KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 4

Phẩm 7: TÁN THÁN

Bấy giờ, Đức Phật bảo Địa thần Kiên Lao:

–Này Thiện nữ thiên! Đời quá khứ có vị vua tên là Kim Long Tôn thường khen ngợi các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại:

Con nay tôn trọng
Kính lễ ngợi khen
Khứ, lai, hiện tại
Chư Phật mười phương.
Chư Phật thanh tịnh
Tịch diệt nhiệm mầu
Sắc tướng bậc nhất
Ánh vàng chiếu sáng.
Ở trong các tiếng
Tiếng Phật trên hết
Giống như Đại Phạm
Tiếng sấm rền vang.
Tóc Phật đen biếc
Xoắn ốc sáng lên
Ong xanh, khổng tước
Màu chẳng thể bằng.
Răng Phật trắng tinh
Như ngọc kha tuyết
Hiện ánh vàng ròng
Phân đều sáng sạch.
Mắt Phật dài, to
Thanh tịnh, không nhơ
Như đóa sen biếc
Nở soi nước xanh.
Tướng lưỡi dài rộng
Hình sắc ánh hồng
Ánh sáng chiếu diệu
Như hoa mới nở.
Tướng tốt giữa mày
Trắng màu ánh trăng
Xoắn phải thấm nhuận
Lưu ly sạch trong
Mày cong dài nhỏ
Hình mảnh trăng non
Màu sắc đen mướt
Hơn cả ong chúa.
Mũi cao tròn thẳng
Như thoi vàng đúc
Mềm mại vi diệu
Chính giữa khuôn mặt.
Tướng tốt Như Lai
Thứ lớp tối thượng
Được vị chân chánh
Không ai sánh bằng.
Mỗi lỗ chân lông
Sinh một lông xoắn
Mịn mềm xanh biếc
Giống cổ chim công.
Khi vừa mới sinh
Thân phóng ánh sáng
Soi khắp mười phương
Vô lượng cõi nước
Ba cõi diệt tan
Tất cả các khổ
Khiến các chúng sinh
Đạt được an lạc.
Địa ngục, súc sinh
Và cả ngạ quỷ
Tất cả trời, người
Yên ổn không nạn.
Đều bị diệt tan
Vô lượng cõi ác.
Sắc thân vi diệu
Như nước vàng tụ.
Diện mạo thanh tịnh
Như vầng trăng tròn.
Thân Phật sáng rỡ
Như mặt trời mọc
Uy nghi đi, đứng
Như chúa Sư tử.
Tay dài buông xuống
Quá khỏi đầu gối
Giống như gió động
Cành Ta-la rung.
Vầng sáng một tầm
Chiếu sáng không lường
Như cả trăm ngàn
Mặt trời, mặt trăng.
Thân Phật tịnh diệu
Không hề nhơ bẩn
Ánh sáng soi khắp
Tất cả cõi Phật.
Phật quang lồng lộng
Sáng rực lửa hừng
Che lấp vô lượng
Mặt trời, mặt trăng.
Đuốc, mặt trời Phật
Soi vô lượng cõi
Đều khiến chúng sinh
Theo sáng thấy Phật.
Vốn đã tu hành
Trăm ngàn hạnh nghiệp
Chứa nhóm công đức
Trang nghiêm thân Phật.
Cánh tay nhỏ tròn
Như mũi tượng vương
Tay chân sạch mềm
Kính ái không chán.
Chư Phật khứ lai
Như số vi trần
Chư Phật hiện tại
Cũng lại như trên.
Như Lai cũng vậy
Con nay kính lễ!
Thân miệng thanh tịnh
Ý cũng như vậy
Dùng hoa hương quý
Cung kính cúng dường.
Trăm ngàn công đức
Ca ngâm, ngợi khen.
Giả sử trăm lưỡi
Ở trong ngàn kiếp
Khen công đức Phật
Chẳng thể tận cùng!
Công đức Như Lai
Vốn có trong đời
Vô số bền chắc
Vi diệu bậc nhất.
Ví có ngàn lưỡi
Muốn khen một Phật.
Còn chẳng thể hết
Phần nhỏ công đức!
Huống muốn ngợi khen
Công đức chư Phật!
Đại địa, cõi trời
Lấy làm biển cả
Đến trời Hữu đảnh
Tràn đầy những nước
Còn dùng sợi lông
Đếm biết số giọt.
Nhưng không thể biết
Công đức một Phật
Con đã kính lễ
Khen ngợi Thế Tôn!
Nghiệp thân miệng ý
Thảy đều thanh tịnh.
Vô lượng nghiệp thiện
Đều đã tu tập
Cùng các chúng sinh
Chứng đạo Vô thượng.
Như vậy Nhân vương
Đã khen ngợi Phật
Lại phát vô lượng
Thệ nguyện như vầy:
Nếu con đời sau
Vô lượng, vô biên
A-tăng-kỳ kiếp
Dù ở nơi đâu
Thường ở trong mộng
Nhìn thấy trống vàng
Được nghe âm thanh
Sám hối sâu xa
Nay đã ngợi khen
Diện mạo thanh tịnh
Đời sau con nguyền
Cũng được như vậy.
Công đức Thế Tôn
Chẳng thể nghĩ bàn
Trong trăm ngàn kiếp
Rất khó được gặp.
Nguyện ở đời sau
Trong vô lượng kiếp
Đêm thấy trong mộng
Ngày nói như thật.
Con sẽ tu hành
Đầy đủ Lục độ
Cứu giúp chúng sinh
Vượt qua biển khổ
Về sau thân con
Thành đạo Vô thượng
Khiến thế giới con
Không gì sánh bằng.
Được dâng trống vàng
Nhân duyên khen Phật.
Do phước báo này
Vào đời vị lai
Gặp Đức Thích-ca
Được Phật thọ ký
Đồng khiến hai con
Kim Long, Kim Quang
Thường sinh nhà con
Đều được thọ ký.
Nếu có chúng sinh
Không ai giúp đỡ
Các khổ vây quanh
Không chỗ nương nhờ
Thì ở vị lai
Con sẽ vì họ
Làm người cứu giúp
Và chỗ nương tựa
Có thể trừ khổ
Khiến diệt tận cùng.
Ban cho chúng sinh
An vui điều lành.
Đời vị lai đây
Hành Bồ-đề đạo
Chẳng kể kiếp số
Tận cùng bản tế
Do Kim Quang ấy
Sám hối nhân duyên:
Giả sử biển ác
Biển nghiệp của con
Và biển phiền não
Đều cạn không còn,
Biển công đức, nguyện
Của con viên thành,
Biển cả trí tuệ
Đầy đủ sạch trong
Công đức không lường
Trợ đạo Bồ-đề
Như biển mênh mông
Đầy đủ châu báu
Nhờ Kim Quang này
Do lực sám hối
Công đức Bồ-đề
Ánh sáng vô ngại
Tuệ quang thanh tịnh
Soi suốt sạch trong.
Thân con đời sau
Ánh sáng chiếu khắp.
Công đức uy thần
Ánh sáng rực rỡ
Ở trong ba cõi
Đặc thù tối thắng
Những lực công đức
Không hề giảm tổn
Sẽ độ chúng sinh
Vượt qua biển khổ
Đều đem đặt vào
Biển cả công đức.
Nhiều kiếp đời sau
Hành đạo Bồ-đề
Như xưa chư Phật
Hành đạo Bồ-đề
Ba đời chư Phật
Cõi nước sạch, quý.
Chư Phật Chí tôn
Vô lượng công đức
Khiến con đời sau
Được điều đặc biệt
Cõi tịnh, công đức
Như Phật Thế Tôn!
Tín Tướng nên biết
Bấy giờ, quốc vương
Tôn giả Kim Long
Chính là thân ông!
Hai con lúc đó
Kim Long, Kim Quang
Nay là con ông
Ngân Tướng vân vân…

 

Phẩm 8: KHÔNG

Vô lượng kinh khác
Giảng rộng về Không
Nên ở kinh này
Tóm lược giải nói.
Chúng sinh căn chậm
Trí tuệ ít ỏi
Chẳng thể biết nhiều
Vô lượng nghĩa không
Nên ở kinh này
Lược nói về “không.”
Phương tiện vi diệu
Vô số nhân duyên.
Vì kẻ căn chậm
Khởi tâm đại Bi
Nay ta diễn nói
Kinh vi diệu này.
Như ta hiểu rõ
Tâm ý chúng sinh
Thân này hư ngụy
Giống như hư không.
Lục nhập xóm làng
Chỗ dừng giặc kết
Tất cả tự trụ
Đều chẳng biết nhau.
Nhãn căn nhận sắc
Tai phân biệt thanh
Mũi ngửi các hương
Lưỡi nếm các vị
Còn về thân căn
Tham nhận các xúc
Ý căn phân biệt
Tất cả pháp trần.
Sáu tình các căn
Đều có nhân duyên
Cảnh giới các trần
Chẳng tạo duyên khác.
Tâm như huyễn hóa
Chạy theo sáu tình
Mà luôn vọng tưởng
Phân biệt các pháp
Giống như mọi người
Chạy theo hư không.
Tai hại sáu giặc
Ngu chẳng biết tránh
Tâm luôn nương tựa
Cảnh giới sáu căn
Tất cả tự biết
Là chỗ dò xét
Đi theo sắc, thanh
Hương, vị, xúc, pháp
Tâm ở sáu tình
Như chim mắc lưới
Tâm ấy mọi chỗ
Luôn ở các căn
Theo đuổi các trần
Không hề tạm bỏ.
Thân rỗng, hư ngụy
Chẳng thể trưởng dưỡng
Không có tranh tụng
Cũng không làm chủ.
Từ các nhân duyên
Hòa hợp mà có
Không có thật, bền
Vọng tưởng khởi lên
Tất cả nghiệp lực
Hư giả, rỗng không.
Địa, thủy, hỏa, phong
Tập hợp thành lập
Tùy lúc giảm, tăng
Tàn hại lẫn nhau.
Giống như bốn rắn
Cùng ở một hộp
Rắn bốn Đại đó
Tánh chúng khác nhau
Trên hai, dưới hai
Các phương cũng hai.
Như vậy rắn Đại
Đều diệt không còn.
Hai rắn Địa, Thủy
Tánh chúng nặng chìm.
Hai rắn Phong, Hỏa
Tánh nhẹ thăng lên.
Hai tánh tâm thức
Lay động chẳng dừng
Theo nghiệp thọ báo
Các cõi trời, người
Theo nghiệp đã tạo
Bị đọa ba cõi.
Địa, thủy, hỏa, phong
Khi hoại diệt tan
Đại, tiểu bất tịnh
Chảy tràn bên ngoài
Thân sinh ra trùng
Không thể yêu thích
Bỏ nơi gò mả
Như cây mục nát
Thiện nữ phải quán
Các pháp như vậy
Chỗ nào có người
Và cả chúng sinh.
Vốn tính tịch tĩnh
Vô minh nên có
Các Đại như trên
Tất cả chẳng thật.
Vốn tự chẳng sinh
Tánh không hòa hợp
Do nhân duyên trên
Ta nói các Đại
Vốn chẳng chân thật
Hòa hợp mà có.
Thể tánh vô minh
Vốn tự chẳng có
Vọng tưởng nhân duyên
Hòa hợp mà sinh
Do không thật có
Vô minh giả danh
Vậy nên ta nói
Gọi rằng vô minh
Hành, thức, danh sắc
Lục nhập, xúc, thọ
Ái, thủ, hữu, sinh
Lão tử, ưu não
Các nghiệp và khổ
Chẳng thể nghĩ bàn
Sinh tử vô tế
Xoay vần chẳng dứt.
Vốn không có sinh
Cũng không hòa hợp,
Suy nghĩ chẳng lành
Tâm hành tạo tác
Ta đoạn tất cả
Kiến chấp buộc ràng
Dùng dao trí tuệ
Cắt lưới phiền não.
Ngôi nhà năm ấm
Quán đều tịch tĩnh
Chứng đạo Vô thượng
Công đức vi diệu
Mở cửa cam lộ
Hiện bình cam lộ
Vào thành cam lộ.
Ở nhà cam lộ
Khiến cho chúng sinh
Ăn vị cam lộ
Thổi loa đại pháp
Đánh trống đại pháp
Thắp đèn đại pháp
Rưới mưa Thắng pháp.
Ta nay phá tan
Tất cả oán kết
Dựng lên pháp tràng
Vi diệu đệ nhất.
Độ các chúng sinh
Khỏi biển sinh tử
Dứt hẳn ba ác
Vô lượng khổ não.
Phiền não bừng cháy
Thiêu đốt chúng sinh
Không ai cứu giúp
Không chỗ nương tựa
Ta dùng cam lộ
Vị ngon mát dịu
Khiến họ đầy đủ
Nóng cháy khỏi liền.
Ở vô lượng kiếp
Tu hành các hạnh
Cúng dường cung kính
Chư Phật Thế Tôn
Kiên cố tu tập
Đạo quả Bồ-đề
Cầu được Pháp thân
Như Lai chân thật
Bỏ những vật quý
Cơ thể, tay chân
Đầu mắt não tủy
Tình yêu nữ nam
Tiền tài trân bảo
Trân châu, kim ngân
Lưu ly, anh lạc
Vô số vật khác
Hoan hỷ bố thí
Tâm không hối tiếc
Quán pháp tánh không
Là trí Vô thượng.
Trong tam thiên đại thiên thế giới
Chặt cây cối để làm thẻ đếm,
Ba ngàn đại địa tán thành bụi
Những bụi này cùng khắp hư không,
Tất cả chúng sinh có trí tuệ
Đem trí tuệ này cho một người,
Những người như vậy nhiều như bụi.
Tính số bụi này, biết số lượng.
Trí tuệ Như Lai chẳng thể tính
Một niệm trí tuệ của Thế Tôn
Trong vô số kiếp, tính không hết.

 

Phẩm 9: Y KHÔNG MÃN NGUYỆN

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Pháp sư Chân Đế.

Lúc đó, Thiện nữ thiên Như Ý Bảo Quang Diệu, ở giữa đại chúng đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, dùng kệ bạch Đức Phật:

Con hỏi Lưỡng Túc Tôn
Tối Thắng soi thế gian
Pháp Bồ-tát chánh hạnh
Nguyện rủ lòng chấp nhận.
Phật dạy: Thiện nữ thiên
Nếu ngươi có nghi ngờ
Thì tùy ý thưa hỏi
Ta sẽ phân biệt nói!
Bồ-tát tu thế nào
Hạnh Bồ-đề chân chánh
Lìa sinh tử, Niết-bàn
Lợi ích mình và người?

Đức Phật bảo:

–Này Thiện nữ thiên! Nương theo pháp giới mà hành pháp Bồđề, tu hạnh bình đẳng. Này Thiện nữ thiên! Thế nào gọi là nương nơi pháp giới tu pháp Bồ-đề, tu hạnh bình đẳng? Này Thiện nữ thiên! Năm ấm có thể hiện pháp giới, pháp giới tức là năm ấm. Năm ấm cũng chẳng thể nói, chẳng phải năm ấm cũng chẳng thể nói. Vì sao?

Vì nếu năm ấm là pháp giới tức là đoạn kiến. Nếu lìa khỏi năm ấm tức là thường kiến. Lìa khỏi nhị biên, chẳng chấp trước nhị biên, thì chẳng thể chấp sai lầm. Cái thấy không tên gọi không hình tướng, đó gọi là nói đến pháp giới. Này Thiện nữ thiên! Làm sao năm ấm có thể hiện ra pháp giới? Này Thiện nữ thiên! Như vậy năm ấm chẳng từ nhân duyên sinh. Vì sao? Vì nếu từ nhân duyên sinh thì đã sinh nên được sinh và chưa sinh nên được sinh. Nếu đã được sinh thì vì nhân duyên gì sinh? Nếu đã sinh mà chẳng từ nhân duyên sinh thì nếu khi chưa sinh chẳng thể được sinh. Vì sao? Vì chưa sinh các pháp tức là không có, không tên gọi, không hình tướng, chẳng thể dùng tính toán thí dụ để biết được, vì chẳng phải do nhân duyên sinh ra. Này Thiện nữ thiên! Ví như tiếng trống nương vào gỗ, nương vào da, nương vào dùi, nương vào nhân công nên được phát ra tiếng. Tiếng trống đó là không, quá khứ cũng không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không. Vì sao? Vì âm thanh của trống đó chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da sinh ra, chẳng từ dùi sinh ra, chẳng từ nhân công sinh ra. Tiếng này chẳng từ ba đời sinh ra tức là chẳng sinh. Nếu chẳng sinh thì chẳng diệt. Nếu chẳng thể diệt thì không từ đâu đến. Nếu không từ đâu đến thì cũng không đi về đâu. Nếu không đi về đâu thì chẳng thường chẳng đoạn. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì chẳng một chẳng khác. Vì sao? Vì nếu chẳng một chẳng khác đối với pháp giới. Nếu vậy thì người phàm phu có thể thấy Chân đế, đạt được Niết-bàn an lạc Vô thượng. Nghĩa này chẳng đúng! Vậy nên chẳng phải một. Nếu cho là khác thì tất cả hành tướng của chư Phật Bồ-tát tức là chấp trước, chưa được giải thoát phiền não trói buộc thì chẳng thể chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả Thánh nhân ở trong pháp hành và phi hành đồng với trí tuệ hành. Cho nên chẳng khác. Vậy nên, năm ấm chẳng phải có, chẳng từ nhân duyên sinh, chẳng phải chẳng có năm ấm, chẳng vượt trên cảnh giới bậc Thánh, chẳng phải dùng ngôn ngữ để hiểu được, không tên gọi, không hình tướng, không nhân, không duyên, không có cảnh giới, không có thí dụ, vốn là tịch tịnh, xưa nay tự nó là không! Vậy nên, năm ấm có thể hiện pháp giới. Này Thiện nữ thiên! Thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khác với chân khác với tục.

Như vậy khó có thể nghĩ lường! Đối với cảnh giới Thánh, phàm không tư duy sai khác, chẳng bỏ tục, chẳng bỏ chân, nương theo pháp giới làm hạnh Bồ-đề.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói xong, Thiện nữ thiên hớn hở vui mừng, liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng đảnh lễ bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã giảng nói về chánh hạnh Bồ-đề, con nay phải học tập!

Khi đó, chủ cõi Ta-bà, vua trời Đại Phạm, ở giữa đại chúng, hỏi Thiện nữ thiên Như Ý Bảo Quang Diệu:

–Hạnh Bồ-đề này khó có thể tu hành. Làm sao tâm của Thiên nữ đối với hạnh Bồ-đề này mà được tự tại?

Thiện nữ thiên đáp:

–Thưa Đại Phạm vương! Nếu lời Đức Phật nói là sâu xa, chân thật thì tất cả phàm phu chẳng đạt được vị ấy. Cảnh giới Thánh này vi diệu khó biết! Nếu lòng tôi nương theo pháp này mà được trụ nơi an lạc, là lời nói chân thật thì tôi nguyện cho vô lượng, vô biên chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược đều được ba mươi hai tướng màu vàng ròng, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi hoa sen báu, nhận được vô lượng an lạc, mưa xuống hoa đẹp cõi trời, các âm nhạc cõi trời chẳng tấu mà tự kêu, tất cả sự cúng dường đều đầy đủ.

Khi ấy, Thiện nữ thiên nói xong, chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược đều đầy đủ ba mươi hai tướng màu vàng ròng, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi hoa sen báu, nhận được vô lượng an lạc giống như cung trời Tha hóa tự tại, không có các đường ác, cây báu thẳng hàng, hoa sen bảy báu đầy khắp thế giới, mưa xuống hoa trời bảy báu đẹp đẽ, nhạc trời tấu lên, Thiện nữ thiên Như Ý Bảo Quang Diệu lập tức chuyển thân nữ làm thân Phạm thiên.

Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu:

–Thuở xưa, Bồ-tát dùng hạnh gì để tu hành hạnh Bồ-đề?

Bồ-tát đáp:

–Thưa Phạm vương! Nếu trăng đáy nước có thể tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng đã tu hành hạnh Bồ-đề! Nếu nằm mơ thấy tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề! Nếu giọt sương, ánh lửa tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề! Nếu âm vang của tiếng tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề!

Vua trời Đại Phạm nghe lời này rồi, nói với Bồ-tát:

–Bồ-tát nương vào đâu mà nói lời này?

Bồ-tát đáp:

–Thưa Phạm vương! Không có một pháp nào mà có thật tướng, hoặc thành tướng nhân quả!

Phạm vương lại bạch:

–Nếu như đây thì các phàm phu đáng lẽ đều đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!

Bồ-tát đáp:

–Do suy nghĩ điều gì mà vua nói như vậy? Thưa Phạm vương! Người si mê khác, người trí tuệ khác, Bồ-đề khác, chẳng phải Bồ-đề đề khác, giải thoát khác, chẳng phải giải thoát khác! Thưa Phạm vương! Như vậy các pháp bình đẳng không sai khác, đối với pháp giới này Như như chẳng khác, không có trung gian để có thể chấp giữ, không tăng không giảm. Thưa Phạm vương! Ví như nhà ảo thuật, giỏi phép ảo thuật cùng với đệ tử ở tại ngã tư đường, lấy những đất, cát, cây, lá… gom lại một chỗ, rồi làm đủ phép ảo thuật, khiến cho mọi người nhìn thấy những đàn voi, ngựa, những xe, những quân, từng đống bảy báu, đủ thứ tràn đầy… nếu có chúng sinh ngu si ít trí tuệ, chẳng có khả năng tư duy, chẳng biết gốc huyễn hóa, hoặc thấy hoặc nghe rồi suy nghĩ: “Đúng như ta đã thấy những đàn voi ngựa…” Rồi họ cho đó là chân thật. Như điều đã thấy nghe, tùy theo năng lực rồi chấp vào điều đã thấy, họ tự nói là thật nhưng đối với người khác chẳng phải chân thật, về sau chẳng suy nghĩ lại. Người có trí thì có thể suy nghĩ rõ được gốc huyễn, hoặc thấy hoặc nghe rồi suy nghĩ: “Những đàn voi, ngựa… ta thấy chẳng phải là chân thật, chỉ có việc huyễn hóa mê hoặc mắt người. Những điều này mà gọi là những đàn voi, ngựa… và những kho lẫm thì chỉ có danh tự, không có thật thể!” Rồi như điều đã thấy, như điều đã nghe, tùy theo năng lực chẳng chấp trước sự thấy và tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải là chân thật, sau chẳng suy nghĩ lại. Những người trí này nói theo ngôn ngữ của thế gian, đều muốn khiến người khác biết nghĩa chân thật. Nhưng tư duy như điều đã thấy, đã nghe thì chẳng như vậy. Thưa Phạm vương! Như vậy, nếu có chúng sinh phàm phu ngu si chưa đạt được trí tuệ của bậc Thánh xuất thế, chưa biết tất cả các pháp Như như, chẳng thể ngôn thuyết, thì những phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe hành pháp hay chẳng phải hành pháp liền suy nghĩ: “Thật có các pháp như vậy, đúng như điều ta thấy, đúng như điều ta nghe!” Những người phàm phu đó như điều đã thấy, đã nghe, rồi tùy theo năng lực mà chấp trước cái thấy, tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải chân thật, sau chẳng suy nghĩ lại. Nếu có chúng sinh chẳng phải người phàm phu, đã thấy Đệ nhất nghĩa đế, đạt được trí tuệ của bậc Thánh xuất thế, biết tất cả pháp Như như, chẳng thể ngôn thuyết. Các Thánh nhân này hoặc thấy hoặc nghe hành pháp hoặc chẳng phải hành pháp, tùy theo năng lực chẳng chấp trước sự thấy, tự nói rằng là thật, đối với người khác chẳng phải chân thật, sau chẳng suy nghĩ lại, hành pháp không thật, chẳng phải hành pháp không thật, cũng như điều ta đã nghe, như điều ta đã thấy chỉ là suy nghĩ hư vọng, hành tướng chẳng phải hành tướng, mê hoặc trí tuệ của người. Điều gọi là hành pháp hay chẳng phải hành pháp, chỉ có danh tự, không có thật thể. Như điều ta đã thấy, như điều ta đã nghe tùy theo năng lực chẳng chấp trước sự thấy, tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải chân thật, sau chẳng suy nghĩ lại. Những Thánh nhân này dùng ngôn ngữ như thế gian, thuận theo họ để giảng nói, vì muốn khiến cho người khác biết nghĩa chân thật. Như vậy, thưa Phạm vương! Thánh tri kiến của những Thánh nhân này chẳng thể nói là pháp Như như, bao gồm cả hành pháp và chẳng phải hành pháp. Pháp Như như này là trí Tha chứng nên nói có vô số tên gọi.

Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu:

–Có bao nhiêu chúng sinh có thể hiểu có thể thông đạt chánh pháp sâu xa vi diệu như vậy?

Bồ-tát đáp:

–Thưa Phạm vương! Có bao nhiêu tâm chúng sinh bị mê hoặc thì có bấy nhiêu chúng sinh có thể hiểu có thể thông đạt pháp sâu xa đó.

Phạm vương lại hỏi:

–Người huyễn hóa này chẳng có thì số tâm như vậy từ đâu mà có?

Bồ-tát đáp:

–Thưa Phạm vương! Như vậy, Pháp giới chẳng có chẳng không.

Như vậy, chúng sinh có thể hiểu có thể thông đạt nghĩa lý sâu xa này.

Khi đó, Phạm vương bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu này thông đạt chẳng thể nghĩ bàn nghĩa lý sâu xa như vậy.

Đức Phật bảo:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Phạm vương! Đúng như lời ông nói! Vì sao? Vì Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy Phạm vương học quán sát pháp Nhẫn vô sinh!

Đến đây, vua trời Đại Phạm cùng các Phạm chúng đứng dậy sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu, thưa:

–Thật là hiếm có! Hôm nay chúng tôi được gặp Đại sư, được nghe chính pháp!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn, đối với tất cả pháp đều thông đạt vô ngại, nên bảo Phạm vương:

–Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu này ở đời vị lai sẽ được làm Phật hiệu là Đức Bảo Diệm Cát Thượng Tạng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Khi Phật nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này, ba ngàn ức Bồ-tát đạt được không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tám ngàn ức Thiên tử được thanh tịnh hoàn toàn đối với pháp thành tựu pháp Nhãn thanh tịnh, vô lượng, vô số quốc vương, dân chúng đạt được pháp Nhãn thanh tịnh, năm mươi ức Tỳkheo tu hành hạnh Bồ-đề, nhưng muốn thoái tâm Bồ-đề, nghe Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp, liền được nguyện kiên cố, đầy đủ chẳng thể nghĩ bàn, trở lại phát tâm Bồ-đề, đều tự cởi áo cúng dường Bồ-tát, một lần nữa phát tâm Vô thượng thắng tấn. Phát tâm Vô thượng thắng tấn rồi, chư vị ấy phát nguyện: “Xin khiến cho thiện căn công đức của chúng con đều chẳng thoái chuyển, xin hồi hướng đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, những Tỳkheo ấy nương theo công đức này tu hành, trải qua chín mươi đại kiếp sẽ được thành tựu. Những Tỳ-kheo này ra khỏi sinh tử, Đức Phật thọ ký cho chư vị ấy: Trải qua ba mươi a-tăng-kỳ kiếp, sẽ được gặp Đức Phật hiệu Nan Thắng Quang Vương. Cõi nước của Đức Phật ấy tên là Vô Cấu Quang, chư vị ấy cùng đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều đồng một danh hiệu là Nguyện Trang Nghiêm Gian Xí Vương Phật.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Phạm vương:

–Kinh Kim Quang Minh này nếu chú ý lắng nghe thì có thần lực lớn. Này Phạm vương! Ông đã tu hành sáu pháp Ba-la-mật hàng trăm ngàn đại kiếp mà không có phương tiện, nhưng nếu có thiện nam, thiện nữ đã được nghe kinh Kim Quang Minh này, ghi chép, hàng nửa tháng, nửa tháng một lần chuyên đọc tụng thì sẽ được tích chứa công đức lành này so với công đức trước nhân lên trăm ngàn phần chẳng sánh kịp một phần, thậm chí tính toán thí dụ cũng chẳng thể biết được. Này Phạm vương! Vì thế, ta nay phải khiến cho các ông tu học, thọ trì, vì người khác giải nói rộng rãi. Vì sao? Vì kinh điển vi diệu sâu xa như vậy, khi ta tu hành đạo Bồ-tát, như người ra chiến trận, chẳng tiếc thân mạng để được thông hiểu kinh này mà thọ trì, đọc tụng, vì người khác giải nói. Này Phạm vương! Ví như Chuyển luân thánh vương, nếu vua tại thế thì bảy báu của vua chẳng mất, nếu vua băng hà thì tất cả bảy báu tự nhiên biến mất. Này Phạm vương! Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này nếu hiện ở đời thì báu đại Chánh pháp đều chẳng diệt. Vậy nên, phải nương theo kinh Kim Quang Minh để nghe, đọc tụng, thọ trì, vì người khác giải nói, ghi chép, đối với công đức này nên tu hành Tinh tấn ba-la-mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng sợ mệt nhọc. Những đệ tử của ta cần phải tinh cần tu học như vậy!

Lúc đó, vua trời Đại phạm Thiên vương cùng với vô lượng Phạm chúng, Đế Thích, Tứ Thiên vương và chúng Dạ-xoa đều đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng con sẽ hộ trì, lưu truyền kinh

điển vi diệu Kim Quang Minh này! Pháp sư nói pháp, nếu có những ách nạn, chúng con sẽ trừ diệt, khiến chư vị ấy đủ các sắc tướng và vị ngon, biện tài vô ngại, thân tâm giải thoát, chúng trong pháp hội đều được an lạc. Cõi nước đó nếu đói kém, giặc giã, sợ hãi phi nhân… thì chúng con sẽ phá tan hết. Giả sử nhân dân nước ấy giàu có, an lạc, đều do ân đức và năng lực của bốn vua chúng con. Nếu có người cúng dường kinh điển này, chúng con cũng sẽ luôn ủng hộ họ như đối với Đức Phật không khác.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8