KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 8

Phẩm 22: XẢ BỎ THÂN MẠNG

Bấy giờ, thần cây Bồ-đề Đạo tràng lại bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nghe Đức Thế Tôn ở đời quá khứ khi tu hành đạo Bồ-tát, chịu đủ vô lượng trăm ngàn khổ hạnh, xả bỏ thân mạng, máu thịt, xương tủy… Nguyện xin Đức Thế Tôn nói chút ít về nhân duyên khổ hạnh thuở xưa vì lợi cho chúng sinh đạt được an lạc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thị hiện thần túc. Sức thần túc khiến cho đại địa này chấn động sáu cách, ở trong đại giảng đường nơi chúng hội, có tháp bảy báu từ đất vọt lên với màn lưới bằng mọi thứ báu che khắp trên tháp ấy. Bấy giờ, đại chúng thấy việc đó rồi đều phát sinh tâm hiếm có.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền đứng dậy lễ bái ngôi tháp này, cung kính nhiễu quanh, rồi trở về tòa ngồi cũ. Lúc ấy, thần cây Bồ-đề Đạo tràng bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đấng Thế Hùng Như Lai xuất hiện ở đời, thường được sự cung kính của tất cả, đối với các chúng sinh là Bậc Tối Thắng Tối Tôn, vì nhân duyên gì lại lễ bái ngôi tháp đó?

Đức Phật bảo:

–Này Thiện nữ thiên! Ta khi xưa tu hành đạo Bồ-tát, xá-lợi của thân ta tôn trí ở tháp này. Do nhờ thân đó đã khiến cho ta sớm thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông có thể mở tháp lấy xá-lợi trong đó bày ra cho đại chúng này xem! Xá-lợi này mới chính là sự huân tập vô lượng công đức của sáu pháp Ba-la-mật.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan nghe theo lời dạy bảo của Đức Phật liền

đến chỗ ngôi tháp, lễ bái cúng dường, rồi mở cửa ngôi tháp ấy. Thấy trong tháp ấy có cái hộp bằng bảy báu, lấy tay mở hộp ra, lại thấy xálợi trong hộp ấy màu hồng trắng vi diệu, Tôn giả bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xá-lợi trong này có màu hồng trắng!

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông hãy đem lại cho ta! Đây chính là xá-lợi nơi thân của bậc Đại sĩ!

Lúc ấy, A-nan liền bưng hộp báu trở lại chỗ Đức Phật và dâng lên Đức Phật. Bấy giờ, Đức Phật bảo tất cả đại chúng:

–Các ông nay có thể làm lễ xá-lợi này! Xá-lợi này chính là sự huân tu của giới, định, tuệ, rất là khó được, là ruộng phước tối thắng!

Bấy giờ, đại chúng nghe lời nói đó rồi, lòng rất hoan hỷ, liền đứng dậy chắp tay cung kính đảnh lễ xá-lợi của Bồ-tát Đại sĩ. Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn vì đại chúng dứt trừ lưới nghi nên nói về nhân duyên thuở xưa của xá-lợi này:

–Này A-nan! Đời quá khứ có vị vua tên là Ma-ha-la-đà tu hành thiện pháp, khéo cai trị đất nước, không có oán thù. Ông có ba người con đoan chính đẹp đẽ, hình sắc đặc thù, uy đức đệ nhất. Thái tử thứ nhất tên là Ma-ha Ba-na-la, thứ tử tên là Ma-ha Đề-bà và con út tên là Ma-ha Tát-đỏa. Ba vương tử này ở các vườn rừng dạo chơi, tham quan, theo thứ lớp dần dần đến một khu rừng trúc lớn dừng xa giá nghỉ ngơi. Vị vương tử thứ nhất nói: “Hôm nay, lòng ta rất lo sợ! Ở trong rừng này ta e rằng sức lực suy tổn.” Vị vương tử thứ hai nói: “Hôm nay, ta chẳng tự tiếc thân, chỉ xa lìa những điều yêu thích nên lòng ưu sầu.” Vị vương tử thứ ba lại nói: “Hôm nay, ta không hề sợ sệt cũng không buồn phiền. Trong núi vắng vẻ thì được thần tiên khen ngợi. Chỗ nhàn tịnh này có thể khiến cho người tu hành yên ổn hưởng thụ niềm vui.” Các vị vương tử nói những lời đó rồi, đi về phía trước, thấy có một con cọp vừa sinh được bảy ngày và có bảy con cọp con vây quanh. Chúng đói khát khốn cùng, tiều tụy, thân thể gầy yếu suy tổn, mạng sống sắp hết. Vị vương tử thứ nhất thấy những con cọp đó rồi nói: “Lạ thay! Con cọp này sinh đến nay đã bảy ngày với bảy con vây quanh mà chẳng tìm được đồ ăn. Nếu bị đói bức bách nhất định quay trở lại ăn con mình.” Vị vương tử thứ ba hỏi: “Đồ ăn của con cọp này thường là vật gì?” Vị vương tử thứ nhất đáp: “Cọp này chỉ ăn máu thịt mới nóng hổi.” Vị vương tử thứ ba nói: “Các anh, ai có thể cho con cọp này ăn?” Vị vương tử thứ hai nói: “Con cọp này đói lắm, thân thể gầy yếu, cùng khốn, thiếu thốn, mạng còn chẳng bao lâu! Nó chẳng chờ được việc đi chỗ khác tìm đồ ăn cho nó. Giả sử đi chỗ khác tìm được thì nhất định chẳng giúp được mạng nó. Ai có thể vì con cọp này chẳng tiếc thân mạng?” Vị vương tử thứ nhất nói: “Tất cả sự khó bỏ không gì hơn thân mạng mình.” Vị vương tử thứ ba nói: “Chúng ta hôm nay vì tham tiếc nên đối với thân mạng này chẳng thể buông bỏ, vì trí tuệ ít quá nên đối với việc này sinh ra kinh sợ. Nếu các Đại sĩ muốn lợi ích cho kẻ khác, sinh lòng đại Bi vì chúng sinh thì việc xả bỏ thân mạng này chẳng đủ làm khó đâu.” Các vương tử lòng rất buồn lo, đứng hồi lâu, mắt nhìn chưa từng rời bỏ. Quan sát thế rồi, họ liền bỏ đi. Bấy giờ, vị vương tử thứ ba nghĩ: “Ta nay đã đến lúc bỏ thân này! Vì sao? Vì từ xưa đến nay ta đã nhiều lần bỏ tấm thân này đều không có mục đích và cũng thường yêu thích giữ gìn nhà cửa… lại còn được cung cấp y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men, voi ngựa, xe cộ… tùy thời nuôi dưỡng không thiếu thốn thức gì mà chẳng biết ân, ngược lại còn sinh ra oán hại… về sau chẳng thoát khỏi vô thường bại hoại. Lại nữa, thân này chẳng bền, không lợi ích gì, đáng ghét như giặc, giống như đi nhà xí! Ta hôm nay phải khiến cho thân này tạo nghiệp lành, ở trong biển sinh tử làm cây cầu lớn. Lại nữa, nếu xả bỏ thân này thì xả bỏ vô lượng bệnh tật ung thư, lở móng và trăm ngàn nỗi sợ hãi. Thân này chỉ có đại tiểu tiện; thân này chẳng bền như bọt nổi trên nước; thân này nhơ uế, là chỗ chứa của nhiều loài trùng; thân này bất tịnh, gân buộc máu đắp, da, xương, tủy, não… cùng liên kết giữ nhau… quan sát như vậy thì rất đáng chán ghét! Vậy nên ta nay cần phải lìa bỏ để cầu Niết-bàn tịch diệt Vô thượng, xa lìa vĩnh viễn lo buồn vô thường biến đổi, bặt dứt sinh tử, không còn những phiền não, vô lượng thiền định trí tuệ công đức thành tựu đầy đủ, Pháp thân vi diệu với trăm phước trang nghiêm, được chư Phật khen ngợi, chứng thành Pháp thân Vô thượng như vậy, ban cho các chúng sinh vô lượng pháp lạc.” Khi đó, vương tử dũng mãnh đủ sức làm đại nguyện này, dùng đại Bi ở trên huân tu tâm mình và nghĩ lo cho lòng của hai người anh sợ hãi, hoặc sợ họ ngăn chận gây khó khăn nên liền nói với họ: “Các anh nay có thể cùng quyến thuộc trở lại chỗ dừng nghỉ ấy.” Bấy giờ, vương tử Ma-ha Tát-đỏa trở lại chỗ con cọp, cởi quần áo treo lên cành trúc, nói lời thề: “Ta nay vì lợi ích cho các chúng sinh, vì chứng đạo Vô thượng Bồ-đề, vì đại Bi bất động xả bỏ điều khó bỏ, vì cầu sự khen ngợi của trí Bồ-đề, vì muốn độ những chúng sinh trong ba cõi, vì diệt nỗi sợ sinh tử và mọi thứ phiền não thiêu đốt….” Khi phát lời thề này rồi, vương tử liền tự buông thân nằm trước cọp đói. Khi đó, do lực đại Bi của vương tử nên cọp không thể làm gì! Vương tử lại suy nghĩ như vầy: “Thân cọp này gầy yếu không còn sức lực, chẳng thể ăn được máu thịt của thân ta”, liền đứng dậy đi tìm dao, tìm kiếm khắp nơi nhưng không có. Vương tử liền dùng tre khô đâm vào cổ cho máu chảy ra, rồi ở trên núi cao gieo mình xuống trước cọp. Lúc đó, đại địa chấn động sáu cách, mặt trời không ánh sáng như bị vua A-tu-la Lahầu-la bắt giữ ngăn che. Trời lại mưa xuống đủ loại hoa, đủ loại hương quý. Trong hư không có những trời khác thấy việc này rồi, sinh lòng vui mừng, khen chưa từng có và khen ngợi: “Hay thay! Hay thay! Bậc Đại sĩ! Ông nay chân thật là bậc thực hành đại Bi, vì chúng sinh nên điều khó bỏ có thể bỏ được! Đối với những bậc học giả, Đại sĩ dũng kiện bậc nhất! Đại sĩ đã được sự khen ngợi của chư Phật, thường an lạc nơi trụ xứ, chẳng bao lâu sẽ chứng được Niết-bàn thanh tịnh không phiền não, không nóng bức!” Con cọp này, bấy giờ, thấy máu chảy ra thấm bẩn thân của vương tử liền liếm máu, ăn thịt chỉ còn lại xương. Bấy giờ, vương tử thứ nhất thấy đất chấn động lớn liền nói kệ với vương tử thứ hai:

Chấn động đại địa
Và biển mênh mông
Mặt trời không sáng
Như bị che phủ.
Ở trên hư không
Mưa xuống hoa hương
Chắc là em ta
Đã bỏ thân mạng.

Vương tử thứ hai lại nói kệ:

Cọp kia sinh con
Trải bảy ngày liền
Bảy con vây quanh
Không có uống ăn.
Khí lực suy tổn
Thân mạng chẳng còn
Em ta từ mẫn
Biết cọp quá đói
Sợ không chịu nổi
Trở lại ăn con
Nên đã xả thân
Để cứu mạng cọp.

Lòng của hai vương tử rất buồn sợ, khóc lóc, dung mạo tiều tụy, cùng nhau trở lại chỗ hổ, thấy quần áo của em mặc đều mắc ở trên một cành tre, hài cốt, tóc móng vương văng tứ tung, máu chảy khắp nơi làm thấm bẩn đất nơi ấy. Thấy rồi, hai anh ngất đi, chẳng tự chủ được, gieo mình lên trên xương, hồi lâu mới tỉnh liền đứng dậy, đưa tay lên kêu trời than khóc: “Em ta thơ ấu mà tài năng hơn người, đặc biệt được sự yêu thương của cha mẹ, bỗng nhiên xả thân đem cho cọp đói ăn. Chúng ta nay trở về cung, giả sử cha mẹ hỏi thì phải đáp làm sao đây? Ta thà ở tại đây cùng chết một chỗ! Ta chẳng nỡ nhìn thấy hài cốt tóc móng này. Sao lòng đành lìa bỏ để về gặp cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, bằng hữu tri thức!” Hai vị vương tử buồn thương gào khóc áo não, rồi dần dần bỏ đi. Tùy tùng theo hầu tiểu vương tử đều tứ tán các phương, họ nói với nhau: “Hôm nay trời của ta là ở chỗ nào?” Bấy giờ, trong giấc ngủ, vương phi mộng thấy vú bị cắt, răng bị rơi rụng, được ba con bồ câu non thì chim ưng ăn mất một. Bấy giờ, khi đại địa chấn động, vương phi kinh hãi thức dậy, lòng rất buồn sợ mà nói kệ:

Hôm nay vì sao
Đất bằng biển cả
Tất cả chấn động
Mọi vật không yên
Mặt trời không sáng
Như bị che phủ
Lòng ta buồn khổ
Mí mắt nháy hoài
Như ta hôm nay
Đã thấy điềm tướng
Ắt có tai ương
Khổ não chẳng lành.

Đến đây, vương phi nói kệ này rồi, thì người hầu ở bên ngoài đã nghe được tin tức của vị vương tử, lòng kinh hoàng sợ hãi, liền vào trong thưa vương phi: “Ở bên ngoài nghe các tùy tùng tìm kiếm vương tử mà chẳng biết ở đâu?” Vương phi nghe rồi rất buồn khổ, khóc lóc nước mắt tràn mi, đi đến chỗ vị Đại vương tâu: “Thần thiếp được người truyền báo là đã mất đứa con yêu thương nhỏ nhất rồi.” Vị Đại vương nghe rồi lại ngất đi, nghẹn ngào khổ não, gạt nước mắt, nói: “Sao hôm nay ta mất đi sự yêu thương trong lòng?” Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa này nên nói kệ:

Ta thuở xa xưa
Trong vô lượng kiếp
Bỏ thân đáng yêu
Cầu đạo Bồ-đề
Hoặc làm quốc vương
Và làm vương tử
Bỏ việc khó bỏ
Để cầu Bồ-đề
Ta nhớ thuở xưa
Có quốc vương lớn
Vua ấy tên là
Ma-ha La-đà
Con của vua đó
Hay làm bố thí
Con ấy tên là
Ma-ha Tát-đỏa
Lại có hai anh
Anh trưởng tên là
Đại Ba-la-na
Anh thứ Đại Thiên
Ba người cùng đi
Đến một núi vắng
Thấy cọp mới sinh
Đói không có ăn
Một vị Đại sĩ
Khởi tâm đại Bi
Ta nay sẽ bỏ
Thân quý trọng này
Không thì cọp đây
Đói khát bức ngặt
Có thể lại ăn
Chính con mình sinh
Liền lên núi cao
Gieo mình trước cọp
Vì khiến cọp con
Được toàn tánh mạng
Khi đó đại địa
Và các núi lớn
Thảy đều chấn động
Kinh động thú rừng
Cọp, sói, sư tử
Chạy nhanh tứ tán
Thế gian đều tối
Không có ánh sáng
Lúc đó hai anh
Ở tại rừng trúc
Trong lòng lo sợ
Buồn rầu than khóc
Lần đi tìm kiếm
Đến gần chỗ cọp
Thấy mẹ con cọp
Miệng đều dính máu
Lại thấy tóc lông
Răng móng hài cốt
Vung vãi lung tung
Máu lan khắp đất.
Khi hai vương tử
Thấy việc đó rồi
Sầu thảm trong lòng
Ngã lăn ra đất
Thân hình bụi bặm
Khắp cả thân mình
Quên mất chánh niệm
Tâm bị mê sảng.
Những người theo hầu
Nhìn thấy việc đó
Cũng rất buồn thương
Gào khóc thất thanh
Họ lại cùng nhau
Dùng nước lạnh vẩy
Lát sau lại tỉnh
Mới đứng dậy được
Lúc đó vương tử
Trong lúc xả thân
Thì ở hậu cung
Vương phi thể nữ
Năm trăm quyến thuộc
Cùng nhau vui vẻ.
Vương phi lúc đó
Hai vú tuôn sữa
Khắp cả thân thể
Đau như kim châm
Lòng sinh sầu lo
Như mất con yêu.
Vương phi lúc đó
Vội đến chỗ vua
Buồn rầu rơi lệ
Bày tỏ vua hay
Tâu cùng Đại vương
Lắng nghe cho kỹ!
Lửa dữ lo buồn
Nay đốt thân thiếp
Hai vú thiếp nay
Cùng lúc chảy sữa
Toàn thân đau đớn
Như bị kim châm.
Thiếp thấy có điềm
Chẳng lành như vậy
Sợ chẳng gặp được
Đứa con yêu quý
Nay đem thân mạng
Dâng lên đại vương
Xin mau sai người
Tìm kiếm con thiếp.
Mộng ba chim câu
Mà thiếp ẵm bồng
Con nhỏ hơn hết
Thiếp rất mến thương
Lại có chim ưng
Bay đến cướp đi
Mơ thấy việc đó
Liền sinh lo buồn
Thiếp nay đau buồn
Sợ mạng chẳng cứu!
Xin mau sai người
Tìm kiếm con thiếp!
Nói lời đó xong
Vương phi khi đó
Liền ngất xỉu ngay
Ngã lăn ra đất.
Vua nghe nói thế
Lòng rất đau buồn
Vì không được gặp
Đứa con yêu mến.
Khi ấy đại thần
Và các quyến thuộc
Đều đến đông đủ
Ở hai bên vua
Kêu gào khóc lóc
Tiếng động trời đất.
Bấy giờ dân chúng
Ở trong thành ấy
Nghe tiếng đó xong
Kinh ngạc chạy đến
Cùng hỏi nhau rằng
Nay vương tử đó
Có sống lại không
Hay là đã chết
Như Đại sĩ đó
Thường nói dịu dàng
Mọi người yêu thích
Khó có thể gặp
Rồi có nhiều người
Vào rừng kiếm tìm
Chốc lát có tin
Nhất định đã chết
Lúc ấy mọi người
Rất là hãi hùng
Lại buồn gào khóc
Chấn động thần đất.
Bấy giờ Đại vương
Liền đứng dậy đi
Lấy nước rưới phi
Hồi lâu mới tỉnh
Chánh niệm hoàn hồn
Hỏi nhỏ vua rằng:
Con thiếp bây giờ
Hiện nay ra sao?
Bấy giờ vương phi
Nghĩ đến con mình
Càng thêm ảo não
Tâm không rời bỏ
Đứa con dấu yêu
Hình sắc đoan chính
Mà sao một sớm
Bỏ ta mà đi
Sao thân ta chẳng
Chết trước cho xong?
Mà thấy những việc
Khổ não như trên!
Con hiền sắc đẹp
Như sen tinh khiết
Ai hại thân con
Khiến phải chia ly
Chẳng phải là ta
Oán thù kiếp trước
Nghiệp duyên phải trả
Mà giết con sao?
Mặt mày con ta
Sáng như trăng rằm
Không may một sớm
Gặp phải họa này
Thà khiến thân ta
Tan nát như bụi
Chớ làm con ta
Phải mất thân mạng
Ta thấy trong mơ
Đã được báo trước
Vô tình nay ta
Chịu lấy họa này
Như ta mơ thấy
Thấy răng rụng hết
Hai vú cùng lúc
Sữa tự chảy ra,
Nhất định là ta
Mất con yêu mến.
Mơ ba chim câu
Ưng bắt đi một
Trong ba đứa con
Nhất định mất một.
Bấy giờ Đại vương
Liền bảo vương phi:
Nay trẫm sẽ sai
Đại thần sứ giả
Đi khắp Đông, Tây
Truy tìm kiếm con
Ái khanh có thể
Chớ quá lo buồn!
Đại vương an ủi
Vương phi như vậy
Lập tức xe giá
Liền nghiêm xa giá
Đi ra khỏi cung
Lòng sinh sầu não
Đau khổ vô cùng.
Tuy giữa mọi người
Dung mạo tiều tụy
Liền ra khỏi thành
Tìm kiếm con yêu.
Bấy giờ cũng có
Mọi người đông đảo
Khóc thương chấn động
Đi theo sau vua.
Lúc đó Đại vương
Ra khỏi thành ấy
Ngắm nhìn bốn phía
Tìm kiếm con mình
Phiền não loạn tâm
Không biết ở đâu
Sau cùng xa thấy
Người đem tin đến
Đầu lấm bụi bặm
Áo quần đầy máu
Tro phân đầy mình
Vừa đến khóc than
Bấy giờ Đại vương
Ma-ha La-đà
Thấy sứ đó xong
Lại càng buồn khổ
Đưa tay kêu lên
Ngửa mặt mà khóc.
Người sai đi tìm
Vừa về đến nơi
Đã đến chỗ vương
Tâu với vua rằng:
Xin vua chớ buồn
Các con còn đó
Họ sẽ đến liền
Cho vua được gặp!
Trong khoảng chốc lát
Lại có người đến
Thấy vua khổ buồn
Dung nhan tiều tụy.
Áo mặc trên thân
Bụi đất lấm đầy!
Tâu Đại vương biết!
Đã mất một vị
Hai con tuy còn
Tiều tụy khốn khổ.
Vương tử thứ ba
Thấy cọp mới sinh
Bảy ngày đói lả
Sợ lại ăn con.
Thấy cọp như vậy.
Khởi tâm đại Bi
Phát đại thệ nguyện
Sẽ độ chúng sinh
Ở đời vị lai
Chứng thành quả Phật
Liền lên chỗ cao
Gieo mình trước cọp
Cọp đói lâu ngày
Liền xé thịt ăn.
Tất cả máu thịt
Ăn hết chẳng còn
Chỉ có hài cốt
Vung vãi trên đất.
Bấy giờ Đại vương
Nghe bề tôi nói
Lòng lại buồn phiền
Ngất xỉu ngã lăn
Ưu sầu lửa dữ
Đốt cháy toàn thân.
Quyến thuộc thân cận
Cũng lại như thế.
Dùng nước rưới vua
Hồi lâu mới tỉnh
Đứng dậy ôm đầu
Kêu trời mà khóc.
Lại có đại thần
Đến tâu vua rằng:
Ở trong rừng đó
Thấy hai vương tử
Khóc lóc buồn than
Ưu sầu khổ sở
Bất tỉnh mê man
Gieo mình xuống đất
Thần liền tìm nước
Rưới khắp thân mình
Đến hồi lâu sau
Mới tỉnh trở lại.
Nhìn thấy bốn phương
Lửa dữ cháy rực
Nâng đỡ đứng dậy
Lại ngã quỵ xuống
Ôm đầu than vãn
Kêu trời mà khóc
Bất chợt lại khen
Công đức em mình.
Lúc đó Đại vương
Do mất con yêu
Trong lòng bấn loạn
Khí lực hao tổn
Khóc lóc buồn đau
Và lại suy nghĩ:
Là đứa nhỏ nhất
Ta rất yêu nó
Quỷ lớn vô thường
Vội vàng ăn nuốt!
Còn lại hai con
Tuy nay vẫn còn
Nhưng bị lửa phiền
Dày vò đốt cháy
Hoặc vì điều này
Mà phải bỏ mạng
Ta phải mau đến
Đi vào rừng đó
Đón các con về
Cung điện của ta.
Chớ để mẹ chúng
Vô cùng đau khổ
Như xé tâm can
Có thể mất mạng.
Nếu thấy hai con
Được phần an ủi
Có thể bảo toàn
Mạng sống còn lại.
Bấy giờ Đại vương
Xa giá voi quý
Cùng các tùy tùng
Đi đến rừng đó.
Liền ở giữa đường
Trông thấy hai con
Kêu trời, trách đất
Và gọi tên em.
Đức vua liền đến
Ôm lấy hai con
Kêu thương khóc lóc
Lên đường về cung.
Thúc bảo hai con
Đến hầu thăm mẹ.
Phật bảo Thọ thần:
Ngươi phải biết rằng,
Bấy giờ vương tử
Ma-ha Tát-đỏa
Xả thân cọp ăn
Nay là thân ta!
Bấy giờ Đại vương
Ma-ha La-đà
Nay là Phụ vương
Còn Thâu-đầu-đàn
Bấy giờ Vương phi
Nay là Ma-gia!
Vương tử thứ nhất
Nay Di-lặc đó!
Vương tử thứ hai
Nay là Điều-đạt!
Bấy giờ cọp mẹ
Là Kiều-đàm-di
Bảy con cọp con
Là năm Tỳ-kheo
Nay Xá-lợi-phất
Và Mục-kiền-liên.

Bấy giờ, Đại vương Ma-ha La-đà và các vương phi gào thương khóc lóc. Họ đều cởi áo mão, chuỗi ngọc trên thân mình rồi cùng với đại chúng đi đến trong rừng trúc thâu nhặt xá-lợi của vương tử ấy và lập tức dựng lên tháp bảy báu ở tại chỗ đó. Lúc vương tử Ma-ha Tátđỏa sắp xả mạng, lập lời thệ nguyện: “Nguyện cho xá-lợi của ta, ở đời vị lai, trải qua vô số kiếp, luôn vì chúng sinh mà làm Phật sự.”

Khi Đức Phật nói kinh này, vô lượng a-tăng-kỳ trời và người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Thọ thần! Đó gọi là nhân duyên lễ tháp thuở xưa!

Bấy giờ, do thần lực của Đức Phật nên tháp bảy báu đó lập tức biến mất.

 

Phẩm 23: TÁN PHẬT

Bấy giờ, vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng Bồ-tát từ thế giới này đi đến cõi nước của Đức Như Lai Kim Bảo Cái Sơn Vương. Đến cõi đó rồi, các vị Bồ-tát ấy gieo năm vóc xuống đất, kính lễ Đức Phật, lui về đứng một bên, hướng về Đức Phật chắp tay, cùng cất tiếng khen ngợi:

Thân Đức Thế Tôn
Sắc vàng vi diệu
Ánh sáng rực rỡ
Như núi vàng lớn.
Thân thể dịu dàng
Như hoa sen vàng.
Vô lượng tướng tốt
Dùng trang nghiêm mình
Vẻ đẹp theo hình
Ánh sáng đẹp thân
Tịnh khiết hơn hết
Như núi vàng tía,
Trong sạch không nhơ
Như vầng trăng sáng
Tiếng Ngài trong suốt
Hay như Phạm thiên
Như tiếng Sư tử
Tiếng sấm vang động…
Sáu loại thanh tịnh
Âm thanh vi diệu
Ca-lăng-tần-già
Tiếng chim Khổng tước
Thanh tịnh không nhơ
Uy đức đầy đủ
Trăm phước tướng tốt
Trang nghiêm thân Phật
Ánh sáng chiếu xa
Không có giới hạn
Trí tuệ vắng lặng
Không còn ái nhiễm
Thế Tôn thành tựu
Vô lượng công đức
Như biển mênh mông
Núi báu Tu-di.
Vì các chúng sinh
Sinh lòng xót thương
Ở đời vị lai
Ban niềm vui sướng.
Lời Thế Tôn nói
Nghĩa sâu đệ nhất
Khiến cho chúng sinh
Vắng lặng yên ổn.
Ban cho chúng sinh
Vô lượng an lạc
Diễn nói diệu pháp
Cam lộ Vô thượng.
Mở bày pháp môn
Cam lộ bậc nhất
Vào khắp tất cả
Nhà cửa an vui
Khiến cho chúng sinh
Đều được giải thoát
Qua khỏi vô lượng
Biển khổ ba cõi
An trụ chánh đạo
Không còn ưu khổ
Như Lai Thế Tôn
Trí tuệ công đức
Lực đại Từ bi
Tinh tấn phương tiện
Vô lượng như vậy
Chẳng thể tính kể
Hôm nay chúng con
Không thể nói hết
Chư Thiên, loài người
Trong vô lượng kiếp
Suy nghĩ so lường
Chẳng thể biết được
Như Lai đã có
Công đức trí tuệ
Vô lượng biển cả
Con nay khen ngợi
Công đức Thế Tôn
Như một giọt nhỏ
Trăm ngàn ức phần
Chẳng nói được một
Nếu như con được
Góp phần công đức
Hồi hướng chúng sinh
Chứng đạo Vô thượng.

Bấy giờ, Bồ-tát Tín Tướng, ở trong hội này, liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, khen ngợi:

Thế Tôn trăm phước
Tướng tốt vi diệu
Công đức số ngàn
Trang nghiêm thân ấy
Tịnh sắc chiếu xa
Nhìn Phật không chán
Như ánh mặt trời
Trùm khắp hư không
Ánh sáng rực rỡ
Vô lượng, vô biên
Giống như vô số
Ngọc báu chất chồng
Tỏa sáng năm sắc
Trắng, đỏ, xanh, hồng
Như khối lưu ly
Pha lê, vàng ròng.
Ánh sáng chói lòa
Thấu đến các núi
Có thể chiếu thấu
Vô lượng cõi Phật.
Diệt trừ khổ não
Vô lượng chúng sinh
Lại hay ban cho
Niềm vui thượng diệu.
Các căn thanh tịnh
Vi diệu bậc nhất
Chúng sinh ngắm nhìn
Không biết nhàm chán.
Tóc mềm biếc xanh
Như lông Khổng tước
Như các ong chúa
Đậu trên hoa sen.
Đại Bi thanh tịnh
Công đức trang nghiêm
Vô lượng Tam-muội
Và đức đại Từ
Công đức như vậy
Đều đã đầy đủ
Tướng tốt đẹp đẽ
Nghiêm sức thân Phật
Tất cả công đức
Giúp thành Bồ-đề.
Như Lai có thể
Điều phục chúng sinh
Khiến lòng nhu nhuyến
Hưởng thọ vui sướng.
Vô số công đức
Trang nghiêm thâm diệu
Cũng được mười phương
Chư Phật khen ngợi
Hào quang chiếu sáng
Khắp cả muôn nơi
Như ánh mặt trời
Sáng khắp hư không
Công đức thành tựu
Như núi Tu-di
Thị hiện khắp nơi
Ở các thế giới.
Răng trắng kín bằng
Trong như ngọc tuyết
Đức như mặt trời
Sáng giữa hư không.
Tướng tốt giữa mi
Xoáy vòng bên phải
Phát ra ánh sáng
Như ngọc lưu ly
Thân tướng vi diệu
Mặt trời trên không.

Bấy giờ, thần cây Bồ-đề Đạo tràng lại khen:

Nam-mô Chánh giác
Vô thượng thanh tịnh!
Diệu pháp sâu xa
Tùy nguyện hiểu thông
Xa lìa tất cả
Phi pháp, phi đạo
Ra khỏi một mình
Thành Phật Chánh giác
Biết hữu, phi hữu
Bản tánh thanh tịnh.
Công đức Thế Tôn
Thật là hiếm có
Thế Tôn biển cả
Thật là hiếm có
Như núi Tu-di
Thật là hiếm có
Hạnh Phật vô biên
Phật hiện thế gian
Như hoa Ưu-bát
Một lần xuất hiện
Thật là hiếm có
Đại Bi không lường
Thích-ca Văn Phật
Mặt trời thế gian
Vì muốn lợi ích
Cho chúng sinh nên
Tuyên nói kinh điển
Nhiệm mầu như vậy
Hay thay! Đức Phật
Các căn vắng lặng
Mà lại thể nhập
Thành lớn Thiện Tịch.
Vô cấu thanh tịnh
Tam-muội sâu xa
Vào chỗ chư Phật
Đã từng tu hành.
Tất cả Thanh văn
Thân đều tịch tĩnh
Lưỡng Túc Thế Tôn
Hành xứ cũng không.
Tất cả như vậy
Vô lượng các pháp
Thấu rõ tánh tướng
Cũng đều vắng lặng.
Tất cả chúng sinh
Tính tướng cũng không.
Vì tâm ngu si
Chẳng thể hiểu biết
Con thường niệm Phật
Ưa thấy Thế Tôn
Thường phát thệ nguyện:
Chẳng lìa Đức Phật
Dưới đất con thường
Quỳ gối chắp tay
Luyến mộ trong lòng
Muốn nhìn thấy Phật.
Con thường tu hành
Đại Bi tối thượng
Thương khóc lệ tuông
Muốn thấy được Phật.
Con thường ngưỡng mong
Muốn thấy được Phật.
Vì việc này nên
Lửa lo rực cháy
Nguyện xin Thế Tôn
Ban cho Từ bi
Nước pháp trong lành
Để diệt lửa phiền.
Thế Tôn xót thương
Lòng Bi vô lượng
Nguyện cho thân con
Thường được thấy Phật.
Phật thường hộ trì
Tất cả trời, người
Vậy nên nay con
Khát ngưỡng muốn thấy
Thân của Thanh văn
Giống như hư không,
Nắng, huyễn, vang, hóa
Như trăng trong nước.
Tánh của chúng sinh
Như thấy trong mộng.
Hành xứ Thế Tôn
Sạch như lưu ly
Thể nhập pháp xứ
Cam lộ Vô thượng.
Ban cho chúng sinh
Vô lượng an lạc
Hành xứ Như Lai
Vi diệu sâu xa
Tất cả chúng sinh
Không thể biết được.
Thần tiên ngũ thông
Tất cả Duyên giác
Và hàng Thanh văn
Cũng chẳng thể biết.
Con chẳng nghi hoặc
Hành xứ Thế Tôn
Nguyện Phật từ mẫn
Vì con hiện thân!
Bấy giờ Thế Tôn
Ra khỏi Tam-muội
Dùng tiếng cực hay
Nói lời ngợi khen:
Hay lắm! Hay lắm!
Thiện nữ Thọ thần!
Ngươi nay khéo nói
Lời ngợi khen ấy!

 

Phẩm 24: PHÚ CHÚC

Hán dịch: Đời Tùy, ngài Xà-na-quật-đa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo chúng Đại Bồ-tát:

–Này những Đại Trượng phu! Các ông ai có thể hộ trì thành tựu Bồ-đề hàng a-tăng-kỳ kiếp của chư Như Lai này? Sau khi ta diệt độ, ai sẽ đem pháp căn bản này truyền bá rộng rãi, khiến cho chánh pháp trụ thế lâu dài?

Lúc ấy, trong chúng Bồ-tát đó, có sáu mươi ức Bồ-tát và sáu mươi ức Thiên nữ đều đồng thanh bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đủ sức có thể hộ trì thành tựu Bồđề hàng a-tăng-kỳ kiếp của các Đức Như Lai này! Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, chúng con sẽ truyền bá rộng rãi pháp này!

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Lời chư Phật chân thật
An trụ trong thật pháp
Chư Phật trụ chân thật
Kinh này thêm tồn tại.
Đại Bi là áo giáp
Đại Từ là an trụ
Do từ lực chư Phật
Kinh này thêm tồn tại.
Phước tụ là áo giáp
Đã sinh ra trí tụ
Các tụ hòa hợp nên
Kinh này thêm tồn tại.
Hàng phục hết các ma
Các luận cũng phá tan
Đoạn trừ các kiến xong
Kinh này thêm tồn tại.
Các Thiên vương Hộ thế
A-tu-la, Phạm thiên
Càn-thát-bà, trời, rồng
Thực hành theo kinh này.
Đất ở và hư không
Tất cả các Thiên nữ
Nhờ chư Phật an trụ
Nên nói hành pháp ấy.
Do phạm hạnh tương ứng
Đã trang nghiêm bốn thật.
Trừ hết bốn loại ma
Tạng này thêm tồn tại.
Nếu tạo màu hư không
Hoặc sắc làm phi sắc
Chư Phật đã an trụ
Không thể lay động được!

Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương đồng thanh nói kệ:

Chúng con đối kinh này
Sẽ hộ trì như vậy
Quyến thuộc và các con
Cũng khéo léo hộ trì.
Nếu người trì kinh này
Đã tạo duyên Bồ-đề
Con sẽ gần người đó
Hộ trì cả bốn phương!

Bấy giờ, Thiên Đế hướng về Đức Phật nói kệ này:

Con biết ân chư Phật
Đạo sư cũng chứng xong
Kinh điển này tối thắng
Đã nói Phật giáng sinh.
Con đối chư Phật đó
Phải hộ trì đền ân
Phải hộ trì kinh này
Và cả người trì kinh.

Bấy giờ, vua trời Đại Phạm, chủ của thế giới Ta-ha hướng về Đức Phật nói bài kệ này:

Các định và vô lượng
Những thừa và giải thoát
Đều do kinh này sinh
Đã nói Phật ra đời.
Con bỏ vui cõi Phạm
Nơi kinh này lưu hành
Con đến đó nghe nhận
Và hộ trì như trên.

Bấy giờ, Thiên tử San-đâu-suất-đa hướng về Đức Phật nói kệ này:

Nếu trụ ở Bồ-đề
Thì sẽ ở Đâu-suất
Kinh này Phật đã nói
Nếu phải có người giữ.
Thưa Thế Tôn, con trì!
Phước báu trời con bỏ
Xuống trụ châu Diêm-phù
Sẽ nói pháp hành ấy!

Bấy giờ, thương chủ Ma-la-tử hướng về Đức Phật nói kệ này:

Nghiệp ma đã thanh tịnh
Thì chẳng theo các ma
Nếu thọ trì kinh này
Chánh nghĩa Tu-đa-la.
Chúng con đối kinh này
Sẽ hộ trì như vậy
Dục, tinh tấn phát ra
Con nay truyền bá khắp!

Bấy giờ, Ma-la-ba-ti-ma hướng về Đức Phật nói kệ này:

Con đối chúng sinh đó
Sẽ chẳng làm chướng ngại
Nếu ủng hộ người ấy
Con bẻ gãy não phiền.
Các ma không thể hại
Nên nói đối kinh này
Do chư Phật hộ trì
Chúng ta phải giữ gìn!

Bấy giờ, Thiên tử Thiện Đức hướng về Đức Phật nói kệ này:

Nếu chư Phật Bồ-đề
Thuyết giảng rộng kinh này
Nếu người trì kinh trên
Tức cúng dường chư Phật.
Con sẽ trì kinh này
Vì ức chư Thiên nói
Giáo hóa hướng Bồ-đề
Nên nghe và kính trọng!

Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị hướng về Đức Phật nói kệ này:

Chẳng mời đến bạn bè
Nếu kia trụ Bồ-đề
Hộ trì các pháp ấy
Xả bỏ chính thân mình.
Nên con đến Đâu-suất
Tu-đa-la như vậy
Do Phật an trụ nên
Con sẽ giảng nói rộng.

Bấy giờ, thượng tọa Ma-ha Ca-diếp hướng về Đức Phật nói kệ:

Chúng con ít trí tuệ
Thừa Thanh văn đã nói
Tùy khả năng, thế lực
Pháp thầy dạy phải trì
Nếu người trì kinh này.
Thì con sẽ ủng hộ
Đem khả năng biện tài
Bàn điều lành cùng họ.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan-đà hướng về Đức Phật nói kệ này:

Các kinh, số ngàn muôn
Con nghe từ miệng thầy
Dạy những kinh điển này
Trước con chưa từng nghe.
Nay con gặp kinh này
Đối mặt nhận lấy xong
Con sẽ truyền bá khắp
Muốn cầu đạo Bồ-đề!

Khi Đức Phật nói kinh này, Thiên nữ Bồ-đề Cao Thọ Thiện Tịch và những Thiên nữ Đại Biện…, những Thiên nữ Công Đức…, những Thiên nữ khác và các Thiên chúng do Đế Thích, Phạm vương, Tỳ-sa-môn… đứng đầu, các vua trời và đại Thiên chúng của họ, Cànthát-bà, A-tu-la… cùng thế gian đối với lời nói của Đức Phật đều rất hoan hỷ.

Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra khỏi Tam-muội, thị hiện thần lực lớn, dùng tay phải xoa đỉnh đầu các vị Đại Bồ-tát cùng các vua trời và Long vương, hai mươi tám bộ Đại tướng quân Tán Chỉ

Quỷ thần… rồi nói:

–Trong vô lượng trăm ngàn vạn ức hằng hà sa kiếp, Như Lai đã tu tập kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này, các ông phải thọ trì, đọc tụng, tuyên nói rộng rãi pháp này! Các ông lại làm cho kinh này không đoạn dứt trong cõi Diêm-phù-đề. Nếu có thiện nam, thiện nữ ở trong đời vị lai thọ trì đọc tụng kinh điển này thì chư Thiên, các ông luôn phải ủng hộ! Phải biết người đó ở đời vị lai, trải qua vô lượng trăm ngàn đời, sinh trong cõi trời, người luôn được hưởng an lạc. Ở đời vị lai, họ gặp được các Đức Phật và mau chóng được chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc ấy, các vị Đại Bồ-tát và trời, rồng hai mươi tám bộ Đại tướng Tán Chỉ… liền đứng dậy, đi đến trước Đức Phật, năm vóc gieo xuống đất, đồng thanh thưa:

–Theo đúng như lời dạy bảo của Đức Thế Tôn, chúng con sẽ phụng hành đầy đủ!

Họ bạch ba lần: “Theo đúng như lời dạy bảo của Đức Thế Tôn, chúng con sẽ phụng hành đầy đủ” như vậy. Lúc ấy, Đại tướng quân Tán Chỉ bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu sau này, trong đời vị lai, có người thọ trì kinh này, hoặc tự chép, hoặc sai người khác chép, con sẽ cùng với hai mươi tám bộ quỷ thần này… luôn phải che giấu thân hình, theo làm thị vệ, ủng hộ người nói pháp này, tiêu diệt hết các việc ác, khiến cho được yên ổn! Nguyện không còn lo nghĩ.

Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện thần lực lớn, vô lượng thế giới khắp mười phương đều chấn động sáu cách. Lúc đó, các Đức Phật đều rất hoan hỷ, vì phó chúc kinh này nên khen ngợi người hộ trì pháp, nên thị hiện vô lượng thần lực. Lúc này, vô lượng, vô biên vô số Đại Bồ-tát, đại chúng và Bồ-tát Tín Tướng, Kim Quang Minh tạng, Thường Bi Pháp thượng… Tứ Thiên vương, mười ngàn Thiên tử cùng với thần cây Bồ-đề Đạo tràng, thần đất Kiên Lao… và tất cả Trời, Người, A-tu-la… của thế gian nghe lời dạy của Đức Phật đều phát tâm Bồ-đề vô thượng, rất đỗi vui mừng, làm lễ mà ra đi.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8