LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 118

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TÀ NGỮ, phần 3

* Các pháp do nghiệp tạo ra, các pháp ấy nên nói là thiện, bất thiện và vô ký chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận Tông chỉ của kẻ khác và hiển bày nghĩa lý của mình. Tức như phái Luận Phân Biệt của Độc tử bộ đã cho tiếng nói (âm thanh) là quả dị thục.

Hỏi: Họ căn cứ vào lượng nào để nói như thế?

Đáp: Do nơi Thánh ngôn. Như Luận Thi Thiết nói: Do đâu Bồtát chiêu cảm được tướng đại trượng phu là Phạm âm? Nguyên là từ nhiều kiếp trước, Bồ-tát đã lìa bỏ nói lời thô ác, nghiệp này đã thành tựu trọn vẹn nên có được tiếng nói là Phạm âm.

Do lời ấy nên họ cho tiếng nói là quả dị thục. Để ngăn chận ý tưởng kia và hiển bày tất cả âm thanh không phải là quả dị thục, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các pháp do nghiệp tạo ra, các pháp ấy nên nói là thiện, bất thiện và vô ký chăng?

Đáp: Nếu căn cứ vào quả dị thục, các pháp do nghiệp tạo ra thì pháp ấy là vô ký.

Hỏi: Vì sao nói như thế?

Đáp: Hoặc có các pháp tuy do nghiệp tạo ra nhưng không phải là vô ký. Như các luật nghi và không luật nghi v.v… Vì muốn phân biệt pháp ấy, nên nói căn cứ vào quả dị thục, các pháp do nghiệp tạo ra thì pháp ấy là vô ký.

Trong đây, phái Luận Phân Biệt của Độc Tử Bộ hỏi phái Luận Ứng Lý: Các ông nhất định nói: Căn cứ vào quả dị thục, các pháp do nghiệp tạo ra, pháp ấy là vô ký chăng?

Đây là xét định về lời nói của Tông chỉ người khác. Nếu không xét định sự lập Tông chỉ của người khác, nhưng lại vấn nạn người ấy thì không thể nêu ra lỗi của họ. Đấy cũng là trưng ra lời vấn nạn kẻ khác về chỗ họ không nói, nên cần xét định lại: Nay các vị có quyết định cho là: Nếu căn cứ vào quả dị thục thì pháp do nghiệp tạo ra, đều là vô ký chăng? Phái Luận Ứng Lý đáp: Đúng thế.

Phái kia lại hỏi: Các ông bảo khi muốn nói gì thì Đức Như Lai dùng tâm thiện giảng nói những lời vi diệu, đẹp đẽ, hòa nhã, hợp ý, đó là lời nói thiện chăng? Phái Luận Ứng Lý đáp: Đúng như thế.

Phái Luận Phân Biệt liền nêu vấn nạn: Các ông hãy nghe tôi nói, các ông đã cho thấy là mình có lỗi, lại tự trái ngược với lời mình nói. Vì nếu cho là: “Dựa vào quả dị thục, các pháp do nghiệp tạo ra đều là vô ký” tức không nên nói là Như Lai dùng tâm thiện mà ngôn thuyết bằng những lời lẽ hòa nhã, lời lẽ hợp ý tất cả mọi người, đó là lời nói thiện. Vì nếu nói như thế thì không hợp đạo lý, còn nếu bảo Như Lai dùng thiện tâm mà nói những lời lẽ hòa nhã, vi diệu, lời hợp ý tất cả mọi người, đó là lời nói thiện, thì không nên nói là dựa vào quả dị thục, các pháp do nghiệp tạo ra đều là vô ký, vì nói như thế là không hợp đạo lý.

Phái Ứng Lý giải thích lời vấn nạn ấy: Nên nói là nhiều kiếp trước, Bồ-tát đã gây tạo nuôi lớn thêm nhiều nên chiêu cảm được quả dị thục nơi nghiệp của giòng họ Đại tông. Do các nguyên nhân đấy hòa hợp lần lượt tạo nên yết hầu của Như Lai với những đại chủng đặc biệt, từ đó phát ra những âm thanh vi diệu … nhưng tiếng thì không phải là dị thục.

Hỏi: Nếu cho các thứ tiếng đều không phải là dị thục thì điều nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông?

Đáp: Vì dựa vào nhân lần lượt nên nói như thế. Nhưng tất cả các thứ tiếng nói đều không phải là quả dị thục.

Hỏi: Vì sao các thứ tiếng không phải là quả dị thục?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì tiếng thuộc loại truyền lại lần thứ ba. Nghĩa là đầu tiên thì nghiệp sinh ra các đại chủng, các đại sinh ra tiếng, tiếng thuộc hàng thứ ba nên không phải là quả dị thục.

Lại có thuyết cho: Tiếng thuộc hàng truyền lại thứ năm. nghĩa là đầu tiên thì nghiệp sinh ra các đại chủng của dị thục, các đại chủng của dị thục sinh ra, nuôi lớn các đại chủng, sự nuôi lớn này sinh ra các đại chủng của đẳng lưu và từ các đại chủng của đẳng lưu ấy sinh ra các tiếng, các tiếng ở hàng thứ năm, nên không phải là quả dị thục.

Lại có thuyết nêu: Tiếng là tùy dục chuyển không phải là dị thục, là pháp có thể tùy dục chuyển.

Lại có thuyết nói: Tiếng lại sinh ra tiếng, không phải là từ dị thục sinh ra dị thục.

Lại có thuyết cho: Tiếng là gia hạnh phát khởi ra ở hiện tại, còn quả dị thục là do nghiệp đời trước tạo nên.

Lại có thuyết nêu: Khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất thì các sự biểu hiện của lời nói đều đoạn dứt. Còn nếu là dị thục thì khi lìa hết nhiễm ở cả ba cõi mới đoạn dứt hết.

Lại có thuyết biện: Tiếng có ba thứ là thiện, bất thiện, vô ký, còn quả dị thục là vô ký.

Lại có thuyết nói: Nếu tiếng là dị thục thì phải sinh vào nẻo đáng yêu thích, nên trong mọi lúc đều phát ra tiếng nói vừa ý. Còn nếu sinh vào nẻo không đáng yêu thích thì trong mọi lúc đều phát ra tiếng nói không thích ý, và trong đời sống hiện tại thường thấy có lúc các sự việc ấy trái nghịch nhau, thế nên tiếng không phải là dị thục.

Lại có thuyết cho: Tiếng thì có gián đoạn, nhưng sắc dị thục thì không gián đoạn, thế nên tiếng không phải là dị thục.

Nhưng các Bồ-tát do hai nhân duyên nên phát nguyện cầu mong có được loại Phạm âm vi diệu và tướng đại trượng phu của Phật: Một là do từng được thấy. Hai là do từng được nghe.

Do từng được thấy: Nghĩa là vị Bồ-tát ấy đã từng được thấy ở nhiều nơi tụ họp đông đảo, chư Phật đã dùng Phạm âm để thuyết giảng chánh pháp cho các hữu tình, hàng phục được các luận thuyết khác. Phạm âm ấy vi diệu sâu xa, đầy đủ tướng đại trượng phu.

Do từng được nghe: Nghĩa là vị Bồ-tát ấy nghe đầy đủ các Đức Như Lai dùng Phạm âm thuyết giảng chánh pháp… cho đến đầy đủ tướng đại trượng phu. Khi Bồ-tát thấy và nghe xong thì hết sức vui mừng, sinh tâm mến thích sâu xa, liền phát nguyện thuận nhận và phát huy nhân chánh ấy, nguyện: Ta siêng năng thọ trì giới cấm, tu các phạm hạnh, tất cả đều hồi hướng nguyện cầu ở đời vị lai sẽ được trụ vào hàng Đại sĩ như thế. Do ý vui thích đó, lại thường dùng các thứ hương hoa loại thượng hạng và đủ các thứ âm nhạc thượng diệu cúng dường chư Phật, Độc giác, Thanh văn, vẽ đắp các hình tượng chư Phật, thờ kính, cúng dường cha mẹ, sư trưởng và các bậc đồng tu phạm hạnh. Khi tu tập các phước đức thù thắng ấy, tất cả đều hồi hướng mong cầu có được loại Phạm âm như thế. Lại, siêng năng trừ bỏ hai thứ nghiệp đạo là nói lời thô ác và nói lời đùa cợt uế tạp. Do siêng năng trừ bỏ lời nói thô ác nên được Phạm âm thù thắng của bậc Đại sĩ và do Phạm âm này nên hàng phục được tất cả luận thuyết khác của ngoại đạo. Lại do siêng năng diệt trừ lời nói uế tạp, nên chiêu cảm được lời lẽ oai nghiêm, sâu xa, thanh cao, trong sáng. Do lời nói như thế nên thêm uy lực, thâu phục tất cả các luận thuyết khác của thế tục. Cũng như có người thấy nơi xứ khác có lầu gác đền đài trang hoàng đẹp đẽ, bày đủ năm thứ âm nhạc để tự thọ hưởng, lại nghe được âm nhạc hay của người khác tấu, trổi… liền ước khi nào ta có lầu gác đẹp đẽ như thế thì sẽ trang hoàng và trổi nhạc như vậy để thọ hưởng. Ước xong liền gia công nỗ lực làm việc, chứa nhóm của cải tiền bạc và thực hiện hoàn thành đúng như mong ước. Cũng như thế, các Bồ-tát do thấy nghe nên từ quá khứ đã phát nguyện mong cầu có được các tướng Phạm âm của Phật v.v… Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì có những kẻ không hề chú ý đến quá khứ vị lai ngu tối nơi ba đời, nên muốn khiến cả quá khứ vị lai đều không, nói chỉ hiện tại vô vi là có. Để ngăn chận kiến chấp sai lầm ấy, nêu rõ quá khứ và vị lai là pháp thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, sở dĩ tạo ra phần Luận này là để ngăn chận các điều của ngoại đạo đã nói. Họ cho tất cả các pháp sau làm nhân cho pháp trước. Cũng như nước suối chảy ra sau thúc đẩy nước ra trước chảy đi khắp nơi, vậy nước ra sau làm nhân cho nước ra trước. Các pháp cũng như thế, do ý niệm sau thúc đẩy khiến các thứ từ vị lai khởi lên đều nhập vào hiện tại, và các thứ ở hiện tại mất đi thì đều nhập vào quá khứ. Thế nên vị lai là nhân của hiện tại và hiện tại là nhân của quá khứ. Nay nhằm ngăn chận lối chấp này và hiển bày tất cả các pháp thì pháp trước làm nhân cho pháp sau không phải pháp sau làm nhân cho pháp trước. Nếu nói pháp sau làm nhân cho pháp trước là trái với các pháp duyên khởi trong lẫn ngoài.

Trái với pháp duyên khởi trong: Nghĩa là cho hành duyên với vô minh… cho đến lão tử duyên với sinh, nhân con cháu mới có cha mẹ, nhãn thức làm duyên để sinh ra mắt và sắc… cho đến ý thức làm duyên để sinh ra ý và pháp. Từ Át-bộ-đàm sinh ra Yết-la-lam… cho đến từ già lão sinh ra trung niên.

Trái với duyên khởi bên ngoài: Nghĩa là từ mầm làm nhân cho hạt giống… Cho đến quả làm nhân cho hoa. Các sự việc nếu như thế tức có lỗi lớn. Tức là chưa làm mà đã được, là thọ nhận trước dị thục thiện ác rồi sau mới tạo nghiệp thiện ác. Làm vua Chuyển luân trước sau đó mới tạo nghiệp Luân vương. Trước chứng được quả Bồ-đề vô thượng. sau này mới tu hạnh Bồ-tát. Nếu chưa làm đã được, thì cũng nên là đã làm mà mất, như thế thì không có trói buộc, không có xuất ly. Chớ có lỗi ấy. Thế nên các pháp trước làm nhân cho các pháp sau, không phải các pháp sau làm nhân cho các pháp trước. Do nhân duyên đó nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các nghiệp ở quá khứ thì quả của chúng cũng ở quá khứ chăng?

Đáp: Quả của chúng hoặc ở quá khứ, hoặc ở vị lai, hoặc ở hiện tại. Nghĩa là quả dị thục do đã diệt hết nên có ba thứ khác nhau.

Hỏi: Các nghiệp ở vị lai thì quả của chúng cũng ở vị lai chăng?

Đáp: Đúng thế. Vì không thể có quả trước, nhân sau.

Hỏi: Các nghiệp ở hiện tại thì quả chúng cũng ở hiện tại chăng?

Đáp: Quả của chúng hoặc ở hiện tại, hoặc ở vị lai, như trước đã giải thích.

Trong đây có thuyết nói: Vì dựa vào sát-na hiện tại để tạo luận. Nếu căn cứ vào điều này thì các nghiệp ở quá khứ tùy theo quả của nó ở đời nào mà nghiệp ấy có bốn thứ, tức là thọ báo ngay nơi hiện đời cho đến thọ báo không nhất định. Các nghiệp ở hiện tại và các nghiệp ở vị lai, tùy theo chỗ có quả mà nghiệp ấy cũng có bốn thứ. Nhưng không nên nói các nghiệp ở hiện tại thì quả của chúng cũng ở hiện tại, vì không phải hễ ở sát-na này tạo nghiệp thì liền ở sát-na đó chịu quả dị thục.

Hoặc có thuyết cho: Trong đây dựa vào phần vị của hiện tại để tạo luận. Nếu dựa vào lời nói này, các nghiệp ở quá khứ thì quả của chúng sẽ có ở quá khứ, vị lai hay hiện tại. Còn các nghiệp ở vị lai, hiện tại thì quả của chúng sẽ ở vị lai… đều như trước đã nói. Các nghiệp ở hiện tại mà quả của chúng cũng ở hiện tại, thì nghiệp ấy có hai thứ là nghiệp thọ báo ở hiện đời (Nghiệp thuận hiện pháp thọ) và nghiệp thọ báo không nhất định (Nghiệp thuận bất định thọ).

Lại có thuyết nêu: Trong đây là căn cứ vào một chúng đồng phần ở hiện tại để tạo luận. Nếu dựa vào lời nói này thì các nghiệp ở quá khứ có quả hoặc ở quá khứ, như trước đã nói. Hoặc ở vị lai thì nghiệp này có hai thứ là nghiệp thọ báo ở các đời sau (Nghiệp thuận hậu thứ thọ) và nghiệp thọ báo không nhất định. Hoặc ở hiện tại thì nghiệp này có ba thứ tức trừ nghiệp thọ báo ở hiện đời. Các nghiệp ở vị lai cũng như trước đã nói. Các nghiệp ở hiện tại, quả của chúng cũng ở hiện tại thì nghiệp này có hai thứ, là nghiệp thọ báo ở hiện đời và nghiệp thọ báo không nhất định. Hoặc ở vị lai thì nghiệp này có ba thứ là trừ nghiệp thọ báo ở hiện đời.

Hỏi: Từng có nghiệp thọ báo ở hiện đời (Nghiệp thuận hiện pháp thọ) nhưng nhân của nó ở quá khứ và quả của nó ở vị lai chăng?

Đáp: Có. Đó là dựa vào sát-na nơi phần vị ở hiện tại, không dựa vào chúng đồng phần ở hiện tại để nói.

Lại có thuyết cho: Cũng dựa vào một chúng đồng phần ở hiện tại để nói. Nghĩa là như có người đã gây tạo làm tăng trưởng các nghiệp để thọ báo ở hiện đời, nhưng chưa nhận được quả thì bỗng nhiên chết. Khi đó gọi là nhân ở quá khứ, quả ở vị lai.

Hỏi: Từng có nghiệp thọ báo ở hiện đời nhưng nhân ở quá khứ và quả ở hiện tại, hoặc nhân ở hiện tại, quả ở vị lai chăng?

Đáp: Nếu dựa vào một chúng đồng phần ở hiện tại để hỏi thì nên đáp: Không có.

Tôn giả Diệu Âm bảo là có, nghĩa là như trước đã nói.

Từng có như thân nghiệp chiêu cảm quả dị thục, còn ngữ nghiệp và ý nghiệp lại không chiêu cảm chăng? Cho đến nói rộng. Nay ở đây, theo phương tiện hiển bày chỗ chiêu cảm quả yêu thích không yêu thích của ba nghiệp. Nơi chương Kiến Uẩn ở sau, theo phương tiện hiển bày phần vị có sai biệt. Trong phần ấy, chỗ hỏi trước đáp là phẩm đen, sau đáp là phẩm trắng. Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược về Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Từng có như thân nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn ngữ nghiệp và ý nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như thân không giữ được nhưng ngữ giữ được, vì thân lúc đó có tâm thiện hoặc tâm vô ký. Nghĩa là đang lúc này phát khởi thân nghiệp biểu hiện bất thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Và ở lúc này, hoặc ở thời trước phát khởi ngữ nghiệp biểu hiện thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Tức là ngay lúc ấy hiện khởi tâm thiện hoặc tâm vô ký. Trong đó, thân nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích, và ngữ nghiệp chiêu cảm được dị thục yêu thích. Ý nghiệp nếu khởi tâm thiện thì chiêu cảm dị thục yêu thích, nếu khởi tâm vô ký thì không chiêu cảm dị thục yêu thích hoặc không yêu thích. Lại như việc thân giữ được ngữ không giữ được, vì lúc đó có tâm bất thiện hoặc tâm vô ký, tức ngay lúc ấy khởi lên thân nghiệp biểu hiện thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Ở lúc này hoặc do ở thời trước khởi lên ngữ nghiệp có biểu hiện bất thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Tức ở ngay lúc ấy hiện khởi tâm bất thiện hoặc tâm vô ký. Trong đó, thân nghiệp chiêu cảm dị thục yêu thích, ngữ nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích, còn ý nghiệp nếu khởi tâm bất thiện sẽ chiêu cảm dị thục không yêu thích, nếu khởi tâm vô ký thì không chiêu cảm dị thục yêu thích hay không yêu thích. Đó gọi là như thân nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn ngữ nghiệp và ý nghiệp thì không như thế.

Hỏi: Từng có như ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn thân nghiệp và ý nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như thân giữ được ngữ không giữ được, vì lúc ấy có tâm thiện hoặc tâm vô ký. Nghĩa là ngay lúc đó hoặc do thời trước khởi lên thân nghiệp biểu hiện thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Và ngay lúc này, khởi lên ngữ nghiệp biểu hiện bất thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển. Tức là ở ngay lúc ấy hiện khởi tâm thiện hoặc tâm vô ký, trong đó thân nghiệp chiêu cảm dị thục yêu thích, ngữ nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích. Còn ý nghiệp nếu khởi tâm thiện thì chiêu cảm quả dị thục yêu thích, nếu khởi tâm vô ký thì không chiêu cảm dị thục yêu thích hay không yêu thích.

Như thân không giữ được, ngữ giữ được, vì ở vào lúc đó khởi lên tâm bất thiện và tâm vô ký. Nghĩa là ở ngay lúc ấy hoặc do ở thời trước khởi lên thân nghiệp biểu hiện bất thiện, do đấy phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển cùng khởi lên ngữ nghiệp biểu hiện thiện, tức phát khởi nghiệp không biểu hiện tùy chuyển, bấy giờ khởi lên tâm bất thiện hoặc vô ký. Ở đây, thân nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích, ngữ nghiệp chiêu cảm dị thục yêu thích. Còn ý nghiệp nếu khởi tâm bất thiện thì chiêu cảm dị thục không yêu thích, nếu khởi tâm vô ký thì không chiêu cảm dị thục yêu thích hay không yêu thích. Đó gọi là như ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn thân nghiệp và ý nghiệp thì không như thế.

Có nhiều kẻ muốn có các cách sống thiếu sót luật nghi và không có luật nghi, theo thâm ý của họ thì trong các trường hợp này có thứ thân giữ được ngữ không giữ được, hoặc ngữ giữ được thân không giữ được, đều dựa vào ba thứ để nói nghĩa là sống có luật nghi, sống không luật nghi và sống không phải là luật nghi cũng không phải là không luật nghi.

Có nhiều kẻ muốn không có cách sống thiếu sót luật nghi và không có luật nghi, theo thâm ý của họ thì những thứ này chỉ dựa vào cách sống không phải luật nghi cũng không phải không luật nghi để nói, không phải các thứ khác.

Hỏi: Từng có như ý nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn thân nghiệp và ngữ nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như có thân giữ được, ngữ cũng giữ được, đối với lúc ấy có tâm bất thiện. Các thứ trái nhau ấy nói rõ cũng như thế. Các thứ trái nhau này căn cứ theo trước để giải thích.

Trong đây, nếu ý nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích thì thân và ngữ nghiệp liền chiêu cảm dị thục yêu thích. Nếu ý nghiệp chiêu cảm dị thục yêu thích, thì thân và ngữ nghiệp liền chiêu cảm dị thục không yêu thích. Đó gọi là như ý nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn thân nghiệp và ngữ nghiệp thì không như thế.

Hỏi: Từng có như thân nghiệp và ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn ý nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như thân không giữ được, ngữ cũng không giữ được, vì đối với lúc đó có tâm thiện hoặc tâm vô ký, các thứ trái nhau ấy nói cũng như thế, cũng như căn cứ theo trước để giải thích. Trong đây, nếu thân và ngữ nghiệp chiêu cảm dị thục không yêu thích, thì ý nghiệp liền chiêu cảm dị thục yêu thích, hoặc đều không chiêu cảm. Nếu thân và ngữ nghiệp chiêu cảm dị thục yêu thích, thì ý nghiệp liền chiêu cảm dị thục không yêu thích, hoặc đều không chiêu cảm. Đó gọi là như thân nghiệp và ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn ý nghiệp thì không như thế.

Có nhiều người muốn có cách sống thiếu sót luật nghi hoặc không có luật nghi, và có nhiều kẻ muốn không có cách sống thiếu sót luật nghi hoặc không có luật nghi, căn cứ vào thâm ý của họ, trong các trường hợp này thì thân và ngữ giữ được, hoặc thân và ngữ đều không giữ được, đều dựa vào ba thứ để nói. Tức là hoặc sống theo luật nghi, hoặc sống không luật nghi, hoặc sống không phải luật nghi cũng không phải là không luật nghi.

Hỏi: Từng có như thân nghiệp và ý nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn ngữ nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như việc thân không giữ được ngữ giữ được, vì lúc đó có tâm bất thiện. Các thứ trái nhau ấy cũng nói như thế, cũng như căn cứ theo trước để giải thích.

Hỏi: Từng có như ngữ nghiệp và ý nghiệp chiêu cảm quả dị thục còn thân nghiệp thì không như thế chăng?

Đáp: Có. Như việc thân giữ được ngữ không giữ được, vì ngay lúc đó có tâm bất thiện. Các thứ trái nhau ấy nói cũng như thế, cũng như căn cứ theo trước để giải thích.

Hỏi: Từng có như thân nghiệp, ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục và ý nghiệp cũng như thế chăng?

Đáp: Có. Như việc thân không giữ được, ngữ cũng không giữ được, vì ngay lúc đó có tâm bất thiện. Các thứ trái nhau này nói cũng như thế và cũng căn cứ theo trước để giải thích. Trong đây, hoặc cả ba nghiệp đều chiêu cảm dị thục không yêu thích, hoặc cả ba nghiệp đều chiêu cảm dị thục yêu thích. Đó gọi là như thân nghiệp, ngữ nghiệp chiêu cảm quả dị thục và ý nghiệp cũng như thế.

Hỏi: Từng có không phải là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp chiêu cảm quả dị thục nhưng lại chiêu cảm quả dị thục chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là tâm bất tương ưng hành chiêu cảm quả dị thục nơi sắc tâm tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành. Đây lại là thế nào? Nghĩa là định vô tưởng, định diệt tận, đắc và các thứ sinh, lão, trụ, vô thường.

Hỏi: Định vô tưởng chiêu cảm quả dị thục nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Định vô tưởng chiêu cảm dị thục vô tưởng và sắc. Mạng căn và chúng đồng phần là tĩnh lự hữu tâm, dị thục nơi các uẩn còn lại đều là dị thục.

Lại có thuyết cho: Định vô tưởng chiêu cảm dị thục vô tưởng và sắc, còn mạng căn là tĩnh lự hữu tâm. Dị thục nơi các uẩn còn lại đều là dị thục.

Lại có thuyết nêu: Định vô tưởng chiêu cảm dị thục của vô tưởng, còn các uẩn khác đều là dị thục.

Hỏi: Nếu thế thì mạng căn không phải là nghiệp chiêu cảm dị thục. Như vậy thì như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Một pháp là dị thục của nghiệp không phải là nghiệp, đó là mạng căn.

Đáp: Tất cả mạng căn là quả dị thục, vì các quả dị thục phần nhiều đều do nghiệp chiêu cảm, nên nói như thế. Nhưng ở đây tất cả đều không phải do nghiệp chiêu cảm.

Lại có thuyết nói: Nếu khi có tâm thì cũng chiêu cảm được dị thục của các uẩn không tâm. Và khi không tâm thì cũng chiêu cảm được dị thục của các uẩn có tâm.

Hỏi: Nếu như thế thì nên dùng nhân có tâm chiêu cảm quả vô tâm hay nên dùng nhân vô tâm chiêu cảm quả có tâm?

Đáp: Ở đây việc nào cũng không lỗi. Như do nhân có sắc chiêu cảm quả không sắc, hoặc do nhân không sắc chiêu cảm quả có sắc, vì nghiệp quả sai khác không trái với chánh lý. Ở đây cũng như thế.

Lời bình: Nên nói là định vô tưởng chỉ chiêu cảm dị thục vô tưởng. Còn tất cả mạng căn và chúng đồng phần, các sắc căn như nhãn v.v… đều do nghiệp chiêu cảm, các uẩn khác cùng chiêu cảm được.

Hỏi: Định diệt tận chiêu cảm dị thục nào?

Đáp: Chiêu cảm dị thục của bốn uẩn nơi Phi tưởng phi phi tưởng.

Hỏi: Đắc chiêu cảm những dị thục nào?

Đáp: Chiêu cảm sắc, tâm tâm sở pháp và tâm bất tương ưng hành. Hỏi: Đắc có thể chiêu cảm được chúng đồng phần chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không chiêu cảm. Vì sao? Vì chúng đồng phần là do nghiệp chiêu cảm. Vì đắc này không phải là nghiệp, nên không thể chiêu cảm.

Các thuyết nói đắc không thể chiêu cảm chúng đồng phần, là họ nói các đắc chiêu cảm dị thục của sắc, tức có thể chiêu cảm bốn xứ, đó là sắc, hương, vị, xúc. Lại cũng chiêu cảm dị thục của tâm tâm sở tức là thọ vui, tức thọ khổ, thọ không khổ không vui và pháp tương ưng. Còn chiêu cảm dị thục của tâm bất tương ưng hành, tức là đắc, sinh, trụ, lão và vô thường.

Tôn giả Tăng-già-phạt-tô nói: Đắc cũng có thể chiêu cảm được quả chúng đồng phần. Nghĩa là có nhiều đắc tích tụ thì chiêu cảm được một chúng đồng phần, vì đắc nương vào các thân ngu độn, thấp kém, không sáng suốt, không nhanh nhẹn, cũng như các giống giun đỉa, rắn rít v.v… các chúng đồng phần này do đắc chiêu cảm.

Các thuyết nói đắc cũng chiêu cảm được chúng đồng phần, tức họ bảo đắc chiêu cảm được dị thục của sắc, tức là chín xứ trừ thanh xứ. Nói chiêu cảm dị thục của tâm tâm sở tức là thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui và pháp tương ưng. Còn nói chiêu cảm dị thục của tâm bất tương ưng hành tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, sinh, trụ, lão, vô thường.

Các người ấy không nên nói như thế. Vì sao? Vì đắc và đắc đối chiếu nhau không đồng một quả. Giả sử nếu chứa nhóm rất nhiều thì cũng chẳng ích gì, còn nếu đồng một quả thì việc đó có thể được. Thế nên như thuyết trước là đúng.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đắc không thể chiêu cảm được quả chúng đồng phần, còn các nghiệp khác thì chiêu cảm được chúng đồng phần. Khi ấy, đối với từ nhãn xứ cho đến ý xứ thì đắc cũng có thể chiêu cảm được tướng trạng dị thục, tức là các pháp sinh, trụ, lão, vô thường, trong đây cũng nương dựa vào các pháp ấy nhưng không tự tại.

Hỏi: Từng có ba nghiệp như thọ báo ở hiện đời v.v… không phải trước, không phải sau cùng thọ nhận quả dị thục chăng?

Đáp: Có, cho đến nói rộng. Ở đây, nói không phải trước, tức là nhằm ngăn chận về quá khứ, nói không phải sau, tức là nhằm ngăn chận về vị lai. Còn nói cùng nhận được quả dị thục, nghĩa là ba nghiệp cùng nhận quả dị thục trong cùng một sát-na. Vì dựa vào đấy để hỏi, nên lấy đó đáp là có, nghĩa là vì sắc là nghiệp thọ báo ở hiện đời (Nghiệp thuận hiện pháp thọ) thì nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục của bốn xứ, tức là sắc, hương, vị, xúc. Nếu tâm tâm sở là nghiệp thọ báo ở đời kế sau (Nghiệp thuận thứ sinh thọ) thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui và dị thục tương ưng của nó. Còn tâm bất tương ưng hành là nghiệp thọ báo ở các đời sau (Nghiệp thuận hậu thứ thọ), thì nghiệp này có thể chiêu cảm được bốn loại dị thục, đó là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường.

Lại, nếu nghiệp thọ báo ở hiện đời là tâm bất tương ưng hành, thì nghiệp này có thể chiêu cảm hai loại dị thục đó là đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp thọ báo ở đời kế sau là sắc, thì nghiệp này có thể chiêu cảm được dị thục của chín xứ, tức là trừ thanh xứ. Nếu nghiệp thọ báo ở các đời sau là tâm tâm sở thì nghiệp này chiêu cảm các thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui và dị thục tương ưng với chúng.

Lại, nếu nghiệp thọ báo ở hiện đời là tâm tâm sở thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui và dị thục tương ưng với chúng. Nếu nghiệp thọ báo ở đời kế sau là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm được bốn loại dị thục, đó là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp thọ báo ở các đời sau thì nghiệp này chiêu cảm được chín xứ dị thục, tức trừ thanh xứ.

Hỏi: Từng có ba nghiệp như thuận lạc thọ v.v… không phải trước, không phải sau cùng thọ nhận quả dị thục chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là nếu nghiệp thuận lạc thọ là sắc, thì nghiệp này có thể chiêu cảm được chín xứ dị thục của nẻo người, trời, tức là trừ thanh xứ. Lại có thể chiêu cảm được bốn xứ dị thục của các nẻo ác, tức là sắc, hương, vị, xúc. Nếu nghiệp thuận khổ thọ là tâm tâm sở thì nghiệp này chiêu cảm thọ khổ và dị thục tương ưng với chúng. Nếu nghiệp thuận thọ không khổ không lạc là tâm bất tương ưng hành, thì nghiệp này chiêu cảm được bốn loại dị thục nơi nẻo người, trời, đó là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và sinh, trụ, lão, vô thường.

Lại nữa, nếu nghiệp thuận lạc thọ là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này chiêu cảm được bốn loại dị thục ở nẻo người, trời là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp thuận khổ thọ là sắc, thì nghiệp này chiêu cảm được dị thục của chín xứ ở các nẻo ác, tức là trừ thanh xứ. Lại có thể chiêu cảm được dị thục của bốn xứ ở nẻo người, trời là sắc, hương, vị, xúc. Nếu nghiệp thuận thọ không khổ không lạc là tâm tâm sở thì nghiệp này có thể chiêu cảm được thọ không khổ không vui và dị thục tương ưng với chúng.

Lại nữa, nghiệp thuận lạc thọ là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm được thọ vui và dị thục tương ưng với chúng. Nếu nghiệp thuận khổ thọ là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm bốn loại dị thục ở các nẻo ác là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, và sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm hai loại dị thục ở nẻo người, trời là đắc, sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp thuận thọ không khổ không lạc là sắc thì nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục của chín xứ ở nẻo người, trời, tức trừ thanh xứ, lại có thể chiêu cảm được bốn xứ dị thục ở các nẻo ác, tức là sắc, hương, vị, xúc.

Hỏi: Từng có nghiệp ở ba cõi, không phải trước, không phải sau cùng thọ nhận quả dị thục chăng?

Đáp: Có, cho đến nói rộng. Trong đây, nếu đúng theo đạo lý phải đáp là không, vì quả dị thục thì ở cõi và địa đều đoạn dứt cả. Nhưng lại nói “Có” là theo lý nào?

Có thuyết nói: Vì trong đây lấy trái lý hỏi nên tùy theo người ấy lấy trái lý để đáp. Vì sao phải lấy trái lý để hỏi? Đó là vì muốn thử nghiệm người khác nên hỏi như thế. Như có chuyện kể: Một vị Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la đến tạm trú tại một Tăng-già-lam trong khu rừng vắng phía Bắc Ấn Độ. Vị Tri sự sai làm kẻ hầu chúng, ông ấy không nhận và bảo: Tôi là một Luận sư xin miễn cho việc đó. Vị Tri sự liền đem việc này đến thưa cùng vị Thủ tọa A-la-hán: Có một vị Bí-sô ở nước Ca-thấp-di-la vừa đến trú tại Tăng-già-lam này, tôi cho làm việc hầu chúng nhưng vị ấy bảo mình là một Luận sư, xin miễn việc ấy. Vị A-la-hán bảo: Thầy hãy sang hỏi ông ấy câu này: Từng có nghiệp ở ba cõi không phải trước, không phải sau cùng thọ nhận quả dị thục chăng? Vị Tri sự liền đến hỏi câu ấy, vị này nghe hỏi liền đáp: Không. Vị Tri sự liền trở về thưa cùng Thủ tọa A-la-hán: Hỏi xong, ông ấy đáp: Không có. Vị A-la-hán bảo: Đúng là một vị Luận sư rồi, vậy hãy miễn cho việc hầu chúng. Cho nên nay đem câu ấy hỏi lại vì muốn thử nghiện, do đó cũng lại lấy lời trái lý để đáp là có.

Lại có thuyết nói: Nếu dựa vào quả tăng thượng để đặt câu hỏi lời đáp thì cũng không trái lý, vì nghiệp ở ba cõi cũng có một lúc nhận được quả này. Thế nên nói: Nếu có nghiệp thuộc cõi dục và cõi sắc, thì nghiệp này cũng chiêu cảm được dị thục của chín xứ ở cõi dục, tức trừ thanh xứ. Nếu nghiệp thuộc cõi sắc là tâm tâm sở: Nghĩa là các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ hàng tịnh tín nghe biết có vị Bí-sô chứng được tĩnh lự, liền cùng đem thí các thứ y phục, thức ăn uống và đủ mọi vật dụng. Người này nhận của cúng thí rồi liền phát sinh thọ vui và pháp tương ưng. Nếu nghiệp thuộc cõi vô sắc là tâm bất tương ưng hành: Nghĩa là các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ hàng tịnh tín nghe biết có vị Bí-sô được định vô sắc liền đem cúng thí các thứ y phục, thức ăn uống và đủ mọi vật dụng. Người này nhận của cúng thí rồi thì mạng căn không đoạn dứt.

Lại nữa, nếu nghiệp thuộc cõi dục là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này cũng chiêu cảm được bốn loại dị thục ở cõi dục, tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, và sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp thuộc cõi sắc là sắc, nghĩa là các vị Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, hàng tịnh tín nghe biết có vị Bí-sô đã chứng được tĩnh lự, liền đem cúng thí các thứ y phục, thức ăn uống và đủ các vật dụng. Người này nhận các thứ cúng thí, nuôi lớn các căn, tăng thêm các đại chủng. Nếu nghiệp thuộc cõi vô sắc là tâm tâm sở, nghĩa là các vị Bàla-môn, Trưởng giả, Cư sĩ hàng tịnh tín nghe biết có vị Bí-sô chứng được định vô sắc, liền đem cúng thí các thứ y phục, thức ăn uống và đủ mọi vật dụng. Người này nhận của cúng thí rồi liền phát sinh thọ vui và pháp tương ưng.

Lại nữa, nếu nghiệp thuộc cõi dục là tâm tâm sở pháp, thì nghiệp này cũng có thể chiêu cảm được thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui và các pháp tương ưng. Nếu nghiệp thuộc cõi sắc là tâm bất tương ưng hành, nghĩa là các vị Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ hàng tịnh tín nghe có vị Bí-sô chứng đắc tĩnh lự liền cùng thí vô số y phục, thức ăn uống, các vật dụng cần thiết. Vị Bí-sô thọ nhận rồi mạng căn không đoạn. Nếu nghiệp thuộc cõi vô sắc là sắc, nghĩa là các vị Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ hàng tịnh tín nghe biết có vị Bí-sô chứng được định vô sắc, liền đem cúng thí các thứ y phục, thức ăn uống và đủ mọi vật dụng, vị này thọ nhận của cúng thí rồi nuôi lớn các căn, tăng thêm đại chủng. Do đạo lý này, nay ở đây, dựa vào quả tăng thượng để đặt ra các câu hỏi lời đáp ấy cũng không trái lý, vì quả tăng thượng thì không hề ngăn cách đoạn dứt nơi tất cả cõi, địa.

Hỏi: Từng có nghiệp thiện và bất thiện không phải trước, không phải sau cùng thọ nhận quả dị thục chăng?

Đáp: Có, cho đến nói rộng. Nghĩa là nếu nghiệp thiện là sắc thì nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục của chín xứ ở nẻo người, trời tức trừ thanh xứ. Lại có thể chiêu cảm dị thục của của các nẻo ác, tức là sắc, hương, vị, xúc. Nếu nghiệp bất thiện là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ khổ và các dị thục tương ưng. Còn nếu tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm được bốn loại dị thục ở các nẻo ác, là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm hai loại dị thục ở nẻo người, trời là đắc và sinh, trụ, lão, vô thường.

Lại, nếu nghiệp thiện là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ vui, thọ không khổ không vui và các dị thục tương ưng. Còn nếu tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm được bốn loại dị thục ở các nẻo người, trời, tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm được hai loại dị thục ở các nẻo ác, tức là đắc và sinh trụ lão vô thường. Nếu nghiệp bất thiện là sắc, thì nghiệp này có thể chiêu cảm được dị thục của chín xứ ở các nẻo ác, tức trừ thanh xứ. Lại cũng có thể chiêu cảm được dị thục của bốn xứ ở các nẻo người, trời là sắc, hương, vị, xúc.

Hỏi: Từng có nghiệp do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không phải trước, không phải sau thọ nhận quả dị thục chăng?

Đáp: Có, cho đến nói rộng. Nếu là nghiệp do kiến đạo đoạn là sắc, thì nghiệp này có thể chiêu cảm được dị thục của chín xứ ở các nẻo ác, tức là trừ thanh xứ. Lại có thể chiêu cảm được dị thục của bốn xứ ở các nẻo người, trời là sắc hương vị xúc. Nếu nghiệp do tu đạo đoạn là tâm tâm sở và tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có hai thứ tức là thiện và không thiện. Nếu nghiệp thiện là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ vui và thọ không khổ không vui và các dị thục tương ưng. Còn nếu là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm bốn loại dị thục ở các nẻo người, trời, tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm hai loại dị thục ở các nẻo ác là đắc và sinh, trụ, lão, vô thường. Còn nghiệp bất thiện là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ khổ và các dị thục tương ưng. Nếu là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm được bốn loại dị thục ở các nẻo ác, tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm được hai loại dị thục ở các nẻo người, trời là đắc và sinh, trụ, lão, vô thường.

Lại nữa, nếu nghiệp do kiến đạo đoạn là tâm tâm sở, thì nghiệp này có thể chiêu cảm thọ khổ và các dị thục tương ưng. Nếu là tâm bất tương ưng hành thì nghiệp này có thể chiêu cảm bốn loại dị thục ở nẻo ác là mạng căn, chúng đồng phần, đắc và các thứ sinh, trụ, lão, vô thường. Lại có thể chiêu cảm được hai loại dị thục ở các nẻo người, trời là đắc và sinh, trụ, lão, vô thường. Nếu nghiệp do tu đạo đoạn là sắc, thì nghiệp này có hai thứ là thiện và không thiện. Nếu nghiệp thiện là sắc thì nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục của chín xứ ở nẻo người, trời, tức trừ thanh xứ. Lại có thể chiêu cảm dị thục của bốn xứ ở các nẻo ác là sắc, hương, vị, xúc. Còn nghiệp bất thiện là sắc thì nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục của bốn xứ ở nẻo người, trời, là sắc, hương, vị, xúc.

Các thứ nhân quả của dị thục như ở phẩm Trí của chương Tạp Uẩn đã nói rộng.

***

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HẠI SINH, phần 1

Từng có đã hại sinh nhưng sát sinh chưa dứt chăng? Các chương như thế và việc giải nghĩa của chương đã lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng. Trong đây có thứ không phải là sát sinh dùng tiếng sát sinh để nói, có thứ không phải là gia hạnh dùng tiếng gia hạnh để nói. Nghĩa là gia hạnh sát sinh cũng gọi là sát sinh mà hậu khởi sát sinh cũng gọi là sát sinh. Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược về Tỳ-bà-sa. Hỏi: Từng có đã hại sinh nhưng việc sát sinh chưa dứt chăng?

Đáp: Có. Như là đã giết chết mạng người khác rồi nhưng gia hạnh kia chưa dứt. Nghĩa là như có người muốn giết chết người khác nên dùng đao gậy v.v… để đánh đập, đâm chém, khi gia hạnh ấy chưa dứt, người đó chết rồi. Các sự việc sai khiến, dùng chú thuật, thuốc độc nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Từng có chưa hại sinh nhưng việc sát sinh đã dứt chăng?

Đáp: Có. Như chưa giết chết mạng người khác nhưng gia hạnh kia đã dứt. Nghĩa là như có người muốn giết chết người khác nên dùng đao gậy v.v… để đánh chém, người này chưa chết nhưng tưởng là đã chết, nên không còn đánh đập, đâm chém nữa. Các sự việc sai khiến, dùng chú thuật, thuốc độc nói rộng cũng như vậy.

Hỏi: Từng có đã hại sinh nhưng việc sát sinh đã dứt chăng?

Đáp: Có. Như đã đoạn mạng sống kẻ khác và gia hạnh kia đã dứt. Nghĩa là như có người vì hại mạng sống kẻ khác nên dùng đao gậy cùng gia hạnh, tức khi đoạn mạng rồi, gia hạnh cũng dứt. Các sự việc sai khiến, dùng chú thuật, thuốc độc nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Từng có chưa hại sinh nhưng việc sát sinh cũng chưa dứt chăng?

Đáp: Có. Như chưa giết chết người khác mà gia hạnh kia cũng chưa dứt. Nghĩa là có người muốn giết chết người khác nên dùng đao gậy v.v… đánh đập đâm chém. Mạng người ấy chưa chết nhưng gia hạnh kia cũng vẫn chưa thôi. Các sự việc sai khiến, dùng chú thuật, thuốc độc nói rộng cũng thế.

Hỏi: Từng có chưa hại sinh (mạng chưa chết) nhưng việc sát sinh (việc giết hại) chưa dứt, dị thục của nghiệp này nhất định phải đọa vào địa ngục chăng?

Đáp: Có. Như làm gia hạnh cho tạo nghiệp vô gián nhưng lại bị chết. Việc này như thế nào? Nghĩa là như có người muốn giết mẹ, liền khởi gia hạnh, nhưng lại hoặc bị quan tra xét bắt được, hoặc bà mẹ có sức mạnh nên giết lại đứa con, hoặc bà mẹ có phước đức nên thiên thần giết chết đứa con và bị đọa vào địa ngục, bà mẹ vẫn còn sống. Hoặc khởi gia hạnh thực hiện giết chết được mẹ, sau đó người con hối hận rồi tự sát cũng bị đọa vào địa ngục. Như việc giết hại mẹ, thì tạo các tội vô gián khác, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Nếu chỉ có pháp không có chúng sinh thì vì sao lại bị tội sát sinh?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Tuy không có chúng sinh nhưng có tưởng chúng sinh. Như vậy thì tuy không có chúng sinh bị giết nhưng vẫn phạm tội sát sinh (giết hại).

Lại nữa, vì các uẩn giới xứ này có thể khởi lên tưởng về ngã, tưởng hữu tình, tưởng thọ mạng, sinh ra, nuôi lớn, Bổ-đặc-già-la (người, chúng sinh), thế nên nếu đoạn hoại chúng thì sẽ phạm tội sát sinh.

Lại nữa, các uẩn giới xứ này có thể khởi lên tưởng về ngã, về thường, laic, tịnh, do đó nếu đoạn hoại chúng thì sẽ phạm tội sát sinh.

Đại đức nói: Các uẩn giới xứ này đều có chấp thọ, khởi nhận biết về ba giai đoạn ta sẽ giết, đang giết, đã giết, thế nên nếu đoạn hoại chúng thì sẽ phạm tội sát sinh.

Nhưng chúng sinh là có tội sát sinh của thế tục. Còn nơi thắng nghĩa thì có tội sát sinh ấy là do hai duyên: 1. Khởi gia hạnh. 2. Quả rốt ráo. Vì nếu có khởi gia hạnh nhưng quả không rốt ráo, hoặc quả rốt ráo nhưng không khởi gia hạnh, thì đều không kể là phạm tội sát sinh. Nếu có khởi gia hạnh quả cũng rốt ráo mới được gọi là phạm tội sát sinh.

Hỏi: Từng có cũng khởi gia hạnh, quả cũng rốt ráo nhưng không được gọi là phạm tội sát sinh chăng?

Đáp: Có. Như kẻ giết người và người bị giết cùng chết một lúc. Hoặc kẻ giết người bị chết trước.

Hỏi: Giết uẩn nào gọi là sát sinh? Quá khứ chăng, vị lai chăng, hiện tại chăng? Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại thì không dừng, tất không có nghĩa giết hại, làm sao gọi là sát sinh?

Đáp: Giết uẩn ở vị lai không phải ở quá khứ hay hiện tại.

Hỏi: Vị lai chưa đến làm sao có thể giết?

Đáp: Kẻ kia sống ở hiện tại nhưng ngăn không để các uẩn ở đời vị lai hòa hợp, nên gọi là sát. Do ngăn không cho các uẩn của người khác hòa hợp sinh duyên nên phạm tội sát sinh.

Có thuyết nói: Giết là giết các uẩn ở hiện tại và vị lai không phải là ở quá khứ.

Hỏi: Ở vị lai thì có thể được, còn ở hiện tại không dừng, nếu như không giết thì cũng tự nhiên diệt mất, làm sao giết?

Đáp: Khi đoạn dứt thế dụng của nó gọi là giết. Vì sao? Vì uẩn hiện tại trước tuy không dừng mà diệt, song không thể khiến các uẩn sau không nối tiếp. Nay uẩn hiện tại không dừng mà diệt, tức có thể khiến uẩn sau không nối tiếp, nên đối với uẩn hiện tại cũng mang tội giết.

Hỏi: Trong các uẩn thì uẩn nào có thể giết được và phạm tội giết nó?

Đáp: Có thuyết cho: Đó là sắc uẩn. Vì sao? Vì chỉ có sắc thì mới dùng đao gậy chạm vào được. Có thuyết nói: Là cả năm uẩn.

Hỏi: Bốn uẩn kia không chạm vào được làm sao giết?

Đáp: Vì chúng nương vào sắc để hoạt động. Khi sắc uẩn đã hoại thì chúng cũng không hoạt động được, nên cũng gọi là giết. Cũng như khi cái bình bị vỡ thì sữa cũng mất hết. Lại, đối với năm uẩn khởi tâm ác muốn giết nên phạm tội sát sinh.

Hỏi: Nếu giết vô ký thì có bị tội với cả ba thứ chăng?

Đáp: Có thuyết nêu: Bị tội với vô ký. Vì sao? Vì chỉ có vô phú vô ký mới có thể bị đao gậy chạm vào.

Có thuyết biện: Có tội với cả ba thứ.

Hỏi: Pháp thiện, nhiễm ô không chạm vào được làm sao gọi là giết?

Đáp: Pháp thiện và nhiễm ô đều nương vào vô ký chuyển. Khi vô ký bị hoại thì chúng cũng không hoạt động được, nên cũng gọi là giết. Các thứ khác nói rộng như trước.

Hỏi: Như có người dùng một gia hạnh cùng một lúc giết mẹ và các người nữ khác. Người này đối với mẹ bị tội sát sinh và tội vô gián không biểu hiện, đối với người nữ khác chỉ bị tội sát sinh không biểu hiện. Nhưng ở nay nghiệp biểu hiện này được kể là một hay hai?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ kể là một biểu hiện. Vì sao? Vì một gia hạnh cùng lúc giết, không sai biệt.

Tôn giả Diệu Âm nói: Được kể là hai biểu hiện. Vì sao? Vì thân nghiệp biểu hiện này là rất vi tế được tạo thành, nên việc giết mẹ và các người khác mỗi thứ đều khác nhau cũng rất tế nhị. Như không biểu hiện có hai thứ thì có biểu hiện cũng thế.

Hỏi: Như có người dùng một gia hạnh mà giết nhiều chúng sinh, tùy vào số chúng sinh bị giết hại đó mà bị tội không biểu hiện như thế, nhưng nơi nghiệp biểu hiện này kể là một hay kể là nhiều?

Đáp: Có thuyết cho là một. Vì sao? Vì chỉ dùng một gia hạnh cùng một lúc giết chết, không có khác nhau.

Tôn giả Diệu Âm nói: Người này bị kể là nhiều biểu hiện, nói rộng như trước.

Hỏi: Khi giết người sắp chết thì có bị tội sát sinh không?

Đáp: Nếu trong sát-na ấy mạng sống nên chết, ngay khi đó giết hại thì không bị tội sát. Còn nếu do gia hại cho đến khiến mạng sống kia trong một sát-na dừng lại không sống nữa, thì đúng pháp là phạm tội sát sinh, huống chi là nhiều sát-na.

Hỏi: Nếu giết người vào lúc cuối cùng có bị tội sát sinh không?

Đáp: Nếu ngay trong sát-na người ấy đang nên bỏ mạng mà giết chết thì không bị tội sát. Còn như do gia hại, cho đến khiến người kia trong một sát-na mạng sống dừng lại không sống nữa thì đúng pháp là phạm tội, huống chi là nhiều sát-na.

Hỏi: Nếu có kẻ giết người khác khiến biết chắc là phải chết liền tự sát, vậy có bị tội sát sinh không?

Đáp: Không phạm. Vì sao? Vì quả chưa rốt ráo mà đã chết nên không có chúng đồng phần sau này để tạo thành tội ấy.

Hỏi: Nếu có hai người khi đánh trận giết hại lẫn nhau và cùng chết một lúc, vậy mỗi người có phạm tội sát không?

Đáp: Không phạm. Vì sao? Vì cả hai đều có quả chưa rốt ráo và cùng chết nên không có chúng đồng phần sau này để tạo thành tội.

Hỏi: Nếu bị vua quan cưỡng ép bắt phải giết thì có phạm tội không?

Đáp: Có thuyết nêu: Không phạm tội. Vì sao? Vì bị sức cưỡng ép của người khác, chứ người giết không có ý vui thích. Như thế nên nói: Cũng bị phạm tội sát. Trừ trường hợp mình quyết ý thà chịu chết, nhất định không giết chết người khác thì không phạm tội.

Hỏi: Nếu dựa theo điều luật của vua trước bắt phải hành hình kẻ tội phạm thì có phạm tội sát sinh không?

Đáp: Do vua và luật phán xét là tội hay không. Nhưng nếu sai người khác giết thì phạm tội sát sinh không biểu hiện. Nếu sai người khác hay chính mình giết đều phạm tội sát sinh có biểu hiện và không biểu hiện. Nếu có nhiều người cùng âm mưu giết hại một người, rồi cùng khởi gia hạnh và đích thân mình giết chết người ấy thì phạm tội sát sinh, gồm cả biểu hiện và không biểu hiện. Những kẻ cùng âm mưu hỗ trợ hùa theo thì phạm tội sát sinh không biểu hiện. Nếu nhiều người cùng bày gia hạnh cùng giết chết nên biết là cả đám đều phạm tội sát sinh có biểu hiện và không biểu hiện.

Hỏi: Từng có việc không phải thân tạo tác mà phạm tội sát sinh chăng?

Đáp: Có. Đó là lên tiếng ra lệnh người khác giết.

Hỏi: Từng có không hề phát ra lời nói mà phạm tội nói lời hư dối chăng?

Đáp: Có. Đó là do thân ra dấu (khoát tay, lắc đầu v.v…)

Hỏi: Từng có việc tự thân không ra làm cũng không nói thành tiếng mà cùng phạm hai tội chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là có bậc tiên nhân ý giận dữ, nhưng lúc làm lễ Bố-sái-tha (Bố-tát) thì im lặng chứng tỏ mình trong sạch không phạm tội.

HẾT – QUYỂN 118