KIM QUANG MINH
TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

_QUYỂN THỨ HAI_

PHÂN BIỆT BA THÂN _PHẨM THỨ BA_

Bấy giờ, Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (Ākāśa-garbha) ở trong Đại Chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, đem hoa báu vàng ròng thật vi diệu, phướng báu, phan lọng dâng lên cúng dường, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát Ma Ha Tát đối với bí mật thâm sâu của các Như Lai, như Pháp tu hành?”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai có ba loại Thân, thế nào là ba? Một là Hóa Thân, hai là Ứng Thân, ba là Pháp Thân. Như vậy đầy đủ ba thân, nhiếp nhận A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Nếu rõ biết chính đúng thì mau ra khỏi sinh tử.

_Thế nào là Bồ Tát biết rõ Hóa Thân? Thiện Nam Tử! Xưa kia Như Lai ở trong Địa tu hành, vì tất cả chúng sinh, tu mọi loại Pháp, như vậy tu tập cho đến khi tu hành trọn đủ. Do sức tu hành cho nên được đại tự tại. Do sức tự tại cho nên tùy theo ý của chúng sinh, tùy theo Hạnh của chúng sinh, tùy theo cõi của chúng sinh…thảy đều phân biệt rõ. Chẳng chờ cơ hội, chẳng lỗi cơ hội, tương ứng nơi chốn, tương ứng thời giờ, tương ứng Hạnh, tương ứng nói Pháp mà hiện mọi loại Thân. Đấy gọi là Hóa Thân (Nirmāṇa-kāya).

_Thiện Nam Tử! Thế nào là Bồ Tát biết rõ Ứng Thân? Ấy là các Như Lai làm cho các Bồ Tát được thông đạt cho nên nói về Chân Đế (Paramārtha-satya) để khiến cho hiểu thấu sinh tử (Saṃsāra, hoặc Jāti-maraṇa) Niết Bàn (Nirvāṇa) là một Vị (Rasa), vì trừ bỏ sự sợ hãi, vui vẻ của chúng sinh có Thân Kiến (Satkāya-drṣṭi); vì Phật Pháp vô biên mà làm gốc rễ (Mūla). Như thật tương ứng với Như Như (Tathatā: Chân Như tồn tại vĩnh hằng), Trí Như Như (Tathatājñāna: Trí khế hợp với Lý Thể Như Như). Do sức của Bản Nguyện cho nên thân đấy được hiện ra, đủ ba mươi hai tướng, tám mươi chủng tử, lưng cổ có hào quang tròn, Đấy gọi là Ứng Thân (?Saṃbhoga-kāya: Báo Thân)

_Thiện Nam Tử! Thế nào là Bồ Tát biết rõ Pháp Thân? Vì trừ các nhóm chướng của phiền não (Kleśa), vì đủ các Pháp tốt lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) cho nên chỉ có Như Như, Trí Như Như. Đấy gọi là Pháp Thân (Dharmakāya)

Hai loại thân trước là mượn tên gọi mà có. Thân thứ ba này là chân thật có, vì hai thân trước mà làm căn bản. Tại sao thế? Vì lìa Pháp Như Như, lìa Trí không có phân biệt thì tất cả chư Phật không có Pháp riêng. Tất cả chư Phật đầy đủ Trí Tuệ, rốt ráo diệt hết tất cả phiền não, được Phật Địa (Buddha-bhūmi) thanh tịnh. Thế nên Pháp Như Như, Trí Như Như nhiếp tất cả Phật Pháp

(Buddha-dharma)

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Tất cả chư Phật lợi ích ta người, đến nơi rốt ráo (cứu cánh). Lợi ích cho mình là Pháp Như Như. Lợi ích cho người là Trí Như Như. Hay đối với việc lợi ích cho ta người mà được thành tựu mọi loại dụng vô biên. Thế nên phân biệt tất cả Phật Pháp có vô lượng vô biên mọi loại sai biệt.

_Thiện Nam Tử! Ví như nương dựa vào sự suy nghĩ vọng tưởng mà nói mọi loại phiền não, nói mọi loại Nghiệp Dụng, nói mọi loại Quả Báo (Vipāka), Như vậy y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như mà nói mọi loại Phật Pháp, nói mọi loại Pháp của Độc Giác (Pratyeka-buddha), nói mọi loại Pháp của Thanh Văn (Śrāvaka). Y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như mà tự tại thành tựu tất cả Phật Pháp, đấy là sự chẳng thể nghĩ bàn bậc nhất. Ví như vẽ hư không làm vật dụng trang nghiêm là khó nghĩ bàn. Như vậy, y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như thành tựu Phật Pháp cũng khó nghĩ bàn.

Thiện Nam Tử! Vì sao Pháp Như Như, Trí Như Như, cả hai không có phân biệt mà được tự tại, thành tựu sự nghiệp?

Thiện Nam Tử! Ví như Đức Như Lai nhập vào Niết Bàn, do Nguyện tự tại cho nên mọi loại sự nghiệp đều được thành tựu. Pháp Như Như, Trí Như Như tự tại thành sự việc cũng lại như vậy.

_Lại nữa, Bồ Tát Ma Ha Tát nhập vào Vô Tâm Định (một trong bốn tên gọi của Diệt Tận Định), y theo sức Nguyện lúc trước, từ Thiền Định khới làm mọi sự nghiệp. Hai Pháp như vậy không có phân biệt, tự tại thành sự việc

Thiện Nam Tử! Ví như mặt trời mặt trăng không có phân biệt, cũng như nước trong và cái gương sáng (thủy kính) không có phân biệt. Ánh sáng cũng không có phân biệt. Ba loại hòa hợp nên có bóng ảnh sinh ra. Như vậy Pháp Như Như, Trí Như Như cũng không có phân biệt, do Nguyện (Praṇidhana) tự tại cho nên chúng sinh có cảm hiện Ứng Hóa Thân (Ứng Thân và Hóa Thân) như bóng ảnh của mặt trời mặt trăng hòa hợp hiện ra.

Lại nữa, Thiện Nam Tử! Ví như vô lượng vô biên Thủy Kính (nước trong và cái gương sáng) y vào ánh sáng cho nên Không Ảnh (bóng ảnh trống rỗng) hiện ra mọi loại tướng khác nhau. Không (Śūnya: trống rỗng) tức là không có tướng (Alakṣaṇa: vô tướng)

Thiện Nam Tử! Như vậy các hàng Đệ Tử thọ nhận giáo hóa là bóng ảnh của Pháp Thân. Do sức Nguyện cho nên ở hai loại Thân hiện ra mọi loại tướng.

Ở Địa của Pháp Thân không có tướng khác.

Thiện Nam Tử! Y theo hai thân này, nói Hữu Dư Niết Bàn (Sopadhiśeṣanirvāṇa: Niết Bàn trước khi tịch diệt. Trạng thái này giống như Đức Phật và các A La Hán giữ xác thân để giáo hóa chúng sinh). Y theo Pháp Thân này, nói Vô Dư Niết Bàn (Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa: Niết Bàn không còn 5 Uẩn, 12 Xứ, 18

Giới. Niết Bàn Vô Dư đến với một vị A La Hán sau khi chết, không còn tái sinh.

Loại Niết Bàn này cũng được gọi là Niết Bàn toàn phần hay Bát Niết Bàn). Tại sao thế? Vì tất cả Pháp còn lại, rốt ráo tận hết cho nên y theo ba Thân này mà tất cả chư Phật nói Vô Trụ Xứ Niết Bàn (Aparatiṣṭha-nirvāṇa: Bản Tâm của các vị Bồ Tát từ Bát Địa trở lên, thường lăn xả vào 3 cõi 6 đường thi hành vạn Hạnh cứu độ chúng sinh mà vẫn luôn xứng Tính tùy thuận Viên Giác). Vì hai thân này cho nên chẳng trụ Niết Bàn, lìa nơi Pháp Thân không có Phật riêng. Vì sao hai Thân chẳng trụ Niết Bàn? Vì hai Thân mượn tên gọi chẳng thật, niệm niệm sinh diệt chẳng định trụ (trú xứ cố định), luôn luôn hiện ra do chẳng yên định vậy. Pháp Thân chẳng như vậy, thế nên hai thân chẳng trụ Niết Bàn. Pháp Thân chẳng hai (bất nhị) thế nên chẳng trụ Niết Bàn. Cho nên y theo ba Thân nói Vô Trụ Niết Bàn (Aparatiṣṭha-nirvāṇa).

Thiện Nam Tử! Tất cả phàm phu vì ba tướng cho nên có trói buộc, có chướng ngại, xa lìa ba thân, chẳng đến ba thân. Thế nào là ba? Một là Biến Kế Sở Chấp Tướng (Parikalpita-svabhāva: tướng phân biệt chấp trước cho là thật có ta, thật có Pháp), hai là tướng Y Tha Khởi Tướng (Para-tantra-svabhāva: tất cả sự vật đều do các duyên hòa hợp, Tâm Thức biến hiện mà có, hư huyễn chẳng thật), ba là Thành Tựu Tướng (Pariniṣpanna-svabhāva: Viên Thành Thật Tướng). Các tướng như vậy chẳng thể hiểu biết, chẳng thể diệt hết, chẳng thể thanh tịnh… thế nên chẳng được đến ba thân. Ba Tướng như vậy hay hiểu biết, hay diệt hết, hay thanh tịnh…thế nên chư Phật đầy đủ ba Thân.

Thiện Nam Tử! Các người phàm phu chưa thể trừ khiển ba Tâm này cho nên xa lìa ba thân chẳng thể đạt đến. Thế nào là ba? Một là Khởi Sự Tâm (Tâm dấy liên sự việc), hai là Y Căn Bản Tâm (tâm y theo căn bản), ba là Căn Bản Tâm (Tâm căn bản). Y theo các Phục Đạo (chế phục Hoặc Chướng khiến cho Hữu Lậu chẳng hiện khởi, hoặc là sức của con đường Vô Lậu) thì Khởi Sự Tâm tận hết. y theo Pháp Đoạn Đạo (Prahāṇa-mārga: sức của con đường lìa diệt Hoặc Chướng) thì Y Căn Bản Tâm tận hết. Y theo Tối Thắng Đạo (con đường tối thắng) thì Căn Bản Tâm tận hết. Do Khởi Sự Tâm tận hết cho nên được hiện Hóa Thân. Do Y Căn Bản Tâm tận hết cho nên được hiện Ứng Thân. Do Căn Bản Tâm tận hết cho nên được đến Pháp Thân. Thế nên tất cả Như Lai đầy đủ ba thân.

Thiện Nam Tử! Tất cả chư Phật ở thân thứ nhất cùng với chư Phật đồng sự (hành sự tương đồng), ở thân thứ hai cùng với chư Phật đồng ý (ý chỉ tương đồng), ở thân thứ ba cùng với chư Phật đồng Thể (đồng một hình thể)

Thiện Nam Tử! Thân Phật đầu tiên đấy tùy theo ý của chúng sinh, có nhiều loại cho nên hiện mọi loại tướng, thế nên nói là nhiều. Thân Phật thứ hai do một Ý của Để Tử cho nên hiện một tướng, thế nên nói là một. Thân Phật thứ ba vượt qua tất cả chủng tướng, chẳng chấp vào cảnh giới của tướng, thế nên nói tên là chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất nhị).

Thiện Nam Tử! Thân thứ nhất đó y vào Ứng Thân được hiển hiện. Thân thứ hai đó y vào Pháp Thân được hiển hiện. Pháp Thân đó (?thân thứ ba) là chân thật, không có chỗ nương dựa.

Thiện Nam Tử! Ba Thân như vậy do nghĩa cho nên nói là thường (Nitya), do nghĩa cho nên nói là vô thường (anitya).

Hóa Thân luôn chuyển bánh xe Pháp, nơi nơi tùy theo Duyên, phương tiện chẳng đứt mất thế nên nói là thường. Vì chẳng phải là gốc rễ nên đại dụng đầy đủ chẳng hiển hiện, cho nên nói là vô thường.

Ứng Thân từ vô thủy đến nay nối tiếp nhau chẳng đứt đoạn, hay nhiếp trì Pháp Bất Cộng (Aveṇika-buddha-dharma) của tất cả chư Phật, do chúng sinh không cùng tận nên dụng cũng không cùng tận, thế nên nói là thường. Vì chẳng phải là gốc rễ, nên dụng đầy đủ chẳng hiển hiện, thế nên nói là vô thường.

Pháp Thân chẳng phải là Hành Pháp (phương pháp tu hành) không có tướng khác, là căn bản cho nên giống như hư không, thế nên nói là thường

Thiện Nam Tử! Lìa Trí không có phân biệt (Nir-vikalpa-jñāna: Vô Phân Biệt Trí), lại không có Thắng Trí. Lìa Pháp Như Như, không có cảnh giới thù thắng. Pháp Như Như đó, Tuệ Như Như đó, cả hai loại Như Như đấy là như như chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất dị). Thế nên Pháp Thân do Tuệ thanh tịnh, Diệt thanh tịnh, cả hai loại thanh tịnh đó, chính vì thế cho nên Pháp Thân đầy đủ thanh tịnh

Lại nữa, Thiện Nam Tử! Phân biệt ba Thân có bốn loại khác nhau: có Hóa Thân chẳng phải là Ứng Thân, có Ứng Thân chẳng phải là Hóa Thân, có Hóa Thân cũng là Ứng Thân, có Phi Hóa Thân (chẳng phải là Hóa Thân) cũng là Phi Ứng Thân (chẳng phải là Ứng Thân)

Thế nào là Hóa Thân chẳng phải là Ứng Thân? Ấy là Sau khi các Như Lai Bát Niết Bàn (vào Niết Bàn), do Nguyện tự tại cho nên tùy theo Duyên lợi ích. Đấy gọi là Hóa Thân.

Thế nào là Ứng Thân chẳng phải là Hóa Thân? Là Thân Địa Tiền (Thân trong quá trình tu hành của Bồ Tát từ Sơ Địa đến Thập Địa)

Thế nào là Hóa Thân cũng là Ứng Thân? Ấy là thân trụ Hữu Dư Niết Bàn Thế nào là Phi Hóa Thân (chẳng phải là Hóa Thân), Phi Ứng Thân (chẳng phải là Ứng Thân)? Ấy là Pháp Thân.

Thiện Nam Tử! Pháp Thân đó do hai thứ Vô Sở Hữu (không có chỗ đắc được) mà hiển hiện. Thế nào gọi là hai thứ vô sở hữu? Ở Pháp Thân này: Tướng với Tướng Xứ cả hai đều là không (vô), chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng phải số đếm chẳng phải chẳng phải là số đếm, chẳng phải sáng tỏ chẳng phải mờ tối. Như vậy Trí Như Như chẳng thấy Tướng với Tướng Xứ, chẳng thấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thấy chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng thấy chẳng phải số đếm chẳng phải chẳng phải là số đếm, chẳng thấy chẳng phải sáng tỏ (minh) chẳng phải mờ tối (ám). Chính vì thế nên biết cảnh giới thanh tịnh, Trí Tuệ thanh tịnh chẳng thể phân biệt, không có khoảng giữa (trung gian), là gốc của Diệt (Nirodha-satya: Diệt Đế) Đạo (Mārga-satya: Đạo Đế), cho nên ở Pháp Thân này hay hiển mọi loại sự nghiệp của Như Lai.

Thiện Nam Tử! Nhân duyên, cảnh giới, nơi chốn, quả báo của Thân này dựa vào gốc rễ (Mūla) khó nghĩ bàn, Nếu hiểu nghĩa này thì thân này tức là Đại Thừa (Mahā-yāna), là Tính của Như Lai, là Như Lai Tạng (Tathāgata-garbha). Dựa vào Thân này được phát Sơ Tâm (Nava-yāna-saṃprasthita: Người mới phát Tâm cầu Đạo Bồ Đề nhưng chưa có hành thâm sâu), Tâm tu hành Địa mà được hiển hiện Tâm Bất Thoái Địa (Avinivartanīya: chẳng bị rơi vào nẻo ác với Địa của Nhị Thừa, chẳng lùi mất Pháp đã chứng được), cũng được hiện Tâm Nhất Sinh Bổ xứ (Eka-jāti-pratiboddha: vị trí tối cao của thềm bậc Bồ Tát tức là địa vị Đẳng Giác), Tâm của Kim Cương (Vajra-citta), Tâm của Như Lai (Tathāgata-citta) thảy đều hiển hiện, vô lượng vô biên Diệu Pháp (Saddharma) của Như Lai thảy đều hiển hiện.

Y  theo Pháp Thân này thì Ma Ha Tam Muội (Mahā-samādhi) chẳng thể nghĩ bàn được hiển hiện. Y theo Pháp Thân này được hiện tất cả Đại Trí (Mahājñāna). Thế nên hai Thân nương vào Tam Muội, nương vào Trí Tuệ mà được hiển hiện như Pháp Thân này. Nương vào Tự Thể (Sva-dravya) nói là thường (Nitya) nói là Ngã (Ātman), y theo Tam Muội cho nên nói là Lạc (Sukha), nương vào Đại Trí cho nên nói là Thanh Tịnh (Śuddha), thế nên Như Lai thường trụ, tự tại, an lạc, thanh tịnh.

Y theo Đại Tam Muội (Mahā-samādhi) thì tất cả Thiền Định (Dhyāna), nhóm Thủ Lăng Nghiêm (Śuraṃgama), tất cả Niệm Xứ (Smṛty-upasthāna), nhóm Đại Pháp Niệm (Mahā-dharma-smṛty-upasthāna), Đại Từ (Mahā-maitra), Đại Bi (Mahā-kāruṇa), tất cả Đà La Ni (Dhāraṇī), tất cả Thần Thông (Abhijña), tất cả Tự Tại (Īśvara), tất cả Pháp bình đẳng (Sama) đều nhiếp nhận. Như vậy Phật Pháp thảy đều hiện ra.

Y theo Đại Trí này thì mười Lực (Daśa-bala), bốn Vô Sở Úy (Catvāri vaiśāradyāni), bốn Vô Ngại Biện (Catasraḥ pratisaṃvidaḥ), một trăm tám mươi Pháp Bất Cộng (Aveṇika-buddha-dharma), tất cả Pháp hiếm có chẳng thể nghĩ bàn thảy đều hiển hiện.. Ví như nương vào viên ngọc báu Như Ý (Cintā-maṇi) thì vô lượng vô biên mọi loại châu báu thảy đều được hiện ra. Như vậy, y theo báu Đại Tam Muội, y theo báu Đại Trí Tuệ thì hay sinh ra mọi loại vô lượng vô biên Diệu Pháp của chư Phật.

Thiện Nam Tử! Tam Muội, Trí Tuệ của Pháp Thân như vậy vượt qua tất cả tướng, chẳng dính vào tướng, chẳng thể phân biệt, chẳng phải thường (Nitya), chẳng phải đoạn (Cchedana), đấy gọi là Trung Đạo (Madhyamā-pratipad). Tuy có phân biệt như Thể (Svabhāha, hay Bhāva) không có phân biệt, Tuy có ba số nhưng không có ba Thể, chẳng tăng thêm chẳng giảm bớt, giống như mộng huyễn, cũng không có Sở Chấp, cũng không có Năng Chấp, Pháp Thể như như. Nơi giải thoát đó vượt qua cảnh của Tử Vương (Mṛta-rāja: Thần chết), vượt qua sự ám tối của sinh tử, nơi mà tất cả chúng sinh chẳng thể tu hành chẳng thể đến được, là nơi trụ xứ của tất cả chư Phật Bồ Tát

Thiện Nam Tử! Ví như có người nguyện muốn được vàng, tìm kiếm mọi nơi mới được quặng vàng. Đã được quặng xong, tức liền đập vụn ra, chọn lấy phần tinh, nung chảy trong lò thì được vàng trong sạch, tùy theo ý xoay chuyển làm các vòng, xuyến, mọi loại vật dụng trang nghiêm. Tuy có các dụng nhưng tính của vàng chẳng thay đổi.

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện cầu Thắng Giải Thoát, tu hành điều tốt lành ở đời, được thấy Đức Như Lai với chúng Đệ Tử, được gần gũi xong, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào là Thiện (Kuśala)? Thế nào là Bất Thiện (Akuśala)? Thế nào là tu chính đúng được Hạnh thanh tịnh?” Chư Phật Như Lai với chúng Đệ Tử thấy kẻ kia hỏi thời suy nghĩ như vầy:

“Kẻ trai lành, người nữ thiện đó muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe Chính Pháp”.

Tức liền vì họ nói khiến cho khai ngộ

Người kia nghe xong, chính niệm nhớ giữ, phát Tâm tu hành được sức tinh tiến, trừ chướng lười biếng, diệt tất cả tội, ở các chỗ học lìa sự chẳng tôn trọng, ngưng dứt  Tâm phiền não chẳng an tịnh (Auddhatya-kaukṛtya: trạo hối) nhập vào Sơ Địa (Pramuditā-bhūmi: Hoan Hỷ Địa, Cực Hỷ Địa), y theo Tâm Sơ Địa trừ chướng của lợi ích chúng sinh được vào Nhị Địa (Vimalā-bhūmi:Ly Cấu Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng chẳng bức não nhập vào Tam Địa (Prabhākarī-bhūmi:Phát Quang Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Tâm mềm mại trong sạch nhập vào Tứ Địa (Arciṣmatī-bhūmi: Diệm Tuệ Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của phương tiện khéo nhập vào Ngũ Địa (Sudurjayābhūmi:Nan Thắng Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Kiến Chân Tục nhập vào Lục Địa (Abhimukhī-bhūmi: Hiện Tiền Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Kiến Hành Tướng nhập vào Thất Địa (Dūraṃgamā-bhūmi: Viễn Hành Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của chẳng thấy tướng diệt nhập vào Bát Địa (Acalā-bhūmi: Bất Động Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của chẳng thấy tướng sinh nhập vào Cửu Địa (Sādhumatī-bhūmi: Thiện Tuệ Địa).   Ở trong Địa này, trừ chướng của sáu Thông nhập vào Thập Địa (Dharmameghā-bhūmi: Pháp Vân Địa). Ở trong Địa này, trừ Sở Tri Chướng (Jñeyāvaraṇa), trừ Tâm căn bản nhập vào Như Lai Địa (Tathāgata-bhūmi)

Như Lai Địa do ba thứ Tịnh cho nên gọi là cực thanh tịnh. Thế nào là ba? Một là Phiền Não Tịnh, hai là Khổ Tịnh, ba là Tướng Tịnh. Ví như vàng ròng được nấu chảy sửa trị rèn đúc. Đã thiêu đốt rèn đập xong thì không có bụi dơ nữa, nhằm  hiển Tính của vàng vốn thanh tịnh, Thể của vàng thanh tịnh chứ chẳng phải là không có vàng. Ví như nước đục, để lắng yên  thì không có cặn dơ nữa, nhằm hiển Tính của nước vốn thanh tịnh chứ chẳng phải là không có nước. Như vậy Pháp Thân (Dharma-kāya) với Phiền Não (Kleśa) lìa nhau, trừ Khổ (Duḥkha) Tập (Samudaya) xong thì không có Tập (samudaya) dư sót nữa, nhằm hiển Phật Tính (Buddhatā) vốn thanh tịnh, chẳng phải là không có Thể (Svabhāva, hay Bhāva).

Ví như hư không bị khói, mây, bụi, sương mù ngăn che. Nếu trừ  đuổi xong thì Không Giới (Ākāśa-dhātu) đó trong sạch chứ chẳng phải là không có hư không (Ākāśa). Như vậy Pháp Thân, vì tất cả mọi khổ thảy đều tận hết cho nên nói là thanh tịnh, chứ chẳng phải là không có Thể.   

Ví như có người ở trong giấc mộng thấy thân ấy nổi lềnh bềnh trong nước sông lớn, liền vận tay động chân vượt qua dòng chảy được đến bờ bên kia, do thân tâm ấy chẳng lười biếng thoái lùi. Cho nên từ mộng tỉnh dậy xong thì chẳng thấy có nước với bờ này bờ kia, chứ chẳng phải là không có Tâm. Sinh tử vọng tưởng đã diệt hết xong thì Giác (Bodhi: Trí Tuệ chứng ngộ Lý màu nhiệm của Niết Bàn) đó thanh tịnh chứ chẳng phải là không có Giác (Bodhi)

_Lại nữa Thiện Nam Tử! Pháp Thân đó: khi Hoặc Chướng (Kleśāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Ứng Thân, Nghiệp Chướng (Karmāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Hóa Thân, Trí Chướng (Jñānāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Pháp Thân. Ví như y theo hư không phát ra điện, y theo điện phát ra ánh sáng. Như vậy, y theo Pháp Thân cho nên hay hiện Ứng Thân, y theo Ứng Thân cho nên hay hiện Hóa Thân. Do Tính thanh tịnh cho nên hay hiện Pháp Thân, Trí Tuệ thanh tịnh hay hiện Ứng Thân, Tam Muội thanh tịnh hay hiện Hóa Thân. Ba thứ thanh tịnh này là Pháp Như Như, Bất Dị Như Như, Nhất Vị Như Như, Giải Thoát Như Như, Cứu Cánh Như Như. Thế nên Thể của chư Phật không có khác biệt. 

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nói Đức Như Lai là Đại Sư của tôi. Nếu có niềm tin quyết định như vậy thì người này liền ứng với Tâm xa hiểu rõ thân của Như Lai không có khác biệt.

Thiện Nam Tử! Do nghĩa đó cho nên đối với các cảnh giới, thảy đều trừ dứt sự suy nghĩ chẳng chính đúng, tức biết Pháp ấy không có hai tướng, cũng không có phân biệt. là nơi mà bậc Thánh đã tu hành. Như như đối với Pháp ấy không có hai tướng, tu hành chính đúng. Như vậy! Như vậy! Pháp Như Như, Trí Như Như được Pháp Giới Như Như cực thanh tịnh, Chính Trí thanh tịnh. Như vậy! Như vậy! Tất cả tự tại, nhiếp nhận đầy đủ đều được thành tựu, tất cả các chướng thảy đều trừ diệt, Do tất cả các Chướng được thanh tịnh, cho nên đấy gọi là tướng chân thật của Chân Như Chính trí. Cái thấy như vậy được gọi là Thánh Kiến (cái thấy của bậc Thánh). Đấy tức gọi là chân thật thấy Phật. Tại sao thế? Vì như thật được thấy Pháp Chân Như. Thế nên chư Phật đều hay nhìn thấy khắp tất cả Như Lai. Tại sao thế? Vì Thanh Văn, Độc Giác đã ra khỏi ba cõi, cầu cảnh chân thật chẳng thể thấy biết. Như vậy, nơi mà Thánh Nhân đã chẳng thấy biết thì tất cả Phàm Phu đều sinh nghi ngờ, điên đảo phân biệt chẳng thể vượt qua được. Như con thỏ trôi nổi trên biển, chẳng thể vượt qua được. Tại sao thế? Vì sức kém cỏi vậy . Người Pháp Phu cũng lại như vậy, chẳng thể thông đạt Pháp Như Như. Nhưng các Như Lai không có Tâm phân biệt, đối với tất cả Pháp được đại tự tại, đấy đủ Trí Tuệ thâm sâu thanh tịnh, là cảnh giới của chính mình chẳng chung cùng với người khác. Thế nên, chư Phật Như Lai ở vô lượng vô biên a tăng kỳ Kiếp, chẳng tiếc thân mệnh, thực hành Khổ Hạnh (Duṣkaracaryā, hay Tapas) khó hành mới được Thân tốt thượng không gì sánh được này, chẳng thể nghĩ bàn, vượt qua cảnh của ngôn thuyết, là sự vắng lặng nhiệm màu, lìa các sợ hãi.

Thiện Nam Tử! Như vậy, người thấy biết Pháp Chân Như thì không có sinh, già, chết. Thọ Mệnh vô hạn. không có ngủ mê, cũng không có đói khát, Tân thường tại Định không có tán động. Nếu đối với Như Lai mà khởi Tâm tranh luật ắt chẳng thể thấy Như Lai. Điều mà chư Phật đã nói đều hay lợi ích, người có lắng nghe thì không có ai chẳng giải thoát. Chẳng gặp gỡ các cầm thú ác, người ác, Quỷ ác. Do nghe Pháp cho nên được Quả Báo không tận. Nhưng các Như Lai không có việc Vô Ký (Avyākṛta: Tính của sự vật chẳng thể phán định là Thiện hay Bất Thiện). Tất cả cảnh giới không có Tâm muốn biết, Sinh Tử Niết Bàn không có tưởng khác biệt. Điều mà Đức Như Lai đã ghi nhận thì không có gì chẳng quyết định. Trong bốn uy nghi của chư Phật Như Lai không có gì chẳng phải là Trí nhiếp. Tất cả các Pháp không có gì chẳng làm. Nơi Từ Bi đã nhiếp không có gì chẳng vì lợi ích an vui cho các chúng sinh.

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Kinh Kim Quang Minh này lắng nghe, tin hiểu thì chẳng bị rơi vào dường Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh, A Tô La… thường ở cõi của Trời, Người, chẳng sinh vào chỗ hèn kém, luôn được gần gũi chư Phật Như Lai, nghe nhận Chính Pháp, thường sinh vào cõi nước thanh tịnh của chư Phật. Tại sao thế? Do được nghe Pháp thâm sâu này thì kẻ trai lành, người nữ thiện đó tức được Đức Như Lai đã biết, đã ghi nhận, sẽ được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) chẳng thoái lùi.

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Pháp vi diệu thâm sâu này, một lần đi qua lỗ tai thì nên biết người đó chẳng chê bai Như Lai, chẳng hủy Chính Pháp, chẳng khinh chúng Thánh. Tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành thì khiến được gieo trồng, đã gieo trồng căn lành thì khiến cho tăng trưởng thành thục. Hết thảy chúng sinh trong tất cả Thế Giới đều khuyên tu sáu Ba La Mật Đa (Ṣaṭpāramitā)”.

Bấy giờ, Hư Không Tạng Bồ Tát, Phạm, Thích, bốn vị vua (tứ Thiên Vương) các hàng Thiên Chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu tại nơi chốn nào giảng nói Kinh Điển vi diệu của Kim Quang Minh Vương như vậy thì ở cõi nước ấy có bốn loại lợi ích. Thế nào là bốn?

1_Quốc vương, quân chúng cường thịnh không có các oán địch, lìa các bệnh tật, thọ mệnh lâu dài, cát tường an vui, Chính Pháp hưng hiển.

2_ Trong cung: phi hậu, vương tử, các quần thần hòa thuận, ưa thích nhau, không có tranh chấp, lìa sự dua nịnh, được vua yêu trọng.

3_Sa Môn, Bà La Môn với các người dân trong nước tu hành Chính Pháp, không có bệnh, được an vui, không có người chết oan uổng, đối với các ruộng Phước thảy đều gây dựng tu tập.

4_Ở trong ba thời, bốn Đại điều hòa thích hợp, thường được chư Thiên tăng thêm thủ hộ, Từ Bi bình đẳng, không có Tâm gây thương tổn làm hại, khiến các chúng sinh quy kính Tam Bảo, đều nguyện tu tập Hạnh Bồ Đề (Bodhicaryā)

Đây là bốn loại việc lợi ích.

Thế Tôn! Chúng con cũng thường rộng truyền Kinh này, đi theo người trì Kinh như vậy, ở  tại nơi cư trú vì họ làm lợi ích”.

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như vậy! Như vậy các ông cần phải có Tâm siêng năng lưu bày Diệu Kinh Vương này, tức khiến cho Chính Pháp trụ lâu ở đời”


 

MỘNG THẤY CÁI TRỐNG VÀNG_ SÁM HỐI

_PHẨM THỨ TƯ_

Bấy giờ, Diệu Tràng Bồ Tát đích thân ở trước mặt Đức Phật, nghe Diệu Pháp xong thời vui mừng hớn hở, một lòng suy nghĩ rồi quay về chỗ ở của mình.

Ban đêm ở trong mộng thấy cái trống vàng lớn tỏa ánh sáng rực rỡ, giống như mặt trời, Ở trong ánh sáng này được thấy mười phương chư Phật ngồi trên tòa Lưu Ly dưới cái cây báu, vô lượng trăm ngàn Đại Chúng vây quanh để nghe nói Pháp. Thấy một vị Bà La Môn đi đến đánh cái trống vàng phát ra âm thanh lớn, trong âm thanh diễn nói Già Tha (Gāthā: Kệ Tụng) vi diệu, tỏ rõ Pháp Sám (Kṣama: hối hận với tội lỗi đã làm để cầu xin khoan thứ) Hối (Āpattipratideśana: tỏ bày tội trạng). Diệu Tràng nghe xong, thảy đều nhớ giữ mà trụ. Đến sáng sớm hôm sau cùng với vô lượng trăm ngàn Đại Chúng vây quanh, đem các vật cúng, ra khỏi thành Vương Xá, đến núi Thứu Phong, đến chỗ của Đức Phật, lễ bàn chân của Đức Phật xong, trải bày hương hoa, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi lui về ngồi một bên, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Tôn Nhan rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con ở trong mộng, thấy vị Bà La Môn dùng bàn tay cầm cái dùi đánh cái trống vàng màu nhiệm, phát ra âm thanh lớn, trong âm thanh diễn nói Già Tha vi diệu, tỏ rõ Pháp Sám Hối. Con đều nhớ giữ,

nguyện xin Đức Thế Tôn giáng Đại Từ Bi, nghe điều con đã nói” Liền ở trước mặt Đức Phật mà nói Tụng rằng:

“Trong đêm hôm qua, con

Mộng thấy trống vàng lớn (đại kim cổ)

Hình dáng thật đẹp khéo

Ánh sáng vàng vòng khắp

Giống như vành mặt trời

Ánh sáng đều chiếu khắp

Tràn đầy mười phương cõi

Đều nhìn thấy chư Phật

Ở dưới cái cây báu

Ngồi trên tòa Lưu Ly

Vô lượng trăm ngàn Chúng

Cung kính mà vây quanh

_Có một Bà La Môn

Cầm dùi, đánh trống vàng

Bên trong tiếng trống ấy

Nói Diệu Già Tha này

Trống sáng vàng, phát ra Diệu Thanh

Vang khắp ba ngàn Đại Thiên Giới

Diệt tội cực nặng trong ba đường (Apaya-gati: đường ác)

Với các ách khổ trong cõi người

_Do uy lực của cái trống vàng

Diệt hẳn tất cả Phiền Não Chướng (Kleśāvaraṇa)

Chặt đứt sợ hãi, khiến an ổn

Ví như Mâu Ni Tôn (Muṇi-nātha) tự tại

Phật ở trong biển lớn sinh tử

Gom Hạnh tu thành Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Hay khiến chúng sinh đủ Giác Phẩm

Rốt ráo đều về biển Công Đức

_Do trống vàng này phát Diệu Thanh

Khiến khắp người nghe được âm Phạn

Chứng được quả Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi)

Thường chuyển Diệu Pháp Luân (bánh xe Pháp màu nhiệm) thanh tịnh

Sống lâu chẳng thể nghĩ bàn Kiếp (Kalpa: thời gian cực dài)

Tùy nói Pháp lợi quần sinh (tất cả sinh vật hay chúng sinh)

Hay chặt phiền não, mọi dòng khổ

Nhóm tham sân si đều trừ diệt

_Nếu có chúng sinh ở nẻo ác (Apaya-gati)

Lửa nóng mạnh lớn vòng khắp thân

Nếu được nghe tiếng trống nhiệm màu

Liền hay lìa khổ, quy y Phật

Đều được thành tựu Túc Mệnh Trí (Purvanivasānusmṛiti-jñānaṃ)

Hay nhớ trăm ngàn đời quá khứ

Thảy đều chính niệm Mâu Ni Tôn

Nghe Giáo thâm sâu (Gambhīra-śāstra) của Như Lai

_Nghe âm thắng diệu của trống vàng

Thường được gần gũi nơi chư Phật

Đều hay buông lìa các nghiệp ác

Thuần tu các Thiện Phẩm thanh tịnh

_Tất cả Trời, người, loài hữu tình

Kẻ ân trọng chí thành cầu nguyện

Nghe tiếng màu nhiệm của trống vàng

Hay khiến mong cầu đều đầy đủ.

_Chúng sinh đọa trong ngục vô Gián (Avīci)

Lửa mạnh nóng rực thiêu đốt thân

Không được cứu giúp, ở Luân Hồi (Samsāra)

Người nghe, hay khiến trừ diệt khổ (Duḥkha)

_Trong người, Trời, Quỷ đói, bàng sinh

Hết thảy hiện chịu các nạn khổ

Được nghe trống vàng phát Diệu Hưởng (tiếng vang màu nhiệm)

Thảy đều lìa khồ, được giải thoát

_Hiện tại mười phương cõi

Lưỡng Túc Tôn (Dvipadottama: một tên hiệu của Đức Phật) thường trụ

Nguyện dùng Tâm Đại Bi

Xót thương, nghĩ nhớ con

Chúng sinh không quy y

Không có ai cứu giúp

Vì nhóm loại như vậy

Hay làm Đại Quy Y (nơi nương tựa to lớn)

_Trước kia, con gây tội

Các nghiệp ác cực nặng

Nay đối trước Thập Lực (Daśa-bala: chỉ Đức Phật)

Chí Tâm đều sám hối

_Con chẳng tin chư Phật

Cũng chẳng kính Tôn Thân (cha mẹ, Tổ Tiên)

Chẳng chăm tu mọi Thiện

Thường tạo các nghiệp ác

_Hoặc cậy mình cao quý

Dòng tộc, tiền, địa vị

Tuổi trẻ hành phóng dật (Pramāda: buông thả theo dục vọng)

Thường tạo các nghiệp ác

_Tâm luôn khởi Tà Niệm

Miệng tỏ bày lời ác

Chẳng thấy tội, lỗi lầm

Thường tạo các nghiệp ác

_Luôn làm hạnh ngu phu (người ngu)

Vô Minh (Avidya) che ám Tâm

Tùy thuận bạn chẳng lành

Thường tạo các nghiệp ác

_Hoặc nhân các đùa vui

Hoặc lo buồn phiền não

Bị tham sân ràng buộc

Nên con tạo các ác

_Gần gũi người chẳng tốt (Akuśala: bất thiện)

Ý keo kiệt, ganh ghét

Nghèo túng hay lừa dối

Nên con tạo các ác

_Tuy chẳng thích mọi lỗi

Do có sự sợ hãi

Với chẳng được tự tại

Nên con tạo các ác

_Hoặc vì Tâm xao động

Hoặc nhân giận dữ, hận

Với đói khát, bực bội

Nên con tạo các ác

_Do ăn uống, quần áo

Với ham yêu người nữ

Lửa phiền não thiêu đốt

Nên con tạo các ác

_Nơi Phật, Pháp, chúng Tăng

Chẳng sinh Tâm cung kính

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Nơi Độc Giác, Bồ Tát

Không có Tâm cung kính

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Không biết, chê Chính Pháp

Bất hiếu với cha mẹ

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Do ngu si, kiêu mạn

Cùng với sức tham, giận

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Con ở mười phương cõi

Cúng dường vô số Phật

Nguyện cứu giúp chúng sinh

Khiến lìa các nạn khổ

_Nguyện tất cả hữu tình

Đều khiến trụ mười Địa

Viên mãn Phước (Puṇya), Trí (Jñāna) xong

Thành Phật, dạy quần mê (chúng sinh có bản tính mê muội tội lỗi)

_Con vì các chúng sinh

Khổ Hạnh trăm ngàn kiếp

Dùng sức Đại Trí Tuệ

Đều khiến rời biển khổ

_Con vì các hàm thức (sinh vật có ý thức, có tình cảm, tức chỉ chúng sinh)

Diễn nói Kinh thâm sâu

Tối Thắng Kim Quang Minh

Hay trừ các nghiệp ác

_Nếu người trăm ngàn kiếp

Tạo các tội cực nặng

Tạm thời hay bày tỏ

Mọi ác tiêu trừ hết

_Y Kim Quang Minh này

Làm Sám Hối như vậy

Do đây, hay mau dứt

Tất cả các nghiệp khổ

_Thắng Định trăm ngàn loại

Tổng Trì (Dhāraṇī) chẳng thể bàn

Căn (Pañca-indrya: năm căn), Lực (Pañca-bala: năm Lực), Giác Đạo Chi

(Sapta-bodhyaṅga: bảy Giác Chi với Aṣṭāngika-mārga: tám Chính Đạo)

Tu tập không mệt mỏi

_Con sẽ đến Thập Địa (daśa-bhūmi)

Nơi đầy đủ châu báu

Viên mãn Công Đức Phật

Tế độ dòng sinh tử

_Con ở các biển Phật

Tạng Công Đức thâm sâu

Diệu Trí khó nghĩ bàn

Đều khiến được đầy đủ

_Nguyện xin mười phương Phật

Quán sát, hộ niệm con

Đều dùng Tâm Đại Bi

Thương nhận con sám hối

_Con ở trong nhiều kiếp

Đã tạo các nghiệp ác

Do đây, sinh khổ não

Thương xót, nguyện tiêu trừ

_Con tạo các nghiệp ác

Thường sinh Tâm lo sợ

Ở trong bốn uy nghi

Không có tưởng mừng vui

Chư Phật đủ Đại Bi

Giúp chúng sinh trừ sợ

Nguyện nhận con Sám Hối

Khiến được lìa khổ lo

_Con có Phiền Não Chướng

Cùng với các nghiệp báo

Nguyện dùng nước Đại Bi

Tẩy rửa khiến thanh tịnh

_Trước kia, con gây tội

Hiện tại tạo nghiệp ác

Chí Tâm đều bày tỏ

Nguyện đều được trừ hết

_Các nghiệp ác vị lai

Ngăn giữ khiến chẳng khởi

Giả sử khiến trái ngược

Cũng chẳng dám che dấu

_Thân ba (sát sinh, trộm cắp, tà dâm) Ngữ bốn loại (nói dối, nói hai lưỡi, nói điều ác, nói thêu dệt phù phiếm)

Ý Nghiệp lại có ba (tham lam, giận dữ, si mê)

Cột buộc các hữu tình

Vô Thủy luôn nối tiếp

Do ba loại Hành này

Tạo làm mười nghiệp ác

Như vậy rất nhiều tội

Nay con đều sám hối

_Con tạo các nghiệp ác

Khổ Báo sẽ tự nhận

Nay ở trước chư Phật

Chí thành đều sám hối

_Ở Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) này

Với Thế Giới phương khác

Hết thảy các nghiệp Thiện (Kuśala-karma)

Nay con đều tùy vui

_Nguyện lìa mười nghiệp ác

Tu hành mười đường Thiện

An trụ trong mười Địa

Thường thấy Phật mười phương

_Con dùng thân miệng ý

Nghiệp Phước Trí đã tu

Nguyện dùng căn lành (Kuśala-mūla) này

Mau thành Vô Thượng Tuệ (Agra-mati)

_Nay con tự đối trước Thập Lực (Đức Phật)

Tỏ bày rất nhiều việc nạn khổ

Nạn phàm phu si mê ba cõi (dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới)

Luôn tạo nạn nghiệp ác cực nặng

_Con đã gom chứa nạn Dục Tà (tà hạnh của sự dâm dục)

Thường khởi nạn tham ái lưu chuyển

Ở Thế Gian này, nạn ham dính

Nạn phiền não của các người ngu (ngu phu)

Nạn cuồng Tâm tán động, điên đảo

Cùng với nạn gần gũi bạn ác

Nạn Tham Nhiễm ở trong sinh tử

Nạn giận, si, ngu muội tạo tội

Nạn sinh nơi ác có tám nạn

Nạn chưa từng gom chứa Công Đức

Nay con ở trước Đấng Tối Thắng 

Sám hối vô biên nghiệp tội ác

_Nay con quy y các Thiện Thệ (Sugata)

Con lễ Vô Thượng Tôn biển Đức

Như núi vàng lớn chiếu mười phương

Nguyện xin Từ Bi thương nhiếp nhận

_Thân sắc ánh vàng, sạch, không dơ

Mắt như Lưu Ly biếc thanh tịnh

Cát Tường Uy Đức Danh Xưng Tôn

Mặt trời Đại Bi Tuệ trừ ám

_Ánh sáng mặt trời Phật tràn khắp

Khéo sạch, không dơ lìa mọi bụi

Mặt trăng Mâu Ni chiếu trong mát

Trừ nhiệt phiền não của chúng sinh

_Ba mươi hai tướng trang nghiêm khắp

Tám mươi vẻ đẹp đều viên mãn

Phước Đức khó nghĩ, không gì bằng

Như ánh mặt trời chiếu Thế Gian

_Màu như Lưu Ly sạch, không dơ

Giống như trăng tròn ở hư không

Thân vàng ánh lưới Pha Lê đẹp

Mọi loại ánh sáng dùng nghiêm sức

_Ở trong bộc lưu (tên khác của phiền não) khổ sinh tử

Bị nước già, bệnh, lo buồn cuốn

Biển khổ như vậy khó kham nhẫn

Phật Nhật (mặt trời Phật) duỗi sáng khiến cạn hết

_Nay con cúi lạy Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Ba ngàn Thế Giới: Tôn hiếm có

Thân vàng tía tỏa sáng rực rỡ

Mọi loại tuyệt đẹp đều nghiêm sức

Như lượng nước biển lớn khó biết

Bụi nhỏ Đại Địa chẳng thể đếm

Như núi Diệu Cao (Sumeu: núi Tu Di) khó xưng lường

Cũng như hư không không có bờ

Công Đức chư Phật cũng như vậy

Tất cả hữu tình chẳng thể biết

_Ở vô lượng kiếp suy nghĩ kỹ

Không có thể biết bờ biển Đức

Hết các núi cao Đại Địa này

Chẻ như bụi nhỏ, hay tính biết

Lượng giọt nước biển có thể lường

Công Đức của Phật không thể đếm

_Tất cả hữu tình cùng khen ngợi

Danh xưng, Công Đức của Thế Tôn

Tướng tốt thanh tịnh, diệu trang nghiêm

Chẳng thể xưng lường, biết giới hạn

_Mọi nghiệp Thiện mà con có được

Nguyện được mau thành Vô Thượng Tôn

Rộng nói Chính Pháp lợi quần sinh

Đều khiến giải thoát khỏi mọi khổ

Giáng phục chúng quân Ma Đại Lực

Sẽ chuyển Vô Thượng Chính Pháp Luân

_Trụ lâu số kiếp khó nghĩ bàn

Chúng sinh tràn đầy vị Cam Lộ

Giống như các Tối Thắng quá khứ

Sáu Ba La Mật đều viên mãn

Diệt các Tham Dục với Sân, Si

Giáng phục phiền não, trừ mọi khổ

Nguyện con thường được Túc Mệnh Trí

Hay nhớ trăm ngàn đời quá khứ

Cũng thường nghĩ nhớ Mâu Ni Tôn

Được nghe Pháp thâm sâu của Phật

Nguyện con dùng các nghiệp Thiện này

Phụng sự vô biên Tối Thắng Tôn

Xa lìa tất cả người bất thiện

Luôn được tu hành Chân Diệu Pháp

_Chúng sinh trong tất cả Thế Giới

Thảy đều lìa khổ được an vui

Hết thảy các căn chẳng đầy đủ

Khiến thân tướng ấy đều viên mãn

_Nếu có chúng sinh bị bệnh khổ

Thân hình gầy ốm, không người giúp (vô sở y: không có nơi nhờ cậy được)

Đều khiến bệnh khổ được tiêu trừ

Các căn, sắc lực đều sung mãn

_Nếu phạm phép vua, sắp tử hình

Mọi khổ bức bách sinh lo phiền

Kẻ chịu cực khổ như điều này

Không nơi nương cậy, hay cứu giúp

Nếu chịu roi gậy, gông xiềng cột

Mọi vật gây khổ ép thân ấy

Vô lượng trăm ngàn sự lo phiền

Bức bách thân tâm, không tạm vui

Khiến được miễn trừ nơi cột trói

Cùng với roi gậy, việc khổ sở

Người sắp tử hình được toàn mạng

Mọi khổ đều khiến trừ hết hẳn

_Nếu có chúng sinh bị đót khát

Khiến được mọi mùi vị thù thắng

Người mù được thấy,  điếc được nghe

Người què hay đi,  câm hay nói

Chúng sinh nghèo túng được kho báu

Kho chứa tràn đầy, không chỗ thiếu

Đều khiến hưởng niềm vui thượng diệu

Không một chúng sinh chịu khổ não

_Tất cả người, Trời vui thích nhìn

Dung nghi ôn nhã rất đoan nghiêm

Thảy đều hiện hưởng vô lượng vui

Thọ dụng dư thừa, đủ Phước Đức

_Tùy chúng sinh ấy nghĩ kỹ nhạc

Mọi âm thanh màu nhiệm hiện tiền

Nghĩ nước liền hiện ao trong mát

Hoa sen màu vàng nổi trên ao

Tùy Tâm chúng sinh ấy nghĩ nhớ

Thức ăn uống, quần áo, giường chiếu

Vàng, bạc, châu báu, diệu Lưu Ly

Anh Lạc trang nghiêm đều đầy đủ

_Đừng khiến chúng sinh nghe tiếng ác

Chẳng thấy hai tướng trái ngược nhau

Dung mạo đã nhận đều đoan nghiêm

Đều hướng Tâm Từ (Maitra-citta) yêu thích nhau

_Thế Gian các vật dụng sinh sống

Tùy Tâm nghĩ nhớ đều đầy đủ

Tiền của có được không keo tiếc

Bố thí chia cho các chúng sinh

_Hương đốt, hương bột với hương xoa

Mọi loại hoa đẹp chẳng một màu

Mỗi ngày ba thời từ cây rụng

Tùy Tâm nhận dùng sinh vui vẻ

_Nguyện khắp chúng sinh đều cúng dường

Mười phương tất cả Tối Thắng Tôn

Pháp Môn tịnh diệu của ba Thừa (Trīṇi-yānāni)

Bồ Tát, Độc Giác, chúng Thanh Văn

_Thường nguyện đừng ở nơi thấp hèn

Chẳng rơi trong tám nạn không rảnh

Sinh tại Nhân Trung Tôn nhàn rỗi

Luôn được tự nương Phật mười phương

_Nguyện được sinh vào nhà phú quý

Tài bảo, kho chứa đều tràn đầy

Dung mạo, danh tiếng không ai bằng

Thọ mệnh lâu dài nhiều Kiếp số

_Đều nguyện người nữ biến làm nam

Mạnh khỏe, thông minh, nhiều Trí Tuệ

Tất cả thường hành Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga)

Siêng tu sáu Độ (6 Ba La Mật) đến bờ kia (Niết Bàn)

_Thường thấy mười phương vô lượng Phật

Ngồi yên dưới gốc cây bảo vương

Trên Tòa sư tử Lưu Ly đẹp

Luôn được tự nương chuyển Pháp Luân

_Nếu ở quá khứ với hiện tại

Luân hồi ba cõi tạo các nghiệp

Chiêu cảm nẻo chẳng lành đáng ghét

Nguyện tiêu diệt hẳn, không dư sót

_Tất cả chúng sinh nơi biển có (chỉ sự sinh tử trong ba cõi)

Dây lưới sinh tử cột bền chắc

Nguyện dùng Kiếm Trí (Jñāna-khaḍga) chặt trừ hết

Lìa khổ mau chứng chốn Bồ Đề

_Chúng sinh ở trong Thiệm Bộ (Jambu-dvīpa) này

Hoặc trong Thế Giới ở phương khác

Đã tạo mọi loại ruộng Thắng Phước

Nay con thảy đều sinh tùy vui.

_Dùng việc Phước Đức tùy vui này

Với thân miệng ý tạo mọi Thiện

Nguyện Thắng Nghiệp này thường tăng trưởng

Mau chứng Vô Thượng Đại Bồ Đề

_Hết thảy Công Đức lễ tán Phật

Thâm Tâm thanh tịnh không vết dơ

Hồi hướng, phát nguyện Phước vô biên

Vượt sáu mươi kiếp của nẻo ác

_Nếu có người nam với người nữ

Hàng Bà La Môn, các Thắng Tộc

Chắp tay một lòng khen ngợi Phật

Đời đời thường nhớ việc đời trước

Các Căn thanh tịnh, thân viên mãn

Công Đức thù thắng đều thành tựu

Nguyện ở nơi sinh đời vị lai

Thường được Người, Trời thường chiêm ngưỡng

_Chẳng phải nơi một Phật, mười Phật

Tu các căn lành, nay được nghe

Ở trăm ngàn Phật gieo căn lành

Mới được nghe Pháp Sám Hối này”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe Thuyết này xong thời khen Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã mộng thấy cái trống vàng phát ra tiếng khen ngợi Công Đức chân thật của Như Lai kèm với Pháp Sám Hối. Nếu có người nghe thì được Phước rất nhiều, rộng lợi hữu tình, diệt trừ tội chướng. Nay ông nên biết Thắng Nghiệp này đều là Nhân Duyên đã quen khen ngợi, phát nguyện trong quá khứ với do uy lực của chư Phật gia hộ. Do nhân duyên này sẽ vì ông…”

Khi các Đại Chúng nghe Pháp này xong thảy đều vui vẻ, tin nhận phụng hành

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ HAI (Hết)_

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10