ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẠP TẬP LUẬN
An Huệ Bồ-tát tập hợp
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 1 – 1: PHẨM ĐẾ TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Lại nữa, quyết trạch lược nói có 4 thứ, là đế quyết trạch, pháp quyết trạch, đắc quyết trạch, và luận nghị quyết trạch. Đế quyết trạch lại có 4 thứ là dựa vào khổ tập diệt đạo 4 Thánh đế mà nói.

Thế nào là khổ đế? Nghĩa là hữu tình sinh và nơi sinh, tức hữu tình thế gian và khí thế gian. Như thứ tự hoặc sinh hoặc nơi sinh đều gọi là khổ đế. Hữu tình sinh, nghĩa là các hữu tình sinh trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, cõi người và cõi trời. Cõi người có Đông Tìđề-ha, Tây Cù-đà-ni, Nam Thiệm-bộ châu, Bắc Câu-lô châu. Cõi trời có các trời 4 Đại vương, trời 33, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại Phạm, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phúc sinh, trời Quảng quả, trời Vô tưởng hữu tình, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh, trời Vô biên không xứ, trời Vô biên thức xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nơi sinh y xứ tức khí thế giới, là thủy lúân dựa vào phong luân, địa luân dựa vào thủy luân. Dựa vào địa luân này có núi Tô-mê-lô, núi Thất kim sơn, 4 Đại châu, 8 Tiểu châu và biển Nội hải, Ngoại hải. Bốn tầng cấp bên ngoài núi Tô-mê-lô có trời 4 Đại vương chúng, là nơi biệt cư của trời 33, ngoài luân vi sơn là hư không cung điện. Trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, và các trời Sắc giới ở riêng, các A-tố-lạc ở riêng, và các Na-lạc-ca ở riêng như là nhiệt Na-lạc-ca, hàn Na-lạc-ca, cô độc Na-lạc-ca, và một phần bàng sinh, ngạ quỷ ở riêng. Cho đến một mặt trời một mặt trăng ánh sáng châu biến chiếu đến nơi, gọi là một thế giới. Như vậy trong 1 ngàn thế giới có 1 ngàn mặt trời 1 ngàn mặt trăng 1 ngàn núi chúa Tô-mê-lô 1 ngàn tứ đại châu 1 ngàn tứ đại thiên vương chúng thiên 1 ngàn trời 33 1 ngàn trời Dạ-ma 1 ngàn trời Đổ-sử-đa 1 ngàn trời Lạc biến hóa 1 ngàn trời Tha hóa tự tại 1 ngàn trời Phạm thế. Như vậy gọi chung là Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới gọi chung là đệ nhị Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới gọi chung là đệ tam Đại thiên thế giới. Như vậy 3 ngàn Đại thiên thế giới có chung một giải núi Đại luân vi sơn vây bọc. Lại nữa 3 ngàn Đại thiên thế giới này cùng hoại cùng thành. Ví như giọt mưa trên trời từ trên không rơi xuống không ngớt như bánh xe quay không gián đoạn. Như vậy ở phương Đông không gián đoạn có vô lượng thế giới hoặc sắp hoại, hoặc sắp thành, hoặc đang hoại, hoặc hoại rồi trụ, hoặc đang thành, hoặc thành rồi trụ. Giống như phương Đông cho đến tất cả 10 phương cũng vậy. Như vậy hữu tình thế gian hay khí thế gian do sức của nghiệp phiền não sinh nên nghiệp phiền não tăng thượng khởi đều gọi chung là khổ đế. Sức của nghiệp phiền não sinh, nghiệp phiền não tăng thượng khởi, là 2 câu này như thứ tự hiển thị hữu tình thế gian và khí thế gian đều là khổ tính. Lại có thanh tịnh thế giới không nhiếp thuộc khổ đế, chẳng phải do sức nghiệp phiền não sinh nên chẳng phải nghiệp phiền não tăng thượng khởi, mà do đại nguyện thanh tịnh thiện căn tăng thượng dẫn phát. Sở sinh xứ này là không thể nghĩ bàn chỉ có Phật giác tri, chẳng phải người được tĩnh lự, cảnh giới tĩnh lự huống chi là người tư duy tìm hiểu mà có thể biết được.

Lại nữa đã lược nói về tướng của khổ đế, nay sẽ hiển thị rộng về khổ tướng sai biệt được nói trong các kinh. Như nói sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét gặp nhau khổ, yêu thương chia lìa khổ, mong cầu không được khổ, lược gồm tất cả trong 5 thủ uẩn khổ.

Sinh do đâu mà khổ? Do các khổ bức bách, là chỗ dựa của các khổ khác. Các khổ bức bách, là từng ở trong thai mẹ, trong thời gian sinh các tạng khí nhận đủ các thứ bất tịnh bức bách nên khổ. Chính khi xuất thai lại chịu các khổ lớn bức bách chi thể. Nói chỗ dựa của các khổ khác, nghĩa là vì có sinh nên có già bênh chết v.v… các khổ đeo đuổi. Già do đâu khổ? Thời phần biến hoại nên khổ. Bệnh do đâu khổ? Đại chủng biến khác nên khổ. Chết do đâu khổ? Thọ mạng biến hoại nên khổ. Sao oán ghét gặp nhau khổ? Do hội họp sinh khổ. Sao thương yêu chia lìa khổ? Do biệt ly sinh khổ. Sao mong cầu không được thì khổ? Do mong cầu mà không kết quả nên khổ. Gồm tất cả 5 thủ uẩn vì sao khổ? Vì thô trọng nên khổ. Như vậy 8 thứ lược gồm làm 6, là bức bách khổ, chuyển biến khổ, hội họp khổ, biệt ly khổ, điều mong cầu không kết quả khổ, và thô trọng khổ. Như vậy 6 thứ mở rộng thành 8. Trong chuyển biến khổ chia làm 3 thứ như 6, 8, bình đẳng bình đẳng.

Hỏi: Như nói 3 khổ thì trong đây 8 khổ là 3 bao gồm 8, hay 8 bao gồm 3?

Đáp: Lần lượt thâu nhiếp lẫn nhau. Như nói sinh khổ cho đến oán ghét gặp nhau khổ có thể hiển thị khổ khổ, vì thuận khổ thụ pháp, nghĩa tự tướng của khổ. Thương yêu chia lìa khổ, mong cầu không được khổ có thể hiển thị hoại khổ, vì đã được chưa được thuận lạc thụ pháp, nghĩa tự tướng của hoại. Lược gồm tất cả 5 thủ uẩn khổ có thể hiển thị hành khổ. Vì không giải thoát 2 vô thường theo đuổi, nghĩa của không an ổn.

Hỏi: Như nói 2 khổ là khổ của thế tục đế và khổ của thắng nghĩa đế. Những gì là thế tục đế khổ, những gì là thắng nghĩa đế khổ?

Đáp: Sinh khổ cho đến mong cầu không được khổ là khổ của thế tục đế, vì đó là cảnh giới của thế gian trí. Lược gồm tất cả 5 thủ uẩn khổ là khổ của thắng nghĩa đế, do an lập chân như môn, là cảnh giới của xuất thế trí.

Lại nữa những hành giả tu quán đối với khổ Thánh đế thực hành 4 thứ quán sát cộng tướng. Đó là tướng vô thường, tướng khổ, tướng không, và tướng vô ngã.

Tướng vô thường, sơ lược có 12: là tướng phi hữu, tướng hoại diệt, tướng biến dị, tướng biệt ly, tướng hiện tiền, tướng pháp nhĩ, tướng sát-na, tướng tương tục, tướng bệnh v.v…, tướng chủng chủng tâm hành chuyển, tướng tư sản hưng suy, tướng khí thế thành hoại.

Tướng phi hữu, là uẩn giới xứ trong mọi thời tính của ngã ngã sở thường phi hữu. Nói vô thường là nghĩa của phi hữu, do khổ thánh đế hằng không có tự tính của ngã ngã sở. Vô, là nghĩa của khiển trừ. Thường, là nghĩa của tất cả mọi thời. Bởi thường không, nên gọi là vô thường. Tướng hoại diệt, là các hành sinh rồi liền diệt, tạm có hoàn không. Tướng biến dị, là các hành dị dị sinh do không tương tự tương tục chuyển. Tướng biệt ly, là trong các hành mất sức tăng thượng, hoặc người khác giữ chấp làm của riêng mình, hoặc có khi hỏng mất tự tại, hoặc người khác cướp đoạt làm của mình. Tướng hiện tiền, là chính ở trong vô thường, do nhân đuổi theo nay thụ vô thường. Tướng pháp nhĩ, là đương lai vô thường, do nhân đuổi theo định sẽ thụ nên tính vô thường của sự chết nhất định sẽ thụ. Tướng sát-na, là các hành sau một sát-na ắt không trụ. Các hành niệm niệm tự thể yếu kém, không mấy chốc ắt hoại. Tướng tương tục, là từ thời vô thủy đến nay các hành sinh diệt liên tục không dứt. Do vô thủy sinh tử lần lượt tiếp nối nhau luân hồi không ngớt. Tướng bệnh v.v…, là 4 đại, thời phần, thọ mạng biến đổi khác do 4 đại trái nhau, răng rụng tóc rụng v.v… sức sống yếu ớt. Tướng các thứ tâm hành chuyển, là có khi khởi tâm tham, có khi khởi tâm lìa tham. Cũng như vậy, có sân lìa sân, có si lìa si, hoặc hợp hoặc tan, hoặc hạ xuống hoặc nhấc lên, hoặc lay động hoặc lìa lay động, hoặc không vắng lặng hoặc vắng lặng, hoặc định hoặc không định, tâm hành lưu chuyển như vậy v.v… do trụ ở năng trị sở trị khác nhau. Tướng của tư sản hưng suy, là các hưng thịnh chung quy biến thành suy yếu, vì giàu sang vinh hiển của thế gian là không thể ái lạc chẳng phải cứu cánh. Tướng của khí thế thành hoại, là sự thành hoại của 3 thứ hỏa, thủy, phong. Do hỏa tai thủy tai phong tai khiến đại địa nhiều lần thành hoại có thể đốt cháy tràn ngập cuốn trôi. Lại có tam tai đỉnh, là đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tĩnh lự do thủy hỏa phong có thể phá hoại thế giới, an lập xứ sở, cho đến tận đệ nhất, đệ nhị, đệ tam tĩnh lự. Tiếp đến ngoài ra gọi là tam tai đỉnh theo thứ tự đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tĩnh lự xứ sở khác nhau. Các cung điện ngoài đệ tứ tĩnh lự v.v… tuy không tai nạn bên ngoài làm thành hoại, nhưng chư thiên và cung điện kia đều câu sinh câu diệt. Nói có thành hoại là do chúng hữu tình kia khi mới sinh thì các cung điện cùng sinh, khi mất thì cung điện cùng diệt. Cho nên gọi đó là thành hoại. Lại có 3 thứ trung kiếp, là nạn đói, nạn dịch bệnh, và nạn đao binh. Kiếp tiểu tam tai này hết rồi mới xuất hiện thế giới thành. Một trung kiếp đầu chỉ có giảm, một trung kiếp sau chỉ có tăng, 18 trung kiếp có tăng có giảm. Một trung kiếp đầu chỉ có giảm, nghĩa là khi kiếp thành đến kiếp thứ 21. Một trung kiếp sau chỉ có tăng, nghĩa là các kiếp sau cùng. Mười tám trung kiếp có tăng có giảm, nghĩa là trong trung gian 18 kiếp. Hai mươi trung kiếp là lúc thế giới hoại. Hai mươi trung kiếp thế giới hoại rồi trụ. Hai mươi trung kiếp là lúc thế giới thành. Hai mươi trung kiếp thế giới thành rồi trụ. Hợp 80 trung kiếp này làm 1 đại kiếp. Do kiếp số này thấy rõ thọ lượng của chư thiên ở cõi Sắc, Vô sắc. Như nói tuổi thọ hết, phúc hết, nghiệp hết, các hữu tình các cõi kia chết. Thế nào là thọ mạng hết? Là khi chết nói là thọ mạng hết, do thời gian duy trì thọ mạng hết nên ứng với thời gian khi đó gọi là chết. Thế nào là phúc hết? Nghĩa là chết phi thời là chết phi phúc. Đây là dựa theo phi thời mà nói là chết. Do hữu tình kia tham đắm mùi thiền định, phúc lực giảm hết nhân đó mạng chung. Do tham ái mùi vị thiền định tổn hại chỗ tu hành, dẫn đến nghiệp lực thọ mạng phi thời mà chết. Thế nào là nghiệp hết? Nghĩa là thuận sinh thụ nghiệp, thuận hậu thụ nghiệp đều hết nên chết. Đây là dựa trên sự tương tục mà nói là chết. Do ở cõi này sự thụ dụng của thuận sinh thụ nghiệp và thuận hậu thụ nghiệp đến đây đã hết. Vì không có nghiệp nên không sinh lại nơi đây.

Tướng khổ, là có 3, hoặc 8, hoặc 6 như trước đã nói rộng. Vì sao kinh nói vô thường tức là khổ? Do 3 phần vô thường làm duyên có thể biết tướng của khổ, đó là sinh phần vô thường, diệt phần vô thường, và câu phần vô thường. Sinh phần vô thường làm duyên nên có thể biết tính của khổ khổ. Sinh phần vô thường, là vốn không nay có. Các hành của khổ phẩm, thể của nó là bức bách, do đó vô thường làm duyên có thể biết được tính của khổ khổ. Diệt phần vô thường làm duyên có thể biết được tính của hoại khổ. Diệt phần vô thường, là đã có hoàn không, không thể ái lạc các hành của lạc phẩm. Do vô thường này làm duyên có thể biết được tính của hoại khổ. Câu phần vô thường làm duyên có thể biết được tính của hành khổ. Câu phần vô thường, là các hành thô trọng liên tục lưu chuyển, nào sinh nào diệt đều không thể lạc. Do câu phần vô thường này làm duyên có thể biết được tính của hành khổ. Tức dựa vào nghĩa này Bạc-già-phạm nói: Các hành vô thường các hành biến hoại. Lại dựa vào nghĩa này nói: Sở hữu các thụ Ta nói đều khổ. Phải biết trong đây với bất khổ bất lạc thụ và lạc thụ, vì mật ý nên nói khổ khổ. Còn tính của thụ khổ thế gian đều biết nên không phải nói mật ý nữa. Lại nữa đối với 2 pháp sinh diệt, tùy theo các hành có sinh v.v…8 khổ, có thể biết tính của nó. Phật nói: Nếu là vô thường tức là khổ. Lại nữa trong các hành vô thường có sinh khổ v.v… có thể biết được là Như Lai dựa vào đây nói mật ý. Do vô thường nên khổ chẳng phải tất cả hành. Nếu không như vậy thì Thánh đạo vô thường nên cũng phải là khổ.

Tướng không, là nếu ở nơi đó đây là phi hữu, do lý này chính quán là không. Nếu ở nơi đó những cái khác là hữu, do lý này như thật biết là hữu. Đó gọi là khéo ngộ nhập tính không. Biết như thật, là nghĩa không điên đảo.

Hỏi: Ở đâu những gì là phi hữu?

Đáp: Ơ nơi uẩn giới xứ thường hằng ngưng trụ pháp không biến hoại ngã ngã sở v.v…là phi hữu. Do lý này chúng đều là không.

Hỏi: Ở đâu những gì khác là hữu?

Đáp: Tức ở đây tính vô ngã, cái ngã vô tính này là hữu tính của vô ngã. Đó gọi là tính không. Do các hành kia thường đẳng tướng ngã trong đây không có, cho nên các hành thường lìa ngã tính tướng. Chân tính vô ngã trong đây có, cho nên chẳng phải hoàn toàn không. Đây đều gọi là tính không. Cho nên Bạc-già-phạm mật ý nói hữu là như thật biết hữu, vô là như thật biết vô. Lại có 3 thứ tính không, là tự tính không tính, như tính không tính, và chân tính không tính. Thứ nhất dựa vào biến kế sở chấp tự tính quán, do đó biết chắc chắn tự tướng là phi hữu. Thứ hai dựa vào y tha khởi tự tính quán, do đó biết như chỗ so đo chấp trước là phi hữu. Thứ ba dựa vào viên thành thật tự tính quán, do đó tức biết chân tính của không.

Tướng vô ngã, là như các lập luận về ngã có lập ra tướng ngã. Uẩn giới xứ chẳng phải tướng này, bởi uẩn giới xứ không có tướng ngã, nên gọi là tướng vô ngã. Các ngoại đạo luận về ngã so đo chấp trước các hành cho là ngã. Các hành kia chẳng phải là tướng này, nên gọi là vô ngã. Vì vậy Bạc-già-phạm mật ý nói: Tất cả pháp đều vô ngã. Như Thế Tôn nói: Đây tất cả là phi ngã sở, đây là phi ngã xứ, đây là phi ngã ngã. Đối với các nghĩa ấy phải dùng chính tuệ như thật quán sát. Câu này có nghĩa gì? Nghĩa là đối với ngoại sự mật ý nói đây tất cả chẳng phải sở hữu của ta. Đối với nội sự mật ý nói đây chẳng phải nơi của ta, đây chẳng phải là ta, sở hữu của ta. Sở dĩ vì sao? Vì đối với ngoại sự chỉ chấp cái tướng của ngã sở nên chỉ khiển trừ ngã sở. Đối với nội sự chấp cả tướng ngã và ngã sở cho nên khiển trừ cả hai ngã và ngã sở.

Hỏi: Trước có nói vô thường đều là tướng của sát-na. Điều này làm sao biết?

Đáp: Như tâm tâm pháp là tướng sát-na. Phải biết sắc v.v… cũng là tướng sát-na, vì do tâm chấp thụ, cùng tâm an nguy, tùy tâm chuyển biến, là tâm sở y, tâm tăng thượng sinh, tâm tự tại chuyển. Lại nữa ở tối hậu vị có thể biến hoại, vì sinh rồi không đợi duyên tự nhiên hoại diệt, cho nên phải quán sắc v.v… cũng niệm niệm diệt. Các tướng vô thường hành hoại diệt, tướng tâm tâm pháp sát-na thế gian đều rõ không phải nói lại nữa. Các tướng sát-na diệt của sắc pháp v.v… thế gian không cùng hiểu rõ nên nay thành lập. Do tâm chấp thụ, nghĩa là sắc thân v.v… do tâm sát-na niệm niệm chấp thụ nên sát-na diệt. Cùng tâm an nguy, nghĩa là sắc thân v.v… hằng cùng với thức, nếu thức rời bỏ thì liền hư hoại. Bởi thân với tâm an nguy như nhau, nên quyết định như tâm, niệm niệm sinh diệt. Tùy tâm chuyển biến, nghĩa là thế gian hiện thấy tâm ở nơi khổ lạc tham sân các vị, thân tùy chuyển biến, tùy theo tâm sát-na mà chuyển biến nên thân niệm niệm diệt. Là sở y của tâm, nghĩa là thế gian đều biết tâm y chỉ có căn thân. Nếu pháp y vào đây sinh không phải đây tự không hoại. Năng y có thể thấy, như lửa, mầm chồi v.v… y vào củi, hạt giống v.v… Vì vậy thân này là chỗ y chỉ của tâm sát-na nên cũng sát-na diệt. Tâm tăng thượng sinh, nghĩa là tất cả sắc trong ngoài đều do tâm tăng thượng sinh. Nhân năng sinh sát-na diệt, nên quả sở sinh cũng sát-na diệt. Như Thế Tôn nói: Các nhân các duyên có thể sinh nơi sắc chúng cũng vô thường vì do sức của nhân duyên vô thường sinh ra. Sắc vì sao là thường? Tùy cú nghĩa của kinh ấy, thân định sát-na diệt. Tâm tự tại chuyển, nghĩa là nếu chứng đắc thắng uy đức tâm thì đối với tất cả sắc đều được tự tại chuyển theo ý muốn, do tùy sát-na có thể biến thắng giải chuyển biến sinh cho nên sắc v.v…đạo lý sát-na thành tựu. Ở nơi tối hậu vị có thể biến hoại, nghĩa là các sắc v.v… lúc mới lìa tự tính, niệm niệm biến hoại. Nói ở tối hậu vị thì chợt biến hoại là không đúng đạo lý nhưng điều này có thể có được. Cho nên biết sắc v.v… từ ban sơ đến giờ niệm niệm biến hoại. Tự loại tương tục dần tăng làm nhân, có thể dẫn đến sự biến hoại của thô tướng sau cùng. Cho nên sắc v.v… niệm niệm sinh diệt. Sinh rồi không đợi duyên tự nhiên hoại diệt, nghĩa là tất cả pháp theo duyên sinh rồi không đợi hoại duyên tự nhiên hoại diệt. Bởi tự nhiên hoại diệt không đợi các duyên khác nên sinh rồi nhất định hoại diệt. Nếu nói sinh rồi ban đầu không hoại diệt mà sau mới có là không đúng, vì không sai biệt cho nên biết tất cả là pháp có thể hoại diệt, vừa mới bắt đầu sinh thì liền hoại diệt, nên thành nghĩa sát-na của các pháp.

Hỏi: Như Thế Tôn nói: Các sở hữu sắc tất cả là 4 đại chủng, hoặc do 4 đại chủng tạo ra. Đây là do ý gì nói?

Đáp: Đây là y vào ý dung hữu mà nói cùng tại một chỗ. Y vào đây mà có là nghĩa của tạo ra. Do sở tạo sắc không có công năng tách rời đại chủng ở riêng tự biệt lập. Nếu ở nơi tụ này có thể có được đại chủng này, thì phải biết tụ này chỉ có đại chủng này không gì khác. Hoặc có tụ chỉ có 1 đại chủng, như cục bùn khô v.v… Hoặc có 2 đại chủng, tức có tính ẩm ướt. Hoặc có 3 đại chủng, tức tính ấm nóng. Hoặc có tất cả đại chủng, tức cục bùn ẩm ướt ấm nóng v.v… Các sở tạo sắc trong di chuyển vị cũng vậy. Nếu ở trong tụ này có được sở tạo sắc, thì phải biết tụ này chỉ có đây mà không gì khác. Hoặc có tụ chỉ có 1 sở tạo sắc, như ánh sáng v.v… Hoặc có 2 sở tạo sắc, như gió có âm thanh, mùi hương v.v… Hoặc có 3 sở tạo sắc, như mùi hương, khói v.v… Do khói hương này có sắc, hương, xúc hiển thị sai biệt. Xúc sai biệt, nghĩa là tính nhẹ ở trong đó. Hoặc có 4 sở tạo sắc, như cục đường cát v.v… Hoặc có 5 sở tạo sắc, tức khi có âm thanh. Lại nữa nơi tụ này đại chủng tạo sắc tùy phần có thể được, phải biết trong đó có cái này mà không phải cái khác. Đây là y vào vật thô mà nói không phải chủng tử. Vì trong mỗi một tụ có tất cả chủng tử.

Lại nữa nói thô tụ là các sắc cực vi tập họp tạo thành. Phải biết trong đó cực vi là vô thể, vô thật, vô tính, chỉ giả lập lần lượt phân tích vô hạn lượng. Cho nên chỉ do giác tuệ dần dần phân tích tổn giảm nhỏ dần cho đến mức có thể phân tích. Tức nơi mức đó thiết lập cực vi.

Hỏi: Nếu các cực vi không thật thể tính thì vì sao thiết lập?

Đáp: Vì khiển trừ nhất hợp tưởng. Nếu dùng giác tuệ phần phần phân tích các sắc, bấy giờ vọng chấp tất cả các sắc là nhất hợp tưởng, tức liền lìa bỏ, do đó thuận nhập tính vô ngã của sổ thủ thú. Lại nữa ngộ nhập các sắc là phi chân thật nên nếu dùng giác tuệ như vậy phân tích các sắc cho đến chỗ vô sở hữu, bấy giờ liền có thể ngộ nhập các sắc đều phi chân thật. Nhân đây ngộ nhập đạo lý duy thức, do đó thuận nhập tính vô ngã của các pháp.

Lại nữa khổ pháp lược có 8 thứ khác nhau, là có quảng đại bất tịch tĩnh khổ, có tịch tĩnh khổ, có tịch tĩnh bất tịch tĩnh khổ, có trung bất tịch tĩnh khổ, có vi bạc bất tịch tĩnh khổ, có vi bạc tịch tĩnh khổ, có cực vi bạc tịch tĩnh khổ, có phi khổ tự khổ trụ đại tịch tĩnh. Thế nào là quảng đại bất tịch tĩnh khổ? Nghĩa là người sinh Dục giới chưa từng tích tập các thiện căn, do tất cả sinh thú ở Dục giới hiển thị đầy đủ các khổ nên chưa tích tập thiện căn không thể ngăn chận các thú trước. Theo thứ tự gọi là quảng đại bất tịch tĩnh khổ. Thế nào là tịch tĩnh khổ? Nghĩa là người đã sinh thuận giải thoát phần thiện căn, quyết định hướng đến Bát-niết-bàn. Thế nào là tịch tĩnh bất tịch tĩnh khổ? Nghĩa là người đã trồng thiện căn lìa dục thế gian đạo, tức cái khổ nơi Dục giới này vì đã trồng thiện căn lìa dục thế gian đạo, quyết định siêu việt các khổ nhưng không phải rốt ráo. Theo thứ tự, như vậy trung bất tịch tĩnh khổ v.v… tùy chỗ thích hợp sẽ giải thích. Thế nào là trung bất tịch tĩnh khổ? Nghĩa là người sinh Sắc giới xa lìa thuận giải thoát phần. Thế nào là vi bạc bất tịch tĩnh khổ? Nghĩa là người sinh Vô sắc giới xa lìa thuận giải thoát phần. Thế nào là vi bạc tịch tĩnh khổ? Nghĩa là các hữu học. Thế nào là cực vi bạc tịch tĩnh khổ? Nghĩa là các vô học mạng căn trụ duyên 6 xứ. Thế nào là phi khổ tự khổ trụ đại tịch tĩnh? Nghĩa là các Bồ-tát Ma-ha-tát đã được cứu cánh v.v… thừa nguyện lực đại bi nên sinh trong các hữu, do có thể trừ diệt vô lượng đại khổ tương tục của chúng sinh nên goi là trụ đại tịch tĩnh.

Lại nữa, trước có nói đến chết khổ. Có 3 thứ chết, là hoặc chết với thiện tâm, hoặc chết với bất thiện tâm, hoặc chết với vô ký tâm. Chết với thiện tâm, nghĩa là ở trong hiện hành vị, tâm sáng suốt linh lợi, hoặc do sức tự thiện căn duy trì, hoặc do từ người khác dẫn nhiếp phát khởi thiện tâm hướng đến mạng chung vị. Chết với bất thiện tâm, nghĩa là ở trong hiện hành vị, tâm sáng suốt linh lợi, hoặc do sức tự bất thiện căn duy trì, hoặc do từ người khác dẫn nhiếp phát khởi bất thiện tâm hướng đến mạng chung vị. Nếu ở trong hiện hành vị, tâm không linh lợi sáng suốt, hoặc do thiếu 2 duyên, hoặc do không có công năng gia hành nên khởi tâm vô ký hướng đến mạng chung vị. Trong đây nói chết với thiện tâm v.v… phải biết là dựa vào ngã ái tương ưng trước khi đến mạng chung vị mà nói. Người tu tịnh hạnh khi đến mạng chung vị phần dưới nơi thân bắt đầu lạnh trước. Người không có tịnh hạnh khi đến mạng chung vị, phần trên nơi thân bắt đầu lạnh trước. Lại nữa người không tịnh hạnh khi sinh thân trung hữu, tướng hiển hiện như bóng con dê con cừu đen, hoặc như bóng đêm. Người tu tịnh hạnh khi sinh thân trung hữu, tướng hiển hiện như ánh sáng trắng, hoặc như đêm trong sáng. Lại nữa thân trung hữu này chính thụ sinh vị, tại Dục giới Sắc giới, cũng từ mạng chung hậu vị, của Vô sắc giới cũng gọi là ý sinh, Kiện-đạt-phược v.v… , trụ lâu nhất là 7 ngày, có khi nửa chừng chết yểu, hoặc có khi di chuyển. Nói ý sinh, nghĩa là thụ thân hóa sinh vì chỉ lấy tâm làm nhân. Vì mùi hương dẫn đường nên gọi là Kiện-đạt-phược, tức là đi theo mùi hương mà đến chỗ thụ sinh. Trụ lâu nhất là 7 ngày, hoặc có khi chết yểu giữa chừng, đó là đứng về trường hợp sớm có sinh duyên mà nói. Nếu quá 7 ngày không được sinh duyên thì mạng chết rồi lại sinh trung hữu. Như vậy lần hồi cho đến không được quá 7 lần. Hoặc có khi di chuyển, nghĩa là ở vị này sinh đến nơi khác duyên mạnh hiện tiền, như Tì-khưu được đệ tứ tĩnh lự khởi A-la-hán tăng thượng mạn khi sinh trung hữu nơi địa kia do tà kiến hủy báng giải thoát nên chuyển sinh trung hữu nơi địa ngục. Lại nữa trong khi trụ trung hữu cũng có thể tập họp các nghiệp do sức quen tập trước dẫn đến hiện hành tư duy thiện v.v… , lại có thể thấy đồng loại hữu tình như những người trước cùng làm thiện bất thiện, như trong chiêm bao thấy mình cùng người kia vui chơi. Lại thân hình trung hữu tương tự như nơi sắp sinh mà khởi có thân hình trước. Lại thân trung hữu này đến đó không trở ngại như đủ thần thông đi lại nhanh chóng, nhưng ở nơi sinh có chỗ câu ngại. Lại nữa thân trung hữu này ở nơi sinh xứ như đạo lý cân bằng thấp cao của 2 đầu cân, thời phần khi chết đi và khi kết sinh cũng vậy. Lại nữa trụ trong thân trung hữu đối với nơi sinh phát khởi tham ái cũng dùng các phiền não làm trợ duyên thân trung hữu này với tham cùng diệt, thân Yết-la-lam với thức cùng sinh. Đây chỉ là dị thục, từ đây về sau, căn dần dần sinh trưởng, như nói trong duyên khởi nói có 4 loài sinh hoặc thụ sinh trứng hoặc thụ sinh thai, hoặc thụ sinh nơi ẩm ướt, hoặc thụ hóa sinh. Như trong duyên khởi nói, nghĩa là danh, sắc v.v… trước sau theo thứ tự. Như nói:

Đầu tiên Yết-la-lam,

Tiếp sinh Át-bộ-đàm,

Từ đây sinh Bế-thi,

Bế-thi sinh Kiện-nam

Tiếp Bát-la-xa-khư,

Rồi sau tóc lông móng v.v…

Và hình tướng sắc căn

Dần dần mà sinh trưởng.

Thế nào là tập đế? Nghĩa là các nghiệp do các phiền não và phiền não tăng thượng sinh ra đều gọi là tập đế. Do tập này, khởi sinh tử khổ. Nghiệp do phiền não tăng thượng sinh ra, là nghiệp hữu lậu. Nếu vậy vì sao Thế Tôn chỉ nói ái là tập đế? Vì nó tối thắng. Nghĩa là Bạc-già-phạm tùy theo cái thắng hơn mà nói. Như ái, hậu hữu ái, tham hỷ câu hành ái, bỉ bỉ vọng lạc ái. Đó là tập đế. Nói tối thắng là nghĩa của biến hành. Do ái có đủ 6 nghĩa của biến hành cho nên là tối thắng. Những gì là 6? 1. Sự biến hành, nghĩa là nó biến hành khắp tự thân, cảnh giới đối với tất cả những gì đã được chưa được. Đối với tự thân đã được thì khởi ái. Đối với tự thân chưa được thì khởi hậu hữu ái. Đối với cảnh giới đã được thì khởi tham hỷ câu hành ái. Đối với cảnh giới chưa được thì khởi bỉ bỉ hy lạc ái. 2. Vị biến hành, nghĩa là đối với khổ khổ tính v.v…3 vị trong các hành biến khắp tùy hành, cho nên đối với đã được khổ khổ tính vị, khởi biệt ly ái. Đối với chưa được khổ khổ tính vị, khởi bất hòa hợp ái. Đối với hoại khổ tính vị, khởi bất biệt ly ái và hòa hợp ái, vì đã được và chưa được khác biệt nhau. Đối với hành khổ tính vị, khởi ngu si ái. Do phiền não thô trọng hiển hiện và bất khổ bất lạc thụ hiển hiện, chỉ có thức A-lại-da là tối thắng hành khổ vị. Y chỉ vị này làm nhân, ngã si môn tham ái chuyển. 3. Thế biến hành, nghĩa là biến khắp tùy hành trong 3 đời, cho nên trong đời quá khứ khởi truy ức hành biến tùy hành ái. Trong đời vị lai khởi hy lạc hành biến tùy hành ái. Trong đời hiện tại khởi đam trước hành biến tùy hành ái. 4. Giới biến hành, nghĩa là Dục, Sắc, Vô sắc 3 ái thứ tự biến khắp 3 cõi. 5. Cầu biến hành, nghĩa là do tham ái khắp tìm cầu muốn có tà hạnh phạm hạnh. Do sức dục cầu không thoát ra ngoài Dục giới nên chiêu cái khổ Dục giới. Do sức mong cầu không thoát 2 cõi nên chiêu cái khổ Sắc, Vô sắc giới. Do sức mong cầu tà phạm hạnh không thoát sinh tử nên lưu chuyển mãi mãi. Sáu thứ biến hành là hữu vô hữu ái biến hành đoạn thường nhất thiết chủng.

Phiền não, là do số, tướng, duyên khởi, cảnh giới, tương ưng, sai biệt, tà hạnh, giới, chúng, đoạn. Quán các số phiền não, là hoặc 6 hoặc 10. Sáu, là tham sân mạn vô minh nghi kiến. Mười là 5 thứ trước, kiến lại chia 5 là Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, và giới cấm thủ.

Tướng, là như tướng khi pháp sinh không tịch tĩnh, do đây sinh nên thân tâm tương tục. Không tịch tĩnh chuyển là tướng của phiền não. Tính không tịch tĩnh là cộng tướng của các phiền não. Đây lại có 6, là tính tán loạn không tịch tĩnh, tính điên đảo không tịch tĩnh, tính trạo cử không tịch tĩnh, tính hôn trầm không tịch tĩnh, tính phóng dật không tịch tĩnh, tính vô sỉ không tịch tĩnh.

Duyên khởi, là vì phiền não tùy miên chưa vĩnh đoạn nên thuận phiền não pháp hiện tiền, hiện tiền khởi tư duy bất chính, như vậy phiền não mới được sinh. Phiền não tùy miên chưa vĩnh đoạn, nghĩa là phẩm thô trọng kia chưa vĩnh viễn nhổ bỏ. Thuận phiền não pháp hiện tại tiền, nghĩa là hiện tiền gặp cảnh khả ái v.v… Hiện tiền khởi tư duy bất chính, nghĩa là nơi các cảnh giới kia thủ tướng tịnh v.v…. có thể tùy thuận sinh tham sân v.v…

Cảnh giới, là tất cả phiền não trở lại dùng tất cả phiền não làm cảnh sở duyên và duyên các việc phiền não. Lại nữa Dục giới phiền não trừ vô minh, nghi, kiến các phiền não khác không thể duyên địa thượng làm cảnh. Vô minh đây v.v… tuy cũng có thể duyên thượng địa nhưng chúng không thể đích thân duyên thượng địa như duyên tự địa, do dựa vào môn kia khởi phân biệt nên lập kia làm sở duyên. Nói vô minh duyên thượng địa, nghĩa là cùng với kiến v.v… tương ưng. Kiến thì trừ Tát-ca-da kiến không thấy thế gian duyên các hành của địa khác chấp làm ngã, cho nên các phiền não thượng địa không duyên hạ địa làm cảnh, vì đã lìa dục của địa kia rồi. Lại nữa duyên diệt đạo đế, các phiền não không thể đích thân duyên diệt đạo làm cảnh, vì diệt đạo đế do xuất thế gian trí và hậu đắc trí nội chứng. Chỉ do dựa vào vọng chấp kia khởi phân biệt mà nói là sở duyên, vì cảnh bị phân biệt không tách rời phân biệt mà có. Lại nữa phiền não có 2 thứ, là duyên vô sự và duyên hữu sự. Duyên vô sự, là kiến và pháp tương ưng với kiến. Kiến, là Tát-ca-da kiến và biên chấp kiến, ngoài ra các phiền não khác là duyên hữu sự.

Tương ưng, là tham không tương ưng với sân, giống như sân nghi cũng vậy, ngoài ra đều được tương ưng. Vì sao tham không tương ưng với sân? Vì là pháp hoàn toàn trái nhau thì chắc chắn không cùng chuyển. Lại nữa tham không tương ưng với nghi, là do tuệ đối với cảnh không quyết định thì chắc chắn không nhiễm trước. Ngoài ra đều được tương ưng, là ngoài ra những thứ khác như mạn v.v…vì không trái nhau. Giống như tham sân cũng vậy, nghĩa là sân không tương ưng với tham, mạn, kiến. Nếu đối với việc gì khởi tâm giận ghét thì không đề cao và tìm cầu việc ấy, những gì tương ưng với nó theo lý nên biết. Mạn không tương ưng với sân, nghi. Vô minh có 2: 1. Vô minh tương ưng với tất cả phiền não. 2. Vô minh không chung. Vô minh không chung, nghĩa là không có trí tuệ đối với đế lý. Kiến không tương ưng với sân , nghi. Nghi không tương ưng với tham, mạn, kiến. Phẫn v.v… các tùy phiền não không tương ưng lẫn nhau, vì các pháp lần lượt trái nhau ắt không tương ưng với nhau. Như tham với sân nếu không trái nhau thì cũng như các phiền não lần lượt tương ưng. Vô tàm , vô quý hằng tương ưng trong tất cả các phẩm bất thiện thiện. Nếu lìa bỏ tính bất chấp tự tha thì bất thiện sẽ không hiện hành. Hôn trầm, trạo cử, không tin, biếng nhác, phóng dật hằng tương ưng nhau trong tất cả các phẩm nhiễm ô. Nếu lìa bỏ tính không kham nhiệm v.v… sẽ không thành tính nhiễm ô.

Sai biệt, là các phiền não dựa vào các thứ nghĩa mà lập ra các thứ môn sai biệt. Như là kết, phược, tùy miên phiền não, triền, bạo lưu, ách, thủ, hệ, cái, chu ngột, cấu, thiêu, hại, tiễn, và các ác hành như lậu, quỹ, nhiệt não, tránh, xí nhiên, trù lâm, câu ngại v.v… Hỏi: Kết có mấy thứ , kết như thế nào, kết ở đâu?

Đáp: Kết có 9 thứ, là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, thủ kết, nghi kết, tật kết, và xan kết.

Ái kết, là tham ái 3 cõi. Kết trói buộc nên không nhàm chán 3 cõi. Do không nhàm chán nên rộng làm các điều bất thiện, không làm điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và tương ưng với khổ đời vị lai. Phải biết trong đây nói rõ các kết như tướng, như dụng, như vị là làm rõ sự sai biệt của kết, chẳng hạn như ái kết. Những gì là kết? Nghĩa là 3 cõi tham là tự tính của kết. Kết như thế nào? Nghĩa là có cái này thì không nhàm chán 3 cõi. Do đó lần lượt điều bất thiện hiện hành, điều thiện không hiện hành. Kết ở vị nào? Là ở khổ quả sinh vị nơi đời sau. Cũng như thế nhuế kết v.v… đều như lý mà biết.

Nhuế kết, là tâm có tổn hại đối với khổ và thuận khổ pháp của hữu tình. Nhuế kết trói buộc nên đối với nhuế cảnh, tâm không xả bỏ. Không xả bỏ nên rộng làm điều bất thiên, không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và khổ tương ưng trong đời vị lai.

Mạn kết, tức 7 thứ mạn. Đó là mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, hạ liệt mạn, và tà mạn. Mạn, nghĩa là đối với đối tượng thấp kém chấp cho mình là hơn, hoặc với đối tượng tương đương chấp cho mình cũng tương đương mà hãnh diện, tâm cử làm tính. Quá mạn, nghĩa là với đối tượng tương đương chấp cho mình là hơn, hoặc hơn mình thì cho là mình cũng tương đương, tâm cử làm tính. Mạn quá mạn, nghĩa là với đối tượng hơn mình thì cho mình là hơn, tâm cử làm tính. Ngã mạn, nghĩa là với 5 thủ uẩn quán ngã ngã sở, tâm cử làm tính. Tăng thượng mạn, nghĩa là chưa chứng được pháp thượng thắng cho rằng mình đã chứng được, tâm cử làm tính. Hạ liệt mạn, nghĩa là với đa phần thắng cho rằng mình kém phần ít, tâm cử làm tính. Tà mạn, nghĩa là thật không có đức mà cho mình có đức, tâm cử làm tính, vì mạn kết trói buộc không hiểu được ngã ngã sở. Vì không hiểu nên chấp ngã ngã sở, rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Vô minh kết, nghĩa là 3 cõi vô trí, vì vô minh kết trói buộc nên không thể hiểu rõ được khổ pháp tập pháp. Vì không hiểu rõ cho nên rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và khổ tương ưng nơi đời vị lai. Đối với khổ pháp tập pháp không hiểu rõ, nghĩa là đối với quả tính, nhân tính, các hành hữu lậu có tội lỗi mà không biết.

Kiến kết, tức 3 kiến, là Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, và tà kiến. Kiến kết trói buộc nên đối với tà là thoát ly lại vọng chấp theo đuổi. Nghĩa là ta phải giải thoát ngã sở giải thoát, đã giải thoát rồi ta phải thường trụ hoặc phải đoạn diệt. Lại nữa bảo trong Phật pháp chắc chắn không có giải thoát. Chấp trước là tà xuất ly rồi rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Thủ kết, là kiến thủ, giới cấm thủ. Thủ kết trói buộc nên đối với phương tiện tà xuất ly vọng chấp mà xả bỏ 8 Thánh đạo chi, vọng chấp Tát-ca-da kiến v.v…và kia làm trước như giới như cấm, làm thanh tịnh đạo. Bởi vọng chấp phương tiện tà xuất ly nên rộng làm điều bất thiện không làm các diều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Nghi kết, là do dự với đế lý. Nghi kết trói buộc nên đối với Phật pháp tăng bảo vọng sinh nghi hoặc. Bởi nghi hoặc nên đối với Tam bảo không tu chính hạnh. Do đối với Tam bảo không tu chính hạnh nên rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khỏ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Tật kết, là đắm trước lợi dưỡng, không chịu được sự phồn vinh của người khác khởi tâm đố kỵ. Tật kết trói buộc nên ái trọng lợi dưỡng không tôn kính pháp. Trọng lợi dưỡng nên rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khỏ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Xan kết, là đắm trước lợi dưỡng, đối với công cụ tư sinh tâm sinh bỏn sẻn. Xan kết trói buộc nên yêu thích quý trọng chứa để không biết trọng sự xa lìa. Trọng chứa để rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khỏ và khổ tương ưng nơi đời vị lai.

Phược có 3 thứ, là tham phược, sân phược, và si phược. Do tham phược nên trói buộc chúng sinh khiến ở trong hoại khổ. Do sân phược nên trói buộc chúng sinh khiến ở trong khổ khổ. Do si phược nên trói buộc chúng sinh khiến ở trong hành khổ. Do tham phược v.v… trói buộc ở nơi hoại khổ v.v… nghĩa là do tham sân si nên thường tùy miên với lạc thụ v.v… Lại nữa dựa vào tham sân si nên đối với thiện phương tiện không được tự tại nên gọi là trói buộc. Ví như bên ngoài trói buộc các chúng sinh khiến không được tự tại đối với 2 việc: một là không được tùy ý đi lại, hai là ở đâu không được làm gì tùy ý. Phải biết nội pháp tham sân si cũng trói buộc như vậy.

Tùy miên có 7 thứ là: dục ái tùy miên, sân nhuế tùy miên, hữu ái tùy miên, mạn tùy miên, vô minh tùy miên, kiến tùy miên, và nghi tùy miên. Dục ái tùy miên, nghĩa là dục tham phẩm thô trọng. Sân nhuế tùy miên, là sân nhuế phẩm thô trọng. Hữu ái tùy miên, là Sắc, Vô sắc tham phẩm thô trọng. Mạn tùy miên, là mạn phẩm thô trọng.

Vô minh tùy miên, là vô minh phẩm thô trọng. Kiến tùy miên, là kiến phẩm thô trọng. Nghi tùy miên, là nghi phẩm thô trọng. Nếu người chưa lìa dục cầu thì do dục ái sân nhuế tùy miên mà miên man theo đuổi. Do dựa vào môn kia mà hai cái này tăng trưởng. Người chưa lìa hữu cầu thì do hữu ái tùy miên mà miên man theo đuổi. Người chưa lìa cầu tà phạm hạnh thì do mạn, vô minh, kiến, nghi tùy miên mà miên man theo đuổi. Bởi các chúng sinh kia được một ít đối trị liền sinh kiêu mạn, ngu muội đối với Thánh đế, hư vọng chấp trước tà giải thoát của ngoại đạo, phương tiện giải thoát, tùy theo thứ tự 3 kiến 2 thủ như trong phần nói về kết, đối với chính pháp Tì-nại-da trong Thánh giáo của Phật mà do dự nghi hoặc.

HẾT QUYỂN 6