Bản Đồ An Lập Pháp Giới
(Pháp Giới An Lập Đồ)
Việt dịch: Hòa thượng THÍCH CHÂN THƯỜNG
Hiệu chỉnh: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

QUYỂN TRUNG – phần trước Yên Sơn Sa-môn Nhân Triều tập

III)- BIẾN QUAN TAM GIỚI

  1. Nhật Thiên Cung điện đồ,
  2. Nguyệt Thiên Cung điện đồ,
  3. Nhật Nguyệt chiếu dụng,
  4. Khí hậu hàn thử,
  5. Tinh Thiên Cung điện đồ,
  6. Tứ Thiên vương Cung đồ,
  7. Phước Báo hóa sanh,
  8. Sanh Thiên nghiệp nhân,
  9. Đao Lợi Thiên Cung đồ,
  10. Đao Lợi nghiệp nhân,
  11. Tam Giới an lập đồ,
  12. Chư Thiên thân thọ,
  13. Chư Thiên nghiệp nhân,
  14. Chư Thiên quang minh,
  15. Ẩm Thực tinh thô,
  16. Tam Giới Cửu Địa,
  17. Luận chư Thiên chủ,
  18. Tứ Thiền Tứ Địa,
  19. Thiên hữu Thánh phàm,
  20. Tam Giới tổng biệt,
  21. Ngũ suy thoái tướng,
  22. Tâm sanh Lục đạo đồ.

THÍCH TỔNG ĐỀ

(Giải thích về đầu đề chung)

Cảnh mà ta quán sát trước mắt, khắp trong núi Tiểu Luân vi cho tới núi Tu-di thảy đều thuộc về đất. Biết dưới đất rồi, cần quán sát ở trên trời.

Trời có ba cõi là Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Ba giới này đều là chỗ chúng sanh thọ báo, là căn nhà lớn của vị trưởng giả, trong đó có các con thơ dại của ông ta đang chơi đùa.

Nếu như bị bốn thứ lửa thiêu đốt, có ba loại xe để ở bên ngoài, những đứa con có trí thức lẽ nào lại chẳng xô đẩy nhau mà ra khỏi căn nhà cháy đó!

Kinh Khởi Thế nói rằng : cung điện của Nhật Thiên Tử làm bằng vàng, pha lê trên trời; thành quách ngang dọc 51 do-tuần, hình vuông như khu nhà, xa trông tựa như tròn vì có năm loại gió thổi vào xoay chuyển mà đi.

Dùng vàng Diêm Phù Đàn làm xe đẹp cao 16 do-tuần, vuông mỗi chiều 8 do-tuần. Nhật Thiên Tử cùng quyến thuộc ở trong đó hưởng thụ năm thứ dục lạc của trời, Nhật Thiên Tử thọ 500 tuổi, con cháu nối dõi đều cai trị ở nơi đó. Cung điện trụ được đủ một kiếp (hoặc là trung kiếp); ánh quang minh trên thân Nhật Thiên Tử chiếu vào xe vàng, ánh quang minh của xe vàng chiếu vào cung điện. Ánh quang minh nối tiếp nhau, có 1.000 thứ quang minh, 500 chiếu bên cạnh, 500 chiếu xuống đất.

Nhật cung thường đi chẳng nghỉ, sáu tháng đi ở phương Bắc, sáu tháng đi ở phương Nam.

Nguyệt Thiên Tử, thành quách 50 do-tuần, cung điện làm bằng bạc và lưu ly xanh ở trên trời, cao 16 do-tuần, rộng 8 do-tuần, gió đỡ cho xoay chuyển mà đi. Nguyệt Thiên Tử cùng các Thiên nữ ở trong xe này mà hưởng thụ ngũ dục của trời.

Nguyệt Thiên Tử thọ 500 tuổi, con cháu nối dõi. Cung điện trụ được một kiếp, ánh quang minh ở thân Nguyệt Thiên Tử cùng cung điện tạo thành 1.000 quang minh, 500 chiếu bên cạnh, 500 soi xuống dưới.

Kinh Trường A Hàm nói : tường cung Nhật Thiên mỏng như cánh hoa, được năm thứ gió nâng đỡ. Nhật cung dầy 51 do-tuần, chu vi 135 do-tuần. Nguyệt cung dầy 50 do-tuần, chu vi kém 3 do-tuần. Có thuyết nói rằng : trụ 40 kiếp (đây là tiểu kiếp).

NHẬT NGUYỆT CHIẾU DỤNG

Kinh Khởi Thế nói : vì nhân duyên gì mà Nguyệt Thiên Cung (tức mặt trăng) xuất hiện dần dần ? Có ba nhân duyên :

  1. Tướng lưng chuyển ra,
  2. Chư Thiên áo xanh thường trong nửa tháng ẩn kín ở trong cung đó,
  3. Nhật Thiên có 60 quang minh che mất mặt trăng, cách mặt trời dần dần xa nên hiện ra dần dần.

Lại vì nhân duyên gì mà viên tịnh đầy đủ ? Cũng có ba nhân duyên :

  1. Tướng mặt xoay ra,
  2. Vào ngày 15, ánh trăng mạnh, che giấu kín chư Thiên áo xanh,
  3. Nguyệt Cung cách mặt trời xa nhất, ánh mặt trời chẳng che được.

Lại vì nhân duyên gì mà ngày 15 của Hắc Nguyệt (tức là ngày 30 của phương này, ngày cuối cùng của tháng Âm lịch) tất cả đều chẳng hiện ? Lúc này, Nguyệt Cung gần mặt trời nhất, ánh sáng mặt trời che kín (át hết), nên tất cả chẳng hiện.

Vì duyên gì mà gọi là Nguyệt ? Vì từ ngày mùng một của Hắc Nguyệt (tức ngày 16 Âm lịch) trở đi cho đến ngày nguyệt tận, quang minh dần dần giảm bớt (ý nói trăng khuyết dần dần cho đến lúc có đêm không trăng).

Vì duyên cớ gì mà trong mặt trăng lại có bóng hiện ? Vì châu lớn này có cây Diêm Phù cao to nên bóng hiện ở trên mặt trăng.

Lúc tại Nam châu, mặt trời ở vị trí chính trung (giữa trưa) thì tại Đông châu mặt trời mới lặn, tại Tây châu mặt trời mới mọc, tại Bắc châu đang là nửa đêm (ba châu khác cũng như lệ này).

Thêm nữa, Nam châu gọi là Tây phương, thì Tây châu gọi là Đông phương. Tây châu gọi là Tây phương, thì Bắc châu gọi là Đông phương. Bắc châu gọi là Tây phương, thì Đông châu gọi là Đông phương. Đông châu gọi là Tây phương, thì Nam châu gọi là Đông phương.

Lập Thế nói : nhờ Tăng thượng duyên của nghiệp lực chúng sanh, nên có Phong luânthổi cho Nhật Cung, Nguyệt Cung xoay chuyển không ngừng. Nhật vận hành 180 đường, Nguyệt vận hành 15 đường.

Lại có hai đường : đường trong và đường ngoài.

Mặt trời vận hành hoặc hợp hoặc ly với mặt trăng. Trong mỗi ngày, mặt trời vận hành bốn vạn tám ngàn không trăm tám mươi do-tuần. Nếu là lúc hơi hợp thì mỗi ngày mặt trời che mặt trăng 3 do-tuần và 1/3 do-tuần nữa, cho nên ngày 15 (Hắc Nguyệt) bị mặt trời che, ánh trăng chẳng hiện; nếu là lúc hơi ly, hằng ngày mặt trời vận hành vẫn như trên, thì mặt trời lìa mặt trăng 3 do-tuần và 1/3 do-tuần nữa, cho nên ngày 15 của Bạch Nguyệt là trăng tròn sáng nhất.

Nếu mặt trời vận hành theo sau mặt trăng, Nhật quang chiếu Nguyệt quang, thì Nguyệt quang thô, nên bị chiếu sinh ảnh; ảnh lại tự che, nên nhìn thấy phần sau của trăng chẳng tròn, chính vì sự đó mà dần dần che khuất.

Mặt trời mà vận hành ở đằng trước thì căn cứ vào lệ trên cũng có thể biết được.

Hơn nữa, vòng tròn vận hành của mặt trời nhanh hơn mặt trăng. Sáu tháng mặt trời từ đường trong ra đường ngoài; sáu tháng từ đường ngoài vào đường trong.

Nếu mặt trăng 15 ngày từ trong ra ngoài thì 15 ngày từ ngoài vào trong, như mặt trời vận hành ở đường trong của Nam châu, thì là vận hành đường ngoài của Bắc châu, thì là vận hành đường giữa Đông Tây của hai châu. Lúc này ở Nam châu, ngày dài nhất tới 18 mâu-hưu-đa, đêm ngắn nhất chỉ có 12 mâu-hưu-đa. Bắc châu đêm dài nhất 18 mâu-hưu-đa, ngày ngắn nhất 12 mâuhưu-đa. Hai châu Đông Tây ngày và đêm bằng nhau, đều 15 mâu-hưu-đa. Ba châu kia cũng như lệ Nam châu, có thể biết được (1 mâu-hưu-đa = 3 khắc, 3 ly, 3 hào, 3 ti, 3 hốt ở phương này, chỉ Trung Quốc).

KHÍ HẬU HÀN THỬ

(Khí hậu nóng lạnh)

Kinh Khởi Thế nói : vì duyên cớ gì mà mùa hè nóng ? Vì lúc Nhật cung suốt sáu tháng vận hành lên phía Bắc thì có mười nhân duyên, vì ánh sáng mặt trời chiếu vào mười loại núi, khiến các núi đó sanh nhiệt.

Lại vì duyên cớ gì mà rét mướt ? Vì trong thời kỳ sáu tháng Nhật cung vận hành về hướng Nam, có 12 duyên sanh ra lạnh; giữa núi Tu-di và bảy núi đều có biển lớn của bốn châu, ánh mặt trời chiếu vào nước biển đó, nên sanh ra rét mướt.

Lại vì duyên cớ gì mà có nước sông đó ? Vì có mặt trời nên nóng, vì nóng nên có sự như hơ nướng, vì như hơ nướng nên có sự bốc hơi, vì bốc hơi nên có sự đổ mồ hôi ẩm ướt, vì đổ mồ hôi ẩm ướt nên tất cả trong núi đổ mồ hôi ra nước mà thành các dòng sông.

Lập Thế nói : Vì duyên cớ gì mà mùa đông lạnh, mùa xuân nóng. Còn mùa hè thì vừa lạnh vừa nóng ? Đó là vì lúc mùa đông, thủy giới lên to nhất chưa giảm hết, thời cỏ cây bị ngấm nước, do sự ẩm ướt chưa khô héo, địa đại ẩm trơn, hỏa đại hướng xuống dưới, thủy giới dâng lên trên. Vì sao mà biết là như vậy ? Vì nước sâu ấm nhất, nước nông lạnh nhất. Thời tiết đã tới mặt trời vận hành ở đường ngoài, chiếu rọi thiêu đốt không lâu, cho nên đến mùa đông thì trời lạnh, mùa xuân thì thủy giới lên đã giảm hết, cỏ cây khô héo, đất đã khô ráo nứt nẻ, thủy giới hướng xuống dưới, hỏa giới bốc lên trên. Vì sao mà biết là như vậy ? Vì nước âu thì lạnh, nước nông thì nóng, mùa đông đã qua, mặt trời vận hành ở đường trong soi rọi thiêu đốt lâu; cho nên mùa xuân nóng. Bởi vậy trong ngày 8, đại địa luôn luôn bị rọi soi thiêu đốt, nước mưa đổ xuống, hơi đất nóng ẩm bốc lên; nếu gió thổi làm tiêu tan hơi nóng ẩm đó thì lạnh, lúc gió chẳng thổi thì nóng, nên mùa hạ có lúc nóng lúc lạnh. (Thiên Trúc cứ bốn tháng là một mùa, nên chỉ đặt ra ba mùa).

Kinh Đại Tập nói : xưa kia, Bà Già Bà Tiên phân bố tinh tú, nhiếp hộ các nước, dưỡng dục chúng sanh, các vì tinh tú đó đều làm chủ ở các nơi. Phương Đông có các sao Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

Phương Bắc có các sao Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất Bích.

Phương Tây có các sao Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.

Phương Nam có các sao Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

(Bổn Kinh và Khổng Tước nói giống nhau).

Kinh Tiêu Tai nói : có Cửu Chấp Đại thiên, 28 tinh tú, 12 Cung Thần.

Kinh Lăng Nghiêm nói : có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh.

Văn Cú nói : Tỳ Sa Môn là chủ của tinh tú.

Hình lượng chư tinh, theo kinh Lâu Thán : sao lớn chu vi 720 dặm, sao vừa 480 dặm, sao nhỏ 120 dặm. Sao là cung điện nhà cửa của chư Thiên.

Luận Du Già nói : sao lớn 18 câu-lư-xá, sao vừa 10 câu-lư-xá, sao nhỏ 4 câu-lư-xá (1 câu-lư-xá = 6 dặm).

Kinh A Hàm nói : sao lớn một do-tuần, sao nhỏ 300 bộ.

Tinh cung nhỏ nhất đường kính bằng nửa câu-lư-xá, chu vi bằng 1 câulư-xá; sao lớn đường kính là 16 do-tuần, chu vi là 48 do-tuần (số dặm nhiều ít khác nhau, có thể là do truyền văn ghi chép khác nhau, không nhất định cứ phải khớp với nhau).

Bàn Sư Thuật nói : nếu căn cứ vào Nội Kinh thì các sao đều là nhà cửa cung điện của chư Thiên, trong đó có chư Thiên ở. Do quả báo mà ánh quang minh của phước lực hiển hiện ra, còn Tục Thư thì nói rằng : Thiên là tinh khí, Nhật là dương tinh, Nguyệt là âm tinh, Tinh tú là tinh của vạn vật, Tinh tú mà rơi thì thành đá.

Vật lớn ở xa không phải là thứ có thể dùng cách đo đạc tầm thường mà biết được. Cho nên không thứ gì khiến con người ta khó mà biết được bằng trời.

Sao nếu là đá thì không thể có ánh sáng, tính của đá lại nặng nề, vậy thì chằng buộc vào đâu?

Đường kính của một ngôi sao, nếu là sao lớn thì đến hàng trăm dặm, đầu đuôi một chòm sao cách nhau hàng mấy vạn dặm. Hàng mấy vạn vật số có đường kính hàng trăm dặm nối liền với nhau, rộng hẹp ngang dọc thường không co giãn. Hơn nữa, sao – mặt trời – mặt trăng – ánh sáng đều có màu sắc như nhau mà thôi. Chỉ có điều là to nhỏ khác nhau; như vậy thì mặt trời, mặt trăng chẳng lẽ cũng là đá ư ?

Đá rắn chắc như thế thì làm sao mà chứa được quạ, thỏ (chỉ truyền thuyết Kim Ô – Ngọc thố là mặt trời, mặt trăng). Đá ở trong khí thì làm sao mà một mình có thể vận hành được ?

Có người bảo rằng : mặt trời, mặt trăng, các vì sao đều là khí, nhưng thể của khí thì nhẹ nổi, ắt hòa hợp với trời, xoay vần chuyển động trong đó, nhanh chậm di động không đều, lẽ nào khí lại rơi xuống và rỗng nhiên thành đá được.

Xưa kia, tại một huyện nọ ở Sơn Tây, lúc mưa to sấm lớn, trong không trung có đá rơi xuống đất hình dáng như thớt cối đá, mọi người chẳng biết duyên cớ vì sao. Sau có vị Hồ tăng nói : đó là thức ăn của rồng, rồng tranh ăn nên bị vãi xuống, vì rồng lấy đá làm thức ăn. Đại phàm là đá từ trên không trung rơi xuống đều giống như thế cả.

Kinh Quyến Sách nói rằng : Nhật Thiên tử, Nguyệt Thiên tử, Nhị Thập

Bát Tú Thiên, Thất Diệu Tinh Thiên, đủ thứ áo quần, đầy đủ trang nghiêm, ngồi Bán Già Phu. Lưng chừng núi Tu-di là nơi ở của Tứ Thiên vương.

(Kinh Nhân Bổn, luận Trí Độ nói : rộng bốn vạn hai ngàn do-tuần; Luận Tỳ Đàm, luận Câu Xá nói : rộng bốn vạn do-tuần).

Phương Đông có thành tên là Thượng Hiền,

Phương Nam có thành tên là Thiện Kiến, Phương Tây có thành tên là Chu La,

Phương Bắc có thành tên là Thiên Kính. (Kinh Trường A Hàm, luận Trí Độ cũng nói như trên).

ĐÔNG PHƯƠNG TRỊ QUỐC THIÊN VƯƠNG

(Phần nhiều gọi là Trì Quốc, kinh Hoa Nghiêm gọi là Đề Đầu Lại Tra), đốc lĩnh loài Càn-thát-bà, loài Tì-xá-xà bảo vệ cho người ở Đông châu (Cànthát-bà ở đây gọi là Tầm hương hành, là Nhạc thần của Đế Thích.

Tì-xá-xà, Hán dịch nghĩa là Hám-tinh-khí-quỷ (quỷ hút tinh khí), luận Trí Độ gọi là Phú-đan-na).

NAM PHƯƠNG TĂNG TRƯỞNG THIÊN VƯƠNG

(Khiến thiện căn tự tha tăng trưởng, nên gọi tên như vậy, kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lưu Lặc Xoa), đốc lĩnh các loài Cưu-bàn-trà, Tiết-lệ-đa bảo hộ cho người Nam châu (Cưu-bàn-trà ở đây gọi là Yếm mị quỷ, Tiết-lệ-đa ở đây gọi là Tối sơ ngạ quỷ).

TÂY PHƯƠNG TẠP NGỮ THIÊN VƯƠNG

Đốc lĩnh loài rồng và loài Phú-đan-na, bảo hộ cho người Tây châu (kinh Khổng Tước gọi là Quảng Mục, chuyên coi về việc trừng trị kẻ ác khiến chúng bị khổ mà phát tâm. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lưu Bác Xoa, Phú-đan-na tức là Xú ngạ quỷ, luận Trí Độ gọi là Tì-xá-xà).

BẮC PHƯƠNG ĐA VĂN THIÊN VƯƠNG

(Gọi tên như vậy, vì tiếng đồn về phước đức vang khắp bốn phương. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Sa Môn), đốc lĩnh bọn Dạ xoa, La sát bảo hộ người Bắc châu.

(Dạ xoa ở đây gọi là Tiệp tật quỷ, vì có khả năng truyền báo nhanh

chóng; La sát ở đây gọi là Bạo ác, kinh A Hàm nói là giống quỷ ăn thịt người).

Tứ Thiên vương có 28 bộ Quỷ thần (Kim Quang Minh), giá thú hành dục giống như nhân gian (kinh A Hàm).

Tứ Thiên vương mỗi vị có 91 người con; có đại uy lực thì gọi là Đế, có khả năng bảo hộ được mười phương (kinh Đại Cát Nghĩa).

Tất cả núi, rừng cây, đất đai, thành quách, tất cả Quỷ thần đều thuộc quyền cai quản của Tứ Thiên vương (luận Trí Độ).

Mỗi vị Thiên vương có 8 vị Tướng quân, tổng cộng là 32 Tướng đi khắp bốn cõi thiên hạ mà hộ trì người xuất gia. Trong 32 Tướng đó, Vị Tướng quân là người tích cực ủng hộ cho việc hoằng pháp nhất. Tỳ-kheo nào đạo lực yếu ớt, bị quỷ mê hoặc, Tướng quân đều xót thương lập tức chạy tới ứng cơ tiễu trừ (Thiên Nhân Cảm Thông truyện).

PHƯỚC BÁO HÓA SANH

Kinh A Hàm nói : Tứ Thiên vương Thiên lúc mới sanh, hóa hiện ở trên gối trời, bát báu tự nhiên đựng đầy hàng trăm vị của trời, ăn xong lớn lên bằng chư Thiên khác, vào ao tắm xong liền đi xuống dưới cây thơm; cây thơm uốn thân xuống xức hương thơm lên trên người. Sau đó, lại đi đến chỗ cây Át Cát Cụ lấy các thứ quần áo mặc vào rồi đến chỗ các cây Trang nghiêm (cây mọc ra đồ trang sức), cây Khí thụ (cây mọc ra bát đĩa khí cụ), cây Ăn quả, cây Lạc thụ, tùy ý thụ dụng, nhìn bên Đông thì quên bên Tây, nhìn bên Tây thì quên bên Đông, vô lượng khoái lạc, cùng nhiều thứ cung điện, vườn ao (như trong kinh nói lại).

Kinh Khởi Thế nói : lúc Tứ Thiên vương mới sanh ra đã bằng đứa trẻ 12 tuổi, bỗng nhiên sanh ra ở chỗ cha mẹ ngồi, hoặc ở hai bắp đùi, hai đầu gối. Ngay khi sanh ra liền có bình báu đựng Thiên Tu Đà cùng với rượu trời, tùy theo phước báo thượng, trung, hạ mà có các màu trắng, đỏ, đen; sau khi ăn uống xong thì lớn bằng các nam nữ khác.

SANH THIÊN NGHIỆP NHÂN

Kinh Khởi Thế nói : các chúng sanh có một loại thiện hạnh về thân, khẩu, ý, làm như vậy rồi thì lúc thân hoại mạng chung sẽ được vãng sanh lên cõi trời Thức Diệt. Ở trên cõi trời kia, thức lại bắt đầu tiếp tục sanh, lúc hành thức sanh thì cùng sanh một lúc với danh sắc, vì có danh sắc nên liền sanh lục nhập. Nếu là Thiên nam thì sanh ở bên đầu gối ngồi của Thiên nữ, nếu là Thiên nữ thì sanh ở trong bắp vế đùi của Thiên vương. Sanh ra như vậy rồi thì trời sẽ gọi là con trai, con gái của ta.

Tiếng Phạn gọi đủ : Đát Lợi Dạ Đăng Lăng Xa (ở đây gọi là Tam Thập Tam Thiên = Cõi Trời Ba Mươi Ba).

Cõi trời này ở trên đỉnh núi Tu-di, ngang dọc tám vạn bốn ngàn do-tuần. Trong đó bằng phẳng có thể ở được chỉ có bốn vạn do-tuần.

(Luận Bà Sa, luận Thuận Chánh Lý nói : Tam Thập Tam Thiên ở trên đỉnh núi Mê Lô, đỉnh núi bốn mặt, mỗi mặt 8.000 do-tuần).

Bốn góc trên đỉnh núi, mỗi góc có một ngọn núi, cao 700 do-tuần, được làm bằng bảy thứ báu, đều trang sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xà cừ, mã não.

(Kinh Nhân Bổn, luận Bà Sa nói : cao rộng 500 do-tuần, giống như Chánh Lý).

Có Thần Dược xoa tên là Kim Cương Thủ ở trong đó để canh gác, bảo vệ cho chư Thiên.

Thành lớn Thiện Kiến ở trên đỉnh núi, chu vi một vạn du-thiện-na, cửa kép cao một do-tuần rưỡi, thành có 1.000 cửa, trang trí đẹp đẽ, mỗi cửa đều có 500 Dược xoa áo xanh đều khôi giáp, khí giới chỉnh tề để canh giữ cửa thành, chính giữa có thành vàng chu vi 1.000 do-tuần.

(Luận Chánh Lý : điện Thù Thắng, chu vi 1.000 do-tuần, đất bằng vàng ròng, được trang trí bằng nhiều thứ báu như bông Đố La Miên, phập phồng theo bước chân đi).

Chỗ ở của Đế Thích : thành có 500 cửa, trong có lầu gác gọi là Bì Thiền Diên, bốn bên đều có 101 tòa lầu báu, trong đó có một vạn bảy trăm phòng; mỗi phòng có bảy Thiên nữ, mỗi Thiên nữ có bảy Thể nữ.

Các Thiên nữ đó đều là chánh phi của Đế Thích, Đế Thích cùng ở với nàng Xá Chi (Saci), hóa thân cùng ở với các bà phi khác.

(Tỳ Đàm, A Hàm đại để cũng giống như trên).

Tôn giả Mục Kiền Liên đi dạo khắp tiểu thiên thế giới, không ở đâu đẹp đẽ trang nghiêm như nhà Tì Xà Diên đường (kinh Tạp A Hàm gọi là Tì Thiền Diên).

Đường xá trong thành, người trời tùy theo phước đức mà có nhà cửa nhiều hay ít, có 500 đường, có bảy chợ gồm các chợ Mễ cốc (thóc lúa), Ẩm thực (ăn uống), Y phục (áo quần), Chúng hương (các thứ hương thơm), Công xảo, Hoa nam (vòng hoa) đều có đặt quan coi chợ. Thiên tử, Thiên nữ qua lại buôn bán, mặc cả đắt rẻ, đúng như phép chợ búa. Tuy làm như vậy, nhưng không lấy cũng không cho, nếu cần thứ gì thì có thể xách mà mang đi.

Đó là thành Thiện Kiến, lại còn có Thiên châu, Thiên huyện, Thiên thôn phân bố khắp xung quanh (theo kinh Nhân Bổn).

Cõi trời ba mươi ba có thành ngang dọc sáu vạn do-tuần, bảy lớp thành vách, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới nhạc, ngoài có bảy lớp hàng cây Đa La bao bọc xung quanh, màu sắc xen lẫn đẹp mắt, cũng đều làm bằng bảy thứ báu. Thành cao 400 do-tuần, dầy 50 do-tuần, bốn mặt thành cũng cách nhau 500 dotuần, ở giữa mở ra một cửa, các cửa cao 30 do-tuần, rộng 10 do-tuần. Mỗi một cửa thành cũng đều có Lâu Lỗ để đánh lui quân địch; có đài, tạ, đình, gác, hồ nước, rừng hoa đủ thứ kỳ diệu, chim chóc hòa vang, nhạc trời chốc chốc lại nổi lên, nghĩ đến áo thì áo đến, muốn ăn thì thức ăn tới, lớp lớp hướng lên, nghiệp thô nhẹ dần, phước nghiệp càng ngày càng tốt (theo kinh Nhân Bổn).

Ngoài thành (chỉ ngoài thành Thiện Kiến) bốn phía có bốn vườn hoa : 1- Chúng Xa Uyển : (kinh Nhân Bổn gọi là Tạp Sắc Xa Uyển, kinh Tạp A Hàm nói là ở ngoài cửa Đông), nhiều thứ xe cộ hiện ra tùy theo phước đức, Đông Chiếu Minh Viên có tháp thờ tóc Phật.

1. Thô Ác Uyển : (kinh Nhân Bổn gọi là Thô Sáp Uyển, Tạp A Hàm nói là ở ngoài cửa Nam), lúc trời định đi đánh nhau thì áo giáp, khí giới tự nhiên hiện ra; (Nam Thô Sáp Viên có tháp thờ áo Phật).

2. Tạp Lâm Uyển : (kinh Nhân Bổn gọi là Tạp Loạn Uyển, hàng tháng cứ đến ngày 8, 14, 15, ba mươi ba Thiên tử, Thể nữ từ trong cung ra vào trong vườn này cùng với Thiên chúng hội họp, đùa bỡn hỗn tạp, hưởng thụ năm thứ dục lạc ở trên cõi trời; Tạp A Hàm nói là ở ngoài cửa Tây), chư Thiên vào trong vườn này các thứ dục lạc trần nhiễm tạp nhạp cực diệu đều hết mức; (Tây Hoan Hỉ Viên có tháp thờ bình bát Phật.

3. Hỉ Lâm Uyển : (kinh Nhân Bổn nói rằng vào trong đó đều được hoan hỉ, Tạp A Hàm nói là ở ngoài cửa Bắc), chư Thiên chơi đùa đều sanh hoan hỉ (Bắc Giá Ngự Viên có tháp thờ răng Phật).

Bốn vườn đó, chu vi mỗi vườn đều 1.000 do-tuần. Mỗi vườn đều có ao Như Ý, chu vi 50 do-tuần, trong ao có nước Bát Công Đức;

Phía Đông Bắc ngoài thành có cây Viên Sinh, ngày hoa nở, hương hoa bay theo gió tới hàng trăm do-tuần còn ngửi thấy, nếu ngược gió thì 50 dặm vẫn còn ngửi thấy (tức là cây hương Ba Lợi Chất Đa La mà trong kinh thường nói). Phía Tây Nam thành có Thiện Pháp đường, ba mươi ba Thiên thường tập họp, biện luận chế phục A Tố Lạc, xét xem các sự có đúng như pháp hay chẳng như pháp (theo luận Thuận Chánh Lý) chính giữa Thiện Pháp đường có tòa sư tử.

(Kinh Tỳ Da Tiên Nhân nói rằng : Thiện Pháp đường có tám vạn bốn ngàn cột, vào trong nhà này thì không có các lỗi như ác xúc, thụy miên (ngủ gục), tần thân (rên rỉ).

Đế Thích lên tòa, tả hữu mỗi bên có 16 vị Thiên vương xếp hàng mà ngồi chầu vào, có hai Thái tử là hai đại tướng quân ngồi hai bên tả hữu các Thiên vương.

Thiên vương Trì Quốc cùng Đại thần Quân Lữ cung kính chư Thiên ngồi theo cửa Đông,

Thiên vương Tăng Trưởng ngồi theo cửa Nam, Thiên vương Quảng Mục ngồi theo cửa Tây, Thiên vương Đa Văn ngồi theo cửa Bắc.

Bốn vị Thiên vương đó đem các chuyện thiện ác ở thế gian tâu lên Đế Thích, chư Thiên vương cứ đến ngày 8 thì Đại thần của Tứ Thiên vương đi tuần hành khắp cõi thế gian, ngày 14 thì Thái tử của Tứ Thiên vương tuần hành, ngày 15 thì bốn vị Thiên vương tự mình tuần hành, quán sát chứng kiến những điều thiện ác. Nếu không có nhiều người thọ giới, bố thí, nghe tâu xong thì Đế Thích sẽ buồn rầu mà nói rằng : Thiên chúng tổn giảm, Tu-la ngày một tăng (theo luận A Tỳ Đàm).

Lúc trước còn làm người, Đế Thích đã bố thí đồ ăn, thức uống, đèn đuốc, tiền của, vì thế nên gọi là Thích Đề Hoàn Nhân (ở đây gọi là Năng Thiên Chủ).

Lúc trước còn làm người, họ cũ là Kiều Thi Ca, Xá Chi là hoàng hậu thứ nhất, nên gọi là Xá Chi Bát Để. Ở trên một tòa mà nghĩ ra 1.000 loại nghĩa, nên gọi là Thiên nhãn.

(Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : Đế Thích hiện thân có 1.000 mắt, tay cầm kim cương tỏa ra ngọn lửa).

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói rằng : hiện thân có 1.000 đầu, vì là chủ của cả 33 cõi trời, nên gọi là Nhân Đề Lợi (theo kinh Trung A Hàm).

Hỏi : Bốn châu trong nhân gian nhờ mặt trăng, mặt trời mà phân biệt được ngày đêm. Ngày đêm ở Dục Thiên làm sao mà phân biệt được ?

Đáp : Hoa Bát Đặc Ma cụp, hoa Uẩn Bát La xòe, thích ngủ nhiều, lúc đó là đêm. Nếu hoa Uẩn Bát La cụp, hoa Bát Đặc Ma xòe, ít muốn ngủ nghỉ thì lúc đó là ngày (luận Tỳ Bà Sa nói rằng : Thiên cung suốt ngày đêm đều sáng, cho nên lấy hoa cụp hoa xòe làm căn cứ).

Lúc Trời 33 sanh thì trong tay Thiên nữ hoa nở, tự biết là có con liền trao cho chồng, bảy ngày thì Thiên sanh, khéo biết Thiên pháp, đi vào trong cung điện thấy không có chủ, Thiên nữ đến bảo rằng : Này Thánh tử, hãy tới đây ! Đây là cung điện của ngươi, tôi nay không có chồng, xin cúng dường cho người (theo kinh Tỳ Da Tiên Nhân).

Hoặc khi Thiên vương muốn dạo chơi thì có các Thiên nữ vây quanh, diễn tấu các thứ âm nhạc, tới Thiên cung kia rồi, thì vị Thiên vương ở cung đó liền ra đón rước vào trong cùng ngồi, cũng lại tấu nhạc trời, ăn Thiên Tô Đà, uống nước cam lồ ở cõi trời. Các Thiên nữ hòa tấu các thứ tạp nhạc, chơi hết cảnh trời này lại đến cảnh trời khác, ở cảnh trời đó cũng lại đón tiếp vui vầy như trên. Cứ như vậy mà rong chơi khắp hết 32 cảnh trời.

Chư Thiên, cung điện, cây báu, vườn tược, cảnh giới, quang sắc mỗi nơi mỗi khác.

Hoặc là cung điện bằng vàng ròng, hoặc cung điện bằng bạc trắng, lưu ly, pha lê, hoặc cung điện bằng hai thứ báu, bằng ba bốn sắc báu, hoặc bằng bảy thứ báu, tường báu, cây báu v.v… quang sắc mỗi nơi mỗi khác, cũng lại như thế.

Hoặc một Thiên vương, hai Thiên vương cùng dạo chơi, ngồi xe báu, cưỡi thuyền báu rong chơi trên sôngHương thủy, vi diệu ngũ trần khoái lạc vô lượng. Thiên nữ tấu nhạc, ca múa nói cười, co kéo khuyên nhủ, nhởn nhơ qua lại, lòng dục bừng bừng;

Lại tới chốn khác rất là buông thả. Bấy giờ, Đế Thích ngồi kiệu báu có Thiên nữ xúm quanh tấu nhạc mà tới. Các Thiên vương kia đều cung kính ra đón chào, Đế Thích hiện lực thần thông, chỉ cho thấy tướng khổ thời vị lai, răn bảo chư Thiên, khuyên tu đạo nghiệp, chớ nên phóng dật, chư Thiên phụng hành, ai về cung nấy, đều như trong kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, kinh này nói ra Đế Thích là sơ quả Tu đà hoàn).

NGHIỆP NHÂN

Luận Trí Độ nói rằng : xưa có một vị Bà-la-môn họ là Kiều Thi Ca cùng với 32 người bạn thân cùng nhau tu phước đức, tới lúc mạng chung đều được sanh ở đỉnh núi Tu-di.

Kiều Thi Ca là Thiên chủ, 32 người kia là Phụ thần.

Tịnh Danh Sớ nói rằng : xưa có một người nữ phát tâm xây tháp, được quả báo làm Thiên chủ, 32 người cùng giúp sức xây, quả báo được làm Phụ thần, cộng cả vua tôi là 33 người.

Tứ Giáo Nghi nói : nếu chỉ tu thượng phẩm thập thiện thì sẽ được vãng sanh lên cõi trời Đao Lợi (đây là tổng nhân).

Kinh Trường A Hàm nói : tịnh tu phạm hạnh ở chốn Phật thì khi mạng chung sẽ được vãng sanh lên cõi trời Đao Lợi tăng thêm năm phước là thọ – sắc – danh xưng – lạc – uy đức.

Kinh Thiện Giới nói rằng : Tăng Ni giữ 250 giới đó cũng là nghiệp sanh Thiên. Kinh Ôn Thất nói : Tăng tắm nghiệp sạch cũng được sanh Thiên.

Kinh Tạp A Hàm nói : bố thí áo đẹp cùng các thứ ưa thích, bố thí hương thơm, cơm ngon, chẳng sát sanh, chẳng tham lam, chẳng lười nhác, giảm ăn bố thí cơm cho người nghèo, giữ tiết, khiêm nhún. Hoặc thấy Tăng Ni nghe chánh pháp, một đêm trai giới v.v… các nghiệp nhân như vậy đều sanh trên cõi trời, cung điện theo người, thân màu vàng ròng, được hưởng thụ sự khoái lạc thắng diệu ở cõi trời.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : giữ các giới chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm v.v… đều được sanh Thiên.

Còn nói : các nghiệp sát, đạo, dâm nếu có được sanh trong loài người thì thân sắc cũng tiều tụy, không có uy đức.

Nếu các nghiệp khác được làm thân trong cõi trời thì hình mạo cũng sút kém, các thứ báu để trang sức cũng kém vẻ sáng, bị các Thiên nữ đều ruồng bỏ, chư Thiên khác đều khinh bỉ chê cười, đánh nhau với A-tu-la sẽ bị A-tu-la giết.

Pháp Uyển nói : nếu giữ giới chẳng sát sanh sẽ được vãng sanh tới chỗ

Tứ Thiên vương;

Chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, sẽ được sanh ở cõi trời Đao Lợi.

Chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm sẽ được vãng sanh lên cõi trời Dạ Ma Thiên.

Nếu lại thêm chẳng vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ nữa thì sẽ được sanh ở cõi trời Đâu Suất.

Vâng giữ Phật giới, kiêm bảy thiện nghiệp về thân, khẩu nữa thì sẽ được sanh ở cõi Hóa Lạc Tha Hóa Thiên.

(Kinh nói rằng : khi Đế Thích Thiên vương muốn đi du hành, ra khỏi cửa cung bèn chắp tay hướng về Nam mà cung kính lễ ba lạy. Có viên Ngự Mã là Dạ xoa Thần sảng sốt sợ hãi đánh rơi roi ngựa.

Đế Thích hỏi : Nhà ngươi là tiểu Quỷ thần, cớ sao mà lại sợ hãi ? Dạ xoa tâu rằng : Trong cõi trời 33, Thiên vương là bậc chí tôn, không còn ai hơn được.

Nay lại hướng lên không trung mà đảnh lễ, há chẳng phải là còn có bậc tôn quý hơn chăng ? Vì thế nên sợ.

Đế Thích nói : Ta lễ Phật Đà ở Nam Thiệm Bộ châu cùng Tăng già và các bậc Thánh hiền ở đó, nhà ngươi là tiểu Quỷ thần mà chẳng biết ư ? Thế là Dạ xoa liền tín ngộ, lễ chân Đế Thích Thiên vương.

Kinh còn nói : Đế Thích được quả Tu đà hoàn, răn dạy người, trời tu các đạo, phẩm, tiến tới Niết-bàn. Hơn nữa, lại vì nhân tu giới thiện mà báo được thân trời, nên kính pháp là hạnh căn bản).

TAM GIỚI THỨ ĐỆ AN LẬP THUYẾT

(Thuyết minh về thứ tự an lập của ba cõi)

Trong hư không ở hạ phương, có Đại Phong luâncao 1.600.000 do-tuần

(theo luận Câu Xá), Thủy luân cao 800.000 do-tuần, rộng 1.203.450 do-tuần

(theo luận Câu Xá), nhờ nghiệp lực của chúng sanh, nước chẳng lưu tán, như ăn chưa tiêu, chẳng sa xuống thục tạng (theo kinh Nhân Bổn).

Kim luân cao 320.000 do-tuần, rộng như Thủy luân (theo luận Câu Xá). Trên nước có gió thổi chuyển nước đó ở trên thành Kim luân, như sữa chín thành kem, đó gọi là Kim luân dày 4 lạc-xoa, 20.000 do-tuần (theo kinh Nhân Bổn).

Kim luân sâu 68.000 do-tuần (kinh Tân Bồ tát Tạng và kinh Cùng Như Tăng Nhất).

Trong núi Luân vi là Hàm Hải, Thất Kim Sơn, Hương thủy Hải, tới chân núi Tu-di. Lên cao 10.000 do-tuần, quanh núi ngang dọc 10.000 do-tuần là chỗ ở của Kiên Thủ Thiên (theo luận Bà Sa).

Lại lên cao một lần nữa (kinh Nhân Bổn nói 20.000), quanh núi 8.000 dotuần là chỗ ở của Trì Hoa Man Thiên (một lần là 10.000).

Lại lên cao một lần nữa (kinh Nhân Bổn nói 30.000), quanh núi 4.000 dotuần là chỗ ở của Phóng Dật Thiên.

Lại lên cao một lần nữa (kinh Nhân Bổn nói : nửa núi là 42.000. chỗ Tứ

Thiên vương ở), quanh núi 4.000 do-tuần là chỗ ở của Nhật, Nguyệt, Tinh Tú Thiên.

Lại lên cao một lần nữa, quanh núi 4.000 do-tuần là chỗ ở của Tứ Thiên vương.

Dưới núi Tu-di, còn có chỗ của chư Thần ba cấp, đều có bảy lớp tường quây, đều là Dạ xoa ở (theo kinh Nhân Bổn). Ba cảnh trời này đều là chỗ ở của Dược xoa, chúng là bộ thuộc của Tứ Thiên vương (theo luận Câu Xá).

Lại lên trên 40.000 do-tuần, đỉnh núi ngang dọc 40.000 do-tuần. Trong đó, thành Thiện Kiến dọc ngang 10.000 do-tuần, đó là chỗ ở của Tam Thập Tam Thiên.

Từ núi này lại lên cao 40.000 do-tuần (có thuyết nói là 60.000) có một chốn như mây, do bảy thứ báu tạo thành, giống như đại địa, đó là chỗ Dạ Ma Thiên ở.

Lại lên cao gấp một lần nữa (hoặc 320.000) có đất như mây, đó là chỗ ở của Đâu Suất Thiên.

Lại lên cao gấp một lần nữa, có đất như mây, đó là Tha Hóa Thiên ở.

Lần lượt cho đến Sắc Cứu Cánh Thiên đều có đất như mây.

(Lên cao gấp một lần, có nghĩa cao theo chiều thẳng đứng. Rộng như Đao Lợi ngang dọc 40.000, Diệm Ma 80.000 cho tới Tha Hóa lần lượt cái sau gấp đôi cái trước, ngang dọc 640.000 do-tuần, theo luận Bà Sa).

Kinh Nhân Bổn nói rằng : trên núi Tu-di từ Đao Lợi Thiên trở lên gấp một lần nữa có Dạ Ma Thiên, lại gấp thêm một lần nữa thì có Đâu Suất Thiên.

Lần lần tới dưới Phạm Thân Thiên có cung điện của Ba tuần Ma La, trên Phạm Thân Thiên có Quang Âm Thiên, gấp một lần Quang Âm nữa có Biến Tịnh Thiên, gấp một lần Biến Tịnh nữa, có Quảng Quả Thiên, gấp một lần Quảng Quả, có Bất Thô Thiên, dưới có Vô Tưởng Thiên, gấp một lần Bất Thô có Bất Phiền Thiên. Lần lượt tới Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, rồi lên đến A Ca Ni Tra Thiên (tức là Sắc Cứu Cánh). Trên còn có các cõi gọi là Không Xứ, Thức Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Phi Tưởng Xứ.

Luận Tỳ Đàm nói : Phật dạy rằng : Phạm Xứ gần xa ra sao ?

Như có người rằm tháng 9 tại Phạm xứ thả một khối đá vuông bằng 100 trượng cho rơi xuống hạ giới, giữa chừng không hề bị chướng ngại gì, cho đến rằm tháng 9 năm sau mới đến đất Diêm Phù, gấp hai lần như vậy mới đến Vô Lượng Quang Thiên, lại gấp hai lần mới đến Biến Thắng Quang Thiên. Cứ gấp bội mãi lên như vậy cho đến A Ca Ni Tra Thiên.

Từ cõi A Ca Ni Tra Thiên này lăn đá lớn xuống giữa chừng không hề gặp chướng ngại gì thì phải trải qua 65.535 năm mới tới được đất Diêm Phù.

Luận Trí Độ nói : từ cõi ban đầu của Sắc giới lăn xuống một hòn đá vuông bằng một trượng, phải trải qua 18.383 năm mới tới đất.

CHƯ THIÊN THÂN THỌ

(Thân lượng theo luận Câu Xá Y lượng theo Trường A Hàm Thọ lượng theo Câu Xá, Tỳ Đàm Và Giảo lượng theo kinh Thọ Mạng)

DỤC GIỚI LỤC THIÊN

– Tứ Thiên vương : thân lượng nửa dặm, quần áo nặng nửa lạng, (50 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 500 tuổi.

– Đao Lợi Thiên : thân lượng một dặm, quần áo nặng 6 thù (100 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 1.000 tuổi.

– Dạ Ma Thiên : thân lượng nửa dặm, quần áo nặng 3 thù (200 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 2.000 tuổi.

– Đâu Suất Thiên : thân lượng hai dặm, quần áo nặng 2 thù (400 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 4.000 tuổi.

– Hóa Lạc Thiên : thân lượng hai dặm rưỡi, quần áo nặng một thù (800 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 8.000 tuổi.

– Tha Hóa Thiên : thân lượng ba dặm, quần áo nặng nửa thù (1.600 năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở đây), thọ 16.000 tuổi.

– Ma La Ba Tuần Thiên : áo quần nặng nửa lạng một phần sáu mươi bốn, thọ 32.000 tuổi.

Thọ mạng của Sắc giới dùng kiếp để tính (chẳng mặc quần áo mà không khác gì mặc quần áo, đầu tuy không có búi tóc mà như đội mũ trời, không có tướng nam nữ, chỉ có một loại hình – theo kinh Nhân Bổn).

SƠ THIỀN TAM THIÊN

Kinh Hoa Nghiêm : dưới Phạm Chúng có Phạm Thân Thiên.

– Phạm Chúng Thiên : thọ mạng nửa kiếp (nửa trung kiếp bằng 20 tiểu kiếp), thân cao nửa do-tuần (20 dặm).

– Phạm Phụ Thiên : thọ mạng một kiếp (40 tiểu kiếp), thân dài một dotuần (40 dặm).

– Đại Phạm Thiên : thọ mạng một kiếp rưỡi (60 tiểu kiếp), thân dài một do-tuần rưỡi (60 dặm).

NHỊ THIỀN TAM THIÊN

(Kinh Hoa Nghiêm : Sơ Hữu Quang Thiên).

– Thiểu Quang Thiên : thọ mạng hai đại kiếp (thành, trụ, hoại, không cộng lại là một đại kiếp), thân dài hai do-tuần (quang minh ít nhất).

– Vô Lượng Quang Thiên : thọ mạng bốn đại kiếp, thân dài bốn do-tuần (quang minh hơn cõi trước).

– Quang Âm Thiên : thọ mạng tám đại kiếp, thân dài tám do-tuần (không giác quán ngữ ngôn, lấy quang minh làm ngôn ngữ. Thiên này lúc nói thì miệng tỏa ra Tịnh quang).

TAM THIỀN TAM THIÊN

(Kinh Hoa Nghiêm: Sơ Hữu Tịnh Thiên).

– Thiểu Tịnh Thiên : thọ mạng 16 kiếp, thân dài 16 do-tuần (vì ly hỉ, thọ lạc nên gọi là Tịnh; vì chưa đến được vị trên nên gọi là Thiểu).

– Vô Lượng Tịnh Thiên : thọ mạng 32 kiếp, thân dài 32 do-tuần (thanh tịnh hơn cõi trên).

– Biến Tịnh Thiên : thọ mạng 64 kiếp, thân dài 64 do-tuần (thanh tịnh khắp hết, không còn lầm lỗi).

TỨ THIỀN CỬU THIÊN

(Kinh Hoa Nghiêm gọi là Quảng Thiên v.v…)

– Vô Vân Thiên : thọ mạng 125 kiếp, thân dài 125 do-tuần (cõi này trên không nương vào mây mà trụ).

– Phước Sanh Thiên : thọ mạng 250 kiếp, thân dài 250 do-tuần (vì có lực thắng phước).

– Quảng Quả Thiên : thọ mạng 500 đại kiếp, thân dài 500 do-tuần (vì quả báo tối thắng)

– Vô Tưởng Thiên : thọ mạng 750 đại kiếp, thân dài 750 do-tuần (vì tâm tưởng bất hành).

– Vô Phiền Thiên : thọ mạng 1.000 đại kiếp, thân dài 1.000 do-tuần (vì không ngóng trông gì).

– Vô Nhiệt Thiên : thọ mạng 2.000 đại kiếp, thân dài 2.000 do-tuần (vì lìa được nhiệt não).

– Thiện Kiến Thiên : thọ mạng 4.000 đại kiếp, thân dài 4.000 do-tuần (vì định chướng dần dần kiến cực minh).

– Thiện Hiện Thiên : thọ mạng 8.000 đại kiếp, thân dài 8.000 do-tuần (vì hình sắc càng ngày càng tốt, khéo biết biến hóa).

– Sắc Cứu Cánh Thiên : thọ mạng 16.000 đại kiếp, thân dài 16.000 dotuần (sắc pháp tối cực).

VÔ SẮC GIỚI THIÊN

– Vô Sắc Giới Thiên : không có bốn loại sắc, có Định quả sắc, phải biết rằng Vô sắc giới vì là cõi không có Sắc giới nên cũng không có thân lượng.

– Vô Biên Xứ Thiên : thọ mạng 20.000 đại kiếp (định hành, tuệ hành mỗi thứ được 10.000, vì chán sắc nương vô không).

– Thức Vô Biên Xứ Thiên : thọ mạng 40.000 đại kiếp (định, tuệ hai hành mỗi hành được 20.000, chán thức nương vào thức).

– Vô Sở Hữu Xứ Thiên : thọ mạng 60.000 đại kiếp (chỉ có định hành gấp bội, chán thức nương vào thức tính).

– Phi Phi Tưởng Xứ Thiên : thọ mạng 80.000 đại kiếp (cũng chỉ có định hành gấp bội. Theo luận Bà Sa : nghiên cứu thức tính đến cùng, tựa như hết mà chẳng hết).

Kinh A Hàm nói : trên đây Ấm – Nhập – Giới – Tụ là nẻo qua lại (luân hồi) của chúng sanh trong vòng sanh – lão – bệnh – tử.

Kinh Nhân Bổn nói : đây là nơi mà tất cả mọi chúng sanh có sanh – lão – bệnh – tử trong thế giới này, đọa vào trong con đường sống như thế này mà an trụ, chỉ tới đây chứ không vượt qua được, cho nên gọi là thế giới Sa-bà, là cõi Vô úy. Tất cả các thế giới khác ở mười phương cũng đều như vậy.

CHƯ THIÊN NGHIỆP NHÂN

Luận Trí Độ nói : Dục giới chúng sanh có ba loại, vì thiện căn có ba hạng thượng, trung, hạ :

Hạng thượng là Lục Dục Thiên, hạng trung là hạng giàu sang trong loài người, hạng hạ là hạng thấp hèn trong loài người.

Luận này còn nói :

Thượng phần nhân duyên thì quả báo là Thiên đạo (được sanh vào cõi trời).

Trung phần nhân duyên thì quả báo là Nhân đạo (sanh vào cõi người).

Hạ phần nhân duyên thì quả báo là Tu-la (sanh vào loài A-tu-la), Tu-la tuy tương tự như Thiên, nhưng vì kiết sử che lấp bổn tâm, tâm nhiều tà khúc, gần đạo khó nên ở dưới người.

Tứ Giáo Nghi nói : Tứ Vương, Đao Lợi chỉ tu thượng phẩm, thập thiện là được vãng sanh (lên các cõi đó); còn từ Dạ Ma trở lên kiêm tu thêm cả chưa đáo định được vãng sanh (cũng gọi là Dục giới định).

Thứ Đệ Sơ Môn nói : nếu tự mình giữ giới trong sạch, chí tại Thiền môn, chuyên tu năm pháp thì tứ đại Sắc giới thanh tịnh tự hiện trong thân, duyên vào thứ đệ này sẽ được mọi thứ công đức chi lâm thắng diệu của căn bản tứ thiền, như vậy thì mới vượt được lưới dục và mới được quả báo sanh ở Sắc giới.

+ Năm pháp (ngũ pháp) là : dục, tinh tấn, niệm, xảo tuệ, nhất tâm.

+ Chi lâm là : tứ thiền có 18 chi, thêm nữa trong thiền định các sự khoái lạc như thấy nóng lạnh v.v… rất nhiều như rừng, đủ như Chỉ Quán đã nói.

Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói rằng : nếu chúng sanh tu đủ Tăng thượng Thập thiện thì được Dục Thiên báo (sanh ở Dục giới).

Tu Hữu lậu Thập thiện và định tương ưng thì được Sắc Thiên báo. Tu Tứ không định thì được Vô Sắc Thiên báo.

THIÊN NHÂN QUANG MINH

(Ánh sáng của Thiên Nhân)

Luận Trí Độ nói : chư Thiên nghiệp báo sanh thân quang :

Chư Thiên ở Dục giới vì bố thí đèn đuốc, minh châu và bố thí trì giới, thiền định v.v… đều thanh tịnh nên thân thường quang minh, chẳng cần đến ánh sáng của mặt trăng, mặt trời soi rọi.

Chư Thiên ở Sắc giới vì hành thiền lìa dục, tu tập Tam-muội Hỏa Quang nên thân phát ra diệu quang sáng hơn cả ánh mặt trời, mặt trăng và Dục giới quang. Các thứ quang minh này đều do tâm thanh tịnh mà được. Phật thường tỏa ánh quang minh, trên mặt mỗi bề đều dài một trượng.

Quang minh của chư Thiên, loại lớn tuy dài vô lượng do-tuần nhưng khi ở bên cạnh ánh quang minh một trượng của Phật liền bị che mất mà chẳng hiện được. Cho nên Kiều Thi Ca (tức Đế Thích) nghĩ như vầy : diệu quang của đức Phật che lấp cả quang minh của chư Thiên, đó là ánh sáng của trí tuệ để phá tan sự ngu tối của ta vậy.

Kinh Trường A Hàm nói rằng : ánh sáng của con đom đóm chẳng bằng ánh sáng của đèn nến, ánh sáng của đèn nến chẳng bằng ánh sáng của cả bó đuốc, ánh sáng của cả bó đuốc chẳng bằng ánh sáng của cả một đống lửa, ánh sáng của đống lửa chẳng bằng ánh quang minh trên thân thể, áo quần, cung điện của Tứ vương.

Ánh quang minh của Tứ Thiên vương chẳng bằng ánh quang minh của Đao Lợi Thiên, xoay vần cho tới ánh quang minh của Sắc Cứu Cánh Thiên chẳng bằng ánh quang minh của Đại Tự Tại Thiên, ánh sáng của Đại Tự Tại Thiên chẳng bằng ánh quang minh của đức Phật; các thứ quang minh gom lại chẳng bằng ánh sáng của Tứ Đế pháp.

Ngài Đạt Ma nói : trong các loại quang, Trí quang là nhất. Trong các loại minh, Tâm minh là nhất.

Luận về hình sắc, Tỳ Đàm nói : chúng sanh ở Nam châu có đủ mọi loại sắc tướng, hai châu Đông Tây, trừ màu đen ra, còn thì đều giống như Nam châu. Người Bắc châu đều sắc trắng, Tứ Thiên vương bốn sắc xanh, đỏ, vàng, trắng; sắc của chư Thiên ở Dục giới cũng đều như vậy. Lúc sơ sanh nếu thấy hoa màu xanh, đỏ, vàng, trắng v.v… cũng như thế.

Có người nói rằng : Phạm vương sắc như bạc trắng, áo quần màu vàng ròng. Sắc Giới Thiên hai sắc là vàng ròng và bạc trắng.

(Trong Sắc giới cũng có các màu xanh, đỏ, vàng, trắng vì là biến xứ định, chứ chẳng phải chỉ có hai màu nói trên).

ẨM THỰC TINH THÔ

Kinh Khởi Thế nói : tất cả chúng sanh đều có bốn loại thức ăn :

1)- Thô Đoạn Thực và Vi Tế Thực : bốn châu trở lên tới Lục Dục Thiên đều giống nhau, từ Sắc giới trở lên đến Vô Sắc Giới Thiên đều dùng pháp hỉ thiền duyệt làm thức ăn, không có Thô – Tế thực.

2)- Xúc Thực : tất cả loài noãn sanh mà được thân thì lấy xúc làm thức ăn.

3)- Tư Thực : chỉ ý tứ tư nhuận cho các căn tăng trưởng cũng như cá, ba ba, rắn, tôm v.v… cùng các thứ ý tứ tư nhuận làm lợi ích cho các căn thọ mạng.

4)- Thức Thực : chỉ chúng sanh ở địa ngục và Vô Biên Thức Xứ Thiên v.v… đều dùng thức trì làm thức ăn.

(Hoặc gọi là xủy, xúc, niệm, thức. Xủy là chỉ người rồng, chim đều là xủy thực. Xủy tức là đánh bắt, xủy thực là đánh bắt lấy mà ăn. Các chỗ khác nghĩa cũng như vậy).

Kinh Lăng Nghiêm nói : 12 loại chúng sanh như vậy trong thế giới chẳng thể tự bảo toàn được, đều phải dựa vào bốn loại thức ăn mới trụ được. Đó là Đoạn thực, Xúc thực, Tư thực, và Thức thực.

Cho nên Phật dạy rằng : tất cả chúng sanh đều phải dựa vào ăn mà trụ. (Ôn Lăng chú : nhân gian đoạn thực, ý nói việc ăn uống ắt có phần đoạn. Quỷ thần xúc thực, ý nói chỉ đụng chạm vào là đã no rồi. Thiền định tư thực, ý nói thức ăn tới chỉ nghĩ đến đã thấy no. Thức Thiên Thức Thực : là đã không có hình sắc thì chỉ dùng thức tưởng).

Chư Thiên ở Dục giới, vị nào phước dày, chỉ cần nghĩ đến là mọi thứ đều đầy đủ, cam lồ đầy chén, trăm vị đều tới. Vị nào phước mỏng, tuy có thức ăn uống nhưng thường chẳng thỏa lòng.

Kinh nói rằng : chư Thiên đều cùng ăn uống bằng các thứ bảo khí (bát đĩa báu), nhưng tùy theo phước đức của từng người mà màu cơm có sự khác nhau; loại thượng thì thấy màu trắng, loại trung thì thấy màu vàng, loại hạ thì thấy màu đỏ.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói : từ Diệm Ma trở lên cho đến hết Sắc Giới Thiên, giàu nghèo đều bằng nhau. Từ Đao Lợi trở xuống, báo có dầy mỏng. Phước dầy thì mọi thứ đầy đủ dư thừa, phước mỏng thì tuy có áo quần, cung điện nhưng thường ăn chẳng đủ.

(Đã từng có Bạc Phước Thiên phải bị đói, phải xuống Diêm Phù trảy táo chua mà ăn, người ta nhìn thấy hình thù khác lạ, liền hỏi, thì đáp rằng : Ta chẳng phải là người mà là Bạc Phước Thiên, chỉ có cung điện, nhưng ăn thường chẳng đủ cho nên mới thế này. Hỏi thêm, mới biết là do chỉ tu giới nhẫn mà chẳng tu hạnh bố thí).

TAM GIỚI CỬU ĐỊA

Luận chung Giới Địa, thì gọi là Tam Giới Cửu Địa (ba giới, chín địa). I)- DỤC GIỚI LỤC THIÊN :

Hai Thiên ở dưới thì gọi là Địa Cư Thiên, bốn Thiên ở trên thì gọi là Không Cư Thiên. Tứ vương (Thiên vương) chỉ ở bốn phương thống nhiếp các bộ Quỷ thần.

Đao Lợi : chỉ trên đỉnh núi Tu-di có 33 Thiên cung.

Tứ Giáo tập nói : Dạ Ma (ở đây gọi là Thiện Thời : vì căn cứ vào hoa xòe hay cụp mà phân chia ngày đêm.

Đâu Suất (ở đây gọi là Tri Túc) : vì đối với cảnh ngũ dục sanh hỉ túc, Hóa Lạc là đối với cảnh khéo hóa mà thọ lạc.

Tha Hóa là đối với cảnh tự tha đều có thể tự tại hóa dụng.

Kinh Lâu Thán nói : trong hai cõi giới Dục – Sắc, còn có riêng cung ma.

Ma đó có lòng ghen ghét ví như đá mài, mài hỏng công đức. (Cung ma) ngang dọc 6.000 do-tuần, có bảy lớp tường.

(Đại Luận : Ma La dịch nghĩa là đoạt mạng, Ba-tuần là tên vua (của loài ma) dịch nghĩa là Sát giả (kẻ giết hại), thường muốn đoạt huệ mạng của người.

Niết Bàn Sớ nói rằng : ma dựa vào Phật pháp mà được thiện lợi, nhưng chẳng nghĩ cách báo ân, mà ngược lại còn định nói xấu.

Phụ Hành Ký nói : chữ Ma lẽ ra là thuộc bộc Thạch (chỉ chữ Ma có nghĩa là mài, thuộc bộ thạch là đá mài). Từ Lương Vũ Đế trở đi cho rằng vì ma hay quấy người, nên thay bằng bộ Quỷ.

Tịnh Danh nói rằng : (Ma) phần nhiều là Bồ-tát Bất Tư Nghị Giải Thoát ứng làm Ma vương.

Thùy Dụ Ký nói : cõi đệ lục Thiên có riêng chỗ ở của Ma La do Hóa Thiên nhiếp (cai quản), đó tức là Thiên Tử Ma vậy).

Trên đây gọi chung là Dục giới.

Quy Củ chú : dục chỉ ẩm thực (ăn uống), thụy miên (ngủ nghỉ), dâm dục (ba thứ này gọi là tam dục).

Lại có kệ rằng :

Lục thụ dục, giao, bão

Chấp thủ, tiếu, thị dâm

(Chỉ cách thụ dục của Lục Dục Thiên), ý nói Tứ vương thì giao (giao hợp), Đao Lợi thì bão (ôm ấp), Diệm Ma thì chấp thủ (cầm tay đã là hành dục rồi), Đâu Suất thì tiếu (cười là hành dục), Hóa Lạc thì thục thị (nhìn kỹ vào người đó là hành dục), Tha Hóa thì tạm thị (nhìn qua là hành dục). Như vậy là dục có hậu bạc (nồng nhạt) vậy.

Cũng gọi là Ngũ Thú Tạp Cư Địa, ngũ thú (năm chốn) : Thiên, nhân, tam đồ. Tu-la do Thiên thú thống nhiếp. Quỷ, súc thì khắp trong ngũ thú đều có tam dục (ăn uống, ngủ nghỉ, dâm dục).

II)- SẮC GIỚI THẬP BÁT THIÊN

(18 Thiên ở Sắc giới)

Dẫu lìa dục nhiễm nhưng vẫn còn sắc chất, nên gọi là Sắc giới.

Tên gọi chung là Phạm Thế, vì đã lìa được dục nhiễm. Còn gọi chung là Tứ thiền vì lìa được tán động, Dục giới chỉ là thập thiện cảm sanh (tức là do nghiệp cảm thập thiện mà được sanh lên cõi này). Còn Sắc giới Thiên này thì do kiêm cả thiền định cảm mà sanh, nhưng chỉ là hữu lậu thiền quán, lục sự hạnh mà thôi. (Lục hạnh chỉ việc chán Dục giới là thô chướng, ưa Sắc giới coi đó là tịnh diệu ly).

Đây chỉ là phàm phu phục cảm, siêu thế gian đạo mà thôi (ý nói chỉ là quả báo của hạng phàm phu tu thập thiện và thiền định hữu lậu).

1)- Sơ thiền : luận Câu Xá gọi là Ly Sanh Hỉ Lạc Địa, ý nói lìa được tạp ác sanh của Dục giới, chứng được khinh an lạc vậy.

2)- Nhị thiền : luận Câu Xá gọi là Định Sanh Hỉ Lạc Địa, ý nói có nước định thủy nhuần tưới cho nghiệp, nên không bị ưu não bức bách (Tư Trung nói rằng : từ Nhị thiền trở lên không có ngôn ngữ, chỉ dùng định tâm phát quang, quang có hơn kém, căn cứ vào đó mà định cao thấp).

3)- Tam thiền : gọi là Ly Hỉ Diệu Lạc Địa; tuy tâm ly hỉ mà hỉ lạc tự đầy đủ.

(Sơ Môn nói : Sơ thiền có năm chi là : giác, quán, hỉ, lạc, nhất tâm.

Nhị thiền có bốn chi là : nội tịnh, hỉ, lạc, nhất tâm.

Tam thiền có năm chi là : xả, niệm, tuệ, lạc, nhất tâm.

Tướng tu chứng của ba loại này đều được nói rõ trong Chỉ Quán).

4)- Tứ thiền : có Cửu Thiên, nhưng báo cảnh của Tứ thiền chỉ có Tam thiền, còn Vô Tưởng chính là do Quảng Quả tách ra (đi theo hai đường : một đường thẳng tới Quảng Quả, một đường đi vòng thì tới Vô Tưởng).

Trên bốn thứ này thì có năm Bất Hoàn Thiên (chẳng quay về thọ sanh ở Dục giới).

Đó chính là do Thánh Hiền tu định lự khác, nhờ nghiệp cũ Quảng Quả mà sanh, không giống với hạng phàm phu, nên liệt kê riêng gọi là Ngũ Tịnh Cư và gọi chung là Xả Niệm Thanh Tịnh Địa.

(Sơ Môn nói : Tứ thiền có bốn chi : bất khổ, bất lạc, xả niệm, nhất tâm), cũng gọi là căn bản Tứ thiền).

(Sơ Môn nói : tứ vô lượng tâm, đều xả thắng xứ, nhất thiết xứ, thần thông biến hóa cùng vô lậu quán tuệ. Chư thiền Tam-muội đều từ trong đó mà ra, nên gọi là căn bản).

III)- VÔ SẮC GIỚI Có Tứ Thiên (bốn cảnh trời)

Không có nghiệp quả sắc, có định quả sắc, y báo chánh báo đều thế, đó là diệt thân trở về không, là chỗ ở của hàng định tánh Thanh văn, hoặc hạng vô tưởng ngoại đạo biệt giáo, hoặc là chỗ ở chung chạ của hàng Thiên Nhân Yếm Xả, chủng loại không thuần nhất, song đều không có Sắc-uẩn.

(Từ Sắc giới cho đến đây là theo sự giải thích của Ôn Lăng).

1)- Không Xứ Thiên : là hành giả chán ghét sắc lung (lồng sắc, ví sắc với củi lồng giam hãm), tâm muốn xuất ly, liền tu quán trí, phá ba loại sắc (ba loại sắc gồm : 1- Khả kiến, khả đối sắc, tức là sắc trần mà mắt thấy được, 2- Bất khả kiến, khả đối sắc, tức là thanh – hương – vị – xúc, 3- Bất khả kiến, bất khả đối sắc, tức là ý duyên pháp trần, vô biến sắc vậy).

2)- Thức Xứ Thiên : chỉ loại chán ghét hư không vô biên, tu quán xả ngoại không trước kia, lại duyên vào nội thức.

3)- Vô Sở Hữu Xứ Thiên : ngoại cảnh gọi là không, nội cảnh gọi là thức, xả hai cảnh này, nhập Vô Sở Hữu Xứ Định.

4)- Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ Thiên : Hữu Tưởng Phi Thức Xứ và Vô Tưởng Phi Vô Sở Hữu, xả bỏ hai thứ trên mà nhập Thượng định.

(Sơ Môn cũng nói rằng : phàm phu ngoại đạo được định này thì gọi là chứng Niết-bàn, đoạn được mọi tưởng, nên gọi là Phi Hữu Tưởng. Đệ tử Phật biết đúng như thật là có tế tưởng, dựa vào tứ chúng mà trụ nên gọi là Phi Vô Tưởng Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng là tên kép gồm cả hai mặt trái ngược nhau tức là đắc và thất (được và mất).

Luận Thuận Chánh Lý nói rằng : hết thảy Thiên chúng đều nói Thánh ngôn, vì ngôn từ của họ giống với ngôn ngữ Trung Ấn, nhưng chẳng phải do học, mà tự họ hiểu được ngôn ngữ kinh điển.

Luận về Thân xứ ở Vô Sắc giới có hai nghĩa :

1)- Nghĩa thứ nhất nói là Vô xứ, luận Bà Sa nói rằng : Tứ không lìa hình báo, không có xứ khác, chỉ ở hai giới Dục – Sắc thành tựu Tứ không Vô sắc nghiệp. Nghĩa này còn nói là Vô thân, luận Câu Xá nói : Vô sắc, Vô thân, chú thích rằng : không có Nghiệp quả sắc, chẳng phải thân dị thục. Kinh Lăng Nghiêm nói : Tứ Không Thiên đó thân tâm diệt hết, định tánh hiện tiền, không Nghiệp quả sắc.

(Cô Sơn chú giải rằng : không có Nghiệp quả sắc thì hiển nhiên là có Định quả sắc).

2)- Nghĩa thứ hai nói là Có xứ, kinh Khởi Thế nói : gấp bội lần Sắc Cứu

Cánh nữa thì có Không xứ, cho đến Phi Phi Tưởng Xứ đều gọi là Trụ xứ của chư Thiên.

Kinh Hoa Nghiêm nói : Tị căn của Bồ-tát ngửi thấy mùi hương của cung điện Vô sắc, còn nói là có thân.

Kinh A Hàm nói : Lúc Xá Lợi Phất diệt, Vô Sắc Giới Thiên nước mắt rớt xuống như mưa phùn mùa xuân, kinh Nhân Vương có liệt kê ra Vô Sắc Thiên Chúng. Kinh Trung Ấm nói : Như Lai tới trong cõi Vô Sắc giới, chư Thiên lễ bái.

Đại Chúng Bộ nói : chỉ không có thô sắc chứ chẳng phải là không có tế sắc.

Tịnh Danh Sớ nói : nếu là Bất liễu nghĩa giáo thì thuyết minh về nghĩa Vô sắc giới vô sắc, nếu là Liễu nghĩa giáo thì thuyết minh về nghĩa Vô sắc giới hữu sắc.

Kinh Niết Bàn nói : sắc của Vô Sắc giới chẳng phải là thứ mà hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.

Nay những điều thuyết minh ở đây sẽ theo nghĩa thứ hai.

LUẬN CHƯ THIÊN CHỦ

(Bàn về chủ của các cõi trời)

Bàn về Thiên chủ thông biệt có hai nghĩa : Thông là bàn về Ma, Phạm của cõi Dục, cõi Sắc đều có Chủ – Nghĩa.

Thích Triêm nói rằng : Tứ Thiên vương là chủ bốn thiên hạ (đây nói : làm chủ tuần du thưởng phạt).

Đại Luận nói rằng : Đế Thích làm Thiên chủ hai xứ (Tứ Vương và Đao Lợi). Ma vương làm chủ Dục giới (cho nên ở đỉnh cõi dục). Đại Phạm vương là chủ của ba cõi.

Tịnh Danh nói : Đế Thích là Địa cư Thiên chủ, Phạm vương là chủ thế giới Sa-bà, thống ngự Đại thiên (thống ngự trên dưới).

Thiên Nhân Cảm Thông truyện đáp : Nam Sơn nói : Ma vương tuy làm chủ cõi Dục, Đế Thích Tứ Vương nếu hành Phật pháp, thì ma không thể chế ngự được.

Diệu Lạc nói : Phạm, tức là chủ của cõi Sắc, cũng là chủ của ba cõi. Ma, là chủ của Dục giới.

Phụ Hành nói : Phạm vương là chủ của ba cõi, còn những vị khác đều là thần thuộc.

Biệt luận có ba :

1)- Chỉ luận về Phạm vương, Văn Cú nói : Phạm vương trụ ở khoảng giữa Sơ thiền, trong có giác quán, ngoài có ngôn thuyết, được chủ lĩnh làm vua. Chỉ tu thiền thì là Phạm dân, thêm Tứ vô lượng tâm thì làm vua. Còn nói : hiệu lệnh của Phạm vương bao quát cả trên dưới.

Biệt Hành Sớ nói : Phạm (vương) tức là chủ của Sắc giới (Sắc chủ), tên gọi là Thi Khí.

Tỳ Đàm nói : Nhị Thiên trở lên không có pháp ngôn ngữ nên không lập vua (vương).

Thiền Môn nói : Sơ thiền có tâm giác quán thì có pháp ngôn ngữ, chủ lĩnh chúng sanh ở phương dưới là phương tiện.

2)- Chỉ luận về Ma Hê, Đại Luận nói : Ma Hê Thủ La tám tay, ba mắt, cưỡi trâu trắng. Lại nói : Quá Tịnh Cư Thiên có Bồ-tát Thập Trụ, Bồ-tát hiệu là Đại Tự Tại làm chủ của đại thiên thế giới. Theo kinh Quán Đỉnh thì vị này tên tự là Uy Linh Đế.

Kinh Hoa Nghiêm nói : chỗ của đại thiên thế giới là Ma Hê Thủ La, Niết

Bàn Sớ nói : nếu nói đến chủ của thế giới thì đó chính là Ma Hê Thủ La. Phụ Hành nói : Ma Hê Thủ La hay che được cả cõi đại thiên, được tất cả thế gian tôn làm Hóa Bản.

3)- Ma Phạm Đối Luận : Niết Bàn Sớ nói : Ma Hê Thủ La ở đỉnh của Sắc giới, làm chủ cả đại thiên thế giới.

Như kinh Pháp Hoa liệt kê ra, chủ của thế giới là Phạm Thiên vương, thật ra chỉ cai quản tiểu thiên thế giới, kinh gia suy tôn nên gọi là chủ mà thôi.

Trộm nghĩ, Chương An Phán nói rằng : đây là chính giữa của đại thiên, nên được làm chủ của đại thiên, hạ thấp vị này xuống là không được.

Đại thiên thế giới có vạn ức Phạm vương.

Phạm vương ở chốn này là Thi Khí ở chính giữa đại thiên, cho nên gọi là chủ, còn các Phạm vương khác đều ở vào mé nên chẳng thể làm chủ được. Vì vây nên nay phán đoán rằng :

Ma Hê ở đỉnh của Sắc giới, nhờ báo thắng nên làm chủ, còn Phạm vương ở chính giữa đại thiên để thống ngự nên làm chủ.

TỨ THIỀN TỨ ĐỊA

Thuật rằng : từ xưa nói về Thiên (trời) chưa biết đến nghĩa Tứ Thiền Tứ Địa. Đó cũng là do văn bản la liệt quá nhiều, nên chẳng phân biệt được mà thôi. Căn cứ vào các sách Nhân Bổn kinh, A Tỳ Đàm, Bà Sa luận đều dùng tên Thiên để nói về thứ tự các vị từ thấp tới cao, cách xa nhau gấp mấy lần thì thấy đều có trụ địa cả. Lập nghĩa như trên chưa đủ để làm bằng cứ, nay theo Câu Xá nói thì Phạm Thiên không có xứ sở nào khác, chỉ ở Phạm phụ là có lầu gác cao, Pháp Uyển cũng nói như vậy. Đại Phạm là vua, Phạm phụ là bề tôi, Phạm chúng là dân. Căn cứ vào đó thì thấy Tam Thiên (Đại Phạm, Phạm phụ, Phạm chúng) cùng tại Sơ thiền chỉ là một địa mà thôi.

Như bộ Tát Bà Đa cho rằng : Vô Tưởng và Quảng Quả thân thọ chẳng khác, cùng là một chốn.

Kinh Lăng Nghiêm nói : từ Phước Ái Thiên có hai đường rẽ, phước đức viên minh thì gọi là Quảng Quả Thiên, thân tâm diệt tận thì gọi là Vô Tưởng Thiên.

Hai đường nhánh (lưỡng kỳ) tức là chia làm hai loại, giống với nghĩa của Tát Bà Đa, cùng ở một chốn vậy. Lại nói : trong này còn có năm Bất Hoàn Thiên (trong này chỉ Tứ thiền).

Tứ thiền Tứ vị Thiên vương chỉ có Khâm văn, chẳng thể tri kiến như A La Hán trụ ở đạo tràng trong núi sâu tại thế gian, những người thô tục trong thế gian không thể nào thấy được.

Căn cứ vào đây thì biết rằng chỉ có một Quảng Quả gọi là vua (vương) và ở trong này có năm Na Hàm, một ngoại đạo cùng ở Tứ thiền chỉ một địa mà thôi.

Thứ Đệ Thiền Môn nói : trong kinh Nhân Vương, Phật thuyết về 18 Phạm, thế thì theo lý mà nói cũng phải có vua, có dân khác nhau. Lại nói, trong Tứ thiền có Đại Tĩnh Vương. Kinh Anh Lạc đã chứng minh rằng : Thiền thiền đều có Phạm vương.

Kinh Lăng Nghiêm cũng nói, bốn thiền bốn vị Thiên vương.

Kinh Hoa Nghiêm liệt kê ra 39 vị, trong đó thì Dục giới, Thiên Thiên đều xưng vương, Sắc giới, Thiền Thiền đều xưng vương, chư Thiên khác thì không liệt kê.

Nay xem kỹ Sơ thiền thì thấy đã lấy Đại Phạm làm Vương, mà ba kinh (Nhân Vương, Anh Lạc, Lăng Nghiêm) đều nói Tứ thiền có vương. Thế thì biết rằng ba Thiên Quang Âm, Biến Tịnh và Quảng Quả đều là vua (vương). Còn lại, có nghĩa đều là một bề tôi, một dân thường.

Cho nên nay căn cứ vào ý chỉ các kinh Đại thừa từ Sơ thiền đến Tứ thiền lập làm Tứ Địa là Quảng Quả làm vua, Phước Ái làm bề tôi, Vô Vân làm dân. Năm Na Hàm, một ngoại đạo thì ở nhờ trong Quảng Quả Thiên. Chín Thiên nói trên cùng ở một địa Tứ thiền vậy (Nhị thiền, Tam thiền cũng giống lệ này).

Có người cho rằng : chư Thiên thân thọ khác nhau, nên mỗi vị phải ở riêng một nơi, như những người luận về kinh Tiểu thừa.

Song Phạm vương so với Phạm phụ, Phạm chúng dù là thân hay thọ đều dài ngắn khác nhau. Thêm nữa, Quảng Quả, Vô Tưởng tuy đều là năm kiếp, nhưng Quảng Quả thì có sự chết yểu giữa chừng, còn Vô Tưởng thì nhất định cứ hết kỳ báo đó.

Căn cứ vào đó mà suy luận ra thì tuy thân thọ khác nhau cũng chẳng trở ngại gì, cho nên cùng ở một chỗ với nhau, cũng giống như người ở cõi Diêm Phù có người thọ, có người yểu vậy.

Lại nữa, kinh Hoa Nghiêm nói rằng : các Thiên vương đều là Bồ-tát Thập địa, các vị này đều là Quyền đến dẫn Thực ở trong Thiên giới, giáo hóa các Thực Báo Thiên khiến họ mong thoát Thiên nghiệp cho nên được xưng vương. Nếu bảo rằng đấng Vương giả phải một mình ở một chỗ cách biệt với chư Thiên khác, thế thì còn dùng vương đó mà làm gì nữa, và chư Thiên khác sẽ nương tựa trông cậy vào đâu ? Nếu chẳng luận thế này, há chẳng rất sai trái với nghĩa ru ?

Có người nói rằng : từ Nhị thiền trở lên không có pháp ngôn ngữ (Tỳ Đàm) thế thì lấy gì để mà giáo hóa ? Song Quang Âm đã lấy quang làm ngữ, thế thì biết rằng chư Thiên thượng địa, uy nghi tiến chỉ thảy đều là ngôn giáo cả. Dùng nghĩa này mà suy, không phải là không được !

THIÊN HỮU PHÀM THÁNH

Luận Bà Sa hỏi : 32 Thiên (Lục dục, Thập bát Phạm, Tứ không Thiên cùng Hằng-kiều, Kiên-thủ, Trì-man và Nhật-Nguyệt tinh tú) mấy Thiên là phàm ? Mấy Thiên là Thánh ?

Đáp : hai chỉ có phàm ở, năm chỉ có Thánh ở. Còn 25 Thiên khác thì Thánh phàm cùng ở.

Nói hai cõi chỉ có phàm ở :

1. Sơ thiền, Đại Phạm Thiên vương chẳng hiểu thấu nghiệp nhân, chỉ nói ta có thể tạo tác biến hóa ra trời đất, rồi cậy vào điều này mà kiêu mạn khinh miệt hết thảy. Bởi vậy, bậc Thánh nhân không thèm ở chung.

2. Trong Vô Tưởng Thiên chỉ là ngoại đạo tu Vô Tưởng định để được sanh trong đó, thọ báo Vô Tâm trong 500 kiếp.

Ngoại đạo chẳng thông đạt, gọi đó là Niết-bàn. Thọ báo hết rồi, ắt sanh tà kiến, tới đời sau sẽ phải sanh ở địa ngục. Cho nên Thánh nhân cũng chẳng sanh ở trong đó.

Còn năm cõi chỉ có Thánh ở :

Từ Quảng Quả trở lên, Ngũ Tịnh Cư Thiên như Vô Phiền, Vô Nhiệt v.v… chỉ là chỗ ở của Na Hàm, La Hán.

Phàm sanh ở những cảnh trời đó, phải là những vị tiến hướng Na Hàm, thân được Tứ thiền, phát ở Vô lậu, khởi huân Thiền nghiệp, hoặc khởi Nhất phẩm cho đến Cửu phẩm thì mới được sanh.

Nếu nói Na Hàm sanh ở đó thì về lý không còn có điều gì phải nghi ngờ cả. Hỏi : A La Hán đã là vô sanh, cớ chi cũng nói là sanh ở cõi trời đó ?

Đáp : Đây phải nói là Na Hàm ở Dục giới sanh nơi đó mà được La Hán, chứ không phải là nói rằng trước đây đã là La Hán rồi mà lại vãng sanh đến đó.

TAM GIỚI TỔNG BIỆT

Tổng danh tam giới (tên chung ba cõi) là Dục – Sắc và Vô Sắc. Dưới từ Kim Cương Tế lên đến Tha Hóa Thiên ở trên, giữa khoảng đó năm loài tạp cư, hết thảy hữu tình chưa lìa tham dục, nên gọi là Dục giới.

Từ Phạm chúng lên tới Sắc Cứu Cánh, 18 Thiên này, chính báo thân tướng như màu bạc trắng, cung điện màu đỏ hoặc màu vàng ròng, quang sắc chiếu nhau nên gọi là Sắc giới.

Từ Không Xứ tới Phi Tưởng Xứ, bốn cảnh trời này người như bích lạc, cõi tựa hư không, bốn uẩn thành thân, không có sắc uẩn, nên gọi là Vô Sắc giới.

Biệt danh Nhị Thập Ngũ Hữu (tên riêng 25 hữu) là chỉ : Bốn châu, bốn ác thú,

Lục dục cùng Phạm Thiên.

Tứ Thiền, Tứ Không Xứ,

Vô Tưởng, Ngũ Na Hàm

(Bốn ác thú : địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la).

25 cõi này đều gọi tên là Hữu, bởi vì nhân thuộc hữu lậu, quả thuộc hữu vi, hữu sanh hữu tử.

NGŨ SUY THOÁI TƯỚNG

(Năm tướng suy thoái)

Kinh Nhân Quả nói rằng : hạng Thiên nhân (người trời) thì thân thanh tịnh, chẳng thọ trần cầu, có đại quang minh, tâm thường vui vẻ, không có điều gì chẳng vừa ý. Nhưng vì vẫn còn bị lửa dục bức thúc, đến khi phước hết, năm tướng suy sẽ hiện ra :

Một là hoa trên đầu bị héo, hai là mắt nháy, ba là thân quang bị diệt, bốn là dưới nách đổ mồ hôi, năm là tự nhiên lìa bản tọa.

(Bà Sa nói : có áo quần uế nhiễm, thân thể sanh ra hơi hôi hám, không có các mục mắt nháy, quang diệt, ba mục khác cũng như trên).

Lại nói các Thiên tử này vốn tu ít điều thiện, được thọ Thiên lạc, quả báo sắp hết, sanh đại khổ não, đọa ba đường ác. Vốn tạo thiện hành để cầu lạc báo, nay sau khi được một ít khoái lạc rồi, lại bị khổ nhiều. Ví như người đói mà ăn món ăn có lẫn chất độc, thoạt đầu tuy cho là ngon, cuối cùng sẽ thành họa lớn, vì sao mà bậc trí giả lại tham hám ưa thích chuyện này được !

Chư Thiên ở Sắc giới và Vô Sắc giới thấy thọ mạng dài liền cho là thường lạc. Đã thấy biến hoại, sanh đại khổ não, rồi liền khởi tà kiến, phỉ báng nói là không có nhân quả. Chính vì sự này mà luân hồi trong ba đường, phải chịu đủ mọi nỗi khổ sở, khắp trong ba cõi không có một sự gì là sướng cả.

Luận Trí Độ nói : Bồ-tát được lực thần thông, thấy Vô Sắc Giới Thiên lạc định, tâm sanh tham trước, chẳng thấy mạng hết phải đọa vào trong Dục giới, thọ hình chim muông ! Chư Thiên ở Sắc giới cũng lại như vậy, từ chốn thanh tịnh bị đọa trở lại thọ dâm dục trong chốn bất tịnh. Chư Thiên ở Dục giới ham mê ngũ dục, bị đọa trở lại phải vào địa ngục. [Như Uất Đầu Lam Phất được Phi Tưởng Định, sau khi báo hết bị đọa là

thân con Phi Ly trùng (con rái cá, chồn bay)].

Thuật rằng : ba cõi định vị, sáu đường phân chia, tướng thô hay diệu khác nhau, báo khổ hay sướng cũng khác. Xét về nguồn gốc, chẳng lìa sắc tâm, nghiệm về kết cục đều là sanh diệt. Sanh diệt luân hồi, đó gọi là vô thường ! Sắc tâm huyễn ảnh, đó là khổ bản !

Cho nên kinh Niết Bàn mới ví với sông to ! Kinh Pháp Hoa mới ví với nhà lửa ! Thánh nhân giác ngộ dừng xe lại mà quay về nguồn, vượt ra ngoài tam hữu, dần dần lên tới Thập địa vậy.

Còn như tìm kiếm Thiên báo, dầu rằng được sung túc vinh hoa, đồ mặc, đồ chơi tươi đẹp mới mẻ, thân hình khinh diệu, thế nhưng trên Tự Tại Thiên lại có Ma vương, trong Vô Tưởng định lại thành ngoại đạo. Sau Phi Tưởng định vẫn đọa làm thân rái cá.

Lục dục tạp nhiễm, mê hoặc càng nặng, chẳng thể thọ trì Bát Nhã, cúng dường, Niết-bàn, kiêu mạn càng tăng, ngã nhân càng mạnh. Bởi vậy đầu tóc rủ rượi như hoa héo, mồ hôi nách tuôn đẫm áo, điện báu hết ánh quang minh, áo lụa chứa đầy cáu ghét, phước hết, đến lúc suy, khó mà tránh khỏi vô thường.

Dựa vào đây để tịnh tâm mà sám trừ hết thảy, cầu mong cho khắp mọi người lìa hẳn khổ nhân, mà thanh thăng thường lạc.

Con người ta, ai cũng có tâm, đã có tâm, ắt có niệm. Niệm khởi ắt có nhiễm, có tịnh.

Nhiễm : có nghĩa là thủ trước lục trần.

Tịnh : có nghĩa là chẳng thủ lục trần.

Hơn nữa, người đời không có ai là không nhiễm lục trần. Nếu thủ trước lục trần mà gây ra các nghiệp tham, sân, dâm, sát v.v… thì là ác. Nếu đối với lục trần chẳng khởi tham, sân, dâm, sát v.v… thì là thiện. Thêm nữa, đối với lục trần mà thực hành thí, giới, nhẫn v.v… thì đó là thiện.

Nghiệp thiện hay ác thành ở đời nay thì báo sướng hay khổ sẽ ứng ở đời sau. Vì thiện ác trong nhân đó có ba phẩm thượng, trung, hạ khác nhau, nên sự thăng trầm trong quả đó có sáu đường Thiên, nhân, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh khác nhau.

Ở trong lục đạo, lại tạo nghiệp nữa, nghiệp lại nối báo, cho nên sáu đường luân hồi không ngừng.

Xét về nguồn gốc ban đầu thì thấy đều do tâm niệm của ta mà sanh ra.

Cho nên đức Phật dạy rằng : ba cõi chỉ là tâm, muôn pháp chỉ là thức (tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức).

Bởi vậy, người khéo tu đạo chỉ cần hiểu rõ điều này, thận trọng đối với sơ niệm của mình, chế phục nhiễm tâm của mình, đó chính là yếu thuật.

Nếu đối với lục trần mà chẳng thủ trước, chẳng thủ thì không có nghiệp, không có nghiệp thì không có báo. Cho nên một niệm chẳng sanh, thời sáu đường đều diệt, ấy là dứt hẳn luân hồi.

Nếu nghiệp đã đoạn tức là vượt ra ngoài ba cõi vậy.

Nếu ở Bất Sanh mà chứng được chân lý, thân tâm dẹp hẳn, thì đó là Nhị thừa. Nếu từ chốn Bất Sanh mà khởi lục độ vạn hạnh thì đó là Bồ-tát Đại thừa.

Nếu tựa như đoạn (chưa thực đoạn căn bản phiền não) nhưng chưa chứng (chưa được chân lý), còn có dị kế, tà kiến thì đó là ngoại đạo chưa tránh được luân hồi. Cho nên bị trói buộc hay được giải thoát đều là do tâm, được hay mất đều do ta, hành giả phải nên soi xét kỹ !

Pages: 1 2 3 4 5 6