CHÂU NGỌC
Hạnh Đoan bình thuật

 

Xưa, có một thằng bé chào đời trong một gia đình lắm tiền nhiều của nên được cha mẹ đặt tên là Châu Ngọc.

Thời gian thấm thoắt, Châu Ngọc lớn lên. Cha mẹ lần lượt qua đời, để lại gia sản kếch sù cho chàng. Nhà giàu, tính hào phóng ưa bố thí nên Châu Ngọc tiêu xài rất rộng tay. Thân bằng quyến thuộc gặp túng bấn khó khăn, hay người nghèo đến xin trợ cấp là chàng chẳng bao giờ để họ về không. Vì vậy, chẳng mấy chốc tiền bạc trong nhà chàng cạn dần…

Thấy chàng nghèo, bạn bè thân quyến đều lánh xa. Những khi đói lòng chàng có đến thử xin họ thí cho bữa cơm hoặc van nài họ biếu cho vài xu, thì luôn luôn bị từ chối. Không những họ chẳng giúp đỡ mà còn tỏ vẻ rẻ rúng coi khinh, chẳng còn xum xoe tử tế như thuở chàng giàu sang.

Thấm thía tình đời, Châu Ngọc lìa bỏ quê hương, đi sang xứ khác sinh sống.

Nhờ nhân lành bố thí ngày trước, hai mươi năm sau, chàng giàu trở lại, “phất” gấp trăm lần cha mẹ chàng xưa kia.

Chàng nghĩ đã đến lúc mình nên trở về.

Châu Ngọc hồi hương với đoàn xa mã rầm rộ nổi đình nổi đám, các cổ xe được chàng trang trí lộng lẫy, bắt mắt. Từ anh xa phu đến người hầu, thảy đều ăn vận cực kỳ sang trọng, chỉ có Châu Ngọc là ăn mặc xoàng xĩnh, ngồi khiêm tốn một bên xe. Đến đâu, chàng cũng cho người đi rao:

– Doanh nhân Châu Ngọc đi làm ăn xa nay đã phát tài, đang trên đường về cố hương!

Thế là tin Châu Ngọc hồi hương, được đồn khắp thôn làng.

Thân bằng quyến thuộc nghe tin, thảy đều muốn lấy lòng chàng. Ai cũng vắt óc nghĩ suy, tính toán sẽ tiếp rước chàng sao cho nổi trội hơn người. Thế là họ chuẩn bị yến tiệc long trọng với chén ngọc mâm vàng, sắp bày thức ăn thơm nức mũi, còn mướn nguyên đội ca vũ có tiếng tăm dàn hàng đứng đợi sẵn trên đường vào thôn, gõ trống khua chiêng vang rân để nghênh đón chàng. Trong lòng người nào cũng nghĩ: “Châu Ngọc là tay ưa bố thí, hào phóng… nếu mình rước được y về nhà, thết đãi tử tế thì nhất định sẽ được y hậu tạ vạn bội”…

Nhưng, không dễ gì đón được Châu Ngọc, bởi cả đám đông đều chen chúc giành nhau. Ai cũng ngóng cổ tìm chàng trong đoàn xe dài lê thê, người nào cũng muốn mình là kẻ đầu tiên gặp và chào đón chàng. Buồn cười là khi đứng trước Châu Ngọc họ lại không nhận ra, bởi chàng ăn mặc xoàng xĩnh, bần hàn quá. Họ xúm nhau hỏi chàng:

– Châu Ngọc ở đâu?

Chàng nói:

– Ở đằng sau ấy! Nhưng không biết là trong cổ xe nào…

Chỉ nghe có thế là họ đã nháo nhào chạy bổ ra phía sau, vừa chen lấn tìm chàng vừa quýnh quáng hỏi xa phu:

– Châu Ngọc đâu?

Xa phu trả lời:

– Ở đằng trước! Nhưng không rõ là xe nào…

Họ lại chạy bổ ra phía trước… Cứ thế, họ chạy tới chạy lui quanh đoàn xe dài ngút mắt… chạy đến mệt nhoài, đến rã rời cả chân, phải há miệng thở dốc… Trông dáng điệu của họ thật đáng thương mà cũng tức cười.

Cuối cùng, cũng có người nhận ra vị ăn mặc tầm thường ngồi trên cỗ xe đầu tiên chính là Châu Ngọc, ai nấy đều sấn tới, mừng rỡ chào đón và tấm tức trách chàng:

– Ngài là Châu Ngọc? Vì sao lại bảo chúng tôi là… ở phía sau? Báo hại chúng tôi chạy tới chạy lui tìm… hệt như một lũ ngốc!

Châu Ngọc phân trần:

– Tôi nào dám lừa các vị, thật tình tôi không phải là “châu ngọc”, “châu ngọc” được chất đầy ở xe phía sau thực mà!

– Nói vậy là sao? Chúng tôi càng nghe càng hồ đồ!

Châu Ngọc nói:

– Lúc tôi nghèo, từng đến nhà các vị khất thực, có xin một bữa ăn mà chẳng ai cho. Bây giờ vì sao lại chuẩn bị yến tiệc cao sang đãi tôi? Lúc tôi mạt vận, từng đến gặp các vị nài xin ít bạc lẻ, ai cũng ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí còn thẳng tay xua đuổi… Nay duyên cớ nào lại mướn nguyên đội nhạc, gióng trống thổi kèn trịnh trọng đón tôi? Thật ra các vị muốn tiếp, muốn rước vào nhà đâu phải là tôi, mà là những châu báu ngọc ngà … chất đầy trên xe kia kìa, không phải vậy hay sao?

BÌNH:

Trong dòng đời, đôi lúc ta bắt gặp những hình ảnh thật cảm động: Lão hành khất gõ cửa một nhà khá giả xin ăn và được gia chủ sốt sắng đơm cơm, gắp thức ăn vào bát, tử tế đưa hai tay mời họ. Thức dùng không phải là canh cặn cơm thừa mà là món ngon như chính chủ nhà đang ăn. Hoặc cảnh một đại nhân có quyền thế cao, cư xử cực kỳ nhã nhặn và tử tế với người có địa vị thấp kém hơn mình. Những nghĩa cử này luôn làm rung động lòng người, khiến người ta nhớ mãi không quên, vì nó thật cao đẹp, thực tế, vượt hẳn những huấn dụ của giáo chương về phép xử thế.

Quả rất buồn nếu ai đó tử tế với ta vì những gì ta có. Anh chàng Châu Ngọc trong truyện đã quá thấm thía và dày dạn kinh nghiệm chua chát với tình đời – Tình đời thường đen bạc, song tình thương của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh… luôn thuần khiết, vô điều kiện, vô vụ lợi. Tình thương này vốn có sẵn và tiềm ẩn trong lòng mỗi người. – Nhân chi sơ tính bản thiện – Khi thiện tính được khơi gợi, phục hồi… thì lúc đó dù đứng trước kẻ giàu sang hay người bần cùng thấp kém, ta sẽ có được niềm quý trọng và thương yêu bình đẳng. Đây chính là nét đẹp, là châu ngọc của cuộc sống.