PHẬT NÓI KINH NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM VƯƠNG

Hán dịch: Đời Đường_Tam Tạng Pháp Sư NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm ngự trong vườn Trúc Lâm tại ao Yết Lan Đạc Ca trong thành Vương Xá cùng với chúng Đại Bật Sô gồm năm trăm người đến dự. Bồ Tát Ma Ha Tát gồm một ngàn hai trăm người đều được Đà La Ni, biện tài không vướng mắc, đạt Trí Vô Nhiễm , dạo cảnh Tự Tại, khéo Quyền Phương Tiện nhiếp dẫn chúng sinh, quán sát Thế Gian, tâm hành bình đẳng, nhiêu ích Từ Bi, ý vui thuần tịnh, đối với Diệu Pháp thâm sâu của chư Phật thảy hay thưa hỏi

Tên các vị ấy là: Từ Thị Bồ Tát Ma Ha Tát, Thường Cần Dũng Bồ Tát Ma Ha Tát, Bình Đẳng Trụ Bồ Tát Ma Ha Tát, Đại Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát, Vô Biên Biện Bồ Tát Ma Ha Tát, Dũng Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát, Trừ Nghi Bồ Tát Ma Ha Tát. Các Đại Bồ Tát Ma Ha Tát của nhóm như vậy đều là bậc Thượng Thủ.

Các hàng Thích, Phạm, bốn vị Thiên Vương hộ thế, tám Bộ Rồng Thần với các Ngoại Đạo, số đến sáu ngàn đều đem quyến thuộc thảy đều vân tập

Đại Chúng của nhóm này đều đến nơi Đức Phật ngự, lễ bàn chân của Đức Phật xong, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, tuôn mưa hoa Trời màu nhiệm, tấu âm nhạc của cõi Trời, đốt mọi danh hương để làm cúng dường.

Khi ấy Đại Chúng đều nói lời này: “Lành thay! Lành thay! Giáo Pháp của Đức

Như Lai có đủ Uy Đức lớn, kẻ có quy tín hay chặt đứt phiền não” Nói lời đó xong đều ngồi một bên.

_Bấy giờ Đức Thế Tôn nhập vào Tam Ma Địa Năng Đoạn Hoặc Ly Cấu. Lúc vào Tam Ma Địa (Samādhi) này thời Đại Địa liền chấn động theo sáu cách, tuôn mưa Chiên Đàn (Candana) vi diệu nhỏ nhiệm của cõi Trời với hoa Trời màu nhiệm rải đầy chốn ấy, phóng ánh sáng lớn vòng khắp Thế Giới. Nếu các hữu tình bị đọa ở nẻo ác nương vào ánh sáng đều được giải thoát; cho đến cung điện, nơi cư ngụ của tất cả chúng tám Bộ Trời, Rồng, Dược Xoa… đều được chiếu sáng; nghe âm nhạc cũa cõi Trời với mùi thơm màu nhiệm của cõi Trời.

Các Thiên Thần ấy nhìn thấy việc hiếm có chẳng thể luận bàn xong đều sinh niệm là: “Ai tác Thần Lực thù thắng như vậy, phóng ánh sáng lớn chiếu soi cung thất?”

Tác niệm đó xong cùng nhau bảo rằng: “Đây là Như Lai hiện Uy Đức lớn, chẳng phải hàng Trời nào khác mới có thể có điềm lành này. Nay chúng ta nên đến vườn Trúc, đến chỗ Đức Thế Tôn ngự, lễ bái cúng dường, lắng nghe Diệu Pháp”

Các vị ấy đều cầm hoa Ốt Bát La (Utpala), hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi (Puṇḍarīka), hoa Tô Kiện Đà (Sugandha), hoa Mạn Đà La (Mandāra), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-mandāra) đi đến nơi Đức Thế Tôn ngự, đỉnh lễ hai bàn chân rồi làm cúng dường, tuôn mưa mọi thứ hoa Trời rải đầy đại địa, ngập đến đầu gối, chiêm ngưỡng Tôn Nhan, chắp tay cung kính.

Lại có vô lượng Bồ Tát ở phương khác với Chấp Kim Cương Bồ Tát (Vajradhāra), Trang Nghiêm Vương Bồ Tát (Vyūha-rāja) và vạn ức chư Thiên, Trì Chú Thần Vương nhìn thấy ánh sáng lớn đều dùng uy lực làm mọi thứ trang nghiêm màu nhiệm, hương hoa, âm nhạc đi đến nơi Đức Phật ngự, cùng các quyến thuộc đều nhiễu quanh ba vòng, kiền thành chắp tay , lễ hai bàn chân của Đức Phật. Làm cúng dường xong đều đủ uy nghi, lui ngồi một bên.

Bấy giờ các Đại Bồ Tát của nhóm Từ Thị (Maitreya) thấy các Đại Chúng đều vân tập xong rồi tác niệm như vầy: “Ta quán thấy Đại Chúng đều đến nơi Đức Phật ngự, ắt sẽ diễn nói Pháp thù diệu chẳng thể luận bàn, thảy đều lặng nghĩ chờ đợi lắng nghe lời màu nhiệm”

Lúc đó, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Bồ Tát với tất cả Đại Chúng, liền từ Định khởi, bảo Trang Nghiêm Vương Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Nay ông nên đi quán sát đại địa này, xem nhìn thấy điều gì?”

Thời Trang Nghiêm Vương Bồ Tát vâng theo lời Đức Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, liền quán sát đại địa. Quán sát khắp nơi xong, quay về chỗ Phật ngự, lễ hai bàn chân của Đức Phật, đứng ở một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con tuân theo lời Phật dạy quán sát đại địa này, thấy có Người, Trời, tất cả Đại Chúng khắp đều vân tập. Nguyện xin Từ Bi vì các chúng sinh làm việc nhiêu ích”

Bấy giờ Đức Phật bảo Trang Nghiêm Vương Bồ Tát rằng: “Ông nên một lòng lắng nghe điều Ta nói. Nay Ta sẽ cho sáu mươi bốn ức chúng sinh có duyên thọ nhận Vô Thượng Bồ Đề Ký”

Khi ấy Chấp Kim Cương Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: “Thế Tôn! Nay có vô lượng ức số Trời, Rồng, Dược Xoa với các La Sát, Càn Thát Bà, A Tô La, Yết Lỗ Trà, Khẩn Na La, Mạc Hô Lạc Già, Người với Phi Nhân và các Ngoại Đạo thảy đều đến tập hội.

Bạch Đức Thế Tôn! Nay chính là lúc !Nguyện xin vì Chúng nói Kinh Nhất Thiết Pháp Công Đức Trang Nghiêm Vương hay tiêu diệt tất cả nghiệp chướng. Khiến cho hữu tình chưa tin, sinh tâm tin kính, trừ bỏ sự đói khát thường được sung túc vui vẻ, tiêu trừ tật bệnh xa lìa sự chết oan uổng. Cũng khiến các hữu tình dứt trừ hối hận về chuyện đã qua, đều được an ổn thường thọ khoái lạc.

Thế Tôn! Xưa kia con từng ở chỗ của Đức Phật Điện Quang được nghe nhận Kinh này. Vừa được nghe xong tất cả Pháp màu nhiệm đều được hiện trước mặt, tất cả nẻo ác thảy đều đóng bít, hết thảy nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Nguyện xin Từ Bi vì Chúng diễn nói”

Nói lời đó xong thời Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Bấy giờ Chấp Kim Cương Bồ Tát cũng lại như vậy ba lần ân cần khuyến thỉnh vì chúng nói.

_Đức Phật bảo Chấp Kim Cương Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Ông đừng thỉnh Ta nói Kinh Nhất Thiết Pháp Công Đức Trang Nghiêm Vương! Tại sao thế? Nếu Ta nói thì ở đời ác sau này sẽ có chúng sinh chẳng thể tin nhận, nói lời như vầy: “Kinh này chẳng phải là điều mà Đức Như Lai đã nói, cũng chẳng khen ngợi, hủy bỏ Kinh này, hay chiêu vời hai loại nghiệp Thiện Ác. Như thế chúng sinh ấy vì tham lam keo kiệt nên chẳng thể cung kính cúng dường Kinh này, đối với Thầy nói Pháp cũng chẳng gần gũi, chê bai hủy bỏ Kinh đó, rộng dấy lên sự chẳng tin. Ở trong đời hiện tại gây tạo mọi nghiệp ác nên đời vị lai bị đọa trong Địa Ngục chịu khổ thiêu cháy

Thiện Nam Tử! Như Kinh Vương này có thể tôn trọng thâm sâu giống như cha mẹ, lại hay diệt trừ các nghiệp chướng ác. Như thế ở đời ác năm trược, chẳng phải là lúc nói cũng chẳng phải là lúc lắng nghe!…Tại sao thế? Vì đừng khiến cho tất cả Ngoại Đạo với các hữu tình ấy bị đọa vào Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh… thường chịu cực khổ lâu dài”

_Bấy giờ trong Chúng có tám vạn người đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con có tâm tin sâu Kinh Điển đó, tôn trọng cúng dường, viết chép, đọc tụng, rộng vì người khác nói. Nếu có người ngu chẳng tin Pháp này. Do khinh thường Pháp cho nên cũng sẽ chế diễu mắng chửi, khinh rẻ con. Lúc đó con thảy đều nhẫn chịu để báo đáp ân của Kinh này mà không có cáu giận, oán hận. Chỉ nguyện vì con nói Kinh Điển thù thắng. Tại sao thế? Vì Kinh Vương màu nhiệm ở đời sau này làm lợi ích cho chúng sinh như Đức Phật không có khác”

Nói lời đó xong thì lui ngồi một bên.

_Chấp Kim Cương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bồ Tát Ma Ha Tát làm thế nào để cầu được bậc Thiện Tri Thức?”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Cầu bậc Thiện Tri Thức cần phải thành tựu bốn Pháp như vầy: Một là: Nhiều lần đến thỉnh hỏi. Hai là: Khởi tâm tinh cần. Ba là: Ý vui thanh tịnh.Bốn là: Tôn trọng yêu Pháp

_Chấp Kim Cương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào để trụ A Lan Nhược (Araṇya)?”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Thành tựu bốn Pháp trụ A La Nhược. Một là: Buông bỏ xa lìa nhà thế tục. Hai là: Lánh xa Tri Thức ác. Ba là: Buông bỏ hết tài vật. Bốn là: Thường nhiếp tâm của mình”

_Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng thấy có người được nghe Kinh này mà bị đọa vào nẻo ác.

Thế Tôn! Kinh này có uy đức lớn khó thể suy lường.

Thế Tôn! Nếu có người tạm nghe Kinh này, lễ bái, khen ngợi, cúng dường, cung kính sẽ được vô lượng Phước. Huống chi viết chép, đọc tụng, thọ trì, đem mọi thứ hương hoa để làm cúng dường với đem quần áo, thức ăn uống… cúng dường vị Thầy nói Pháp. Người như vậy là nơi mà tất cả chư Phật cùng chung hộ niệm, vì kẻ đó Thọ Ký sẽ được sinh về Thế Giới Cực Lạc. Pháp Sư như vậy cùng với Phật không có khác” Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Ta cũng cúng dường Pháp Sư như vậy, cũng vì kẻ đó thọ ký sẽ được sinh về Thế Giới An Lạc, mau hướng đến Bồ Đề. Nếu lại có người đối với các chỗ của Phật với Kinh Điển này, tôn trọng cung kính, đem hương hoa, hương xoa bôi, bột thơm, quần áo, Anh Lạc, mọi thứ âm nhạc, phướng, lọng, lụa, phan … để cúng dường thời rốt ráo người này không bị chết đột ngột không đúng thời, không có sợ oán tặc, binh chiến cũng không có khổ đau lo buồn về cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, bạn bè, Tri Thức. Hết thảy sự mong cầu, không có gì không vừa ý.

Này Thiện Nam Tử! Chư Phật ra đời thời việc ấy rất khó. Được nghe Kinh đó còn khó hơn điều ấy. Nếu Kinh Điển này ở tại chỗ nào như trong thành, ấp, thôn xóm, rừng Lan Nhược với nơi cư trú khác thời nên biết đất này tức là nơi nhiếp thọ của các Phật Thế Tôn”

_Khi ấy, Chấp Kim Cương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Quán Tự Tại Bồ Tát. Do nhân duyên nào mà có tên gọi là Quán Tự Tại?”

Đức Thế Tôn bảo rằng: “Thường dùng mắt Tịnh quán sát hết thảy chúng sinh trong Thế Gian, an ủi chỉ bảo, thành thục Từ Bi, lợi ích liền được an ổn. Nếu người xưng tên có mọi nguyện cầu thời đều khiến cho đầy đủ. Do nhân duyên đó mà có tên là Quán Tự Tại”

_Lại bạch Phật rằng: “Nếu có chúng sinh chỉ xưng tên của Quán Tự Tại Bồ Tát còn được đầy đủ việc mong cầu huống chi có người cúng dường Đức Như Lai với Kinh Điển này, viết chép đọc tụng, rộng vì người khác nói, đem quần áo, hương hoa để làm cúng dường thời người này được Phước vô lương vô biên”

_Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Điển này có uy đức lớn, hay làm việc Phật. Nguyện xin Đức Thế Tôn vì thương xót chúng sinh mà nói Đà La Ni Chú”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Có Đà La Ni tên là Thắng Diệu. Xưa kia lúc Ta còn là Bồ Tát thời ở chỗ của Đức Phật Diệu Âm nơi Thế Giới Thắng Diệu với các Đại Chúng cùng ngheĐà La Ni Chú này. Đã được nhận xong liền chứng Pháp của mười Địa, vô lượng chúng sinh thảy đều đắc được Vô Sinh Pháp Nhẫn”

_Bấy giờ, các Chúng Bồ Tát trong Hội đều từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng:

“Thế Tôn! Nguyện xin Từ Bi xót thương chúng con mà nói Đà La Ni Chú này” Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạn Âm, liền nói Chú là:

“Đát điệt tha: Thễ dã thệ dã, thệ gia phộc ha, khư phộc ha, thệ dã phộc ha, hốt lỗ hốt lỗ, bát đầu-ma bệ a bà ma phạm mê, tát la tát lợi nê, địa lý địa lý, địa la địa lý, đề bà đa, bát lợi ba lợi nê, du đà ốt đa lại nễ, bát la chước yết la, nễ bà lại nễ, bô lại dã, bà già phạm. Con tên là…… do Phật gia hộ tất cả mong cầu đều nguyện viên mãn, tất cả tội nghiệp thảy đều tiêu trừ, toa ha”

*)TADYATHĀ: JAYA JAYA JAYA-VĀHA _ KHA-VĀHA JAYA-VĀHA

HURU HURU PADMA – APYA BRAHME SĀRA SĀRIṆI DHĪRI DHĪRI

DHÌRA DHÌRI DEVATÀ PARI-PALÀNI YUDHA-UTTARANI PARA-CAKRA NIVĀRAṆI PŪRAYA-BHAGAVAṂ MAMA…. AMUKASYA SARVA

TATHĀGATA –ADHIṢṬHITE SARVA ĀŚĀ-PARI-PŪRAṆE SARVA PĀPA-

KARMAṂ PARI-KṢAYA SVĀHĀ

Đức Phật nói:”Thiện Nam Tử! Thắng Diệu Đà La Ni Chú này hay trừ tất cả tội chướng, hay tồi phục quân binh phương khác, vĩnh viễn không có việu khổ đau vì đói khát, bệnh dịch, tai nạn, bệnh tật…thường hay giàu có đầy đủ, kho chứa tràn đầy, tăng ích, sống lâu

Đà La Ni Chú này là mẹ của chư Phật. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện tín tâm, đỉnh lễ, cung kính, cúng dường, viết chép, đọc tụng, thọ trì Kinh này ; cũng lại cúng dường Pháp Sư trì Kinh thời nghiệp chướng của người này đều được tiêu diệt, chẳng bị chết đột ngột, ở trong thân hiện tại thường thọ hoan lạc; cha mẹ, vợ con, bạn bè, quyến thuộc thảy đều an ổn, hết thảy nguyện cầu không có gì không vừa ý”

_Chấp Kim Cương Bồ Tát lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con cũng kính tâm, trì Kinh Điển đó. Nếu lại có người đem hương hoa với các thức ăn uống cúng dường Kinh này với Pháp Sư, con cũng tùy vui dùng tâm cúng dường Kinh này; vị vua với các người ở tại quốc thổ ấy, con đều ủng hộ khiến lìa suy não, mong cầu toại nguyện.

Thế Tôn! Nay con phát khởi tâm dũng mãnh vì quốc vương ấy với người tin nhận cũng vì họ tuyên nói Đà La Ni Chú để ủng hộ”

Đức Phật nói: “Này Thện Nam Tử! Ông hay vì lợi ích an vui của các chúng sinh mà nói Đà La Ni. Ta sẽ tùy vui”

_Bấy giờ, Chấp Kim Cương Bồ Tát dùng nơi được Thần Lực của Đức Phật đã gia trì, cho nên nói Đà La Ni Chú này:

“Nam mô tát bà bột đà, đát tha yết đa nam

Nam mô a di đa bà dã, đát tha yết đa dã

Nam ma tát bà bồ đề tát đỏa nam

Nam ma tát bà mạc hát điệt kê tệ

Đát điệt tha: Hổ hô mê, hổ hô mê, mạt để mạc ha mạt để, bạt chiết la mạt để, điệt lật trà bạt chiết la mạt để, đát tha yết đa, a nô bát lý bà lợi đế, tát la tát la, a du mục xí, bật lý câu trí, tỳ câu gia mục xí, cật lật bế cật lật ba lộc kế, tát đế, a nô táp mạt la, bạc già phạm, bả chiết la ba nễ, tát bà ba bả yết ma lãi dã. Con (….xưng tên họ của mình) hết thảy nguyện cầu đều được toại ý. Nên cho con nguyện dùng lời chân thật của Phật Đà, lời chân thật của Đạt Ma, lời chân thật của

Bồ Tát, lời chân thật của Thanh Văn, toa ha”

*)NAMO SARVA BUDDHA TATHĀGATĀNĀṂ

NAMO AMITĀBHĀYA TATHĀGATĀYA

NAMAH SARVA BODHI-SATVĀNĀṂ

NAMAH SARVA MAHĀ-DHĪKEBHYAḤ

TADYATHĀ: HU HUME , HU HUME, MATI MAHĀ-MATI VAJRA-

MATI, DṚḌHA-VAJRA-MATI ANU-PARIVĀRITE SĀRA SĀRA AYUDHMUKHE, BHṚKUṬI BHṚKUṬI-MUKHE, KṚPE KṚPĀLUKE SATYAANUSMARA _ BHAGAVAṂ VAJRA-PĀṆI SARVA PĀPA-KARMĀYA MAMA AMUKASYA PARI-KṢAYA _ SARVA ĀŚĀ-PARIPŪRAKA _

SARVĀRTHA-SĀDHANA, BUDDHA-SATYA VĀDĪNĀṂ, DHARMA -SATYA

VĀDĪNĀṂ, BODHISATVA-SATYA VĀDĀNĀṂ, ŚRĀVAKA-SATYA VĀDĪNĀṂ SVĀHĀ

Thế Tôn! Nếu lại có người muốn vào Bồ Tát Địa, nguyện thấy Như Lai, vui sinh về cõi Tịnh Độ với mong cầu giàu có tài bảo dư đầy, không có bệnh được sống lâu. Cần phải trì Kinh Điển màu nhiệm này cùng với Pháp Sư viết chép đọc tụng; đem hương hoa, kỹ nhạc, quần áo, thức ăn uống, lụa, lọng, phướng phan… để làm cúng dường. Người như vậy thời con sẽ ủng hộ cho mãn sự nguyện cầu, sẽ khởi niệm yêu nhớ giống như con một.

Thế Tôn! Nếu lại có người bẩm tính si độn, muốn cầu thông minh với giúp cho quốc thổ không có bệnh dịch thì nên bắt đầu vào ngày mồng tám của kỳ Bạch Nguyệt, nhịn ăn một ngày niệm tụng Chú này đến ngày 15 cho đến khi hết tháng. Ở trong giai đoạn đó chỉ ăn ba loại thức ăn màu trắng là bánh màu trắng, sữa, lạc…tắm rửa trong sạch tụng Thần Chú này mãn 10 vạn biến, Nếu người có sức thì mãn 30 vạn biến, thông thường có thể tùy theo sức mà cúng dường Tam Bảo.

Tiếp nhờ thợ vẽ thọ tám Trai Giới, thân áo tinh khiết để vẽ Tượng ấy. Ở chính giữa vẽ bày tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa Sư Tử tác nghi thức nói Pháp.

Bên phải an Quán Tự Tại Bồ Tát dùng các vật dụng trang nghiêm để tô điểm, thân đứng thẳng ở trên hoa sen có bốn cánh tay. Bên phải:tay bên trên cầm Bản Kinh bằng tiếng Phạn, tay bên dưới cầm tràng hạt.Bên trái: tay bên trên cầm hoa sen trắng, tay bên dưới cầm bình Quân Trì.

Bên trái an Chấp Kim Cương Thần, tay phải cầm chày Kim Cương, tay trái nâng đầu cái chày dơ lên, dung mạo ôn hòa đẹp đẽ với Anh Lạc nghiêm thân.

Ở bốn bên an bốn vị Thiên Vương Hộ Thế .

Tôn Tượng của nhóm này đều dùng đai lụa, chứa đầy Xá Lợi của Phật giữ ngay trong thân.

Tiếp, ở trước Tượng có thể làm một cái Đàn, lớn nhỏ tùy theo Thời, bốn mặt mở cửa, dùng phân bò xoa lau, rải bày mọi loại hương hoa. Trên đó bày lò hương gồm năm loại riêng biệt, thiêu đốt năm thứ hương là:Trầm, Đàn, Tô Hợp, An Tức, Huân Lục

Ở bốn cửa của Đàn đều để hai cái bình, hoặc chứa đầy nước trong, hoặc lại cứa đầy sữa, 16 chén đèn an trí tùy theo nơi. Treo lụa, phan, lọng với mọi âm nhạc. Dùng nước thơm rưới vảy đất, đem hương hoa thức ăn uống để làm cúng dường

Ở bốn góc của Đàn, khiến người đọc tụng Kinh này, mỗi mỗi đều tắm gội, mặc áo mới sạch, ăn ba loại thức ăn màu trắng.

Để bông hoa trong bàn tay của người đã làm ấy, khiến họ chắp tay, nói việc mong cầu. Khởi Tâm Từ Niệm, tùy tình phát nguyện, dùng hoa hiến Phật. Người có ước nguyện đều được từ Tâm. Ở trong bảy ngày sẽ vì họ hiện tướng trạng thù thắng, khiến thấy mộng tốt, cùng nhau nói chuyện, mãn tâm mong cầu ấy. Chỉ trừ người chẳng tin”

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Ông hay thương các Hữu Tình, nói Chú Pháp này”

_Bấy giờ, Quán Tự Tại Bồ Tát bảo Chấp Kim Cương Bồ Tát rằng: “Kinh Điển màu nhiệm này khó có thể được gặp! Chúng sinh bạc phước ở trong nước ấy, tuy có Kinh này mà chẳng thể được thấy; cũng lại chẳng thể viết chép, đọc tụng, lắng nghe, thọ trì. Tại sao thế Do có Ma ác gây chướng ngại.

Lại nữa Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh viết chép, đọc tụng Kinh Điển này thời có bốn Ma ác gây não loạn. Thế nào là bốn ? Một là Tình sinh lười biếng. Hai là Chẳng khởi Tâm tin. Ba là Đối với chỗ ở của Pháp Sư chẳng sinh tôn trọng.Bốn là Tâm chẳng thể Định.Người này nên biết là việc Ma.

Lại có bốn loại Nghiệp của Ma ác. Thế nào là bốn? Một là Xa lìa Thiện Tri Thức. Hai là Chẳng như Lý tác ý. Ba là Chẳng giải văn tự. Bốn là Chỉ thấy hiện tại, nói không có vị lai, tạo các nghiệp ác, tâm không sợ hãi nói không có Nhân Quả. Ta nói điều này đều là Phi Pháp, ưa thích làm việc của thế tục, bị tham nhiễm ràng buộc.Chúng sinh như vậy sẽ đọa Địa Ngục trải qua vô số Kiếp chịu khổ não lớn.

Lại nữa có bốn loại Ma. Thế nào là bốn? Một là Tham dính tài vật. Hai là Giao du gần gũi bạn ác. Ba là Gây chướng ngại cho Pháp Sư. Bốn là Nói bày tội lỗi của Pháp Sư. Chúng sinh của nhóm đó do nghiệp này cho nên sẽ chịu nghèo túng, chẳng thấy bạn lành, xa lòa Tôn Sư, tác tưởng Tà Kiến, nói không có Nhân Quả, bị đọa vào Địa Ngục chịu các kịch khổ”

_Đức Phật bảo Đại Chúng: “Nay Ta dùng lời chân thật bảo các ông ba lần là:Đừng vì phóng dật mà khinh Kinh Điển này. Hãy một lòng thọ trì đừng sinh phỉ báng”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này một lần nữa nên nói Tụng rằng:

“Ta từng tuyên nói mọi Kinh Vương

Khiến các chúng sinh được Chính Giác

Nay lại nói Điển chân diệu này

Ông nghe, cung kính khéo tu hành

Đừng để ngày sau chịu đau khổ

Đọa tại Địa Ngục qua nhiều Kiếp

Hay ở Kinh này sinh tâm tin

Đời đời làm Chân Tử (con ruột) của Ta

Lại nữa người cúng dường Kinh này

Sẽ được sinh ở trong Tịnh Thổ

La Sát, Quỷ Thần không dối gạt

Không có mọi ác đến xâm nhiễu

Nếu Kinh Vương này trụ ở đâu

Không có tai ách hay hại người

Hết thảy nguyện cầu đều tùy tâm

An vui hay đến bờ Bồ Đề”

_Khi ấy, bốn vị Thiên Vương nghe Tụng này xong, buồn khóc rơi lệ, thân đều run rẩy, lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con, bốn vị Thiên Vương nếu thấy Pháp Sư trì giữ Kinh này thời chúng con sẽ cúng dường. Lúc vị ấy nói Pháp với các Thính Chúng thì chúng con đều sẽ che giúp.

Nếu có quốc vương đối với Kinh Điển này mà viết chép, đọc tụng, thọ trì, cúng dường thời con sẽ ủng hộ bảo vệ người trong nước ấy giống như con một cũng đem quần áo, Anh Lạc cung cấp khiến cho nước ấy dồi dào tài bảo không có sự thiếu thốn. Nếu lâm trận thời khiến được thắng. Do nhớ báo đáp ân của Phật nên con không có lười biếng

Thế Tôn! Nếu lại có người nghe Kinh Điển này, chẳng sinh tâm tin cúng dường Pháp Sư thời con đối với người này không có phương tiện có thể vì họ cứu thoát, chỉ sinh ưu não”

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Ông hộ Chính Pháp hay sinh tâm ân trọng như vậy!”

_Bấy giờ, Trì Quốc Thiên Vương Càn Thát Bà Chủ từ chỗ ngồi đứng dạy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đời sau này có các chúng sinh thường hành Bất Thiện, chẳng tin Như Lai. Đối với Kinh Điển này chẳng thể cúng dường, viết chép, đọc tụng cũng chẳng hành Thí, chẳng tin bố thí có quả báo vui ở đời hiện tại

Thế Tôn Đại Từ! Vì người chẳng tin của nhóm như vậy cho nên nói Kinh Điển này khiến họ nhận hành”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Có hai loại việc khiến các chúng sinh đọa Đại Địa Ngục, luân hồi sinh tử. Một là Dâm dục , hai là giận dữ

Lại có bốn Pháp khiến các chúng sinh sinh trong cõi Người, Trời. Thế nào là bốn? Một là Đối với các chúng sinh, tâm hành bình đẳng. Hai là Đối với Tam Bảo, khởi tâm ân trọng. Ba là Hết thảy của cải, thảy đều bố thí. Bốn là Kiên trì Phạm Hạnh không có thiếu sót

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên nghĩa này lần nữa nên nói Tụng rằng:

“Bố Thí hay có uy thần lớn

Ở ba nẻo ác, nhổ mọi khổ

Chúng sinh bị Tham, Si che lấp

Mọi loại nhiễm dục gây buồn bực (não)

Nghe Kinh Điển này chẳng kính nhận

Ở trong Phật Pháp không tin Thí (bố thí)

Bỏ thân sẽ đọa nơi nẻo ác

Sẽ chịu vô biên kịch khổ lớn

Nhiêu ích Quốc Chủ với người dân

Ta nói Kinh này đủ uy đức

Khiến lìa bệnh ác, mọi Tà Não

Chẳng bị hàng Dược Xoa gây hại

Nếu có người tin Kinh, viết chép

Cúng dường hay sinh vô lượng Phước

Tất cả chúng sinh, Trí như Phật

Nhiều Kiếp nói Phước, chẳng thể hết

Nếu có trải qua nhiều Kiếp số

Cúng dường tất cả các Bồ Tát

Chẳng bằng ở Diệu Kinh Vương này

Tạm thời, tâm tin viết một chữ

So Công Đức trước với Phước này

Cả trăm ngàn phần (ức phần) chẳng bằng một

Vì thế Người Trí nơi Kinh này

Một lòng phụng hành không lười biếng”

_Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đời sau này, nếu có kẻ trai lành người nữ thiện đối với Kinh Điển này sinh tâm tin kính sâu xa. Đem hương hoa màu nhiệm với các thức ăn uống, quận áo, giường nằm, vật dụng thảy đều cúng dường vị Thầy nói Pháp thời đời này, người ấy sẽ được vô lượng Phước Lợi, nhiêu ích bản thân, lìa các bệnh khổ. Sáu căn của nhóm con mắt đều trong sạch không có bệnh; chẳng gặp ách nạn về nước, lửa, đói khát; cũng không bị thương bởi chất độc ác, tất cả hữu tình nhìn thấy đều vui vẻ. Khi mệnh chung thời thấy Đức Phật Bất Động đi đến vỗ về an ủi, bảo rằng: “Này Thiện Nam Tử! Ông tu căn lành được Phước vô lượng, tùy ý thọ sinh về Thế Giới Cực Lạc với Tịnh Thổ ở mười phương”

Khi ấy Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Đức Thế Tôn vì muốn thương xót các chúng sinh trong cõi Thiệm Bộ Châu cho nên nói Kinh Điển này. Đời sau này rộng làm việc Phật lợi ích chúng sinh. Đại Minh Chú này hay trừ tất cả nghiệp chướng cực nặng”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Chúng sinh Nghiệp ác có tội rất nặng, chẳng nghe Kinh này, chẳng thể viết chép thọ trì đọc tụng. Nếu có chúng sinh nghe Kinh này mà viết chép, thọ trì, tôn trọng, cúng dường thời nên biết đều là uy thần của Phật.

Nếu lại có người đối với Kinh Điển này hay vì người khác nói một chữ thì cúng dường người này cùng với Phật không có khác. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Kinh này là điều mà bảy ngàn chư Phật đời quá khứ đã tuyên nói, tất cả Bồ Tát thảy đều tùy vui, chư Thiên ủng hộ, là mẹ của Bồ Tát”

_Bấy giờ, Chấp Kim Cương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Điển này ở đời vị lai sẽ được lưu thông đầy đủ ở chốn nào?”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Kinh này sẽ ở Cung của Hải Long Vương với 33 cõi Trời đều có đầy đủ. Trong cõi Thiệm Bộ Châu chỉ có chút phần, tùy theo chỗ lưu thông”

_Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Nay Ta đem Kinh Điển này phó chúc cho ông, cần phải thọ trì cúng dường, ủng hộ cùng với Phật không có khác. Tại nơi lưu thông đừng khiến cho đoạn tuyệt, lợi ích chúng sinh, rộng làm việc Phật”

Chấp Kim Cương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con nhận Giáo Sắc của Phật mà lưu bố Kinh này, cũng hộ cho vị Pháp Sư trì Kinh ấy”

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Đây thật là việc đã làm của ông!”

_Lại nữa, Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con chí thành kính lễ Kinh Điển vi diệu như vậy. Đối với người nói Pháp với người viết chép thảy đều cúng dường.

Thế Tôn! Nếu có nước nào bạc phước, gặp quốc vương vô đạo. Giả sử có Kinh này thời chẳng thể cúng dường với dùng Pháp Sư, Kinh này ẩn mất, nước đó sẽ có tai nạn, việc ác, hiểm họa hiện lên khắp nơi. Như vậy nên biết Chính Pháp muốn diệt. Bậc Trí thấy xong, dùng tâm ân trọng cúng dường”

Đức Phật nói “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã nói. Giả sử có người sống đủ ngàn tuổi, đem mọi thứ vật dụng ưa thích cúng dường các Đại Bồ Tát với chúng Thanh Văn, số nhiều như cát sông Hằng. Lại đem bảy báu đồng với số cát này để làm bố thí, sau đó buông xả thân mình.

Này Thiện Nam Tử! Phước như vậy so với Phước cúng dường trì Kinh cho đến một câu một chữ, thời trăm ngàn vạn phần so ra chẳng bằng một phần. Huống chi dùng hết khả năng viết chép đọc tụng. Tại sao thế? Vì Kinh này với Chú có uy lực lớn. Nếu người thọ trì hiểu rõ thân không có bền chắc như huyễn như mộng, biết Pháp vô ngã… sẽ nương nhờ Đức Phật thọ ký được Đại Bồ Đề”

_Bấy giờ, Đại Chúng, tất cả Bồ Tát với hàng Trời, Rồng, Dược Xoa, A Tô La, Yết Lộ Trà, Người, Phi Nhân đều cùng một lòng, đồng thanh khen ngợi Đức Phật: “Lành thay! Lành thay! Đây là lần thứ hai chuyển bánh xe Đại Pháp. Chúng con thảy đều cung kính cúng dường . Kinh này ở tại quốc thổ, thành ấp nào cũng sẽ ủng hộ kèm với người nói Pháp. Nếu có chúng sinh khinh chê Kinh này thời thân đời này sẽ bị vô lượng tội nặng, sau khi mệnh chung sẽ đọa Địa Ngục. Con buông bỏ người đó, chẳng làm ủng hộ”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử Nay Ta cũng đem Kinh này phó chúc cho ông. Ở đời sau này, tuyên dương rộng rãi đừng để cho đứt mất. Kinh này có lỡi ích lớn, an vui Người Trời, tăng trưởng ruộng Phước, lìa ba nẻo ác. Đừng sinh nghi hoặc, thường khuyên thọ trì”

_Lúc Đức Phật nói Kinh này thời sáu vạn bốn ngàn người đều được Vô Sinh Pháp Nhẫn.

Quán Tự Tại Bồ Tát lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có chúng sinh có tâm tin, viết chép, đọc tụng, cúng dường Kinh này thời khi mệnh chung người này sẽ sinh vào chốn nào? Được Phước bao nhiêu?”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Ông hay hỏi việc Phước thù thắng này. Khi mệnh chung, người này lìa hẳn nẻo ác, thường sinh vào Tịnh Độ. Giả sử có người hành Hạnh Bồ Tát bông xả đầu, mắt, tay, chân cùng với vợ con cũng lại chẳng bằng trì Kinh Điển này. Kinh này ở tại địa phương nào ắt là Tháp Phật, đều nên cúng dường”

_Quán Tự Tại Bồ Tát lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đời sau này, người trì Kinh này thời con sẽ vì họ thọ ký; tiêu diệt năm Nghịch, tội chướng cực nặng. Trong chín vạn Kiếp thường thọ phú quý, ở tám vạn Kiếp làm Chuyển Luân Thánh Vương”

Đức Phật nói: “Như vậy! Như vậy! Thiện Nam Tử! Ta nhớ về vô lượng kiếp quá khứ, thời có Đức Phật Thế Tôn tên là Vô Biên Công Đức Pháp Trí Thanh Tịnh Tinh Tú Vương Như Lai. Lúc ấy Ta là vị Bà La Môn ở chỗ của Đức Phật ấy được nghe Kinh này, thọ trì đọc tụng được Pháp Nhãn trong sạch. Người cùng nghe ấy, từ đó trở đi chẳng bị đọa nẻo ác, dần dần sẽ được Vô Thượng Bồ Đề

Này Thiện Nam Tử! Ta ở trong vô lượng Đại Kiếp mêng mông vì Pháp này cho nên buông bỏ các tài bảo, đầu, mắt, tay, chân, vợ con, thành, ấp tu Phạm Hạnh trong sạch không có tâm hối hận cáu bực. Các ông cũng nên tu tập như vậy”

_Lúc đó, Đại Chúng nghe nói về việc Khổ Hạnh của đời quá khứ đều khóc thương rơi lệ, bạch Phật rằng: “Thật là hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn! Ở đời sau này có người hay thọ trì, đọc tụng, cúng dường Kinh này sẽ được vô lượng Phước.

Nếu có Bật Sô, Bật Sô Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di … đối với Kinh Vương này chẳng có thể đọc tụng, chẳng chịu thọ trì Đà La Ni Chú cũng lại chẳng hay siêng năng tu sáu Độ, đối với người bị khổ não không có tâm thương xót. Người như vậy ở vô lượng Kiếp bị đọa trong biển sinh tử , chịu các khổ não”

_”Thiện Nam Tử! Ví như người nữ mang thai, ôm nặng cho đến mười tháng. Thời người nữ này thêm các bệnh khở, chi tiết đau đớn giống như dao cắt, chẳng thể ăn uống. Lúc sinh đẻ thời chịu kịch khổ lớn nên tác niệm như vầy: “Nếu tôi thoát khỏi nạn này thì vĩnh viễn chẳng dâm dục, thường tu Phạm Hạnh”. Sau khi sinh xong, lại quay về làm Pháp ác, liền quên mất nạn đau khổ lúc trước.

Thiện Nam Tử! Ở đời sau này, chúng sinh ngu si cũng lại như vậy. Chẳng tin Kinh này cũng chẳng đọc tụng, bố thí, trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tiến, tu Định, tu Tuệ… tham dính tình cảm ưa thích của thế tục việc của thế gian, chẳng hành Nhân thanh tịnh của ba Nghiệ. Chúng sinh của nhóm này đọa Địa Ngục xong mới sinh tâm hối hận… như người nữ mang thai, thân bị cực khổ. Chịu khổ não xong, đã được thân người, lại tham đắm niềm vui của năm Dục, chẳng thể nhớ được nỗi khổ ở địa ngục ấy, quay lại gây tạo nghiệp ác

Thiện Nam Tử! Ví như có người uống nhiều rượu thuốc. Uống xong, hôn mê chẳng biết nhà mình ở đâu. Thường chẳng nhớ nghĩ đến ba báu Phật Pháp Tăng, cha mẹ, vợ con… không có tâm cung kính. Do say rượu mê mờ cho nên đi đến Thi Lâm (Śiṭa-vana: rừng chứa xác chết) nơi hiểm nạn…cũng không có tâm kinh hoàng sợ hãi. Tác niệm như vầy: “Làm sao có loại Trời, Rồng , Dược Xoa nào làm cho ta sợ hãi”. Người say như vậy tuy ở lúc này nằm lên gai góc, vẫn sinh tưởng vui thích. Sau khi tỉnh rượu, liền sinh hối hận, tự biết Phi Pháp, nói rằng: “Ta từ này cho đến khi hết mạng, chẳng dám uống rượu, gây tạo mọi lỗi lầm nữa”. Về sau, gặp duyên ác thì quay lại ham uống giống như lỗi lẫm đã làm lúc trước. Hữu Tình ngu si cũng lại như vậy. Do tham nhiễm cho nên cất chứa nhiều tiền tài, vật báu..làm các điều lầm lỗi kiêu căng, chẳng niệm Tam Bảo, vứt bỏ việc đáng tôn trọng (cha mẹ, ông bà…), cũng chẳng tu hành Thí, Giới, Nhẫn …chẳng muốn mong cầu quốc thổ thanh tịnh của Phật.

Hữu Tình của nhóm này thường ở trong biển sinh tử vô tận, sẽ bị đọa Địa Ngục, chịu mọi khổ đau lâu dài. Giả sử được làm người, lúc ở trong thai thời chịu mọi khổ não, bị khổ bức thân…liền tác niệm này:”Nếu ta thoát được ách nạn này, liền chẳng dám gây tội để chịu cực khổ này, luôn tu nghiệp lành, nguyện sinh Tinh Độ” Kẻ được thân người ấy, do ngu si cho nên gây tạo mọi nghiệp, quay trở lại đọa vào nẻo ác”

Chính vì thế cho nên các ông nên khéo tu hành, đừng có phóng dật. Đấy là Giới cốt yếu mà Ta đã lược dạy”

_Bấy giờ, Cụ Thọ A Nan Đà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh này lại có tên gọi là gì? Làm sao thọ trì?”

Đức Phật nói: “Kinh này phàm có năm tên gọi.

Tên thứ nhất là: Cứu Nhất Thiết Chúng Sinh Khổ Ách

Tên thứ hai là: Bồ Tát Chân Thật Sở Vấn

Tên thứ ba là: Thần Thông Trang Nghiêm Vương

Tên thứ tư là: Năng Thành Chư Phật Chính Giác

Tên thứ năm là Nhất Thiết Pháp Công Đức Trang Nghiêm Vương”

_Đức Phật nói Kinh đó xong thời các Đại Bồ Tát với chúng Thanh Văn, Trời, Rồng, Dược Xoa, A Tô La, Càn Thát Bà, Người, Phi Nhân… đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

PHẬT NÓI KINH NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM VƯƠNG

_Hết_

Đại Đường, niên hiệu Thần Long, năm đầu, tháng bảy, ngày 15_ Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh phụng chế ở Lạc Châu, chùa Đại Phúc Tiên…dịch mới và nối kết chữ chính của văn

Phiên Kinh Sa Môn Bà La Môn Đại Đức Bàn Độ đọc Phạn Văn_ Phiên Kinh Sa Môn, Chùa Long Hưng ở Kinh Châu của nước Đại Đường, Đại Đức Hoằng Cảnh chứng văn

Phiên Kinh Sa Môn, chùa Đại Tổng Trì, Thượng Tọa Đại Nghi chứng văn_ Phiên Kinh Sa Môn, chùa Đại Tiến Phước Tự, Đại Đức Thắng Trang chứng nghĩa

Phiên Kinh Sa Môn, chùa Thiền Hà ở Tướng Châu, Đại Đức Huyền Thọ cầm bút ghi_ Phiên Kinh Sa Môn, chùa Đại Vân ở Lưu Câu, Đại Đức Tuệ Chiểu chứng nghĩa.

Phiên Kinh Sa Môn, chùa Long Hưng của nước Đại Đường, Đại Đức Trí Tích chứng nghĩa_ Trung Đại Phu Kiểm Giáo Binh Bộ Thị Lang (kẻ bày tôi là) Thôi Thực nhuận văn

Đại Trung Đại Phu Hành Cấp Sự Trung Thượng Trụ Quốc (kẻ bày tôi là) Lô Xán nhuận chữ chính của văn

14/11/2008