khứ lại xa.

Có thuyết cho: Đời vị lai cùng với đối tượng nương dựa thì xa. Hiện tại, quá khứ cùng với đối tượng nương dựa đều cùng có. Nghĩa còn lại đã nói rộng trong phẩm Trí thuộc chương Tạp Uẩn.

Hỏi: Nếu pháp cùng với pháp kia làm tăng thượng, hoặc có khi pháp này cùng với pháp kia không làm tăng thượng chăng?

Đáp: Không khi nào không phải là tăng thượng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận ý tưởng do thiếu hiểu biết về tánh của tăng thượng duyên, nên chấp cho tăng thượng duyên là không thật có. Nay nhằm làm sáng tỏ thể tánh của tăng thượng duyên là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Duyên hòa hợp nên các pháp sinh diệt. Duyên ấy không có lúc nào là không hòa hợp, vì sao các pháp không luôn mãi sinh diệt?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Các pháp sinh diệt, hòa hợp đều khác nhau. Nghĩa là duyên khác hòa hợp nên các pháp sinh. Duyên khác hòa hợp nên các pháp diệt. Do đó chúng không hằng sinh diệt.

Lại nữa, pháp này sinh rồi thì pháp khác theo đấy sinh, có nhiều sát-na thứ lớp gần bên áp sát, thế nên không có công năng trùng sinh. Như người bị rơi xuống vực sâu bị bờ lở đè, muốn đứng dậy lại bị đè xuống. Kẻ ấy khi đó hãy còn không thể nhúc nhích huống nữa là đứng dậy.

Các pháp cũng như vậy, cho nên không có lỗi sinh mãi hay diệt mãi. Nghĩa còn lại đã nói rộng như trong phẩm Trí của chương Tạp Uẩn.

***

* Các ý xúc thì tất cả chúng là xúc của ba thứ hòa hợp chăng?

Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận tông chỉ khác cùng làm rõ nghĩa của tông mình. Nghĩa là như có lối chấp: Tâm sở tức là tâm. Hoặc có thuyết nói: Xúc tức là căn cảnh thức. Nay nhằm làm rõ: Tâm sở không phải là tâm. Có riêng thể của xúc cùng với tâm tương ưng. Lại để ngăn dứt nghi của người khác. Như có kẻ nghi: Nhãn xúc cho đến thân xúc gọi là do ba thứ hòa hợp, nghĩa ấy có thể như thế, do căn cảnh thức kia cùng thời sinh. Còn ý xúc cũng gọi là xúc của ba thứ hòa hợp, vì sao có thể như thế? Vì ý căn là quá khứ, ý thức là pháp hiện tại hoặc ba đời hoặc tách lìa đời. Nay muốn quyết định hiển bày ý xúc cũng gọi là xúc của ba thứ, do cùng không trái nhau, cùng sinh một quả gọi là hòa hợp, không phải chỉ cùng khởi gọi là hòa hợp. Do nhân duyên đó nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các ý xúc thì tất cả chúng là xúc của ba thứ hòa hợp chăng?

Đáp: Các ý xúc thì tất cả chúng là xúc của ba thứ hòa hợp. Không có xúc nào không nhân nơi ba thứ hòa hợp.

Có ý xúc không phải là xúc của ba thứ hòa hợp. Nghĩa là năm thức thân tương ưng với xúc. Thế nên Đức Phật nói: Bí-sô nên biết! Có ý giới, có pháp giới, có vô minh giới, vô minh xúc đã sinh ra thọ. Những xúc đó, kẻ phàm phu thiếu hiểu biết liền chấp có, liền chấp không, hoặc chấp có không.

Trong đây nói có ý giới là ý giới của quá khứ. Có pháp giới là pháp giới của ba đời. Có vô minh giới là vô minh giới của hiện tại. Vô minh xúc là ngu tối đối với sự vô ngã. Liền chấp có nghĩa là khởi thường kiến. Liền chấp không tức là khởi đoạn kiến. Hoặc chấp có không là khởi kiến chấp đoạn thường.

Hiếp Tôn giả nói: Trong đây ý nói: Ngu tối đối với tự thể gọi là vô minh giới. Sáu thức thân kia vô gián diệt gọi là ý giới. Khi ấy, tâm tâm sở pháp ở nơi đó mà chuyển gọi là pháp giới. Vô minh xúc thì như trước đã nói.

Hỏi: Năm thức tương ưng với xúc do căn cảnh thức hiện tại là có, gọi là xúc của ba thứ hòa hợp, nghĩa ấy có thể như thế. Ý thức tương ưng với xúc, căn ở nơi quá khứ, cảnh hoặc ở vị lai, thức thì ở hiện tại, vì sao gọi là xúc xong ba thứ hòa hợp?

Đáp: Hòa hợp có hai thứ: 1. Cùng khởi không lìa nhau gọi là hòa hợp. 2. Không trái nhau cùng làm một việc gọi là hòa hợp.

Năm thức tương ưng với xúc do hai thứ hòa hợp nên gọi là hòa hợp. Ý thức tương ưng với xúc do hòa hợp cùng làm một việc nên gọi là hòa hợp. Vì sao? Vì như năm thức, căn cảnh hiện tại hiện có tác dụng như thế, ý thức thì căn cảnh khác đời có tác dụng cũng như vậy. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói như vầy: Do căn cảnh thức đồng làm một việc nên gọi là hòa hợp. Không phải do cùng khởi không lìa nhau nên gọi là hòa hợp. Như ba pháp này tùy ở vào thời nào đều có thể lần lượt làm một việc, nên đều gọi là hòa hợp.

Có Sư khác ở đây đã tạo ra văn tăng thêm: Các nhãn xúc cho đến thân xúc thì tất cả chúng là xúc của ba thứ hòa hợp chăng? Đáp: Các nhãn xúc cho đến thân xúc thì tất cả chúng là xúc của ba thứ hòa hợp. Có xúc của ba thứ hòa hợp nhưng không phải là nhãn xúc cho đến thân xúc. Nghĩa là ý thức thân tương ưng với xúc. Nhưng nay không nói như vậy là có ý gì?

Vì muốn làm sáng tỏ trong đây chỉ thành lập nghĩa không cực thành. Nhãn xúc cho đến thân xúc gọi là xúc của ba thứ hòa hợp, nghĩa tự thành lập cho nên không nói. Ý xúc gọi là xúc của ba thứ hòa hợp, nghĩa không phải cực thành, do đó nên nói. Vì thế như trước đã tụng là đúng.

Các mạn thì tất cả chúng là tự chấp chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Trong chương Kiến Uẩn này chỉ nên phân biệt về kiến, vì sao phân biệt về mạn?

Đáp: Là do ý của người tạo luận muốn như vậy, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Do tương tợ. Nghĩa là trong tất cả phiền não, không có phiền não nào không phải là tự tánh của kiến mà tợ như kiến chuyển cũng như mạn.

Có thuyết nêu: Trước đã nói trong mỗi mỗi uẩn phân biệt về tất cả pháp. Nếu trong uẩn này không phân biệt về mạn thì vì sao gọi là trong mỗi mỗi uẩn phân biệt về tất cả pháp? Do vậy trong đây cũng phân biệt về mạn.

Hỏi: Các mạn thì tất cả chúng là tự chấp chăng?

Đáp: Các mạn thì tất cả chúng là tự chấp. Do mạn là tự đề cao, tự ỷ lại, chấp pháp là hơn. Có tự chấp không phải là mạn, nghĩa là các kiến thú. Nên Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Tự chấp có ngã, tự chấp có ngã sở. Trong đây, tự chấp có ngã là chỉ rõ về ngã kiến. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về ngã sở kiến. Lại nữa, tự chấp có ngã là chỉ rõ về năm ngã kiến. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về mười lăm ngã sở kiến. Lại nữa, tự chấp có ngã là chỉ rõ về hành tướng ngã chấp. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về hành tướng ngã sở chấp.

Có thuyết nói: Tự chấp có ngã là chỉ rõ về ngã ái. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về ngã sở ái.

Có Sư khác cho: Tự chấp có ngã là chỉ rõ về ngã ngu tối. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về ngã sở ngu tối.

Lại có thuyết nói: Tự chấp có ngã là chỉ rõ về Tát-ca-da-kiến không có sự dị biệt. Tự chấp có ngã sở là chỉ rõ về Tát-ca-da-kiến có sự dị biệt. Trong tất cả phiền não, không có phiền não nào không phải là tự tánh của mạn mà giống như mạn chuyển. Cũng như kiến nên nói kiến thú tự chấp không phải là mạn.

Các mạn thì tất cả chúng là không tịch tĩnh chăng?

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước chỉ phân biệt về hành tướng giống nhau của mạn và kiến, chưa phân biệt mạn cùng với tất cả phiền não có hành tướng tương tợ. Nay vì nhằm phân biệt về điều ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các mạn thì tất cả chúng là không tịch tĩnh chăng?

Đáp: Các mạn thì tất cả chúng là không tịch tĩnh. Do mạn là tự đề cao, tự ỷ lại, chấp pháp là hơn. Có khi không tịch tĩnh không phải là mạn, nghĩa là các thứ phiền não khác hiện tiền. Do vậy Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Động là bị ma trói buộc, không động là giải thoát các thứ ác. Trong đây, nói các phiền não khác là các triền cấu kiến nghi vô minh tham sân. Hiện tiền là chỉ rõ về tướng không tịch tĩnh.

Hỏi: Vì sao phiền não hiện tại có tướng không tịch tĩnh không phải là quá khứ, vị lai?

Đáp: Phiền não hiện tại ở trong tự thân đã làm chướng ngại Thánh đạo cùng gia hạnh của Thánh đạo. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại ở trong tự thân có thể nhận lấy quả, cho quả. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại ở trong tự thân có thể nhận lấy quả đẳng lưu, quả dị thục. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại có thể khiến cho tự thân trở thành đáng chê trách, đáng chán ghét, đáng xa lìa. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại thiêu đốt tự thân, tổn hoại tự thân, bức não tự thân. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại tự hại, hại người khác, hoặc lại cùng hại. Phiền não quá khứ, vị lai thì không như vậy.

Lại nữa, phiền não hiện tại là tánh không vắng lặng, có dụng không vắng lặng cho nên nói đến. Phiền não quá khứ, vị lai là tánh không vắng lặng, nhưng không có dụng không vắng lặng thế nên không nói.

Động thì bị ma trói buộc: Trong đây, câu đầu chỉ rõ không vắng lặng là bị ma phiền não trói buộc. Câu sau chỉ rõ vắng lặng là giải thoát. Tánh của thiên ma xấu ác chính là thiên ma.

Có Sư khác nói: Trong đây, hai câu đều chỉ rõ về tánh của ma phiền não. Do các phiền não đã hại pháp thiện nên gọi là ma. Do khởi nghiệp ác nên còn gọi là kẻ ác. Nếu các hữu tình khi không vắng lặng thì bị phiền não trói buộc. Nếu có thể đạt vắng lặng, tu tập đối trị thì đối với phiền não liền được giải thoát.

Hỏi: Các nghiệp chúng là không luật nghi chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp không phải là không luật nghi. Nghĩa là thân ngữ luật nghi.

2. Có không luật nghi không phải là nghiệp. Nghĩa là căn không luật nghi.

3. Có nghiệp cũng là không luật nghi. Nghĩa là thân ngữ không luật nghi.

4. Có không phải là nghiệp cũng không phải là không luật nghi. Nghĩa là căn luật nghi.

Hỏi: Các nghiệp chúng là luật nghi chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp không phải là luật nghi. Nghĩa là thân ngữ không luật nghi.

2. Có luật nghi không phải là nghiệp. Nghĩa là căn luật nghi.

3. Có nghiệp cũng là luật nghi. Nghĩa là thân ngữ luật nghi.

4. Có không phải là nghiệp cũng không phải là luật nghi. Nghĩa là căn không luật nghi.

Hỏi: Trong đây, căn luật nghi, căn không luật nghi lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Có thuyết nói: Căn luật nghi thì lấy niệm chánh tri làm tự tánh. Căn không luật nghi thì lấy mất niệm không chánh tri làm tự tánh. Làm sao nhận biết? Lấy kinh để lường xét. Như Khế kinh nói: Khi ấy có thiên thần nói với Bí-sô: Bí-sô, Bí-sô chớ nên sinh nhọt bướu. Bí-sô đáp: Ta sẽ che nó. Thiên thần lại hỏi: Nhọt bướu đã to rồi dùng gì để có thể che được? Bí-sô đáp: Ta sẽ dùng niệm chánh tri để che nó. Thiên thần liền khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Có thể che phủ như thế đó là khéo che phủ. Do vậy nên biết căn luật nghi lấy niệm chánh tri làm tự tánh. Căn không luật nghi thì lấy mất niệm không chánh tri làm tự tánh.

Hỏi: Nếu như vậy thì kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Niệm và chánh tri đầy đủ nên có thể đầy đủ căn luật nghi. Há lấy tự tánh làm đầy đủ tự tánh chăng?

Đáp: Niệm và chánh tri có tánh của nhân, có tánh của quả. Tánh của nhân là dùng tên niệm chánh tri để nói. Tánh của quả thì dùng tên luật nghi để nói. Do nhân đầy nên khiến quả viên mãn. Vì thế không có lỗi.

Có thuyết nói: Căn luật nghi lấy không phóng dật làm tự tánh.

Căn không luật nghi lấy phóng dật làm tự tánh.

Có thuyết cho: Căn luật nghi dùng sáu pháp hằng trụ làm tự tánh. Căn không luật nghi dùng dựa vào sáu căn sinh phiền não làm tự tánh.

Có thuyết nêu: Căn luật nghi lấy căn vĩnh viễn đoạn dứt, nhận biết khắp về các hành diệu, căn thiện làm tự tánh. Căn không luật nghi lấy căn không vĩnh viễn đoạn dứt, không nhận biết khắp về các phiền não, hành ác, căn bất thiện làm tự tánh. Như vậy tức dùng hành diệu và hành ác làm thể của căn luật nghi và căn không luật nghi.

Có thuyết nói: Căn luật nghi dùng căn không thành tựu, không vĩnh viễn đoạn dứt, không nhận biết khắp và thành tựu đạo đối trị kia làm tự tánh. Căn không luật nghi dùng căn thành tựu, không vĩnh viễn đoạn dứt, không nhận biết khắp và không thành tựu đạo đối trị kia làm tự tánh. Như vậy, căn luật nghi và căn không luật nghi cùng lấy thành tựu, không thành tựu làm thể.

Có thuyết cho: Căn luật nghi dùng pháp không nhiễm ô làm tự tánh. Căn không luật nghi dùng pháp nhiễm ô làm tự tánh. Như vậy, căn luật nghi và căn không luật nghi cùng lấy năm uẩn làm thể tánh của chúng.

Ngày xưa nơi nước Ca-thấp-di-la, trong Tăng-già-lam Chiêu Cát Tường có anh em là hai vị A-la-hán, đều là bậc Pháp sư, đời khen là Nan-địa-ca-tử. Hai vị nói: Căn luật nghi, căn không luật nghi đều lấy căn luật nghi, căn không luật nghi trong hành uẩn bất tương ưng vô phú vô ký làm tự tánh. Tự tánh này được thành lập nghĩa là thể là thật có. Đây tức lại có tâm bất tương ưng hành khác được gồm thâu vào trong ấy.

Hỏi: Nếu căn luật nghi và căn không luật nghi đều cùng lấy hành uẩn vô phú vô ký làm tự tánh thì chúng có gì khác nhau?

Đáp: Hành uẩn vô phú vô ký này có thứ tùy thuận phẩm thiện, có thứ tùy thuận phẩm phiền não. Tùy thuận phẩm thiện gọi là căn luật nghi. Tùy thuận phẩm phiền não gọi là căn không luật nghi.

Nếu sự chưa được thì chúng là không thành tựu chăng? Cho đến nói rộng.

Ở trước đã nói về năm thứ, mười thứ sự. Trong đây là dựa vào sự tự tánh để tạo luận, nhằm ngăn chận thuyết cho: Không có tánh thành tựu, không thành tựu. Nay làm sáng tỏ: Thành tựu và không thành tựu tánh là thật có.

Hỏi: Nếu sự chưa được thì chúng là không thành tựu chăng?

Đáp: Nếu sự chưa được thì chúng là không thành tựu. Nghĩa quán bất tịnh, trì tức niệm, niệm trụ, ba nghĩa quán, bảy xứ thiện, noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, những sự như thế, nếu chưa được thì chúng không thành tựu.

Có sự không thành tựu nhưng không phải là chưa được. Nghĩa là đã được rồi mất. Đây gọi là các sự như quán bất tịnh v.v… ở trước, không phải chưa được mà không thành tựu.

Hỏi: Nếu sự đã được thì chúng là thành tựu chăng?

Đáp: Nếu sự thành tựu thì chúng là đã được. Nghĩa là như quán bất tịnh v.v… ở trước được rồi không mất. Có sự đã được nhưng không thành tựu. Nghĩa là được rồi mất. Đó là như quán bất tịnh v.v… ở trước đã được mà mất.

***

* Trừ khổ Thánh đế và pháp xứ, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm để ngăn chận tông chỉ khác, làm rõ nghĩa của mình. Nghĩa là như có lối chấp: Các pháp gồm thâu tánh khác, không gồm thâu tự tánh. Tập đế chỉ là ái. Đạo đế chỉ là tám chi Thánh đạo. Hoặc nói: Pháp xứ gồm thâu tất cả pháp. Hoặc cho: Pháp xứ chỉ là không phải sắc. Hoặc lại nói: Không có hai đời quá khứ, vị lai. Hoặc cho: Năm thức chỉ là tánh vô ký. Nay nhằm ngăn chặn các thứ chấp sai lầm đó và làm sáng tỏ nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này.

Nói trừ có hai ý sâu xa: 1. Muốn an lập. 2. Muốn ngăn chận trừ bỏ.

Trong đây, nói trừ là muốn ngăn chận trừ bỏ.

Trừ khổ Thánh đế và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn. Ở đây, khổ Thánh đế nghĩa là tất cả pháp hữu lậu, tức mười lăm giới, phần ít của ba giới, mười xứ, phần ít của hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ là bảy thứ pháp, tức là tưởng thọ hành uẩn, vô biểu sắc và ba vô vi. Pháp còn lại nghĩa là tâm vô lậu, cho nên pháp này có hai giới là ý giới, ý thức giới, một xứ là ý xứ, một uẩn là thuộc về thức uẩn.

Trừ tập Thánh đế và pháp xứ nói cũng như vậy. Khổ, tập về nghĩa thì có khác nhưng thể thì không khác.

Trừ diệt Thánh đế và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, diệt Thánh đế nghĩa là trạch diệt vô vi, tức là phần ít của pháp giới, pháp xứ. Pháp xứ là bảy thứ pháp như trước đã nói. Pháp còn lại là có đối sắc và tất cả tâm, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ đạo Thánh đế và pháp xứ nói cũng như vậy. Ở đây, do nơi thuộc về lượng của chúng là đồng nên nói cũng như vậy. Nhưng đạo Thánh đế là pháp hữu vi vô lậu, tức ba giới là ý giới, ý thức giới và pháp giới, hai xứ là ý xứ, pháp xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối và tâm hữu lậu, cho nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp có sắc và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về bảy giới, một xứ, một uẩn. Ở đây, pháp có sắc là bốn đại chủng và do bốn đại chủng tạo ra, tức mười giới, phần ít của một giới, mười xứ, phần ít của một xứ, một uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại nghĩa là tất cả tâm, thế nên pháp này thuộc về bảy tâm giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp không sắc và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không sắc là tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành, vô vi, tức bảy tâm giới, phần ít của một giới, một xứ, phần ít của một xứ, bốn uẩn, trừ sắc uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tất cả sắc có đối, vì vậy pháp này thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn.

Trừ pháp có thấy và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười sáu giới, mười xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp có thấy tức là đối tượng hành của mắt là một giới, một xứ và phần ít của một uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối, không thấy cùng tất cả tâm, cho nên pháp này thuộc về mười sáu giới, trừ sắc giới, pháp giới, mười xứ tức trừ sắc xứ, pháp xứ, hai uẩn là sắc, thức.

Trừ pháp không thấy và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về một giới, một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không thấy là trừ đối tượng hành của mắt, còn lại là tất cả pháp, tức là mười bảy giới, mười một xứ, bốn uẩn, phần ít của một uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là đối tượng hành của mắt, cho nên pháp này thuộc về một giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp có đối và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về bảy giới, một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp có đối là trừ vô biểu, còn lại là tất cả sắc, tức mười giới, mười xứ, cùng phần ít của một uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tất cả tâm, thế nên pháp này thuộc về bảy tâm giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp không đối và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không đối là trừ sắc có đối, còn lại là tất cả pháp, tức tám giới, hai xứ, bốn uẩn, phần ít của một uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tất cả sắc có đối, thế nên pháp này thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn.

Trừ pháp hữu lậu và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp hữu lậu trước đã là khổ tập đế, tức mười lăm giới, phần ít của ba giới, mười xứ, phần ít của hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tâm vô lậu, thế nên pháp này thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp vô lậu và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp vô lậu là diệt đạo đế và hai vô vi, tức là ba giới, hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối và tâm hữu lậu, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp hữu vi và pháp xứ. Đây là trừ tất cả pháp mà hỏi về pháp còn lại là luận không vô sự. Trong đây, pháp hữu vi là khổ tập đạo đế, tức là mười bảy giới, phần ít của một giới, mười một xứ, phần ít của một xứ, năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Ở đây trừ lại không còn pháp khác có thể gồm thâu, thế nên gọi là luận không vô sự.

Trừ pháp vô vi và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp vô vi là hư không, trạch diệt phi trạch diệt, tức một giới, phần ít của một xứ. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối và tất cả tâm, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp quá khứ và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp quá khứ nghĩa là các pháp đã sinh đã diệt, tức mười tám giới, mười hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối vị lai hiện tại và tâm, vì thế pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp vị lai, pháp hiện tại và pháp xứ nói cũng như vậy, tức khi loại khác không khác biệt.

Trừ pháp thiện và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp thiện là có thể được quả đáng yêu thích, tự tánh an ổn, tức mười giới, bốn xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là bất thiện, vô ký, sắc có đối và tâm, vì thế pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp bất thiện và pháp xứ nói cũng như thế, tức loại riêng khác gồm thâu không riêng khác.

Trừ pháp vô ký và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về chín giới, ba xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp vô ký là không được quả yêu thích, không yêu thích và không phải là pháp có tự tánh an ổn, tức tám giới, phần ít của mười giới, tám xứ, phần ít của bốn xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là thiện, bất thiện, sắc có đối và tâm, tức nên pháp này thuộc về chín giới, ba xứ, hai uẩn.

Trừ pháp thuộc cõi dục và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười ba giới, chín xứ, một uẩn. Trong đây, pháp thuộc cõi dục là dục ái đã tùy tăng, tức bốn giới, phần ít của mười bốn giới, hai xứ, phần ít của mười xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối thuộc cõi sắc và pháp thuộc cõi sắc, vô sắc, pháp không hệ thuộc và tâm, thế nên pháp này thuộc về mười ba giới, chín xứ, hai uẩn.

Trừ pháp thuộc cõi sắc và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp thuộc cõi sắc là sắc ái đã tùy tăng, tức mười bốn giới, mười xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là sắc có đối thuộc cõi dục và pháp thuộc cõi dục, Vô sắc, pháp không hệ thuộc và tâm, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Pháp thuộc cõi vô sắc, pháp học, pháp vô học và pháp xứ nói cũng như vậy, do ở đây số lượng thuộc về là đồng.

Trừ pháp phi học phi vô học và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp phi học phi vô học là tất cả pháp hữu lậu và pháp vô vi, tức mười lăm giới, phần ít của ba giới, mười xứ, phần ít của hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tâm vô lậu, thế nên pháp này thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp do kiến đạo đoạn và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp do kiến đạo đoạn là do nhẫn đã đối trị, tức ba giới, hai xứ, phần ít của bốn uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tất cả sắc có đối cùng pháp do tu đạo đoạn, pháp không đoạn và tâm, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp do tu đạo đoạn và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn. Ở đây, pháp do tu đạo đoạn là pháp do trí đã đối trị, tức mười lăm giới, phần ít của ba giới, mười xứ, phần ít của hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp do kiến đạo đoạn, pháp không đoạn và tâm, thế nên pháp này thuộc về hai giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp không đoạn và pháp xứ, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn. Trong đây, pháp không đoạn là tất cả pháp vô lậu, tức là ba giới, hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp xứ như trước đã nói. Pháp còn lại là tất cả sắc có đối và tâm hữu lậu, thế nên pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, hai uẩn.

Trừ pháp đã sinh và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp đã sinh là pháp quá khứ, hiện tại, tức là mười tám giới, mười hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp nhất định không sinh là pháp quá khứ, hiện tại và pháp vị lai tất không sinh cùng pháp vô vi đã sinh nên được là chẳng sinh, là không sinh. Quyết định không sinh ở đây cũng là mười tám giới, mười hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp còn lại là pháp đang sinh và có thể sinh, nên pháp này cũng thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp không phải đã sinh và pháp nhất định không sinh, đây là trừ tất cả pháp, nên hỏi về pháp còn lại tức là luận không vô sự. Trong đây, pháp không phải đã sinh là pháp vị lai và vô vi, tức là mười tám giới, mười hai xứ, phần ít của năm uẩn. Pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Trừ ở đây là lại không còn pháp khác để có thể gồm thâu, cho nên nói là luận không vô sự.

Trừ pháp có sắc và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về tám giới, hai xứ, bốn uẩn. Trong đây, pháp có sắc và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp đang sinh, có thể sinh, các tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành, thế nên pháp này thuộc về tám giới, hai xứ, bốn uẩn.

Trừ pháp không sắc và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười một giới, mười một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không sắc và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp có sắc đang sinh và có thể sinh, vì thế pháp này thuộc về mười một giới, mười một xứ, một uẩn.

Trừ pháp có thấy và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp có thấy và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp không thấy đang sinh và có thể sinh, vì thế pháp này thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, năm uẩn.

Trừ pháp không thấy và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về một giới, một xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không thấy và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các sắc có thấy đang sinh và có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về một giới, một xứ, một uẩn.

Trừ pháp có đối và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về tám giới, hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp có đối và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp không đối đang sinh và có thể sinh, như thế pháp này thuộc về tám giới, hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp không đối và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn. Trong đây, pháp không đối và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các sắc có đối đang sinh và có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về mười giới, mười xứ, một uẩn.

Trừ pháp hữu lậu và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp hữu lậu và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp vô lậu đang sinh và có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp vô lậu và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp vô lậu và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp hữu lậu đang sinh và có thể sinh, vì thế pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp hữu vi và pháp nhất định không sinh, đây là trừ tất cả pháp, nên hỏi về pháp còn lại là luận không vô sự. Trong đây, pháp hữu vi và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Trừ ở đây là không còn pháp nào để có thể gồm thâu, cho nên nói là luận không vô sự.

Trừ pháp vô vi và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp vô vi và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp hữu vi đang sinh và có thể sinh, vì thế pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp quá khứ, pháp hiện tại và pháp nhất định không sinh nói cũng như vậy. Trong đây, pháp còn lại cùng gọi là các pháp hữu vi đang sinh và có thể sinh, thế nên pháp này đều thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp vị lai và pháp nhất định không sinh, đây là trừ tất cả pháp, nên hỏi về pháp còn lại là luận không vô sự. Trong đây, pháp vị lai và pháp nhất định không sinh đều gồm thâu đủ tất cả pháp hữu vi, vô vi. Trừ ở đây là lại không còn pháp khác để có thể gồm thâu, cho nên nói là luận không vô sự.

Trừ pháp thiện và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp thiện và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là các pháp bất thiện, vô ký đang sinh và có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp bất thiện và pháp nhất định không sinh nói cũng như vậy, do chỗ thuộc về nơi pháp còn lại là đồng.

Trừ pháp vô ký và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười giới, bốn xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp vô ký và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp thiện, bất thiện đang sinh và có thể sinh, vì thế pháp này thuộc về mười giới, bốn xứ, năm uẩn.

Trừ pháp thuộc cõi dục và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười bốn giới, mười xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp thuộc cõi dục và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp thuộc cõi sắc, cõi vô sắc đang sinh, có thể sinh và pháp không hệ thuộc, thế nên pháp này thuộc về mười bốn giới, mười xứ, năm uẩn.

Trừ pháp thuộc cõi sắc và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp thuộc cõi sắc và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp thuộc cõi dục, cõi vô sắc đang sinh, có thể sinh và pháp không hệ thuộc, vì thế pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp thuộc cõi vô sắc, pháp học, pháp vô học và pháp nhất định không sinh nói cũng vậy, do đối với pháp còn lại số lượng gồm thâu là đồng.

Trừ pháp phi học phi vô học và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp phi học phi vô học và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp học, vô học đang sinh, có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp do do kiến đạo đoạn và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp do kiến đạo đoạn và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp do tu đạo đoạn đang sinh, có thể sinh, pháp không đoạn, thế nên pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp do tu đạo đoạn và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp do tu đạo đoạn và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp do kiến đạo đoạn đang sinh, có thể sinh, pháp không đoạn, vì thế pháp này thuộc về ba giới, hai xứ, năm uẩn.

Trừ pháp không đoạn và pháp nhất định không sinh, pháp còn lại là thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Trong đây, pháp không đoạn và pháp nhất định không sinh như trước đã nói. Pháp còn lại là pháp do kiến đạo, tu đạo đoạn đang sinh, có thể sinh, thế nên pháp này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Hỏi: Từng có một giới, một xứ, một uẩn gồm thâu tất cả pháp chăng?

Đáp: Có. Một giới là pháp giới, một xứ là ý xứ, một uẩn là sắc uẩn. Như vậy là gồm thâu tất cả pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp không ngoài năm sự là sắc, tâm, tâm sở pháp, bất tương ưng hành và vô vi. Sắc uẩn gồm thâu sắc, ý xứ gồm thâu tâm, pháp xứ gồm thâu các pháp còn lại. Thế nên gồm thâu tất cả pháp.

Lại nữa, tất cả pháp không ngoài mười tám giới, trong ấy: Sắc uẩn gồm thâu mười sắc giới, ý xứ gồm thâu bảy tâm giới, pháp giới gồm thâu pháp giới, cho nên gồm thâu tất cả pháp.

Lại nữa, tất cả pháp đều nhập trong uẩn, giới, xứ. Ba thứ này lần lượt gồm thâu nhau. Nghĩa là sắc uẩn gồm thâu mười sắc giới, mười sắc xứ, pháp giới, phần ít của pháp xứ. Ý xứ gồm thâu bảy tâm giới. Thức uẩn, pháp giới gồm thâu pháp xứ, thọ tưởng hành uẩn, phần ít của sắc uẩn. Thế nên ba thứ gồm thâu tất cả pháp.

HẾT – QUYỂN 197