Bản Đồ An Lập Pháp Giới
(Pháp Giới An Lập Đồ)
Việt dịch: Hòa thượng THÍCH CHÂN THƯỜNG
Hiệu chỉnh: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

QUYỂN THƯỢNG – phần dưới

Yên Sơn Sa-môn Nhân Triều tập lục Phật tử Như Thị, Mộ hóa trùng san.

Mục lục:

II) Quảng bộ Đại địa:

  1. Tứ Châu đồ
  2. Tứ Châu thuyết
  3. Nghiệp nhân
  4. Xả báo tướng
  5. Sơn Hải đồ
  6. Sơn Hải thuyết
  7. Địa – Động – Duyên
  8. Long vương cung
  9. Kim Xí Điểu
  10. A-tu-la
  11. Thiên A-tu-la chiến
  12. Long Thần thân lượng
  13. Nghiệp nhân
  14. Địa ngục danh
  15. Bát Nhiệt ngục đồ
  16. Du Tăng ngục đồ
  17. Khổ Báo tướng
  18. Bát Hàn ngục đồ
  19. Tiểu địa ngục
  20. Xuất địa ngục
  21. Ác nhân
  22. Diêm ma vương
  23. Ngạ quỷ
  24. Súc sanh

(Nội dung):

QUẢNG BỘ ĐẠI ĐỊA

(Trên kia tuy đã thuyết minh về một châu, mới chỉ tạm mở mang chút ít nhằm giải quyết những sự bế trệ, vẫn chưa hết được đại địa, chẳng biết hải ngoại tứ châu Tu-di đều là đại địa cả, nên tiếp theo phần trên lại phải thuyết minh các vấn đề này).

 

TỨ CHÂU THUYẾT

(Thuyết minh về bốn châu):

– Bốn châu lớn:

Theo kinh Trường A Hàm : Phía Nam núi Tu-di có một cõi thiên hạ gọi là Diêm Phù Đề (đây gọi là Thắng Kim Châu, luận Tần Bà Sa thì gọi là Thiệm Bộ Châu). Cõi đó phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, ngang dọc mỗi chiều 7.000 dotuần, mặt người giống như địa hình đó. Có cây to tên là Diêm Phù, vòng thân bảy do-tuần, cao 100 do-tuần, cành lá tỏa ra bốn bên tới 50 do-tuần, người thọ 100 tuổi, đẻ ít chết nhiều, người chết yểu giữa chừng nhiều.

Luận A Tỳ Đàm viết rằng : Nam Châu y phục trang sức nhiều loại khác nhau, một đời dục sự vô số, cũng có người tu hành đến chết vô dục.

Kinh Khởi Thế nói : Phía Bắc đại hải có cây Diêm Phù, dưới cây có đống vàng Diêm Phù Na Đàn cao 20 do-tuần.

(Do loại vàng tốt này xuất hiện ở dưới cây, bèn lấy tên loại vàng đó để đặt tên cây, tên châu).

Luận Thuận Chánh Lý nói : có hai châu vừa (trung châu).

1. Già Mạt La (luận Tần Bà Sa nói : đó là chỗ La sát ở).

2. Phạt La Già La, đều có người ở (Tục Thư Luy trùng lục nói về hình người các nước khác nhau, có thể là các châu nhỏ ở trong biển chăng ?).

Kinh Trường A Hàm nói rằng : Phía Đông núi Tu-di có cõi thiên hạ, gọi là Phất Vu Đãi (đây gọi là Thắng Thân, Sách Lập thế gọi là Phất Bàn Đề). Cõi này phía Đông hẹp, phía Tây rộng như hình bán nguyệt, ngang dọc 9.000 dotuần, mặt người cũng giống như vậy; có cây rất lớn gọi là Già Lam Phù, vòng thân bảy do-tuần, cành lá tỏa ra bốn bên 50 do-tuần, cao 100 do-tuần, người thọ 200 tuổi. (Kinh Lâu Thán nói là 300). Ăn cơm cá thịt, dùng thóc lúa châu ngọc để mua bán đổi chác, có lễ cưới xin.

(Sách A Tỳ Đàm nói : Đông Phất Ba Đề). Người nhiều dục, một đời kể tới sáu bảy lần, cũng có người tu hành đến chết vô dục. Ăn cá thịt tự chết, chẳng sát sanh, tóc cắt phía trước, để xõa phía sau, mặc quần váy xong, quấn vải làm áo.

Luận Chánh Lý nói : Có châu vừa : một là Đề Hà, hai là Tì Đề Ha, đều có người ở.

Kinh Trường A Hàm nói : Phía Tây núi Tu-di có một cõi thiên hạ gọi là Câu Da Ni (ở đây gọi là Ngưu Hóa, luận Bà Sa gọi là Cù Đà Ni). Cõi này hình như vầng trăng tròn, mặt người cũng giống như thế, ngang dọc 8.000 do-tuần, có cây đại thụ gọi là cây Cân Đề, vòng thân bảy do-tuần, cao 100 do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía 50 do-tuần, người thọ 300 tuổi, dùng trâu ngựa, châu ngọc để cùng nhau trao đổi mua bán ở chợ búa.

– Sách A Tỳ Đàm nói : cõi đó ăn thịt sát sanh, người chết đốt xác hoặc thả xuống nước, chôn dưới đất, tục cưới xin như Nam Châu. Người nhiều dục (một đời) tới 10 hay 12 lần (lấy vợ, lấy chồng). Cũng có người vô dục, trang sức đều bỏ xõa tóc, trên dưới mặc áo, mặc quần.

– Luận Thuận Chánh Lý viết : có hai châu vừa : Một là Xá Đệ, hai là Đát Lý Noa, đều có người ở.

– Luận Khởi Thế nói : dưới cây Cân Đề có một con trâu đá cao một do tuần, vì thế mà đặt tên là Cù Đà Ni và lấy tên đó làm tên châu.

Kinh Trường A Hàm nói : phía Bắc núi Tu-di có một cõi thiên hạ gọi là Uất Đan Việt (ở đây gọi là Tối Thắng, luận Bà Sa gọi là Câu Lư Châu). Châu này hình vuông, mặt người giống như thế, ngang dọc một vạn do-tuần, có cây chúa tên gọi là cây Am Bà La, vòng thân bảy do-tuần, cao 100 do-tuần, cành lá tỏa ra bốn bên 50 do-tuần, người thọ 1.000 tuổi, không có chợ búa mua bán, cứ duy trì sinh hoạt mà sống, không có ngã – ngã sở; các núi, ao tắm, hoa quả xum xuê, chim chóc hòa vang, bốn mặt có bốn sông lớn, từ ao A Nậu Đạt chảy ra, không có hố rãnh, gai góc, ruồi muỗi trùng độc, gạo tẻ mọc tự nhiên (tự sinh), các món ăn đầy đủ, dùng ma-ni Diệm Quang đặt ở dưới nồi vạc tự nhiên nấu cơm chín thì ánh Diệm Quang tắt.

Có cây tự uốn thân, lá nó kín dầy, trời mưa không dột, nam nữ ngủ ở dưới đó, cây thơm quả chín tự nhiên tách ra thấy đủ mọi loại áo quần, hoặc là đồ ăn thức dùng. Trong sông có thuyền báu chở người vui vầy trong đó; khi xuống sông tắm, họ cởi quần áo để trên bờ, rồi ngồi thuyền sang qua sông, gặp quần áo liền mặc, chẳng tìm quần áo cũ, tới cây hương thụ vui vầy, họa đàn rồi đi; họ không có bệnh tật, hình mạo giống nhau, màu tóc đen xanh, để ngang mày thì thôi. Lúc người nào khởi dục tâm thì nhìn chằm chằm vào người nữ, người nữ đó theo vào vườn trong rừng. Nếu người nữ đó là hàng thân thích nội ngoại của cha mẹ thì chẳng nên hành dục, mà cây chẳng rủ bóng xuống, nam nữ đều tự giải tán mà đi; nếu chẳng phải là người thân như vậy thì cây tự cong uốn che cho thân thể của họ để họ tùy ý vui vầy, một ngày, bảy ngày mới bỏ đi; có thai bảy tám ngày thì sanh, tùy sanh trai hay gái đều mang để ở ngã tư đường, người đi đường chìa ngón tay ra, đứa trẻ ngậm mút ra sữa đầy khắp cả người. Qua bảy ngày rồi, đứa trẻ đó to lớn, nam đi theo đám nam, nữ đi theo đám nữ, lúc chết chẳng khóc (vì tuổi thọ của người ở đây nhất định đều đủ 1.000 tuổi, nên chết thì không điếu). Người chết được trang sức rồi đặt ở ngã tư đường, có loại chim gọi là chim Ưu Úy Thiền Già tha đi đặt ở nơi khác (Lập Thế nói rằng : chim đó tha thi hài đến chỗ bên ngoài núi mà ăn. Kinh Khởi Thế nói rằng : người ở đây chết thì có loài chim tha tóc của người đó đặt ở thế giới phương khác).

Đất ở đây mềm mại, bập bềnh theo bước chân đi. Lúc đại tiểu tiện, đất tự nứt ra, xong thì đất tự khép lại. Đây chính là chỗ tốt lành, những người trong đời trước đã tu hành mười điều thiện mới được sanh ở châu này, mạng chung sẽ được vãng sanh lên cõi trời.

Sách A Tỳ Đàm nói : người ở đây, ai đa dục thì một đời đến tới bốn năm lần, cũng có người vô dục.

Sách Thuận Chánh Lý viết : có hai châu vừa : một là Củ Lạp Bà, hai là Kiều Lạp Bà, đều có người ở.

Kinh Khởi Thế nói : người Nam Châu thân cao ba trửu rưỡi, người ở các châu Đông Tây cao cũng như thế (trửu lượng ít), người Bắc Châu cao bảy trửu.

Sách A Tỳ Đàm nói : người Nam Châu thân cao ba trửu rưỡi hoặc bốn trửu, người Đông Châu cao tám trửu, người Tây Châu cao 16 trửu, người Bắc Châu cao 32 trửu (mỗi trửu bằng một thước tám tấc của nhà Chu).

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : người Bắc Châu dù bị núi chắn vẫn nhìn thấu suốt được các thứ ở bên ngoài không hề trở ngại; tai nghe dù gần dù xa, dù to dù nhỏ, đều nghe rõ cả. Người Đông Châu ở trong chỗ tối vẫn nhìn thấy rõ các màu sắc. Nhĩ thức chỗ duyên hết một tầm tên bắn. Người Tây Châu nhãn thức chỗ duyên núi non tường vách đều không ngăn ngại được; nhãn thức còn có thể nghe được âm thanh, như loài trăn ở Diêm Phù Đề, trong mắt nghe được âm thanh. Người Cù Đà Ni cũng thế, như cách chướng ngại vẫn nghe rõ các âm thanh, nhìn rõ các sắc tượng, giống y như thế (đây nói về báo thân của ba châu, nên có thể nhìn thấu nghe suốt được).

(Còn người Nam Châu thì cách lớp giấy dán cửa sổ đã chẳng nhìn thấy các vật ở bên ngoài, cách chướng thì chẳng thể nghe thấy tiếng, cho nên chẳng được như thế. Đó là nói chung, chứ nói riêng thì Nam Châu cũng có người thông.

Như Thiền sư Thanh Bẩm đang an tọa thì nghe thấy tiếng kéo gỗ, bèn nói: ‘Chớ có làm hỏng thềm !’. Thị giả chẳng thấy có ai kéo gỗ, nhìn kỹ thì thấy đàn kiến đang kéo cánh con chuồn chuồn lần thềm mà bò lên. Đó cũng là nói về chuyện Tĩnh Cực Quang Thông vậy.

Ngài Long Thọ ngửi viên thuốc mà biết được trong dược phẩm đó, thành phần mỗi thứ là bao nhiêu.

Ngài Đồ Trừng cách mấy ngàn dặm nhìn thấy được lửa cháy thành.

Ngài Phạm Tăng đang ngủ nghe tiếng rận gào mà thức giấc.

Người thế tục cũng có kẻ mắt sáng nhìn rõ mảy lông mùa thu, tai thính nghe rõ tiếng kiến đánh nhau).

Kinh Lăng Nghiêm nói : A Na Luật Đà không mắt mà nhìn thấy; rồng Bạt Nan Đà không tai mà nghe tỏ; Thần nữ sông Căng Già chẳng dùng đến mũi mà ngửi thấy mùi hương; Kiều Phạm Bát Đề lưỡi khác mà biết được vị; Thuấn Nhã Đa Thần không thân mà biết đụng; Ma Ha Ca Diếp không dùng ý mà vẫn biết.

(Đây đều là những bậc chẳng dùng đến sáu căn mà vẫn biết. Hơn nữa, lại biết được một cách thắng diệu. Hoặc tu mà được, hoặc do quả báo mà được, nhưng nói chung đều nhờ nghiệp duyên. Nếu tịnh được lưu vọng, khôi phục được viên thường thì chân minh thông suốt, sáu căn hỗ dụng, tức là trong diệu lại thêm diệu vậy).

Luận Bà Sa nói : bốn châu lớn, tám châu vừa, hình người lùn nhỏ. Lại có 500 châu nhỏ, hoặc loài người ở, hoặc loài phi nhân ở, hoặc có chỗ trống (phi nhân là loài quỷ, loài này có loại là thai sanh, có loại là hóa sanh, dầy dẫy khắp nơi).

Kinh Nhân Bổn viết : Diêm Phù có năm điều hơn ba cõi thiên hạ khác, thậm chí hơn cả Tha Hóa (Tự Tại Thiên) :

  1. Dũng kiện,
  2. Chánh niệm,
  3. Là nơi Phật xuất thế,
  4. Là đất tu nghiệp,
  5. Là chốn tu hành phạm hạnh.

Chư Thiên và ba cõi thiên hạ khác đều có ba điều hơn cõi Diêm Phù:

  1. Trường thọ.
  2. Sắc thắng.
  3. Địa thắng.

Kinh A Hàm nói: Nam Châu có ba sự thắng:

  1. Dũng mãnh nhớ dai, năng tạo nghiệp hạnh.
  2. Siêng tu phạm hạnh.
  3. Phật xuất thế ở đất đó.

Luận Phân Biệt Công Đức nói : Tôn giả Bà Câu La trường thọ đệ nhất, trong trăm tuổi thọ còn thêm 60 tuổi nữa; ngài A Nan hỏi : ‘Tôn giả trường thọ, sao không sanh ở ba phương khác ?’. Đáp : ‘Chư Phật chẳng sanh ở ba phương khác, vì ở các cõi đó, con người khó giáo hóa. Ở cõi này, chúng sanh lợi căn nhanh nhẹn, cực ác mạnh mẽ, theo đạo chẳng khó. Cho nên chư Phật thời xưa đều sanh ở cõi này.

(So sánh kinh luận thì thấy Nam Châu nếu hơn là hơn về đạo, ba châu khác có hơn là hơn về phước. Song Bắc Châu phước lạc hơn hết, mà kinh lại gọi là khó (giáo hóa) là vì sao ?

Vì tuy có phước lạc dồi dào, tuổi thọ lâu dài, nhưng không có trí tuệ, chẳng thể tăng tu đạo nghiệp; Phật chẳng sanh ở cõi đó, nên chúng nhân chẳng được nghe chánh pháp, mới gọi là khó, tức là một trong tám điều khó (bát nạn) vậy.

Nam Châu có Phật xuất thế, các bậc căn khí đại kiệt phần nhiều đều sanh trong châu này, vì chúng sanh ở đây thọ mệnh ngắn ngủi, bị mọi nỗi khổ bức bách, sợ hãi phát tâm, siêng tu đạo hạnh, có ích cho tương lai nên là hơn hết trong bốn châu vậy.

NGHIỆP NHÂN

Tứ Giáo Nghi nói : tại nhân nếu tu hành Ngũ Thường, Ngũ Giới, Trung Phẩm, Thập Thiện thì sẽ được quả báo sanh làm thân người.

(Hoặc lúc làm phước, có chánh – trợ, kính – mạn, hỉ – nộ, chuyên – lược.

Nhiều ít khác nhau, nên khi thọ báo cũng có đẳng bậc Trung Biên, sang hèn, đẹp xấu, tinh thô, giàu nghèo khác nhau).

Kinh A Hàm nói : vua Ba Tư Nặc bạch Phật rằng : ‘Bà-la-môn thì lại thác sanh vào tộc tính Bà-la-môn của mình, hay là sanh vào nhà các đẳng cấp Sát-đếlợi, Bề-xá, Thủ-đà-la ?’. Phật dạy : ‘Sao lại có thể như vậy được ? Phải biết rằng có bốn loại người :

1. Là loại từ chỗ tối lại vào chỗ tối : nghĩa là có người sanh ở gia đình thuộc tộc tính thấp hèn như sanh ở nhà Chiên-đàn-la, nhà dân chài, phường săn và ở các gia đình thấp hèn khác, làm các nghề nghiệp thợ thuyền nghèo túng tiều tụy, lại làm các nghề thấp hèn, thậm chí làm đầy tớ cho người ta sai khiến. Đó gọi là chỗ tối. Ở trong chỗ tối đó, nếu lại làm các điều ác về thân, khẩu, ý thì khi thân hoại mạng chung sẽ phải thác sanh vào chỗ ác. Xả ác, thọ ác, nên gọi là từ chỗ tối lại vào chỗ tối.

2. Là loại từ chỗ tối vào chỗ sáng : có nghĩa là có người thế gian sanh trong gia đình thuộc tộc tính thấp hèn, thậm chí làm các nghề nghiệp hèn kém như làm tôi tớ cho người ta sai khiến, đó gọi là chổ tối. Ở trong chỗ tối đó mà thân, khẩu, ý đều thiện, thì khi mạng chung sẽ được vãng sanh lên cõi trời. Cho nên gọi là từ chỗ tối vào chỗ sáng.

3. Là loại từ chỗ sáng vào chỗ tối : có nghĩa là sanh ở gia đình giàu sang, thông minh sáng láng, đó gọi là chỗ sáng. Ở trong chỗ sáng đó mà thân, khẩu, ý ác thì khi mạng chung sẽ phải sanh vào nẻo ác. Nên gọi là từ chỗ sáng vào chỗ tối.

4. Là loại từ chỗ sáng lại vào chỗ sáng : chỉ những người sanh ở gia đình giàu có sung sướng, đó gọi là chỗ sáng. Ở trong chỗ sáng này mà thân, khẩu, ý thiện thì khi mạng chung sẽ được vãng sanh vào nẻo thiện, thọ thiên hóa sanh, đó gọi là từ chỗ sáng lại vào chỗ sáng.

  1. Sát-lợi: là vương tộc, giòng làm vua
  2. Bà-la-môn là Tịnh Chí
  3. Bề-xá là lái buôn
  4. Thủ-đà-la là nông phu
  5. Chiên-đà-la là hạng đồ tể.

Đó là sự phân biệt quý, tiện ở Ấn Độ (thời xưa).

Tối (minh) là ác vậy, ác tướng ngu si tối tăm, thì gọi là tối (minh). Sáng (minh) là thiện, thiện tướng thông minh sáng láng, nên gọi là sáng (minh). Ba nghiệp ác thì thập ác đủ, sanh ở chỗ ác thì đủ cả ba đường ác.

Ba nghiệp thiện thì đủ thập thiện, sanh ở nẻo thiện thì đủ cả ba đường thiện.

Nói sanh lên cõi trời, là nói lược qua. Có nghĩa là : nhân bao quát cả thiện ác, quả thông suốt tới sáu đường, tất cả đều xuất phát từ đường người).

Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt viết : Phật dạy rằng : còn có mười nghiệp hay khiến chúng sanh có thể được quả báo sanh vào nẻo người. Mười nghiệp đó là những gì ?

  1. Chẳng sát sanh,
  2. Chẳng trộm cắp,
  3. Chẳng tà dâm,
  4. Chẳng vọng ngữ,
  5. Chẳng ỷ ngữ,
  6. Chẳng lưỡng thiệt,
  7. Chẳng ác khẩu,
  8. Chẳng tham,
  9. Chẳng sân,
  10. Chẳng tà kiến.

Trong mười thiện nghiệp đó có chỗ thiếu sót chẳng được hoàn toàn, (nhưng) nhờ mười nghiệp này sẽ được quả báo thác sanh vào nẻo người (đây là thuyết minh về tổng báo).

Thêm nữa, các nghiệp tự mình sát sanh hoặc khuyến khích sai bảo người khác sát sanh thì sẽ bị quả báo phải đoản mạng. Các nghiệp tự mình chẳng sát sanh, khuyên người khác chẳng sát sanh, thì được quả báo trường thọ.

Tự mình trộm cắp, xui người trộm cắp sẽ bị quả báo phải túng thiếu. Tự mình không trộm cắp, khuyên người khác chẳng trộm cắp, thì được quả báo giàu có.

Hay đánh đập chúng sanh, não loạn bậc Tôn Hiền thì bị quả báo lắm bệnh tật. Chẳng đánh đập chúng sanh, săn sóc người ốm đau, khổ sở thì được quả báo ít bệnh tật. Hiềm thù, gây phiền não cho người khác, chẳng kính trọng bậc Tôn trưởng thì bị quả báo xấu xí.

Yêu kính cha mẹ, Hiền Thánh, cúng áo Sa-môn, quét tháp thì được quả báo tướng mạo đoan chánh. Chẳng kính cha mẹ, Sa-môn, Sư trưởng, khinh miệt hạ tộc (đẳng cấp) thì bị quả báo phải sanh vào tộc tính thấp hèn.

Kính thờ cha mẹ, Sa-môn, Sư trưởng, tuân theo các lời dạy bảo (của các bậc đó) thì được quả báo sanh vào tộc tính bậc thượng.

Chẳng học hỏi bậc trí tuệ Đại sư Sa-môn, công khai thuyết rõ ác pháp thì sẽ bị quả bào tà trí. Năng học hỏi bậc trí tuệ Sa-môn, tu tập đa văn thì sẽ được quả báo chánh trí.

Ở chỗ Tam bảo, chỗ người tịnh giới, chẳng sanh tâm kính trọng, cúng dường, bố thí, thì sẽ bị quả báo phải sanh ở nơi biên địa.

Đối với Tam bảo, với người tu phạm hạnh, sanh tâm kính trọng, cúng dường bố thí thì được quả báo sanh ở nơi trung tâm của đất nước, gặp Phật nghe pháp (đây nói sơ lược về biệt nhân, muốn biết tường tận thì phải xem toàn kinh). Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : Nghiệp có các tướng, hiện thọ, sanh thọ và hậu thọ. (Đây tức là ba loại báo : Thọ tức là báo, hiện tác hiện thọ, đó là hiện báo. Nay gây nghiệp đến đời sau thọ, đó là sanh báo. Đời nay gây nghiệp đến đời sau nữa mới thọ, thì gọi là hậu báo. Vì nhân có thứ mạnh, thứ yếu, nên báo cũng có thứ nhanh thứ chậm khác nhau. Người đời chẳng biết điều đó, cho là không có báo ứng).

XẢ BÁO TƯỚNG

Người lúc chết, thân tâm mê muội như lúc ngủ không mơ, như lúc chết ngất, ý thức sáng suốt ắt chẳng hiện khởi.

Sáu loại : chuyển – thức, hành – tướng, sở – duyên ắt chẳng thể biết. Tâm có tán loạn đó gọi là sanh tử tâm (tức là Bát thức vậy). Lúc này do nghiệp thiện ác, các phần trên dưới thân thể, chất lạnh dần dần lan toả lên.

Có bài tụng rằng:

Đảnh: Thánh, nhãn: sanh Thiên,
Nhân: tâm, ngạ quỷ: phúc,
Bàng sanh: Tất-Cái li,
Địa ngục: Cước bản xuất.

(Mắt chẳng nhìn thấy, tai chẳng nghe tiếng, trước hết là không có năm thức, tâm chẳng biết, sáu thức cũng không nốt. Thân còn ấm tức là bát thức vẫn còn, bát thức lìa thân thì lạnh. Nghiệm chỗ cuối cùng vẫn còn nóng là chỗ nào, nếu tâm nóng thì sẽ sanh vào đường người. Các chỗ khác cũng như lệ này : ý nói có sự thăng trầm là căn cứ vào đó. Người thế tục bảo rằng : thân chết khí tan, ai thọ khổ báo ? Đó là do chẳng biết, chỉ có bát thức mà thôi).

Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ nói : Phật dạy rằng : nếu người nào lúc mạng chung mà biết trước lúc mạng chung, chánh niệm phân minh, tắm gội mặc quần áo, yên lành mà đi, ánh sáng chiếu thân, thấy Phật tướng hảo, mọi điềm lành đều hiện, thì biết chắc rằng người đó nhất định được vãng sanh tới cõi Tịnh độ.

Nếu người nào niệm Phật giữ giới, nhưng không có tâm tinh tấn, mạng chung cũng không có tướng lành, cũng không có tướng ác, địa phủ chẳng thu, cõi an dưỡng (tức Tây phương Cực lạc) cũng chẳng nạp, như ngủ mà đi, người đó nghi tình chưa đoạn, sanh ở Nghi thành, 500 năm thọ lạc, lại tu thêm tín nguyện thì mới được về cõi Tịnh độ.

Nếu người nào khởi tâm lân mẫn, chánh niệm hiện tiền, đối với của cải châu báu, vợ con tâm không ái luyến, nhãn sắc thanh tịnh, ngẩng mặt ngậm cười, tưởng niệm Thiên cung sẽ đến đón ta, tai nghe Thiên nhạc, mắt thấy Thiên đồng, bỏ báo thân này, nhất định sẽ vãng sanh lên Thiên giới.

Nếu người nào sanh tâm nhu nhuyễn, khởi tâm phước đức, thân không bệnh nạn, nhớ tới cha mẹ vợ con, đối với điều thiện điều ác, tâm chẳng rối loạn, tâm vẫn chánh trực, di chúc gia tài, từ biệt mà đi thì người ấy chắc chắn sẽ lại sanh ở cõi người.

Nếu người nào đối với quyến thuộc của mình, mắt nhìn dữ tợn, giơ tay bắt chuồn chuồn, đại tiểu tiện đều chẳng biết, thân thường hôi thối bẩn thỉu, hai mắt đỏ ngầu, úp mặt mà nằm, người co quắp nghiêng về bên trái, trăm khớp nhức mỏi, hoặc thấy ác tướng, miệng chẳng nói được, rên rỉ kêu la, oan trái hiện tiền, tâm thức tán loạn, cuồng hoặc điên đảo, người lạnh như băng, chết nắm tay lại, thân cứng như đá, người đó mạng chung nhất định vào địa ngục.

Nếu người nào thích liếm môi mình, thân nóng như lửa, thường lo đói khát, thích nói đến chuyện ăn uống, miệng há chẳng ngậm, tham lam luyến tiếc tiền của châu báu, mạng hết khó dứt, mở mắt mà đi, người ấy nhất định đọa vảo ngạ quỷ.

Nếu người nào thân bị bệnh nặng, như ở chỗ mây mù, tâm thần hôn tán, sợ nghe danh Phật, thường hay thích ăn các món máu thịt, chẳng chịu nghe khuyến hóa, ái luyến vợ con, ngón tay ngón chân co quắp, mồ hôi chảy khắp người, phát ra tiếng khò khè, miệng sùi bọt mép, tướng này hiện tiền thì nhất định đọa vào ngả súc sanh.

(Đoạn này ý nói : người ta lúc mạng chung, tâm có niệm thiện ác, thân có tướng tốt xấu để bói được sẽ thăng trầm ở chốn nào).

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói : Phật bảo ông A Nan : Hết thảy thế gian, sanh tử nối nhau, sanh theo thuận tập, tử theo biến lưu. Lúc sắp mạng chung, chưa bỏ noãn xúc (cảm giác về hơi ấm), những điều thiện ác trong cả một đời bỗng nhiên cùng hiện lên ngay trong một lúc. Thuần tưởng tức phi ắt sanh lên trời; nếu trong phi tâm kiêm cả phước tuệ, cùng với tịnh nguyện thì tự nhiên tâm khai, thấy mười phương Phật, tùy theo bổn nguyện có thể vãng sanh tới mọi cõi Tịnh độ. Tình ít tưởng nhiều, khinh cử chẳng phải là xa, tức là phi tiên.

Tình tưởng bằng nhau, chẳng phi chẳng trụy, thì sanh ở cõi người. Tưởng thì thông minh, tình thì ám độn, tình nhiều tưởng ít, lưu nhập hoạnh sanh (tức sanh vào loài súc sanh), nặng thì làm loài có lông, nhẹ thì làm loài có cánh.

Bảy tình, ba tưởng chìm xuống Thủy luân, sanh ở Hỏa Tế, thọ khí lửa mạnh, thân làm ngạ quỷ, thường bị lửa đốt, nước cũng hại được, không ăn không uống, trải trăm ngàn kiếp.

Chín tình một tưởng, xuống động Hỏa Luân, nhẹ thì sanh ở địa ngục Hữu gián, nặng thì sanh ở địa ngục Vô gián.

Thuần tình thì chìm, nhập ngục A Tì, như chìm trong tâm, hủy báng Đại thừa, chê giới cấm của Phật, thuyết pháp dối lừa, tham bậy tín thí, lạm hưởng cung kính, ngũ nghịch thập trọng, lại sanh ở ngục A Tì tại khắp mười phương. (Ở đây căn cứ vào tình, tưởng nhiều ít mà phân biệt tướng thăng trầm;

Tình: chỉ ái nhiễm vọng tình,

Tưởng: chỉ khát ngưỡng thiện tưởng).

Kinh Hoa Nghiêm viết : ví như có người sắp sửa mạng chung, nhìn thấy tướng thọ báo, tùy theo nghiệp của mình.

– Kẻ làm nghiệp ác thì nhìn thấy hết thảy mọi cảnh giới khổ sở ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc nhìn thấy Ngục Tốt tay cầm binh khí gậy gộc, giận dữ chửi bới, bắt làm tù mà mang đi, còn nghe thấy tiếng kêu gào buồn thảm, hoặc nhìn thấy đủ mọi thứ sông tro, vạc sôi, núi dao, cây kiếm, bức bách khổ não phải chịu.

– Người làm nghiệp thiện thì nhìn thấy cung điện của hết thảy chư Thiên, vô lượng Thiên chúng, chư thể nữ trời, đủ thứ y phục, đầy đủ trang nghiêm, cung điện, vườn rừng, hết thảy đều đẹp đẽ, thân tuy chưa chết, nhưng do nghiệp lực mà nhìn thấy các sự như vậy.

(Lại như kinh Chánh Pháp Niệm Xứ : Sắp sanh lục đạo có nhiều loại trong thân tướng, nên biết).

 

CỬU SƠN BÁT HẢI THUYẾT

(Thuyết minh về chín núi, tám biển)

Chín núi, tám biển, căn cứ vào kinh Khởi Thế Nhân Bổn nói rằng:

1. Thứ nhất là núi Tu-di, núi này đáy bằng bặn, ngay ngắn, trụ trên Kim luân, dưới hẹp trên rộng, dần dần phình to. Núi do bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành, trên núi mọc nhiều thứ cây um tùm tươi tốt tỏa hương rất xa. Đó là nơi có nhiều bậc Thánh hiền an trụ, núi cao mười tám vạn tám ngàn do-tuần, phần nhô lên trên mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do-tuần.

(Kinh Trường A Hàm cũng nói như trên, Câu Xá, Lập Thế thì nói rằng :

cao rộng mỗi chiều tám vạn do-tuần, bảy núi và núi Thiết vi cứ theo thứ tự, mỗi thứ lại giảm một nửa, đứng cách xa nhau).

Ngoài núi Tu-di có biểnHương thủy, ngang dọc cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần (Câu Xá nói : tám vạn do-tuần). Bảy biển cứ lần lượt mà giảm một nửa, có hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mân Đà, hoa Bôn Trà Lợi Ca v.v… che khắp trên mặt nước (những biển ở dưới đây cùng núi, cùng do-tuần).

2. Thứ hai là núi Song Trì, cao rộng mỗi chiều bốn vạn hai ngàn do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : núi cao bốn vạn, biển rộng bốn vạn).

3. Thứ ba là núi Trì Trục, cao rộng mỗi chiều hai vạn một ngàn do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : núi cao hai vạn, biển cũng hai vạn).

4. Thứ tư là núi Thiềm Mộc, cao rộng đều một vạn hai ngàn do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : cao rộng mỗi chiều một vạn do-tuần, biển cũng như thế).

5. Thứ năm lả núi Kiến Thiện, cao rộng mỗi chiều đều 6.000 do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : cao rộng đều 5.000 do-tuần, biển cũng như thế).

6. Thứ sáu là núi Mã Nhĩ, cao rộng đều 3.000 do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : cao 2.500 do-tuần, biển cũng như thế).

7. Thứ bảy là núi Chướng ngại, cao rộng 1.200 do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : cao 1.250 do-tuần, biển cũng như thế).

8. Thứ tám là núi Trì Địa, cao rộng đều 600 do-tuần, biển cũng như thế (Câu Xá : cao 625 do-tuần, biển cũng như thế. Biển thứ tám là Đại Hàm Thủy hải, ngang rộng ba mươi vạn hai ngàn do-tuần, mé chu vi là ba ngàn sáu ức tám ngàn bốn trăm bảy mươi lăm do-tuần).

9. Thứ chín là núi Chước Ca La, cao rộng 300 do-tuần.

(Luận Câu Xá : núi Luân vi cao 312 do-tuần. Luận A Tỳ Đàm : chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần, bao Đại Hàm Thủy hải. Hoặc gọi là Tiểu Thiết vi sơn, đó là căn cứ vào nghĩa mà dịch).

Các núi nhập thủy đều tám vạn do-tuần, các biển trụ trên Kim luân đều sâu tám vạn do-tuần.

(Trong kinh luận, số do-tuần của các núi biển hơi có khác nhau chút ít; hơn nữa nếu căn cứ vào luận Câu Xá mà tính toán thì từ trung tâm núi Tu-di ra tới rìa phía Nam của núi này là 40.000 do-tuần. Từ rìa Nam này, cứ theo hướng Nam, vượt bảy Kim Sơn là bảy vạn chín ngàn ba trăm bảy mươi lăm do-tuần, bảy biển số do-tuần cũng như thế. Tổng cộng là 198.750 do-tuần).

Tới bờ Bắc Hàm Hải, từ phía Bắc núi Tu-di trở đi cũng thế.

Nam Bắc thông kính cộng là 397.500 do-tuần, còn từ rìa Nam bảy núi trở về Nam, vượt Hàm Hải đến rìa cực Nam Luân vi lại được 322.312 do-tuần. Từ bảy núi Bắc tới rìa cực Bắc của Luân vi, số do-tuần cũng như Nam, hợp lại thành 644.624 do-tuần.

Nam Bắc thông kính của núi Luân vi tổng cộng có 1.042.124 do-tuần. Đông Tây thông kính cũng như thế, đó là biên tế của một thế giới.

– Biển lớn vì sao có thủy triều ?

Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : nước trong cung điện của Long vương Ta Già La tuôn ra đổ vào biển, nước tuôn ra đó màu sắc như lưu ly xanh. Nước tuôn ra có lúc, cho nên thủy triều ở biển cả, chẳng chệch ngày giờ.

Trăm sông đua nhau đổ vào biển, vì sao mà chẳng tràn ?

Kinh Hoa Nghiêm viết : có bốn báu lớn đặt ở dưới đáy biển, tính cực mãnh nhiệt, uống hút trăm sông, cho nên biển cả không hề tăng giảm :

1. Nhật Tạng Đại Bảo : ánh sáng chiếu chạm vào nước biển đều biến thành sữa loãng.

2. Ly Nhuận Đại Bảo : ánh sáng chiếu chạm vào sữa loãng đó đều biến thành sữa đặc.

3. Hỏa Diệm Quang Đại Bảo : ánh sáng chiếu vào sữa đặc đó đều biến thành vị tô.

4. Tận Vô Dư Đại Bảo : ánh sáng chiếu vào vị tô đó đều biến thành đề hồ; như lửa cháy vậy, thảy đều không còn sót lại.

– Vì sao nước biển lại mặn ?

Kinh Lâu Thán nói có ba nhân duyên:

1. Trong biển có cá lớn, thân dài hai vạn tám ngàn dặm bất tịnh trong đó.

2. Thế giới lúc mới thành, từ trên trời A Ca Ni Cha đổ mưa to tẩy rửa bụi bặm cáu ghét trút vào biển.

3. Xưa kia từng có người Tiên niệm chú về biển, cho nên mới thế.

ĐỊA ĐỘNG DUYÊN

Vì nhân duyên gì mà động đất?

Kinh A Hàm viết : Phật dạy rằng nhân duyên của việc động đất có 8 :

1. Đất ở trên nước, nước dừng trên gió, gió dừng trong không, gió lớn có lúc tự khởi lên thì nước lớn bị nhiễu, nước lớn bị nhiễu thì đất động khắp.

2. Có lúc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đắc đạo, cùng Đại thần, Tôn Thiên quán thủy tính nhiều, địa tính ít, muốn tự thử sức thì đất động khắp, đó là hai.

3. Nếu Bồ-tát mới từ trời Đâu Suất giáng trần vào mẫu thai, chuyên niệm chẳng loạn. Đất vì thế mà động lớn, đó là ba.

4. Bồ-tát mới từ sườn phải mà sanh ra khỏi thai mẹ, chuyên niệm chẳng loạn thì đất bị động mạnh, đó là bốn.

5. Bồ-tát mới thành Vô Thượng Chánh Giác, đất chấn động lớn, đó là năm.

6. Phật mới thành đạo, chuyển pháp luân vô thượng, hoặc ma hay Thiên ma, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, thế nhân đều chẳng thể chuyển được thì đất động khắp, đó là sáu.

7. Phật giáo hóa sắp xong, chuyên niệm chẳng loạn, sắp bỏ thọ mạng thì đất động khắp, đó là bảy.

8. Như Lai lúc vào Niết-bàn Vô dư, mà lúc Bát Niết-bàn, đại địa chấn động, đó là tám.

Kinh Hoa Nghiêm nói : Bồ-tát thuyết pháp, đại địa sáu loại chấn động (theo hai kinh, đất động đều là tốt lành, nếu Tu-la đại chiến đất động là điềm dữ).

Thêm nữa, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : Phi pháp Ác Long khởi đại sân khuể, chấn động nước lớn, hoặc 100, 200, 300 do-tuần. Đất trụ trên nước, vì nước động nên đại địa cũng động. Thế gian hoặc nói Tai kiệm, Phong lạc, Binh khởi, Thủy hạn v.v… Còn có động đất do nhân duyên khác, dưới đất có trì phong, trì phong động nên đại thủy động, đại thủy động nên khiến đại địa động 50 do-tuần, hoặc 100, hoặc 200 do-tuần tùy theo gió rộng hẹp; thủy động cũng thế, như nước rộng hẹp, đất động cũng thế.

Còn có hai loại động :

– Nếu do nhân duyên thiện mà động thì chúng sanh thịnh vượng sung sướng, không có các sự suy sụp bệnh hoạn.

– Nếu là động do các chúng sanh làm các nhân duyên bất thiện thì chúng sanh có sự bất thiện khởi lên.

Thêm nữa, A-tu-la đánh nhau với trời, đại địa cũng bị chấn động.

LONG VƯƠNG QUỐC

(Nước Long vương)

Kinh Lâu Thán nói rằng : dưới nước biển cả ở phía Bắc núi Tu-di có cung điện của Long vương Ta Già La, ngang dọc tám vạn do-tuần, thành báu, bao lơn, vườn rừng ngọc trang sức bằng các thứ báu.

Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : trong cung điện của Long vương Ta Kiệt La có bốn hạt bảo châu có thể sanh ra mọi thứ châu báu trong biển. Cung điện của Long vương Thái tử Diêm Phù Tràng, cùng cung điện của 80 ức các đại Long vương như Long vương Đại Phấn Tấn v.v… đều khác nhau (long có năm loại là : Xà long, Giao long, Ngư long, Tượng long, Hà Mô long).

Long vương Ta Kiệt La hiện lực đại tự tại, làm lợi ích cho chúng sanh từ bốn cõi thiên hạ cho đến Tha Hóa Thiên, nổi lên đủ mọi sắc mây, phát ra đủ mọi sắc chớp, rung lên đủ mọi thứ tiếng sấm, lại nổi gió mát rồi sau đó mới đổ xuống đủ mọi thứ mưa.

Tuy Long vương đó, tâm thật bình đẳng nhưng vì thiện căn của chúng sanh có sự khác nhau nên mới có sự khác nhau.

Long vương A Na Bà Đạt Đa nổi mây dầy kín cõi Diêm Phù Đề, đổ mưa ngọt xuống khắp, hàng trăm thứ lúa mạ mùa màng đều được sinh trưởng, sông ngòi suối ao thảy đều đầy ắp.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : trong biển cả sâu một vạn do-tuần, có thành gọi là thành Hí Lạc, ngang dọc 4.000 do-tuần, Long vương đầy dẫy ở trong đó. Có hai loại Long vương :

– Một là pháp hành

– Hai là phi pháp hành

Loại một thì hộ thế giới, loại hai thì hoại thế gian.

Chỗ pháp hành ở chẳng mưa cát nóng, chỗ phi pháp hành ở thường mưa cát nóng, thiêu đốt cung điện cùng các quyến thuộc.

Nếu người thuận pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường Sa-môn, tu hành chánh pháp, khiến Pháp hành Long vương tăng trưởng đại lực, vì nhân duyên ấy nên giáng mưa nhỏ, ngũ cốc được mùa, sắc hương vị đủ, không bị tai hại, quả trái xum xuê, muôn hoa tươi đẹp, nhật nguyệt sáng trong, uy đức minh tịnh, phước đức Long vương, chẳng phóng gió độc. Nếu các chúng sanh chẳng hành thiện pháp, chẳng hiếu với cha mẹ, chẳng kính Sa-môn và Bà-la-môn, Ác Long tăng trưởng thế lực, làm thân đại ác, vì ác tâm nên nổi mây mưa ác, gió ác thổi khí pha trộn chất độc vào trong nước, ngũ cốc hư xấu, ăn vào ốm đau khổ sở, khiến người chết yểu. Rồng ác tai độc thay nhau đến làm hại, đó là do Phi pháp Long làm các điều ác vậy.

Kinh Đại Vân Thỉnh Vũ viết : Phật tại cung Long vương thuyết pháp, sai triệu các đại Long vương như : Long vương Đại Vân Luân Cái, Long vương Sa Già La, cùng các Long vương Đại Âm, Đại Thiệt, Bảo Quan, Xà Thân, Thiên

Đầu, Xích Nhãn, Vân Lôi Hưởng, Diệu Vân Quang, Thiểm Điện Quan, Thừa Đại Vân, Trì Đại Vũ, Trì Đại Phong Luân, tới làm mưa to tưới xuống cõi Diêm Phù Đề.

(Theo Nội Kinh mưa gió sấm chấp đều do Long Thần chủ trì. Ngoại Thư nói rằng : đó là do âm dương khí biến. Âm bọc dương, dương vùng ra mà thành sấm, ép nghiền phát ra ánh sáng thì thành chớp, âm hòa dương thì thành mưa. Thêm nữa, dương hòa âm thì thành mưa móc, âm hòa dương thì thành sương tuyết.

Đây chỉ mới nói ra được cái duyên, mà chẳng biết cái nhân vậy).

CA LÂU LA QUỐC

(Nước Ca Lâu La)

Ở đây gọi là Kim Xí Điểu (chim cánh vàng).

Kinh nói rằng : phía Bắc biển lớn có cây to gọi là cây Cư Tra Xa Ma Li, gốc cây chu vi 7 do-tuần, ăn sâu xuống đất 20 do-tuần, thân cây cao 100 dotuần, cành lá tỏa ra bốn phía tới 50 do-tuần, phía Đông của cây có rồng sanh đẻ bằng trứng, và chim Kim Xí sanh đẻ bằng trứng. Cung điện rộng 600 do-tuần, phía Nam cây có cung điện của rồng sanh bằng thai, và chim Kim Xí sanh bằng thai, phía Tây cây có cung điện của rồng ẩm thấp sanh, và chim Kim Xí ẩm thấp sanh, phía Bắc cây có cung điện của rồng hóa sanh, và chim Kim Xí hóa sanh.

Chúa của loài chim Kim Xí đó lúc đánh bắt lấy các rồng liền bay lên trên cây nhìn xuống biển cả, rồi dùng hai cánh vỗ quạt vào nước biển cả, nước biển phải rẽ rộng ra đến 1.600 do-tuần, chim bèn mổ lấy các rồng tùy ý mà ăn.

Bốn loài sanh long đều bị chim chúa ăn thịt, chỉ không bắt được Long vương Ta Kiệt La cùng Nan Đà, Ưu Bát Nan Đà, Long vương Đề Đầu Lại Tra, Long vương A Nậu Bà Đạt Đa v.v…

Và trong các rồng có những rồng thọ tam quy, lục trai, bát cấm cũng đều chẳng thể ăn thịt được.

(Xưa các rồng khổ về nạn chim Kim Xí bèn bạch Phật, Phật liền ban cho tấm áo cà-sa bảo chia ra cho nhau mà đeo. Các rồng nếu được đeo một sợi dây của áo này thì chim Kim Xí chẳng thể ăn thịt được, nhờ thế nỗi khổ ấy mới chấm dứt).

A-TU-LA QUỐC

(Nước A-tu-la)

(Đây gọi là Phi Thiên, đó là loài phước lực ngang với Thiên, nhưng không có thiên đức vì còn nhiều sân, mạn).

Kinh nói rằng : phía Đông núi Tu-di cách 1.000 do-tuần, dưới biển có chỗ ở, đất nước của Bề Ma Chất Đa La A-tu-la vương, nước biển ở trên, gió đỡ như mây, ngang dọc tám vạn do-tuần, bảy lớp báu cùng vườn dược cây báu v.v… Cung thành rộng một vạn do-tuần, trong có cung điện rộng 1.000 do-tuần, cung của các A-tu-la to nhỏ mỗi thứ mỗi khác.

– Phía Nam núi (Tu-di) có cung điện của Dũng Dược A-tu-la vương. – Phía Tây núi (Tu-di) có cung điện của Xa Bà La A-tu-la vương. – Phía Bắc núi (Tu-di) có cung điện của La Hầu A-tu-la vương.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói rằng : dưới đất biển cả, có kẻ thù địch của trời gọi là A-tu-la, có hai loại :

1)- Quỷ đạo nhiếp : Ngạ quỷ Thiên ma có lực thần thông.

2)- Súc sanh nhiếp : trọ cạnh núi Tu-di, ở dưới đất biển tám vạn bốn ngàn do-tuần.

Có bốn địa:

– Địa thứ nhất hai vạn một ngàn do-tuần, là chỗ ở của La Hầu A-tu-la vương, ở trong dục giới, hóa thân to nhỏ tùy ý, đều có thể làm được. Thành để ở gọi là Quang Minh, ngang dọc 8.000 do-tuần, có vô lượng rừng báu suối chảy, ao tắm, thọ 5.000 tuổi, 500 năm ở nhân gian là một ngày, một đêm ở đó.

– Địa thứ hai ở dưới địa thứ nhất hai vạn một ngàn do-tuần, đó là chỗ ở của Dũng Kiện A-tu-la vương, ngang dọc một vạn ba ngàn do-tuần, thành gọi là Tinh Man, thọ 6.000 tuổi, 600 năm ở nhân gian bằng một ngày, một đêm ở đó.

– Địa thứ ba ở dưới địa thứ hai, hai vạn một ngàn do-tuần, đó là chỗ ở của Hoa Man A-tu-la vương, ngang dọc một vạn ba ngàn do-tuần, thành gọi là Hàm Tì La, ngang dọc 8.000 do-tuần, thọ 7.000 tuổi, 700 năm ở nhân gian bằng một ngày, một đêm ở đó.

– Địa thứ tư ở dưới địa thứ ba, hai vạn một ngàn do-tuần, đó là chỗ ở của Tì Ma Chất Đa La vương, rộng sáu vạn do-tuần, thành gọi là Hàm Tì La rộng 13.000 do-tuần.

(Kinh Lăng Nghiêm nói còn có bốn loại A-tu-la là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh).

TRỜI ĐÁNH NHAU VỚI A-TU-LA

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói rằng : lúc A-tu-la định đánh nhau với trời, trước tiên sai Ác Long làm mưa gió dữ dội, phá hoại trăm thứ lúa mạ của người ở Nam Châu (vì người hành nghiệp thiện, chư Thiên tăng thịnh, cho nên muốn phá hoại đi, như phá hoại gốc cây).

Pháp hành thiện Long vương cưỡi mây đón tiếp khuyên răn.

Thuận Pháp Thiện Long thường hộ trì người thiện, cho nên đến cứu đó. Ác Long không nghe, nên xảy ra đuổi nhau, đánh nhau, hai bên lửa sấm giao chiến. Bấy giờ nhân gian lực thiện nhiều, nên Thiện Long đắc thắng, Ác Long bại thoái, Tu-la lại sai quan quân đến đánh. Lúc này thế gian làm ác nhiều, nên bọn Tu-la thắng, bọn rồng thua chạy, bèn nhờ Dạ-xoa Không hành phi thân vọt lên trên không, để thỉnh Thiên binh (Dạ-xoa có ánh sáng, bay nhanh như sao sa, nên người đời gọi là sao sa, miệng phun ra khói, nên người đời gọi là sao chổi).

Thiên binh lại thắng, Tu-la thua, Tiểu Tu-la vương lại xuất đại quân hợp chiến, Thiên Long chẳng thắng, nên bốn vị Đại thiên vương tung ra bốn bộ đại binh mà đánh. Quân của Tu-la vương chẳng thắng, nên thỉnh Đại Tu-la vương; Đại Tu-la vương tức giận nhảy mình ra khỏi tòa, đại địa lay động, Long vương Nan Đà lấy đuôi quất biển cả, mưa tới tận trời Đao Lợi.

Đế Thích thấy đất động, mây nhiễu, biết Tu-la xâm phạm bờ cõi, sai Tam Thập Nhị Thiên vào rừng Chất Đa La ai nấy giáp trụ kim cương, nai nịt gọn gàng, mỗi người đều cầm dao kiếm kim cương, cung tên, rìu, chạc, cạm bẫy khí giới v.v… để phòng chống Tu-la. Còn Đại Tu-la vương thì xuất lĩnh các Tu-la đông vô số ngàn vạn ở bốn nước, ra khỏi nước biển, ai nấy đều cầm binh khí vượt tầng không mà lên, đánh nhau với bốn vị Thiên vương.

Bốn Thiên vương thấy chúng thế lực rất lớn, liền bay lên đỉnh núi Tu-di tâu với Đế Thích. Bấy giờ Đế Thích bèn cưỡi Tượng Long, sắc cho các Thiên vương triệu tập đại binh từ trên không trung mà xuống, nhưng quân của A-tu-la vương đã tới sườn núi, Đế Thích dùng lời lẽ tử tế để khuyên nhủ y. Y liền mắng rằng : Bắt ngươi ! Trói ngươi ! Thiên vương liền ra lệnh phát binh.

Nhật Thiên Tử đi trước, phóng đại quang minh bắn vào mắt A-tu-la. Atu-la vương bị mù mắt, chẳng nhìn thấy Thiên chúng, bèn lấy tay ngăn mặt trời (nhân gian cho là nhật thực, nhờ Thiên phước đức lực, mặt trời chẳng thể tổn hại được).

Tu-la vương ra lệnh cho Tu-la ra đánh, thế là hai bên hợp trận, trận đánh diễn ra hùng mạnh nhất, đại chiến ở thế gian cũng không ác liệt hơn được trận này.

Vua đánh nhau với vua, quan đánh nhau với quan, quân đánh nhau với quân, rồng đánh nhau với rồng, cưỡi mây lớn, đánh trống lớn, vận lực thần thông lớn, đánh bằng nhiều cách, hoặc cầm kiếm kích, hoặc cầm giáo mác, hoặc dùng sấm sét chớp nhoáng, hoặc dùng đao luân cung điện, hoặc dùng đá to, có khi dùng cả cây to, đấu bằng nước, đấu bằng mưa lửa, đấu bằng đấm, đấu bằng kêu, đấu bằng huyễn thuật, hoặc dùng mưa đao, mưa tên cùng mưa đá núi, hoặc bắt trói lẫn nhau, sát thương lẫn nhau, cho nên có những kẻ mất tai, mất mắt, mất cả chân tay.

Người Trời, các phần thân thể bị tổn thương, rồi lại mọc lại.

Tu-la chân tay bị thương, rụng ra rồi chẳng thể mọc lại, nếu đầu rơi, tim bị thương thì chết.

Người Trời dẫu bị trúng tên xuyên qua người, tên qua rồi lại liền như cũ, nhưng thấy đau đớn, nếu đầu rơi, lưng đứt thì cũng chết.

Bấy giờ núi Tu-di bị chao đảo, biển cả sôi sục, rồng cá ẩn hiện, hoảng hốt múa may. A-tu-la vương hiện lực thần thông có 500 đầu, 500 tay, vác núi lớn 300 do-tuần, chạy xông về phía Thiên chúng. Thiên vương dùng tên bắn núi nát ra như cát vụn; Tu-la vương lại lấy núi lớn ném vào Đế Thích; Y La Tượng vương lấy vòi bắt lấy núi rồi ném trả lại Tu-la, khiến hắn bị trúng vào ngực ngã lăn, Thiên vương quát rằng : Loài súc sanh ! Voi trắng sẽ đánh ngươi. Tượng vương hiện lực thần thông hóa làm ngàn đầu, miệng phun ra lửa, hóa làm rất nhiều thân đầy cõi hư không. Đế Thích ra oai, hiện thân có 1.000 đầu, 1.000 tay, cầm chày kim cương, tuôn lửa kim cương, hóa thân vô số, mỗi thân đều cưỡi Tượng vương ra uy rượt đuổi A-tu-la. A-tu-la vương thấy Đế Thích thần biến chật cả cõi hư không, tâm sinh hoảng sợ, bèn thu quân chạy trốn xuống dưới.

32 Thiên cùng bốn Thiên vương, Thần binh ức tải, phi đao như hoa rụng, tên bay như mưa thu cùng nhau truy đánh Tu-la.

Đế Thích thuyết từ tâm, ra lệnh cho các Thần binh lại quay về cõi trời Đao Lợi, cởi giáp trụ thay mặc áo trời.

Đế Thích lên điện các Thiên vương lễ mừng, Đế Thích thuyết pháp răn dạy chư Thiên siêng tu giới Thiện, không được buông lung. Chư Thiên phụng hành, ai nấy đều về bản cung. Y La Tượng vương vui mừng nhảy nhót, vòi tuôn ra hai giòng sông tưới khắp bốn châu, mưa ngọt bảy ngày, trăm thứ lúa mạ mùa màng thảy đều tươi tốt, rồi Tượng vương cũng trở về hang báu.

(Trời và Tu-la đánh nhau, sự thắng bại lên xuống đều có quan hệ với sự thiện ác ở nhân gian, đó là vì sao ? Há chẳng phải là do cảm ứng loài nào theo loài ấy ư ! Sao vậy ? Vì Trời tức là thiện, người mà thiện thì cảm thông với đạo Trời, như lửa thêm củi vào thì lửa càng vượng, cho nên Trời thêm lực mà thắng được Tu-la. Tu-la là ác, người mà ác thì thông với đường ác, như nước thêm dòng thì sóng phải lớn, cho nên Tu-la tăng lực mà thắng Trời. Tính với tính hợp nhau mà không hề trái nghịch, bởi vậy ảnh hưởng khớp nhau, đồng thời chẳng sai, ví như dương toại đối chiếu với mặt trời thì bốc lửa, núi đồng lở thì tiếng chuông ứng theo. Đó cũng là cảm ứng loài nào theo loài ấy vậy. Nên chỉ Trời thắng bại lên xuống tức là người thiện ác tiêu trưởng. Sự thiện ác của con người tăng lên hay mất đi, đó cũng tức là sự thắng bại lên xuống của Trời vậy, cho nên Trời và người là nhất thể, phàm và Thánh là cùng nguồn. Dẫu sang hèn có sự khác nhau, nhưng lý tánh thì là một mà thôi.

Thế thì núi Thái Sơn cần gì phải đợi thêm vào một nắm đất rồi sau mới cao ? Đáp : Người thiện thì phải tăng thêm tính ấy, tăng thêm tính ấy tức là vun thêm gốc ấy, gốc rễ mạnh thì cành lá tự nhiên tươi tốt, còn nếu như phá đi hủy đi, đẽo gốc rễ đó đi thì cành lá chẳng mong nó khô mà nó tự khô vậy.

Hỏi: Nếu thế thì người quả thiện có ích cho Trời chăng ?

Đáp: Chẳng phải là ích cho Trời mà ích cho mình vậy.

Cho nên Thiên long hoan hỉ phun móc ngọt mà tưới cho đất, khiến con người được ăn được thọ vậy. Thế thì quả có phải là chỉ ích cho Trời đâu !

Cho nên cổ đức nói rằng : thiện đuổi theo tâm mà sanh, như hạt châu sanh ra ánh quang minh rồi trở lại chiếu châu thể. Đó là nói về cái lý này chăng ?

-Hỏi: Như vậy thì Trời quả là có ích cho người chăng ?

Đáp: Chẳng phải là có ich cho người, đó là ích cho mình vậy.

Người hay tăng đạo tiến thiện thì Trời càng sáng sủa, phước lạc càng thịnh. Đó quả có phải là chỉ ích cho người đâu ! Cho nên đức Phổ Hiền nói rằng : như cây đại thụ vương, nếu rễ được nước thì cành lá hoa quả hết thảy đều tươi tốt. Dùng nước đại bi mà làm lợi ích cho chúng sanh thì có thể thành tựu hoa quả trí tuệ của các Phật, Bồ-tát; cũng như Thế giáo khéo trị nước thì trước hết làm cho nhân dân yên ổn. Dân yên thì nước vững, nghĩa ấy giống nhau, cho nên trời với người như trong với ngoài cần đến nhau mới thành được. Trời người sở dĩ thành trời người là do đều lấy giới thiện mà làm gốc. Nếu thế gian chẳng thực hành giới thiện thì trời người tổn giảm, Tu-la mạnh thêm, mưa dữ gió to, mùa màng chẳng được thì con người bi lầm than, khổ sở. Cho nên kinh Pháp Hoa nói rằng : khi Phật chưa ra đời thì ba đường ác đầy dẫy, chư Thiên chúng ít đi, A-tula tăng thịnh. Quả đúng là như vậy.

Mong rằng hãy tu giới thiện để hợp với trời, tâm dụng hòa mà triệu hòa, mưa phùn gió nhẹ, uống nước suối ngọt, cưỡi lân, cưỡi phượng.

Tu-la thắng thì dữ, trời thắng thì lành, giằng co thì nửa lành; chẳng bằng không có giặc giã thì chẳng đánh nhau mới là đại cát.

THÂN LƯỢNG

Kinh A Hàm nói : trong các loài thú lớn, là loài rồng Nan Đà, Bạt Nan Đà có hình thể lớn nhất, quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, mà đầu vẫn còn ở trên đỉnh, đuôi thì ở trong biển (hai Long vương này tức là đã bị ngài Mục Kiền Liên Tôn giả hàng phục).

Kinh Bồ tát Xử Thai nói : loài chim lớn nhất chẳng qua là chim Kim Xí, đầu đuôi cách nhau 8.000 do-tuần, cao cũng như thế. Khi nào nó bay thì bay một mạch từ núi Tu-di này sang núi Tu-di kia không nghỉ (Trang Tử nói : lưng chim bằng chẳng biết là đến mấy ngàn dặm, khi nó bay đập nước 3.000 dặm, cánh như đám mây rủ từ trên trời xuống. Đó là hạng nhỏ của chim Kim Xí này vậy, Tục Thư gọi là chim Bằng).

Kinh Hoa Nghiêm nói : khi cõi trời ba mươi ba đánh nhau với A-tu-la, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la thua chạy. A-tu-la vương thân hình to lớn tới 700 do-tuần, bốn binh vây quanh đông đến vô số ngàn vạn. A-tu-la vương đã dùng lực huyễn thuật làm cho các quân chúng đông thời chạy vào trong lỗ tơ ngó sen.

Lại có bài kệ rằng :

Như A-tu-la thân biến hóa
Đạp nền kim cương đứng giữa biển
Nước biển rất sâu mới nửa người
Đầu cùng Tu-di đều ngang nhau

(Hóa thân cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, nên biển sâu cũng chỉ mới ngang thắt lưng mà thôi).

Luật Tứ Phần nói rằng: cá lớn Ma Kiệt thân dài 300, 400 do-tuần, con cực lớn tới 700 do-tuần, cho nên kinh nói rằng : mắt như mặt trăng, mặt trời; mũi như núi lớn, miệng như hang đỏ (Tục Thư nói: loài thủy thú lớn không gì bằng rùa Cự Linh, thân hình nó lớn nhất, đầu đội được núi Bồng Lai nhởn nhơ vui đùa ở trong biển. Loại rùa này vẫn chưa bằng cá Ma Kiệt loại nhỏ nhất).

Trong luật kể rằng: ngài Xá Lợi Phất lọc nước mà uống, lọc nhiều lần mà vẫn còn các trùng nhỏ, nên bảy ngày liền không uống, thân hình khô héo tiều tụy. Phật hỏi vì sao ? Đáp : Phật bắt lọc nước mà uống, con dùng thiên nhãn quán sát thấy vẫn còn có trùng to hơn là hạt thóc trong chum, hạt cát trong nước, vì bảo hộ sanh mạng của chúng, con không dám uống, nên mới như vậy.

Phật dạy : nếu lấy thiên nhãn mà quán sát, thì hết thảy nhân dân sẽ không còn ai sinh sống nữa. Từ nay về sau cho phép cứ dùng mắt thịt mà xem thấy nước thanh tịnh là được uống.

(Chúng sanh thọ báo cực nhỏ thì hình thể như hạt bụi nhỏ, mắt phàm chẳng thấy. Cho nên biết rằng nghiệp lực rất huyền bí không thể nghĩ bàn, chẳng phải là thứ mà phàm tình có thể biết được; chỉ có đức Phật là bậc Đại Thánh mới có thể biết hết thảy được, cho nên gọi Như Lai là Chánh Biến Tri).

NGHIỆP NHÂN

Kinh A Hàm viết: những chúng sanh khổ não ấy đều do trước kia tuy thực hành bố thí lớn nhưng tâm tự cao vượt cả hư không.

Tâm nhiều sân mạn thì phải sanh trong loài chim Kim Xí, vì sân mạn nên phải sanh trong loài súc sanh, vì có phước đức bố thí nên được làm vua trong loài chim, cung điện trang nghiêm.

Lại nữa, trước kia hay sân khuể, tâm quắt quéo chẳng ngay thẳng, thực hành đại bố thí nhưng thích trêu ghẹo, phạm giới, đấu đá tranh giành, phỉ báng kinh giới, nên bị đọa vào loài rồng, nhưng do có phước đức bố thí nên được dùng bảy thứ báu mà làm cung điện.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ viết : lúc còn ở trong loài người, tâm ngu si sân khuể, thiêu đốt tăng phòng, thôn xóm, thành ấp. Người ác như vậy, mạng chung bị đọa địa ngục, thọ vô lượng khổ; từ địa ngục sanh ra, sanh trong loài rồng, thọ thân chúng sanh, bị cát nóng thiêu. Ở thời tiền thân trong hội bố thí cúng dường ngoại đạo, thực hành bất tịnh thí, tạp lậu chẳng bền, đem cơm bố thí cho kẻ phá giới tạp hạnh, tâm chẳng suy nghĩ đúng đắn. Bố thí như vậy rồi, lúc mạng chung sẽ sanh vào loài A-tu-la, có ba hạng thượng – trung – hạ.

Kinh Nghiệp Báo nói : do ba thứ thân khẩu ý làm các nghiệp ác nhỏ như kiêu mạn, tà mạn v.v… thì sẽ bị quả báo phải làm thân A-tu-la.

Thêm nữa, do ba nhân sân – mạn – nghi mà bị báo làm thân A-tu-la, cũng làm các phước nghiệp, nhưng xiểm nịnh quắt quéo, háo thắng nên bị báo làm thân A-tu-la.

Kinh nói: tâm tự cao vượt cả hư không thì bị làm chim, tâm quắt quéo chẳng ngay thẳng thì bị làm rồng, và ở trong loài người mà sát sanh thì bị đoản mệnh, trộm cắp thì sẽ bị nghèo túng, khinh mạn thì sẽ bị sanh vào giòng họ hèn hạ, cung kính thì sẽ sanh vào giòng họ tôn sang.

Đó chính là đúng như người ta nói : hình ngay thì bóng thẳng, tiếng hòa thì vang thuận, chưa hề thấy có chuyện hình dáng xấu xí mà soi vào gương lại thấy có vẻ đẹp như hoa ưa nhìn, thân thể thấp ngắn soi xuống nước mà có bóng cao lớn hơn cả mọi người).

ĐỊA NGỤC TỔNG DANH

Địa ngục, tiếng Phạn gọi là Nê Lê Tà, ở đây gọi là Phi Đạo, vì là chỗ thấp hèn nhất trong Dục giới (luận Tỳ Đàm).

Còn gọi là Nại Lạc Ca, ở đây gọi là Ác Nhân, đó chính là chỗ ở của kẻ ác bị tội (theo luận Bà Sa).

Luận Bà Sa nói : dưới châu Thiệm Bộ có đại địa ngục, trên châu cũng có biên địa ngục và độc địa ngục, hoặc ở trong hang, trên núi, hoặc ở giữa đồng trống, trên không trung (trong miếu bên bờ biển).

Ba châu khác chỉ có biên địa ngục, độc địa ngục, không có đại địa ngục. Có thuyết nói rằng : Bắc châu không có địa ngục, loài hữu tình ở địa ngục, thân hình cũng giống như người, miệng phát ra những tiếng kêu rên đau đớn, thậm chí không thành một lời nào có thể hiểu được !

Địa ngục do đồng sắt làm thành, cũng có thành sắt, cây gươm, sông sôi, lưới sắt v.v… các thứ trang nghiêm. Đường ác này có nhiều loại, nói chung lại thì có ba loại lớn : một là Nhiệt, hai là Hàn, ba là Biên.

Nhiệt địa ngục : theo luận Bà Sa : dưới Nam châu tới ngục Vô gián cộng là bốn vạn do-tuần, trên nhọn dưới rộng, giống như hình đống thóc.

Luận Tát Bà Đa : dưới Nam châu có lớp đất bùn dầy 500 do-tuần, rồi đến lớp đất sét trắng dầy 500 do-tuần, bảy ngục từ ngục Đẳng hoạt tới ngục Cực nhiệt cao một vạn chín ngàn do-tuần, mỗi ngục rộng một vạn do-tuần, ngục Vô gián cao rộng mỗi chiều hai vạn do-tuần.

Kệ Pháp Uyển rằng :

Bảy ngục trước rộng 500 do-tuần
Các ngục sau đều 132 vạn dặm
Ngang dọc các thành bằng đồng sắt,
Hữu tình ác nhất sanh ở đó.

(Sơ thất các khoát ngũ bách tuần
Hậu nhất tam thập nhị vạn lý
Tung quảng chánh đẳng đồng thiết thành,
Hữu tình thượng ác phẩm sở sanh).

Kinh Nhân Bổn viết : bốn châu lớn, ngoài các núi chúa còn có một núi gọi là núi Thiết vi cao 680 vạn do-tuần, ngang dọc cũng thế, do kim cương tạo thành. Ngoài núi này, lại có một lớp núi Đại Thiết vi cao rộng cũng như vậy, giữa hai núi là một vùng cực kỳ đen tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Có tám địa ngục lớn gọi là Hoạt Đại Địa Ngục đẳng.

VÔ GIÁN

Thọ lượng ở các địa ngục:

Theo luận A Tỳ Đàm thì: Đẳng Hoạt thọ 500 tuổi, Hắc Thằng 1.000 tuổi, rồi cứ lần lượt loại sau tăng gấp đôi so với loại trước, tới ngục Viêm Nhiệt thì là 16.000 tuổi. Cực Nhiệt là nửa kiếp. Vô gián là một kiếp. Luận Câu Xá nói : Đẳng Hoạt, một ngày một đêm bằng 500 năm của Tứ Thiên vương. Lần lượt tới Viêm Nhiệt thì một ngày một đêm bằng một vạn sáu ngàn năm của Tha Hóa Thiên.

Kinh Giảo Lượng Thọ Mạng nói : Đẳng Hoạt, một ngày một đêm bằng một vạn sáu ngàn hai trăm câu-chi năm của cõi người (câu-chi đây là ức số).

Hắc Thằng, một ngày một đêm bằng ba vạn hai ngàn bốn trăm câu-chi năm của thế gian (tăng gấp đôi là hai lần).

Chúng Hợp, một ngày một đêm bằng sáu vạn bốn ngàn tám trăm câu-chi năm của cõi người (tăng gấp đôi nữa thành bốn lần).

Khiếu Hoán, một ngày một đêm bằng mười hai vạn chín ngàn sáu trăm câu-chi năm của cõi người (gấp đôi trên thành tám lần).

Đại Khiếu, một ngày một đêm bằng hai mươi lăm vạn chín ngàn hai trăm câu-chi năm của cõi người.

Diệm Nhiệt, một ngày một đêm bằng năm mươi mốt vạn tám ngàn bốn trăm câu-chi năm của cõi người.

Kinh Địa Tạng viết rằng : ở phía Đông cõi Diêm Phù Đề có núi gọi là núi Thiết vi, núi này tối om không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng, có địa ngục lớn gọi là Cực Vô gián, lại có địa ngục gọi là Đại A Tỳ, lại có các ngục Tứ giác, Phi đao, Hỏa tiễn, Giáp Sơn v.v… (hai mươi bốn tên), những địa ngục đó số nhiều vô hạn, hoặc một, hoặc hai, ba, bốn cho đến trăm ngàn. Có các địa ngục ở trong núi Đại Thiết vi, địa ngục lớn có 18 sở, thứ nữa có 500, đều có tên gọi khác nhau.

Ngục Vô gián, thành của ngục này chu vi hơn 8 vạn dặm, làm toàn bằng sắt, cao một vạn dặm, trên thành lửa cháy từng đống, ít có chỗ hở. Trong thành các ngục nối liền nhau mà tên gọi đều khác nhau, trong có một ngục gọi là Ngục Vô gián, chu vi một vạn tám ngàn dặm, tường ngục cao 1.000n dặm, đều làm bằng sắt, lửa ở trên cháy suốt tới dưới, lửa ở dưới cháy suốt lên trên. Rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi nhau ở trên tường ngục.

Trong ngục có giường chật khắp vạn dặm, một người chịu tội, tự thấy thân mình nằm chật cả giường, ngàn vạn người chịu tội, ai nấy đều thấy thân mình nằm chật trên giường, vì cảm ứng bởi nhiều nghiệp, nên bị quả báo như vậy.

THÀNH THẬT LUẬN

Ngũ Vô gián gồm có :

  1. Thú Quả Vô gián : bỏ thân rồi liền vãng sanh tới đó.
  2. Khổ Vô gián : trong đó không có sự khoái lạc.
  3. Thời Vô gián : nhất định phải qua một kiếp.
  4. Mạng Vô gián : trong đó chịu khổ không dứt.
  5. Hình Vô gián : ngục này ngang dọc 8 vạn do-tuần, một người cũng chật ngục, nhiều người cũng chật ngục (nhiều luận nói là hai vạn do-tuần).

KHỔ BÁO TƯỚNG

Tát Bà Đa Bộ nói có tám ngục lớn:

1)- Ngục Đẳng Hoạt (A Hàm gọi là Tưởng) cũng gọi là Cánh Hoạt.

Các tội nhân ở đây, tay chân mọc vuốt sắt, giận giữ nhau, cào cấu bứt thịt, chúng còn cầm kiếm băm vằm đâm chém lẫn nhau, thân nát ở cả đất, chết rồi, gió lạnh thổi vào lại sống lại. Hoặc ngục tốt reo là sống, tội nhân tự tưởng mình sống lại rồi, nên ngục này gọi là Tưởng, cũng gọi là Hoạt. Họ bị khổ lâu, đã ra khỏi Tưởng Địa Ngục, hoảng hốt chạy tới Hắc Sa Ngục. Sau khi hết khổ ở Hắc Sa, lại đến Phí Thỉ Ngục, lần lượt cho đến Ngục Hàn Băng là ngục thứ 16. Sau đó mạng chung, do thân khẩu ý gây các nghiệp bất thiện, nên phải đọa vào địa ngục này.

2)- Ngục Hắc Thằng : chỉ dùng giây sắt nóng, trói rồi dựng đứng tội nhân lên mà dùng búa rìu băm vằm cho tan nát, rồi lại dùng cưa mà cưa, hoặc gió thổi giây sắt càng quấn chặt thân tội nhân, xương da xém nát, khổ sở muôn đường, chịu khổ lâu rồi, ra khỏi ngục Hắc Thằng, thì tới ngục Hắc Sa cho tới ngục Hàn Băng, rồi sau đó mới mạng chung. Những kẻ ác ý đối với cha mẹ, đối với Phật và Thanh văn thì bị đọa vào trong ngục này.

3)- Ngục Chúng Hợp : (Kinh gọi là Phụ Áp) hoặc hai núi kẹp lại đè nát xương thịt, hoặc voi sắt đạp lên thân, hoặc bị giã bằng chầy sắt, bị đá lớn đè, máu me chảy đầy mặt đất, nhiều nỗi khổ cùng dồn tới, chịu khổ lâu rồi, ra khỏi ngục Chúng Hợp, sau đó lại đến các ngục như Hắc Sa v.v… (như trên). Do gây ba nghiệp ác nên bị đọa vào ngục này.

4)- Ngục Khiếu Hoán : ngục tốt túm lấy tội nhân ném vào trong vạc sắt, hoặc ném lên trên giáo sắt, kêu la thảm thiết, thọ khổ lâu rồi, ra khỏi ngục Khiếu Hoán, tới 16 ngục nhỏ (như trên). Những kẻ sân khuể, trong bụng thâm độc, gây các tội ác thì bị đọa vào trong ngục này.

5)- Ngục Đại Khiếu Hoán : bắt tội nhân bỏ vào trong vạc sắt và trên ngọn giáo lật đi lật lại mà rán mà quay, nên phải gào thét rõ to, chịu khổ lâu rồi mới được ra (như trên). Những kẻ tà kiến, tạo dị lậu hạnh thì bị đọa vào địa ngục này.

6)- Ngục Viêm Nhiệt (Kinh A Hàm gọi là Thiêu Chá) : mang tội nhân đặt trên thành sắt, hoặc trên lầu sắt, trong hang sắt rồi đốt cho lửa cháy cả bên trong bên ngoài mà nướng cho cháy nát, tội hết mới được ra (như trên). Kẻ nào đốt nướng chúng sanh thì bị đọa vào trong ngục này.

7)- Ngục Cực Nhiệt (Kinh A Hàm gọi là Đại Thiêu Chá) : Đem tội nhân đặt trên hầm lửa lớn, hoặc dùng chạc sắt mà xiên rồi đem nướng ở trong lửa, tội hết mới được ra (như trên). Do bỏ nghiệp thiện quả, gây các điều ác nên bị đọa vào trong ngục này.

8)- Ngục Vô gián : ngục tốt lột da tội nhân, rồi quấn vào thân tội nhân, dùng bánh xe lửa chà đi xát lại trên người tội nhân, lửa to trong thành sắt cùng đốt, muôn nỗi khổ sở cùng dồn tới, mọi thứ gặp phải đều là ác sắc, ác thanh, ác khứu, ác xúc không giây phút nào ngừng, nên gọi là Vô gián, bị khổ lâu rồi, lần lượt tới ngục Hắc Sa và 16 địa ngục nhỏ (như trên). Do gây những tội nặng (thập ác, ngũ nghịch) thì bị đọa vào trong ngục này.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói rằng : nỗi khổ trong ngục A Tỳ còn gấp hơn ngàn lần bảy ngục lớn trước (A Tỳ ở đây gọi là Vô gián).

Kinh Quán Phật Tam Muội viết : địa ngục A Tỳ ngang dọc 7.000 do-tuần, bảy lớp thành sắt, bảy lớp lưới sắt, có 18 vạc sắt, xung quanh bảy lớp đều là rừng dao, có bốn con chó đồng lớn, 18 ngục tốt 8 đầu, 64 sừng, 64 mắt, có 7 cờ sắt lửa tuôn như sôi.

Nếu có tội nghịch thì lúc mạng chung, chó đồng sẽ hóa làm 18 cỗ xe hình dáng giống như Bảo cái, tất cả ngọn lửa hóa làm ngọc nữ, tội nhân từ xa trông thấy trong lòng hí hửng ưa thích muốn tới, gió đao mổ thân, lạnh quá kêu lên, muốn được lửa sưởi, đặt vào trên xe, liền bị hỏa thiêu. Tội nhân mạng chung, lại ngồi trên xe lửa khoảnh khắc bằng một lần co duỗi cánh tay đã thẳng tới ngục A Tỳ, từ vạc trên trở xuống như bánh xe lửa quay đến vạc dưới.

Hóa Diêm La vương lớn tiếng quát bảo rằng : Quân ngu si kia ! Ngươi ở ngục nào ? Lúc ngươi tạo thế, bất hiếu với cha mẹ, tà kiến vô đạo, nơi sanh của ngươi hiện nay là ngục A Tỳ, khổ lớn như vầy, một ngày một đêm bằng 60 tiểu kiếp ở nhân gian, cứ như vậy thọ mạng phải hết một đại kiếp. Kẻ nào đủ cả tội ngũ nghịch thì phải chịu tội năm kiếp.

Lại có những chúng sanh phạm bốn giới cấm trọng, ăn uống của tín thí, phỉ báng, tà kiến, chẳng biết nhân quả, đoạn học Bát Nhã, chê mười phương Phật, lấy trộm vật Tăng kỳ, dâm dật vô đạo. Người đó tội báo, trải tám vạn bốn ngàn đại kiếp lại phải vào tron 18 vạc ở phương Đông như trên, các phương Nam – Tây – Bắc cũng lại như vậy; A Tỳ tức là vô cứu vậy.

1)- Địa ngục Át Phù Đà : rét mướt khổ sở cắt thịt, nổi mụn rộp nhỏ.

2)- Địa ngục Nê Lại Phù Đà : bị gió rét thổi khắp người thành phồng rộp.

3)- Địa ngục A Cha Cha : môi bị cứng đờ, không cử động được, mới thành tiếng như vậy.

4)- Địa ngục A Ba Ba : lưỡi chẳng động được, lưỡi kêu thành tiếng đó.

5)- Địa ngục Ẩu Hầu Hầu : trong họng khí run thành tiếng như vậy.

6)- Địa ngục Uất Ba Ba : máu thịt tách nhỏ như hoa sen xanh.

7)- Địa ngục Ba Đầu Ma : thịt nứt toác to như hoa sen đỏ.

8)- Địa ngục Phân Đà Lợi : tội nhân toác xương như hoa sen trắng.

– Các ngục 1 và 2 được đặt tên theo thân tướng của tội nhân.

– Các ngục 3, 4, 5 được đặt tên theo thanh tướng của tội nhân.

– Các ngục 6, 7, 8 được đặt tên theo sang tướng của tội nhân (hình tướng vết thương).

Tám ngục này ở dưới núi Thiết vi, ở trong đó phải ngửa lên mà chịu khổ sở vì gió rét cũng buốt.

Luận Tỳ Đàm nói rằng : đức Phật dạy : bên ngoài các thế giới đều có địa ngục lớn đen tối, ánh sáng mặt trời mặt trăng chẳng thể chiếu tới được. Ngoài hai giới của núi Thiết Luân là Hàn địa ngục; có mười địa ngục lớn, từ ngục số 1 gọi là Át Phù Đà cho tới ngục số 10 gọi là Ba Đầu Ma; vì bị gió lạnh thổi vào người, nên thân bị nứt ra, tiếng nứt nổ thành tiếng lách cách, tai có thể nghe thấy rõ, chỗ hẹp nhất là 8 vạn do-tuần, dưới không có đáy đỡ, trên không có mái che, chỗ rộng nhất là 16 vạn do-tuần.

Kinh Tam Pháp Độ nói : tuổi thọ của chúng sanh ở Át Phù Đà, như Kiều Tát La Hộc, đong 20 hộc vừng, có một người đàn ông cứ hết 100 năm lại lấy một hạt, cứ như vậy lấy cho hết số hạt đó (tức là bằng một kiều-tát-la). Hai mươi lần tuổi thọ của Át Phù Đà thì bằng một lần tuổi thọ ở ngục Ni Lại Phù Đà, sau đó cứ lần lượt như thế tính gấp lên.

Trang Thung lục còn viết có 10 địa ngục :

1)- Ngục thứ nhất là Át Phù Đà : (ở đây gọi là Nhục Đoạn, tội nhân bị đông cứng, thịt trên mình bị nứt rụng từng đoạn), thọ bằng 1 bà-ha-vừng (luận Trí Độ : 20 hộc vừng, đong lượng như vậy thì gọi là một bà-ha, nhân gian cứ qua 100 năm, lại lấy đi một hạt, chờ cho lúc lấy hết 20 hộc vừng đó thì mới được ra khỏi địa ngục này.

2)- Ngục thứ hai là Nê La Phù Đà : (ở đây gọi là Bào Đống, thịt họ cóng nứt rộp lên thành nốt phỏng), thọ bằng 2 bà-ha hạt vừng.

3)- Ngục thứ ba là A Hô Hô : (tiếng xuýt xoa vì rét) , thọ bằng 4 bà-ha hạt vừng.

4)- Ngục thứ tư là Hô Hô Bà : (tiếng xuýt xoa vì rét), thọ bằng 8 bà-ha hạt vừng.

5)- Ngục thứ năm là A Tra Tra : (tiếng tặc lưỡi vì rét), thọ bằng 16 bà-ha hạt vừng.

6)- Ngục thứ sáu là Tao Càn Đề Ca : (ngọn lửa như sắc hoa), thọ 32 bà-ha hạt vừng.

7)- Ngục thứ bảy là Ưu Bát La : (ngọn lửa như màu hoa sen xanh), thọ 64 bà-ha hạt vừng.

8)- Ngục thứ tám là Câu Ni Đà : (ngọn lửa này giống như hoa), thọ 128 bà-ha hạt vừng.

9)- Ngục thứ chín là Bôn Trà Lý Ca : (ngọn lửa này giống như hoa), thọ bằng 256 bà-ha hạt vừng.

10)- Ngục thứ mười là Ba Đầu Ma : (ngọn lửa giống như hoa), thọ bằng 512 bà-ha hạt vừng (bằng một vạn hai bốn mươi hộc vừng).

Mười ngục trên đây đều làm bằng đồng sắt, mỗi ngục ngang dọc đều 100 do-tuần.

Năm ngục trước đều là các ngục Hàn Băng, năm ngục cuối là các ngục Nhiệt Diệm, càng về trước thì thọ hạn càng ngắn hơn về sau, càng về sau thì khổ não càng gấp bội hơn về trước.

Mỗi ngục đều có 10 địa ngục nhỏ làm quyến thuộc.

III)- TAM BIÊN TIỂU ĐỊA NGỤC

(Ba biên tiểu địa ngục)

Kinh Tam Pháp Độ nói rằng:

  1. Sơn Gian
  2. Thủy Gian
  3. Khoáng Dã (đồng trống), thọ biệt nghiệp báo.

Trang Thung lục : địa ngục Cô Độc ở các nơi trong cõi Diêm Phù Đề, hoặc ở nơi đồng trống, ở trong núi hay nơi bờ biển, trong miếu, có tám vạn bốn ngàn tòa, khổ báo thành nhẹ (các địa ngục nhỏ này bị cả nóng lẫn lạnh, khổ nhiều hay ít, thọ dài hay ngắn có sự khác nhau. Loại ở bờ biển thì như loại mà Tăng Hộ nhìn thấy; loại ở trong núi thì như Thái Sơn, Phong Đô; lại như các ngục mà Ức Nhĩ nhìn thấy.

XUẤT ĐỊA NGỤC

Kinh Quán Phật Tam nói : A Tỳ chết rồi sanh trong Hàn Băng, Hàn Băng chết rồi sanh ở chốn Hắc Ám 8.000 vạn năm, mắt chẳng hề trông thấy gì, thọ thân đại trùng lớp uyển chuyển đi bằng bụng, bị cáo sói lôi đi ăn thịt. Sau sinh trong loài súc sanh, 5.000 vạn thân, thọ hình chim muông; sau sanh trong loài người làm kẻ đui điếc câm ngọng, hủi lở, ung thư, nghèo túng thấp hèn trải 500 thân. Lại sanh trong loài ngạ quỷ, gặp bậc Thiện tri thức và Bồ-tát quở trách mới hối cải, miệng Nam Mô Phật, ca ngợi ân đức của Phật, ít lâu sau liền mạng chung, sanh ở chỗ Tứ Thiên, hết lỗi tự trách, phát tâm Bồ-đề.

NGHIỆP NHÂN

Trang Thung lục nói : tội căn bản cực nặng đệ nhất là giết cha mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp chúng, bức gian tịnh ni, làm đổ máu thân Phật, không hề sám hối, phạm tội ngũ nghịch cùng thượng thượng phẩm, thập ác nghiệp thì bị nghiệp cảm phải đọa vào tám địa ngục lớn; thượng trung phẩm thập ác thì sanh trong địa ngục Hàn Băng v.v… thượng hạ phẩm thập ác thì sanh trong tiểu địa ngục Cô Độc.

(Thập ác nói trên đều là tổng nhân, lại còn có biệt nhân như hủy báng Hiền Thánh, vọng ngôn ác khẩu, chết nhập địa ngục, bị nước đồng sôi đổ vào miệng, rút lưỡi ra mà cày;

Nấu luộc chúng sanh, bị báo phải đọa địa ngục Thang Hoạch;

Lột cướp quần áo của người, bị báo đọa địa ngục Hàn Băng;

Các biệt nhân như vậy thấy khắp trong các kinh luận, ở đây chẳng trích lục hết được).

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo Vấn Phật nói rằng : lửa nóng ở thế gian chẳng bằng lửa nóng ở ngục Nê Lê, như cầm một hòn đá nhỏ bỏ vào trong lửa thế gian, đến tối vẫn chẳng thể tiêu được, nhưng lấy một tảng đá to cho vào trong ngục Nê Lê thì lập tức tiêu ngay. Người nghiệp ác ở trong đó nhiều năm vẫn chẳng chết, cũng như giao long ăn đá liền tiêu ngay, còn người mang thai thì đứa con đó chẳng tiêu; nghiệp lực thiện ác khiến cho tiêu hay không tiêu. Người gây thiện ác như bóng theo thân, người chết chỉ mất thân xác, như đốt lửa mà đọc sách ban đêm; lửa tắt chữ còn, đốt lửa lên thì lại thành chữ. Đời này gây ra, đời sau sẽ thành.

DIÊM VƯƠNG TRỤ XỨ

(Chỗ ở của Diêm Vương)

Kinh Khởi Thế nói : Ngoài hai núi Thiết vi ở phía Nam châu Diêm Phù, có cung điện của Diêm Ma La vương, ngang dọc 6.000 do-tuần, có bảy lớp tường vách, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới vàng, bảy lớp hàng cây, vườn hoa, ao hoa, đủ thứ quả ngon, chim chóc hòa vang. Vương vì ác nghiệp, đêm ngày sáu thời tự nhiên có nước đồng đỏ nấu chảy ngay ở trước mặt, cung điện liền biến thành sắt, công đức ngũ dục đều mất. Vương nhìn thấy thế rồi sợ hãi chẳng yên, lập tức đi vào trong; bấy giờ có ngục tốt bắt vương đè ra trên đất sắt, đem nước đồng sôi mà đổ vào miệng vương, nước đồng đó mà từ dưới chảy ra. Diêm Vương bèn nghĩ như vầy : “Xưa kia làm ác, nay bị nỗi khổ này; ta nguyện xả thân, thọ sanh ở nhân gian, chánh tín xuất gia ở trong pháp của Như Lai”. Phát ra thiện niệm đó rồi, cung điện lại thành thất bảo, ngũ dục đầy đủ; các Đại thần đó của Diêm vương cũng lại giống như thế.

Kinh nói rằng : Diêm La vương, xưa là Quốc vương Tỳ Sa đánh nhau với Duy Đà Thủy vương, binh lực chẳng địch nổi bèn thệ nguyện làm chúa địa ngục. Bề tôi phò giúp có 18 người, lĩnh trăm vạn chúng cùng thề rằng : sau này sẽ vâng mệnh giúp trị bọn tội nhân này.

Tỳ Sa vương nay là Diêm La vương đó; 18 bề tôi nay là 18 Tiểu vương, còn trăm vạn chúng tức là A-bàng vậy.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : Diệm Ma La đây nói là Song vương (hai vua), anh trai coi ngục nam, em gái làm chủ ngục nữ.

NGẠ QUỶ

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : Ngạ quỷ có hai loài : một loài trụ ở trong loài người, một loài trụ ở trong thế giới ngạ quỷ.

Loài ngạ quỷ trụ trong loài người, nếu người đi đêm thì có khi trông thấy.

Loài trụ trong thế giới ngạ quỷ thì trụ ở dưới cõi Diêm Phù 500 do-tuần, dài ba vạn sáu ngàn do-tuần, cùng các quyến thuộc ngạ quỷ khác số nhiều vô lượng trụ ở cõi Diêm Phù Đề, có loài ở gần, có loài ở xa, nếu kể sơ qua thì có 36 loại :

Hoạch thân, Châm khẩu, Thực thổ, Thực phân, Thực khí, Thực thủy, Hi vọng, Thực thóa, Thực man, Thực huyết, Thực pháp, Thực nhục, Thực hương yên, Tật hành, Tứ tiện, Địa hạ, Thần thông, Xí nhiên, Tứ anh nhi tiện, Dục sắc, Hải chử, Diêm vương Chấp trượng, Vô thực, Thực tiểu nhi, Thực nhân tinh khí, La sát, Thiêu thực, Bất tịnh hạng mạch, Thực phong, Thực hỏa khôi, Thực độc, Khoáng dã, Tủng gian thực nhiệt hôi, Thụ trung trụ, Tứ giao đạo, Sát thân.

Nói qua thì có 36 loài, nói rộng ra thì nhiều vô lượng.

Chúng sanh tâm nặng gây ác, hành nghiệp khác nhau, đủ mọi thứ tâm bỏn xẻn keo kiệt, chẳng thực hành bố thí, do tâm tham nhân duyên phải sanh làm thân ngạ quỷ.

SÚC SANH

Quán sát các súc sanh thấy chủng loại khác nhau có đến 34 ức, tùy tâm tự tại sanh trong ngũ đạo.

Trong ngũ đạo, chủng loại súc sanh nhiều nhất, đủ mọi tướng mạo, đi đứng ăn uống khác nhau, bay liệng bầy đàn khác nhau, yêu ghét, theo trống, đi lẻ, đi đôi, đi theo, cùng sanh, cùng đạo. Đó gọi là chim bay, muông chạy.

Các loài quạ, thước, ngỗng, nhạn, hồng, khác đàn đi riêng, chẳng oán hại nhau. Cáo, chó, cầy v.v… ghen ghét lẫn nhau.

Chim quạ và chim cắt, ngựa và trâu, trăn, rắn, chồn v.v… tàn hại lẫn nhau, hình tướng khác nhau, đi đứng ăn uống mỗi thứ mỗi khác. Quán sát các chúng sanh này bị đủ mọi loại tâm sai khiến, gây đủ mọi thứ nghiệp, nhập vào đủ mọi đường, ăn đủ mọi thứ. Hoặc thọ thân hóa sanh là con tằm, con ngài và các trùng nhỏ. Hoặc thấp sanh làm rùa, ba ba, cá, cua, trai, hến cùng các trùng nhỏ như ruồi, muỗi, chấy, rận.

Pages: 1 2 3 4 5 6