LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 102

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ THA TÂM TRÍ, phần 4

Hỏi: Do đâu tâm thời giải thoát gọi là ái?

Đáp: A-la-hán thời giải thoát đối với pháp ấy luôn ân cần giữ gìn, quý mến cất chứa, chớ khiến Ta gặp phải duyên để thoái chuyển, bỏ mất pháp ấy. Như người một mắt thì tự mình và bạn thân đều ân cần giữ gìn, quý mến che chở, tránh các thứ lạnh, nóng, bụi bặm, màng che, khiến mắt còn lại không bị hư hoại. Ở đây cũng như thế, nên gọi là ái. Nghĩa là kẻ độn căn đối với các công đức của mình có tánh quý mến hơn người lợi căn. Cũng như từ bẩm tánh nam nữ, người nữ luôn từ ái hơn người nam.

Lại nữa, A-la-hán thời giải thoát đối với quả giải thoát của mình chưa được tự tại, phải dùng nhiều công sức mới có thể hiện tiền, đã được hiện tiền thì hết sức mừng vui, quý trọng, nên gọi là ái. Còn A-la-hán bất thời giải thoát đối với quả giải thoát của mình hoàn toàn tự tại, dùng ít công sức đã có thể hiện tiền, tức khi hiện tiền thì không quá quý trọng, nên không gọi là ái.

Lại nữa, A-la-hán thời giải thoát công đức còn bị thoái chuyển, do sợ bị thoái chuyển nên luôn khởi hiện tiền, vì thế nên gọi là ái. Còn A-la-hán bất thời giải thoát thì công đức không thoái chuyển, do không còn sợ thoái chuyển nên không thường hiện tiền, do đó không gọi là ái.

Lại nữa, A-la-hán thời giải thoát do đạo tín tăng mạnh để chứng đắc, nên gọi là ái. Còn A-la-hán bất thời giải thoát do đạo tuệ tăng mạnh để chứng đắc, nên không gọi là ái.

Lại nữa, A-la-hán thời giải thoát thì tánh phần nhiều thuận theo thiện, được nhiều người mến thích, nên gọi là ái. Còn A-la-hán bất thời giải thoát thì tánh phần nhiều cứng cỏi, ít kẻ mến thích, nên không gọi là ái. Như hiện nơi đời, người tánh không nhanh nhạy, đa phần là dịu dàng, nhiều người thích gần gũi. Còn người có tánh lanh lợi, nhạy bén, phần nhiều cứng cỏi, ít kẻ thích gần gũi.

Lại nữa, A-la-hán thời giải thoát thì không chán bỏ căn thiện của Thánh đạo, nên gọi là ái. Còn A-la-hán bất thời giải thoát thì có chán bỏ căn thiện của Thánh đạo, nên không gọi là ái. Chán bỏ căn thiện của Thánh đạo là các lớp Tam-ma-địa không không, vô nguyện vô nguyện, vô tướng vô tướng, tương ưng với căn thiện.

Văn của Bản luận này tuy không có hỏi đáp nhưng về nghĩa thì có, nên nay cũng nêu ra.

Hỏi: Do đâu tâm bất thời giải thoát gọi là bất động?

Đáp: Vì thể thù thắng nên gọi là bất động. Như trên thế gian hiện nay có các thức ăn uống đặc biệt, quý hiếm, y phục đẹp đẽ, gọi là bất động, vì không hề bị các vật thấp kém cạnh tranh làm lay chuyển.

Lại nữa, các thứ phiền não như tham v.v… khiến thân tâm của các hữu tình nóng nảy, vội vã, lại khiến các căn thiện bị dao động, ly tán, nên gọi là động. A-la-hán bất thời giải thoát không bị các thứ phiền não như thế lay động, nên gọi là bất động.

Lại nữa, các thứ phiền não như tham v.v… có thể khiến các hữu tình đối với các phần vị hơn kém không an định, nên gọi là động.

A-la-hán bất thời giải thoát không bị các thứ phiền não như thế lay động, nên gọi là bất động. Cũng như một người dũng mãnh thì không một địch thủ nào có thể lay động, nên gọi là bất động.

Lại nữa, A-la-hán bất thời giải thoát nhất định không hề thoái mất công đức, nên gọi là bất động. Như một tay thiện xạ bắn là trúng đích, nên gọi là kẻ bất động.

Như Khế kinh nói: Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Nếu có Bí-sô, Bísô-ni, thành tựu được ngọc báu Mạt-ni là tâm bất động giải thoát thì có khả năng đoạn dứt được các pháp bất thiện, tu tập các pháp thiện.

Hỏi: Vì sao tâm bất động giải thoát gọi là ngọc báu Mạt ni?

Đáp: Vì tâm bất động giải thoát rất bền chắc, rất thù thắng, vi diệu, không tỳ vết, rất trong sáng, không cấu bẩn, rất sạch, khó được, ai cũng ưa thích, nên gọi là ngọc báu Mạt ni.

Lại nữa, do tâm bất động giải thoát có khả năng phá tan bóng tối vô minh, nên gọi là ngọc báu Mạt ni. Như lấy viên ngọc Mạt ni sáng chói để giữa ngôi nhà tối, nó có khả năng xua tan bóng tối, làm sáng tỏ các vật. Như vậy, đem tâm bất động giải thoát là ngọc báu Mạt ni đặt vào sự nối tiếp tức có thể xua tan vô minh, tối tăm, làm sáng tỏ mọi vật.

Lại nữa, do tâm bất động giải thoát có khả năng diệt trừ các trần cấu của phiền não, nên gọi là ngọc báu Mạt ni. Như ngọc báu Mạt ni của nước trong đem đặt vào nước đục thì nước đục liền lắng sạch. Như thế, đem tâm bất động giải thoát là ngọc báu Mạt ni đặt vào sự nối tiếp tức có thể xua tan hết mọi trần cấu phiền não.

Lại nữa, do tâm bất động giải thoát khéo an trụ, nên gọi là ngọc báu Mạt ni. Như ngọc báu Mạt ni vuông v.v… tùy theo chỗ đặt tức khéo an trụ. Như thế, đem tâm bất động giải thoát là ngọc báu Mạt ni đặt vào sự nối tiếp tức khéo an trụ nhất định không thoái mất.

Lại nữa, do tâm bất động giải thoát có khả năng diệt trừ sự nghèo thiếu về Thánh tài, nên gọi là ngọc báu Mạt ni. Như đặt ngọc báu Mạt ni vô giá trong ngôi nhà thì có khả năng đưa đến tiền của, vật báu thoát khỏi sự nghèo khổ. Như thế, đem tâm bất động giải thoát là ngọc báu Mạt ni đặt vào sự nối tiếp tức có thể đưa đến Thánh tài, dẹp trừ sự thiếu thốn về công đức.

Lại nữa, do tâm bất động giải thoát có khả năng tạo lợi ích cho các hữu tình, nên gọi là ngọc báu Mạt ni. Như ngọc báu Như ý gắn trên đầu ngọn cờ cao, tùy theo ý ưa thích mưa xuống các vật báu cứu giúp đầy đủ cho trăm ngàn hữu tình nghèo thiếu. Như thế, Đức Thế Tôn cũng đem ngọc báu Mạt ni của tâm bất động giải thoát đặt trên vô lượng ngọn cờ trụ bất phóng dật, tùy theo sự ưa thích khác nhau của các hữu tình mưa xuống vật báu chánh pháp, có khả năng khiến vô số vô biên các hữu tình lìa hết khổ nơi sinh tử, đầy đủ các căn thiện.

Do vô số nhân duyên như thế nên gọi tâm bất động giải thoát là ngọc báu Mạt ni.

Hỏi: Nếu như tâm bất động giải thoát có những sự việc thù thắng như thế, vì sao Đức Thế Tôn lại bảo tâm bất động giải thoát là pháp không tăng, không giảm?

Đáp: Vì căn cứ vào người tu hành bình đẳng mà nói. Nghĩa là nếu ở phương Đông có vô lượng các vị Sát-đế-lợi, ở phương Nam có vô lượng các vị Bà-la-môn, ở phương Tây có vô lượng các vị Phệ-xá, ở phương Bắc có vô lượng các vị Thú-đạt-la (Thủ-đà) v.v… đều đến quy y nơi Đức Thế Tôn, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục cà sa, chánh tín, bỏ nhà cửa, hướng đến đời sống không nhà, đối với tâm bất động giải thoát thân tác chứng an trụ đầy đủ, hoặc không được như thế, thì tâm bất động giải thoát này cũng không giảm, không tăng.

Lại nữa, căn cứ vào vô biên công đức của Thánh giáo mà nói.

Nghĩa là trong Thánh giáo có vô biên công đức, không phải chỉ có tâm bất động giải thoát. Giả sử tâm bất động giải thoát này có đi cũng không giảm, có đến cũng không tăng.

Lại nữa, căn cứ vào vô biên công đức của Đức Phật mà nói. Nghĩa là ở trong thân Phật có vô biên công đức, không phải chỉ có tâm bất động giải thoát. Giả sử tâm bất động giải thoát này có đi cũng không giảm, có đến cũng không tăng.

Lại nữa, vì để trừ các thứ nghi, nên nói như thế. Nghĩa là trong một đêm làm lễ Bố-sái-tha (Bố tát), Tôn giả Đại Mục Liên đã đuổi Bí-sô Chiêm Ba ra khỏi chúng. Khi ấy, có Bí-sô ngờ vực, nghĩ: Không chừng số lượng Bí-sô Tăng bị giảm! Nên Đức Thế Tôn nói: Giả sử như trong chúng của Tòng lâm có công đức thù thắng mà bớt đi một vị tâm bất động giải thoát, thì số chúng Bí-sô Tăng của Ta cũng không có giảm. Vị ấy nếu có đến ở thì số chúng cũng không tăng. Huống chi Bí-sô kia phá giới, phạm pháp, hủy bỏ các oai nghi, xa lìa pháp thiện thì đâu có thể khiến chúng thanh tịnh này có giảm hay có tăng?

Lại nữa, vì tâm bất động giải thoát không thể thoái mất, nên nói là không giảm, cũng không tiến thêm, nên gọi là không tăng, cho nên tuy tâm bất động giải thoát có các sự việc thù thắng, nhưng Đức Phật nói là không giảm không tăng.

***

* Các tâm thời ái giải thoát đều tương ưng với tận trí chăng?

Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm khiến kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là có người nghe nói A-la-hán thời giải thoát chỉ tu hai thứ là tận trí và chánh kiến vô học, nên họ liền nghi cho A-la-hán bất thời giải thoát cũng chỉ tu hai thứ trí. Lại có kẻ nghe nói bất thời giải thoát tu ba thứ là tận trí, vô sinh trí và chánh kiến vô học, họ liền ngờ cho A-la-hán thời giải thoát cũng tu ba thứ ấy. Nay nhằm trừ bỏ sự nghi ngờ ấy, chỉ rõ thời giải thoát chỉ tu hai thứ, còn bất thời giải thoát thì tu đủ ba thứ.

Lại nữa, trước tuy có nói về tự tánh của hai thứ giải thoát ấy, nhưng chưa đề cập đến tướng xen lẫn và không xen lẫn của hai thứ ấy, nay sẽ nêu bày, nên tạo ra phần Luận này.

Ở đây, tâm thời ái giải thoát tương ưng với tận trí thì có bốn trường hợp. Còn tâm bất động giải thoát tương ưng với vô sinh trí thì thuận với trường hợp sau, đều như văn của bản luận, nên biết.

Hỏi: Những bậc A-la-hán nào chỉ tu hai thứ tuệ vô lậu là tận trí và chánh kiến vô học? Những bậc A-la-hán nào tu cả ba thứ tuệ vô lậu là tận trí, vô sinh trí và chánh kiến vô học?

Đáp: Có A-la-hán tâm khéo giải thoát không phải là tuệ khéo giải thoát. Có A-la-hán cả tâm và tuệ đều khéo giải thoát. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Lại nữa, có A-la-hán về sức nhân, sức gia hạnh, sức không phóng dật, nhỏ hẹp. Có A-la-hán cả ba thứ sức ấy đều rộng lớn. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Lại nữa, có A-la-hán hành trì Xa-ma-tha. Có A-la-hán hành trì Tỳ-bát-xá-na. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Như nói về hai hành, các thứ hai lạc, hai dục, hai ái cũng như thế.

Lại nữa, có A-la-hán tu chỉ làm đầu để nhập Thánh đạo. Có A-la-hán tu quán làm đầu để nhập Thánh đạo. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Lại nữa, có A-la-hán dùng chỉ tu tâm, nương vào quán để được giải thoát. Có A-la-hán dùng quán tu tâm, nương vào chỉ để được giải thoát. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Lại nữa, có A-la-hán đạt được nội tâm nơi Xa-ma-tha không được tuệ tăng thượng nơi pháp quán. Có A-la-hán đạt được nội tâm nơi Xa-ma-tha cũng đạt được tuệ tăng thượng nơi pháp quán. Như vậy loại trước chỉ tu hai thứ, còn loại sau tu đủ ba thứ.

Lại nữa, như Khế kinh nói: Có hai nhân, hai duyên có thể sinh ra chánh kiến: 1. Bên ngoài nghe âm thanh của người khác. 2. Bên trong tác ý chân chính. Nếu người bên ngoài nghe âm thanh của người khác tăng thượng thì chỉ tu hai thứ. Nếu người bên trong tác ý chân chính tăng thượng thì tu đủ ba thứ.

Lại nữa, như Khế kinh nói: Có bốn pháp làm được nhiều việc: 1. Gần gũi bậc thiện tri thức. 2. Lắng nghe chánh pháp. 3. Tác ý như lý. 4. Pháp tùy pháp hành. Nếu người có hai thứ trước tăng thì chỉ tu hai thứ. Nếu người có hai thứ sau tăng thì tu đủ ba thứ.

Lại nữa, kẻ độn căn thì chỉ tu hai thứ. Người lợi căn thì tu đủ ba thứ.

Như về độn căn và lợi căn, các thứ lực duyên và lực nhân, lực ngoại phần và lực nội phần, trí kẻ nói và trí người nghe, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, nếu người có căn thiện không tham tăng thì chỉ tu hai thứ. Nếu người có căn thiện không si tăng thì tu đủ ba thứ.

Lại nữa, nếu người dùng diệt trí và đạo trí dứt hết các kiết trong ba cõi thì chỉ tu hai thứ. Nếu người dùng khổ trí và tập trí dứt hết các kiết trong ba cõi thì tu đủ ba thứ.

Lại nữa, nếu người do Tam-ma-địa vô tướng đạo, vô nguyện dứt hết các kiết trong ba cõi thì chỉ tu hai thứ. Nếu người do Tam-ma-địa không, khổ tập, vô nguyện dứt hết các kiết trong ba cõi thì tu đủ ba thứ.

Ở đây, A-la-hán tâm thời ái giải thoát khi nhập định kim cang dụ chỉ một sát-na, tận trí hòa nhập vào sự nối tiếp trong thời gian dài, từ tận trí xuất định, hoặc khởi chánh kiến vô học, hoặc khởi tâm thế tục. Còn A-la-hán tâm bất động giải thoát khi nhập định kim cang dụ và tận trí chỉ một sát-na, vô sinh trí hòa nhập vào sự nối tiếp, từ vô sinh trí xuất định, hoặc khởi chánh kiến vô học, hoặc khởi tâm thế tục. Tất cả A-la-hán đều tu chánh kiến vô học đầy đủ nhưng không phải tất cả đều hiện tiền.

Hỏi: Tận trí và vô sinh trí có gì khác nhau?

Đáp: Tên gọi là khác nhau. Một thứ này gọi là tận trí, một thứ này gọi là vô sinh trí.

Lại nữa, nhân là tận trí, quả là vô sinh trí.

Lại nữa, đã làm xong là tận trí, nuôi lớn nhân là vô sinh trí.

Lại nữa, chưa được mà được hoặc đã được mà được là tận trí, còn chỉ có chưa được mà được là vô sinh trí.

Lại nữa, thuộc về đạo giải thoát hoặc đạo thắng tấn là tận trí, còn chỉ thuộc về đạo thắng tấn là vô sinh trí.

Lại nữa, dựa vào đó để kiến lập năm thứ A-la-hán là tận trí, còn dựa vào đó để kiến lập một thứ A-la-hán là vô sinh trí.

Lại nữa, chung cho hàng lợi căn, độn căn đều đạt được là tận trí, còn chỉ có hàng lợi căn đạt được là vô sinh trí.

Đó là sự khác nhau.

Hỏi: Tận trí đầu tiên là trí nào?

Đáp: Có thuyết nói: Đó là khổ loại trí. Vì sao? Vì các Sư Dugià quán quả của sinh tử để nhập Thánh đạo, rồi lại quán quả của sinh tử khiến Thánh đạo được đầy đủ. Cũng như dùng tên độc bắn các loại cầm thú, đầu tiên chất độc từ vết thương xâm nhập rồi dần dần ngấm vào khắp thân, gây độc hại, khi cầm thú chết thì chất độc sẽ từ miệng vết thương chảy ra. Thánh đạo cũng như vậy. (Ví dụ như thế là không thích hợp – Người dịch)

Lại có thuyết cho: Đó là tập loại trí. Vì sao? Vì các Sư Du-già quán sát quả của sinh tử để nhập Thánh đạo, rồi quán nhân của sinh tử khiến Thánh đạo tròn đủ. Vì tất cả sinh tử đều do nhân quả gồm thâu, nên trước nhận biết khắp về quả, sau mới nhận biết khắp về nhân, tức đường sinh tử đoạn dứt, không còn nối tiếp, gọi là biên vực cuối cùng của khổ.

Lời bình: Nên nói như vầy: Đầu tiên, tận trí cũng là khổ loại trí, cũng là tập loại trí. Nếu khởi khổ loại trí thì lúc đó không khởi tập loại trí, còn nếu khởi tập loại trí thì bấy giờ không khởi khổ loại trí.

Như Khế kinh nói: Các bậc A-la-hán tự nhận biết đúng như thật: Sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn nhận thân sau.

Ở đây, Sự sống (Nẻo sinh tử) của ta đã hết thì tên gọi sự sống hiển bày nhiều nghĩa. Tức có sự sống chỉ rõ khi nhập thai mẹ. Có sự sống chỉ rõ lúc ra khỏi thai mẹ. Có sự sống chỉ rõ phần vị năm uẩn. Hoặc có sự sống chỉ rõ phần ít hành uẩn không tương ưng. Hoặc có sự sống chỉ rõ bốn uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hoặc có sự sống chỉ rõ khi nhập thai mẹ: Như nói: Thế nào là sinh? Nghĩa là mỗi mỗi loại hữu tình kia ở trong chúng đồng phần của loại của mình sinh ra, cùng sinh, khởi lên, xuất hiện.

Hoặc có sự sống chỉ rõ lúc ra khỏi thai mẹ: Như nói: Bồ-tát mới sinh liền đi bảy bước.

Hoặc có sự sống chỉ rõ phần vị năm uẩn: Như nói: Có duyên sinh.

Hoặc có sự sống chỉ rõ phần ít hành uẩn không tương ưng. Như nói: Thế nào là sinh? Nghĩa là khi các uẩn khởi hiện.

Hoặc có sự sống chỉ rõ bốn uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Như trong đây nói: Sự sống của ta đã hết.

Hỏi: Ở đây nói hết là đời nào? Là quá khứ, vị lai hay hiện tại? Nếu hết là đời quá khứ thì đời quá khứ đã diệt sao lại còn hết nữa? Nếu hết là đời hiện tại thì đời hiện tại đang sinh không dừng lại đâu cần phải hết? Nếu hết là đời vị lai thì đời vị lai chưa đến thì hết ở đâu?

Đáp: Nên nói như vầy: Là dứt hết sự sống ở ba đời. Vì sao? Vì sự sống nói ở đây là chỉ rõ về bốn uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các Sư Du-già đã quán chung về bốn uẩn cả ba đời của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lìa các nhiễm, nên khiến các nhân quả sinh đều không được thành.

Đại đức nói: Câu “Sự sống của ta đã hết” là như Đức Thế Tôn nói: Mâu Ni quán xét sự sống đã hết. Việc đó cũng như ở đây, phải nêu riêng câu hỏi, nên đáp: Đó là chấm dứt đời vị lai. Vì người tu hành giữ gìn giới cấm, siêng tu phạm hạnh, đều là vì muốn ngăn chận sự sinh ở đời vị lai, khiến không khởi. Ví như có người bị ba tai ách: Một thứ đã chịu xong, một thứ đang gánh chịu, còn ách thứ ba thì sẽ phải chịu. Các thứ đã nhận chịu làm sao còn ngăn chận được. Những thứ tai ách đang nhận chịu vì đang nhận chịu nên không thể ngăn chận được. Riêng các ách nạn sắp phải chịu, có thể dùng tiền bạc, của cải, nhờ sức của bạn bè, thân thích, hoặc các phương thức khác để can thiệp, ngăn chận. Người tu hành cũng như thế. Các đời quá khứ đã hết không cần phải ngăn chận. Các đời ở hiện tại đang nhận chịu nên không ngăn chận được. Riêng các đời ở vị lai thì nên tu ngay các gia hạnh để ngăn chận, khiến nó vĩnh viễn không sinh ra, nên nói là sự sống đã hết.

Phạm hạnh đã lập: Tức là các hành vô lậu đã lập.

Hỏi: Đã lập là phạm hạnh hữu học hay là phạm hạnh vô học?

Đáp: Đã lập là phạm hạnh hữu học, không phải là phạm hạnh vô học. Vì sao? Vì phạm hạnh vô học nay mới lập.

Việc làm đã xong: Nghĩa là tất cả các phiền não đều đã đoạn trừ, tất cả việc làm đều đã rốt ráo. Tất cả các đường nẻo đều đã rào chắn, bít lối.

Lại nữa, các sự việc sinh già bệnh chết ở các cõi (giới), nẻo (thú) đều đã hoàn toàn dứt hết, nên gọi là việc làm đã xong.

Không còn nhận thân sau: Nghĩa là chỉ rõ vô sinh trí.

Hỏi: Không phải tất cả các vị A-la-hán đều có được vô sinh trí, vì sao phần đầu nơi các Khế kinh đều nói A-la-hán không còn nhận thân sau?

Đáp: Có thuyết nói: Đức Phật tùy theo những việc xảy ra mà giảng nói thành kinh, nhưng người kết tập thì đều nêu chung ở phần đầu kinh.

Lại có thuyết nói: Những vị kết tập kinh pháp đều có được nguyện trí vô ngại giải, đầy đủ công đức thù thắng, luôn quán xét Đức Thế Tôn khi giảng nói các kinh. Nếu trong chúng A-la-hán có người được vô sinh trí thì Đức Phật cũng nói vị ấy không còn nhận thân sau. Nếu không có người chứng vô sinh trí thì Đức Phật không nói vị ấy không còn nhận thân sau. Người thọ trì đọc tụng các kinh sau này không khéo phân biệt riêng, nên đọc tụng chung nơi phần đầu của tất cả các kinh.

Tôn giả Diệu Âm nói: Các A-la-hán đều không có thân sau, nên nói chung là không thọ thân sau, không nói vì có vô sinh trí nên không thọ thân sau, nên cũng không trái.

Hiếp Tôn giả nói: Nếu chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp tất cả phiền não, đều không thể nói là sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn nhận thân sau. Nếu đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp các phiền não thì đều nói chung là sự sống của ta đã hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau.

Hỏi: Sự sống của ta đã hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau thì mỗi mỗi thứ ấy nên nói là thuộc trí nào?

Đáp: Có thuyết nói: Sự sống của ta đã chấm dứt là tận trí. Còn phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn nhận thân sau là vô sinh trí.

Hoặc có thuyết nói: Sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập là tận trí. Việc làm đã xong, không còn nhận thân sau là vô sinh trí.

Lại có thuyết cho: Sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong là tận trí. Không còn nhận thân sau là vô sinh trí.

Hỏi: A-la-hán bất thời giải thoát lúc đầu khởi tận trí chỉ có một sát-na không gián đoạn tất khởi vô sinh trí, hãy còn không có nghĩa tận trí có hai sát-na không gián đoạn khởi vô sinh trí, huống là tận trí sau ba sát-na mới khởi vô sinh trí. Vậy vì sao nay nói sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong là tận trí, không còn nhận thân sau là vô sinh trí?

Đáp: Đối với một sát-na tự tánh của tận trí nghĩa nói là ba nhưng không phải là ba sát-na, nên không trái với lý.

Hiếp Tôn giả nói: Trong đây, bốn câu không nói là tận trí hay vô sinh trí, cũng không nói là chánh kiến vô học v.v…, mà chỉ khen ngợi chung các bậc A-la-hán nơi tất cả sự sống (nẻo sinh tử) đều đoạn dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn nhận thân sau, vậy bốn thứ ấy không có tự tánh khác nhau.

Có thuyết nói: Ở đây, sự sống của ta đã hết là tận trí. Phạm hạnh đã lập là đạo trí. Việc làm đã xong là diệt trí. Không còn nhận thân sau là vô sinh trí.

Có thuyết cho: Ở đây, sự sống của ta đã hết là tập trí. Phạm hạnh đã lập là đạo trí. Việc làm đã xong là diệt trí. Không còn nhận thân sau là khổ trí.

Có thuyết nêu: Trong đây, sự sống của ta đã hết là nhận biết khắp về tập. Phạm hạnh đã lập là nhận biết khắp về đạo. Việc làm đã xong là nhận biết khắp về diệt. Không còn nhận thân sau là nhận biết khắp về khổ.

Có thuyết nói: Ở đây, sự sống của ta đã hết là quán về tập. Phạm hạnh đã lập là quán về đạo. Việc làm đã xong là quán về diệt. Không còn nhận thân sau là quán về khổ.

Có thuyết nêu: Trong đây, sự sống của ta đã hết là chứng về tập. Phạm hạnh đã lập là chứng về đạo. Việc làm đã xong là chứng về diệt. Không còn nhận thân sau là chứng về khổ.

Có thuyết khác cho: Ở đây, sự sống của ta đã hết là đoạn trừ tập. Phạm hạnh đã lập là tu đạo. Việc làm đã xong là chứng diệt. Không còn nhận thân sau là nhận biết khổ.

Có thuyết nêu: Trong đây, sự sống của ta đã hết là bỏ nhân. Phạm hạnh đã lập là được đạo. Việc làm đã xong là chứng quả. Không còn nhận thân sau là nhận biết việc.

Có thuyết nói: Ở đây, sự sống của ta đã hết là vô nguyện của tập. Phạm hạnh đã lập là vô nguyện của đạo. Việc làm đã xong là vô tướng của diệt. Không còn nhận thân sau là vô nguyện và không của khổ.

Hỏi: Vì sao gọi là tận trí? Vì duyên vào tận hết nên gọi là tận trí hay vì các phiền não trong thân dứt hết không khởi lên nữa nên gọi là tận trí? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu do duyên vào tận hết nên gọi là tận trí, thì tận trí chỉ nên duyên nơi diệt Thánh đế không nên nói là duyên cả bốn Thánh đế. Còn nếu vì các phiền não trong thân đã dứt hết không còn khởi lên nữa nên gọi là tận trí, thì vô sinh trí và chánh kiến vô học cũng nên gọi là tận trí, vì chúng cũng dứt hết các phiền não ở thân không khởi lên nữa?

Đáp: Nên nói như vầy: Vì các phiền não trong thân dứt hết không khởi lên nữa nên gọi là tận trí.

Hỏi: Nếu như thế thì vô sinh trí và chánh kiến vô học cũng nên gọi là tận trí?

Đáp: Nếu các phiền não trong thân dứt hết từ lúc mới bắt đầu khởi và hiện có khắp thì mới gọi là tận trí. Còn chánh kiến vô học thì tuy đều hiện có khắp, nhưng không phải là mới bắt đầu khởi. Vô sinh trí không phải là hiện có khắp, vì bậc thời giải thoát không thành tựu, cũng không phải là mới bắt đầu khởi, tức sau tận trí mới hiện tiền.

Có thuyết nói: Đây là duyên vào tận nên gọi là tận trí.

Hỏi: Trí này duyên cả bốn Đế đâu chỉ riêng duyên nơi tận?

Đáp: Do tận là thù thắng, nên lấy đó đặt tên cho trí. Nghĩa là trong bốn Đế thì diệt đế là tối thắng, là tánh của Niết-bàn, là thiện, thường còn, tức dựa vào đó đặt tên cho trí của chủ thể duyên, nên gọi là tận trí.

Hỏi: Có khi nào tuệ vô lậu lìa mười sáu thứ hành tướng Thánh không? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu có lìa thì vì sao trong Luận Thức Thân Túc không nói? Còn nếu không lìa thì các điều nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông?

Như nói: Thế nào là tận trí? Nghĩa là ta đã nhận biết khổ, đã đoạn dứt tập, đã chứng đắc diệt, đã tu đạo. Thế thì trong mười sáu thứ ấy nó thuộc về hành tướng nào?

Lại nói: Thế nào là vô sinh trí? Nghĩa là ta đã nhận biết khổ, không còn nhận biết nữa v.v… cho đến ta đã tu đạo, không còn tu nữa. Thế thì trong mười sáu thứ ấy nó thuộc về hành tướng nào?

Và các điều trong Luận Tập Dị Môn đã nói làm sao thông? Như nói: Ta đã dứt hết dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đó là tận trí. Chúng sẽ không còn khởi hiện lại nữa, đó là vô sinh trí. Vậy trong mười sáu thứ ấy nó thuộc về hành tướng nào?

Còn Luận này nơi Chương Kiến Uẩn đã nói làm sao thông? Như nói: Khi nhận thọ vui (lạc thọ) thì biết đúng thật là có nhận thọ vui. Vậy trong mười sáu thứ ấy nó thuộc về hành tướng nào?

Lại những điều nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như nói: Sự sống của ta đã hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau. Vậy trong mười sáu thứ ấy nó thuộc về hành tướng nào?

Đáp: Nên nói như vầy: Nếu lìa mười sáu hành tướng thì không có tuệ vô lậu riêng.

Hỏi: Nếu như thế thì khéo thông suốt nơi Luận Thức Thân Túc, còn nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông?

Đáp: Ta đã nhận biết khổ, không còn nhận biết nữa, là bốn hành tướng của khổ. Ta đã đoạn dứt tập, không còn đoạn dứt nữa, là bốn hành tướng của tập. Ta đã chứng diệt, không còn chứng nữa, là bốn hành tướng của diệt. Ta đã tu đạo, không còn tu nữa, là bốn hành tướng của đạo.

Hỏi: Còn Luận Tập Dị Môn đã nói làm sao thông?

Đáp: Nhận biết ba lậu đã dứt hết, không còn khởi lại nữa, là sáu hành tướng. Nghĩa là khổ, vô thường và duyên với bốn hành tướng của tập.

Hỏi: Còn Luận này nơi Chương Kiến Uẩn đã nói làm sao thông?

Đáp: Phần Luận ấy ý không nói là nhận biết lạc thọ, chỉ nói là nhận biết đạo, tức là bốn hành tướng của đạo v.v…

Hỏi: Còn như điều Khế kinh nói làm sao thông?

Đáp: Do năm thứ duyên nên nói như thế: Đó là: 1. Gia hạnh. 2.

Đối trị. 3. Làm việc. 4. Nối tiếp. 5. Bổ-đặc-già-la.

Do gia hạnh: Là các Sư Du-già trước khi tu gia hạnh khởi suy nghĩ: Ta nên dứt hết tất cả sự sống (nẻo sinh tử) cho đến ta sẽ không còn nhận thân sau.

Do đối trị: Là các Sư Du-già tu các đối trị như thế khiến tất cả sự sống đều dứt hết v.v… cho đến khiến không còn nhận thân sau.

Do làm việc: Là các Sư Du-già làm các việc như thế khiến tất cả sự sống đều dứt hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau.

Do nối tiếp: Là các Sư Du-già có được sự nối tiếp như thế khiến tất cả sự sống đều dứt hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau.

Do Bổ-đặc-già-la: Là Bổ-đặc-già-la như thế là dễ thấy, dễ nêu bày, tức tất cả sự sống đã hết v.v… cho đến không còn thọ thân sau.

Do năm duyên ấy nên kinh nói là: Sự sống của ta đã hết v.v… cho đến không còn nhận thân sau. Không phải là trong quán vô lậu có các hành tướng như thế, mà cần có hai trí, sau khi khởi phân biệt này.

Có thuyết nói: Cũng có tuệ vô lậu lìa mười sáu hành tướng.

Hỏi: Nếu như thế thì khéo thông nơi Luận Phẩm Loại Túc v.v… nhưng trong Luận Thức Thân Túc vì sao không nói?

Đáp: Nếu các hành tướng trong hiện tại có các dụng, có thể làm được các việc thù thắng, thì Luận ấy nói, còn nếu không như thế thì không nói.

Lại nữa, nếu các hành tướng có thể nhập Thánh đạo, được quả, lìa nhiễm, dứt hết lậu v.v…, thì Luận ấy nói, còn không như thế thì không nói.

Lại nữa, nếu các hành tướng đều có cả bốn đạo gia hạnh, vô gián, giải thoát, thắng tấn, thì Luận ấy nói. Còn hành tướng của tuệ vô lậu khác, chỉ do các đạo gia hạnh xa, và đạo thắng tấn xa mới có thể đạt được thì Luận ấy không nói.

Lời bình: Nên nói như vầy: Là không có tuệ vô lậu nào lìa mười sáu hành tướng Thánh đạo.

***

* Thế nào là học minh? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt các nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Phật bảo các Cư sĩ: Trước hết các vị phải dùng học trí, học kiến, học minh quán sát bốn Thánh đế. Hiện nay, Đồng tử Da-xá đây cũng dùng vô học trí, vô học kiến, vô học minh quán sát bốn Thánh đế, nên Đồng tử này quyết định không còn thích sống ở nhà, chứa nhóm tiền của, thọ hưởng năm dục lạc nữa v.v…”. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt về nghĩa. Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những điều Kinh kia chưa nói nay sẽ nêu bày.

Lại nữa, ở đời có nhiều người lầm chấp các thứ Luận chú, cho đó là sự hiểu biết sáng suốt, chân thật (Chân minh). Nghĩa là chi minh, sự việc minh, loài thú minh, loài chim minh, loài Cù-lạp-tỳ minh, Sát-ni-ca minh, Kiện-đà-lê minh, sao minh, loài quạ minh, loài công minh, cây móc voi minh, chú rồng rắn minh, lửa minh, nước minh, mê loạn minh v.v… Các phái ngoại luận cho: Thế gian đối với các thứ đó khởi lên tưởng là chân minh. Nay nhằm ngăn chận các ý tưởng đó, chỉ rõ riêng có một thứ chân minh thắng nghĩa, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là học minh?

Đáp: Đó là tuệ hữu học, tức là tuệ vô lậu ở phần vị hữu học.

Hỏi: Thế nào là học trí?

Đáp: Đó là tám trí hữu học, tức là bốn pháp trí và bốn loại trí ở phần vị hữu học.

Hỏi: Thế nào là vô học minh?

Đáp: Đó là tuệ vô học, tức là các tuệ vô lậu ở phần vị vô học.

Hỏi: Thế nào là vô học trí?

Đáp: Đó là tám trí vô học, tức là bốn pháp trí và bốn loại trí ở quả vị vô học.

Hỏi: Vì sao gọi là minh?

Đáp: Hiểu biết thấu suốt rõ ràng nên gọi là minh.

Hỏi: Nếu như thế thì các tuệ hữu lậu thiện cũng hiểu biết thấu suốt rõ ràng, cũng nên gọi là minh?

Đáp: Nếu có thể hiểu biết thấu suốt rõ ràng và quyết định lựa chọn hiện quán nơi bốn Thánh đế mới gọi là minh. Các tuệ hữu lậu thiện, tuy có thể hiểu biết thấu suốt, nhưng đối với bốn Thánh đế không thể quyết định lựa chọn hiện quán, nên không gọi là minh. Như phần thuận với quyết trạch gồm thâu cả tuệ, tuy rất mạnh, nhanh, nhưng đối với bốn Thánh đế chưa thể quyết định lựa chọn hiện quán, chưa thể quyết định lựa chọn hiện quán các đế một cách rốt ráo, chân thật.

Lại nữa, nếu có thể hiểu biết thấu suốt, không bị các thứ vô tri do dự, tà kiến làm rối loạn, đoạn trừ các kiến, nghi không còn khởi lên nữa, không tăng thêm các hữu sinh già bệnh chết, không phải là việc của thân kiến, không bị rơi vào khổ, tập, không tăng nhiều vô minh, xa lìa vĩnh viễn các phiền não, các tà ma quỷ quái v.v… mới gọi là minh. Còn các tuệ hữu lậu thiện tuy có thể hiểu biết thấu suốt nhưng lại không có các đức khác, nên không gọi là minh.

Lại nữa, các tuệ hữu lậu thiện đều liên hệ với cả hai phẩm, nên không gọi là minh. Nghĩa là chúng cùng làm ba duyên cho cả minh và vô minh. Như người cùng giao thiệp với kẻ oán, người thân của mình, thì không nhất định gọi là thân.

Lại nữa, các tuệ hữu lậu thiện lại cùng đi với kẻ hủy báng minh, thuộc về phẩm khổ tập thế gian, nên không gọi là minh.

Hỏi: Nếu tuệ hữu lậu thiện không được gọi là minh thì những điều nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Có ba thứ minh, đó là: 1. Túc trụ tùy niệm trí chứng minh. 2. Tử sinh trí chứng minh. 3. Lậu tận trí chứng minh. Một thứ sau thì có thể như thế, còn hai minh trước thì thế nào?

Đáp: Hai thứ trước cũng có một phần ít tướng của minh, nên giả gọi là minh. Nghĩa là chúng trái với phiền não, không xen lẫn với phiền não, là thuận với nghĩa minh thắng nghĩa dẫn đến minh vô lậu. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: Trong ba thứ minh, chỉ có Lậu tận trí là minh thắng nghĩa, còn hai thứ minh kia chỉ có khả năng dẫn đến minh thắng nghĩa, nên giả lập tên minh.

Lại nữa, Túc trụ tùy niệm trí chứng minh thì hiểu biết thấu suốt về pháp quá khứ, còn Tử sinh trí chứng minh thì hiểu biết thấu suốt về pháp vị lai, Lậu tận trí chứng minh thì hiểu biết thấu suốt về tánh của Niết-bàn, nên đều gọi là minh.

Lại nữa, minh đầu là nhận biết rõ về sự lưu chuyển ở quá khứ, minh thứ hai là nhận biết rõ về pháp lưu chuyển ở vị lai, minh thứ ba là nhận biết rõ về pháp hoàn diệt, nên đều gọi là minh.

Lại nữa, minh đầu là diệt trừ sự không nhận biết về quá khứ, minh thứ hai là diệt trừ sự không nhận biết về vị lai, minh thứ ba là diệt trừ sự không nhận biết về Niết-bàn, nên đều gọi là minh.

Lại nữa, minh đầu là diệt trừ sự ngu tối về uẩn, minh thứ hai là diệt trừ sự ngu tối về hữu tình, minh thứ ba là diệt trừ sự ngu tối về pháp, nên đều gọi là minh.

Lại nữa, minh đầu là nhận biết đời trước của các hữu tình, do đã gây tạo nghiệp như thế nên chết ở chốn kia sinh vào chốn này, nhân quả nối tiếp. Minh thứ hai là phân biệt đời vị lai của các hữu tình, do tạo nghiệp như thế, nên chết đây sinh kia, nhân quả nối tiếp. Minh thứ ba là nhận biết rõ các hữu tình, do đạo như thế nên có thể dứt hết các lậu, đoạn dứt nhân quả. Chỉ có một thứ này là minh thắng nghĩa, còn hai minh trước là minh thế tục.

Lại nữa, cả ba minh ấy đều có thể tùy thuận sự chán lìa sinh tử, đều có thể dẫn phát các công đức thù thắng, đều có khả năng tiến đến Niết-bàn cứu cánh, nên đều gọi là minh, nhưng minh thật sự chỉ là tuệ vô lậu.

Hỏi: Vì sao trong sáu thông, ba thứ được lập làm minh, ba thứ không được lập làm minh?

Đáp: Vì Thần cảnh trí chứng thông như xứ công xảo chuyển, Thiên nhĩ trí chứng thông chỉ có khả năng giữ lấy các thứ tiếng, Tha tâm trí chứng thông chỉ giữ lấy các tự tướng, không có dụng thù thắng, nên không lập làm minh. Ba thứ thông sau đều có dụng thù thắng nên lập làm minh.

Dụng thù thắng: Là đều có thể tùy thuận sự chán bỏ sinh tử, đều có thể dẫn phát các công đức thù thắng, đều có thể tiến đến Niết-bàn cứu cánh.

Hỏi: Vì sao ba thứ thông sau đều có dụng thù thắng ấy?

Đáp: Thông thứ tư là Túc trụ tùy niệm trí chứng thông thì thấy rõ các sự việc của quá khứ, nên càng sinh tâm chán lìa. Thông thứ năm là Tử sinh trí chứng thông thấy rõ các sự việc ở vị lai, nên càng sinh chán lìa. Thông thứ sáu là Lậu tận trí chứng thông, nếu đã chán lìa sinh tử rồi thì vui thích Niết-bàn. Do đấy đều có thể tùy thuận sự chán lìa sinh tử, cho đến đều có thể tiến đến Niết-bàn cứu cánh.

Lại nữa, thông thứ tư thấy rõ các sự việc suy tổn của mình ở đời quá khứ, càng sinh tâm chán lìa. Thông thứ năm thấy rõ các sự việc suy tổn của người khác ở đời sau nên càng sinh tâm chán lìa. Thông thứ sáu khi đã chán lìa rồi thì vui thích Niết-bàn. Do đó chúng đều có dụng thù thắng hơn hẳn ba thông trước.

Lại nữa, thông thứ tư thấy rõ sự nối tiếp của các uẩn, xứ, giới ở đời quá khứ, nên càng sinh tâm chán lìa. Thông thứ năm thấy rõ sự tan hoại của các uẩn, xứ, giới ở vị lai, nên càng sinh tâm chán lìa. Thông thứ sáu thì khi đã chán lìa rồi thì vui thích Niết-bàn. Do đó chúng đều có dụng thù thắng hơn hẳn ba thông trước.

Lại nữa, thông thứ tư có khả năng trừ bỏ thường kiến. Thông thứ năm có khả năng trừ bỏ đoạn kiến. Thông thứ sáu khi đã lìa bỏ hai thứ chấp biên thì an trụ nơi trung đạo. Do đó chúng đều có dụng thù thắng hơn hẳn ba thông trước.

Lại nữa, thông thứ tư có khả năng dẫn đến cửa giải thoát Không. Thông thứ năm có khả năng dẫn đến cửa giải thoát Vô nguyện. Thông thứ sáu có khả năng dẫn đến cửa giải thoát Vô tướng. Do đó chúng đều có dụng thù thắng hơn hẳn ba thông trước.

Do các nhân duyên như thế nên ba thứ thông sau đều có dụng thù thắng, nên trong sáu thông chúng được lập riêng làm minh.

Luận Tập Dị Môn nói: Có ba thứ vô học minh, đó là: 1. Vô học túc trụ tùy niệm trí chứng minh: Nghĩa là vô học trí nhận biết được có sự nối tiếp của các hành nơi các hữu tình. 2. Vô học tử sinh trí chứng minh: Nghĩa là vô học trí nhận biết được tự nghiệp hơn kém của các hữu tình. 3. Vô học lậu tận trí chứng minh: Nghĩa là vô học trí nhận biết được về lậu đã dứt hết.

Hỏi: Lậu tận trí chứng minh là pháp vô học nên có thể nói là vô học trí. Còn hai thứ minh trước là pháp phi học phi vô học sao nói là vô học trí?

Đáp: Luận ấy nên nói như vầy: Có ba thứ vô học minh, lại nên nói là trí của bậc vô học, nhưng không nói như thế, nên biết là từ trong thân vô học khởi. Còn hai thứ trước cũng gọi là vô học, là lược bỏ khoảng giữa, như nói xe bò v.v…

Như Luận Thi Thiết nói: Có hai thứ Tam-ma-địa: 1. Thánh. 2. Không phải là Thánh. Tam-ma-địa Thánh lại có ba thứ: Là hữu lậu thiện, vô lậu và vô phú vô ký. Trong đây, định hữu lậu thiện là do thiện nên gọi là Thánh, không phải do vô lậu nên gọi là Thánh. Hoặc định vô lậu là do thiện và vô lậu nên gọi là Thánh. Còn định vô phú vô ký tuy không phải là thiện, không phải là vô lậu mà gọi là Thánh, nhưng vì nó ở trong thân bậc Thánh khởi lên nên cũng gọi là Thánh. Ở đây cũng như thế, vì ở trong thân của bậc vô học khởi lên nên cũng gọi là vô học và vô học trí.

Hỏi: Hai thứ minh trước nơi bậc hữu học cũng có, vì sao chỉ lập chúng ở phần vị vô học?

Đáp: Ở phần vị vô học thì nghĩa của minh vượt hơn. Nghĩa là như nói về sự thù thắng của pháp thì pháp vô học hơn pháp hữu học. Nếu nói về sự thù thắng của Bổ-đặc-già-la thì Bổ-đặc-già-la vô học hơn loại hữu học. Lại nữa, minh của bậc vô học thì hơn, không xen tạp với vô minh, còn minh của bậc hữu học thì kém, lại lẫn lộn với vô minh, nên không lập làm minh.

Có bốn thứ công đức thù thắng: Đó là: 1. Thông. 2. Minh. 3. Lực. 4. Thị đạo (Chỉ bày, dẫn dắt).

Lậu tận trí của thân Như Lai có đầy đủ bốn thứ nghĩa ấy, tức là lậu tận trí chứng thông, lậu tận trí chứng minh, lậu tận trí lực và giáo giới thị đạo. Lậu tận trí của bậc Độc giác và Thanh văn vô học chỉ có ba nghĩa, tức là trừ nghĩa lực, còn lại là ba nghĩa kia.

Túc trụ tùy niệm trí và tử sinh trí của thân Như Lai có ba nghĩa, tức là trừ nghĩa thị đạo, còn lại là thông, minh và lực. Hai trí kia của Độc giác và Thanh văn vô học thì có hai nghĩa trước, đó là thông và minh, không có nghĩa lực và thị đạo.

Trong thân bậc hữu học và hàng phàm phu tức hai trí trước chỉ có một nghĩa thông, không có ba nghĩa kia.

Có thuyết nói: Trong thân A-la-hán thời giải thoát Lậu tận trí chỉ có hai nghĩa là thông và thị đạo, không có hai nghĩa lực và minh. Các A-la-hán còn lại hai trí chỉ có một nghĩa là thông, không có ba nghĩa kia.

Thần cảnh trí và tha tâm trí trong tất cả thân đều chỉ có hai nghĩa là thông và thị đạo. Riêng thiên nhĩ trí trong tất cả thân thì chỉ có một nghĩa là thông, không có ba nghĩa kia.

Hỏi: Vì sao trong thân Như Lai có trí được lập làm lực, còn các trí của thân Thanh văn và Độc giác lại không được lập làm lực?

Đáp: Lực có nghĩa là không thể khuất phục, không có chướng ngại. Các trí nơi thân Độc giác và Thanh văn còn bị vô tri khuất phục, còn có chướng ngại, nên không gọi là lực.

Từng nghe: Đức Phật và Tôn giả Xá-lợi-tử cùng đi kinh hành một nơi, có một người đi đến chỗ Đức Phật. Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Tôn giả hãy quán xem trong thời quá khứ người này đã kết bạn thân với Tôn giả ở đâu? Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử liền dùng túc trụ tùy niệm trí của tĩnh lự thứ nhất cho đến của tĩnh lự thứ tư để quán biết, nhưng đều không thấy, liền xuất định thưa Phật: Sức định của con quán xét nhưng không thể thấy được. Đức Phật bảo: Người ấy ở kiếp trước trong quá khứ đã kết bạn thân với Tôn giả tại đây. Thời gian ấy đã quá xa, không thuộc cảnh giới của Thanh văn và Độc giác, nên Tôn giả không thấy được.

Lại vào lúc nọ, Đức Phật cùng Tôn giả Xá-lợi-tử đi kinh hành ở một chỗ khác. Khi ấy, có một người gặp nạn mà chết. Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Tôn giả hãy quán xem người ấy sẽ sinh vào chốn nào? Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử liền nhập định, từ tĩnh lự thứ nhất cho đến tĩnh lự thứ tư, dùng thiên nhãn để nhìn xét đều không thấy được gì, liền xuất định bạch Phật: Con đã dùng thiên nhãn nhìn xét nhưng không thể thấy. Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Người ấy chết rồi được sinh lên thế giới đó, nhưng vì là cõi quá xa, không phải là cảnh giới của hàng Thanh văn, Độc giác, nên Tôn giả không thấy được.

Hỏi: Sự dứt hết lậu của ba thừa đều không sai khác, vì sao lậu tận trí của hàng Nhị thừa không phải là lực?

Đáp: Lậu tận trí của Phật là thắng diệu, mạnh nhanh, hàng Thanh văn và Độc giác không thể sánh kịp. Tuy đều dứt hết lậu nhưng có nhanh và chậm khác nhau. Như khi có hai người, mỗi người đốn một cây to, một người mạnh mẽ lại thêm có búa bén, còn người kia sức yếu mà búa không bén, nên tuy cùng đốn cây nhưng có nhanh chậm. Vì thế, lậu tận trí của Phật được lập làm lực, còn trí hai thừa kia thì không.

Lại, trí của Nhị thừa tuy có thể dứt hết lậu, nhưng hãy còn các tập khí khác, nên không gọi là lực.

Lại, khi lậu tận trí được lập làm lực thì không căn cứ vào khả năng dứt hết lậu của mình mà dựa vào khả năng khiến người khác dứt hết lậu. Nghĩa là Đức Phật khéo thấu suốt các hữu tình như thế phải nương vào khổ trì thông hành thì lậu sẽ dứt hết, cho đến các hữu tình như thế phải nương vào lạc tốc thông hành mới dứt hết lậu. Do phương tiện ấy nên thuyết giảng chánh pháp cho tất cả mọi người khiến các lậu đều dứt hết, nên mới lập tên lực, hàng Nhị thừa không được như thế, nên không gọi là lực.

HẾT – QUYỂN 102