CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÌ CÁCH SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN HẠ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-Nan-đà mới xuất gia được chia cho một chiếc giường rất cũ, mỗi khi động thân giường bèn phát ra tiếng nên Ô-ba-Nan-đà nằm trên giường không dám xoay trở, sợ kêu ra tiếng bèn suy nghĩ: “Nếu ta không xin làm chiếc giuờng mới khác thì ta không gọi là Ô-ba-Nanđà”. Sáng hôm sau Ô-ba-Nan-đà đến gặp vua Thắng-quang, vua thăm hỏi có an không, Ô-ba-Nan-đà nói: “Tuy tôi nằm ngủ nhưng tâm thường lo sợ. Đại vương cũng biết, khi tôi chưa xuất gia nằm ngủ trên giường tám lớp nệm, nay tôi xuất gia vì tuổi hạ nhỏ nên được chia cho chiếc giường rất cũ, mỗi khi động thân liền kêu ra tiếng nên tôi không dám xoay trở, sợ nó hư sập nên rất khổ sở, làm sao ngủ yên được”, vua nói: “Phật có cho nằm trên giường nệm tám lớp không?”, đáp: “Có chỗ nào Phật chế nằm trên giường nệm tám lớp đâu”, vua nói: “Nếu Phật không chế thì tôi cúng dường chiếc giường ấy cho thầy, thầy tùy ý mang đi”, Ô-ba-Nan-đà nói: “Tôi làm sao dám mang vật của vua đi, vua nên cho người mang đến chùa, tôi sẽ nhận”. Vua liền sai tám người, bốn người khiêng giường, bốn người khiêng nệm tám lớp, Ô-ba-Nan-đà vui vẻ đi theo sau. Trên đường đi có Bà-la-môn, người tục thấy khiêng giường nệm liền hỏi là của ai, đáp là của vua cho, lại hỏi: “Vua cho giường này rồi vua ngủ ở đâu?”, đáp: “Vua ngủ trong cung còn giường nệm này cho tôi”, họ nghe rồi liền chê trách: “Sa môn trọc đầu lại chứa dùng ngọa cụ hành dục như vậy”. Ô-ba-Nan-đà về đến trong chùa quét dọn sạch sẽ trong phòng rồi để giường nệm gần cửa, thấy Phật đi đến liền khoe: “Thế tôn, hãy xem giường nệm này”, Phật nhìn giường nệm rồi im lặng, sau đó tập họp Tăng già bảo các Bí-sô: “Nếu người nào nằm ngồi trên giường cao rộng lớn thì các lỗi từ đó sanh ra, từ nay về sau, Bí-sô nào nằm ngồi trên giường cao rộng lớn thì phạm tội Việt pháp”.

Sau đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, A-Nan-đà đến nhà xem xét trước thấy trưởng giả sắp đặt tòa ngồi cao liền bảo dẹp cất, lúc họ đang dẹp cất thì Phật đến, thấy dẹp cất liền hỏi nguyên do, A Nan-đà đáp là tòa ngồi phi pháp, Phật nói: “Ta không chế không được ngồi tòa cao ở các nơi, nếu ở nhà cư sĩ thì khai cho ngồi, nếu ở trong Tỳ ha la ngồi nằm thì phạm tội Việt pháp”.

Lúc đó ở phương Nam có một Bí-sô đi đến thành Thất-la-phiệt để yết kiến Thế tôn, ngoài ba y còn có một tấm phu cụ bằng da. Ô-ba-Nanđà thấy rồi liền đi theo, chờ vị đó nghỉ ngơi rồi liền hỏi xin: “Thầy có thể cho tôi tấm phu cụ bằng da này không, tôi muốn mang theo tùy thân du hành đến các chùa tháp lễ bái”, vị đó hỏi: “Nếu tôi cho thì thầy có thể mang theo tùy thân phải không?”, đáp: “Mấy tấm còn mang được huống chi là một tấm”, vị đó nghe rồi liền nói: “Nếu vậy thì tôi không cho nữa”. Ô-ba-Nan-đà nghe rồi ôm lòng tức giận, suy nghĩ: “Người chăn bò của vua Thắng-quang tên Bà trá trước đây là thân hữu của ta, trong nhà người ấy có da ta nên đến xin”, nghĩ rồi liền đến nhà Bà trá. Lúc đó con bò mẹ vừa sanh được một con bò nghé rất dễ thương, Ô-baNan-đà đến thấy con nghé liền đưa tay vuốt ve, Bà trá nhìn thấy liền hỏi: “Thánh giả cần sữa bò phải không?”, đáp: “Tôi không cần sữa, nếu được da của con nghé này dùng làm phu cụ để lót thân ngồi thì an ổn hành đạo”, Bà trá nói: “Tôi đã hiểu ý, Thánh giả tạm về”. Ô-ba-Nanđà đi chưa bao lâu thì Bà trá sai người giết con nghé, người kia vâng lời ở trước bò mẹ giết nghé lột da để mang đến cho Ô-ba-Nan-đà. Bò mẹ thương con nên chạy theo tấm da, người kia mang tấm da vào trong rừng Thệ-đa, bò mẹ đứng ở ngoài cửa kêu rống lên, Thế tôn nghe biết nhưng cố ý hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật nghe rồi suy nghĩ: “Do dùng da làm phu cụ nên có lỗi này sanh”, nghĩ rồi liền đến trong Tăng bảo các Bí-sô: “Ô-ba-Nan-đà ngu si vô trí, vì muốn dùng da làm phu cụ mà làm việc không phải pháp sa môn, từ nay về sau các Bí-sô không được dùng da làm phu cụ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên khởi ở tạo thành Vương-xá, lúc đó cụ thọ Tất-lân-đà bà ta từ khi xuất gia thường bị bịnh, quyến thuộc đến thăm nghe cụ thọ thuyết pháp rồi về nhà nói với vợ: “Thánh giả Tất-lân-đà-bà-ta thuyết pháp, giọng ngọt như mật vì sao em không đến nghe?”, người vợ nói: “Quả báo của anh thành thục nên gặp Phật ra đời được nghe diệu pháp, nếu Thánh giả đến nhà thuyết pháp thì em sẽ nghe”. Người chồng nghe rồi liền đến bạch với cụ thọ Tất-lân-đà-bà-ta: “Thánh giả, con nghe pháp được lợi ích vô cùng, vợ con là phụ nữ ngại đến đây nghe pháp nhưng lại rất muốn nghe, nếu Thánh giả từ bi đến nhà thuyết pháp thì vợ con mới được nghe”, Tất-lân-đà-bà-ta nói: “Ta từ khi xuất gia đến nay thân thường bị bịnh, không thể đi đến được”, người chồng nói: “Chúng con sẽ mang kiệu đến khiêng thầy đi”, Tất-lân-đà-bà-ta nói: “Thế tôn chưa cho phép”. Người chồng đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật suy nghĩ: “Ta nên vì các Bí-sô già bịnh khai cho được đi kiệu”, nghĩ rồi liền tập họp tăng rồi bảo các Bí-sô: “Từ nay khai cho các Bí-sô được đi kiệu”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô thấy Tất-lân-đà-bà-ta đi kiệu cùng các thị giả đến nhà trưởng giả thuyết pháp, liền làm kiệu bằng vật báu và trang hoàng đẹp đẽ để đi đến nhà thế tục, các Bà-lamôn thấy hỏi tại sao lại đi kiệu, liền đáp là Thế tôn khai cho đi, mọi người nghe rồi liền chê trách: “Sa môn các người bị dục bức bách”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu đã có lỗi này thì các Bísô không nên đi kiệu. Có hai duyên được đi: Một là gầy yếu, hai là già bịnh. Nếu không có hai duyên này mà đi kiệu thì phạm tội Việt pháp”.

Có một Bí-sô du hành trong nhân gian gặp sông không thể tự mang y bát lội qua, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô nên tập học bơi lội”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô ở trong sông bơi qua bơi lại, thấy có một cô gái đứng ở bờ sông chờ thuyền qua sông, liền nói với cô gái: “Chúng tôi bơi đưa cô qua sông”, cô gái thấy là người xuất gia nên tin tưởng, không ngờ Lục chúng đến giữa dòng sông liền xúc chạm chi phần trên thân cô, qua đến bờ kia lại nói với cô gái: “Lượt về chúng tôi cũng sẽ đưa cô qua sông”, cô gái liền mắng chửi: “Kẻ trọc đầu các ngươi trong lòng gian ác, phu chủ của ta cũng không xúc chạm đến ta như thế”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ: “Do xúc chạm thân nữ nên có lỗi này”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “Lục chúng Bí-sô ngu si có nhiều hữu lậu, đã làm điều không phải pháp sa môn, đã làm việc không tùy thuận, bất tịnh là xúc chạm thân phần người nữ. Từ nay trở đi không được chạm thân người nữ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Sau đó có vị chủ thành đưa quyến thuộc dạo chơi nơi thắng cảnh có vườn cây và ao hồ, trong số quyến thuộc có một người nữ mang bình đến sông lấy nước thấy có một Bí-sô đang lượt nước ở gần đó nên đi đến một chỗ khác xa hơn, khi vừa muốn nhấc bình nước lên không may trượt chân ngã xuống sông bị nước cuốn trôi. Bí-sô thấy muốn nhảy xuống cứu nhưng lại sợ chạm thân phần người nữ thì phạm tội Việt pháp, nên bỏ đi không xuống cứu. Lúc đó quyến thuộc của người nữ thấy đi lâu không trở lại, thấy Bí-sô đi đến liền hỏi thăm, Bí-sô nói: “Tôi thấy cô ấy ngã xuống sông bị nước cuốn đi rồi”, quyến thuộc nghe rồi liền hỏi: “Thánh giả thương xót hữu tình nên lượt nước xem trùng, tạo sao thấy người nữ chết đuối lại bỏ đi không xuống cứu?”, Bí-sô nói: “Thế tôn chế không được xúc chạm thân người nữ”, mọi người nghe rồi đều chê trách. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu có người gặp nạn chết thì nên cứu, họ có thể tự cứu bảo buông thì buông”. Lúc đó có Bí-sô vì cứu người, khi ôm giữ liền sanh tâm nhiễm, Phật nói: “Nên quán người nữ mà mình đang cứu như mẹ hoặc như chị em gái”. Lại có người được cứu lên vì uống nước quá nhiều nên không hồi tỉnh được, Phật nói: “Nên đặt họ nằm sấp trên cát”, lúc đó Bí-sô đặt họ nằm sấp trên cát rồi bỏ đi nên họ bị kên kên, chó sói xé ăn, Phật nói: “Không nên bỏ đi, phải coi chừng họ”. Lại có Bí-sô vì coi chừng ở gần một bên liền sanh tâm nhiễm, Phật nói: “Không nên ở gần một bên, tùy lúc nhớ chừng trông coi”. Lại có Bí-sô vì coi chừng nên qua ngọ không ăn được nữa, Phật nói: “Sắp đến giờ ăn nếu thấy có người chăn bò chăn dê thì nên nhờ họ trông coi giùm. Sau giờ ăn cũng nên thường trông coi họ còn sống hay chết”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô tắm giặt bên bờ sông A thị đa, có con bò sữa của một trưởng giả lội qua sông, Lục chúng nắm đuôi bò bơi theo qua sông khiến cho bò bị ngưng sữa. Trưởng giả mắng người chăn bò, người chăn bò kể lại sự việc, trưởng giả liền chê trách, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô không nên nắm đuôi bò bơi theo qua sông, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có nhiều Bí-sô muốn qua sông nhưng không có thuyền để qua, bạch Phật, Phật nói: “Có năm vật có thể nương theo để qua sông, đó là voi, ngựa, bò nghé, bò đực và phao nổi”. Lục chúng nương phao nổi có vẻ hình nam nữ để qua sông, các Bà-la-môn cư sĩ nhìn thấy đều chê trách rằng: “Sa môn trọc đầu bị dục nhiễm bức bách”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Không được dùng phao nổi có vẻ hình nam nữ, nên dùng hai loại phao: Một là màu tối, hai là phao nhỏ”.

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô trên đường đi gặp rắn nên Phật cho các Bí-sô mang guốc gỗ. Sau đó trưởng giả Cấpcô-độc vừa làm xong giảng đường mới, trang hoàng đẹp đẽ rồi thỉnh các Bí-sô đến thuyết pháp và tụng kinh, lúc đó có Bí-sô mang guốc gỗ đi vào đạp lên nền đất mới làm cho hư nền. Trưởng giả sáng hôm sau đến thấy nền đất có dấu guốc đạp lồi lõm liền chê trách, do nhân duyên này nên Phật chế không được mang guốc gỗ, nếu trái lời phạm tội Việt pháp. Lại có Bí-sô an cư cư ba tháng ở nhà cư sĩ, dép da bị hoại, bạch Phật, Phật nói: “Nếu ở nhà thế tục, đi guốc gỗ không phạm”. Lại có một trưởng giả tín tâm cúng dường guốc gỗ cho các Bí-sô nhưng các Bí-sô không nhận, trưởng giả nói: “Khi Phật chưa ra đời, ngoại đạo là phước điền. Nay Phật ra đời, các Bí-sô là phước điền, xin thương xót nhận sự cúng dường này”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Nên nhận, nhận rồi đặt bên cạnh nhà xí để dùng”.

Nhiếp tụng:

Lá tre, cỏ, dây đan,
Hộ khai cho Ức nhĩ,
Từng mang, đoạt dép da,
Mang vớ, để vật lót.

Lúc đó Phật chế các Bí-sô không được mang guốc gỗ, nên dùng lá tre đan dép, các Bí-sô mang dép lá tre lại sanh lỗi, Phật lại chế không được mang dép lá tre, nên dùng cỏ bồ đan dép, lại sanh lỗi, Phật lại chế không được mang dép cỏ bồ, nên dùng dây đan dép, lại sanh lỗi nên Phật chế không được mang dép dây đan. Sau đó các Bí-sô bị phù thủng, hai bắp vế đều đau nhức, do thường đắp nước nên dép da hư hoại, Phật lại chế nên mang dép dây đan.

Lúc đó đồng tử Ức nhĩ do quả báo đời trước thành thục nên thân thể mềm mại, dưới lòng bàn chân có lông vàng dài bốn ngón tay. Lục chúng thấy rồi cùng nhau phê bình: “Đồng tử này xuất gia trong phật giáo có thể làm được việc gì”, đồng tử nghe được lời này trong lòng không vui, đến chỗ A Nan-đà bạch rằng: “Tôn giả, một bề siêng tu cầu hành tam ma địa như thế nào?”, A Nan-đà nói: “Như Phật đã dạy kinh hành là tối thắng”. Đồng tử nghe rồi đến trong rừng vắng quét don một khu đất để kinh hành, do kinh hành nhiều nên lông vàng dài bốn ngón tay dưới lòng bàn chân bị rụng, hai chân sưng nứt, máu chảy dinh đầy chỗ kinh hành. Thường pháp của chư Phật là thường đi đến các nơi xem xét, lúc đó Phật đi đến chỗ Ức nhĩ kinh hành, thấy máu chảy dinh khắp nơi, tuy biết nhưng vẫn hỏi A Nan-đà: “Bí-sô nào đang một bề siêng tu cầu thắng Tam ma địa?”, đáp là Bí-sô Ức nhĩ, Phật nói: “Nay ta khai cho Ức nhĩ được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác. Mang dép da này để an ổn hành đạo”. A Nan-đà liền đến chỗ Ức nhĩ truyền đạt lại lời Phật, Ức nhĩ bạch rằng: “Thế tôn cho phép tất cả Bí-sô hay chỉ khai cho riêng con được mang?”, A Nan-đà nói: “Thế tôn thấy chỗ thầy kinh hành dính máu khắp nơi nên khai riêng cho thầy được mang”, Ức nhĩ bạch: “Nếu Thế tôn chỉ khai riêng cho một mình con được mang thì các vị phạm hạnh khác thấy sẽ nói: Con từ bỏ địa vị gia chủ và các quyến thuộc, cung điện và tài bảo xuất gia nên Phật mới khai riêng cho con mang dép da. Nếu Thế tôn khai cho tất cả Bí-sô Tăng đều được mang thì con cũng y theo lời Phật dạy mà mang; nếu không như thế thì một mình con không dám mang”. A Nan-đà trở lại bạch Phật, Phật nói: “Từ nay ta khai cho các Bí-sô Tăng già đều được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác”. A Nanđà đến trong tăng truyền đạt lại, lúc đó có một Ma-ha-la mang dép da đến chỗ Phật kinh hành, Phật thấy rồi liền bảo: “Đừng mang dép đến trước mặt ta”, sau đó Phật bảo các Bí-sô: “Nếu ta đang ở chỗ người thế tục thì các Bí-sô được phép mang dép da đến gặp ta, nếu ta một mình ở chỗ khác hay ở trong chúng Thanh văn thì không được mang dép da đến gặp ta”. Lúc đó có một Bí-sô muốn rửa chân nhưng bình đựng nước rửa chân bị bể, Bí-sô này liền rửa chân trong chậu nước sạch, sau đó ngậm nước đầy miệng không dám nuốt và đi lắc lư. Lục chúng thấy liền hỏi: “Tại sao múa nhảy mà không ca hát?”, nói rồi liền huýt sáo theo nhịp đi của Bí-sô đó, các Bí-sô thấy liền hỏi: “Tại sao các thầy trạo cử cười đùa như thế?”, Lục chúng nói: “Thầy há không thấy Bí-sô này múa nhảy mà thiếu âm nhác hay sao?”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi nguyên do, Bí-sô này đáp: “Con vì muốn ngọa cụ không bị dơ”, Phật nói: “Nếu vì hộ ngọa cụ thì không có lỗi, nay ta khai cho các Bí-sô vì hộ ngọa cụ được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác”.

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả riêng đối với một Bí-sô khất thực sanh tâm tín kính, khi thấy Bí-sô này vào thành khất thực không mang dép nên chân nứt nẻ liền hỏi: “Thầy không có dép da để mang phải không?”, đáp là không có, trưởng giả liền dẫn Bí-sô đến chỗ làm dép bảo người làm dép rằng: “Hiền thủ, hãy đo theo chân của Bí-sô này, làm cho thầy một đôi dép da một lớp đế”, người làm dép đo cỡ chân xong liền suy nghĩ: “Sa môn Thích tử chỉ trả tiền bằng lời, ta nên hẹn thời gian lâu để không được dép mang, lúc đó ta sẽ đòi tiền dép”. Vì thế nên Bí-sô này nhiều lần đến hỏi dép đều nói là chưa xong, Bí-sô liền không đến hỏi nữa, vẫn không mang dép đi khất thực, trưởng giả thấy liền hỏi tại sao, đáp là chưa được dép, trưởng giả cùng Bí-sô đến chỗ làm dép, người làm dép nói: “Không có dép da một lớp đế, chỉ có loại nhiều lớp, nếu cần thì tùy ý lấy mang”, Bí-sô nói: “Phật chế không được mang dép da nhiều lớp đế”, trưởng giả nói: “Thầy mang về tách ra bớt và giữ lại một lớp đế để mang”. Bí-sô đành phải nhận lấy mang về trú xứ, vừa muốn tách ra thì Thế tôn trông thấy liền hỏi nguyên do, Bí-sô đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Đừng tách ra như thế”, liền suy nghĩ: “Các Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả tín tâm cúng dường dép da nhiều lớp đế, ta cũng nên khai cho các Bí-sô được mang”, nghĩ rồi liền tập họp các Bí-sô bảo rằng: “Nay có trưởng giả cúng dường cho Bí-sô này dép da nhiều lớp đế, Bí-sô này muốn tách ra bớt còn lại một lớp đế. Ta nhân việc này khai cho các Bí-sô, nếu có trưởng giả cúng dường cho các Bí-sô dép da nhiều lớp đế đã từng mang qua thì được nhận lấy để mang”. Ưu-ba-ly bạch Phật: “Như Phật đã dạy là khai cho các Bí-sô được thọ dép da nhiều lớp đế mà cư sĩ đã mang qua, không biết như thế nào gọi là đã từng mang qua?”, Phật nói: “Nếu cư sĩ mang dép da ấy đi chừng bảy, tám bước đều gọi là đã từng mang qua”.

Duyên khởi ở thành Quảng-nghiêm, lúc đó trong thành có bán nhiều loại dép da, có loại dép da khi mang vào bước đi liền kêu ra tiếng, lại có nhiều loại dép nhiều màu sắc, nhiều hình vẽ rất đẹp, giá bán là năm tiền vàng. Lục chúng Bí-sô thấy mọi người mang các loại dép ấy liền vứt bỏ dép da của mình, dùng chân đẹp lến dép của họ làm cho họ té ngã để đoạt lấy dép rồi nói: “Nhờ bố thí dép da này, nguyên cho các vị ở đời vị lai thường được mang dép báu, hưởng diệu lạc ở cõi trời”, các Bà-la-môn cư sĩ đều hiềm trách và chê cười, từ đó khắp nơi lan truyền Sa môn Thích tử đoạt dép của người. Lúc đó có một Bà-lamôn vừa mua một đôi dép da đẹp khi đưa cho con rể nói rằng: “Con hãy giữ kỹ đôi dép đẹp này, chớ để cho Sa môn Thích tử đoạt lấy”, người con rể ghi nhớ lời dạn bảo này nên sáng hôm sau khi mang dép này ra đường, thấy một Bí-sô khất thực theo thứ lớp từng nhà, người con rể liền lo lắng trong lòng nên bước tránh vào một nhà khác, không ngờ Bí-sô khất thực đến trước nhà đó, người con rể liền bước ra khỏi nhà muốn đến một nhà khác và nói rằng: “Thánh giả đừng theo sau tôi, tôi không cho dép đâu”, Bí-sô khất thực nói: “Hiền thủ, tôi đi khất thực, không phải theo lấy dép của người”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ: “Do mang dép da có màu sắc và hình vẽ nên có lỗi này sanh”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “Lục chúng thấy người khác mang dép da đẹp nên theo cưỡng đoạt khiến các Bà-la-môn cư sĩ hiềm trách chê cười, từ nay các Bí-sô không được mang dép da có màu sắc và hình vẽ, nếu mang thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật khai cho mang giày da, các Bí-sô vì mang giày da bị ma sát nên chân bị trầy, các Bà-la-môn cư sĩ thấy liền hỏi nguyên do rồi nói: “Vì sao không mang thêm vớ”, đáp là Phật chưa khai cho mang. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nay khai cho các Bí-sô mang giày da và vớ”.

Duyên khởi ở thành Vương-xá, lúc đó các Bí-sô lên núi Linhthứu, có Bí-sô bị mụt nhọt nơi ngón chân… Phật khai cho mang giày da nhiều lớp đế. Sau đó các Bí-sô xuống núi bị thương ở chân… Phật lại khai cho để hai miếng lót hai bên ở bên trong giày da.

Nhiếp tụng:

Giày cỏ, giày vải và ủng,
Tuyết lạnh được mang giày ống,
Thợ săn cúng thí da gấu,
May giày được chứa dùi dao.

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó trời mưa dầm mà các Bí-sô lại mang giày cỏ xanh đi khất thực nên dưới chân mọc những hạt nhỏ như hạt cải, các Bà-la-môn cư sĩ hỏi nguyên do rồi nói: “Tại sao không mang giày vải?”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do việc này bảo các Bí-sô: “Từ nay khai cho các Bí-sô được mang giày vải”. Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt, ven đường đi có cỏ mọc cao tốt, các Bí-sô khi đi chân đạp lên cỏ này bị thương… Phật lại khai cho các Bí-sô được mang Ủng. Lúc đó Thái-tử Ác sanh vì ngu si mê hoặc nên giết hại Thích chủng ở thành Kiếp-tỷ-la, có người chạy thoát về hướng Tây, có người chạy thoát vào nước Nê-bà-la. Những người chạy thoát vào nước này đều là quyến thuộc của tôn giả A Nan-đà, gặp các thương nhơn mang hàng hóa từ thành Thất-la-phiệt đến nước Nê-bà-la liền nói: “Chúng tôi đang nguy khốn ở nơi đây, lẽ nào Thánh giả A Nan-đà lại không đến thăm chúng tôi”. Sau đó các thương nhơn khi trở về thành Thất-la-phiệt liền đem việc này nói cho A Nan-đà biết, A Nan-đà nghe rồi trong lòng rất đau buồn vội đi đến nước Nê bà la. Lúc đó ở nước này tuyết rơi lạnh buốt khiến cho tay chân của A Nan-đà đều bị nứt nẻ, khi trở về lại thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô thấy liền hỏi nguyên do rồi hỏi: “Nếu trời giá lạnh như vậy quyến thuộc của thầy ở đó như thế nào?”, đáp: “Họ có mang bao tay và giày ống”, lại hỏi: “Tại sao thầy không mang?”, đáp: “Thế tôn chưa khai cho mang”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu ở nơi có tuyết lạnh thì khai cho mang bao tay và giày ống”. Ưu-ba-ly bạch Phật: “Như Phật đã dạy ở nơi có tuyết lạnh khai cho mang bao tay và giày ống, không biết như thế nào gọi là tuyết lạnh?”, Phật nói: “Nếu nước đựng trong chén đông lại thì gọi là xứ có tuyết lạnh”.

Lại có một thợ săn gặp Bí-sô sanh tâm tín kính nên đem tấm da gấu cúng cho Bí-sô, Bí-sô không nhận nên người thợ săn này đi theo sau Bí-sô, Phật thấy rồi liền hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà hỏi Bí-sô nguyên do rồi bạch Phật, Phật nói: “Hiếm khi có thợ săn khởi tâm tín kính, vì dù có giáo hóa ngàn cách họ cũng không chịu bỏ nghiệp sát sanh này. Nay khai cho các Bí-sô nhận da gấu, nhận rồi nên để ở gần cửa của phật đường hoặc dưới chân tòa ngồi, vì da gấu có thể làm cho mắt sáng và trị được bịnh trĩ”.

Lại có một Bí-sô đế dép bị rách nên mang tới chỗ làm dép để vá lại, trải qua khá lâu mà họ không đưa lại, các Bí-sô nói: “Sao thầy không tự vá?”, đáp: “Tôi tuy biết vá đế giày nhưng Thế tôn chưa khai cho tự làm”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu người nào biết vá đế thì nên đến chỗ khuất tự vá”, các Bí-sô trở lại nói cho Bí-sô kia biết, Bí-sô kia nghe rồi liền nói: “Muốn vá đế giày dép cần phải có dùi, dao nhỏ, miếng da…”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói được chứa dùi, dao nhỏ, miếng da… để vá đế giày dép không phạm.

 

Pages: 1 2