KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 7

Phẩm 17: THIỆN TẬP

Đến đây, Đức Như Lai lại dùng kệ nói với Địa thần về nhân duyên thuở trước:

Ta xưa từng làm
Chuyển luân thánh vương
Bỏ hết bốn cõi
Và biển cả luôn.
Lại vào lúc đó
Đem bốn thiên hạ
Chứa đầy trân báu
Dâng lên chư Phật.
Phàm của bố thí
Đều bỏ vật quý
Chẳng thấy luyến tiếc
Mà người chẳng bỏ.
Ở đời quá khứ
Trong vô số kiếp
Cần cầu chánh pháp
Thường bỏ thân mạng.
Lại đời quá khứ
Kiếp chẳng nghĩ bàn
Có Phật Thế Tôn
Danh hiệu Bảo Thắng.
Đức Phật Thế Tôn
Sau khi Niết-bàn
Có vị Thánh vương
Tên là Thiện Tập
Ở bốn thiên hạ
Rất được tự tại
Thế lực cai trị
Tận biển mênh mông
Thành của vua ấy
Tên Thủy âm tôn
Ở trong thành ấy
Dạy bảo dân chúng
Trong giấc mộng đẹp
Nghe công đức Phật
Gặp Tỳ-kheo tăng
Tên là Bảo Minh
Tuyên nói khéo léo
Chánh pháp Thế Tôn
Gọi là kinh điển
Kim Quang vi diệu
Sáng như mặt trời
Chiếu soi khắp cùng
Vua Chuyển luân đó
Mơ việc này xong
Tức thời tỉnh giấc
Thân tâm vui mừng
Rời khỏi cung điện
Đến chỗ Tăng phường
Cúng dường cung kính
Những đại thánh Tăng
Hỏi các Đại đức
Trong đại chúng này
Tỳ-kheo tăng nào
Tên là Bảo Minh
Thành tựu tất cả
Các công đức chăng?
Bấy giờ, Bảo Minh
Ở trong một động
Ngồi yên bất động
Tư duy chánh niệm
Tụng đọc kinh điển
Kim Quang Minh này.
Có Tỳ-kheo tăng
Đem vị vua đó
Đến chỗ Bảo Minh
Nơi vị ấy ở.
Lúc này Bảo Minh
Ở tại trong động
Hình tướng đặc biệt
Uy đức cao vời.
Vị ấy tâu vua:
Người trong hang này
Là người Ngài hỏi
Tỳ-kheo Bảo Minh
Tu tập công hạnh
Chư Phật sâu xa
Tên Kim Quang Minh
Vua của kinh điển.
Đức vua Thiện Tập
Tức thời lễ kính
Tỳ-kheo Bảo Minh
Và thưa như vầy:
Mặt như trăng rằm
Uy đức cao vời
Xin nguyện vì trẫm
Diễn bày tuyên dương
Kim Quang Minh đó
Vua của các kinh!
Tôn giả Bảo Minh
Nhận lời vua thỉnh
Vì vua giảng tuyên
Kim Quang Minh đó
Tam thiên đại thiên
Thế giới chư Thiên
Biết sẽ nói pháp
Nên rất vui mừng.
Ở chỗ tinh khiết
Vi diệu sạch trong
Đủ loại trân bảo
Trải đầy mặt đất
Nước thơm thượng diệu
Dùng tưới lên trên
Tung các hoa đẹp
Ngập tràn chỗ ấy.
Nhà vua lúc đó
Tự bày pháp tọa
Treo cờ, phướn, lọng
Dùng báu trang hoàng
Đủ loại vi diệu
Hương bột đặc biệt
Đều cùng tung lên
Tòa cao đại pháp.
Tất cả hàng trời
Rồng và quỷ thần
Ma-hầu-la-già
Và Khẩn-na-la…
Trên trời mưa xuống
Hoa mạn-đà-la
Rải khắp pháp tòa
Tràn đầy nơi ấy
Chẳng thể nghĩ bàn
Trăm ngàn vạn ức
Na-do-tha lần
Vô lượng chư Thiên
Cùng hội nơi ấy
Nơi nói pháp này.
Lúc đó Bảo Minh
Liền ra khỏi động
Tức thời chư Thiên
Dùng hoa Ta-la
Tung lên cúng dường
Tỳ-kheo Bảo Minh.
Bảo Minh lúc đó
Tắm sạch thân mình
Mặc áo sạch đẹp
Đến chỗ pháp tòa
Chắp tay kính lễ
Tòa pháp cao đó
Tất cả vua trời
Và chúng trời, người
Rưới hoa Mạn-đà
Cả hoa Đại mạn.
Vô lượng trăm ngàn
Đủ loại nhạc cụ
Ở trong hư không
Tự kêu chẳng tấu
Tỳ-kheo Bảo Minh
Vị sẽ nói pháp
Liền lên tòa cao
Và ngồi kiết già
Liền niệm mười phương
Chẳng thể nghĩ bàn
Vô lượng ngàn ức
Chư Phật Thế Tôn
Đối với chúng sinh
Khởi tâm đại Bi.
Khu vực thống lãnh
Của vua Thiện Tập
Như được soi sáng
Mặt trời, mặt trăng
Vị nói chánh pháp
Liền vì đại vương.
Diễn bày tuyên nói
Kinh vi diệu này.
Đại vương khi đó
Vì nghe pháp nên
Trước Tỳ-kheo ấy
Chắp tay đứng gần
Mà nghe chánh pháp
Ngợi khen: Hay thay!
Lòng vua buồn thương
Chan hòa nước mắt
Liền lại vui mừng
Tâm ý phấn chấn
Vì muốn cúng dường
Kinh điển này vậy.
Bấy giờ liền lấy
Ngọc châu Như ý
Vì các chúng sinh
Phát nguyện rộng lớn
Nguyện ngày hôm nay
Ở Diêm-phù-đề
Mưa xuống vô lượng
Đủ loại ngọc báu
Bảy báu quý lạ
Chuỗi ngọc đẹp đẽ
Do nhân duyên trên
Khiến cho vô lượng
Tất cả chúng sinh
Đều được an lạc.
Lúc ấy lập tức
Mưa xuống bảy báu,
Những loại trang sức
Mũ trời hoa tai
Đủ loại chuỗi ngọc
Tòa báu, vị ngon
Đều sung mãn khắp
Trong bốn thiên hạ.
Nhà vua Thiện Tập
Liền đem vô lượng
Bảy báu chứa trong
Bốn thiên hạ đó
Theo trong di giáo
Bảo Thắng Thế Tôn
Đem dùng bố thí
Cúng dường Tam bảo
Tỳ-kheo vì vua
Nói pháp lúc ấy.
Đến nay hiện tại
A-súc Thế Tôn!
Còn vua Thiện Tập
Người nghe pháp trên
Nay thân ta đó
Là Thích-ca Văn!
Ta vào lúc ấy
Bỏ cả giang san
Báu đầy bốn cõi
Đem bố thí mong
Được nghe kinh điển
Vi diệu Kim Quang
Nghe kinh đó xong
Khen ngợi: Hay thay!
Do nghiệp nhân duyên
Của căn lành ấy.
Thân sắc vàng ròng
Trăm phước trang nghiêm
Thường được không lường
Trăm ngàn vạn ức
Những loài chúng sinh
Ưa thích chiêm ngưỡng.
Người được thấy xong
Không hề nhàm chán.
Chín chín ức ngàn
Kiếp đời quá khứ
Ta thường được làm
Vua Chuyển luân Thánh
Cũng ở không lường
Trăm ngàn ức kiếp
Làm vua thống lĩnh
Những vua nước nhỏ
Trong vô số kiếp
Thường được làm vị
Thích Đề-hoàn Nhân
Và vua Tịnh Phạn.
Lại gặp Thế Tôn
Những đấng Thập lực
Số ấy không lường
Chẳng thể xưng kể
Đạt được vô biên
Vô lượng công đức
Đều do nghe kinh
Và khen: Lành thay!
Như ta ước nguyện
Thành tựu Bồ-đề
Và thân Chánh pháp
Ta nay đã được.

Phẩm 18: QUỶ THẦN

Đức Phật bảo trời Công đức:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn dùng vật phẩm cúng dường vi diệu chẳng thể nghĩ bàn để cúng dường các Đức Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai và hiện tại và muốn được biết hành xứ sâu xa của các Đức Phật ba đời thì người đó nên phải nhất định chí tâm tùy theo chỗ có kinh này lưu truyền, hoặc thành ấp, xóm làng, nhà cửa, chỗ trống, chánh niệm chẳng loạn động, chí tâm nghe kinh điển vi diệu này. Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ:

Nếu muốn cúng dường
Tất cả chư Phật
Muốn biết hành xứ
Ba đời chư Phật
Cần phải đến thành
Ấp, xóm làng đó.
Nơi có kinh này
Hết lòng nghe nhận
Kinh vi diệu đó
Chẳng thể nghĩ bàn
Biển cả công đức
Vô lượng, vô biên
Hay khiến tất cả
Chúng sinh giải thoát
Qua biển các cõi
Vô lượng khổ đau
Kinh này sâu xa
Đầu, giữa và sau
Chẳng thể nói năng
Thí dụ so sánh
Ví cát sông Hằng
Bụi trần đại địa
Nước biển mênh mông
Tất cả các núi…
Những vật như trên
Chẳng ví dụ được.
Người nghe kinh này
Liền vào pháp tánh
An trụ sâu xa
Trong pháp tánh Như
Tức là ở trong
Kinh Kim Quang Minh
Mà được thấy ta
Thích-ca Mâu-ni
Thì chẳng nghĩ bàn
Trong vô số kiếp
Sinh trong trời, người
Thường được an lạc,
Nghe được kinh này
Có thể tin hiểu.
Như vậy vô lượng
Chẳng thể nghĩ bàn
Công đức phước tụ
Đều đã được liền.
Tùy theo chỗ đến
Hoặc trăm do-tuần
Lửa rực khắp nơi
Đều vượt qua được.
Hoặc đến xóm làng
Chốn A-lan-nhã
Đến chỗ pháp hội
Hết lòng kính nhận
Lắng nghe kinh đó
Ác mộng thuốc độc
Hết thảy vì sao
Thay đổi tai họa
Tất cả việc ác
Tiêu diệt không còn.
Ở chỗ nói pháp
Trên tòa hoa sen
Nói kinh điển đó
Đọc tụng, ghi chép
Người nói pháp đó
Nếu xuống pháp tòa
Bấy giờ đại chúng
Còn thấy nơi tòa
Vẫn có người nói
Hoặc Phật Thế Tôn
Hoặc thấy tượng Phật
Hay tượng Bồ-tát
Bồ-tát Phổ Hiền
Văn-thù-sư-lợi
Đại sĩ Di-lặc
Và những sắc hình…
Thấy đủ mọi thứ
Việc làm đã xong
Liền được diệt hết
Như trước không khác
Hoàn thành như vậy
Những công đức ấy
Được Phật Thế Tôn
Hết lời ngợi khen
Uy đức tướng mạo
Vô lượng, vô biên
Có danh xưng lớn
Đẩy lui oán địch
Giặc cướp phương khác
Khiến cho tan rã
Nhiều sức dũng mãnh
Phá tan thù địch
Ác mộng, phiền não
Vô lượng nghiệp ác
Việc dữ như vậy
Thảy đều diệt tan.
Nếu vào quân trận
Thường thắng đối phương
Tiếng khen vang khắp
Cõi Diêm-phù-đề
Cũng giỏi phá tan
Tất cả oán thù
Xa lìa các ác
Tu tập việc lành
Vào trận được thắng
Lòng thường vui mừng.
Vua trời Đại Phạm
Tam thập tam thiên
Bốn vua Hộ thế
Kim Cang Mật Tích
Các vua quỷ thần
Đại tướng Tán Chỉ
Quỷ Thiền Na Anh
Và Khẩn-na-la
Rồng A-nậu-đạt
Vua Ta-kiệt-la
Vua A-tu-la
Vua Ca-lâu-la
Thiên thần Đại Biện
Và trời Công Đức…
Những Thiên thần ấy
Là bậc đứng đầu
Thường phải cúng dường
Người nghe pháp đó
Sinh chẳng nghĩ bàn
Tư tưởng Pháp, tháp
Chúng sinh thấy liền
Cung kính hoan hỷ
Và các Thiên vương
Cũng đều suy nghĩ
Nói với nhau rằng:
Nay chúng sinh đó
Uy đức không lường
Đều đã thành tựu
Nếu ai đi đến
Với pháp hội ấy
Thì người như vậy
Thiện căn bậc thượng.
Nếu người nghe được
Kinh điển sâu xa
Thì nên đi đến
Chỗ hội pháp chân
Lòng sinh chánh tín
Chẳng thể nghĩ bàn
Cúng dường cung kính
Tháp pháp Vô thượng.
Đại Bi như vậy
Lợi ích chúng sinh
Tức là bảo khí
Pháp sâu không lường
Thể nhập pháp tánh
Vô thượng sâu xa
Do tâm thanh tịnh
Nghe kinh điển ấy
Những người như vậy
Đều đã cúng dường
Trăm ngàn chư Phật
Quá khứ không lường
Do nhân duyên đó
Vô lượng căn lành
Nên sẽ nghe nhận
Kinh Kim Quang Minh
Chúng sinh như vậy
Thường được không lường
Các Thiên thần, vua
Thương kính, hộ trì.
Bốn vua Hộ thế
Đại Biện, Công Đức
Vô lượng Quỷ thần
Và các lực sĩ
Ngày đêm tinh cần
Ủng hộ bốn phương
Thích Đề-hoàn Nhân
Và trời Nhật Nguyệt
Vua Diêm-ma-la
Các thần Gió, Nước
Thiên thần Vi-đà
Và trời Tỳ-nữu
Thiên thần Đại Biện
Và trời Tự Tại
Thần lửa vân vân…
Đại lực dũng mãnh
Thường hộ thế gian
Ngày đêm không rời
Quỷ thần Đại Lực
Và Na-la-diên
Ma-hê-thủ-la
Hai mươi tám bộ
Đứng đầu Tán Chỉ
Trăm ngàn quỷ thần
Thần túc đại lực
Hộ người nghe kinh
Khiến họ chẳng sợ.
Kim Cang Mật Tích
Đại quỷ thần vương
Và quyến thuộc họ
Năm trăm đồ chúng
Tất cả đều là
Hàng Đại Bồ-tát
Cũng đều ủng hộ
Người nghe pháp trên.
Ma-ni-bạt-đà
Đại quỷ thần vương
Phú-na-bạt-đà
Và Kim-tỳ-la
A-la-bà-đế
Tân-đầu-lô-đà
Đại thần Hoàng Đầu
Mỗi một các thần
Đều có năm trăm
Quyến thuộc quỷ thần
Cũng thường ủng hộ
Người nghe Kinh đó.
Chất-đa-tư-na
Vua A-tu-la
Và Càn-thát-bà
Na-la-la-xà
Kỳ na sa bà
Ma ni càn đà
Và Ni càn đà
Đại thần Chủ Vũ
Thần Đại Thực phẩm
Ma-ha Dà-tra
Thần Kim Sắc Phát
Quỷ thần Bán Kỳ
Và Bán-chi-la
Xa-bát-la-bà
Có đại uy đức
Thần Bà-na-lợi
Đàm Ma-bạt-la
Ma-kiệt-bà-la
Quỷ thần Châm phát
Tú-lợi-mật-đa
Lặc-na-sí-xa
Ma-ha-ba-na
Và Quân-đà-già
Kiếm-ma-xá-đế
Lại có đại thần
Xa-la-mật-đế
Ê-ma-bạt-đà
Tát-đa-kỳ-lê
hững thần như vậy…
Đều có không lường
Thần túc đại lực
Thường siêng ủng hộ
Người đã nghe nhận
Kinh vi diệu đó.
Vua A-nậu-đạt
Và Ta-dà-la
Vua Mục-chân-lân
Và Y-la-bát
Long vương Nan-đà
Và Bạt-nan-đà
Có như vậy những
Trăm ngàn Long vương…
Dùng thần lực lớn
Thường đến ủng hộ
Người nghe kinh đó
Chẳng rời ngày đêm.
Ba-lợi La-hầu
Vua A-tu-la
Tỳ-ma-chất-đa
Và Dĩ-mậu-chỉ
Viêm-ma-lị Tử
Ba-ha-lị Tử
Khư-la-ương-đà
Và Dĩ-kiền-đà
Những vị đó là
Vua A-tu-la
Có thần lực lớn
Thường đến ủng hộ
Người nghe kinh đó
Chẳng rời ngày đêm.
Ha-lê-đế Nam
Cùng mẹ con quỷ
Và năm trăm thần
Thường đến ủng hộ
Người nghe kinh đó
Hoặc thức hay ngủ.
Chiên-đà, Đà-lợi
Nữ Đại quỷ thần…
Cưu-la, Đàn-đề
Nuốt tinh khí người
Những thần như vậy…
Đều có lực lớn
Thường siêng ủng hộ
Mười phương thế giới
Người thọ trì kinh
Thiên thần Đại Biện
Vô lượng Thiên nữ…
Và trời Công đức…
Đều cùng quyến thuộc
Địa thần Kiên Lao
Gieo trồng vườn rừng
Đại thần Quả Thật
Những thần như vậy
Lòng sinh vui mừng
Đều đến ủng hộ
Yêu thích thân gần
Với kinh điển đó
Đối với chúng sinh
Tăng thêm tuổi thọ
Uy mạo công đức
Trang nghiêm bội thường
Hết thảy vì sao
Biến đổi tai họa
Đều có thể diệt
Không có sót còn.
Đêm nằm ác mộng
Tỉnh thức lo buồn
Việc ác như vậy
Thảy đều diệt tan.
Địa thần lực lớn
Thế lực mạnh mẽ
Mà lực kinh đó
Có thể biến vị
Đại địa như vậy
Đến Kim cang tế
Gồm mười sáu vạn
Tám ngàn do-tuần
Khí vị trong đó
Không đâu chẳng có
Đều khiến trào dâng
Thấm nhuần chúng sinh
Sức mạnh kinh đó
Hay khiến mùi đất
Mặt đất trào lên
Dày trăm do-tuần
Khiến cả chư Thiên
Được vị tinh khiết
Tăng thêm thân lực
An lạc vui mừng.
Tất cả các thần
Trong cõi Diêm-phù
Lòng sinh hoan hỷ
An lạc không lường.
Nhờ lực kinh đó
Chư Thiên vui mừng
Trăm thứ lúa gạo
Đều được gia tăng
Vườn tược rừng rậm
Có hoa nở rộ
Hương thơm sực nức
Lan tỏa khắp cùng
Trăm loài cây cối
Sinh trưởng tươi tốt
Thân cây mềm mại
Không có vẹo cong.
Cõi Diêm-phù-đề
Đều có long nữ
Số ấy vô lượng
Chẳng thể nghĩ bàn
Lòng sinh hoan hỷ
Rất đỗi vui mừng
Ở khắp mọi nơi
Ao hoa trang nghiêm
Ở trong ao ấy
Nở đủ loại hoa
Hoa Ưu-bát-la
Hoa Ba-đầu-ma
Hoa Câu-vật-đầu
Hoa Phân-đà-lợi
Ở cung điện mình
Tiêu trừ mây, mù
Khiến trong hư không
Không có bụi bặm
Các phương trong suốt
Tịnh khiết sáng ngời
Nhật vương rực rỡ
Phóng ngàn ánh sáng
Hoan hỷ vui mừng
Soi chỗ che tối.
Vàng Diêm-phù-đàn
Dùng làm cung điện
Và ở trong ấy
Uy đức không lường
Thiên tử mặt trời
Và cả Nguyệt thiên
Nghe được kinh đó
Tinh khí đầy tràn
Nhật Thiên tử đó
Mọc ở Diêm-phù
Lòng sinh hoan hỷ
Phóng ra không lường
Lưới sáng ánh sáng
Soi khắp các phương
Ngay khi xuất hiện
Phóng ra lưới sáng
Mở bày vô số
Những ao hoa sen
Cõi Diêm-phù-đề
Quả trái không lường
Tùy thời chín, già
No đủ chúng sinh
Lúc đó nhật, nguyệt
Chiếu soi đặc biệt
Vì sao vận hành
Chẳng sai quỹ đạo
Gió mưa đúng tiết
Giàu thịnh đông đúc
Của báu nhiều hơn
Không gì thiếu thốn
Kinh điển vi diệu
Kim Quang Minh này
Tùy chỗ lưu hành
Tùy nơi đọc tụng
Cõi nước, cảnh giới
Được tăng lợi ích,
Như đã nói trên
Vô lượng công đức.

 

Phẩm 19: THỌ KÝ

Bấy giờ, Đức Như Lai vì Bồ-tát Tín Tướng này và hai con của Bồ-tát là Ngân Tướng và Ngân Quang, thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc đó, liền có mười ngàn vị Thiên tử mà Uy Đức Xí Vương đứng đầu, đều từ cõi trời Đao-lợi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, lùi về ngồi một bên.

Lúc ấy, Đức Phật bảo Bồ-tát Tín Tướng:

–Vào đời vị lai, trải qua vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức vô

số kiếp chẳng thể tính kể, ở thế giới Kim Chiếu, ông sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Kim Bảo Cái Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cho đến sau khi Đức Phật này nhập Niết-bàn, Chánh pháp, Tượng pháp đều diệt hết rồi, con trưởng Ngân Tướng sẽ ở cõi này thành Phật kế tiếp. Thế giới ấy bấy giờ đổi tên là Tịnh Tràng, Đức Phật hiệu là Diêm-phù Đàn Kim Tràng Quang Chiếu Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Rồi cho đến sau khi Đức Phật này nhập Niết-bàn, Chánh pháp, Tượng pháp đều diệt hết rồi, người con thứ Ngân Quang lại được thành Phật kế tiếp. Tên gọi thế giới như cũ không khác, Đức Phật hiệu là Kim Quang Chiếu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Mười ngàn Thiên tử này nghe ba vị Đại sĩ được thọ ký, lại nghe kinh Kim Quang Minh như vậy. Nghe rồi, họ hoan hỷ, phát sinh lòng ân cần tôn trọng, tâm họ không nhơ uế như lưu ly trong sạch, thanh tịnh không ngăn ngại như hư không. Bấy giờ, biết căn lành của mười ngàn Thiên tử đó đã thành thục, Đức Như Lai liền thọ ký đạo quả Bồ-đề cho họ.

–Này những Thiên tử! Vào đời vị lai, trải qua a-tăng-kỳ trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, ở thế giới này, các ông sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng ở chung một nhà, một họ, một tên, hiệu là Thanh Mục Ưu-bát-la Hoa Hương Sơn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như vậy theo thứ lớp xuất hiện ở đời, thường có một vạn Phật.

Lúc ấy, thần cây Bồ-đề Đạo tràng tên là Đẳng Tăng Ích bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Mười ngàn vị Thiên tử này ở cung Đao-lợi vì nghe pháp nên đến tập họp nơi đây, sao Đức Như Lai liền thọ ký cho họ? Bạch Thế Tôn! Con chưa từng nghe những vị Thiên tử đó tu hành đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, cũng chưa từng nghe xả bỏ tay, chân, đầu, mắt, tủy não, vợ con yêu, của báu, lúa gạo, lụa là, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, san hô, ngọc kha, ngọc bích, đồ ăn thức uống ngon lành, y phục, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, voi, ngựa, xe cộ, cung điện, nhà cửa, vườn rừng, suối ao, tôi trai, tớ gái… như vô lượng trăm ngàn Bồ-tát khác đem vô số của cải cung kính cúng dường vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha các Đức Phật Thế Tôn đời quá khứ. Như vậy, Bồ-tát ở đời vị lai cũng xả bỏ vô lượng vật quý trọng, đầu mắt, não, tủy, vợ con yêu quý, của báu, lúa gạo, lụa là… cho đến nô bộc… theo thứ tự tu hành thành tựu đầy đủ sáu pháp Bala-mật. Thành tựu vậy rồi, tu hành hoàn bị khổ hạnh trải qua vô lượng, vô biên kiếp số, sau đó mới được thọ ký đạo Bồ-đề. Bạch Thế Tôn! Những Thiên tử đó vì nhân duyên gì, tu hành những căn lành thù thắng vi diệu nào, mà từ trời kia đến tạm được nghe pháp, liền được thọ ký? Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giải nói, đoạn trừ lưới nghi của con.

Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây:

–Này Thiện nữ thiên! Họ đều có nhân duyên, có căn lành vi diệu, đã theo tướng tu hành. Vì sao? Vì do những Thiên tử này ở chỗ trú xứ, lìa bỏ niềm vui năm dục nên đến nghe kinh Kim Quang Minh này, đã nghe pháp rồi, đối với kinh này tịnh tâm ân cần tôn trọng, theo đúng lời dạy tu hành, lại được nghe lời thọ ký của ba Đại Bồ-tát này, cũng do nhân duyên thệ nguyện phát tâm xưa ở đời quá khứ. Vậy nên, ta nay đều cùng thọ ký, vào đời vị lai sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!

 

Phẩm 20: TRỪ BỆNH

Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề Đạo tràng:

–Này Thiện nữ thiên! Hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ! Ta sẽ vì người diễn nói nhân duyên thệ nguyện thuở xưa. Thuở quá khứ vô lượng chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có Đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Bảo Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, Đức Phật đó sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt rồi, ở trong thời Tượng pháp, có vị vua tên là Thiên Tự Tại Quang tu hành theo chánh pháp, theo đúng như pháp trị đời, nhân dân hòa thuận, hiếu dưỡng cha mẹ. Trong nước vị vua đó có một ông trưởng giả tên là Trì Thủy giỏi biết phương thuốc cứu các bệnh khổ, phương tiện khéo léo, biết sự tăng giảm của bốn đại. Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, trong gia đình đại trưởng giả Trì Thủy sinh đứa con sau cùng tên là Lưu Thủy, tướng mạo thù thắng, đoan chánh đệ nhất, hình sắc vi diệu, uy đức đầy đủ, bẩm tính thông tuệ, hiểu thông các luận, khéo đủ các nghề, văn chương, tính toán không gì chẳng thông đạt. Bấy giờ, ở đất nước ấy, có họa dịch bệnh, có vô lượng trăm ngàn những chúng sinh đều không thoát khỏi, bị các khổ não bức bách. Này Thiện nữ thiên! Con ông trưởng giả là Lưu Thủy thấy vô lượng trăm ngàn chúng sinh chịu những khổ não đó nên vì những chúng sinh này sinh lòng đại Bi, nên khởi tư duy này: “Như vậy vô lượng trăm ngàn chúng sinh đang chịu các khổ não, trưởng giả cha ta tuy giỏi phương thuốc trị bệnh có thể cứu các khổ, phương tiện khéo léo, biết sự tăng giảm của bốn đại nhưng tuổi đã già cả suy yếu cằn cỗi, da dẻ nhăn nheo, mặt mày dúm dó khô gầy, run rẩy, đi lại nhờ vào cây gậy, khốn đốn mệt mỏi, chẳng thể đi đến những thành ấp, xóm làng kia mà nơi đó vô lượng trăm ngàn chúng sinh lại gặp bệnh nặng không ai có thể cứu chữa. Ta nay đến chỗ phụ thân Đại y hỏi thăm phép bí mật của phương thuốc trị bệnh. Hỏi thăm để biết rồi, ta sẽ đi đến từng nhà của thành ấp, xóm làng mà trị liệu những bệnh nặng cho các chúng sinh, khiến cho họ đều được thoát khỏi vô lượng đau khổ.” Con ông trưởng giả suy nghĩ vậy rồi liền đến chỗ của cha, đầu mặt sát đất làm lễ cha, vòng tay lui lại đứng và dùng kệ hỏi cha về sự tăng giảm của bốn đại:

Làm sao biết được
Bốn đại, các căn
Suy tổn nối nhau
Mà bệnh phát sinh?
Làm sao biết được
Thời tiết, uống ăn?
Nếu món đã ăn
Lửa thân chẳng diệt
Làm sao biết được
Trị nhiệt và phong?
Nước quá bệnh phổi
Và bệnh đẳng phân
Khi nào động phong?
Khi nào động nhiệt?
Khi nào động nước?
Tổn hại chúng sinh.
Người cha trưởng giả
Dùng lời kệ tụng
Giải nói y phương
Mà đáp con rằng:
Ba tháng mùa Hạ
Thu ba tháng tròn
Ba tháng mùa Đông
Ba tháng mùa Xuân
Là mười hai tháng
Nếu nói ba tháng
Theo số như trên
Một năm bốn mùa
Nếu nói hai tháng
Đầy đủ sáu mùa
Ba tháng vốn nhiếp
Hai tháng hiện thời
Theo thời tiết đó
Tiêu tức uống ăn
Có thể ích thân
Y phương đã nói
Theo mùa trong năm
Các căn bốn đại
Thay thế, giảm, tăng
Khiến thân bị bệnh
Có thầy thuốc giỏi
Tùy thuận bốn mùa
Ba tháng dưỡng chăm
Điều hòa bốn đại
Theo bệnh uống ăn
Và dùng thuốc thang
Kẻ nhiều bệnh phong
Mùa hè phát bệnh.
Người nhiều bệnh nóng
Phát bệnh thu sang
Người bệnh đẳng phân
Mùa đông phát bệnh.
Người bị bệnh phổi
Mùa xuân bệnh tăng.
Người có bệnh phong
Mùa hạ nên uống
Nước béo mỡ màng
Và món ăn nóng.
Người có bệnh nóng.
Thu uống lạnh, ngọt
Bệnh đẳng phân dùng
Béo ngọt mùa Đông
Bệnh phổi Xuân uống
Béo nóng cay nồng.
Sau khi ăn no
Bệnh phổi phát sinh
Đến khi bụng đói
Thì bệnh nóng phát
Sau thức ăn tiêu
Thì phát bệnh phong.
Như vậy bốn đại
Ba mùa phát sinh.
Ốm gầy bệnh phong
Bồi dưỡng váng sữa
Bệnh nóng thuốc thang
Uống Ha-lê-lặc
Bệnh đẳng phân nên
Uống ba thứ thuốc
Đó là ngọt, cay
Và cả váng sữa
Bệnh phổi nên dùng
Thuốc thang đúng lúc
Nếu bệnh nóng, phong
Bệnh phổi, đẳng phân
Trái mùa mà phát
Phải nhờ thầy thuốc
Tùy bệnh liệu lường
Ăn uống, thuốc thang.

Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, con trưởng giả là Lưu Thủy hỏi người cha thầy thuốc về sự tăng giảm của bốn đại, nhân đó được rõ tất cả phương thuốc. Con ông trưởng giả ấy biết phương thuốc rồi, đi đến khắp trong nước, thành ấp, xóm làng… Ở khắp nơi, tùy theo chỗ có chúng sinh bệnh khổ, dùng lời dịu dàng an ủi dỗ dành như vầy: “Ta là thầy thuốc! Ta là thầy thuốc! Ta biết rành các phương thuốc, nay sẽ vì các ngươi trị liệu cứu giúp khiến cho tất cả đều khỏi bệnh!”

Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, chúng sinh nghe con ông trưởng giả dùng lời dịu dàng an ủi dỗ dành, hứa vì họ trị bệnh nên lòng họ hoan hỷ, hớn hở khôn xiết. Có trăm ngàn vô lượng chúng sinh bị bệnh rất nặng, được nghe lời nói đó, lòng sinh hoan hỷ, đủ thứ bệnh hoạn liền được khỏi, bình phục như cũ, khí lực sung mãn.

Này Thiện nữ thiên! Lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bệnh khổ sâu nặng khó trừ khỏi, họ cùng đến chỗ con ông trưởng giả. Con ông trưởng giả liền cho họ thuốc hay và bảo uống, uống rồi bệnh được trừ khỏi, cũng được bình phục.

Này Thiện nữ thiên! Con ông trưởng giả đó, ở trong nước ấy trị bệnh cho mọi người, khiến bệnh khổ của chúng sinh đều được trừ khỏi.

 

Phẩm 21: CON ÔNG TRƯỞNG GIẢ LƯU THỦY

Đức Phật bảo thần cây:

–Bấy giờ, con ông trưởng giả tên Lưu Thủy, ở trong nước Thiên tự tại quang vương, trị vô lượng bệnh khổ của tất cả chúng sinh rồi, khiến cho thân thể họ bình phục như cũ, đạt được an lạc. Do bệnh được trừ nên họ tạo ra nhiều phước nghiệp, tu hành bố thí, tôn trọng cung kính con ông trưởng giả này và nói: “Hay thay! Thưa trưởng giả! Trưởng giả đã tăng trưởng thêm việc phước đức! Có thể tăng thêm cho chúng sinh tuổi thọ không lường! Trưởng giả chân thật là bậc Đại y vương, giỏi trị liệu vô lượng bệnh nặng của chúng sinh. Trưởng giả nhất định là Bồ-tát biết rành các phương thuốc!”

Này Thiện nữ thiên! Con ông trưởng giả đó có người vợ tên là Thủy Không Long Tạng, sinh được hai đứa con, một tên là Thủy Không, hai tên là Thủy Tạng. Con ông trưởng giả đem theo hai người con đó, thứ lớp đi qua những thành ấp, xóm làng… Sau cùng đến trong một khu rừng lớn trống không, có nhiều hổ, sói, chó… những loài chim thú ăn thịt, uống máu. Tất cả đều chạy nhanh về một hướng. Con ông trưởng giả khởi lên ý nghĩ: “Những loài cầm thú này vì nhân duyên gì mà chạy nhanh về một hướng? Ta phải đuổi theo sau mà quan sát chúng!” Con ông trưởng giả liền đuổi theo chúng thì thấy có một cái ao. Nước trong ao ấy khô cạn mà ở trong ao có nhiều loài cá. Con ông trưởng giả thấy số cá đó rồi, phát sinh lòng đại Bi. Có vị thần cây thị hiện nửa thân nói: “Hay thay! Hay thay! Thưa đại thiện nam! Số cá này thật đáng thương, Ngài có thể cho chúng nước! Vì thế tên Ngài gọi là Lưu Thủy. Lại có hai duyên cớ để gọi là Lưu Thủy, một là có thể khiến nước chảy; hai là có thể cho nước. Ngài nay cần phải theo danh mà định thật!” Con ông trưởng giả hỏi vị thần cây: “Số cá này là bao nhiêu con?” Vị thần cây đáp: “Số cá ấy đầy đủ là mười ngàn con.”

Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, ông Lưu Thủy nghe số lượng cá đó rồi, lại sinh lòng đại Bi tăng thêm bội phần. Này Thiện nữ thiên! Cái ao trống không này bị phơi dưới ánh mặt trời, chỉ còn chút ít nước. Mười ngàn con cá này sắp vào cửa chết, vùng vẫy khắp bốn hướng, nhìn thấy ông trưởng giả đó, lòng chúng mong được giúp đỡ. Trưởng giả đi đến đâu, chúng đều dõi mắt nhìn theo chưa từng rời bỏ. Lúc đó, ông trưởng giả chạy khắp bốn phía tìm kiếm nguồn nước nhưng không có. Ông liền nhìn lại bốn bên, thấy có cây đại thọ, liền lấy cành lá đem đậy trên ao để tạo ra bóng mát. Che bóng mát rồi, ông lại tìm kiếm xem nước trong ao này vốn từ đâu đến? Ông lại đi khắp bốn hướng để tìm kiếm vẫn không biết chỗ nguồn nước. Ông lại nhanh chóng chạy rất xa, đến chỗ khác thì thấy một dòng sông lớn tên là Thủy Sinh. Bấy giờ, lại có những người ác khác vì bắt những con cá này nên ở chỗ thượng lưu cheo leo hiểm trở, tháo bỏ nước ấy chẳng cho chảy xuống. Nhưng chỗ tháo nước ấy cheo leo hiểm trở khó đắp lại. Nếu phải tu sửa thì tính ra, trải qua chín mươi ngày với trăm ngàn nhân công còn chẳng thể thành, huống gì là một mình ta. Con ông trưởng giả mau chóng trở về, đến chỗ vị Đại vương lễ lạy rồi lui ra ngồi một bên, chắp tay hướng về vua nói lên nhân duyên ấy: “Thần vì nhân dân của đất nước đại vương trị liệu đủ thứ bệnh, rồi dần dần đi đến vùng rừng cây cây không kia, thấy có một cái ao mà nước ao khô cạn, có mười ngàn con cá bị phơi dưới ánh nắng mặt trời. Hôm nay, chúng khốn khổ sắp chết, chẳng còn sống được bao lâu. Nguyện xin Đại vương cho thần mượn hai mươi con voi lớn để chở nước cứu mạng số cá đó như thần đã ban tuổi thọ cho những người bệnh.” Bấy giờ, Đại vương liền ra lệnh cho đại thần mau chóng cung cấp. Bấy giờ, vị đại thần phụng mệnh lệnh của vua nói với trưởng giả: “Hay thay! Thưa Đại sĩ! Nay Đại sĩ tự mình đến chuồng voi, tùy ý chọn lấy để làm lợi ích chúng sinh khiến cho chúng được an lạc.”

Lúc đó, ông Lưu Thủy và hai con của mình đem hai mươi con voi lớn và theo những người trong thành đã được trị bệnh mà tìm mượn túi da. Rồi mau chóng đi đến chỗ tháo nước ở thượng lưu của dòng sông kia lấy đầy những túi nước cho voi chở, nhanh chóng chạy gấp trở lại cái ao rỗng không. Từ trên lưng voi hạ những túi nước xuống, rót vào trong ao nước liền đầy tràn khắp trở lại như cũ. Con ông trưởng giả đi quanh ở bốn bờ ao. Bấy giờ, những con cá đó cũng men theo bờ mà đi theo. Con ông trưởng giả lại suy nghĩ: “Những con cá này sao lại đi theo ta, nhất định chúng bị sự não hại của lửa đói, lại muốn theo ta tìm kiếm đồ ăn thức uống. Ta nay phải cho chúng.”

Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, con ông trưởng giả Lưu Thủy bảo hai con của mình: “Các con lấy một con voi mạnh nhất, mau chóng đến trong nhà thưa với ông nội là, vật có thể ăn được có trong nhà, thậm chí phần ăn uống của cha mẹ và cả phần của vợ con, nô tỳ… gom góp tất cả chở hết lên lưng voi và cấp tốc quay trở lại đây.”

Bấy giờ, hai người con theo đúng như lời dạy bảo của cha, cưỡi con voi lớn nhất đi về trong nhà, thưa với ông nội của mình, về những việc như trên. Khi ấy, hai người con thu lấy những vật có thể ăn được trong nhà, chở hết lên lưng voi mau chóng trở lại chỗ của cha, đến ao trống không. Con ông trưởng giả thấy con mình trở lại, lòng sinh vui mừng hớn hở không lường, đến bên cạnh con, lấy đồ ăn uống tung xuống trong ao. Cho cá ăn rồi, ông liền tự suy nghĩ: “Ta nay đã có thể cho cá này ăn khiến cho chúng no đủ. Đến đời vị lai ta sẽ bố thí cho chúng pháp thực.” Ông lại suy nghĩ: “Ta từng nghe, đời quá khứ, ở chỗ thanh vắng, có một vị Tỳ-kheo đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương Đẳng. Trong kinh ấy nói: Nếu có chúng sinh lúc sắp mạng chung được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Bảo Thắng thì liền sinh lên trời. Ta nay sẽ vì mười ngàn con cá này mà giải nói mười hai nhân duyên sâu xa và cũng sẽ xưng nói danh hiệu Đức Phật Bảo Thắng.” Trong cõi Diêm-phù-đề có hai hạng người, một là người tin sâu Đại thừa Phương Đẳng; hai là người chê bai chẳng hề tin ưa. Con ông trưởng giả suy nghĩ: “Ta nay phải vào trong ao nước, vì những con cá này nói pháp sâu xa vi diệu.” Tư duy vậy rồi, ông liền vào ao nước, nói như vầy: “Nam-mô quá khứ Bảo Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Đức Bảo Thắng Như Lai vốn thuở xưa khi tu hành đạo Bồ-tát đã phát thệ nguyện: “Nếu có chúng sinh ở mười phương thế giới, lúc sắp mạng chung mà nghe danh hiệu ta thì sẽ khiến cho những người đó mạng chung rồi liền được sinh lên trời Tam thập tam.” Bấy giờ, ông Lưu Thủy lại vì số cá đó giải nói diệu pháp sâu xa, như là: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, ưu bi khổ tụ.

Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, con ông trưởng giả tên Lưu Thủy và hai con của mình nói pháp đó rồi liền cùng trở về nhà. Con ông trưởng giả đó, lại sau khi khách khứa hội họp, say rượu nằm ngủ. Bấy giờ, đất ấy bỗng chấn động lớn, mười ngàn con cá cùng chết một ngày. Sau khi chết, chúng liền sinh lên cõi trời Đao-lợi. Sinh lên trời rồi, chúng suy nghĩ: “Chúng ta vì nhân duyên thiện nghiệp gì mà được sinh lên trong cõi trời Đao-lợi này?” Chúng lại nói với nhau: “Chúng ta trước ở trong cõi Diêm-phù-đề, bị đọa vào loài súc sinh thọ thân của loài cá. Con ông trưởng giả tên Lưu Thủy cho chúng ta nước và thực phẩm, lại vì chúng ta giải nói mười hai nhân duyên sâu xa, đồng thời xưng danh hiệu Đức Như Lai Bảo Thắng. Do nhân duyên đó mà chúng ta được sinh lên cõi trời này. Vậy nên, chúng ta nay phải đi đến chỗ con ông trưởng giả ấy để cúng dường báo ân.” Bấy giờ, mười ngàn vị Thiên tử từ cõi trời Đao-lợi xuống cõi Diêmphù-đề, đến nhà con ông trưởng giả Đại Y vương Lưu Thủy. Con ông trưởng giả, đang ở trên lầu nằm ngủ. Mười ngàn Thiên tử này đem theo mười ngàn chuỗi ngọc trân châu vi diệu của cõi trời đặt bên đầu ông ấy. Họ lại đem mười ngàn chuỗi ngọc đặt bên chân ông ấy. Họ lại đem mười ngàn chuỗi ngọc đặt bên hông phải. Họ lại đem mười ngàn chuỗi ngọc đặt bên hông trái, rồi trời mưa xuống hoa Mạn-đàla, hoa Đại Mạn-đà-la ngập đến gối với đủ nhạc cụ cõi trời phát ra âm thanh vi diệu làm cho những người ngủ say trong cõi Diêm-phùđề đều thức dậy, con ông trưởng giả Lưu Thủy cũng thức dậy. Mười ngàn vị Thiên tử đó bay đi trên hư không. Ở trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, khắp nơi đều mưa xuống hoa sen trời vi diệu. Các Thiên tử đó lại đến chỗ cũ, nơi ao trống không lại mưa xuống hoa trời. Rồi từ đây, họ biến mất, trở về cung trời Đao-lợi, theo ý tự tại hưởng thụ năm dục của trời. Qua hôm sau, ở cõi Diêm-phù-đề, vua Thiên Tự Tại Quang hỏi các đại thần: “Đêm qua, vì nhân duyên gì mà thị hiện tướng điềm lành vi diệu, lại có ánh sáng lớn như vậy?” Đại thần đáp: “Tâu Đại vương! Đó là chư Thiên của trời Đao-lợi, ở nhà con ông trưởng giả tên Lưu Thủy, mưa xuống bốn mươi ngàn chuỗi ngọc trân châu và hoa Mạn-đà-la không thể kể xiết.” Nhà vua liền bảo các đại thần: “Các khanh có thể đi đến nhà ông trưởng giả kia dùng lời khéo léo khuyên bảo khiến ông ấy đến đây.” Vị đại thần nhận sắc lệnh vua liền đi đến nhà ông ấy, tuyên nói giáo lệnh của vua, gọi ông trưởng giả đó. Lúc đó, ông trưởng giả liền đến chỗ vua. Nhà vua hỏi ông trưởng giả: “Vì nhân duyên gì mà thị hiện điềm tướng như vậy?” Con ông trưởng giả tâu: “Thần biết mười ngàn con cá này, mạng chúng đã hết.” Vị Đại vương nói: “Nay ông có thể sai người xem xét việc đó có thật không.” Bấy giờ, ông Lưu Thủy liền sai con mình đến chỗ cái ao kia xem những con cá đó chết, sống ra sao để quyết định sự thật. Bấy giờ, con ông vâng lời đi đến cái ao đó. Đến ao rồi, họ thấy trong ao ấy có nhiều hoa Đại Mạn-đà-la chất thành đống. Trong ao ấy, các con cá đều đã chết. Thấy rồi, họ liền trở về thưa với cha mình: “Những con cá kia đều đã chết.” Bấy giờ, ông Lưu Thủy biết việc đó rồi, lại đến chỗ nhà vua, tâu: “Mười ngàn con cá đó đều đã chết.” Nhà vua nghe rồi, lòng sinh hoan hỷ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo thần cây Bồ-đề Đạo tràng:

–Này Thiện nữ thiên! Ngươi có biết, con ông trưởng giả tên Lưu Thủy bấy giờ, nay là thân ta, con trưởng Thủy Không nay là La-hầula, con thứ Thủy Tạng nay là A-nan. Mười ngàn con cá lúc đó, nay là mười ngàn vị Thiên tử. Vậy nên, hôm nay ta vì những Thiên tử ấy thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vị thần cây hiện nửa thân lúc ấy, nay là thân ngươi đó.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8