LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 119

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HẠI SINH, phần 2

* Từng có nghiệp bất thiện thuận theo khổ thọ, dị thục chưa chín. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận Tông chỉ khác, hiển bày nghĩa lý của mình. Nghĩa là hoặc có thuyết nói: Không có trung hữu.

Hoặc có thuyết cho: Tuy có trung hữu nhưng không có kẻ sinh vào nẻo ác.

Hoặc có thuyết nêu: Kẻ sinh vào nẻo ác tuy có trung hữu nhưng người sinh vào địa ngục thì không có.

Lại có thuyết nói: Kẻ sinh vào địa ngục tuy có trung hữu, nhưng trước đây tạo nghiệp vô gián thì không có.

Hoặc có thuyết lại cho: Kẻ trước đây tạo nghiệp vô gián tuy có trung hữu nhưng trong trung hữu ấy không thọ dị thục của vô gián.

Lại có thuyết nêu: Tuy trụ nơi trung hữu, cũng thọ dị thục của vô gián, nhưng chỉ thọ nhận bốn uẩn, không thọ nhận sắc uẩn.

Vì muốn ngăn chận mọi thứ chấp dị biệt ấy và hiển bày là có trung hữu và đối với cảnh giới có sắc nơi tất cả xứ sinh, không nơi chốn nào là không có, ở đấy cũng thọ nhận dị thục của sắc uẩn. Vì các nhân duyên nêu trên, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Từng có nghiệp bất thiện thuận theo khổ thọ, dị thục chưa chín, không phải là không nhận quả dị thục lần đầu nhưng khởi tâm nhiễm ô chăng?

Đáp: Có. Như kẻ tạo tác và tăng trưởng nghiệp vô gián, do nghiệp này lần đầu tiên nơi địa ngục có quả dị thục sinh ra.

Hỏi: Tạo tác và tăng trưởng có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Không khác nhau.

Có thuyết cho: Khác nhau về tên gọi. Đây gọi là tạo tác, kia gọi là tăng trưởng.

Có thuyết nêu: Về nghĩa cũng có khác nhau. Tức hoặc có người do một hành ác bị đọa vào nẻo ác. Hoặc có người do ba hành ác bị đọa vào nẻo ác. Nếu do một hành ác bị đọa vào nẻo ác, thì khi người này khởi gia hạnh, chỉ gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng, đến khi rốt ráo gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Nếu kẻ do có đủ ba hành ác bị đọa vào nẻo ác, thì lúc tạo một, hai hành ác, chỉ gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng. Còn khi tạo đủ cả ba thứ, gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng.

Như ba thứ hành ác, ba thứ hành diệu cũng như thế, chỉ có khác là sinh vào nẻo thiện.

Lại nữa, hoặc có kẻ do một tội vô gián bị đọa vào địa ngục, hoặc có kẻ do đủ cả năm tội. Người chỉ do một tội, thì khi người này ở phần vị gia hạnh chỉ gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng, đến khi rốt ráo gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Đối với kẻ do đủ năm tội, khi họ tạo từ một đến bốn tội gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng. Nếu khi tạo đủ cả năm tội gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng.

Lại nữa, có kẻ do một nghiệp đạo bất thiện bị đọa vào các nẻo ác, có kẻ thì đủ cả mười thứ. Nếu kẻ do một nghiệp đạo thì ở phần vị gia hạnh chỉ gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng, đến khi rốt ráo gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Kẻ do đủ mười thứ, nếu tạo từ một đến chín, chỉ gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng, khi tạo đủ cả mười thứ gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng.

Như mười nghiệp đạo bất thiện, thì mười nghiệp đạo thiện cũng thế, chỉ khác là được sinh vào nẻo thiện.

Lại nữa, hoặc có kẻ do nhiều thứ hành diệu chiêu cảm một chúng đồng phần, như là chúng đồng phần sau cùng của các Bồ-tát. Hoặc có kẻ do ba mươi hai trăm phước đức nên chiêu cảm, nhưng nếu chỉ tạo từ một trăm đến ba mươi mốt trăm phước chỉ gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng. Còn khi đủ ba mươi hai trăm phước gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng.

Lại nữa, hoặc có nghiệp do cố ý tạo ra, hoặc có nghiệp không do cố ý tạo ra. Nếu do cố ý tạo ra gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng. Nếu không do cố ý tạo ra chỉ gọi là tạo tác không gọi là tăng trưởng. Về nghiệp do suy xét kỹ tạo hay đột nhiên tạo cũng như thế.

Lại nữa, hoặc có nghiệp thuận với ba thời thọ nhận, hoặc có nghiệp thuận với không nhất định thọ nhận. Nếu thuận với ba thời thọ nhận gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng. Nếu thuận với không nhất định thọ nhận gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Như thuận với quyết định thọ nhận thì thuận với không quyết định thọ nhận cũng như thế.

Lại nữa, hoặc có nghiệp thọ nhận riêng biệt nhất định, hoặc có nghiệp thọ nhận không riêng biệt nhất định. Đối với sự thọ nhận riêng biệt nhất định gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Đối với sự thọ nhận không riêng biệt nhất định chỉ gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Lại nữa, hoặc có nghiệp thời gian nhất định dị thục cũng nhất định, hoặc có nghiệp dị thục nhất định thời gian không nhất định. Đối với thứ có cả hai nhất định thì gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Đối với thứ chỉ có một nhất định thì gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Lại nữa, có nghiệp bất thiện thuận nhận báo ở nẻo ác, có nghiệp bất thiện thuận nhận báo ở nẻo thiện. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau chỉ gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng. Về nghiệp thiện trái với điều này cũng nêu bày như thế.

Lại nữa, có nghiệp bất thiện do bất thiện hỗ trợ giúp đỡ, có nghiệp bất thiện do nghiệp thiện hỗ trợ. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau chỉ gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng. Về nghiệp thiện trái với điều này cũng nêu bày như thế.

Lại nữa, có nghiệp bất thiện không tạo kiến và có tà kiến, do từ mê lầm về nhân quả trong sự nối tiếp sinh ra. Có nghiệp bất thiện có tạo kiến và có chánh kiến, do từ không mê lầm về nhân quả trong sự nối tiếp sinh ra. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng. Nghiệp thiện trái với điều này cũng nêu bày như thế.

Lại nữa, có nghiệp bất thiện hủy hoại giới, hủy hoại kiến, có nghiệp bất thiện hủy hoại giới, không hủy hoại kiến. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng. Nghiệp thiện trái với điều này cũng nêu bày như thế.

Lại nữa, có nghiệp bất thiện gia hạnh hủy hoại, ý lạc hủy hoại, có nghiệp bất thiện gia hạnh hủy hoại, ý lạc không hủy hoại. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng. Nghiệp thiện trái với điều này cũng nêu bày như thế.

Lại nữa, có nghiệp khi tạo rồi thì không bỏ, không biến đổi, không loại trừ hẳn, không nương vào pháp đối trị. Có nghiệp khi tạo rồi thì bỏ, biến đổi, loại trừ hẳn, nương vào pháp đối trị. Thứ trước gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Thứ sau gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Như thế, có nghiệp ba thời xét biết ba thời không xét biết, có thứ tạo rồi thì hối hận tạo rồi không hối hận, có thứ tạo rồi thì tùy niệm và tạo rồi không tùy niệm, có thứ thường xuyên nhớ nghĩ và thứ không thường xuyên nhớ nghĩ, nói cũng như thế.

Lại nữa, nếu nghiệp có thể nhận quả và cho quả gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Nếu nghiệp nhận quả nhưng không thể cho quả gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Tôn giả Thế Hữu nói: Nếu nghiệp khi gây tạo có ý lạc hồi hướng, có ý lạc hiển bày, được đồng loại khen ngợi, nêu rõ, đó gọi là tạo tác cũng gọi là tăng trưởng. Nếu nghiệp khi gây tạo trái với các điều nói trên thì gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Lại có thuyết nói: Nếu nghiệp gây tạo tất cả các thứ trọn đủ, tất cả các thứ rốt ráo, như tạo ra tháp miếu trang nghiêm, viên mãn, đây gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Nếu nghiệp gây tạo trái với các điều nêu trên gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Đại đức nói: Nếu các nghiệp tạo ra nhiều duyên hòa hợp nhau, nhất định chiêu cảm được quả gọi là tạo tác, cũng gọi là tăng trưởng. Nếu những nghiệp gây tạo trái với các điều trên thì gọi là tạo tác, không gọi là tăng trưởng.

Có vô lượng môn như thế, đó gọi là sự khác nhau của tạo tác và tăng trưởng.

* Nghiệp vô gián có năm thứ:

  1. Giết mẹ.
  2. Giết cha.
  3. Giết A-la-hán.
  4. Phá hòa hợp Tăng.
  5. Khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu.

Hỏi: Năm nghiệp vô gián ấy lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Chúng lấy thân ngữ nghiệp làm tự tánh. Ba thứ trước và một thứ sau do thân nghiệp làm tự tánh, còn loại thứ tư là do ngữ nghiệp làm tự tánh. Thế nên năm nghiệp này thuộc về ba giới, ba xứ và một uẩn. Ba giới tức là sắc, thanh và pháp giới. Ba xứ tức là sắc, thanh và pháp xứ. Một uẩn tức là sắc uẩn. Đó gọi là tự tánh của nghiệp vô gián.

Đã nói về tự tánh, nay sẽ nêu bày về lý do.

Hỏi: Vì sao gọi là vô gián?

Đáp: Do hai duyên nên gọi là vô gián: 1. Ngăn hiện đời và đời sau. 2. Ngăn các nẻo khác.

Ngăn hiện đời và đời sau: Nghĩa là năm tội này chỉ thuộc loại chịu báo ở đời kế sau (thuận thứ sinh thọ) không phải thuộc loại chịu báo ở hiện đời và chịu báo ở các đời sau, nên gọi là vô gián.

Ngăn các nẻo khác: Nghĩa là tội này nhất định phải đọa nơi địa ngục không lẫn lộn vào các nẻo khác, nên gọi là vô gián.

Lại do hai nhân duyên nên kiến lập tội vô gián: 1. Bội phản ân dưỡng dục. 2. Hủy hoại ruộng phước đức.

Bội phản ân dưỡng dục: Tức là giết hại cha mẹ.

Hủy hoại ruộng phước đức: Tức là ba thứ kia.

Lại do hai nhân duyên nên thành tội vô gián: 1. Khởi gia hạnh. 2. Quả rốt ráo. Tuy có khởi gia hạnh nhưng quả không rốt ráo thì không bị tội vô gián. Cũng như có quả rốt ráo nhưng không khởi gia hạnh cũng không bị tội vô gián.

Tuy có khởi gia hạnh nhưng quả không rốt ráo: Nghĩa là như có kẻ muốn giết hại mẹ. Bà mẹ biết được nên chạy trốn vào trong đống lúa. Có người nữ khác đang nằm trên giường ngủ của bà mẹ. Tên này lẻn đến bên giường, cho đó là mẹ mình, nên cầm dao giết chết. Giết xong liền chạy tới chỗ đống lúa thọc dao vào để lau máu, không ngờ mũi dao trúng mẹ, bà này chết luôn. Đây là khi khởi gia hạnh quả chưa rốt ráo (Cố giết mà không chết) và khi quả rốt ráo thì không còn gia hạnh nữa. (Khi chết thì không do cố ý giết), do đó không thành tội vô gián.

Có quả rốt ráo nhưng không khởi gia hạnh (Người chết nhưng không cố ý giết): Nghĩa là như có người dẫn dắt cha mẹ vượt qua quãng đường hiểm trở. Vì sợ có giặc kéo đến nên người này hối thúc xô đẩy cha mẹ đi nhanh lên, nhân đấy bị té ngã và mất mạng. Đây tuy là quả rốt ráo nhưng không phải khởi gia hạnh. Thế nên cần phải có khởi gia hạnh và quả rốt ráo mới thành tội vô gián.

Hỏi: Từng có việc khởi gia hạnh và quả rốt ráo nhưng không phạm tội vô gián chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là cùng với người bị giết, chết cùng lúc, vì không có chúng đồng phần sau này để tạo thành tội ấy.

Như có người anh bảo em mình tự đến giết mẹ. Người em nghe lời anh và thi hành thì cả hai đều phạm tội vô gián. Nếu người em sai người khác và cùng người khác ấy giết chết mẹ thì chỉ người em bị tội vô gián. Có người anh sai người em khiến người khác giết mẹ. Người em theo đúng lời người anh thì cả hai cùng bị tội vô gián. Nếu người em tự hại và cùng với người khác hại thì chỉ người em bị tội vô gián. Có người anh sai người em cùng kẻ khác hại mẹ, người em y theo lời người anh thì cả hai bị tội vô gián. Nếu người em tự hại cùng chỉ sai khiến kẻ khác thì chỉ người em bị tội vô gián. Có người anh sai người em khi mẹ đến thì phải giết, nếu người em làm đúng lời người anh thì cả hai đều bị tội vô gián. Nếu người mẹ đi về rồi mới giết thì chỉ người em bị tội vô gián.

Như anh sai em, các thứ anh sai em gái, em sai anh, sai chị v.v… đều cũng như thế.

Như việc khiến giết khi đến, khiến giết khi đi, đứng, ngồi, nằm v.v… cũng như thế.

Như việc giết mẹ, thì việc giết cha cũng như vậy.

Việc hại A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, các sự việc sai khiến, có các loại khác nhau, nên biết.

Nếu hàng phi nhân giết cha mẹ hàng phi nhân thì không bị tội vô gián. Phi nhân giết người, người giết phi nhân nên biết cũng như thế. Chỉ có loài người giết cha mẹ của con người mới bị tội vô gián.

Hỏi: Như kẻ hoàng môn, không hình, hai hình khi giết cha mẹ có phạm tội vô gián không?

Đáp: Không phạm. Vì sao? Vì loại thân thể đó, sức lực, ý chí rất yếu kém không thể ghép mình theo luật nghi hay không luật nghi.

Tôn giả Thế Hữu nói: Loại hoàng môn v.v… khi giết hại cha mẹ thì không phạm tội vô gián. Vì sao? Vì loại này không biết yêu kính cha mẹ, có thể trước có nhưng nay đã diệt mất. Lại nữa, loại đó đối với cha mẹ hoàn toàn không biết xấu hổ, có thể trước có nay lại mất.

Đại đức nói: Loại hoàng môn v.v… phiền não tăng nhiều nhất định thuộc về nẻo ác, vì thuộc về nẻo ác nên không phạm tội vô gián.

Hỏi: Các loài bàng sinh khi giết hại cha mẹ có phạm tội vô gián không?

Đáp: Không phạm. Vì sao? Vì loại thân thể, hình dạng đó thì sức lực, ý chí rất yếu kém không thể ghép mình theo luật nghi hay không luật nghi.

Tôn giả Thế Hữu nói: Các loài bàng sinh giết hại cha mẹ thì không phạm tội vô gián. Vì sao? Vì chúng không hề biết yêu kính cha mẹ, có thể trước có nay lại mất. Lại nữa, chúng không hề biết xấu hổ đối với cha mẹ, có thể trước có nay lại mất.

Đại đức nói: Các loài bàng sinh khi giết hại cha mẹ thì có khi phạm tội vô gián, có khi không phạm. Nghĩa là loài nào thông minh thì phạm, loài nào không thông minh thì không phạm. Như có chuyện kể: Có một con ngựa quý rất khôn ngoan, người ta ham chuộng giống đó nên cho giao phối với mẹ nó để lấy giống. Sau này ngựa quý biết được liền tự thiến mình mà chết.

Hỏi: Như do một gia hạnh, cùng lúc giết chết mẹ và người nữ khác, người này có nghiệp không biểu hiện như trước đã nói, và người này phạm tội về nghiệp có biểu hiện đối với mẹ hay đối với người nữ kia?

Đáp: Phạm tội đối với mẹ. Vì sao? Vì đối với các tội kia, tội vô gián là nặng hơn hết.

Tôn giả Diệu Âm nói: Các nghiệp có biểu hiện thì rất vi tế tạo thành nên việc giết mẹ và những người khác thì mỗi thứ khác nhau cũng rất tế nhị. Nên đối với cả hai nhóm người đều bị tội không biểu hiện.

Hỏi: Như có người nữ bị sẩy thai non, sau lại có người nữ khác lấy thai ấy đặt vào người mình, sau sinh ra con. Vậy thì người nào là mẹ, giết ai thì phạm tội vô gián?

Đáp: Người trước là mẹ sinh, người sau là mẹ nuôi. Chỉ giết chết mẹ sinh mới bị tội vô gián, vì Yết-lạt-lam nương vào người trước sinh ra, còn các sự việc làm đều do bà mẹ nuôi mưu sự. Nếu đối với người không phải mẹ có ý tưởng là giết mẹ, đối với mẹ có ý tưởng là giết người không phải mẹ đều không phạm tội vô gián. Phải đối với mẹ có ý tưởng giết hại mẹ mới phạm tội vô gián. Đối với cha và các người khác nên biết cũng như thế.

Hỏi: Từng có người nữ không phải là mẹ, không phải là A-lahán, nhưng khi giết họ thì có phạm tội vô gián không?

Đáp: Có. Tức là giết kẻ đã chuyển căn nữ làm cha.

Hỏi: Từng có người nam không phải là cha, không phải là A-lahán, nhưng khi giết họ thì bị tội vô gián chăng?

Đáp: Có. Đó là giết chết kẻ đã chuyển căn nam làm mẹ.

Hỏi: Nếu mẹ là A-la-hán hoặc cha là A-la-hán, khi giết hại mỗi mỗi lúc khác nhau thì sẽ bị một tội hay hai tội vô gián? Nếu nói chỉ bị một tội, thì người này đã phản bội ân nuôi dưỡng và hủy hoại ruộng phước đức, sao lại cho là một tội? Như điều kinh nói sau đây làm sao thông? Như việc Đức Phật bảo Thỉ-khiên-trì: Nay ông đã phạm hai tội vô gián, tức là đã giết cha và A-la-hán. Còn nếu nói là hai tội, thì người này chỉ giết có một mạng người sao nói là hai tội?

Đáp: Nên nói là phạm một tội. Vì người này phản bội ân nuôi dưỡng và hủy hoại phước điền, chỉ đối với cùng một người mà hoạt động. Đáng lẽ Khế kinh nói: Ông đã do hai duyên nên bị tội vô gián, đó là giết cha và A-la-hán, nhưng lại nói bị hai tội, là muốn lấy hai tội để quở trách kẻ ấy.

Có Sư khác nói: Thể của tội tuy là một nhưng lại chiêu cảm khổ gấp đôi. Do đó nói có hai tội.

Hỏi: Như khi hại A-la-hán bị tội vô gián, vậy khi giết chết các bậc hữu học cũng phạm tội đó chăng?

Đáp: Không phạm. Vì sao? Vì như trước đã nói, tội vô gián là do hai duyên: 1. Phản bội ân nuôi dưỡng. 2. Hủy hoại ruộng phước đức.

Còn giết hại các bậc hữu học không phải là hủy hoại ruộng phước đức, vì các vị này vừa có công đức cũng có lỗi lầm, có hành diệu cũng có hành ác, có căn thiện cũng có căn bất thiện.

Hỏi: Nếu giết chết vị A-la-hán thoái chuyển thì có phạm tội vô gián không?

Đáp: Không phạm. Vì vị này trở lại thành bậc hữu hoc như đã nói ở trên.

Hỏi: Vị này có mạng sống sau cùng khi sắp chết tất trụ vào bậc vô học. Vì sao nói là không phạm tội vô gián?

Đáp: Vì người kia không có tâm ác đối với thân bậc vô học. Nghĩa là kẻ kia chỉ khởi ý giết chết và làm gia hạnh đối với thân của người hữu học, không phải đối với bậc vô học. Do không có nhân vô gián nên không phạm tội vô gián.

Trong Tỳ-nại-da nói: Tại khu rừng Sa-la có số đông Bí-sô bị đám giặc cướp giết hại, cướp giật hết y phục, vật dụng. Vị quan đem binh truy nã bắt cả đám, giải đến vua, vua ra lệnh theo đúng pháp trị tội. Có một tên cướp trốn thoát chạy tới Tinh xá Kỳ Hoàn cầu xin được xuất gia. Chúng Bí-sô không xem xét kỹ nên độ cho xuất gia và truyền giới cụ túc cho anh ta. Bấy giờ, pháp quan giải đám giặc ấy đến khu gò mả (nghĩa địa) định hành hình. Chúng Bí-sô biết có việc của thế gian đáng chán kia liền kéo nhau tới chứng kiến, tên cướp mới xuất gia cũng có mặt. Khi nhìn thấy thân thể các tội nhân bị cắt lìa, quăng ném khắp nơi, ông thầy mới tu sợ quá té xỉu xuống đất, hồi lâu mới tỉnh. Chúng Bí-sô hỏi nguyên do, anh ta đáp: “Các kẻ bị giết chết là bạn thân của tôi. Hôm đó, tôi với họ cùng làm việc ấy, nếu không xuất gia tất cũng phải chịu khổ cùng cực này”. Chúng Bí-sô nghe xong cùng bảo nhau: “Biết phải xứ trí với kẻ ác này thế nào?”. Liền đến bạch Phật. Đức Phật bảo: “Ông Bí-sô giết người này đã phạm tội vô gián, không thể chấp nhận cho xuất gia, nếu đã xuất gia thì phải đuổi đi chớ nên sống chung. Vì sao? Vì kẻ tạo tội vô gián thì đối với chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta không thể sinh trưởng các pháp thiện được”.

Hỏi: Người ấy không biết rõ là A-la-hán vì sao lại phạm tội vô gián?

Đáp: Do không biết nên phạm tội, do hủy hoại phước điền nên phạm tội. Vì kẻ ấy đối với chúng Bí-sô khởi ý lạc giết hại không chọn lựa. Do tâm cực ác này mà giết hại cả A-la-hán nên phải phạm tội vô gián.

Hỏi: Nếu trước đó đã tạo các tội vô gián khác rồi, sau mới phá Tăng, thì người này khi đọa vào địa ngục phải chịu quả nào trước? Nếu phải chịu các quả vô gián kia trước thì việc phá Tăng trở thành nghiệp thọ báo ở các đời sau. Còn nếu phải chịu quả của việc phá Tăng trước thì các quả vô gián kia trở thành nghiệp thọ báo ở các đời sau?

Đáp: Nếu trước đã tạo các nghiệp vô gián khác thì kẻ ấy sau đó không thể phá Tăng được. Còn nếu trước đã phá Tăng thì sau đó có thể tạo các nghiệp vô gián khác. Các nghiệp tạo sau này đều do sức tăng thượng của việc phá Tăng cùng chiêu cảm quả ở địa ngục. Còn các hành ác khác thuộc nghiệp phải thọ báo ở đời kế sau thì tùy theo nghiệp vô gián, dựa theo đây nên biết. Lại nếu phá Tăng trước, sau mới tạo các nghiệp vô gián khác thì các nghiệp người ấy gây tạo sau này sẽ do sức tăng thượng của nghiệp phá Tăng cùng chiêu cảm quả vô gián tuy nặng nhất thì thọ mạng trọn một kiếp, không thể hơn nữa. Còn các hành ác khác phải chịu báo ở đời kế sau thì tùy theo thọ mạng của nghiệp vô gián dài hay ngắn, cũng dựa theo đó nên biết.

Hỏi: Nếu do nhân phá Tăng phải đọa vào địa ngục vô gián thọ mạng ở đó chưa hết mà thế giới bị hoại, thì kẻ đó có chết yểu giữa chừng không? Nếu chết yểu giữa chừng trong khi nghiệp quá nặng kia dẫn đến thọ mạng phải dài hơn, vì sao lại dứt ngang giữa chừng? Còn nếu không chết yểu thì vì sao không cùng hoại với thế giới lại thành trở ngại? Như Khế kinh nói: Như chỗ ở này, đến nỗi chỉ còn một hữu tình đang ở trong tai ương khổ nạn thì vẫn còn chứ không hoại.

Đáp: Nếu thọ mạng đã nhất định thì kẻ ấy không thể chết yểu giữa chừng.

Hỏi: Nếu như thế vì sao không hoại cùng thế giới này lại thành trở ngại?

Đáp: Người ấy do nghiệp lực dẫn đến địa ngục ở thế giới khác để tiếp tục chịu quả khổ. Như trong vương đô, khi muốn có ân xá, trước hết phải dời số tội nhân có trọng án sang các trại giam khác, sau đó mới đại xá, phóng thích. Kẻ ấy cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Khi thế giới này sắp hoại, các hữu tình nào tạo nghiệp vô gián, lúc chết theo pháp sẽ không sinh vào cõi này mà bị đọa vào địa ngục ở các thế giới khác để chịu nghiệp quả ấy.

Có thuyết lại cho: Khi thế giới này sắp hoại thì nhất định không có hữu tình tạo nghiệp ác cực nặng.

Hỏi: Từng có kẻ tạo đủ năm nghiệp vô gián chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không có. Vì sao? Vì nghiệp này quá nặng, không có cõi nào, nơi nào hơn nữa để dung chứa thọ nạp cả.

Có Sư khác cho: Có kẻ tạo đủ năm nghiệp. Như ở thời Đức Phật Ca-diếp-ba, có Bí-sô con ông Dự thượng tên Hoa thượng đã tạo đủ năm nghiệp vô gián và đoạn dứt căn thiện.

Hỏi: Do một tội vô gián bị đọa vào địa ngục, so với kẻ phạm năm tội vô gián bị đọa vào địa ngục thì có khác gì?

Đáp: Kẻ do một tội vô gián bị đọa vào địa ngục có thân hình nhỏ bé, vật dụng chịu khổ không nhiều lắm, các khổ hiện ra không mạnh mẽ, dữ dội. Còn kẻ tạo nhiều tội cho đến trọn cả năm tội vô gián, khi bị đọa địa ngục có thân thể to lớn, vật dụng chịu khổ tăng nhiều và các khổ hiện ra rất dữ dội.

Hỏi: Trong năm nghiệp vô gián thì tội nào nặng nhất?

Đáp: Phá hòa hợp Tăng tức hủy hoại Pháp thân là đứng đầu, kế đến là làm thân Phật chảy máu, sau đó là giết hại A-la-hán, kế đến nữa là giết mẹ, sau hết là giết cha. Vì ân nuôi dưỡng của mẹ so với cha thì lớn hơn, và uy lực của phước điền thì lớn hơn ân dưỡng dục.

Hỏi: Đức Thế Tôn hiện có các pháp vô học gọi là Phật, thứ đó làm sao giết hại được, vì sao nói có tâm ác làm thân Phật chảy máu, bị tội vô gián?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Vì đối với pháp có khả năng thành tựu Đại Bồ-đề mà khởi tâm ác, vui thích muốn hủy hoại nó, nên tuy là hại sinh thân nhưng đối với pháp thì phạm tội vô gián.

Lại nữa, các pháp vô học của chư Phật phải nương vào sinh thân để chuyển hóa hoạt động, nếu hủy hoại chỗ nương dựa thì chính là hủy hoại pháp nương dựa. Cũng như cái bình vỡ thì sữa sẽ chảy mất hết. Do đó nên phạm tội vô gián.

Hỏi: Như khởi tâm ác khiến thân Phật chảy máu bị tội vô gián, từng có khi khởi tâm ác nhưng không gây chảy máu mà bị tội vô gián chăng?

Đáp: Có. Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có khởi tâm ác làm thân Phật cháy máu nhưng không bị tội vô gián. Nghĩa là chỉ khởi tâm muốn đánh mà thân Phật chảy máu.

2. Có khởi tâm ác không làm thân Phật chảy máu nhưng bị tội vô gián. Nghĩa là khởi tâm muốn giết hại, cho đến muốn khiến máu phải dời chỗ.

3. Có khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu và bị tội vô gián. Nghĩa là khởi tâm muốn giết hại và cùng làm thân Phật chảy máu.

4. Có khởi tâm ác không làm thân Phật chảy máu và không bị tội vô gián. Nghĩa là chỉ khởi tâm muốn đánh cho đến làm máu dời chỗ.

Hỏi: Thân Phật có bị ghẻ nhọt lở lói gì chăng?

Đáp: Không hề có. Vì sao? Vì tất cả Như Lai tướng tốt đều viên mãn, từ lông tóc, da thịt v.v… đều đẹp đẽ hoàn hảo như nhau, thế nên không hề có các sự việc ghẻ nhọt, lở lói v.v…

Hỏi: Đây là do quả của nghiệp nào?

Đáp: Từ đời trước, trải qua ba vô số kiếp, Như Lai tu hạnh Bồtát, mỗi khi thấy có hữu tình nào thân thể bị thiếu sót, hư hoại liền khởi tâm thương sâu xa, khéo léo chữa trị giúp họ lành lặn. Hoặc khi thấy các tranh tượng của Phật, Bồ-tát hay các Thánh Tăng, các tháp miếu, khám thờ, các Tăng-già-lam bị gẫy đổ, rơi rụng, hư nát v.v… thì liền tạo phương tiện khéo léo để sửa sang tu tạo như xưa. Do nghiệp thiện ấy nên nay được các tướng đẹp đẽ trang nghiêm lành lặn v.v…

Hỏi: Từng có việc cố ý giết hại, về sau cũng không chịu lìa bỏ, nhưng đối với tất cả hữu tình lại được phòng hộ chăng?

Đáp: Có. Như khi khởi gia hạnh giết hại, nhưng giữa chừng lại chứng đắc thấy rõ tánh của các pháp. Ở đây hiển bày không nhân thọ nhận các Học xứ, chỉ do khi nhập chánh tánh ly sinh nên được luật nghi Bất-tác, gọi là phòng hộ. Việc này như thế nào?

Khế kinh Xế Ca là căn bản của Luận này, kể chuyện: Ngày xưa có người giòng họ Thích tên là Xế Ca, trước kia là tổ phụ của Đức Thế Tôn, nhân làm phản nên cùng các kẻ tôi tớ trốn vào núi Tuyết, ở đó sinh sản con cháu nam nữ đều đông hàng chục người, rồi gả cưới nhau thân thích lại càng thêm đông, hưng thịnh, nhà cửa cao đẹp. Tuy kho lẫm đầy ắp, nhưng vẫn lấy nghề săn bắn làm sự nghiệp, có nhiều lúc tất cả từ trẻ em, trai tráng, trung niên v.v… đều vào rừng săn bắn.

Khi ấy, Đức Bạc-già-phạm muốn lên cung trời an cư thuyết pháp để báo ân mẹ. Trước hết, Ngài dùng Phật nhãn xem khắp thế gian có chúng sinh nào nên được Phật đích thân hóa độ, vì không gặp Phật mà mất đi lợi ích lớn. Nhân đấy Ngài thấy Xế Ca và các quyến thuộc, do căn thiện đã chín muồi, thời gian kiến đế đã đến.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì nhằm hóa độ những người ấy nên từ trụ xứ Ngài biến mất và hiện đến trước cửa nhà họ. Các bậc phụ lão thoạt nhìn từ xa đã biết đó là Đức Phật, liền vui mừng đón tiếp, cung kính đảnh lễ và bạch: Hôm nay là ngày gì mà Thánh tử lại giáng hiện đến nhà chúng con! Hôm này là ngày gì mà đấng Pháp vương Thiện Thệ chiếu cố nghĩ đến chúng con! Liền sai người nhà quét dọn lau chùi sửa sang tòa ngồi trang nghiêm, sạch đẹp, đốt hương, rải hoa, rồi thỉnh Đức Phật Thế Tôn vào nhà an tọa. Các người trưởng thượng chỉ dẫn những người nữ cúi đầu chấp tay đảnh lễ nơi chân Phật, rồi đem các thứ thịt phơi khô, tươi sống ngon sạch, thêm các gia vị chế biến thơm ngon dâng lên Đức Thế Tôn dùng bữa.

Đức Thế Tôn bảo: Thôi đừng! Chư Phật Như Lai không ăn các loại máu thịt. Lúc này, đám phụ lão và những người nữ cảm thấy hổ thẹn vâng lời ngồi sang một phía.

Có thuyết nói: Nhân ngày rảnh Đức Phật mới đến nơi đó.

Có thuyết cho: Có mang thức ăn từ châu Bắc đến dâng kịp thời.

Đức Phật liền tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, mỗi nhóm thuyết giảng các pháp yếu khiến cả nhà bé lớn già trẻ đều chứng ly sinh, được quả Dự lưu, phát sinh pháp nhãn thanh tịnh, tất cả đều rất vui mừng, luôn chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn. Đức Phật cũng vì các căn cơ khác nhau mà giảng nói nhiều lần. Lúc ấy, số thanh thiếu niên đang ở trên núi cao mặc sức đào hầm giăng bẫy rượt bắt bắn giết chim thú, xong xuôi thì cùng gánh thịt đem về, đến chỗ thường ngày các phụ nữ ra đón thì rất ngạc nhiên, vì chẳng thấy một ai, nên cùng nghĩ: Hẳn là có chuyện gì đây! Bèn cùng leo lên chỗ cao nhìn về nhà thì thấy ở đấy có một người khác thường, ánh sáng chói ngời như một đài cao đúc bằng vàng ròng, các ông bà cha mẹ đang vây quanh. Cả đám đùng đùng nổi giận bảo: Các cô ấy không ra đón tiếp là do ông này cản trở. Cơn giận dữ càng tăng nên không kịp bỏ gánh thịt, xách dao xông thẳng vào nhà quyết giết chết Phật. Mấy bậc phụ lão đều ngăn lại, quát bảo: Các con hãy dừng ngay, đây chính là Thánh tử Pháp vương Thiện Thệ đến đây hóa độ. Cả nhà chúng ta cần phải vui mừng đón tiếp quý kính, chớ nên có ý ác. Cả đám con cháu ấy nghe xong đều hối hận quăng ném cả dao gậy, cúi đầu tạ lỗi và cung kính chấp tay lui ngồi qua một phía.

Đức Phật cũng tùy theo căn cơ mà giảng nói pháp yếu, khiến đám trẻ này nghe xong liền chứng ly sinh, được quả Dự lưu, sinh pháp nhãn thanh tịnh, thân tâm hết sức vui mừng tôn kính chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, trong chốn rừng rậm có vô số các loài hươu nai, chồn thỏ bị sập bẫy mắc lưới chết và bị thương rất nhiều, do đạo lực của bậc Thánh, nên các đám con cháu không sinh nghiệp đạo sát sinh không biểu hiện.

Hỏi: Ở phần vị gia hạnh, giết hại loài nào thì có thể chứng nhập Thánh đạo?

Đáp: Có thuyết nói: Giết hại các loài thú vật, chỉ cần không giết người.

Có thuyết cho: Cũng kể chung cả việc giết người, chỉ trừ việc mình khởi gia hạnh vô gián. Nên nói như vầy: Như khởi gia hạnh giết hại, giữa chừng thì chứng đắc thấy rõ tánh của các pháp.

Hỏi: Nếu đối với tất cả hữu tình đạt được sự phòng hộ (che chở), thì người ấy đối với tất cả hữu tình nhận được sự xa lìa chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp đối với tất cả hữu tình đạt được phòng hộ nhưng không nhận được xa lìa: Như không thọ nhận hoc xứ mà chứng đắc thấy rõ pháp tánh. Đây là hiển bày việc không thọ nhận luật nghi biệt giải thoát nên gọi là không thọ nhận học xứ.

2. Có trường hợp đối với tất cả hữu tình có thọ nhận xa lìa nhưng không phải là được phòng hộ: Như việc thọ nhận học xứ nhưng phạm pháp xa lìa. Đây là chỉ rõ tuy thọ nhận luật nghi biệt giải thoát, nhưng do tác ý không đúng lý và có các phiền não như tham v.v… nên đối với chỗ phòng hộ không thể xa lìa.

3. Có trường hợp đối với tất cả hữu tình được phòng hộ cũng thọ nhận pháp xa lìa: Như thọ nhận học xứ không phạm pháp xa lìa. Đây là chỉ rõ mình đã thọ nhận luật nghi biệt giải thoát, lại có thể tác ý như lý, suy xét chọn lựa cho đến vì mạng sống cũng không cố phạm. Như chuyện xưa kể: Có một Bí-sô khất thực lần lượt đi khắp, khi đến nhà anh thợ làm ngọc, gặp lúc anh này đang xâu chuỗi ngọc cho vua. Thấy có Bí-sô đến, anh thợ làm ngọc vui mừng cầm bát vào nhà sau lấy thức ăn. Lúc này, do vị Bí-sô đắp y màu đỏ, mặt trời rọi vào y khiến màu đỏ chiếu sáng, nên khi nhìn vào hạt ngọc cũng thấy ánh sắc đỏ ngời. Có con ngỗng đứng bên cạnh nhìn viên ngọc đỏ tưởng là thịt liền gắp nuốt, vị Bí-sô thấy nhưng ngăn không kịp. Khi anh thợ làm ngọc bưng bát đầy thức ăn đến trao, Bí-sô liền chào rồi ra đi. Sau đó, anh thợ làm ngọc phát hiện thấy mất một hạt ngọc, liền cho là Bí-sô kia đã trộm ngọc đem đi, liền đuổi theo bắt được kéo về, trách: “Này Sa-môn! Ông đã là Thích tử, sao không biết xấu hổ lại lấy trộm ngọc vua của tôi?”. Bí-sô đáp: “Tôi không lấy trộm ngọc”. Người thọ làm ngọc nghĩ thầm: “Nếu không dùng khổ hình tất khó lấy lại được ngọc”. Liền đánh đập Bí-sô máu chảy trong vũng. Con ngỗng nuốt ngọc lúc nãy liền chạy đến rỉa vào máu. Anh thợ làm ngọc giận dữ lấy gậy đập con ngỗng chết. Bí-sô liền xin cho xem ngỗng còn sống hay chết. Anh thợ làm ngọc bảo: “Biết điều thì trả ngọc ngay, việc ấy có can gì đến ngỗng”. Vị Bí-sô vẫn cố van nài, chủ nhà bảo: “Ngỗng chết rồi”. Bí-sô liền nói: “Con ngỗng ấy đã nuốt viên ngọc của ông đấy”. Anh thợ làm ngọc chưa tin cho là giả vờ. Bí-sô lại bảo: “Tôi thấy thật sự là nó nuốt”. Anh thợ làm ngọc liền lấy dao mổ bụng ngỗng ra thì thấy hạt ngọc đã bị mất. Anh ta rất hổ thẹn, buồn vui lẫn lộn, liền đến lạy tạ lỗi cùng Bí-sô: “Tôn giả! Sao không nói sớm, khiến con trở nên ngu tối, đánh đập Tôn giả, tạo nên nghiệp ác này, cả đời thọ nhận khổ báo không biết lúc nào dứt”. Bí-sô nói: “Ta đã thọ giới cấm, thà bỏ thân mạng này chứ đối với một trứng kiến bé nhỏ cũng chẳng dám làm hại. Nếu trước đây ta chỉ cho ông thì con ngỗng tất sẽ bị hại, không bảo vệ được cho chúng sinh thì đâu thể gọi là trì giới”. Các loại như thế đều gọi là đối với hữu tình được phòng hộ cũng được thọ nhận pháp xa lìa.

4. Có trường hợp không phải đối với tất cả hữu tình được phòng hộ cũng không phải thọ nhận được pháp xa lìa. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được nêu của đối tượng, như trước đã nói rộng. Nghĩa là trừ ba luật nghi ở nẻo người và hai luật nghi ở nẻo trời, còn lại là các thứ khác ở hai nẻo người, trời và ở các nẻo khác không trừ đều thuộc về trường hợp thứ tư, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Có bốn thứ luật nghi gọi là phòng hộ: 1. Luật nghi biệt giải thoát. 2. Luật nghi tĩnh lự. 3. Luật nghi vô lậu. 4. Luật nghi đoạn trừ.

Luật nghi biệt giải thoát: Tức là giới luật (Thi la) ở cõi dục.

Luật nghi tĩnh lự: Tức là giới luật (Thi la) ở cõi sắc.

Luật nghi vô lậu: Tức là giới luật vô lậu.

Luật nghi đoạn trừ: Tức là trong hai thứ luật nghi tĩnh lự và vô lậu, mỗi thứ lấy một phần ít.

Khi lìa nhiễm ở cõi dục, trong chín đạo vô gián thì giới thế tục tùy chuyển gồm thâu hai luật nghi, đó là luật nghi tĩnh lự và luật nghi đoạn trừ. Giới vô lậu tùy chuyển cũng gồm thâu hai thứ luật nghi, đó là luật nghi vô lậu và luật nghi đoạn trừ.

Hỏi: Vì sao chỉ gọi thứ này là luật nghi đoạn trừ?

Đáp: Vì có thể làm việc đối trị đoạn trừ đối với sự phá giới và khởi phiền não phá giới. Nghĩa là trong tám đạo vô gián trước đây, hai thứ giới tùy chuyển chỉ làm công việc đối trị đoạn trừ đối với việc khởi phiền não phá giới, còn trong đạo vô gián thứ chín thì hai giới tùy chuyển mới làm công việc đối trị đoạn trừ chung cho cả sự phá giới và khởi phiền não phá giới. Thế nên luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu đối với luật nghi đoạn trừ tạo ra bốn trường hợp.

Luật nghi tĩnh lự đối với luật nghi đoạn trừ có bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là luật nghi tĩnh lự không phải là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là trừ giới thế tục tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa nhiễm ở cõi dục, còn lại là các giới thế tục tùy chuyển khác.

2. Có trường hợp là luật nghi đoạn trừ không phải là luật nghi tĩnh lự. Nghĩa là giới vô lậu tùy chuyển trong chín đạo vô gián khi đã lìa các nhiễm ở cõi dục.

3. Có trường hợp là luật nghi tĩnh lự cũng là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là giới thế tục tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa hết nhiễm ở cõi dục.

4. Có trường hợp không phải là luật nghi tĩnh lự cũng không phải là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là trừ giới vô lậu tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, còn lại là các giới vô lậu tùy chuyển khác.

Luật nghi vô lậu đối với luật nghi đoạn trừ nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là luật nghi vô lậu không phải là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là trừ giới vô lậu tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa nhiễm ở cõi dục, còn lại là các giới vô lậu tùy chuyển khác.

2. Có trường hợp là luật nghi đoạn trừ không phải là luật nghi vô lậu. Nghĩa là giới thế tục tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa nhiễm ở cõi dục.

3. Có trường hợp là luật nghi vô lậu cũng là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là giới vô lậu tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa nhiễm ở cõi dục.

4. Có trường hợp không phải là luật nghi vô lậu cũng không phải là luật nghi đoạn trừ. Nghĩa là trừ giới thế tục tùy chuyển trong chín đạo vô gián đã lìa nhiễm ở cõi dục, còn lại là các giới thế tục tùy chuyển khác.

Hỏi: Bốn thứ luật nghi này những ai đã thành tựu được bao nhiêu thứ?

Đáp: Hoặc có người chỉ thành tựu được một thứ: Tức là trừ luật nghi đoạn trừ ra, còn thành tựu được mỗi mỗi trong ba thứ kia, không phải là luật nghi đoạn trừ.

Hoặc có người thành tựu được hai thứ: Tức là hai thứ biệt giải thoát và tĩnh lự, hoặc là hai thứ tĩnh lự và vô lậu, hoặc là hai thứ tĩnh lự và đoạn trừ, không thành tựu hai thứ vô lậu và đoạn trừ.

Hoặc có người thành tựu được ba thứ: Tức là ba thứ biệt giải thoát, tĩnh lự và vô lậu. Hoặc là ba thứ biệt giải thoát, tĩnh lự và đoạn trừ. Hoặc là ba thứ tĩnh lự, vô lậu và đoạn trừ, không thành tựu ba thứ là biệt giải thoát, vô lậu và đoạn trừ.

Hoặc có người thành tựu được cả bốn thứ.

Trong đây, nói về người chỉ thành tựu một thứ luật nghi biệt giải thoát: Tức là hàng phàm phu sinh ở cõi dục, thọ nhận học xứ, nhưng chưa được tâm thiện ở cõi sắc.

Chỉ thành tựu được một thứ luật nghi tĩnh lự: Tức là hàng phàm phu sinh ở cõi dục, không thọ học xứ, nhưng có tâm thiện ở cõi sắc và vẫn còn đủ các thứ trói buộc. Và người sinh ở các tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư.

Chỉ thành tựu luật nghi vô lậu: Tức là bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

Thành tựu được hai thứ biệt giải thoát, tĩnh lự: Tức là hàng phàm phu sinh ở cõi dục, thọ nhận học xứ, có được tâm thiện ở cõi sắc cũng còn đủ các thứ trói buộc.

Thành tựu được hai thứ tĩnh lự và vô lậu: Tức là bậc Thánh sinh ở cõi dục, không thọ học xứ, chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục và sinh vào các tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư.

Thành tựu được hai thứ tĩnh lự và đoạn trừ: Tức là hàng phàm phu sinh ở cõi dục, không thọ học xứ, nhưng lìa hết một phẩm đến chín phẩm nhiễm ở cõi dục và sinh vào tĩnh lự thứ nhất.

Thành tựu được ba thứ biệt giải thoát, tĩnh lự và vô lậu: Tức là bậc Thánh sinh ở cõi dục, thọ nhận học xứ, nhưng chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục.

Thành tựu được ba thứ biệt giải thoát, tĩnh lự và đoạn trừ: Tức là hàng phàm phu sinh ở cõi dục, thọ nhận học xứ, đã lìa nhiễm được một phẩm đến chín phẩm nhiễm ở cõi dục.

Thành tựu được ba thứ tĩnh lự, vô lậu và đoạn trừ: Tức là bậc Thánh sinh ở cõi dục, không thọ học xứ, đã lìa từ một phẩm đến chín phẩm nhiễm ở cõi dục, sinh vào tĩnh lự thứ nhất.

Thành tự được cả bốn thứ: Tức là bậc Thánh sinh ở cõi dục, thọ nhận học xứ, lìa hết nhiễm từ một phẩm đến chín phẩm ở cõi dục.

Hỏi: Bốn thứ luật nghi này có bao nhiêu thứ tùy tâm chuyển, bao nhiêu thứ không tùy tâm chuyển?

Đáp: Có ba thứ tùy tâm chuyển, một thứ không tùy tâm chuyển. Đó là luật nghi biệt giải thoát.

Hỏi: Vì sao luật nghi biệt giải thoát không tùy tâm chuyển?

Đáp: Vì luật nghi biệt giải thoát vừa thô vừa nặng. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì tế và nhẹ.

Có thuyết nói: Vì luật nghi biệt giải thoát còn bị giới ác làm tổn hại, khuất phục. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì không bị giới ác làm tổn hại và khuất phục.

Có thuyết cho: Luật nghi biệt giải thoát bị ý lạc ác, ý lạc hại làm tổn hại và khuất phục. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì không bị chúng làm tổn hại và khuất phục.

Có thuyết nêu: Luật nghi biệt giải thoát thì thế mạnh, công dụng chậm chạp, đi không kịp tâm. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì thế mạnh, công dụng nhanh nhẹn, lanh lợi, đi kịp tâm.

Có thuyết biện: Luật nghi biệt giải thoát nương vào biểu hiện. Còn luật nghi tùy tâm chuyển nương vào không biểu hiện.

Có thuyết nói: Luật nghi biệt giải thoát là quả có biểu hiện. Còn luật nghi tùy tâm chuyển là quả không biểu hiện.

Có thuyết cho: Luật nghi biệt giải thoát là nương vào biểu hiện là quả có biểu hiện. Còn luật nghi tùy tâm chuyển là nương vào tâm là quả của tâm.

Có thuyết nêu: Luật nghi biệt giải thoát thì nương vào bộ chúng đông người hòa hợp thọ trì mà được. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì chỉ nương vào pháp mà được.

Có thuyết biện: Luật nghi biệt giải thoát thì nương vào người khác mà được. còn luật nghi tùy tâm chuyển thì nương vào chính mình mà được.

Có thuyết nói: Luật nghi biệt giải thoát thì không cùng với tâm, một sinh, một trụ, một diệt. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì cùng với tâm một sinh, một trụ, một diệt.

Có thuyết cho: Luật nghi biệt giải thoát thì không cùng với tâm có một quả, một đẳng lưu, một dị thục. Còn luật nghi tùy tâm chuyển thì cùng với tâm có một quả, một đẳng lưu, một dị thục.

Có thuyết nêu: Luật nghi biệt giải thoát thì không cùng với tâm cùng sinh. Còn luật nghi tùy tâm chuyển luật nghi thì cùng với tâm cùng sinh.

Có thuyết biện: Pháp tùy tâm chuyển theo lý phải nên như thế. Nếu tâm thiện thì nó cũng thiện. Nếu tâm bất thiện hay vô ký thì nó cũng thế. Còn luật nghi biệt giải thoát chỉ là thiện. Nếu tùy tâm chuyển, thì khi tâm thiện khởi, nó có thể theo đó mà chuyển, nếu khi tâm bất thiện hay vô ký khởi thì nó liền đoạn dứt.

Có thuyết nói: Pháp tùy tâm chuyển theo lý phải nên như thế. Nếu tâm là cõi dục thì nó cũng thuộc cõi dục. Ở các cõi sắc, vô sắc, không thuộc cõi nào cũng như thế. Còn luật nghi biệt giải thoát chỉ ở cõi dục. Nếu tùy tâm chuyển, khi tâm ở cõi dục khởi lên thì nó cũng có thể tùy theo mà chuyển. Còn khi tâm ở cõi sắc, vô sắc, hay không thuộc cõi nào khởi lên thì nó phải đoạn dứt.

Có thuyết cho: Pháp tùy tâm chuyển theo lý phải nên như thế. Nếu tâm là hữu học thì nó cũng là hữu học. Đối với vô học, phi học phi vô học cũng thế. Còn luật nghi biệt giải thoát chỉ là phi học phi vô học. Nếu tùy tâm chuyển, khi khởi tâm phi học phi vô học thì nó cũng có thể tùy theo đó mà chuyển. Còn khi khởi học và vô học thì nó phải đoạn dứt.

Có thuyết nêu: Pháp tùy tâm chuyển theo lý phải nên như thế. Nếu tâm do kiến đạo đoạn thì nó cũng do kiến đạo đoạn. Trường hợp do tu đạo đoạn, không đoạn trừ cũng như thế. Còn luật nghi biệt giải thoát thì do tu đạo đoạn. Nếu tùy tâm chuyển, khi tâm do tu đạo đoạn khởi lên thì nó cũng có thể theo đó mà chuyển. Khi khởi lên tâm do kiến đạo đoạn và tâm không đoạn trừ thì nó phải đoạn dứt.

Có thuyết biện: Nếu luật nghi biệt giải thoát tùy tâm chuyển thì phải tu ở vị lai, thành tựu ở vị lai, nhưng luật nghi biệt giải thoát thì không tu ở vị lai, và thành tựu ở vị lai.

Có thuyết nói: Nếu luật nghi biệt giải thoát này tùy tâm chuyển thì không nên nêu bày trụ giới lớn bé.

Có thuyết nêu: Nếu luật nghi này là tùy tâm chuyển, thì không nên lập ra giới phẩm quyết định.

Có thuyết cho: Nếu luật nghi biệt giải thoát này tùy tâm chuyển, nếu không phải là bốn duyên, năm duyên thì nên xả. Bốn duyên tức là: 1. Bỏ học xứ. 2. Sinh hai hình. 3. Căn thiện đoạn dứt. 4. Bỏ chúng đồng phần. Nói năm duyên: Tức là bốn duyên trên và thêm: Đêm hết.

Có thuyết nói: Nếu luật nghi biệt giải thoát này tùy tâm chuyển tức phải từ các cõi trên khi sinh xuống cõi dục có được. Nếu như thế thì nên không trụ vào ba thứ khác nhau là luật nghi, không luật nghi, không phải là luật nghi không phải là không luật nghi v.v…

Có thuyết nêu: Nếu luật nghi biệt giải thoát tùy tâm chuyển, khi có tâm thì có thể có, còn khi không tâm thì nên đoạn dứt.

Chớ nên có những lỗi lầm này, nên luật nghi biệt giải thoát không tùy tâm chuyển.

Hỏi: Người sống theo luật nghi biệt giải thoát khi phạm luật nghi, có phải là bỏ luật nghi không?

Đáp: Các Luận sư ở nước ngoài nói: Kẻ lìa bỏ luật nghi thì được không phải là luật nghi, không phải là không luật nghi. Nếu khi có tâm không che giấu phát lồ nêu ra mọi việc đã phạm và đúng như pháp sám hối từ bỏ, thì liền trừ bỏ không phải là luật nghi không phải là không luật nghi, trở lại được luật nghi. Nếu nói như thế thì khéo thông suốt. Việc phát lồ hối lỗi về những việc sai phạm liền trở về trụ nơi luật nghi vì khi làm lễ sám hối trừ tội thì đâu phải là không có dụng công.

Có Sư khác nói: Khi kẻ phạm luật nghi là coi như đã bỏ luật nghi, trở về đời sống của kẻ không phải luật nghi, không phải không luật nghi. Nhưng khi có tâm không che giấu, phát lồ bày tỏ lỗi đã phạm, rồi đúng pháp sám hối trừ bỏ thì liền bỏ đời sống không phải là luật nghi không phải là không luật nghi, nhưng không được luật nghi.

Hỏi: Như nói phát lồ hối lỗi thì trở lại đời sống của kẻ có luật nghi, như thế làm sao thông suốt? Vì khi đúng pháp sám hối trừ bỏ lỗi cũ há không phải là không dụng công?

Đáp: Khi trụ vào ý lạc thiện gọi là trụ nơi luật nghi. Vì khi ấy đã bỏ ý lạc ác phát sinh ý lạc thiện nên không cần phải dụng công. Nhưng thật ra ở phần vị đó thì chưa phải là có luật nghi.

Lại có thuyết nói: Khi người ấy đã phạm luật nghi, thì luật nghi ở hiện tại đã bị đoạn dứt nên chỉ được không phải là luật nghi không phải là không luật nghi, tức chỉ thành tựu được luật nghi ở quá khứ. Nếu khi phát lồ không còn tâm che giấu nữa thì sẽ đúng như cách nói thứ hai.

Hoặc có thuyết cho: Khi người ấy phạm luật nghi thì ngay từ sát-na đầu luật nghi đã mất hết và sau đó mới được có lại.

Các Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la nói: Khi người ấy phạm luật nghi thì không bỏ luật nghi mà chỉ trở thành không phải là luật nghi, không phải là không luật nghi. Do đó, bấy giờ gọi là trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, cũng gọi là trụ nơi luật nghi. Nếu khi đã phát lồ sám hối, tâm không còn che giấu nữa, đúng như pháp ăn năn trừ bỏ lỗi xưa thì liền bỏ đời sống không phải luật nghi không phải không luật nghi và chỉ gọi là trụ nơi luật nghi. Cũng như có người giàu lúc vay nợ kẻ khác thì gọi là người mắc nợ, cũng gọi là người giàu có. Sau này trả lại nợ hết rồi thì gọi là kẻ giàu có. Nếu nói như thế thì khéo thông suốt. Còn khi phát lồ sám hối lỗi lầm cũ, đúng như pháp ăn năn trừ bỏ các tội để trở thành người có luật nghi thì đây không phải là không có dụng công.

Hỏi: Vì sao giới thiện lại đối trị được giới ác?

Đáp: Do tâm phát nguyện thọ trì giúp đỡ hỗ trợ. Từ vô thỉ đời trước đã quen sống theo các giới xấu ác, nếu nay tạm thời thọ trì giới thiện thì có thể trừ bỏ được chúng. Cũng như trong ngôi nhà bị bóng tối tràn nhập từ lâu, nay vừa mang ngọn đèn sáng vào thì tất cả bóng tối sẽ tan mất. Lại như kẻ từ lâu quen đối với vị lạt nghĩ cho mà mặn, nay khi vừa nêm muối vào thì ý nghĩ ấy liền mất. Giới thiện đối trị với giới ác cũng như thế. Đạo đối trị các phiền não nên biết cũng như thế.

HẾT – QUYỂN 119