KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 2

Phẩm 4: SÁM HỐI

Bấy giờ, Bồ-tát Tín Tướng ngay trong đêm ấy mơ thấy chiếc trống vàng có hình dáng lớn đẹp. Ánh sáng của trống ấy soi trùm khắp ánh sáng mặt trời. Ở trong ánh sáng lại được thấy vô lượng, vô biên các Đức Phật Thế Tôn khắp mười phương ngồi trên tòa lưu ly dưới những cây báu, đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh, thấy có một người giống như Bà-la-môn dùng dùi đánh trống, phát ra âm thanh lớn. Âm thanh ấy diễn nói kệ tụng Sám hối. Sau khi tỉnh giấc Bồ-tát Tín Tướng chí tâm nhớ nghĩ kệ tụng Sám hối đã nghe trong mơ. Sáng hôm sau, Bồ-tát ra khỏi thành Vương xá. Bấy giờ, cũng có vô lượng, vô biên trăm ngàn chúng sinh cùng với Bồ-tát đều đến chỗ Đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật. Đến chỗ Đức Phật rồi, Bồ-tát đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, lui về ngồi một bên, cung kính chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan rồi, đem những điều thấy trống vàng và kệ Sám hối trong giấc mơ ấy, bạch Đức Như Lai:

Giấc mơ đêm trước
Hết lòng ghi nhớ
Mơ thấy trống vàng
Sắc đẹp rực sáng
Ánh sáng rất lớn
Hơn cả mặt trời
Soi khắp mười phương
Hằng sa thế giới
Nhờ ánh sáng ấy
Thấy các Như Lai
Ngồi tòa lưu ly
Dưới những cây báu
Vô số đại chúng
Vây quanh nghe pháp.
Thấy Bà-la-môn
Đang đánh trống vàng
Trong tiếng trống ấy
Nói kệ như vầy.
Phát ra diệu âm
Của trống vàng này
Có thể trừ diệt
Các khổ ba đời
Khổ đau địa ngục
Ngạ quỷ súc sinh
Bần cùng khốn khó
Và khổ các cõi.
Trống này phát ra
Âm thanh nhiệm mầu
Trừ hết phiền não
Tất cả chúng sinh.
Chấm dứt sợ hãi
Không còn lo âu
Giống như chư Phật
Không hề sợ hãi.
Chư Phật, Thánh nhân
Công đức đã thành
Lìa khỏi sinh tử
Đến bờ đại trí.
Chúng sinh như vậy
Đạt được công đức
Định và trợ đạo
Giống như biển cả
Trống này phát ra
Diệu âm như vậy
Khiến chúng sinh được
Phạm âm sâu xa
Chứng quả Vô thượng
Bồ-đề thù thắng
Chuyển pháp Vô thượng
Vi diệu thanh tịnh
Tuổi thọ không lường
Kiếp chẳng nghĩ bàn
Diễn nói chánh pháp
Lợi ích chúng sinh
Trừ hết phiền não
Các khổ tiêu tan
Các tham, sân, si
Đều khiến tịch diệt.
Nếu có chúng sinh
Ở chốn địa ngục
Lửa lớn bừng cháy
Thiêu nướng thân ấy
Nếu nghe trống vàng
Tiếng vang vi diệu
Phát ra lời dạy
Liền tìm lễ Phật.
Cũng khiến chúng sinh
Biết rõ đời trước
Trăm đời, ngàn đời
Đến ngàn vạn ức
Khiến tâm chánh niệm
Chư Phật Thế Tôn
Cũng nghe lời nói
Vô thượng vi diệu.
Diệu âm phát ra
Từ trong trống vàng
Lại khiến chúng sinh
Được gặp chư Phật
Xa lìa tất cả
Các loại nghiệp ác
Khéo tu vô lượng
Hạnh nghiệp thanh tịnh.
Chư Thiên, loài người
Hết thảy chúng sinh
Tùy theo suy nghĩ
Và những nguyện cầu
Trống vàng như vậy
Vang lên âm thanh
Đều có thể biết
Thành tựu đầy đủ.
Nếu có chúng sinh
Bị đọa địa ngục
Lửa mạnh hừng cháy
Thiêu đốt thân ấy
Không ai đỡ đần
Các nạn chuyển vần…
Khiến những người đó
Đều diệt các khổ.
Nếu có chúng sinh
Bị khổ hoành hành
Đọa ba đường dữ
Và trong loài người
Như vậy trống vàng
Vang lên âm thanh
Có thể diệt hết
Tất cả các khổ.
Người không chỗ nương
Không ai cứu giúp
Ta sẽ vì họ
Làm chỗ nương nhờ.
Các đấng Thế Tôn
Nay sẽ chứng biết
Con lâu nay đã
Khởi tâm đại Bi
Ở khắp mọi nơi
Mười phương chư Phật
Hiện tại Thế Hùng
Đấng Lưỡng Túc Tôn!
Con vốn tạo tác
Nghiệp ác chẳng lành
Nay xin sám hối
Các đấng Thập lực!
Chẳng biết hồng ân
Thế Tôn cha mẹ
Chẳng rõ pháp lành,
Làm các điều ác,
Ỷ lại dòng họ
Của cải giàu sang
Tuổi trẻ buông lung
Làm các việc ác,
Lòng nghĩ chẳng lành
Miệng tạo nghiệp ác
Theo tâm tạo tác
Chẳng thấy lỗi lầm,
Phàm phu ngu si
Ngăn che chẳng biết
Gần gũi bạn ác
Phiền não, tán loạn
Nhân duyên năm dục
Lòng sinh sân hận
Chẳng biết nhàm chán
Làm các điều ác.
Gần gũi phàm phu
Bởi lòng ganh ghét
Do duyên bần cùng
Gian dối làm ác
Lệ thuộc người khác
Thường hay kinh sợ.
Chẳng được tự tại
Tạo các việc ác.
Tham dục, sân, si
Quấy nhiễu lòng họ
Khát ái bức bách
Làm mọi điều ác.
Nương nơi ăn mặc
Và cả nữ sắc
Kết sử phiền não
Tạo các điều ác.
Thân miệng ý ác
Chứa nhóm ba nghiệp
Những tội như vậy
Nay xin sám hối!
Hoặc chẳng cung kính
Phật, Pháp, Thánh tăng
Các tội như vậy
Nay đều sám hối!
Hoặc chẳng cung kính
Duyên giác, Bồ-tát
Tội lỗi như trên
Nay xin sám hối!
Bởi do vô trí
Phỉ báng chánh pháp
Chẳng biết cung kính
Cha mẹ tôn trưởng
Mọi tội như trên
Nay xin sám hối!
Mê hoặc che lấp
Kiêu mạn, buông lung
Do tham, si, sân
Tạo các điều ác
Mọi tội như trên
Nay đều sám hối!
Con nay cúng dường
Vô lượng, vô biên
Hết thảy Đức Phật
Ba ngàn thế giới
Con sẽ cứu giúp
Vô lượng chúng sinh
Chịu các khổ nạn
Khắp cả mười phương
Con sẽ an lập
Chẳng thể nghĩ bàn
A-tăng-kỳ chúng
Khiến trụ mười địa.
Những ai đã được
Trụ ở Thập địa
Thì khiến đủ đầy
Chánh Giác Như Lai!
Vì một chúng sinh
Ức kiếp tu hành
Khiến vô lượng chúng
Vượt qua biển khổ
Con sẽ vì khắp
Tất cả chúng sinh
Giảng pháp Sám hối
Vi diệu sâu xa
Gọi kinh Kim Quang
Diệt trừ các ác!
Ngàn kiếp đã làm
Nghiệp ác nặng nề
Nếu ai chí tâm
Một lần sám hối
Như vậy mọi tội
Đều được diệt tan.
Con nay đã nói
Về pháp Sám hối
Kim Quang Minh này
Thanh tịnh vi diệu
Mau chóng diệt trừ
Tất cả nghiệp chướng.
Con sẽ an lập
Trụ ở Thập địa
Mười loại bảo trân
Dùng làm chân đi
Thành Phật Vô thượng
Ánh sáng công đức
Khiến các chúng sinh
Qua biển ba cõi.
Tạng pháp sâu xa
Của chư Như Lai
Chẳng thể nghĩ bàn
Vô lượng công đức
Nhất thiết chủng trí
Nguyện đều đầy đủ
Trăm ngàn thiền định
Giác đạo, lực, căn
Chẳng thể nghĩ bàn
Các Đà-la-ni
Mười lực Thế Tôn
Con sẽ thành tựu.
Chư Phật Thế Tôn
Có từ bi lớn
Sẽ chứng lòng thành
Nhận con sám hối.
Nếu con trăm kiếp
Tạo nên điều ác
Do nhân duyên đó
Sinh ra buồn khổ
Thiếu thốn bần cùng
Buồn rầu kinh sợ
Sợ hãi nghiệp ác
Tâm thường khiếp nhược
Ở khắp mọi nơi
Không hề an lạc
Mười phương hiện tại
Đại Bi Thế Tôn
Trừ hết sợ hãi
Cho khắp chúng sinh.
Xin nhận lời con
Thành tâm sám hối
Khiến con sợ hãi
Đều được tiêu tan.
Nghiệp ác, phiền não
Con đã tạo ra
Nguyện xin hiện tại
Chư Phật Thế Tôn
Dùng nước đại Bi
Khiến được thanh tịnh.
Các ác quá khứ
Nay đều sám hối,
Tội lỗi hiện tại
Thành tâm phát lộ,
Việc ác chưa làm
Chẳng dám làm nữa,
Nghiệp ác đã làm
Chẳng dám che giấu.
Ba thứ nghiệp thân
Nghiệp miệng có bốn
Cùng ba nghiệp ý
Nay đều sám hối.
Miệng thân tạo tác
Và cả ý nghĩ
Mười nghiệp chẳng lành
Sám hối tất cả.
Trừ sạch mười ác
Tu hành mười thiện
Thập trụ dừng yên
Chứng được mười lực.
Nghiệp ác tạo nên
Đáng chịu ác báo
Nay trước Thế Tôn
Thành tâm sám hối.
Nếu ở nước này
Những thế giới khác
Có pháp lành nào
Đều đem hồi hướng
Con đã tu hành
Thân miệng ý thiện
Nguyện ở đời sau
Được đạo Vô thượng!
Nếu tại thế gian
Sáu đường hiểm nạn
Không trí, ngu đần
Tạo các việc ác
Nay trước Thế Tôn
Đều xin sám hối!
Thế gian vốn có
Sinh tử hiểm nạn
Đủ thứ dâm loạn
Phiền não, ngu si
Những nạn như trên
Con nay sám hối!
Nạn tâm xem thường
Nạn gần bạn ác
Nạn hiểm ba cõi
Và nạn ba độc
Khó gặp không nạn
Khó gặp lúc tốt
Khó tu phước đức
Gặp Phật cũng khó
Những nạn như trên
Đều xin sám hối!
Con xin nương nhờ
Chư Phật Thế Tôn
Vậy nên nay con
Kính lễ biển Phật!
Sáng rực sắc vàng
Như núi Tu-di
Vậy nên nay con
Đảnh lễ Tối Thắng!
Sắc ấy Vô thượng
Giống như vàng ròng
Tướng mắt thanh tịnh
Như lưu ly biếc.
Công đức uy nghi
Danh xưng hiển hiện
Đại Bi của Phật
Mặt trời diệt tối
Trong lành không nhơ
Lìa những bụi ngăn
Chư Phật Vô thượng
Mặt trời soi khắp
Lửa phiền não rực
Khiến lòng nóng bừng
Chỉ Phật trừ được.
Như trăng trong sáng
Ba mươi hai tướng
Tám mươi vẻ đẹp
Trang nghiêm thân Phật
Chiêm ngưỡng không chán.
Công đức lồng lộng
Lưới sáng hiển bày
An trụ ba cõi
Chiếu như mặt trời
Như lưu ly trong
Sạch không tỳ vết
Màu sắc lộng lẫy
Chủng loại đều khác
Sắc ấy đỏ hồng
Như mặt trời mọc
Pha lê bạch ngân
Điểm tô lưới sáng
Đủ thứ như trên
Trang nghiêm Phật nhật.
Biển cả tử sinh
Ở trong ba cõi
Sóng quét nước tràn
Não loạn lòng con
Vị ấy khổ độc
Rất là thô nhám
Lưới sáng Như Lai
Hay khiến khô hết.
Diệu thân đoan nghiêm
Tướng tốt đặc biệt
Sắc vàng sáng rỡ
Chiếu khắp tất cả
Biển cả trí tuệ
Rộng đầy ba cõi
Vậy nên nay con
Cúi đầu kính lễ.
Như nước biển cả
Rất khó biết được
Bụi trần đại địa
Chẳng thể kể hết
Những núi Tu-di
Khó thể lường xét
Bờ cõi hư không
Cũng chẳng biết được.
Cũng vậy Thế Tôn
Công đức vô lượng,
Đem tất cả tâm
Cũng không thể biết,
Trong vô lượng kiếp
Hết lòng suy nghĩ
Chẳng thể biết thông
Bờ công đức Phật.
Núi cả đại địa
Còn có thể lường,
Giọt nước biển cả
Còn thể tính thông.
Công đức chư Phật
Không ai biết được!
Tướng tốt nghiêm trang
Khen ngợi danh xưng
Công đức như vậy
Khiến chúng đều được
Con do nghiệp lành
Cùng các nhân duyên
Đời sau chẳng lâu
Sẽ thành Phật đạo.
Tuyên giảng diệu pháp
Lợi ích chúng sinh
Độ thoát tất cả
Các khổ không lường,
Trừ sạch các ma
Quyến thuộc của chúng.
Chuyển diệu pháp luân
Vô thượng thanh tịnh
Tuổi thọ không lường
Kiếp chẳng nghĩ bàn,
Khiến chúng sinh đủ
Vị pháp cam lộ.
Con sẽ đầy đủ
Sáu pháp Ba-la-mật
Giống như chư Phật
Quá khứ đã thành
Đoạn các phiền não
Trừ tất cả khổ
Diệt hết tham, sân
Và các si mê
Chúng con nhớ nghĩ
Đời trước của mình
Trong trăm ngàn kiếp
Trăm ngàn ức đời
Thường phải chí tâm
Chánh niệm chư Phật
Nghe giảng các pháp
Vi diệu Vô thượng.
Con nhờ nghiệp lành
Thường gặp chư Phật
Các ác lìa nhanh
Tu các nghiệp thiện.
Tất cả chúng sinh
Trong các thế giới
Khổ não không lường
Con sẽ diệt hết!
Nếu có chúng sinh
Các căn hư hoại
Chẳng được hoàn toàn
Đều khiến đầy đủ
Thế giới mười phương
Bệnh tật khổ đau
Thiếu thốn gầy mòn
Không người cứu giúp
Khiến giải thoát liền
Những khổ như vậy,
Thế lực hoàn toàn
Bình phục như cũ.
Nếu phạm phép vua
Sắp bị tử hình
Sợ hãi không lường
Ưu sầu khổ não
Những người như trên
Đều được giải thoát
Nếu chịu cùm gông
Đánh đập giam cầm
Đủ thứ khốn cùng
Bức bách thân thể
Trăm ngàn vô số
Kinh sợ lo buồn
Đủ nỗi sợ hãi
Nhiễu loạn tâm can
Buồn lo khổ não
Vô lượng như vậy
Nguyện khiến tất cả
Được giải thoát liền
Nếu có chúng sinh
Đói khát nhiễu phiền
Khiến được mọi thứ
Đồ ăn uống ngon
Người mù được thấy
Điếc nghe rõ ràng
Người câm nói được
Trần truồng được áo
Người nghèo cùng khốn
Liền được kho báu
Kho lẫm tràn đầy
Thiếu thốn không còn…
Tất cả đều được
Hoan hỷ bình an
Thậm chí không có
Một người chịu khổ
Chúng sinh đều có
Nhan sắc tươi tắn
Hình dáng đoan nghiêm
Người ưa gặp gỡ
Lòng luôn nghĩ đến
Việc thiện, người khác
Thực phẩm đầy đủ
Công đức trọn vẹn.
Theo ý chúng sinh
Suy nghĩ mong muốn
Đều nguyện được thành
Đủ thứ nhạc cụ
Không hầu, đàn tranh
Cầm, sắt, trống, thổi…
Đủ thứ như trên
Âm thanh vi diệu
Sông suối, ao hồ
Và các dòng nước
Có hoa bằng vàng
Và hoa Ưu-bát
Theo ý chúng sinh
Nghĩ đến cầu xin
Liền được đủ thứ.
Y phục, thực phẩm
Tiền tài trân bảo
Lưu ly, kim ngân
Trân châu, ngọc bích
Anh lạc xen lẫn
Nguyện cho chúng sinh
Chẳng nghe tiếng ác
Thậm chí không hề
Thấy được điều ác.
Nguyện cho chúng sinh
Sắc mạo đẹp xinh
Tất cả đều cùng
Thương yêu lẫn nhau.
Đồ dùng sinh sống
Ở khắp thế gian
Tùy họ mong ước
Khiến được đầy đủ.
Nguyện cho chúng sinh
Những việc mong cầu
Mà họ cần đến
Theo niệm được liền!
Cây cối hoa hương
Thường theo thời tiết
Mưa xuống hương bột
Và hương xoa thân
Chúng sinh nhận được
Vui mừng vô cùng
Nguyện cho chúng sinh
Thường được cúng dường
Mười phương chư Phật
Nhiều chẳng nghĩ bàn
Diệu pháp Vô thượng
Sạch trong không nhơ
Và những Bồ-tát
Đại chúng Thanh văn.
Nguyện cho chúng sinh
Thường được lìa khỏi
Tám nạn, ba ác
Gặp chỗ không nạn
Kính hầu Thế Tôn
Đấng vua Vô thượng.
Nguyện cho chúng sinh
Sinh nhà giàu sang
Của báu nhiều thêm
Yên ổn giàu vui
Tướng mạo đẹp đẽ
Trang nghiêm thân ấy
Công đức viên thành
Có danh xưng lớn!
Nguyện cho nữ nhân
Đều thành nam tử
Đầy đủ trí tuệ
Tinh tấn chẳng lười
Tất cả đều tu
Theo đạo Bồ-tát
Siêng năng tu hành
Sáu pháp Ba-la-mật
Thường thấy mười phương
Chư Phật không lường
Ngồi dưới cây báu
Trên tòa lưu ly
An trụ thiền định
Tự tại an lạc
Diễn nói chánh pháp
Mọi người thích nghe
Nghiệp ác đã tạo
Hiện tại của con
Và đời quá khứ
Tai nạn, nguy hiểm
Đáng bị quả ác
Nhưng chẳng vừa lòng
Nguyện xin diệt hết
Không còn mảy may.
Nếu các chúng sinh
Ba cõi buộc ràng
Màn lưới sinh tử
Giăng khắp chắc bền
Nguyện dùng dao trí
Cắt đứt, phá tan
Trừ các khổ não
Sớm thành Bồ-đề
Nếu Diêm-phù này
Và nhiều phương khác
Vô lượng thế giới
Có chúng sinh nào
Đã làm vô số
Công đức tốt lành
Thì con hết lòng
Hoan hỷ theo họ
Do việc này con
Tùy hỷ công đức
Việc làm nghiệp lành
Của thân miệng ý
Nguyện ở đời sau
Thành đạo Vô thượng
Thanh tịnh không nhơ
Quả báo cát tường
Nếu có kính lễ
Khen đấng Thập lực
Lòng tin thanh tịnh
Không còn lưới nghi.
Làm theo như trên
Nói lời sám hối
Liền được thoát hẳn
Tội sáu mươi kiếp.
Các thiện nam tử
Và thiện nữ nào
Các vua Sát-lợi
Và Bà-la-môn…
Nếu có cung kính
Khen ngợi Thế Tôn
Chắp tay hướng Phật
Và khen kệ này
Dù ở nơi nào
Cũng biết đời trước
Đầy đủ các căn
Thanh tịnh đoan nghiêm
Vô lượng công đức
Đều được viên thành
Bất cứ nơi đâu
Cũng làm quốc vương
Tể tướng, đại thần
Thảy đều cung kính
Chẳng phải ở chỗ
Một, năm, mười Phật
Gieo trồng công đức
Nghe pháp Sám hối,
Mà ở không lường
Trăm ngàn vạn ức
Chỗ Phật Thế Tôn
Gieo trồng thiện căn
Sau mới được nghe
Pháp Sám hối này.

 

Phẩm 5: NGHIỆP CHƯỚNG DIỆT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khéo phân biệt chân chánh thể nhập vào pháp sâu xa hiếm có gọi là Thiền, từ lỗ chân lông phóng ra đủ loại ánh sáng, Vô lượng trăm ngàn màu sắc đều từ thân phát ra. Bên trong ánh sáng này, tất cả cõi nước của chư Phật đều hiện ra, dùng số cát sông Hằng khắp mười phương mà thí dụ suy tính cũng chẳng thể biết được. Đời ác năm trược cũng được ánh sáng này chiếu đến. Những chúng sinh ở các cõi đó đã làm mười điều ác, gây ra năm tội Vô gián, chê bai Tam bảo, bất hiếu với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, xem thường bậc tôn trưởng… đáng đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… nhưng tất cả đều nhờ ánh sáng này chiếu đến chỗ họ ở. Những chúng sinh đó thấy ánh sáng ấy rồi, liền được an lạc. Nhờ uy lực của ánh sáng nên các chúng sinh trở nên đoan nghiêm, đẹp đẽ, sắc tướng đầy đủ, phước đức trang nghiêm, đều được gần gũi các Đức Phật Thế Tôn.

Lúc đó, đại chúng cùng Thiên đế Thích và Nữ thần sông Hằng đều đến chúng hội, lui ngồi một bên.

Khi ấy, Thiên đế Thích nương thần lực của Đức Phật, liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để thiện nam, thiện nữ nguyện cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành Đại thừa, cứu giúp tất cả chúng sinh? Những nghiệp chướng đó làm sao sám hối để được giải thoát?

Đức Phật nói:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông nay tu hành muốn vì vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh, khiến cho họ được thanh tịnh giải thoát an lạc, thương xót khắp thế gian. Này thiện nam! Tất cả chúng sinh vì nghiệp chướng nên rơi vào nhiều tội lỗi, cần phải ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải qùy xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng một ý, tự mình xướng lên: “Thành kính đảnh lễ tất cả chư Phật Thế Tôn hiện tại mười phương thế giới đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân, chiếu soi pháp luân, hộ trì pháp luân, rưới xuống mưa pháp lớn, đánh lên trống Đại pháp, thổi loa Đại pháp, phát ra âm thanh vi diệu, dựng Đại pháp tràng, thắp đuốc Đại pháp vì muốn lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, thực hành pháp thí, khuyên nhủ dẫn dắt, gánh vác tất cả chúng sinh, vì khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh được thanh tịnh, được an lạc, vì khiến cho đại chúng được quả báo lớn, vì muốn chư Thiên, loài người được thanh tịnh. Đức Thế Tôn như vậy, nên con lễ bái cung kính dùng thân miệng ý đảnh lễ quy y chân thành. Các Đức Thế Tôn dùng tuệ chân thật, dùng nhãn chân thật, chứng đắc chân thật, bình đẳng chân thật biết hết, thấy hết nghiệp thiện ác của tất cả chúng sinh. Con từ vô thỉ theo dòng sinh tử cùng tất cả chúng sinh đã tạo nghiệp chướng, bị sự ràng buộc của tham, sân, si… khi chưa biết Phật, khi chưa biết Pháp, khi chưa biết Tăng thì chưa biết thiện ác, vì thân miệng ý tạo vô lượng tội. Do lòng ác nên làm thân Phật chảy máu, chê bai chánh pháp, phá hòa hợp Tăng, giết hại A-la-hán, giết hại cha mẹ, tự làm mười pháp bất thiện rồi, dạy người khác làm, thấy người làm tùy hỷ. Thân có ba, miệng bốn, ý ba nghiệp, đối với các chúng sinh ngang ngược phát sinh sự chê bai, cân đong lừa dối lấy giả làm chân, đem đồ ăn uống bất tịnh cho chúng sinh, đối với cha mẹ trong sáu đường sinh tử thì xúc phạm, làm hại đối với vật dụng của chùa tháp, vật dụng của thường trụ tăng, vật dụng của bốn phương tăng thì sinh tâm trộm cắp, cướp đoạt, tự do sử dụng, đối với lời dạy của Đức Phật, dạy bảo về pháp luật thì thường tạo ra những lỗi lầm, học tập xằng bậy, không theo lời sư trưởng dạy bảo, thấy người thực hành pháp Thanh văn, người thực hành pháp Duyên giác, người thực hành pháp Đại thừa thì ưa mắng nhiếc khiến cho những người tu hành ấy thoái lui, sầu hận. Thấy có người hơn mình liền ôm lòng ganh ghét, chướng ngại đối với pháp thí, tài thí bị vô minh che phủ, tà kiến nghi hoặc, khiến ác tăng trưởng, đối với chư Phật thì nói lời ác, pháp nói phi pháp, phi pháp nói là pháp… Những tội như vậy, chính chư Phật bằng tuệ chân thật, nhãn chân thật, chứng đắc chân thật, bình đẳng chân thật nên thấy hết biết hết, cung kính đối trước chư Phật đều xin phát lồ sám hối, chẳng dám che giấu, tội chưa làm chẳng dám làm nữa, tội đã làm nay đều sám hối! Nghiệp chướng đã tạo đáng bị đọa vào đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la… Sinh chỗ mười hai nạn, nguyện xin nghiệp chướng của con trong đời này đều diệt trừ hết, chẳng thọ nhận ở đời vị lai giống như việc tu hành đạo Tam-bồ-đề của những Đại Bồ-tát đời quá khứ, mà tất cả nghiệp chướng đều đã Sám hối, như hôm nay, con cũng Sám hối nghiệp chướng, đều phát lộ ra, chẳng dám che giấu, tội đã làm nguyện được tiêu trừ, ác đời sau chẳng dám làm nữa. Cũng như các Bồ-tát đời vị lai tu hạnh Tam-bồ-đề, tất cả nghiệp chướng đều đã sám hối. Như hôm nay, con cũng sám hối nghiệp chướng đều phát lộ ra, chẳng dám che giấu, tội đã làm nguyện được trừ diệt, ác đời sau chẳng dám làm nữa. Cũng như những Đại Bồ-tát của thế giới mười phương hiện tại tu hạnh Tam-bồ-đề, tất cả nghiệp chướng đều đã sám hối. Như nghiệp chướng hôm nay, con đều phát lộ ra và xin sám hối, chẳng dám che giấu, tội đã làm nguyện được trừ diệt, ác đời sau chẳng dám làm nữa. Cũng như những Đại Bồ-tát ba đời, quá khứ, vị lai, hiện tại, nghiệp chướng như vậy đều xin sám hối. Con cũng như vậy, tất cả nghiệp chướng nay con cũng xin sám hối, đều phát lộ ra, chẳng dám che giấu, tội đã làm nguyện được trừ diệt, ác đời sau chẳng dám làm nữa. Vậy nên thiện nam! Nếu có tội lỗi trong một sátna chẳng được che giấu, huống gì là một ngày, một đêm. Này thiện nam! Nếu có người phạm tội mà nguyện được thanh tịnh, ôm lòng hổ thẹn, tin vào đời vị lai nhất định có quả báo, nên rất sợ hãi, bởi vậy nên cố gắng tu hành. Ví như nam nữ, như lửa cháy đầu, như lửa cháy y phục phải mau dập tắt, lửa nếu chẳng tắt, lòng chẳng được yên! Thiện nam này, nếu đã phạm tội thì cũng lại như vậy, liền xin sám hối, khiến cho tội diệt trừ. Đối với tất cả pháp, muốn cầu sự thanh tịnh, không có các chướng ngại nên như vậy mà sám hối, tội sau này chẳng dám làm nữa. Nếu muốn sinh vào nhà giàu sang, vàng bạc, thóc gạo kho lẫm đầy ắp, thì phát khởi hạnh Đại thừa cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh vào gia đình Bà-la-môn giàu sang đầy đủ bảy báu thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh vào gia đình Sát-đế-lợi cao quý và Chuyển luân thánh vương cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Tứ Thiên vương cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời thứ Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Phạm phụ, Phạm tịnh, Đại phạm cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Thiểu quang, Vô lượng quang, Tịnh quang cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Vô dục, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời A-ca-ni-sấc cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn cầu quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán cũng nên sám hối, trừ diệt nghiệp chướng. Nếu muốn nguyện cầu ba Minh, sáu Thông, Bồđề tự tại, Thanh văn lực Cứu cánh, Thanh văn Đại tự tại, Bích-chiphật, Bồ-đề Tự tại địa cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn nguyện cầu trí Nhất thiết trí, Tịnh trí, Bất tư nghị trí, Bất động trí, Vô thượng Chánh đẳng giác Chánh biến trí cũng nên sám hối, diệt trừ nghiệp chướng. Vì sao? Này thiện nam! Vì tất cả các pháp đều từ nhân duyên sinh. Như Lai đã giảng nói, tướng khác sinh, tướng khác diệt do nhân duyên khác vậy. Lúc đó, các pháp quá khứ đã diệt, đã hết, đã chuyển, như vậy nghiệp chướng không còn sót lại nữa. Các hành pháp đó chưa được hiện bày khiến được sinh khởi, nghiệp chướng vị lai chẳng khởi lên nữa. Vì sao? Này thiện nam! Vì tất cả pháp rỗng không. Như Lai đã nói, cũng không chúng sinh, cũng không thọ giả, cũng không nhân ngã, cũng không sinh diệt, cũng không hành pháp. Này thiện nam! Tất cả các pháp đều nương vào căn bản. Căn bản này cũng chẳng thể nói. Vì sao? Vì vượt hơn tất cả tướng. Nếu có thiện nam, thiện nữ thể nhập vào chân lý như vậy, sinh ra tín kính gọi là không chúng sinh mà có cội gốc. Do nghĩa này nên nói đến sám hối trừ diệt nghiệp chướng. Này thiện nam! Có bốn pháp thành tựu để thiện nam, thiện nữ diệt trừ nghiệp chướng, được mãi mãi thanh tịnh. Những gì là bốn?

  1. Thành tựu tâm chân chánh.
  2. Nghĩ đến nghĩa lý kinh điển sâu xa chẳng hề chê bai.
  3. Đối với Bồ-tát mới phát tâm khởi lên tâm Nhất thiết trí.
  4. Đối với tất cả chúng sinh khởi lên lòng từ vô lượng.

Nếu có thể thành tựu bốn pháp như vậy mà sám hối thì nghiệp chướng được vĩnh viễn tiêu diệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Chuyên tâm giữ ba nghiệp
Chẳng chê kinh sâu xa
Tạo tâm Nhất thiết trí
Nghiệp chướng sạch, từ tâm.

Này thiện nam! Lại có bốn nghiệp chướng rất lớn, khó có thể thanh tịnh. Những gì là bốn?

  1. Đối với luật nghi của Bồ-tát phạm tội ác rất nặng.
  2. Đối với mười hai bộ kinh Đại thừa sinh tâm chê bai.
  3. Trong tự thân chẳng thể tăng trưởng tất cả thiện căn.
  4. Tâm tham trước các cõi.

Lại có bốn pháp đối trị diệt trừ nghiệp chướng. Những gì là bốn?

  1. Đối với tất cả các Đức Như Lai trong các thế giới khắp mười phương chí tâm gần gũi, sám hối tất cả tội.
  2. Vì tất cả chúng sinh trong mười phương mà thỉnh cầu các Đức Phật nói các pháp vi diệu.
  3. Tùy hỷ công đức thành tựu của tất cả chúng sinh trong mười phương.
  4. Dùng tất cả công đức căn lành sẵn có của mình đều hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi đó, Thiên đế Thích bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao đối với hạnh Đại thừa mà thiện nam, thiện nữ có người thực hành, có người chẳng thực hành? Làm sao để tùy hỷ được công đức thiện căn của tất cả chúng sinh?

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ, ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng một ý, tự xướng lên: “Tất cả chúng sinh trong thế giới khắp các phương tu bố thí, tu giới, tu định thì con nay đều tùy hỷ.” Do sự tùy hỷ như trước nên bậc Tôn thắng khả ái Vô thượng Vô đẳng đều tùy hỷ. Như vậy, thiện căn tạo ra ở quá khứ và vị lai đều tùy hỷ. Trong đời hiện tại, công đức phát tâm Bồ-đề của Bồ-tát sơ phát tâm, chứa nhóm công đức rộng lớn tu hành hạnh Bồ-tát hơn trăm đại kiếp, được Vô sinh pháp nhẫn, được bất thoái địa, chứa nhóm công đức được Nhất sinh bổ xứ… dùng tất cả công đức như vậy để tùy hỷ khen ngợi giống như trên đã nói. Công đức của tất cả Bồ-tát quá khứ, vị lai đều tùy hỷ khen ngợi cũng lại như vậy. Hiện tại, tất cả chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri trong các thế giới khắp mười phương đã đủ đạo Tam-bồ-đề, vì độ thoát tất cả chúng sinh, chuyển pháp luân Vô thượng, thực hành pháp thí vô ngại, thắp đuốc Đại pháp, đánh lên trống Đại pháp, thổi loa Đại pháp phát ra âm thanh vi diệu, dựng cờ Đại pháp… Tất cả chúng sinh đều nhờ ân pháp thí, đều được mãn nguyện, giáo hóa chúng sinh khiến cho họ tin nhận, vì muốn an lạc cho tất cả chúng sinh, thương xót tất cả chúng sinh, tất cả hàng trời, người đều được an lạc. Căn lành công đức của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát đều đã tu tập thành tựu. Nếu có chúng sinh chưa đủ các công đức như vậy thì đều khiến cho họ đầy đủ. Con đều tùy hỷ khen ngợi tất cả. Nói như vậy, cũng như các công đức của chư Phật, Bồ-tát và chúng Thanh văn trong ba đời, con đều tùy hỷ khen ngợi tất cả. Đúng vậy! Này thiện nam! Tùy hỷ chứa nhóm vô lượng, vô số công đức. Ví như tất cả chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng trong tam thiên đại thiên thế giới đều thành A-la-hán, diệt tất cả các lậu hoặc, có thiện nam, thiện nữ trọn đời dùng bốn loại vật dụng như y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men để cúng dường thì công đức như vậy chẳng sánh kịp công đức của người tu pháp tùy hỷ. Vì sao? Vì công đức trước có số có hạn lượng, chẳng thể bao gồm tất cả các công đức, còn công đức tùy hỷ này không có hạn lượng, có thể bao trùm tất cả công đức của ba đời. Vậy nên, này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn tăng trưởng thiện căn của mình thì nên tùy hỷ người tu công đức như vậy. Nếu có nữ nhân muốn chuyển nữ làm nam thì nên tùy hỷ người tu công đức như vậy!

Lúc đó, trời Đế Thích bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn vì con giảng nói lại công đức thỉnh cầu! Vì con muốn khiến cho Bồ-tát ở vị lai được ánh sáng lớn và Bồ-tát hiện tại phát nguyện tu hành.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ cầu nguyện đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên tu hành đạo Đại thừa, Thanh văn, Duyên giác. Chúng sinh nào chưa được tu hành thì ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng một ý, tự xướng lên: “Đảnh lễ tất cả chư Phật Thế Tôn khắp mười phương hiện đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có thể chuyển pháp luân Vô thượng! Con hôm nay đều đảnh lễ kính thỉnh chư Phật chuyển pháp luân Vô thượng, thắp đèn Đại pháp, giữ gìn đạo lý của pháp, bố thí pháp vô ngại, thắp đuốc Đại pháp, rưới xuống mưa Đại pháp, đánh trống Đại pháp, thổi loa Đại pháp phát ra âm thanh vi diệu, dựng cờ Đại pháp vì độ thoát tất cả chúng sinh… đều nói như trên cho đến trời, người đều được an lạc.”

Lại nữa, này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên tu hạnh Đại thừa, Thanh văn, Duyên giác. Trong số ấy có người chưa tu hành thì ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng một ý, tự nói lên: “Đảnh lễ tất cả chư Phật Thế Tôn trong mười phương thế giới muốn bỏ ứng thân vào Niết-bàn. Hôm nay, con cúi thỉnh chư Phật đừng nhập Niết-bàn, trụ lâu ở đời, để độ thoát, đem an lạc cho tất cả chúng sinh… như đã nói ở trước cho đến trời, người đều được an lạc! Nay con đem công đức thiện căn thỉnh cầu này để hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cũng như công đức của các vị Đại Bồ-tát quá khứ, vị lai và hiện tại đều hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, con cũng như vậy, tất cả công đức thỉnh cầu của con đều hồi hướng hết về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Này thiện nam! Giả dụ như có thiện nam, thiện nữ dùng bảy báu chứa đầy trong tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Như Lai. Nếu lại có thiện nam, thiện nữ kính thỉnh Như Lai chuyển Đại pháp luân thì công đức thỉnh cầu này hơn phước kia. Vì sao? Vì căn lành ở trên là tài thí, còn công đức kính thỉnh là pháp thí.

Này thiện nam! Giả sử bảy báu chứa đầy trong tam thiên đại thiên thế giới nhiều như số cát sông Hằng, nếu có thiện nam, thiện nữ dùng bảy báu đầy khắp các thế giới nhiều như số cát sông Hằng đó mà cúng dường tất cả các Đức Phật. Nếu lại có thiện nam, thiện nữ kính thỉnh Như Lai chuyển Đại pháp luân thì phước này hơn phước kia. Vì sao? Vì pháp thí ấy có năm việc. Những gì là năm?

  1. Pháp thí thì người và ta đều được lợi ích, còn tài thí chẳng vậy.
  2. Pháp thí có thể khiến cho chúng sinh ra khỏi ba cõi, còn tài thí thì chẳng ra khỏi Dục giới.
  3. Pháp thí thì lợi ích cho Pháp thân, còn tài thí thì tăng trưởng sắc thân.
  4. Pháp thí thì tăng trưởng đến vô tận, còn tài thí thì cũng có lúc bị cạn kiệt.
  5. Pháp thí có thể đoạn trừ vô minh, còn Tài thí thì chế ngự được lòng tham.

Vậy nên, này thiện nam! Công đức thỉnh cầu vô lượng, vô số, khó có thể ví dụ. Như thuở xưa, khi ta tu hạnh Bồ-tát, đã kính thỉnh các Đức Thế Tôn chuyển Đại pháp luân như trước. Do căn lành này nên tất cả Đế Thích và Đại Phạm vương kính thỉnh ta chuyển Đại pháp luân. Thế Tôn thỉnh chuyển Pháp Luân vì độ thoát và đem an lạc cho tất cả chúng sinh và hàng trời, người. Thuở xưa, khi ta tu hạnh Bồ-đề đã thỉnh cầu Như Lai ở đời lâu dài đừng nhập Niết-bàn. Nương vào công đức này nên ta được mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại biện, đại Từ, đại Bi, được vô lượng, vô số pháp bất cộng. Ta đã vào

Vô dư Niết-bàn mà Chánh pháp của ta trụ ở đời lâu dài. Pháp thân của ta thì thanh tịnh không gì sánh bằng, với vô số tướng mạo, vô lượng trí tuệ, vô lượng tự tại, vô lượng phước đức khó có thể nghĩ bàn. Tất cả chúng sinh nhờ thấm nhuần tâm Từ sâu xa, trong trăm ngàn vạn ức kiếp nói chẳng thể hết. Vậy nên, Pháp thân có thể bao trùm kho tàng tất cả pháp mà tất cả pháp chẳng thể bao trùm kho tàng Pháp thân. Pháp thân thường trụ chẳng rơi vào thường kiến, tuy lại đoạn diệt nhưng chẳng rơi vào đoạn kiến mà phá tan vô số kiến chấp của tất cả chúng sinh, có thể sinh ra tất cả chủng loại nhận thức chân chánh, có thể cởi bỏ sự trói buộc của tất cả chúng sinh, có thể gieo trồng những cội rễ thiện của tất cả chúng sinh, có thể thành tựu căn lành của tất cả chúng sinh, người đã thành tựu thì có thể khiến cho được giải thoát, không tạo tác không lay động, vô vi tịch tĩnh, an lạc tự tại, xa lìa ồn náo, vượt khỏi ba đời có thể thấy ba đời, vượt khỏi cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác, là sự tu hành của Đại địa Bồtát, tất cả Như Lai đều không khác bản thể. Nhờ năng lực thiện căn công đức thỉnh cầu nên hôm nay ta đã được Pháp thân như vậy. Vậy nên, này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ vì chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà dùng một câu, một kệ để thọ trì, khuyên bảo và vì người giảng nói thì thiện căn công đức khó có thể hạn lượng, huống nữa là kính thỉnh Như Lai chuyển Đại pháp luân, trụ thế lâu dài chớ vào Niết-bàn.

Lúc đó, trời Đế Thích bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao thiện nam, thiện nữ muốn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà tu hành đạo Đại thừa, Thanh văn, Duyên giác? Nếu có chúng sinh chưa được tu hành thiện căn công đức thì làm sao đem hồi hướng đến trí Nhất thiết trí?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tu hành đạo Đại thừa Thanh văn, Duyên giác. Nếu có chúng sinh chưa được tu hành thì trong một ngày một đêm, một lòng một ý, tự nói: “Con từ vô thỉ sinh tử đến nay, thiện căn của con đều đã thành tựu, ở chỗ Tam bảo hoặc ở chỗ khác… cho đến súc sinh, người chẳng phải người… cho đến đem một thăng, một nhúm đem bố thí cho tất cả và dùng lời nói khéo léo hòa giải sự tranh cãi, ba quy y, học giới, tất cả thiện căn công đức đều do sám hối mà được, đều do tùy hỷ mà được, đều do thỉnh cầu mà được. Những thiện căn đó đặt yên một chỗ rồi thâu nhiếp, đồng thời tập hợp tất cả đều đem bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh, đã vĩnh viễn bố thí lại không có lòng đoạt lấy, giải thoát chẳng nắm giữ. Như chư Phật Thế Tôn thấy biết chẳng thể nghĩ lường, trí tuệ của Phật, không chướng ngại, không nhiễm ô. Tất cả thiện căn công đức như vậy, chư Phật đem bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh mà chẳng trụ tướng tâm, chẳng xả tướng tâm. Con cũng như vậy, thiện căn công đức đều đem bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh. Con nguyện cho tất cả chúng sinh đều được tay báu, phá hư không sinh ra châu báu, làm mãn nguyện của chúng sinh, giàu có vô tận, phước đức vô tận, diệu pháp vô tận, tự tại vô tận, bốn biện tài vô tận vì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì được trí Nhất thiết trí nên con nay bố thí cho tất cả chúng sinh thiện căn công đức. Từ thiện căn này lại đạt được vô lượng tất cả thiện căn, rồi con thâu nhiếp hết thảy, đem hết hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ thiện căn này, con cùng với chúng sinh đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được trí Nhất thiết trí. Như Đại Bồ-tát thuở xưa tu hành đạo Bồ-đề, đều đem thiện căn công đức hồi hướng đến Nhất thiết chủng trí. Con cũng như vậy, thiện căn công đức cũng đều hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ thiện căn này, con cùng với chúng sinh cùng lúc đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì đạt được trí Nhất thiết trí nên giống như thiện căn công đức của Đại Bồ-tát ở vị lai cũng nên hồi hướng cùng với tất cả chúng sinh đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con cũng như vậy, thiện căn công đức sẵn có của con cũng đem hồi hướng… như đã nói rõ ở trên. Giống như thiện căn công đức của các Đại Bồ-tát hiện tại hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với tất cả chúng sinh đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con cũng như vậy, thiện căn công đức sẵn có của con cũng cùng với chúng sinh đó… như đã nói rõ ở trên. Như các Đức Phật khác ngồi dưới cây Bồ-đề nơi Đạo tràng, không ô nhiễm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, trụ ở Pháp tạng vô tận, Đà-la-ni, Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội, phá ma Ba-tuần và vô lượng binh chúng, nên thấy biết, nên giác ngộ, nên thông đạt… tất cả như vậy chỉ trong một sát-na đều soi rõ hết. Rồi vào giữa đêm, các ngài chứng được đạo Cam lộ, được pháp Cam lộ. Con cũng như vậy, cùng với tất cả chúng sinh có chung thiện căn. Nhờ thiện căn này nên đều được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều được trí Nhất thiết trí, giống như Đức Phật Vô Lượng Thọ, Đức Phật Thắng Quang, Đức Phật Diệu Quang, Đức Phật A-súc, Đức Phật Công Đức Thiện Quang, Đức Phật Sư Tử Quang Minh, Đức Phật Bách Quang Minh, Đức Phật Võng Quang Minh, Đức Phật Bảo Tướng, Đức Phật Bảo Viêm, Đức Phật Viêm Quang Minh, Đức Phật Viêm Thịnh Quang Minh, Đức Phật An Cát Thượng Vương, Đức Phật Vi Diệu Thanh, Đức Phật Diệu Trang Nghiêm, Đức Phật Pháp Tràng, Đức Phật Thượng Thắng Thân, Đức Phật Biến Khả Ái Sắc, Đức Phật Quang Minh Biến Chiếu, Đức Phật Phạm Tịnh Vương, Đức Phật Thượng Tính.

Như vậy, các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều thị hiện ứng hóa chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển Vô thượng pháp luân, vì muốn độ thoát, đem an lạc đến cho tất cả chúng sinh… đã nói rõ như trên. Con cũng vậy, cùng với chúng sinh đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển đại pháp luân… nói rõ như trên. Thiện nam! Thiện nữ nào được nghe phẩm Diệt Nghiệp Chướng của kinh Kim Quang Minh vua của các kinh này thì các vị nên thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác giải nói rộng ra thì sẽ được vô lượng, vô số công đức rộng lớn. Ví như tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, cùng một lúc đều được thành tựu thân người, được thân người rồi, đạt được đạo Duyên giác. Thiện nam, thiện nữ nào trọn đời cung kính lễ bái, dùng bốn loại phẩm vật để cúng dường, đối với từng vị Duyên giác đều dùng bảy báu nhiều như núi Tu-di để cúng dường. Sau đó, từng vị Duyên giác đều vào Niết-bàn, những người ấy lại dựng tháp bằng bảy báu. Những gì là bảy báu? Là vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, mã não, xa cừ, ngọc báu xanh vàng… Những tháp ấy cao rộng mười hai do-tuần, lại dùng những hoa hương, cờ, phướn và lọng báu… tất cả đều dùng để cúng dường. Này thiện nam! Ý ông thế nào?

Thiện nam, thiện nữ đó được phước nhiều không?

–Rất nhiều, thưa Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Phẩm Diệt Nghiệp Chướng của kinh Kim Quang Minh, vua trong tất cả các kinh điển vi diệu này, ông phải thọ trì đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác giải nói rộng ra thì công đức thiện căn như đã nói trước đối với sự chứa nhóm công đức sau này, trăm phần chẳng bằng một! Dù trăm ngàn vạn ức phần tính toán, ví dụ cũng chẳng thể biết được! Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ đó trụ ở trong chánh hạnh, kính thỉnh Đấng Chánh Giác Thế Tôn nơi các cõi Phật khắp mười phương chuyển pháp luân Vô thượng, đều khiến cho Như Lai hoan hỷ khen ngợi. Này thiện nam! Như lời ta nói, trong tất cả sự bố thí thì pháp thí là hơn hết. Vậy nên, này thiện nam! Ở chỗ Tam bảo mà thiết lễ cúng dường chẳng thể sánh được, thọ trì Tam quy và các giới cấm chẳng thể sánh được. Tam bảo chẳng rỗng không chẳng thể sánh được. Đối với Tam bảo trong ba đời của tất cả thế giới mà thỉnh cầu trụ thế lâu dài chẳng thể so sánh được. Tất cả thế giới ở ba đời trong vô lượng kiếp, kính thỉnh Như Lai nói chánh pháp sâu xa, chẳng thể so sánh được. Tất cả chúng sinh của tất cả thế giới tùy sức lực, tùy khả năng, tùy tấm lòng mà ở trong ba thừa khuyên phát tâm Bồ-đề, chẳng thể sánh được. Đối với chúng sinh của tất cả thế giới trong ba đời đều khiến cho họ không trở ngại, mau chóng được thành tựu công đức đủ đầy, chẳng thể sánh được. Khuyên bảo chúng sinh của tất cả thế giới trong ba đời khiến cho họ không ngăn ngại nơi đạo Tam-bồ-đề, chẳng thể sánh được. Khuyên bảo chúng sinh của tất cả thế giới trong ba đời khiến cho họ ra khỏi bốn đường ác, chẳng thể sánh được. Khuyên bảo chúng sinh của tất cả thế giới trong ba đời khiến cho họ diệt hết nghiệp ác sâu nặng, chẳng thể sánh được. Tất cả khổ não mà khuyên bảo khiến cho họ được giải thoát, chẳng thể so sánh được. Tất cả sợ hãi khốn khổ bức bách mà khuyên bảo khiến cho họ được giải thoát, chẳng thể sánh được. Ở trước chư Phật ba đời, đem thiện căn công đức của tất cả chúng sinh mà khuyên bảo khiến cho họ đều tùy hỷ, tự phát nguyện nơi đạo Bồđề trong ba đời, chẳng thể sánh được. Diệt trừ hạnh ác, mắng nhiếc đường nghiệp ác và tất cả thiện căn công đức đều nguyện thu giữ, đời đời kiếp kiếp đều thỉnh cầu, cung kính cúng dường tất cả ngôi Tam bảo, thỉnh cầu khắp nơi đều thanh tịnh phước hạnh, thành tựu viên mãn đạo Tam-bồ-đề, thỉnh cầu viên mãn sáu pháp Ba-la-mật, thỉnh cầu chuyển pháp luân vô thượng, thỉnh cầu trụ vô lượng kiếp, nói vô lượng pháp vi diệu sâu xa… chẳng thể so sánh được!

Lúc đó, trời Đế Thích, nữ thần, sông Hằng, vô lượng Phạm vương và Tứ Thiên vương đứng dậy, đều sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay đảnh lễ, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng con được nghe vua của các kinh, là kinh Kim Quang Minh này, nay sẽ thọ trì đọc tụng, vì người khác giải nói rộng rãi, sẽ nương vào pháp này mà trụ. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì chúng con muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì theo nghĩa này, có vô số tướng để thực hành chánh pháp.

Lúc đó, Phạm vương và trời Đế Thích… đều vân tập đến chỗ nghe pháp, dùng vô số hoa Mạn-đà-la tung lên trên Đức Phật. Đất của tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động lớn, tất cả trống trời và các âm nhạc chẳng thổi mà tự kêu lên và phóng ra ánh sáng màu vàng ròng đầy khắp thế giới, phát ra tiếng nói: “Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này đem ân đức Từ bi đến khắp nơi, vô lượng lợi ích, làm tăng trưởng vô số thiện căn của các Bồ-tát, diệt trừ các nghiệp chướng.”

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Vì sao? Này thiện nam! Vì ta nhớ thuở xưa, cách đây hàng trăm ngàn a-tăng-kỳ kiếp, có đức Bảo Vương Đại Viêm Chiếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời và trụ ở thế giới trong sáu trăm tám mươi ức kiếp. Lần vân tập chúng hội đầu tiên của Đức Như Lai, có trăm ngàn vạn ức ức chúng đều đã chứng quả A-la-hán, các lậu đã hết, đủ sáu thần thông, tự tại vô ngại. Lần vân tập chúng hội thứ hai, có chín mươi ngàn vạn ức ức chúng đã chứng quả A-la-hán, các lậu đều hết, ba Minh, sáu Thông đều được tự tại. Lần vân tập chúng hội thứ ba, có chín mươi tám ngàn vạn ức ức chúng đều đã chứng quả A-la-hán, ba Minh, sáu Thông tự tại vô ngại. Lúc đó, Đức Như Lai Bảo vương Đại Viêm Chiếu vì muốn độ thoát đem lại an lạc cho tất cả Trời, Người, Phạm vương, Sa-môn, Bà-la-môn và các nhân dân nên xuất hiện ở đời. Này thiện nam! Bấy giờ, ta làm thân nữ tên là Phước Bảo Quang Minh. Lần vân tập chúng hội thứ ba, chỗ ngồi của ta gần chỗ Đức Thế Tôn, ta đã thọ trì đọc tụng kinh Kim Quang Minh này, vì người khác giải nói rộng rãi, vì chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy nên, Đức Thế Tôn ấy đã thọ ký cho ta: Thiếu nữ Phước Bảo Quang Minh này, ở đời vị lai, sẽ được thành Phật hiệu là Thíchca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi xả bỏ thân nữ, từ đó đến nay, ta luôn vượt hẳn bốn đường ác, sinh trong cõi trời, cõi người, thọ nhận niềm vui thượng diệu, tám mươi bốn trăm ngàn lần làm Chuyển luân vương, đến hôm nay được thành Phật, danh xưng vang lừng khắp cả thế giới.

Lúc này, hội chúng mới thấy Đức Như Lai Bảo Vương Đại Viêm Chiếu chuyển pháp luân Vô thượng, nói pháp vi diệu. Về phương Đông, cách cõi Ta-bà này trăm ngàn hằng hà sa số cõi Phật, có thế giới tên là Bảo trang nghiêm, hiện nay Đức Phật kia chưa nhập Niết-bàn vẫn đang giảng nói pháp vi diệu, hóa độ khắp tất cả chúng sinh.

Lại nữa, nếu có thiện nam, thiện nữ nghe danh hiệu của Đức Như Lai Bảo Vương Đại Viêm Chiếu này thì được không thoái chuyển ở địa Bồ-tát cho đến Bát-niết-bàn. Nếu có người nữ nghe danh hiệu của Đức Như Lai Bảo Vương Đại Viêm Chiếu thì lúc sắp lâm chung được Đức Thế Tôn đi đến chỗ người ấy. Được thấy Đức Phật rồi, người ấy chẳng bao giờ thọ thân nữ. Này thiện nam! Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này có vố số lợi ích, làm tăng trưởng vô số căn lành của các Bồ-tát, diệt trừ các nghiệp chướng. Này thiện nam! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di ở khắp nơi vì người khác giảng nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này thì ở tại đất nước của họ đều được bốn loại thiện căn công đức. Những gì là bốn?

  1. Quốc vương không có các bệnh tật, phiền não và các tai nạn.
  2. Tuổi thọ lâu dài, không có chướng ngại.
  3. Không có những oán thù, binh chúng hùng mạnh không ai có thể thắng nổi.
  4. An ổn vui vẻ, diệu pháp thường hưng thịnh. Vì sao? Vì vua cõi người như vậy thì Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương, chúng Dạ-xoa thường đến ủng hộ. Này thiện nam! Có việc như vậy không?

Tất cả vô lượng Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương và chúng Dạ-xoa đều đồng thanh đáp:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Ở cõi nước nào có giảng nói kinh này thì quốc vương các nước đó được chúng con và bốn Thiên vương thường đến ủng hộ, cùng gần gũi với các vua ấy. Nếu có tất cả tai nạn chướng ngại, oán thù thì chúng con và bốn Thiên vương đều có thể trừ sạch hết. Nếu có bệnh tật, phiền não, những điều chẳng vừa ý chúng con đều khiến cho trừ khỏi, tăng trưởng tuổi thọ. Đối với pháp cát tường, đối với pháp ái kính thì chúng con có thể khiến cho họ khởi tâm hoan hỷ. Chúng con cũng có thể làm cho binh chúng của những vua ấy đều hùng mạnh.

Đức Phật nói:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Đúng như lời ông nói! Các ông hãy như lời ta dạy mà tu hành! Vì sao? Vì các quốc vương này theo đúng như pháp tu hành, tất cả nhân dân đều theo vua tu tập. Nhân dân nào có thể theo đúng như pháp để tu hành thì các ông đều nhờ đó mà được sắc lực, an lạc, cung điện sáng đẹp, quyến thuộc cường thịnh

Các Đế Thích, Phạm vương… bạch:

–Đúng vậy! Bạch Thế Tôn!

Đức Phật nói:

–Ở đất nước này, khắp nơi đều giảng nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh thì các đại thần, tể tướng của các cõi nước mong nhờ bốn ân. Những gì là bốn?

  1. Tương thân, hòa kính, thương yêu, tôn trọng, nhẫn nhịn lẫn nhau.
  2. Thường được sự kính trọng của đức vua, cũng được sự cung kính ủng hộ của Sa-môn, Bà-la-môn, các cõi nước lớn, nhỏ.
  3. Khinh tài, trọng pháp, chẳng cầu thắng lợi, thanh danh lan truyền khắp nơi, mọi người đều khen ngợi ngưỡng mộ.
  4. Tuổi thọ lâu dài, yên ổn vui vẻ. Đó là bốn thứ ân đức.

Cõi nước nào tuyên nói kinh này thì Sa-môn, Bà-la-môn… được bốn công đức. Những gì là bốn?

  1. Đầy đủ y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men.
  2. Đều được an tâm ngồi thiền, đọc tụng.
  3. Nương vào núi rừng được ở yên vui.
  4. Nương vào tâm đều được thỏa mãn như ý.

Đó gọi là bốn công đức. Cõi nước nào giảng nói kinh này thì tất cả nhân dân đều được giàu có an vui, không có các dịch bệnh, khách thương buôn bán đổi chác thu hoạch được nhiều của báu, đầy đủ bốn phước. Đó gọi là đủ loại công đức lợi ích.

Lúc đó, Đế Thích, Phạm vương, bốn Thiên vương và đại chúng trong chúng hội này, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy, ý nghĩa kinh điển này rất sâu xa, nếu đời hiện tại có Đức Như Lai, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… thì pháp vẫn trụ thế chưa diệt, nhưng nếu khi kinh điển này diệt thì Chánh pháp cũng diệt.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Đúng vậy! Thể chất của kinh Kim Quang Minh này, một câu, một bài kệ, một phẩm, một bộ, nếu một lòng nghe chân chánh, một lòng gìn giữ chân chánh, một lòng suy nghĩ chân chánh, một lòng đọc tụng chân chánh, một lòng vì người khác giảng nói rộng truyền thì được an vui mãi mãi.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8