LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 200

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KIẾN, phần 3

2. Trong phần biên vực sau phân biệt về kiến:

* Có mười sáu Luận hữu tưởng: Nghĩa là bốn thứ Luận đầu dựa vào ba kiến mà lập. Như nói: Một loại Bổ-đặc-già-la khởi kiến như vầy, lập luận như vầy: Thọ mạng tức là thân. Lại có một loại Bổ-đặc-già-la khởi kiến như vầy, lập luận như vầy: Thọ mạng khác với thân. Lại có một loại Bổ-đặc-già-la khởi kiến như vầy, lập luận như vầy: Tướng chung này là ngã hiện có khắp, không hai, không khác, không thiếu.

Dựa theo kiến thứ nhất để kiến lập ngã thứ nhất, là Luận hữu tưởng hữu sắc sau khi chết. Nghĩa là ngoại đạo kia chấp sắc là ngã, chấp bốn uẩn còn lại là ngã sở. Ngoại đạo kia đã chấp ngã dùng sắc làm tánh, nên gọi là hữu sắc. Giữ lấy tướng của các pháp nên gọi là tưởng. Ngã hữu sắc này do có tưởng kia nên gọi là hữu tưởng, do chấp bốn uẩn còn lại là ngã sở. Ngoại đạo kia khởi suy nghĩ như vầy: Ngã hữu sắc này sau khi chết là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, ở nơi cõi sắc là một phần, trừ trời Vô tưởng. Nếu thừa nhận cõi vô sắc cũng có sắc thì điều ấy cũng ở nơi ba vô sắc trước (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ). Vì đây là hữu tưởng nên không ở nơi một vô sắc sau (Phi tưởng phi phi tưởng xứ).

Dựa theo kiến thứ hai để kiến lập ngã thứ hai, là Luận hữu tưởng vô sắc sau khi chết. Nghĩa là ngoại đạo kia chấp vô sắc là ngã, chấp sắc hoặc bốn uẩn còn lại là ngã sở. Tức là nếu trừ tưởng, chấp ba uẩn còn lại (thọ hành thức) chung riêng làm ngã, tức chấp tưởng, sắc uẩn làm ngã sở. Nếu chấp tưởng uẩn làm ngã, tức chấp các uẩn còn lại làm ngã sở. Ngoại đạo kia đã chấp ngã dùng vô sắc làm tánh, nên gọi là vô sắc. Giữ lấy tướng của các pháp tức gọi là tưởng. Ngã vô sắc này hoặc lấy tưởng làm tánh, hoặc có tác dụng của tưởng nên gọi là hữu tưởng, hoặc có tưởng kia nên gọi là hữu tưởng, do chấp tưởng uẩn làm ngã sở. Ngoại đạo kia suy nghĩ như vầy: Ngã vô sắc này sau khi chết (tử hậu) là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục cho đến Vô sở hữu xứ, trừ trời Vô tưởng.

Dựa theo kiến thứ ba để kiến lập ngã thứ ba, là Luận hữu tưởng cũng có sắc cũng không sắc sau khi chết. Nghĩa là ngoại đạo kia chấp sắc, vô sắc làm ngã. Như ngoại đạo Đế ngữ đối chung nơi năm uẩn khởi lên một ngã tưởng. Do ngoại đạo kia đã phân biệt riêng về các uẩn đều không có được thật ngã. Cũng như đều phân chia riêng từng vị ngọt, chua, mặn, cay, đắng, lạt thì không thật có chung một vị có thể đạt được. Thế nên ngoại đạo đối với các uẩn dấy khởi một tưởng rồi lại chấp chung là ngã. Tức họ đã chấp ngã dùng sắc vô sắc làm tánh, nên gọi là cũng có sắc cũng không sắc. Giữ lấy tướng của các pháp gọi là tưởng. Ngã này cũng có sắc, cũng không sắc, hoặc dùng tưởng làm tánh, hoặc có tác dụng của tưởng nên gọi là có tưởng, hoặc do có tưởng ấy nên gọi là có tưởng. Do chấp các uẩn nơi tự thân là ngã, nên chấp các uẩn ở thân khác là ngã sở. Có những ngoại đạo khác ở nơi ngã có sắc thấy rõ lỗi lầm rồi, nên dựa vào ngã vô sắc mà trụ. Ở nơi ngã vô sắc thấy rõ lỗi lầm rồi lại dựa vào ngã có sắc mà trụ. Các ngoại đạo kia chưa đoạn ngã kiến, tuy chấp có ngã nhưng không quyết định, cho ngã đã chấp chỉ là có sắc, hoặc chỉ là không sắc. Nhưng lại khởi suy nghĩ như vầy: Ngã này cũng có sắc, cũng không sắc, sau khi chết là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, tùy theo chỗ thích ứng, cho đến nói rộng.

Ngã thứ tư là Luận hữu tưởng không phải là có sắc, không phải là không sắc sau khi chết. Tức ngăn chận Luận thứ ba, không dựa riêng nơi kiến. Kẻ kia nghĩ như vầy: Ngã tuy thật có, nhưng không thể nói nhất định là cũng có sắc, cũng không sắc. Họ thấy thật ngã, nhất định cũng có sắc cũng không sắc đều có lỗi, nên nói như vầy: Ngã này không phải là có sắc, không phải là không sắc, sau khi chết là có tưởng. Phần còn lại như trước đã nói.

Bốn thứ như thế hoặc dựa nơi tầm tứ, hoặc dựa nơi đẳng chí đều cùng được khởi.

Luận chấp ngã là hữu biên, sau khi chết là có tưởng: Hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã đã chấp ấy, thể có phần hạn. Hoặc ở trong tâm, như lượng ngón tay đốt xương sáng tỏ rực rỡ. Hoặc ở trong thân, xứng với lượng thân hình, trong ngoài đều thông sáng. Như nói ngã, thì hình tướng của ngã là đoan nghiêm sáng tỏ rực rỡ thanh tịnh bậc nhất, Kiều đáp ma tôn đâu thể nói là vô ngã. Hoặc chấp phi sắc là ngã, thì ngã đã chấp ấy cũng có phần hạn, do pháp phi sắc về chỗ dựa, đối tượng duyên là có phần hạn, cũng gọi là hữu biên. Tức thuyết kia đã dựa vào tầm tứ để khởi chấp như thế. Nếu dựa vào đẳng chí để khởi chấp ấy, tất chưa được định biến xứ. Như vậy cả hai thứ cùng khởi suy nghĩ như vầy: Ngã nhất định là hữu biên, sau khi chết là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, ở cõi sắc là một phần, trừ trời Vô tưởng. Nếu thừa nhận cõi vô sắc cũng có sắc thì điều ấy cũng ở nơi ba vô sắc trước kia.

Luận chấp ngã là vô biên, sau khi chết là có tưởng: Hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã đã chấp hiện có khắp tất cả xứ. Như Minh luận nói: Có ngã, sĩ phu lượng đó là rộng lớn, biên vực khó lường, sáng tỏ như mặt trời, những thứ tối tăm tuy ở phía trước nhưng không thể thấy.

Chính là nhận biết về ngã này mới có thể vượt qua sinh già bệnh chết. Khác với đây tức lại không có nghĩa lý nào để vượt qua. Lại như có thuyết nói: Địa tức là ngã, ngã tức là địa. Lượng ấy là vô biên. Hoặc chấp vô sắc là ngã, thì khởi suy nghĩ: Như không chạm đến lửa thì không thể đốt cháy. Nếu không đụng đến dao thì trọn không thể cắt được. Nếu không đụng đến nước thì không thể làm thấm ướt. Như vậy, nếu không đạt đến ngã thì trọn không thể nhận lấy phần lượng vô biên. Thuyết kia đã dựa vào tầm tứ để khởi chấp như thế. Nếu dựa vào đẳng chí để khởi chấp ấy tất đã được định biến xứ. Như vậy cả hai thứ cùng khởi suy nghĩ như vầy: Ngã nhất định là vô biên, sau khi chết là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, tùy theo chỗ thích ứng cho đến nói rộng.

Luận chấp ngã là cũng hữu biên cũng vô biên, sau khi chết là có tưởng: Hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã đã chấp ấy tùy nơi thân của đối tượng nương dựa, hoặc thu hẹp hoặc mở rộng, lượng ấy là không định. Kẻ kia khởi suy niệm như vầy: Thân nếu có lượng thì ngã tức hữu biên. Thân nếu không có lượng thì ngã tức vô biên. Hoặc chấp vô sắc là ngã, thì khởi suy nghĩ như vầy: Nếu theo chỗ dựa, đối tượng duyên có lượng thì ngã tức hữu biên. Nếu theo chỗ dựa, đối tượng duyên không có lượng tức ngã là vô biên. Như vậy cả hai thứ đều khởi suy nghĩ như vầy: Ngã cũng là hữu biên cũng là vô biên, sau khi chết là có tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, tùy theo chỗ thích ứng cho đến nói rộng.

Luận chấp ngã không phải là hữu biên, không phải là vô biên, sau khi chết là có tưởng. Tức ngăn chận loại thứ ba làm loại thứ tư này. Ba môn nói khác, như trên đã nêu, nên biết.

Bốn thứ như thế hoặc dựa vào tầm tứ, hoặc dựa nơi đẳng chí đều cùng được khởi.

Dựa vào tưởng, thọ khác nhau nên nói như vầy: Ngã có một tưởng, ngã có vô số thứ tưởng. Ngã có tưởng nhỏ, ngã có vô lượng tưởng. Ngã thuần có vui, ngã thuần có khổ. Ngã có khổ có vui, ngã không khổ không vui, sau khi chết là có tưởng.

Trong đây, ngã có một tưởng: Nghĩa là ở nơi ba vô sắc trước, do những tưởng kia ở nơi một môn chuyển, nên gọi là một tưởng.

Ngã có vô số thứ tưởng: Nghĩa là ở tại cõi dục, cõi sắc, trừ trời Vô tưởng, do những tưởng kia ở nơi sáu môn, bốn môn mà chuyển và duyên nơi vô số thứ cảnh, nên gọi là vô số thứ tưởng.

Dựa vào tầm tứ thì ngã cũng có sai khác. Nghĩa là có một thứ trí công xảo gọi là có một tưởng. Nếu có vô số thứ trí công xảo thì gọi là có vô số thứ tưởng.

Ngã có tưởng nhỏ: Nghĩa là chấp ít sắc làm ngã, hoặc chấp ít vô sắc làm ngã. Hoặc chấp ít sắc làm ngã, thì ngã chấp sắc kia lượng nhỏ hẹp như chỉ tiết trong thân. Chấp tưởng làm ngã kia, vì chỗ dựa là thân nhỏ nên duyên nơi ít cảnh gọi là tưởng nhỏ. Ngã và tưởng kia họp lại gọi là có tưởng nhỏ. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, ở cõi sắc có một phần, trừ trời Vô tưởng. Nếu thừa nhận ở cõi vô sắc cũng có sắc, thì điều ấy cũng ở nơi ba vô sắc trước. Hoặc chấp ít vô sắc làm ngã, thì thuyết kia hoặc chấp thọ làm ngã, tưởng làm ngã sở, do dựa nơi thân nhỏ nên duyên nơi ít cảnh, nên gọi là tưởng nhỏ. Ngã và tưởng kia họp lại gọi là có tưởng nhỏ. Chấp hành làm ngã, chấp thức làm ngã, nói rộng cũng như vậy. Nếu chấp tưởng làm ngã, thì tưởng ấy dựa vào thân nhỏ nên duyên nơi ít cảnh gọi là tưởng nhỏ, do thuyết kia chấp tưởng nhỏ làm tánh của ngã, hoặc có tác dụng của tưởng nên gọi là có tưởng nhỏ. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, cho đến Vô sở hữu xứ, trừ trời Vô tưởng.

Ngã có vô lượng tưởng: Nghĩa là chấp vô lượng sắc làm ngã, hoặc chấp vô lượng vô sắc làm ngã.

Nếu chấp vô lượng sắc làm ngã, thì ngã chấp sắc kia hiện có khắp tất cả nơi chốn. Thuyết kia chấp tưởng làm ngã, do chỗ dựa là vô lượng thân tức duyên nơi vô lượng cảnh, nên gọi là vô lượng tưởng. Ngã cùng với tưởng kia họp gọi là có vô lượng tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, ở cõi sắc là một phần, trừ trời Vô tưởng. Nếu thừa nhận ở cõi vô sắc cũng có sắc, thì điều ấy ở nơi ba vô sắc trước.

Nếu chấp vô lượng vô sắc làm ngã, thì thuyết kia hoặc chấp thọ làm ngã, tưởng làm ngã sở. Tưởng kia dựa nơi vô lượng thân, nên duyên nơi vô lượng cảnh, nên gọi là vô lượng tưởng. Ngã cùng với tưởng kia họp gọi là có vô lượng tưởng. Chấp hành làm ngã, chấp thức làm ngã, nói rộng cũng như vậy. Nếu chấp tưởng làm ngã, thì tưởng đó dựa nơi vô lượng thân nên duyên nơi vô lượng cảnh, gọi là vô lượng tưởng. Thuyết kia chấp vô lượng tưởng làm tánh của ngã, hoặc có tác dụng của tưởng, gọi là có vô lượng tưởng. Điều này ở nơi cõi dục là hoàn toàn, cho đến Vô sở hữu xứ, trừ trời Vô tưởng.

Bốn thứ như vậy hoặc dựa nơi tầm tứ, hoặc dựa nơi đẳng chí đều cùng được khởi.

Ngã thuần có vui: Nghĩa là ở nơi ba tĩnh lự trước. Những người được định, dùng thiên nhãn thông thấy rõ ba tĩnh lự lúc nào cũng thọ vui. Về sau, từ nơi xứ kia chết sinh vào cõi này, liền khởi suy nghĩ: Ngã thuần có vui. Những người có tầm tứ thấy các hữu tình nơi tất cả thời cũng cùng với vui hợp đủ, liền khởi suy niệm: Ngã thuần có vui. Như đối với đời này thì đời khác cũng như vậy.

Ngã thuần có khổ: Nghĩa là ở nơi địa ngục. Những người được định, dùng thiên nhãn thông thấy rõ ở nơi địa ngục lúc nào cũng thọ khổ. Về sau, từ nơi xứ kia chết sinh vào cõi này, liền khởi suy nghĩ: Ngã thuần có khổ. Những người có tầm tứ thấy các hữu tình nơi tất cả thời cũng cùng với khổ hợp đủ, liền khởi suy niệm: Ngã thuần có khổ. Như ở nơi đời này thì ở nơi đời khác cũng như vậy.

Ngã có khổ có vui: Nghĩa là ở nơi nẻo bàng sinh, quỉ giới, nẻo người và trời thuộc cõi dục. Những người được định, dùng thiên nhãn thông thấy các hữu tình kia thọ nhận khổ vui lẫn lộn. Về sau, từ nơi xứ kia chết sinh vào cõi này, liền khởi suy nghĩ: Ngã có khổ có vui. Những người có tầm tứ nhìn thấy các hữu tình có khi cùng với vui hợp đủ, có khi cùng với khổ hợp đủ, liền suy nghĩ: Ngã có khổ có vui. Như ở nơi đời này thì ở nơi đời khác cũng như vậy.

Ngã không khổ không vui: Nghĩa là ở tĩnh lự thứ tư cho đến Vô sở hữu xứ. Những người được định nhận biết các hữu tình kia không khổ không vui. Về sau, từ nơi xứ kia chết sinh vào cõi này, liền khởi suy nghĩ: Ngã không khổ không vui. Những người có tầm tứ suy nghĩ như vầy: Thể của ngã là thường, chuyển biến không rõ ràng. Tuy có lúc tạm thời cùng với khổ vui tương ưng, nhưng khổ vui kia là khách, ngã không có chúng.

Như vậy là mười sáu thứ Luận hữu tưởng thuộc phần biên vực sau phân biệt. Dựa nơi mười sáu thứ sự đã nói ở trước mà khởi.

* Tám Luận vô tưởng: Nghĩa là bốn thứ Luận hữu sắc v.v… và bốn thứ Luận hữu biên v.v….

Bốn thứ Luận hữu sắc v.v…:

1. Chấp ngã hữu sắc sau khi chết là không có tưởng. Nghĩa là Luận kia chấp sắc là ngã, được định vô tưởng, cùng thấy kẻ khác được định ấy, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, nên suy nghĩ: Ngã là hữu sắc, sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ chấp sắc là ngã, thấy có những kẻ bị bệnh kinh phong động giật chết giấc dứt hẳn những khổ thọ bức bách, tợ như hoàn toàn không còn tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã tuy có sắc nhưng không có tưởng về sắc kia. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy.

2. Chấp ngã vô sắc sau khi chết là không có tưởng. Tức là những kẻ kia chấp mạng căn là ngã, được định vô tưởng, cùng thấy kẻ khác được định ấy, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã là vô sắc, sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ chấp mạng căn là ngã, thấy có những kẻ bị bệnh kinh phong động giật ngất xỉu dứt hẳn những khổ thọ bức bách, tợ như hoàn toàn không còn tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã là vô sắc cũng vô tưởng. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy. Kẻ có tầm tứ là trừ tưởng, chấp ba uẩn còn lại làm ngã, cũng cùng chấp ngã là vô sắc sau khi chết là không có tưởng.

3. Chấp ngã cũng có sắc cũng không sắc sau khi chết là không có tưởng. Nghĩa là Luận kia chấp sắc, mạng căn là ngã. Kẻ kia ở nơi hai thứ ấy khởi một ngã tưởng, do phân biệt riêng về hai thứ đó đều không đạt được thật ngã. Cũng như phân chia riêng các vị như ngọt v.v… đều không được vị chung. Luận kia chấp cả hai thứ này làm một ngã rồi được định vô tưởng, cùng thấy kẻ khác được định này, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã cũng có sắc cũng không sắc, sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ chấp sắc mạng căn là ngã, thấy có những người bị bệnh kinh phong động giật ngất xỉu dứt hẳn các khổ thọ bức bách, tợ như hoàn toàn vô tưởng, liền suy nghĩ: Ngã cũng có sắc cũng không sắc nhưng hoàn toàn không có tưởng. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy. Kẻ có tầm tứ là trừ tưởng, chấp bốn uẩn còn lại là ngã, cũng cùng chấp ngã cũng có sắc, cũng không sắc, sau khi chết là không có tưởng.

4. Chấp ngã không phải là có sắc, không phải là không sắc, sau khi chết là không có tưởng. Tức ngăn chận loại thứ ba làm loại thứ tư này. Ba môn nói khác như trước nên biết.

Bốn thứ Luận hữu biên v.v…:

1. Chấp ngã là hữu biên, sau khi chết là không có tưởng. Nghĩa là hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã do chấp sắc kia lượng ấy thì nhỏ hẹp, như chỉ tiết trong thân. Hoặc chấp vô sắc là ngã, tức Luận kia chấp mạng căn là ngã hiện có khắp trong thân xứng với lượng của thân hình. Người chấp như vậy đã được định vô tưởng, và thấy kẻ khác được định ấy, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã là hữu biên, sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ cũng chấp vô sắc làm ngã, lại thấy có những kẻ bị bệnh kinh phong v.v… tùy theo chỗ thích ứng nói rộng như trước.

2. Chấp ngã là vô biên, sau khi chết là không có tưởng. Nghĩa là hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã do chấp sắc ấy hiện có khắp tất cả xứ. Hoặc chấp vô sắc là ngã, thì Luận kia chấp mạng căn là ngã cũng hiện có khắp tất cả xứ. Người chấp như vậy đã được định vô tưởng, và thấy kẻ khác được định ấy, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã là vô biên sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ cũng chấp vô sắc làm ngã, thấy có những kẻ bị bệnh kinh phong v.v… tùy theo chỗ thích ứng nói rộng như trước.

3. Chấp ngã là cũng hữu biên cũng vô biên sau khi chết là không có tưởng. Nghĩa là hoặc chấp sắc là ngã, thì ngã do chấp sắc ấy hoặc thu hẹp hoặc mở rộng. Hoặc chấp vô sắc là ngã, tức Luận kia chấp mạng căn là ngã, cũng như thân sắc hoặc thu hẹp hoặc mở rộng. Người chấp như vậy đã được định vô tưởng, và thấy kẻ khác được định ấy, sinh nơi trời hữu tình vô tưởng, liền khởi suy nghĩ: Ngã cũng hữu biên, cũng vô biên, sau khi chết là không có tưởng. Ngay khi sinh trong trời hữu tình vô tưởng thì tưởng không còn khởi. Những người có tầm tứ cũng chấp vô sắc làm ngã v.v… tùy theo chỗ thích ứng, nói rộng như trước.

4. Chấp ngã không phải là hữu biên, không phải là vô biên, sau khi chết là không có tưởng. Tức ngăn chận loại thứ ba làm loại thứ tư này. Ba môn nói khác như trước nên biết.

Như vậy là tám thứ Luận vô tưởng thuộc phần biên vực sau phân biệt. Dựa nơi tám thứ sự đã nói ở trước mà khởi.

* Tám luận không phải là hữu tưởng không phải là vô tưởng:

Nghĩa là bốn thứ Luận hữu sắc v.v… và bốn thứ Luận hữu biên v.v… Bốn thứ Luận hữu sắc v.v…:

1. Chấp ngã là hữu sắc, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Nghĩa là người có tầm tứ chấp sắc là ngã, thấy tưởng của hữu tình kia là không sáng rõ, liền suy niệm: Ngã là hữu sắc, không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy. Không phải được định kia là có thể có chấp này. Vì sao? Vì chủ yếu là đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, mới có thể chấp các uẩn nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là ngã. Uẩn kia đã vô sắc chấp này về lý không có dựa nơi nghĩa riêng để nói. Được định ấy cũng có chấp này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, cõi sắc đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, chấp các uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm ngã. Ngã đã chấp kia thể tuy là phi sắc, nhưng cùng với sắc hợp, gọi là ngã hữu sắc. Như nói người có nhục kế, nhưng thể của người ấy không phải là nhục kế. Luận kia tuy không chấp sắc là ngã sở nhưng ngã đã chấp chưa lìa sắc thân, cho đến mạng chung cũng còn tùy theo thân, nên nói là ngã hữu sắc. Kẻ kia do đã nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng của định ấy không sáng rõ, nên chấp ngã hiện tại không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng, sau khi chết cũng như vậy. Nếu thừa nhận cõi vô sắc cũng có sắc, là kẻ kia thừa nhận có chấp ngã nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là thật hữu sắc, nhưng không phải là hữu tưởng, cũng không phải là vô tưởng.

2. Chấp ngã là vô sắc, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Nghĩa là người được định kia, chấp các uẩn vô sắc nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là ngã, hoặc là ngã sở. Ngã đã chấp kia lấy vô sắc làm tánh, hoặc do có vô sắc nên gọi là ngã vô sắc. Kẻ kia do đã nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng của định ấy không sáng rõ, nên chấp ngã hiện tại không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng, sau khi chết cũng như vậy. Những người có tầm tứ chấp vô sắc là ngã, họ thấy tưởng của hữu tình không sáng rõ, liền suy nghĩ: Ngã vô sắc không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy.

3. Chấp ngã cũng hữu sắc, cũng vô sắc, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Nghĩa là những người có tầm tứ chấp sắc, vô sắc là ngã, họ thấy tưởng của hữu tình không sáng rõ, liền khởi suy nghĩ: Ngã cũng hữu sắc, cũng vô sắc, không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Như nơi đời này thì đời khác cũng như vậy. Không phải được định kia là có thể có chấp này. Vì sao? Vì chủ yếu là đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ mới có thể chấp các uẩn nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là ngã. Uẩn kia đã vô sắc thì lý của chấp này không có dựa nơi nghĩa riêng để nói. Được định kia cũng có chấp này, tức là sinh nơi cõi dục, cõi sắc, đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, chấp các uẩn nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là ngã. Ngã đã chấp kia thể tuy là không phải sắc, nhưng cùng với sắc hợp nên gọi là ngã hữu sắc. Như nói người có nhục kế, nhưng thể của người đó không phải là nhục kế. Kẻ kia tuy không chấp sắc là ngã sở, nhưng ngã đã chấp chưa lìa sắc thân cho đến mạng chung cũng còn tùy theo thân nên nói ngã cũng hữu sắc. Do chấp vô sắc là ngã nên nói ngã cũng vô sắc. Kẻ kia do đã nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng của định ấy là không sáng rõ, nên chấp ngã hiện tại không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng, sau khi chết cũng như vậy. Nếu thừa nhận cõi vô sắc cũng có sắc, tức Luận kia thừa nhận là có chấp ngã nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là thật cũng hữu sắc, cũng vô sắc, nhưng không phải là hữu tưởng, cũng không phải là vô tưởng.

4. Chấp ngã không phải là hữu sắc, không phải là vô sắc, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng. Tức ngăn chận loại thứ ba làm loại thứ tư này. Ba môn nói khác, như trước nên biết.

Bốn thứ Luận hữu biên v.v…:

1. Chấp ngã là hữu biên, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng.

2. Chấp ngã là vô biên, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng.

3. Chấp ngã cũng hữu biên, cũng vô biên, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng.

4. Chấp ngã không phải là hữu biên, không phải là vô biên, sau khi chết không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng.

Như vậy, tất cả đều chấp vô sắc là ngã. Người đã được định của Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều cùng có chấp này. Lại ở đây tất cả đều cùng chấp bốn uẩn vô sắc của Phi tưởng phi phi tưởng xứ là ngã, ngã sở.

1. Do thời phần của định ấy rút ngắn, lấy mỗi mỗi uẩn làm đối tượng duyên, nên chấp ngã là hữu biên.

2. Do thời phần của định ấy kéo dài, lấy chung bốn uẩn làm đối tượng duyên, nên chấp ngã là vô biên.

3. Do thời phần của định ấy hoặc kéo dài, hoặc rút ngắn, hoặc lấy mỗi mỗi uẩn, hoặc dùng chung bốn uẩn làm đối tượng duyên, nên chấp ngã cũng hữu biên, cũng vô biên.

4. Tức ngăn loại thứ ba làm loại thứ tư này. Ba môn nói khác, như trước nên biết.

Trong đây, tất cả đều do đã nhập định của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng của định ấy là không sáng rõ, nên chấp ngã hiện tại không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng, sau khi chết cũng như vậy. Những người có tầm tứ và thừa nhận cõi vô sắc cũng có sắc, đã chấp sắc, vô sắc là ngã, tùy theo chỗ thích ứng nói rộng như trước.

Như thế là tám thứ Luận không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng thuộc nơi biên vực sau phân biệt. Dựa nơi tám thứ sự đã nói ở trước mà khởi.

Hỏi: Vì sao trong Luận vô tưởng và Luận không phải là hữu tưởng, không phải là vô tưởng, không nói đến tám thứ như ngã có một tưởng v.v…?

Đáp: Nếu cũng nói thì tất cả đều nên gọi là Luận hữu tưởng. Do có tưởng thọ thì không phải là vô tưởng. Như thế tất cả Luận như hữu tưởng nói về sau khi chết đều là thuộc về ở nơi biên vực sau phân biệt về kiến.

* Bảy Luận đoạn diệt:

1. Khởi suy niệm: Ngã này có sắc thô, bốn đại chủng đã tạo làm tánh, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt. Về sau, thấy trong đời này thọ thai là đầu khi chết là sau, liền suy nghĩ: Ta khi thọ thai, vốn là không mà có, nếu đến phần vị chết là có rồi trở lại không, gọi là khéo đoạn diệt.

2. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời thuộc cõi dục, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt. Về sau suy nghĩ: Ngã đã không nhân nơi sản môn sinh ra, vốn không mà có, có rồi trở lại không, như sao chổi v.v… gọi là khéo đoạn diệt.

3. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời thuộc cõi sắc, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt. Kẻ kia lại nghĩ: Ngã đã không nhân nơi sản môn sinh ra, vốn không mà có, do sức của đẳng chí, có rồi trở lại không, gọi là khéo đoạn diệt. Hoặc có thuyết nói: Ba đoạn kiến này đều duyên nơi các hữu tình đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất mà khởi. Đoạn kiến kia tuy đã được định nhưng chưa có thể lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, phát khởi thiên nhãn chỉ thấy nơi địa dưới, hữu tình của ba địa trước đã mạng chung rồi đều sinh lên địa trên, đã thọ thân như trung hữu, sinh hữu, không phải là cảnh giới của kẻ đoạn kiến kia, liền khởi suy nghĩ: Người được tĩnh lự đã mạng chung rồi thảy đều đoạn diệt.

4. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời Không vô biên xứ, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt.

5. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời Thức vô biên xứ, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt.

6. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời Vô sở hữu xứ, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt.

7. Khởi suy niệm: Ngã này ở nơi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau khi chết là đoạn diệt, hoàn toàn không có gì. Ngang với mức đó gọi là ngã chính thức đoạn diệt.

Trong đây, bốn thứ Luận sau, có thứ chấp Không vô biên xứ là đảnh của sinh tử. Cho đến có thứ chấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ là đảnh của sinh tử. Nếu chấp Không vô biên xứ là đảnh của sinh tử, thì Luận kia chấp Không vô biên xứ sau khi chết là không có gì, gọi là khéo đoạn diệt. Cho đến nếu chấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ là đảnh của sinh tử, thì Luận ấy chấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ sau khi chết là không có gì, gọi là khéo đoạn diệt.

Như thế là bảy thứ Luận đoạn diệt thuộc nơi biên vực sau phân biệt. Dựa nơi bảy thứ sự đã nói ở trước mà khởi.

Như vậy bảy thứ Luận đều nói về sau khi chết, nên thuộc về ở nơi biên vực sau phân biệt về kiến.

* Năm Luận hiện pháp Niết bàn: Nghĩa là ngoại đạo chấp: Nếu ở nơi hiện tại ngã thọ nhận an lạc, gọi là được Niết bàn. Nếu ngã có khổ, bấy giờ không gọi là được Niết bàn, vì không có an lạc.

1. Khởi suy nghĩ như vầy: Ngã này là giải thoát thanh tịnh, ra khỏi tất cả tai họa bất ngờ, gọi là hiện thọ dụng lạc của năm dục diệu, khi ấy gọi là hiện pháp Niết-bàn.

2. Có thể thấy lỗi lầm của các dục nên khởi suy nghĩ như vầy: Dục sinh khởi lạc, các khổ đã tùy theo có nhiều các thứ oán hại. Định sinh khởi lạc thì vi diệu tịch tĩnh, không có các khổ tùy theo lìa bỏ các thứ oán hại. Lại suy nghĩ như vầy: Ngã này là giải thoát thanh tịnh, ra khỏi tất cả tai họa bất ngờ, gọi là hiện an trụ nơi tĩnh lự đầu tiên, bấy giờ gọi là được hiện pháp Niết-bàn.

3. Có thể thấy các tầm tứ dục đều có lỗi lầm, kẻ kia khởi suy nghĩ: Ngã này là giải thoát thanh tịnh, ra khỏi tất cả tai họa bất ngờ, gọi là hiện an trụ nơi tĩnh lự thứ hai, khi ấy gọi là được hiện pháp Niết-bàn.

4. Có thể thấy các tầm tứ dục và hỷ đã có những lỗi lầm, nên các kẻ theo Luận kia liền nghĩ như vầy: Ngã này là giải thoát thanh tịnh, ra khỏi tất cả tai họa bất ngờ, tức là hiện an trụ nơi tĩnh lự thứ ba, bấy giờ gọi là được hiện pháp Niết-bàn.

5. Có thể thấy các thứ tầm tứ dục, hỷ, hơi thở ra vào đều có lỗi lầm, nên các kẻ kia liền suy nghĩ: Ngã này là giải thoát thanh tịnh, ra khỏi tất cả tai họa bất ngờ, tức là hiện an trụ nơi tĩnh lự thứ tư, bấy giờ gọi là được hiện pháp Niết-bàn.

Hỏi: Vì sao năm Luận hiện pháp Niết bàn này là thuộc về ở nơi biên vực sau phân biệt về kiến?

Đáp: Năm thứ Luận này tuy duyên nơi hiện tại, nhưng đợi quá khứ nên gọi là sau, cho nên nói là ở nơi biên vực sau phân biệt.

Lại có thuyết cho: Năm thứ Luận này là chấp ngã hiện đã có lạc sau cũng có lạc, nên thuộc về phần ở nơi biên vực sau phân biệt.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói là Luận hiện pháp Niết-bàn?

Đáp: Hiện lạc là trước mà chấp là lạc sau. Hiện ở trước nên dùng tên luận để nêu rõ.

Như vậy là năm thứ Luận hiện pháp Niết-bàn thuộc phần ở nơi biên vực sau phân biệt. Dựa nơi năm thứ sự đã nói ở trước mà khởi.

Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian, đã dựa nơi các kiến đều nhập vào hai thứ kiến là hữu kiến và vô hữu kiến. Nay nên phân biệt.

Hỏi: Vì sao các kiến, tất cả đều nhập trong hai kiến này?

Đáp: Ở đây nói nhập không phải là hiển bày việc gồm thâu thể của chúng mà chỉ làm rõ là nhập trong phẩm hai kiến kia. Vì sao? Vì hữu kiến tức là thường kiến, vô hữu kiến tức là đoạn kiến. Các ác kiến thú tuy có nhiều thứ, nhưng đều nhập nơi hai loại phẩm này. Như nơi phần đầu của phẩm này, Bổ-thích-noa đã nói là không có thí cho v.v… Năm loại tà kiến là nhập nơi phẩm đoạn kiến, vì là chấp không.

Có thuyết cho: Nhập nơi hai phẩm do chấp ngã là thường, hủy báng nhân v.v… Lại nói: Cho đến khi còn sống có thọ mạng, sau khi chết là đoạn hoại, không có v.v… là thuộc về đoạn kiến, nên tức là phẩm đoạn kiến.

Có thuyết nêu: Thân sĩ phu của bốn đại chủng này cho đến người trí khen thọ thí v.v… là nhập trong hai phẩm. Lại nói: Không nhân không duyên v.v… là kiến chấp của Mạt-tắc-yết-lê. Lại nói: Tạo giáo cùng tạo v.v… là kiến chấp của San-xà-đi. Hai thứ kiến chấp này đều cùng nhập nơi phẩm đoạn kiến, do đều chấp không.

Có thuyết nói: Nhập nơi hai phẩm do chấp ngã là thường, hủy báng nhân v.v… Lại nói: Bảy sĩ thân này v.v… là thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến. Lại nói: Có mười bốn ức v.v… là kiến chấp của Vô thắng phát hạt. Lại nói: Tất cả những gì sĩ phu đã thọ nhận thảy đều do đời trước đã tạo tác làm nhân, là kiến chấp của Ly hệ Thân tử. Hai thứ kiến chấp ấy đều nhập nơi hai phẩm, do chấp có ngã, sau là đoạn diệt. Lại nói: Tất cả những thứ sĩ phu đã thọ nhận đều là không nhân không duyên v.v… là kiến chấp của Phong ca đa diễn na, nhập nơi phẩm đoạn kiến, do chấp không.

Có thuyết cho: Nhập nơi hai phẩm do chấp ngã là thường, hủy báng không nhân v.v… Lại nói: Tự mình tạo tác khổ vui v.v… đấy là nhập nơi hai phẩm, do chấp có ngã, sau là đoạn diệt. Lại nói: Khổ vui thọ nhận không phải tự mình tạo tác v.v… là nhập nơi phẩm đoạn kiến, do chấp không.

Có thuyết nêu: Nhập nơi hai phẩm do chấp ngã là thường, hủy báng không nhân v.v… Lại nói: Ngã và thế gian là thường v.v…, là thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến. Lại nói: Là đế, là trụ, là ngã, có ngã v.v… là thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến. Lại nói: Là đế, là trụ, là ngã, vô ngã v.v… là thuộc về đoạn kiến, tức là phẩm đoạn kiến. Lại nói: Ngã quán ngã v.v… là nhập nơi phẩm thường kiến. Lại nói: Thọ năm dục diệu v.v… là nhập nơi phẩm thường kiến, do chấp có ngã là thường, được Niết-bàn.

Có thuyết nói: Nhập nơi hai phẩm do chấp có ngã, sau là đoạn diệt. Lại nói: Gió không thổi v.v… là thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến. Lại nói: Chúng sinh chấp ngã tạo tác v.v… là nhập nơi phẩm của hai kiến, do chấp có ngã, sau là đoạn diệt. Sau nói: Các dục tịnh diệu thích ý thọ dụng mà không lỗi lầm v.v… là nhập nơi phẩm thường kiến, do chấp có ngã là thường, thọ dục hơn hẳn.

Có thuyết cho: Nhập nơi hai phẩm do chấp có ngã, sau là đoạn diệt.

Trong Khế kinh nói: Ngã là hữu tưởng kiến, ngã là vô tưởng kiến, ngã không phải là hữu tưởng kiến không phải là vô tưởng kiến, đoạn diệt kiến, hiện pháp Niết-bàn kiến, năm thứ này là nhập nơi phẩm của hai kiến. Nghĩa là ba thứ trước nhập nơi phẩm thường kiến. Loại thứ tư nhập nơi phẩm đoạn kiến. Loại thứ năm, có thuyết nói: Nhập nơi thường kiến. Có thuyết nói: Nhập nơi hai phẩm.

Trong Kinh Phạm Võng đã nói về sáu mươi hai kiến, cũng nhập chung nơi phẩm của hai kiến này. Nghĩa là: Bốn Luận biến thường trong phần nơi biên vực trước phân biệt về kiến, thì nhập nơi phẩm thường kiến. Bốn Luận nhất phần thường, có thuyết cho là nhập nơi phẩm thường kiến. Có thuyết nói là nhập nơi hai phẩm, do chấp có thường, có vô thường. Hai Luận không nhân sinh là nhập nơi phẩm đoạn kiến. Có thuyết cho là nhập nơi hai phẩm, do chấp ngã là thường, hủy báng không nhân. Bốn Luận hữu biên v.v…, bốn Luận bất tử kiểu loạn là nhập nơi phẩm thường kiến. Có thuyết cho là nhập nơi hai phẩm, do chấp ngã là thường, sau cũng đoạn.

Luận hữu tưởng, vô tưởng, không phải là hữu tưởng không phải là vô tưởng trong phần nơi biên vực sau phân biệt về kiến đều thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến. Bảy Luận đoạn diệt thuộc về đoạn kiến, tức là phẩm đoạn kiến. Năm Luận hiện pháp Niết-bàn là nhập nơi phẩm thường kiến, do chấp có ngã là thường, được Niếtbàn. Có thuyết cho là nhập nơi hai phẩm, do chấp có ngã, hiện được Niết-bàn, sau là đoạn diệt.

Trong Khế kinh nói Ca-đa-diễn-na: Thế gian có hai kiến là hữu kiến, vô kiến. Như thứ lớp gồm thâu là nhập nơi phẩm thường đoạn kiến.

Kinh Sư Tử Hống nói: Tất cả kiến đều dựa nơi hai kiến là hữu kiến, vô hữu kiến. Dựa nơi hữu kiến thì đắm chấp nơi hữu kiến, ghét vô hữu kiến. Dựa nơi vô hữu kiến thì đắm chấp nơi vô hữu kiến, ghét hữu kiến. Hai thứ này như thứ lớp cũng gồm nhập nơi phẩm thường đoạn kiến.

Như Khế kinh nói: Ngoại đạo thường kiến hoặc chấp theo chuyển biến, hoặc chấp theo ẩn hiển, hoặc chấp theo vãng lai nơi ý giới là thường v.v… Như vậy, tất cả thuộc về thường kiến, tức là phẩm thường kiến.

Như Khế kinh nói: Có ngoại đạo chấp thọ mạng tức thân, thọ mạng khác thân, thọ mạng không phải là tức thân, thọ mạng không phải là khác thân.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo chấp thọ mạng tức là thân?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Vì ngoại đạo kia thấy nơi thế gian khi thân sinh thì nói là hữu tình sinh, khi thân hoại thì nói là hữu tình chết.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, đối với căn thân có sắc gọi là có thọ mạng, đối với căn thân không sắc gọi là không có thọ mạng.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, đối với thân tướng có khác biệt thì khởi tưởng nam nữ. Lại nữa, họ thấy nơi thế gian đối với sức của thân mạnh yếu gọi là người mạnh, yếu. Lại nữa, họ thấy nơi thế gian những thân hình cao thấp, thô tế, mập ốm, đen trắng v.v… có khác nhau thì gọi là người cao, thấp v.v… Lại nữa, họ thấy nơi thế gian đối với một phần thân khi bị tổn hại thì khắp cả thân đều thọ nhận khổ không an ổn. Lại nữa, họ thấy nơi thế gian khi ưu sầu, hoan hỷ thì rơi nước mắt lông thân dựng đứng hoặc sắc diện vui tươi. Lại nữa, họ thấy nơi thế gian đều từ nơi thân khởi ngã gọi là tưởng.

Có Sư khác cho: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian có đuôi của loài sâu xích đường giữ cung, nếu khi cắt đi thì đều có thể động chuyển.

Đại đức nói: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, đối với căn thân có sắc thì gọi là hình tướng của hữu tình, tiếng nói của hữu tình, hữu tình xấu đẹp, hữu tình có oai nghi, hữu tình tạo nghiệp v.v…

Do vô số thứ nhân duyên như vậy nên các ngoại đạo nói thọ mạng tức là thân.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo chấp thọ mạng là khác thân?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Các ngoại đạo kia chấp sắc là thân, chấp tâm tâm sở là thọ mạng. Sắc và tâm cùng nối tiếp đều khác. Ngoại đạo kia nhận biết sắc thân trước sau có chuyển biến, nhưng không nhận biết tâm v.v… trước sau có tướng khác, nên khởi kiến chấp như vậy.

Lại nữa, ngoại đạo kia nhận thấy thân thì thô, tâm tâm sở thì vi tế, thọ mạng là vi tế, nên khác với thân.

Lại nữa, ngoại đạo kia nhận thấy oai nghi tùy theo ý muốn mà chuyển tức chấp ý muốn là thọ mạng. Oai nghi là thân nên chuyển biến có khác nhau.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy kẻ chết, thân tướng không khác, liền suy nghĩ: Thọ mạng lìa thân gọi là chết, nên so với thân là khác.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy sắc thân cùng với phần vị tâm tâm sở trước sau chuyển biến đều khác nên chấp tâm v.v… tức là thọ mạng, là khác với thân.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy sắc thân có nhiều phần nhưng thọ mạng thì có một, nên khác với thân.

Lại nữa, các ngoại đạo kia thấy bỏ thân trước có để thọ thân trung hữu, lại bỏ thân trung hữu để thọ thân nay có. Như vậy lần lượt thân tuy có khác, nhưng thọ mạng là một, nên khác với thân.

Có Sư khác cho: Ngoại đạo kia thấy khi ngủ thân cũng có chuyển động, nên biết bên trong có thọ mạng riêng. Lại nữa, ngoại đạo kia thấy khi nằm mộng, thân ở nơi chốn cũ nhưng thọ mạng thì đi đến phương khác, nên biết khác với thân riêng có thọ mạng.

Có thuyết nêu: Ngoại đạo kia thấy dựa vào định tức có thể nhớ về quá khứ và nhận biết vị lai có nhiều thân sai biệt, liền suy nghĩ: Thân tuy có nhiều nhưng thọ mạng chỉ có một, nên biết là đều khác nhau. Lại nữa, ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, thân không chuyển động, nhưng có thể nhớ nơi quá khứ và nhận biết vị lai, vì thế biết lìa thân tức có thọ mạng riêng.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian nhớ về sự việc trước đã làm, cùng cảnh đã trải qua nhưng thân không động nên biết lìa thân tức riêng có thọ mạng.

Có thuyết cho: Ngoại đạo kia thấy thân hình nơi phần vị trước sau có khác, còn trí công xảo v.v… thì tùy chuyển không khác, nên biết là lìa thân có riêng thọ mạng.

Đại đức nói: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian kẻ không tự tại và người tự tại, thân đều cùng lay động, nên biết thân ấy là do thọ mạng chuyển.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo chấp thọ mạng không phải tức thân?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, thân phần nhiều là khác nhau, nhưng thọ mạng thì không khác, nên biết thọ mạng không phải tức thân.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, thân tùy theo duyên chuyển, thọ mạng thì không như thế, nên biết không phải tức thân.

Lại nữa, ngoại đạo kia thấy nơi thế gian, thân có tăng giảm tổn ích có khác nhau, thọ mạng thì không như thế, nên biết không phải tức thân.

Đại đức nói: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian một thân mà có nhiều thứ tướng khác nhau, thọ mạng thì không như vậy, nên biết không phải tức thân.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo chấp thọ mạng không phải khác thân?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Ngoại đạo kia thấy thân khác nhưng không dị biệt với vật thật thọ mạng có thể đạt được, nên chấp thọ mạng không phải khác với thân. Ngoài ra, như trước đã nói trong phần tức thân.

Đại đức cho: Ngoại đạo kia thấy nơi thế gian tức ở nơi thân dấy khởi ngã ái, không phải ở nơi pháp khác, nên chấp thọ mạng không phải khác với thân. Ngoài ra, như trước đã nói trong phần tức thân.

Nhưng các kẻ ngu tối, ở nơi sắc tâm theo từng sát-na tương tục, không khéo nhận biết rõ nên nói có thọ mạng tức khác với thân. Nếu nói thọ mạng tức thân, cùng không phải khác với thân, là nhập nơi phẩm đoạn kiến. Nếu nói khác với thân và không phải tức thân là nhập nơi phẩm thường kiến. Nên những ác kiến thú của các ngoại đạo đều nhập trong phẩm đoạn thường. Đối trị với những kiến chấp ấy, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều tuyên nói lý trung đạo. Nghĩa là sắc tâm v.v… không phải là thường, không phải là đoạn.

Hỏi: Vì sao nên biết sau khi chết không phải là đoạn?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Hiện thấy ở đây, tâm có nhiều niệm tương tục, do trước của trước diệt có sau của sau sinh. Tâm sau tất dựa nơi tâm trước mà khởi. Tâm trước có sức tất dẫn tâm sau. Khi gặp duyên hết sức chán, tâm sau mới không khởi. Do đấy nơi đời này, tâm ban đầu thọ sinh nhất định có tâm trước làm nhân dẫn khởi. Ở vào phần vị sắp mạng chung, không có duyên hết sức chán, nên ngay khi chết, tâm nhất định có thể dẫn dắt tâm sau. Thân trước đã có thể dẫn thân hiện nay khởi, thì thân hiện nay vì sao lại không dẫn thân sau? Do vậy nên biết sau khi chết không phải là đoạn.

Lại nữa, hiện thấy căn giác dựa nơi chính mình khởi căn, lại có thể làm nhân dẫn sinh ý giác khởi nên biết ở trong thai, ý giác đầu tiên tất nhân nơi căn giác quá khứ dẫn sinh. Đời trước đã có thể dẫn đời này khởi. Đời này vì sao không dẫn đời sau khởi? Do đấy nên biết sau khi chết không phải là đoạn.

Đại đức nói: Không phải lìa tâm khác có tâm khác chuyển. Cũng thấy có sắc tùy theo tâm mà sinh. Lại thấy có tâm dựa nơi sắc mà khởi. Do phiền não nên có sắc tâm sinh khởi. Vì vậy nên biết sau khi chết không phải là đoạn. Lại nữa, hiện thấy niệm trước có phiền não nơi thân tất có thể dẫn sinh tâm sắc của niệm sau. Nhận biết nơi phần vị mạng chung người có phiền não thì nhất định có thể dẫn tâm sắc sau khiến sinh. Do vậy nên biết sau khi chết không phải là đoạn.

Hỏi: Các sắc tâm v.v… vì sao không phải là thường?

Đáp: Do chuyển biến nên không phải là luôn có, há là thường trụ.

Hỏi: Làm sao nhận biết chuyển biến không do ẩn hiển mà chấp thể kia có sinh diệt?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Nếu chuyển biến kia chỉ do ẩn hiển thì các phần vị ở trong thai, hài nhi, đồng tử, thiếu niên, trung niên, lão niên đều nên khởi tức khắc. Nhưng chúng lại theo thứ lớp khởi, nên biết thể của chuyển biến có sinh diệt không do ẩn hiển. Lại nữa, nếu chuyển biến kia chỉ do ẩn hiển thì các phần vị ở trong thai, hài nhi, đồng tử, thiếu niên, trung niên, lão niên tức nên có gián đoạn. Nhưng chúng thì không gián đoạn, nên biết thể của chuyển biến có sinh diệt, không do ẩn hiển.

Đại đức nói: Thế gian hiện thấy khi nhiều duyên hợp thì có các pháp khởi. Duyên nếu trái lìa thì các pháp liền hoại. Không phải do ẩn hiển mà có những sai biệt ấy, nên biết chuyển biến không do ẩn hiển, chỉ do thể kia có sinh có diệt.

Lại nữa, khi pháp chuyển biến tướng trước sau có sai biệt, thì thể cũng nên sai biệt, nhưng tướng và thể là một. Nếu pháp thường trụ, tuy có phần vị ẩn hiển sai khác, nhưng tướng thì không khác.

Nên biết thể của chuyển biến có sinh diệt.

Nghĩa lý hiện có nơi Phẩm Già Tha (Kệ, phẩm thứ 44 của Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí), như nơi văn là dễ hiểu nên không giải thích nữa.

Khi dịch bộ Luận này từ Phạn văn ra Hán văn xong, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng có làm tụng như vầy:

Sau Phật Niết-bàn bốn trăm năm

Vua Ca-nị-sắc-ca, Thiệm-bộ

Triệu tập năm trăm ứng chân sĩ

Ca-thấp-di-la giải Tam tạng

Trong có Đối pháp Tỳ-bà-sa

Đạt đủ bản văn nay dịch xong

Đây nguyện thấm nhuần các hàm thức

Mau chứng Diệu Bồ-đề viên tịch.

HẾT – QUYỂN 200