LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 120

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HẠI SINH, phần 3

Hỏi: Luật nghi biệt giải thoát là chỉ do chỗ hữu tình có thể tuân giữ mà được hay là cũng do không thể tuân giữ mà được?

Nếu chỉ do có thể tuân giữ mà được thì luật nghi này phải có thêm bớt. Nghĩa là từ chỗ không thể tuân giữ sinh ra chỗ có thể tuân giữ, khi đó luật nghi phải tăng thêm. Còn từ chỗ có thể tuân giữ sinh ra chỗ không thể tuân giữ thì khi đó luật nghi phải giảm bớt. Lại, luật nghi này nên thọ nhận một phần ít, nhưng Đức Thế Tôn nói không có thọ phần ít. Lại nên thành lập tông chỉ ly hệ. Nghĩa là ngoại đạo kia vì muốn dẫn dụ người khác nên nói: Này chàng trai kia, hãy mau đến đây! Vì nếu có các chúng sinh nào ở cách xa đây hơn trăm do-tuần, khởi tâm dứt bỏ hết dao gậy, thề không giết hại ai, thì liền được luật nghi không giết hại.

Còn nếu nói cũng do chỗ không thể tuân giữ thì như luận của Tôn giả Pháp Cứu nói làm sao thông? Như nói: Thi la (Giới) là do chỗ có thể tuân giữ mà được. Tâm từ là do có thể tuân giữ và không tuân giữ mà được.

Đáp: Nên nói như vầy: Luật nghi từ chỗ do có thể tuân giữ, cũng do không thể tuân giữ mà được.

Hỏi: Ba điều vấn nạn trước như thế là đã thông, còn các điều nơi luận của Tôn giả Pháp Cứu nói làm sao thông?

Đáp: Nên biết Tôn giả ấy đã dùng mật ý mà nói. Đức Phật cũng dùng mật ý để giảng nói các Khế kinh, huống chi là Tôn giả ấy. Mật ý là thế nào? Đó là khi gọi các uẩn, giới, xứ ở đời hiện tại thì Tôn giả ấy gọi là có thể tuân giữ. Ở đời quá khứ và vị lai gọi là không thể tuân giữ. Giới biệt giải thoát gọi là Thi la. Hai thứ giới tĩnh lự và vô lậu gọi là tâm từ. Tôn giả nói giới biệt giải thoát chỉ ở chỗ hữu tình có nhiều uẩn, giới, xứ trong đời hiện tại mà được, không phải ở quá khứ, vị lai, vì quá khứ và vị lai là rơi vào pháp số. Hai thứ luật nghi tĩnh lự và vô lậu thì chung cả uẩn, giới, xứ nơi ba đời mà được, nên điều Tôn giả ấy nói cũng không trái lý. Do đó luật nghi biệt giải thoát cùng với hai thứ luật nghi tĩnh lự và vô lậu có các tướng sai khác. Nghĩa là luật nghi biệt giải thoát thì đối với hữu tình ở hiện tại mà được. Hai thứ luật nghi tĩnh lự, vô lậu thì chung nơi các cảnh giới của ba đời mà được. Luật nghi biệt giải thoát thì chung cả các phần căn bản, gia hạnh và hậu khởi của nghiệp đạo mà được. Hai thứ luật nghi tĩnh lự và vô lậu chỉ đối với phần căn bản của nghiệp đạo mà được. Do các sai khác đó nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có các uẩn, giới, xứ đối với chúng có được luật nghi biệt giải thoát nhưng không phải là tĩnh lự và vô lậu. Nghĩa là các phần gia hạnh và hậu khởi của nghiệp đạo hiện tại.

2. Có các uẩn, giới, xứ đối với chúng có được luật nghi tĩnh lự và vô lậu nhưng không phải là biệt giải thoát. Nghĩa là nghiệp đạo căn bản ở quá khứ và vị lai.

3. Có các uẩn, giới, xứ đối với chúng có được luật nghi biệt giải thoát cũng có được tĩnh lự và vô lậu. Nghĩa là nghiệp đạo căn bản ở đời hiện tại.

4. Có các uẩn, giới, xứ không từ chúng được luật nghi biệt giải thoát cũng không phải là tĩnh lự và vô lậu. Nghĩa là các phần gia hạnh, hậu khởi của nghiệp đạo ở quá khứ và vị lai.

Hỏi: Nếu luật nghi biệt giải thoát chỉ ở nơi hữu tình hiện tại mà được, không phải các uẩn, giới, xứ ở quá khứ vị lai, thì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có luật nghi không như nhau. Vì sao? Vì khi chư Phật quá khứ xuất hiện ở đời làm cảnh giới luật nghi cho vô lượng hữu tình, nhờ đó họ đã được nhập Niết-bàn. Còn Đức Thích Ca Mâu Ni không được luật nghi trong hoàn cảnh đó. Nay khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện ở đời làm cảnh giới luật nghi cho vô lượng hữu tình, và các hữu tình đó đã được nhập Niết-bàn, riêng Như Lai Từ Thị cũng không được luật nghi trong hoàn cảnh đó. Cảnh có rộng, hẹp, luật nghi cũng như thế, há không phải là luật nghi của chư Phật không đều nhau chăng?

Đáp: Nên nói là cảnh giới của luật nghi tuy có nhiều ít nhưng thể của luật nghi thì trước sau vẫn không đổi khác, và đều từ cảnh giới của tất cả hữu tình gồm chung phát ra mà được.

Có thuyết nói: Ba đời Như Lai, luật nghi không đều nhau thì cũng không lỗi gì.

Hỏi: Nếu thế thì nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thảy đều bình đẳng.

Đáp: Do ba sự việc bằng nhau như sau nên gọi là bình đẳng:

1. Tu hành bằng nhau. Nghĩa là các Đức Như Lai đều đối với ba vô số kiếp ở quá khứ siêng tu bốn thứ Ba-la-mật-đa viên mãn rốt ráo nên chứng đắc đạo Bồ-đề.

2. Lợi ích bằng nhau. Nghĩa là các Đức Như Lai đều tạo lợi ích đầy đủ, rốt ráo đối với tất cả hữu tình cần được hóa độ.

3. Pháp thân bằng nhau. Nghĩa là các Đức Như Lai đều có đủ các công đức thù thắng như mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm trụ, đại bi, mười tám pháp bất cộng v.v…

Do ba nghĩa trên nên nói là bình đẳng, không phải là thể của luật nghi có sai khác ít nhiều.

Lại, do các căn bằng nhau nên nói là bình đẳng, vì tất cả Như Lai đều trụ vào căn thượng phẩm.

Lại, do các giới bằng nhau, vì tất cả Như Lai đều đạt được giới thượng phẩm.

Có Sư khác nói: Hết thảy các luật nghi hiện có của các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều đối với tất cả các hữu tình mà được, nên dùng tiếng đẳng (Bằng nhau) để gọi, không phải là Thể không khác. Nghĩa là các luật nghi của chư Phật thời quá khứ đều từ chỗ cảnh của các hữu tình. Nếu như nay Đức Thích Ca Mâu Ni cũng đối với cảnh của các hữu tình đó để có các luật nghi, nhưng không có lý ấy. Luật nghi của Đức thích ca Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là từ nơi cảnh của các hữu tình. Nếu như nơi hiện tại Đức Như Lai Từ Thị lại từ cảnh ấy cũng đạt được luật nghi, nhưng không có lý đó. Thế nên khi nói là đẳng (bình đẳng) cũng không có lỗi.

Tuy nhiên, các luật nghi nên nói có một thứ, như nói giới uẩn, giới tu, giới học.

Hoặc nên nói có hai thứ, tức là có biểu hiện và không biểu hiện.

Hoặc nên nói có ba thứ, tức là ba bậc thượng, trung, hạ. Hoặc từ không tham, không sân, không si sinh ra có khác nhau.

Hoặc nên nói có bốn thứ, tức là nghiệp thân ngữ, mỗi thứ có biểu hiện và không biểu hiện.

Hoặc nên nói có sáu thứ, tức là có biểu hiện và không biểu hiện, mỗi thứ có ba phẩm thượng trung hạ, hoặc do ba căn sinh ra.

Hoặc nên nói có bảy thứ, tức là bảy chi, từ lìa bỏ đoạn sinh mạng cho đến lìa bỏ nói lời uế tạp.

Hoặc nên nói có chín thứ, tức là từ phẩm hạ hạ cho đến phẩm thượng thượng.

Hoặc nên nói có mười hai thứ, tức là thân và ngữ có biểu hiện và không biểu hiện, mỗi thứ đều có ba phẩm hoặc do ba căn tạo ra.

Hoặc nên nói có mười bốn thứ, tức là bảy chi, từ lìa bỏ đoạn sinh mạng cho đến lìa bỏ lời nói uế tạp, mỗi thứ có biểu hiện và không biểu hiện.

Hoặc nên nói có mười tám thứ, tức là biểu hiện và không biểu hiện, mỗi thứ đều có chín phẩm.

Hoặc nên nói có hai mươi mốt thứ, tức là bảy chi, từ lìa bỏ đoạn sinh mạng cho đến lìa bỏ lời nói uế tạp, mỗi chi có ba phẩm hoặc do ba căn sinh ra.

Hoặc nên nói có bốn mươi hai thứ, tức là bảy chi, từ lìa bỏ đoạn sinh mạng cho đến lìa bỏ lời nói uế tạp, mỗi thứ có biểu hiện và không biểu hiện đều từ ba phẩm hoặc ba căn sinh ra.

Nếu như lấy các sát-na nối tiếp nhau để phân biệt thì có vô lượng các luật nghi. Nay nói chung có bảy thứ tức là từ lìa bỏ đoạn sinh mạng cho đến lìa bỏ lời nói uế tạp.

Trong đây có thuyết nói: Bảy chi giới ấy mỗi mỗi thứ đối với tất cả xứ hữu tình mà được, nhưng chỗ đạt là một. Họ nói: Đối với một hữu tình khi phạm một chi giới, thì một chi này đối với tất cả hữu tình đều đoạn mất, tuy sáu chi kia vẫn còn hoạt động. Đây là khéo thông suốt lời Đức Thế Tôn đã nói: Nếu phạm Học xứ thì không phải là Bí-sô, không phải là Sa-môn, không phải là Thích tử.

Có thuyết nêu: Bảy giới chi này mỗi thứ đều đối với tất cả hữu tình mà được, nhưng chỗ đạt được đều khác. Như số lượng hữu tình đạt được giới cũng thế. Tức nói đối với một hữu tình khi phạm một chi giới, thì một hữu tình ấy nơi chi giới kia đã đoạn mất, nhưng sáu chi giới còn lại vẫn hoạt động. Các hữu tình khác thì cả bảy chi đều vẫn hoạt động.

Hỏi: Nếu như thế thì lời của Đức Thế Tôn nói làm sao thông? Nếu phạm Học xứ thì không phải là Bí-sô v.v…?

Đáp: Là căn cứ vào Bí-sô thắng nghĩa để nói không phải là Bísô, do không thể hướng tới bậc đó được.

Có Sư khác cho: Luật nghi biệt giải thoát tùy theo nhân sai khác nên thành hai mươi mốt thứ. Trong đây có thuyết nói hai mươi mốt thứ, mỗi mỗi thứ đối với tất cả xứ hữu tình mà được, nhưng chỗ đạt được không khác. Là nói do phiền não tham khiến một hữu tình khi phạm một chi giới, thì đối với tất cả xứ hữu tình không tham sinh ra có một chi giới bị đoạn mất, còn hai mươi chi kia vẫn hoạt động như trước. Đây tức khéo thông suốt lời của Đức Thế Tôn nói: Nếu phạm Học xứ thì không phải là Bí-sô v.v…

Có thuyết nói: Hai mươi mốt thứ này mỗi mỗi thứ đối với tất cả xứ hữu tình mà được, nhưng chỗ đạt được đều khác. Như số lượng hữu tình đạt được giới cũng vậy. Đây là nói do phiền não tham khiến một hữu tình khi phạm một chi giới tức một xứ hữu tình đó do không tham sinh ra một chi giới bị đoạn mất, còn hai mươi thứ kia vẫn hoạt động như trước. Các hữu tình khác đủ hai mươi mốt thứ đều hoạt động đầy đủ.

Hỏi: Nếu như thế thì lời Đức Thế Tôn nói làm sao thông? Tức nói khi phạm học xứ thì không phải là Bí-sô v.v…

Đáp: Đây là căn cứ vào Bí-sô thắng nghĩa để nói không phải là Bí-sô, như trước đã nói. Dựa vào lý như thế nên nói thà làm người xuất gia phạm các học xứ, không làm Ô-ba-sách-ca giữ năm giới. Vì sao? Vì nếu kẻ kia hủy phạm năm thứ học xứ thì nơi thân không còn giới nào cả. Các vị xuất gia khi phạm năm giới thì hãy còn các giới khác vẫn hoạt động.

Các Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la nói: Tuy phạm luật nghi nhưng luật nghi không đoạn mất. Nếu đúng như pháp, ăn năn hối lỗi trừ bỏ tội cũ thì trở lại gọi là kẻ trì giới. Không có việc thọ nhận tức thì và riêng bỏ được. Khi ở phần vị chưa hối cải trừ bỏ thì gọi đủ hai tên, khi đã ăn năn trừ bỏ lỗi cũ thì chỉ gọi là người trì giới.

Hỏi: Đối với vật bên ngoài có đạt được luật nghi không?

Nếu có đạt được thì luật nghi đó phải có tăng giảm. Tức là như cỏ sống lúc khô, mùi vị rượu lúc hư, thì nên giảm, còn khi chúng sinh hay lúc chín nên tăng v.v… Các sự việc như thế về loại là rất nhiều nên luật nghi phải có tăng giảm.

Nếu không đạt được thì cảnh của luật nghi này nên chỉ phần ít xứ thọ. Nhưng Đức Thế Tôn nói: Luật nghi như thế là không thể thọ phần ít. Lại như đoạn dứt cỏ sống v.v… thì khi ăn năn trừ bỏ nên là vô dụng.

Có thuyết nói: Tuy là có được nhưng không gọi là luật nghi, chỉ là pháp thuận với luật nghi.

Hỏi: Pháp thuận với luật nghi này thuộc về luật nghi hay thuộc về không phải luật nghi? Nếu thuộc về luật nghi để nói là luật nghi hoặc nói là thuận với luật nghi thì rốt cuộc là có khác biệt gì? Nếu thuộc về không phải luật nghi, thì thứ này có hình tướng gì để nói là thuận luật nghi hay không phải luật nghi?

Đáp: Như thế nên nói là đối với pháp bên ngoài cũng đạt được luật nghi.

Hỏi: Nếu thế thì luật nghi nên có thêm bớt chăng?

Đáp: Không có thêm bớt, vì được chung. Nghĩa là luật nghi này gồm chung đối với tất cả cỏ sống nêu trên để có được một thứ không biểu hiện. Nhưng ở thế gian không có thứ cỏ không sinh cùng lúc nên gồm chung đối với tất cả các loại rượu nho khi không bị hư thì có được một thứ không biểu hiện. Vì thế gian không khi nào không có các loại rượu, thế nên luật nghi không có thêm bớt. Các thứ khác cũng như vậy.

Hỏi: Luật nghi biệt giải thoát do những thứ tâm nào có được?

Đáp: Do khởi ý vui thích điều thiện đối với khắp tất cả hữu tình, không có tâm gây tổn hại mà được. Nếu khởi tâm ấy ở nơi xứ ấy và thọ nhận ở nơi xứ ấy, không thọ nhận thì không được luật nghi. Do luật nghi này hiện hữu khắp tất cả nơi chốn, nơi nào có thọ nhận thì được phòng hộ che chở. Thế nên nói nếu luật nghi này có phương hướng khu vực thì đại địa không thể dung chứa hết. Do các luật nghi này đối với nơi chốn của các hữu tình đạt được, nhưng cảnh giới hữu tình thì nhiều còn cõi đất thì ít.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu thân nghiệp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân nhưng không phải là thân nghiệp: Nghĩa là những loài ở trong trứng hoặc là phàm phu đang ở trong thai, hoặc sinh ở cõi dục trụ vào nhóm không phải luật nghi không phải không luật nghi đều không có sự biểu hiện của thân, nếu có cũng đã mất. Kẻ ở trong trứng hoặc đang là bào thai, tuy thành tựu được thân nhưng chưa có sự biểu hiện. Chỗ phát khởi biểu hiện ở trước khi chết thì đã mất, vì sự biểu hiện này nương dựa vào chúng đồng phần trước.

Hỏi: Vì sao phần vị này chưa thể phát sinh sự biểu hiện?

Đáp: Vì thân này yếu kém nên không thể làm chỗ nương dựa cho sự biểu hiện.

Có Sư khác nói: Chỉ tâm thô mới có thể phát sinh nghiệp biểu hiện của thân và ngữ, còn tâm ấy quá vi tế. Lại, tâm ở ngoại môn mới có thể phát sinh nghiệp biểu hiện, còn lúc ấy tâm đang hoạt động bên trong. Lại, tâm ở ngoại sự mới có thể phát sinh nghiệp có biểu hiện, còn tâm ấy duyên với sự việc bên trong thân để khởi nên không thể phát sinh sự biểu hiện.

Có thuyết cho: Ở trong phần vị này luôn bị bức bách không được tự tại, hãy còn không thể động đậy huống chi là khởi lên các nghiệp có biểu hiện. Như kẻ bị giặc oán trói cột nhốt trong lồng treo lên cây cao hãy còn không động nay nổi huống chi là trốn đi.

Hỏi: Nếu như thế vì sao nói ở trong thai cũng có chuyển động?

Đáp: Đó là do sức của phong đại chuyển động không phải tâm gây nên, vì nghiệp biểu hiện tất phải do sức của tâm khởi lên. Hoặc sinh vào cõi dục, tuy ở nhóm không phải luật nghi không phải không luật nghi không có biểu hiện của thân. Tức là đang ngủ nghỉ, say sưa, phiền muộn bỏ các gia hạnh, không mong cầu khởi sự biểu hiện. Nếu như có mà mất, nghĩa là do ba duyên nên tuy khởi sự biểu hiện mà mất: a. Ý lạc đã dứt. b. Bỏ gia hạnh. c. Vượt quá thế đã hạn định.

2. Có trường hợp thành tựu thân nghiệp nhưng không phải là thân: Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc. Ở đây, học thành tựu thân nghiệp học tùy chuyển và vô học thành tựu thân nghiệp vô học tùy chuyển. Vì sinh vào cõi vô sắc nên không thành tựu được thân.

3. Có trường hợp thành tựu thân cũng thành tựu thân nghiệp: Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có biểu hiện của thân, hoặc trước đã có không mất. Hoặc sinh vào cõi sắc. Trong đó, các bậc Thánh khi đang ở trong bào thai cũng chưa thể khởi các biểu hiện, chỉ thành tựu được tĩnh lự và vô lậu không biểu hiện.

Nói hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi: Tức đối với ba thứ luật nghi trụ vào một thứ, hai thứ hoặc đủ cả ba thứ, tức là biệt giải thoát, hoặc tĩnh lự, hoặc vô lậu.

Trụ nơi không luật nghi: Tức là loại giết mổ dê bò v.v…

Trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có biểu hiện của thân: Tức là không ngủ mê, không say rượu, không buồn phiền, không bỏ các gia hạnh, đang mong cầu khởi lên các nghiệp có biểu hiện.

Hoặc trước đã có không mất: Tức là do ba duyên nên trước đã khởi các biểu hiện không mất: Một là ý vui thích không dứt. Hai là không bỏ gia hạnh. Ba là chưa vượt quá hạn định của thế. Đây là nói do trân trọng tin tưởng hoặc do triền nhanh mạnh khởi các nghiệp có biểu hiện, không biểu hiện cho đến chưa bỏ.

Hoặc sinh vào cõi sắc: Tức nay quyết định thành tựu thân nghiệp không biểu hiện, hoặc cũng thành tựu thân nghiệp có biểu hiện.

4. Có trường hợp không thành tựu thân cũng không thành tựu thân nghiệp: Nghĩa là các phàm phu sinh ở cõi vô sắc. Vì ở cõi vô sắc nên không thành tựu thân và vì là phàm phu nên không thành tựu được thân nghiệp. Hàng hữu lậu thì vượt khỏi địa giới ấy nên bỏ, còn bậc vô lậu thì chưa được.

Hỏi: Vì sao nghiệp của sắc hữu lậu vượt khỏi địa giới thì bỏ không phải là bậc vô lậu?

Đáp: Vì nghiệp của sắc hữu lậu còn bị ràng buộc nên có hệ lụy, còn nghiệp của sắc vô lậu thì đã giải thoát, lìa mọi hệ luỵ.

Có thuyết nói: Nghiệp của sắc hữu lậu gắn liền với giới, địa, còn nghiệp của sắc vô lậu chỉ gắn liền với địa, không gắn liền với giới.

Có thuyết cho: Nghiệp của sắc hữu lậu đồng loại với các đại chủng tạo, chủ thể tạo và đối tượng được tạo đều là hữu lậu. Còn nghiệp của sắc vô lậu thì khác loại với các đại chủng tạo, vì đại chủng là hữu lậu, còn nghiệp thì vô lậu.

Do các nhân duyên đó nên khi vượt khỏi các địa, giới, thì nghiệp hữu lậu bỏ, còn nghiệp vô lậu không bỏ.

Hỏi: Hàng phàm phu được nhẫn, khi mạng chung có bỏ pháp nhẫn này không? Nếu bỏ thì vì sao người ấy không bị đọa vào các nẻo ác? Lại, nếu bỏ, vì sao khi chết hàng phàm phu lại bỏ mà bậc Thánh thì không? Còn như không bỏ thì vì sao trong phần văn này và ở chương Đại Chủng Uẩn đều không nói?

Đáp: Nên nói là có bỏ.

Hỏi: Nếu như thế vì sao không bị đọa vào các nẻo ác?

Đáp: Là do căn thiện của nhẫn này có uy lực lớn, còn các căn thiện tự mình có thì uy lực yếu kém, tuy đã thành tựu vẫn không thể ngăn chận được các nẻo ác, huống hồ là không thành tựu. Như thiện sinh đắc hoặc có căn thiện uy lực mạnh mẽ, đầy đủ, tuy không thành tựu nhưng vẫn ngăn chận được các nẻo ác, huống chi là thành tựu được các pháp nhẫn như thế. Thế nên tuy bỏ nhưng không bị đọa vào các nẻo ác.

Lại có thuyết nói: Do thân này đã sinh ra các căn thiện đó, nên có thể xa lìa được việc gây ra các phiền não, khiến chiêu cảm các nẻo ác, hoàn toàn không khởi chúng lên trong thân ấy. Nhân hãy còn không khởi, huống hồ lại bị đọa vào nẻo ác. Như người uống thuốc xổ độc vào mùa thu, thuốc ấy tuy không còn ở trong thân, nhưng nơi thân người ấy vẫn không sinh bệnh. Việc này cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Do căn thiện ấy uy lực rất mạnh, luôn huân tập thân khiến việc tạo các nghiệp phiền não có thể chiêu cảm các nẻo ác dứt hẳn, vĩnh viễn không còn khởi lên trong thân này. Nhân đã không khởi nên không bị đọa vào các nẻo ác. Cũng như sư tử chúa nằm trong hang sâu, tuy không có ở đó nhưng hơi hám hãy còn, nên các loài thú nhỏ không dám bén mảng đến hang. Việc này cũng như thế.

Lại nữa, các căn thiện trong thân này như là chủ nhà có uy lực mạnh mẽ, còn các thứ bất thiện cũng như người khách uy lực yếu kém.

Lại nữa, căn thiện này có ý vui thích tăng thượng, vui thích đoạn pháp ác, vui thích tu pháp thiện.

Lại nữa, các căn thiện này ở trong thân sinh khởi rồi, đã khiến tất cả các nẻo ác đều được phi trạch diệt, mà pháp phi trạch diệt thì không sinh, thế nên không bị đọa.

Lại nữa, do thân này tạo ra các căn thiện đó, làm cho hành giả gắn liền vào dòng chảy đại pháp. Do các nghĩa như thế nên không bị đọa vào nẻo ác.

Lại có thuyết nêu: Do căn thiện này luôn gần gũi với Thánh đạo, vì nương vào sức của Thánh đạo nên không bị đọa vào nẻo ác. Như kẻ sợ đám giặc thù nên nương vào vua, nhờ sức mạnh của vua nên khiến các đám giặc thù không dám nhìn thẳng, huống hồ là lại có thể làm hại kẻ ấy. Việc này cũng như thế. Vì gần gũi với Thánh đạo nên khiến các sự việc tạo nghiệp phiền não, chiêu cảm các nẻo ác hãy còn không hiện hành, huống lại bị đọa vào nẻo ác.

Lại có thuyết biện: Do giữ gìn các căn thiện này khiến các bậc Thánh luôn trụ vào thân. Nghĩa là ý nói thân này trụ vào Thánh đạo thì các sự việc tạo nghiệp phiền não hay chiêu cảm các nẻo ác được xa lìa vĩnh viễn. Cũng như chỗ đẹp đẽ nào có vua ngự đến, các sở ti trông giữ, không một ai có thể cư trú. Đây cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Do trong thân sinh ra căn thiện đó, nên khiến kẻ tu hành nhất định phải ở nơi nẻo người, trời, không bị đọa vào nẻo ác. Như người giàu sang thì nhất định ở chỗ đẹp đẽ, sang trọng, không ở nơi chốn xấu kém quê mùa. Đây cũng như thế.

Có thuyết cho: Căn thiện này có gia hạnh thù thắng chính đáng nên khiến các sự việc tạo phiền não có thể chiêu cảm các nẻo ác đều yếu sức, để chúng không còn có thể tạo dị thục của các nẻo ác. Do đó, tuy bỏ nhưng không bị đọa vào các nẻo ác.

Có thuyết nêu: Do các căn thiện này có sức tăng thượng mạnh, nên khiến hành giả thấy rõ lỗi lầm của hành ác và các công đức của hành diệu, vì vậy các nghiệp ác không thể sinh lại nữa, huống là bị đọa vào các nẻo ác.

Có thuyết biện: Do căn thiện này có sức tăng thượng mạnh, nên khiến hành giả luôn trụ vào ý vui thích thiện, thấy rõ các lỗi lầm của sinh tử và các công đức thù thắng của Niết-bàn, cho nên không tạo các nghiệp ác tất không bị đọa vào các nẻo ác.

Có thuyết nói: Do sức tăng thượng của căn thiện này, nên khiến hành giả có tâm dịu dàng, hòa nhã thuận với Niết-bàn, có tín căn sâu chắc, do đó tuy xả bỏ mà không bị đọa vào các nẻo ác.

Tôn giả Diệu Âm cho: Do sức tăng thượng của căn thiện này khiến hành giả có ý vui thích thắng diệu, đối với Niết-bàn tâm luôn tùy thuận, quyết tiến tới thể nhập, ưa thích mong cầu các nhẫn đáng yêu kính.

Do các nhân duyên đó nên không tạo nghiệp ác, thế nên tuy có xả bỏ vẫn không bị đọa vào các nẻo ác.

Hỏi: Vì sao hàng phàm phu khi lâm chung bỏ các pháp nhẫn đã được còn các bậc Thánh thì không bỏ?

Đáp: Vì hàng phàm phu không có pháp vô lậu đối trị, chỉ có sức mình chống đỡ nên khi mạng chung phải bỏ căn thiện này. Còn các bậc Thánh vì có pháp vô lậu đối trị để tự chống đỡ nên không bỏ.

Có thuyết nói: Sức định của hàng phàm phu yếu kém, uy thế không kiên cố, vì là hữu lậu. Như không có keo để pha trộn các màu, nên màu sắc của các tranh vẽ bị phai sớm, không giữ được lâu, nên phải bỏ. Sức định vô lậu của các bậc Thánh mạnh mẽ kiên cố, giữ gìn các căn thiện này nên khi mạng chung thì không bỏ. Thí dụ ở đây ngược lại với thí dụ trên, nên biết.

Có thuyết nêu: Vì hàng phàm phu không có chỉ, quán thù thắng, nên khi mạng chung phải bỏ, còn bậc Thánh thì trái lại, nên khi mạng chung thì không bỏ.

Có Sư khác cho: Hàng phàm phu khi qua đời cũng không bỏ nhẫn.

Hỏi: Nếu như thế vì sao trong phần văn này và ở chương Đại Chủng Uẩn không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Trong trường hợp thứ ba đã nói trước đây, tức các bậc Thánh đang ở trong bào thai thì thành tựu cả thân và nghiệp. Thánh có hai thứ là Thánh thế tục và Thánh thắng nghĩa. Khi được căn thiện này gọi là Thánh thế tục, lúc nhập vào Thánh đạo là Thánh thắng nghĩa. Khi mới phát tâm xuất gia hãy còn gọi là bậc Thánh, huống chi là lại được pháp nhẫn ấy.

Có Sư khác nói: Ở đây không nhất định là hàng phàm phu khi lâm chung bỏ hay không bỏ. Nếu đối với pháp nhẫn ấy, lúc nào cũng ân cần gia hạnh, tu tập gia hạnh thật bền chắc thì khi mạng chung kẻ ấy sẽ không bỏ. Còn nếu không như thế thì khi mạng chung là phải bỏ. Như luyện tập thuần thục tuy lâu ngày vẫn khó quên, nếu không như vậy thì sẽ quên ngay, như tập cho con cái lời lẽ hiền từ, từ lúc sơ sinh thì trẻ sẽ quen theo ngôn từ như thế.

Kiết có hai bộ cho đến nói rộng (Câu này vì sao có ở đây? ND). Như thế là nên nói: Hàng phàm phu mạng chung nhất định là bỏ pháp nhẫn, vì căn thiện yếu kém, vì họ nương vào địa đó, khởi tạo loại căn thiện ấy, nên khi chết rồi thì trở lại sinh nơi địa đó. Chỉ bỏ đồng phần hãy còn quyết định bỏ, huống là pháp ở cõi sắc dẫn đến cõi dục sinh ra mà chẳng bỏ sao.

* Trong Khế kinh nói: Sinh có bốn loài là Noãn sinh, Thai sinh, Thấp sinh, Hóa sinh.

Thế nào là Noãn sinh? Nghĩa là các hữu tình do trứng sinh ra. Chúng sẽ trụ, đã trụ, đang trụ trong trứng. Khi đầy đủ ngày tháng thì phá vỡ trứng chui ra, tiếp tục sự sống, lớn lên. Đó là các loài ngỗng, nhạn, công, vẹt, xá-lợi-ca, câu-chỉ-la, mạng mạng v.v… Và một loài rồng, một loài diệu sí (Kim sí điểu), một loài ở nẻo người. Lại có nhiều loài khác cũng sinh bằng trứng, nói rộng như trên. Đó gọi là Noãn sinh.

Thế nào là Thai sinh? Nghĩa là các hữu tình do bào thai sinh ra. Chúng sẽ trụ, đã trụ, đang trụ trong bào thai. Khi đầy đủ ngày tháng thì phá bào thai chui ra, tiếp tục sự sống, lớn lên. Đó là các loài voi, ngựa, trâu, bò, dê, lạc đà, lừa, hươu, nai v.v… Và một loài rồng, một loài diệu sí, một loài quỷ, một loài ở nẻo người. Lại có nhiều loài khác cũng sinh bằng bào thai, nói rộng như trên. Đó gọi là Thai sinh.

Thế nào là Thấp sinh? Nghĩa là các hữu tình do hơi nước ẩm ướt sinh ra: Hoặc từ các nơi cây cỏ hoa lá rậm rạp. Hoặc từ các đống thịt ương thối, các bãi phân dơ nhớp. Hoặc từ các ao vũng sông biển, cùng lần lượt, thấm nhuần, bức bách nhau sinh ra, tiếp tục sự sống, lớn lên. Tức là các loài ruồi, muỗi, ve, mòng, mối mọt, các loài sâu, loài một trăm chân, bò, máy, cựa, ốc sên, ong v.v… Và một loài rồng, một loài diệu sí, một loài ở nẻo người. Lại có nhiều loài khác cũng sinh bằng hơi nước ẩm ướt, nói rộng như trên. Đó gọi là Thấp sinh.

Thế nào là Hóa sinh? Nghĩa là các hữu tình sinh ra không cần có chỗ nương dựa, các căn không hề thiếu, thân thể đầy đủ, nhanh chóng sinh ra và cùng hoạt động bình thường. Đó là các loài ở địa ngục, nơi cõi trời, tất cả trung hữu, và một loài rồng, một loài diệu sí, một loài quỷ, một loài ở nẻo người. Lại có nhiều hữu tình khác do hóa sinh nói rộng như trên. Đó gọi là Hóa sinh.

Hỏi: Ở các nẻo trời trời thuộc cõi dục có những loài chim màu sắc rất đẹp, vậy chúng là Noãn sinh hay là Hóa sinh? Nếu là Noãn sinh, khi chết phải có xác chết, đó là các sắc cấu uế đối với chư thiên. Ngay cả cửa của sáu xứ, họ luôn đối diện với cảnh đẹp. Như Khế kinh nói: Mắt họ nhìn thấy tất cả các vật đáng yêu thích vừa ý, cho đến đối tượng được nhận biết của ý cũng thế. Còn nếu là Hóa sinh, vì sao trong phần nói về Hóa sinh ở trước không nói đến?

Đáp: Các loài chim ấy đều là Noãn sinh.

Hỏi: Nếu thế thì khi chết chúng phải để lại xác chết, làm thế nào chư thiên lại phải nhìn thấy các thứ cấu uế?

Đáp: Khi chúng chết không bao lâu thì có luồng gió mạnh thổi bay xác chúng đến chỗ khác.

Có Sư khác cho: Chúng đều là Hóa sinh.

Hỏi: Vậy thì vì sao trong phần nói về Hóa sinh trước đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói nên biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Chúng đã được gồm thâu trong loài chim diệu sí đã nói ở trước, thế nên không có lỗi.

Hỏi: Bốn loài đó lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy bốn uẩn hoặc năm uẩn làm tự tánh. Nghĩa là ở cõi dục và cõi sắc thì năm uẩn, còn ở cõi vô sắc thì lấy bốn uẩn.

Ở đây, có thuyết nói: Chỉ lấy uẩn dị thục làm tự tánh.

Có thuyết cho: Cũng chung cho sự nuôi lớn. Đó gọi là tự tánh của bốn loài.

Đã nói về tự tánh, nay sẽ nói về lý do.

Hỏi: Vì sao gọi là sinh (Loài)?

Đáp: Các hữu tình hòa hợp nhau khởi lên nên gọi là sinh.

Hỏi: Ở cả năm nẻo trong ba cõi đều hòa hợp nhau khởi lên, cũng gọi là sinh, vì sao chỉ riêng nói có bốn loài này?

Đáp: Bốn loài này chỉ khiến số lượng của các hữu tình khởi lên, chúng cũng gồm thâu hết số lượng hữu tình, còn ở các cõi, các nẻo thì không thế. Giới (Cõi) tuy hiện hữu khắp số hữu tình, nhưng không phải chỉ riêng số hữu tình mà khởi chung cả loài phi tình (Vật vô tri). Còn nẻo (Thú) tuy chỉ khởi loài hữu tình nhưng không phải là khắp hết tất cả số hữu tình, cũng không bao gồm trung hữu. Do đó chỉ có bốn loài này gọi là sinh.

Hỏi: Nghĩa của sinh là gì?

Đáp: Nghĩa hữu tình hiện ra là nghĩa của sinh. Nghĩa loài hữu tình khởi lên, xuất hiện là nghĩa của sinh.

Hỏi: Ở cõi nẻo nào có bao nhiêu loài được sinh ra?

Đáp: Ở cõi dục cả bốn loài được sinh ra, còn ở cõi sắc và cõi vô sắc thì có loài Hóa sinh, vì khi chúng thọ sinh không có nương dựa vào đâu cả.

Còn trong năm nẻo (Thú) thì ở chư thiên và địa ngục chỉ có Hóa sinh.

Có thuyết nêu: Loài quỷ cũng chỉ là Hóa sinh.

Lại có thuyết biện: Loài quỷ cũng có thai sinh. Như có nữ ngạ quỷ bạch với Tôn giả Mục Liên:

Đêm tôi sinh năm con

Nhưng đều ăn hết năm

Ngày lại sinh năm đứa

Ăn hết, đói vẫn còn.

Nẻo bàng sinh, nẻo người có đủ bốn thứ sinh trên.

Về người đẻ trứng (Noãn sinh), như chuyện xưa kể: Ở châu này, có người khách buôn giong thuyền ra biển, gặp một con hạc mái hình thù to lớn vô cùng đẹp đẽ, nên gá nghĩa cùng nhau. Về sau sinh ra hai trứng, nở ra hai đứa bé trai rất khôi ngô và thông minh. Khi đến tuổi trưởng thành thì xuất gia và đều chứng quả A-la-hán. Em tên là Ô-ba-thế-la, anh tên Thế-la.

Lại như bà mẹ Tỳ-xá-khư sinh được ba mươi hai trứng, bà Vương phi Bát-già-la lại sinh tới năm trăm trứng.

Người sinh bằng thai thì như loài người hiện nay.

Người thấp sinh thì như Mạn-đà-đa-già-lư, Ô-ba-già-lư, Cáp man- am-la-vệ v.v…

Người hóa sinh thì như người ở kiếp sơ.

Bốn loài hữu tình đều đã thọ sinh, chịu theo Thánh pháp và đạt được Thánh pháp xong tất không còn thọ sinh vào hai loài Noãn sinh và Thấp sinh nữa.

Hỏi: Vì sao như thế?

Đáp: Vì hai loài Thấp sinh và Noãn sinh, tánh rất ngu muội, còn bậc Thánh thì sáng suốt, thông tuệ nên không thọ sinh vào hai loài đó.

Có thuyết nói: Hai loài Thấp sinh và Noãn sinh theo pháp như thế tức trái ngược với tánh Thánh nên bậc Thánh không thọ sinh vào đó.

Có Sư khác cho: Hai loài ấy tánh nhiều ham thích điều xấu ác, nhiều ham thích giết hại, còn bậc Thánh thì không như thế, chỉ ham thích điều thiện.

Có thuyết nêu: Hai loài đó hành nhiều giới ác, luôn bị chìm đắm trong biển khổ, còn bậc Thánh đã có được giới bậc Thánh yêu thích để làm phao nổi có thể vượt biển khổ kia.

Có thuyết biện: Hai loài Thấp sinh và Noãn sinh đều là bàng sinh. Còn bậc Thánh thì đối với chúng đã được phi trạch diệt.

Có thuyết nói: Hai loài Thấp sinh và Noãn sinh bị nhiều bức bách khổ sở. Còn bậc Thánh thì không như thế, vì có nhiều nghiệp rộng lớn.

Do các nghĩa như thế nên bậc Thánh không thọ sinh vào hai loài ấy.

Có Sư khác nêu: Bậc Thánh ưa thích chỗ ở một mình, chán bỏ sự trùng sinh (Sinh đi sinh lại nhiều lần). Còn loài Thấp sinh thì đông đảo hỗn tạp, loài Noãn sinh thì phải sinh lại mấy lần, nghĩa là ra khỏi thai mẹ, ra khỏi vỏ trứng. Thế nên người thế gian gọi Phạm chí là Samôn, loài chim là tái sinh, loài voi là uống nước lại. Do đó bậc Thánh không thọ sinh vào hai loài ấy.

Có Sư khác cho: Hai loài Noãn sinh và Thấp sinh phần nhiều không có nơi nương dựa, còn bậc Thánh thì đã thành tựu được pháp nương dựa thù thắng, nên không thọ sinh vào hai loài ấy. Do đó có lời nói: Nếu như Am-la-vệ có pháp nương dựa thù thắng thì không bị đám Ma-kiện-địa-ca lấn áp làm nhục.

Tôn giả Diệu Âm nói: Cha sinh ở nẻo nào thì con sinh vào nẻo đó. Ý này nói là: Như các vị Đại Bồ-tát gần với Phật địa là cha của các Thánh chúng, nhất định không thọ sinh vào hai loài Noãn và Thấp. Các con của Phật (Thánh tử) đã chứng quả cũng lại như thế.

Do các nhân duyên đã nói nên bậc Thánh tất không thọ sinh vào hai loài Noãn sinh và Thấp sinh.

Hỏi: Trong bốn loài thì loài nào đông nhiều, rộng khắp nhất?

Đáp: Có thuyết nói: Loài Noãn sinh là đông, rộng nhất. Từng nghe nói trong các hang núi ở nước ngoài, những nơi chốn nào cũng đầy cả trứng, khi voi đi đạp nát cũng không hay biết.

Có Sư khác cho: Loài Thai sinh là đông, rộng nhất. Ở nước ngoài có một loài ểnh ương sinh ra đến bảy huề con (Một huề bằng năm mươi mẫu ruộng) và một con cá lội khắp bảy vũng ao sâu đẻ đầy cả con vào đấy.

Có Sư khác nêu: Loài Thấp sinh là đông, rộng nhất. Vì sao? Nếu vào mùa mưa, giả sử tập hợp một số thịt ương thối, hoặc phân thải thành một đống lớn, dưới từ kim luân cao lên đến cõi Phạm thế, trong đó tất cả đều là dòi trùng, tức các loài dòi trùng ấy đều thuộc thấp sinh cả.

Nên nói như vầy: Loài Hóa sinh là đông, rộng nhất, vì chúng bao gồm hai nẻo (Thú) toàn vẹn cùng phần ít của ba nẻo và tất cả trung hữu đều là hóa sinh. Lại có hai cõi toàn vẹn cùng phần ít của một cõi (Giới) đều là hóa sinh. Ở trong cõi dục, gia hạnh của ba loài cũng là hóa sinh.

Hỏi: Vậy trong bốn loài, loài nào thù thắng nhất?

Đáp: Loài Hóa sinh là thù thắng nhất.

Hỏi: Nếu thế vì sao thân tối hậu của Bồ-tát không phải là loài hóa sinh?

Đáp: Vì hai thời gian ra đời không hòa hợp nhau. Nghĩa là ở kiếp sơ thì loài người thuộc loài hóa sinh, khi đó Đức Phật không ra đời. Đến khi kiếp giảm thì Đức Phật ra đời, bấy giờ loài người không phải là loài hóa sinh nữa.

Lại có thuyết nói: Vì hóa sinh thì quá nhẹ, không thể đủ sức làm chỗ nương dựa cho núi chúa công đức như mười lực, bốn vô úy của Phật.

Lại có thuyết cho: Tất cả loài hóa sinh có thân thể rất nhỏ, yếu, không thể gánh vác được gánh nặng của đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Lại có thuyết nêu: Nếu thọ thân loài hóa sinh thì không có các sự việc thân tộc quyến thuộc, nhưng các sự việc ấy đều là quả của nghiệp diệu. Bồ-tát suốt trong vô số kiếp nơi sinh tử siêng năng tu tập nghiệp diệu đầy đủ vẹn toàn nên không thọ thân loài hóa sinh.

Lại có thuyết biện: Bồ-tát suốt trong vô số kiếp nơi sinh tử nỗ lực tinh tấn tạo tác và làm tăng trưởng nghiệp chiêu cảm về cha mẹ. Còn cha mẹ của Bồ-tát cũng ở trong vô số kiếp nơi sinh tử tu tập nghiệp chiêu cảm về bậc Thánh tử. Nếu thọ kiếp hóa sinh thì việc tu tập của cả hai bên đều luống uổng, không có kết quả, thế nên không thọ.

Có thuyết nói: Vì muốn làm sáng tỏ tất cả sự tôn quý thù thắng của Bồ-tát, đó là các thứ trí kiến, giòng dõi, ngôi vị v.v… Vì ý nghĩa đó nên không làm loài hóa sinh.

Có thuyết cho: Vì muốn đoạn trừ sự kiêu mạn về giòng dõi của chúng sinh, nên Phật dựa vào giòng dõi thù thắng, không nhận làm loài hóa sinh.

Có thuyết nêu: Vì muốn dẫn dắt người tại gia ưa thích bước vào pháp nên không làm thân hóa sinh. Vì nếu nhận kiếp hóa sinh thì người đời sẽ nói Phật thuộc hạng không có bà con thân tộc, nên mới từ bỏ đời sống gia đình, đâu thể sánh bằng chúng ta được. Nếu Bồ-tát sinh vào giòng Sát-đế-lợi, là thân tộc có uy thế lừng lẫy mà Bồ-tát lại có thể lìa bỏ, coi như đàm dãi để mở ra môn cam lồ thành tựu bậc Chánh giác thì mọi người sẽ nghĩ đó là việc hy hữu nên kính trọng tin tưởng vào những điều Đức Phật giảng nói.

Có thuyết biện: Vì Bồ-tát muốn làm cây cờ pháp bảo hộ cho cả hai thứ nội và ngoại, nên không nhận làm loài hóa sinh. Chư Phật đều có nội hộ và ngoại hộ. Nội nghĩa là pháp Bồ-đề phần, còn ngoại tức là bà con thân tộc. Nếu không có ngoại hộ thì sẽ bị ngoại đạo và các bè nhóm xấu ác hủy hoại, nên Đức Thế Tôn đã hóa độ các người dòng họ Thích để hộ trì chánh pháp. Do đó, cho đến đám lục quần Bí-sô cũng nói: Nếu có các ngoại đạo đến não hại Đức Phật, Đức Phật không điều phục thì chúng ta cũng có thể dùng sức mạnh để khuất phục họ.

Có thuyết nói: Vì muốn ngăn chận ngoại đạo hủy báng nên Đức Phật không nhận làm loài hóa sinh. Nghĩa là Đức Phật đích thân từ cung trời Đổ-sử-đa mất đi, ánh sáng của thân chiếu khắp đại thiên thế giới và vào thai mẹ, đủ mười tháng thì ra khỏi thai, liền đi bảy bước, tự xưng là bậc Độc Tôn, rồi xuất gia tu khổ hạnh, đến ngồi nơi gốc Bồ-đề thành Đẳng Chánh Giác. Như thế còn bị chúng hủy báng: Sau hơn trăm kiếp tên Đại huyễn thuật ấy mới sinh ra, không cha không mẹ, phải ăn nhờ của thế gian. Nếu nhận làm thân hóa sinh thì lại càng bị hủy báng. Thế nên Bồ-tát không nhận làm loài hóa sinh.

Có thuyết cho: Vì muốn tạo lợi ích cho những hữu tình đời vị lai nên không làm loài hóa sinh. Vì sao? Vì nếu thọ nhận thai sinh thì còn xác thân để lại sau khi nhập Niết-bàn, tuy trải qua ngàn năm, trong vô lượng hữu tình, đối với di thể của Phật, tuy chỉ như một hạt cải, biết ân cần khởi tâm tịnh, cung kính cúng dường, thì sẽ được vô biên phước đức, sinh lên cõi trời hưởng phước và lần hồi sẽ đạt được Niết-bàn. Nếu thọ thân hóa sinh thì các sự việc ấy sẽ không xảy ra. Vì sao? Vì các loài hóa sinh khi mạng chung thì như ngọn đèn đang sáng bị tắt, không để lại một chút gì cả.

Ở đây, nhân luận sinh luận.

Hỏi: Vì sao loài hóa sinh khi mạng chung không để lại gì cả?

Đáp: Do loài đó lúc sinh ra, các căn nhanh chóng hiện bày, do đó khi chết thì cũng biến mất nhanh chóng, như người xuống nước đùa cợt chợt hiện chợt lặn.

Lại có thuyết nêu: Hóa thân thì thân nhẹ nhàng như mây khói, như ánh chớp, cũng như gió thoảng, ánh chớp hiện ra thì khi mất cũng không còn gì, không biết tan biến ở chốn nào.

Lại nữa, hóa sinh thì tạo sắc tăng hơn, còn ba loài kia thì đại chủng tăng hơn, vì chỉ tạo thêm sắc nên khi mất thì mất rất nhanh chóng.

Lại nữa, hóa sinh thì tăng thêm căn pháp, còn ba loài kia thì không tăng thêm căn pháp. Do căn pháp tăng thêm nên khi mất thì mất rất nhanh. Nghĩa là kẻ hóa sinh khi nhận các thứ râu tóc v.v… nơi thân tướng đều không thiếu chút căn pháp nào.

Hỏi: Nếu loài hóa sinh khi chết không để lại gì cả, vì sao kinh lại nói loài chim Diệu sí (Kim sí điểu) hóa sinh bắt loài rồng hóa sinh để ăn thịt?

Đáp: Vì không biết nên bắt lấy để ăn, song ăn mà không no.

Có thuyết biện: Loài rồng hóa sinh ấy trong khi chưa chết thì ăn vào tạm thấy đỡ đói, nhưng khi chết rồi lại đói, đói thì chim kia lại bắt ăn nên không trái với các điều kinh nói.

Lại có thuyết nói: Thân thể của các loài rồng hóa sinh rất tinh diệu giống như chất dầu, chất sữa nấu, nên khi vừa nuốt vào đã thành thức ăn tiêu hóa ngay được.

Hoặc có thuyết cho: Loài chim Diệu sí hóa sinh rất khôn khéo, khi bắt được rồng hóa sinh thì dùng đôi chân quắp chặt lấy cổ rồi nuốt từ đuôi vào. Khi chúng còn sống thì có thể làm thức ăn, khi chết rồi thì không ăn nữa.

Có Sư khác nêu: Loài chim Diệu sí hóa sinh ấy khi bắt rồng hóa sinh ăn thịt thì nước bọt, nước tiêu hóa trước hết từ não rất nhuyễn chảy xuống cùng với rồng kia nuốt vào mà thành thức ăn, không phải chỉ riêng loài rồng hóa sinh làm thức ăn.

Hỏi: Các kinh khác nói làm sao thông? Như nói: Ở trong các đại địa ngục có con chó đen hoặc chó vá rất mập mạnh, vô cùng hung dữ, xô ngã các tội nhân nằm trên đất sắt rồi cắn xé, phanh bụng ra ăn lấy ruột gan.

Đáp: Vì các ruột gan này còn dính liền với thân thể tội nhân nên ăn để đỡ đói, do đó nói là ăn.

Có thuyết nói: Do sức của các nghiệp ác đã tạo khiến các hữu tình ấy thọ tội phải chịu khổ như thế, chứ không phải ăn thịt.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân nhưng không thành tựu ngữ nghiệp.

2. Có trường hợp thành tựu ngữ nghiệp nhưng không thành tựu thân.

3. Có trường hợp thành tựu thân cũng thành tựu ngữ nghiệp.

4. Có trường hợp không thành tựu thân cũng không thành tựu ngữ nghiệp.

Đây đều là thân đối với thân nghiệp mà nói, như đã nói ở trước, chỉ khác là ở đây nói về ngữ nghiệp có biểu hiện. Vì thân nghiệp và ngữ nghiệp hệ thuộc địa với nhau nên nếu được hay không đều không riêng khác.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu ý nghiệp chăng?

Đáp: Các người thành tựu thân thì cũng thành tựu ý nghiệp. Nhưng có người thành tựu ý nghiệp nhưng không có thân, đó là người sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu thân nghiệp và ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Nên có bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân nhưng không thành tựu thân nghiệp và ngữ nghiệp. Tức là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, nên không biểu hiện được thân và ngữ, nếu có biểu hiện nhưng đã mất.

2. Có trường hợp thành tựu thân và thân nghiệp nhưng không thành tựu ngữ nghiệp. Tức là sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, đang có thân biểu hiện hoặc trước đã có không mất, không có ngữ biểu hiện hoặc nếu có mà mất.

3. Có trường hợp thành tựu thân và ngữ nghiệp nhưng không thành tựu thân nghiệp. Tức là sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện đang có ngữ biểu, hoặc trước đã có không mất, nhưng không có thân biểu, hoặc trước có mà mất.

4. Có trường hợp thành tựu thân và cả thân nghiệp, ngữ nghiệp. Tức là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện đang có thân và ngữ biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

Hỏi: Nếu như thành tựu thân nghiệp và ngữ nghiệp thì cũng thành tựu thân chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu hoặc không thành tựu.

Thế nào là thành tựu? Là như trước đã nói.

Thế nào là không thành tựu? Là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu thân nghiệp và ý nghiệp chăng?

Đáp: 1. Có trường hợp thành tựu thân và ý nghiệp, không phải là thân nghiệp. Tức là ở trong trứng hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có thân biểu hiện hoặc có mà mất. 2. Có trường hợp thành tựu thân và cả thân nghiệp, ý nghiệp. Tức là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.

Hỏi: Nếu như thành tựu thân nghiệp và ý nghiệp thì cũng thành tựu thân chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu, hoặc không thành tựu.

Thế nào là thành tựu? Là như trước đã nói.

Thế nào là không thành tựu? Là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu ngữ nghiệp, ý nghiệp chăng?

Đáp: 1. Có trường hợp thành tựu thân và ý nghiệp, không phải ngữ nghiệp. 2. Có trường hợp thành tựu thân lẫn ngữ nghiệp và ý nghiệp.

Đây đều như thân đối với thân nghiệp, ý nghiệp như trước đã nói. Chỉ khác là ở đây nói ngữ có biểu hiện.

Hỏi: Nếu như thành tựu ngữ nghiệp, ý nghiệp thì cũng thành tựu thân chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu, hoặc không thành tựu, như trước đã nói.

Hỏi: Nếu thành tựu thân thì cũng thành tựu thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp chăng?

Đáp:

1. Có trường hợp thành tựu thân và ý nghiệp, không phải là thân nghiệp, ngữ nghiệp.

2. Có trường hợp thành tựu thân, thân nghiệp, ý nghiệp, không phải là ngữ nghiệp.

3. Có trường hợp thành tựu thân và ngữ nghiệp, ý nghiệp, không phải là thân nghiệp.

4. Có trường hợp thành tựu cả thân và thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp.

Đây đều như thân đối với thân nghiệp và ngữ nghiệp đã nói ở trước. Còn ý nghiệp thì trong tất cả lúc đều thành tựu.

Hỏi: Nếu như thành tựu thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp thì cũng thành tựu thân chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu, hoặc không thành tựu, như trước đã nói.

Hỏi: Nếu thành tựu thân nghiệp thì cũng thành tựu ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân nghiệp không phải là ngữ nghiệp. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, không có ngữ biểu hiện, hoặc có mà mất.

2. Có trường hợp thành tựu ngữ nghiệp không phải là thân nghiệp. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có ngữ biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, không có thân biểu hiện hoặc có mà mất.

3. Có trường hợp thành tựu thân nghiệp cũng thành tựu ngữ nghiệp. Nghĩa là các bậc Thánh ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân và ngữ biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

4. Có trường hợp không thành tựu thân nghiệp cũng không thành tựu ngữ nghiệp. Nghĩa là hiện ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có cả thân và ngữ biểu hiện, hoặc có mà mất, hoặc các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân nghiệp thì cũng thành tựu ý nghiệp chăng?

Đáp: Những người thành tựu thân nghiệp đều thành tựu ý nghiệp. Có trường hợp thành tựu ý nghiệp, không phải là thân nghiệp: Là thứ ở trong trứng, hoặc có phàm phu đang nằm trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có thân biểu hiện, nếu có thì đã mất, hoặc các phàm phu sinh vào cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân nghiệp thì cũng thành tựu ngữ nghiệp và ý nghiệp chăng?

Đáp: Có trường hợp thành tựu thân nghiệp và ý nghiệp nhưng không thành tựu ngữ nghiệp. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, không có ngữ biểu hiện, hoặc nếu có mà mất.

Có trường hợp thành tựu thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Nghĩa là các bậc Thánh đang nằm trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân và ngữ biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, hoặc sinh vào cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu ngữ nghiệp, ý nghiệp thì cũng thành tựu thân nghiệp chăng?

Đáp: Hoặc thành tựu, hoặc không thành tựu.

Thế nào là thành tựu? Là như trước đã nói.

Thế nào là không thành tựu? Là sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải là không luật nghi, hiện có ngữ biểu hiện, hoặc trước đã có không mất, không có thân biểu hiện, hoặc có mà mất.

Hỏi: Nếu thành tựu ngữ nghiệp thì cũng thành tựu ý nghiệp chăng?

Đáp: Các trường hợp thành tựu ngữ nghiệp đều thành tựu ý nghiệp. Có trường hợp thành tựu ý nghiệp không phải là ngữ nghiệp. Ở đây, như trước đã nêu về thân nghiệp đối với ý nghiệp, có khác biệt tức ở đây nói ngữ nghiệp có biểu hiện.

Trên đây là nêu tóm lược chung về nghĩa: Nếu là thân, sinh ở cõi vô sắc, nhất định là không thành tựu, nếu sinh ở cõi dục hay cõi sắc thì nhất định là thành tựu.

Về thân nghiệp và ngữ nghiệp, nếu ở trong trứng, hoặc các phàm phu ở trong bào thai, hoặc các phàm phu sinh ở cõi vô sắc thì nhất định không thành tựu. Các bậc Thánh, các phàm phu ở cõi sắc và cõi dục, trụ vào giới thiện hay ác, nhất định đều thành tựu. Còn các thứ khác thì hoặc thành tựu hoặc không thành tựu.

Riêng ý nghiệp thì tất cả đều thành tựu.

HẾT – QUYỂN 120