KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 3

Phẩm 6: ĐÀ-LA-NI TỐI TỊNH ĐỊA

Lúc đó, Bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm cùng với vô lượng ức chúng đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đem đủ loại hương hoa, cờ, phướn và lọng bằng báu để cúng dường rồi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Dùng bao nhiêu nhân duyên để có được tâm Bồ-đề? Thế nào là tâm Bồ-đề? Bạch Thế Tôn! đối với Bồ-đề thì tâm hiện tại chẳng thể nắm giữ, tâm vị lai chẳng thể nắm giữ, tâm quá khứ chẳng thể nắm giữ. Lìa khỏi Bồ-đề thì tâm Bồ-đề chẳng thể nắm giữ. Bồ-đề thì chẳng thể nói năng, tâm cũng không phải sắc, không tướng, không sự, không nghiệp, chẳng phải có thể tạo tác. Chúng sinh thì cũng chẳng thể nắm giữ, cũng chẳng thể biết! Bạch Thế Tôn!

Làm sao để biết nghĩa sâu xa của các pháp?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Sự nghiệp tạo tác bí mật của Bồ-đề chẳng thể biết được. Lìa khỏi Bồ-đề thì tâm Bồ-đề cũng chẳng thể nắm giữ. Bồđề thì chẳng thể nói năng, tâm cũng vô tướng, chúng sinh cũng chẳng thể biết được. Vì sao? Vì ý là Như, tâm cũng như vậy. Tâm là Như, Bồ-đề cũng như vậy, chúng sinh cũng như vậy. Chúng sinh là Như, tất cả pháp ba đời cũng như vậy.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Như vậy Đại Bồ-tát được gọi là tâm thông tất cả pháp, chính là nói Bồ-đề và tâm Bồ-đề. Bồ-đề chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Tâm cũng như vậy, chúng sinh cũng như vậy. Ở trong như này cũng chẳng thể nắm giữ. Vì sao? Vì tất cả pháp không sinh. Bồ-đề chẳng thể nắm giữ, tên

Bồ-đề chẳng thể nắm giữ, chúng sinh chẳng thể nắm giữ, tên chúng sinh chẳng thể nắm giữ, Thanh văn chẳng thể thủ đắc, tên Thanh văn chẳng thể nắm giữ, Duyên giác chẳng thể nắm giữ, Tên Duyên giác chẳng thể nắm giữ. Bồ-tát chẳng thể nắm giữ tên, Bồ-tát chẳng thể nắm giữ, Phật chẳng thể nắm giữ, tên Phật chẳng thể nắm giữ, hành phi hành chẳng thể nắm giữ, tên hành phi hành chẳng thể nắm giữ. Ở trong tất cả pháp Tịch tĩnh mà được an trụ, nương vào tất cả thiện căn công đức mà được phát ra thì đó gọi là sơ phát tâm Bồ-đề, ví như núi chúa Bảo Tu-di. Đó gọi là nhân Bố thí ba-la-mật. Phát tâm thứ hai ví như đại địa giữ gìn tất cả pháp sự. Đó gọi là nhân Trì giới ba-la-mật. Ví như sư tử có lông ức dài, là vua của loài thú, có thần lực lớn, sống một mình, không sợ không run rẩy, tâm thứ ba như vậy gọi là nhân Nhẫn nhục ba-la-mật. Ví như sức Na-la-diên của phong luân mạnh mẽ nhanh chóng, tâm thứ tư chẳng thoái chuyển như vậy, đó gọi là nhân Tinh tấn ba-la-mật. Ví như lầu ngoạn cảnh bằng bảy báu có bốn hành lang xung quanh, gió mát mẻ thổi vào bốn cửa. Tâm thứ năm như vậy sinh ra đủ loại pháp tạng công đức còn chưa đầy đủ. Đó gọi là nhân Thiền định Ba-la-mật. Ví như ánh sáng vầng mặt trời tỏa sáng rực rỡ. Tâm thứ sáu như vậy có thể phá diệt tối tăm sinh tử. Đó gọi là nhân Trí tuệ ba-la-mật. Ví như vị thương chủ giàu có có thể khiến cho các tâm nguyện được thỏa mãn. Tâm thứ bảy như vậy có thể khiến vượt khỏi con đường hiểm ác sinh tử, có thể khiến được nhiều châu báu công đức. Đó gọi là nhân Phương tiện thắng trí Ba-la-mật. Ví như vầng trăng tròn đầy sạch trong. Tâm thứ tám như vậy, tất cả cảnh giới đều thanh tịnh tròn vẹn. Đó gọi là nhân Nguyện Ba-la-mật. Ví như Chuyển luân thánh vương làm chủ Binh thần báu thì xử lý phân công như ý muốn. Tâm thứ chín như vậy, khéo có thể làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, công đức thấm nhuần khắp nơi đem lại lợi ích rộng rãi cho tất cả. Đó gọi là nhân Lực Ba-la-mật. Ví như hư không và Chuyển luân thánh vương. Tâm thứ mười như vậy, đối với tất cả cảnh giới đều thông đạt, đối với tất cả pháp tự tại, đạt được địa vị Quán đảnh. Đó gọi là nhân trí Ba-la-mật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Như vậy là mười loại nhân về tâm Bồ-đề của Đại Bồ-tát.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Nương theo năm pháp để thành tựu Bố thí bala-mật của Đại Bồ-tát. Những gì là năm?

  1. Tín căn.
  2. Từ bi.
  3. Không có tâm tham dục.
  4. Giáo hóa tất cả chúng sinh.
  5. Nguyện cầu trí Nhất thiết trí.

Thiện nam này nương theo năm pháp đó thì được thành tựu Bố thí ba-la-mật.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Nương theo năm pháp thì Đại Bồ-tát thành tựu Trì giới ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Ba nghiệp thanh tịnh.
  2. Chẳng tạo tác nhân duyên phiền não cho tất cả chúng sinh.
  3. Cắt đứt các con đường ác, mở cửa đường lành.
  4. Qua khỏi các Địa của Thanh văn, Duyên giác.
  5. Tất cả nguyện và công đức đều được đầy đủ.

Này thiện nam! Nương theo năm pháp này thì được thành tựu Trì giới ba-la-mật.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Lại nương theo năm pháp, Đại Bồ-tát có thể thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Điều phục phiền não tham, sân.
  2. Quán chỉ tức, chẳng tiếc thân mạng, chẳng mong cầu an lạc.
  3. Suy nghĩ nghiệp xưa.
  4. Muốn thành tựu thiện căn công đức của tất cả chúng sinh nên phát tâm Từ bi.
  5. Vì muốn được Vô sinh pháp nhẫn sâu xa.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Nhẫn nhục bala-mật.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Lại nương theo năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-la-mật. Những gì năm?

  1. Trừ sạch các phiền não.
  2. Phước đức chưa đủ thì chẳng được an vui.
  3. Tất cả việc khó làm chẳng sinh lòng nhàm chán.
  4. Vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh nên thành tựu đại Từ, đại Bi để giáo hóa.
  5. Nguyện cầu các Địa không thoái chuyển.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-lamật.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Lại nương theo năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Thiền ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Thu giữ tất cả thiện pháp chẳng để tan mất.
  2. Thoát khỏi sinh tử, chẳng nhiễm trước vào nhị biên.
  3. Nguyện được thần thông vì thành tựu thiện căn của chúng sinh.
  4. Phát tâm làm sạch sẽ pháp giới vì lòng thanh tịnh.
  5. Cắt đứt cội rễ tất cả phiền não của chúng sinh.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Thiền ba-lamật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Lại có năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Trí tuệ ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Đối với tất cả chư Phật Bồ-tát thông tuệ đại trí thì cúng dường thân cận lòng không nhàm chán.
  2. Các Đức Phật Như Lai giảng nói pháp sâu xa, lòng thường ưa nghe không biết nhàm chán.
  3. Chân tục thắng trí.
  4. Thấy, nghĩ về phiền não, dùng thắng trí như vậy có thể phân biệt, đoạn trừ.
  5. Đối với pháp ngũ minh của thế gian đều thông đạt.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Trí tuệ ba-lamật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Lại nương theo năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện Thắng trí Ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Thông đạt hết ý tham dục và tâm hành phiền não của tất cả chúng sinh.
  2. Hiểu rõ vô lượng những pháp môn đối trị.
  3. Vào ra tự tại nơi tâm đại Từ, đại Bi.
  4. Có thể tu hành thành tựu Đại Ba-la-mật, nguyện cầu đều thỏa mãn.
  5. Thông đạt, giữ gìn tất cả Phật pháp, nguyện cầu đều đầy đủ.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện Thắng trí Ba-la-mật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Lại có năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Nguyện Ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Đối với tất cả pháp xưa nay chẳng sinh chẳng diệt, chẳng có chẳng không, lòng trụ nơi an lạc.
  2. Quan sát tất cả các pháp vi diệu, tất cả cấu bẩn đều thanh tịnh, tâm được an trụ.
  3. Vượt qua tất cả tướng, tâm Như như, không tạo tác, không vận hành, chẳng khác, chẳng động, tâm an ổn với Như như.
  4. Vì việc lợi ích chúng sinh, tuy ở trong tục đế, nhưng tâm luôn an trụ.
  5. Đối với chỉ và quán có khả năng trụ cùng một lúc.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Nguyện Ba-lamật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Nương theo năm pháp sau đây để Đại Bồ-tát thành tựu Lực Ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Đối với tâm hạnh hiểm ác của tất cả chúng sinh, dùng trí lực có thể trừ được.
  2. Có thể khiến cho tất cả chúng sinh thể nhập vào pháp sâu xa.
  3. Thấy biết rõ tất cả chúng sinh qua lại trong sinh tử theo nhân duyên của họ.
  4. Đối với ba nhóm trí lực của tất cả chúng sinh có thể phân biệt biết rõ.
  5. Lý Như là chủng tử, là thành thục, là giải thoát. Như vậy nói pháp đều chính là trí lực.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Lực Ba-la-mật.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Lại có năm pháp, Đại Bồ-tát tu hành thành tựu Trí ba-la-mật. Những gì là năm?

  1. Đối với tất cả pháp phân biệt thiện ác, đầy đủ năng lực trí tuệ.
  2. Đối với pháp ác, pháp thiện xa lìa hay nhiếp lấy, đầy đủ năng lực trí tuệ.
  3. Đối với sinh tử, Niết-bàn chẳng nhàm chán, chẳng mừng vui, đầy đủ năng lực trí tuệ.
  4. Hạnh đại phước đức, hạnh đại trí tuệ đạt được trọn vẹn, đầy đủ năng lực trí tuệ.
  5. Tất cả pháp Bất cộng… của chư Phật và trí Nhất thiết trí, đầy đủ pháp Quán đỉnh và năng lực trí tuệ.

Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Trí ba-la-mật Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Thế nào là nghĩa của Ba-la-mật? Hành đạo lợi ích thù thắng là nghĩa của Ba-la-mật. Đầy đủ trí vô cùng sâu xa là nghĩa của Ba-la-mật; thực hành hay chẳng thực hành theo pháp, lòng chẳng chấp trước là nghĩa của Ba-la-mật; tội lỗi của sinh tử, công đức của Niết-bàn, chánh giác, chánh quán là nghĩa của Ba-la-mật; kẻ ngu người trí đều thâu nhận hết là nghĩa của Ba-la-mật; có thể hiển hiện đủ loại báu pháp quý giá vi diệu là nghĩa của Ba-la-mật; đầy đủ trí vô ngại giải thoát là nghĩa của Ba-la-mật; pháp giới, chúng sinh giới phân biệt biết rõ là nghĩa của Ba-la-mật; Bố thí và Trí… có thể khiến đạt đến Địa không thoái chuyển là nghĩa của Ba-la-mật; có khả năng làm đầy đủ Vô sinh pháp nhẫn, là nghĩa của Ba-la-mật, có thể thành tựu thiện căn công đức của tất cả chúng sinh là nghĩa của Ba-la-mật; ở đạo tràng Bồ-đề thanh lương thành tựu Phật tuệ, mười Lực, bốn Vô úy, pháp Bất cộng… là nghĩa của Ba-la-mật; sinh tử, Niết-bàn đều là lầm chấp, có thể đoạn trừ sạch là nghĩa của Ba-la-mật; cứu độ tất cả là nghĩa của Ba-la-mật; tất cả ngoại đạo đến vấn nạn nhau có thể khéo léo giải thích, khiến cho họ hàng phục là nghĩa của Ba-la-mật; có thể chuyển mười hai bánh xe hành pháp là nghĩa của Ba-la-mật; không đắm trước, không kiến chấp, không vướng mắc, không suy nghĩ gì khác là nghĩa của Ba-la-mật.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ nhất là tướng hiện tiền, vô lượng, vô biên đủ loại vật báu tàng có khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ hai là tướng hiện tiền, đất trong tam thiên đại thiên thế giới bằng phẳng như bàn tay, vô lượng, vô số màu sắc đẹp đẽ, dùng báu thanh tịnh làm vật dụng để trang nghiêm, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ ba là tướng hiện tiền, tự thân dũng mãnh, được trang bị bằng áo giáp, binh khí, hàng phục tất cả oán thù, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ tư là tướng hiện tiền, bốn phương phong luân đủ loài hoa đẹp đều tung rải đầy khắp trên mặt đất, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ năm là tướng hiện tiền, như thiếu nữ báu được trang sức đầy đủ. Trên đỉnh đầu cô ấy được rải nhiều hoa Đa-la, chuỗi báu đẹp trang sức suốt từ thân đến đầu, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ sáu là tướng hiện tiền, ao hoa bảy báu có bốn bậc thềm, cát bằng vàng đầy khắp, thanh tịnh không bẩn, nước tám công đức đều đầy tràn. Hoa Uất-ba-la, hoa Câu-vậtđầu, hoa Phân-đà-lợi… ao ấy đều trang nghiêm, ở chỗ ao hoa tự nhiên vui chơi, vui vẻ thanh tịnh, mát mẻ không gì so sánh, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ bảy là tướng hiện tiền, bên trái, bên phải đáng đọa địa ngục nhưng do diệu lực của Bồ-tát nên chẳng bị đọa, không bị tổn thương, không hề buồn khổ, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ tám là tướng hiện tiền, bên

trái, bên phải, sư tử có lông ức dài, vua trong loài thú, tất cả mọi loài thú đều sợ hãi, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ chín là tướng hiện tiền, Chuyển luân thánh vương có vô lượng ức chúng vây quanh cúng dường, trên đỉnh đầu được che bằng lọng trắng, được trang hoàng bằng vô lượng loại báu, Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ mười là tướng hiện tiền, thân Như Lai sắc vàng sáng rực, vô lượng ánh sáng thanh tịnh đều viên mãn, vô lượng ức Phạm vương vây quanh cung kính cúng dường, chuyển bánh xe diệu pháp Vô thượng. Bồ-tát đều thấy hết.

Này thiện nam! Sao Địa đầu tiên gọi là Hoan hỷ? Vì được ra đời, điều mà ngày xưa chưa được của tâm, hôm nay mới làm được việc lớn, công dụng lớn, mọi nguyện cầu đều thành tựu như ý nên rất vui mừng an lạc. Vì vậy, Địa đầu gọi là Hoan hỷ địa. Tất cả tội vi tế, tội lỗi phá giới đều thanh tịnh. Vì thế Địa thứ hai gọi là Vô cấu địa.

Vô lượng trí tuệ Tam-muội sáng suốt, chẳng thể lay động, không thể hàng phục, dùng nghe, thọ trì Đà-la-ni làm căn bản. Vì vậy Địa thứ ba gọi là Minh địa.

Có thể thiêu cháy phiền não, dùng lửa trí tuệ tăng trưởng ánh sáng, dùng đạo phẩm tu hành này làm xứ sở nương tựa. Vì thế Địa thứ tư gọi là Diệm địa.

Việc tu hành phương tiện thắng trí tự tại này khó được, sự nhìn thấy, suy nghĩ và phiền não cũng chẳng thể điều phục. Vì vậy Địa thứ năm gọi là Nan thắng địa.

Hành pháp nối tiếp nhau tỏ rõ hiển hiện, vô tướng, nhiều tư duy đều hiện tiền. Vì vậy, Địa thứ sáu gọi là Hiện tiền địa.

Đối với vô lậu, vô gián, vô tướng, tư duy giải thoát Tam-muội, vượt xa sự tu hành. Địa này thanh tịnh không chướng ngại. Vì vậy Địa thứ bảy gọi là Viễn hành địa.

Vô tướng, chánh tư duy, luôn tu hành tự tại, các phiền não chẳng thể làm lay động. Vì vậy Địa thứ tám gọi là Bất động địa.

Giảng nói tất cả chủng loại các pháp mà được tự tại không hề bị trói buộc, trí tuệ tăng trưởng, tự tại không ngăn ngại. Vì vậy Địa thứ chín gọi là Thiện tuệ địa.

Pháp thân như hư không, trí tuệ như mây lớn có thể che đầy khắp tất cả. Vì vậy Địa thứ mười gọi là Pháp vân địa.

Địa thứ nhất muốn hành đạo có hình tướng là vô minh chướng ngại, sợ hãi sinh tử là vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ nhất.

Tội lỗi vi tế là nhân vô minh, đủ loại nghiệp và hành tướng là nhân vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ hai.

Điều từ xưa chưa đạt được mà nay có được nên vọng động trào dâng là nhân vô minh; chẳng nghe, thọ trì đầy đủ Đà-la-ni là nhân vô minh. Nương theo hai tâm thô lậu là chướng Địa thứ ba.

Đối với vị thiền định mà sinh lòng tham đắm là nhân vô minh, ưa thích pháp thanh tịnh vi tế là nhân vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ tư.

Một ý suy nghĩ muốn vào Niết-bàn, một ý suy nghĩ vào sinh tử; suy nghĩ Niết-bàn này và suy nghĩ sinh tử này chính vô minh là nhân. Suy nghĩ sinh tử Niết-bàn không bình đẳng, chính vô minh làm nhân. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ năm.

Hành pháp nối tiếp nhau, hiển hiện rõ ràng, chính vô minh là nhân, đôi lúc thực hành pháp tướng đạt đến tâm, chính vô minh là nhân. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ sáu.

Các tướng vi tế hoặc hiện hay chẳng hiện là do vô minh; tư duy một vị thuần thục, muốn đoạn trừ nhưng chưa đạt được phương tiện là do vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ bảy.

Đối với pháp vô tướng dùng nhiều công lực là do vô minh; chấp tướng cho là tự tại khó có thể giải thoát là do vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ tám.

Giảng nói pháp không lường, đối với danh xưng, mùi vị, câu cú không lường, trí tuệ phân biệt không lường mà chưa thể thâu nhiếp là do vô minh. Bốn vô ngại biện chưa được tự tại là do vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ chín.

Thần thông rộng lớn chưa đạt được như ý là do vô minh; tạng bí mật vi diệu mà tu hành chưa đầy đủ là do vô minh. Nương theo hai loại tâm thô lậu là chướng Địa thứ mười.

Tất cả cảnh giới làm ngăn ngại trí tuệ vi tế là nhân vô minh. Ở vị lai, chướng ngại này chẳng sinh ra, chưa có mặt nhưng chẳng lại sinh ra trí thì chính vô minh là nhân. Đó là chướng Như Lai địa.

Này thiện nam! Đối với Bồ-tát ở Địa thứ nhất thì tu hành hướng về Bố thí ba-la-mật.

Đối với Địa thứ hai thì tu hành hướng về Trì giới ba-la-mật.

Đối với Địa thứ ba thì tu hành hướng về Nhẫn nhục ba-la-mật.

Đối với Địa thứ tư tu hành hướng về Tinh tấn ba-la-mật.

Đối với Địa thứ năm tu hành hướng về Thiền định Ba-la-mật.

Đối với Địa thứ sáu tu hành hướng về Trí tuệ ba-la-mật.

Đối với Địa thứ bảy tu hành hướng về Phương tiện thắng trí Bala-mật.

Đối với Địa thứ tám tu hành hướng về Nguyện Ba-la-mật.

Đối với Địa thứ chín tu hành hướng về Lục Ba-la-mật.

Đối với Địa thứ mười tu hành hướng về Trí ba-la-mật.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát ban đầu phát tâm tu hành được sinh ra Tam-ma-đề tên là Diệu bảo khởi.

Phát tâm ở Địa thứ hai thì tu hành được sinh ra Tam-ma-đề Khả ái trụ.

Phát tâm ở Địa thứ ba thì tu hành được sinh ra Tam-ma-đề Nan động.

Phát tâm ở Địa thứ tư thì tu hành được sinh ra Tam-muội Không thoái chuyển.

Phát tâm ở Địa thứ năm thì tu hành được sinh ra Tam-muội Bảo hoa.

Phát tâm ở Địa thứ sáu thì tu hành được sinh ra Tam-muội Nhật viên quang diệm.

Phát tâm ở Địa thứ bảy thì tu hành được sinh ra Tam-muội Nhất thiết nguyện như ý thành tựu.

Phát tâm ở Địa thứ tám thì tu hành được sinh ra Tam-muội Hiện tại phật hiện tiền chứng trụ.

Phát tâm ở Địa thứ chín thì tu hành được sinh ra Tam-muội Trí tạng.

Phát tâm ở Địa thứ mười thì tu hành được sinh ra Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm Ma-già.

Này thiện nam! Đó gọi là mười loại phát tâm của các Đại Bồtát. Này thiện nam! Đại Bồ-tát trụ ở Địa thứ nhất này nương theo lực công đức gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói thần chú:

Đát điệt tha, phú lâu ni, na la đệ, đầu hống đầu hống đầu hống, na bạt tu lý dủ, ô bà ta chỉ, na bạt chiên đổ lỗ, đệ dũ đa chỉ, đa bạt đạc lạc sam, đãn địa ba lý ha lam, câu lưu, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát sông Hằng hộ trì. Bồ-tát Địa thứ nhất tụng trì chú Đà-la-ni này, thì được thoát khỏi tất cả sự sợ hãi, tất cả thú dữ, tất cả ác quỷ, những sự phiền não, tai ương của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng ngại, lúc nào cũng nghĩ đến Địa thứ nhất.

Này thiện nam! Những Đại Bồ-tát khéo an trụ ở Địa thứ hai này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, uất tọa ly, chỉ lý chỉ lý, uất thụ la, thụ la nam, thiền đẩu thiền đẩu uất tọa ly, hống liễu hống liễu, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong hai sông Hằng hộ trì. Bồ-tát Địa thứ hai trì tụng chú Đà-la-ni này, thì được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ, tất cả ác quỷ và oán tặc, tai ương, các phiền não của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng, luôn nhớ nghĩ đến Địa thứ hai.

Này thiện nam! Những Đại Bồ-tát trụ ở Địa thứ ba Nan thắng đại lực này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, đãn đãi chỉ, bát đãi chỉ, kha la trí, cao lại trí, chỉ do ly, đãn chỉ ly, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong ba sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ ba trì tụng chú Đà-la-ni này, thì được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử…, tất cả ác quỷ, những oán tặc, tai ương và những phiền não của người chẳng phải người, giải thoát năm chướng, luôn nhớ nghĩ đến Địa thứ ba.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát trụ ở Địa thứ tư Đại lợi ích nan hoại này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, thi lý thi lý, đà di ni đà di ni, đà lý đà lý ni, thi lý thi lý ni, tỳ xả la bà tế, ba thỉ na, bàn đà ha mị để, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong bốn sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ tư trì tụng Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử, tất cả ác quỷ, những oán tặc, tai ương và những độc hại của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng, luôn nhớ nghĩ đến Địa thứ tư.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với Địa thứ năm chủng chủng công đức trang nghiêm này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, ha lý ha lý ni, già lý già lý ni, kha la ma ni, tăng kha la ma ni, tam hà ha sa ni, diệm bà ha ni, đam bà ha ni, mô ha ni, tá diễm bộ hống bệ, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong năm sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ năm trì tụng Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả cọp, sói, sư tử độc hại, tất cả ác quỷ và oán tặc, tai ương, những sự quấy nhiễu của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng, luôn nhớ nghĩ đến Địa thứ năm.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với Địa thứ sáu Viên trí… này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, tỳ đầu ly tỳ đầu ly, ma lý ni, kha lý kha lý bí, đầu dụ ha để, lưu lưu lưu lưu, châu liễu châu liễu, đỗ lỗ bà đỗ lỗ bà, xả xả xả giả, bà lật sa, tát hoạt tư để, tát bà tát đỏa nam, tất trì hà đẩu, mạn đa la ba thả, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong sáu sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ sáu trì tụng Đà-la-ni này, được tất cả sợ hãi, tất cả cọp, sói, sư tử… độc hại, tất cả ác quỷ và oán địch, tai ương, những sự quấy nhiễu của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Địa thứ sáu.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát ờ đối với pháp Địa thứ bảy Thắng hạnh này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, xà ha xà ha lậu, xà ha xà ha xà ha lậu, tỳ liễu chỉ tỳ liễu chỉ, a mật đa la dà ha ni, bà lực sái ni, tỳ liễu sỉ chỉ, bà liễu bà để, tỳ đề hỷ chỉ, tần đà tỳ lý ni, mật lát đát để chỉ, bồ hô trửu dậu bồ hô trửu dậu, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát

trong bảy sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ bảy trì tụng chú Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử, tất cả ác quỷ và những oán tặc, độc hại, tai ương của người chẳng phải người… giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Địa thứ bảy.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với Địa thứ tám Vô tận tạng này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, thỉ lý thỉ lý, thi lý, mị để mị để, kha lý kha lý, ha lý ha lý, ế liễu ế liễu, chu liễu chu liễu, bàn đà ha mị, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong tám sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ tám trì tụng Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử…, tất cả ác quỷ và oán tặc, độc hại, tai nạn của người, chẳng phải người… giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Địa thứ tám.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với Địa thứ chín Vô lượng môn này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni.

Đát điệt tha, ha lý chiên địa lý chỉ, câu lam bà la thê, đẩu la tử, bạt tra bạt tra tử, thỉ lý thỉ lý, kha thi lý, kha tỷ thi lý, tát hoạt tư để, tát bà tát đỏa nam, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni này được chư Phật nhiều hơn số cát trong chín sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ chín trì tụng Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử…, tất cả ác quỷ và oán tặc độc hại, tai nạn của người, chẳng phải người… giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Địa thứ chín.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với Địa thứ mười Phá hoại kiên cố Kim cang sơn này gọi là được sinh khởi Đà-la-ni:

Đát điệt tha, tất đề ế, tu tất đề ế, mỗ giả nĩ, mỗ sai nĩ, tỳ mục để, a ma lị, tỳ ma lị, niết ma lị, măng dà lị, hỷ lại nhã kiệt thứ bệ ế, hà thứ na kiệt thứ bệ ế, bà mạn đa bạt khát đệ lị, tát bà lại tha ta đà ha nĩ, ma na tử, ma ha ma na tử, át bộ hống để, át triết bộ hống để, bà la đệ, tỳ la thị, át chu để, a mỹ lý để, a la thị, tỳ la thị, bà lam ha mể, bà làm ma tu lị, phú lâu nĩ, phú lâu na ma nộ la thể, tỏa ha.

Này thiện nam! Đà-la-ni Quán đảnh cát tường cú này được chư Phật nhiều hơn số cát trong mười sông Hằng hộ trì. Bồ-tát ở Địa thứ mười trì tụng chú Đà-la-ni này, được thoát khỏi tất cả sợ hãi, tất cả thú dữ như cọp, sói, sư tử…, tất cả ác quỷ và oán thù, độc hại, tai nạn của người, chẳng phải người… giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Địa thứ mười.

Lúc đó, Bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Viêm liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, liền dùng kệ tụng khen ngợi Đức Phật:

Kính lễ Đấng Vô Tỷ
Nói nghĩa vô tướng sâu
Chúng sinh mất chánh kiến
Như Lai cứu giúp họ.
Phật nhãn của Thế Tôn
Không chấp tướng một pháp
Pháp nhãn Vô thượng tôn
Thấy nghĩa chẳng nghĩ bàn.
Một pháp chẳng thể sinh
Một pháp cũng chẳng diệt
Vì thấy biết bình đẳng
Ngài đạt đến Vô thượng!
Chẳng tổn đến sinh tử
Ngài nguyện chứng Niết-bàn!
Vượt qua hai kiến chấp
Nên tịch tịnh viên thành.
Trí Thế Tôn một vị
Tịnh hay chẳng thanh tịnh
Chẳng phân biệt giới hạn.
Được thanh tịnh Vô thượng.
Thế Tôn thân vô biên.
Chẳng nói một ngôn tự
Chúng đệ tử Thế Tôn
Đủ đầy mưa pháp vũ.
Suy nghĩ tướng chúng sinh
Tất cả đều không có
Các chúng sinh khốn khổ
Thế Tôn cứu tế khắp.
Khổ, vui, thường, vô thường
Có ngã hay không ngã…
Như vậy rất nhiều nghĩa
Tuệ Thế Tôn vô trước.
Chẳng khác với thế gian
Như hang rỗng tiếng vang
Chẳng độ cũng chẳng diệt
Chỉ Phật biết rõ ràng.
Pháp giới không phân biệt
Nên không có Thừa khác
Vì độ chúng sinh nên
Phân biệt nói ba thừa.

Lúc đó, Phạm vương Đại Tự Tại, ở trong đại hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có, khó lường! Nghĩa vi diệu của kinh Kim Quang Minh này hoàn toàn viên mãn, đều có thể thành tựu tất cả Phật pháp, tất cả Phật ân!

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam! Đúng như lời ông nói! Này thiện nam! Nếu được nghe kinh Kim Quang Minh này thì tất cả Bồ-tát chẳng thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Này thiện nam! Vì Bồ-tát trụ ở địa Bất thoái này đã thành thục thiện căn vì đã được lắng nghe, thọ trì và đọc tụng kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này là Đệ nhất ấn, là vua của các kinh. Vì sao? Này thiện nam! Nếu tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành, chưa thành tựu căn lành, chưa gần gũi với các Đức Phật thì chẳng được nghe kinh Kim Quang Minh này. Này thiện nam! Do lắng nghe, thọ trì kinh Kim Quang Minh này nên tất cả tội chướng của thiện nam, thiện nữ đó đều có thể trừ diệt, được thanh tịnh hoàn toàn, thường được thấy Phật, chẳng xa lìa Thế Tôn, thường được nghe diệu pháp, thường lắng nghe Chánh pháp, sinh ở địa Bất thoái, được gần gũi bậc Thắng sư tử chẳng hề xa lìa, đạt được Đà-la-ni Vô tận vô giảm hải ấn xuất diệu công đức, Đà-la-ni Vô tận vô giảm chúng sinh ý hành ngôn ngữ thông đạt, Đà-la-ni Vô tận vô giảm nhật viên vô cấu tướng quang, Đà-la-ni Vô tận vô giảm mãn nguyệt tướng quang, Đàla-ni Vô tận vô giảm năng phục nhất thiết hoặc sự công đức lưu, Đàla-ni Vô tận vô giảm phá hoại kiên cố Kim cang sơn, Đà-la-ni Vô tận vô giảm thuyết bất khả tư nghị nhân duyên tạng, Đà-la-ni Vô tận vô giảm chân thật ngữ ngôn pháp tắc âm thanh thông đạt, Đà-la-ni Vô tận vô giảm hư không vô cấu tâm hành ấn và Đà-la-ni Vô tận vô giảm vô biên Phật thân năng hiển hiện. Này thiện nam! Những Đàla-ni như vậy đều được thành tựu. Những Đại Bồ-tát, ở khắp tất cả cõi Phật mười phương, được các Đức Phật hóa thân nói vô số chánh pháp thâm diệu, nên đối với pháp Như như chẳng động, chẳng đi, chẳng đến, khéo léo thành tựu căn lành cho tất cả chúng sinh mà cũng chẳng thấy tất cả chúng sinh có thể thành tựu, giảng nói vô số giáo pháp mà đối với các ngôn từ chẳng động, chẳng đi, chẳng dừng, chẳng đến, có thể hiện bày sinh diệt để hướng về không sinh diệt, giảng nói các hành pháp mà không chỗ đến đi, do tất cả pháp đều không sai khác.

Sau khi Đức Phật nói kinh Kim Quang Minh này, ba vạn ức Đại Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn, vô lượng các Bồ-tát chẳng thoái tâm Bồ-đề, vô lượng, vô biên Tỳ-kheo được Pháp Nhãn Tịnh, vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-đề. Khi đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đạo ngược dòng tử sinh
Rất vi diệu khó thấy
Tham dục che chúng sinh
Tối tăm ngu chẳng thấy.

Lúc đó, tất cả đại chúng đều đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu bất cứ chỗ nào tuyên giảng kinh Kim Quang Minh này thì tất cả đại chúng của hội này đều đến chỗ đó để nghe pháp. Pháp sư giảng nói pháp này có vô số lợi ích, an vui, không chướng ngại, thân tâm sảng khoái. Chúng con đều sẽ tận tâm cúng dường Pháp sư ấy và làm cho các chúng hội đều yên ổn, an lạc. Cõi nước này không có các oán tặc, nạn sợ hãi, không lo sợ đói kém, không lo sợ loài chẳng phải người, nhân dân hưng thịnh. Chỗ giảng nói pháp này, tất cả chư Thiên, người chẳng phải người và các chúng sinh chẳng được đi qua ở trên làm thấm bẩn nơi ấy. Vì sao? Vì chỗ nói pháp tức là Tháp của kinh này. Thiện nam, thiện nữ cần phải dùng những hương hoa, lụa là năm sắc, phướn lọng để cúng dường chỗ nói pháp đó. Chúng con sẽ cứu giúp họ, đem lại lợi ích, tiêu trừ tất cả chướng ngại, họ cần dùng vật gì đều cung cấp đầy đủ như ý.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Đúng vậy! Các ông cần phải tinh cần tu hành đúng như kinh điển này thì pháp sẽ trụ ở đời lâu dài.

 

* Ghi chú:

Để tham chiếu thêm phần Chướng ngại từ Địa đầu tiên đến Địa thứ mười ở phần trên của (trang 374) kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ, Đại Chánh Tân Tu.

Sợ hãi sinh tử, vô minh là chướng của Địa thứ nhất. Tội lỗi vi tế là nhân vô minh, vô số hành tướng của nghiệp là nhân vô minh. Đó là chướng của Địa thứ hai. Nghiệp chưa được lợi ích nên vọng động trào ra là nhân vô minh, chẳng nghe thọ trì đầy đủ Đà-la-ni là nhân vô minh. Hai vô minh đó là chướng của Địa thứ ba. Vị của thiền định ưa sinh lòng tham ái chấp trước thì vô minh làm nhân. Đó là chướng của Địa thứ tư. Một ý suy nghĩ muốn vào Niết-bàn, một ý suy nghĩ muốn vào sinh tử. Suy nghĩ Niết-bàn đó và suy nghĩ sinh tử đó chánh vô minh là nhân. Suy nghĩ chẳng bình đẳng về sinh tử và Niết-bàn chánh vô minh là nhân. Đó là chướng của Địa thứ năm. Tướng hành pháp tiếp nối hiển hiện rõ ràng thì vô minh là nhân, tướng pháp đôi lúc đi đến với tâm chính vô minh là nhân, một vị thuần thục, suy nghĩ muốn đoạn mà chưa đạt được phương tiện. Chánh vô minh là nhân. Đó là chướng của Địa thứ sáu. Các tướng vi tế hoặc hiện hay chẳng hiện chánh vô minh là nhân. Một vị thuần thục, suy nghĩ muốn đoạn mà chưa đạt được phương tiện, chánh vô minh là nhân. Đó là chướng của Địa thứ bảy. Đối với pháp vô tướng dùng nhiều công lực chánh vô minh là nhân, chấp tướng tự tại khó có thể được độ chánh vô minh là nhân. Nương theo hai thứ tâm thô lậu đó là chướng của Địa thứ tám.

Nói pháp vô lượng, danh xưng, mùi vị, câu cú vô lượng; trí tuệ phân biệt vô lượng mà chưa có thể tu tập thì vô minh là nhân; bốn vô ngại biện chưa được tự tại chính vô minh là nhân. Nương theo hai thứ tâm thô lậu đó là chướng của Địa thứ chín. Thần thông bậc nhất chưa đạt được như ý chính vô minh là nhân, tạng bí mật vi diệu tu hành chưa đầy đủ chính vô minh là nhân. Nương theo hai thứ tâm thô lậu đó là chướng của Địa thứ mười. Tất cả cảnh giới vi tế mà trí bị ngăn ngại thì vô minh là nhân. Ở vị lai, chướng ngại này chẳng sinh ra chưa có mặt nhưng chẳng sinh ra trí thì chính vô minh là nhân. Đó là chướng của Như Lai địa.

Ghi chú thêm mười bài chú của bản Đại Tạng đời Minh để tham khảo:

  1. Đát điệt tha, phú lâu nĩ, na la đề, đậu hống đậu hống đậu hống, gia bạt tu lý du, ô bà ta để, gia bạt chiên đà lỗ, đề du đa để, đá bạt dịch lạc sám, đàn địa ba lý ha lam, câu lưu, tá ha.
  2. Đa điệt tha, uất toa ly, chỉ lý chỉ lý, uất xã la, xã la nam, thiền đẩu thiền đẩu, uất tọa ly, hống liễu hống liễu, tá ha.
  3. Đá điệt tha, đàn địa chỉ, bát đà chỉ, kha la trí, cao lại trí, chỉ do lị, đàn tri lị, tá ha.
  4. Đá điệt tha, thi lị thi lị, đà di nị đà di nị, đà lý đà lý nị, thi lý thi lý nị, bệ xả la bà tế, ba thỉ na, bà đa ha mị để, tá ha.
  5. Đá điệt tha, ha lý ha lý nị, già lý già lý nị, ca la ma nị, tăng ca la ma nị, tam ba ha sa nị, diễm bà ha nị, tất đam bà ha nị, mô ha nị, tá diễm bộ hống bệ, tá ha.
  6. Đá điệt tha, tỳ đầu lị tỳ đầu lị, ma lý nị, kha lý kha lý, bật đầu dụ ha để, lưu lưu lưu lưu, chu liễu chu liễu, đỗ lỗ bà đỗ lỗ bà, già già già giả, bà lật sa, tát hoạt kỳ để, tát bà tát đỏa nam, tất trì hà đẩu, mạn đa la ba thí, tá ha.
  7. Đá điệt tha, xà ha xà ha lậu, xà ha xà ha lậu, tỳ liễu chỉ tỳ liễu chỉ, a mật đa la dà ha nĩ, bà lực sái nĩ, tỳ liễu sĩ chỉ, bà liễu ba để, tỳ đề hỷ chỉ, tần đà tỳ lý nĩ, mật lát đát để chỉ, bồ hô trữu dậu bồ hô trữu dậu, tá ha.
  8. Đá điệt tha, tử lý tử lý, thỉ ly ni, mị để mị để, kha lý kha lý, ha lý ha lý, ế liễu ế liễu, chu liễu chu liễu, bạn đà ha mi, tá ha.
  9. Đá điệt tha, ha lý chiên đà lý chỉ, câu lam bà la thê, đẩu la tử, bạt tra bạt tra tử, tử lý tử lý, kha tử lý, kha tỷ tu lý, tát hoạt tát hoạt kỳ để, tát bà tát đỏa nam, tá ha.
  10. Đá điệt tha, tất đề ế, tu tất đề ế, mỗ giả ni, mỗ sai nê, tỳ mục để, a ma lị, tỳ ma lị, niết ma lị, măng dà lị, hỷ lại nhã cạt lạt bệ ế, hà lạt na cạt lạt bệ ế, ta mạn đa bạt cạt đề lị, tát bạt lạt tha ta đà ha nê, ma na tử, ma ha ma na tử, át bộ hống để, át triết bộ hống để, bà la đề, tỳ la đề, át chu để, a mỹ lý để, a la thị, tỳ la thị, bà lãm ha mị, bà lãm ma tu lị, phú lâu nê, phú lâu na ma nộ la thể, tá ha.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8