CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ XUẤT GIA SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Tổng Nhiếp Tụng:

Xá-lợi-tử xuất gia,
Và ngoại đạo hai người,
Cùng Khu ô thiếu nhi,
A-la-hán, bịnh, nữ.

Biệt Nhiếp Tụng:

Xá-lợi-tử xuất gia,
Cho thọ pháp Cận viên,
Điều phục gọi Tiểu quân,
Ngoại đạo

Lúc đó có vua nước Chiêm-ba tên là Ương-già và vua nước Makiệt-đà láng giềng hiệu là Đại-liên-hoa, hai nước giáp ranh nhau đều có binh mã hùng cường tinh nhuệ, dân chúng trong hai nước đều sống thịnh vượng giàu vui. hai nước đã trải qua nhiều năm đánh nhau lúc thắng lúc bại, sau đó vua Ương-già với nước giàu dân mạnh tính kế trả thù xưa nên cố gắng luyện tập quân đội hùng mạnh, định ngày tuyên thệ xuất quân tru diệt thù địch. Lúc đó những người sống ở vùng biên giới biết được liền sai sứ giả báo cho vua Đại-liên-hoa hay, vua hay tin liền xuất quân chống cự, hai bên giao tranh, vua Đại-liên-hoa bại trận rút quân về thành cố thủ. Vua Ương-già sai sứ đến nói với vua Đại-liên-hoa: “Nếu hàng phục thì tốt, bằng không sẽ không dung thứ, có lên trời cũng giăng lưới bắt, có trốn trong nước cũng giăng dây trói, có trốn lên núi hay chạy vào rừng cũng không thoát khỏi”, vua Đại-liên-hoa nghe rồi rất sợ hãi nói với quần thần: “Quân của vua Ương-già hùng mạnh lại sai sứ đến bảo quy hàng, đất nước nguy ngập, các khanh có phương pháp nào cứu vãn hay không?”, quần thần nói kệ tâu vua:

“Có vua thì có nước,
Không vua nước không còn,
Nước mất trùng hưng được,
Người chết không sống lại.
Nước và mạng khác nhau,
Người nên khéo giữ mạng,
Nước mất lập lại được,
Mạng mất không sống lại.”

Nói kệ rồi quần thần khuyên vua quy hàng, vua nghe theo tự trói mình đến quy hàng và thệ ước với vua Ương-già sẽ triều cống vĩnh viễn, công việc hoàn tất, vua Đại-liên-hoa được thả về.

Lúc đó Bồ tát đang ở trên cõi trời Đổ-sử, quán thấy thế gian có đủ năm việc muốn hạ sanh nên chư thiên ở cõi trời Lục dục lo liệu những việc cần làm để cho Bồ tát vào thai của phu nhơn Tam tịnh Ma-da trong nhà Duyệt đầu đàn ở nước Ca-duy-la-vệ, lại khiến cho bà Ma-da được giấc mộng tốt lành là mộng thấy Bồ tát hiện hình voi trắng giáng thần vào thai mẹ. Lúc đó đại địa chấn động, ánh sáng rực rỡ lấn át sắc vàng ròng, chiếu soi khắp thế gian hơn cả ánh sáng của mặt trời mặt trăng, trên chiếu soi đến tận cõi trời ba mươi ba, dưới chiếu soi đến tận những nơi mà ánh sáng của mặt trời mặt trăng không chiếu tới khiến chúng sanh không nhận biết nhau, nhưng vừa gặp thần quang này soi tới liền thấy được nhau. Thánh nhơn thị hiện tướng, người thế gian không thể biết được, cho nên ngay trong ngày Bồ tát hạ sanh, hậu cung của vua bốn nước đồng thời cũng hạ sanh Thái-tử, vua của bốn nước đều cho là điềm lành của con mình.

Một là vua Đại-liên-hoa của thành Vương-xá vào ngày sanh Tháitử, thấy ánh sáng chiếu soi này liền cho là điềm lành của con mình, tự nghĩ: “Oai đức của con ta như mặt trời mọc, oai quang của con ta có thể chiếu sáng thế gian”, do ánh quang thù thắng biểu thị cho điềm tốt lành, nên vua đặt tên cho Thái-tử là Ảnh-thắng.

Hai là đại vương Ma la của thành Thất-la-phiệt cũng như vua Đạiliên-hoa cho ánh sáng này là điềm lành của con mình, nói rằng: “Con ta mới sanh liền có điềm lành thù thắng, ánh sang chiếu khắp nơi, quốc giới thanh bình”, vua theo đức này nên đặt tên cho Thái-tử là Thắng quân.

Ba là Đại vương Xa-đa-di của thành Ô-xá-ny cũng như hai vua kia cho ánh sáng này là điềm lành của con mình, nói rằng: “Con ta có đức nên ánh sáng xuất hiện”, vua theo điềm lành trên nên đặt tên cho Thái-tử là Xuất-quang.

Bốn là vua A-nan-đa-nê-di của thành Kiều-xa-di cũng như các vua kia cho ánh sáng này là điềm lành của con mình, nói rằng: “Con ta đản sanh như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu soi phá trừ tăm tối, ánh sáng chuyển chiếu lên cao biểu thị cho sự tốt lành”, vua theo điềm lành này nên đặt tên cho Thái-tử là Nhật sơ.

Cả bốn vua đều không biết thần quang đó là do đại thần lực của Bồ tát Thích-ca hiển hiện ra, nhưng các vương tử này đều có thắng nhân tích tập lâu đời, đều có đại nguyện lực nên cùng dẫn quyến thuộc theo bậc Thánh hạ sanh cõi này. Cho nên ngày Thái-tử Ảnh-thắng ra đời cũng là ngày năm trăm đại thần đều sanh con trai, họ đặt tên con theo tộc họ của mình. Thái-tử Ảnh-thắng được giao cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng, theo thời gian dần dần trưởng thành như hoa sen vượt lên khỏi mặt nước. Thái-tử không những học thông các môn binh thư kỹ nghệ, lịch số, kế toán cho đến tất cả pháp của vua quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ; mà còn học thông các thứ công xảo và các phép tắc điều khiển voi ngựa, bắn cung, đánh kiếm, phương pháp điều binh cho đến bốn bộ Minh luận thảy đều thông suốt. Con của năm trăm vị đại thần cũng như Thái-tử đều học thông tất cả. Thời gian sau, Thái-tử coi ngó việc nước, một hôm Thái-tử cởi voi du hành thấy có người đang trưng thu thuế, liền hỏi tùy tùng: “Những người này tại sao được trưng thu thuế?”, đáp: “Đây là sứ giả của vua Ương-già nước láng giềng đến đây trưng thu thuế”, Thải tử hỏi: “Tại sao nước ta lại cho họ trưng thu thuế?”, đáp; “Đó là thệ ước từ xưa”. Lúc đó Thái-tử triệu sứ giả đến nói rằng: “Vua nước ngươi là Quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ vua nước ta cũng là Quán đảnh dòng Sátđế-lỵ, việc trị nước không đồng, dân chúng cũng khác, tại sao các ngươi vượt biên giới của mình đến đây trưng thu thuế. Các ngươi hãy mau trở về nước, từ nay dứt hẳn việc làm này”. Sứ giả nghe rồi tự nghĩ: “Thái-tử bản tánh ngang ngược, ý muốn bội lời thệ ước để ta trở về tay không. Ta nên đến gặp vua Đại-liên-hoa đòi trưng thu thuế”, nghĩ rồi liền cùng đến chỗ nhà vua và được vua ra sắc lịnh cho trưng thu thuế như cũ. Trên đường về cung, Thái-tử lại gặp sứ giả trưng thu thế như cũ liền nói: “Ta đã ra lịnh các ngươi rời khỏi nơi đây, tại sao các ngươi còn lưu lại. Trở về nước thì tốt, nếu không ta sẽ nghiêm trị”. Sứ giả nghe rồi sợ hãi cùng nhau trở vế nước, đem việc này tâu lên vua Ương-già: “Thái-tử Ảnhthắng là người ngang ngược, bội lời thề ước không cho trưng thu thuế. Cúi mong nhà vua sớm có kế sách đối phó, nếu không sẽ chiêu lấy họa hoạn sau này”, vua nghe rồi nói kệ:

“Cây lúc đang lên mầm,
Móng tay bấm liền đứt,
Nếu đợi đến cao lớn,
Búa rìu không chặt ngã”.

Lúc đó vua Ương-già tức giận sai sứ mang thư đến cho vua Đạiliên-hoa, trong thư nói: “Ảnh-thắng ngang ngược, phải trói cổ đưa tới đây, nếu không ta sẽ thân chinh giết nó, nên hiểu ý của trẫm”, vua xem xong kinh hãi sợ mất nước nên triệu Thái-tử đến trách cứ và đưa thư cho Thái-tử xem, Thải tử xem xong tâu vua: “Vua nước họ là Quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ, vua nước ta cũng là Quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ, lãnh thổ khác nhau tại sao cho họ trưng thu thuế. Cúi xin Đại vương ban cho con bốn binh để con chống lại họ”. Vua nghe rồi tự xét thấy Thái-tử có thể gánh vác được việc lớn nên phúc thư cho vua Ương-già, trong thư nói: “Nhà vua muốn tôi bắt Ảnh-thắng trói cổ đưa đến, nhưng đứa con này muốn kế tục sự nghiệp của Tiên vương. Lịnh trên tuy đáng làm nhưng tôi chưa dám vâng theo, đại vương muốn dùng hùng lực lấn áp, khí mạnh lấn sang, binh mã trán đồng, tôi chỉ biết chờ xử tội”. Vua Ương-già xem xong hết sức tức giận ra lịnh chỉnh trang quân lực để vua thân chinh tru diệt Ảnh-thắng, nhà vua thống lĩnh ngàn vạn quân binh, cờ xí rợp trời, chuông trống vang dậy tiến quân đánh nước Ma-kiệt-đà. Vua Đại-liên-hoa nghe tin kinh hãi, liền triệu Ảnh-thắng đến giao cho bốn binh, Thái-tử thống lĩnh năm trăm người con của các đại thần hỏi: “Vua Ương-già cùng nước ta có oán thù xưa, nay ta phải phục hận, họ xâm lấn nước ta ắt có nhiều mưu kế, các ngươi thọ ân sũng của vua nay có phương sách gì giúp ta dẹp giặc an dân hay không?”, tất cả đều đáp: “Chúng tôi không có kế sách gì, nhưng chúng tôi dám liều thân phò Thái-tử”, Thái-tử liền nói kệ:

“Trị quốc nuôi lê dân,
Phải nên khéo giữ gìn,
Bị ngoại xâm lấn chiếm,
Bá tánh biết nương đâu?”

Nói kệ rồi bảo: “Các người hãy đồng tâm hợp lực hộ vệ ta”. Sau đó Thái-tử ra lịnh xuất chinh, oai đức hùng mạnh và nói với ba quân:

“Ta nghe người thiện chiến không cần quân trận, nay vua Ương-già có binh mã đông và hùng mạnh, nếu đối địch chỉ thương tổn cho ta, ta phải dùng mưu trí mới là thượng sách”. Thái-tử liền tuyển mộ những người mạnh khỏe, chờ lúc địch không phòng bị giết vua Ương-già khiến cho ba quân sáu sư nhất thời tan rã, sau đó chỉnh đốn binh mã tiến lên phương Bắc, người trong nước kia không biết vua mình đã chết nên cố thủ thành. Thái-tử liền ra lịnh treo đầu vua Ương-già lên ngọn giáo cho quân trong thánh thấy và ra lịnh: “Đây là đầu vua Ương-già, các ngươi hãy mau mở cửa thành, nếu không sẽ bị giết chết cùng một lúc”, mọi người nghe rồi sợ hãi liền mở cửa thành quy hàng, Thái-tử vào thành tồi sai sứ về tâu lại vua cha: “Nhờ oai đức của Đại vương và quần thần tận lực nên vua Ương-già nghịch mạng đã bị giết chết, quốc giới từ nay thanh bình”. Vua Đại-liên-hoa nghe rôi vô cùng mừng rỡ sai đem các y phục trang sức và lọng bảy báu đến ban cho Thải tử và phong làm vua nước Chiêm-ba thay thế vua Ương-già, nhân dân từ nay gọi là đại vương Ảnh-thắng, thần công thánh đức lan truyền khắp nơi, dân chúng sống an lạc không còn trộm cướp. Thời gian sau vua Đại-liên-hoa băng hà, quần thần nước Ma-kiệt-đà báo tang cho vua Ảnh-thắng biết và mời trở về trị nước, vua Ảnh-thắng giao việc nước Chiêm-ba cho cựu thần rồi nghiêm giá binh mã trở về nước thọ tang. Sau tang lễ vua Ảnh-thắng lên ngôi kế vị, dùng pháp giáo hóa dân, mưa thuận gió hòa, khắp nơi an ổn, các nước lân cận đều kính nể không còn oán địch.

Lúc đó ở trung Thiên trúc có con của một Bà-la-môn đi đến phương nam cầu học, ở nam Thiên trúc có một đại Bà-la-môn tên là Địa sư thông suốt bốn bộ luận, được mọi người tôn xưng là Đại sư. Đồng tử Bà-la-môn này đến phương nam rồi tới chỗ Đại sư đảnh lễ và xin được làm đệ tử cầu học, Đại sư hỏi muốn học gì, liền đáp là muốn học bốn bộ Minh luận, Đại sư thâu nhận, đồng tử này theo Đại sư học các pháp sự. Theo pháp của Bà-la-môn, mỗi tháng có ba ngày không làm các việc khác, chỉ làm ba việc là tắm rửa, vào thành thị và đốt củi. Đến ngày này các đệ tử của đại sư cùng đi kiếm củi về để đốt, trên đường đi họ cùng hỏi thăm nhau về quê quán và chủng tộc, người thì đáp là ở phương Đông, người đáp là ở phương Nam, người đáp là ở phương Tây, người đáp là ở phương Bắc, người đáp là ở Trung phương (Trung Thiên trúc). Lúc đó có người nói kệ:

“Trí huệ ở phương Đông,
Kính thuận ở phương Nam,
Lưỡng thiệt ở phương Tây,
Ác khẩu ở phương Bắc”.

Còn Trung phương thì không biết như thế nào?”. Sau đó họ bạch thầy: “Ô-ba-đà-da, chúng con muốn đến Trung phương tham quan và yết kiến các bậc thầy nơi đó, chúng con muốn hàng phục các luận sư ở nơi đó, nhờ nhân duyên này tên tuổi của chúng con sẽ lan truyền khắp nơi và được nhiều trân tài”, vị Đại sư này vốn ái niệm các đệ tử nên đem y phục và các vật dụng đã có chia cho các đệ tử rồi cùng các đệ tử đi đến nước ở trung phương. Trên đường đi họ cùng những người có trí huệ luận nghị đều được thắng nên có nhiều theo xin cầu học và thờ làm thầy. Khi đến nước ở trung phương, vị đại sư này suy nghĩ: “Ta nghe những người có trí đều tập trung ở triều đình, ta nên đến đó hàng phục họ, vì sao? Vì ví như cây lớn có gốc và cành lá, những nơi ta đi qua luận nghị đều được thắng chỉ là cành lá, nếu ở nơi triều đình ta được thắng mới là chặt được gốc”, nghĩ rồi liền đến chỗ vua xin được cùng luận nghị với các luận sư trong nước. Nhà vua nghe rồi liền hỏi quần thần: “Trong nước ta có các Bà-la-môn nào có thể luận nghị cùng vị đại sư này không?”, quần thần đáp: “Có Bà-la-môn ở thôn Na-la thông suốt bốn bộ Minh luận, trí huệ như lửa đã tự tạo luận, tên là Matrá-la”, nhà vua nói: “Hãy mời vị Ô-ba-đà-da đó đến”. Đại thần vâng lịnh mời đến, vua hỏi: “Ô-ba-đà-da có thể ở trước ta luận nghị cùng vị đại sư kia không?”, liền đáp: “Thần xin gắng sức đối đáp”. Sau khi bố trí đàn tràng xong, cả hai cùng vào chỗ ngồi bắt đầu cùng luận nghị, vị Đại sư khách được trình bày trước bèn tụng ra năm trăm bài kệ tụng, Ma-trá-la tụng đáp lại và chỉ ra những lỗi sai của Đại sư rồi nói: “Ngôn nghĩa trong bài tụng của ông không tương đương, không hợp đạo lý”, Đại sư nghe rồi liền im lặng, theo pháp luận nghị ai im lặng không đáp lại được là thua. Nhà vua nghe biết Ma-trá-la luận nghị được thắng rất vui vẻ hỏi rằng: “Ô-ba-đà-da hiện ở thôn ấp nào?”, đáp là thôn Na la, nhà vua liền phong thưởng thôn Na-la cho Ma-trá-la được tùy ý thọ dụng. Thường tình có danh lợi thì liền có nhân duyên, cho nên Ma-trála cưới một người con gái dòng Bà-la-môn làm vợ cùng sống rất hạnh phúc, không bao lâu sau sanh được một trai, do có vóc dáng cao nên được gọi là Trường thể. Trường thể đến tuổi trưởng thành học thông các môn, cho đến bốn bộ Bệ-đà, pháp tế tự, sáu cách cho và nhận thảy đều được thành tựu. Thời gian sau vợ của Ma-trá-la lại sanh thêm một gái, do có đôi mắt như chim Anh-vũ nên được gọi là Anh-vũ, đến tuổi trưởng thành cũng học thông các pháp luận nghị, khi cùng người anh luận nghị, cô thường được thắng, nên người cha nói: “Con là nam tử mà lại luận nghị thua con gái, ta nếu không có người thừa kế, tài sản của ta ắt chuyển qua người khác”.

Lúc đó ở nam Thiên trúc có một đồng tử Bà-la-môn tên là Để-sa, thông hiểu luận Vô hậu thế (không có đời sau), vì cầu pháp nên đến Trung phương gặp Ma-trá-la cầu học và được Ma-trá-la thâu nhận.Sau khi thọ pháp rồi, sau giờ học Để-sa thường hay luận thuyết, thời giam sau lại cùng thầy luận nghị trước vua, Ma-trá-la là bậc niên trưởng nên được trình bày trước, muốn cho Để-sa rối loạn nên Ma-trá-la tụng năm trăm bài kệ tụng dài, không ngờ Để-sa nói tụng đáp lại và chỉ ra những lỗi sai rồi nói: “Đây là lời sai (phi ngôn), lời này phi loại (xếp loại sai), thuyết này không đúng”, khiến cho Ma-trá-la im lặng không đáp lại được nên bị thua. Nhà vua muôn phong ấp ban thưởng cho Để-sa, đại thần liền tâu: “Nếu ai luận nghị được thắng đếu phong ấp ban thưởng thì nước Ma-kiệt-đà không bao lâu sẽ mất hết, vua nên thu lại thôn ấp đã ban thưởng cho Ma-trá-la trước kia để ban thưởng cho Để-sa”, nhà vua chuẩn y. Ma-trá-la nghe rồi trở về bảo vợ thu xếp hành trang để đi đến thôn khác, người vợ hỏi nguyên do, Ma-trá-la nói: “Lâu nay ta thừa sự nhà vua, nhưng khi ta luận nạn không thắng, vua liền đoạt lại thôn ấp đã ban thưởng cho ta”, người vợ nghe rồi liền thu xếp hành trang sửa soạn lên đường. Lúc đó thân tộc nghe biết tin này liền cùng nhau đến thăm hỏi, Ma-trá-la nói: “Lâu nay ta thừa sự… giống như đoạn văn trên, cho nên ta phải ra đi”, thân tộc nói: “Ô-ba-đà-da sống ở đây rất tốt, xin hãy ở lại cùng với thân tộc”, Ma-trá-la nói kệ:

“Trong nước bị người khinh,
Sống nước ngoài tốt nhất,
Nơi không bị khinh khi,
Là quê hương thân tộc”.

Lúc đó Để-sa nói với Ma-trá-la: “Ô-ba-đà-da, tôi là khách chỉ ở tạm rồi đi, thôn ấp thầy đã thọ dụng, tôi xin giao lại cho thầy”, Ma-trála không chịu nhận nên Để-sa nói: “Xin thầy hãy ở lại nhận một nửa thôn ấp, tôi nhận một nửa”, Ma-trá-la nhận lời rồi nói với vợ: “Hiền thủ, lâu nay ta thừa sự nhà vua nhưng khi luận nạn không thắng, vua không bảo hộ ta nữa. Để-sa lại cho ta ân huệ, giao lại cho ta một nửa thôn ấp, ta nên gả con gái cho Để-sa”, người vợ nói: “Hãy đợi ý kiến của con trai lớn là Câu-sắt-sỉ-la”. Sau đó Ma-trá-la nói với con trai: “Lâu nay ta thừa sự … giống như đoạn văn trên, nay ta muốn gả Xá-lị cho Để-sa”, Câu-sắt-sỉ-la nói: “Để-sa là oán thù của cha, đoạt thôn ấp của cha, lẽ nào cha lại kết làm người thân”, Ma-trá-la nói: “Con thật ngu si không biết gì, ý của cha mẹ con nên vâng theo”, sau đó Ma-trá-la y theo lễ pháp gả con gái cho Để-sa. Lúc đó Câu-sắt-sỉ-la suy nghĩ: “Ta vì ít nghe kém học nên bị coi thường, Để-sa kia do thông luận không có đời sau mà được thắng, ta cũng nên học luận này”, nghĩ rồi hỏi thăm tìm người thông hiểu luận không có đời sau để cầu học. Có người chỉ ở phương Nam, Câu-sắt-sỉ-la liền đi đến phương Nam hỏi thăm, có người chỉ đến gặp một Phạm chí tên ___, Câu-sắt-sỉ-la liền đến chỗ Phạm chí đó cầu học luận không có đời sau, Phạm chí nói: “Ta không truyền dạy cho người thế tục”, Câu-sắt-sỉ-la vì cầu học nên theo Phạm chí xuất gia rồi lập thệ: “Nếu ta không thông hiểu luận này quyết không cắt móng tay”, do nguyên nhân nay nên móng tay của Câu-sắt-sỉ-la dài dần ra, người đương thời gọi Câu-sắt-sỉ-la là Trường-trảo-phạm-chí.

Lúc đó Xá-lị về sống với Để-sa rất hạnh phúc, có một vị trời ở cõi Tịnh-cư đã trồng căn lành từ lâu sẽ thọ thân sau cùng, không còn thích sanh tử, siêng tu cầu Niết-bàn nên ẩn thân nơi cõi trời Tịnh-cư đến thác sanh vào thai của bà Xá-lị. Lúc đó bà nằm mộng thấy có người cầm đuốc đi vào bụng mình, rồi thấy mình đi lên núi cao và bay lên hư không, lại thấy đại chúng làm lễ mình. Tỉnh dậy bà liền kể cho chồng nghe giấc mộng đó, Để-sa tuy hiểu về sách giải mộng nhưng vẫn không giải được giấc mộng này, bèn đến chỗ vị thầy giải mộng nhờ giải, vị thầy giải mộng nói: “Đó là một giậc mộng tốt lành, sẽ sanh quý tử, năm lến mười bốn tuổi sẽ đọc tụng thông suốt các luận của Thiên đế, sau này sẽ thắng tất cả luận nạn. Thấy lên núi cao và bay lên hư không được mọi người làm lễ là người con trai này sẽ xuất gia có oai đức lớn, thành tựu đại giới được trời người cung kính”. Sau khi mang thai Xá-lị luận nạn với chồng đều được thắng, Để-sa suy nghĩ: “Trước đây ta luận nạn đều thắng Xá lị, nay Xá-lị đều được thắng, đấy chính là nhờ oai đức của thai nhi”. Thời gian sau đủ ngày tháng Xá-lị sanh được một con trai, dung mạo đoan nghiêm, đủ các tướng tốt của bậc đại nhân, tôn thân tụ họp ăn mừng và muốn đặt tên cho đứa bé, người cha nói: “Nên đưa cháu đến gặp ông ngoại đặt tên”, ông ngoại nói: “Nó là con của Để-sa nên đặt tên là Ô-ba-Để-sa”, Để-sa suy nghĩ: “Đứa bé này được đặt tên theo họ cha, ta nên thêm họ mẹ đặt tên cho nó”, nghĩ rồi liền đặt tên là Xá-lợi-tử, cũng gọi là Ô-ba-Để-sa. Xá-lợi-tử được giao cho tám bà nhũ mẫu chăm sóc, ngày qua tháng lại đứa bé trưởng thành như hoa sen vượt lên khỏi mặt nước, học thông các môn học và cả bốn bộ Bệ-đà, năm lên mười sáu tuổi đã có thể luận nghị hàng phục được người khác. Một hôm ở trước cha đọc luận vệ đà rồi hỏi cha ý nghĩa, người cha nói không biết, Xá-lợi-tử nói: “Những bài tụng này là do các vị Cổ tiên làm ra, người đời nay tuy không hiểu nghĩa nhưng những bài tụng này không phải là không có ý nghĩa”. Người cha thấy Xá-lợi-tử học vượt trội hơn mọi người nên giao cho Xá-lợi-tử dạy năm trăm học trò về Minh luận.

Lúc đó ở thôn Lâm viên có một đại thần tên là Hình-ảnh giàu có thọ dụng đầy đủ, thê thiếp tuy nhiều nhưng không có con. Vì cầu con nên ông đi khắp các thiên miếu cho đến thọ thần ở sơn lâm để cầu, cuối cùng có một vị trời với thân sau cùng đến thác sanh vào thai vợ ông. Thời gian sau đủ ngày tháng vợ ông sanh được một trai muốn đặt tên cho con, mọi người bàn: “Đứa bé này do chư thiên mang đến nên đặt tên là Câu-lý-đa (Thiên bảo), cũng gọi là Mục-kiền-liên”. Người cha giao hài nhi cho tám bà nhũ mẫu chăm sóc, đến tuổi trưởng thành học thông các môn học, sáu loại pháp sự và bốn bộ Vệ đà, cũng giống như Xá-lợi-tử dạy cho năm trăm học trò về Minh luận. Tan học, năm trăm học trò này vừa đi vào thành vừa tán tụng, lúc đó năm trăm học trò của Xá-lợi-tử cũng vừa đi vào thành vừa tán tụng, nghe năm trăm học trò kia tán tụng liền nói: “Tại sao các vị tụng sai văn luận?”, hỏi: “Sai như thế nào?”… Sau đó năm trăm học trò của Xá-lợi-tử hỏi biết được là học trò của Mục-kiền-liên ở thôn Lâm viên nên tâm ý vui mừng trở về gặp thầy, thầy hỏi nguyên do không chịu nói, thầy liền nói kệ:

“Trong lòng có tình ý,
Có thể biết chuẩn xác,
Dùng thanh sắc, căn thân,
Biết giấu không thể được”.

Học trò nghe rồi liền đem việc trên kể lại, thầy nghe xong nói rằng: “Những lời họ đọc tụng là văn hồi đáp đều đúng không sai”. Lúc đó các học trò của Mục-kiền-liên trở về với sắc mặt không vui, thầy hỏi nguyên do không nói, gạn hỏi mới đem việc trên kể lại, thầy nghe xong nói rằng: “Theo những lời họ tán tụng thì thầy của họ là bậc thông minh trí huệ, trường luận, đoản luận, thúc văn, dẫn văn đều cực kỳ xảo diệu”, hai bậc thầy này qua học trò đều muốn gặp mặt để hiểu biết nhau. Lúc đó Ô-ba-Để-sa đến gặp cha xin được đến thôn Lâm viên, người cha hỏi nguyên do liền đáp là muốn được gặp người con trai của vị đại thần Hình-ảnh tên là Câu-lý-đa, người cha nói: “Trí huệ của người ấy có thể thắng con”, Ô-ba-Để-sa nói: “Trí huệ không thắng nhưng nhà giàu có được mọi người tôn trọng”, liền nói kệ:

“Tôn trọng người cao niên,
Người giàu có cũng vậy,
Người học rộng nghe nhiều,
Đáng tôn trọng thừa sự”.

Người cha nghe rồi liền nói: “Nếu người ấy đến đây, ta có thể truyền dạy, nhưng con không nên đến đó”. Lúc đó Câu-lý-đa cũng đến xin phép cha đi đến thôn Na-thích-đà, người cha hỏi nguyên do, đáp là muốn gặp người con của Bà-la-môn Để-sa tên là Ô-ba-Để-sa, người cha nói: “Họ giàu hơn con không?”, đáp là không giàu hơn nhưng trí huệ hơn, liền nói kệ:

“Niên trưởng đáng tôn trọng,
Người học nhiều cũng thế,
Hoặc người nhiều tiền của,
Đều tôn trọng thừa sự”.

Người cha nghe rồi liền nói: “Nếu người ấy đến đây, con nên tặng tài vật nhưng con không nên đến đó”.

Thời gian sau, trong thành Vương-xá có lễ hội, theo pháp vua hoặc vua tự đến hoặc sai Thái-tử đến. Lúc đó vua có việc riêng nên sai Thái-tử Vị-sanh-oán đến, đại thần Hình-ảnh nghe biết liền suy nghĩ:

“Vua Ảnh-thắng băng hà thì Thái-tử sẽ kế vị, Câu-lý-đa sẽ thừa sự làm Thần tử”, nghĩ rồi liền bảo con: “Con nên đến chỗ lễ hội bố trí bốn tòa ngồi: Tòa vua, tòa đại thần, tòa âm thanh và tòa Bà-la-môn; con nên ngồi trên tòa Đại thần thứ hai ”. Lúc đó Để-sa cũng hay tin này liền bảo con: “Con nên đến chỗ lễ hội, thấy bốn tòa ngồi thì con nên để bình bát và tích trượng ở tòa ngồi thứ ba, còn con nên ngồi tòa thứ tư. Từ sáng đến chiều các luận sư đã có trong lễ hội đều sẽ không bằng con”. Ô-baĐể-sa vâng lời cha ngồi ở tòa thứ tư, trong lúc mọi người tấu nhạc tán ca, Ô-ba-Để-sa đều ngồi im lặng nên mọi người bàn tán: “Người này chắc là Đại ngu, nếu không phải Đại ngu thì là bậc Đại trí”. Khi âm nhạc dừng, Câu-lý-đa hỏi Ô-ba-Để-sa: “Bạn có nghe thấy mọi người tấu nhạc tán ca không?”, đáp: “Tôi chánh nội quán nên không nghe thấy”, liền nói kệ:

“Da gân chết tấu nhạc,
Làm mọi người vui vẻ,
Vô thường mau như xe,
Người trí biết không vui”,

Câu-lý-đa nghe rồi liền hỏi: “Bạn có phải là Ô-ba-Để-sa không?”, đáp phải, bèn hỏi lại: “Bạn có nghe thấy họ tấu nhạc tán ca không?”, đáp: “Tôi chánh nội quán nên không nghe thấy”, liền nói kệ: “Tất cả loại chuỗi ngọc,

Trang sức làm nặng thân,
Thân chuyển động nhảy múa,
Đều nhiếp thuộc hư dối,
Ca hát làm trò vui,
Cũng như tiếng la hét,
Tất cả đều vô thường,
Nghĩ đến có gì vui”.

Ô-ba-Để-sa nghe rồi liền hỏi: “Bạn có phải là Câu-lý-đa không?”, đáp phải, Ô-ba-Để-sa nói: “Tôi vì bạn nên đến đây, bạn hãy cùng tôi xuất gia”, Câu-lý-đa nói: “Những việc tế tự, tế thần lửa, cầu phúc, tu khổ hạnh… tồi đều thông hiểu; tôi lại là con của bậc đại thần thường cỡi voi đi, tại sao lại phải xuất gia?”, Ô-ba-Để-sa nói kệ:

“Khi cây sắp muốn ngã,
Nhánh lá không chống nổi,
Chết đến cũng như vậy,
Tài sản nào cứu được .

Bạn hãy đến cùng tôi xuất gia”, Câu-lý-đa nói: “Tôi phải hỏi cha mẹ”, Ô-ba-Để-sa nói tốt lắm. Sau đó Câu-lý-đa đến xin phép cha mẹ cho đi xuất gia, người cha nói: “Những việc tế tự, tế thần lửa, cầu phúc, khổ hạnh con đều thông hiểu, con lại là con của Đại thần cỡi voi đi, tương lai sẽ là đại thần, vì sao phải xuất gia?”, Câu-lý-đa nói kệ:

“Thà ở trong rừng mặc vỏ cây,
Ở chung với thú, ăn trái cây,
Không bận quốc sự, khỏi ràng buộc,
Người trí không làm việc đáng lo”.

Người cha nói: “Cha chỉ có mình con thương yêu biết bao, nhưng ý nguyện của con kiên quyết như thế thì cha cũng chấp thuận cho con xuất gia”. Lúc đó các bạn của Câu-lý-đa đều đến cùng Câu-lý-đa phát thắng tâm, sách tấn thân ý đi đến thôn Na thích đà hỏi thăm Ô-ba-Đểsa, người trong thôn nói: “Ô-ba-Để-sa đang ở nơi A-lan-nhã dạy cho năm trăm học trò đọc tụng thần chú Phạm tĩnh”. Sau khi gặp nhau, Ôba-Để-sa hỏi Câu-lý-đa: “Bạn đã được cha cho xuất gia rồi sao?”, đáp là đã cho, Ô-ba-Để-sa nói: “Bạn hãy tạm chờ, tôi cũng đi xin phép cha mẹ rồi sẽ trở lại ngay”, nói rồi Ô-ba-Để-sa đến xin phép cha mẹ, người cha chấp thuận cho con xuất gia, Ô-ba-Để-sa trở lại gặp Câu-lý-đa nói là cha mẹ đã cho phép, Câu-lý-đa hỏi tại sao mau như thế, Ô-ba-Để-sa nói: “Không phải chỉ hôm nay mà đã năm trăm đời, tôi đã từng xuất gia lại từng phát nguyện sanh đến nơi không quá sang cũng không quá hèn, gia cảnh bình thường, gia sự đơn giản nên mau trở lại”, Câu-lý-đa nói: “Còn tôi thuộc dòng tộc cao quý, muốn xuất gia không thể tùy nghi. Chúng ta hãy cùng thành vua yết kiến các vị tịnh phạm”. Lúc đó Lục sư ngoại đạo ở trong thành đều tự cho mình đã đắc thần thông, tự tại vô ngại; Ô-ba-Để-sa cùng Câu-lý-đa đến chỗ lục sư Bộ thích noa hỏi: “Nhân giả hành pháp nhãn gì, tu tập giáo pháp gì, chứng đắc quả gì và nếu trì phạm hạnh sẽ được thù thắng gì?”, đáp: “Ta thấy biết như vầy và nói học thuyết như vầy: không bố thí, không ái, không kiến, không cúng tế, không có thiện hạnh, Không có ác hạnh, không có quả dị thục của nghiệp báo thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có hữu tình hóa sanh. Trên thế gian không có A-la-hán chánh hạnh chánh thành tựu. Nếu người nơi đời này, đời sau ở nơi pháp của mình chứng được thần thông, nói là được viên thành rằng: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, chỗ làm đã xong, không còn thọ thân sau; thì chỉ thọ đời này, đoạn dứt đời sau, chết là hết, bốn đại giả hợp tạm gọi là thân, khi chết bốn đại trở về chỗ ban đầu là Không giới thứ năm. Các căn biến đổi, đem tử thi hỏa thiêu, cháy thành tro trắng thì không còn gọi là người nữa. Hiểu như vậy rồi, người trí hành bố thí và người thọ thí nếu ai nói có thì đều là vọng thuyết, hư thuyết, kẻ đó là ngu muội; còn người trí biết rõ đều là đoạn hoại, không có thân sau”. Câu-lý-đa và Ô-ba-Để-sa nghe rồi liền suy nghĩ: “Vị thầy này trụ nơi phi đạo, hành sự phi trí; người trí không nên theo học và tu theo đạo này”, liền nói kệ:

“Tà giải không nói đúng,
Ưa thích pháp thấp kém,
Nếu Thiện giáo như thế,
Phi pháp sẽ thế nào?”.

Cả hai biết rõ những lời đó như đánh vào vật khí rỗng, liền bỏ đi đến chỗ lục sư Mạt yết lỵ cù xà ly tử hỏi giống như đã hỏi vị trước, vị này đáp: “Ta nhận biết như vầy và nói học thuyết như vầy: Hữu tình thọ khổ không nhân không duyên, được an tịnh cũng không nhân không duyên, được an tịnh tự nhiên không do nhân duyên. Hữu tình không có trí huệ, không có tri kiến đều không do nhân duyên; hữu tình có trí huệ, có tri kiến cũng không do nhân duyên, trí huệ tự nhiên cũng không do nhân duyên. Không lục, không tinh tấn, không trượng phu, không có hình hài của ta, không có hình hài của kẻ khác, không có hành động của ta, không có hành động của người. Tất cả hữu tình, tất cả sinh mạng, tất cả loài không có trú xứ, không có chỗ ở, không có quan niệm chính xác về chánh đạo, về chỗ quy y của hữu tình, về khổ lạc, về giác ngộ, đó là sáu nẻo chúng sanh”. Cả hai nghe rồi suy nghĩ: Bậc thầy này trú nơi phi đạo, tu theo tà đạo; bậc trí giả nên xa lìa”, liền nói kệ:

“Tà giải không nói đúng,
Ưa thích pháp thấp kém,
Chánh pháp đã như vậy,
Phi pháp sẽ thế nào?”

Cả hai biết rõ những lời nói đó như đánh vào vật khí rỗng, liền bỏ đi đến chỗ lục sư San-thệ-di tỳ thích tri tử hỏi giống như đã hỏi hai vị trước, vị này đáp: “Ta thấy biết như vầy và có học thuyết như vầy: Nếu cần giết người thì cứ giết và bảo người giết; cần tự đốt hay bảo người đốt, chặt, hại… cũng như vậy. Không cho mà nên lấy, nên hành tà dục, nên nói dối, nên uống rượu; nếu dùng dao ben chém chết người nhiều như núi, chất lại thành đống cũng không có tội hay quả báo gì cả. Ở phía nam sông Hăng sát sanh, qua phía bắc sông Hằng cúng tế làm hội thí, Cả hai đếu không có tội phúc. Đối với các pháp bố thí, trì giới … bốn Nhiếp pháp không làm thì được quả báo lớn”, Cả hai nghe rồi liền suy nghĩ: “Thuyết này là phi lý, đều là tà giáo, người trí nên từ bỏ”, liền nói kệ:

“Tà giải không nói đúng,
Ưa thích pháp thấp kém,
Chánh pháp đã như vậy,
Phi pháp sẽ thế nào?”

Cả hai biết rõ những lời nói này như đánh vào vật khí rỗng, liền bỏ đi đến chỗ Lục sư A-thị-đa-kê-xá-cam-bạt-la-tử hỏi như đã hỏi các vị trên, vị này đáp: “Ta thấy biết như vầy và có học thuyết như vầy: Có bảy thân là địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và mạng; bảy thân này đều không có năng tác, không có sở tác, không có năng hóa, không có sở hóa, không có tổn hại, tích tụ an trụ như những cây sao đỡ lẫn nhau, chúng đều không sanh và không thay đổi cho đến chúng không hại nhau. Tội hay phước hay cả tội phước, khổ hay lạc hay cả khổ lạc, ở trong bảy thân này thân nào là trượng phu có thể hại nhau, người giết hay kẻ bị giết đều không có chủ tể, không hoại thế gian. Mạng nơi sáu thân, ở các khiếu cùng sáu thân làm chủ, rốt cuộc không tổn hại, trong đó cũng không hại nhau cũng không đấu tranh. Không có người ngộ, cũng không có phát ngộ, cũng không nhớ nghĩ, không có người tỉnh thức, không có biểu thị và người biểu thị. Tất cả có một vạn bốn ngàn sáu trăm môn phát thú độ lấy làm thượng thủ; lại có năm nghiệp, ba nghiệp là năng tác, hai nghiệp là sở tác; cũng có toàn nghiệp, cũng có bán nghiệp. Có sáu mươi bốn ngàn thân thuộc, sáu mươi trung kiếp, một trăm ba mươi Na thích ca các căn; lại có một trăm ba mươi sáu bịnh giới, có bốn mươi chín ngàn quyến thuộc của rồng, bốn mươi chín ngàn diệu súy điểu, bốn mươi chín ngàn quyến thuộc của ni kiền tử, bốn mươi chín ngàn quyến thuộc của ngoại đạo. bảy lần Có là một kiếp, bảy lần Không là một kiếp, bảy đời A-tô-la, bảy đời Ty-xá-già, bảy Thiên-cư, bảy Nhân gian, bảy ao lớn, bảy ao nhỏ, bảy mộng lớn, bảy trăm mộng nhỏ, bảy hầm hố lớn, bảy trăm hầm hố nhỏ, bảy đại ngộ, bảy trăm tiểu ngộ, sáu đoan nghiêm sanh, mười tăng trưởng. Về phía trượng phu là tám muôn bốn ngàn đại kiếp, trong đó kẻ ngu người trí đều phải luân chuyển qua rồi mới đoạn hết khổ và được giải thoát. Như lấy chỉ cột vào một vật nặng thả xuống đến hết chỉ, kẻ ngu người trí cũng vậy, đều phải trải qua tám muôn bốn ngàn kiếp lưu chuyển trong sanh tử đến hết kiếp mới được giải thoát. Trong đây nếu có Sa môn, Bà-la-môn nào nói rằng: Tôi giữ giới cấm này, cần khổ tu phạm hạnh, người chưa thành thục sẽ làm cho thành thục, người đã thành thục thì hết khổ đắc quả. Nếu ai nói lời này là không có lý, vì khổ vui thường trú, không có tăng giảm, không thể biết được. Tôi nói biết rõ sanh tử là thật không hư”. Cả hai nghe rồi liền suy nghĩ: “Vị thầy này trụ nơi phi đạo, người trí nên xa lìa”, liền nói kệ giống như văn kệ trên. Cả hai đều biết rõ những lời nói này như đánh vào vật khí rỗng, liền bỏ đi đến chỗ Nật-yết-lan-đà-tử hỏi như đã hỏi các vị trên, vị thầy này đáp: “Ta thấy biết như vầy và có học thuyết như vầy: Tất cả quả báo mà hữu tình thọ nhận đều là do nghiệp đời trước, nghiệp ác trong quá khứ nếu nay tu phạm hạnh sẽ được hết khổ; nay tu nghiệp thiện, do nhân duyên này sẽ được thiện quả, không tạo nghiệp ác nữa sẽ được lậu tận, lậu đã tận rồi, nghiệp khổ không còn, nghiệp khổ hết thì được giải thoát”. Cả hai nghe rồi liền suy nghĩ: “Những lời của vị thầy này nói đều là phi đạo, người trí nên xa lìa”, liền nói kệ giống như văn kệ trên. Cả hai đều biết rõ những lời nói này như đánh vào vật khí rỗng nên bỏ đi.

 

Trang: 1 2 3 4