SỐ 191
KINH PHẬT THUYÊT CHÚNG HỨA-MA-ĐẾ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp Sư Pháp Hiền.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 9

Sau khi độ sáu mươi hiền giả rồi, Đức Phật suy nghĩ: “Ai sẽ là người nên được hóa độ tiếp theo?” Ngài nhớ đến Nan-na và người con gái lớn cùng quyến thuộc của ông ở vùng Tây-nẵng-dã-nhĩ. Lúc còn tu khổ hạnh, Ngài có đi qua nhà họ và được họ cung dường cháo sữa, mật ong, nay xét thấy căn duyên của họ đã thành thục, có thể hóa độ được. Nghĩ như thế nên sáng ngày mai, đến giờ ăn, Đức Thế Tôn ôm bình bát đi vào xóm Tây-nẵng-dã-nhĩ, tuần tự đi đến từng nhà để khất thực. Khi tới nhà Nan-na, ông ta và người con gái lớn cùng thân quyến thấy Đức Phật đến thì vô cùng vui mừng, liền vấn an Đức Phật:

-Quý hóa thay! Đức Thế Tôn, Thánh thể của Ngài có an vui không? Thỉnh Ngài từ bi vào nhà chúng con.

Đức Phật liền vào nhà. Nan-na sửa soạn chỗ ngồi cho Phật, rồi cùng con gái và quyến thuộc cung kính cúi đầu lễ dưới hai chân Đức Phật. Lễ xong họ đều ngồi sang một bên.

Bấy giờ Thế Tôn bèn vì họ mà thuyết pháp:

Này Nan-na, các vị hãy lắng nghe cho kỹ, bố thí và giữ giới là nhân được sinh lên cõi trời, tuy hưởng vui sướng nhưng rồi hết phước, cuối cùng sẽ trở lại vòng luân hồi, vậy các ngươi phải dứt hết phiền não để tìm giải thoát.

Đức Phật lại giảng sâu rộng về lý của sự sinh diệt để họ liễu ngộ chân lý. Vì Nan-na căn duyên đã thành thục, nên nghe Đức Phật thuyết pháp thì những mê mờ ngăn ngại liền được tiêu trừ, chú tâm tư duy liền khởi lên niềm vui vô hạn. Đức Phật lại giảng rộng về Tứ thánh đế khiến Nan-na cùng con gái và quyến thuộc ngay tại chỗ ngồi đạt được trí tuệ, ngộ được lý của pháp Tứ đế, đoạn trừ các nghi hoặc, dứt hết tham ái, một lòng tin theo Phật pháp. Tất cả bèn đứng lên chắp tay, đảnh lễ Phật, thưa:

-Bạch Đức Thế Tôn, chúng con nay nhờ Phật nói pháp nên đạt được tri kiến chân thật. Nay chúng con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng-già, nguyện làm Phật tử cận sự suốt đời không sát sinh.

Lại bạch Phật:

-Đã đến giờ thọ trai, xin Đức Phật từ bi thọ nhận sự cúng dường của chúng con.

Đức Phật im lặng tỏ ý chấp nhận. Nan-na và quyến thuộc thấy thế biết Đức Phật đã chấp nhận, liền tự tay dâng lên Đức Phật các loại hương hoa, cùng các thức ăn uống. Sau khi Đức Phật thọ trai, súc miệng rửa mặt xong, Nan-na cùng quyến thuộc ngồi ở dưới để chờ nghe Phật nói pháp.

Đức Phật khéo léo dùng phương pháp thích hợp để giảng nói. Nan-na và quyến thuộc được nghe pháp đều hết sức vui mừng, cùng nhau lễ Phật và lui ra.

Sau khi hóa độ Nan-na và gia đình xong, Đức Phật suy nghĩ, muốn đến nước Ma-già-đà để tùy duyên làm lợi ích, đem lại an lạc cho chúng sinh. Bấy giờ trong nước Ma-già-đà có vị thầy tướng giỏi tên Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp, đã ba trăm tuổi, tự cho là đã đắc quả A-la-hán, sống ở gần bên sông Ni-liên. Chúng đệ tử thân cận có đến năm trăm người. Vua nước Ma-già-đà cùng quan lại, dân chúng đều cung kính cúng dường ông hơn bất cứ ai trên đời. Vô số người dân trong nước Ma-già-đà như bị mê hoặc nên xem Ô-lỗ-vĩ-loa như người dẫn đạo.

Mặc dù được vị đạo sĩ ấy hóa độ, nhưng không một ai được giải thoát. “Nay Ta sẽ hóa độ cho Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp và dân chúng nưóc đó khiến họ đạt được chánh đạo!” Đức Phật suy nghĩ như thế thì cũng vừa lúc Ngài đi tới chỗ ở của Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp, bên bờ sông Ni-liên thuộc nước Ma-già-đà. Khi ấy Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp chợt thấy Đức Phật đi tới chỗ mình lại thấy Phật có nhiều tướng tốt, oai đức khác thường, liền tiến lên nghênh tiếp, lòng càng thêm cung kính, hỏi Đức Phật:

-Quý hóa thay! Thưa Sa-môn, Ngài trước đây ở đâu mà nay bỗng nhiên đến đây?

Ô-lỗ-vĩ-loa vừa hỏi vừa lo sửa soạn chỗ ngồi để mời Thế Tôn an tọa.. Đức Phật ngồi vào chỗ, đạo sĩ cũng ngồi vào và dùng những lời lẽ đẹp để thăm hỏi Thế Tôn. Đức Thế Tôn cũng dùng lời lẽ ôn tồn để khai mở đạo lý nhằm giáo hóa ông ta. Chuyện trò chưa hết, mặt trời đã ngã về Tây. Đức Phật nói:

-Trời đã về chiều, người có nơi nào yên tĩnh, cho Ta nghĩ qua một đêm?

Đạo sĩ đáp:

-Thưa Đại Sa-môn, các phòng đều có người cả, chỉ có một nơi yên tĩnh hợp với Đại Sa-môn, nhưng bên trong lại có con độc long, nếu ở đó sợ nó làm thương tổn đến Ngài, xin Ngài suy nghĩ.

Đức Phật bảo Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp:

-Xin ngài cho Ta được ở nơi ấy, chắc không hại gì.

Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp nói:

-Nếu có thể được, xin tùy ý Ngài.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền đến hang của độc long. Đức Phật rửa chân xong, rồi vào hang, tự tìm cỏ sạch trải làm chỗ ngồi rồi ngồi lên cỏ nhập vào chánh định.

Rồng độc bỗng thấy Đức Thế Tôn đang ngồi trong hang của nó, liền nỗi cơn phẫn nộ hóa ra khói và sương mù bao trùm cả bên trong và bên ngoài hang. Đức Phật dùng thần lực, cũng biến ra sương và khói. Rồng độc càng nổi giận, nên biến ra lửa cháy trong hang. Đức Phật cũng hóa lửa, cả hai thứ lửa càng bốc lên dữ dội bao trùm cả trong lẫn ngoài hang làm sáng rực cả một vùng.         Đạo sĩ Ca-diếp mỗi đêm thường ra ngoài ngắm sao, bỗng thấy hang rồng lửa bốc cao ngất liền thương cảm, than thở:

-Khổ thay! Khổ thay! Vị Sa-rnôn đoan chính kia vì không nghe lời ta, lửa của độc long sáng mãnh liệt gấp bội ngày thường như thế chắc là ông ta bị hại rồi, thật là đáng tiếc!

Bấy giờ các đệ tử của Ca-diếp đều thấy ngọn lửa ấy, còn độc long thì biết là không thể hại được Thế Tôn, thân mình cũng đã mỏi mệt nên ngọn lửa ác kia cũng tự tiêu diệt. Đức Thế Tôn bèn thu hồi thần lực, hàng phục độc long thâu vào trong bình bát. Trời sáng Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp và các đệ tử đến hang rồng để xem xét, tới nơi thấy Đức Phật bình yên, liền thưa:

-Thưa Đại Sa-môn, đêm qua Ngài vẫn bình yên chứ?

Đức Phật đáp:

-Ta bình yên.

Lại hỏi:

-Ngài chứa gì trong bình bát vậy?

Đức Phật đáp:

-Đó là con rồng trong hang. Ông bảo là trong hang này có con độc long không ai dám ở, nay Ta đã hàng phục thu nó thâu vào trong bình bát. Ông hãy xem đi cho biết thật hư.

Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp thường coi mình tuổi cao đức lớn, tu hành khổ hạnh, học lực uyên bác, những điều hiểu biết không ai hơn mình, nay thấy lửa rồng không hại được Thế Tôn, lại còn hàng phục con vật ấy thâu nó vào trong bát thì lên tiếng khen:

-Kỳ diệu thay! Vị Đại Sa-môn thật có uy đức lớn, điều đó thật ta chưa hề thấy. Ngài đúng là Đại Sa-môn, Đại Trượng Phu, một vị chân A-la-hán.

Đức Thế Tôn sau khi hàng phục độc long, qua ngày thứ hai. Ngài đi kinh hành một cách an lành dưới bóng cây gần nơi ở của         Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp. Đêm đến có bôn vị Đại thiên vương xuống nghe Đức Phật thuyết pháp. Lúc ấy Ca-diếp thức dậy xem thiên văn, thấy trước chỗ Phật ngồi có bôn ngọn lửa lớn, liền nói với đệ tử:

-Vị Sa-môn kia cũng thờ lửa.

Các đệ tử hỏi:

-Sao thầy biết được?

Ca-diếp bảo:

-Vừa rồi ta ngắm thiên văn, thấy trước chỗ vị Sa-môn kia có bôn ngọn lửa lớn nên biết vị Sa-môn ấy chắc chắn cũng thờ lửa.

Trời mới sáng, Ca-diếp vội đến chỗ Đức Phật thưa:

-Thưa Đại Sa-môn, Ngài cũng thờ lửa chăng?

Đức Phật đáp:

-Ta không thờ lửa.

Ca-diếp hỏi:

-Đêm hôm rồi tôi ngắm thiên văn, thấy trước chỗ Ngài có bôn ngọn lửa lớn. Nếu Ngài không thờ lửa thì dùng ngọn lửa ấy để làm gì?

Đức Phật đáp:

-Không phải lửa đâu, ấy là bốn Đại thiên vương đến nghe Ta thuyết pháp, ánh sáng ấy là từ thân họ phát ra.

Ca-diếp giật mình nói:

-Kỳ diệu thay! Bậc Sa-môn đã tạo được việc ấy. Chắc là do Ngài có uy đức lớn, cảm được các vị Thiên vương nên họ mới đến nghe pháp. Phải chăng Ngài chính thật là A-la-hán?

Đến ngày thứ ba, vào lúc nửa đêm, vua trời Đế Thích xuống chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật rồi ngồi sang một bên.         Đức Phật liền nói pháp cho Đế Thích. Đế Thích nghe được pháp ấy vô cùng vui mừng phấn khởi, lễ Phật rồi lui về thiên cung.         Đêm ấy, Ca-diếp cũng ra xem thiên văn, thấy dưới bóng cây, nơi chỗ Phật ngồi có một ngọn lửa thật lớn, ánh sáng rực rỡ như mặt trời mới mọc, bèn nói với các đệ tử:

-Chắc chắn vị Sa-môn kia theo thờ đạo lửa rồi.

Sáng ra, ông cùng các đệ tử đến chỗ Đức Phật thưa:

-Thưa Đại Sa-môn, đêm qua tôi xem thiên văn, lại thấy nơi chỗ Ngài có một ngọn lửa rực rỡ như mặt trời mới mọc. Tôi nay cho rằng Ngài nhất định thờ lửa.

Đức Phật bảo:

-Ta không thờ lửa. Đêm qua Đế Thích xuống đây nghe thuyết pháp, đó là ánh sáng nơi thân ông ta chiếu ra.

Ca-diếp khen:

-Kỳ diệu thay! Bậc Sa-môn có uy đức lớn, thật là điều chưa từng thấy. Tôi nay tin chắc Ngài cũng là vị La-hán.

Đến đêm thứ tư, Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp cũng ra ngoài ngắm sao, lại trông thấy trước chỗ ngồi của vị Sa-môn có ngọn lửa thật lớn, ánh sáng rực rỡ như mặt trời giữa trưa. Ca-diếp liền nói với chúng đệ tử:

-Đêm nay ta ra xem sao, thấy trước chỗ vị Sa-môn ngồi có ngọn lửa ánh sáng rực rỡ hơn những lần trước, như ánh mặt trời giữa trưa, xem như thế thì chắc vị Sa-môn ấy có thờ lửa.

Đến sáng Ca-diếp cũng lại tới chỗ Đức Phật, thưa:

-Đêm rồi tôi xem sao, thấy trước chỗ Ngài có ngọn lửa lớn, tôi tin chắc là Ngài thờ lửa.

Đức Phật đáp:

-Này Ca-diếp, Ta có cầu gì đâu mà cần đến lửa? Đêm qua vua trời Phạm thiên, chủ cõi Ta-bà đến ngồi trước Ta để nghe thuyết pháp, ánh sáng ông thấy là từ nơi thân tướng của Phạm thiên vương phát ra đó.

Ca-diếp lại khen ngợi:

-Vị Đại Sa-môn này có đủ uy đức lớn như vậy nên mới cảm được Phạm thiên vương đến nghe thuyết pháp! Thật là hy hữu!         Tôi nay biết chắc là Ngài cũng đã chứng A-la-hán.

Đến ngày thứ năm, năm trăm đệ tử của Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp, đứng đầu là Ma-noa-phược-ca, mỗi người đều dùng ba chiếc lò để thờ lửa, tổng cộng là một ngàn năm trăm lò. Lúc ấy Đức Thế Tôn đang ở dưới bóng cây gần đó, lại gặp lúc các đệ tử của Ca-diếp đang dùng lửa để tế trời. Năm trăm người đó cứ theo nghi thức thường lệ mà nhóm lò, nhưng lửa không cháy, họ bèn đi báo với thầy, thưa:

-Thầy có biết không, hôm nay chúng con nhóm lò nhưng lửa không cháy, không biết vìnguyên nhân gì?

Ca-diếp suy nghĩ: “Việc này chắc là do vị Sa-môn kia đang ở gần đây, do uy lực của người chế phục nên sinh ra như vậy”, liền cùng các đệ tử đến chỗ Đức Phạt thưa:

-Thưa Bậc Đại Sa-môn, đệ tử tôi là Ma-noa-phược-ca cùng cả thảy năm trăm người, thường theo nghi thức dùng lửa tế trời, nhưng sáng hôm nay họ nhóm lửa mãi mà lửa không cháy, tôi ngờ là do uy lực của Sa-môn chế phục chăng?

Đức Phật nói:

-Ông muốn lửa cháy không?

Ca-diếp đáp:

-Muốn lửa cháy.

Đức Phật bảo:

-Ông về đi, tự nhiên lửa sẽ cháy.

Ca-diếp trở về thì thấy lửa đã cháy. Ca-diếp và các đệ tử đều khen ngợi:

-Vị Đại Sa-môn này có thần lực như thế, chắc cũng đã chứng được quả A-la-hán.

Họ dùng lửa tế rồi, muốn tắt lửa thì lửa không tắt, dùng đủ cách cũng không sao dập tắt lửa được. Ma-noa-phược-ca cùng các bạn liền đến chỗ thầy trình bày sự việc. Ca-diếp nói:

-Đây chắc cũng do vị Sa-môn kia chế phục.

Nói xong, họ liền cùng nhau đến chỗ Đức Phật thưa:

-Thưa Sa-môn, lửa tuy đã cháy rồi, nhưng nay lại không tắt được, phải chăng là do uy lực của Ngài chế phục?

Đức Phật hỏi:

-Ông muốn tắt lửa chăng?

Ca-diếp thưa:

-Muốn làm cho lửa tắt.

Đức Phật bảo:

-Các ông về đi, lửa sẽ tự tắt.

Ca-diếp trở về thì lửa đã tắt, nên cất lời khen ngợi:

-Vị Đại Sa-môn ấy có thần lực như vậy đúng cũng là một vị La-hán.

Đến ngày thứ sáu, Ô-lô-vĩ-loa Ca-diếp lại muốn dùng lửa tế trời, nhưng đốt không cháy, ông bèn nhập định nhằm khiến cho lửa cháy, nhưng lửa vẫn không cháy liền đến chỗ Đức Phật, thì sự việc lại cũng diễn ra như trước, đến khi muôn tắt thì cũng không sao tất được và cũng lại đến chỗ Phật, rồi sự việc cũng diễn ra như vậy.

Sau khi lửa tắt, tro dồn chung một chỗ, bỗng sau đó tro lại bừng cháy, họ cùng nhau diệt lửa mà vẫn không sao dập tắt được.         Lại đến bạch Đức Phật và sự việc cũng diễn ra như những lần trước. Ca-diếp kinh ngạc nghĩ: “Vị Sa-môn ấy có thần lực thật là kỳ diệu, ta muốn đốt lửa, lửa không cháy được, đến thưa thì lửa cháy. Ta muốn dập tắt lửa, lửa không chịu tắt, đến thưa thì lửa tắt.         Rồi lửa lại bừng cháy, không sao tắt được, đến thưa thì lửa tự nhiên tắt. Uy lực của người thật lớn lao, thật là hy hữu! Vị ấy đúng là một vị La-hán.”

Hôm sau, Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp muốn tổ chức bảy ngày hội theo pháp ngoại đạo. Vua nước Ma-già-đà cùng mọi người trong nước đều hay biết. Ca-diếp suy nghĩ: “Nay vị Đại Sa-môn đang ở gần đây, trước đây việc thờ lửa đã bị uy lực của người chế phục, nếu trong bảy ngày này, vị Sa-môn ấy không đến thì đại hội ta ắt thành. Nếu vị ấy đến ta e sẽ bị chế phục, vả lại vị Sa-môn ấy tướng tốt, oai nghi vượt chúng, nếu mọi người trong nước được trông thấy thế, chắc họ sẽ bỏ ta mà theo người?” Vì việc đó nên Ca-diếp cứ mãi suy nghĩ. Đức Phật đã ngầm biết được nên trong bảy ngày ấy Ngài bèn đi du hóa nơi khấc. Trong khoảng thời gian đó, Ca-diếp cùng các đệ tử không thăy Đức Phật đâu cả. Trong suốt bảy ngày hội, mọi người trong nước đem nhiều hương, hoa cùng của cải quý giá đến cúng dường. Khi lễ hội xong, Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn kia trong bảy ngày qua không thấy đâu, ta nay thiết lễ được nhiều của cải. Nếu vị Sa-môn đến đây, ta sẽ cúng dường.” Đức Phật biết được ý nghĩ của Ca-diếp nên trở lại. Ca-diếp thấy Đức Phật đến thì vô cùng vui mừng, nghĩ: “Vị Sa-môn này ta vừa nghĩ thì đã đến ngay”, liền bạch Phật:

-Thưa Sa-môn, Ngài đã trở về!

Đức Phật đáp:

-Phải, Ta đã trở về.

Ca-diếp lại hỏi:

-Trong bảy ngày qua sao Ngài không tới?

Đức Phật nói:

-Ông đã suy nghĩ rằng trong bảy ngày mở pháp hội ấy, nếu vị Sa-môn kia đến thì sợ pháp không thành. Ta biết ý ông nên không tới. Nay ông lại nghĩ rằng pháp hội đã xong, nếu Sa-môn đến thì ta sẽ cúng dường, Ta biết như thế nên đến đây.

Ca-diếp thầm nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này phải là Bậc Đại Thánh nên biết được ý nghĩ của ta, chắc chắn Ngài là Bậc A-la-hán.”         Đức Phật và Ca-diếp chuyện trò xong, ai về chỗ nấy.

Sau đó, Ca-diếp với lòng thành kính, thanh tịnh sửa soạn một bữa ăn vô cùng thơm ngon, đợi đến ngày mai, đích thân đến bạch Phật:

-Bạch Sa-môn, tôi đã hết lòng sửa soạn bữa trai xong, xin Ngài đến chỗ tôi thọ nhận cúng dường.

Đức Phật nhận lời và nói:

-Ông về trước, Ta sẽ đến.

Ca-diếp đi rồi Đức Thế Tôn nhập Tam-ma-địa và chỉ trong chốc lát như khoảng thời gian người tráng sĩ co duỗi cánh tay, đã đến Nam thiệm-bộ châu hái đầy bát trái của cây Thiệm bộ rồi trở về trước cả Ca-diếp, ngồi kiết già trong tịnh thất của ông ta. Ca-diếp về đến, thấy Đức Phật đã tới trước mình nên kinh ngạc nói:

-Ngài đã đến rồi sao?

Đức Phật đáp:

-Ta đến từ lâu rồi.

Ca-diếp hỏi:

-Ngài theo đường nào đến đây?

Đức Phật đáp:

-Ta từ chỗ ở đi đến cõi Thiệm-bộ châu hái quả Thiệm-bộ rồi trở về đây.

Ca-diếp tán thán:

-Vị Đại Sa-môn quả thật có thần lực phi thường. Trong khoảng thời gian ngắn có thể đến đó hái quả đem về. Ngài đúng là vị A-la-hán vậy.

Đức Phật lấy quả Thiệm-bộ đưa cho Ca-diếp xem và hỏi Ca-diếp:

-Ông đã thấy quả này chưa?

Ca-diếp đáp:

-Tôi chưa hề thấy.

Đức Phật hỏi:

-Ông thích ăn không?

Ca-diếp đáp:

-Thích ăn.

Đức Phật bảo:

Vậy ông cứ tự nhiên.

Ca-diếp ăn trái ấy khen là chưa từng có. Ăn xong, Ca-diếp tự thân dâng lên Phật những thức uống đã chuẩn bị sẵn. Đức Phật thọ thực xong, súc miệng rửa mặt và nói kệ chúc nguyện cho Ca-diếp, rồi Ngài trở về bên cội cây.

Ngày thứ hai, Ca-diếp đến thỉnh Phật thọ cúng dường. Như lần trước, Đức Phật nhập Tam-ma-địa đến xứ Phất-bà-đề hái quả Am-ma-la và về nơi ngụ của Ca-diếp trước.

Ngày thứ ba, sau khi nhận lời mời cúng dường của Ca-diếp, Phật cũng nhập định, đến Tây cù-đà châu hái quả Vĩ-loa-ca-bế-tha và quay về chỗ của Ca-diếp trước khi ông ta về tới.

Ngày thứ tư, Ca-diếp lại thỉnh Đức Phật đến cúng dường, lần này Đức Phật nhập định đến Bắc câu-lô châu lấy loại gạo tự nhiên đầy bát đem về, ngồi yên ổn nơi nhà của Ca-diếp, hồi lâu Ca-diếp mới về tới.

Ca-diếp hỏi:

-Ngài đến từ con đường nào?

Đức Phật đáp:

-Ta vừa đi tới Bắc câu-lô châu lấy cơm của thứ gạo tự nhiên đầy bát đem về đây.

Ca-diếp lại khen Phật là vị Đại Sa-môn có thần thông kỳ diệu. Đức Phật hỏi Ca-diếp có thích thứ cơm của loại gạo tự nhiên lấy từ Bắc câu-lô châu về không, Ca-diếp trả lời là thích ăn. Đức Phật bảo:

-Ông cứ tự nhiên.

Ca-diếp ăn xong khen ngon chưa từng thấy, rồi dâng thức ăn đã nấu xong lên Đức Phật. Đức Phật thọ thực xong, súc miệng, rửa tay, nói kệ chúc nguyện Ca-diếp rồi về nơi cội cây.

Hôm sau, Đức Phật ôm bình bát lên cõi trời Tứ Thiên vương, đến thẳng cung Đao-lợi nhận món Thiên tô (loại sữa đặc biệt) trở về cội cây thọ trai. Thọ thực xong, Đức Phật nghĩ tới nước để rửa. Vua trời Đế Thích biết ý nên đến bạch Phật:

-Ngài cần nước chăng?

Đức Phật đáp:

-Ta cần nước.

Đế Thích trông thấy bên cạnh có cái ao khô, liền chỉ ngón tay xuống ao, lập tức nước vọt lên đầy ao trong trẻo, thơm sạch để Phật có nước sử dụng. Công việc hoàn tất, Đế Thích liền trở về thiên cung.

Ca-diếp đến nơi bỗng thấy chiếc ao cạn khô nước từ lâu, hôm nay lại tràn ngập nước không biết từ đâu đến nên vô cùng ngạc nhiên vội vàng đến chỗ Đức Phật thưa:

-Thưa Bậc Đại Sa-môn, ao này đã khô nước từ lâu, sao nay nước từ đâu đến mà đầy tràn như vậy?

Đức Phật đáp:

-Hôm nay Ta ăn xong, không có nước rửa, Đế Thích biết việc ấy nên vì Ta mà đến làm cho ao có nước.

Ca-diếp khen:

-Thật là chưa từng có! Lên trời lấy thức ăn, nước có Đế Thích làm ra, Ngài có năng lực chiêu cảm đến trời như thế, thật đúng là vị A-la-hán.

Ca-diếp liền đặt tên cho ao là Bá-nĩ-khưu-đa.

Sau đó, Đức Phật xuống ao tắm. Trên bờ ao có cội cổ thụ tên là A-tổ-la-nấng, Phật mắc áo ca-sa trên cây. Ca-diếp đến thấy áo mắc ở đó biết là Phật xuống ao tắm liền tới xem Đức Phật tắm. Tắm xong lên bờ, Đức Phật đưa tay lên thì cành cây tự sà thấp xuống. Ca-diếp thấy thế càng kinh ngạc khen thầm: “Vị Đại Sa-môn này thật khó nghĩ bàn, cảm hóa được cả cây cối vô tri, chắc         Ngài đã chứng quả La-hán rồi.”

Sau khi tắm, Đức Phật muốn giặt y, nghĩ cần một tảng đá. Đế Thích biết ý liền đến bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, Ngài cần tảng đá để giặt chăng?

Đức Phật đáp:

-Phải, Ta cần.

Đế Thích liền lệnh cho các thần Dạ-xoa trên núi chọn sửa một tảng đá vuông vức đem đến bên ao để Phật giặt áo. Giặt xong, Đức Phật lại muốn có chỗ để phơi, Đế Thích lại truyền Dạ-xoa mang đến một tảng đá đặt bên bờ ao để Đức Phật phơi áo.

Ca-diếp lại đến bên bờ ao thấy tự nhiên có tảng đá nến rất kinh ngạc, nghĩ: “Bờ ao trước đây không có đá, sao nay lại có?”, bèn bạch Đức Phật:

-Thưa Đại Sa-môn, các tảng đá trên bờ ao do đâu mà có?

Đức Phật trả lời:

-Vì Ta muốn có các tảng đá để giặt và phơi ca-sa, nên Đế Thích đã cho đem đến đấy.

Ca-diếp khen:

-Vị Đại Sa-môn này làm những điều ít có trên đời, chắc là đã chứng quả A-la-hán rồi, sở chứng của Ngài hơn hẳn ta.

Đức Phật biết tâm của Ca-diếp như có điều tỉnh ngộ, nên với ý định tìm mọi cách như hiện ra những điều lạ để thức tỉnh Ca-diếp đi vào chánh đạo, Đức Phật liền biến nước sông Ni-liên bỗng dâng tràn lên, hai bên bờ sông đều ngập nước, những nơi như triền dốc, ao hồ khô cạn, bấy giờ đầy ắp nước, nơi Phật ở là trung tâm làn nước mênh mông ấy. Đức Phật lại dùng thần lực làm nước chảy vòng quanh chỗ Ngài, bốn mặt như là bức tường nước, còn ở giữa thì khô ráo. Ca-diếp thấy nước dâng nhiều như thế, nghĩ: “Nơi ở của vị Đại Sa-môn kia chắc là bị ngập cả”, nên vội chèo thuyền đến nơi, nhưng thấy Đức Thế Tôn đi kinh hành dưới bóng cây, chỗ ấy hoàn toàn khô ráo, lại bị bức tường nước ngăn không sao đưa thuyền qua được, kinh ngạc vô cùng, từ xa lên tiếng hỏi:

-Thưa Sa-môn, Ngài vẫn an ổn chứ? Có lo sợ gì không?

Đức Phật đáp:

-Ta không có gì lo sợ cả, phiền ông thăm hỏi.

Ca-diếp thầm nghĩ: “Vị Sa-môn này có nhiều thần thông, sao lại không đi khỏi nơi ấy”, bèn hỏi Phật:

-Ngài muốn lên thuyền để rời khỏi nơi đó không?

Đức Phật đáp:

-Muôn rời khỏi.

Ca-diếp nói:

-Nếu muốn rời khỏi thì Ngài hãy tự lên thuyền đi.

Đức Phật dùng thần lực, tức khắc vào ngồi kiết già trong thuyền. Ca-diếp thấy Phật đã ngồi trong thuyền rồi mà không biết Ngài lên thuyền bằng cách nào, thầm nghĩ: “Vị Sa-môn này là Bậc Đại Trượng Phu, có đại uy uy lực nên mới có thần thông như vậy. Ta cũng chứng La-hán nhưng không bằng chỗ chứng ngộ như Ngài.” Đức Phật biết Ca-diếp đã hồi tâm, liền nói:

-Ngươi nói đã chứng A-la-hán, nhưng thật ra người chưa chứng. Ca-diếp bỗng nghe Đức Thế Tôn nói như thế, kinh hãi, lông tóc dựng đứng, tự trách lỗi mình: “Vị Đại Sa-môn này biết tất cả mọi việc của ta. Nay ta nên tôn Ngài làm Thầy để tiến tu đạo hạnh.” Nghĩ thế rồi Ca-diếp liền bạch Phật:

-Thưa Đại Sa-môn, Ngài đã biết mọi ý nghĩ của con, nay con muốn xuất gia theo chánh pháp, làm đệ tử, học hỏi lời dạy của Ngài để tu trì phạm hạnh, xin Ngài thương mà chiếu cố chấp nhận cho.

Đức Phật biết Ca-diếp đã đến lúc có thể giác ngộ, lại muốn dùng phương tiện để hóa độ đệ tử của ông, nên nói với Ca-diếp:

-Ông muốn theo Ta xuất gia làm Sa-môn, nhưng có cho tất cả đệ tử ông biết không?

Ca-diếp thưa:

-Các đệ tử chưa biết.

Đức Phật nói:

-Ông là thầy của họ, không nên vội vàng mà phải về bàn với các đệ tử, nếu tất cả bằng lòng thì lại đến đây.

Trời còn sớm, Ca-diếp theo lời Phật dạy vội trở về cùng với Ma-noa-phược-ca và chúng đệ tử họp tại một chỗ rồi nói:

-Vị Đại Sa-môn kia tướng tốt lạ thường, thần thông không ai sánh kịp, mọi ý nghĩ, việc làm của Ngài chư Thiên đều biết, có vị đến nghe thuyết pháp, có vị biết Ngài cần gì thì liền đến giúp đỡ. Thấy những biến hóa của Ngài ta đây thật không bằng. Nay ta muốn xuất gia tôn Ngài làm Thầy để tiến tu đạo hạnh, ta đã quyết định rồi, các người thì thế nào cứ suy nghĩ rồi nói thật với ta.

Ma-noa-phược-ca thưa với thầy:

-Đầu tiên vị Đại Sa-môn hàng phục được rồng độc, thần thông lạ thường, biết được ý nghĩ của người khác, mọi người đều chứng kiến. Tất cả những gì chúng con học được đều do thầy truyền, thế mà thầy không bằng Bậc Sa-môn kia thì chúng con còn nói gì nữa. Nếu như thầy đã quyết chí xuất gia, chúng con nguyện đi theo. Nếu thầy đạt đạo xin cứu độ chúng con. Tất cả chúng con đã một lòng quyết tâm, nay nên đi ngay chớ để lỡ dịp.

Ca-diếp biết các đệ tử đều chí thành xuất gia, liền bảo họ đem hết những dụng cụ thờ lửa, các chiếc áo bằng da nai, bằng vỏ cây, tịnh bình, gậy, giày bằng da thú… bỏ hết xuống sông Ni-liên để tỏ quyết tâm không trở về con đường cũ nữa. Sau khi xong thầy trò cùng nhau đến chỗ Đức Phật đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi Ca-diếp:

-Ông đã đến?

Ca-diếp đáp:

-Nay con cùng các đệ tử đều muốn xuất gia tu học theo pháp của Ngài.

Đức Phật đã biết nhưng lại hỏi:

-Các đệ tử của ông đều thành tâm cả chứ?

Ca-diếp thưa:

-Con và các đệ tử đều một lòng thành, cúi xin Ngài thương xót cứu độ.

Đức Phật yên lặng tỏ ý chấp nhận họ làm Sa-môn và nói:

-Từ nay cắc ông mới thật là xuất gia, mới thật có phạm hạnh, mới thật là Sa-môn vận áo ca-sa.

Bấy giờ Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp thân khoác áo ca-sa đúng hình tướng của một Sa-môn, nghe Phật dạy:

-Nay ông mới thật là kẻ xuất gia, mới thật là có phạm hạnh. Ca-diếp tự thân vui mừng, tâm tự ngã liền trừ diệt hoàn toàn, lại khởi lên suy nghĩ: “Xưa các Đại tiên thường nói, thế gian ít khi có Phật xuất hiện làm hưng thịnh cho đời. Đức Phật đã đạt Nhất thiết trí, đã đạt giác ngộ hoàn toàn. Ngài là Bậc Đại Thánh có năng lực đem lại lợi ích, an vui cho tất cả thế gian từ cõi trời đến cõi người.” Lúc trước, ban đêm ta ra xem thiên văn, thấy có ngọn lửa lớn, nghĩ là Ngài thờ lửa cùng đạo với ta, hóa ra là Phạm vương, Đế Thích cùng Tứ Thiên vương đến nghe thuyết pháp, chỉ điều đó thổi thì Ngài đã là Đại Thánh rồi, Ngài không phải là Thánh thì còn ai là Thánh?”

Từ đó Ca-diếp không gọi Phật là Sa-môn mà gọi Ngài là Thế Tôn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13