LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Phương Diệu Đình

(thư thứ nhất)

Thư nhận được đầy đủ, Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, nhưng do một người truyền hư (đồn đại), người ta thường tưởng lầm là thật, hết sức hổ thẹn sâu xa! Vì thế trước kia Tễ Quang có nhắc đến [chuyện cư sĩ tỏ ý muốn thân cận Quang], tôi nghi là ngẫu nhiên nói tới, nên chẳng dám gởi thư ngay. Nay ông đã gởi thư tới, biết ông vẫn chẳng coi hư danh [của Quang] là sai lầm, nên chỉ đành đem lầm đáp lạc. Nay đặt pháp danh cho cư sĩ là Đức Nhân, nghĩa là lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương” để tự hành, lại còn đem những điều ấy giáo hóa khắp hết thảy, khiến cho hết thảy mọi người đối với pháp thế gian đều chẳng thiếu sót, đối với pháp xuất thế gian đều cùng được hưởng lợi ích thật sự ngay trong đời này thì lòng nhân từ ấy cũng lớn lắm. Đấy là Đức Nhân. Nhân đứng đầu mọi điều thiện, Nhân chính là từ bi. Tên gọi tuy tương tự, nhưng đem lợi ích liễu sanh tử thật sự của Phật pháp dạy cho người khác, so với những pháp thế gian chỉ có lợi cho sắc thân, quả thật là cách biệt vời vợi một trời một vực!

Lệnh phu nhân Lưu Chí Từ, có pháp danh là Đức Từ, phụ nữ lấy “giúp chồng, dạy con” làm thiên chức. Nếu còn có thể dốc lòng tin tưởng pháp môn Tịnh Độ là pháp môn viên đốn nhất, thẳng tắt nhất trong Phật pháp, thì lòng Từ ấy không giống với lòng Từ được nói trong thế gian. Bởi lẽ lòng Từ thế gian chỉ có lợi cho sắc thân, chẳng màng đến thần thức, chỉ tính đến hiện tại, chẳng liên quan đến đời sau, huống là bao kiếp vĩnh viễn ư? Nếu có thể giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, và tín nguyện niệm Phật v.v… dạy bảo con cái cùng với tôi tớ và những người quen biết, khiến cho họ trong đời này cùng được trở thành bậc thánh hiền, lâm chung lên thẳng cõi thánh của Phật Di Đà, đấy gọi là Đức Từ. Lợi ích của lòng Từ ấy thấu tột đến tận đời vị lai trọn chẳng lúc nào hết. Nguyện hai vị ai nấy đều nỗ lực, ngõ hầu chẳng uổng kiếp sống này, chẳng uổng dịp gặp gỡ này!

Hiện nay đang lúc tình thế hoạn nạn, bất luận là ai, đều phải thường niệm thánh hiệu A Di Đà Phật và Quán Thế Âm. Dẫu gặp phải những nguy hiểm như nước, lửa, đao binh và bệnh tật do oán nghiệp v.v… mà nếu có thể chí thành niệm, chắc chắn chẳng đến nỗi nguy hiểm! Hơn nữa, nữ nhân đang khi sanh nở, hãy nên chí thành niệm thánh hiệu Quán Âm ra tiếng rõ ràng (lúc ấy chớ nên niệm thầm trong tâm) sẽ liền an nhiên sanh nở, chắc chắn chẳng bị khổ vì khó sanh. Dẫu khó sanh sắp chết, dạy người ấy niệm, sẽ tức khắc an nhiên sanh nở. Có thể đem điều này bảo khắp với hết thảy mọi người, chính là cứu sẵn sản nạn, cứu sẵn tánh mạng, mà con gái, con dâu v.v… của chính mình cũng đều cùng được Phật, Bồ Tát từ bi gia bị.

Đừng cho rằng Quang chẳng nên thốt ra lời này! Cổ nhân nói “sanh tử cũng lớn thay!” Lâm chung trợ niệm là giúp cho người chết được vãng sanh. Khi sanh nở niệm Quán Âm chính là giúp cho người sống cả mẹ lẫn con được lìa nguy hiểm. Mấy năm gần đây, tôi thường nghe kể nỗi khổ vì khó sanh, lại biết rõ chấp trước sai lầm của người đời (Có người niệm Phật, hễ trong nhà có ai sanh nở bèn trốn ra ngoài hơn cả tháng mới trở về). Vì thế tôi thường nói với hết thảy mọi người, mong hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm! Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không ghi cặn kẽ! (Ngày Hai Mươi Ba tháng Tám năm Dân Quốc 21 – 1932)

Cư sĩ Đức Nhân trước kia thành tích chánh trị khá nổi tiếng tại Giang Tây, nay đã ẩn cư, tịnh tu, cố nhiên nên dùng những chuyện như giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận và những pháp như tín nguyện niệm Phật v.v… để tùy thuận cơ nghi bảo ban những kẻ vốn đã phục tùng, tin tưởng, ngưỡng mộ, khiến cho bọn họ cùng được lợi ích thế gian lẫn xuất thế gian. Nay gởi cho ông Văn Sao, Gia Ngôn Lục, Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ, Chánh Tín Lục, mỗi thứ một phần để làm căn cứ tự hành, dạy người. Lại còn có Thọ Khang Bảo Giám, Cảm Ứng Trực Giảng mỗi thứ một phần để làm căn cứ dạy dỗ con cái và dạy người khác giữ gìn thân thể. Các sách này, nếu muốn lợi người [mà thỉnh với số lượng] ít thì hãy thỉnh ở chỗ ông Điền Thân Phủ tại số 86 ngõ Thái An, thành phố Hán Khẩu; nếu [thỉnh với số lượng] nhiều thì hãy thỉnh từ Hoằng Hóa Xã thuộc chùa Báo Quốc tại Tô Châu.

 (thư thứ hai)

Nhận được thư đầy đủ, gần đây người niệm Phật đông đảo, chuyện cảm ứng cũng thường luôn nghe nói. Hôm trước, Quán Âm Am ở Hoài An gởi tới một viên xá-lợi to bằng hạt kê, màu như ngọc Phỉ Thúy, nói là [viên xá-lợi ấy] kết từ hoa đèn thắp trước bàn Phật của một liên hữu; gởi tới muốn cậy Quang chứng minh, bình luận để khơi gợi lòng tin cho người khác. Quang liền đựng trong một cái hộp sứ cho mọi người xem; xem xong để thờ trước tượng Phật. Ngày hôm qua, sau buổi tụng kinh khóa sáng, mở hộp ra xem thì không còn nữa, chắc là đã trở về am đó rồi! Hôm qua tôi đã gởi thư hỏi chuyện ấy.

Có rất nhiều kẻ vẫn chỉ chuộng nghiên cứu, chẳng chịu thực hành, tức là thuộc hạng “thấy chuyện nhân mà cố nhường”, buồn thay! Lệnh từ tuổi gần tám mươi mà còn muốn quy y, đáng gọi là có thiện căn từ đời trước. Nhưng đang khi cụ tuổi cao như ngọn đuốc [chập chờn] trước gió này, cố nhiên nên tính kế lo xa. Nay gởi cho ông ba cuốn Sức Chung Tân Lương, ngoài một cuốn tự giữ ra, hãy nên tặng cho hai người Vương và Trần. Hãy nên bảo quyến thuộc trong nhà hằng ngày thay phiên bầu bạn niệm Phật với lệnh từ, một là để đẹp dạ cao đường, hai là khiến cho bọn họ ai nấy được gieo thiện căn, ba là luyện thành thói quen để lúc lệnh từ quy Tây mọi người đều trở thành người trợ niệm [cho cụ]. Nếu chẳng thường luyện tập, mà cũng chẳng thường nói điều lợi do trợ niệm khi lâm chung và mối hại do bày vẽ phô trương mù quáng, khóc lóc, thì tất cả quyến thuộc đều là kẻ phá hoại chánh niệm! Chuyện này hết sức khẩn yếu. Nếu không có ai nói, khó tránh làm hỏng chuyện thì vô biên lợi ích sẽ do vậy bị mất đi, thật hết sức đau lòng!

Quang chẳng thể nói tường tận, Sức Chung Tân Lương là sách nói tường tận chuyện này. Phận làm con khi trợ niệm cho cha mẹ vào lúc lâm chung thì hãy nên dốc hết lòng thành theo đuổi. Vì thế, trước hết quyến thuộc trong nhà phải tập luyện sẵn. Đã thường niệm và thường nghe điều lợi của trợ niệm và lẽ hại của sự phá hoại chánh niệm, họ sẽ có thể nhất trí tiến hành, giúp người đã khuất vãng sanh. Nay đặt pháp danh cho cụ là Đức Siêu, nghĩa là dùng nhất tâm niệm Phật để mong cầu vượt thoát tam giới, lên thẳng chín phẩm sen. Thư này tuy viết cho ông, nhưng hai vị Trần – Vương cũng nên dạy quyến thuộc của họ giống như thế để chính mình khỏi bị hỏng chuyện khi lâm chung. Hãy nên bảo họ ai nấy đều xem [thư và sách], Quang không rảnh rang để viết riêng cho họ.

Trần Minh Kính pháp danh là Đức Minh, nghĩa là có thể nhất tâm niệm Phật sẽ tự sáng tỏ được Minh Đức. Vương Sĩ Lâm pháp danh là Đức Lâm. Lâm (林) có nghĩa là “chúng” (眾: đông đảo), là “quân” (君: chủ, vượt trỗi) (theo sách Nhĩ Nhã). “Quân” có nghĩa là chủ. Có thể lấy tín nguyện niệm Phật làm chủ để lợi lạc đại chúng, thì công đức lớn lao, ai nấy đều ngưỡng mộ tuân theo. Nay gởi cho hai người ấy Văn Sao, Gia Ngôn Lục mỗi người một bộ, Sức Chung Tân Lương mỗi người một cuốn, xin hãy chuyển giao.

Do [những sách tính gởi ấy] chẳng đầy hết một gói nên đem Một Lá Thư Trả Lời Khắp thêm vào cho đủ hai phần. Lá thư này quả thật là bài văn có quan hệ lớn đối với thời thế hiện tại. Nếu có thể hành theo đó thì lợi ích sẽ tự biết, cố nhiên chẳng cần đợi phải thuật nói nữa! Vận nước nguy ngập, thiên tai, nhân họa liên tiếp giáng xuống mà chẳng cầu xuất sanh tử từ nơi bức thư ấy tức là tự phụ vậy. Bạch Cư Dị nói: “Ta bảy mươi mốt tuổi, chẳng còn chuộng ngâm nga, xem kinh nhọc sức quá, làm phước sợ bôn ba, lấy gì độ tâm nhãn? Một câu A Di Đà. Đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà. Rảnh rang, bận túi bụi, chẳng bỏ A Di Đà. Chiều tà đường còn xa, đời ta lần khân quá, sáng tối thanh tịnh tâm, chỉ niệm A Di Đà. Người thông đạt cười ta, càng niệm A Di Đà. Đạt thì sẽ ra sao? Không đạt lại thế nào? Nguyện khắp pháp giới chúng, cùng niệm A Di Đà” (Ngày Mười Một tháng Mười Một, viết dưới đèn).

(thư thứ ba)

Tịnh Độ Ngũ Kinh đã gởi đến, chẳng bao lâu sẽ có Kỹ Lộ Chỉ Quy gởi tới. Trong khoảng tháng Bảy, tháng Tám, sẽ có sách Vật Do Như Thử gởi đến. Hai đầu sách này đều do Du Dân Tập Cần Sở ở Tào Hà Kính, Thượng Hải, gởi tới. Một cuốn chuyên dạy người niệm Phật, một cuốn dạy người kiêng giết, bảo vệ sanh vật, nhưng chẳng có lời nào nhắc đến chuyện kiêng giết, mà chuyên tập hợp những hạnh cao đẹp hiếu, hữu, trung, nghĩa, trinh liệt, cứu nạn, giúp kẻ côi cút v.v… của loài vật, là tác phẩm đặc sắc trong những sách kiêng giết, sẽ in năm sáu vạn cuốn để phân phát cho những kẻ có học thức thì lợi ích lớn lắm. Lệnh hữu là Dịch Trọng Phù đã muốn quy y thì hãy bảo ông ta thường đọc Ngũ Kinh, nhất là chú ý đến hai lời Tựa và một lời Bạt của Quang, ngõ hầu chẳng đến bị các tri thức Thiền, Giáo, Mật lay động, đoạt mất chí hướng. Hai cuốn sách Kỹ Lộ Chỉ Quy, Vật Do Như Thử gởi đến, xin hãy tặng cho ông ta [mỗi thứ] một cuốn (Ngày mồng Hai tháng Năm năm Dân Quốc 24 – 1935)

(thư thứ tư)

Thư đã đọc xong, cư sĩ Lã Đức Pháp soạn bài ký về chuyện vãng sanh cho ông Trầm Đạm Nham rất hay. Chỉ có điều bốn dòng đầu chẳng hợp với thân phận của người ấy, cho nên tôi bỏ đi. Lời Bạt sau bài ký ấy, nói: “Công lao trùm lấp cõi đời, chẳng cự nổi một chữ Căng (kiêu căng); tội lớn ngập trời, chẳng cự nổi một chữ Hối”. Đạm Nham biết người đời trước làm nghề chẳng lành, khi cha mẹ còn sống đã khuyên cha mẹ đổi nghề. Khi cha mẹ đã mất, bèn dốc cạn lòng Thành sám hối, [làm như vậy] đã phù hợp sâu xa với nghĩa “người con có hiếu khuyên dụ cha mẹ hướng về đạo” và lời dạy “từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp” của đức Như Lai. Có đủ công đức ấy sẽ được vãng sanh. Huống chi lại dốc lòng tin Tịnh nghiệp, cạn hết lòng Thành niệm tụng ư? Những lời bàn luận trong phân nửa phần đầu bài ký của ông Lã không hợp thân phận. Rốt cuộc Đạm Nham được thành tựu là vì Đạm Nham trước kia làm đồ tể, về sau mới sám hối tu trì, vì thế chẳng thể áp dụng [nhận định ấy được]. Mong hãy nói với ông Đức Pháp điều này (Ngày Mười Chín tháng Mười năm Dân Quốc 24 – 1935)

 (thư thứ năm)

Hôm qua tôi đã bảo Hoằng Hóa Xã gởi đi hai gói Tịnh Độ Ngũ Kinh, chắc ông đã nhận được rồi. Hiện thời lòng người kém xưa, những vị đại thông gia đều chú trọng tranh chấp, quấy rối lẫn nhau. Hôm nay, Đương Gia chùa Linh Nham là thầy Diệu Chân tới đây cho biết thầy ấy có tổ đình Đông Nham Tự là tổ đình cổ đã trải nhiều đời ở Vũ Xương, cách Hồng Sơn mấy dặm về phía bên trái. Sư công[1] của thầy ấy là sư Nguyệt Hà sau khi viên tịch đã được dựng tháp ở đấy, do một đồ tôn[2] là Sư X… trông nom. Gần đây, vị ấy đã mất, học trò sư Nguyệt Hà là Từ Quang đến trông nom. Có kẻ xấu câu kết, muốn cùng nhau chiếm đoạt làm của riêng; do Từ Quang vừa già vừa nhu hòa nên bọn chúng bèn thừa dịp khinh lấn. Xin cư sĩ hãy giàn xếp để những kẻ muốn chiếm đoạt ấy dứt trừ cái tâm ngông cuồng đó thì danh dự của họ chẳng bị sứt mẻ, mà đại thể Phật pháp cũng chẳng bị tổn thương. Nếu bọn họ chẳng dứt được tâm ngông cuồng, đành phải nhờ pháp luật can thiệp thì những kẻ ấy và đại thể Phật pháp đều không được tốt đẹp cho lắm.

Xin ông hãy uyển chuyển [giàn xếp] khiến cho chuyện ấy bị tiêu trừ không dấu vết, thích nghi cho cả đôi bên thì vui sướng chi bằng! Cư sĩ phẩm đức rạng rỡ, y theo lý khuyên giải, bàn bạc, ắt họ sẽ nghe lời. Đấy cũng là đầu mối sửa sang lòng người, đôn đốc phong hóa lớn lao. Xin ông hãy nhọc lòng điều đình thì may mắn lắm thay! (Ngày Mười Tám tháng Năm năm Dân Quốc 25 – 1936)

***

[1] Sư công: Vị thầy của sư phụ mình được gọi là “sư công”, miền Trung, miền Nam thường gọi là Sư Ông, nhưng do miền Bắc thường gọi những vị Tăng đã thọ Cụ Túc Giới là Sư Ông (Tỳ Kheo), còn các Sa Di là Sư Bác, nên chúng tôi để nguyên không dịch chữ này để khỏi bị hiểu lầm.

[2] Đồ tôn: Đệ tử của học trò một vị Sư gọi là “đồ tôn”.