Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

BẢO LIÊN PHẬT QUANG ĐỆ NHỊ THẬP NHẤT

Phẩm nầy thuật rõ hoa sen báu trong cõi Cực Lạc, mỗi hoa đều có quang sắc vi diệu. Trong mỗi quang minh lại hóa hiện ngàn ức vị Phật. Mỗi vị Phật nói diệu pháp, an lập vô lượng chúng sinh. Các thứ công đức vô tận, thật chẳng thể nghĩ bàn!

KINH VĂN:

Hựu chúng bảo liên hoa châu mãn thế giới. Nhất nhất bảo hoa bách thiên ức diệp. Kỳ hoa quang minh, vô lượng chúng sắc. Thanh sắc, thanh quang, bạch sắc bạch quang, huyền, hoàng, châu, tử, quang sắc diệc nhiên. Phục hữu vô lượng diệu bảo bách thiên ma-ni, ánh sức trân kỳ, minh diệu nhật nguyệt. Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần. Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang.  VIỆT DỊCH: 

Lại nữa, các hoa sen báu mọc khắp cùng cõi nước. Mỗi mỗi hoa báu có trăm ngàn ức cánh. Quang minh của hoa ấy có vô lượng màu: Hoa xanh ánh sáng xanh, hoa trắng ánh sáng trắng,huyền, vàng, đỏ, tía, quang minh và màu sắc cũng giống như vậy. Lại có vô lượng diệu bảo, trăm ngàn ma-ni chói rực quý lạ, sáng ngời như mặt trời, mặt trăng.  Hoa sen ấy, hoặc lớn nửa do tuần, hoặc một, hai, ba, bốn, cho đến trăm ngàn do tuần.

Trong mỗi hoa sen tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên nói về hoa sen báu, có đến sáu ý:

1. – Chúng bảo liên hoa châu mãn thế giới” (Nhiều hoa sen báu mọc khắp cùng cõi nước). Trong Đại thừa, dùng hoa sen biểu trưng cho sự thanh tịnh. Hoa sen mọc từ bùn, bùn tượng trưng cho lục đạo ô nhiễm. Thân hoa sen nằm trong nước, nước tượng trưng cho Tứ Thánh Pháp giới, là cõi thanh tịnh của chư Phật Như Lai. Hoa sen nở, vượt trên mặt nước, tượng trưng cho sự siêu việt lục đạo, lẫn siêu việt mười pháp giới, trú tại nhất chân pháp giới, là cõi y báo trang nghiêm của chư Phật.

2. – Nhất nhất bảo hoa, bách thiên ức diệp”: Đây là nói mỗi hoa báu có trăm ngàn ức cánh, biểu trưng cho vạn đức, vạn năng, vô lượng vô biên, trùng trùng vô tận.

3. – “Kỳ hoa quang minh vô lượng chúng sắc(Quang minh của hoa có vô lượng màu): Ý nói, bản thể của hoa chính là quang minh tự tánh, là trí tuệ Bát Nhã. Hoa sen ở thế giới Cực Lạc có vô lượng màu sắc, nhưng ở đây, kinh chỉ dùng sáu màu: Xanh, trắng, huyền, vàng, đỏ, tía để tượng trưng.

“Thanh sắc thanh quang, bạch sắc bạch quang, huyền, hoàng, châu, tử”. Hoa sen xanh phóng ánh sáng xanh, hoa sen trắng phóng ánh sáng trắng. Các hoa sen màu huyền, vàng v.v. cũng phóng ánh sáng cùng màu với hoa, nên nói “quang sắc diệc nhiên”.

4. – “Phục hữu vô lượng diệu bảo, bách thiên ma-ni, ánh sức trân kỳ, minh diệu nhật nguyệt”. Ý nói: Hoa sen được trang nghiêm bằng vô lượng diệu bảo và trăm ngàn ma-ni. “Ma-ni” là tiếng Phạn, dịch sang chữ Hán là “Như ý bảo”. “Như ý” có nghĩa là sống động, không phải chết cứng, muốn nó thế nào thì nó hiện như thế đó, ở đây gọi là “ma-ni”. Các thứ báu ấy đều hiếm quý, nên bảo là “trân kỳ”. Các diệu bảo phóng vô lượng quang, có đủ màu sắc; mỗi màu sắc lại phóng quang rực rỡ, hòa quyện trang sức lẫn nhau, nên bảo là “ánh sức”, tỏa sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng, nên bảo là “minh diệu nhật nguyệt”. 

Quán kinh nói: “Nhất nhất diệp gian, hữu bách ức Ma Ni châu vương, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất Ma Ni châu phóng thiên quang minh” (Trong mỗi cánh hoa có trăm ức Ma Ni châu vương để tô điểm chói ngời. Mỗi viên Ma Ni châu phóng ra trăm ngàn quang minh).

5. – “Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần”; Ý nói: Kích thước của hoa sen từ nửa do-tuần đến trăm ngàn do-tuần. Do-tuần là đơn vị đo lường độ dài của Ấn Độ ngày xưa. Có rất nhiều cách nói: Có người nói một do-tuần bằng bốn mươi tám dặm Trung Quốc, cũng có người nói là sáu mươi dặm, bốn mươi dặm. Trong phiên dịch có chú giải: Đại dotuần bằng tám mươi dặm của Trung Quốc (đây là dặm của thời xưa), trung do-tuần khoảng sáu mươi dặm, tiểu do tuần khoảng bốn mươi dặm. Trung Quốc thông thường nói đến dặm là bằng nửa cây số của hiện tại; còn thời xưa có thể ngắn hơn bây giờ một chút.

6. – “Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang”: Trong mỗi hoa sen tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh. Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Trăm ngàn ức quang” ở đây, chỉ là con số tượng trưng nhằm biểu thị vô lượng.

Về con số “ba mươi sáu”, theo cụ: Rất có thể, trong bốn cõi Tịnh Ðộ ở Tây phương Cực Lạc, mỗi cõi đều có chín phẩm. Chín nhân bốn là ba mươi sáu, nên mới có con số ba mươi sáu, nhằm thể hiện số lượng phẩm vị trong cõi ấy. Mỗi phẩm có trăm ngàn ức hoa sen. Mỗi đóa sen đều tỏa quang minh cùng màu với hoa sen, nên có ba mươi sáu trăm ngàn ức quang minh. Mỗi đóa sen cũng gồm đủ đặc tính của hết thảy hoa sen khác, nên bảo là: Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang”. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Số ba mươi sáu không phải là con số, mà là đại biểu cho “đại viên mãn”. Nói có ba mươi sáu phẩm, theo cụ Hoàng, chỉ là nói rất đại lược, thật ra có đến vô lượng phẩm, nên có thể nói, mỗi hoa sen tỏa ra vô lượng quang minh vậy.

KINH VĂN:

Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật. Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Nhất nhất chư Phật, hựu phóng bách thiên quang minh, phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp. Như thị chư Phật, các các an lập vô lượng chúng sinh ư Phật chánh đạo.

VIỆT DỊCH:

Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật, thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Mỗi vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, vì khắp mười phương nói pháp vi diệu. Các Phật như thế, mỗi vị an lập vô lượng chúng sinh nơi Phật chánh đạo. 

GIẢNG:

Theo chú giải của cụ Hoàng, đoạn kinh văn trên thuật rõ trong quang minh hóa hiện chư Phật, gồm có bốn ý chính:

1. – Một là số lượng đức Phật hiện ra trong mỗi quang minh:

Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật” (Trong mỗi quang minh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật).

2. – Hai là thân tướng chư Phật:Thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc”: “Tử kim” chính là vàng ròng đã được dồi mài đến sáng bóng. “Tướng hảo” của Phật thì như Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng, các hữu bách vạn tứ thiên tùy hình hảo” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng. Mỗi tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo) cho nên bảo là “thù đặc”.

3. – Ba là “hóa Phật phóng quang”. Đây là quang trung hóa Phật, mỗi vị Phật lại phóng vô lượng quang, nên nói Hựu phóng bách thiên quang minh”.

4. – Bốn là Phật nói diệu pháp: “Phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp(Vì khắp mười phương nói pháp vi diệu”). Những pháp ấy lại có lợi ích thù thắng nên an lập vô lượng chúng sinh ư Phật chánh đạo”.

Những điều như vậy thật đã hiển thị sâu xa pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Hoa sen phóng quang, quang minh lại hiện ra vô số chư Phật. Chư Phật lại phóng quang thuyết pháp độ sinh, thật là vô tận. Điều đáng chú ý là cảnh giới như vậy, chẳng những thị hiện diệu tướng mà còn có vô biên diệu dụng: Nói pháp vi diệu, an lập chúng sinh trong chánh đạo của Phật. Ðấy chính là cái lợi chân thật. Vì thế, đoạn kinh này thật sự đã hiển thị trí tuệ chân thật, cảnh giới chân thật, vô vi Pháp thân. Cảnh giới chân thật là lý thể của tự tánh, là Chân Thật Tế. Tướng của nó là trí tuệ chân thật. Tác dụng của nó là lợi ích chân thật. Ba loại chân thật tổng kết lại là vô vi Pháp thân.

Sách Hội Sớ nói: “Tây Phương Tịnh Ðộ dùng hoa sen để làm Phật sự, nên có tên là Liên Hoa Thai Tạng Giới. Tiểu Bổn, Quán kinh đã nói kỹ việc ấy. Nay kinh này (chỉ bản Ngụy dịch của kinh Vô Lượng Thọ) cũng dùng ngay việc ấy để kết lại phần nói về y báo trang nghiêm. Như vậy, trong các thứ trang nghiêm trước đó cũng đều có những việc bất khả tư nghị”. Ý này rất xác đáng.

Cư sĩ Hạ Liên Cư

 

Đại Cư sĩ Hạ Liên Cư (1884-1965):

Một bậc công hạnh, kiến giải uyên thâm cả Thiền-Tịnh-Mật, nhưng vẫn quy hướng về pháp môn Tịnh Độ. Ngài là người đã hội tập viên mãn bộ Kinh Vô Lượng Thọ.

Năm 1965, Ngài thết đãi tiệc trà, mời đồng tham đạo hữu đến nhà nói cười vui vẻ, chào từ biệt mọi người rồi chắp tay niệm Phật, an nhiên tự tại, đứng niệm Phật vãng sinh, trụ thế 82 năm. Ngay cả Hòa Thượng Hư Vân cũng ngậm ngùi nói: “Không biết bao giờ Ta mới có dịp gặp vị Đại Thiện Tri Thức ở phương Bắc này!”