CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ XUẤT GIA SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Lúc đó có đoàn thương buôn trải qua gian nan trên biển trở về, rất mệt nhọc nên ngủ vùi. Tháp tùng theo đoàn thương buôn này có Bí-sô Tăng hộ, lúc đó Tăng hộ nhìn biển cả suy nghĩ: “Như Phật đã dạy có năm việc nhìn xem không thấy chán: Một là người đầy đủ tướng Tượng vương (voi chúa), hai là Chuyển luân thánh vương, ba là biển cả, bốn là núi Diệu cao vương, năm là Như lai Ứng cúng Chánh đẳng giác”, nhìn xem một hồi rồi ngủ thiếp. Lúc đó đoàn thương buôn thức dậy vội vả lên đường, đến khi trời sáng mới phát hiện không có tăng hộ, trong lòng hoang mang bủa ra đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy, một người nói: “Chúng ta bỏ Thánh giả lại là điều không tốt, nên trở lại tìm”, một người khác nói: “Thánh giả có đại oai đức, hiểm nạn trong biển còn chịu đựng được huống chi ở trên đất liền”, nói rồi cùng tiếp tục lên đường. Lúc đó Tăng hộ ngủ trên bãi cát sỏi đến khi trời nắng nóng mới thức dậy, nhìn quanh không còn ai biết là đoàn thương buôn đã đi, liền một mình đi về phía trước, đi mãi mà không thấy dấu chân người, lại thấy có một con đường nhỏ liền đi theo con đường này đến một khu rừng lớn, trong rừng có một ngôi chùa nguy nga, trong chùa ngoài chùa đều trang hoàng rất đẹp, có suối trong có ao nước với cây báu mọc thành hàng và với các loại chim quý như Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-vũ, Xá-lợi… như ở trên thiên cung. Các Bí-sô ở đây đều đầy đủ oai nghi, Tăng hộ cung kính lễ rồi đem sự việc của mình kể lại, các Bí-sô dẫn vào trong nhà ăn, trên bàn ăn đã có thức ăn dọn sẵn rất ngon, Bí-sô hỏi có đói không, đáp có, Bí-sô nói: “Nếu đói thì hãy ăn”, đáp: “Đợi Tăng già ăn sẽ cùng ăn”, Bí-sô nói: “Thầy đi đường mệt nhọc nên ăn trước, nếu đợi tới giờ ăn sẽ có chuyện không hay”, Tăng hộ ăn xong rồi đứng một bên. Đến giờ ăn, trong chùa đánh kiền chùy, chư tăng mỗi người tự mang bát đến ngồi vào bàn theo thứ lớp, bỗng nhiên tất cả đều biến mất, bát trên tay biến thành cây sắt, mọi người cầm cây sắt này đánh lẫn nhau đến khi đầu mặt tét ra chảy máu khắp đất, qua giờ ăn rồi cảnh chùa mới hiện lại như cũ, các Bí-sô bình phục như không có chuyện gì xảy ra, các căn tịch tĩnh. Sau đó Tăng hộ hỏi các Bí-sô: “Các vị ở đây đã tạo nghiệp nhân gì mà phải chịu khổ như vậy?”, Bí-sô đáp: “Này Tăng hộ, người ở châu Thiệm-bộ không tin”, Tăng hộ nói: “Tôi đã thấy trước mắt làm sao không tin”, Bí-sô nói: “Này Tăng hộ, vào thời Phật Ca-nhiếp-ba chúng tôi là Thanh văn, sắp đến giờ ăn chúng tôi đánh nhau, do nghiệp này nên nay ở trong địa ngục này chịu khổ báo nhẹ, ở đây chết sẽ vào đại địa ngục. Khi thầy trở về lại châu Thiệm-bộ nên nói lại cho Tăng già biết sắp đến giờ ăn chớ có đánh nhau”, Tăng hộ nhận lời rồi từ giã, tiếp tục đi về phía trước, lại thấy một ngôi chùa nguy nga giống như trước, cũng thấy các Bí-sô đầy đủ oai nghi… giống như trước, chỉ khác là trong bát của các Bí-sô này là nước đồng sôi, các Bí-sô lấy nước đồng sôi này tạt lẫn nhau… qua giờ ăn cảnh chùa hiện lại như cũ, Tăng hộ cũng như trước hỏi nguyên do, Bí-sô nói: “Chúng tôi là Thanh văn trong thời Phật Ca-nhiếp-ba, đến giờ ăn được các món ăn ngon, khi thấy có khach Bí-sô đến, chúng tôi khởi nghĩ đợi khách đi rồi sẽ cùng nhau ăn. Không ngờ trời mưa kéo dài suốt bảy ngày khách không đi được, thức ăn vì thế hư thối không ăn được phải đổ bỏ. Do thọ của tín thí mà không bình đẳng thọ thực nên phải chịu khổ báo nhẹ ở trong địa ngục này, sau khi chết sẽ vào đại địa ngục. Thầy trở về châu Thiệm-bộ nên nói lại cho tăng già biết”. Tăng hộ nhận lời rồi tiếp tục đi về phía trước, cũng thấy một ngôi chùa nguy nga như trước, cũng có các Bí-sô oai nghi đầy đủ… giống như trước, chỉ khác là các Bí-sô vừa vào bàn ăn thì chùa bỗng bị cháy, các Bí-sô đều bị thiêu đốt, qua giờ ăn cảnh chùa hiện lại như cũ. Tăng hộ cũng như trước hỏi nguyên do, Bí-sô nói: “Chúng tôi là Thanh văn trong thời Phật Ca-nhiếp-ba vì phá giới nên bị Tăng già tẫn xuất. Chúng tôi đi đến nơi khác ở chung với những người đồng cảnh ngộ. Thời gian sau có một Bí-sô trì giới tinh tấn đến, sau đó lại có một Bí-sô trì giới đầy đủ đến cùng chỉnh lý Tăng đồ và quở trách chúng tôi nên chúng tôi sanh lòng bất nhẫn. Sau đó vào giờ ăn đại chúng đang ăn, chúng tôi đồng tâm phóng hỏa đốt chùa cháy rụi, do nghiệp lực này nên chịu khổ báo nhẹ ở trong địa ngục này, sau khi chết sẽ vào đại địa ngục. Thầy trở về châu Thiệm-bộ nên nói lại cho Tăng già biết”. Tăng hộ nhận lời rồi tiếp tục đi về phía trước lại thấy có hữu tình hình thể như bức tường hoặc như đại thọ, hoặc như chiếc lá… hoặc như cột trụ, lại có hữu tình bị dây trói kéo làm cho đứt đoạn… Cuối cùng Tăng hộ đến một trú xứ của năm trăm tiên nhơn, họ thấy Tăng hộ đến liền nói với nhau: “Sa môn Thích tử đa ngôn đa ngữ, chúng ta không nên cùng nói chuyện”, vì thế khi Tăng hộ xin chỗ nghỉ thì các tiên nhơn này đều im lặng không nói. Lúc đó có một tiên nhơn từ bi nói với các tiên nhơn: “Lẽ nào chúng ta không cho sa môn này một chỗ nghỉ hay sao?”, các tiên nhơn nói: “Cho chỗ nghỉ nhưng không cùng nói chuyện”, nói rồi chỉ cho Tăng hộ một căn phòng trống. Tăng hộ vào phòng rửa chân rồi tĩnh tọa, đoan thân chánh niệm, vào đầu đêm bỗng có nhiều tiên nữ đến yêu cầu tăng hộ nói pháp yếu, Tăng hộ nói: “Tôi bị các tiên nhơn chế phục không cho nói chuyện nên được ở trong phòng này, các vị bảo tôi nói pháp yếu có phải muốn tôi bị đuổi khỏi chỗ này không?”, các tiên nữ tự nghĩ: “Sa môn này từ xa mới đến chắc là mệt nhọc, chúng ta nên đi”, nghĩ rồi liền bỏ đi, sau nửa đêm lại đến yêu cầu nói pháp yếu, Tăng hộ cũng đáp như lần trước, các tiên nữ lại bỏ đi, cuối đêm lại đến yêu cầu nói pháp yếu nữa, Tăng hộ cũng đáp như trước. Lúc đó các tiên nữ nói: “Trời đã sáng rồi tại sao không đi. Thánh giả không nhớ lời Phật dạy, đến chỗ khủng bố phải nhẫn chịu hay sao?”, Tăng hộ nghe rồi liền muốn ra đi, lại nghĩ: “Các tiên nhơn này đều là dị học, ta nên nói kệ theo sở học của họ cho họ nghe để họ Hoan-hỉ”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Lõa hình và tóc dài,
Bôi tro và nhịn ăn,
Nằm đất, tắm rửa thân,
Ngồi xổm và niệm tà,
Các pháp tà như vậy,
Không thể thoát sanh tử,
Chỉ trừ pháp chân diệu,
Trang nghiêm nơi tự thân,
Chánh kiến trụ tư duy,
Sẽ đoạn tham sân si,
Từ bi hành hỉ xả,
Không giết hại chúng sanh,
Siêng tu nơi học xứ,
Chân sa môn như vậy,
Cũng là Bà-la-môn,
Không khác tánh Bí-sô”.

Các tiên nhơn nghe rồi liền nói với nhau: “Người này tụng kinh của chúng ta”, nói rồi liền lắng nghe lời kệ, Tăng hộ kế thuyết kinh Thành dụ khiến họ được giác ngộ, vừa nghe kinh xong các tiên nhơn liền chứng quả thứ ba, đồng thanh nói rằng: “Thiện thuyết, kinh này thật vi diệu”. Tán thán rồi cùng đến chỗ tăng hộ xin được xuất gia và được thọ cận viên, Tăng hộ nói: “Các vị có tin tâm tăng thượng như vậy thật là tốt, vì như lời Phật dạy, người xuất gia có năm lợi ích:

1. Công đức xuất gia là tự lợi của ta, không chung với người khác, thế nên người trí cầu xuất gia.

2. Tự biết ta là người thấp kém bị người khác sai khiến, sau khi xuất gia lại được người khác lễ bái cúng dường và tán thán, thế nên người trí cầu xuất gia.

3. Từ cõi này mệnh chung sẽ sanh lên cõi trời, rời khỏi ba đường ác, thế nên người trí cầu xuất gia.

4. Do từ bỏ thế tục xuất ly sanh tử, sẽ được an ổn nơi Niết-bàn vô thượng, thế nên người trí cầu xuất gia.

5. Thường được chư Phật, chúng Thanh văn và các bậc Thắng thượng nhơn tán thán, thế nên người trí cầu xuất gia.

Các vị nên khéo quán năm lợi ích này, khởi tâm ân trọng rời bỏ lưới thế tục để cầu đại công đức. Nay ta độ cho các vị xuất gia, các vị muốn ở đây hay đến chỗ Phật?”, các tiên nhơn đáp: “Muốn cùng tôn giả đến chỗ Phật xuất gia, không biết dùng thần lực của tôn giả hay dùng thần thông của chúng tôi để đến đó?”. Tăng hộ nghe nói rồi tâm không vui tự nghĩ: “Các tiên nhơn nghe ta nói pháp liền chứng được quả cao, ta tuy được giải thoát nhưng lại không chứng được quả ấy”, nghĩ rồi liền nói với các tiên nhơn: “Hãy đợi tôi một chút, tôi còn có việc cần làm”, nói rồi đến bên gốc cây kiết già phu tọa, đoan thân chánh niệm, tâm ý tịch nhiên, không bao lâu sau phiền não đốn trừ chứng được quả Ala-hán, thoát ly ba cõi như dao cắt mùi thơm, không sinh sân hận, xem vàng như đất không khác, đáng được chư thiên Đế-thích, Phạm vương cúng dường. Chứng quả rồi liền bảo các tiên nhơn: “Hãy nắm lấy chéo y của tôi để nương thần lực của tôi đến chỗ Phật”. Lúc đó đoàn thương buôn năm trăm người đang dừng ngựa xe ở giữa đường để nghỉ ngơi, từa xa trông thấy Tăng hộ nương hư không đi đến liền hỏi vọng lên: “Thánh giả đang định đi đâu?”, đáp: “Năm trăm tiên nhơn này muốn xuất gia nên tôi đưa họ đến chỗ Phật”, năm trăm thương nhơn nghe rồi cùng nói: “Thánh giả, chúng tôi cũng muốn xuất gia, xin Thánh giả hãy hiện thân xuống, chờ chúng tôi đem tài vật giao cho người nhà rồi cùng đi”. Sau khi họ phân phó tài vật xong rồi, Tăng hộ cùng một ngàn người này đi đến chỗ Phật, lúc đó Phật đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, từ xa thấy đoàn người của Tăng hộ đi đến liền bảo đại chúng: “Các thầy có thấy Bí-sô tăng hộ cùng một ngàn người kia đang đi đến đây không?”, đáp: À có thấy, Phật nói: “Thế gian cúng dường không bằng người này giáo hóa người khác xuất gia và điều phục tế độ họ”. Lúc đó Tăng hộ đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, các tộc tánh tử này gồm có một ngàn người đều muốn ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia và thọ cận viên thánh tánh Bí-sô, cúi xin Phật từ bi thương xót chấp thuận”. Phật nói: “Thiện lai Bí-sô, ở trong giáo pháp của ta khéo tu phạm hạnh, thành đại sa môn”. Phật vừa nói xong, cả ngàn người đều râu tóc tự rụng, thân mặc ca sa như đã từng cạo tóc, trải qua bảy ngày đầy đủ oai nghi như Bí-sô một trăm tuổi hạ. Phật nói pháp yếu cho họ rồi tự mỗi người đoan thân chánh niệm, tâm ý tịch nhiên, không bao lâu sau phiền não đốn trừ chứng được quả A-la-hán, thoát ly ba cõi như dao cắt mùi thơm, không sinh sân hận, xem vàng như đất không khác, đáng được chư thiên Đế-thích, Phạm vương cúng dường. Lúc đó tăng hộ bạch Phật: “Thế tôn, ở chỗ kia con thấy có các hữu tình hoặc thân như bức tường… giống như đoạn văn trên, không biết họ đã tạo những nghiệp gì mà chịu quả báo ấy?”, Phật nói: “Này Tăng hộ, tất cả hữu tình đã tự tạo nghiệp trở lại tự thọ quả báo, không ai thay thế được. Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba ở trong rừng Thi-lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ, lúc đó có các Cầu-tịch ở chỗ đức Phật ấy. Những chúng sanh hình dáng như vách tường là do làm dơ bẩn vách tường trong chốn già lam nên chịu quả báo đó. Những chúng sanh hình dáng như cột trụ là do khạc nhổ hỉ mũi làm dơ bẩn cột trụ trong chốn già lam nên chịu quả báo đó. Chúng sanh có hình dáng như cái muổng chính là các Cầutịch phân chia nước mật trong già lam, lúc đó cầu tịch đang rửa muổng, có khách Bí-sô đến hỏi: “Đã dọn đưa nước uống phi thời cho Tăng già chưa?”, cầu tịch đáp: “Đã dọn đưa xong rồi, không thấy tôi đang rửa muổng hay sao?”, do quát mắng Bí-sô nên cầu tịch phải chịu quả báo đó. Chúng sanh có hình dáng như cái cối chính là Bí-sô vì muốn giã mè nên đến chỗ cầu tịch giữ kho hỏi mượn cái cối, cầu tịch giữ kho nói: “Đại đức hãy chờ một chút, tôi quên mất nó ở đâu rồi, chút nữa tìm ra sẽ đưa cho đại đức”, Bí-sô nổi giận nói: “Nếu tôi tự do lấy cối thì không luận là giã mè mà còn giã luôn thân ngươi”, cầu tịch suy nghĩ: “Nếu ta trả lời vị ấy sẽ giận thêm”, nghĩ rồi nên im lặng, đợi khi vị đó hết giận mới đến nói với vị ấy rằng: “Thầy có biết tôi là người như thế nào không?”, Bí-sô nói: “Ngươi xuất gia làm cầu tịch trong giáo pháp của Phật Ca-nhiếp-ba”, cầu tịch nói: “Việc của người xuất gia thầy còn chưa làm xong nên bị phiền não ràng buộc, còn tôi đã giải thoát. Thầy nói ra lời thô ác nên sám hối mới diệt được tội”, Bí-sô đó tuy thuyết hối nhưng vẫn phải chịu quả báo đó. Chúng sanh có hình dáng như cái chão chính là tịnh nhơn trong chùa thừa sự cho các Bí-sô, một hôm đang rang thuốc thấy Bí-sô trừng mắt nhìn liền sanh lòng oán hận cố ý đập bể chão nên phải chịu quả báo đó. Chúng sanh bị dây cột trói kéo đứt đoạn chính là Bí-sô thọ sự, lúc đó có thí chủ cúng dường vật dụng cho tăng để dùng lúc trời nóng lạnh, Bí-sô thọ sự này đem y vật dùng cho mùa nóng đưa cho Tăng dùng vào mùa lạnh, đem y vật dùng cho mùa lạnh đưa cho Tăng dùng vào mùa nóng nên phải chịu quả báo đó.

Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “Cụ thọ tăng hộ đã từng tạo hạnh nghiệp gì và do nghiệp ấy được sinh vào nhà trưởng giả giàu có lại được xuất gia, chứng quả A-la-hán làm được việc lợi ích lớn như thế?”, Phật nói: “Bí-sô Tăng hộ đã tạo các phước nghiệp nên nay trở lại thọ quả quả báo. Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ, lúc đó Tăng hộ cũng xuất gia ở chỗ đức Phật đó làm Chúng chủ có năm trăm đệ tử, nam nữ bốn phương đều quy ngưỡng. Vị chúng chủ này tuy kiên trì phạm hạnh không có khuyết phạm nhưng lại không chứng được quả, nên khi sắp lâm chúng liền phát nguyện: “Tôi kiên trì phạm hạnh, tinh tấn không lười biếng trong pháp luật thiện thuyết của Phật Ca-nhiếp-ba, nhưng lại không được chứng quả. Nguyện nhờ công đức thiện căn tu phạm hạnh này ở đời vị lai lúc con người thọ một trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu, tôi sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán”. Lúc đó năm trăm đệ tử đến hỏi thầy đã phát nguyện thù thắng gì, vị chúng chủ liền nói rõ nguyện mà mình đã phát, các đệ tử nghe rồi liền nói: “Nếu Ô-ba-đà-da phát nguyện như vậy, con cũng nguyện theo thầy xuất gia và cùng chứng quả A-la-hán”. Lúc đó có năm trăm người trong thôn đến thăm nghe biết việc này cũng đồng nguyện được theo xuất gia và cùng chứng quả A-la-hán.

Này các Bí-sô, vị chúng chủ thuở xưa chính là Tăng hộ ngày nay, năm trăm đệ tử thuở xưa chính là năm trăm tiên nhơn, năm trăm người trong thôn thuở xưa chính là năm trăm thương nhơn. Vị chúng chủ thuở xưa do nhân duyên cúng dường tăng già nên nay được quả báo sanh trong nhà giàu có, do xưa phát nguyện ấy nên nay được quả báo chứng A-la-hán; lại nữa do thuở xưa diều phục rộng khắp nên nay được quả báo điều phục nhiều người, độ nhiều hữu tình làm việc đại lợi ích như thế. Này các Bí-sô, phải biết quả báo tự làm tự thọ, hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng… các thầy nên học như thế.”

Lúc đó các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô hóa rồng bắt đầu phát tâm từ lúc nào?”, Phật nói: “Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba ở trong rừng Thi lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ đang thuyết pháp cho các Thanh văn: “Này các Bí-sô, nên trú nơi A-lan-nhã hoặc trong núi, dưới gốc cây, chỗ tịch tĩnh… đoan thân chánh niệm, tinh tấn chớ buông lung, các thầy nên học như thế”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy, mỗi người tìm đến một nơi hoặc trên núi Diệu cao hoặc bên ao Vô nhiệt…, lúc đó có một con tiểu long vị Kim súy điểu chúa bắt bay lên không trung, từ trên không nhìn xuống thấy các Bí-sô đoan thân chánh niệm tĩnh tọa liền suy nghĩ: “Các Bí-sô thật an lạc không như ta đang chịu khổ”, nghĩ rồi liền sanh tâm quy ngưỡng, tín tâm ân trọng, sau khi khởi niệm này liền mạng chung, thác sanh vào nhà một Bà-la-môn ở thành Bà-la-nê-tư. Đồng tử này đến tuổi trưởng thành liền xuất gia và thọ cận viên, siêng tu phạm hạnh, không bao lâu sau phiền não đốn trừ chứng được quả Ala-hán, thoát ly ba cõi như dao cắt mùi thơm, không sinh sân hận, xem vàng như đất không khác, đáng được chư thiên Đế-thích, Phạm vương cúng dường. Lúc đó vị A-la-hán này liền quán mình đã tạo nghiệp gì, từ đâu chết sinh đền đây mà chứng được quả này; quán rồi liền biết mình từ loài rồng chết được sanh vào cõi người, do thấy các Thanh văn mà phát tâm ân trọng; lại quán thấy cha mẹ rồng trong quá khứ ở trong Long cung liền dùng thần thông hiện đến trong Long cung, thấy cha mẹ đang khóc liền hỏi nguyên do. Rồng mẹ nói: “Con tôi bị Kim súy điểu chúa bắt đi không biết ra sao”, vị A-la-hán nói: “Tôi chính là con rồng nhỏ ấy, sau khi chết thác sanh trong nhà Bà-la-môn, sau đó xuất gia nơi Phật Ca-nhiếp-ba siêng tu phạm hạnh, đoạn trừ phiền não chứng A-la-hán”. Rồng mẹ nói: “Thật là hi hữu khó tin, vì rồng con của tôi tánh tình vốn ác được sanh vào cõi lành còn khó, làm sao có thể chứng được A-la-hán”, vị A-la-hán nói: “Tôi thật đã chứng quả, không phải nói hư dối”, rồng mẹ nói: “Nếu thật như thế, từ nay về sau hằng ngày xin thỉnh Thánh giả xuống đây thọ thực”, vị A-la-hán im lặng nhận lời thỉnh, hằng ngày đến trong Long cung thọ thực, ăn xong mới trở về chỗ ở của mình. Vị A-la-hán này có nuôi một cầu tịch, các Bí-sô hỏi cầu tịch: “Thầy của con hằng ngày đi đến đâu thọ thực?”, đáp là không biết, lại hỏi tại sao không đi theo, đáp: “Thầy con có đại oai đức dùng thần thông để đi, con không có oai đức làm sao đi theo được”, các Bí-sô nói: “Khi thầy con sắp đi, con nên lặng lẽ nắm lấy chéo y”, đáp: “Con sợ bị rơi xuống đất”, các Bí-sô nói: “Cột núi Tô-mê-lô vào y của thầy con, núi còn không rớt huống chi là thân con”. Cầu-tịch nghe lời chỉ vẻ nên sắp đến giờ ăn, lặng lẽ đến chỗ thầy đứng ở chỗ khuất, đơi khi thầy bay lên hư không liền nắm lấy chéo y của thầy bay theo. Khi đến trong long cung thấy sắp đặt hai chỗ ngồi liền hỏi tại sao, rồng chỉ phía sau, lúc đó vị thầy mới biết là Cầu-tịch lén theo sau. Các rồng suy nghĩ: “ Vị thầy đã chứng quả có đại oai đức nên cúng dường thức ăn của trời, còn vị đệ tử chưa chứng nên cúng dường thức ăn của phàm phu”, liền cùng dường cho hai vị như đã nghĩ. Sau khi ăn xong Cầu-tịch thâu bát của thầy, thấy trong bát còn sót vài hạt cơm bèn lấy ăn, mùi vị ngon ngọt ở thế gian không sánh bằng liền suy nghĩ: “Hai người cùng ăn sao lại có phân biệt”, nghĩ rồi liền sanh tâm sân hận phát nguyện: “Ta xuất gia nơi Phật Ca-nhiếp-ba tu phạm hạnh, nguyện đem công đức này được sanh trong loài rồng có đại oai đức đoạt lấy Long cung, đuổi hết các rồng này đi”. Do tâm sân hận mãnh liệt nên sau khi phát nguyện xong nơi hai tay chảy ra nước trong, lúc đó các rồng trong cung đều bị đau đầu, các rồng nói với vị thầy: “Cầu-tịch này không nghĩ việc thiện, nên ngăn cản”, vị thầy nói: “Đây là cõi ác, cớ sao con lại phát nguyện như vậy”, Cầu-tịch nói kệ:

“Tâm con đã đi xa,
Khó thể nắm bắt lại,
Cớ sao khó truy hối,
Vì hai tay chảy nước”.

Nói kệ xong thân hóa thành rồng, đuổi hết các rồng đi và chiếm lấy Long cung.

Này các Bí-sô, Bí-sô hóa rồng chính là Long vương bị đuổi, Long vương do nhân duyên này mà bắt đầu phát tâm”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một ngoại đạo đến trú xứ của các Bí-sô thấy giường nằm, ngọa cụ… cho đến thức ăn uống đều thượng diệu, liền suy nghĩ: “Ta nên xuất gia ở đây để được thọ hưởng mọi thứ thượng diệu, đến ngày nghe pháp thì ta sẽ trở về trú xứ của mình để nghe”, nghĩ rồi liền đến chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và thọ cận viên. Thường pháp của ngoại đạo là Bao-sái-đà vào ngày thứ mười bốn, Bí-sô Bao-sái-đà vào ngày thứ mười lăm nên ngoại đạo này trở về trú xứ của ngoại đạo để Bao-sái-đà vào ngày thứ mười bốn, qua ngày thứ mười lăm mới trở lại chỗ Bí-sô để trưởng tịnh. Thời gian sau vì có duyên sư nên tăng già bố tát vào ngày thứ mười bốn, ngoại đạo này suy nghĩ: “Hôm nay hai nơi cùng trưởng tịnh, ta nên đến kia hay ở đây. Sa môn Thích tử vốn từ bi hỉ xả, khoan dung còn ngoại đạo thì nghiêm khắc, nếu ta không đến ắt sẽ phạt và quở trách ta”, nghĩ rồi liền đến trú xứa của ngoại đạo bố tát. Lúc đó các Bí-sô đánh kiền chùy tập họp Tăng già, đại chúng đều đến tập họp chỉ thiếu có mỗi Bí-sô ngoại đạo, các Bí-sô tìm không thấy nên cùng tác pháp trưởng tịnh. Sáng hôm sau Bí-sô ngoại đạo trở về, các Bí-sô hỏi đã đi đâu, liền đáp: “Tôi từ chỗ các phạm hạnh cũ bố tát xong trở về”, các Bí-sô nghe rôi liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Ngoại đạo kia còn chấp tà kiến không chịu bỏ, nếu còn ở trong giáp pháp của ta chẳng những không có lợi ích, cũng không tăng trưởng pháp nhãn, nên diệt tẫn cho họ hoàn tục. Từ nay về sau nếu có ngoại đạo đến cầu xuất gia nên hỏi: Ngươi không phải là ngoại đạo còn ưa thích tà pháp phải không? Nếu đáp phải thì nên đuổi ra, nếu không hỏi thì phạm tội việt pháp”.

Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, ngoại đạo như thế nào nên diệt tẫn?”, Phật nói: “Một là ngoại đạo vẫn còn giữ y phục trước kia của mình; hai là ngoại đạo còn ưa thích pháp của họ, không bỏ tà kiến; ba là ngoại đạo trở về trú xứ của ngoại đạo, mặc lại y phục của ngoại đạo cho đến khi mặt trời mọc. ba loại ngoại đạo như thế đều phải diệt tẫn”.

Phật ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu thì sanh được một trai, sau đó trưởng giả vì muốn kinh doanh cầu lợi nên sang phương khác buôn bán, không may lại qua đời không trở về nữa, người vợ ở nhà phải tự lực nuôi con khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, đồng tử này cùng các bạn đến nhà một trưởng giả, người con gái của trưởng giả đó ném tràng hoa vào người đồng tử, các bạn liền hỏi đồng tử: “Bạn có hẹn với người con gái ấy phải không?”, đáp là có, các bạn nói: “Ông trưởng giả đó tánh nghiêm khắc ác độc, bạn ước hẹn với con gái của ông ta, ông ta biết được sẽ hại bạn”. Các bạn khuyên can rồi liền đưa đồng tử về nhà và nói với người mẹ: “Bạn ấy cùng ước hẹn với con gái ông trưởng giả làm việc phi pháp, chúng con đã khuyên can nhưng e trong đêm nay bạn ấy sẽ đi đến đó, bác nên tìm cách ngăn cản”, nói rồi ra về. Người mẹ bảo con trai vào phòng, trong phòng để-sẵn bình nước và cái bô, bà đóng cửa lại và nằm ngủ ngay trước cửa phòng của con. Đến nửa đêm, người con kêu mẹ: “Mẹ hãy mở cửa cho con ra ngoài tiểu tiện”, người mẹ nói: “Trong phòng có để-sẵn cái bô, con cứ tiểu vào trong đó”. Không bao lâu sau người con lại kêu mẹ mở cửa, người mẹ vẫn không mở và nói rằng: “Ta biết con muốn đi đâu, ta có chết cũng không mở cửa”, người con nghe rồi liền tức giận, lại do lửa dục đốt tâm nên không điều ác gì mà không dám làm, liền tông cửa ra giết chết mẹ rồi chạy đi đến nhà trưởng giả để gặp người con gái kia. Lúc đó cô gái thấy đồng tử thân hình run rẫy liền nói: “Anh chớ sợ, cha em không có ở nhà”, đồng tử nói: “Đêm nay vì em mà anh đã giết chết mẹ mình”, cô gái hỏi: “Là mẹ ruột hay mẹ kế”, đáp là mẹ ruột, cô gái suy nghĩ: “Người này nổi giận ngay cả mẹ mình còn dám giết, huống chi là ta”, nghĩ rồi liền nói: “Hãy chờ ở đây, em lên lầu một chút rồi trở xuống ngay”, lên lầu rồi cô gái liền la lớn là có giặc, đồng tử nghe rồi liền chui qua ống thoát nước trốn ra ngoài, về đến nhà liền la to lên rằng: “Giặc giết chết mẹ tôi”. Sau khi hỏa táng mẹ xong, đồng tử suy nghĩ: “Ta đã tạo tội nghịch”, từ đó trong lòng luôn sợ hãi bất an nên tìm đến các nơi thờ trời hỏi nên tu hạnh nghiệp gì để diệt tội. Có người nói là phải nhảy vào lửa, có người nói nên từ trên cao nhảy xuống, có người nói nên nhảy vào nước, lại có người nói nên thắt cổ… đều là tự sát, không có lối thoát. Thời gian sau đồng tử này đến trong rừng Thệ-đa nghe các Bí-sô tụng kệ:

“Nếu người tạo nghiệp ác,
Tu thiện trừ diệt được,
Kia chiếu soi thế gian,
(như) Mặt trời ra khỏi mây.”,

Đồng tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Sa môn Thích tử có pháp trừ tội, ta nên xuất gia tu thiện nghiệp để diệt trừ tội của mình”. Nghĩ rồi liền đến chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và cho thọ cận viên, sau đó siêng năng tinh tấn tu tập, không bao lâu sau thông suốt ba tạng được biện tài vô ngại, khéo hay luận đáp. Có một Bí-sô hỏi: “Vì nhân duyên gì mà thầy tinh tấn như vậy, chắc là mong cầu điều gì?”, đáp: “Tôi vì muốn diệt trọng tội”, lại hỏi trọng tội gì, đáp là tội giết mẹ, lại hỏi là mẹ ruột hay nhũ mẫu, đáp là mẹ ruột. Bí-sô này đem việc trên bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Người giết mẹ xuất gia trong giáo pháp của ta sẽ làm hoại chánh pháp, nên diệt tẫn. Từ nay về sau nếu có người đến cầu xuất gia nên hỏi: Ngươi không có giết mẹ phải không?, nếu không hỏi thì phạm tội Việt pháp”. Sau khi bị Tăng diệt tẫn, người này suy nghĩ: “Ta không thể hoàn tục, ta nên đến biên phương xa xôi”, nghĩ rồi liền đến chốn biên phương hóa độ một trưởng giả, trưởng giả này phát tâm tín kính xây chùa cho Bí-sô này ở, không bao lâu sau có nhiều người đến nghe pháp nương ở, trong số đó có nhiều người chứng quả A-la-hán. Thời gian sau Bí-sô này mắc bịnh lạ, thuốc thang không thể trị lành, đến lúc nguy khốn mới bảo các đệ tử xây nhà tắm, các đệ tử vâng lời cho xây nhà tắm vừa xong thì vị thầy nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đều phải chết”.

Nói kệ xong thì qua đời đọa vào địa ngục Vô gián. Lúc đó vị đệ tử đã chứng quả A-la-hán nhập định quán xem Ô-ba-đà-da thác sanh vào chỗ nào, quán trên thiên cung không thấy; kế quán trong cõi người, cõi bàng sanh, ngạ quỷ cũng đều không thấy; kế quán cõi địa ngục thì thấy thầy đang ở trong ngục Vô gián. Vị đệ tử này suy nghĩ: “Thầy ta lúc còn sống đa văn trì giới, dùng pháp nhiếp thọ, không hiểu đã tạo nghiệp gì phải đọa trong Vô gián”, nghĩ rồi liền quán thêm, mới biết thầy mình đã phạm tội nghịch là giết mẹ nên bị lửa dữ ở địa ngục bức thân. Lúc bị hành hạ ở địa ngục, vị này khởi tưởng đây là nhà tắm nên kêu lên là nhà tắm, ngục tốt nghe được dùng chùy đánh vào đầu nói rằng: “Tội nhân bạc phước, đây là địa ngục Vô gián sao gọi là nhà tắm”, bị đánh liền phát thiện tâm nên mạng chung sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Tất cả hữu tình sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: Một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì. Khởi niệm rồi liền quán biết ta chết từ địa ngục vô gián, được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, do nhân duyên làm nhà tắm nên được sanh lên cõi trời này. Quán biết rồi liền suy nghĩ: “Ta nhờ nơi thiện phương tiện của Thế tôn nên mới được sanh lên cõi trời, ta nên đến gặp Thế tôn để báo ân”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật, nghe pháp xong liền chứng Sơ quả, được Kiến đế rồi liền trở về thiên cung. Lúc đó vị đệ tử chứng A-la-hán đến giờ ăn của chúng Tăng ngồi ở vị trí bậc Thượng tòa trong chúng, thị giả dọn đưa nước, lúc Thượng tọa thọ nước đầu ngón tay chạm vào nước lạnh liền nghĩ đến thầy mình đang đọa trong địa ngục phải uống nước đồng sôi, liền quán cõi địa ngục thì không còn thấy thầy đâu; kế quán cõi người, bàng sanh ngạ quỷ cũng không thấy; kế quán cõi trời thì thấy thầy được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, sau đó ở chỗ Phật đã được Kiến đế. Quán thấy biết rồi liền mĩm cười nói rằng: “Chỉ có Phật pháp tăng là vi diệu thanh tịnh bất tư nghì. Phạm tội nghịch, nghiệp cực trọng bị đọa vào địa ngục rồi lại được sanh lên cõi trời, thật là có công năng thù thắng”, vị thị giả dọn đưa nước thấy Thượng tọa cười liền nói: “Ô-ba-đà-da chết, thầy được lên làm Thượng tọa nên vui vẻ mĩm cười phải không?”, Thượng tọa nói: “Này cụ thọ, điều mà thầy vừa hỏi bây giờ là không đúng lúc, đợi khi Tăng già tập họp hãy hỏi điều nay, ta sẽ giải đáp cho thầy”. Sau đó khi Tăng già tập họp, vị thị giả kia liền hỏi Thượng tọa giống như đoạn văn trên, thương tọa liền đem việc trên nói cho đại chúng nghe, đại chúng nghe xong đều Hoan-hỉ tán thán công đức của Tam bảo như ở đoạn văn trên.

Phật ở trong rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt thuyết pháp cho vua Thắng-quang, vua nghe pháp xong liền được Kiến đế, lúc đó có tám vạn thiên chúng cùng vô lượng trăm ngàn Phạm chí, Bà-la-môn đồng thời cũng được Kiến đế, vua liền cho người đánh trống tuyên lịnh: “Mọi người nên biết, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ bị đi đày và tẩn xuất. Tài vật của người bị mất ta sẽ xuất kho bồi thường”. Cũng vào lúc đó Phật thuyết kinh Thiếu Niên cho vua nước Kiều-tát-la khiến sanh lòng tín kính, vua cũng cho người đánh trống tuyên lịnh: “Mọi người nên biết, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ giết chết. Tài vật của người bị mất ta sẽ xuất kho bồi thường”. Lúc đó bọn giặc cướp của hai nước này nghe nhà vua tuyên lịnh như vậy liền tập trung lại ở ranh giới giữa hai nước để trốn tránh, người sống trong hai nước đều nghe biết ở ranh giới giữa hai nước có bọn giặc cướp thường đón đường các đoàn thương buôn cướp của giết người. Lúc đó có các thương nhơn đi đến giữa đường thì gặp cướp, trong số các thương nhơn có người bị giết chết, có người bỏ chạy, lại có một vị A-la-hán tháp tùng theo các thương nhơn thấy việc này rồi trong lúc chánh tư duy thì bị giết chết. Người chạy thoát được liền chạy đến chỗ vua Thắng-quang kêu cứu, vua hỏi biết rõ chỗ bị cướp rồi liền ra lịnh cho đại tướng Tỳ-lô-trạch-gia đem quân đi bắt giặc. Lúc đó bọn cướp đang ở trong rừng phân chia tài vật vừa cướp được, đại tướng cho quân bao vây tứ phía rồi đánh trống thổi ốc, giặc cướp nghe rồi kinh hoàng bỏ chạy, có kẻ bị giết, có kẻ bị bắt. Đại tướng cho chở tất cả tài vật và bọn cướp đã bắt được giải về đến chỗ vua. Vua hỏi bọn cướp: “Các ngươi há không nghe ta tuyên lịnh, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ giết chết hay sao?”, đáp: “Chúng tôi đều nghe biết”, vua hỏi: “Nếu đã nghe biết tại sao còn làm giặc cướp, cướp hết tài vật của đoàn thương buôn?”, đáp: “Nếu không làm giặc cướp thì không thể sinh sống được”, vua hỏi: “Nếu như vậy thì chỉ nên lấy của, tại sao còn giết người?”, đáp: “Vì muốn khủng bố họ nên mới giết”. Vua nói: “Nếu như vậy ta cũng có cách xử tội làm cho các ngươi sợ hãi, cách xử tội này nếu trước nay chưa thấy thì nay các ngươi được thấy”, nói xong nhà vua ra lịnh giết hết bọn cướp. Trong số bọn cướp có một tên chạy thoát được liền chạy đến trong rừng Thệ-đa ở chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và thọ Cận viên. Sau đó các Bí-sô dẫn Bí-sô này vào rừng thây chết, Bí-sô này thấy xác của những tên cướp liền rơi nước mắt, các Bí-sô nói với nhau: “Bí-sô mới xuất gia này tín tâm rất sâu, nhìn thấy những thây chết này liền rơi nước mắt”. Bí-sô này nghe rồi liền khóc lớn, các Bí-sô hỏi nguyên do, liền đáp: “Người này là cha, người này là anh, người này là em của tôi”, các Bí-sô hỏi: “Họ đều là giặc cướp, đã giết chết một Ala-hán, không lẽ thầy cũng là một trong số bọn cướp đó hay sao?”, đáp phải. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Người giết A-la-hán là đoạn phước điền, phạm tội nghịch, nếu xuất gia sẽ làm hoại giáo pháp của ta, nên diệt tẫn cho hoàn tục. Từ nay các Bí-sô nếu có người đến cầu xuất gia nên hỏi: Ngươi không có giết A-la-hán phải không?, nếu không hỏi thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nếu có người trước đã xuất gia, phá hòa hợp Tăng rồi hoàn tục, sau đó lại đến cầu xuất gia, có nên cho họ xuất gia không?”, Phật nói: “Không nên. Từ nay trở đi nếu có người đến cầu xuất gia, các Bí-sô nên hỏi: Ngươi có từng phá hòa hợp Tăng hay không?, nếu đáp là không thì nên độ, nếu không hỏi như thế thì phạm tội Việt pháp”, Ưu-ba-ly lại hỏi: “Nếu có người sanh tâm ác nghịch với Thế tôn làm thân Phật chảy máu, sau đó đến cầu xuất gia thì có nên độ họ không?”, Phật nói: “Không nên. Nếu có người đến cầu xuất gia, các Bí-sô nên hỏi: Ngươi không có ác tâm làm thân Phật chảy máu phải không?, nếu đáp là không có thì nên độ, nếu không hỏi như thế thì phạm tội Việt pháp”. Ưu-ba-ly lại hỏi: “Nếu có người trước đã xuất gia tùy phạm một trong bốn pháp Ba-la-thị-ca rồi hoàn tục, sau đó lại đến cầu xuất gia thì có nên độ họ không?”, Phật nói: “Không nên. Nếu có người đến cầu xuất gia, các Bí-sô nên hỏi: Ngươi có từng phạm một trong bốn tội trọng hay không?, nếu không hỏi như thế thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Nếu có Bí-sô bị Tăng tác pháp yết ma Bất kiến cử, liền hoàn tục; sau đó lại xuất gia và thọ Cận viên tiếp tục gây tội, không chịu phát lồ, còn nói là không thấy tội thì Tăng nên diệt tẫn. Nếu Bí-sô nào phạm tội không chịu sám hối, sanh ác kiến không chịu bỏ, bị tăng tác pháp yết ma Bất sám cử, Bất xả ác kiến cử, hoàn tục rồi lại đến cầu xuất gia, vẫn không chịu sám hối và không bỏ ác kiến thì nên diệt tẫn”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó những người đệ tử được Lục chúng Bí-sô độ khi chưa biết thầy mình là người ác hạnh thì cùng ở chung thừa sự cúng dường, nhưng khi biết rồi thì bỏ đi đến ở chung với các Bí-sô thiện hạnh để thỉnh hỏi những việc cần làm trong ba thời. Lục chúng Bí-sô nói với nhau: “Những Hắc bát này đoạt đệ tử của chúng ta, nếu chúng ta có độ thêm ai thì hãy độ những người như vầy như vầy”. Sau đó Ô-ba-Nan-đà thấy một người không có tay liền nói: “Hiền thủ, sao ngươi không xuất gia?”, đáp: “Ai có thể độ một người không có tay như tôi”, Ô-ba-Nan-đà nói: “Giáo pháp của Thế tôn từ bi khoan thứ, ta sẽ độ ngươi”. Nói rồi liền dẫn về cho xuất gia và thọ Cận viên rồi dạy các hành pháp và oai nghi, vài ngày sau bảo rằng: “ ngươi biết không, nai không nuôi nai, thành Thất-la-phiệt này rộng lớn, dân đông đều kính tín Tam bảo, ngươi nên đi đến đó khất thực tự nuôi thân”, Bí-sô không tay bạch: “Thân con như vầy làm sao khất thực được”, Ô-ba-Nan-đà nói: “Ta sẽ dạy ngươi”, nói rồi liền mặc ba y vào người đệ tử rồi dùng dây cột lại, kế cột đãy bát vào vai trái, cột cây tích trượng vào vai phải của đệ tử. Bí-sô không tay vào thành khất thực, một phụ nữ trông thấy không có tay liền la lên: “Ai đã độc ác chặt Cả hai tay của Bí-sô nay như vậy?”, Bí-sô nói: “Tôi bị chặt hai tay khi còn ở thế tục, không phải sau khi xuất gia”, phụ nữ kia hỏi: “Ai đã độ thầy xuất gia?”, đáp là Ô-ba-Nan-đà, phụ nữ kia nghe rồi liền nói: “Trừ nhóm Lục chúng ác hạnh ra, không ai độ người như thế này xuất gia”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Do độ người căn thân không đầy đủ nên có lỗi này. Sao gọi là căn thân không đầy đủ? Tức là không tay, không ngón tay, không chân, sứt môi, không môi… Nếu ai độ những người như thế thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nếu người phải chống gậy, bị ban trắng hoặc già quá, nhỏ quá… được độ không?”, Phật nói: “Không được. Tất cả những bịnh làm nhơ ngọa cụ của tăng đều không được độ. Lại nữa những người què chân, mắt lé, mù, chột, gù lưng, lùn thấp, có bướu cổ, câm, điếc… đều không được độ, nếu độ thì phạm tội Việt pháp. Lại nữa những người dâm dục quá độ, bị nữ nhân làm tổn thương, bị tổn thương do làm việc nặng, bị thương tổn do đi bộ, đại tiểu tiện không thể cấm chế… đều không được độ, nếu độ thì phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “Những người mắc bịnh ghẻ lác, ghẻ độc, mạch lươn, bịnh lác khô, lác ướt, gầy còm, hen suyển, sốt rét, điên cuồng, nghiện ngập, trĩ… có được độ không?”, Phật nói: “Không được, nếu độ thì phạm tội Việt pháp”.

 

Pages: 1 2 3 4