LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 121

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HẠI SINH, phần 4

* Nếu nghiệp chưa lìa nhiễm thì dị thục của nó cũng chưa lìa nhiễm chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận Tông chỉ của người khác, hiển bày nghĩa lý của mình. Như Độc Tử Bộ nói: “Năm bộ nghiệp có được dị thục thì cũng chung cho cả năm bộ”. Nay nhằm ngăn chận ý tưởng ấy và làm rõ tuy nghiệp chung cho cả năm bộ, nhưng dị thục của nó chỉ do tu đạo đoạn trừ. Vì thế tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu nghiệp chưa lìa nhiễm thì dị thục của nó cũng chưa lìa nhiễm chăng?

Đáp: Các nghiệp chưa lìa nhiễm thì dị thục của nó nhất định là chưa lìa nhiễm. Hoặc có dị thục của nghiệp chưa lìa nhiễm nhưng nghiệp ấy đã lìa nhiễm. Nghĩa là hàng Dự lưu có nghiệp do kiến đạo đoạn đã lìa nhiễm, nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa nhiễm. Nên biết trong đây, hoặc có nghiệp trước đã lìa nhiễm, sau đó dị thục mới lìa nhiễm. Hoặc có nghiệp cùng với dị thục của nó đồng thời lìa nhiễm. Tất không có dị thục trước đã lìa nhiễm, sau đó nghiệp của nó mới được lìa nhiễm. Nghĩa là khi có bốn pháp nhẫn thì khiến bốn bộ đều gồm thâu các nghiệp bất thiện trước đã lìa nhiễm nhưng không phải là các dị thục của chúng.

Lại, lìa nhiễm ở cõi dục, khi có tám đạo vô gián trước thì khiến tám phẩm trước do tu đạo đoạn, có các nghiệp bất thiện được lìa nhiễm trước, không phải là dị thục của chúng. Các thứ dị thục ấy cần đến khi có đạo vô gián thứ chín mới được lìa nhiễm. Đó gọi là nghiệp trước lìa nhiễm, sau đó dị thục của nó mới được lìa nhiễm.

Nếu lìa nhiễm nơi cõi dục khi có đạo vô gián thứ chín, thì khiến các nghiệp bất thiện thuộc phẩm thứ chín và tất cả các ngữ nghiệp, thân nghiệp bất thiện, các nghiệp thiện ở cõi dục cùng các dị thục của chúng đồng thời lìa nhiễm.

Nếu lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất khi có đạo vô gián thứ chín, khiến nghiệp ở tĩnh lự thứ nhất và dị thục của nó đồng thời cùng lìa nhiễm.

Như thế cho đến lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ khi có đạo vô gián thứ chín, khiến nghiệp ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ và dị thục của nó đồng thời cùng lìa nhiễm. Như thế gọi là nghiệp và dị thục đồng thời cùng lìa nhiễm. Vì các nghiệp bất thiện phi sắc do năm bộ gồm thâu cũng do chín đạo phẩm đoạn trừ, còn các nghiệp bất thiện có sắc, nghiệp thiện hữu lậu và tất cả dị thục chỉ do tu đạo đoạn trừ, chỉ do đạo phẩm thượng thượng đoạn trừ. Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược Tỳ-bà-sa. Nhưng trong đây là dựa theo hai nghiệp để tạo luận, tức là do kiến đạo đoạn và do tu đạo đoạn nên nói như thế.

Nếu dựa vào năm nghiệp để tạo luận, thì không nên nói là bậc Dự lưu do kiến đạo đoạn trừ nghiệp, cho đến nói rộng, mà nên nói: Đó là người chưa lìa nhiễm cõi dục, nếu khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nghiệp do kiến khổ đoạn đã lìa hết nhiễm nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa nhiễm. Khi tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, nghiệp do kiến khổ và tập đoạn đã lìa hết nhiễm, nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa hết nhiễm. Khi diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, nghiệp do kiến khổ, tập, diệt đoạn đã lìa hết nhiễm, nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa hết nhiễm. Khi đạo trí đã sinh, chưa lìa hết nhiễm cõi dục, nghiệp do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn đã lìa hết nhiễm, nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa nhiễm. Khi lìa nhiễm một phẩm đến tám phẩm của cõi dục, thì tám phẩm nghiệp này đã lìa hết nhiễm nhưng dị thục của nghiệp ấy chưa lìa nhiễm. Khi lìa nhiễm ở cõi dục có đạo vô gián thứ chín, thì nghiệp của phẩm thứ chín ấy và tất cả thân, ngữ nghiệp bất thiện, các nghiệp thiện ở cõi dục và các dị thục của chúng đồng thời cũng lìa nhiễm. Khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ có đạo vô gián thứ chín, thì các nghiệp thiện nơi các địa và các dị thục của chúng đồng thời cùng lìa nhiễm. Nhưng không nói như thế là do nương vào hai nghiệp để tạo phần Luận này.

Hỏi: Nếu nghiệp đã lìa nhiễm thì dị thục của nghiệp đó cũng lìa nhiễm chăng?

Đáp: Các dị thục của nghiệp đã lìa nhiễm thì nghiệp của nó nhất định đã lìa nhiễm. Hoặc có nghiệp đã lìa nhiễm nhưng dị thục của nghiệp đó chưa lìa nhiễm. Nghĩa là nghiệp của bậc Dự lưu do kiến đạo đoạn đã lìa nhiễm nhưng dị thục của nghiệp đó chưa lìa nhiễm. Trong đây, nên phân biệt rộng như trước đã nói.

***

* Nếu nghiệp có quả thì nghiệp đó đều có dị thục chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ nêu sai trái và làm sáng tỏ chánh nghĩa. Tức là có ngoại đạo chấp: Tất cả các nghiệp thiện ác đều không có dị thục của quả. Nay nhằm ngăn chận ý tưởng này, hiển bày tất cả nghiệp đều có quả, các nghiệp thiện hữu lậu và nghiệp bất thiện đều có dị thục, nên tạo ra phần Luận này. Trong Khế kinh nói: Quả có năm thứ: Một là quả đẳng lưu. Hai là quả dị thục. Ba là quả ly hệ. Bốn là quả sĩ dụng. Năm là quả tăng thượng.

Quả đẳng lưu: Tức là thiện sinh thiện, bất thiện sinh bất thiện, vô ký sinh vô ký.

Quả dị thục: Tức là nhân dị thục do các pháp bất thiện và pháp thiện hữu lậu đã chiêu cảm là quả thiện hay ác, chỉ vô ký khác loại mà chín, nên đặt tên là dị thục.

Quả ly hệ: Tức là đạo vô gián đoạn trừ các phiền não. Đạo vô gián này lấy sự đoạn trừ các phiền não làm quả ly hệ và quả sĩ dụng lấy đạo giải thoát làm quả đẳng lưu cùng quả sĩ dụng lấy các đạo của tự loại bằng và hơn ở sau làm quả đẳng lưu.

Nếu đạo vô gián do có thể đối với việc đoạn trừ các phiền não trước nay đã tích tập nên được tác chứng. Đạo vô gián này lấy sự đoạn trừ các phiền não ấy chỉ làm quả sĩ dụng.

Đây tức là nói chung, nếu nói riêng thì: Khổ pháp trí nhẫn lấy sự đoạn trừ mười tùy miên ở cõi dục do kiến khổ đoạn làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy phẩm khổ pháp trí làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo vô lậu bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Như thế cho đến đạo loại trí nhẫn, lấy sự đoạn trừ mười bốn tùy miên ở cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy phẩm đạo loại trí làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo vô lậu bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Lấy việc đoạn trừ các tùy miên ở ba cõi do kiến khổ, tập, diệt đoạn trừ và các tùy miên ở cõi dục do kiến đạo đoạn đã tích tập nên được tác chứng. Đạo loại nhẫn này lấy các thứ đoạn trừ ấy làm quả sĩ dụng.

Các vị Dự lưu, khi cầu tác chứng quả Như Lai thì năm đạo vô gián đầu lấy sự đoạn trừ năm phẩm tùy miên làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy năm đạo giải thoát làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Đạo vô gián thứ sáu lấy sự đoạn trừ tùy miên của phẩm thứ sáu làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy đạo giải thoát thứ sáu làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Lấy việc đoạn trừ năm phẩm tùy miên trước nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ và ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ đã tích tập nên được tác chứng. Đạo vô gián thứ sáu này lấy các sự đoạn trừ ấy làm quả sĩ dụng.

Các vị Nhất lai, khi cầu tác chứng quả Bất hoàn, khởi đạo vô gián thì có thể đoạn trừ bốn tùy miên ở cõi dục do tu đạo đoạn, hoặc đoạn trừ phẩm thứ bảy, thứ tám. Đạo vô gián này lấy sự đoạn trừ hai phẩm tùy miên kia làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy hai đạo giải thoát làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu.

Nếu đoạn phẩm thứ chín thì một đạo vô gián lấy sự đoạn trừ tùy miên của phẩm thứ chín làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy đạo giải thoát thứ chín làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Lấy việc đoạn trừ tám phẩm tùy miên trước ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ và ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ đã tích tập để được tác chứng. Đạo vô gián thứ chín này lấy các thứ đoạn trừ ấy làm quả sĩ dụng.

Các vị Bất hoàn khi cầu tác chứng quả vô học, khởi đạo vô gián thì có thể đoạn trừ sáu tùy miên ở cõi sắc và vô sắc do tu đạo đoạn. Nếu đoạn trừ từ một đến chín phẩm nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, thì đạo vô gián thứ chín này lấy sự đoạn trừ tùy miên của phẩm thứ chín ấy làm quả ly hệ và quả sĩ dụng, chín đạo giải thoát làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy chín đạo giải thoát làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Như thế cho đến lìa nhiễm ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ có tám đạo vô gián trước, lấy sự đoạn trừ tùy miên của tám phẩm kia làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy tám đạo giải thoát làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo vô lậu bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu.

Định kim cang dụ lấy sự đoạn trừ tùy miên của phẩm thứ chín làm quả ly hệ và quả sĩ dụng. Lấy phẩm tận trí đầu tiên làm quả đẳng lưu và quả sĩ dụng. Lấy các đạo vô gián bằng hay hơn ở sau làm quả đẳng lưu. Lấy việc đoạn trừ tám phẩm tùy miên trước ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ và ở tám địa giới do tu đạo đoạn cùng ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn trừ đã tích tập nên được tác chứng. Định kim cang dụ này lấy các thứ đoạn trừ ấy làm quả sĩ dụng.

Nếu các phàm phu lìa hết nhiễm ở cõi dục cho đến ở Vô sở hữu xứ do kiến đạo đoạn, thì các đạo vô gián lấy những sự đoạn trừ ấy cùng các đạo giải thoát và các đạo của tự loại bằng hay hơn ở sau làm quả, nhiều ít như lý nên suy xét.

Quả sĩ dụng: Tức là nếu pháp do sĩ dụng ấy nên thành thì pháp này gọi là quả sĩ dụng.

Quả tăng thượng: Tức là nếu pháp do sự tăng thượng đó nên khởi lên tức biết pháp này là sự tăng thượng và quả tăng thượng. Có các thứ tăng thượng khác không phải là quả tăng thượng. Nghĩa là các pháp sinh sau là tăng thượng của pháp trước và quả tăng thượng. Các pháp sinh trước là tăng thượng của pháp sau và không phải là quả tăng thượng. Các pháp vị lai là tăng thượng của pháp quá khứ, hiện tại và quả tăng thượng. Các pháp quá khứ, hiện tại là tăng thượng của pháp vị lai và không phải là quả tăng thượng. Các pháp vị lai, hiện tại là tăng thượng của pháp quá khứ và quả tăng thượng. Các pháp quá khứ là tăng thượng của pháp vị lai, hiện tại và không phải là quả tăng thượng.

Hỏi: Quả sĩ dụng và quả tăng thượng có gì khác nhau?

Đáp: Các việc đã làm đối với chủ thể tạo tác là quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Đối với chủ thể thọ dụng chỉ là quả tăng thượng.

Như việc gieo cấy gặt hái là các việc đã làm của nông phu, đó là quả sĩ dụng và quả tăng thượng, còn đối với người thọ dụng chỉ là quả tăng thượng. Sức sĩ dụng khởi lên gọi là quả sĩ dụng. Sức tăng thượng khởi lên gọi là quả tăng thượng. Sức tăng thượng thì rộng không bị chướng ngại. Còn sức sĩ dụng thì hẹp, có thể dẫn chứng. Đó gọi là sự khác nhau của hai quả.

Các sư ở phương Tây nói có chín thứ quả. Nghĩa là năm thứ quả trước thêm vào bốn thứ nữa, là: 1. Quả an lập. 2. Quả gia hạnh. 3. Quả hòa hợp. 4. Quả tu tập.

Quả an lập: Nghĩa là dựa vào phong luân lập ra (An lập) thủy luân. Lại dựa vào thủy luân lập ra kim luân. Lại dựa vào kim luân lập ra đại địa. Lại dựa vào đại địa lập ra tất cả số hữu tình và phi tình. Trong đây, các thứ ở sau là quả của các thứ ở trước. Các quả an lập khác giống với đây nên biết.

Quả gia hạnh: Nghĩa là các pháp quán bất tịnh, hoặc trì tức niệm (Quán sổ tức) làm gia hạnh, nên dần dẫn dẫn khởi tận trí, vô sinh trí. Các quả gia hạnh khác giống với đây nên biết.

Quả hòa hợp: Nghĩa là mắt và sắc hòa hợp sinh ra nhãn thức, cho đến ý và pháp hòa hợp sinh ra ý thức. Các quả hòa hợp khác giống với đây nên biết.

Quả tu tập: Nghĩa là do đạo ở cõi sắc dấy khởi sự giáo hóa và ngôn thuyết ở cõi dục. Các sự giáo hóa và ngôn thuyết này là quả tu tập. Các quả Tu tập khác cũng như thế.

Các Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la nói: Bốn quả sau ở đây là thuộc về năm quả trước, chúng tức là các quả sĩ dụng và quả tăng thượng.

Nên biết nghiệp đạo đối trị của thế tục nếu có đủ năm quả gọi là có quả, đó là các nghiệp đạo về gia hạnh, giải thoát, thắng tấn của nó và các nghiệp bất thiện, thiện hữu lậu khác, do bốn quả, tức là trừ quả ly hệ, gọi là có quả. Nếu các nghiệp đạo đối trị vô lậu thì cũng do bốn quả gọi là có quả, vì trừ quả dị thục. Các nghiệp đạo về gia hạnh, giải thoát, thắng tấn và nghiệp vô ký thì do ba quả gọi là có quả, tức là trừ hai quả ly hệ và dị thục. Đây là chỗ tóm tắt nơi Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Nếu nghiệp có quả thì nghiệp đó đều có dị thục chăng?

Đáp: Các nghiệp có dị thục thì nghiệp ấy đều có quả. Nên biết nghiệp này hoặc do năm quả, hoặc do bốn quả gọi là có quả.

Hoặc có nghiệp có quả nhưng nghiệp đó không có dị thục. Đó là nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu. Nên biết nghiệp này hoặc do bốn quả, hoặc do ba quả gọi là có quả. Nhưng không có dị thục không chắc thật nếu không có ái thấm nhuần.

Hỏi: Nếu nghiệp không có quả thì nghiệp đó đều không có dị thục chăng?

Đáp: Không có nghiệp nào là không có quả. Nghĩa là hết thảy nghiệp hoặc do năm quả, hoặc do bốn quả, hoặc do ba quả, nói là có quả. Hoặc có nghiệp không có dị thục, đó là nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu, như trước đã nói.

Hỏi: Nếu tất cả nghiệp đều có quả thì tụng do Phật nói nên làm sao thông? Như nói:

Như hoa tuy tánh thích

Có sắc mà không hương

Như thế có ngữ diệu

Không quả, không thực hiện.

Đáp: Đây là dựa vào người thuyết pháp nên Đức Phật nói tụng ấy. Tức là khi thuyết pháp, người nghe pháp không thể tin nhận theo đúng giáo pháp phụng hành, nên nói là không có quả. Hoặc người nói pháp, tuy là khéo giảng nói nhưng không thể hành trì, nên nói là không có quả. Hoặc trước có hứa tặng các vật cho người khác, sau lại không cho, nên nói là không có quả.

Hỏi: Nơi các kinh khác đã nói làm sao thông? Như nói:

Có người ham ngủ nghỉ

Uổng, không quả, vô nghĩa

Không ý vị, lợi ích

Đều không có xuất sinh.

Đáp: Khi tỉnh thức thì có thể đạt được các công đức thù thắng. Nếu chỉ ham ngủ nghỉ thì uổng phi với thì giờ trôi qua. Đức Thế Tôn đã dựa vào sự việc đó để nói tụng như thế.

Hỏi: Nếu ham ngủ nghỉ là luống uổng, không có quả, thì nơi kinh khác nói làm sao thông? Như nói: Thà có thể ngủ say chớ nên có tầm, tứ khác.

Đáp: Vì có nhiều người đang thức nhưng lại khởi các tầm tứ xấu ác gây tranh chấp làm não loạn vô số hữu tình. Vì ngăn ngừa điều ấy nên Đức Phật nói tụng đó. Do nghĩa ấy nên lời tụng của kinh có ý riêng, không phải cho các nghiệp đều không có quả.

Hỏi: Nếu nghiệp bất thiện thì nghiệp ấy đều là điên đảo chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp bất thiện nhưng nghiệp ấy không phải là điên đảo. Nghĩa là như có người thấy biết có nhân quả khởi lên kiến giải như thế, lập luận như thế: Là có nghiệp, có dị thục nơi quả của nghiệp, nhưng nơi thân ngữ ý lại hành ác.

Hỏi: Do nhân duyên nào khiến họ hành hành ác?

Đáp: Do ba nhân duyên: Một là do thời gian. Hai là do nơi chốn. Ba là do Bổ-đặc-già-la.

Do thời gian: Nghĩa là khi năm thứ ô trược tăng thì các loài hữu tình uy đức tổn giảm, vui tạo các việc ác. Vào thời gian như thế nên cũng hành hành ác.

Do nơi chốn: Nghĩa là các loài hữu tình sinh vào các chốn Đạt nhứ, Miệt-lệ-xa… thì tánh của họ ngu tối, tạo nhiều nghiệp ác, nên khi sinh vào chốn đó tức cũng gây tạo các hành ác.

Do Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là có một loại người được chúng đồng phần hành ác, tánh rất hung bạo, tạo nhiều nghiệp ác, như các người không luật nghi làm các nghề giết mổ dê, bò v.v…, hoặc gần gũi giao thiệp với chúng, nên cũng gây tạo hành ác.

Nên biết nghiệp này do tự tánh, nên gọi là bất thiện, vì thân ngữ ý này thuộc về hành ác. Do chỗ nương nên gọi là không phải điên đảo, đây là kẻ có nhận thức không ngu tối về nhân quả, có chánh kiến trong thân cùng khởi. Như một bình báu đựng đầy phân uế.

2. Có nghiệp điên đảo nhưng không phải là nghiệp bất thiện. Nghĩa là như có một người thấy không có nhân quả, khởi lên nhận thức như thế, lập luận như thế: Là không có nghiệp, không có dị thục nơi quả của nghiệp, nhưng nơi thân ngữ ý thì hành các hành diệu.

Hỏi: Do nhân duyên nào khiến họ hành hành diệu?

Đáp: Do ba nhân duyên là thời gian, nơi chốn và Bổ-đặc-già-la.

Do thời gian: Nghĩa là khi năm thứ ô trược không tăng thì các loài hữu tình có đủ uy đức lớn, ưa thích tu các pháp thiện. Vào thời gian như thế, tuy không vui thích làm cũng hành hành diệu.

Do nơi chốn: Nghĩa là các loài hữu tình sinh ở vùng giữa nước thì tánh thông sáng, ý chí thuận hợp, tu nhiều nghiệp thiện. Sinh vào chốn ấy tuy không vui thích nhưng cũng thực hiện hành diệu.

Do Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là có một loại người được chúng đồng phần hành diệu, tánh hiền từ hòa nhã, tu tập nhiều pháp thiện, như trụ nơi luật nghi, hoặc gần gũi với hạng người này, tuy không ham thích, nhưng cũng hành hành diệu.

Nên biết nghiệp này là do chỗ nương dựa nên gọi là điên đảo, vì không tạo kiến giải ngu tối đối với nhân quả, có tà kiến trong thân cùng khởi. Do tự tánh nên gọi là không phải bất thiện, vì thân ngữ ý này thuộc về hành diệu. Như bình đựng cấu bẩn nhưng chứa đầy ngọc báu.

3. Có nghiệp là bất thiện cũng là điên đảo. Nghĩa là như có người thấy không có nhân quả, khởi nhận thức như thế, lập luận như thế: Là không có nghiệp, không có dị thục nơi quả của nghiệp, lại gây tạo các hành ác nơi thân ngữ ý.

Hỏi: Do nhân duyên nào khiến họ hành hành ác?

Đáp: Do ba nhân duyên như trước đã nói.

Nên biết nghiệp này do tự tánh nên nói là bất thiện, vì thân ngữ ý này thuộc về hành ác. Do chỗ nương dựa nên lại gọi là điên đảo, vì không khởi kiến giải ngu tối đối với nhân quả, có tà kiến trong thân cùng khởi, như bình đựng nhơ chứa đầy phân uế.

4. Có nghiệp không phải là bất thiện cũng không phải là điên đảo. Nghĩa là như một người thấy có nhân quả khởi nhận thức như thế, lập luận như thế: Là có nghiệp, có dị thục nơi quả của nghiệp, lại thực hiện hành diệu nơi thân ngữ ý.

Hỏi: Do nhân duyên nào khiến họ hành hành diệu?

Đáp: Do ba nhân duyên như trước đã nói.

Nên biết nghiệp này do tự tánh nên gọi không phải là bất thiện, vì thân ngữ ý thuộc về hành diệu. Do chỗ nương dựa nên gọi là không điên đảo, vì có tạo nhận thức, không ngu tối về nhân quả, có chánh kiến trong thân cùng khởi, như bình đựng quý giá chứa đầy châu ngọc. Hỏi: Nếu nghiệp là thiện thì nghiệp ấy không điên đảo chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: Nghĩa là trường hợp thứ hai ở trước làm trường hợp thứ nhất ở đây. Trường hợp thứ nhất ở trước làm trường hợp thứ hai ở đây. Trường hợp thứ tư ở trước làm trường hợp thứ ba ở đây. Trường hợp thứ ba ở trước làm trường hợp thứ tư ở đây. Nói rộng như trước.

Lại nữa, đối với sự việc này có cách giải thích khác.

Hỏi: Nếu nghiệp bất thiện thì nghiệp ấy đều là điên đảo chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp bất thiện nhưng nghiệp ấy không phải là điên đảo. Nghĩa là như có một người, đối với sự thấy biết có tưởng không thấy biết. Người khác hỏi: Ông có thấy biết chăng? Người này hoặc vì mình, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lợi, nên che giấu các thứ tưởng, nhẫn, kiến, dục đó, liền đáp: Tôi có thấy biết. Nên biết nghiệp này do sức của tưởng nên gọi là bất thiện, do tưởng che giấu nên nói. Do lời nói nên gọi không phải là điên đảo, vì đối với thấy biết nói là thấy biết.

2. Có nghiệp điên đảo nhưng nghiệp ấy không phải là bất thiện. Nghĩa là như có một người, đối với sự thấy biết có tưởng không thấy biết. Người khác hỏi: Ông có thấy biết chăng? Người này không vì mình, không vì người khác, không vì danh lợi, không che giấu các thứ tưởng nhẫn kiến dục đó, nên đáp: Không thấy. Nên biết nghiệp này do lời đã nói nên gọi là điên đảo, vì đối với thấy biết nói là không thấy biết. Do sức của tưởng nên gọi không phải là bất thiện, do tưởng không che giấu mà nói.

3. Có nghiệp là bất thiện cũng là điên đảo. Nghĩa là như có một người, đối với sự thấy biết có tưởng là thấy biết. Người khác hỏi: Ông có thấy gì chăng? Người này hoặc vì mình, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lơi, nên che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, kiến ấy, dục ấy, và đáp: Không thấy biết. Nên biết nghiệp này do sức của tưởng nên gọi là bất thiện, do tưởng che giấu nên nói thế. Do lời đã nói nên gọi là điên đảo, vì đối với sự thấy biết nói là không thấy biết.

4. Có nghiệp không phải là bất thiện cũng không phải là điên đảo. Nghĩa là như có một người, đối với sự thấy biết có tưởng là thấy biết. Người khác hỏi: Ông có thấy biết gì chăng? Người này không vì mình, không vì người khác, không vì danh lợi, không che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, kiến ấy, dục ấy, nên đáp: Tôi có thấy biết. Nên biết nghiệp này do sức của tưởng, nên gọi không phải là bất thiện, vì tưởng không che giấu mà nói. Do lời đã nói nên gọi không phải là điên đảo, vì đối với sự thấy biết nói là thấy biết.

Như đối với sự thấy biết nêu ra bốn trường hợp, thì đối với chỗ nghe, hiểu, biết mỗi thứ cũng đều nêu ra bốn trường hợp. Như đối với chỗ thấy, nghe, hiểu, biết, mỗi thứ đều bốn trường hợp, thì đối với chỗ không thấy, nghe, hiểu, biết, mỗi thứ cũng nêu ra bốn trường hợp.

Như dùng bất thiện đối với điên đảo có tám lớp bốn trường hợp, như thế thì dùng thiện đối với không điên đảo, nên biết cũng như thế. Đây tức hợp thành mười sáu lớp bốn trường hợp, và hai lượt bốn trường hợp trước, hợp thành mười tám lượt bốn trường hợp.

Lại, lấy chung cả chín lượt bốn trường hợp nhỏ của bất thiện và chín lượt bốn trường hợp nhỏ của thiện, mỗi thứ chín nhỏ, thành một lượt bốn trường hợp lớn. Thế nên gồm cả chung riêng có hai mươi lượt bốn trường hợp.

Trong đây, nhãn thức nhận biết gọi là thấy, nhĩ thức nhận biết gọi là nghe, ba thức nhận biết gọi là hiểu (Giác), còn nhận biết của ý thức gọi là biết (Tri). Nói có bốn cảnh nên thấy nghe hiểu biết là căn không phải là thức. Nhưng sở dĩ nêu thức là muốn hiển bày các căn như nhãn v.v… tất do thức trợ giúp nên mới có thể nhận lấy cảnh. Do đồng phần nơi căn có thể có tác dụng, không phải là đồng phần kia.

Hỏi: Vì sao sự nhận biết của ba thức nhãn v.v… lại lập riêng thành mỗi thứ, còn sự nhận biết của ba thức tỷ thiệt thân thì hợp chung thành một thứ là giác (Hiểu)?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đối tượng duyên của ba thức kia chỉ là vô ký. Cảnh vô ký nên căn lập là giác. Lại do ba căn ấy chỉ giữ lấy các cảnh đến với mình rồi cùng hợp với cảnh ấy nên đặt tên là giác.

Đại đức cho: Chỉ có cảnh giới của ba căn này là đần độn, mê mờ, cũng như thây chết, nên khi phát sinh thức thì gọi là giác.

Có Sư khác nói: Hai thức nhãn và nhĩ nương vào giới của mình, duyên nơi giới của mình và giới của kẻ khác, ý thức thì nương vào giới của mình và giới của kẻ khác, duyên cũng như thế, nên sự nhận biết của chúng đều lập thành một thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ nương vào giới của mình, chỉ duyên nơi giới của mình, nên sự nhận biết của chúng gộp chung thành một thứ.

Như giới của mình và giới của kẻ khác, đồng phần và không đồng phần nói cũng như thế.

Có Sư khác cho: Hai thức nhãn, nhĩ nương vào đồng phần, duyên nơi đồng phần và không đồng phần, ý thức thì nương vào đồng phần, không đồng phần, duyên nơi đồng phần và không đồng phần, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Ba thức như tỷ v.v… chỉ nương vào đồng phần, chỉ duyên nơi đồng phần, nên sự nhận biết của chúng hợp lại thành một thứ. Đồng phần ở đây là nói về giới đồng phần.

Có thuyết nêu: Hai thức nhãn, nhĩ nương vào vô ký, duyên với ba thứ, ý thức thì nương vào ba thứ, duyên với ba thứ, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Ba thức như tỷ v.v… chỉ nương vào vô ký, chỉ duyên với vô ký, nên sự nhận biết của chúng hợp lập thành một thứ.

Có thuyết lại biện: Hai thức nhãn, nhĩ dựa vào gần, duyên nơi gần xa, ý thức thì dựa vào gần xa, duyên nơi gần xa, nên sự nhận biết của chúng lập riêng từng thứ. Ba thức như tỷ v.v… thì dựa vào gần, chỉ duyên gần, nên sự nhận biết của chúng hợp lập thành một thứ. Cả ba căn, cảnh này không hề gián đoạn dừng lại, mới có thể phát sinh thức nên gọi là gần.

Có thuyết nói: Hai thức nhãn, nhĩ hoặc có chỗ nương dựa lớn, đối tượng duyên nhỏ, hoặc đối tượng duyên lớn, chỗ nương dựa nhỏ, hoặc chỗ nương dựa và đối tượng duyên đều bằng nhau. Nhãn thức có chỗ nương dựa lớn, đối tượng duyên nhỏ, như khi nhìn thấy đầu sợi lông v.v… Đối tượng duyên lớn, chỗ nương dựa nhỏ, là như khi nhìn thấy cả dãy núi. Chỗ nương dựa cùng đối tượng duyên bằng nhau là như khi nhìn thấy quả nho v.v… Như vậy, nhĩ thức như lượng ấy nên biết. Riêng ý thức thì không thể nói chỗ nương dựa của nó là lớn hay nhỏ, nhưng cảnh nơi đối tượng duyên của nó thì hoặc nhỏ hoặc lớn, nên sự nhận biết của chúng đều lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… thì chỗ nương dựa và đối tượng duyên lớn nhỏ bằng nhau, nên sự nhận biết của chúng hợp chung thành một thứ. Tùy theo căn của chỗ nương dựa rất bé nhỏ nhiều ít để cùng với cảnh bé nhỏ như thế khi hợp chung mới có thể phát sinh các thức như tỷ v.v…

Có thuyết cho: Ba thức như nhãn v.v… duyên nơi nghiệp và không phải nghiệp, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi không phải nghiệp, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Có thuyết nêu: Ba thức như nhãn v.v… duyên nơi sự trì giới, phạm giới và duyên nơi các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Có Sư khác cho: Ba thức như nhãn v.v… duyên chung nơi luật nghi, không luật nghi và các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Có thuyết nêu: Ba thức như nhãn v.v… duyên chung nơi sự biểu hiện và các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Có thuyết nói: Ba thức như nhãn v.v… duyên chung nơi các pháp nhiễm, không nhiễm, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi các pháp không nhiễm, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Có thuyết biện: Ba thức như nhãn v.v… duyên chung nơi hành diệu, hành ác và các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng phải lập riêng từng thứ. Còn ba thức như tỷ v.v… chỉ duyên nơi các pháp khác, nên sự nhận biết của chúng hợp thành một thứ.

Do đó, khi nói về thấy nghe hiểu biết (kiến văn giác tri) là tùy theo thức, theo chỗ dựa, theo đối tượng duyên nên có chung có riêng.

Hỏi: Nếu tạo thành nghiệp bất thiện thì cũng tạo thành nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc chăng?

Đáp: Các người tạo thành nghiệp bất thiện, nhất định họ tạo thành nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc. Nghĩa là kẻ sinh ở cõi dục nếu đoạn mất căn thiện thì nhất định tạo thành nghiệp bất thiện và một nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc, đó là nghiệp nhiễm ô. Nếu không đoạn mất căn thiện, chưa được tâm thiện ở cõi sắc thì cũng như thế. Như đã có tâm thiện ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục, thì người này tạo thành nghiệp bất thiện và hai nghiệp thuộc cõi sắc, tức là nghiệp thiện và nhiễm ô, cùng một nghiệp ở cõi vô sắc là nghiệp nhiễm ô.

Có khi tạo thành nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc nhưng không phải là nghiệp bất thiện. Nghĩa là kẻ sinh ở cõi dục, đã lìa hết nhiễm nơi cõi dục, hoặc sinh ở cõi sắc. Tức là sinh ở cõi dục đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này tạo thành ba nghiệp thuộc cõi sắc, đó là thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký, cùng một nghiệp thuộc cõi vô sắc là nghiệp nhiễm ô. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm nơi cõi sắc, người này tạo thành ba nghiệp thuộc cõi sắc là thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký, cùng hai nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện và nhiễm ô. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này tạo thành hai nghiệp thuộc cõi sắc là thiện và vô phú vô ký, cùng hai nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện và nhiễm ô. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này tạo thành hai nghiệp thuộc cõi sắc là thiện và vô phú vô ký, cùng một nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện.

Nếu người sinh ở cõi sắc, nghĩa là chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này tạo thành ba nghiệp thuộc cõi sắc là thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký, cùng một nghiệp thuộc cõi vô sắc là nhiễm ô. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm nơi cõi sắc, người này tạo thành ba nghiệp thuộc cõi sắc là thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký, cùng hai nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện và nhiễm ô.

Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm nơi cõi vô sắc, người này tạo thành hai nghiệp thuộc cõi sắc là thiện và vô phú vô ký, cùng hai nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện và nhiễm ô. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này tạo thành hai nghiệp thuộc cõi sắc là thiện và vô phú vô ký, cùng một nghiệp thuộc cõi vô sắc là thiện.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục thì cũng thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc chăng?

Đáp: Những người thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục thì nhất định thành tựu nghiệp ở cõi sắc và vô sắc.

Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc nhưng không phải là nghiệp thiện thuộc cõi dục. Nghĩa là Bổ-đặc-già-la đã đoạn dứt căn thiện, hoặc sinh vào cõi sắc. Tức là nếu thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục, chưa được tâm thiện ở cõi sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc. Nếu có được tâm thiện ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã có được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm cõi sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm nơi cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm của cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã đoạn mất căn thiện, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi sắc và vô sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Trước đây đã đoạn dứt căn thiện, đời này sinh vào cõi sắc, thì đều không thành tựu nghiệp thiện thuộc về cõi dục, vì đã đoạn dứt căn thiện, là đã bỏ hết các thiện ấy.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục thì cũng thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi sắc và cõi vô sắc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục nhưng không phải nghiệp thiện thuộc cõi sắc và vô sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục không đoạn dứt căn thiện, chưa được tâm thiện ở cõi sắc.

2. Có trường hợp thành tựu nghiệp thiện ở cõi sắc và vô sắc nhưng không phải là nghiệp thiện thuộc cõi dục. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, có được tâm thiện ở cõi vô sắc.

3. Có trường hợp thành tựu nghiệp thiện ở cõi dục cũng là nghiệp thiện ở cõi sắc và vô sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, có được tâm thiện ở cõi vô sắc.

4. Có trường hợp không thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi dục cũng không thành tựu nghiệp thiện thuộc cõi sắc và vô sắc. Nghĩa là loại Bổ-đặc-già-la đã đoạn dứt căn thiện.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thiện ở cõi dục thì cũng thành tựu nghiệp thiện ở cõi sắc chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Nếu như thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc thì cũng thành tựu nghiệp thuộc cõi dục chăng?

Đáp: Đúng thế. Nghĩa là sinh ở cõi dục nếu đoạn dứt căn thiện, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi sắc. Nếu không đoạn dứt căn thiện nhưng chưa được tâm thiện ở cõi sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi dục và hai nghiệp thuộc cõi sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, chưa lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu hai nghiệp ở cõi dục và ba nghiệp ở cõi sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và hai nghiệp thuộc cõi sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm nơi cõi sắc, người này thành tựu một nghiệp ở cõi dục và ba nghiệp ở cõi sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu một nghiệp ở cõi dục và hai nghiệp ở cõi sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thuộc cõi dục thì cũng thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc chăng?

Đáp: Những người thành tựu nghiệp thuộc cõi dục thì họ cũng thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, nếu đoạn dứt căn thiện, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không đoạn dứt căn thiện, nhưng chưa lìa hết nhiễm cõi dục, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, nhưng chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, nhưng chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, nhưng chưa lìa hết nhiễm nơi cõi vô sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục, một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc nhưng không phải là nghiệp thuộc cõi dục. Nghĩa là Bổ-đặc-già-la sinh ở cõi vô sắc. Tức sinh vào cõi đó, nếu chưa lìa hết nhiễm nơi cõi đó khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu ba nghiệp ở cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu hai nghiệp ở cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi vô sắc và đều không thành tựu nghiệp thuộc cõi dục vì đã bỏ cõi ấy.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thuộc cõi dục thì cũng thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi dục không phải là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các dị thục sinh nơi cõi dục và cõi sắc.

2. Có trường hợp thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào không phải là nghiệp thuộc cõi dục. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi vô sắc.

3. Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi dục cũng là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các bậc Thánh sinh ở cõi dục và cõi sắc.

4. Có trường hợp không phải là thành tựu nghiệp thuộc cõi dục cũng không phải là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc thì cũng thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc chăng?

Đáp: Những người thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc thì nhất định thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nghĩa là sinh vào cõi dục, nếu chưa được tâm thiện ở cõi sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, chưa được tâm thiện cõi vô sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Nếu sinh vào cõi sắc, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi sắc, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi sắc và một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc không phải là nghiệp thuộc cõi sắc. Nghĩa là các hữu tình sinh vào cõi vô sắc, tức là khi sinh vào cõi ấy, nếu chưa lìa hết nhiễm cõi vô sắc, khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu ba nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc thì cũng thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc không phải là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các phàm phu sinh vào cõi dục và cõi sắc.

2. Có trường hợp thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào không phải là nghiệp thuộc cõi sắc. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

3. Có trường hợp thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc cũng là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi dục và cõi sắc.

4. Có trường hợp không phải thành tựu nghiệp thuộc cõi sắc cũng không phải là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các phàm phu sinh vào cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc thì cũng thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào chăng?

Đáp: Những người thành tựu nghiệp không thuộc cõi nào thì nhất định thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi dục và cõi sắc, nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu nghiệp học không thuộc cõi nào và một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu nghiệp học không thuộc cõi nào và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu nghiệp vô học không thuộc cõi nào và một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Nếu các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc và khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu nghiệp học không thuộc cõi nào và ba nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu nghiệp học không thuộc cõi nào và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu nghiệp vô học không thuộc cõi nào và hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, người này thành tựu nghiệp vô học không thuộc cõi nào và một nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Có khi thành tựu nghiệp thuộc cõi vô sắc nhưng không phải là nghiệp không thuộc cõi nào. Nghĩa là các phàm phu nếu sinh vào cõi dục hay cõi sắc, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu một nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu các phàm phu sinh ở cõi vô sắc, khởi tâm dị thục sinh, thì họ thành tựu ba nghiệp thuộc cõi vô sắc. Nếu không khởi tâm dị thục sinh, thì họ thành tựu hai nghiệp thuộc cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu những người thành tựu các nghiệp thuộc cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc và không thuộc cõi nào, thì khi những người ấy mạng chung sinh nơi cõi nào?

Đáp: Người ấy sinh ở cõi dục, hoặc cõi sắc, hoặc cõi vô sắc, hoặc ở xứ không sinh. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi dục, chưa lìa hết nhiễm cõi dục, ấy thành tựu ba nghiệp thuộc cõi dục, hai nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, vị ấy mạng chung sinh nơi cõi dục. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, vị ấy thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục, ba nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, vị ấy mạng chung sinh vào cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi sắc, vị ấy thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục, ba nghiệp thuộc cõi sắc, hai nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung cũng sinh vào cõi sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người này thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục, hai nghiệp thuộc cõi sắc, hai nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung sinh vào cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm cõi vô sắc thì người ấy thành tựu hai nghiệp thuộc cõi dục, hai nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp vô học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung không sinh nơi xứ nào. Nếu các bậc Thánh sinh vào cõi sắc, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, thì vị này thành tựu một nghiệp thuộc cõi sắc, ba nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung sinh vào cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa hết nhiễm nơi cõi sắc, người ấy thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục, ba nghiệp thuộc cõi sắc, hai nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung cũng sinh vào cõi sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi sắc, chưa lìa hết nhiễm cõi vô sắc, người ấy thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục, hai nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung sinh vào cõi vô sắc. Nếu đã lìa hết nhiễm ở cõi vô sắc, người ấy thành tựu một nghiệp thuộc cõi dục, một nghiệp thuộc cõi sắc, một nghiệp thuộc cõi vô sắc và nghiệp vô học không thuộc cõi nào, người ấy mạng chung không sinh nơi xứ nào. Do đó nên nói là thành tựu bốn nghiệp, là khi mạng chung, người ấy sinh nơi cõi dục, hoặc cõi sắc, hoặc cõi vô sắc hay không sinh nơi xứ nào.

HẾT – QUYỂN 121