LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 103

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ THA TÂM TRÍ, phần 5

Hỏi: Trong sáu thông có bao nhiêu thứ là minh không phải là thị đạo, có bao nhiêu thứ là thị đạo không phải là minh, có bao nhiêu thứ là minh cũng là thị đạo, có bao nhiêu thứ không phải là minh cũng không phải là thị đạo?

Đáp: Có hai thứ thông là minh không phải là thị đạo, đó là túc trụ tùy niệm trí chứng thông và tử sinh trí chứng thông. Có hai thứ thông là thị đạo không phải là minh, đó là thần cảnh trí chứng thông và tha tâm trí chứng thông. Có một thứ thông là minh cũng là thị đạo, đó là lậu tận trí chứng thông. Có một thứ thông không phải là minh cũng không phải là thị đạo, đó là thiên nhĩ trí chứng thông.

Hỏi: Vì sao trong sáu thông có ba thứ là thị đạo còn ba thứ không phải là thị đạo?

Đáp: Hóa hiện các sự việc hy hữu khiến người khác tin tưởng quy phục, nhân đấy dẫn nhập chánh pháp, nên gọi là thị đạo. Ba thứ thông có nghĩa ấy, còn ba thứ kia không phải như thế. Nghĩa là nếu tự nói ta có thể nghe được xa, thấy được xa và nhớ được các sự việc đời trước v.v… thì người khác sẽ sinh nghi, cho là dối trá, không thật, liền không tin phục, nên chúng không phải là thị đạo.

Từng nghe: Một vị Cư sĩ tin theo pháp ngoại đạo nên đã cố thỉnh mời ông Thân tử Ly hệ cùng đám đệ tử đến nhà để cúng dường. Khi mới bước vào nhà, ông Thân tử Ly hệ mỉm cười. Vị Cư sĩ lấy làm lạ, hỏi: Thầy đã lìa bỏ hết các thứ trạo cử vì sao lại mỉm cười? Ông này bảo: Ta có đức vi diệu, gia chủ nhà này đâu có thể nhận biết được? Cư sĩ nghe nói liền ân cần hỏi han. Ông ấy nói: Bên bờ sông Nại-mạt-đà có hai chú khỉ cắn xé nhau mãi không thôi, cuối cùng cả hai rơi xuống sông bị dòng nước cuốn chìm. Ta thấy việc ấy vì thương nên mỉm cười. Vị Cư sĩ thán phục, khen: Thật là việc hy hữu, thiên nhãn của Đại sư thanh tịnh đến thế là cùng!

Khi tới giờ ăn, vị Cư sĩ thầm nghĩ: Hay là nhân việc ăn uống này mình thử tài ông ấy xem thực hư ra sao? Bèn lấy bát để thịt ở dưới, lấy cơm phủ lên rồi đem dâng cho Đại sư, còn mấy bát kia thì chan thịt vào cơm dâng cho đám đồ đệ. Lúc ấy, đám đồ đệ ăn xong chỉ riêng thầy là không ăn. Vị Cư sĩ đến thưa: Vì sao Đại sư lại không dùng cơm? Thầy bảo: Không có canh thịt thì làm sao ăn? Vị Cư sĩ sửa giọng: Lạ thay thiên nhân! Chỉ có thể thấy các sự việc xa mà không thể thấy nổi việc trước mắt! Thầy trò đám ngoại đạo đó hết sức hổ thẹn.

Thế nên ba thứ thông như thiên nhãn không phải là thị đạo. Tự nói mình nghe được việc từ xa, nhớ được việc từ xưa thì cũng không thể khiến người khác tin phục. Đã không tin tưởng kính phục thì làm sao hướng dẫn họ vào chánh pháp được. Thế nên cả ba thứ này đều không phải là thị đạo.

Hoặc hóa hiện thần cảnh trí thông, biến một thành nhiều, hóa nhiều thành một, cho đến biến ra trời Phạm thế có thần lực tự tại, khiến số đông người thêm lòng tin phục, để hướng dẫn họ về với chánh pháp, nên gọi là thị đạo.

Hoặc hiện bày tha tâm trí thông, ghi nói các sự việc suy nghĩ sai khác nơi tâm tư thảy đều đúng sự thật, khiến nhiều người càng thêm tin phục, để hướng dẫn họ vào chánh pháp, nên gọi là thị đạo.

Hoặc thị hiện lậu tận trí thông, tùy hoàn cảnh thích nghi dạy khuyên khiến mau thấy Đế, xa lìa phiền não trần cấu, đối với các pháp sinh pháp nhãn thanh tịnh, dần dần đạt đến chỗ các lậu đều dứt hết, khiến nhiều người càng thêm tin phục, nhằm hướng dẫn họ vào chánh pháp, nên gọi là thị đạo.

Hỏi: Nên hiện thần thông với những Bổ-đặc-già-la nào?

Đáp: Nếu đối với pháp Phật quyết định tin tưởng và không tin tưởng, thì không nên vì hai hạng này hiện bày thần biến. Nếu là hạng không quyết định thì nên vì họ hiện bày thần biến để dẫn họ vào chánh pháp, trừ sự việc này ra không còn phương tiện nào khác. Vì sao biết được? Như Khế kinh nói: Vào một lúc nọ, Đức Phật ngụ trong khu rừng Chu-tạp-am-la bên thành Na-đồ-kiến-tha. Khi đó, có một vị Cư sĩ tên là Kê-phiệt-đa đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui ra ngồi sang một bên, bạch Phật: Nay trong thành này được an ổn, sung túc, vui vẻ, đông đảo chúng dân đều kính tin Phật Pháp Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn để lại một vị đệ tử sống ở chốn này, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn sẽ luôn hiện biến, chỉ rõ là pháp hơn người, khiến những người tin theo pháp Phật ở trong thành này càng thêm vững chắc bội phần, cũng khiến cho những khách vãng lai cùng đám người chưa tin sẽ tin nhận pháp Phật.

Đức Phật bảo vị Cư sĩ ấy: Ta chưa hề bảo các đệ tử đối trước các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo hiện bày các thần biến làm rõ pháp hơn người. Ta chỉ khuyên bảo các chúng đệ tử hãy luôn che giấu phần ưu điểm của mình, hiện bày chỗ thua kém.

Vị Cư sĩ lại thưa cùng Phật: Nếu các đệ tử Phật đối trước các Sa-môn, Bà-la-môn hiện phép thần thông làm rõ pháp hơn người thì có lỗi gì mà Phật không cho? Còn nếu luôn che giấu phần ưu điểm, phô bày các điều thua kém của mình, thì có công đức gì mà Phật lại khuyến khích?

Đức Thế Tôn bảo vị Cư sĩ: Nay Ta hỏi ông hãy cứ thật tình mà đáp. Như các đệ tử của Ta đối trước các Sa-môn, Bà-la-môn hiện phép thần thông, biến một thành nhiều, hóa nhiều thành một, cho đến biến ra trời Phạm thế thần lực tự tại. Khi thấy sự việc ấy xong, người tin Phật bảo người không tin: Kỳ diệu thay, các đệ tử của Đức Thế Tôn hóa hiện được như thế, thật là hiếm có! Bấy giờ, người không tin Phật bảo: Đây có gì là hiếm có! Trên đời có minh chú tên là Kiệnđà-lê, ai luyện giỏi thì cũng biến hóa được các thứ huyễn hoặc như thế cả. Ai là người trí lại hiện bày những sự việc tầm thường ấy. Đức Phật hỏi vị Cư sĩ: Ý ông nghĩ sao, có kẻ không tin nói lời chê bai như thế với người tin Phật chăng?

Vị Cư sĩ thưa: Quả thật có điều ấy!

Đức Thế Tôn lại bảo vị Cư sĩ: Nếu đệ tử của Ta ghi nói điều nghĩ ngợi sai khác nơi tâm tư của người khác thảy đều đúng như thật không hư dối. Người tin Phật nghe rồi liền bảo với kẻ không tin: Kỳ diệu thay, chỉ các vị đệ tử của Phật mới đạt được sự hiếm có ấy! Khi ấy, người không tin bảo điều ấy: Có gì là hiếm có! Ở đời, có minh chú tên là Sát-ni-ca, nếu ai khéo thọ trì thì cũng tạo được các sự việc huyễn hoặc như thế. Ai là người trí lại hiện bày những sự việc tầm thường ấy. Đức Phật hỏi Cư sĩ: Ý ông nghĩ sao? Có kẻ không tin nói những lời chê bai ấy với người tin Phật chăng?

Vị Cư sĩ thưa: Quả thật có điều ấy!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo vị Cư sĩ: Nếu chúng đệ tử của Ta đối trước Sa-môn, Bà-la-môn hiện bày các sự việc thần biến làm rõ pháp hơn người luôn có các tai hại nên Ta không cho. Còn nếu các đệ tử của Ta biết che giấu phần tài giỏi, phô bày phần thua kém của mình thì thuận pháp Hiền Thánh, đời luôn khen ngợi có công đức ấy nên Ta chấp thuận. Do đó nên biết, đối với những người quyết định tin và kẻ không tin thì không nên hiện phép thần thông biến hóa. Chỉ đối với người chưa quyết định thì mới tùy phương tiện hiện ra để dẫn dắt họ đến với pháp Phật.

Trong Khế kinh này Đức Phật nói cho vị Cư sĩ biết về ba thứ thị đạo là: 1. Thị đạo bằng thần biến. 2. Thị đạo bằng ghi nhớ. 3. Thị đạo bằng chỉ dạy.

Hỏi: Vì sao gọi là thị đạo?

Đáp: Thị nghĩa là thị hiện, đạo nghĩa là dẫn dắt. Hiện bày các sự việc hy hữu để dẫn dắt mọi người đến với chánh pháp nên gọi là thị đạo. Như người giữ cửa vua nên đặt tên là Thị đạo. Nghĩa là người giữ cửa này chỉ rõ các sự việc bên trong để dẫn dắt người bên ngoài. Hiện bày các sự việc bên ngoài để dẫn dắt người bên trong.

Chỉ rõ các sự việc bên trong để dẫn dắt người bên ngoài: Nghĩa là người này theo dõi vua về việc tắm gội, ăn uống, nghỉ ngơi hay xem các vật báu rồi kể ra.

Chỉ rõ các sự việc bên ngoài để dẫn dắt người bên trong: Nghĩa là người này theo dõi các sự việc cống nạp biếu dâng các thứ ngọc báu quý hiếm của các nơi để làm tín vật rồi hướng dẫn người bên trong ra nhận.

Như vậy chỉ rõ công đức vi diệu nhất trong chánh pháp của Phật, dùng phương tiện để hướng dẫn các hữu tình được hóa độ khiến họ đến với đạo pháp, nên gọi là thị đạo.

Khế kinh này lại nói: Vào đầu hôm, giữa đêm và cuối đêm, Bồtát trong mỗi lúc ấy đều khởi các thông và minh. Khi đã khởi xong thông và minh thì sao mai xuất hiện, cũng là lúc Bồ-tát chứng quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng.

Hỏi: Do duyên nào đầu, giữa và cuối đêm, Bồ-tát đều khởi thông và minh?

Đáp: Trải qua hằng hà sa số thân làm Bồ-tát, đến giai đoạn cuối cùng khi Ngài sắp chứng quả Đại giác, thì theo đúng pháp là như thế.

Lại nữa, vào đầu hôm, giữa đêm, cuối đêm đều khởi thông và minh là vì muốn tự thân trở thành pháp khí.

Lại nữa, vì muốn hiện thần biến để thấu suốt mọi việc. Thông là khả năng hiện bày thần thông, minh là khả năng thấu suốt muôn việc, cho nên khởi thông và minh.

Lại nữa, vì muốn hiện bày đầy đủ sự an định tạo sự việc xa. Thông là hiện bày đầy đủ sự an định, minh là tạo sự việc đời trước, cho nên khởi thông và minh.

Lại nữa, như đạo vô gián và đạo giải thoát. Thông như đạo vô gián, minh như đạo giải thoát, cho nên khởi thông và minh.

Lại nữa, như kiến đạo và tu đạo. Thông như kiến đạo, minh như tu đạo, cho nên khởi thông và minh.

Lại nữa, vì muốn làm sáng tỏ các pháp hữu lậu thiện, pháp vô phú vô ký, pháp hữu lậu vô lậu và pháp vô lậu có lực dụng hiện tiền, cho nên khởi thông và minh. Pháp hữu lậu thiện: Tức là thần cảnh trí chứng thông và túc trụ tùy niệm trí chứng thông minh. Pháp vô phú vô ký: Tức là hai thông thiên nhãn trí chứng và thiên nhĩ trí chứng. Pháp hữu lậu, vô lậu: Tức là tha tâm trí chứng thông. Pháp vô lậu: Tức là lậu tận trí chứng thông minh.

Lại nữa, vì muốn thứ lớp hàng phục các ma oán, nên đầu, giữa và cuối đêm đều khởi thông và minh.

Từng nghe: Khi nhận biết việc tu khổ hạnh không phải là đạo chân thật, Bồ-tát liền thọ nhận sự dâng cúng cháo sữa trộn mật thơm ngon đủ mười sáu thứ đức của hai chị em Nan-đà và Nan-đà-bạt-la. Ăn xong, thân tâm Bồ-tát an ổn, sức lực hồi phục, tiếp đó đến bên người Kiết Tường nhận lấy bó cỏ Kiết Tường. Bồ-tát tiến về bên cội Bồ-đề, tự tay trải cỏ, như thân cuộn tròn của Long vương Bà-tô-cát, Bồ-tát ngồi kiết già trên cỏ, xong thì phát nguyện kiên cố: Nếu ngồi ở đây các lậu không dứt hết, không chứng được đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, thì Ta thề nhất định không đứng dậy.

Khi ấy, khắp nơi từ đất bằng, biển cả, cho đến núi non đều hiện đủ sáu cách chấn động, rung chuyển dữ dội, khiến mọi vật như chiếc thuyền nan giữa biển khơi trồi lên hụp xuống trên đầu các lượn sóng dữ. Cả đến chốn thiên cung của trời Tha hóa tự tại cũng đều rúng động như cơn gió mạnh thổi giạt những tàu lá chuối.

Bấy giờ, Ma vương kinh khiếp vội vã tìm khắp nguyên nhân của sự chấn động, tức thấy Bồ-tát đang an tọa nơi cội cây Bồ-đề, thân đoan nghiêm bất động thề quyết chứng được đạo quả Bồ-đề. Cả đám Ma vương và quyến thuộc liền tức tốc ra khỏi cung điện phóng ngay đến chỗ Bồ-tát và nói: Này ông Thái tử thuộc tộc họ Sát-đế-lợi kia! Hãy mau đứng lên bước khỏi tòa cỏ này, vì hiện nay là thời ô trược, tất cả chúng sinh đều bướng bỉnh, xấu ác, nhất định không thể nào chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng. Ông hãy nhận lấy ngôi vị Chuyển luân vương, chúng tôi sẽ đem vô số bảy báu hiến tặng.

Bồ-tát đáp: Lời các người nói chỉ có thể dụ dỗ đám trẻ con. Mặt trời, mặt trăng, muôn sao có thể rơi xuống, núi non, rừng rậm, đất bằng có thể bay lên không trung, nhưng mong Ta hôm nay không đạt được Đại giác mà lìa khỏi tòa này thì không thể có việc ấy!

Ma vương bảo Bồ-tát: Nếu ông không đếm xỉa đến lời lẽ dịu dàng, lịch sự của ta, thì trong phút chốc ông sẽ chứng kiến mọi nỗi kinh hoàng nhất. Nói xong liền tung hoa rồi thẳng về cung, báo khắp đến cả sáu tầng trời: Các ông nên cấp tốc chuẩn bị đầy đủ mọi thứ chiến cụ như cung nỏ, đao, kiếm, dây trói, lưới rập, mâu, kích, giáo mác v.v… sẵn sàng ứng chiến với kẻ đại thù đang ngồi bên gốc Bồđề kia.

Lúc này, Bồ-tát nghĩ thầm: Đối địch với hàng phàm phu hãy còn không thể khinh thường, huống chi là đối với Đại tự tại chủ ở cung trời Tha hóa. Nghĩ xong, liền dốc tu tập đạo lìa bỏ các dục nhiễm. Lìa bỏ các nhiễm ở cõi dục, khởi hiện thần cảnh trí thông ở tĩnh lự thứ nhất, biến hóa đủ mọi thứ chiến cụ hơn hẳn để đối địch. Nếu quân ma biến ra hình chim bay đến, ta sẽ hóa ra hình chồn cáo để vồ mồi. Nếu quân ma biến ra hình chồn cáo, ta sẽ hóa ra hình sói dữ để đối địch. Nếu quân ma biến thành hình sói dữ, ta sẽ hóa ra hình beo gấu để ứng chiến. Nếu quân ma biến ra hình beo gấu, ta sẽ hóa ra hình cọp dữ để đối đầu. Nếu quân ma biến thành hình cọp dữ chạy đến, ta sẽ hóa ra hình sư tử để đối phó. Nếu quân ma biến ra hình sư tử, ta sẽ hóa ra rồng dữ và kỳ lân nghinh chiến. Nếu quân ma biến ra hình kỳ lân và rồng dữ bay xuống, ta sẽ hóa ra lửa mạnh đốt tan. Nếu quân ma biến ra lửa dữ đốt cháy, ta sẽ hóa thành mưa lớn tuôn xối dập tắt. Nếu quân ma biến ra mưa dữ, ta sẽ hóa thành chiếc dù thật to để đối đầu v.v… Như thế, có vô lượng các thứ các cách để sẵn sàng ứng chiến. Bồ-tát lại hóa ra đài toàn bằng phệ lưu ly trong suốt, vô cùng vững chắc, ngồi trong đài có thể nhìn thấy khắp mọi hướng xa xôi, phía trước tòa ngồi dưới mặt đất, Ngài hóa ra các thứ sấm chớp với những tiếng nổ lớn.

Biến hóa mọi thứ xong xuôi, Bồ-tát tự nghĩ: Điều cần thiết là trong các đời trước, ta không hề ngăn cản kẻ khác tu thiện, liền khởi túc trụ tùy niệm trí minh xem xét, thấy trong các tiền kiếp mình chưa từng ngăn chận việc tu thiện của ai, trái lại còn ban tặng, giúp đủ mọi vật dụng và phương cách thuận hợp. Bồ-tát lại nghĩ: Nghiệp thiện của ta cũng không thể thua kém quân ma ấy được. Lại nhìn các tiền kiếp thì thấy Ma vương chỉ có một lần lập đàn bố thí, trong hội đó có một vị Độc giác, nhờ nghiệp thiện ấy mà nay được sinh lên xứ trời. Lại tự xét các đời trước của mình, thấy đã từng tổ chức các hội bố thí rộng lớn, số lượng tới trăm ngàn vạn ức không thể biết hết, và số chư Phật, Độc giác có mặt trong các hội ấy cũng lên đến trăm ngàn vạn ức không thể nhớ hết. Bồ-tát lại nghĩ: Phước đức bố thí của ta so với chúng hãy còn không thể xét lường, huống chi là vô lượng nghiệp thiện và giới định tuệ thì chúng hoàn toàn không có. Nghĩ thế xong, Bồ-tát liền thẳng thân, chánh ý an nhiên mà ngồi.

Sau đó, Ma vương tập hợp cả ba mươi sáu câu-chi quân ma với đủ loại thứ hình thù kỳ quái đáng sợ, cầm vác đủ loại binh khí, vô số màu sắc khác nhau, sắp dài đến ba mươi sáu do-tuần, cùng lúc ùn ùn kéo đến nơi cây Bồ-đề.

Khi ấy, Bồ-tát bảo Ma vương: Kiếp xưa nhà ngươi chỉ tổ chức một hội bố thí lớn mà lực dụng hãy còn như thế, còn ta từ đời trước đã lập hội bố thí rộng lớn số lượng lên đến trăm ngàn vạn ức khó nhớ hết, huống hồ các công đức khác nhà ngươi chẳng có v.v… nay sao dám đến đây quấy phá não hại?

Ma ác nói với Bồ-tát: Công đức của ta thì ông đã biết, còn công đức của ông thì có ai biết đâu?

Bồ-tát liền đưa cánh tay đầy đủ tướng tốt trang nghiêm gõ mạnh lên mặt đất trước tòa ngồi, lập tức từ dưới mặt đất tiếng sấm vang động, sáu thứ chấn động cùng nổi lên có những tiếng nổ dữ dội. Bấy giờ, cả đám quân ma khiếp vía nên bỏ chạy tứ tán. Biết mình không thể địch nổi, cả đám đều tự chạy trở về cung. Bồ tát đã tạo thành hành nghiệp sinh nhãn nhĩ chỉ nghe thấy xa nhất là một do-tuần. Lúc này quân ma đã cách xa, muốn biết chúng đang ngôn thuyết bàn luận gì thì Ngài liền khởi thiên nhĩ để nghe. Muốn thấy hình sắc chúng ra sao, đang làm gì thì Ngài liền khởi thiên nhãn để nhìn. Muốn biết chúng đang nghĩ tính gì thì Ngài liền khởi tha tâm thông để biết. Khi ấy, trời Đế Thích và thiên chúng rất vui mừng, còn tâm ý của Ma vương và đám quyến thuộc thì sầu não ganh ghét. Bồ-tát lại suy xét xem do nguyên cớ nào đám quân ma lại dấy khởi việc ác như thế? Nhận biết được đều do duyên nơi năm dục, mê đắm năm dục, đều do phiền não. Khi đã chán bỏ các phiền não thì các lậu đều dứt sạch và chứng được quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng v.v…

Vì muốn lần lượt hàng phục quân ma, nên đầu, giữa và cuối đêm, Bồ-tát đều khởi thông và minh.

***

* Khi hiện quán đế đầu tiên là được chứng tịnh về thứ nào:

Phật, Pháp hay Tăng?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận các Tông chỉ chỉ khác, nhằm hiển bày chánh lý. Nghĩa là, hoặc có thuyết nói: Trong cùng một lúc hiện quán cả bốn Thánh đế, như phái Luận Phân Biệt.

Hỏi: Vì sao họ nói như thế?

Đáp: Vì họ dựa vào Khế kinh. Như Đức Thế Tôn nói: Nếu không có nghi hoặc về khổ đế thì cũng không còn nghi hoặc về tập, diệt, đạo đế.

Đã nhanh chóng không còn nghi hoặc về bốn đế, nên biết hiện quán nhất định là tức thời không phải từ từ, lần lượt. Nay nhằm ngăn chận ý tưởng ấy, chỉ rõ: Hiện quán về bốn Thánh đế nhất định là từ từ chứ không phải là tức thời. Nếu không phải thế tức là trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: Trưởng giả Cấp Cô Độc đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi chân Phật, rồi thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Các Sư Du-già hiện quán bốn Thánh đế thì nhanh hay chậm? Đức Phật nói với vị Cư sĩ: Các Sư Du-già đối với bốn Thánh đế nhất định là hiện quán từ từ, như khi lên cao dần phải bước qua từng bốn bậc thềm.

Hỏi: Nếu hiện quán từ từ đối với bốn Thánh đế thì giải thích làm sao thông nơi các kinh do phái Luận Phân Biệt dẫn ra?

Đáp: Những điều trong kinh được dẫn nên nói: “Nếu đối với đạo đế không có nghi hoặc thì đối với các đế: Khổ, tập, diệt cũng không có nghi hoặc”. Nhưng lại không nói như thế, nên biết là có ý sâu xa riêng. Nghĩa là kinh ấy nói: “Đối với người đã chứng quả, nếu không có nghi hoặc về khổ đế thì cũng không có nghi hoặc về ba đế kia, do các mê lầm nghi hoặc về bốn đế đã dứt hết”.

Tôn giả Thế Hữu nói: Kinh ấy ý nói “Nghi không hiện hành”. Nghĩa là các Sư Du-già nếu đã nhập hiện quán với khổ đế không có nghi hoặc, thì đối với ba đế kia tuy chưa đoạn dứt hết các nghi hoặc hiện có nhưng vĩnh viễn không để chúng hiện hành. Tức người này đối với bốn đế đã được phi trạch diệt.

Đại đức nói: Nếu lúc đầu được nhập chánh tánh ly sinh thì đối với các Đế đều gọi là hiện tín.

Hỏi: Vị Đại đức kia cũng nói: Khi hiện quán bốn Thánh đế thì từ từ, không phải là nhanh chóng. Nay vì sao lại nói như thế?

Đáp: Vị ấy muốn nói: Khi trụ vào khổ pháp nhẫn, nếu đối với bốn đế đều không đạt được tin tưởng tất không có nghĩa an trụ. Như đem đồ sành lên lầu cao ném xuống đất, tuy trong khoảng thời gian chưa chạm đất, vật ấy chưa bể tất sẽ bể nên cũng gọi là bể. Ở đây cũng như vậy.

Thế nên, vì để ngăn chận các Tông chỉ chỉ khác và hiển bày chánh lý, nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây, Phật: Nghĩa là các pháp vô học nơi thân Phật duyên nơi tín vô lậu của chúng gọi là Phật chứng tịnh.

Pháp: Nghĩa là pháp học và vô học của ba căn vô lậu nơi thân bậc Độc giác, hoặc là các pháp học của hai căn vô lậu nơi thân Bồ-tát và ba đế: Khổ, tập, diệt duyên nơi tín vô lậu ấy gọi là Pháp chứng tịnh.

Tăng: Nghĩa là pháp học và vô học trong thân Thanh văn duyên nơi tín vô lậu ấy gọi là Tăng chứng tịnh.

Các giới vô lậu gọi là Giới chứng tịnh.

Tự tánh thanh tịnh nương vào chứng đắc khởi lên nên cũng gọi là chứng tịnh.

Nếu khi hiện quán nơi khổ, tập, diệt, thì trước là được Pháp chứng tịnh. Khi hiện quán đối với đạo thì Phật, Pháp, Tăng được chứng tịnh đầu tiên.

Trong đây, khi hiện quán về khổ được pháp chứng tịnh đầu tiên, nghĩa là ở tại pháp khổ được tín vô lậu.

Hiếp Tôn giả nói: Khi ấy, đối với khổ tin là nó có nhiều lỗi lầm tai hại, cũng như đối với khổ diệt tin là nó có nhiều lợi ích tốt đẹp, nghĩa là khổ diệt này rất là tịnh diệu. Như vậy, thứ khổ thấp kém xấu bẩn khi được diệt hết thì thật là an vui.

Khi hiện quán về tập được pháp chứng tịnh đầu tiên, nghĩa là ở tại pháp tập này được tín vô lậu.

Hiếp Tôn giả nói: Bấy giờ, đối với tập tin là nó có nhiều lỗi lầm tai hại, cũng như đối với tập diệt tin là nó có nhiều lợi ích tốt đẹp, nghĩa là tập diệt này rất là tịnh diệu. Như vậy, thứ tập thấp kém xấu bẩn khi được diệt hết thì thật là an vui.

Khi hiện quán về diệt được pháp chứng tịnh đầu tiên, nghĩa là ở tại pháp diệt này được tín vô lậu, nên tin tưởng pháp diệt có lợi ích tốt đẹp rất là tịnh diệu, tức các pháp hữu lậu đã rốt ráo được tịch diệt, thật là an vui.

Hỏi: Khi hiện quán ba Thánh đế thì mỗi mỗi thứ đều được hai loại chứng tịnh là tín và giới, vì sao trong đây chỉ nói có tín?

Đáp: Lẽ ra nên nói có được hai thứ chứng tịnh nhưng không nói, nên biết ở đây nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, ở đây không phải chỉ hỏi ai đã được bao nhiêu chứng tịnh, mà hỏi ai đã có được bao nhiêu duyên với chứng tịnh quý báu này? Giới vì không có đối tượng duyên, nên tuy được cũng không nói.

Lại có thuyết cho: Đối với pháp đầu tiên được chứng tịnh, không nói chỉ được duyên với pháp chứng tịnh, chỉ nói là đối với pháp để được chứng tịnh.

Tín và giới đều nhân nơi pháp bảo mà được, nên đều được gọi là Pháp chứng tịnh.

Khi hiện quán về đạo, đối với Phật, Pháp, Tăng được chứng tịnh đầu tiên.

Các Luận sư ở nước ngoài nói thế này: Khi hiện quán về đạo, trong khoảnh khắc ba sát-na là tín ở hiện tại và giới tùy chuyển, nên biết là có đủ bốn nghĩa chứng tịnh. Nghĩa là khi tín này duyên với pháp vô học của thân Phật gọi là Phật chứng tịnh. Tín này lại duyên với pháp học và vô học nơi thân Độc giác và duyên với các pháp học nơi thân Bồ-tát gọi là Pháp chứng tịnh. Tín này lại duyên với pháp vô lậu của thân Thanh văn gọi là Tăng chứng tịnh. Còn giới tùy chuyển này gọi là Giới chứng tịnh.

Lời bình: Chư vị kia không nên nói như thế. Khi tín ở hiện tại thì nó duyên chung với pháp vô lậu của ba thừa, nhưng chỉ là tạp duyên thuộc Pháp chứng tịnh. Nhưng khi tín này hiện tiền cũng tu tín nhiều sát-na ở vị lai.

Ở trong vô lượng sát-na tín này, nếu có thứ chỉ duyên với pháp vô học của Phật gọi là Phật chứng tịnh.

Nếu có thứ chỉ duyên với pháp vô lậu của Độc giác và Bồ-tát là thuộc về Pháp chứng tịnh không tạp duyên.

Hoặc có thứ chỉ duyên với pháp học, vô học nơi thân Thanh văn gọi là Tăng chứng tịnh.

Hoặc có thứ tạp duyên với pháp vô lậu trong thân Phật, Độc giác, Bồ-tát. Hoặc có thứ tạp duyên với pháp vô lậu của Phật và Thanh văn. Hoặc có thứ tạp duyên với pháp vô lậu trong thân của Độc giác, Bồ-tát và Thanh văn. Hoặc có thứ tạp duyên với pháp vô lậu của Phật, Độc giác, Bồ-tát và Thanh văn v.v… đều là thuộc về Pháp chứng tịnh tạp duyên.

Còn giới của tín tùy chuyển ở hiện tại và vị lai là Giới chứng tịnh.

Như ở vị kiến đạo, khi hiện quán về đạo, trong khoảng ba sát-na và thời gian của đạo loại trí nên biết cũng như thế. Có sai khác: Thời gian ba sát-na chỉ tu duyên với các tín và giới của đạo. Còn thời gian của đạo loại trí thì tu duyên với các tín và giới của bốn đế.

Hỏi: Hai đế diệt và đạo là sự thanh tịnh, là xứ đáng tin tưởng, nên khi hiện quán có thể đạt được chứng tịnh. Còn hai đế khổ và tập là sự tạp nhiễm, là xứ không nên tin cậy, là chỗ nương dựa của các phiền não điên đảo, hành ác, vậy khi hiện quán chúng vì sao cũng được chứng tịnh?

Đáp: Do hai duyên nên được chứng tịnh. Đó là do có thể tin và do có thể tìm cầu. Đối với hai đế diệt và đạo, do đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Còn đối với hai đế khổ và tập, chỉ do một duyên mà được chứng tịnh, nghĩa là có thể tin, không phải là có thể tìm cầu. Như người đào đất gặp chỗ có vật báu, đối với nơi ấy là có tin, có tìm cầu. Nếu người đào đất gặp chỗ không có của báu, đối với nơi ấy là có tin mà không có tìm cầu. Chỗ ấy tuy không có các vật như của báu, nước v.v…, nhưng cũng có công đào bới. Đây cũng như thế, nên không có lỗi.

Tôn giả Diệu Âm nói: Các Sư Du-già trước do kiến khổ và tập có nhiều tai họa, nên sau mới thấy diệt và đạo có nhiều lợi ích tốt đẹp. Nghĩa là pháp đạo và diệt này rất tịnh diệu, có khả năng dứt trừ hẳn các thứ uế ác và khổ não của khổ và tập đế. Do đó, Hành giả tuy đối với khổ và tập đế không có tìm cầu, nhưng cũng được chứng tịnh.

Hiếp Tôn giả cho: Các Sư Du-già vì bị các khổ và tập đế bức bách, nên đối với diệt và đạo liền thấy có lợi ích tốt đẹp. Ví như người bị mưa gió hành hạ, nên khi thấy nhà cửa liền chạy đến nương dựa. Do đó, tuy khổ và tập không có tìm cầu, nhưng cũng được chứng tịnh.

Các Sư Du-già đều chỉ đối với diệt đế do hai duyên nên được chứng tịnh, tức là do có thể tin và do có thể mong cầu, không phải đối với đạo đế đều do hai duyên ấy mà được chứng tịnh. Nghĩa là người tùy tín hành đối với đạo tùy tín hành và tùy pháp hành, do đầy đủ hai duyên nên được chứng tịnh.

Người tùy pháp hành đối với đạo tùy pháp hành, do đủ hai duyên như trên nên được chứng tịnh. Đối với đạo tùy tín hành chỉ do một duyên nên được chứng tịnh, tức là có thể tin, không phải là mong cầu.

Bậc tín thắng giải đối với đạo tín thắng giải và kiến chí đều do có đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Nếu là kiến chí đối với đạo kiến chí do đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Đối với đạo tín thắng giải chỉ do một duyên nên được chứng tịnh, tức là có thể tin, không phải là mong cầu.

Bậc thời giải thoát đối với đạo thời giải thoát và bất thời giải thoát đều do có đủ hai duyên nên được chứng tịnh.

Bậc bất thời giải thoát đối với đạo bất thời giải thoát do đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Đối với đạo thời giải thoát chỉ do một duyên nên được chứng tịnh, tức là có thể tin, không phải là mong cầu.

Thanh văn thừa đối với đạo của ba thừa đều do đủ hai duyên nên được chứng tịnh.

Độc giác thừa đối với thừa của mình và thừa trên, do đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Đối với đạo của Thanh văn thừa chỉ do một duyên nên được chứng tịnh, tức là có thể tin, không phải là mong cầu.

Các Phật thừa đối với đạo Phật thừa do đủ hai duyên nên được chứng tịnh. Đối với đạo Nhị thừa chỉ do một duyên nên được chứng tịnh, tức là có thể tin, không phải là mong cầu.

Hỏi: Nếu duyên với pháp vô học nơi thân của Tôn giả Xá-lợi-tử khởi tín vô lậu, thì đó là Pháp chứng tịnh hay Tăng chứng tịnh? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu là Pháp chứng tịnh thì duyên với pháp vô học của Thanh văn để khởi, vì sao gọi là Pháp chứng tịnh? Nếu là Tăng chứng tịnh thì vì sao chỉ duyên riêng với một Bổ-đặc-già-la mà gọi là chúng?

Đáp: Nên nói đó là Tăng chứng tịnh.

Hỏi: Ở đây chỉ có một người sao gọi là Tăng?

Đáp: Trong Thanh văn thừa, Tôn giả Xá-lợi-tử là bậc tôn quý nhất, nên tuy chỉ là một Bổ-đặc-già-la nhưng cũng là Tăng chứng tịnh. Vì dựa vào pháp để kiến lập, không phải là Sổ thủ thú (Bổ-đặcgià-la). Duyên nơi pháp vô học của Thanh văn thừa khởi tín vô lậu, không phải là tín vô lậu duyên với hữu tình giả danh.

Nếu dựa vào định vị chí, khi chưa từng được Phật chứng tịnh hiện tiền, ở hiện tại tu hai chứng tịnh, ở vị lai tu bốn chứng tịnh. Khi từng được Phật chứng tịnh hiện tiền, ở hiện tại tu hai chứng tịnh, ở vị lai không có, cho đến dựa vào tĩnh lự thứ tư nên biết cũng như thế.

Nếu dựa vào định vô sắc, khi chưa từng được Phật chứng tịnh hiện tiền, ở hiện tại tu một chứng tịnh, ở vị lai tu bốn chứng tịnh. Khi từng được Phật chứng tịnh hiện tiền, ở hiện tại tu một chứng tịnh, ở vị lai không có.

Như Phật chứng tịnh, nên biết ba thứ chứng tịnh kia cũng như vậy. Có sự sai khác: Là ở định vô sắc không có Giới chứng tịnh.

Hỏi: Do đâu để kiến lập bốn thứ chứng tịnh? Là do tự Thể hay là do đối tượng duyên? Nếu do tự Thể thì chỉ nên có hai thứ chứng tịnh là Tín và Giới. Nếu do đối tượng duyên thì chỉ nên có ba thứ chứng tịnh là Phật, Pháp, Tăng, vì Giới không có đối tượng duyên.

Đáp: Nên nói như vầy: Cũng do tự Thể, cũng do đối tượng duyên để kiến lập bốn thứ chứng tịnh. Nghĩa là do tự Thể để kiến lập Giới chứng tịnh, vì giới không có đối tượng duyên. Lại do đối tượng duyên để kiến lập ba thứ chứng tịnh kia, vì tín duyên với Tam bảo.

Như do tự Thể, do đối tượng duyên để kiến lập, thì các thứ do tự Thể – do Tam bảo, do tự Thể – do tùy niệm để kiến lập nên biết cũng như vậy.

Đó gọi là tự tánh của chứng tịnh, là bản tánh, tướng phần, tự thể ngã vật của chứng tịnh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là chứng tịnh? Chứng tịnh là nghĩa gì?

Đáp: Tịnh nghĩa là tín, giới lìa hết các thứ cấu uế, đối với bốn Thánh đế riêng biệt quán sát, riêng biệt suy xét, riêng biệt chứng biết, tức được thứ tịnh này, nên gọi là chứng tịnh.

Hiếp Tôn giả cho: Ở đây nên gọi là không hoại. Tịnh gọi là không hoại, vì không bị bất tín và các thứ giới xấu ác hủy hoại. Tịnh nghĩa là thanh tịnh, tín là tướng thanh tịnh của tâm, còn giới là tướng thanh tịnh của đại chủng.

Tôn giả Thế Hữu nói: Nên gọi thứ này là tịnh không đoạn dứt. Nghĩa là khi được các thứ này rồi thì không có sức mạnh nào của Samôn, Bà-la-môn có thể xâm đoạt, khiến chúng hư hoại.

Như Khế kinh nói: Đó gọi là kiến, là căn tương ưng với tín chứng trí. Các Sa-môn, Bà-la-môn nơi thế gian không thể xâm đoạt khiến chúng đoạn dứt, hư hoại.

Đại đức nói: Nếu không luôn quán sát, suy xét, chứng biết pháp Phật thì tín và giới có được dễ bị lay động, khác nào thuyền nan trên sóng lớn. Nếu luôn biết quán sát, suy xét, chứng biết pháp Phật thì tín và giới có được sẽ không thể bị lay động, khác nào cờ lệnh của vua. Ở đây chính nên gọi là Tịnh bất động.

Tôn giả Diệu Âm nói: Bốn thứ chứng tịnh đó nên gọi là kiến tịnh, tức kiến bốn Thánh đế nên được thứ tịnh này. Hoặc nên gọi là tuệ tịnh vì có Thánh tuệ cùng chuyển.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói Phật chứng tịnh trước cho đến sau cùng là nói về Giới chứng tịnh?

Đáp: Nói như thế là tùy thuận theo pháp thứ lớp của văn từ.

Lại nữa, tùy thuận theo pháp thứ lớp của người giảng nói, người nghe và người hành trì.

Lại nữa, Phật là chủ thể giảng nói nên nói trước. Tín Pháp là đối tượng được giảng nói nên nói tiếp theo. Tín Tăng là người hành trì nên nói tiếp sau. Tín và giới chỗ an trụ của Tăng nên được nêu bày sau cùng.

Lại nữa, Phật như vị lương y nên nói trước. Tín Pháp như người không bệnh nên được nói kế đó. Tín Tăng như người xem bệnh nên nói tiếp theo. Tín Giới như vị thuốc hay nên nói sau cùng.

Lại nữa, Phật như người thương chủ có khả năng chỉ đường dẫn lối nên nói trước. Tín Pháp như bến bãi có châu báu, là nơi cần đến, nên nói kế đó. Tín Tăng như khách buôn có thể giúp đỡ nên nói tiếp sau. Tín Giới như hàng hóa, của cải cần giữ kỹ nên nói sau cùng.

Lại nữa, Phật như người thuyền trưởng nên nói trước. Tín Pháp như bến đỗ cần đến nên nói kế tiếp. Tín Tăng như bạn đồng chuyên chở nên nói sau. Tín Giới như thuyền bè nên nói sau cùng.

Do các nhân duyên như trên nên bốn pháp chứng tịnh này có thứ lớp như thế.

Như Khế kinh nói: Giới được các bậc Thánh quý trọng, không phá bỏ, không thiếu sót, không xen tạp, không cấu uế. Chỗ thọ dụng của bậc Thánh, không phải là chỗ của các phàm phu giữ lấy, được bậc trí thường ngợi khen, có thể khéo đạt đến cứu cánh, có thể khéo dẫn phát. Hỏi: Vì sao gọi là giới được các bậc Thánh quý trọng?

Đáp: Vì giới luật là nơi nương dựa của các công đức. Nghĩa là các bậc Thánh vì mến thích các công đức nên phải quý trọng giới luật. Cũng như người mến thích vật báu nên cũng quý trọng đồ cất chứa vật báu. Như thế, các bậc Thánh vì mến chuộng các vật báu công đức của pháp Bồ-đề phần thanh tịnh, nên cũng quý trọng chỗ nương dựa là các vật chứa đựng giới luật.

Lại nữa, các bậc Thánh rất ghét những sự phá giới hoặc giữ những giới ác, luôn tìm cách đối trị chúng, nên các bậc Thánh quý trọng giới luật.

Lại nữa, các bậc Thánh rất ghét các cõi đầy hiểm ác, mà giới có khả năng giúp vượt ra khỏi các chốn ấy, nên các bậc Thánh quý trọng giới luật.

Lại nữa, các bậc Thánh rất ghét sự trôi lăn trong sinh tử, mà giới có khả năng giúp vượt thoát chốn sinh tử, nên các bậc Thánh quý trọng giới luật.

Lại nữa, bậc Thánh quý chuộng Niết-bàn, mà giới có thể hướng đến Niết-bàn, nên các bậc Thánh rất quý trọng giới luật.

Như Khế kinh nói: Giới luật có khả năng giúp lần lượt tiến đến Niết-bàn, nên các bậc Thánh rất quý trọng giới luật.

Hỏi: Không phá bỏ, không thiếu sót, không xen tạp, không cấu uế, cả bốn thứ ấy có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết cho: Không khác nhau. Bốn thứ ấy tiếng gọi có khác nhưng nghĩa thì không khác. Như Luận Tập Dị Môn nói: Đối với các giới này luôn hành trì, luôn chuyển đổi, khuyên hành trì, khuyên chuyển đổi, gọi là không phá bỏ, cũng gọi là không thiếu sót, cũng gọi là không xen tạp, cũng gọi là không cấu uế. Nên biết là bốn thứ này tuy tiếng gọi có khác nhưng nghĩa thì đồng.

Lại có thuyết nói: Bốn thứ này cũng có sai khác. Nghĩa là tên gọi có sai khác. Thứ này gọi là không phá bỏ, thứ này gọi là không thiếu sót, đây gọi là không xen tạp, chỗ khác gọi là không cấu uế.

Lại nữa, không trái vượt giới hạn vi phạm lần đầu, gọi là không phá bỏ. Không trái vượt giới hạn vi phạm lần hai, gọi là không thiếu sót. Đối với chỗ vi phạm thứ ba, thứ tư không trái vượt, nên gọi là không xen tạp. Đối với chỗ vi phạm thứ năm không trái vượt, nên gọi là không cấu uế.

Lại nữa, không trái vượt nên gọi là không phá bỏ. Không dựa vào tham nên gọi là không thiếu sót. Không dựa vào sân nên gọi là không xen tạp. Không dựa vào si nên gọi là không cấu uế.

Lại nữa, không trái vượt giới hạn nên gọi là không phá bỏ. Nương vào không tham nên gọi là không thiếu sót. Nương vào không sân nên gọi là không xen tạp. Nương vào không si nên gọi là không cấu uế.

Lại nữa, không trái vượt giới hạn nên gọi là không phá bỏ. Nương vào Xa-ma-tha (Chỉ) nên gọi là không thiếu sót. Nương vào Tỳ-bát-xá-na (Quán) nên gọi là không xen tạp. Có thể đoạn trừ phiền não nên gọi là không cấu uế.

Lại nữa, không trái vượt giới hạn nên gọi là không phá bỏ. Không bị tầm ác làm tổn hại nên gọi là không thiếu sót. Tự thể bền vững nên gọi là không xen tạp. Vô cùng thanh tịnh nên gọi là không cấu uế.

Lại nữa, tự tánh rắn chắc vững bền nên gọi là không phá bỏ. Xa lánh việc làm sai quấy nên gọi là không thiếu sót. Không phạm giới ác khiến bị xen lẫn gián đoạn nên gọi là không xen tạp. Không bỏ ý vui thích điều thiện nên gọi là không cấu uế.

Ở đây, lại nói: Chỗ thọ dụng của bậc Thánh: Là nơi nương dựa của các công đức.

Không phải là chỗ của các phàm phu giữ lấy: Tức không phải các phàm phu cho tịnh giới này là chân đạo.

Bậc trí thường ngợi khen: Là Phật và các đệ tử thường khen ngợi.

Có thể khéo đạt đến cứu cánh: Là cùng lúc được viên mãn.

Có thể khéo dẫn phát: Là có thể chiêu cảm được quả yêu mến.

Như Khế kinh nói: Có loài voi quý lớn dùng tín làm vòi, dùng xả làm ngà, dùng tuệ làm đầu, dùng niệm làm cổ, dùng hai vai gánh vác các nhóm pháp thiện.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn lại nói lấy tín làm vòi?

Đáp: Tức để giữ lấy pháp thiện. Như voi ấy có vòi để nắm lấy các loài vật hay đồ vật. Như vậy bậc Thánh có tín làm tay có khả năng nắm giữ các pháp thiện vi diệu. Thế nên Đức Thế Tôn nói lấy tín làm vòi.

Như Khế kinh nói: Các Bí-sô nên biết! Trong trời đất luôn có bốn thứ tiếng khởi. Đó là những gì? Nghĩa là trong khoảng không gian ấy các đệ tử của Thánh có người đã thành tựu được nhiều, an trụ nơi Phật chứng tịnh. Khi ấy, các chư Thiên đã thành tựu được Phật chứng tịnh, liền hết sức vui mừng, lớn tiếng nói: “Trước đây, chúng tôi đã thành tựu Phật chứng tịnh, nên được sinh lên cõi này, nay các vị đệ tử của Thánh đã thành tựu được rất nhiều về Phật chứng tịnh, tất sẽ sinh lên đây cùng làm bạn với chúng tôi, thật rất vui thích”.

Thành tựu ba thứ chứng tịnh kia nói rộng cũng như vậy.

Hỏi: Các vị Thánh đệ tử này cùng chư Thiên kia đều thành tựu đủ cả bốn thứ chứng tịnh, vì sao lại nói có người thành tựu nhiều trụ nơi thân chứng tịnh, cho đến nói có người thành tựu nhiều trụ nơi giới chứng tịnh?

Đáp: Đây là căn cứ vào lúc tu gia hạnh để thâm nhập pháp Phật. Nghĩa là hoặc có Hành giả cầu Phật chứng tịnh, siêng tu gia hạnh để nhập Thánh đạo, cho đến hoặc có Hành giả cầu Giới chứng tịnh, siêng tu gia hạnh để nhập Thánh đạo, nên nói như thế.

Lại nữa, căn cứ vào chỗ tác ý có nhiều vui thích để nói. Nghĩa là hoặc có Hành giả phần nhiều thích duyên với Phật để tác ý, cho đến hoặc có Hành giả phần nhiều thích duyên với giới để tác ý, nên nói như thế.

Như Khế kinh nói: Phật bảo các Bí-sô: Khi có người tin tưởng vui thích được nghe các Bí-sô giảng nói, hãy nên thương xót theo phương tiện giảng nói cho họ về bốn thứ chứng tịnh, khuyên bảo họ nên an trụ vào đó để tự điều phục, Vì sao? Vì bốn đại chủng có thể khiến họ bị đổi khác. Khi thành tựu được bốn chứng tịnh như thế thì trọn không đổi khác.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói đoạn Khế kinh này?

Đáp: Đây là chỉ rõ người nói pháp có đúng cách. Nghĩa là có người thuyết giảng không biết rõ về người nghe, ứng hợp hay không ứng hợp, xem nhẹ việc ấy mà giảng nói khiến người nghe sinh tâm khinh mạn, coi thường hoặc sinh sợ hãi, rốt cuộc luống công, không được lợi ích gì. Thế nên, Đức Thế Tôn nói: Nếu có người tin tưởng ưa thích nghe các Bí-sô giảng nói, hãy thương xót dùng phương tiện để giảng nói, chớ nên xem thường việc ấy.

Lại nữa, muốn chỉ rõ về việc báo ân ấy là báo ân đích thực. Như kinh khác nói: Các Bí-sô nên biết! Nếu có người con hiếu thảo, một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, trải qua trăm ngàn năm đi đến khắp chốn, thì đó cũng không phải là báo ân cha mẹ thực sự. Nhưng nếu có người con hiếu thảo nào có thể khuyên cha mẹ đối với các pháp nhân quả nơi Phật, Pháp, Tăng, những bậc cha mẹ nào chưa tin thì khiến tin tưởng, đã tin rồi thì khuyên càng tin nhiều hơn, ai không giữ tịnh giới thì khuyên giữ tịnh giới, ai tham lam keo kiệt thì khuyên tu hành bố thí, không có thắng tuệ thì khuyên tu thắng tuệ, khiến các vị ấy khéo an trụ để tự điều phục, đó mới là thật sự đền ân cha mẹ. Cho nên trong kinh này chỉ cách thuyết pháp cho người khác.

Hỏi: Trong các pháp của chư Phật, có vô lượng pháp báu công đức đều nên theo phương tiện giảng nói cho người khác, vì sao ở đây chỉ riêng bảo nói về bốn thứ chứng tịnh?

Đáp: Nên biết ở đây chứng tịnh là đứng đầu, nên khiến vì người khác giảng nói chung về các công đức báu.

Hiếp Tôn giả nói: Trong đây, Đức Thế Tôn dùng tiếng chứng tịnh để chỉ chung các Thánh đạo. Nghĩa là các Thánh đạo hoặc là tương ưng, hoặc là cùng có. Nếu khi nói về tín, nên biết là đã nói chung về Thánh đạo tương ưng. Nếu khi nói về giới, nên biết là đã nói chung về Thánh đạo cùng có.

Lại nữa, trong đây lược chỉ rõ về pháp môn mới nhập. Nghĩa là các công đức báu trong pháp Phật hoặc là pháp có sắc, hoặc là pháp không sắc. Nếu khi nói về giới, nên biết là nói về pháp bảo có sắc. Nếu khi nói chung về tín, nên biết là nói về pháp bảo không sắc.

Như về sắc – không sắc, các thứ tương ưng – không tương ưng, có chỗ nương – không có chỗ nương, có đối tượng duyên – không có đối tượng duyên, có hành tướng – không có hành tướng, có tỉnh giác – không tỉnh giác, là căn – không phải căn, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, bốn thứ chứng tịnh này có tướng không hoại và tướng thanh tịnh, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu đẳng lưu nương vào bốn thứ chứng tịnh này sẽ dẫn đến chỗ thành lập bốn quả Sa-môn thù thắng, nên nói riêng.

Lại nữa, bốn thứ chứng tịnh này có khả năng ngăn dứt sự sợ hãi về các nẻo ác và về nghèo nàn, nên nói riêng. Vì giới có khả năng ngăn dứt sự sợ hãi về các nẻo ác, còn tín có khả năng ngăn dứt sự sợ hãi về nghèo nàn. Tuy tín, giới vô lậu không thể chiêu cảm quả dị thục, nhưng tín giới vô lậu cùng với tín giới hữu lậu hỗ tương phát khởi, nên cùng có khả năng ngăn dứt hai thứ sợ hãi ấy.

Lại nữa, vì muốn theo phương tiện để dẫn dắt hóa độ kẻ ngoại đạo đến với pháp Phật. Nghĩa là các Bí-sô, hoặc có các quyến thuộc trước theo ngoại đạo, tạo sự thân ái, phải nên an ủi, thăm hỏi họ. Khi ấy, các Bí-sô không bênh vực ý họ, lại khen ngợi pháp Phật, chê bai ngoại đạo, khiến họ giận dữ càng xa lánh pháp Phật. Thế nên Đức Thế Tôn nói: Các Bí-sô không có lực vô úy và các đại bi v.v…, nên không biết rõ căn cơ, ý muốn, tánh tình của hữu tình, chớ nên coi thường các điều đó khi giảng nói pháp cho người khác nghe. Nếu có người vui thích muốn nghe các Bí-sô giảng nói thì hãy thương mến khéo dùng phương tiện giảng nói với họ về bốn thứ chứng tịnh, khuyên họ nên an trụ vào đấy để tự điều phục. Vì sao? Vì bốn thứ đại chủng có thể làm họ đổi khác, còn kẻ nào thành tựu được bốn thứ chứng tịnh ấy thì trước sau không hề đổi khác.

Hỏi: Tất cả pháp tánh đều không hề đổi khác, vì sao chỉ nói bốn thứ đại chủng?

Đáp: Vì muốn lấy bốn pháp để làm sáng tỏ bốn pháp.

Lại nữa, các Sư Du-già trước hết quán sát tướng không biến đổi của các đại chủng, sau đó mới quán sát tánh của các pháp cũng không đổi khác, tâm liền vui mừng, nên nói riêng.

Lại nữa, do bốn thứ đại chủng này có khả năng duy trì pháp của tất cả vật vô tri và hữu tình, nên nói riêng.

Lại nữa, do bốn thứ đại chủng này có khả năng giữ lấy tất cả sự lưu chuyển trong sinh tử, nên nói riêng.

Lại nữa, do bốn thứ đại chủng này có khả năng giữ gìn khiến năm uẩn không bị dứt mất, nên nói riêng.

Lại nữa, các ngoại đạo nói đại chủng gồm có năm thứ, tính chất thường trụ. Để đối trái với chủ trương ấy, Đức Phật nói các đại chủng chỉ có bốn thứ, mà là vô thường. Giả sử các đại chủng họ chấp cho là thường có thể khiến đổi khác, thì khi được bốn chứng tịnh này trọn không bị đổi khác.

Như Khế kinh nói: Vua Vị Sinh Oán có thể thành tựu tâm tin không căn.

Hỏi: Các pháp hữu vi không thứ nào là không có căn, vì sao lại nói vua ấy tin không căn?

Đáp: Tâm tin này không có căn của kiến đạo. Như Khế kinh nói: Đó gọi là kiến làm căn tương ưng với trí tín chứng. Nghĩa là vua Vị Sinh Oán đã thành tựu sự tin tưởng không nương vào kiến đạo, nên gọi là không căn. Song tâm tin của vua ấy rất bền chắc, khó hủy hoại, như khi nương vào kiến đạo.

Lại nữa, vua Vị Sinh Oán đã thành tựu được tâm tin không thể đổi khác, như tín vô lậu, nhưng lại không có căn, vì các tín vô lậu nương vào căn vô lậu, lấy trí vô lậu và căn thiện vô lậu làm căn bản.

Lại nữa, tín này không có nhân đồng loại, nên gọi là không căn. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay chưa hề có được sự tin tưởng mạnh mẽ như thế. Cũng như có cây nương vào các rễ của cây khác mà sống nên có tên là cây không căn.

Lại nữa, vua Vị Sinh Oán đã thành tựu được tâm tin có tự tánh rất bền chắc, không do gần gũi với Phật và các đệ tử để có thể phát sinh, nên gọi là không căn. Do sức tin đó mà lúc cỡi ngựa, voi, hoặc ở nơi lầu cao, khi từ xa trông thấy Đức Phật lập tức nhảy xuống đảnh lễ nơi chân Phật. Do sức tin tưởng quá bền chắc, hoặc do oai thần của Phật, nên không bị thương tích gì cả.

Lại nữa, tuy vua Vị Sinh Oán đã thành tựu được tâm tin như thế, nhưng chưa tránh khỏi việc bị đọa vào đường ác, nên gọi là không căn. Vì sau khi mạng chung, vua ấy tạm thời bị đọa vào địa ngục chịu một ít khổ rồi mới được sinh lên xứ trời.

HẾT – QUYỂN 103