KINH A DI ĐÀ NGHĨA KÝ

MỘT QUYỂN

Đại sư Trí Giả núi Thiên thai ghi.

 

Bậc Chí Thánh dủ lòng từ bi chiếu soi căn cơ chúng sinh ứng hiện hình tích, mở dẫn chúng sinh trong Sáu đường, cũng như toàn bộ các chúng sinh đang trôi lăn trong các thế giới ở mười phương, Ngài đã tùy duyên bất luận là tịnh hay uế cảnh thăng hay trầm Ngài đều khéo dùng phương tiện nhiếp hóa để dẫn dắt đi đến quả vị Bồ-đề Vô thượng. Xưa kia bậc Đại giác A-di-đà đã phát ra nguyện lực rộng lớn ứng thân ở cảnh giới Cực lạc, để mở bày đạo tràng, cứu độ ba hạng chúng sinh vãng sinh về cảnh giới Cực lạc ấy, nếu chúng sinh nào phát nguyện vãng sinh về đó, đều được nhập vào thiền định, sắc tướng tốt đẹp, tuổi thọ cũng khó nghĩ bàn. Cây báu, hoa trời đều có thể nói pháp, gió mát, nước chảy đều nói tiếng hay, Hành giả khi được nghe nói về khổ, không, liền chứng Vô sinh nhẫn. Đức Giáo chủ Thích-ca Mâu-ni đã phát nguyện rộng lớn, vì tấm lòng từ bi mà thị hiện vào cảnh đời có năm thứ vẩn đục thiêu đốt đau đớn, tám thứ khổ nung nấu ép ngặt này để nói pháp rộng lớn sáng tỏ, khuyên răn, thích hợp các căn cơ, Ngài khuyến khích dạy bảo cho tất cả chúng sinh phương pháp niệm Phật thù thắng mầu nhiệm, chỉ cần mười niệm thì sẽ được vãng sinh, bốn chúng đều vâng hành, y vào lời dạy đó để tu tập. Tuy giáo lý có rộng hẹp, nơi chốn và thời gian có khác, Ngài ở tại Linh Thứu giảng nói về ba thứ tịnh nghiệp, ở thành Xá-vệ giảng nói Chánh pháp đều có Chư Phật trong sáu phương giữ gìn che chở.

A-di-đà, là tiếng Phạm của Thiên-trúc, Hán dịch là Vô Lượng Thọ, là hiệu của đức hóa chủ cõi Cực lạc. Kinh thường lưu xuất từ trong kim khẩu của bậc Thánh là Đức Thích Tôn ở cõi Ta-bà nói về cảnh giới Tây phương Cực lạc nên gọi là kinh, giáo pháp này tuy lời văn sơ sài ngắn gọn, nhưng làm sáng tỏ ý nghĩa thì thật nhiều rộng.

Thứ nhất là giải thích tên kinh, tức là dựa vào người để nêu danh và y cứ vào giáo nghĩa tu tập sẽ được vãng sinh về cảnh giới Cực lạc.

Thứ hai là nói về thể, Pháp tánh Chân như, nếu dụng tâm quán sát kỹ thì sẽ chứng được quả vị thường lạc.

Thứ ba là nói về tông trí, Tịnh độ có cơ duyên diệu lạc trang nghiêm hóa hiện hình tượng để đón rước.

Thứ tư, là nói về lực dụng có thể phá trừ ái kiến và năm thứ trần lao, nếu tu tập chân chánh thì đều trừ hết.

Thứ năm, Giáo tướng, nghiệp riêng hay chung, mơ hồ hay thuần thục vị đề hồ đều là giáo tướng.

Đoạn văn này được chia thành ba đoạn, đó là phần tựa, phần chính tông và phần lưu thông và không có phần tựa riêng, trong phần lưu thông có đủ sáu phần:

“Như thị” là từ quyết định, Đức Thế tôn quán xét căn cơ chúng sinh, người nào nặng về tức giận thì Ngài nói về các pháp sâu mầu, người nào nặng về tham muốn, thì Ngài mở ra rộng về pháp bí mật và người nào vì nặng về u mê ngu muội, thì Ngài sẽ tùy căn cứ để giảng nói, lời lẽ phát ra không luống uổng vô ích ứng vật, hợp duyên cho chúng sinh học tập tu hành để tạo lập nhân duyên.

“Ngã văn”: là Chánh pháp vô lượng vô biên của Đức Như lai, các pháp tôi đã được nghe giống như hòn bọt nhỏ, những pháp chưa nghe như nước biển lớn.

“Nhất thời” ấy là có cảm nay ứng, giây phút căn cơ ngộ được tức là ở hội nói pháp đổi phàm thành Thánh.

“Phật” ấy là chỉ cho Đức Hóa chủ, Ngài là bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri, bốn thứ biện luận, sáu thứ thần thông, tám thứ minh tám thứ giải, Ngài có thể dùng một âm thanh nói giáo, mà tất cả chúng sinh đều được nghe hiểu.

“Tại nước Xá-vệ”, là một đất nước nổi tiếng, ở đó có rất nhiều vị Thánh hiền, lại ở đó là một đất nước dồi dào của báu, các bậc giác ngộ, rất nhiều thương nhân khắp trên mọi miền đất nước đều tập trung ở đó, lại gọi là nơi chẳng vật gì không có. “cây của Thái tử kỳ-đà, vườn của Trưởng giả cấp Cô Độc, cây trong vườn là do ông Kỳ-đà dâng cúng để xây cất tịnh xá, còn ông Tu-đạt người cứu giúp những kẻ nghèo thì dùng vàng trải lên mặt đất để mua đất và xây cất tịnh xá.

“Cùng với các vị Đại Tỳ-kheo”: Đại có ba nghĩa, một là người

được các bậc đại nhân và Thiên vương đại tôn kính cho nên gọi là đại, người hiểu biết thấu suốt toàn bộ kinh giáo trong ngoài nên nói là nhiều, vượt trên chín mươi lăm thứ nên gọi là Thắng, Tỳ-kheo ngoài những ý nghĩa trên còn gọi là “Trừ cẩn” do ba ý nghĩa khác là khất sĩ, bố ma và phá ác, có ba quả đức là ứng cúng, sát tặc và bất sinh. Tăng là bốn vị trở lên, hòa hợp yết-ma, hiểu rõ sự lý, giúp duy trì chánh giáo. Toàn bộ các vị Tỳ-kheo “Một ngàn hai trăm năm mươi (1250) vị cùng ở trong đó”, trong đó có chúng đệ tử của ba anh em ông Ca-diếp tổng cộng một ngàn vị và các chúng đệ tử của ngài Xá-lợi và Mục-liên hai trăm năm mươi vị, đây là chúng chứng tín thường theo Đức Thế tôn để học đạo.

Trưởng lão Xá-lợi-phất là người trí tuệ bậc nhất còn được gọi là Thu Lộ Tử.

Đại Mục-kiền-liên là người nổi tiếng về thần thông, Hán dịch là Tán Tụng.

Ma-ha Ca-diếp còn gọi là Bát-la, Hán dịch là Ẩm Quang, còn gọi là Đại Niết Thị, còn gọi là Quang Ba.

Ma-ha Ca-chiên-diên, là người biện luận bậc nhất Hán dịch là Phiến Thằng.

Ma-ha Câu-hy-la: là người biện tài vô ngại còn dịch là Đại Tất.

Ly-bà-đa, Hán dịch là Thất túc, cũng dịch gọi là Thường Tác Thanh

Châu-lợi-bàn-đà-già, Hán dịch là Tiểu Lộ Biên Sinh.

Tôn giả Nan-đà, Hán dịch là Hân Lạc.

A-nan-đà, Hán dịch là Thiện Hân Duyệt.

La-hầu La, Hán dịch là Chướng Trì.

Kiều-phạm Ba-đề, Hán dịch là Ngưu Tích.

Tân-đầu-lô Phả-la-đọa, Hán dịch là Tẩu Bế Môn.

Ca-lưu-đà-di, Hán dịch là Đại Thô Hắc. Kiếp-tân-na, Hán dịch là Phòng Túc Bạc-câu-la, Hán dịch là Thiện Dung.

A-nâu-lâu-đà, Hán dịch là Như Ý.

Văn-thù-sư-lợi, Hán dịch là Diệu Đức.

A-dật-đa, Hán dịch là Vô Tam Độc.

Càn-đà-ha-đề, Hán dịch là Hương Ý.

Thường Tinh Tấn, đây là ngôn ngữ địa phương, như thế, v.v… là kết thúc chúng Bồ-tát.

Thích-đề-hoàn-nhân, Hán dịch là Năng Thiên Chủ.

Đây là tổng kết các chúng đồng đến nghe, phần tựa của kinh đã xong.

Phần chánh thuyết có hai:

Thứ nhất là nói về y báo và chánh báo của Đức Phật A-đi-đà.

Kế là khuyến khích chúng sinh nên vãng sinh về đó.

Phần thứ nhất cũng có hai, trước là nêu lên và sau đó là giải thích, tức là trước thì giới thiệu về cõi nước, rồi sau là giải thích về Đức hóa chủ. Kinh này là do Đức Phật nói với ngài Xá-lợi-phất, còn các kinh khác thường là phải có một vị nào đó thưa thỉnh, rồi chính Đức Phật giảng nói, do đó kinh này được mệnh danh là “không hỏi tự nói”. Trong mười hai bộ kinh, cũng không được đầy đủ, không có hai loại bài kệ, còn các bộ kinh khác cũng không toàn vẹn, không nói với Bồ-tát mà chỉ nói với Thanh văn, dầu có hóa độ cũng không có phương pháp, muốn giúp cho các phàm phu Tiểu thừa, chán ghét cõi Ta-bà uế trược này để ưa thích Tịnh độ, tức y cứ vào quả để giải thích sự xa gần, từ đây đi về phía Tây cách xa mười muôn ức cõi Phật có một cõi nước là Cực lạc, đó là nói theo từ bậc Hiền đứng đầu cho đến kẻ hạ phẩm, chỉ vì so với cõi Ta-bà này mà gọi là Cực lạc, cõi đó có ba tên gọi: Cực lạc là đối với khổ, An Dưỡng là nói theo dụng và nước Vô Lượng Thọ là tên nước gọi theo tên người, kế thành chánh quả hiệu là A-đi-đà. Thực ra tuổi thọ của Ngài cũng có hạn lượng, nhưng vì mọi người không thể biết hết số lượng đó, cũng như khi nói Quán âm bổ xứ, thì những người bậc hạ không thể biết được do đó mà gọi là vô lượng.

Cõi đó vì sao như vậy? Dưới đây sẽ giải thích, trước là nói về quả của y báo, có ba phần: Một là chung; hai là riêng và ba là kết.

Chung như văn nói: Từ “Bảy lớp hàng cây” trở đi, được chia ra giải thích có bốn.

Nói về các loài cây báu, ao báu, lầu báu, gác báu tất cả đều rất tráng lệ.

Giải thích về hoa trời, nhạc trời ánh sáng hiển hiện tô điểm đẹp đẽ.

Các loài chim thường giảng nói về các đạo phẩm.

Là nói cây báu diễn tấu ra các âm nhạc, trên cây có bảy lớp đều do bốn loại báu như vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, tô điểm, trong bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây báu, khi gió nhẹ thổi vào, các cây đều phát ra âm thanh êm tai, khi mọi người nghe âm thanh đó xong tức tự nhập vào chánh niệm; nước tám công đức thường đầy tràn nhẹ nhàng, trong, mát, mềm, dịu, không có mùi hôi, khi uống rất dễ chịu, khi uống rồi thân thể không còn bệnh hoạn, dưới đáy của ao trải cát vàng, bốn mặt đều có các bậc thang và lối đi do bốn thứ ngọc báu làm thành, trong ao có hoa sen lớn như bánh xe, ánh sáng của hoa rất huyền nhiệm và mùi thơm rất tinh khiết, trên thì có các lầu gác, cũng do bốn loại báu tô điểm trang nghiêm.

Nói về nhạc trời, không do người đánh mà âm vận vẫn tự nhiên phát, âm thanh đó diễn tấu những pháp mầu vô lượng, giúp người nghe tự phát tâm từ và khi nghe liền ngộ đạo. Sáng tối sáu thời đều tuôn rải các hoa trời Mạn-đà-la như mưa, hoa trời tuyệt diệu gọi là Mạn-đà-la, màu sắc nó tuyệt diệu không gì so sánh, mùi hương rất thơm, thường vào các buổi sáng, mọi người đều dùng các giỏ đựng hoa đựng đầy các hoa để đi cúng dường khắp mười muôn ức các Đức Phật khác khắp trong mười phương, đến giờ ăn đều trở về lại cõi này. Y kích là dụng cụ đựng hoa, hình dáng giống như cái giỏ, nhưng có một chân, dùng tay xách đi để cúng dường.

Loài chim nhiều màu, như hạc, trắng, chim công, anh võ, cù dục,… đều là loài thủy cầm, chim Ca-lăng có tiếng hót mầu nhiệm thanh cao có thể ví như âm thanh của Đức Phật. Cộng mạng là loài chim một thân mà hai đầu, cùng sống và cùng chết, do đó gọi là cộng mạng. Các loài chim như vậy sáng tối sáu thời đều giảng nói về năm căn, năm lực, bảy phần Bồ-đề và tám Chánh đạo, âm thanh êm ái êm tai tức là danh nghĩa pháp môn của các đạo phẩm.

Trước hết năm căn ấy là tín, tấn, niệm, định và tuệ, tiếp đó là nói về năm lực, tên gọi thì không khác với năm căn, vì có khác một chút là ở chữ “Căn” có thêm một chữ lực. Bảy phần Bồ-đề là trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xả.

Tám Chánh đạo là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Nếu ai khéo tu các đạo phẩm này, thì sẽ được thếy đế, cho đến bậc Vô học, chớ bảo loài chim này là do tội báo sinh ra, vì tất cả đều do Đức Phật A-điđà muốn giúp tiếng pháp tuyên dương và lưu bố, mà biến hóa ra.

Giải thích bảy hàng cây báu và lưới báu, âm thanh êm ái ví như trăm ngàn loại âm nhạc đồng thời đều trổi lên và người nghe tự nhiên khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp và ngộ được Vô sinh nhẫn, rất khon khoái vui sướng.

Kế là giải về chánh quả, văn cũng phân thành hai đoạn:

Trước là giải về Đức Hóa chủ và kế là giải thích đồ chúng.

Nói về Đức Hóa chủ cũng có hai, trước là nói về ánh sáng vô lượng, kế là nói về tuổi thọ của Ngài không có hạn lượng. Kinh Đại Phẩm chép: Muốn được ánh sáng vô lượng và tuổi thọ vô cùng, thì nên học Bát-nhã.

Dưới đây sẽ nói về đồ chúng, trước là nói về các vị Thanh văn và sau đó nói về các vị Bồ-tát.

Hỏi rằng, ở trên có nói có vô số Thanh văn, về sau sao lại còn nói các chúng sinh vãng sinh về cõi nước Cực lạc đều là A-bệ-bạt-trí?

Giải rằng, người Nhị thừa ở cõi Cực lạc cũng đều là bậc bất thoái, Nhị thừa bất thối là phàm phu, Bồ-tát bất thối là Tiểu thừa.

Từ đoạn “Chúng sinh nghe” v.v… trở xuống là đoạn hai khuyến khích chúng sinh nên vãng sinh, đoạn này cũng có ba:

Một là nói về sự khuyến khích vãng sinh, kế là dẫn chứng để khuyến khích. Và cuối cùng là lời tổng kết khuyến khích.

Phần cuối lại có hai: Phần đầu chính là nói về khuyến khích, kế là chỉ bày phương pháp vãng sinh, trong phần đầu lại cũng có hai, chính là phần khuyến khích, kế là giải thích về ý nghĩa khuyến khích.

Từ “Xá-lợi-phất, kẻ thiếu thiện căn…” v.v… trở xuống, là phần chỉ bày về phương pháp.

Hỏi rằng trước thì nói, không thể “thiếu thiện căn…”, vì sao đến đây lại nói, chỉ cần niệm Phật một ngày cho đến bảy ngày tâm không bị tán loạn thì sẽ được vãng sinh?

Đáp, nay không đo thời gian, ngày tháng nhiều ít, đặc biệt chỉ phụ thuộc vào sử dụng tâm sâu hay cạn, nếu một người nào đó niệm Phật suốt bảy ngày mà tâm không tán loạn, người đó lúc qua đời, Đức Phật A-đi-đà sẽ dùng nguyện lực từ xưa đã phát, sẽ hóa thân đến để đón rước, tâm không điên đảo, thì sẽ được vãng sinh, vì sao khi sắp qua đời chỉ cần dụng tâm khẩn thiết trong một niệm tức cũng được vãng sinh. “Ta thấy lợi ích ấy” tức là giải thích ý đồ nói kinh này “nên phát nguyện” là một lòng tu hành và phát nguyện trang nghiêm, sự tu hành và tâm nguyện hỗ trợ lẫn nhau thì chắc chắn sẽ được vãng sinh.

Từ “Như ta nay…” v.v… trở xuống là đoạn dẫn chứng về sự khuyến khích, từ “không chỉ một mình Như lai khen ngợi…”, là y báo chánh báo khuyến khích chúng sinh nên vãng sinh về Cực lạc. Cả Chư Phật trong sáu phương đều khuyến khích xưng dương khen ngợi, Hằng hà sa số chúng sinh trong các cõi nước đều vãng sinh về Cực lạc.

Nếu thiện nam hay tín nữ nghe được danh hiệu kinh, đều được Chư Phật đồng che chở và người đó sẽ được không lui sụt tâm Bồ-đề Vô thượng, “do đó các ngươi hãy tin tưởng lời của Như lai và Chư Phật đã nói”.

Nếu chúng sinh nào phát nguyện muốn được vãng sinh thì đều được không lui sụt vãng sinh về Cực lạc.

“Các Đức Phật khác cũng khen ngợi Đức Thích-ca” là bậc đã làm được việc khó làm ngay trong cảnh giới Ta-bà năm thứ vẩn đục đầy dẫy những điều xấu đó, Ngài đã “vì các chúng sinh mà nói về những pháp khó tin” và đã chứng đắc quả vị Bồ-đề Vô thượng, cõi nước uế trược, nghiệp chướng sâu dày, năm thứ vẩn đục nặng nề, tham sân là phiền não trược, năm kiến là kiến trược, hai trược này làm gốc, làm nhân để duy trì mãi cái nạn này, mà trong năm ấm, giả lập làm chúng sinh, bốn thứ này trải qua thời gian, gọi là kiếp trược, ở cõi uế thì khổ đau nhiều và trược rất sâu nặng. Còn ở Tịnh độ Đồng cư, thì trược cũng nhẹ đi, vì để thuận với các phương khác, mới có tên gọi như thế, nếu không còn các phiền não ép ngặt nữa thì gọi là Cực lạc.

Từ “Phật nói kinh xong…” v.v… trở xuống tức là đoạn lưu thông, là nói kinh đã xong. Bốn chúng trời, người, A-tu-la… đều vui mừng tin nhận. Đức Thánh chủ thật khó mà được gặp, cũng như hoa ưu-đàm rất ít có, vui mừng vì nay được thấy. Chánh pháp khó được nghe mà nay được nghe, xưa chưa được tỏ ngộ, mà nay được chứng ngộ, vì đầy đủ ba niềm vui nay do đó hết sức vui mừng và vui mừng, dâng lên trong lòng hớn hở vô lượng.