SỐ 191
KINH PHẬT THUYÊT CHÚNG HỨA-MA-ĐẾ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp Sư Pháp Hiền.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 4

Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa cầm cung tên ra khỏi thành Ca-tỳ-la để tập bắn, Thái tử Tất-đạt-đa biết điều ấy, nên cùng với năm trăm quyến thuộc cũng cầm cung tên ra khỏi thành. Đến nơi, Đề-bà từ xe nhắm bắn một thân cây, trúng tên cây đổ ngay. Thái tử cũng nhắm bắn một cây, cây tuy bị trúng tên đứt làm đôi nhưng vẫn đứng yên. Đề-bà-đạt-đa thấy thế hỏi Thái tử:

-Tôi nghe Ngài đã hiểu thông năm thế bắn, nhưng sao bắn cây ấy lại không trúng?

Đề-bà vừa nói xong thì một trận gió nỗi lên và cây bị bắn trúng ấy liền đổ xuống, khiến ông ta rất kinh ngạc. Đó là do vị vua trời Đế Thích suy nghĩ: “Nay ta phải làm hiển lộ thần lực của Bồ-tát, nếu không thì làm sao chúng sinh biết là Bồ-tát có khả năng thông đạt tất cả mọi việc”, nên làm ra trận gió ấy.

Lúc ấy Thái tử liền cho xếp bảy cây Bố-đa-la, bảy chiếc trống sắt và bảy chiếc thùng sắt và bảo mọi người bắn. Đề-bà-đạt-đa bắn thủng cây gỗ thứ nhấu Nan-đà bắn xuyên đến cây thứ hai, còn Thái tử Tất-đạt-đa thì bắn xuyên thủng cả bảy cây gỗ, bảy chiếc trống sắt và bảy chiếc thùng sắt, mũi tên của Thái tử còn xuyên đến cung điện của Long vương. Long vương trông thấy mũi tên của Bồ-tát bắn bèn nhặt chiếc tên ấy đem cắm ở phía trên dòng suối làm vọt nước ra. Những người Bà-la-môn, cư sĩ có tín tâm liền xây tháp nơi đó để cúng dường, những vị Tỳ-kheo thường đến chiêm bái.

Sau cuộc thi bắn, Thái tử lên xe trở về cung. Khi đó có vị tướng sư đoán đến năm mười hai tuổi, nếu Thái tử không xuất gia thì sẽ là vị Chuyển luân vương cai trị bốn châu, có ngàn người con vây quanh. Tịnh Phạn vương nghe thế rất vui mừng, bèn báo tin cho các quan biết. Một vị đại thần tâu:

-Nếu bệ hạ muốn Thái tử nối ngôi Luân vương thì nên gấp truyền chọn một người trong số các thục nữ của công khanh, đại thần, quan liêu cho đến cả dân chúng để cưới cho Thái tử. Và cần phải cho xây cất đền đài nguy nga, trang trí vô số châu báu, may các loại y phục tuyệt đẹp, chọn ngày lành rồi truyền Thái tử ngồi nơi tòa sư tử, những người con gái xinh đẹp của các quan lại hoặc của các cư sĩ, trưởng giả đều phải đến cung, nếu có cô nào hiền thục, giàu phước đức được Thái tử ưng ý tặng những vật báu thì sẽ chọn làm phu nhân.

Vua y theo lời tâu ấy. Đến ngày đã chọn, vua bảo Thái tử lên điện ngồi nơi tòa sư tử, truyền cho các thiếu nữ đi vào dự hội.         Lúc ấy có người con gái tên là Da-du-đà-la không muốn đến dự hội. Người cha hỏi vì sao, nàng đáp rằng:

-Nhà ta đâu có thiếu châu báu, lụa là… sao lại phải đến cung vua xin ân tứ?

Người cha nói:

-Con đến vương cung là nhằm để được Thái tử chọn cưới làm vợ, chứ đâu phải chỉ để nhận các tặng vật?

Nghe thế, Da-du-đà-la ấy mới sửa soạn y phục đẹp đẽ, trang điểm bằng những món trang sức quý giá đi đến dự hội.

Thái tử thấy Da-du-đà-la có phước tướng hơn hẳn các cô khác, thân tướng tươi sáng, lòng rất vui mừng, bèn bước xuống khỏi tòa, theo đúng lễ nghi truyền thống chào nhau rồi trở về chỗ ngồi, chắp tay một cách trang nghiêm cung kính. Thấy thế các quan tâu với vua là nàng thiếu nữ ấy có nhiều tướng tốt, phước đức sâu dày, rất hợp là phu nhân của Thái tử. Vua liền truyền cho hai vạn cô gái cùng hộ tống Da-du-đà-la vào cung.

Lúc bấy giờ ở cách thành Ca-tỳ-la không xa, có một con sông lớn tên là Lỗ-hạ-ca. Bên bờ sông có một cây to tên là Sa-la-ca-lý-nỗ, mọc lên cùng lúc với Thái tử sinh ra, chẳng mấy chóc mà cao trăm thước. Vào lúc mặt trời chưa lên thì thân cây rất mềm, dùng móng tay bấm cũng thủng, nhưng khi mặt trời lên rồi thì búa bổ không vô, lửa đốt không cháy, do nước sông ngấm vào bờ, dần dần làm mục rể cây, khiến cây đỗ ngang dòng sông, làm cho nước ở hạ lưu cạn đi. Vua Tô-bát-la-một-đà biết là cây đã làm cho nước sông tắc nghẽn, người trong nước không có nước dùng, liền sai sứ giả đến thưa với vua Tịnh Phan việc đó và ngỏ ý nhờ Thái tử dùng thần lực dẹp bỏ cây ngăn dòng sông kia. Vua Tịnh Phạn yên lặng không trả lời, vua muốn Thái tử đến tận nơi rồi tự ý hành động chứ vua không trực tiếp sai Thái tử đi. Có vị đại thần tên Thượng-na ngầm biết ý vua nên nói với Thái tử:

-Ở gần con sông Lỗ-hạ-ca có hoa viên, trong ấy có nhiều hoa cỏ quý, lầu gác đẹp đẽ rất đáng đến du ngoạn.

Thái tử nghe nói liền cùng với quyến thuộc, quan lại rời khỏi thành Ca-tỳ-la đến hoa viên vui chơi. Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa thấy một con nhạn bay ngang trên không, liền giương cung bắn, nhạn rơi ngang trước mặt Thái tử. Thái tử thương xót nhặt nhạn lên, rút mũi tên rồi thả cho nhạn bay đi. Đề-bà sai người đến bắt nhạn, Thái tử bảo:

-Ta đã phát Bồ-đề tâm, thực hành hạnh từ bi làm lợi ích cho hữu tình khiến mọi loài thoát khổ, cho nên đã cứu nhạn, vậy ông hãy bỏ qua đừng giận hờn.

Đề-bà-đạt-đa nghe nói thế, lặng thinh, nhưng tỏ vẻ không vui. Bấy giờ vua Tô-bát-la-một-đà biết Thái tử đang có mặt tại hoa viên gần sông, liền sai dân chúng đến bờ sông kéo cây lên khỏi dòng, tiếng hò la vang dậy. Nghe tiếng reo, Thái tử liền hỏi những người chung quanh, các quan tâu:

-Đó là dân chúng của vua Tô-bát-la-một-đà sai đến kéo thân cây ngã ngăn dòng sông.

Thái tử nói:

-Để ta đến đó xem.

Cách bờ sông không xa, có một cái hang, là nơi cư trú của một con độc long. Khi Thái tử đi đến, độc long liền bò ra khỏi hang. Mọi người sợ nó làm hại Thái tử, liền dùng kiếm giết chết rồng độc, khí độc của nó nếu ai nhiễm phải thì toàn thân tím đen, do đó có tên Ca-lộ-na-di (người có da đen). Thái tử đến bờ sông, bảo Đề-bà-đạt-đa kéo cây lên trước, Đề-bà dùng hết sức kéo nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Rồi đến Nan-đà dốc hết toàn lực, cũng chỉ nhấc cây lên được một chút. Thái tử bèn dùng sức mình bẽ cây làm hai đoạn, ném qua hai bên bờ sông mỗi bên một đoạn, rồi nói với mọi người:

-Cây này là một loại thuốc rất quý, lửa không thể đốt được. Người nào mắc bệnh ghẻ lở, sưng phù, dùng nó bôi lên sẽ khỏi, mọi người hãy nhớ lấy!

Nói xong, Thái tử lên xe trở về thành. Có vị tướng sư xem tướng Thái tử và nói:

-Nếu trong bảy năm nữa mà Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân vương.

Thái tử vừa về đến vương cung, có người con gái tên là Ngu-nhàn-ca, con của một người dòng họ họ Thích tên Già-trá-nghi-lý đang đứng nơi lầu cao, chợt thấy Thái tử thân tướng đoan nghiêm nên sinh tâm kính yêu. Thái tử thấy nàng ấy liền báo dừng xe lại, quay đầu nhìn lên, tay cầm cung tên bỗng rơi xuống đất. Mọi người thấy nàng thiếu nữ ấy có nhiều phước tướng nên đều cho rằng nàng ta có thể hầu cận Thái tử được. Vua cha biết việc đó liền sai hai vạn thể nữ đến hộ tống Ngu-nhàn-ca vào cung.

Sau khi lập vương phi, Thái tử muốn đi ra ngoài thành dạo chơi, bèn bảo người phu xe chuẩn bị xe ngựa san sàng. Người phu xe tên A-nga-đa (1) vâng lệnh đem xe đến trước Thái tử, Thái tử lên xe ra dạo chơi ngoài thành. Bỗng Thái tử thấy một người già da nhăn tóc bạc, chống gậy rên rỉ, lê bước phía trước xe, rất nghẹn ngào liền hỏi A-nga-đa:

-Người đó là người gì vậy?

A-nga-đa thưa:

-Đó là người già.

Thái tử hỏi tiếp:

-Sao gọi là người già?

Người phu xe tâu:

-Thân thể giả tạo, không gì chắc chắn, bốn tướng thay đổi, sáu căn mờ ám, đứng ngồi khó khăn, nên phải chống gậy nên gọi là già.

Thái tử hỏi:

-Ngươi có khỏi già không?

Người phu xe đáp:

-Thần làm sao có thể tránh khỏi được.

Thái tử gặng hỏi tiếp:

-Vậy ta có khỏi già không?

Người đánh xe thưa:

-Giàu nghèo tuy có khác nhưng thân thể đều giả tạo như nhau, ngày tháng trôi qua, không người nào có thể tránh khỏi tuổi già.

Nghe thế Thái tử không vui, về cung suy nghĩ: “Tứ đại là giả hợp, ngũ uẩn không thật, vừa tuổi trẻ đấy bỗng thành người già.         Thật đáng thương!” Vua Tịnh Phạn hỏi A-nga-đa:

-Thái tử ra thành đi dạo có gặp chuyện gì không?

A-nga-đa tâu:

-Thái tử ra ngoài thành gặp một người già, tóc bạc da nhăn…và kể lại mọi chuyện.

Nghe chuyện này vua nhớ lại lời đoán của thầy tướng là Thái tử nhất định sẽ xuất gia tu hành, nhưng vua lại nghĩ rằng Thái tử nay ở trong cung hưởng đủ các sự sung sướng, chắc hẳn lòng sẽ say đắm mà bỏ ý xuất gia. Vua nghĩ như thế rồi đọc bài kệ:

   Ta nghe thầy tướng đoán Thái tử

Sợ sau lìa ngôi mà xuất gia

Nay đem ngữ dục để ràng buộc

Say đắm chắc chịu nối ngôi trời.

Lần thứ hai, Thái tử cũng bảo A-nga-đa sửa soạn xe cho Ngài ra ngoài thành du ngoạn. Lần này, trên đường đi Thái tử thấy một người bệnh thân thể gầy còm, tịnh thần suy nhược. Trong lòng ngạc nhiên Thái tử hỏi người đánh xe:

-Đó là người gì vậy?

Người đánh xe thưa:

-Đó là người bệnh.

Thái tử liền hỏi:

-Sao gọi là bệnh?

Xa-nặc thưa:

-Thân tứ đại không hòa hợp được thì sinh ra bệnh, hình dung gầy xấu, trong lòng không yên, nên gọi là bệnh.

Hỏi:

-Ngươi có khỏi bệnh không?

Thưa:

-Không sao tránh khỏi.

Thái tử lại hỏi:

-Ngươi đã không tránh khỏi vậy, Ta cũng không sao tránh khỏi bệnh phải không?

Thưa:

-Thái tử cũng có tấm thân giả ảo thì làm sao tránh khỏi bệnh!

Về đến cung, Thái tử lại suy nghĩ: “Thân giả hợp này là nơi tập hợp mọi thứ bệnh, thế mà chúng sinh không biết, thật là đáng thương!

Lần này vua cũng hỏi như lần trước và A-nga-đa cũng tâu trình mọi việc đầy đủ. Vua nghe tâu xong sợ Thái tử sẽ xuất gia, nên truyền trong cung hãy dùng mọi thu vui để phục vụ Thái tử và nói kệ:

Sắc, thanh, hương, vị, xúc diệu kỳ

Thỏa tình Thái tử chốn thâm cung

Mong con buộc ràng trong hoan lạc

Bỏ chí xuất gia cầu Chánh giác.

Lần thứ ba, Thái tử lại muốn đi ra ngoài thành để dạo xem, A-nga-đa lại đưa Thái tử đi. Lần này Thái tử thấy một xác chết, thần khí đều đã tuyệt, giống như gạch ngói, đất đá không còn tri giác, chung quanh có thân tộc kẻ nam người nữ đang than khóc.         Thái tử liền hỏi A-nga-đa:

-Đó là người gì?

A-nga-đa đáp:

-Đó là người chết.

Hỏi:

-Sao gọi là chết?

Người đánh xe thưa:

-Thân thể hữu vi này dù thọ mạng dài hay ngắn, tới khi lẽ vô thường đến thì cũng phải vĩnh biệt người thân, như thế gọi là chết.

Hỏi:

-Vậy thì ngươi có chết không?

Người phu xe tâu:

-Thưa Thái tử, thần rồi cũng sẽ chết.

Thái tử hỏi:

-Còn Ta, có thoát khỏi việc đó chăng?

A-nga-đa đáp:

-Thưa Thái tử, luật vô thường đâu có chừa ai, thân Ngài rồi cũng như thế.

Nghe xong lời A-nga-đa, Thái tử không vui, bảo đánh xe quay về. Về đến cung, Thái tử luôn nghĩ đến lẽ vô thường, Ngài thấy rõ từ con người cho đến các vị trời cõi sắc, Vô sắc, Phi tưởng Phi phi tưởng xứ không ai tránh khỏi nó được nên buồn bã thương xót cho chúng sinh. Lần này, vua Tịnh Phạn cũng hỏi xem Thái tử gặp những gì trong chuyến dạo chơi ngoài thành và A-nga-đa đã tâu lại việc Thái tử trông thấy người chết. Vua suy nghĩ nhớ lời tiên đoán của thầy tướng Bà-la-môn, liền truyền lệnh cho nội cung dùng mọi thú vui làm cho Thái tử vơi buồn mà bỏ chí xuất gia. Vua lại nói bài kệ:

 Ta dùng ngũ dục và giàu sang

Làm cho Thái tử khỏi buồn phiền

Sẽ quên chí hướng cầu xuất thế

Thuận lên ngôi cao quỹ Luân vương.

Lần thứ tư, Thái tử cũng lại muốn đi ra ngoài thành du ngoạn và sai A-nga-đa trang hoàng xe ngựa như những lần trước. A-nga-đa vâng lời, rồi đánh xe đến đưa Thái tử ra đi. Bây giờ vua trời Đâu-suất biết Thái tử ra dạo chơi ngoài thành, liền nghĩ cách trợ duyên xuất gia cho Thái tửỂ Vua trời liền hóa ra vị Sa-môn tay cầm bình bát khất thực, đứng trước xe của Thái tử. Thái tử trông thây, hỏi người đánh xe:

Đó là người nào vậy?

A-nga-đa đáp:

-Đó là một người xuất gia.

Hỏi:

-Thế nào là người xuất gia?

Thưa:

-Người ấy hiểu rõ lý sinh tử, phát thệ nguyện dứt luân hồi, tu đạo Bồ-đề cầu quả giải thoát, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp phục, tâm hồn lặng yên trong sáng, đó là người xuất gia.

Thái tử nghe xong, vui mừng bèn xuống xe hỏi vị Bí-sô:

-Thưa Ngài, xuất gia có những lợi ích gì?

Vị Bí-sô ấy đáp:

-Người xuất gia lìa bỏ người thân, không say đắm vinh hoa, thường tu phạm hạnh, một lòng giữ gìn giới luật, bỏ hết mọi lo phiền của cuộc đời, giữ gìn các căn để vọng niệm không phát sinh, nuôi lớn hạnh lành, tu tập tinh tấn như thế nên gọi là người xuất gia.

Thái tử nghe xong lòng vô cùng vui mừng, khen ngợi vị Bí-sô:

-Lành thay! Ngài đung là bậc Trượng phu, trong cuộc đời ô trược này mà khéo điều phục thân tâm, siêng năng tu tập, thật là chân xuất gia, thật là chân thiện hữu!

Nói xong Thái tử cung kính đảnh lễ vị Sa-môn rồi lên xe trở về. Đến hoàng cung Thái tử luôn nghĩ tới lý tưởng xuất gia, hạnh thật cao siêu, lý thật sâu xa, nên sinh ra nhàm chán, muốn lìa bỏ cuộc sông nơi cung vua mà cầu đạo giải thoát. Vua Tịnh Phạn lại đến hỏi A-nga-đa:

-Trong chuyến dạo chơi lần này Thái tử gặp những gì? Tâm ý được vui thích không?

A-nga-đa tâu kể lại mọi chuyện đầy đủ, vua nghe xong suy nghĩ: “Thầy tướng bảo Thái tử nếu không xuất gia sẽ là Chuyển luân vương, nay ta phải nghĩ cách làm cho Thái tử từ bỏ ý muôn xuất gia”, liền nói với Thái tử:

-Vùng Ca-lý-sa-ca là trọng địa của đất nước, nay con hãy thay ta đến đó để vổ về nhân dân, để mọi người được an vui.

Thái tử nghe nói không vui, ngày đêm tìm cách xuất gia nhưng chưa được, phải theo lời vua cha đi đến vùng Ca-lý-ca-sa. Đi chừng nửa đường thì gặp năm vị thần giữ kho báu từ đất vọt lên, thưa với Thái tử:

-Tất cả kho báu này là của Bồ-tát, xin Bồ-tát nhận cho.

Thái tử đáp:

-Những kho báu ấy là do các thứ châu báu tập hợp lại, chúng hữu tình luôn tham đắm, nhưng ta thì không ham thích.

Các vị thần ấy biết Thái tử không nhận các báu vật nên cùng đồng loạt đi vào biển cả. Thái tử tiếp tục cất bước đi đến vùng đất Ca-lý-ca-sa, thây dân chúng đang cày bừa trên đồng, thân thể lam lũ, áo quần rách rưới, đói khát khổ cực, chịu bao nỗi khổ đau trói buộc. Thái tử xót xa hỏi các kẻ theo hầu, được-họ cho biết đó là những nông nô của Ngài. Thái tử bèn truyền để cho họ làm theo ý muốn, các quan không nên bó buộc họ. Ra lệnh xong, Thái tử đến dưới bóng cây Diêm-phù ngồi kiết già tham thiền, quan lại và tất cả mọi người đều đến đứng vây quanh chỗ Thái tử ngồi.

Bấy giờ vua cha thấy Thái tử đi lâu mà chưa thấy về, liền truyền chuẩn bị ngựa xe thân hành đến chỗ Thái tử. Đến nơi, vua trông thấy Thái tử đang ngồi nhập định dưới bóng cây, lúc ấy ánh sáng mặt trời đã di chuyển mà bóng cây vẫn y nguyên chỗ cũ để che cho Thái tử. Thấy thế vua liền khen:

-Lành thay! Bậc trượng phu nhiều uy đức, thật là hiếm thấy, mặt trời di chuyển mà bóng cây vẫn không dời.

Nói xong, vua cúi đầu đảnh lễ và nói kệ:

Lành thay đại trượng phu

Thế gian thật ít có

Khi sinh rực hào quang

Khắp đại địa rung chuyển.

Nay dưới cội Diêm-phù

Nắng chuyển, bóng không dời

Mọi người đều trông thấy

Ta thành kính nghiêng mình.

Sau khi xuất định, Thái tử lên xe về thành. Lúc ngang qua rừng Thi-đà, thấy những người chết nằm trong rừng thân thể lõa lồ, thịt xương rữa thối, Thái tử càng thấm thìa về nỗi khổ của thế gian. Khi nhà vua và Thái tử vào thành, có một vị tướng sư nhìn thấy uy đức của Thái tử thật phi thường, liền tâu vua:

-Trong vòng bảy ngày nữa, nếu Thái tử không xuất gia thì nhất định sẽ lên ngôi Chuyển luân vương. Tiếp đó vị thầy tướng nói kệ:

Nay Đại vương nên biết

Thái tử Tất-đạt-đa

Bảy ngày không xuất gia

Sẽ thành vua Chuyển luân

Cai trị bốn đại châu

Bảy báu giàu vô kể

Nếu thành Bậc Chánh Giác

Thuyết pháp độ chúng sinh.

Vị tướng sư nói kệ xong, Thái tử tiếp tục lên xe vào cung. Lúc ấy có một cô gái tên Mật-lý-nga-nhạ, con của một người dòng họ Thích tên Ca-la-xoa-ma thấy Thái tử uy nghi đáng kính, liền đến trước mặt Thái tử mà ca ngợi:

Cha được vui giải thoát

Mẹ cũng được như vậy

Sinh Ngài Tất-đạt-đa

Xin cùng được sánh đôi.

  Sau thành Nhị Túc Tôn

Chứng Niết-bàn rốt ráo

Mười phương đều nghe danh

Tôi nay xin kính lễ.

Thái tử nghe kệ xong lòng rất vui, liền lấy xâu chuỗi bằng châu ngọc anh lạc quý giá choàng lên cổ cho thiếu nữ. Vua Tịnh Phạn thấy thế liền sai hai vạn cung nhân đến rước Mật-lý-nga-nhạ về cung. Thế là Thái tử có ba phu nhân: Da-du-đà-la, Ngu-nhàn-ca và Mật-lý-nga-nhạ cùng vđi sáu vạn cung nhân ngày đêm phục vụ Thái tử, nhưng Ngài vẫn không mê đắm, đêm ngày luôn nghĩ mọi phương cách để xuất gia. Biết thế, nên vua Tịnh Phạn bảo với ba vị vương đệ:

-Có thầy tướng Bà-la-môn đoán rằng nội trong bảy ngày nếu Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Luân vương, vậy các vương đệ hãy giúp ta trong bảy ngày đêm cùng nhau ngăn chặn Thái tử.

Rồi vua còn ra lệnh cho dân chúng xây dựng bảy tầng thành, có hào sâu, cửa sắt, ở mỗi cửa đều treo đầy chuông, hé mở cửa thì chuông sẽ rung vang xa đến hơn một do-tuần. Bấy giờ Thái tử ở trong cung ngày đêm luôn có cung nữ múa hát làm vui, còn Tịnh Phạn vương thì ra lệnh cho các quan canh gác cẩn mật mọi nơi, lại sai bốn đội quân là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh luôn tuần sát ở bốn cửa thành.

Lúc ấy vua Tịnh Phạn tự trấn giữ ở cửa thành phía Đông, vua Hộc Phạn ở cửa thành phía Nam, vua Bạch Phạn ở cửa Tây, vua Cam Lộ Phạn ở phía Bắc, các vua cùng các quan quân đêm không ngủ, chuyên tâm canh gác, lại truyền lệnh cho vị đại thần là Ma-hạ-nẳng-ma luôn túc trực tuần hành ở bốn cửa để thức tỉnh quan quân cho họ khỏi ngủ quên.

Ma-hạ-nẳng-ma đến cửa thành phía Đông hỏi:

-Ai ở nơi đây, hãy thức mà lo việc canh gác.

Tịnh Phạn vương bảo:

-Có ta đây!

Ma-hạ-nẳng-ma tâu:

-Tâu Đại vương, nếu luôn thức như thế thì không có gì sơ sót. Nói rồi đọc kệ:

Say ngã như người chết

Cũng giống kẻ mê man

Nếu ngăn được giấc ngủ

Sai sót không xảy đến.

Nói kệ xong, ông lại đi đến cửa Tây và cũng hỏi như trên. Hộc Phạn vương đáp:

-Ta chuyên tâm bảo vệ nơi đây.

Ma-hạ-nẵng-ma tâu:

-Tâu Đại vương, nếu không ngũ quên thì sẽ không sai sót.

Tiếp nói kệ:

 Người ngủ giống như chết

Cần biết ngủ thì mê

Nếu ngăn giấc ngủ được

Không xảy ra sơ sót.

Nói xong, ông ta qua cửa Nam và cũng hỏi giống trước. Nơi đây gặp vua Bạch Phạn cũng đang thức điều quân canh gác. Ma-hạ-nẳng-ma cũng nói như trên và tiếp đọc kệ:

  Say ngủ như uống rượu

Mê man vào cõi không

Sai sót liền sinh ra

Vậy nên gắng không ngủ.

***

[1- Xa-nặc tức A-nga-đa.]

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13