LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 117

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TÀ NGỮ, phần 2

Có luật nghi, có không luật nghi. Có kẻ sống theo luật nghi, có kẻ sống không theo luật nghi.

Thế nào là luật nghi? Nghĩa là có bảy thứ, tức lìa bỏ đoạn hại sinh mạng cho đến lìa bỏ nói lời uế tạp.

Thế nào là không luật nghi? Nghĩa là cũng có bảy thứ, tức đoạn hại sinh mạng cho đến nói lời uế tạp.

Thế nào là kẻ sống theo luật nghi? Nghĩa là có bảy thứ chúng: 1. Bí-sô. 2. Bí-sô-ni. 3. Chánh học. 4. Cần sách nam (Sa-di nam). 5.

Cần sách nữ (Sa-di nữ). 6. Cận sự nam (Cư sĩ nam). 7. Cận sự nữ (Cư sĩ nữ).

Thế nào là kẻ sống không theo luật nghi? Nghĩa là có mười hai thứ thuộc nhòm không luật nghi, là những kẻ làm các sự việc: 1. Giết dê. 2. Giết gà vịt. 3. Mổ heo. 4. Bắt chim. 5. Bắt cá. 6. Săn bắn. 7. Làm giặc cướp. 8. Làm nem chả. 9. Bắt rồng. 10. Giữ ngục. 11. Nấu thịt chó. 12. Nghề Bà cụ lý ca.

Trong đây, nói kẻ giết dê: Do để nuôi sống nên luôn có tâm giết hại, hoặc mua bán, chăn nuôi, đoạn mạng. Tất cả các sự việc như thế đều thuộc về nghề giết dê. Kẻ làm nghề giết gà vịt, mổ heo… cũng như vậy. Kẻ bắt chim để nuôi sống nên cố bắt rất nhiều chim. Kẻ câu bắt cá cũng như thế. Kẻ bắt rồng vì để nuôi sống nên cũng hành tập chú thuật để bắt nhiều rắn lạ, hoặc nói là bắt voi… Còn kẻ nấu thịt chó, tức là đám người Chiên-đồ-la, những kẻ uế ác. Riêng về nghề Bà-cụ-lý-ca, tức là có một loài thú tên là Bà-cụ-la, tức là một loại rắn độc lớn thường ở nơi đồng trống vắng, bắt nuốt các khách buôn vãng lai. Có người chuyên dò xét giết loài thú này, bắt những kẻ buôn bán hay đi qua những nơi ấy phải đóng tiền để nuôi sống mình, do đó gọi là nghề Bà-cụ-lý-ca. Có thuyết nói: Hay đặt bẫy sập gọi là Bà-cụ-la. Có người vì để nuôi sống mình nên thường giăng đặt bẫy sập để bắt các loài chim thú, gọi là Bà-cụ-lý-ca. Có thuyết nói: Kẻ chủ thợ săn gọi là Bà-cụ-lý-ca, như có tụng nói:

Nai thoát khổ Bà-cụ-lý-ca

Trọn không lao vào Bà-cụ-la

Người trí lìa phàm tục xuất gia

Trọn không còn bị khổ bức bách.

Tôn giả Diệu Âm nói: Như nhận lệnh cấp trên tra tấn thẩm vấn kẻ bị giam cầm, mặc tình khảo tra đánh đập gây khổ sở, hoặc định đoạt các điều phi lý, hoặc theo tâm ác thu thuế một cách tàn nhẫn.

Các sự việc như thế đều gọi là sống không theo luật nghi.

Hỏi: Theo pháp các luật nghi phải làm lễ thọ nhận mới thành, còn không luật nghi cũng phải làm như thế chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Cũng phải có thọ nhận. Như tay cầm binh khí và thề từ hôm nay cho đến trọn đời, luôn làm các nghề này để tự nuôi sống. Từ lúc đó là đã thuộc nhóm không có luật nghi.

Lại có thuyết cho: Tuy có cầm binh khí và tự thệ nguyện, nhưng những người ấy chưa phải thuộc về nhóm không có luật nghi. Vì phải đủ hai duyên mới thành: 1. Do hành nghề. 2. Do nhận việc.

Do hành nghề: Nghĩa là sinh trong nhà thuộc nhóm không luật nghi, ngay khi đầu tiên làm việc giết hại v.v… lúc đó đã thuộc nhóm không luật nghi.

Do nhận việc: Nghĩa là sinh vào các gia đình khác, nhưng vì kiếm sống nên mang tâm giết hại, đến các nơi chốn chuyên giết gà dê v.v… là nhóm không luật nghi, thề từ hôm nay cho đến trọn đời, xin chọn nghề này làm sinh kế. Bấy giờ kẻ kia đã thuộc nhóm không luật nghi.

Lại có thuyết nêu: Đây cũng là thời gian đầu tiên kẻ kia hành nghề như thế mới được xem là thuộc nhóm không luật nghi tức chỉ cần một duyên là thành.

Nếu có kẻ dùng tâm phẩm hạ khởi các nghiệp hữu biểu để thọ nhận các luật nghi, thì toàn bộ chúng đồng phần của người ấy tùy chuyển theo các luật nghi phẩm hạ. Tuy sau này kẻ ấy có gắng sức khởi thân ngữ ý thâu giữ các hành ác và hành diệu, nhưng luật nghi kia luôn chuyển theo phẩm hạ, lại không tăng trưởng.

Nếu có kẻ dùng tâm phẩm trung khởi các nghiệp hữu biểu để thọ nhận các luật nghi, thì toàn bộ chúng đồng phần của người ấy tùy chuyển theo các luật nghi phẩm trung. Tuy sau này người kia có gắng sức khởi thân ngữ ý thâu giữ các hành ác và hành diệu, nhưng luật nghi kia luôn chuyển theo phẩm trung, không tăng không giảm.

Nếu có người dùng tâm phẩm thượng khởi các nghiệp hữu biểu để thọ nhận các luật nghi thì hết thảy chúng đồng phần của người ấy tùy chuyển theo các luật nghi phẩm thượng. Tuy sau này người kia có gắng sức khởi thân ngữ ý thâu giữ các hành ác và hành diệu, nhưng luật nghi ấy luôn chuyển theo phẩm thượng, lại không tổn giảm nên được như thế.

Hỏi: Từng có Bí-sô mới tu học thành tựu luật nghi phẩm thượng còn A-la-hán thành tựu luật nghi phẩm hạ chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là có những Bí-sô mới tu học, dùng tâm phẩm thượng khởi nghiệp hữu biểu thọ nhận các luật nghi, còn có A-la-hán dùng tâm phẩm hạ khởi nghiệp hữu biểu thọ nhận các luật nghi. Như thế Bí-sô mới tu học thành tựu luật nghi phẩm thượng, còn A-la-hán thành tựu luật nghi phẩm hạ.

Nếu có người lần đầu tiên dùng triền phẩm hạ để đoạn mạng chúng sinh, thì đối với chúng sinh này thuộc về việc đoạn sinh mạng phẩm hạ và không luật nghi bao gồm các nghiệp hữu biểu vô biểu. Còn đối với thân của tất cả hữu tình khác chỉ là không luật nghi phẩm hạ gồm thâu nghiệp không vô biểu.

Nếu về sau này người ấy tùy dùng triền phẩm thượng trung hạ để đoạn mạng chúng sinh, thì đối với chúng sinh này chỉ là đoạn sinh mạng phẩm hạ trung thượng gồm thâu các nghiệp hữu biểu vô biểu, lại không được là không luật nghi gồm thâu các nghiệp hữu biểu vô biểu, vì trước đã được.

Như thế, nếu lần đầu tiên dùng triền phẩm trung, dùng triền phẩm thượng nói rộng cũng như vậy.

Việc đoạn sinh mạng v.v… tùy từng trường hợp riêng biệt mà dần được nghiệp không luật nghi cùng có được tức khắc khắp.

Hỏi: Như kẻ giết dê không muốn giết hại các chúng sinh khác, vì sao nói người này đối khắp tất cả các hữu tình thuộc về nhóm không luật nghi?

Đáp: Tuy ở nơi xứ có dê khởi lên không luật nghi, nhưng tất cả các hữu tình đều có các uẩn, xứ giới như dê. Lại, cảnh giới nơi tâm ác của người ấy rộng khắp, nên đối với tất cả được không luật nghi là không có điều ấy để phân biệt. Nếu như các hữu tình đều tạo thành hình dạng của dê đi đến đứng trước kẻ ấy thì kẻ ấy đối với tất cả đều khởi tâm ác, đều muốn giết hại. Thế nên đối với tất cả hữu tình đều thuộc về nhóm không luật nghi.

Kẻ sống không luật nghi, có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, không phải do tất cả chi, không phải do tất cả các nhân. Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, do tất cả các chi không phải do tất cả các nhân. Có người đối với tất cả các hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, do tất cả nhân không phải do tất cả chi. Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi do tất cả chi, do tất cả nhân. Nếu do tất cả chi, do tất cả nhân thuộc nhóm không luật nghi, không phải đối với tất cả hữu tình, thì loại này không có.

Tất cả hữu tình: Tức là tất cả loài hữu tình.

Tất cả các chi: Tức là từ đoạn hại sinh mạng cho đến nói lời uế tạp.

Tất cả các nhân: Tức là các triền phẩm hạ trung thượng, hoặc là tham sân si.

Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, không phải do tất cả chi, không phải do tất cả nhân: Nghĩa là dùng triền phẩm hạ để đoạn mạng chúng sinh, hoặc phẩm trung hoặc phẩm thượng không phải là thứ khác, cũng không khởi chi khác.

Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, do tất cả chi, không phải do tất cả nhân: Nghĩa là dùng triền phẩm hạ đoạn mạng chúng sinh cho đến nói lời uế tạp, hoặc phẩm trung hoặc phẩm thượng không phải các thứ khác.

Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, do tất cả nhân, không phải do tất cả chi: Nghĩa là dùng triền phẩm hạ trung thượng để đoạn mạng chúng sinh không khởi các chi khác.

Có người đối với tất cả hữu tình thuộc nhóm không luật nghi, do tất cả các chi, do tất cả các nhân: Nghĩa là dùng triền phẩm hạ trung thượng để đoạn mạng chúng sinh cho đến nói lời uế tạp.

Người sống theo luật nghi: Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi không phải do tất cả chi, không phải do tất cả nhân. Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, do tất cả các chi, không phải do tất cả nhân. Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, do tất cả chi, cũng do tất cả nhân.

Nếu đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, do tất cả nhân, không phải do tất cả chi, thì loại này không có.

Nếu do tất cả chi và do tất cả nhân, sống theo luật nghi, nhưng không phải đối với tất cả hữu tình, thì loại này cũng không có.

Nói tất cả hữu tình: Tức là tất cả các loài hữu tình.

Tất cả chi: Tức là từ lìa bỏ đoạn hại sinh mạng cho đến lìa bỏ nói lời uế tạp.

Tất cả nhân: Tức là tâm phẩm hạ trung thượng, hoặc không có tham sân si.

Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, không phải do tất cả chi, không phải do tất cả nhân: Nghĩa là dùng tâm phẩm hạ thọ nhận giới cận sự và cần sách. Hoặc dùng phẩm trung, phẩm thượng, hoặc cả hai không phải là thứ khác.

Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, do tất cả chi, không phải do tất cả nhân: Nghĩa là dùng tâm phẩm hạ thọ nhận các giới từ cận sự cho đến Bí-sô. Hoặc dùng phẩm trung, phẩm thượng, hoặc cả hai không phải là thứ khác.

Có người đối với tất cả hữu tình sống theo luật nghi, cũng do tất cả chi cũng do tất cả nhân: Nghĩa là dùng tâm phẩm hạ trung thượng, như thứ lớp thọ nhận các giới Cận sự, Cần sách và Bí-sô.

Hỏi: Nếu người dùng tâm phẩm hạ trung thượng như thứ lớp khi thọ nhận giới cận trụ, cận sự, cần sách, tức đối với tất cả hữu tình gọi là sống theo luật nghi, cũng do tất cả nhân không phải do tất cả chi, vì sao lại nói là không?

Đáp: Ở đây chỉ căn cứ vào suốt đời sống theo luật nghi để tạo luận, không căn cứ vào ngày đêm thọ trì. Vì sao? Vì đó gọi là trai giới, còn ở trong luật nghi thì không quyết định.

Hỏi: Như người thọ luật nghi, ở nơi phẩm hạ về sau lại được phẩm trung, ở nơi phẩm trung về sau lại được phẩm thượng, vậy thì kẻ không luật nghi cũng như thế chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Như được luật nghi thì không luật nghi cũng như thế. Vì sao? Vì các luật nghi thiện đã tạo công dụng lớn, phải tạo gia hạnh lớn hãy còn thường xuyên được huống là không luật nghi.

Như thế nên nói: Sống theo luật nghi thì dần dần được, không phải là sống không luật nghi. Vì sao? Vì sống theo luật nghi thì khó được, vì khó được nên dần dần thọ nhận và dần dần đạt được. Còn sống không luật nghi thì dễ được, vì dễ được nên nhận tức thì và được tức thì.

Hỏi: Như nơi luật nghi thiện nhưng có chi không đủ, vậy các kẻ không luật nghi cũng như thế chăng?

Đáp: Các Luận sư ở nước Kiện-đà-la nói: Những nghiệp không luật nghi thường có các chi không đủ. Nếu các hữu tình sinh trong những nhà không sống theo luật nghi lại bị câm ngọng thì chúng đồng phần hoàn toàn không thể ngôn thuyết, người này chỉ được ba thân nghiệp thuộc về không luật nghi, không có bốn ngữ nghiệp.

Các Luận sư nước Ca-thấp-di-la thì nói: Các kẻ không luật nghi không có chi nào là không đủ. Như những vị dần dần thọ nhận các luật nghi thiện, có những chi không đủ, còn các kẻ không luật nghi thì không như thế, vì không thọ nhận dần dần, vì dễ có thể được.

Hỏi: Những kẻ không luật nghi khi thọ giới bát quan trai là bỏ nhóm không luật nghi, được nhập vào nhóm có luật nghi. Đến sáng hôm sau bỏ nhóm luật nghi trở lại thành nhóm không luật nghi chăng?

Đáp: Các Luận sư nước Kiện-đà-la nói: Những kẻ sống không luật nghi khi thọ giới bát quan trai tức bỏ nhóm không luật nghi nhập vào nhóm luật nghi. Đến sáng hôn sau, bỏ nhóm luật nghi trở lại nhóm không luật nghi. Khi đã thuộc nhóm luật nghi thì đoạn dứt nhóm không luật nghi, khi bỏ nhóm luật nghi thì nhóm không luật nghi tiếp tục.

Các Luận sư nước Ca-thấp-di-la đều cho: Những kẻ sống không luật nghi khi thọ giới bát quan trai thì bỏ nhóm không luật nghi nhập vào nhóm luật nghi. Cho đến sáng hôm sau, khi bỏ nhóm luật nghi vẫn không thuộc về nhóm không luật nghi mà thuộc về nhóm luật nghi. Vì khi bỏ nhóm không luật nghi, lại bỏ nhóm luật nghi là hết sức khác biệt, thế nên lúc ấy gọi là không phải luật nghi cũng không phải là không luật nghi. Còn nếu người ấy nơi chúng đồng phần không gây tạo nghiệp nữa thì không thuộc nhóm không luật nghi, nếu gây tạo nữa thì trở lại thuộc về nhóm không luật nghi.

Có bốn duyên khiến phải bỏ đời sống luật nghi: 1. Bỏ việc tu học. 2. Sinh ra là bán nam bán nữ (Hai hình). 3. Đoạn dứt căn thiện. 4. Bỏ chúng đồng phần.

Những bậc trì giới lại nói khi chánh pháp diệt là duyên thứ năm. Nghĩa là khi chánh pháp diệt thì tất cả việc tu học, hàng xuất gia thọ giới cụ túc, việc yết-ma kiết giới v.v… cũng đều dứt hết, thế nên bấy giờ luật nghi cũng bỏ. Như thế nên nói: Nên biết bấy giờ những ai từ trước đã sống theo luật nghi sẽ không bỏ. Những người đã xuất gia cũng gọi là xuất gia, ai đã thọ giới cụ túc vẫn còn là kẻ thọ giới cụ túc. Nhưng những người chưa xuất gia thì không còn xuất gia, người chưa thọ giới cụ túc không còn thọ giới cụ túc nữa. Căn cứ vào đấy nên nói tất cả đều diệt dứt.

Những kẻ không luật nghi do bốn duyên nên bỏ: 1. Thọ luật nghi biệt giải thoát. 2. Chứng được luật nghi tĩnh lự. 3. Sinh ra là bán nam bán nữ (Hai hình). 4. Bỏ chúng đồng phần.

Hỏi: Như nơi luật nghi thiện bỏ việc tu học thì nơi không luật nghi cũng như thế chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nếu có thể quyết định bỏ các dụng cụ giết hại lúc đó là bỏ đời sống không luật nghi. Như thế thì nên nói: Tuy lại quyết định bỏ các dụng cụ giết hại nhưng nếu không thọ giới để được luật nghi thiện thì rốt cuộc cũng không được gọi là bỏ không luật nghi.

***

* Có ba hành ác và ba thứ quanh co uế trược, cho đến nói rộng. Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba hành ác và ba thứ quanh co uế trược. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Vì ở phẩm trước đã phân biệt về ba hành ác nhưng chưa phân biệt về ba thứ quanh co uế trược. Nay muốn phân biệt nên tạo ra phần Luận này.

Ba thứ quanh co, uế trược: Tức là thân quanh co, uế trược. Ngữ quanh co, uế trược. Ý quanh co, uế trược.

Thế nào là ba thứ quanh co? Đó là do dua nịnh khởi lên các nghiệp thân, ngữ, ý. Vì sao? Vì dua nịnh gọi là quanh co. Do tướng quanh co nên pháp dấy khởi ba nghiệp gọi là quanh co, là quả của nó.

Hỏi: Lại do nhân duyên gì dua nịnh gọi là quanh co?

Đáp: Là do trái với tướng ngay thẳng. Như có tụng nói:

Các thứ quanh, vòng, cong

Không bằng, không ngay thẳng

Rừng rậm hiểm, hầm lầy

Là đều dụ dua nịnh.

Lại có thuyết cho: Vì các hữu tình dua nịnh, gây tổn hại nhiễm ô nên khó thoát khỏi sinh tử, khó chứng nhập Niết-bàn, cũng như cây cong vẹo thì khó kéo ra khỏi rừng rậm, khó đưa được vào xóm làng. Đây cũng như thế, nên gọi là quanh co.

Lại có thuyết nói: Vì các hữu tình dua nịnh gây tổn hại, nhiễm ô, nên các sự việc đã làm sắp hiện tiền thì trở lại dứt bỏ. Sắp được nêu bày thì trở lại im bặt. Vì tánh nó hiểm ác nên khó nhận được ý sâu xa, khó có thể cùng giao kết hòa hợp, nên gọi là quanh co.

Lại có thuyết nêu: Vì các hữu tình dua nịnh gây tổn hại, nhiễm ô, nên các bậc thông tuệ đều phải xa lìa. Như người ưa thích thanh tịnh thì tránh xa chốn gò mả đầy thây chết xú uế. Vì kẻ chánh trực chán ghét nên gọi là quanh co.

Lại có thuyết biện: Vì các hữu tình dua nịnh gây tổn hại, nhiễm ô, nên cả chư Phật đối với chúng cũng bỏ bớt tâm đại bi. Như bệnh nhân dua nịnh lương y cũng từ bỏ. Vì làm chướng ngại sự hóa độ chân chánh nên gọi là quanh co.

Hỏi: Dua nịnh có ở xứ nào?

Đáp: Có ở cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, không có ở các địa trên. Hỏi: Vì sao ở các địa trên không có dua nịnh?

Đáp: Vì các địa trên đối với dua nịnh không phải là nơi chốn thích hợp, không phải là địa, không phải là chỗ nương dựa. Vì không phải là nơi chốn thích hợp, không phải là địa, không phải là chỗ nương dựa, nên nơi các cõi đó không có dua nịnh.

Lại có thuyết nói: Vì trừ bỏ dua nịnh để hướng đến địa trên. Nếu nơi địa trên lại có dua nịnh thì không nên gia hạnh để cầu đạt địa trên. Nếu pháp ở địa dưới nơi địa trên cũng có thì không cần phải lập ra pháp diệt lần lượt. Nếu không thiết lập pháp diệt lần lượt tức là có pháp diệt rốt ráo. Nếu không có pháp diệt rốt ráo thì không có giải thoát. Nếu không có giải thoát thì cũng không có sinh tử, tức tất cả các pháp là không. Nhằm khiến không có lỗi như thế, nên ở địa trên không có dua nịnh.

Lại có thuyết cho: Nếu ở xứ nào có lập ra vua tôi, chủ tớ, cao thấp khác nhau thì ở đó có dua nịnh. Vì ở địa trên không có sự việc đó, thế nên không có dua nịnh. Khi có vua tôi, chủ tớ, cao thấp khác nhau, tất mọi người đều đem sự dua nịnh quanh co để giao tiếp.

Lại có thuyết nêu: Nếu ở nơi chốn nào có các thức thân, có tầm có tứ, có tự tánh của các nghiệp thân ngữ biểu hiện tất có sự dua nịnh. Các pháp như thế ở các địa trên đều không có, nên ở đấy không có dua nịnh.

Thế nào là ba thứ cấu uế? Tức là do sân giận khởi lên các nghiệp thân, ngữ, ý. Vì sao? Vì sân giận gọi là uế. Do tướng của uế nên pháp khởi lên ba nghiệp gọi là cấu uế, là quả của nó.

Hỏi: Các thứ phiền não đều là cấu uế. Như có tụng nói:

Các cỏ uế thế gian

Gây nhiễm ô ruộng tốt

Các uế tham như thế

Nhiễm ô các hàm thức.

Các cỏ uế thế gian

Gây nhiễm ô ruộng tốt

Các uế uế như thế

Nhiễm ô các hàm thức.

Các thứ mạn, ái, vô minh và các phiền não khác, tụng cũng nói như thế. Vì sao trong đây chỉ nói sân giận là uế?

Đáp: Tuy các thứ phiền não đều gọi là cấu uế, nhưng chỉ có sân giận có hai tên uế, nên gọi riêng nó là uế. Như tụng trên nói: Các uế uế như thế, Nhiễm ô các hàm thức.

Lại có thuyết biện: Do sân giận này làm cấu uế sự nối tiếp của mình, làm cấu uế sự nối tiếp của người khác hơn hẳn các thứ phiền não khác nên gọi là uế.

Thế nào là làm cấu uế sự nối tiếp của mình? Nghĩa là nếu khi giận dữ hiện tiền thì tay chân múa may, thân thể run rẩy, nhăn nhó dữ tợn, cử động không yên, như người bị quỷ ám không hề thấy vui.

Thế nào là làm cấu uế sự nối tiếp của người khác? Nghĩa là nếu khi giận dữ làm não loạn người khác thì khiến họ bị cấu nhiễm, hoặc bị đánh đập cả đến mất mạng.

Hỏi: Nơi chốn nào có sân giận?

Đáp: Ở cõi dục, không có nơi hai cõi trên.

Hỏi: Vì sao ở hai cõi trên không có sân giận?

Đáp: Vì hai cõi đó không phải là nơi chốn thích hợp, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nói: Vì trừ bỏ sân giận để cầu hướng đến hai cõi trên. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết cho: Nếu ở nơi chốn nào có các kiết keo kiệt, ganh ghét tất có giận dữ. Vì sao? Vì các hữu tình dựa vào các kiết keo kiệt, ganh ghét khởi giận dữ đối với sự nối tiếp của người khác. Ở các cõi trên không có các sự việc đó, nên không có giận dữ.

Lại nữa, nếu ở nơi chốn nào có không hổ không thẹn tất có giận dữ. Nơi các cõi trên thì không như thế.

Lại nữa, nếu ở nơi chốn nào có các khổ căn, ưu căn tất có giận dữ. Ở các cõi trên thì không như thế.

Lại nữa, nếu ở nơi chốn nào có các nam căn, nữ căn tất có giận dữ. Ở các cõi trên không có các sự việc đó.

Lại nữa, nếu ở nơi chốn nào có ái đoạn thực cùng ái dâm dục tất có giận dữ. Ở các cõi trên không có sự việc đó… Đều giải thích như trước, thế nên ở các cõi trên không có giận dữ.

Lại có thuyết nói: Nếu ở nơi chốn nào có nhân oán hại tất có giận dữ. Nhân oán hại tức là chín sự sầu não. Ở cõi sắc và vô sắc không có nhân oán hại nên không có giận dữ. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: Khi duyên với nhân oán hại thì khiến giận dữ.

Hoặc có thuyết cho: Nếu khi thân thể là chỗ nương dựa bị khô nóng, thô tháo dấy mạnh tức có giận dữ. Ở các cõi trên, thân thể làm chỗ nương dựa thì nhu hòa, êm dịu nên không có giận dữ.

Lại có thuyết nêu: Ở cõi sắc và vô sắc có pháp đối trị giận dữ, nghĩa là pháp đẳng dẫn từ (Tam ma địa từ) nên không có giận dữ. Như ở chốn nào có gió Phệ-lam-bà thì ở nơi đó trên bầu trời không có một đám mây nào. Ở các cõi trên cũng thế. Vì có Từ trong Tamma-địa (Đẳng dẫn) đối trị giận dữ, tức có gió Phệ-lam-bà nên mây sân giận không trụ nơi ấy.

Thế nào là ba thứ vẩn đục (Trược)? Nghĩa là do tham khởi lên các nghiệp thân, ngữ, ý. Vì sao? Vì tham được gọi là vẩn đục. Do tướng vẩn đục nên pháp khởi lên ba nghiệp gọi là vẩn đục, là quả của nó.

Hỏi: Do nhân duyên gì tham được gọi là vẩn đục?

Đáp: Do có thể làm nhiễm đục. Nhiễm sắc ở thế gian gọi là vẩn đục. Như thế gian nói: Rễ vẩn đục, thân vẩn đục, cành, lá, hoa quả vẩn đục. Ở đây đều có thể cấu nhiễm nên gọi là vẩn đục.

Lại nữa, vẩn đục là nghĩa hèn kém. Thế gian đều cho kẻ nhiều tham dục là vẩn đục, hèn kém.

Lại nữa, vẩn đục nghĩa là không trong sạch. Do tham che lấp tâm, hành tập gần gũi với các pháp nhiễm ô, lánh bỏ các pháp thanh tịnh.

Hỏi: Tham có ở chốn nào?

Đáp: Tham có ở cõi dục cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đã nói về tự tánh, nay sẽ hiển bày về tướng xen lẫn và không xen lẫn của chúng.

Ba hành ác gồm thâu ba thứ quanh co, uế trược (vẩn đục) hay ba thứ quanh co, uế trược gồm thâu ba hành ác?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp.

1. Có thứ là hành ác không phải là quanh co, uế trược. Nghĩa là trừ dua nịnh, sân giận và tham lam khởi lên các hành ác của thân, ngữ, ý ở cõi dục, còn lại là các hành ác của thân, ngữ, ý khác.

2. Có thứ là quanh co, uế trược không phải là hành ác. Nghĩa là các thứ dua nịnh, tham lam khởi lên các nghiệp ác của thân, ngữ, ý ở tĩnh lự thứ nhất và tham khởi lên ý nghiệp ở các cõi sắc và vô sắc khác.

3. Có thứ là hành ác cũng là quanh co, uế trược. Nghĩa là dua nịnh, sân giận, tham lam khởi lên các hành ác của thân, ngữ, ý ở cõi dục.

4. Có thứ không phải là hành ác cũng không phải là quanh co, uế trược. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng tức là tên gọi của đối tượng, như trước đã nói. Tức là nơi sắc uẩn thì trừ sắc bất thiện và dua nịnh, tham lam khởi lên các sắc hữu phú vô ký, lấy các sắc uẩn khác. Trong hành uẩn thì trừ tư (ý nghĩ) bất thiện, tham lam, sân giận, tà kiến, cùng dua nịnh và tham lam đã khởi các tư hữu phú vô ký, lấy các hành uẩn tương ưng và không tương ưng khác. Cũng lấy ba uẩn hoàn toàn và pháp vô vi. Tất cả các thứ vừa kể hợp thành trường hợp thứ tư, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Trong đây, có hai thứ cùng khởi, tức là nhân cùng khởi và sátna cùng khởi. Nhân cùng khởi gọi là tâm có thể chuyển, còn sát-na cùng khởi gọi là tâm tùy chuyển.

Hỏi: Năm thức cũng có khả năng tạo nên hai thứ cùng khởi, phát sinh các nghiệp thân ngữ chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Năm thức không thể phát sinh các nghiệp thân ngữ. Vì sao? Vì chỉ có ý thức tạo sự tùy chuyển cho các nghiệp thân và ngữ khiến chúng hiện tiền. Còn năm thức thì không thể hoạt động, cũng không tạo được sự tùy chuyển, nên không thể khiến các nghiệp ấy hiện tiền.

Hỏi: Nếu thế thì như nói: Tự thấy nghiệp biểu hiện của thân, tự nghe nghiệp biểu hiện của ngữ, ba thức nhận biết thì lời nói ấy làm sao thông?

Đáp: Không thấy các biểu hiện của thân chỉ thấy các tướng khác. Không nghe các biểu hiện của ngữ chỉ nghe các tiếng khác. Tức do nghĩa đó nên gọi là thấy, là nghe. Còn ba thức nhận biết là duyên với thân nghiệp của người khác không phải là thân nghiệp của mình.

Lại có thuyết nói: Năm thức cũng có khả năng phát sinh các nghiệp thân ngữ do ý thức làm chủ thể chuyển cũng làm tùy chuyển. Tuy năm thức này không làm chủ thể chuyển nhưng làm tùy chyển để phát sinh các nghiệp ấy.

Nếu nói như thế tức là khéo thông suốt về tự thấy các biểu hiện của thân, tự nghe các biểu hiện của ngữ. Vì sao? Vì nếu do ý thức làm chủ thể chuyển và tùy chyển, thì cũng dùng nhãn thức làm tùy chuyển liền thấy được các biểu hiện của thân. Nếu do ý thức làm chủ thể chuyển và tùy chyển, thì cũng dùng nhĩ thức làm tùy chyển liền nghe được các biểu hiện của ngữ. Về ba thức nhận biết thì cũng duyên với nghiệp của mình mà cũng duyên với nghiệp của người khác.

Tôn giả Tăng-già-phạt-tô nói: Năm thức cũng có thể phát sinh các nghiệp của thân ngữ, làm nhân cùng khởi và sát-na cùng khởi. Vì sao? Vì như có người trước đó không tác ý, bất chợt bị kẻ khác nhào vào đánh càn, người ấy lập tức đánh lại. Ngay lúc đó không cần đợi suy nghĩ: “Ta cần phải đánh lại tên này”. Tức biết đó là thức trụ ở thân đánh lại. Thế nên năm thức cũng có thể phát khởi hai nghiệp thân ngữ làm nhân cùng khởi và sát-na cùng khởi.

Như thế thì nên nói: Năm thức không thể làm nhân cùng khởi để phát sinh các nghiệp thân ngữ. Vì sao? Vì ý thức đã làm chủ thể chuyển và tùy chuyển cho các nghiệp thân ngữ, còn năm thức chỉ làm tùy chuyển không làm chủ thể chuyển.

Trong đây, nếu tâm thiện làm chủ thể chuyển thì chính tâm thiện cũng làm tùy chuyển. Nếu tâm nhiễm ô làm chủ thể chuyển thì chính tâm nhiễm ô cũng làm tùy chuyển. Nếu tâm của đường oai nghi làm chủ thể chuyển thì chính nó cũng làm tùy chuyển. Nếu tâm của xứ công xảo làm chủ thể chuyển thì chính nó cũng làm tùy chuyển, phát sinh ra các nghiệp thân ngữ.

Hỏi: Nếu tâm của đường oai nghi làm chủ thể chuyển, thì cũng chính tâm ấy làm tùy chuyển. Như có người đang đi bỗng thấy các hình tượng Phật thì cùng khởi nhãn thức thiện, hoặc thấy các dâm nữ thì cùng khởi nhãn thức nhiễm ô. Như thế há chẳng phải là thiện và nhiễm ô tùy chuyển cùng phát khởi nghiệp ấy chăng?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là do giác tuệ rất nhanh chóng xoay chuyển khởi lên tăng thượng mạn. Nghĩa là khi đang đi mà khởi nhãn thức này, nhưng thật ra trong lúc đi thì tâm thiện và tâm nhiễm ô không hiện tiền. Nếu khi tâm thiện và tâm nhiễm ô hiện tiền thì liền ngừng lại không đi nữa. Vì tâm thiện và tâm nhiễm ô này chỉ là kẻ bè bạn nên không gọi là cùng khởi.

Lại có thuyết nói: Khi tâm của đường oai nghi phát khởi các nghiệp thì tâm thiện và tâm nhiễm ô giúp đỡ nó phát khởi. Thế nên khi tâm của đường oai nghi hoạt động thì tâm tùy chuyển của nó gồm cả ba thứ là thiện, nhiễm ô và vô ký.

Hỏi: Nếu tâm của xứ công xảo làm chủ thể chuyển thì cũng chính nó làm tùy chuyển. Như người thợ vẽ khi vẽ hình ảnh Phật thì khởi nhãn thức thiện, nhưng khi vẽ hình người nữ thì khởi nhãn thức nhiễm ô. Như thế há chẳng phải là thiện và nhiễm ô tùy chuyển cùng phát khởi ra nghiệp ấy?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói thế này: Do giác tuệ nhanh chóng khởi tăng thượng mạn. Nghĩa là khi vẽ thì khởi nhãn thức ấy nhưng thật ra lúc vẽ thì tâm thiện và tâm nhiễm ô không hiện tiền, nếu tâm thiện và tâm nhiễm ô hiện tiền thì lúc đó ngừng lại không vẽ nữa. Vì tâm thiện và tâm nhiễm ô này chỉ là kẻ bè bạn, không gọi là cùng khởi.

Lại có thuyết nói: Khi tâm của xứ công xảo khởi các nghiệp thì tâm thiện và tâm nhiễm ô giúp nó phát khởi. Thế nên khi tâm của xứ công xảo làm chủ thể chuyển, thì tâm tùy chuyển của nó gồm cả ba thứ: thiện, nhiễm ô, và vô ký.

Hỏi: Vì sao tâm dị thục sinh lại không thể làm hai thứ cùng khởi này để phát khởi các nghiệp thân ngữ?

Đáp: Vì chỉ có tâm mạnh mẽ mới phát khởi các nghiệp thân ngữ, còn tâm dị thục sinh thì tánh yếu kém nên không thể phát khởi được.

Lại có thuyết cho: Nếu các nghiệp thân ngữ do tâm dị thục sinh làm hai thứ cùng khởi để phát khởi, thì các nghiệp thân ngữ ấy lúc đó gọi là gì, là đường oai nghi, là xứ công xảo hay là dị thục sinh? Nếu là đường oai nghi, xứ công xảo thì dị thục làm sao có thể phát khởi được. Còn nếu là dị thục sinh thì các nghiệp thân ngữ này phải là dị thục. Nhưng các nghiệp thân ngữ nhất định không phải là dị thục mà do gia hạnh khởi lên, nên cũng không thể nói là do tâm thiện, tâm nhiễm ô giữ lấy dị thục sinh để khởi lên. Vì thế tâm dị thục sinh này không thể phát khởi các nghiệp thân ngữ.

Lại nữa, nếu tâm do kiến đạo đoạn làm chủ thể chuyển, còn tâm do tu đạo đoạn làm tùy chuyển, hoặc tâm do tu đạo đoạn làm chủ thể chuyển và cũng chính tâm do tu đạo đoạn làm tùy chuyển để phát khởi các nghiệp thân ngữ, thì việc này có thể được. Nếu tâm do kiến đạo đoạn làm chủ thể chuyển và cũng chính tâm ấy làm tùy chuyển, hoặc tâm do tu đạo đoạn làm chủ thể chuyển, còn tâm do kiến đạo đoạn làm tùy chuyển phát khởi các nghiệp thân ngữ… thì nhất định là không có việc này. Vì sao? Vì tâm do kiến đạo đoạn không thể làm sát-na cùng khởi để phát khởi các nghiệp thân ngữ.

Ở đây, nhân luận sinh luận, nên xin hỏi: Vì sao khi trụ vào tâm do kiến đạo đoạn thì không thể làm sát-na cùng khởi để khởi các nghiệp thân ngữ?

Đáp: Vì cần có loại tâm thô thiển, tán loạn mới có thể làm sátna cùng khởi phát sinh các nghiệp thân ngữ, còn tâm do kiến đạo đoạn này thì quá vi tế nên không thể phát khởi được. Lại nữa, tâm ngoại môn chuyển thì có thể làm sát- na cùng khởi phát sinh các nghiệp thân ngữ, còn tâm này vì là nội môn chuyển nên không thể phát khởi được.

Lại có thuyết nêu: Nếu tâm do kiến đạo đoạn có thể làm sát- na cùng khởi để phát sinh các nghiệp thân ngữ thì các nghiệp đó phải gọi là gì? Nói là do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn hay do cả hai đoạn? Nếu do kiến đạo đoạn thì các nghiệp thân ngữ này tức nên không phải là pháp do tu đạo đoạn làm phương tiện nương dựa. Nghĩa là tu đạo đoạn do bốn đại tạo nên. Nếu do tu đạo đoạn, thì không nên lấy tâm do kiến đạo đoạn làm sát-na cùng khởi. Còn nếu do cả hai cùng đoạn, thì cứ một nghiệp khởi lên là phải có hai phần. Như thế thì một pháp lại có hai tự tánh, điều này không thể có được. Thế nên tâm do kiến đạo đoạn không phải là sát-na cùng khởi.

Hỏi: Nếu tâm do kiến đạo đoạn không thể làm sát-na cùng khởi để phát sinh các nghiệp thân ngữ thì các điều nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Các kẻ có tà kiến khởi các nghiệp thân, ngữ, ý… hoặc là suy nghĩ (tư), hoặc cầu mong, hoặc gây tạo… tất cả đều có quả không đáng yêu thích, vừa ý. Vì sao? Vì thứ kiến này bạo ác nên gọi là tà kiến.

Đáp: Đây là căn cứ vào nhân cùng khởi nên nói như thế, không phải dựa vào sát-na cùng khởi, nên không có lỗi.

Lại nữa, nếu tâm của chúng đồng phần này làm chủ thể chuyển tức là tâm của chúng đồng phần ấy cũng làm tùy chuyển, hoặc là tâm của chúng đồng phần khác làm chủ thể chuyển thì cũng chính tâm của chúng đồng phần khác làm tùy chuyển, phát sinh các nghiệp thân ngữ, việc này là có thể được. Nhưng nếu tâm của chúng đồng phần này làm chủ thể chuyển, mà tâm của chúng đồng phần khác làm tùy chuyển để phát khởi các nghiệp thân ngữ thì không thể có việc đó được.

Lại có thuyết biện: Việc đó cũng có thể có được. Nghĩa là như có người phát nguyện mở đại hội bố thí năm năm, nhưng giữa chừng người này mạng chung và nhờ nguyện lực đó được sinh vào nhà giàu sang, nhớ lại việc đã làm nơi kiếp trước nên tiếp tục thực hiện các sự việc xưa đã phát nguyện. Như thế gọi là tâm của chúng đồng phần ấy làm chủ thể chuyển còn tâm chúng đồng phần khác làm tùy chuyển phát sinh các nghiệp thân ngữ.

***

* Có ba hành diệu và ba thứ thanh tịnh, đó là thân, ngữ, ý thanh tịnh, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba hành diệu và ba thứ thanh tịnh. Tuy Khế kinh nói như thế nhưng không biện giải rộng, nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Trong phẩm trước đã phân biệt về ba hành diệu, nhưng chưa phân biệt về ba thứ thanh tịnh. Nay muốn phân biệt chúng nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Ba hành diệu gồm thâu ba thứ thanh tịnh hay ba thứ thanh tịnh gồm thâu ba hành diệu?

Đáp: Tùy theo từng sự việc chúng lần lượt cùng gồm thâu nhau. Vì sao? Vì các thân hành diệu cũng là thân thanh tịnh, các ngữ hành diệu cũng là ngữ thanh tịnh, các ý hành diệu cũng là ý thanh tịnh.

Hỏi: Các hành diệu vô lậu thì xa lìa vĩnh viễn các cấu nhiễm, uế trược nên được gọi là thanh tịnh. Còn các hành diệu hữu lậu thì hãy còn cấu nhiễm uế trược, vì sao nói là thanh tịnh?

Đáp: Hành diệu hữu lậu do phần thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh. Vì sao? Vì hành diệu hữu lậu cũng có thể xa lìa v.v… cho đến các phiền não cấu uế của Vô sở hữu xứ, nên được gọi là thanh tịnh.

Lại có thuyết nói: Các hành diệu hữu lậu có thể dẫn phát và tùy thuận vào các thanh tịnh đệ nhất nghĩa, nên cũng gọi là thanh tịnh.

***

* Có ba hành diệu và ba thứ tịch tĩnh, đó là thân ngữ ý tịch tĩnh, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt rõ nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba hành diệu và ba thứ tịch tĩnh. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng, nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Vì trong phẩm trước đã phân biệt về ba hành diệu nhưng chưa phân biệt về ba thứ tịch tĩnh. Nay vì muốn phân biệt về chúng nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Ba hành diệu và ba thứ tịch tĩnh: Ba hành diệu gồm thâu ba thứ tịch tĩnh, hay ba thứ tịch tĩnh gồm thâu ba hành diệu?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là hành diệu không phải là tịch tĩnh. Nghĩa là trừ hành diệu của thân ngữ vô học, còn lại là các hành diệu của thân ngữ khác và tất cả hành diệu của ý.

2. Có thứ là tịch tĩnh không phải là hành diệu. Nghĩa là các tâm vô học.

3. Có thứ là hành diệu cũng là tịch tĩnh. Nghĩa là hành diệu của thân ngữ vô học.

4. Có thứ không phải là hành diệu cũng không phải là tịch tĩnh. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được gọi của đối tượng, nói rộng như trước. Nghĩa là trong sắc uẩn thì trừ sắc thiện, trong hành uẩn thì trừ không tham, không sân, chánh kiến và các tư (ý) thiện. Thức uẩn thì trừ tâm vô học, lấy các sắc, hành, thức uẩn khác và hai uẩn hoàn toàn (thọ, tưởng) cùng pháp vô vi. Tất cả như thế đều thuộc vào trường hợp thứ tư, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Ba thanh tịnh và ba tịch tĩnh. Vậy ba thanh tịnh gồm thâu ba tịch tĩnh hay ba tịch tĩnh gồm thâu ba thanh tịnh?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là thanh tịnh không phải là tịch tĩnh. Nghĩa là trừ các thân ngữ thanh tịnh vô học, còn lại là các thân ngữ thanh tịnh khác và tất cả ý thanh tịnh. Đây lại là thế nào? Tức là thân ngữ thanh tịnh học, phi học phi vô học và ba thứ ý thanh tịnh, vì ý tịch tĩnh chỉ là tâm vô học.

2. Có thứ là tịch tĩnh không phải là thanh tịnh. Nghĩa là tâm vô học không phải là tánh của nghiệp.

3. Có thứ là thanh tịnh cũng là tịch tĩnh. Nghĩa là thân ngữ thanh tịnh vô học.

4. Có thứ không phải là thanh tịnh cũng không phải là tịch tĩnh. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được nêu của đối tượng, nói rộng như trước.

Hỏi: Vì sao trong năm uẩn có hai uẩn sắc và thức được kiến lập là tịch tĩnh không phải các uẩn khác?

Đáp: Đáng lẽ kiến lập đủ nhưng không kiến lập nên biết trong đây nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại có thuyết cho: Trong đây là chỉ rõ cái đầu tiên và cuối cùng, nên nói như thế. Đầu là sắc uẩn, cuối là thức uẩn. Như nói về đầu và cuối, các thứ như nhập và xuất, hướng tới và đã vượt, phương tiện và cứu cánh nên biết cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Trong đây là chỉ rõ cái rất thô và cái vi tế. Trong năm uẩn, cái rất thô là sắc uẩn, còn cái vi tế là thức uẩn.

Lại có thuyết biện: Tịch tĩnh chân thật nhất chỉ là tâm vô học. Tâm vô học này do cái gì so sánh xét lường? Đó là nghiệp của thân ngữ, nên chỉ có nghiệp thân ngữ vô học và tâm vô học mới lập làm tịch tĩnh.

Hỏi: Vì sao tịch tĩnh chỉ ở bậc vô học?

Đáp: Vì chỉ trong thân vô học mới có thể đạt được tịch tĩnh. Còn trong thân học và phi học phi vô học đều không thể được.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao chỉ trong thân vô học tịch tĩnh mới có thể đạt được, không phải là các thứ khác?

Đáp: Do tịch tĩnh này là pháp tối thắng, nên không phải trong thân yếu kém pháp thù thắng có thể đạt được. Vì sao? Vì nếu nói về pháp thù thắng thì pháp vô học thù thắng hơn pháp phi học v.v… Nếu nói về Bổ-đặc-già-la thù thắng thì Bổ-đặc-già-la vô học thù thắng hơn loại phi học và hữu học.

Lại có thuyết nói: Ý nói trong thân vô học các phiền não đã dứt diệt rốt ráo, vắng lặng viên mãn, nên lập làm tịch tĩnh, còn các thân khác thì không như thế nên không lập.

Hỏi: Các thứ hành diệu, thanh tịnh, tịch tĩnh có gì khác nhau?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Về tên gọi là khác nhau, thứ thì tên hành diệu, thứ thì tên thanh tịnh, thứ thì tên tịch tĩnh.

Lại có thuyết nói: Về nghĩa cũng có sai khác. Như hành diệu có nghĩa là tạo tác khéo léo. Thanh tịnh có nghĩa là thể của nó trong trắng tinh khiết. Tịch tĩnh nghĩa là lìa hết si mê, loạn động.

Lại có thuyết cho: Có thể chiêu cảm quả yêu thích nên gọi là hành diệu. Không xen lẫn phiền não nên gọi là thanh tịnh. Vắng lặng rốt ráo gọi là tịch tĩnh.

Đó là sự khác nhau của ba thứ hành diệu, thanh tịnh và tịch tĩnh. ***

* Các hành ác của thân tất cả đều là thân nghiệp do phi lý dẫn dắt chăng? Nếu như các thân nghiệp do phi lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành ác của thân chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt các nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có thân ngữ ý nghiệp do các phi lý dẫn dắt. Khế kinh tuy nói thế nhưng không biện giải rộng, nói rộng như trước.

Lại có thuyết nêu: Trong phẩm trước tuy đã phân biệt ba thứ hành ác nhưng chưa phân biệt về thân ngữ ý nghiệp do phi lý dẫn dắt. Nay vì muốn phân biệt nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các hành ác của thân tất cả đều là thân nghiệp do phi lý dẫn dắt chăng? Nếu như các thân nghiệp do phi lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành ác của thân chăng?

Đáp: Các hành ác của thân tất cả đều là thân nghiệp do các phi lý dẫn dắt. Vì sao? Vì các hành ác đều trái với lý, vì chúng do tác ý phi lý cùng khởi.

Lại có thân nghiệp do phi lý dẫn dắt không phải là hành ác của thân. Đó là các thân nghiệp hữu phú vô ký và vô phú vô ký.

Thân nghiệp do phi lý dẫn dắt là thân nghiệp hữu phú vô ký: Tức là thân nghiệp khởi lên các phiền não ái, dua nịnh v.v… ở địa tĩnh lự thứ nhất.

Còn thân nghiệp do phi lý dẫn dắt là vô phú vô ký: Tức nên như thế mà đi lại tới lui… nhưng không đi lại tới lui như thế v.v… nói rộng như trước.

Hỏi: Các hành ác của ngữ tất cả đều là ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt chăng? Nếu như các ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành ác của ngữ chăng?

Đáp: Các hành ác của ngữ tất cả đều là ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt. Vì sao? Vì các hành ác đều trái với lý, vì chúng do tác ý phi lý cùng khởi.

Có ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt nhưng không phải là hành ác của ngữ. Nghĩa là ngữ nghiệp hữu phú vô ký và ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký.

Ngữ nghiệp hữu phú vô ký: Tức là ngữ nghiệp khởi lên các thứ ái, dua nịnh ở địa tĩnh lự thứ nhất.

Còn ngữ nghiệp do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký: Tức là nên nêu một lời như thế nhưng không nói v.v… nói rộng như trước.

Hỏi: Các hành ác của ý tất cả là ý nghiệp do phi lý dẫn dắt chăng? Nếu như các ý nghiệp do phi lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành ác của ý chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là hành ác của ý không phải là ý nghiệp do phi lý dẫn dắt. Nghĩa là ba thứ hành ác của ý là tham dục, sân giận và tà kiến.

2. Có thứ là ý nghiệp do phi lý dẫn dắt không phải là hành ác của ý. Nghĩa là ý nghiệp hữu phú vô ký và ý nghiệp do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký. Ý nghiệp hữu phú vô ký: Tức là Tát-ca-da-kiến thuộc cõi dục, biên chấp kiến tương ưng với tư và tư tương ưng với tất cả phiền não ở cõi sắc và vô sắc. Các ý nghiệp do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký: Tức là tư có khả năng khởi lên hai nghiệp thân ngữ do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký như trước đã nói.

3. Có thứ là hành ác của ý cũng là ý nghiệp do phi lý dẫn dắt. Nghĩa là ý nghiệp bất thiện.

4. Có thứ không phải là hành ác của ý cũng không phải là ý nghiệp do phi lý dẫn dắt. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng nghĩa là tên được nêu của đối tượng, nói rộng như trước. Đó là trong hành uẩn có bốn trường hợp, ở đó trừ tham, sân, tà kiến và tư nhiễm ô cùng với tư do phi lý dẫn dắt vô phú vô ký, nhận lấy các hành uẩn tương ưng và không tương ưng khác, cùng với bốn uẩn hoàn toàn và pháp vô vi. Tất cả các thứ đó đều thuộc trường hợp thứ tư, thế nên nói trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các hành diệu của thân tất cả đều là thân nghiệp do đúng lý dẫn dắt chăng? Nếu như các thân nghiệp do đúng lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành diệu của thân chăng?

Đáp: Các hành diệu của thân tất cả đều là thân nghiệp do đúng lý dẫn dắt. Vì sao? Vì tất cả hành diệu đều không hề trái lý, vì chúng do tác ý đúng lý cùng khởi. Có thứ là thân nghiệp do đúng lý dẫn dắt nhưng không phải là hành diệu của thân. Nghĩa là các thân nghiệp do đúng lý dẫn dắt vô phú vô ký. Đây lại là thế nào? Tức là nên như thế mà đi lại tới lui, nhưng có thể như thế mà tới lui đi lại. Nói rộng như trước.

Hỏi: Các hành diệu của ngữ tất cả đều là ngữ nghiệp do đúng lý dẫn dắt chăng? Nếu như các ngữ nghiệp do đúng lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành diệu của ngữ chăng?

Đáp: Các hành diệu của ngữ tất cả đều là ngữ nghiệp do đúng lý dẫn dắt. Vì sao? Vì tất cả hành diệu đều không hề trái lý, vì chúng do tác ý đúng lý cùng khởi. Có thứ là ngữ nghiệp do đúng lý dẫn dắt nhưng không phải là hành diệu của ngữ. Nghĩa là các ngữ nghiệp do đúng lý dẫn dắt vô phú vô ký. Đây lại là thế nào? Tức là nên nói một lời lại nói đúng như thế v.v… Nói rộng như trước.

Hỏi: Các hành diệu của ý tất cả đều là ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt chăng? Nếu như các ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt thì tất cả đều là hành diệu của ý chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là hành diệu của ý không phải là ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt. Nghĩa là ba thứ hành diệu của ý là không tham, không sân và chánh kiến.

2. Có thứ là ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt không phải là hành diệu của ý. Nghĩa là một phần của ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt vô phú vô ký, tức là tư có thể khởi hai nghiệp thân ngữ do đúng lý dẫn dắt vô phú vô ký đã nói ở trước.

3. Có thứ là hành diệu của ý cũng là ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt. Nghĩa là ý nghiệp thiện.

4. Có thứ không phải là hành diệu của ý cũng không phải là ý nghiệp do đúng lý dẫn dắt. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng tức là tên được nêu của đối tượng, nói rộng như trước. Nghĩa là ở hành uẩn có bốn trường hợp, trong đó trừ không tham, không sân, chánh kiến và tư thiện cùng tư do đúng lý dẫn dắt vô phú vô ký, và bốn uẩn hoàn toàn cùng pháp vô vi. Tất cả các thứ ấy đều thuộc trường hợp thứ tư, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

HẾT – QUYỂN 117