ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẠP TẬP LUẬN
An Huệ Bồ-tát tập hợp
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 16

Phẩm 4 – 2: PHẨM LUẬN TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Thật tự tính, nghĩa là tính thật hữu của các pháp. Giả tự tính, nghĩa là tính giả hữu của các pháp. Thế tục tự tính, nghĩa là tính thế tục hữu của các pháp. Thắng nghĩa tự tính, nghĩa là tính thắng nghĩa hữu của các pháp. Sinh nhân, nghĩa là nhân v.v… 4 duyên. Thành nhân, là 3 lượng: 1. Hiện lượng. 2. Tỷ lượng. 3. Thanh lượng. Chuyển nhân, là thuận duyên khởi. Hoàn nhân, là nghịch duyên khởi. Cảnh có tướng, là mắt v.v… 5 thức duyên sắc v.v… 5 cảnh. Do duyên đây sinh, chỉ có tướng không phân biệt. Cảnh có phân biệt, là ý thức duyên cảnh. Do duyên cảnh đây có sinh phân biệt. Cảnh đối trị, là duyên cảnh này xả bỏ tạp nhiễm, vì có thể đối trị. Cảnh an trụ, là duyên cảnh này có thể sinh thánh thiên phạm trụ, vì là nơi an trụ của các thánh. Cảnh tăng ích, là duyên cảnh này có thể chuyển thắng tiến, vì là nhân của thắng tiến. Cảnh tổn giảm, là duyên cảnh này có thể nhập vô tưởng định, diệt tận định, vì là nhân của tâm tâm pháp tổn giảm. Cảnh tự tại, là duyên cảnh này phát thần thông v.v… các công đức thắng phẩm, vì là nhân của tự tại. Phân tích hành tướng, nghĩa là phân tích các thứ phẩm loại các pháp, như có sắc không có sắc, có thấy không thấy v.v… Hành tướng sai biệt, nghĩa là nghĩa sai biệt của các pháp, như một tín tướng, hoặc gọi tịnh tâm, hoặc gọi hỷ lạc, hoặc gọi nhẫn khả v.v… Hành tướng chính giải, nghĩa là chính giải cảnh sở duyên của các hành tướng, như hành tướng minh liễu phân biệt gọi là thức. Hành tướng thủ lấy ảnh tượng gọi là tưởng. Hành tướng lãnh nạp gọi là thụ v.v… Hành tướng quán sát, có 16 hành tướng, tức vô thường v.v… có 4, nhân v.v… có 4, diệt v.v… có 4. đạo v.v… có 4. Hoặc thế tục 6 hành, là thô hành, chướng hành, khổ hành, tĩnh hành, diệu hành, và ly hành. Hành tướng tác tùy tác, nghĩa là đã làm rồi, lại theo đó làm nữa. Do hành này khéo giữ gìn được mình, rồi lại khởi các sự giữ gìn khác. Tự loại đẳng vô gián, nghĩa là tham vô gián rồi lại sinh tham. Sân v.v… cũng vậy, vì sinh các chủng loại vô gián khác. Dị loại đẳng vô gián, nghĩa là tham vô gián sinh sân v.v…, Dục giới vô gián sinh Sắc giới, Sắc giới vô gián sinh Vô sắc giới v.v… Tam-ma-bát-để v.v… vô gián, nghĩa là tướng Tam-ma-bát-để vô gián sinh. Như Dục giới thiện vô gián nhập sơ tĩnh lự, sơ tĩnh lự vô gián trở lại sinh Dục giới. Như vậy ở đệ nhị tĩnh lự v.v… và Vô sắc định, như lý nên biết. Thoái đẳng vô gián, nghĩa là từ bậc tĩnh lự khi thoái, vô gián sinh khởi. Sinh đẳng vô gián, nghĩa là khi thụ sinh, vô gián sinh. Như từ Dục giới vô gián sinh Sắc giới v.v… Lân thứ đẳng vô gián, nghĩa là các tâm tâm pháp vô gián tuần tự sinh, trong trung gian tâm không đoạn tuyệt. Cách việt đẳng vô gián, khi khởi diệt định v.v… tâm tâm pháp sinh trước ngóng trông tâm tâm pháp sinh sau, trung gian có cách vượt. Khởi đẳng vô gián, nghĩa là nếu pháp này vô gián thì pháp kia tuần tự sinh. Diệt đẳng vô gián, nghĩa là pháp này vô gián thì pháp kia tuần tự diệt. Như tâm tâm pháp vô gián diệt rồi, hoặc nhập diệt tận định, hoặc nhập vô tưởng định, hoặc nhập vô dư Niết-bàn giới. Thủ tăng thượng, nghĩa là nhãn căn v.v… trông ngóng có thể thủ cảnh giới, vì có sức tăng thượng. Sinh tăng thượng, nghĩa là nam căn nữ căn trông ngóng việc sinh thai, vì có sức tăng thượng. Trụ tăng thượng, nghĩa là mạng căn trông ngóng trụ trong thân v.v…,vì có sức tăng thượng. Thụ dụng tạp nhiễm tăng thượng, nghĩa là 5 thụ căn trông ngóng chỗ thụ dụng, vì có sức tăng thượng. Lại nữa vì tham v.v… tùy miên, tức là lạc tham tùy miên, khổ sân tùy miên, bất khổ bất lạc si tùy miên. Thanh tịnh tăng thượng, là tín v.v… 5 căn, vị tri dục tri v.v… 3 căn trông ngóng pháp thế xuất thế thanh tịnh, vì có sức tăng thượng. Điền tăng thượng, là cộng nghiệp trông ngóng sinh khí thế gian, vì có sức tăng thượng. Chấp thụ tăng thượng, là 4 đại chủng trông ngóng sở tạo sắc. Giới sở y, là Dục giới v.v… nhiếp giữ thân. Thú sở y, là 5 thú nhiếp giữ thân. Châu chử sở y, là Thiệm-bộ châu v.v… Thôn điền sở y, là nếu y vào làng mạc ruộng nương này mà có thì dùng đây làm sở y. Bổ-đặc-già-la sở y, là nếu y vào Bổ-đắc-già-la này mà có tức dùng đây làm sở y. Vô bệnh sở y, là nếu y vào không bệnh mà có tức dùng đây làm sở y. Thi-la sở y, là nếu y vào Thi-a mà có thì dùng đây làm sở y. Trang nghiêm sở y, là nếu y vào các Sa-môn trang nghiêm kia mà các công đức sinh thì dùng kia làm sở y. Chúng cụ y, nghĩa là 4 y, tức y phục v.v… Thiện hữu y, nghĩa là nếu y vào đây thì các thiện sinh khởi. Pháp y, là khế kinh v.v… 12 phần giáo. Tác ý y, là 7 thứ tác ý tức liễu tướng tác ý v.v… Tam-ma-bát-để y, là 7 y định. Như kinh nói: Ta nói y sơ tĩnh lự có thể hết các lậu. Cho đến y vào vô sở hữu xứ cũng vậy. Giới nhiếp, nghĩa là các giới chủng tử, do đây có thể thâu giữ chủng tử sinh pháp. Tướng nhiếp, nghĩa là tự tướng các pháp trở lại có thể tự nhiếp giữ. Chủng loại nhiếp, nghĩa là đại loại chủng loại của sắc có 10 sắc xứ thâu nhiếp trong sắc uẩn v.v… Phần vị nhiếp, nghĩa là thuận lạc thụ v.v… thâu nhiếp trong phần vị. Trợ bạn nhiếp, nghĩa là sắc, 5 uẩn thâu nhiếp các quyến thuộc của chúng v.v… Thời nhiếp, nghĩa là quá khứ v.v… thì thâu nhiếp quá khứ v.v… Phương nhiếp, nghĩa là phương sở này có các uẩn v.v… thì thâu nhiếp nơi phương sở này. Cụ phần nhiếp, nghĩa là các sắc vô lậu của Dục, Sắc, Vô sắc thâu nhiếp tất cả sắc. Nhất phần nhiếp, nghĩa là nhãn căn thì nhiếp sắc uẩn v.v… Cánh hỗ nhiếp, nghĩa là uẩn giới xứ nhiếp giữ lẫn nhau. Thắng nghĩa nhiếp, nghĩa là các pháp đều ở trong vô thường, khổ, bất tịnh, không, vô ngã, chân như. Tha tính tương ưng, nghĩa là tương ưng với tính khác không phải tính của chính nó. Bất tương vi tương ưng, nghĩa là tuy tương ưng với tính khác nhưng chẳng trái nhau. Chẳng phải trái nhau như tham với sân, lạc với khổ v.v… Biến hành tương ưng, là xúc,thụ, tưởng, tư, tác ý trong tất cả tâm. Vô minh, ngã mạn, ngã ái, Tát-ca-da kiến, đây là 4 phiền não ở trong nhiễm ô ý. Bất biến hành tương ưng, nghĩa là trừ biến hành, còn ngoài ra tham v.v…, tín v.v… Sở trị tương ưng, nghĩa là các phiền não tương ưng lẫn nhau. Năng trị tương ưng, nghĩa là các thiện pháp trong đối trị đạo tương ưng lẫn nhau. Tằng tập tương ưng, nghĩa là trừ pháp xuất thế gian và xuất thế hậu sở đắc các pháp tương ưng khác. Vị tằng tập tương ưng, nghĩa là trừ các pháp tương ưng trước. Hạ liệt tương ưng, nghĩa là các pháp tương ưng trong Thanh Văn, Độc Giác thừa. Quảng đại tương ưng, nghĩa là các pháp tương ưng của chư Phật Bồ-tát. Thành tựu thức tạp nhiễm v.v… cho đến 7 thứ thanh tịnh, đã nói tướng của chúng không phải giải thích lại.

Tám từ của chữ hà, nghĩa là “gì“, là hà thùy tín, hà sở tín, dụng hà tín, vi hà tín, do hà tín, hà chi tín, ư hà tín, và kỷ hà tín. Tám từ của chữ nhược, nghĩa là “nếu”, là nhược năng tín, nhược sở tín, nhược dụng tín, nhược vi tín, nhược do tín, nhược bỉ tín, nhược ư tín, nhược nhĩ sở tín. Như vậy các pháp môn vô lượng đều có 8 thứ. Bất tất cánh xuất ly, nghĩa là do thế gian đạo. Tất cánh xuất ly, nghĩa là do xuất thế gian đạo. Bốn thứ trước dễ hiểu nên không giải thích lại. Tướng thậm thâm, nghĩa là 3 tự tính. Tạp nhiễm thậm thâm, nghĩa là chân như vì sao nhiễm mà không nhiễm.Thanh tịnh thậm thâm, nghĩa là chân như vì sao tịnh mà bất tịnh. Duyên khởi thậm thâm, nghĩa là không có pháp mà có thật tác dụng nơi sinh khởi, các pháp kia sinh khởi các thứ v.v… lại thật vô ngã mà tựa hồ ngã hiển hiện. Nghiệp thậm thâm, nghĩa là có nghiệp, có quả báo mà tác giả thì không thể có được. Trí thậm thâm, nghĩa là trí vô phân biệt. Làm sao trí này không có phân biệt mà có thể quán tính chân như một cách phân minh. Sinh thậm thâm, nghĩa là các Bồ-tát sinh không do nghiệp lực phiền não mà thị hiện thụ sinh. Bồ-đề thậm thâm, nghĩa là trong vô lậu giới chư Phật Bồ-đề không thể kiến lập một tính, vì liên tục vô lượng sở chứng, không thể kiến lập nhiều tính, vì sở y không sai biệt. Chư Phật thậm thâm, nghĩa là trong tất cả đại tập hội có các thứ thân, các thứ ý lạc của vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn, nhưng không nói là có tự tha sai biệt. Lại hóa thân Phật không trụ trong tướng Phật mà có thể tạo tác nhiều Phật sự. Giáo thậm thâm, nghĩa là trong Đại thừa giáo có các thứ bí mật ý lạc sai biệt, 3 môn giải thoát và tất cả pháp, dục là căn bản v.v… đã nói tướng của chúng không phải giải thích lại.

Nhiệm trì phương tiện, nghĩa là các phương tiện trong tư lương. Du-già phương tiện, là Xa-ma-tha Tì-bát-xá-na. Tướng phương tiện, là các phương tiện trong chỉ, cử, xả. Quyết trạch phương tiện, là các phương tiện trong thuận quyết trạch phần. Cách việt phương tiện, là nhiệm trì phương tiện. Lân thứ phương tiện, tức quyết trạch phương tiện. Lân thứ cách việt phương tiện, tức Du-già và tướng 2 thứ phương tiện. Trong thuận quyết trạch phần gọi là lân thứ, trong nhiệm trì phương tiện gọi là cách việt, vì cách xa thánh đạo. Thông đạt tu viên chứng, đã nói ở các chỗ khác nên không giải thích lại. Trí cứu cánh, nghĩa là tận vô sinh trí. Đoạn cứu cánh, nghĩa là tất cả phiền não đã vĩnh đoạn không sót. Tất cánh cứu cánh, là do xuất thế gian đạo. Bất tất cánh cứu cánh, là do thế gian đạo. Hạ liệt cứu cánh, là Thanh Văn, Độc Giác. Quảng đại cứu cánh, là chư Phật Bồ-tát. Bồ-tát cứu cánh, là ở tối hậu vị. Chư Phật cứu cánh, là khi vô chướng ngại sinh, giống như trăm ngàn câu-chi mặt trời nhất thời xuất hiện. Hai mươi thứ dẫn phát, trước đã nói rộng. Nhiếp quyết trạch, nghĩa là do 10 xứ thâu nhiếp các quyết định lựa chọn. Những gì là 10 xứ? Là thành sở tác quyết trạch, thú nhập quyết trạch, thắng giải quyết trạch, đạo lý quyết trạch, luận quyết trạch, thông đạt quyết trạch, thanh tịnh quyết trạch, dẫn phát quyết trạch, cú sai biệt quyết trạch, và không do công dụng, khi vừa tác ý thành tất cả nghĩa quyết trạch. Thành sở tác quyết trạch, nghĩa là có thể quyết trạch xong các thứ phương tiện nuôi sống thế gian. Thú nhập quyết trạch, nghĩa là có thể quán sát trong 3 thừa mình sẽ vào thừa nào, làm sao khiến người khác cũng được thú nhập. Thắng giải quyết trạch, nghĩa là do văn tuệ, như chỗ nghe giáo pháp khởi thắng tín giải. Đạo lý quyết trạch, nghĩa là do tư tuệ cân nhắc trước sau nói các ý thú. Luận quyết trạch, nghĩa là như chỗ nghe, tư duy kiến lập vấn luận đạo lý, để khiến lần lượt thụ dụng pháp lạc. Thông đạt quyết trạch, nghĩa là kiến đạo có thể thông đạt đế lý. Thanh tịnh quyết trạch, nghĩa là tu đạo để có thể tịnh các phiền não vô dư. Dẫn phát quyết trạch, nghĩa là thắng tiến đạo để có thể dẫn phát thắng công đức. Cú sai biệt quyết trạch, nghĩa là dùng 2,3,4 câu khác nhau dẫn phát môn diễn thuyết vô biên pháp nghĩa sai biệt. Không do dụng công, vừa khi tác ý là thành tất cả nghĩa quyết trạch, nghĩa là trí Như Lai thì trước lìa sự dụng công, đối với tất cả nghĩa khi vừa mới tác ý là trí vô trước vô ngại kiến chuyển. Luận quỹ quyết trạch, lược có 7 thứ: 1. Luận thể. 2. Luận xứ. 3. Luận y. 4. Luận trang nghiêm. 5. Luận phụ. 6. Luận xuất ly. 7. Luận nhiều chỗ tác pháp. Đối với 7 môn này phương tiện thiện xảo, gọi là luận quỹ quyết trạch. Luận thể, lại có 6 thứ: 1. Ngôn luận. 2. Thượng luận. 3. Tránh luận. 4. Hủy luận. 5. Thuận luận. 6. Giáo luận. Ngôn luận, nghĩa là ngôn ngữ tất cả thế gian. Thượng luận, nghĩa là các luận được nghe trong thế gian, vì thế trí ưa chuộng. Tránh luận, nghĩa là những ngôn luận tương phản nhau. Hủy luận, nghĩa là những luận điệu giận dữ phát ngôn thô ác với nhau. Thuận luận, nghĩa là tùy thuận trí thanh tịnh quyết trạch ngôn luận. Giáo luận, nghĩa là dạy dỗ hữu tình tâm chưa định thì khiến cho tâm định, tâm đã định thì khiến được giải thoát. Có những diễn đàn ngôn luận hoặc ở nơi vương gia, hoặc ở nơi chấp pháp, hoặc đối trước người thuần chất đủ sức lường đạc, hoặc đối trước bạn lành, hoặc đối trước các Sa-môn Bà-la-môn giỏi pháp nghĩa v.v… mà lập luận. Nơi vương gia, là nơi đó vua đích thân giáng lâm. Nơi chấp pháp, là như nơi xử đoán của triều đình. Người thuần chất đủ sức lường đạc, là thương nhân v.v… Bạn lành, là người lập luận là người trong bạn bè, đối địch không quá lời. Sa-môn Bà-la-môn giỏi pháp nghĩa, là những người thông hiểu giỏi văn nghĩa trong các luận kia. Luận y, nghĩa là y vào lập luận này, lược có 2 thứ: 1. Sở thành lập. 2. Năng thành lập. Sở thành lập có 2: 1. Tự tính. 2. Sai biệt. Năng thành lập có 8 thứ: 1. Lập tông. 2. Lập nhân. 3. Lập dụ. 4. Hợp. 5. Kết. 6. Hiện lượng. 7. Tỷ lượng. 8. Thánh giáo lượng. Tự tính, nghĩa là ngã tự tính và pháp tự tính, được thành lập hoặc có hoặc không. Sai biệt, nghĩa là ngã sai biệt và pháp sai biệt, hoặc biến khắp tất cả hoặc chẳng phải biến khắp tất cả, hoặc thường hoặc vô thường, hoặc hữu sắc hoặc vô sắc v.v… vô lượng sai biệt.

Lập tông, nghĩa là căn cứ chỗ phải thành lập, tự cho nghĩa, nói rõ cho người kia hiểu. Sở dĩ vì sao? Nếu không nói chỗ căn cứ phải thành lập, là tự tông đã thành mà nói rõ cho người nên gọi là tông. Nếu không nói tự cho nghĩa, là nói rõ cho người nghĩa tông phải thành lập nên gọi là lập tông. Nếu không nói cho người, chỉ xướng lên lời này nên gọi là lập tông. Nếu không nói rõ, là dùng thân biểu thị nghĩa này nên gọi là lập tông. Nếu không nói khiến cho người khác hiểu, thì người nghe chưa rõ nghĩa này nên gọi là lập tông. Nếu như chỗ an lập không tất cả quá lượng, kiến lập tự tính ngã pháp hoặc có hoặc không, sai biệt ngã pháp biến khắp hoặc không biến khắp v.v… đầy đủ tướng trước, đó là lập tông.

Lập nhân, nghĩa là nơi chỗ thành lập chưa hiển thị rõ nghĩa, chính thuyết hiện lượng có thể được không thể được v.v… tướng của tín giải. Tướng tín giải, là nghĩa của nhân tín giải. Sở dĩ vì sao? Do chính nói rõ tướng của hiện lượng có thể được không thể được v.v… ở nơi chỗ phải thành lập, chưa hiển rõ nghĩa tín giải được sinh. Cho nên chính nói tướng kia là lập nhân. Hiện lượng có thể được không thể được, là dựa vào tự thể và tướng mạo mà nói.

Lập dụ, nghĩa là lấy bên đã thấy với bên chưa thấy hòa hợp chính thuyết. Bên đã thấy, là phần đã hiển rõ. Bên chưa thấy, là phần chưa hiển rõ. Dùng phần hiển rõ làm rõ phần chưa rõ, khiến nghĩa được bình đẳng có chính thuyết gọi là lập dụ.

Hợp, nghĩa là dẫn các nghĩa khác của chủng loại này khiến chính thuyết lý thú pháp này. Nghĩa là do 3 phần thành lập như trước đã thành nghĩa. Lại nữa, để thành lập các nghĩa khác của chủng loại này lại dẫn nghĩa kia khiến vào trong pháp này chính thuyết đạo lý gọi là hợp.

Kết, nghĩa là đến chỗ rốt ráo có chính thuyết. Do đạo lý này cực kỳ thành tựu hoàn thiện, cho nên việc này quyết định không khác. Kết hội cứu cánh gọi là kết. Đã nói xong các tướng lập tông. Nay sẽ đại lược nói các việc. Như vô ngã luận, là đối lại ngã luận, trước tiên nói các pháp vô ngã. Câu nói này là lập tông. Tiếp nói vì nếu ở trong uẩn thi thiết thì có 4 lỗi. Câu nói này là lập nhân. Sở dĩ vì sao? Nếu ở trong uẩn thi thiết thật ngã, thì cái chấp ngã này tức tướng của uẩn là ở trong uẩn hay ở nơi khác, hay không thuộc uẩn mà thi thiết chăng? Nếu ngã tức tướng của uẩn mà thi thiết, thì uẩn không tự tại, do từ các duyên sinh, là pháp sinh diệt. Nếu tức là tướng kia thì không thành ngã. Đó là lỗi trước tiên. Nếu ở trong uẩn mà thi thiết, thì các uẩn sở y đã là vô thường nên cái ngã năng y cũng phải vô thường. Đó là lỗi thứ hai. Nếu tách rời uẩn mà thi thiết nơi khác, thì ngã không có nhân, ngã cũng trở thành vô dụng. Đó là lỗi thứ ba. Nếu không thuộc uẩn mà thi thiết, thì cái ngã phải độc lập tồn tại, tự tính giải thoát mà lại cầu giải thoát là mất công. Đó là lỗi thứ tư. Tiếp nói, như ở trong hiện tại mà thi thiết quá khứ. Câu nói này là lập dụ. Sở dĩ vì sao? Nếu đồng là tướng hiện tại mà thi thiết có quá khứ, thì cái chấp quá khứ đây là tướng hiện tại, là ở trong hiện tại, hay là nơi khác, hay là không cần hiện tại mà thi thiết chăng? Nếu tức là tướng hiện tại mà thi thiết thì đã sinh chưa diệt là tướng hiện tại, vậy pháp thể của quá khứ cũng phải là tướng đã sinh chưa diệt. Đó là lỗi thứ nhất. Nếu ở trong hiện tại thi thiết, thì ở trong cái chưa diệt thi thiết diệt thể là không phù hợp nên không đúng đạo lý. Đó là lỗi thứ hai. Nếu tách rời hiện tại mà thi thiết nơi khác nơi khác thì trừ hiện tại ra không thật có tí gì là việc hữu vi, làm sao thi thiết nơi đó? Đó là lỗi thứ ba. Nếu không đợi phải hiện tại mới thi thiết thì cũng nên thi thiết vô vi làm đời quá khứ. Đó là lỗi thứ tư. Nhưng tướng quá khứ đã hoại diệt nên thành nghĩa vô tướng. Nếu đồng hiện tại thi thiết tức thành 4 lỗi. Cho nên tướng quá khứ không thành tựu các pháp. Vô ngã cũng vậy. Nếu thi thiết trong uẩn tức thành 4 lỗi, nên thành nghĩa vô ngã. Tiếp nói như vậy ngăn phá ngã điên đảo rồi, tức do đạo lý nầy thường v.v… cũng không. Câu nói này là hợp. Sau nói do đạo lý này cho nên 5 uẩn đều vô thường cho đến vô ngã. Câu nói này là kết.

Hiện lượng, nghĩa là tự chính rõ ràng không có nghĩa mê loạn. Tự chính nghĩa ngôn, hiển thị tự chính thủ nghĩa. Như do nhãn chính thủ sắc v.v… Câu nói này là đơn giản thế gian hiện được cái bình v.v… đều cho là hiện lượng được. Do kia là giả cho nên chẳng phải hiện lượng được minh liễu. Nói là phân biệt lựa chọn do có chướng v.v.. Không thể được nhân nên không hiện tiền, cảnh không mê loạn nói là phân biệt vòng lửa xoay là bánh xe, sóng nắng v.v…

Tỷ lượng, nghĩa là hiện các tín giải. Thế là thế nào? Nghĩa là trừ hiện lượng sở đắc, các việc không hiện khác quyết định đều chuyển. Trước thấy thành tựu, nay khi hiện thấy một phần kia, thì các phần khác sinh chính tín giải. Nghĩa là kia đối với quyết định này phải do có đều chuyển. Như ở xa trông thấy khói biết ở đó có lửa. Đó gọi là hiện lượng là trước tỷ lượng.

Thánh giáo lượng, nghĩa là giáo pháp không trái 2 lượng. Là thế nào? Là có giáo pháp đều không trái với hiện lượng và tỷ lượng, quyết không di chuyển, nhất định có thể tin thụ nên gọi là thánh giáo lượng.

Luận trang nghiêm, nghĩa là y luận chính lý mà phát luận đoan rất tốt đẹp, gọi là luận trang nghiêm. Đây có 6 thứ: 1. Thiện tự tha tông. 2. Ngôn âm viên mãn. 3. Vô úy. 4. Biện tài. 5. Đôn túc. 6. Ứng cúng. Thiện tự tha tông, nghĩa là với tông của mình tông của người, nào văn nào nghĩa, trước sau hiểu rõ ràng minh bạch. Ngôn âm viên mãn, nghĩa là khéo hiểu rõ thanh luận mới khởi luận đoan, lìa lỗi lầm âm thanh ngôn ngữ trong khi nói, phát ngôn không lộn xộn v.v… Vô úy, nghĩa là mặc dù ở trong đám đông có nhiều người giỏi, phát ngôn thản nhiên không sợ sệt. Biện tài, nghĩa là nói năng không vấp váp. Đôn túc, nghĩa là lời nói không nóng vội không hấp tấp. Quán sát đối phương, ngôn từ đầy đủ rốt ráo rồi mới phát ngôn. Ứng cúng, nghĩa là lập tính hiền hòa, phát ngôn đằm thắm, phương tiện tùy thuận tâm của đối phương.

Luận phụ, nghĩa là xả ngôn, ngôn khuất, ngôn quá. Do 3 thứ này những người lập luận sa vào chỗ thua cuộc bị người khuất phục. Xả ngôn, nghĩa là tự phát ngôn nói lỗi của luận, mình khen đức tốt của luận người. Nghĩa là tôi không tốt ông tốt. Ngôn khuất, nghĩa là mượn cớ chuyện khác mà phương tiện rút lui, hoặc nói chuyện ngoài mà bỏ bản tông của mình, hoặc tỏ ra tức giận, khinh khi, che giấu v.v… như kinh nói rộng. Mượn cớ việc khác mà phương tiện rút lui, nghĩa là mượn các việc khác làm rối nghĩa đang nói. Như kinh nói: Trưởng lão Xiển-đạc-ca cùng tranh luận với ngoại đạo, hoặc hủy bỏ chỗ lập tông của mình, hoặc lập tông rồi hủy bỏ. Ngôn quá, lược có 9 thứ: 1. Lộn xộn. 2. Thô kệch. 3. Không biện rõ. 4. Không hạn lượng. 5. Tương ưng với phi nghĩa. 6. Không đúng lúc. 7. Không quyết định. 8. Không làm rõ. 9. Không liên tục. Lộn xộn, nghĩa là bỏ việc tranh luận nói rộng ra chuyện khác. Thô kệch, là giận tức phát lời thô bạo. Không biện rõ, là nói pháp không rõ nghĩa, khiến người nghe và đối phương không hiểu. Không hạn lượng, nghĩa là nói nghĩa lý ngôn từ trùng lặp, hoặc tăng hoặc giảm. Tương ưng phi nghĩa, là lược có 5 thứ: 1. Vô nghĩa. 2. Trái nghĩa. 3. Tổn lý. 4. Với sở thành v.v… 5. Chiêu tập nghĩa quá khó, không thể được, nghĩa không phù hợp, không quyết định, năng thành đạo lý lại phải thành, theo đuổi tất cả ngôn luận phi lý phi đế. Không đúng lúc, nghĩa là những gì cần phải nói trước sau không thứ tự. Không quyết định, nghĩa là lập rồi lại hủy, hủy rồi lại lập, thay đổi mau chóng khó có thể biết được. Không làm rõ, nghĩa là vượt Xiển-đà luận tướng, không hiểu mà đáp, hoặc điển cố hoặc ngôn từ dân gian lộn xộn. Không liên tục, nghĩa là ở giữa chừng ngôn từ đứt đoạn.

Luận xuất ly, nghĩa là quán sát công đức hoặc lỗi lầm khiến luận xuất ly, hoặc lại không làm, sợ rơi vào thất bại nên không khởi luận. Giả như hưng khởi có thể khéo cứu cánh. Lại như biết địch luận là chẳng phải pháp khí, thời, chúng, không có đức, tự mình không có thiện xảo thì không nên khởi luận. Nếu biết địch luận là pháp khí, bấy giờ chúng có đức, tự mình có thiện xảo mới có thể khởi luận. Địch luận chẳng phải pháp khí, nghĩa là kia không thể xuất, không khéo ở nơi thiện xứ. Bấy giờ chúng không có đức, nghĩa là không thuần chất, thích nơi vắng vẻ, chấp hữu, thiện lệch v.v… Tự mình không thiện xảo, nghĩa là trong luận thể cho đến luận trang nghiêm không khéo thông đạt. Trái với đây gọi địch luận là pháp khí v.v…

Luận có nhiều chỗ tác pháp, là lược có 3 thứ phải sẵn sàng trước khi khởi luận đoan. Những gì là 3: 1. Rõ thấu kỹ tông của mình và tông của người. Do đó có thể khởi đàm luận khắp. 2. Không sợ sệt, do đây có thể ở trong mọi đám đông hưng khởi tranh luận. 3. Tài hùng biện, do đây có thể đáp tốt các vấn nạn.

Lại nữa, nếu muốn tự cầu lợi ích an lạc thì phải thông suốt giỏi các luận pháp, không nên tranh cãi với người khác. Như Bạc-giàphạm trong Kinh Đại Thừa A Tì Đạt Ma nói: Nếu các Bồ-tát muốn siêng năng tinh tiến tu các thiện phẩm, muốn thực hành đúng thật pháp tùy pháp hành, muốn khéo nhiếp ích tất cả hữu tình, muốn được mau chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề thì phải chính quán sát 12 xứ pháp, không nên tranh cãi cùng người. Những gì là 12? 1. Khi nói rõ chứng vô thượng nghĩa vi diệu pháp, là khó có được người tin hiểu điều đó. 2. Người dùng tâm thụ giáo mà xin hỏi, là rất khó có được. 3. Thời chúng hiền thiện quán sát công đức và lỗi lầm , là rất khó có được. 4. Khi khởi luận có thể lìa 6 lỗi, là rất khó có được. Những gì là 6? Là lỗi chấp trước tà tông, lỗi nói kiểu loạn, lỗi nói không hợp thời, lỗi nói thoái khuất, lỗi nói thô ác, lỗi tâm giận dữ. 5. Khi khởi luận không ôm tâm ác độc, là rất khó có được. 6. Khi khởi luận khéo hộ tâm người, là rất khó có được. 7. Khi khởi luận khéo hộ định tâm, là rất khó có được. 8. Khi khởi luận có tâm muốn mình kém người hơn, là rất khó có được. 9. Mình kém người hơn, tâm không phiền não, là rất khó có được. 10. Tâm đã phiền não được trụ an ổn, là rất khó có được. 11. Đã được trụ an ổn, thường tu thiện pháp, là rất khó có được. 12. Trong các thiện pháp đã không hằng tu, tâm chưa đắc định có thể mau đắc định, tâm đã đắc định có thể mau giải thoát, là rất khó có được. Trong kinh này đã nói siêng năng tinh tiến tu các thiện phẩm, vì sao lại nói hành chân thật pháp tùy pháp hành? Vì để làm rõ ý lạc thanh tịnh. Sở dĩ vì sao? Vì không phải để được lợi dưỡng cung kính v.v… mà tu văn tư v.v… các thiện phẩm. Muốn khéo nhiếp ích hữu tình là biệt Thanh Văn hạnh v.v… bởi các Bồ-tát lấy lợi tha hạnh làm hơn. Như vậy Bồ-tát hạnh tự lợi lợi tha đầy đủ rồi mau chứng vô thượng chính đẳng Bồ-đề. Lại nữa ý nghĩa các câu trong kinh này, là khi khởi luận pháp tính Đại thừa là thậm thâm vô thượng, nếu dùng tâm không tranh cãi mà hiểu hãy còn khó. Huống chi là cạnh tranh. Phàm khởi tranh luận, tuy phát hỏi vô tâm cầu hiểu, chỉ tìm kiếm lỗi lầm. Lại nữa tâm của kẻ bàng chứng không thành thật ngay thẳng, không giỏi tông môn lại ưa tà chấp, những điều nói ra phần nhiều đủ 6 lỗi lầm. Sở dĩ vì sao? Phàm khi khởi luận thì hoặc có tư tâm chấp trước tà tông, hoặc bóp méo phương tiện mong bên kia sai lầm, hoặc không đợi nói xong mà nói rối loạn, hoặc luận giả đối địch nói khen chính lý mà lại phỉ báng bài bác, hoặc nói lời thô bỉ làm não lòng luận giả đối phương và tâm của người nghe, hoặc tự ôm giận dữ, đa phần đủ 6 thứ lỗi như vậy. Lại nữa khi khởi luận, thân tâm tịch tĩnh là điều rất khó được. Không tịch tĩnh nên khó thành 2 việc là khéo hộ tâm người và khéo hộ tâm mình. Do đây khiến tâm người được tịnh tín, nơi giải thoát chính cần phương tiện khiến tự tâm định. Lại nữa, khi khởi luận phần nhiều khởi tâm này thì thế nào là chỗ khiến ta được thắng người bị thua? Nếu không vừa lòng liền ôm sự nóng nảy sầu não, do có tâm trạng đó không trụ trong an lạc, không thể tu thiện không gián đoạn. Cho nên đối với pháp tăng thượng chứng kia chưa được đã thoái đọa.

Bí mật quyết trạch, nghĩa là nói các nghĩa danh cú văn thân, ẩn giấu chuyển biến lại hiển thị các nghĩa khác. Như kinh nói:

Nghịch hại với cha mẹ,

Vua và hai đa văn.

Tru quốc và tùy hành,

Người này nói thanh tịnh.

Nay trong tụng này biểu lộ bằng những chữ mà thế gian đều cho là tội ác cực nặng, chuyển biến sự ẩn giấu hiển lộ các nghĩa thanh tịnh. Những gì là thế gian đều cho là tội ác cực nặng? Là nghịch hại người tôn quý và đại chúng. Người tôn quý có hai, một là riêng hai là chung. Chung lại có hai, một là người bảo hộ thế gian, hai là người nên cúng dường. Riêng cũng có hai, là cha và mẹ. Người bảo hộ thế gian, là vua. Người nên cúng dường, là đa văn phạm chí, vì người đời đều cho là hạng rất thanh tịnh. Cho nên giết hại những bậc ấy thì nói chung là nghịch tôn nhân. Nếu giết hại người trong nước và tùy hành súc sinh gọi là hại đại chúng. Hiển thị nghĩa này bằng những chữ thế gian đều cho là tội ác cực nặng. Thế nào là chuyển các chữ bí mật này hiển thành nghĩa tịnh? Nghĩa là câu nghịch hại cha mẹ v.v… chuyển đổi bí mật thành hiển thị là vĩnh đoạn ái v.v… các nghĩa. Sở dĩ vì sao? Hoặc ái hoặc nghiệp, hoặc hữu thủ thức, giới kiến 2 thủ, nhãn v.v… 6 xứ và cảnh sở hành, theo thứ tự gọi là cha, mẹ v.v… vì pháp tương tự. Ái là phát nhân. Nghiệp là sinh nhân. Do đây có thể trồng loại chủng tử tập khí thế gian cha. Do 2 nhân này khiến hữu thủ thức lưu chuyển không dứt, trong khi lưu chuyển tuy cầu giải thoát, nhưng do 2 thứ pháp phi phương tiện, chướng ngại sự đắc giải thoát, là vọng kế đạc thanh tịnh tối thắng. Giới kiến 2 thủ giống như thế gian đa văn phạm chí. Hằng vọng chấp trước tối thắng thanh tịnh, đây có thủ thức sở y sở duyên cảnh giới của 6 xứ. Giống như đất nước trên thế gian và tùy hành, nếu có thể vĩnh đoạn các pháp như vậy, phải biết người đó là rất thanh tịnh. Lại như kinh nói:

Bất tín, bất tri ân,

Đoạn mật không chỗ chứa,

Hằng ăn người nôn mửa,

Là tối thượng trượng phu.

Nay trong bài tụng này tuyên thuyết nghĩa cực kỳ thấp hèn ở thế gian bằng những chữ chuyển đổi bí mật hiển thị thành các nghĩa tối thượng. Ở trên đời có 4 thứ thấp hèn, là ý nghiệp thấp hèn, thân nghiệp thấp hèn, ngữ nghiệp thấp hèn, thụ dụng thấp hèn. Ý nghiệp thấp hén lại có 2 thứ: 1. Không tin trái với thiện sinh, không tin có đời sau v.v…, không hành thí v.v… 2. Không biết ơn thuận sinh bất thiện, không đoái tưởng đến ơn đã qua trái nghịch lý ở đời, khởi hại mẹ v.v… vì có các ác hành. Thân nghiệp thấp hèn, là phá tường trộm cướp, nuôi sống bằng nghiệp hèn mọn. Ngữ nghiệp thấp hèn, là nói dối đáng khinh, người tốt không dung. Thụ dụng thấp hèn, là những thứ nôn mửa mà quỷ, chó, chim chóc v.v… thích ăn. Hiển thị nghĩa này bằng những chữ người đời cho là cực kỳ thấp hèn. Thế nào là chuyển đổi những chữ này hiển thị nghĩa vô thượng? Nghĩa là nói không tin v.v… chuyển biến mật ngữ hiển thị thành các thắng nghĩa. Không tin, là giải thoát trí kiến, vỉ tự hiện chứng. Không biết ơn, là Niết-bàn trí. Hữu vi gọi là ơn. Vô vi là phi ân. Biết phi ân nên gọi là không tri ân. Đoạn mật, là vĩnh đoạn hậu hữu, nhân tiếp tục phiền não. Không chỗ dung chứa, là không sinh lại các khổ xứ trong đời sau. Ăn thứ nôn mửa, nghĩa là trong hiện pháp tuy tạm thời giữ trong người các thứ cần cho đời sống nhưng đối với thân mạng tài sản không sinh vui thích. Nếu được như vậy là tối thượng trượng phu. Lại như kinh nói:

Biết không kiên là kiên,

Khéo trụ nơi điên đảo,

Cực phiền não quấy nhiễu,

Được tối thượng Bồ-đề.

Đây cũng nói như trước, nhưng thể tính của nó là các Bồ-tát y vào Tam-ma-địa, do kiến tu 2 đạo chứng đại Bồ-đề.

Lại các kinh khác nói: Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu 5 pháp thí Ba-la-mật-đa mau được viên mãn. Những gì là 5? 1. Tăng ích xan lẫn pháp tính. 2. Ư thí hữu quyện. 3. Tắng ố khất cầu. 4. Vô tạm thiểu thí. 5. Viễn ly ư thí. Tăng ích xan lẫn pháp tính, nghĩa là do vĩnh đoạn xan lẫn tùy miên và các tập khí của chúng chứng đắc pháp tính chân như chuyển y của chúng. Ư thí hữu quyện, nghĩa là vì tu thí, thệ nguyện dài thời gian làm các khổ hạnh khó làm. Tắng ố khất cầu, nghĩa là muốn tự thủ nên chán kia cầu xin. Vô tạm thiểu thí, nghĩa là thí mọi lúc mọi thứ. Viễn ly ư thí, nghĩa là thường xa lìa ý tưởng mong thí được báo đáp.

Lại các kinh khác nói: Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu 5 pháp gọi là phạm hạnh, là thành tựu đệ nhất thanh tịnh phạm hạnh. Những gì là 5? 1. Thường cầu để lìa dục. 2. Xả đoạn dục pháp. 3. Dục tham đã sinh tức liền chấp chặt. 4. Sợ pháp trị dục. 5. Hai hai thường gặp. Thành tựu đệ nhất thanh tịnh phạm hạnh, là xuất thế gian đạo. Thường cầu lấy dục để lìa dục, nghĩa là lấy biến trí như thật đây vĩnh đoạn kia. Biến trí như thật đây, nghĩa là có thể thông đạt trí chân như này. Xả pháp đoạn dục, nghĩa là hằng quán sát xả đoạn phi phạm hạnh phương tiện. Dục tham đã sinh tức liền chấp chặt, là nội dục tham đã sinh tức liền nắm chặt tẫn xuất ra ngoài. Sợ pháp trị dục, là nói tội lỗi của dục sợ các hữu tình, lập đối trị đạo cứu vớt tất cả. Hai hai thường gặp, nghĩa là trong 4 chân đế của nhân quả nhiễm tịnh sai biệt, dùng thế xuất thế 2 đạo và Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na 2 đạo thường thường chứng hội.

Vì sao luận này gọi là Đại Thừa A Tì Đạt Ma Tập? Lược có 3 nghĩa, là đẳng sở tập, biến sở tập, chính sở tập. Do giải thích từ lý để rõ được tên nên lập câu hỏi này. Đẳng sở tập, nghĩa là vì các đại Bồtát chứng chân hiện quán cùng nhau kết tập. Biến sở tập, nghĩa là vì thâu nhiếp tất cả những chỗ tư duy lựa chọn trong Kinh Đại Thừa A Tì Đạt Ma. Chính sở tập, nghĩa là do phương tiện kết tập không điên đảo cho đắc chứng đắc Phật Bồ-đề./.

TRỌN BỘ 16 QUYỂN HẾT