Bản Đồ An Lập Pháp Giới
(Pháp Giới An Lập Đồ)
Việt dịch: Hòa thượng THÍCH CHÂN THƯỜNG
Hiệu chỉnh: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

QUYỂN HẠ – phần trên

Yên Sơn Sa-môn Nhân Triều tập

V) DU CHƯ PHẬT SÁT

  1. Thích Tổng đề
  2. Thập phương Cõi Phật Đồ thuyết,
  3. Đông Phương Tịnh độ,
  4. Tây Phương Tịnh độ đồ,
  5. Thất Bảo Nghiêm Địa,
  6. Thất Bảo Cung Vũ,
  7. Liên Hoa Dục Trì,
  8. Hàng Thụ Nhạc Âm,
  9. Bảo Võng Thư Quang,
  10. Đỉnh Quang Viễn Chiếu,
  11. Hóa Cầm Diễn Pháp,
  12. Thọ Mạng Trường Viễn,
  13. Vãng Sanh Chính Nhân,
  14. Nghi Thành Thị Trích,
  15. Tịnh độ Chánh Báo Tổng Thuyết,
  16. Nhất Phù Tràng Cõi Phật đồ,
  17. Thập Phù Tràng Cõi Phật đồ,
  18. Hoa Tạng Nghiệp Nhân Thuyết,
  19. Thích Hoa Tạng Danh.

THÍCH TỔNG ĐỀ (Giải thích đề mục chung)

Du chư Phật sát (dạo chơi các cõi Phật). Ý nói thâm tâm tín giải về các cõi Phật, tức là thần trí quán khắp. Vì biết có người trời mà chẳng biết có Phật, đó là phàm tục. Tin Phật là bậc Đại Thánh xuất thế, đó là đạo khí. Song tin một Phật, phước ấy vẫn tốt, nhưng kiến lượng còn hẹp. Tin nhiều Phật thì phước lượng mới vô biên, trí lượng mới càng thêm rộng.

Đại thiên thế giới là một cõi Phật; ngoài cõi Sa-bà như thế này ra, trong cõi thái hư không lại còn có mười phương đại thiên các cõi chư Phật. Làm sao mà biết như vậy ? Vì theo kinh Hoa Nghiêm thì ở về phía Đông thế giới Sa-bà này, có thế giới gọi là Mật Huấn, ở phía Nam thì có thế giới gọi là Phong Dật, ở phía Tây có thế giới gọi là Ly Cấu, ở phía Bắc có thế giới gọi là Phong Lạc, ở phía Đông Bắc thì có thế giới gọi là Nhiếp Thủ, ở phía Đông Nam thì có thế giới gọi là Nhiêu Ích, ở phía Tây Nam thì có thế giới gọi là Tiên Thiểu, ở phía Tây Bắc thì có thế giới gọi là Hoan Hỉ, ở phía dưới thì có thế giới gọi là Quan Thược, ở phía trên thì có thế giới gọi là Chấn Âm. Mười phương thế giới này, Như Lai đều có trăm ức vạn danh hiệu khiến các chúng sanh thấy biết đều khác.

Cho đến mười phương vô số thế giới cũng lại như vậy (một cõi tứ thiên hạ Phật có “mười” Mười danh hiệu; đại thiên có trăm ức cõi tứ thiên hạ, nên có trăm ức vạn danh hiệu, mười phương đại thiên cũng như vậy).

ĐÔNG PHƯƠNG TỊNH ĐỘ

Kinh Thất Phật Công Đức nói rằng : ở phương Đông cách đây 4 căng-già hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, đức Phật hiệu là Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai, cũng là cõi Bảo Nghiêm do Liên Hoa hóa sanh; rồi lại đi qua về phía Đông cách đây 5 căng-già hà sa cõi Phật có thế giới gọi là Diệu Bảo. Đức Phật cõi đó hiệu là Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai. Rồi lại đi qua về phía Đông cách đây 6 căng-già hà sa cõi Phật có thế giới gọi là Viên Mãn Hương Tích, đức Phật hiệu là Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Vương Như Lai.

Thứ nữa đi qua về phía Đông cách đây 7 căng-già hà sa cõi Phật có thế giới gọi là Vô Ưu, đức Phật cõi đó hiệu là Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai;

Thứ nữa lại đi về phía Đông cách đây 8 căng-già hà sa cõi Phật có thế giới gọi là Pháp Tràng, đức Phật cõi đó hiệu là Pháp Hải Vân Lôi Vương Như Lai.

Thứ nữa đi về phía Đông cách đây 9 căng-già hà sa cõi Phật có thế giới gọi là Thiện Trụ Bảo Hải, đức Phật đó hiệu là Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hí Thần Thông Vương Như Lai.

Ở phương Đông cách đây 10 căng-già hà sa cõi Phật, có thế giới gọi là

Tịnh Lưu Ly, đức Phật cõi đó hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.

Các thế giới chư Phật như vậy, đều như thế giới Tây phương Cực lạc, công đức trang nghiêm bằng nhau không sai khác.

(Căng-già hoặc Hằng hà, sông này rộng 40 dặm, cát nhỏ như bột mì; cứ một hạt cát thì tính một cõi Phật, tính hết số cát của cả một con sông Hằng, đó gọi là một hằng hà sa cõi Phật).

Thế nào gọi là Tịnh độ ? Thế giới trong sạch thì coi là Tịnh, nơi ở của mình được thanh tịnh thì gọi là Độ.

Nhiếp Luận nói rằng : cõi cư trú không có ngũ trược, giống như pha lê, thì gọi là Thanh Tịnh độ (cõi thanh tịnh).

Luận Đối Pháp nói : chỗ ở của chúng sanh không có phiền não thì gọi là Tịnh độ.

Mười phương quốc độ dù có thanh tịnh, duy chỉ có thế giới Tây phương Cực lạc là thù thắng nhất.

Nên kinh A Di Đà nói : từ đây đi về phía Tây qua 10 vạn ức cõi Phật (Đại Bản nói là 100 vạn) có thế giới gọi là Cực lạc.

Cõi này vì cớ gì mà gọi là Cực lạc ? Vì chúng sanh ở cõi nước đó không còn có mọi sự khổ, chỉ hưởng thụ những sự an vui, cho nên gọi là Cực lạc. (Đại Bản nói : có âm tự nhiên thanh tịnh, có sự khoái lạc tự nhiên).

THẤT BẢO NGHIÊM ĐỊA

(Bảy thứ báu trang trí trên mặt đất)

Kinh Đại A Di Đà nói : trong cõi Phật A Di Đà đều tự nhiên mà có bảy thứ báu, nghĩa là : vàng ròng, bạc trắng, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xà cừ v.v… thể tánh của bảy báu đó ôn nhu, dùng các thứ báu đó xen kẽ với nhau mà thành đất, màu sáng rực rỡ, kỳ diệu thanh tịnh.

(Quán Kinh nói : trên đất lưu ly dùng dây vàng xen lẫn, ngăn chia ranh giới của bảy thứ báu đó thật đều đặn rõ ràng, khiến tỏa ra đủ mọi vẻ sáng óng ánh, vẻ sáng đó hoặc như hoa, hoặc như ánh trăng sao). (Mặt đất đó) bao la bằng phẳng, không có các núi Tu-di, Thiết vi, các bể cả cùng hầm hố giếng hang, cũng không có địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chỉ có suối chảy tự nhiên, cũng không có nóng lạnh (Tiểu Bản nói : không có ba đường ác).

THẤT BẢO CUNG VŨ

(Cung điện, nhà cửa bằng bảy thứ báu)

Giảng đường, tinh xá của cõi Phật kia đều do bảy thứ báu hợp thành; lại có lầu quán, lan can báu (Tiểu Bản nói : có bảy lớp lan can) trang sức bằng các chuỗi hạt châu ngọc báu, thù đặc, kỳ diệu, đẹp đẽ, thanh tịnh rực rỡ.

Cung điện, nhà ở của Bồ-tát, Thanh văn cũng thế.

Cung điện, lầu gác của chư Thiên, của người thế tục tùy theo hình dáng cao thấp, lớn nhỏ, hoặc làm bằng một thứ báu, hai thứ báu, hoặc nhiều thứ báu, hoặc ở dưới mặt đất, hoặc treo trong không trung, tùy theo phước đức dày hay mỏng, ai nấy đều được thụ dụng.

(Quán Kinh nói : các cõi nước báu, trên mỗi một cõi đều có 500 ức lằn báu; Tiểu Bản nói : có lầu gác trang sức bằng bốn thứ báu).

LIÊN HOA DỤC TRÌ

(Ao tắm hoa sen)

Có các hồ ao, hoặc vàng ròng làm thành ao, hoặc bạc trắng làm thành ao, hoặc thủy tinh, lưu ly làm thành ao, hoặc san hô, hổ phách làm thành ao, cho đến bảy thứ báu làm thành ao, lớp cát dưới đáy cũng như thế. Các hồ ao báu đó, có cái vuông 40 dặm hoặc năm sáu mươi dặm, cho đến vuông hai vạn bốn trăm tám mươi dặm, giống như bể cả.

Nếu là ao tắm của Phật thì diện tích còn gấp nhiều lần số đó.

Các ao đó đều do các thứ báu hợp thành, nước tám công đức trong vắt đầy tràn thanh tịnh, thơm tho vị ngọt như nước cam lồ, có hàng trăm thứ hoa lạ, hương thơm ngào ngạt.

Trong mỗi một ao bảy báu đều có 60 ức hoa Thất Bảo, mỗi hoa sen đó đều to bằng 12 do-tuần, mỗi một hoa báu đều có 100.000 vạn cánh.

Hoa đó ánh sáng vô lượng, đủ mọi màu sắc; hoa màu xanh thì tỏa ánh sáng xanh, màu trắng thì ánh sáng trắng, các màu tím, vàng, đỏ, tía thì ánh sáng cũng thế, rực rỡ hoán lạn, sánh cùng ánh mặt trời, mặt trăng. Hóa Phật tỏa ánh hào quang thuyết pháp thanh tịnh.

HÀNG THỤ NHẠC ÂM

(Cây thành hàng, tiếng âm nhạc)

Trên các bờ ao báu, có vô số cây chiên đàn thơm, cây quả cát tường, hoa quả thường thơm ngát, mùi hương tỏa khắp.

Lại có bảy loại cây báu : hoặc bằng một chất báu, hai chất báu cho đến bảy chất báu hợp làm một cây, gốc, đọt, cành, lá mỗi thứ bằng một chất báu. Các cây như vậy đều trồng thành từng hàng, các đọt đều vọng nhau, hàng lối như vậy có đến mấy trăm ngàn lớp (Tiểu Bản nói : có bảy lớp). Khắp thế giới gió hiu hiu thổi, phát ra tiếng nhạc mầu nhiệm đều diễn nói diệu pháp.

BẢO VÕNG THƯ QUANG

(Lưới báu tỏa sáng)

Lại có vô lượng lưới báu che kín cõi đó, đều dùng vàng bạc, châu báu, trăm ngàn tạp bảo kỳ diệu, quý lạ mà trang sức tô điểm, rủ xuống khắp chung quanh, màu sắc chói lọi rực rỡ.

Gió nhẹ thổi vào lưới báu phát ra âm thanh diệu pháp, hoặc thổi vào diệu hoa rải khắp mọi nơi.

ĐẢNH QUANG VIỄN CHIẾU

Tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới vãng sanh tới nước đó đều hóa sanh từ hoa sen trong ao báu, tự nhiên khôn lớn, không cần nuôi bằng sữa mà ăn thức ăn tự nhiên, thân đều màu vàng ròng, dung mạo đoan chính, thế gian không thể sánh được, chỉ có khác nhau ở chỗ hào quang, có người thì lớn, có người thì nhỏ. Ánh quang minh trên đảnh Phật thì chiếu sáng 1.000 vạn thế giới.

(Tiểu Bản nói : quang minh vô lượng chiếu mười phương cõi nước).

Đảnh quang của Bồ-tát chiếu 1.000 ức vạn dặm, còn hàng Thanh văn thì Đảnh quang chiếu được 7 trượng.

HỎA CẦM DIỄN PHÁP

Có các loài chim Hạc trắng, Khổng tước (tức chim công), Anh vũ (tức chim vẹt), chim Xá-lợi, chim Ca-lăng-tần-già, chim Cộng-mạng cùng diễn nói pháp âm, đó đều là do thần lực của đức Phật biến hóa ra.

(Tiểu Bản nói : các loài chim này đều là do Phật A Di Đà muốn khiến cho pháp âm được tuyên lưu khắp nơi, nên biến hóa ra).

THỌ MẠNG TRƯỜNG VIỄN

Thọ mạng của Phật và nhân dân ở cõi đó sống lâu vô lượng, vô biên atăng-kỳ kiếp, nên gọi là A Di Đà (a-tăng-kỳ : ở đây gọi là vô-ương số, chính là tên gọi của đại kiếp).

Kinh Hoa Nghiêm nói : một kiếp ở thế giới Sa-bà chỉ bằng một ngày một đêm ở thế giới Cực lạc.

VÃNG SANH CHÁNH NHÂN

Chí tâm muốn vãng sanh về Cực lạc có ba bậc :

1. Bậc thượng phẩm thì bỏ nhà, bỏ dục mà làm Sa-môn, tâm không tham mến, trì giữ kinh giới, tu hạnh nghiệp Bồ-tát sáu Ba-la-mật, chuyên niệm đức Phật kia, tu các công đức. Những người này trong mộng thấy Phật, Bồ-tát, mạng chung được Phật và Thánh chúng đều đến rước đi tới ao báu ở cõi kia mà hóa sanh, được làm Bồ-tát.

2. Bậc trung phẩm thì dẫu chẳng làm Sa-môn, tu công đức lớn, nhưng thường tín thụ lời Phật dạy, phát tâm Bồ-đề vô thượng sâu xa, chuyên niệm đức Phật kia, tùy sức mà tu thiện, vâng giữ trai giới, xây tháp, tạo tượng, cúng cơm Sa-môn, treo phướn, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, dùng công đức đó mà hồi hướng, nguyện sanh về nước kia, thì tới lúc mạng chung sẽ được hóa Phật tiếp dẫn vãng sanh về chốn kia, công đức thấp hơn bậc trước.

3. Bậc hạ phẩm chẳng thể làm các công đức, phát đại đạo tâm, nhưng một mực chuyên niệm, mỗi ngày niệm Phật 10 hơi, tới lúc lâm chunng, mộng thấy đức Phật, cũng được vãng sanh, công đức bậc này thấp hơn bậc trung.

Lại còn có ba bậc :

+ Là trai giới, thanh tịnh, nhất tâm niệm Phật, suốt 10 ngày đêm không ngừng, tới lúc mạng chung hẳn được vãng sanh.

+ Lại có người nếu như chẳng thể niệm suốt 10 ngày đêm thì nên dứt mọi lo nghĩ, chớ gần đàn bà, giữ cho thân tâm đoan chính, dứt trừ ái dục, trai giới thanh tịnh, nhớ niệm danh Phật một ngày chẳng dứt thì cũng được vãng sanh.

+ Dù là đàn ông hay là đàn bà, nếu phát tâm Bồ-đề, giữ các giới cấm, làm mọi duyên lành, nhiêu ích cho chúng sanh, nhớ nghĩ niệm Phật cùng cõi Phật kia thì tới lúc mạng chung sẽ được Phật rước, hóa sanh Tịnh độ.

(Còn nói : muốn vãng sanh tới cõi Phật thì ắt phải tu thập thiện, Tiểu Bản nói : nếu một ngày, hai ngày cho tới bảy ngày nhất tâm chẳng loạn thì được vãng sanh).

NGHI THÀNH THỊ TRÍCH

(Thành nghi để tỏ ý trách phạt)

Nếu người nào tu công đức, nguyện sanh về cõi Phật kia, sau lại có ý hối, nghi hoặc, chẳng tin cõi Phật kia, tới khi vãng sanh vẫn còn tiếp tục có tâm niệm nửa tin nửa ngờ, ý chí do dự, rồi lại hối lỗi niệm Phật thì cũng được sanh về cõi kia, nhưng sanh ở trong thành bảy báu biên địa, cũng từ hoa sen hóa sanh, áo cơm tự nhiên thụ nhiên khoái lạc, duy chỉ ở trong thành trải 500 năm chẳng được thấy Phật pháp và Bồ-tát, lấy đó làm khổ để tỏ sự trách phạt nhẹ.

Cho nên người niệm Phật cần phải thật tin, phát nguyện vãng sanh, chớ nên nghi hoặc để đến nỗi bị trách phạt như vậy.

CHÁNH BÁO TỔNG THUYẾT

Liên Tông Bảo Giám nói : nhân tu bạch nghiệp, quả cảm Tịnh phương, được hóa Phật dẫn lên đài vàng, Hiền thánh rước về nơi Lạc quốc, cao vượt ba cõi, ra xa bốn giòng, nghiệp hết, trần tiêu, quên tình, dứt nghĩ, chất thác trong bọc hoa sen, thần chơi trong cõi Bảo giới; tạn mặt hầu đức A Di Đà là bổn sư, được thấy Quán Âm – Thế Chí là thân hữu, thanh tịnh hải chúng đại hội ở Bảo trì, chín phẩm thắng lưu đều diễn thuyết bản hạnh, năm hương phẩy cho cơ thể, ba đức trang sức bản thân, vừa mới tạm quạt làn gió nhẹ đã nghe thấy các tiếng diễn pháp, mưa hoa rơi phất phới, mắt thấy tia lưới tỏa hào quang, thần túc nổi lên gần đám vân hà thăm thẳm, áo vải nhẹ nhàng hứng đựng đầy hoa kỳ diệu.

Sớm yết đấng Từ nhan, được Pháp ấn mà về nước, tới chơi nơi Cõi vàng, nghe Kệ ngọc để tiêu dao; sen lành mới nở, xua hết tai ương còn sót, cho kẻ mới học hóa sanh, hạnh thành chẳng lui, há phải chỉ là quên đi những nỗi khổ lớn gần kề, mà có khi quả Phật cũng chẳng còn xa nữa.

Vui chơi ở chốn rừng Quỳnh

Tắm gội bằng giòng Đức thủy

Trăm báu lâu đài hoa lệ

Bảy trùng hàng thụ xum xuê

Cảnh tựa mùa xuân bất tận

Đất phẳng như lòng bàn tay

Cơm áo nghĩ là tự đến

Nhạc trời chẳng trổi tự vang

Thụ dụng xuất hiện tự nhiên

Khoái lạc chẳng như nhân thế

Vạn ức chư Thiên nào sánh

Hằng sa Phật thảy ngợi khen

Thân đủ quang minh diệu tướng

Chân bước thềm hương đạo Thánh

Thọ lượng cùng tột khôn lường

Bi nguyện độ sanh vô tận.

Bỏ hai trùng lớp sanh tử, chẳng còn là thân quả báo, được thường quang của bản tế, lìa tướng khứ lai. Duyên cường đức thắng đều do niệm Phật tâm sanh; Phước đủ thọ trường thảy là Tịnh nhân cảm báo. Cho nên biết rằng : Phật có bổn nguyện thu nhiếp chúng sanh mà chúng sanh cũng có nhân duyên cảm ứng được Phật quả.

Duyên tốt ấy phát sanh từ tín nguyện

Diệu quả kia thành tựu được chánh, y

Thiền quán, tụng kinh, bên ao bảy báu

Hoặc là qua lại, trên đất vàng ròng

No lòng hương vị thiền duyệt, pháp hỉ

Khoác mặc áo trời hỉ xả, từ bi

Công đức giúp thần, tăng thêm bi trí

Ung dung tu đạo, trưởng dưỡng Thánh thai

Vào cửa Vô sanh, lên Bồ-tát địa

Được A Bạt Trí, chẳng thoái Bồ-đề

Ở nhà Pháp vương, Như Lai thọ ký

Nghe pháp Đại thừa, Bổ xứ tôn danh

Niệm niệm hư huyền, tâm tâm tịnh lự

Tam-muội Chánh Định, đủ sáu thần thông

Hiến cúng mười phương, lại qua vô ngại

Thân chia ức cõi, chẳng mất định tâm

Rưới nước pháp vũ khắp cõi tam thiên

Đưa đón chúng sanh ra khỏi nhà lửa

Tự tha đều lợi, hạnh nguyện chu viên

Trăm ngàn Tam-muội đều chỉ do tâm

Công đức trang nghiêm thuộc về mình cả.

Nay cõi thế giới Cực lạc này, cứ lấy cõi Sa-bà mà xét thì cách xa 10 vạn ức cõi Phật ở phương Tây. Nếu lấy thế giới chung mà xem thì thế giới Cực lạc vẫn ở trong lớp thứ 13.

Cách cõi Sa-bà ở khoảng giữa chẳng xa, vì từ cõi Sa-bà đi về phía Tây có vi trần số thế giới cõi Phật, mới tới 13 lớp ranh giới ở phía cực Tây của cõi Cực lạc, nay là chốn vãng sanh của người niệm Phật, thật sự có cõi Tịnh độ bằng bảy thứ báu, nếu cứ chấp trước cho rằng không có cõi Tịnh độ thì đó chỉ là thuyết tà kiến.

Kinh Hoa Nghiêm nói : có mười Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số Hương thủy hải như lưới của Thiên đế phân bố mà trụ ở trong Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải.

Hương thủy hải ở chính giữa gọi là Vô Biên Diệu Hoa Quang, lấy hiệu Nhất Thiết Bồ-tát hình Ma Ni Vương Tràng làm đáy, trong đó nở ra một hoa sen lớn gọi là Nhất Thiết Hương Ma Ni Vương Trang Nghiêm, có các cõi nước trụ ở trên đó gọi là Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh, lấy mọi thứ trang nghiêm làm thể, có 10 Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số thế giới phân bố ở trong, dưới cùng có thế giới gọi là Tối Thắng Quang Biến Chiếu, có Phật hiệu là Tịnh Nhãn Ly Cấu Đăng :

1. Một cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Chủng Hương Liên Hoa Diệu Trang Nghiêm, có Phật hiệu là Sư Tử Quang Thắng Chiếu.

2. Hai cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó qua một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Nhất Thiết Bảo Trang Nghiêm Phổ Chiếu Quang, Phật hiệu là Tịnh Quang Trí Thắng Tràng.

3. Ba cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh, trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Chủng Chủng Quang Minh Hoa Trang Nghiêm, Phật hiệu là Kim Cương Quang Minh Vô Lượng Tinh Tiến Lực.

4. Bốn cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh, trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Phổ Phóng Diệu Hoa Quang, có Phật hiệu là Hương Quang Hỉ Lực Hải.

5. Năm cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Tịnh Quang Minh, có Phật hiệu là Phổ Quang Tự Tại Tràng.

6. Sáu cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Chúng Hoa Diệm Trang Nghiêm, có Phật hiệu là Hoan Hỉ Hải Công Đức Danh Xưng Tự Tại Quang.

7. Bảy cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh, trên đó qua một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Xuất Sanh Uy Lực Địa, có Phật hiệu là Quảng Đại Danh Xưng Trí Hải Tràng.

8. Tám cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó qua một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Xuất Diệu Âm Thanh, có Phật hiệu là Thanh Tịnh Nguyệt Quang Minh Tướng Vô Năng Tồi Phục.

9. Chín cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh, trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Kim Cương Tràng, có Phật hiệu là Nhất Thiết Pháp Hải Tối Thắng Vương.

10. Mười cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giớ tên là Hằng Xuất Hiện Đế Thanh Bảo Quang Minh, có Phật hiệu là Vô Lượng Công Đức Pháp.

11. Mười một cõi Phật vị trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó qua một cõi Phật số thế giới có thế giới tên là Quang Minh Chiếu Diệu, có Phật hiệu là Siêu Thích Phạm.

12. Mười hai cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Sa-bà, Phật đó tức là đức Tì Lô Giá Na.

13. Mười ba cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; (thế giới Cực lạc ở trong cõi Phật vây quanh nói trên). Trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Tịch Tĩnh Ly Trần Quang, có Phật hiệu là Biến Pháp Giới Thắng Âm.

14. Mười bốn cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Chúng Diệu Quang Minh Đăng, có Phật hiệu là Bất Khả Tồi Phục Lực Phổ Chiếu Tràng.

15. Mười lăm cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Thanh Tịnh Quang Biến Chiếu, có Phật hiệu là Thanh Tịnh Nhật Công Đức Nhãn.

16. Mười sáu cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó qua một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Biến Chiếu Thập Phương, có Phật hiệu là Vô Ngại Trí Quang Minh.

17. Mười bảy cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Ly Trần, có Phật hiệu là Vô Lượng Phương Tiện Tối Thắng Tràng.

18. Mười tám cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Thanh Tịnh Quang Phổ Chiếu, có Phật hiệu là Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quang.

19. Mười chín cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Diệu Bảo Diệm, có Phật hiệu là Phước Đức Tướng Quang Minh.

20 Hai mươi cõi Phật vi trần số thế giới vây khắp vòng quanh; trên đó cách một cõi Phật vi trần số thế giới có thế giới tên là Vô Biên Diệu Hoa Quang, có Phật hiệu là Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh.

Các cõi nước đó có những Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số thế giới rộng lớn như vậy, mỗi thế giới đều có hình trạng, thể tính, phương diện, chỗ y trụ, hướng đi tới, vẻ trang nghiêm riêng, ranh giới riêng, hàng lối riêng, mỗi thế giới đều có những nét không khác biệt, đều có lực gia trì trang nghiêm vây khắp vòng quanh.

Đó là :

  1. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình xoay vòng,
  2. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình sông lạch,
  3. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình nước xoáy,
  4. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình luân võng,
  5. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình đàn thiện,
  6. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình rừng cây,
  7. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình lầu quán,
  8. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình giới tràng,
  9. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình phổ phương,
  10. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình thai tạng,
  11. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình hoa sen,
  12. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình Khư-lặc-ca,
  13. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình chúng sanh,
  14. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình Phật tướng,
  15. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình viên quang,
  16. Mười cõi Phật vi trần số thế giới bằng hình mây,
  17. Mười cõi Phật vi trần số thế giới như hình lưới,
  18. Mười cõi Phật vi trần số thế giới hình cửa cổng.

Có những cõi Phật vi trần số thế giới nhiều không sao kể xiết như vậy, mỗi một thế giới đó lại có mười cõi Phật vi trần số thế giới rộng lớn làm quyến thuộc.

Tất cả các thế giới đã được thuyết minh như vậy đều trong biển Vô Biên Diệu Hoa Quang Hương thủy và trong sông Hương thủy vây quanh biển này.

Thanh Lương Sớ nói rằng : cứ theo như các điều chẳng nêu ra và phần kết luận thì đều là Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số.

Trong phần phân tích riêng, chỉ liệt kê ra 19 cõi Phật vi trần số làm thành 20 lớp; còn các cái có thể bao bọc xung quanh, chỉ có 210 Sát-trần số. (Phần Sớ Giải nói rõ : nêu tổng quát thì nhiều, liệt kê riêng thì ít. Bổ chú :

trong kinh chỉ lấy 20 thế giới làm chủ cùng quyến thuộc thành 20 trùng lớp, là nêu các cõi ở trung gian lại không có quyến thuộc. Như vậy thì trên dưới của tám phương tầng tầng rỗng hổng làm sao mà thành an lập được ! Đủ biết chẳng phải như thế, cho nên kinh văn kết luận nói : có những cõi Phật vi trần số như vậy, thì thấy tám phương trùng lớp trùng lớp, phân bố đầy dẫy đều nhau không khác, bố cáo thế giới đã đủ cả.

Vả lại như trong các cõi nước, thế giới thứ nhất có một Sát-trần quyến thuộc, thế giới thứ hai cũng phải có một Sát-trần quyến thuộc, thế giới thứ ba, thứ tư cho đến dưới trùng lớp thứ hai, trải qua cõi Phật trần số cõi chủ đều có Sát-trần số cõi bạn vây quanh, tức là có rất nhiều Sát-trần số lần lượt đến 20 trùng lớp đều có vô số trùng lớp, số thế giới ấy nhiều hơn số mà kinh văn nêu ra rất nhiều.

Kinh văn chỉ nói là : mười Bất khả thuyết Sát-trần số, chưa tới hằng sa Sát-trần, nên rất ít, vì dưới trùng lớp thứ hai còn có Cõi Phật vi trần số các Cõi Phật vi trần số thế giới, cho nên trên trùng lớp thứ hai lại gấp bội, trên trùng lớp thứ ba lại gấp bội hơn).

Phía Đông biển Hương thủy Vô Biên Diệu Hoa Quang này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Ly Cấu Diệm Tạng mọc ra hoa sen lớn nhất gọi là Nhất Thiết Hương Ma Ni Vương Diệu Trang Nghiêm, các cõi nước gọi là Biến Chiếu Sát Tuyền, trong đó an trụ 20 trùng lớp thế giới.

Phía Nam biển Hương thủy này, lần lượt có biển Hương thủy tên là Vô Tận Quang Minh Luân, các cõi nước gọi là Phật Tràng Trang Nghiêm; Đi quay về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Kim Cương Bảo Diệm Quang, các cõi nước gọi là Phật Quang Trang Nghiêm Tạng; Đi quay về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Đế Thanh Bảo Trang Nghiêm, các cõi nước gọi là Quang Chiếu Thập Phương; Đi vòng về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Kim Cương Luân Trang Nghiêm Để, các cõi nước gọi là Diệu Gián Thác Nhân Đà La Võng; Đi quay về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Liên Hoa Nhân Đà La Võng, các cõi nước gọi là Phổ Hiện Thập Phương Ảnh; Quay vòng sang bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Tích Tập Bảo Hương Tạng, các cõi nước gọi là Nhất Thiết Uy Đức Trang Nghiêm.

Đi vòng về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Bảo Trang Nghiêm, các cõi nước gọi là Phổ Vô Cấu; Đi quay về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Kim Cương Bảo Tụ, các cõi nước gọi là Pháp Giới Hành; Đi quay vòng về bên phải biển này, lần lượt có biển Hương thủy gọi là Thiên Thành Bảo Điệp, các cõi nước gọi là Đăng Diệm Quang Minh.

(Mười biển như vậy, ngoài biển Diệu Hoa Quang, lần lượt vây khắp vòng quanh, đi quay về bên phải, trong mười các cõi nước đó đều có 20 trùng lớp thế giới an trụ ở trong).

Hoa Tạng Trang Nghiêm thế giới hải đó có núi Tu-di được đỡ bởi vi trần số phong luân. Phong luân trên cũng gọi là Thù Thắng Uy Quang Tạng Phổ Quang Ma Ni Trang Nghiêm có thể đỡ được biển Hương thủy.

Biển Hương thủy này có hoa sen lớn, gọi là Chủng Chủng Quang Minh Nhị Hương, Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới trụ ở bên trong, bốn phương đều bằng, thanh tịnh kiên cố, có núi Kim Cương Luân vây khắp chung quanh, đất, biển, các cây đều có sai khác. Đại địa trong núi Đại Luân vi đó, tất cả đều bằng kim cương tạo thành, kiên cố trang nghiêm, chẳng thể hủy hoại, thanh tịnh bằng phẳng, không có chỗ nào cao thấp.

Trong đại địa đó có mười Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy, đáy biển được trang sức bằng mọi thứ báu đẹp, bờ được trang sức bằng diệu hương ma-ni, lưới báu làm bằng Tì Lô Giá Na Ma Ni Bảo Vương, Hương thủy trong vắt đủ mọi sắc báu, đầy dẫy ở trong, các thứ hoa báu quanh khắp ở trên, bột chiên đàn nhỏ thanh lọc ở dưới v.v…

Mỗi một biển Hương thủy này đều có bốn thiên hạ vi trần số ở sông Hương thủy vây quanh quay về bên tay phải, trong mười Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy, có mười Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số các cõi nước an trụ. Biển Hương thủy ở trong cùng gọi là Vô Biên Diệu Hoa Quang, các cõi nước gọi là Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh, có 20 trùng lớp thế giới an trụ ở trong, như biển Hương thủy Vô Biên Diệu Hoa Quang ở trước.

Lần lượt phương Đông có mười biển Hương thủy như Ly Cấu Diệm Tạng v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy tới biển Hương thủy ở rất gần núi Luân vi gọi là Pha Lê Địa, các cõi nước gọi là Thường Phóng Quang Minh, có 20 trùng lớp thế giới an trụ ở trong (kinh văn chỉ liệt kê danh hiệu của bốn trùng lớp).

Phía Nam biển Ly Cấu có mười biển Hương thủy như Vô Tận Quang Minh Luân v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy, đến gần núi Luân vi có biển Hương Hải tên là Diệu Thu Hoa, các cõi nước gọi là Xuất Sanh Chư Phương Quảng Đại Sát (cũng có 20 trùng lớp thế giới). Quay về phía tay phải, Vô Tận Luân hải này, lần lượt có mười biển Hương thủy như Kim Cương Bảo Diệm Quang v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số hương hải, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Vô Biên Luân Trang Nghiêm, các cõi nước gọi là Vô Lượng Phương Sai Biệt (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay vòng về phía tay phải biển Kim Cương Quang này lần lượt có 10 hưong hải như Đế Thanh Bảo Trang Nghiêm v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số hương hải đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Thụ Trang Nghiêm Tràng, các cõi nước gọi là An Trụ Đế Võng (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay vòng về phía tay phải biển Đế Thanh Hải này, lần lượt có 10 biển, như biển Kim Cương Luân Trang Nghiêm v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số hương hải, đến gần núi Luân vi có biển tên là … (trong kinh thiếu mất tên biển này), các cõi nước tên là … (trong kinh cũng thiếu tên các cõi nước này).

Quay vòng về phía tay phải biển Kim Cương này, lần lượt có 10 hương hải như biển Liên Hoa Nhân Đà La v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Mật Diệm Vân Tràng, các cõi nước gọi là Nhất Thiết Quang Trang Nghiêm (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay về phía tay phải biển Liên Hoa này, lần lượt có 10 biển Hương thủy, như biển Tích Tập Bảo Hương Tạng v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương Hải, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Diêm

Phù Đàn Bảo Tạng Luân, các cõi nước gọi là Phổ Am Tràng (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay vòng về bên phải biển Tích Tập này, lần lượt có 10 hương hải như biển Bảo Trang Nghiêm v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương Hải, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Xuất Đế Thanh Bảo, các cõi nước gọi là Chu Biến Vô Sai Biệt (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay vòng về bên phải biển Bảo Trang Nghiêm này, lần lượt có 10 hương hải như biển Kim Cương Bảo Tụ v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương Hải, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Bất Khả Hoại Hải, các cõi nước gọi là Diệu Luân Gián Thác Liên Hoa Tràng (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Quay vòng về phía bên phải biển Kim Cương Bảo Tụ Hương thủy này, lần lượt có 10 biển Hương thủy như Thiên Thành Bảo Điệp v.v… đi qua Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy, đến gần núi Luân vi có biển Hương thủy tên là Tích Tập Anh Lạc Y, các cõi nước gọi là Hóa Hiện Diệu Y (cũng có 20 trùng lớp thế giới).

Trong mười Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số biển Hương thủy như vậy có 10 Bất khả thuyết cõi Phật vi trần số các cõi nước, đều nương vào hoa sen trang nghiêm hiện tất cả Bồ-tát Hình Ma-Ni Vương Tràng mà an trụ, các các cõi nước đó hết thảy đều có cõi trang nghiêm không gián đoạn, thảy đều phóng ra bảo sắc quang minh, thảy đều có mây quang minh che ở bên trên, thảy đều đủ thứ trang nghiêm, thảy đều có kiếp số khác nhau, thảy đều có Phật xuất hiện, thảy đều diễn pháp hải, thảy đều có chúng sanh đầy cùng khắp, thảy đều từ khắp mười phương đổ dồn vào, thảy đều được gia trì bởi thần lực của hết thảy chư Phật.

Tất cả thế giới trong mỗi một các cõi nước đó đều nương vào mọi thứ trang nghiêm mà an trụ, nối liền với nhau thành một mạng lưới thế giới, có nhiều vẻ khác nhau, được kiến lập khắp trong Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải.

(Theo như trong kinh thì Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải có 111 Hương Hải Thủy, chủng loại cũng vậy, tên các Hương Hải đó v.v… đều nói trong Hoa Tạng Phẩm).

HOA TẠNG NGHIỆP NHÂN

Thanh Lương Sớ hỏi : Liên Hoa, Hương Hải căn cứ vào sự thì có thể là thế, nhưng vì nguyên nhân gì mà tướng trạng cõi nước lại như vậy ?

Đáp : Xin nêu qua hai nhân.

1)- Căn cứ vào Như Lai Tạng thức của chúng sanh, đó tức là Hương hải, cũng tức là Pháp Tánh hải. Dựa vào gốc vô trụ đó gọi là Phong luân, cũng tức là Vọng Tưởng phong. Ở trong biển này có tướng nhân quả, hằng sa tánh đức tức là hoa Chánh nhân. Vì hàm tàng hết thảy quả pháp vị lai thế gian và xuất thế gian, cho nên gọi là Tạng. Nếu coi pháp tánh là biển, thì tâm tức là hoa. Hàm tàng cũng thế, nhưng trong tướng phần của Tạng thức đó, một nửa là ngoại khí vì chẳng chấp thụ (sơ thích tướng phần), một nửa là nội thân vì chấp là tự tánh sanh giác thụ (thân thích tướng phần).

Như Lai Tạng thức vì duyên cớ gì lại như vậy ? Vì pháp như vậy, vì hành nghiệp dẫn.

2)- Căn cứ chư Phật, có nghĩa là gió đại nguyện gia trì biển đại bi, sanh ra hoa Vô Biên hạnh, chứa đựng quả pháp nhiễm tịnh nhị lợi, trùng điệp vô ngại, cho nên cõi chỗ cảm tướng trạng như vậy. Bởi thế trong phẩm Xuất Hiện hay đem thế giới ví với Phật đức.

Tìm hiểu kỹ văn nghĩa thì thấy chính là do Phật đức, thế giới cũng như thế.

Luận Tảo Bách viết rằng : xưa nhân đại nguyện lực nhậm trì hết thảy quả báo được Phong luân, đại từ bi rất sâu báo được Hương hải, vô biên đại hạnh báo được hoa sen. Thêm nữa, hoa sen tức là trí thể vô y, là cung điện đại bi hàm dục, là lầu gác chiếu quán trí căn, theo hạnh từ bi tế độ vạn vật, là ngọc ma-ni bình đẳng tự tánh pháp thân tịnh giới.

Nghiệp phòng hộ thì được kết báo núi Luân vi. Vạn hạnh lợi sanh mở bày chúng thiện thì được phước báo Cây báu nhiều hoa đẹp, nên các hạnh phủ che bóng rợp.

Quả báo ra sao đều do nghiệp nhân, chẳng thể nói hết. Lại nói, báo chẳng phải bỗng dưng mà được, mà đều là do có nguyên nhân. Nếu chẳng biết nguyên nhân thì làm thế nào mà tu quả !

Căn cứ vào đó mà xem xét thì do bình đẳng mang vác hết thảy không hề mỏi mệt chán nản, nên được kết báo bảo địa; vì đại bi tùy phương mà gội nhuần cho vạn vật, nên được kết báo có các biển Hương thủy. Vì tùy cơ mà làm lợi lạc cho khắp các thế gian, thanh tịnh không nhiễm, nên các hoa sen mọc cao vượt lên trên mặt nước.

Vì các diệu đức phát khởi tất cả mọi thiện căn, nên có các cõi nước.

Thêm nữa, dùng Thi Ba-la-mật mà làm tường báu, lấy dẹp tà lập chánh mà làm cờ báu, che bằng lưới báu, thì được kết báo tế trí nối liền với nhau, treo Bảo đạt là biểu thị pháp âm nhiếp hóa kêu mời, trang sức bằng các thứ báu, là được kết báo cái đức đàn-na.

Nổi mây cúng dường là đáp lại cái ơn tinh tấn; lại thêm ánh quang minh phá trừ tăm tối, cỏ thơm xông khắp, vườn tược Tam-muội Du Hí, sông lạch vô trước, vô ngại, cùng với thềm bậc Bát chánh để chúng sanh giẫm vào, đài quán Tam minh để chúng sanh trèo lên, pháp hỉ Thiền duyệt để chúng sanh nếm mùi, chuỗi ngọc Tàm quý để chúng sanh trang sức, rừng rậm Thất giác chi um tùm, hoa quả Bát giải thoát thơm tho, trải qua trùng trùng Thánh vị, dạo chơi chốn chốn đạo tràng, đều là nhân quả tương phù, sự lý tương tế, thể dụng vô ngại, bi trí vô phương, tâm cảnh giao tham, Thánh đức khôn lường, thần công không thể bàn. Một cõi đã như vậy, thì mười cõi đều thế cả.

(Trên mới căn cứ vào một đức, một hạnh nhân quả tương tự mà nói. Nếu một độ đủ mọi độ, một đức đủ mọi đức, thiệp nhập lẫn nhau thì chẳng phải là ngôn ngữ tư duy có thể tới kịp được).

THÍCH HOA TẠNG DANH

Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải đó là cõi Thật Báo Vô Chướng Ngại, nơi đóng đô của đức Tì Lô Giá Na.

– Hoa : là hoa sen, vì hình tướng của núi Đại Bảo Sơn vương đỡ thế giới hải giống như vậy, tức là đài hoa nhụy hương.

– Tạng : chỗ trụ xứ của hạt sen gọi là Tạng.

Ý nói các các cõi nước ở trong các biển Hương thủy cũng như hạt sen trên thế gian được chứa đựng ở trong Tạng vậy; và vì đại địa mà biển Hương thủy nương tựa vào đó, cũng giống như hương sen trên thế gian.

– Trang Nghiêm : là Bảo địa, luân sơn, rừng cây, sông lạch, cung điện, lầu gác, thềm bệ, lan can, cờ báu phướn lọng, tường báu bao quanh, vườn tược hoa quả, lưới báu trên không, cỏ thơm đầy đất, ma-ni trân kỳ v.v…

– Thế Giới Hải : trong các các cõi nước, mọi thế giới có 20 trùng lớp, đều cao 19 cõi Phật vi trần số, rất rộng như núi Kim Cương, vì sâu rộng khó lường, nên ví với biển.

Pages: 1 2 3 4 5 6