CHUYỆN ÔNG CẢNH SÁT TÂN GIA BA
Ni Sư Hạnh Đoan dịch

 

Tôi pháp danh Tịnh Lạc, là cảnh sát Tân Gia Ba thoái hưu, năm nay 63 tuổi.

Tôi bắt đầu đến với đạo, tập niệm Phật vào lúc 40 tuổi.

Trước đó tôi đối với Phật pháp hoàn toàn không tin. Bởi theo tính cách và sinh hoạt trước đây của tôi, không ai nghĩ là tôi có thể chịu học và tu theo Phật giáo.

Lúc 40 tuổi, một ngày nọ khi đi khám bệnh tôi mới biết tai mình bị ung bướu, vừa nghe tin này, thì tôi cảm thấy trời đất như quay cuồng, vì lâu nay tôi luôn cho rằng, mình vốn khỏe mạnh mãi mãi, chưa bao giờ tưởng tượng là sẽ có ngày mình mắc phải bệnh ung bướu.

Nhưng may là tôi bị ung bướu lành tính. Thế nhưng, sau khi phẫu thuật cắt bỏ ung bướu xong, thì lại tái phát di chứng, khiến tròng trắng mắt trái tôi ứ nước, nổi bong bóng phồng to, tạo nên cơn đau khó kham, giống như bị dao đâm vào mắt… Mặc dù bác sĩ cho đủ thuốc, nhưng hiệu quả không cao, tôi rất lo sẽ có ngày mình bị mù.

Hơn nữa, lúc đó sau khi cắt bỏ ung bướu rồi, thì thần kinh mặt do bị ảnh hưởng hậu phẫu, trở nên tê liệt đơ cứng, khiến cả hai gò má bị méo mó, biến hình đổi dạng trông rất đáng sợ, lại thêm tròng mắt bị đau đớn khó chịu vô cùng, lúc này tôi mới nhận ra: Kiếp người quả thực là thống khổ, nói đúng hơn thì bị bệnh thực là khổ!

Có lẽ nhân duyên giữa tôi với Phật đã chín muồi, nên ngay vào thời điểm đó tôi gặp một vị tu sĩ Phật giáo, khi ngài nhìn thấy tình trạng của tôi thì khuyên:

– Anh chỉ cần niệm Nam mô A Di Đà Phật, cầu Ngài cứu trợ, nhất định bệnh sẽ không sao.

Lúc đó tôi đối với Phật giáo hoàn toàn mù tịt, không hiểu biết chi, nhưng thấy nhà sư nói quá chắc chắn như vậy, lại thêm mình đang bị bệnh không có thuốc chi trị lành, do lâm vào đường cùng nên tôi đành phải nhờ đến Phật pháp, thế là tôi liều mạng niệm chí thiết: Nam mô A Di Đà Phật, do bị bệnh nặng mà tôi mới phát tâm tu, thực sự chí thành cầu Phật tha thiết.

Cứ thế, suốt hai tháng nghỉ phép dưỡng bệnh, tôi nhất tâm niệm Phật liên tục hơn 40 ngày, niệm đến ngày thứ 45, thì tối đó tôi nằm mộng: Thấy mình đi đến một vườn cây, vừa mới bước vào, thì gặp một bà lão đứng vị trí ở giữa, hai bên có hai vị nam tử đứng hầu. Bà lão này vừa nhìn thấy tôi thì bảo:

– Trong mắt ngươi có mạng nhện…

Rồi bà đưa tay kéo sợi tơ nhện rất dài từ trong mắt tôi ra…

Sau đó, tôi giật mình tỉnh giấc.

Thức dậy rồi, lòng tôi âm thầm mừng vui khi nghĩ: Đây nhất định là mình niệm Phật được cảm ứng… ba vị trong mộng há chẳng phải là Tây phương Tam thánh hay sao? Nghĩ vậy tín tâm tôi càng tăng, lại tiếp tục niệm Phật miên mật không ngừng nghỉ, niệm khoảng 5 ngày nữa, thì dưới sự gia trì của năm mươi vạn (500.000) âm thanh Phật hiệu, mắt tôi không thuốc mà lành, mặt cũng hết méo, tất cả bệnh trạng xem như nhờ 50 ngày tu… rục này mà tiêu tan.
Bạn nghĩ từ đó về sau tôi còn có thể làm biếng tu được ư?

Mãi đến hôm nay, tôi đã hơn 60 tuổi, con mắt tôi, tất cả… đều bình thường.

Hồi đó, lúc mới bắt đầu tu thì tôi niệm Phật không ngừng nghĩ. Dù các bạn bên cạnh tôi tu rất nhiều môn, học rất nhiều pháp, nhưng tôi không tham dự cùng họ, từ đó đến nay tôi chỉ biết niệm có mỗi một câu Nam mô A Di Đà Phật.

Tôi cũng không hay đến đạo tràng, song có thể nói là kể từ khi bị một trận bệnh đau đó, lòng tôi đã rất kiên định tin vào một câu: Nam mô A Di Đà Phật, và chỉ cần chí thành trì niệm thì danh hiệu này đã quá đủ với tôi.

Gần đây, khi nghe thiện đạo Đại sư giảng, hiểu rõ chỉ cần niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật, một đời này có thể nương vào Phật lực, quyết định thoát ly luân hồi lục đạo, vãng sinh Tây phương, tu hành đến thành đạo.

Tôi vừa nghe ngài nói cảm thấy rất phù hợp, té ra con đường tôi chọn ban sơ lại rất thích đáng.
Pháp môn niệm Phật tuy giản dị chân thực, nhưng thù thắng, cực kỳ thích hợp cho những hạng như tôi. Nhất là những người quá bận rộn, hầu như không có cả thời gian để nghỉ ngơi, thì còn nói gì đến tu hành? Nhờ pháp môn niệm Phật, không đòi hỏi bất kỳ nghi thức nào, không đòi thời gian hay địa điểm chi, mà chỉ cần niệm chí thiết, miên mật là đủ.

Một đời này tôi có thể gặp pháp môn này, ngay đây đã không có gì hối tiếc, thời gian còn lại, giống như Đại sư Thiện Đạo nói: Đã tự tin thì dạy người cùng tin thôi.
Tịnh bổn nhận xét:

Lần đầu tiếp xúc với cư sĩ Tịnh Lạc, thấy ông quả đúng như cái tên này, là một người vô cùng lạc quan, sống vui. Lúc nào ông cũng mỉm cười hoan hỉ.

Tịnh Lạc nhờ một câu niệm Phật mà được lợi ích, tuy bình thường ông không học nhiều giáo lý hay đến chùa chi, cũng chẳng có xem nhiều kinh sách, song tư tưởng ông tương đối đơn thuần, xưa nay chẳng ưu tư tâm mình có có vọng niệm hay không, có vãng sinh được hay không, cũng chẳng sợ một câu niệm Phật này không đủ công đức… Hễ có thời gian là ông tranh thủ niẹm Phật chí thành tha thiết.

Mặc dù chúng tôi tiếp xúc với ông không nhiều, nhưng cảm nhận ông đối với danh hiệu Phật vô cùng có tín tâm, tôi xin kể hai câu chuyện chia sẻ…

Lần nọ, bà con Tịnh Lạc là anh An bị bệnh phải cưa chi ( cắt chân, tay), sau đó bị di chứng ảo thống.

Nghĩa là người ngoài nhìn vào, thấy anh An vết thương đã lành, nhưng anh ta luôn cảm thấy đau đớn vô cùng. Tịnh Lạc thấy vậy liền khuyên:

Chúng ta hãy cùng niệm Phật thử xem…

Anh An liền niệm Phật cùng tịnh lạc, ngờ đâu niệm chưa đến năm phút, anh An thực sự không còn cảm thấy đau nữa. xem như chứng ảo thống tiêu tan, quả là hay không thể nghĩ lường.
Lần khác, có một anh bạn tên Dũng bị viêm màng não, sau khi trị liệu, Dũng hôn mê gần một tháng, tỉnh dậy rồi thì không thể nói năng. Vợ của Dũng rất lo, sợ chồng mình sẽ bị câm cả đời, khi Tịnh Lạc đến thăm, biết rõ tình hình rồi, thì lập tức hướng dẫn Dũng niệm Phật. Tịnh Lạc niệm một câu, bảo người bạn niệm theo một câu. Cứ thế niệm được bảy câu, thì anh Dũng không niệm nữa. Tịnh Lạc rất có lòng tin, ngay đó bảo vợ anh Dũng:

Đừng lo, chồng chị có thể hả miệng mấp máy niệm Phật, thì tôi bảo đảm nhất định anh sẽ khai khẩu nói được.

Đúng vậy, Dũng tuy mất đi ký ức, nhưng anh vẫn có thể nói, không khác chi người bình thường.

Tôi nghĩ phần đông người ta, cho dù có xem kinh học giáo lý nhiều, song chưa chắc đã có được tín tâm kiên cố thâm sâu đối với câu “Nam mô A Di Đà Phật” như Tịnh Lạc.

Có thể xác nhận như Sư Thiện Đạo nói: “Từ hành lập tín”, thông qua thực hành mà kiến lập lòng tin, đièu này có lúc hay vượt xa người từng xem học nhiều kinh thư mà thiếu hành trì, nên tín tâm không có đủ.