Bản Đồ An Lập Pháp Giới
(Pháp Giới An Lập Đồ)
Việt dịch: Hòa thượng THÍCH CHÂN THƯỜNG
Hiệu chỉnh: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

QUYỂN TRUNG – phần dưới

Yên Sơn Sa-môn Nhân Triều tập

IV)- Đại thiên kiếp lượng :

  1. Kỷ kiếp niên số
  2. Thiên thế giới đồ thuyết
  3. Đại thiên nhiếp thiền
  4. Đại thiên tích số
  5. Kiếp lượng tổng danh
  6. Thành kiếp
  7. Trụ kiếp
  8. Hoại kiếp
  9. Không kiếp
  10. Đại kiếp đồ thuyết
  11. Tăng giảm kiếp đồ thuyết
  12. Tứ Luân vương
  13. Tiểu tam tai
  14. Đại tam tai
  15. Kiếp vận đồ thuyết
  16. Hiền kiếp Thiên Phật đồ thuyết

KỶ KIẾP NIÊN SỐ

(Trên kia tuy quán sát ba cõi, nhưng mới chỉ thuyết minh theo chiều cao thẳng đứng, chưa đề cập đến chiều rộng. Nên phần dưới đây thuyết minh về đại thiên thế giới để biết khắp tám phương có sự vô cùng, ba cõi có thể tận cùng mà cõi Phật thì rất rộng vậy).

ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI THUYẾT

Kinh Hoa Nghiêm nói : tam thiên đại thiên thế giới nhờ vô lượng nhân duyên mới thành. Đại địa nương tựa vào Thủy luân, thủy nương vào phong, phong nương vào không, không không nương vào đâu cả. Chúng sanh nghiệp cảm thế giới an trụ.

Kinh Bồ Tát Tạng nói : chư Phật thành tựu trí không thể nghĩ bàn, nên có thể biết được các tướng gió mưa, biết thế gian có gió lớn gọi là Ô Lô Bác Ca. Mọi thứ giác thụ của chúng sanh đều nhờ gió này lay động. Phong luân này cao

3 câu-lô-xá (ở đây gọi là trong khoảng một tiếng trống, Tập Tạng : 5 dặm = 1 câu-lô-xá).

Trong hư không, trên gió này lại có Phong Luân, tên là Chiêm Bạc Ca, lượng Phong luân này cao 10 do-tuần. Lần lượt tướng 8.000 Phong luân như vậy thảy đều biết cả.

Phong luân trên cùng gọi là Chu Biến Thượng Giới, là chỗ nương tựa của Thủy luân, lượng Thủy luân này cao 80.000 do-tuần, là chỗ nương tựa của Đại địa. Lượng Đại địa này cao 68.000 do-tuần, trên mặt Địa lượng này có một tam thiên đại thiên thế giới.

Kinh Trường A Hàm nói rằng : một mặt trời, mặt trăng vận hành xung quanh bốn thiên hạ, chỗ ánh sáng chiếu tới được, đó là một thế giới.

Trong ngàn thế giới như vậy có 1.000 mặt trời, mặt trăng, 1.000 núi chúa Tu-di, 4.000 cõi thiên hạ, 4.000 biển cả, 4.000 ác đạo, 1.000 Diêm La vương, 1.000 Tứ Thiên vương, 1.000 Đao Lợi, tới 1.000 Phạm Thiên, đó là một tiểu thiên thế giới.

Một ngàn tiểu thiên thế giới như thế thì là một trung thiên thế giới.

Một ngàn trung thiên thế giới như thế là một đại thiên thế giới.

Trong đó, núi Tu-di bốn châu, mặt trời, mặt trăng cho tới Phạm Thiên mỗi thứ có muôn ức, gọi chung là một cõi Phật.

Luận Câu Xá nói : bốn châu, mặt trời, mặt trăng, núi Mê Lô, Dục Thiên, Phạm Thế mỗi thứ 1.000 thì gọi là một tiểu thiên thế giới. Gấp 1.000 lần tiểu thiên đó thì gọi là một trung thiên.

Gấp 1.000 lần trung thiên đó thì gọi là một đại thiên, đều cùng một thành hoại (kinh Tạp A Hàm, luận Thuận Chánh Lý, luận Du Già, luận Trí Độ, Tạp Tập, luận Hiển Dương, đại thiên số đều như trên).

Kim Quang Minh nói rằng : lúc vua, chúa của loài người, tay bưng lư hương cúng dường kinh, hương đó tỏa khắp, chỉ trong khoảnh khắc bằng một niệm, tới khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức mặt trăng, mặt trời cho đến 100 ức Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Kinh Hoa Nghiêm nói : bấy giờ, đức Thế Tôn từ dưới hai chân phóng ra 100 ức ánh quang minh chiếu cõi tam thiên đại thiên thế giới này, 100 ức tứ châu, 100 ức biển lớn, núi Luân vi, 100 ức núi Tu-di, Lục dục cho đến 100 ức

Sắc Cứu Cánh Thiên, trong đó mọi thứ thảy đều hiện ra rõ ràng.

Hoa Nghiêm Sao nói : nếu nói tiểu thiên thì chỉ kể Sơ thiền, nếu kể trung thiên thì là kể Nhị thiền, vì lượng Nhị thiền bằng trung thiên. Nếu kể đến đại thiên tức là kể đến Tam thiền, vì lượng Tam thiền bằng đại thiên. Thế thì biết rằng đại thiên có 100 ức Sơ thiền, có 100 vạn Nhị thiền, 1.000 Tam thiền và chỉ một Tứ thiền mà thôi.

Luận Bà Sa nói rằng : Sơ thiền rộng như bốn thiên hạ, Nhị thiền như tiểu thiên, Tam thiền như trung thiên, Tứ thiền như đại thiên (căn cứ vào đây thì Hoa Nghiêm Sao trên phải nói là lượng Nhị thiền bằng tiểu thiên, lượng Tam thiền bằng trung thiên mới đúng).

Thuật Luận viết : lời Thánh của Phật, lý hẳn không hai. Vì sao kinh luận lại khác nhau ?

Số núi Tu-di nếu theo A Hàm, Câu Xá v.v… thì đại thiên có vạn ức Tudi. Nếu theo Quang Minh, Hoa Nghiêm v.v… thì có 100 ức Tu-di, thế là số này khác nhau vậy.

Thêm nữa, có khi nói đại thiên có 100 ức Tứ thiền thế thì lượng rất hẹp, có khi nói là chỉ có một Tứ thiền thế thì lượng rất rộng. Thế là rộng, hẹp khác nhau.

Lại nữa, hoặc nói có Tứ không Thiên, hoặc không có Tứ không Thiên, thế là tăng giảm khác nhau. Vì sao lại như vậy ?

Đáp : Tuy có những chỗ khác nhau chút ít, nhưng đều có lý cả.

1)- Hội Số (lĩnh hội về số). Trước hết lấy ví dụ để thể hiện thì một tiểu thiên giới cũng như một quan tiền (một đồng như một núi Tu-di, 1.000 đồng như 1.000 núi Tu-di).

Một trung thiên giới như 1.000 quan tiền, tuy số lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều không ngoài 1.000 quan đó. Vì sao vậy ? Vì ức có bốn bậc. Nếu coi 100 vạn là ức thì một đại thiên có 1.000 ức Tu-di, nếu coi 1.000 vạn là ức thì một đại thiên có 100 ức Tu-di. Nếu coi vạn vạn là ức thì một đại thiên có 10.000 ức Tu-di.

2)- Số hội về rộng hẹp, lại như nói lượng Nhị thiền bằng một tiểu thiên, nếu đem tiểu thiên Sơ thiền hướng lên trên mà lấy thì có 1.000 Nhị thiền. Như vậy 100 ức Sơ thiền hướng lên mà lấy thì có 100 ức Tứ thiền, ví như mây mùa hạ che khắp chín châu. Nếu lấy châu mà tính thì có chín mây, nếu lấy quận mà tính thì có hơn 400 mây. Nếu lấy huyện mà tính thì có hàng 1.000 mây là ít. Hoặc nói một mây che khắp muôn nước, hoặc nói mỗi nước có một mây mùa hạ. Cứ nghĩ thì có thể thấy.

3)- Thiên số tăng giảm. Có hai nghĩa, nếu căn cứ vào Kim Quang Minh, Lăng Nghiêm thì trên Sắc giới có Tứ không. Còn nếu theo như Hoa Nghiêm qui định có xứ sở chỉ tới Sắc đỉnh, qui định rằng đạo pháp ở khắp Tứ không, thì Tứ không không có xứ, tùy xứ mà đắc quả, như tại Dục giới được Vô Sắc định thì ở Dục giới mà được quả báo. Nên không có xứ khác, mà được bao gồm ở trong hai giới.

A Tỳ Đàm nói : từ bên đỉnh Tu-di này đến bên đỉnh Tu-di kia là 12 ức 3.450 do-tuần, từ trung tâm của núi Tu-di này đến trung tâm của núi Tu-di kia là

12 ức 8 vạn 3.450 do-tuần; từ chân núi này đến chân núi kia là 12 ức 3.015 dotuần. Các núi ở tám phương cách xa nhau cũng lại như thế. Đó là điều mà Phật nói.

Hoặc nói rằng : ngoài 1.000 núi Tu-di có một núi Tiểu Luân vi vây quanh, núi này cao tới cõi Sơ thiền.

Ngoài trung thiên giới có núi Trung Luân vi vây quanh ở phía ngoài, cao tới Nhị thiền. Ngoài đại thiên giới có núi Đại Luân vi vây quanh ở phía ngoài, cao tới Tam thiền (thêm nữa, ngoài một Tu-di tứ thiên hạ có một núi Tiểu Luân vi, tổng cộng thành bốn bậc).

Còn trong chỗ núi Tổng Đại Luân vi bao bọc trên thì tới Phi Phi Tưởng, dưới thì tới hết Phong luân, gọi chung là tam thiên đại thiên thế giới. Vì phải nhân lên ba lần nên gọi là tam thiên. Lược tiểu, trung đi mà chỉ tính số cuối cùng nên gọi là đại thiên. Đại thiên giới này thành thì cùng thành, hoại thì cùng hoại, gọi chúng là Sa-bà thế giới, đó chính là cõi mà đức Thích Ca Như Lai nhiếp hóa vậy.

ĐẠI THIÊN NHIẾP THIỀN CHI ĐỒ

KIẾP LƯỢNG TỔNG DANH (Tên chung của kiếp lượng)

Kiếp là tên chung của Đại thời (thời gian lớn).

Tiếng Phạn gọi đủ là Kiếp Ba Bá Đà (gọi tắt là kiếp).

Ở đây gọi là đại thời phân, nhưng đại thời này rất là lâu dài không thể dùng năm tháng mà tính được. Cho nên Thánh nhân lấy ví dụ phẩy đá thành hạt cải để chỉ các thời kỳ thủy hỏa thành hoại v.v… và để nói về lượng thời gian của các thời kỳ ấy.

Kiếp có nhiều loại, nếu nói qua về những loại có thể biết được thì có các loại đại, tiểu, thành, hoại mà thôi.

Thoạt tiên thu gọn lại làm bốn bậc :

  1. Biệt kiếp (một tăng giảm)
  2. Thành kiếp 40 (lấy trụ hợp thành)
  3. Hoại kiếp 40 (lấy không hợp hoại)
  4. Đại kiếp (Tổng, thành, hoại, biệt kiếp) Nếu mở rộng ra thì có sáu loại kiếp :
  5. Biệt 4- Hoại
  6. Hành 5- Không
  7. Trụ 6- Đại

Nếu gói lại nữa thì có ba đại kiếp :

  1. Tiểu kiếp (tức biệt kiếp)
  2. Trung kiếp (thành trụ tùy nhất – một thành một trụ)
  3. Đại kiếp (Tổng, thành, trụ, hoại, không)

Mở ra khép lại tuy có khác nhau, nhưng chẳng ra ngoài một đại thời phân vậy.

THÀNH KIẾP

Chỉ thế giới quá khứ đã bị tiêu diệt rồi, không khoáng lâu ngày, nghiệp lực của chúng sanh lại nổi gió mưa tạo lập ra các khí thế giới như cũ. Theo như kinh Hoa Nghiêm thì tam thiên đại thiên thế giới chẳng phải là chỉ nhờ một duyên, chẳng phải chỉ nhờ một sự mà thành tựu được, mà phải nhờ vô lượng duyên, vô lượng sự mới thành tựu được.

Đó gọi là dấy đám mây lớn, đổ trận mưa to, bốn loại Phong luân nối nhau mà làm chỗ dựa.

Bốn loại đó là những gì ?

  1. Thứ nhất gọi là Năng Trì, vì năng trì đại thủy,
  2. Thứ hai là Năng Tiêu, vì năng tiêu được đại thủy,
  3. Thứ ba là Kiến Lập, vì kiến lập hết thảy mọi xứ sở,
  4. Thứ tư là Trang Nghiêm, vì trang nghiêm phân bố đều khéo léo.

Như vậy đều là do cộng nghiệp của chúng sanh cùng thiện căn của các Bồ-tát khởi lên, khiến hết thảy chúng sanh ở trong đó đều tùy theo sự thích nghi của mình mà được thụ dụng.

Thêm nữa, lúc mây lớn đổ mưa, có mây mưa lớn gọi là Năng diệt, diệt được hỏa tai. Có mây mưa lớn gọi là Năng khởi, dấy được đại thủy. Có mây mưa lớn gọi là Năng chỉ, ngừng được đại thủy. Có mây mưa lớn gọi là Năng thành, thành được mọi thứ báu ma-ni. Có mây mưa lớn gọi là Phân biệt, phân biệt tam thiên đại thiên thế giới.

Tam thiên đại thiên thế giới lúc mới thành, trước tiên thành cung điện của chư Thiên ở Sắc giới, sau đó thành cung điện của chư Thiên ở Dục giới, sau nữa thì thành nơi ở của người và các loài chúng sanh khác.

Hơn nữa, mây mưa lớn đó chỉ có một vị nước, nhưng tùy theo thiện căn khác nhau của chúng sanh mà cung điện được dựng lên cũng có nhiều thứ khác nhau.

Thế giới lúc mới sắp thành, có nước lớn sinh ra đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, sinh hoa sen lớn gọi là Như Lai Xuất Hiện Công Đức Bảo Trang Nghiêm che khắp trên mặt nước, chiếu sáng mọi thế giới ở mười phương. Khi ấy, Ma Hê Thủ La, Tịnh Cư Thiên v.v… nhìn thấy hoa này thì biết chắc rằng ở trong kiếp này, có đức Phật ở nơi đó nổi lên ở đời. Bấy giờ trong đó có Phong luân khởi lên gọi là Thiện Tịnh Quang Minh có thể thành tựu được các cung điện của chư Thiên Sắc giới.

Có Phong luân khởi lên gọi là Tịnh Quang Minh Trang Nghiêm, có khả năng thành tựu được cung điện của chư Thiên Dục giới.

Có Phong luân khởi lên gọi là Kiên Mật Vô Năng Hoại, có thể tạo thành được các núi Luân vi lớn nhỏ cùng núi Kim Cương lớn nhỏ.

Có Phong luân khởi lên gọi là Thắng Cao có thể tạo thành được núi chúa Tu-di.

Có Phong luân khởi lên gọi là Bất Động, hay tạo thành được mười Sơn vương lớn. Những gì là mười ? Đó là núi Khư Đà La, núi Tiên Nhân, núi Phục Ma, núi Đại Phục Ma, núi Trì Song, núi Ni Dân Đà La, núi Mục Chân Lân Đà, núi Ma Ha Mục Chân Lân Đà, núi Hương Sơn, núi Tuyết Sơn.

Có Phong luân khởi lên gọi là An Trụ, có khả năng thành tựu được Đại địa.

Có Phong luân khởi lên gọi là Trang Nghiêm, có khả năng thành tựu được cung điện của Địa Thiên, cung điện của loài rồng, cung điện Càn-thát-bà.

Có Phong luân khởi lên gọi là Vô Tận Tạng, có thể thành tựu được tất cả càc biển lớn của tam thiên đại thiên thế giới.

Có Phong luân dấy lên gọi là Phổ Quang Minh Tạng, có thể tạo thành được các thứ báu ma-ni của tam thiên đại thiên thế giới.

Có Phong luân khởi lên gọi là Kiên Cố Căn, có khả năng thành tựu được hết thảy mọi cây cối như ý.

Nước do mây lớn đổ mưa xuống đều cùng một vị, không có phân biệt. Vì thiện căn của chúng sanh khác nhau nên Phong luân khác nhau, Phong luân khác nhau thì thế giới khác nhau.

Kinh Khởi Thế nói : vì sao thế giới hoại rồi lại thành ? Vì sau khi thế giới quá khứ bị tiêu diệt, trải qua vô lượng thời gian, khởi mây tằng lớn che khắp Phạm Thiên, đổ mưa lụt lớn xuống, hạt mưa to như trục xe, trải suốt 100.000 vạn năm.

Nước mưa đó tụ lại dần dần tăng trưởng tới tận thế giới Phạm Thiên, nước lớn đầy khắp được bốn gió nâng đỡ. Sau khi tạnh mưa, nước lại tự rút vô lượng vạn ức do-tuần.

Có gió lớn nổi lên gọi là A Na Tì La thổi đám nước đó, nổi sóng cuồn cuộn, sanh ra đám bọt nước lớn, được gió thổi đặt vào giữa không trung. Từ trên tạo tác cung điện Phạm Thiên, cung điện Tha Hóa Thiên v.v…

Lại tạo núi chúa Tu-di, bốn châu, núi Luân vi v.v… lại được xây dựng như cũ (tạo hóa, trời đất bắt đầu từ đây).

Nếu lúc thế giới thành, thì trước hết từ trên thành Tam thiền Thiên ở Sắc giới lần lượt thành ở dưới cho tới Diệm Ma Thiên ở Dục giới. Đó là nương vào Không mà ở, cho nên từ trên mà thành xuống dưới vậy.

Tiếp đến, trước tiên từ Phong luân ở dưới mà lần lượt thành lên cho tới

Đao Lợi Thiên. Đó là dựa vào Địa giới, cho nên từ trên mà thành dưới vậy. Phong thủy cổ vũ biến hóa như vậy trải qua 20 tiểu kiếp, các khí thế giới mới được thành tựu.

TRỤ KIẾP

Trụ kiếp là chỉ thế giới đã thành có thể để cho loài hữu tình an trụ thọ dụng được.

Kinh Hoa Nghiêm nói : tam thiên đại thiên thế giới đã thành tựu rồi thì đem lại lợi ích cho vô lượng các loài chúng sanh.

Đó là loài chúng sanh thủy tộc thì được lợi ích dưới nước;

Loài chúng sanh trên cạn thì được lợi ích của đất;

Loài chúng sanh ở cung điện thì được lợi ích của cung điện; Loài chúng sanh hư không thì được lợi ích của hư không.

Kinh Trường A Hàm nói : trời đất lúc mới bắt đầu trở lại thì không có gì cả, cũng không có mặt trời, mặt trăng, đất tuôn suối ngọt (cũng gọi là vị đất) vị như tô mật. Bấy giờ, chư Thiên Quang Âm hoặc có vị phước hết đến sanh ở đây (người bắt đầu sanh ra), hoặc thích xem đất mới, tính hay bồng bột, lấy ngón tay chấm vào đó mà nếm thử (bắt đầu có sự ăn uống), ba lần như vậy thấy được vị ngon, ăn mãi, ăn mãi dần sanh ra to béo, mất vẻ quang minh thần túc diệu sắc của trời, trở thành rất tối tăm. Sau cơn gió Đại Hắc Phong thổi nước biển đó dạt ra mặt trời, mặt trăng (bắt đầu có mặt trời, mặt trăng) quanh núi Tu-di soi khắp bốn cõi thiên hạ. Bấy giờ con người thấy mặt trời, mặt trăng mọc thì mừng, thấy lặn thì sợ (bắt đầu có ngày đêm).

Từ đây về sau, ngày đêm hối sóc, xuân thu tuế số, đến lúc cuối cùng rồi lại bắt đầu trở lại. Lúc kiếp mới thành, con người đều là hóa sanh, không có sự phân chia nam nữ tôn ti, hợp thành đàn lũ cùng sinh sống ở đời, cho nên gọi là chúng sanh (bắt đầu có chúng sanh).

Kẻ ăn vị đất (địa vị) nhiều thì nhan sắc thô kệch tiều tụy, kẻ ăn ít thì nhan sắc sáng sủa mượt mà (bắt đầu sanh ra đẹp xấu).

Rồi sinh ra hơn thua, sinh ra phải trái (bắt đầu có sự bất thiện).

Vị đất kiệt dần, khiến chúng sanh thảy đều ảo não, than thở coi đó là tai họa. Không có vị đất nữa thì lại sinh Địa Bì dáng như bánh mỏng. Địa Bì cũng lại hết, lại sinh Địa Phu, Địa Phu hết (kinh Tăng Nhất nói) nên lại sinh ra tự nhiên Địa Phì như rượu Bồ đào.

Kinh Lâu Thán nói : Địa Phì chẳng sinh thì sinh hai cành Bồ đào (tức là Lâm đằng vậy). Vị nó cũng ngọt, lâu lâu ăn nhiều, cùng nhau cười cợt. Bồ đào chẳng sinh, lại sinh gạo tẻ không có vỏ trấu, chẳng cần giã đâm điều hòa mà có đủ mọi vị ngon., Chúng sanh ăn vào sinh ra hình nam nữ (bắt đầu có căn).

Luận Thuận Chánh Lý nói : lại mọc lúa thơm tự nhiên chẳng phải trồng cấy, món lương thực này thô, nên có cặn bã bẩn thỉu ở trong người, vì muốn thải bỏ đi, liền sinh ra hai đường, thế là sinh ra nam căn – nữ căn. Do nam nữ căn hình thành, nên thói dục liền khởi.

Kinh Tăng Nhất (A Hàm) nói : các người ái dục nhiều thì thành nữ, nên có danh từ vợ chồng (bắt đầu có vợ chồng). Sau đó, chúng sanh dâm dục càng tăng, vợ chồng bèn cùng ở với nhau.

Sau Quang Âm Thiên Hạ sinh trong thân mẹ (bắt đầu có loài thai sanh) nên có loại thai sanh. Bấy giờ bèn xây dựng thành quách, lúa tẻ tự nhiên sớm gặt, tối lại chín, tối gặt sớm lại chín.

Kinh Trung A Hàm nói : hạt gạo đó dài bốn tấc chưa có cọng rơm rạ, bấy giờ có chúng sanh lấy để ăn trong một ngày, cứ bắt chước nhau như vậy, thậm chí lấy một lần để làm lương ăn trong năm ngày, gạo tẻ dần dần sinh ra trấu cám, gặt xong chẳng mọc, bèn thành rơm khô. Lúc đó, chúng sanh buồn rầu khóc lóc, ai nấy đều vào vườn ruộng lúa tẻ mà trở thành bờ cõi (bắt đầu có ruộng đất). Đám chúng sanh đó tự cất giấu gạo của mình, đi ăn trộm thóc ở ruộng của người khác, không ai giải quyết được.

Bèn bàn nhau lập ra một vị chủ bình đẳng, giỏi giang bảo vệ được nhân dân, để thương người lương thiện, phạt kẻ gian ác. Ai nấy cùng nhau bớt phần thu hoạch của mình để cung cấp cho vị đó.

Cho nên họ đã chọn một người hình mạo tôn nhã, rất có tài đức, thỉnh vị đó làm chủ (bắt đầu có chủ đất, điền chủ, như vua ngày nay), thế là bắt đầu có danh từ Dân, Chủ (chủ của dân, chúa của dân).

Vị chủ của dân đó, phụng hành thập thiện, thương xót nhân dân như cha mẹ yêu con, nhân dân kính chúa như con kính cha. Tuổi thọ của con người lâu dài, sung sướng vô cùng.

Kinh A Hàm nói : thế giới mới thành, Quang Âm Thiên Nhân giáng xuống, ai nấy đều có thân quang, phi hành tự tại, thấy có Địa Phì rất là thơm ngon, kẻ lấy ăn nhiều thì mất thần túc, thân thể nặng nề không còn quang minh.

Mặt trời, mặt trăng bắt đầu sinh ra, vì tham ăn nên Địa Phì diệt mất, lại sinh Bà La, Bà La diệt mất, lại sinh gạo tẻ dài chừng bốn tấc, sớm gặt tối sinh, ăn thứ gạo đó nên sinh ra hình nam, tướng nữ, làm các hạnh bất tịnh. Họ bèn lập ra gia đình, chúng sanh lười nhác ở trong đó liền nghĩ, phải lấy nhiều gạo tẻ để làm lương ăn một ngày, thậm chí tích tụ dần dần tới bảy ngày. Thế là lúa gặt đến đâu, tối chẳng mọc lại nữa.

(Luật sư Hựu nói : làn gió kiêu bạc động thì nguồn thuần phác cạn, tinh linh thông cảm thì sét đánh còn coi là chậm. Đông lai thêm tô thì cá biển lặn mất, Hợp phố tăng thuế thì trai ngọc dời xa. Lấy chuyện gần mà so với chuyện thời cổ, thì việc gạo tẻ chẳng sinh, cũng không có gì đáng lấy làm lạ, đáng phải nghi ngờ vậy).

Vì thế mà phải đặt ra ruộng nương cày cấy, dựng nêu, cắm mốc. Thế là nếu có một chúng sanh nào vào ruộng người khác mà gặt trộm lúa thì liền xảy ra sự đánh đấm lẫn nhau, nên chúng sanh cử một vị Trí giả Tam Ma Đa làm Thủ Điền chủ (chúa giữ ruộng).

Nếu kẻ nào đáng quở phạt thì để cho vị đó quở phạt, còn thóc lúa chúng ta gặt được phải đem nộp cho vị điền chủ đó gọi là Sát Lợi chủng. Còn có những người bỏ nhà vào núi cầu đạo, xa lìa ác pháp thì gọi là Bà-la-môn chủng, những người tập nghiệp tự doanh thì gọi là Cư sĩ chủng, những người thạo các kỹ nghệ, dựa vào đó mà sinh sống thì gọi là Thủ-đà-la chủng (hoặc Tì Xá).

Trong bốn chủng đó, có người nghĩ rằng, ân ái thế gian, ô uế chẳng sạch, đâu đáng để mà tham đắm chấp trước ! Bởi vậy đã bỏ nhà, cắt bỏ râu tóc, mặc áo pháp mà cầu đạo, ta gọi là Sa-môn. (Thuật nói : danh hiệu Sa-môn từ thời thượng cổ đã có rồi, vì cõi Dục là gốc của sự khổ (khổ bản), nhà là rễ của chấp trước (trước căn). Chấp trước sâu thì mọi điều ác cùng dấy lên, dục càng nhiều thì sanh tử sẽ vô cùng. Bởi vậy các bậc Đạt sĩ sáng suốt thời cổ tự mình giác ngộ, biết rõ cái sai, liền bỏ ân ái để lấp nguồn khổ. Lại bỏ thói luyến trước gia đình để đoạn trừ ác nhân, ví như chim sổ lồng, như trăng lìa mây, như đường ra khỏi chỗ bụi bặm. Đây thật là bậc đi trước vậy.

Trong trụ kiếp này, trời đất chẳng hoại, chúng sanh an trụ cùng trải qua 20 tiểu kiếp, mỗi một tiểu kiếp lúc tăng cực thì có vị Luân vương xuất thế, lúc giảm cực thì có vị Tiểu Tam Tai (xem kỹ phần sau).

HOẠI KIẾP

Hoại kiếp là nói trụ kiếp đã mãn, thế giới vạn vật thảy đều hoại diệt.

Kinh Hoa Nghiêm nói : tam thiên đại thiên thế giới lúc kiếp hoại nổi lên thì đốt cháy hết thảy cỏ cây rừng rú, thậm chí cả các núi Thiết vi, Đại Thiết vi đều rừng rực cháy không còn sót một tí gì.

Lại thêm lúc phong tai nổi lên thì có gió lớn nổi lên gọi là Tán Hoại, hủy hoại cả cõi tam thiên đại thiên thế giới, các thứ như núi Thiết vi v.v… đều thành bột vụn ! Lại có loại gió lớn tên là Năng Chướng, bao quanh cõi tam thiên đại thiên thế giới ngăn che không cho gió Tán Hoại tới thế giới khác. Nếu không có loại gió lớn Năng Chướng này thì mười phương thế giới không có nơi nào là không bị hủy hoại cho bằng hết.

Luận Hiển Tông nói : nói hoại kiếp có nghĩa là nói loài hữu tình địa ngục chẳng sinh nữa, cho tới khí thế giới ở bên ngoài cũng đều bị hủy hoại hết. Hoại có hai loại :

1)- Thú hoại 2)- Giới hoại

Thú hoại là nói thế gian này qua 20 tiểu kiếp rồi, từ đó lại có 20 hoại kiếp bằng trụ kiếp nữa. Hoại kiếp sắp khởi, người trụ ở chốn này thọ lượng 8 vạn. Thời này, loài hữu tình ở địa ngục mạng chung chẳng sinh mới nữa. Đó là lúc bắt đầu của hoại kiếp, cho tới lúc địa ngục không còn một hữu tình nào, lúc đó gọi là địa ngục đã hoại. Còn các chúng sanh nào nhất định phải thọ nghiệp báo ở địa ngục thì nghiệp lực dẫn đi đặt ở trong địa ngục phương khác. Căn cứ vào đây mà có thể biết về loài bàng sanh, quỷ thú (súc sanh, ngạ quỷ).

Lúc đó trong thân người không còn các trùng nữa, giống với thân Phật và giống bàng sanh đã hoại.

Có hai thuyết : loại có ích cho người thì hoại cùng với người. Ngoài ra, các loại khác hoại trước.

Bấy giờ loài người, một người châu này không có Sư – Pháp, nhưng được Sơ Tĩnh Lự, rao lên như vầy : Ly Sinh Hỉ Lạc rất sướng, rất tĩnh. Những người khác nghe xong, đều nhập Tĩnh Lự, mạng chung cùng sanh ở Phạm Thế, cho tới lúc loài hữu tình ở châu này đều hết thì gọi là người Thiệm Bộ châu đã hoại.

Hai châu Đông – Tây cũng đều theo lệ này, Bắc châu mạng tận, sinh Dục giới Thiên, do họ độn căn, không lìa dục. Sinh Dục Thiên rồi, Tĩnh Lự hiện tiền, chuyển được Thắng y, mới lìa được dục, cho tới khi nẻo người không còn một hữu tình nào, thì gọi là nẻo người (nhân thú) đã hoại. Lúc này Dục giới theo một hữu tình tuy không có Sư – Pháp nhưng được Sơ Tĩnh Lự, cùng sinh ở Phạm Thế, cho tới khi Dục giới không còn một hữu tình nào thì gọi là Dục giới đã hoại. Bấy giờ Phạm Thế theo một hữu tình không có Sư – Pháp nhưng được Nhị Tĩnh Lự reo lên như vầy : Định Sinh Hỉ Lạc rất sướng, rất tĩnh. Chư Thiên khác nghe xong đều nhập Tĩnh Lự đó, mạng chung đều sinh ở Cực Quang Tĩnh Thiên, cho đến lúc loài hữu tình ở Phạm Thế đều hết (Trên hoại tới Tam thiền, cứ theo lệ này thì có thể biết được).

Chỉ còn lại khí thế giới trống rỗng mà trụ. Đại tai sắp khởi, mới bắt đầu giới hoại. Giới hoại có nghĩa là các thứ tai họa hỏa, thủy, phong hủy hoại khí thế giới.

1)- Hỏa kiếp : lửa đều nổi lên hủy hoại tới Nhị thiền Thiên.

2)- Thủy kiếp : nước đều dâng lên hủy hoại tới Tam thiền Thiên.

3)- Phong kiếp : gió đều nổi lên hủy hoại tới Tứ thiền Thiên, nhưng Tứ thiền Thiên chẳng hoại vì Xả Niệm thanh tịnh. Kiếp đại tam tai này chỉ hủy hoại khí thế giới, chẳng hủy hoại loài hữu tình, còn loài hữu tình thì dời đến thế giới khác.

Hoặc là người nào có Thiền nguyện và lực Tam-ma-đề thì được sanh trong Tứ thiền Thiên.

Luận Hiển Tông nói : Tam thiền Thiên ở dưới nhất định bị các tai họa thủy, hỏa, phong. Vì Sơ Tĩnh Lự thì Tầm Tứ là nội tai, có thể thiêu não được tâm, ngoài là hỏa tai; đệ nhị Tĩnh Lự thì Hỉ Thụ là nội tai, khinh an nhuận trạch, ngoài là thủy tai;

Đệ tam Tĩnh Lự thì động tức là nội tai, ngoài là phong tai.

Sơ Tĩnh Lự trong có đủ ba tai, ngoài cũng bị ba tai hủy hoại;

Đệ nhị Tĩnh Lự trong có hai tai, ngoài cũng bị hai tai hủy hoại;

Đệ tam Tĩnh Lự trong có một tai, ngoài cũng chỉ bị một tai hủy hoại.

Đệ tứ Tĩnh Lự không có ngoại tai, vì trong định đó, trong không có tai họa gì.

Luận Tạp Tâm hỏi : Vì cớ gì mà hoại kiếp chẳng tới đệ Tứ thiền ?

Đáp :Vì là Tịnh Cư Thiên, sinh ở Vô thượng địa, tức là Bát Niết-bàn, nên cũng chẳng sinh xuống hạ địa, chẳng phải là số diệt, nên vị đó trụ qua hoại kiếp mà cũng chẳng bị cháy, vì Tăng thượng phước lực sinh ở chốn đó, nên chẳng có nhiễu loạn ở bên trong. Nếu có nhiễu loạn ở bên trong thì ngoài ắt có tai họa. Sơn thiền kia vì trong có lửa Giác Quán nhiễu loạn, nên ngoài có Hỏa tai thiêu.

Đệ nhị thiền vì trong có Hỉ Thủy nhiễu loạn, nên ngoài bị Thủy tai làm cho trôi dạt.

Đệ tam thiền trong có gió thở ra hít vào nhiễu loạn, nên ngoài bị Phong tai thủy hỏa.

Hỏi : Đệ tứ thiền chưa từng bị nhiễu loạn, vậy thì sao lại có thể là bất thường ?

Đáp : Bị sát-na vô thường hủy hoại; địa vị của Đệ tứ thiền không nhất định là liên tục, theo Thiên này sinh, cung điện đều cùng khởi lên. Nếu Thiên đó mạng chung thì cung điện đó sẽ bị diệt cùng.

Hễ khi nào trụ kiếp hết thì ắt phải trải qua một lần hỏa tai hủy hoại, thế giới cũng trải qua 20 kiếp mới hoại được hết;

Kiếp thủy phong đó như sẽ trình bày rõ ở phía sau.

KHÔNG KIẾP

Không kiếp chi sau khi trải qua đại tai, trời đất vạn vật thảy đều vô hình, chỉ là khoảng trống rỗng mênh mông mà thôi.

Khoảng trống rỗng như vậy cũng trải qua 20 tiểu kiếp, qua kiếp nay rồi lại nhập thành kiếp như kiếp phong trước đây đã thổi dâng kiếp thủy, thủy sinh bọt dầy, hóa làm núi biển vị lai, thế giới lại được xây dựng như cũ.

Bốn loại trên tổng cộng lại là một đại kiếp, đại kiếp này thành hoại tuần hoàn, mãi mãi không dứt.

Tất cả mọi thế giới ở mười phương ba đời đều có bốn loại kiếp tướng đó là thành – trụ – hoại – không. Thành tức là trụ, trụ tiếp đến hoại, hoại thì lại không, không mà lại thành, liên hoàn vô tận.

(Ví như một chiếc cầu phao, phải dùng tới 20 năm mới làm xong, lại tới 20 năm chở người qua sông, lại tới 20 năm dần dần hư hỏng, lại tới 20 năm không cầu chỉ có nước. Nước ví với không kiếp, lại ví một đại kiếp cũng như một năm, bốn trung kiếp ví như bốn mùa, thành như mùa xuân, trụ như mùa hạ, hoại như mùa thu, không như mùa đông, đông rồi lại xuân).

Luận Đối Pháp nói : Đông phương vô lượng thế giới không gián, không đoạn như vầy, hoặc có thế giới sắp hoại, hoặc có thế giới sắp thành, hoặc có thứ đang hoại, hoặc có thứ hoại rồi không; hoặc có thứ đang thành, hoặc có thứ thành rồi trụ.

Cũng như Đông phương, cho tới mười phương cũng đều như vậy, dù là hữu tình thế gian hay là khí thế gian, vì do lực của nghiệp phiền não mà sanh, do nghiệp phiền não tăng thượng khởi lên.

Hoa Nghiêm nói : ví như lá trong rừng có sinh thì cũng có rụng, trong các cõi cũng như vậy, thế giới có thành thì có hoại.

Trang Xuân Lục viết : xem thấy thế giới thành hoại thật vô cùng. Có hai nhân duyên : 1)- Do chỗ cảm cùng một nghiệp của chúng sanh :

Có nghĩa là cùng một Hoặc nghiệp tam độc, cùng mê một tâm mà cảm hiện y báo. Hoặc nghiệp chưa hết, y báo làm sao mà cùng được. Nếu không chỗ nương, sao gọi là thọ báo nữa ! Cho nên khiến cho thế giới thành hoại liên tục.

2)- Do chỗ cảm nguyện lực của chư Phật; có nghĩa là chư Phật có lời hoằng thệ độ cho hết chúng sanh, chúng sanh đã vô cùng thì Phật nguyện cũng vô tận. Do chỗ cảm này mà y báo liên tục.

Cứ trong một đại kiếp thì có một trụ kiếp.

Trong một trụ kiếp thì có 20 tiểu kiếp.

Một tiểu kiếp là một tăng, một giảm. Tăng giảm căn cứ vào tuổi thọ của con người mà thể hiện rõ.

1)- Giảm kiếp từ Hữu Thượng dần dần giảm xuống tới 10 tuổi.

2)- Tăng kiếp từ Tả Hạ dần dần tăng lên tới 8 vạn tuổi.

3)- Thọ số tăng giảm căn cứ vào kinh Trung A Hàm.

4)- Trắng ví với thiện, đen ví với ác.

(Giải rằng : kinh gọi là tăng giảm kiếp đều căn cứ vào thiện để thuyết minh về nghĩa. Gọi là tăng tức là do thiện nghiệp tăng trưởng, nên phước tăng, thọ tăng cho tới khi thập thiện đầy đủ thì con người thọ tới 8 vạn tuổi, đó là cực độ của tăng kiếp. Như mặt trăng mùng 1, mùng 2 dần dần sáng thêm cho tới hôm rằm, trăng sáng viên mãn, Hắc Nguyệt tiêu hết.

Gọi là giảm có nghĩa là thiện nghiệp giảm sút, phước giảm, thọ giảm v.v… cho đến khi thập thiện tiêu hết, con người chỉ thọ có 10 tuổi, đó là cực độ của giảm kiếp. Ví như mặt trăng 16, 17 giảm sáng dần dần cho tới đêm 30, Bạch Nguyệt tiêu hết, chỉ còn Hắc Nguyệt.

Đó đều là căn cứ vào thiện tăng, thiện giảm mà đặt ra danh từ Tăng – Giảm (kiếp) vậy.

Nếu là lúc tăng tới 8 vạn tuổi thì bảy báu hiển hiện, năm vị ngon ngọt, 100 phước dồn lại, người thần hòa vui, gió mưa đúng lúc, lúa thơm suối ngọt, trên đời đều là người thiện. Luân vương ra đời, sung sướng vô cùng. Nếu là lúc tuổi thọ con người giảm tới 10 tuổi, bảy báu biến mất, năm mùi đắng chát, 100 suy dồn tới, người cùng vật khổ, quỷ khóc thần gào, âm dương trái khuấy, gió mưa trái thời, đói kém dịch bệnh, tàn sát lẫn nhau, ngu si tệ ác, chỉ còn có hình người, suy cực ở đây.

Đó gọi là tích thiện thì giáng phước, tích ác thì giáng họa. Há chẳng đúng ư ! Há chẳng tin ư ?

Trên đây là lấy thiện để thuyết minh sự tăng giảm. Sau đó dùng cả hai thứ thiện ác mà thuyết minh lẫn cho nhau, có nghĩa là thiện tăng thì ác giảm, thiện giảm thì ác tăng. Nếu thiện một thì ác chín, thiện hai thì ác tám cho tới thiện chín thì ác một, thiện mười thì không còn ác nữa. Đó là tăng cực (cũng là ác cực giảm).

Còn như nếu ác một thì thiện chín, ác hai thì thiện tám, cho tới ác chín thì thiện một, ác mười thì không còn thiện nữa. Đó là giảm cực (cũng là ác cực tăng).

Giống như dương trưởng thì âm tiêu, âm trưởng thì dương tiêu. Quả là do lòng người thiện ác mà tiêu trưởng đắp đổi nhau vậy.

Cho nên cảm báo duyên vào sướng khổ, cao thấp mà có tướng tăng giảm vậy. Cho nên biết rằng nhân quả rành mạch, cảm ứng không sai. Tăng giảm như vậy một vòng thì gọi là một tiểu kiếp. Tuần hoàn trải qua 20 vòng thì gọi là một trụ kiếp.

Có người hỏi rằng : thọ số trong đồ tượng tăng giảm này hoàn toàn giống như khí trong quẻ kinh dịch của Phục Hi.

Dịch chính là âm dương đắp đổi nhau mà tiêu trưởng, tới kỳ dương cực thì âm sinh, âm cực thì dương sinh, tuần hoàn không ngừng. Lại là vì cái thế của khí số phải như thế.

Nếu vậy thiện ác đắp đổi nhau mà tiêu trưởng, vậy tức là thiện cực ắt ác sinh, ác cực ắt thiện sinh ư ? Cũng có thể thiện ác làm nhân lẫn cho nhau ư ? Nếu làm nhân lẫn cho nhau thì là tà nhân, tà nhân thì nhân quả đều sai. Nếu là nhân quả rành rành, vậy thì quả ở đâu ?

Đáp : chẳng phải là thiện sinh ra từ ác, cũng chẳng phải là ác sinh ra từ thiện. Thật ra là vì con người ta lúc kiếp mạt, khổ đến hết mức thì muốn sướng, vật đến chỗ cùng thì biết quay trở lại, thế là lương tâm hiện ra, sửa ác làm thiện, nên tội diệt phước sinh. Đó là phản ác thành thiện, chứ chẳng phải là ác cực sinh thiện.

Nếu ác cực mà chẳng quay lại (chẳng sửa đổi) thì đọa vào địa ngục, lý nào còn được tăng phước thọ nữa.

Thêm nữa, lúc tăng thịnh, hưởng phước đầy đất, kiêu xa phóng túng, bỏ thiện ác tràn, nên ác quá thì tội tới.

Thế là bỏ thiện làm ác, chứ chẳng phải là thiện cực sinh ác vậy.

Nếu thiện cực mà chẳng chán thì bỏ nhân báo sinh Thiên cung, chứ có lý nào mà giảm thọ, bớt phước được ? Chỉ có thể coi thiện là tăng nhân, ác là giảm nhân (tổn nhân), chứ không thể nói thiện là ác nhân (nhân của ác), ác là thiện nhân (nhân của thiện) được.

Cho nên tướng tăng giảm rất giống với âm dương tiêu trưởng, nhưng sở dĩ tăng giảm đó là do tâm chứ chẳng do số. Cho nên khác với cách kiến giải cho lả tà nhân hoặc vô nhân, đó là vì kẻ hạ ngu bị vây bọc bởi số lượng, còn bậc thượng trí thì vượt lên số lượng, chẳng để cho vật (ngoài) xoay chuyển. Trên đây là căn cứ vào thông tướng của hiện kiếp mà giải thích nghĩa của biệt tướng.

Những điều giải thích đó đều được nói đầy đủ trong kinh luận.

Còn tiểu kiếp, pháp tăng giảm của nó thế nào ?

Theo Trang Xuân Tập : thì lúc ban đầu của trụ kiếp này, người Diêm Phù thọ 84.000 tuổi, thân cao 8 trượng, cứ qua 100 năm thì mạng giảm 1 năm, thân giảm một tấc. Qua 1.000 năm thì mạng giảm 10 năm, thân giảm 1 thước. Cứ như vậy giảm tới 10 tuổi, thân cao 1 thước thì là cực điểm của giảm kiếp.

Sau thời giảm đó lại nhập tăng kiếp, cứ qua 100 năm, mạng lại tăng 1 năm, thân tăng 1 tấc, tăng tới 1.000 năm thì mạng tăng 10 tuổi, thân tăng một thước. Cứ như vậy tăng tới 84.000 tuổi, thân tăng 8 trượng thì là cực điểm của tăng kiếp.

Một tăng, một giảm như vậy tính ra tổng cộng là 16.800.000 năm, đó gọi là 1 lộc-lư-kiếp. Qua 20 lộc-lư-kiếp mới là trụ một kiếp.

Xét sách Trang Xuân : thấy tổng số thì đúng, còn như nói thân cao 6 trượng là tăng cực thì lại là sai. Sao vậy ? Vì con người khi thân cao 8 trượng thì mới có 800 tuổi, lẽ nào mới tăng tới 800 tuổi mà đã giảm rồi ?

Và cũng làm gì có Luân vương 800 tuổi mà xuất thế ?

Nếu thế thì tăng giảm chỉ được mười sán vạn tám ngàn năm, chiếm 1/100 của tổng số nói trên mà thôi.

Kinh tuy nói rằng tăng tới 84.000 tuổi, nhưng đó chính là số năm trải qua, chứ chẳng phải tuổi thọ như vậy.

Nếu nói người thọ 84.000 tuổi, thế thì thân cao lẽ ra phải là 840 trượng, và số năm trải qua là tám vạn bốn ngàn năm đó mới là chính số của tăng cực.

Giảm cũng như thế.

Còn nói tới 10 tuổi, thân cao 1 thước là giảm cực thì là đúng.

Nhưng nếu bàn rằng giảm quá tám vạn bốn ngàn năm, thân giảm 8 trượng là giảm cực thì cũng sai.

Sao vậy ? Là vì, giả thử giảm quá tám vạn bốn ngàn năm (số năm trải qua), thân người giảm 8 trượng, lúc đó tuổi thọ của con người mới giảm 800 tuổi, vẫn thọ hơn tám vạn ba ngàn một trăm tuổi, thân vẫn còn cao hơn 831 trượng (lúc đó tuổi thọ chẳng phải là 10 tuổi, thân chẳng phải cao 1 thước) thế thì làm sao mà nói là giảm cực được ?

Lại dùng sơ đồ để thuyết minh, nếu qua 100 năm tăng 1 tuổi v.v… thì phải như sơ đồ này, nếu không thế thì chẳng phải là qua 100 năm tăng 1 tuổi (chờ khảo cứu thêm).

TĂNG KIẾP TỨ LUÂN VƯƠNG

(Bốn vị Luân vương thời tăng kiếp)

Phàm là trong tăng kiếp thì đều có bốn vị Luân vương lần lượt ra đời. Như trên, tăng dần tới lúc tuổi thọ của con người là 2 vạn thì có Thiết Luân vương ra đời, làm vua trị vì một cõi thiên hạ ra oai thì mới ổn định được.

Lại tăng tới lúc con người thọ 4 vạn tuổi thì có Đồng Luân vương ra đời làm vua cai trị 2 cõi thiên hạ ra oai thì mới phục.

Lại tăng tới lúc con người thọ 6 vạn tuổi, thì có Ngân Luân vương xuất thế làm vua ba cõi thiên hạ phải sai sứ đi thì mới phục.

Tăng tới lúc con người thọ 8 vạn tuổi thì Kim luân vương ra đời làm vua cai trị cả bốn cõi thiên hạ, khi nghe oai thì đã quy thuận sự giáo hóa.

Kim luân vương có đủ bảy thứ báu, có 1.000 người con, dùng mười điều thiện mà giáo hóa thế gian.

Bảy thứ báu đó gồm có :

1)- Xe vàng báu làm toàn bằng vàng thật, có đủ 1.000 lằn hoa. Ngày vua làm lễ Quán Đỉnh, vua bay ở trên không mà tới, nhờ sức chở của xe này, vua cùng tứ binh bay trên không trung mà đi quanh khắp bốn cõi thiên hạ, các vua Túc Tán vương ngóng đức đã quy phục.

2)- Voi báu : voi này trắng như núi Tuyết, có đủ 6 ngà.

3)- Ngựa báu : do nòi rồng sanh ra, vua cưỡi ngựa này, một ngày đi quanh được cả bốn cõi thiên hạ.

4)- Ngọc nữ báu : hóa sanh từ hoa sen, đoan chính đệ nhất.

5)- Chủ binh thần báu : (có người bề tôi báu giỏi về binh quyền), người bề tôi này dũng kiện có đại lực, trí lực vô địch.

6)- Bảo tàng thần báu : (người bề tôi báu, coi giữ kho báu), người bề tôi khéo biết cất giữ các thứ báu để vua mặc sức sử dụng.

7)- Như ý châu báu : ánh sáng chiếu xa 1 do-tuần, khiến đêm sáng như ngày lại theo ý vua mà mưa ra các thứ châu báu.

Vua (Kim luân vương) thọ tám vạn bốn ngàn tuổi, Thái tử nối ngôi;

Bấy giờ bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v…) xuất hiện, vị đất nổi lên trên, gạo tẻ tự mọc, bốn mùa ôn hòa, mọi người đều làm 10 điều thiện, cực kỳ sung sướng, trải qua một thời gian rất lâu (nói đủ như trong các kinh luận).

GIẢM KIẾP TIỂU TAM TAI

(Ba tai họa nhỏ thời giảm kiếp)

Hễ giảm kiếp tới cực điểm thì có ba tai họa lần lượt dấy lên.

Cứ theo như A Tỳ Đàm Luận nói thì đức Phật có dạy rằng :

Thế giới trong kiếp giảm, trải qua 20 tiểu kiếp hoại, sau đó lại trải qua 20 tiểu kiếp hoại rồi không, sau lại trải qua 20 tiểu kiếp không rồi khởi, thứ đến 20 tiểu kiếp khởi thành rồi trụ.Trong khoảng giữa kiếp trụ này có 3 tai họa nhỏ lần lượt xoay vần :

  1. Tật dịch tai,
  2. Đao binh tai,
  3. Cơ cẩn tai (nạn đói kém).

Lúc kiếp tiểu tai thứ nhất khởi lên thì có các dịch bệnh lớn. Người Diêm Phù tuổi thọ bị rút ngắn lại chỉ còn 10 tuổi, thân lùn chỉ bằng 2 hay 3 kiệt-thủ, lấy hạt vừng vực làm món ăn ngon nhất, lấy quần áo bện bằng tóc làm loại tốt nhất.

Đó là do con người lúc bấy giờ chẳng thực hành chính pháp, tà kiến tăng trưởng, ác quỷ gây tổn hại cho người, Quốc vương đều mất, đất nước hoang phế, chỉ còn các quận huyện nhỏ, cách nhau rất xa, bệnh khổ không được cứu chữa, một ngày một đêm, chết dịch nhiều vô kể, vì làm điều ác, bị quả báo này mà phải sinh vào kiếp trược này.

Bấy giờ quận huyện hoang vu, chỉ còn lại một ít nhà, cách nhau càng xa, không ai chôn cất, xương trắng đầy đất. Bảy ngày cuối kiếp, dân chúng còn lại đều bị dịch bệnh chết hết, chỉ còn một vạn người hay làm thiện hạnh được thiện Thần ủng hộ, chăng để đoạn tuyệt.

Bảy ngày qua rồi, dịch lớn tự tắt, quỷ ác tan đi, lúc ấy âm dương mới đều hòa, vị ngọt nảy ra, chúng gặp nhau giống như bạn thân, cùng yêu mến nhau, chẳng nở dứt, thiện pháp tăng trưởng (thiện tăng là nhân của tăng kiếp) tuổi thọ tăng dần cho tới 20.000 tuổi, lâu lâu tăng tới 80.000 tuổi. Bấy giờ nữ nhân 500 tuổi mới lấy chồng, đất nước sung sướng, thôn xóm đông đúc, áo quần tiền bạc châu báu đầy đủ thỏa thích, trải qua a-tăng-kỳ năm cho tới lúc chúng sanh chưa khởi lên mười điều ác (đây là lúc tăng cực).

Tới lúc họ khởi lên 10 điều ác (khởi ác là giảm nhân) thì thọ mạng giảm dần, đến khi tuổi thọ giảm tới 10 tuổi (giảm cực).

Còn tai họa đao binh, thì lúc người chỉ thọ 10 tuổi, tam độc tà kiến ngày đêm tăng trưởng, cha con anh em còn đấm đá tranh giành nhau, huống hồ là người khác. Họ dùng ngói đá dao gậy khủng bố lẫn nhau, các nước bốn phương sát phạt lẫn nhau, chết nhiều vô kể, quả báo bất thiện phải sanh vào thời kiếp trược này. Người người nhà nhà đều chết hết, còn sót ai thì phân tán đi, bảy ngày cuối kiếp, tay cầm cỏ cây liền thành dao gậy, tàn hại lẫn nhau.

Các người thời ấy sợ nạn binh đao phải chạy trốn vào trong núi rừng, lánh ra bãi bể, ẩn trong hang động đi tránh tai nạn.

Có lúc gặp nhau, ai nấy đều hoảng hốt bỏ chạy ví như hươu nai gặp phải thợ săn.

Bảy ngày đao binh, chết oan vô số, chỉ còn một vạn người để làm giống người (như trên).

Qua bảy ngày rồi, đao binh dập tắt, âm dương điều hòa, chúng sanh gặp nhau, vui mừng yêu thương nhau như bạn thân, từ 10 tuổi dần dần làm điều thiện, tuổi thọ tăng lên 20.000 cho tới 80.000 tuổi, trụ được a-tăng-kỳ năm (như trên).

Còn về nạn đói kém (cơ cẩn tai) thì lúc tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi, ăn toàn bằng vừng vực, lấy tóc người làm thành quần áo, bần cùng khốn khổ, ngu si tà kiến, ngày đêm tăng trưởng, thóc lúa đắt đỏ, sinh ra đói kém, thấy lương thực của người khác bèn tới cướp lấy mà ăn. Vì nhân duyên ấy, bị chết đói nhiều vô kể. Vì gây nghiệp ác, nên 4 – 5 năm liền chẳng mưa; vì đại hạn, nên phải kiếm rau cỏ để mà sống cũng còn chẳng được, huống chi là kiếm thóc lúa !

Một ngày một đêm, chết đói nhiều vô số kể. Quận huyện (chết sạch) vắng tanh, chỉ còn ít nhà, ba độc càng thịnh.

Lúc ấy 6 – 7 năm liền, đại hạn không mưa, nghĩ muốn thấy nước cũng còn chẳng được, nói chi đến chuyện ăn uống !

Bảy ngày cuối kiếp, chết đói gần hết, chỉ còn sót lại một vạn người (như trên) cho tới lúc tuổi thọ tăng tới 80.000 tuổi.

Luận Du Già nói : ba loại tiểu tai xuất hiện đó là : – Kiệm – Bệnh – Đao.

– Kiệm tai : lúc tuổi thọ con người còn 30 tuổi, mới bắt đầu xảy ra. Giữa lúc bấy giờ đồ ăn thức uống tinh diệu chẳng còn kiếm được nữa, chỉ đành rang xương mục mà cùng nhau tiệc tùng, nếu gặp một hạt thóc, hạt lúa hay hạt vừng vực v.v… thì quý như ngọc ma-ni, đem cất kỹ vào hòm rương mà gìn giữ.

Do đói kém như vậy, nên loài hữu tình chết gần hết; kiệm tai này kéo dài bảy năm, bảy tháng, bảy ngày mới qua khỏi được. Trong hữu tình đó có những người nảy ra hạ phẩm yếm ly, nhờ nhân duyên này mà tuổi thọ chẳng giảm sút, kiệm tai cũng chấm dứt. Tới lúc con người chỉ còn thọ 20 tuổi, tư tưởng chán họa khởi lên trước đây, nay loại thoái bỏ; bấy giờ có nhiều tai dịch liên tục phát sanh, các hữu tình đó phần nhiều bị chết.

Bệnh tai như vậy kéo dài bảy tháng, bảy ngày mới hết. Các hữu tình đó khởi trung yếm ly, do nhân duyên này nên thọ lượng không giảm, bệnh tai mới dứt.

Lại tới lúc con người thọ tới 10 tuổi, tư tưởng yếm họa khởi lên trước đây, nay lại thoái bỏ; bấy giờ các loài hữu tình dần dần gặp nhau, ai nấy đều nảy ra tâm địa mạnh tợn giết hại lẫn nhau. Do nhân duyên này tùy theo cầm cây cỏ hay ngói đá là đều thành dao kiếm, giết hại lẫn nhau. Trải qua bảy ngày mới chấm dứt được.

Lại có ba loại tối cực suy tổn :

1)- Thọ lượng suy tổn : chỉ thọ tối cực tới 10 tuổi.

2)- Y chỉ suy tổn : thân lượng giảm cực tới mức chỉ bằng 1 kiệt-thủ hoặc chỉ bằng một nắm.

3)- Tư cụ suy tổn : chỉ còn có vừng vực, lúa tẻ là loài thực phẩm hạng nhất, coi áo dệt bằng tóc là quần áo hạng nhất, coi sắt là đồ trang sức đẹp nhất.

Năm loại thượng vị thảy đều ẩn mất, có nghĩa là tô – mật – mía – dầu – muối thảy đều biến vị. Bấy giờ hữu tình là loài dần dần tụ tập khởi thượng yếm ly, chẳng thoái giảm nữa, lại hay bỏ được các pháp ác bất thiện, làm tổn giảm thọ lượng, tiếp tục thực hành các thiện pháp làm tăng trưởng thọ lượng. Do nhân duyên này mà thọ lượng, sắc lực, phú lạc, tự tại dần dần tăng trưởng tới tám vạn tuổi.

Kinh Trung A Hàm nói : lúc tám vạn tuổi, con người mới bắt đầu nảy ra thói ác, ăn cắp, ăn trộm tài vật của người khác, vì thói trộm cắp càng tăng nên thọ hình càng giảm. Cha thọ tám vạn tuổi, con chỉ thọ bốn vạn tuổi. Bấy giờ, chúng sanh lại tăng sát nghiệp, nên tổn thọ hai vạn tuổi. Lại thêm vọng ngữ, lưỡng thiệt nên tổn thọ một vạn tuổi. Lại thêm ghen ghét, tà dâm cho đến phi pháp dục ác, tà tham, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tà kiến, bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính trọng Sa-môn, chẳng làm phúc nghiệp, chẳng thấy tội đời sau nên thọ mạng ngày càng giảm tới 5.000, 2.000, 1.000, 500, 200, 100 cho tới khi tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi. Nữ sanh ra năm tháng đi lấy chồng, lấy vừng vực làm thượng vị, các thứ ngon ngọt đều mất hết, chỉ có kẻ làm mười điều ác là được người ta kính trọng, người dân đều có tâm địa tàn hại lẫn nhau (đao binh kiếp khởi, giống như Tỳ Đàm).

Cũng còn có những người biết hổ thẹn, ghét điều ác, những người này bèn đi ẩn náu ở chỗ núi non, đồng nội. Sau khi kiếp đao binh qua rồi, lại mới từ núi non đồng nội trở ra, gặp nhau họ càng có từ tâm đối với nhau, thương yêu nhau như thân hữu và nói như vầy : chúng ta do sanh tâm bất thiện, khiến thân tộc bị chết hết. Vậy chúng ta hãy cùng nhau thực hành thiện pháp, lìa nghiệp sát hại.

Làm điều thiện rồi, thì tuổi thọ liền tăng trưởng, 10 tuổi sanh con thọ 20 tuổi. Lúc đó lại nghĩ như vầy : nếu làm điều lành, thọ sắc càng tốt hơn, thì chúng ta phải làm thêm nhiều điều thiện nữa, phải lìa thói người ta chẳng cho mà cứ lấy (bất dữ nhi thủ) tức là thói trộm cắp, thế là tuổi thọ được tăng tới 40 tuổi.

Lại lìa tà dâm, vọng ngữ, cho đến không hành các pháp bất thiện như : lưỡng thiệt, thô ngôn, ỷ ngữ, tham lam, ghen ghét, sân khuể, tà kiến, phi pháp dục ác, tà tham cho nên thọ mạng tăng tới 80, 160, 300, 600, 2.000, 5.000, một vạn, hai vạn, bốn vạn.

Tám vạn tuổi, bấy giờ (chúng sanh) hiếu thuận với cha mẹ, cung kính bậc Sa-môn, tu hành các phước nghiệp, cõi Diêm Phù này cực kỳ sung sướng, nữ nhân 500 tuổi mới đi lấy chồng. Luân vương trị đời, nhân dân an lạc v.v… tật dịch, đói kém (theo dõi) lâu mau như trước.

Luận Tân Bà Sa nói :

Nếu ai có thể trong một ngày một đêm giữ giới chẳng sát sanh thì đến đời vị lai quyết định chẳng gặp phải tai nạn đao binh;

Nếu ai có thể đem một quả Ha Lê cúng dường tăng chúng với tâm ân cần thanh tịnh thì đến đời vị lai quyết định chẳng gặp phải tai nạn tật bệnh;

Nếu ai có thể đem một nắm cơm thí cho các hữu tình thì đến đời vị lai quyết định chẳng gặp phải tai nạn đói kém.

Thuật rằng : quán sát kiếp số tăng hay giảm, tuổi thọ con người dài hay ngắn, đất nước sung túc hay đói kém, thọ dụng khổ hay sướng đều hệ thuộc vào nghiệp. Nghiệp thiện hay ác chủ yếu là do tâm con người thuần phước hay phù bạc xâm lấn lẫn nhau, thiện và ác gặp nhau phát triển, nên kiếp tăng hay giảm, tuổi thọ dài hay ngắn cùng theo ngay đằng sau.

Đúng vậy thay ! Sự báo ứng của thiện ác như bóng theo hình, như vang theo tiếng, thọ báo sướng hay khổ thay đổi nhau vốn đều có nguyên nhân cả. Cho nên chúng ta ngày nay được bẩm thụ làm loài khôn thiêng nhất (trong vạn vật) cần phải dẹp bỏ mười điều ác, siêng làm mười điều thiện để quả báo đời đời được tốt lành đẹp đẽ. (Nếu như vậy) há chẳng tiêu dao vui sướng, phước đức có thừa ru ?

ĐẠI TAM TAI TƯỚNG

(Tướng của ba tai họa lớn)

Phàm là khí thế gian, thành lâu thì ắt hoại. Có ba loại tai họa lớn theo thời mà khởi lên :

1)- Một là hỏa tai, nghĩa là trong một đại kiếp, trụ kiếp qua rồi thì có một hỏa tai hủy hoại thế giới đó; tướng của hỏa tai đó như thế nào ?

Theo kinh Nhân Bổn nói rằng : lúc có ba tai họa lớn, thì có trận gió đen lớn thổi rẽ nước biển ra hai bên, lấy cung điện của mặt trời đem đặt lên lưng chừng núi Tu-di đặt vào trong đường đi của mặt trời. Do đó mà thế gian có hai mặt trời xuất hiện, các dòng sông bị khô cạn, sau đó lâu lâu gió lớn lại đem mặt trời thứ ba đưa ra, khiến nước sông Hằng lớn cũng phải khô cạn. Rồi bốn mặt trời xuất hiện, khiến ao A Nốc cũng phải cạn. Năm mặt trời xuất hiện, khiến biển cả khô cạn. Sáu mặt trời xuất hiện thì đại địa bốc khói. Bảy mặt trời xuất hiện thì đất núi hang bốc cháy rực (kinh Trường A Hàm, luận Tạp Tâm đều nói như trên. Kinh Quán Phật Tam Muội đồng thể giống như trên).

Thẳng đến cõi Phạm Thiên, cho đến cả cõi tam thiên đại thiên thế giới, không chỗ nào là không bị thiêu đốt hủy diệt. Chư Thiên Lục Dục thảy đều mạng chung, núi Tu-di lở, lửa cháy rừng rực suốt đến Phạm Thiên.

Phạm Thiên bỏ mạng, liền sanh lên cõi Quang Âm Thiên, dưới đó đều thành tro đen. Thiên tử mới sanh, chưa từng thấy cảnh này thảy đều kinh sợ. Thiên tử sanh trước đều đến ai ủi nói : đừng có kinh sợ, cuối cùng chẳng tới đây được (ý nói hỏa tai hủy hoại chỉ đến cõi Sơ thiền, chẳng tới cõi Nhị thiền, vì không có hỏa nghiệp, nhưng vì cõi Nhị thiền ở bên cạnh cõi Sơ thiền nên lửa hoại Sơ thiền chiếu sáng tới cõi Nhị thiền. Các Thiên tử mới sanh ở cõi Nhị thiền vừa mới nhìn thấy, bèn chẳng hiểu nên sanh ra hoảng sợ, các Thiên tử cũ nhìn quen rồi, nên đến an ủi).

Sau hỏa tai, lúc kiếp sắp thành, mây đen lớn kéo đầy, đổ mưa xuống khắp, giọt mưa to như trục xe, vô số ngàn năm, cả cõi Phạm Thiên, nước tràn ngập khắp bên trong tới cõi Phạm Thiên.

Nước đó lớn dần tới cõi Quang Âm Thiên (đó là nước thành kiếp này); nước này lại giảm, có trận gió lớn nổi lên khua động làm sóng cồn, làm nổi lên đám bọt tích tụ, tự nhiên kiên cố, biến thành những thứ trang sức bằng bảy báu của Thiên cung. Do đó có Phạm Thiên cung nước đó càng giảm, dựa vào đám bọt trước, lần lượt thành tựu Tha Hóa Thiên cung, thẳng đến khi thành bốn thiên hạ, thế giới lại được kiếp lập như trước (đây nói rõ về tướng thành trở lại của thế giới, thành rồi lại trụ, trụ rồi lại hoại, như thế lần lượt trải qua bảy kiếp hỏa tai, rồi sau kiếp thủy tai mới khởi).

2)- Hai là thủy tai : như trong hoại kiếp, chúng sanh đều sinh ở cõi Tam thiền rồi, bấy giờ mưa nước tro sôi, thủy tai từ cung thượng Quang Âm Thiên, ở trên theo nước mà tiêu diệt xuống tới cõi Dục Thiên, ở bên dưới thảy đều vô hình. Sau thủy tai lại có mây mưa lớn lại tạo tác ra thế giới. Sự tình cũng giống như lúc bị hỏa tai (lần lượt như vậy, trải qua bảy lần thủy tai, phong tai mới khởi lên).

3)- Ba là phong tai : chỉ khi các chúng sanh đều sinh ở cõi Tứ thiền rồi, phong tai mới nổi lên.

Kinh Nhân Bổn nói : sau thủy tai, sau đó rất lâu, trận gió đại Tăng Già thổi tới Quả Thực Thiên, gió này tỏa ra bốn phía, thổi vào các Thiên cung, khiến các cung này va đập vào nhau nát vụn như bụi, cho đến các núi chúa trong thiên hạ bị va đập vào nhau cũng y như thế. Dưới đất nước hết, dưới nước gió hết, sau đó lại trở lại mà đổ mưa lớn tới Quả Thực Thiên, gió thổi nổi sóng, chứa bọt thành đám, như lần thủy tai trước, thế giới lại được kiến lập như cũ.

Phàm là kiếp tam tai hoại, đều trải qua thời gian rất lâu, chứ không phải là khởi lên cùng một lúc. Có nghĩa là sau một đại kiếp có một hỏa tai, sau bảy hỏa tai thì bị một thủy tai, như vậy rất lâu rồi mới có một trận phong tai.

Đại tam tai kiếp vận, trước sau cộng là 64 đại kiếp, đó là con số của một vòng (một chu kỳ).

Bài kệ trong luận Tỳ Đàm nói : Sau bảy lần hỏa tai

Đến một lần thủy tai Bảy bảy hỏa, bảy thủy

Bảy hỏa nữa rồi phong. Thất hỏa thứ đệ hậu

Nhiên hậu nhất thủy tai Thất thất hỏa, thất thủy

Phục thất hỏa, hậu phong).

Đây là tổng quát về số lần lượt của tam tai (sẽ giải thích ở phía sau).

Luận Chánh Lý : ba tai họa lớn là thủy – hỏa – phong này nổi lên bức loài hữu tình, khiến họ phải bỏ mặt đất ở dưới mà lên tập trung ở trên trời. Thoạt đầu, hỏa tai dấy lên là do có bảy mặt trời xuất hiện, thứ đến thủy tai xảy ra là do mưa như thác đổ; cuối cùng đến phong tai nổi lên là do gió đập vào nhau.

Thời gian Tam tai xảy ra lần lượt thế nào ?

Trước hết phải liên tục xảy ra bảy lần hỏa tai, sau đó nhất định xảy ra bảy lần hỏa tai, sau đó nhất định xảy ra một lần thủy tai. Sau đó lại liên tục xảy ra ra bảy lần hỏa tai, lại đến một lần thủy tai. Cứ như vậy cho đến khi đủ bảy lần thủy tai, thì lại xảy ra bảy lần hỏa tai nữa, cuối cùng thì đến một lần phong tai dấy lên.

Tổng cộng có tám lần bảy thành 56 lần hỏa tai, bảy lần thủy tai, và một lần phong tai.

Thủy, phong tai khởi lên đều sau hỏa tai, vì đủ thủy, phong tai, ắt hỏa tai khởi lên; ba tai lần lượt, lý phải như thế.

Vì duyên cớ gì mà bảy lần hỏa tai mới có được một lần thủy tai ? Đó là do thọ thế của Cực Quang Tịnh Thiên (tức Quang Âm Thiên) nghĩa là thọ lượng của vị trời này phải hết tám đại kiếp, cho nên đến kiếp thứ tám mới có một lần thủy tai. Do đó phải biết rằng qua bảy thủy tai, tám lần hỏa tai, sau đó mới đến một lần phong tai.

Đó là do thọ lực của Biến Tịnh Thiên, nghĩa là vì vị này thọ lượng 64 kiếp nên tới tám lần tám kiếp mới có một lần phong tai.

Như các hữu tình tu Định thắng dần, nên chỗ chiêu cảm dị thục của thân họ lớn dần. Do đó mà chỗ ở của họ cũng dần dần được lâu dài.

(Như Tứ Thiền Quảng Quả thọ 500 kiếp, Không Xứ hai vạn kiếp, Phi Phi Tưởng tám vạn kiếp. Y báo của họ cũng rộng dần, số kiếp trải qua cũng lâu, vì nghiệp lực không thể nghĩ bàn, nên thế gian chẳng thể biết được. Chúng sanh từ vô thỉ tới nay nghiệp báo liên hoàn, số kiếp trải qua nhiều vô lượng, vô biên đâu phải chỉ là ngàn, vạn kiếp mà thôi ! Cho nên khi đức Phật giảng về viễn nhân thì lấy Sát-trần số để mà ví dụ, nếu chẳng phải là bậc Đại Thánh Lục Thông thì ai mà có thể dự vào đấy được).

Trong ba đại kiếp có 3.000 đức Phật ra đời.

Kiếp Trang Nghiêm đã trôi qua, kiếp Tinh Tú còn chưa tới, đến Hiền kiếp hiện tại bèn có 1.000 đức Phật ra đời. Vả lại nay cứ ước lượng bốn thời của Hiền kiếp thì có Thành – Trụ – Hoại – Không. Như vậy Thành kiếp đã qua rồi, Hoại – Không chưa tới. Hiện tại nay là Trụ kiếp, mà trong Trụ kiếp thì có 20 tiểu kiếp này lần lượt có đức Phật ra đời tại thế giới Sa-bà. Từ nhập Trụ kiếp đã trải tám giảm, tám tăng kiếp (tám tiểu kiếp) không có Phật ra đời. Nay sẽ là giảm kiếp thứ chín, có bốn Phật xuất thế, lúc đầu khi tuổi thọ con người mới giảm tới sáu vạn tuổi, thì có Phật Câu Lưu Tôn xuất thế; sau đó lúc giảm tới bốn vạn tuổi thì có Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế.

Sau nữa khi tuổi thọ con người giảm tới hai vạn tuổi thì có Phật Ca Diếp xuất thế, sau đó nữa lúc tuổi thọ con người giảm tới 100 tuổi thì có Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế;

Từ lúc bắt đầu Trụ kiếp cho tới thời đức Thích Ca Thế Tôn đã được

14.279 vạn 3.000 năm.

Cho nên kệ Pháp Số nói :

Sa-bà Trụ kiếp năm tháng đổi

Chín giảm còn nghe tám độ tăng

Một vạn bốn ngàn hai trăm lẻ

Bảy mươi chín vạn ba ngàn năm

(Sa-bà Trụ kiếp tuế lưu thiên

Cửu giảm nhưng văn bát độ thiêm

Nhất vạn tứ thiên linh nhị bách

Thất thập cửu vạn tam thiên niên).

Lại từ sau khi đức Thích Ca Thế Tôn nhập diệt, cho tới niên kỷ Thiệu Hưng của nhà Tống, đã trải qua 2.100 năm.

(Tính mới : từ năm Thiệu Hưng thứ nhất đời Tống Cao Tông tới năm Bính Ngọ, Vạn lịch triều ta (tức triều nhà Minh) lại thêm 476 năm nữa).

Người lại giảm thọ 21 năm, thân giảm hai thước một tấc; người thời nay chỉ sáu thước, thọ 80 tuổi (giảm tới mức tuổi thọ con người là 80 tuổi, thì thân lẽ ra phải là tám thước, trên nói chỉ được sáu thước, chưa chắc đã đúng. Vì thước có (các thứ) cổ kim dài ngắn khác nhau; thước Tống dài hơn thước Chu ba tấc, bốn phân, nên theo thước Chu vừa vặn đúng tám thước làm chuẩn).

Từ đây lại qua 7.000 năm nữa thì tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi, thân cao chỉ còn một thước, tới lúc bấy giờ sẽ là cực điểm của giảm kiếp (gặp ba tiểu tai).

Sau đó lại nhập tăng kiếp thứ chín : từ lúc tuổi thọ con người là 10 tuổi cứ qua 100 năm, mạng tăng một tuổi, thân tăng một tấc như trước; cứ tăng dần như vậy cho tới khi tuổi thọ là tám vạn tuổi thì có vua Kim luân vương xuất thế, tới đó sẽ là cực điểm của tăng kiếp (phàm trong tăng kiếp đều có bốn vua Luân vương xuất thế).

Sau đó lại nhập giảm kiếp thứ 10 : lúc giảm tới tám vạn tuổi thì có Phật Di Lặc hạ sanh. Từ Thiệu Hưng đến thời đức Di Lặc còn phải trải qua tám trăm vạn bảy ngàn năm. Bấy giờ cõi Diêm Phù trăm ức vàng ròng làm đất, đất bằng phẳng như bàn tay, lúa gạo tự sinh, nghĩ đến áo là áo lại, nghĩ đến cơm là cơm đến, vô cùng khoái lạc. Năm nữ đến 500 tuổi mới lấy vợ lấy chồng.

Hội đầu đức Di Lặc độ người đã được 92 ức, sau đó độ người vô số.

Thân Phật cao 32 trượng, nhân dân thân cao 16 trượng.

Đức Di Lặc trụ thế sáu vạn tuổi, thuyết pháp độ sanh, sau khi Niết-bàn, chánh pháp, tượng pháp cũng như thế.

Kinh Hiền Ngu nói : lời Phật dạy rằng : “Đức Di Lặc ba hội độ người đều là các chúng sanh trồng phước trong pháp Ta để lại, sau đó mới hóa độ đến loại đồng duyên”. Sau khi đức Di Lặc nhập diệt, lại giảm dần cho đến khi con người chỉ thọ 10 tuổi.

Mười giảm kiếp tới cực điểm lại nhập tăng kiếp thứ 10; từ kiếp thứ 11 đến kiếp thứ 14, không có đức Phật nào xuất thế. Trong kiếp thứ 15 có 994 đức Phật xuất thế; từ kiếp thứ 16 đến kiếp thứ 19 cũng không có đức Phật nào xuất thế. Tới kiếp thứ 20, cuối cùng có đức Phật Lâu Chí xuất hóa ở đời, sau khi Niết-bàn, 1.000 Phật xuất hết, 20 lộc-lư kiếp mãn rồi thì tới thời Hoại kiếp (gặp ba tai họa lớn).

Lâu lâu rồi lại tạo thành trời đất của vị lai kiếp Tinh Tú, và cũng lại có

1.000 Phật xuất thế.

Nên bài kệ Tam Thiên Phật Tổng Quát viết rằng:

Trang Nghiêm : Hoa Quang, Tì Xá Phù

(1.000 Phật quá khứ, chỉ nêu lên vị đầu và vị cuối).

Hiền kiếp : Câu Lưu, Phật Lâu Chí

(1.000 Phật hiện tại, chỉ nêu lên vị đầu và vị cuối).

Tinh Tú : Nhật Quang, Tu Di tướng

(1.000 Phật vị lai, chỉ nêu lên vị đầu và vị cuối). Chư Phật như vậy độ chúng sanh.

KỶ NIÊN KIẾP SỐ

(Số năm của kiếp)

Căn cứ vào sự tính toán của Trang Xuân Tập thì số năm của kiếp như

sau: 1)- Tiểu kiếp : (cũng gọi là biệt kiếp hoặc lộc-lư-kiếp).

Nghĩa là một giảm, một tăng; tăng giảm đó tổng cộng là 1.680 vạn năm (như trên đã tính, cứ qua 100 năm thì giảm một tuổi; từ 84.000 tuổi giảm tới 10 tuổi, tất cả phải trải qua 84.000 lần 100 năm. Đó là 84.000 năm, tính số năm của tăng cũng giống như giảm, tăng giảm gộp lại thì được 1.680 vạn năm). Gọi là 1 lộc-lư-kiếp; 20 tăng giảm số cũng như thế.

2)- Trung kiếp : (gồm bốn, tức là Trụ kiếp v.v…)

Nghĩa là 20 lộc-lư-kiếp; tổng cộng 20 lần tăng giảm là ba vạn, 3.600 vạn năm (cũng là 20 lần 1.680 vạn năm).

Đó gọi là một Trụ kiếp; bốn kiếp Hoại – Không – Thành số cũng như vậy.

3)- Đại kiếp : nghĩa lả bốn trung kiếp vậy. Tổng cộng bốn trung kiếp (cũng gọi là 80 tiểu kiếp) cộng là mười ba vạn bốn ngàn bốn trăm năm; (cũng gọi là bốn lần 33.600 vạn năm). Đó gọi là một đại kiếp.

Đó là cực số trước, sau, thành, hoại của trời đất, hết một vòng lại bắt đầu trở lại, vận vận không cùng vậy.

Quán sát thấy hư không vô lượng, nên thế giới vô biên. Đại hóa vô cùng, nên kiếp vận vô tận. Đại kiếp ở trong đại hóa cũng giống như một năm, còn Thành – Trụ – Hoại – Không là bốn mùa vậy, 80 tăng giảm thì như 24 khí. Bốn vị Luân vương như lân, phượng tháng đầu mùa hè. Người trong cảnh tam tai thì giống như côn trùng mùa thu sương gió; huống chi là các chúng sanh bé nhỏ, lăng xăng đi lại cũng như con ruồi, con nhặng ở trong cái Khí thế giới kia, chúng nó cứ bay nhắng rối rít mãi vậy. Một lần hóa thì sinh, hóa lần nữa thì tử, trôi dạt trong bể cả của đại hóa, cuối cùng sẽ về đâu ?

Đã là mộng rồi, lại còn mộng ở trong mộng, đêm dài tăm tối, khư khư chấp trước cái hư cho đó là thật, không biết đến ngày nào mà giác ngộ được ! Nếu chẳng có bậc Đại Thánh, Đại Giác ra đời, thì biết lấy ai là người giác ngộ cho họ được.

Có người hỏi : theo Kinh Thế của Thiệu Tử, thì con số tiêu trưởng của một Nguyên là mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm. Đó là cực số, trước sau của trời đất, so với đại kiếp nói trên chỉ là một phần vạn. Cớ sao lại bên nhiều, bên ít khác nhau ghê gớm như vậy ? Nhưng trên đời lại không có hai chân lý, vậy thì sẽ giải thích ra làm sao ?

Xin giải đáp về chuyện đó như sau : đại số Thành, Hoại của trời đất chỉ có bậc Thần Thánh Lục Thông mới biết, mới thấy được. Việc đó đâu phải là hạng tiểu trí, thế tục mà có thể lường được.

Người thế tục chỉ có thể nói chuyện thế gian, vượt quá loại đó thì là xuất thế pháp.

Hỏi : Thế thì số của 1 Nguyên há chăng là sai ru ?

Đáp : Số thăng bằng lý; Số 1 Nguyên của Thiệu Tử, về lý thì là đúng.

Nói khai vật, bế vật đó là ví von, như nay một năm xoay vần có một lần bĩ, thái, suy ngược trở lên thì trong 129.600 năm thuộc về 1 Nguyên cũng có một lần bĩ, thái và vận khí cũng như của một năm. Cho nên nói khai vật ở Dần, bế vật ờ Tuất; giống như tiết Kinh Trập thì khởi vật, tiết Sương Giáng thì sát vật.

Lý có khi là đúng.

Coi đó là số bĩ, thái của một đại vận thì là đúng. Nhưng cho rằng sự thành hoại của trời đất cũng như số ấy thì chưa chắc đã đúng. Nếu quả đúng như số ấy thì đến trong hội Dần mới có con người. Trải qua tám hội, đến sau hội Tuất thì con người đều không còn nữa, trời đất theo đó cũng sẽ bị hủy hoại.

Sau Tuất, trời đất quả thật sẽ bị hủy hoại ư ? Nếu hoại thì Phật Di Lặc v.v… sẽ sanh ở chốn nào ? (như trước đây đã nói trong vòng trời đất có 1.000 Phật xuất thế. Nếu trời đất đã bị hủy hoại rồi thì sẽ không có đất để mà sanh được).

Trước Dần quả thật không có người ư ? Nếu không có người thì Luân vương là ai ? Nếu nói sau Dần mới sanh ra con người thì lẽ ra là Luân vương vẫn còn đang tồn tại (Luân vương thọ 80.000 tuổi, nên đến nay lẽ ra vẫn còn tồn tại).

Thế thì số hoặc có sự thịnh suy (như tăng giảm kiếp nói trên), nhưng lẽ nào trời đất lại cứ theo con số tính toán của con người mà cũng có thể bị hủy hoại được.

Pages: 1 2 3 4 5 6