Bản Đồ An Lập Pháp Giới
(Pháp Giới An Lập Đồ)
Việt dịch: Hòa thượng THÍCH CHÂN THƯỜNG
Hiệu chỉnh: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

LỜI TỰA CỦA DỊCH GIẢ

Tôi tự niệm có túc phúc nhân duyên từ nhiều kiếp, nên đời này được tái sinh làm kiếp người, lại được xuất gia tu Đạo, đó là hạnh phúc rất lớn cho tôi.

Nhưng không may lại sinh vào đời Mạt pháp, gặp lúc thế sự đổi thay, không chốn an thân, không nơi học đạo, nay đây mai đó, chạy khắp Đông Tây. Đó chính là nghiệp nhân của tôi đã gây ra từ kiếp trước, nên đời này phải chịu lấy quả báo đó không?

Nhớ hồi năm 1953, tức năm Quí Tỵ, ở chốn Tổ Cồn tôi được xem cuốn PHÁP GIỚI AN LẬP ĐỒ của Hòa Thượng TUỆ TẠNG, Thượng Thủ Bắc Trung Nam tại chùa Vọng Cung, tỉnh Nam Định, Bắc Việt.

Nguyện ước của tôi lúc đó là muốn ấn tống được cuốn Pháp Giới An Lập Đồ này, là Pháp thí chỉ mê của ngài Sa Môn Nhân Triều ở Bối Lâm Yên Sơn, đã dày công sưu tập những tinh ngôn trong Đại Tạng Giáo, khi ngài ở Thiên Mục khoảng niên hiệu Vạn Lịch dời Minh. Vì tôi muốn kết duyên cùng Phật pháp, nhưng tiếc thay chưa đủ duyên lành, nên chưa thực hiện được.

Cũng may, năm 1964, tôi được sang dưỡng bệnh tại Pháp quốc. Từ năm 1976 đến nay, nhờ giữ chứcTrụ trì kiêm Hội trưởng Hội Phật Giáo Quán Âm tại số 20 rue des Frères Petit 94.500 Champigny-Sur-Marne, tôi mới có phương tiện thành lập Ban Ấn Tống kinh sách để hoằng pháp lợi sinh, báo Phật ân đức.

Trên nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, dưới được sự giúp đỡ tận tình của quí vị trong ban Ấn Tống, nên cuốn Pháp Giới An Lập Đồ này mới được hoàn thành, để cúng dàng Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni, đồng thời kính biếu các vị học giả và thiện tri thức nghiên cứu về sự bao la của vũ trụ trong mười phương Pháp giới nó rộng lớn đến đâu?

Thưa quí vị, tuy mười phương Pháp giới nó rộng vô lượng vô biên, vô cùng vô tận, nhưng không có nguyên nhân nào khác. Đó chính là lời Phật dạy trong các kinh Đại thừa Phật giáo. Nếu quí ngài muốn hiểu thêm, xin nghiên cứu Đại Tạng Kinh sẽ rõ.

Xin ghi lại mấy lời để lưu niệm ngày ấn tống cuốn Pháp Giới An Lập Đồ này tại nơi cư trú Pháp quốc.

Champigny, mùa An cư năm Quí Dậu

Đệ tử Sa Môn Thích Chân Thường đỉnh lễ đề tựa này

***

BÀI TỰA NHÂN DỊP KHẮC LẠI SÁCH
BẢN ĐỒ AN LẬP PHÁP GIỚI (1)
(PHÁP GIỚI AN LẬP ĐỒ)

Ngài Tăng thống Giáo hội Trúc Lâm, húy Chánh Giác Hòa thượng, tự là Chân Nguyên Thiền Sư, ở chùa Long Động, tại núi Yên Tử phó chúc ý lành hộ niệm.

Thầy Sa Di Tăng, tự là Như Sơn, ở chùa Tường Quang chốn Non Đông Đông sao chép lại sách này.

Đã từng nghe rằng:

Phật là đấng Bất Động Tôn. Pháp chính là Kho Vô Tận.

Ánh quang minh bao trùm, vòi vọi bậc đứng đầu trên vạn thuở. Cõi hư không quán triệt, đường đường làm nghi biểu khắp trời người.

Huyền vi nghiêm mật, chính là chân thể ấy; Thấu suốt nguồn căn, thực bởi Pháp nguyên này.

Tại nơi đây, nổi lên trời Đệ nhất nghĩa; nên thốt lời, quả là biển Chân Tam-muội. Bàn về sự rộng lớn, thì không gì chẳng bao gồm; Nói về lý tinh mật, thì không gì không đầy đủ.

Thật đúng như người xưa nói rằng : nhóm mọi biển xanh về làm mực, gom hết núi Tu-di để làm bút, cũng chẳng thể nuốt hết được ý nghĩa của một câu.

Tuy nhiên, nẻo chí đạo dẫu là vô hình, nhưng nơi chí lý vẫn có điều cốt yếu, vì điều cốt yếu ở đây chính là nhất tâm vậy. Nếu hiểu được chân tâm thì viên chứng quả Phật, đó chính là cách để thấu biển Pháp giới, thắp đèn trí tuệ.

Đại sĩ nhờ đó mà truyền Tông; Chí nhân nương đấy mà khai Pháp. Vì Pháp giới chính là thềm bậc của Thánh hiền vậy. Xét ra thì Pháp giới ấy tĩnh tịch huyền vi, mênh mông rực rỡ.

Trong Chân Như Giới, không gợn leo lẻo lắng trong; Trong Thường Tịch Quang, vằng vặc ma-ni hiện sắc. Chân không bình đẳng, Pháp giới đều như. Trên không có chư Phật khả cầu; Dưới không có chúng sanh khả độ.

Nên chi, Phật đạo vốn dĩ vô ngôn thuyết, ngôn thuyết dành cho loài hữu tình. Pháp giới vốn không có chúng sanh, bởi chúng sanh duyên vào vọng kiến cho nên mới phân ra nhơ sạch; Thế mới có người Thánh kẻ phàm, mà quán sát Pháp giới đến tận cội nguồn, thì nêu ra được hằng sa phẩm tiết.

Vả lại, cõi chư Phật trùng trùng Hoa tạng, lửa Diệm võng chói lọi trang nghiêm; Mà cảnh chư Thiên san sát lâu đài, như áng vân hà rành rành rực rỡ. Tựa như, chuỗi ngọc châu ánh trên mặt nước, vành hợp bích lơ lững tầng không. Ngọc Như Ý rửa chốn thanh trì, kết Thánh thai tại nơi liên nhụy.

Cho đến trong ba ngàn cõi, mười hai loại sinh linh; Yết-la-lam được nuôi pha, Át-bồ-đàm mà chấp trước. Loài nhỏ nhít thì biến dịch; Loài chim thú thì chạy bay. Quán muôn pháp thấy như vầy, do cõi tâm mà dẫn tới. Cho nên gọi là Pháp giới, đó chính là cái thấy khác của cõi tâm.

Còn an lập đây, là chỉ những thứ do tâm tạo tác. Pháp : lấy quĩ tắc làm nghĩa; Giới : lấy tính phần làm nghĩa. Tại Lý thì là Lý pháp giới; Tại Sự thì là Sự pháp giới. Bởi là Lý thì không có phận hạn, mà Sự thì có cả nghìn thứ khác nhau. Tuy nghìn vạn thứ khác biệt biến hóa vô cùng, nhưng vẫn cứ thẳng một đường một cửa mà vào được.

Bậc đức xưa có nói rằng : “Sắc xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài”. Cuối cùng thật tế lý địa chẳng lập một mảy bụi, mà trong cửa Phật pháp vẫn chẳng bỏ một pháp nào. Tới khi căn cơ thuần thục, tỏ ngộ suốt bản tâm, khiến người người đều tỏ cửa mầu Pháp giới, khiến ai nấy đều lên bờ giác Bồđề.

Nội tâm đã vắng lặng, ngoại cảnh thảy đều quên. Thế thì mới tỏ ngộ khế hợp nguồn chân, ngõ hầu ngẫm được tận cùng lý lẽ vạn pháp. Có thể nói là : nước lắng ngọc trong, mây tan trăng sáng. Biển Nghĩa dạt dào trong lòng dạ; Non Trí ngưng tụ nơi mắt tai. Quả không hề là chuyện dễ dàng, thực chẳng phải là duyên nhỏ bé. Tâm pháp đều quên, tự tha đều diệt. Nếu mà làm được như vậy, mới thực trả được ơn đức Thế tôn.

Nay Sa Di Tăng tôi, xin quay bánh xe Định tuệ, nguyện cỡi bè phao Từ bi, làm sáng tỏ Pháp giới bằng sáu quyển, để lộ rõ Sự lý chỉ một tâm. Nhuận sắc câu văn từ ngữ, ngõ hầu chỉ thẳng chỗ tôn chỉ thâm sâu; Sai thợ khắc ván kinh văn, thảy mong khắp nơi truyền bá. Nguyện mở tai mắt cho người trời; xin điểm tâm tông của Phật pháp. Soi đường cho người hậu học, chỉ chỗ cho kẻ cầu đò; Khiến kẻ tỏ ngộ tựa như sữa Đề hồ rưới vào đất tánh; Khiến người tụng đọc dường được nước Cam lồ tưới xuống ruộng tâm.

Tán thán không cùng, thù thắng khôn xiết, nên có lời rằng :

Tỏ ngộ nguồn tâm, không sáu cõi
Can chi biển tính, có ba thừa
Nguyện hết thảy mọi loài công đức
Cùng nhau lên chín phẩm liên hoa
Tức cảnh giới A Di Đà vậy!

Trên chúc,

Nước vua bền vững, Nền đạo lâu dài. Nhật nguyệt trong bầu trời, chốn sân vua xum xuê lá ngọc; Càn khôn ngoài kiếp số, nơi vườn chúa tươi tốt cành vàng. Gió hòa dịu tựa thời Nghiêu Thuấn; Đời sướng vui như thuở Hy Hiên.

Muôn phương chúc tụng, bốn biển thanh bình. Kính Phật đạo để thịnh hưng; Diễn Pháp luân mà thường chuyển.

Kính tựa

*

Lúc này là …… (cũ)

Đảnh lễ Thập phương Thường trụ Tam bảo chứng minh.

Lúc này là …… (mới)

Hoàng triều Bảo Thái vạn vạn năm, vào năm Giáp Thìn, tháng Tư, ngày

mùng Tám, chép lại

Hoàng triều Minh Mệnh, năm thứ 21, tức năm Canh Tý, tháng giữa mùa Hạ, ngày lành khắc lại.

Sa Di Tăng tên chữ là Như Sơn ở chùa Tường Quang, chốn tổ Non Đông soạn. Thị nội thư tả Thủy Binh phiên, Trịnh Thế Khoa vâng lệnh viết chép.

Bản ván in lưu trữ tại chùa Linh Quang (Bà Đá) ở Hà thành (Hà Nội).

***

PHÁP GIỚI KỆ

Mười ban Pháp giới đã lược trần
Hiểu thẳng nguồn tâm, bảo thế nhân
Bốn Thánh trùng trùng Hoa tạng hải
Sáu phàm đắm đuối Khổ mê tân
Niết bàn sinh tử nguyên cùng lối
Thiện ác thăng trầm có dị luân
Sực tỉnh hoàn nguyên tu yếu lộ
Hồi quang bất nhị kiếp trường xuân.

***

BÀI TỰA NHÂN DỊP KHẮC LẠI SÁCH
BẢN ĐỒ AN LẬP PHÁP GIỚI (2)
(PHÁP GIỚI AN LẬP ĐỒ)

Pháp giới An Lập Đồ là pháp thí chỉ mê của Nhân Công ở Bối Lâm Yên Sơn sưu tập những tinh ngôn trong Đại Tạng Giáo khi ngài ở Thiên Mục khoảng niên hiệu Vạn Lịch đời Minh.

Sách này như ánh quang minh soi tỏ con đường đi lên, cho nên lời ngắn gọn mà bao quát được mọi điều, lý xác đáng mà trình bày được rõ rệt.

Sinh ở Chấn Đán, chẳng phải là người có chí cao xa, lại chẳng biết cõi Nam Diêm Phù Đề. Hơn nữa nên có được thấy những thứ gọi là pháp giới cùng với chúng sanh sáu đường, chủng tính nghiệp duyên mỗi người mỗi khác, cho nên khó mà hiểu rõ đại pháp, thế thì tín căn tự nhiên sẽ kém cỏi.

Tín căn đã kém cỏi thì không còn cách nào mà nhập đạo được.

Gián hoặc có hạng thượng lưu chuộng Pháp thì cũng trù trừ trước biển pháp, kinh luận chồng chất, ngàn hòm vạn quyển chưa biết bắt tay từ chỗ nào, cho nên hiếm có kẻ chẳng trông bờ xa mà chùn bước.

Hoặc thầy dạy khi biện thuyết, mù mờ chẳng biết tìm căn cứ ở đâu; ngữ cảnh trái với tâm, bàn suông giảng lược, lấy nghĩa một chiều, ắt chẳng thể nào rõ ràng như nhìn vào bàn tay. Như vậy thì làm sao mà có thể cổ động được làn sóng Pháp tánh, có thể nhập được Tam-muội Như Huyễn.

Nay sách An Lập Đồ này được viết ra, cao thì bậc Thiền tông dĩnh sĩ vừa mới đọc qua đã nắm được tất cả, thấp thì dẫu là gã lái buôn, mụ đầu bếp cũng có thể đọc mà hiểu sơ cơ.

Giống như đi trên đường Trường An, trước tiên cất bước, bước một bước vài bước thì rồi bước bước đều là con đường Trường An.

Thế thì sách này há chẳng phải là thứ chí bảo lợi sanh ru !

Đại để là vì Nhân sư tôi từ ngày còn là Sa-di vốn đã mở rộng tầm mắt to lớn, tham học khắp thiên hạ như Ngũ Đài, Hoa Sơn, Tung Khâu, Hoành Nhạc, Khuông Lư, Nga Mi, Tào Động, đều là những chỗ mà dấu chân của ngài đã từng in tới.

(Nhân sư tôi cần cù), sườn chẳng bén chiếu, mười mấy năm ròng, siêng vận dụng tâm đại bi, rộng chở chiếc bè tế độ viết thành sách này, cầm lá cờ vượt biển nay tôi định khắc lại mà in mới. Để làm phước cho thế tục, để lợi ích cho bản thân, dám nói rằng đều là ở tại sách này.

Còn như hỏi một miếng thịt trong vạc lớn, dòm nửa đường vằn của cả con báo, ăn cũng là để nhấm nháp vị đạo ngon lành, vạch xem vườn pháp xum xuê.

(Sách này), văn bất quá hơn 100 thiên mà nghĩa thật như trời họp.

Lời lẽ chương mục rành mạch chẳng xót, độc giả cứ thuận theo thứ tự mà đọc, tùy chốn rong chơi, tùy chốn trang nghiêm. Huyễn hữu phi hữu, chân không bất không, trùng trùng ảnh hiện, đều được tín chủng.

Ví như vào núi báu, ăn ngủ trong rừng châu, rú ngọc, mà lại bảo là trở về tay không, lẽ nào lại như vậy được !

Năm Kỷ Mùi, sau tiết Hoa Triêu (mùng 2 tháng 2) ngày 10. Đệ tử là Tăng Quang Đạt đảnh lễ mà đề tựa này.

***

TỔNG THÍCH ĐẠI Ý

Giải thích chung về Đại Ý từ mục I đến mục VII

Từ phàm đến Thánh, từ gần đến xa, chung làm một quán. Như vào biển cả, càng xuống càng sâu, mới biết thế giới là vô biên, chúng sanh nhiều vô số mà chân pháp giới suy lường cũng không có lúc nào hết được. Song lìa Sự thì không có Lý, lìa Lý thì không có Sự, tánh – tướng bất nhị, thể – dụng cùng như.

Tóm lại, pháp giới là một đại duyên khởi, cho nên kinh nói rằng:

Không có cảnh ngoài tâm,
Làm duyên được với tâm,
Đều là tự tâm sanh,
Lại cùng tâm làm tướng,
Vì sắc lớn nên Bát Nhã lớn,
Vì sắc thanh tịnh nên
Bát Nhã thanh tịnh

MỤC LỤC RIÊNG TỪNG QUYỂN

QUYỂN THƯỢNG – phần trên

I)- LƯỢC MINH NAM CHÂU:

  • Phật hưng duyên
  • Hiền kiếp duyên
  • Sa-bà cương vực
  • Nam Thiệm Bộ Châu đồ
  • Biệt Hồ Phạm thuyết

LUẬN ĐỊA TRUNG: chín nghĩa

  1. Danh văn
  2. Lý phần
  3. Sơn vương
  4. Thủy nguyên
  5. Địa tề
  6. Luân vương
  7. Phạm thư
  8. Khí hòa
  9. Trung đạo

LUẬN TIÊN ĐẠO:

ĐOẠN NGHI SANH TÍN ĐỀ CHÚ

(Chú giải về đầu đề Lược Minh Nam Châu)

Hành trình ngàn dặm phải bắt đầu bằng nửa bước. Sắp dạo chơi cõi pháp giới, phải khởi hành từ cõi nhân gian. Vì thế giới rộng lớn bao la, chẳng ai có thể biết (hết) được. Cho nên tạm chỉ qua một phương, một góc, thoạt đầu chỉ thuyết minh qua về một châu, rồi dần dần đề cập đến chỗ lớn chỗ xa, tăng mười mà lên trăm, gom sông mà thành biển vậy.

BẢN ĐỒ AN LẬP PHÁP GIỚI

QUYỂN THƯỢNG – phần trước

I) LƯỢC MINH NAM CHÂU

(Thuyết minh sơ qua về Nam Châu)

Yên Sơn Sa-môn Nhân Triều tập lục,

Phật tử Như Thị ở chùa Khánh Lâm trùng san.

PHẬT HƯNG DUYÊN

Xét thấy: Cõi trần hoàn bao la,
Nẻo dị thú chằng chịt,
Lưới mười hoặc, đan rát dầy,
Mây năm ấm, che chồng chất,
Chìm mê hố dục,
Quấn quít rừng dầy,
Bị hun đốt bởi ngọn lửa trong Hỏa trạch đáng sợ,
Bị xoay vần mãi trong vòng sanh tử luân hồi,
Lại thêm sóng nghiệp giồi hoài,
Cách nguồn giác ngày càng xa lắc
Bị cấm cố trong thành cao ngu si,
Ở trong đêm dài mà khó tỉnh,
Hằng sa kiếp dễ dàng qua đi,
Dòng khổ hải chẳng bao giờ hết,
Cho nên đức Phật là bậc Lục Thông Chí Thánh,
Là bậc Thập Trí Năng Nhân,
Mặc áo giáp hoằng thệ,
Chuyển bánh xe đại bi,
Chẳng động Chân tế mà trí trùm pháp giới,
Thường trụ Tam-muội mà phổ hiện sắc thân.
Vầng tuệ nhật mọc lên soi sáng cửa tối tăm,
Tiếng sấm pháp rền vang thức tỉnh căn nhà mộng.
Diễn viên âm mà độ rộng,
Rưới cam lộ để nhuận đều,
Khiến thoát khỏi lối hiểm nghèo,
Khiến lên được trên bờ giác,
Đến khi tám tướng đã thành,
Mười Trời phô diệu,
Làm bến làm cầu cho Cửu Địa,
Làm thuyền làm xe cho tứ sanh,
Tuy đã là bậc Chân thừa thượng trí,
Vẫn dấy niềm từ bi mà cứu muôn loài,
Thệ nguyện lớn quyết ra công giáo hóa,
Tùy căn duyên mà lợi ích chúng sanh,
Thế thì:
Quần sanh lấy khổ cảm làm nhân,
Như Lai lấy bi ứng làm duyên vậy.

 

HIỀN KIẾP DUYÊN

Phật nổi lên để làm lợi cho muôn vật,thời kỳ này đúng là thời hiền kiếp. Vì sao mà lại gọi là hiền kiếp ?

Có nghĩa là lúc đại thiên thế giới bắt đầu sắp sửa hình thành thì nước lớn tràn lan, có 1.000 đóa hoa sen xuất hiện, ánh vàng soi khắp.

Tịnh Cư Thiên thấy thế bèn nói : Thật hiếm có điềm lành như vầy, sẽ có 1.000 Phật xuất hiện ở đời, vì nhân duyên đó mà gọi kiếp này là Hiền kiếp.

Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai chính là đức Phật thứ tư của Hiền kiếp, Ngài là Bổn sư của chúng ta, là Giáo chủ của cõi Sa-bà.

SA BÀ CƯƠNG VỰC

Bờ cõi thế giới Sa-bà, cõi mà đức Phật cai quản gọi là thế giới Sách Ha. Kinh cổ phiên âm là Sa-bà, trong kinh còn gọi là Nhẫn độ. Ý nói người ở cõi này có thức lực mạnh, nhẫn được khổ lạc, đáng làm đạo khí, cho nên Phật làm vua cõi này.

Xét thấy bờ cõi của cõi này như bánh xe tròn, xung quanh là núi sắt (tức Thiết vi sơn), ngoài núi là Hư không, Hư không chẳng thể lường, dưới núi là Địa, dưới Địa là Kim, dưới Kim là Thủy, dưới Thủy là Phong, Phong này rắn chắc hơn cả kim cương.

Chúng sanh tâm lực cùng nghiệp chiêu cảm giữ được thế giới chẳng để nghiêng đổ, ngoài Phong trở ra tức là Hư không.

Tính bánh tròn này từ dưới lên trên đến tận cùng của Vô Sắc giới, gọi là Hữu đảnh. Nếu xét cho tận cùng ranh giới ngang dọc của cõi này thì rốt cuộc chẳng thể lấy số dặm mà đo đạc được.

Theo luận Đại Trí Độ, nếu từ cõi Sắc giới mà ném một hòn đá lớn xuống thì phải mất một vạn tám ngàn ba trăm tám mươi hai năm (18.382) mới tới được đất.

Ở phương trên đó gọi là một cõi Phật, bên trong núi Thiết vi có trăm ức tứ Thiên hạ. Nay chỉ mới thuyết minh sơ qua về Nam Châu là một cõi tứ Thiên hạ.

* Nam Châu có hai:

-Một là nước Chấn Đán,

-Hai là Nam Thiệm Bộ Châu.

 

NƯỚC CHẤN ĐÁN Ở MIỀN ĐÔNG

Nước Chấn Đán ở về Đông thổ, việc phân chia khu vực thì:

– Thời vua Đế Cốc chia làm 9 châu (Kí, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương, Ung).

– Thời vua Thuấn chia làm 12 châu (vì Kí châu đất rộng nên đặt thêm 3 châu là Tính, U, Doanh).

– Nhà Hạ – Vũ bình định đất nước, chia làm 9 châu (Dương, Kinh, Dự, Thanh, Duyện, Ung, U, Kí, Tính).

– Nhà Chu phong Hầu kiến Ấp một cách ồ ạt, đại để có tới một ngàn tám trăm (1.800) nước.

Tới thời Xuân Thu, số nước thấy nói trong kinh truyện còn tới 124 nước.

– Tới thời Chiến Quốc, 7 nước hùng cường bị gộp lại mà thành nhà Tần. Nhà Tần lấy cái tệ của chế độ phong Hầu, kiến Ấp của nhà Chu làm răn, bèn bãi Hầu, đặt Thú, chia thiên hạ ra làm 36 Quận.

– Đến khi bình định được nước Việt ở phương Nam, lại đặt ra 4 quận : (Mân Trung, Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận).

– Thời Lưỡng Hán chia ra làm 13 Châu mà thống trị (Hán Vũ Đế đặt ra 13 bộ Thứ sử).

– Thời Tấn chia làm 19 Châu.

– Nhà Đường chia ra làm 10 Đạo, lại đặt ra 15 Thái Phỏng Sứ.

– Niên hiệu Nguyên Phong đời Tống cho ban hành Cửu Vực Chí do Lý Đức Sô soạn, chia nước ra làm 13 Lộ.

Thời Hán thịnh trị, những vùng thống trị xa xôi ở bốn phương. Đông thì tới Lạc Lãng, Tây thì tới Đôn Hoàng, Nam thì tới Nhật Nam, Bắc thì tới Nhạn Môn. Đông Tây 9.000 dặm, Nam Bắc 13.000 dặm.

Trường thành cổ là do nước Triệu xây dựng thời Chiến Quốc, từ Âm San ở Đại Tịnh (tên 2 châu) cho đến Cao Khuyết để phòng bị rợ Hồ. Nước Yên cũng xây đoạn từ Bắc Qui Châu đến tận Liêu Đông.

Tần Thủy Hoàng sai Mông Điềm xây Trường thành bắt đầu từ Lâm Thao vào tận Cao Ly.

Thời Nguyên chia làm 18 Đạo.

Tới thời Hoàng Minh nhất thống đặt ra Nam Bắc hai Trực – Lệ và 13 Tỉnh.

TỨ ĐỘC (bốn sông lớn) gồm:

– Sông Hà bắt nguồn từ núi Thích Thạch,

– Sông Giang bắt nguồn từ núi Miên Sơn,

– Sông Hoài bắt nguồn từ núi Đồng Bách,

– Sông Tế bắt nguồn từ núi Vương ốc; NGŨ NHẠC (năm núi lớn) gồm:

– Thái sơn ở phía Đông,

– Hành sơn ở phía Nam,

– Hoa sơn ở phía Tây,

– Hằng sơn ở phía Bắc,

– Tung sơn ở Trung ương.

Ngẩng tìm chư Phật giáng linh, chẳng thể cầu bằng hình tướng. Tùy cơ ẩn hiện, nên mới có thể dùng ngôn ngữ văn chương mà thuật lại. Kể từ khi Pháp vương thị hiện hình tích, giáng lâm chiếu rọi cho Nhẫn phương, quần sanh may sao được sự giáo hóa của Ngài, khiến 25 Hữu dứt nhân sanh tử, diệt hết 98 kiết Sử, đoạn nghiệp tiền khiên, cùng vượt ba cõi (sắc, dục, vô sắc), đều chỉ Nhất thừa.

Loài hàm dục đội ơn Đại tạo, Bậc chí nhân dẫn lự trần lao, nên có dấu Thánh từ bi để lại, truyền bá khuôn phép thiêng liêng này, khiến cho những kẻ vô cùng mê muội cũng phải động căn cơ huyền diệu, khiến cho sóng thức cũng phải tự dẹp yên cơn giận dữ dạt dào, mới trở thành lối thênh thang vào đạo, mà cũng là bắt đầu nhận biết lối ra.

Sự vốn đều là ngấm ngầm quyền nghi, mà Lý thì phù hợp với Sự vận động thần diệu. Có lẽ chẳng phải do trời trao, mà thật ra là người mưu tính. Nhưng vẻ lành ngùn ngụt, điềm tốt bời bời, sáng ngời trời đất, soi khắp u minh. Thế thì nền văn vật rạng rỡ muôn thuở, tiếng tăm vẻ sáng được kẻ nghe người nhìn thấy đánh giá cao. Cho nên tạm bày đường rộng để xem khuôn mẫu lớn vậy.

Theo Tây Vực Chí nói : Ở chính giữa Thiệm Bộ là ao A Nậu Đạt. Ao này ở phía Nam núi Hương Sơn, phía Bắc núi Đại Tuyết Sơn, chu vi 800 dặm.

Theo kinh Khởi Thế : núi Tuyết Sơn do các thứ báu tạo thành, trên đỉnh có bốn ngọn núi vàng, giữa có một ngọn núi cao, ngọn núi đó có ao Long Trì rộng 50 do-tuần. Bồ-tát Thập-địa hóa làm Long vương, làm nhà ngầm ở trong đó.

Ao này tuôn nước trong mát để cung cấp cho Thiệm Bộ. Cửa Ngân Ngưu ở phía Đông ao, chảy ra sông Căng Già (tức sông Hằng) chảy vào biển Đông Nam. Cửa Kim Tượng ở phía Nam ao, chảy ra sông Tín Độ, chảy vòng quanh ao một vòng rồi chảy vào biển Tây Nam. Cửa Lưu Ly Mã ở phía Tây ao, chảy ra sông Phọc Sô, chảy vòng quanh ao một vòng rồi chảy vào biển Tây Bắc.

Cửa Phả Đê Sư Tử ở phía Bắc ao chảy ra sông Tỉ Đa, chảy vòng quanh ao một vòng rồi chảy vào biển Đông Bắc.

(Có thuyết nói là chảy ngầm dưới đất rồi ra khỏi núi Tích Thạch mà thành đầu nguồn của sông Hoàng Hà của Trung Hoa ở phía Đông).

Rặng núi Thông Lĩnh ở chính giữa Thiệm Bộ, phía Nam nối với rặng Đại Tuyết Sơn, phía Bắc tới Nhiệt Hải Thiên Tuyền, phía Tây tới nước Hoạt-Quốc, phía Đông tới nước Ô-Sát, bốn phương đều mấy ngàn dặm, núi non tới mấy trăm lớp, băng tuyết gió lạnh, núi đồi xanh um, nên gọi là Thông Lĩnh. Từ Thông Lĩnh đổ về Đông gần nước Cao Xương là A Kỳ Ni (theo sách Hán Thư, nước Yên Kì có mấy chục Già-lam (chùa). Tây Nam là Khuất Chi (cũ gọi là Qui Tư, có mấy trăm ngôi Già-lam).

Phía Bắc núi Thông Lĩnh 400 dặm là Thanh Trì (còn gọi là Nhiệt Hải) đi về Tây 1.000 dặm nữa là Thiên Tuyền, phía Nam có Tiểu Tuyết Sơn (là nơi nghỉ mát của Đột Quyết), phía Tây tới Đát La Tư cho tới nước Sử Quốc, phía Đông Nam đi vào cửa Thiết Môn, phía Nam ra đến Đổ Hóa La (Đông tới Thông Lĩnh, Nam tới Tuyết Sơn, Tây tới Ba Tư, Bắc giữ Thiết Môn, có 30 nước).

Vượt qua các nước tới Phọc Hạt, Bắc giáp sông Phọc Sô (có mấy trăm Già-lam, người ta gọi là thành Tiểu Vương Xá).

Từ đó, hướng Tây Nam này vượt qua các nước sang Đông Nam vào Đại Tuyết Sơn (góc núi này có động Rồng, Phật hóa lưu ảnh tại trong động Rồng này, ngài Huyền Trang đời Đường đã từng đích thân tới đó lễ bái, xa trông thấy sắc vàng rực rỡ, gần thì dần dần biến mất, chẳng nhìn thấy nữa).

Rồi đến nước Phạm Diễn Na (có tượng Phật nằm dài 1.000 trượng. Tôn giả Thương Na thai sanh ở đây, áo Cửu Điều Y vẫn còn).

Đông vượt Hắc Lĩnh tới nước Ca Tất Thí (nước này phía Bắc dựa lưng vào Tuyết Sơn có mấy trăm ngôi Già-lam).

Đông vào cõi Bắc Ấn Độ tới nước Kiện Đà La (có tháp lớn cao 500 thước. Hồ Thái Hậu nhà Ngụy từng sai sứ mang tràng phan dài 500 thước treo ở đầu ngọn tháp đây, thì chân tràng phan mới chấm đất. Tháp này cùng với Lạc Dương Già-lam vốn đồng một thời phải có hai tháp).

Bắc tới nước Ô Trượng Na (người dòng họ Thích bị phạt thì làm vua ở nước này. Thời cổ khi Luân vương mất, Tăng chúng thường có đến một vạn người).

Nam vượt sông Tín Độ, Đông Nam tới nước Ca Thấp Di La (có mấy trăm Già-lam). Vượt qua các nước lên phía Đông Bắc tới nước Mạt Thố La (ngài Cúc Đa độ người, lưu thẻ đầy hang đá). Đông Bắc tới Thất Phạt La, rồi đến Thúy Lộc Na (Đông giáp sông Hằng).

Đông vượt sông tới Mạt Để La. Lại đi về Đông, tới phía Bắc núi Tuyết Sơn, cạnh núi có nước Kim Thị (nước này nữ làm vua, chẳng biết chính sự, nước này về phía Đông tiếp giáp với Thổ Phiên, phía Bắc giáp với Vu Điền, phía Tây giáp Mạt La Bà).

Từ Mạt Để La đi về phía Đông Nam tới nước Hê Đát (đây là chỗ đức Phật thuyết pháp cho Long vương Văn Lân).

Vượt sông Căng Già ở phía Nam (bên tả ngạn sông này có 1.000 tháp).

Đông Nam tới nước Kiếp Tỉ Tha (đây là chỗ mà Đế Thích thị hiện ba đường thềm báu khi đức Phật thuyết pháp cho thân mẫu Ngài ở trên cõi trời Đao Lợi).

Tây Bắc tới nước Khúc Nữ (là chỗ Giới Nhật Vương mở đại hội sai ngài Huyền Trang lập ra nghĩa Tỉ lượng luận).

Đông Bắc tới nước Xá Vệ (phía Nam thành này cách 5 dặm có vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc).

Đông Nam tới nước Ca Tì La (nơi Phật giáng sanh, điện Tịnh Phạn Vương, điện Ma Da phu nhân, chỗ Bồ-tát giáng thai, chỗ đức Phật độ cho 8 vị Vương tử giòng họ Thích khi Ngài trở về bổn quốc sau khi thành Đạo).

Đông Bắc tới nước Câu Thi Na (rừng Ta La Song Thọ nơi Phật nhập Niết-bàn).

Tây Nam tới nước Ba La Nại (vườn Lộc Uyển chỗ đức Phật chuyển pháp luân, gần vườn có chùa Chi Na do Quốc vương xây dựng cho chúng tăng. Chi Na ở đây gọi là Đại Đường).

Xuôi dòng sông Căng Già, Đông Bắc tới nước Tì Da Li (tên cũ gọi là Tì Xá Li. Ở đây có phương trượng của Duy Ma Cật, ngang dọc mỗi chiều 10 thước).

Đông Bắc tới Phất Lật Thị (thuộc vùng Bắc Ấn). Tây Bắc tới Ni Ba La (nước này Bắc giáp nước Đông Nữ tiếp giáp với Thổ Phiên. (Trung Quốc) sai sứ trở đi trở về may nhờ có đất này. Đường Phạm cách nhau vạn dặm từ thời cổ phải đi đường vòng vèo xa xôi. Nước này có ao trên mặt nước, ao bốc lửa, trong ao có rồng lửa).

Từ Tì Da Li, Nam vượt sông Căng Già tới nước Ma Kiệt Đà (hoặc gọi là Ma Già Đà, thuộc Trung Ấn, có thành Vương Xá. Đi về phía Tây Nam vượt sông Ni Liên có thành Già Da. Phía Tây cách thành này 6 dặm có núi Già Da, tục gọi là Linh Sơn. Phía Tây Nam có cây Bồ-đề, cây này cao 5 trượng là chỗ Phật thành Đạo, chu vi 500 bước, trong có tòa Kim Cương, 1.000 đức Phật ngồi ở trong đó mà nhập định Kim Cương. Có chùa Na Lan Đà do 5 vua xây dựng, Tăng đồ có tới mấy ngàn đều là các bậc anh tuấn học rộng, tài cao.

Phía Đông Nam nước này có núi Kê Túc là chỗ ngài Ca Diếp nhập định.

Đông Bắc là núi Linh Thứu, thành Vương Xá có suối nước nóng tuôn ra. Ngài Mục Liên nói : nước suối này chảy qua Tiểu Địa Ngục mà tới, nên nóng sôi và vẩn đục, có ba giếng vọt lên, nước to cũng không đầy (đó là chỗ mà những kẻ báng Phật bị đọa xuống ngay lúc sống).

Đông Bắc vượt qua các nước đến Bôn Na Phạt (từ sông Tín Độ trở về Đông đến đây đều là Trung Ấn).

Sau đó đi về phía Đông tới nước Ca Ma Lũ (Đông Ấn từ đây trở về phía Đông núi đồi liên tiếp, đi hai tháng thì có thể tới vùng biên giới Tây Nam của đất Thục).

Nam tới nước Tam Ma Đát (bờ biển Đông Bắc). Tây Nam tới tận nước Ô Đồ. (Đông Nam giáp biển có thành là chốn nghỉ chân của các lái buôn trên biển, phía Nam cách nước Chấp Sư Tử 2 vạn dặm, đêm nhìn ánh bảo châu trên tháp Phật Nha của nước này sáng chói như ngọn đuốc lớn).

Vượt qua các nước, Tây Bắc tới nước Kiều Tát La [thuộc Trung Ấn, có vua Dẫn Chính vì đã xây chùa cho Long Mãnh, tập trung 1.000 vị Tăng. Tính riêng tiền muối cho thợ ăn (để xây chùa) đã hết 9 ức tiền vàng].

Phía Nam nước này có núi (trên vách núi này có nhà gác bằng đá năm tầng, mỗi tầng đều có bốn sân có suối phun chảy vào).

Vượt qua các nước xuống phía Nam tới Mạt La Cự (Nam Ấn bên bờ Nam Hải có núi Mạt Lạt Da, sản xuất hương long não, hương cây này như băng tuyết. Phía Đông núi này có núi Bố Đát Lạc Ca, trên đỉnh núi có ao, bên ao có Thạch Thiên Cung. Đức Quán Tự Tại Bồ-tát vân du đến ở đây. Ai muốn gặp thì phải lội nước lên núi).

Phía biển Đông Nam có nước Chấp Sư Tử (không phải đất Ấn Độ, trên tinh xá Phật Nha có dựng một cột nêu, trên có để hạt bảo châu lớn, đêm nhìn như sao sáng. Bên cạnh cung vua có dựng một bếp lớn, hàng ngày làm cơm chay cúng cho một vạn tám ngàn vị Tăng ăn, thường cúng dường như vậy chẳng dứt).

Cách mấy ngàn dặm về phía Nam có châu Na La Kê La (người cao 3 thước, miệng như mỏ chim ăn cùi dừa, phía Đông Nam châu này có núi Lăng Già).

Từ Đạt La Tì tới Bắc Cung Đạt Bổ (đất Nam Ấn có rừng cây Bối Đa La, chu vi 30 dặm, lá của cây này dài rộng sắc bóng mượt, người ở Ngũ Ấn viết lách đều dùng thứ lá này. Nay bối diệp chính là tên tắt của lá này).

Phía Tây rừng này 2.000 dặm là nước Ma Ha Lạt (núi lớn ở phía Đông có chùa, La Hán xây nhà cao trăm thước, tượng Phật làm bằng đá cao bảy trượng, trên có mái đá bảy lớp, lơ lửng từng không cách nhau ba thước. Truyền rằng : đó là do nguyện lực của La Hán, hoặc nói là do thần lực, hoặc nói là do lực của dược thuật).

Tây phương tới nước Ma Lạp Bàn (trong cõi Ngũ Ấn có nước này và nước Ma Kiệt Đà, coi trọng việc học, có bậc danh Tăng rất giỏi, nước này phía Nam ra tới biển).

Tây Bắc vượt qua các nước tới Cù Triết La (thuộc vùng Tây Ấn). Vượt qua sông Tín Độ tới nước Tín Độ. Phía Tây tới tận nước Lang Yết La (sát biển Tây trong hải đảo có nước Tây Nữ).

Đi về phía Bắc, vượt qua các nước thì tới biên giới Ca Tất Thí (Đông giáp Bắc Ấn, Tây tới Phất Lâm nước Ba Tư).

Còn phong vật các nước khác nay chẳng ghi chép đầy đủ như Tây Vực Chí, Thích Ca Phương Phổ, có đầy đủ tường tận hơn).

 

ẤN ĐỘ

(Ở đây gọi là mặt trăng, vì ở giữa các nước, như mặt trăng giữa các vì sao. Đó là tên đúng của Tây Vực, còn Thiên Trúc, Thân Độc chỉ là tên gọi sai).

Phía Bắc dựa lưng vào núi Tuyết Sơn, ba mặt là biển cả, địa hình phía Nam hẹp như trăng trượng huyền, sông bằng đất rộng, chu vi chín vạn dặm, có hơn 7.000 thành được xây dựng ở trong đó, cho đến tận bờ ba biển đều do một vua cai trị.

(Theo Hán Thư, nước này thịnh vượng thanh bình, được khí hòa trí thiêng giáng xuống. Có các bậc hiền đức nổi bật giáng sanh. Lý Hậu và thần tích quỷ quái nhiều nhất thế gian; sự tích linh ứng minh hiển vượt ra ngoài Trời).

Kinh Kim Quang Minh viết rằng : “Ở đó có tám vạn bốn ngàn thành ấp thôn xóm”, còn kinh Nhân Vương thì nói : “Ở đó có 16 nước lớn, 500 nước vừa, 10 vạn nước nhỏ”.

Kinh Lăng Nghiêm nói : “Cõi Diêm Phù Đề này có 2.300 nước lớn”, kinh Lâu Thán nói : “Từ Thông Hà trở về phía Đông gọi là Chấn Đán”. Pháp sư

Ngạn Tông đời Đường nói : “Từ Thông Lĩnh trở về phía Tây đều thuộc nòi Phạm, bên trái Thiết môn đều là làng Hồ).

BIỆT HỒ PHẠM
(Phân biệt Hồ Phạm)

Đất Nam Châu đại để chia làm 5 phần : Trung phần là Tuyết Sơn Thông Lĩnh, Nam phần là Ngũ Ấn Độ, đó là nơi Kim luân Thánh Vương thời xưa cai trị. Đó là giống Phạm Thiên, thế gian gọi nước họ là Thiên Phương, cũng gọi là nước Bà La Môn (ở đây gọi là Tịnh Hạnh, Phạm Chí).

Tây phần là các nước Đổ Hóa La, Ba Tư là nơi cư trú của Tây Di. Bắc phần là quê hương của Hồ, Lỗ, nơi cư trú của Đột Quyết, Khả Hãn, Ô Tôn, Hung Nô. Đông phần chia làm hai :

Từ Kỳ Sa Hà trở về Tây có người Hồ, Thổ phiên cư trú, từ Tích Thạch trở về Đông là nước Chấn Đán, đó là nơi được Đế vương giáo hóa, là nước của người quân tử, phong vực phân chia khác nhau, cần phải phân biệt rõ, không nên coi Phạm là Hồ mà tự lẫn lộn.

Có người cho Thiên Trúc là Hồ, lời đó rất sai. Lại có người gọi là Hồ kinh, Hồ ngữ v.v… Đó đều không phải là chánh ngôn (cách nói đúng đắn), mà phải gọi là Phạm kinh, Phạm ngữ v.v… mới đúng.

LUẬN TRUNG

Chánh kiến lợi sanh của đấng Pháp vương không hề phân biệt chỗ trung thổ với nơi biên địa. Cơ duyên thích hợp thì giáo hóa, không kể phương nào. Lẽ nào việc giáo hóa ấy lại chỉ căn cứ vào hình thức.

Tuy mây lớn đổ mưa tưới khắp, nhưng giống hư hỏng khó có thể tốt tươi. Dẫu mặt trời buổi sớm chiếu ở trên cao nhưng trong chậu úp chẳng soi được tới. Đến nỗi nửa tin nửa ngờ, tà chánh lẫn lộn vậy mà ánh sáng đại bi vẫn chưa từng gián đoạn. Có người bảo Hoa Hạ được cái thế chính trung của trời đất, ngoài chín châu ra đều là hạng Man Di ở nơi biên địa mà thôi. Điều này chẳng đáng để tranh luận, cứ xem Tây Vực đồ sẽ rõ.

Nay vì những ai chưa biết xin thuyết minh thêm. Khảo cứu các kinh luận thấy có chín nghĩa như sau :

1. DANH VĂN (danh tiếng)

Kinh Bản Hạnh kể rằng : “ Bồ-tát Hộ Minh bảo vị Thiên nhân là Kim Đoàn rằng : ‘Xưa kia, Bồ-tát Bổ Xứ thác sanh vào nhà nào, nhà ấy ắt phải có đủ 60 loại công đức, ba đời thanh tịnh. Ông hãy xuống cõi Diêm Phù vì ta mà quán sát xem !’. Kim Đoàn nói : ‘Thành Ca Tì La có vua là Tịnh Phạn, phu nhân là Ma Da, là nhà có đầy đủ công đức ở trong thế gian. Nhà ấy thanh tịnh, có danh tiếng lớn, đáng sanh vào nhà đó’.

Hộ Minh nói : ‘Tốt lắm ! Ta nhất định sẽ sanh vào nơi đó’ ”.

Phật tự mình đích thân chọn lấy như vậy, chư Thiên đều cùng nghe thấy. Thế thì biết rằng nước Ca Tì La nổi danh hơn hết là nơi trung tâm của các nước (kinh Phổ Diệu cũng nói như trên).

2. LÝ PHẦN

Đại địa rộng lớn, thế gian không ai có thể đi tới cùng được. Từ xưa tới nay không có người nào tới biển Tây Bắc, thì làm sao mà biết được chỗ nào là trung tâm của đại địa. Thế tục gọi là Trung Quốc, chỉ là tự luận về nơi trung tâm của phương này mà thôi, chứ chẳng phải là nơi trung tâm của thiên hạ.

Theo Chu Công đo đạc trời đất, qui định Dự Châu là trung tâm, nói rằng : bốn bên mỗi phía 5.000 dặm (từ Dự Châu đến biển Đông không tới 5.000 dặm, còn đó sanh sang phương Tây, từ đó lên phương Bắc chẳng biết đến mấy vạn dặm, ấy thế mà lại nói là 5.000 dặm được ư ?).

Vũ Cống nói : mỗi bên cách 2.500 dặm. Đương thời đất hẹp, sau dần dần mở rộng tới đời Hán mới tới 9.000 dặm nay còn rộng hơn.

Theo Nội Kinh thì đại địa chu vi 28 vạn dặm, đường kính là 9 vạn dặm. Nếu đem chiều Đông sang Tây là 9 vạn dặm, vẽ làm 9 phần thì Hoa Phương chì chiếm chừng một phần ở cực Đông mà thôi, sang phía Tây còn những 8 phần đất nữa. Thiên Trúc chiếm 5 phần ở trung ương, Đông Tây cách biển mỗi phía bốn vạn năm ngàn dặm. Nên biết rằng nước ta là miền Đông của đại địa, Thiên Trúc là trung tâm của đại địa. Đó là điều đã rõ ràng.

3. SƠN VƯƠNG

Núi non trong thiên hạ đều từ Côn Lôn phát mạch mà ra, núi Côn Lôn là núi cao nhất lớn nhất, chu vi tới hơn vạn dặm, là nhà của Long thần chẳng phải là chỗ mà sức người có thể trèo lên được. Chi nhánh núi này phân bố thành gốc gác của mọi núi, tuy co duỗi dòm ngó, khởi phục thiên hình vạn trạng, nhưng ăn mạch liền nhau như vườn tre vậy, hoặc nổi lên hai cây măng ở gần, hoặc luồn xuống đất mầm đi tới chỗ xa rồi lại mọc ra hai cây măng nữa.

Núi Côn Lôn bên trái chia làm mấy nhánh, một nhánh chạy về phía Đông vượt Sa hà, Thích thạch dằng dặc mà phát triển thành núi non ở Chấn Đán, một nhánh chạy xuống phía Đông Nam phát khởi các núi ở Đông Ấn Độ. Sau đó chạy về Đông mà thành núi non của Bách Di.

Bên phải chia làm mấy nhánh; một nhánh chạy xuống phía Tây Nam mà sanh ra các núi ở Tây Ấn Độ, một nhánh chạy sang phía Tây mà thành các núi non của Hoạt Quốc, Ba Tư.

Mặt trước là Hắc Sơn, Tuyết Sơn và các núi ở Bắc Ấn, tới Trung Ấn thì phần nhiều ẩn phục, ít xuất hiện. Mặt sau là Thông Lĩnh sanh ra các núi của Bắc Hồ v.v… Các núi chạy như bay dưới núi Côn Lôn, núi Côn Lôn cao vót trên các núi khác. Côn Lôn ở chỗ chính trung của đại địa, Ngũ Ấn Độ chiếm phía Nam núi Côn Lôn (Tục thư gọi Chi Đông của Tuyết Sơn là Côn Lôn sơn, đó là tên mượn vậy).

4. THỦY NGUYÊN (nguồn nước)

Nước là vật mà đặc tính của nó chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, không có giòng nước nào là không có gốc từ núi chảy ra mà ngọn thì đổ vào biển cả.

Trên đỉnh Tuyết Sơn có ao Đại Long Trì, chu vi hơn ngàn dặm, là nguồn chung của các giòng sông trong thiên hạ. Từ bốn mặt Long Trì, mỗi mặt đều chảy ra một giòng sông lớn, sông rộng tới 40 dặm, sóng nước dào dạt tuôn ra bốn phương, mỗi giòng sông đó lại cùng 500 sông đều chảy ra biển. Các giòng nước ở phía Đông Long Trì đều chảy về Đông, các giòng nước ở phía Tây Long Trì đều chảy về Tây, các giòng nước ở phía Nam Long Trì đều chảy về Nam, các giòng nước ở phía Bắc Long Trì đều chảy về Bắc. Bốn góc cũng thế. Bởi vì đại địa hình tròn như quả bầu, mà đỉnh của nó là Tuyết Sơn chiếm chỗ cao nhất, bốn mặt thấp dần, cho nên mới thế. Các giòng nước ở Chấn Đán đều là những giòng chảy về Đông, vì ở góc phía Đông của đại địa. Như vậy thì biết rằng núi phải ở chính giữa đại địa, Long Trì ở trên đỉnh núi. Long Trì này là trung tâm thủy nguyên của đại địa, trung Ấn Độ chính là đối diện với Long Trì này.

5. ĐỊA TỀ (rốn đất)

Kinh Phạm Võng viết rằng : “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở đạo tràng tịch diệt ngồi trên tòa Kim Cương Hoa Quang Vương”.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ viết : “Tất cả thế gian, tất cả các nước ở cõi Diêm Phù Đề đều không có tòa này : chỗ tòa Kim Cương này rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Phật ngồi tòa này được Phật Bồ-đề, các đất khác không thể đỡ nổi Phật”.

Tây Vực Chí kể rằng : “Trung Ấn Độ phía Nam sông Hằng có nước Ma Kiệt Đề, phía Tây Nam nước này vượt qua sông Ni Liên Thiền 10 dặm có cây Bồ-đề, dưới cây có tòa Kim Cương, ngàn Phật ngồi nhập định Kim Cương”. Luận Câu Xá nói : “Tòa này, dưới liền với Kim luân, nên gọi là tòa Kim

Cương. Chư Phật ba đời đều thành đạo hàng ma ở tòa này, cho nên biết rằng tòa Kim Cương là rốn của đất vậy.

6. LUÂN VƯƠNG

Người có đức tốt ắt ở đất tốt, như Kim luân Vương kia là người phước đức tốt nhất trong những người ở cõi Diêm Phù, đó là bậc Thánh thần trong Hoàng đế, các vua chúa. Cho nên có bánh xe vàng để nêu điềm tốt, có bảy thứ báu để tỏ vẻ lành. Tướng hảo trang nghiêm, ngàn con vây quanh, cưỡi long mã mà bay trên tầng không, vua chúa bốn châu mộ đức mà tuân theo sự giáo hóa. Cho nên Luân Vương xuất thế, ắt sanh ở nơi trung thổ. Nơi trung thổ ấy tức là trung Ấn Độ vậy, đó là chốn mà các vị Luân Vương các đời dấy lên. Nổi tiếng đặc biệt tốt đẹp chính là nơi đây vậy.

7. PHẠM TỰ (chữ Phạm)

Chữ Phạm giống như chữ Triện cổ, từ khi trời đất mở mang tới nay đã có chữ này rồi, trải qua hơn vạn vạn năm mà xưa nay vẫn chẳng đổi. Chẳng giống như văn tự ở phương này, chữ Triện đổi thành chữ Lệ có sự ngoa truyền lầm lẫn.

Chữ Phạm vốn từ Phạm Thiên truyền xuống, nên gọi là Phạm Thư. Kim Ngân Luân Vương nối tiếp nhau mà kế thừa sử dụng, cho nên chỗ viết chữ Phạm, yêu ma đều phải lánh xa. Lúc xướng Phạm âm, Quỷ thần đều phải kính sợ. Bởi vì đó là ngọc âm của Thiên Đế, nên ai mà dám chẳng kính vâng ! Vì thế chư Phật thuyết pháp đều dùng tiếng Phạm, Thiên Long Bát Bộ tuân phụng lưu hành. Thậm chí gọi Trời, Trời ứng; triệu trùng, trùng theo. Thông suốt âm dương, chí linh chí thần có lẽ chỉ ở tiếng Phạm vậy chăng !

Ghi lại tiếng Phạm đó là chữ Phạm trong kinh Tổng Trì để nói rõ những lợi ích của chữ Phạm như giữ chữ A mà nhập định, nhìn chữ Luân mà sáng lòng, chữ Úm mà đem ra cúng thì có thể dâng lên chư Phật ở trên… chữ Hạt Rị tỏa ánh sáng hòa quang có thể cứu khổ cho quần sanh ở dưới. Chữ Phạm có thể khiến kẻ bị ô nhiễm trở nẻn thanh tịnh, kẻ ngu si trở nên khôn ngoan, kẻ yểu được thọ, kẻ ốm được lành, diệt tà giúp chánh, làm lợi ích cho chúng sanh có lẽ chỉ có tác dụng của chữ Phạm vậy chăng !

Văn tự trên thế gian có 64 loại : thứ nhất là chữ Phạm, thứ hai là chữ Khư Lâu, cho tới các kiểu Liên Hoa, Thụ Diệp, Hữu Tuyền, Trịch Chuyển, tới 64 loại chữ gọi là nhất thiết chủng âm. Trong 64 loại chữ đó, chữ Phạm là nhất. Cho nên biết rằng chữ Phạm là vua của các loại văn tự.

8. KHÍ HÒA (khí hậu ôn hòa)

Thổ nghi nóng lạnh tùy từng phương mà phát sinh tác dụng, vì đất có chỗ cao chỗ thấp, khí có nơi ẩm nơi khô, cho nên nóng lạnh khác nhau.

Khí hậu nếu được chỗ trung độ thì ôn hòa, nếu mất chỗ trung độ thì ác liệt. Bởi vậy miền cực Nam thì nóng nực, miền cực Bắc thì rét mướt, miền bờ biển thì gió ẩm, miền núi non thì lam chướng.

Đất có đất màu bãi lửa, nước có suối câm giếng đắng, đó há chẳng phải là do khí hậu ở chỗ thiên thẹo nên mới xui nên như vậy ru ?

Còn như phương Ấn Độ thì hè chẳng nóng lắm, Đông chẳng lạnh lắm, bốn mùa ôn hòa, năm trần thắng diệu.

Hoa Trời Ca Tì sắc lạ (ngài Huyền Trang đời Đường tới Trung Ấn thấy hoa trời kỳ lạ, bèn lấy giống đem về Đông, qua sông gặp gió, giống hoa đó đều mất hết, ngờ là bị rồng cướp đi).

– Trúc Luật Giải Cốc Chính Âm:

(Hán chí: vua Hoàng đế sai Linh Luân tới Giải Cốc ở phía Bắc núi Côn Lôn lấy trúc, chặt khúc giữa lấy hai đốt làm cung Hoàng Chung mà thổi, 12 ống nghe như tiếng phượng kêu, con trống kêu 6 tiếng, con mái kêu 6 tiếng, cung Hoàng Chung này đều có thể phát ra những tiếng đó. Đó là gốc của Âm Luật.

Đời cực thịnh trị thì khí trời đất hòa hợp mà sanh ra gió, khí gió của trời đất chính đính thì 12 luật được xác định).

– Cho đến cây thuốc Dược Vương:

(Tuyết Sơn có cây Dược Vương, hễ ngửi hoặc nếm, hoặc chạm vào cây thuốc đó thì mọi bệnh đều khỏi).

– Cỏ thơm Phì Nhị:

(Tuyết Sơn có loại cỏ này, trâu bò ăn vào thì sữa thành đề hồ, phân thơm như mùi đàn hương).

– Trong đất vị ngọt:

(Trong đất ở Tuyết Sơn có vị ngọt chảy ngầm, ống chôn dưới đất có thể lấy được. Đây là loại suối ngọt).

Long Trì ngó ngọt:

(Thời Phật có vị Tỳ-kheo ốm, Tỳ-kheo đến Tuyết Sơn xin ngó sen, rồng cho ngó sen đường kính tới một thước vị ngọt, ăn vào khỏi bệnh).

Quả là do trời đất khí hòa, cho nên mới sanh ra cỏ cây thuần túy vậy. (Thiệu Tử nói : Trời có thứ chí túy, đất có thứ chí tinh. Loài người mà được các thứ đó thì thành sáng suốt, cỏ cây mà được các thứ đó mà thành chi lan).

9. ĐẠO TRUNG

Danh để nêu Thực, Sự để tỏ Lý.

Cho nên nơi trung thổ ắt có trung đạo tồn tại vậy thì hỏi có khác gì nơi biên địa ? Cho nên các bậc Thánh hiền ở Hoa Hạ đều nói rằng :

– Đạo nuôi dân phải lấy Trung làm gốc; rằng : – giữ đúng Đạo Trung; rằng : – vận dụng Đạo Trung với dân; rằng : – Trung đó là Đạo lớn của thiên hạ, Đạo ấy sẽ dẫn tới vị trí trung hòa của trời đất, sẽ làm cho vạn vật sanh sôi nảy nở.

Thánh nhân thế gian còn như vậy, huống chi là bậc Đại Thánh xuất thế, lẽ nào lại đem đạo Thiên Tà mà chỉ bảo cho người !

Cho nên bậc Chánh Giác Năng Nhân sanh ở nơi trung độ, thị hiện tướng mạo thù thắng.

(Sanh ở Vương cung có đủ 32 tướng quý), há chẳng phải là để dùng chánh pháp của Trung đạo mà khải ngộ quần sanh ru ?

Vậy mà bọn Ma đạo phàm phu bỏ gốc, đuổi theo ngọn, chưa có Thánh trí, rằng tri rằng kiến đều là mê đảo, đến nỗi ưa cái đồng thì ghét cái dị, chuộng cái này thì bỏ cái khác. Cho nên thị phi vì thế mà nảy sinh, hoặc đảo vì thế mà trói buộc. Yêu ghét so đọ với nhau, tà chánh khuynh đảo lẫn nhau thì thành ra tội phước.

Cho nên đấng Chánh Giác ta là bậc Thánh nhân mới thương xót mà dụ bảo cho họ, mới điều phục mà khiến cho họ thuần hòa, mới làm sữa làm thuốc mà nuôi nấng chạy chữa cho họ, mới giúp đỡ mà cứu cho họ, khiến bỏ thói tranh cạnh hỗn loạn mà trở về cuộc sống thái bình, bỏ thói cuồng vọng mà trở lại làm người lương thiện thành thật để hợp với đức Đại Quân, để khế với tánh Bản chân, để đạt tới Đạo chí trung, chí công, chí thuần, chí thần, chí diệu rồi mới thôi.

Chúng sanh căn cơ khác nhau, ý kiến chấp trước chẳng giống nhau, hoặc chấp về sắc, hoặc chấp vào không. Chấp sắc thì bế tắc, chấp không thì buông xuôi. Bậc Chánh Giác dùng lời dược ngôn mà bảo họ rằng : “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, thế thì Sắc – Không bất nhị là Trung”.

Hoặc chấp là đồng, hoặc chấp là dị. Chấp đồng thì à uôm, chấp dị thì rối loạn. Lời dược ngôn bèn dạy rằng : Đồng là Đồng Dị, Dị là Dị Đồng, phi Đồng phi Dị nhất quán là Trung.

Hoặc chấp các pháp là thật là hư, là thường là đoạn, là to là nhỏ, là biến là chẳng biến, là tự là tha, là hữu biên là vô biên, hoặc tức hoặc ly, hoặc ưa hoặc chán; cũng có cũng không, cũng hằng cũng biến, nào đến nào đi, nào nói nào im, nào siêng nào nhác, nào thanh nào hòa, nào khen nào chê. Những thứ như thế, ai nấy đều chấp trước, kiến giải khác nhau, nhất nhất đều thành thiên kiến.

Đường chia lắm ngả thì mất dê, cứ trôi xuôi mãi thì quên về.

Đấng Chánh Giác bèn bảo cho họ rằng : Muôn pháp vốn nhàn, mà người tự bận.

Trong hư không thật ra không có hoa, mà người quáng nhìn ra thành thấy, nhân ba quỉ hỏa, tánh của nước không khác, mà khỉ vượn vồ trăng. Chó ngu đuổi cục đất, ngươi Diễn Nhã đầu mê mà chạy khắp Đông Tây. Tánh cuồng tự hết, tức là Bồ-đề.

Ngài lại dạy rằng : Ví như người lái đò, chẳng trụ ở bờ bên này, chẳng trụ ở bờ bên kia, mà vận chuyển, chở chúng sanh tới được bờ bên kia.

Rằng : Học đạo ví như người chăn trâu, cầm gậy mà trông coi nó, chẳng để nó đi lung tung xâm phạm vào lúa mạ của người ta.

Lại ví như cưỡi ngựa, cầm cương ở tay, nếu nó lười thì thúc lên, nếu nó lồng thì kìm lại, ung dung theo Trung đạo mà đi.

Lại như người thợ gốm nhào đất, sao cho chẳng rắn chẳng mềm đúng với bàn xoay khuôn rập, mới có thể làm chậu làm bình.

Lại như người nhạc công gảy đàn, phải điều chỉnh dây đàn sao cho chẳng chùng chẳng căng, mới có thể tấu thành khúc điệu.

Đúng với mức Trung thì Đạo kia có thể hy vọng đạt được ! Nhân duyên bị bệnh của mỗi người mỗi khác, nên cho thuốc cũng có nhiều phương. Cho nên có Sự – trung, có Lý – trung, có Tục – trung, có Chân – trung, có Tiệm – trung, có Đốn – trung, có Tiểu – trung, có Đại – trung, có Sơ – trung, có Chung – trung, có Chí – trung, có Viên – trung, có Giới – trung, có Định – trung, có Tuệ – trung, có Quán – trung, có Hành – trung, có Nhân – trung, có Quả – trung.

Nhờ ngọc ma-ni ứng sắc, như hang trống dội tiếng vang. Cho đến ăn uống áo quần, đi đứng nằm ngồi, mọi việc lớn nhỏ, tự mình hành, giáo hóa người khác, không việc gì không dùng Trung đạo mà chỉ bảo. Đức Phật tự mình ăn một bữa vào lúc nhật trung (giữa trưa), bảo các Tỳ-kheo nếu quá trung (quá trưa) thì không ăn. Ăn thì vừa mức, chẳng đói chẳng no. Áo may ba tấm, chẳng xa xỉ cũng chẳng lõa lồ. Đi thì đi thẳng, ngồi thì kiết-già, điều hòa thân thể thì chẳng khoan chẳng gấp, điều hòa hơi thở thì chẳng rít chẳng trơn, điều tâm thì chẳng hôn trầm, cũng chẳng trạo cử.

Đến như nổi chìm đều bỏ, tĩnh tịch đều buông, chẳng xuất chẳng nhập, tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch, tâm tâm Vô gián, trung trung chảy vào biển Trung đạo, đạt tới cực điểm của Trung vậy.

Thuận nghịch chẳng quản, oán thân như nhau, diệt hết dị đồng, tử sanh là một, ta – vật coi ngang, thông suốt cổ kim. Trộn hư không làm một thể, hiện núi biển ở đầu lông. Một nói một im, một động một tĩnh, đều làm lợi ích cho khắp hết thảy chúng sanh. Như vậy thì há có thể gọi là kẻ Thế trí cuồng giải, hạng Vô tưởng Si thiền ư ?

Tới từ Trung tới, nên gọi là Như Lai. Đi từ Trung đi, nên gọi là Như Khứ (tức là Thiện Thệ vậy).

Trung chẳng phải là Động thì ai tới ? Trung chẳng phải là Tĩnh thì ai đi ? Chẳng động chẳng Tĩnh, không đến không đi, há chẳng phải là đức tính của bậc Chí Nhân ru ? Chẳng Động Tĩnh mà Động Tĩnh, không đến đi mà đến đi. Há chẳng phải là sự thần diệu của Bi Vân ru ?

Không đến mà đến, tuy sanh chẳng có. Không đi mà đi, dẫu diệt chẳng không. Cho nên đạo của Như Lai chẳng thể đem những chuyện động – tĩnh, lai – khứ, hữu – vô, sanh – diệt ra mà nói được.

Thế thì há chẳng phải là Đại Chí Huyền tuyệt diệu, không thể nghĩ bàn, vượt mọi số lượng, dứt mọi đối đãi ư ?

Thế gian có người ở bên sông chẳng tin nước biển có vị mặn. Có ông ở biển lấy một muôi nước biển đem đến bảo cho y để y biết được vị mặn ấy mà thôi. Chứ đâu phải là nói rằng biển cả có thể lấy muôi mà múc hết được !

***

LUẬN TIÊN ĐẠO
(Bàn về đạo Tiên)

Tiên là Thiên vậy, nghĩa là người mà hình thần có thể biến thiên mà chẳng chết. Thế tục nói là Tiên, có mấy loại khác nhau : có Thiên Tiên, Thần Tiên, Nhân Tiên, Địa Tiên, Quỷ Tiên, hoặc chơi chốn nhân gian, hoặc ẩn chốn núi sâu (như Thiên Thai, Khuông Lư, Cổ Sơn, Chung Nam v.v…) hoặc ở nơi hải đảo (như các đảo Bồng Lai, Doanh Châu, Lãng Uyển, Tiểu Hữu v.v…) hoặc ở dưới đất (xưa có người xuống chơi dưới hang đất thấy các Tiên ở chín quán) đều sống lâu chẳng chết. Người xưa đã từng được thấy, cho nên thế gian nhiều người hâm mộ. Người đời ghét đoản yểu, thích trường thọ. Hễ thấy ai hơn một trăm tuổi đã gọi là Tiên, huống hồ là người tới ngàn vạn tuổi.

Chẳng biết rằng họ cũng có lúc vô thường, chỉ trường thọ mà thôi, chứ chẳng phải là vĩnh viễn không chết. So với người thì là hơn, so với trời thì lại là kém. Người trời sống lâu trải nhiều kiếp, coi những Tiên kia thọ đoản tựa như kiếp con vò vậy.

Đạo Tiên tuy mầu, cố nhiên chẳng bằng Người Trời, Người Trời tuy hơn, nhưng sao bằng bậc Thánh Nhân vượt số lượng, ly hợp thường lạc, vĩnh viễn không bị vòng sanh tử làm cho biển chuyển mà đến ức kiếp vẫn thường còn.

Kinh Hoa Nghiêm nói : “Trong núi Thần Tiên, người Tiên Ngũ Thông đầy dẫy ở trong” (đây chính là những Thiên Tiên ở trong bảy núi Kim Sơn).

Kinh Lăng Nghiêm viết : “Phật dạy : ‘Còn có những kẻ đi theo người ta, chẳng theo bậc Chánh Giác tu Tam-ma-địa, biệt tu vọng niệm, tồn tưởng cố hình, đến ở chỗ núi rừng không ai tới được. Có mười loại Tiên, các chúng sanh đó:

– Kẻ thì kiên trì cố luyện bằng cách ăn uống mà chẳng hề ngơi, Thực Đạo Viên Thành, gọi là Địa Hành Tiên.

– Kẻ thì kiên trì cố luyện bằng thảo mộc mà chẳng hề ngơi, Dược Đạo Viên Thành, gọi là Phi Hành Tiên (uống dược thảo lâu, thân nhẹ bay được).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện bằng vàng đá mà chẳng hề ngơi, Hóa Đạo Viên Thành, gọi là Du Hành Tiên (luyện đan hóa cốt, điểm thạch thành kim).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện về tân dịch mà chẳng hề ngơi, Nhuận Đức Viên Thành, gọi là Thiên Hành Tiên (nuốt tinh lìa dục, đẹp như băng tuyết). – Kẻ thì kiên trì cố luyện về tinh sắc mà chẳng hề ngơi, Hấp Túy Viên Thành, gọi là Thông Hành Tiên (ăn cầu vồng, uống sương mù, khí tinh túy ngầm thông).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện về chú cấm mà chẳng hề ngơi, Thuật Pháp Viên Thành, gọi là Đạo Hành Tiên (có khả năng dùng pháp thuật, mê đạo tự nhiên).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện về tư niệm mà chẳng hề ngơi, Tư Ức Viên Thành, gọi là Chiếu Hành Tiên (tưởng đỉnh xuất thần, quán rốn luyện đan).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện về giao cấu mà chẳng hề ngơi, Cảm Ứng Viên Thành, gọi là Tinh Hành Tiên (khảm li sất phối, thái tinh nhiếp vệ).

– Kẻ thì kiên trì cố luyện về biến hóa mà chẳng hề ngơi, Giác Ngộ Viên Thành, gọi là Tuyệt Hành Tiên (tồn tưởng hóa lí, tà ngộ biến hóa).

Những hạng như vậy ở trong loài người luyện tâm, chẳng tu Chánh Giác, được lẽ sống riêng, thọ ngàn vạn tuổi, ở trong rừng sâu, hoặc nơi hải đảo, đoạn tuyệt với cõi người.

Những hạng này cũng bị luân hồi, vọng tưởng, lưu chuyển, chẳng tu Tam-muội (tức Chánh định), báo hết quay về, tản vào các nẻo.

Cư sĩ Long Thư nói rằng : “Kinh Lăng Nghiêm nói : ‘Có mười loại Tiên thọ ngàn vạn tuổi, thảnh thơi ở chốn núi sâu, số hết lại nhập luân hồi’, vì chẳng liễu ngộ chân tánh giống với lục đạo chúng sanh, gọi là Thất Thú. Những kẻ học Tiên ở đời, vạn chẳng được một. Ví dù có được đi nữa thì cũng chẳng tránh khỏi vòng luân hồi, vì chấp trước vào Hình Thần, chẳng thể bỏ đi được. Mà Hình Thần đó lại chỉ là vọng niệm được hiện ra từ trong chân tánh, đều chẳng phải là chân thật.

Muốn cầu trường sanh, không gì bằng Tịnh độ. Chẳng biết tu pháp này mà lại học Thần Tiên, đó là bỏ ngọc đẹp ở ngay trước mắt mà chuốc lấy hòn cuội không thể kiếm được, há chẳng phải là lẩm cẩm ru !”.

Cư sĩ Hương Sơn (Bạch Cư Dị) đời Đường tặng thơ cho Vương Sơn

Nhân, bài thơ viết:

Nghe bác bớt ăn ngủ,
Ngày nghe Thần Tiên thuyết,
Những đợi bậc phi thường,
Ngầm cầu trường sanh quyết,
Nói trường vốn đối đoản,
Chưa lìa đường sống chết,
Giả sử được trường sanh,
Mới thắng được yểu chết,
Cây thông ngàn năm mục,
Bông bụt một ngày nát,
Rốt ráo giống hư không,
Cần gì khoe tuế Nguyệt,
Bành thương luống tự khác,
Sanh tử nào phân biệt !
Chẳng thà học Vô sanh,
Vô sanh tức Vô diệt.

ĐOẠN NGHI SANH TÍN

Chẳng tin thì gọi là nghi, đó là nguồn gốc nảy sinh vạn hoặc. Chẳng nghi thì gọi là tin, muôn thiện đều từ đấy mà ra.

Tín là lối thông cù để nhập đạo, nghi là chướng ngại lớn cho việc tu hành.

Tín như thuyền thuận gió mà xuôi dòng, thế thì có thể hy vọng tới nơi ngàn dặm. Nghi như sóng dồi nước xoáy, thế thì cả buổi vẫn lẩn quẩn ở trong.

Cho nên kinh nói rằng : Bậc Y vương có thể chữa được mọi thứ bệnh, chứ không thể chữa được người mệnh tận.

Phật có thể độ được hết thảy chúng sanh, chứ chẳng thể độ được hết thảy người chẳng tin.

Cho nên biết rằng, việc học đạo lấy đức tin làm đầu, như đất mầu ruộng tốt, ngũ cốc trồng ở đó ắt sẽ sinh trưởng tốt tươi.

Người thế gian chẳng tin, sự nghi ngại của họ có ba điều :

1. Ngoài trời đất, nhật nguyệt này, làm sao lại còn có trời đất, nhật nguyệt khác ?

2. Người chết hình hoại khí tan, làm sao mà Thần lại có sự thăng trầm sướng khổ ?

3. Chẳng tin người làm sao có thể thành Phật được?

Vì cho rằng đó là những điều mà tai mắt ta chẳng tới được, nên ngờ mà chẳng tin. Cũng ví như người ở sóc Bắc chẳng tin là có thuyền muôn hộc mà lái buôn vẫn hằng sử dụng, người ở Giang Nam chẳng tin là có lều ngàn người mà người Hồ hằng ngày vẫn ăn ở trong đó.

Người thường chẳng tin có cõi trang nghiêm bằng các thứ báu mà các bậc Thánh Nhân vẫn thường chơi, thường ở.

Lẽ nào lại có thể nói rằng : mắt ta chẳng thấy, nên quả thật là không có thứ đó mà được ư ?

Đức Phật có đủ sáu phép thần thông : có Thiên Nhãn thông, Túc Mạng thông, thấy được rõ ràng thấu suốt hết, mười phương thế giới không đâu mà không thấy, sáu đường thăng trầm thảy đều biết hết, cho nên dùng Thần đạo mà lập giáo, đem nhân duyên mà chỉ bảo cho người, khiến họ lìa chỗ khổ đến chỗ sướng, tu tâm luyện tính cho tới mức thành Phật.

Phật là Giác (ngộ), tức là tánh chân tâm bản giác của mọi người, chúng sanh mê muội về điều này nên chẳng giác ngộ mà giống như ở trong đêm dài. Bậc Năng Nhân thấu triệt, chứng ngộ bản chân, nên gọi là Đại Giác.

Bùi Tướng quốc (Tể tướng Bùi Hưu) nói : “Suốt ngày Viên Giác mà chưa từng Viên Giác, đó là kẻ phàm phu. Đầy đủ Viên Giác mà trụ trì Viên Giác, đó là Như Lai”.

Cho nên Phật Thích Ca thành đạo tại Trung Thiên, thuyết hữu, thuyết không, quán căn mà lập giáo, chặt đứt cội nguồn của sự khổ, chỉ rõ con đường quan trọng để nhập đạo, khiến chúng sanh đi theo con đường của Ta đi. Con đường của Ta đi chẳng phải là lục đạo, chẳng phải là Tam thừa, mà chinh là con đường của Như Lai Chánh Giác vậy.

Cho nên tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thì gọi là Phật. Thế thì bậc

Thánh nhân Nho giáo há chẳng làm sáng cái Đức sáng mà đổi mới cho dân đó sao ?

Vương Cư sĩ Long Thư nói rằng : “Những điều mà họ Thích đem ra ân cần dạy bảo người đời, thảy đều là răn điều ác, khuyên điều thiện cả mà nhà Nho ta có bao giờ chẳng răn điều ác, khuyên điều thiện đâu ! Đạo lý của hai nhà không hề khác nhau. Chỗ khác nhau chỉ là nhà Nho dừng ở pháp thế gian, mà nhà Phật thì còn có pháp xuất thế gian. Nhà Nho dừng ở pháp thế gian, nên chỉ nói một đời mà quy cho Trời. Nhà Phật còn có pháp xuất thế gian nên biết nhiều đời mà thấy được gốc ngọn nghiệp duyên của chúng sanh. Đó chính là điều khác nhau vậy”.

Thế thì những điều Phật nói không thể vì chẳng nhìn thấy trước mắt mà chẳng tin. Huống hồ Phật răn người ta không được vọng ngữ, ắt tự mình chẳng vọng ngữ để dối người. Người thế gian từ hạng trung nhân trở lên, còn chẳng thèm vọng ngữ để đến nỗi mất cả đức hạnh của mình, huống chi là Phật ! Cho nên lời Phật là đáng tin, không có điều gì phải nghi ngờ cả.

Bậc Tiên Hiền nói : “Lời Phật chẳng tin thì còn lời nào đáng tin !”.

Lại nói Thần là Ngã vậy, Hình là nhà của Ngã, Ngã có lúc đi lúc đến, nên nhà ở có thành có hoại. Thế thì sanh chẳng phải là sanh, vì Thần đến thì hình thành mà thôi. Tử chẳng phải là tử, vì Thần đi thì hình hoại mà thôi.

Người đời chẳng thấy cái Thần đó, chỉ nhìn thấy Hình, bèn thích sanh mà ghét tử, há chẳng buồn sao ! Hơn nữa, Thần đến là từ đâu mà đến ? Đó là theo nghiệp duyên mà đến, Thần đi từ đâu mà đi ? Đó là theo nghiệp duyên mà đi.

Nghiệp duyên là cái gì ? Là những thứ mình tạo tác ra, nếu là nghiệp nhân gian thì Thần sẽ theo đó mà sanh ở nhân gian. Những thứ tạo tác ra, nếu là nghiệp trên trời thì Thần sẽ theo đó mà sanh ở trên trời. Nếu tạo nghiệp A-tu-la thì Thần sẽ theo đó mà sanh ở loài A-tu-la. Nếu gây ba nghiệp đường ác thì Thần sẽ theo đó mà sanh ở ba đường ác. Đó là sáu nẻo luân hồi không có kỳ nào ra khỏi.

Thế thì Thần từ vô thỉ tới nay đầu thai đổi xác, chẳng được ở lâu một chỗ. Sở dĩ như vậy là vì sao ? Là vì nghiệp do ta tạo ra chẳng phải là trường cửu mà bất tận.

Cho nên Thần ở chỗ nghiệp, nghiệp hết thì hình hoại; hình hoại thì thần không có chỗ ở, lại theo nghiệp của ta gây ra đời nay mà đi. Ví như người làm nhà ở, ắt phải ở trong đó, người làm thức ăn thức uống, ắt phải hưởng các món đó. Cho nên tạo nghiệp như thế nào, ắt phải thọ báo như thế ấy.

Đó chính là cái lẽ tự nhiên vậy. Như vậy thì mọi việc làm của ta đời nay, há có thể không thận trọng ư !

(Chú thích : Người thế gian hay chấp rằng Thần diệt theo hình, không có các sự sướng khổ hậu báo. Nên Long Thư mới nói : “Thân có lúc hoại, còn thần thì chẳng diệt mà thôi”. Đó là lời dược ngôn để trị bệnh).

Vì thế chớ nên hiểu lầm mà nảy ra tà kiến chấp dược thành bệnh.

Trang: 1 2 3 4 5 6