Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

ĐỨC PHONG HOA VŨ ĐỆ NHỊ THẬP

Gió ở thế giới Cực Lạc là “viên minh cụ đức chi phong”, nên gọi là “đức phong”. “Diệu hoa phiêu tụ như vũ” tức hoa mầu nhiệm phấp phới rơi xuống như mưa, nên gọi là “hoa vũ”. Phong, hoa, hương, quang nơi cõi Cực Lạc đều làm Phật sự, tự nhiên tăng thượng, chẳng thể nghĩ bàn!

KINH VĂN: 

Kỳ Phật quốc độ, mỗi ư thực thời, tự nhiên đức phong từ khởi, xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ, xuất vi diệu âm, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật. Lưu bố vạn chủng, ôn nhã đức hương. Kỳ hữu văn giả, trần lao cấu tập, tự nhiên bất khởi. Phong xúc kỳ thân, an hòa điều thích, do như tỳ-kheo, đắc Diệt Tận Định. 

VIỆT DỊCH: 

Cõi nước Phật ấy, mỗi lúc đến giờ ăn, tự nhiên gió đức nhè nhẹ thoảng qua các mành lưới và các cây báu, phát ra âm thinh vi diệu, diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật, lan tỏa vạn thứ đức hương ôn nhã. Ai ngửi mùi hương ấy thì trần lao, cấu nhiễm, tập khí, tự nhiên chẳng khởi. Gió chạm vào thân, liền an hòa, điều thích, như tỳ-kheo đắc Diệt Tận Ðịnh. 

GIẢNG: 

Thế giới Cực Lạc, tất cả “phong, hoa, hương, quang” đều làm Phật sự. Phật sự ở đây có nghĩa là dạy học, dạy học đặc biệt, giúp chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, trong đây hoàn toàn không có chút chi là mê tín. Đoạn kinh văn trên nói đến ba sự việc: Việc thứ nhất là nghe diệu pháp âm. Thứ hai là mũi ngửi diệu âm. Thứ ba là “diệu xúc”, gió đức xúc chạm vào thân. Nhờ ba sự việc trên mà tai, mũi, thân đều được an lạc.

Bản Ngô dịch ghi: “Diệc phi thế gian chi phong, diệc phi thiên thượng chi phong. Đô bát phương thượng hạ, chúng phong trung tinh, tự nhiên hợp hội hóa sinh nhĩ. Bất hàn, bất nhiệt, thường hòa điều trung, thích thậm thanh lương, hảo vô tỷ dã” (Chẳng phải là gió ở thế gian, cũng chẳng phải là gió cõi trời, mà là những gì tinh diệu nhất của các thứ gió trong cả tám phương và phương trên, phương dưới, tự nhiên hội hợp lại hóa thành gió: Chẳng lạnh, chẳng nóng, thường điều hòa, thích hợp, rất mát mẻ, không gì khoan khoái bằng).

Câu “chúng phong trung tinh” (những gì tinh diệu nhất trong các thứ gió), phải hiểu như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Như Lai Tạng trung, tánh phong chân không, tánh không chân phong, thanh tịnh bổn nhiên, châu biến pháp giới” (Trong Như Lai Tạng, tánh phong là Chân Không, tánh Không là chân phong, vốn sẵn thanh tịnh, trọn khắp pháp giới). Thứ gió chân thật đó là từ trong tánh đức nên bảo là “chúng phong trung tinh”.

Chữ “thậm thanh lương” là vô cùng mát mẻ, “hảo” là rất tốt. “Hảo vô tỷ dã” là rất tốt, không gì sánh bằng.

Quán Kinh dạy: “Bát chủng thanh phong, tùng quang minh xuất” (Tám thứ thanh phong từ quang minh mà ra). Những làn gió cực thanh tịnh từ tám phương nói trong bản Ngô dịch, thật phù hợp với tám thứ thanh phong nói trong Quán kinh. Tóm lại, gió thanh lương trong cõi Cực Lạc chính là “chúng phong trung tinh” (những gì tinh diệu nhất của các thứ gió), “tùng quang minh xuất” (phát xuất từ quang minh) nên gọi là “đức phong”.

Tự nhiên đức phong từ khởi(Tự nhiên gió đức nhè nhẹ thoảng qua).

Sách Hội Sớ giảng: “Từ khởi, bất trì, bất sử, thích đắc kỳ trung, nguyện lực linh lại, tánh bất tạo tác, cố vân tự nhiên” (Nhè nhẹ khởi lên là chẳng chậm, chẳng nhanh, chỉ vừa phải. Gió khởi là do công dụng tự nhiên của nguyện lực, chẳng do tạo tác nên bảo là tự nhiên). “Nguyện lực linh lại” nhằm diễn đạt ý tưởng, công dụng tự nhiên, nơi bổn nguyện tâm lực của Phật Di Đà.

Xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ” (thoảng qua các mành lưới và các cây báu). Kế đến, kinh giảng rõ về “đức phong”. Trước hết, nói đến gió khua động các âm thanh mầu nhiệm. Gió đức nhè nhẹ thổi qua cây báu, lưới báu “xuất vi diệu âm”. Khiến chúng vang ra những pháp âm vi diệu như Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các Ba La Mật

Xuất vi diệu âm”; chữ “diệu” nầy thật sự là “diệu”, không thể nghĩ bàn: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, đều có thể giúp ta khai ngộ, ấy là “diệu”. Trong Tịnh tông thường gọi là “lục trần thuyết pháp”. Thấy sắc, nghe tiếng, bất luận là nghịch hay thuận cảnh, là ác hay thiện duyên, tất cả đều giúp ta khai ngộ, đây là “diệu”. Vấn đề ở chỗ “ta đã lãnh hội chưa? Có biết hay chưa?”. Nếu đã biết, thì cõi nầy cũng là cõi Cực Lạc không khác nhau. Đại Sư Ngẫu Ích, trong Tông Luận có nói: “Cảnh duyên không tốt xấu; tốt xấu tại nơi tâm”.

“Diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường,Vô Ngã, chư Ba La Mật” . Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã” là pháp Tiểu thừa; Sáu Ba La Mật là pháp Đại thừa. Trong chú giải của cụ Hoàng, có giải thích tóm lược. Ông nói: Đó là bốn tướng của Khổ Ðế trong Tứ Ðế. Trong các bản dịch theo lối Tân dịch, bốn tướng này được dịch là “phi thường, khổ, không, phi ngã”. Câu Xá Luận, quyển hai mươi sáu giảng: “Phụ thuộc vào duyên nên Vô Thường, tánh nó bức bách nên là Khổ, trái nghịch với cái được ta thấy nên là Không; trái nghịch với cái thấy của ta nên là Vô Ngã”

“Cái gì bức bách thì gọi là khổ”, ngày nay chúng ta gọi là áp lực như: Áp lực cuộc sống, áp lực hoàn cảnh, áp lực tinh thần. Pháp “Khổ” chuyển dời, nên gọi là “vô thường”. Các tướng như nam, nữ, giống, khác v.v. đều là hư vọng, chẳng thật nên bảo là “Không”. Chẳng làm chủ được mình, gia thân quyến thuộc đều ly tán, trở thành quyến thuộc của người khác! Đâu là của ta? Bản thân ta cũng không biết! Đó là “Vô ngã”.

Chữ “Ba La Mật” đã giảng ở phần trước. Ở đây chỉ nhắc nhở, khái lược về Sáu Ba La Mật tức Lục Độ của Bồ tát:

1. -Bố thí tức là buông xả, đoạn dứt tâm tham.

2. -Trì giới là độ ác nghiệp, đếu lúc nào tâm ta thuần thiện, thuần tịnh thì trì giới này mới học xong.

3. -Nhẫn nhục là chấp nhận, không chống đối, không loại trừ, không tránh né. Nhẫn nhục không phải là cắn răng chịu đựng, mà phải đến từ tinh thần “vô ngã”, từ “Tam luân thể không”, từ trái tim vị tha mở rộng để cảm hóa đối tượng, từ tinh thần nghị lực muốn chuyển hóa bản thân từ tâm phàm phu trở thành Thánh nhân. Cho nên, dù nhẫn chịu sự oan ức, sự tổn hại, nhục mạ đến đâu, vẫn không có ý niệm sân hận. Phải rèn luyện tâm ta có sức chịu đựng kiên cường như thế, đón nhận tất cả những điều bất như ý xảy đến cho ta. Nên nhớ: Điều bất như ý đó, nếu phối hợp với cách đón nhận của ta, sẽ quyết định cho ta là khổ đau hay không đau khổ. Chính ta là người quyết định, không phải do người khác hay bất cứ mọi nghịch cảnh nào quyết định cho ta. Người khác hay nghịch cảnh chỉ đóng vai trò phụ.

4. -Tinh tấn là tranh thủ, phấn đấu từng phút, từng giây; niệm niệm đều không có giải đãi.

5. -Thiền định là yếu pháp tư duy chân lý, là đình chỉ sự tán loạn. Bất luận ở hoàn cảnh nào, thuận hay nghịch, thiện hay ác, đều như như bất động.

6. -Trí tuệ: “Trí” là thông đạt mọi pháp, “tuệ” là dứt “hoặc” chứng “chân”. “Trí tuệ” là tuệ giác, là nhìn thấu, là trí tuệ tuyệt đối được kết hợp chặt chẽ bởi “tam tuệ”: Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ.

Trong cõi Cực Lạc, âm thanh nước chảy lẫn tiếng gió đều có khả năng diễn nói diệu pháp. Vãng Sinh Luận có bài kệ như sau: “Phạm thanh ngộ thâm viễn, vi diệu văn thập phương”. Sách Luận Chú của Ngài Đàm Loan giải thích chữ “vi diệu” như sau: “Xuất hữu nhưng lại là có, nên bảo là vi”. Chữ “xuất hữu” nghĩa là đã vượt khỏi “tam hữu” (tức là tam giới). “Tam hữu” là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. “Tam hữu” cũng là lục đạo. “Xuất tam hữu”tức là ra khỏi lục đạo.

Sách Luận Chú giảng tiếp: “Do vô dục nên chẳng phải là Dục giới; do ở trên đất nên chẳng phải là Sắc giới; do có sắc nên chẳng phải là Vô Sắc giới”. Tịnh Ðộ chẳng thuộc vào tam giới, vượt ngoài ba cõi nên bảo là “xuất hữu”; nhưng Tịnh Ðộ lại là “có”, vì nó nương vào Nhất Thừa nguyện hải nên hiện hữu. Lìa nhị biên, vượt tứ cú, xuất hữu mà lại hiện hữu, nên bảo là “vi” (vi diệu). Thế giới Cực Lạc hoàn toàn khác hẳn với thế giới chúng ta. Chúng ta, từ vô lượng kiếp đến nay không rời khỏi lục đạo, thật sự là khổ không kể xiết!

Sách giảng tiếp: “Danh năng khai ngộ viết diệu. Danh giả, ngũ pháp chi nhất, nhất thiết sự vật hữu danh hữu tướng. Nhĩ khả văn vị chi danh, nhãn khả kiên vị chi tướng. Văn vật thể chi danh, tiện tâm phù hiện kỳ tướng. Bảo thọ thuyết pháp, bất ly danh cú, dĩ danh năng linh nhân khai ngộ, cố xưng vi diệu. Như thị vi diệu pháp âm, cố sử văn giả năng ngộ thâm viễn” (Danh có khả năng khai ngộ, nên bảo là “diệu”. Danh là một trong năm pháp; tất cả vạn vật đều có danh, có tướng. Cái gì tai nghe được thì gọi là “danh” (名); cái gì mắt thấy được thì gọi là “tướng” (相). Nghe cái danh của vật thể thì trong tâm ắt liên tưởng đến cái tướng của nó. Cây báu thuyết pháp, cũng không rời danh và cú (句: câu). Do danh có khả năng làm cho người nghe khai ngộ nên gọi là “diệu”. Pháp âm vi diệu như vậy, nên có thể khiến cho người nghe được giải ngộ sâu xa).

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích:“Ngũ pháp chi nhất” (Một trong năm pháp) là Pháp Tướng tông nói. Ngũ pháp là: danh, tướng, vọng tưởng, chánh trí và như như. Năm pháp này đều có thể giúp ta khai ngộ. Ngũ pháp, tam tự tánh, bát thức, nhị vô ngã, là cương lĩnh quan trọng của Pháp Tướng tông. “Danh” là danh từ thuật ngữ. Tất cả sự vật đều có danh, có tướng. “Người” là danh, người có tướng của người. Nghe đến danh, có thể nghĩ đến tướng của người. Cây có danh, sẽ nghĩ đến hình tướng của cây. Hoa có danh, sẽ nghĩ đến hình tướng của hoa v.v.  Cho nên, tai nghe danh, mắt thấy tướng.

Lưu bố vạn chủng, ôn nhã đức hương(lan tỏa vạn thứ đức hương ôn nhã). Chữ “Ôn” là ôn hòa, thiện lương. “Nhã” là đoan chánh. Thời xưa, loại âm nhạc giúp tâm thanh tịnh, không khởi tà niệm, gọi là nhã nhạc. “Ðức hương” là hương có đủ vạn đức. Sách Hội Sớ nói: “Ôn là ôn hòa, Nhã là nhã chánh. Mùi hương đẹp lòng người là Ôn, khiến người lìa ái nhiễm là Nhã”.

Do mùi hương có đủ vạn đức, khiến ai nấy ngửi được đều trần lao cấu tập, tự nhiên bất khởi(Trần lao, cấu tập tự nhiên chẳng khởi). “Trần lao” là tên gọi khác của phiền não, đã giải thích ở phần trước. “Cấu” là cấu uế, nhiễm ô. “Tập” là tập tánh, thói quen. “Cấu tập” là tập khí phiền não nhiễm ô. “Trần lao cấu tập” làm ô nhiễm tâm tánh, sai sử chúng sinh tạo tác tội nghiệp. Nay được đức hương xông sáng, khiến tất cả cấu nhiễm “tự nhiên bất khởi”. Điều này nói lên: Hương báu ở thế giới Tây phương Cực Lạc cũng làm Phật sự.

Phong xúc kỳ thân, an hòa  điều thích(Gió chạm vào thân, liền an hòa, điều thích). Ý nói: Diệu dụng của gió đức khi chạm vào thân, khiến thân tâm tự nhiên an hòa, tâm điều thuận, ý vui thích, nên bảo là “an hòa điều thích”. Niềm vui ấy “do như tỳ-kheo đắc

Diệt Tận Ðịnh”. “Diệt Tận Ðịnh” là quả chứng đắc của A La Hán còn gọi là “Diệt Tận tam-muội”, là môn thiền định đã đoạn sạch tám mươi tám phẩm “Kiến hoặc” và tám mươi mốt phẩm “Tư hoặc”.

Theo chú giải của cụ Hoàng: Phải là bậc thánh giả từ quả Bất Hoàn (tức A Na Hàm) trở lên mới chứng được Định này. Cho nên, đoạn sạch “Kiến Tư hoặc” thì lục đạo sẽ không còn, sẽ đi vào Tứ Thánh pháp giới (Thanh Văn, Duyên Giác. Bồ tát, Phật). Tứ Thánh pháp giới này là cõi tịnh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tóm lại, qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy: Đầu tiên, nói về “nhĩ”, nhĩ đắc “diệu âm”. Kế đến, nói về “tỷ”, tỷ đắc “diệu hương”. Sau cùng, nói về “thân”, gió đức thổi qua thân, thân đắc “diệu xúc”. Kinh văn kế tiếp sau đây sẽ nói về “nhãn đắc diệu sắc”.

KINH VĂN: 

Phục xuy thất bảo lâm thụ, phiêu hoa thành tụ, chủng chủng  sắc quang, biến mãn Phật độ. Tùy sắc thứ đệ, nhi bất tạp loạn. Nhu nhuyễn quang khiết, như Đâu La Miên, túc lý kỳ thượng, một thâm tứ chỉ. Tùy túc cử dĩ, hoàn phục như sơ. Quá thực thời hậu, kỳ hoa tự một. Đại địa thanh tịnh, cánh vũ tân hoa. Tùy kỳ thời tiết, hoàn phục châu biến, dữ tiền vô dị, như thị lục phản. 

VIỆT DỊCH: 

Lại thổi qua rừng cây bảy báu, cuốn hoa tụ lại thành vầng, các thứ quang sắc, trải khắp mặt đất. Thứ lớp theo sắc, không có tạp loạn, mềm mại, sáng sạch như Đâu La Miên, chân dẫm lên trên, lún sâu bốn lóng. Hễ cất chân lên, trở lại như cũ. Quá khỏi giờ ăn, hoa tự biến mất. Đại địa thanh tịnh, lại mưa hoa mới. Tùy theo thời tiết, tuần hoàn trọn khắp, như trước chẳng khác, sáu lần như vậy. 

GIẢNG:

Phục xuy thất bảo lâm thụ, phiêu hoa thành tụ, chủng chủng  sắc quang, biến mãn Phật độ. Tùy sắc thứ đệ, nhi bất tạp loạn(Lại thổi qua rừng cây bảy báu, cuốn hoa tụ lại thành vầng, các thứ quang sắc, trải khắp mặt đất. Thứ lớp theo sắc, không có tạp loạn).

Bản Ngô dịch, ghi như sau: “Xuy thất bảo thụ, giai tác ngũ âm thinh. Dĩ thất bảo thụ hoa tất phú kỳ quốc trung, giai tán Phật cập chư Bồ Tát, A La Hán thượng” (Thổi qua cây bảy báu, vang ra tiếng ngũ âm; khiến cho hoa của cây bảy báu rải khắp cõi nước, đều rải trên Phật và chư Bồ Tát, A La Hán).

Vãng Sinh Luận bảo: Hoa báu phủ mặt đất có hai điều thù thắng:

– Một là diệu sắc thù thắng (màu sắc vi diệu thù thắng). Kinh nói “Tùy sắc thứ đệ, nhi bất tạp loạn” (Thứ lớp theo sắc, không có tạp loạn). Hoa báu phủ đất rất chỉnh tề, vô cùng đẹp đẽ, như tranh vẽ, như gấm thêu; “Chủng chủng sắc quang, biến mãn Phật độ” (Các thứ quang sắc, trải khắp cõi Phật).

– Hai là diệu xúc thù thắng (Xúc chạm vào tạo cảm giác vi diệu thù thắng). Kinh dạy: Nhu nhuyễn quang khiết”, chữ “Nhu nhuyễn” (mềm mại) chính là cảm giác thù thắng khi xúc chạm vào hoa; chữ “quang” chỉ các thứ quang sắc vô lượng như trên đã nói; chữ “khiết” chỉ thể chất của hoa thanh tịnh.

“Như Đâu La Miên”: Chữ Ðâu La Miên (Tūla) là tiếng Phạn, ngài Ðạo Tuyên luật sư bảo: “Là sợi tơ từ hoa của các loài thảo mộc, là tơ lấy từ các loài hoa như hoa bồ đài, bông liễu, hoa bạch dương, hoa bạch điệp v.v… (Chữ Ðâu La Miên) được dùng với ý nghĩa mịn nhỏ”.

“Túc lý kỳ thượng, một thâm tứ chỉ. Tùy túc cử dĩ, hoàn phục như sơ” (Chân dẫm lên trên, lún sâu bốn lóng. Hễ cất chân lên, trở lại như cũ): “Lý” là dẫm lên. “Một” là chìm xuống; “tứ chỉ” là bốn lóng. Ý nói: Khi bước lên hoa cảm thấy rất mềm mịn như Ðâu La Miên. Chân lún trong hoa, sâu chừng bốn lóng. Khi nhấc chân lên, hoa trở  lại bình thường.  

“Quá thực thời hậu, kỳ hoa tự một. Đại địa thanh tịnh, cánh vũ tân hoa” (Quá khỏi giờ ăn, hoa tự biến mất. Đại địa thanh tịnh, lại mưa hoa mới): Chữ “thực thời” chỉ giờ ăn buổi trưa vào lúc chính ngọ. Người Trung Quốc nói giờ ngọ là từ mười một giờ trưa đến một giờ chiều. Sau buổi trưa thì không ăn nữa. Cho nên, tỳ-kheo dùng bửa vào khoảng từ mười một giờ đến mười một giờ rưỡi, không được vượt qua giữa ngày, đây là Giới Kinh quy định đối với hàng sơ học, dụng ý là giúp họ buông xả tham tâm, dục vọng, nhiếp thụ ăn uống phải đúng thời. Đối với người tu đã lâu, không còn khởi tâm phân biệt, chấp trước thì tất cả đều tùy  ý.

Kinh Sa Di Thập Giới Nghi Tắc nói: “Nhược thọ trai thực thời, bất đắc quá Ngọ trung” (Như lúc thọ trai chẳng được ăn quá giờ Ngọ): Chữ “trai” trong “thọ trai” này, người bây giờ đều dùng sai, cho rằng ăn chay là “trai”, không phải vậy! “Trai” là quá ngọ không ăn, không liên quan đến chuyện ăn chay. Người bây giờ gọi “Trai thái quán” là cơm chay, dùng chữ “trai” ở đây là không thỏa đáng!

Như vậy, câu “quá thực thời hậu” trong kinh Vô Lượng Thọ đây là ngụ ý: Vào lúc giữa trưa. Lúc bấy giờ, hoa rải buổi sáng đã tự nhiên biến mất, đại địa thanh tịnh như cũ. Đến giờ ăn, trên không trung lại mưa hoa mới rưới xuống. Suốt sáu thời trong ngày đều như vậy, giống như trong kinh A Di Đà dạy: “Trú dạ lục thời, vũ thiên Mạn Đà La hoa” (Ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn Đà La). Sáu thời là buổi sáng, chính ngọ, lúc mặt trời lặn, lúc đầu đêm, lúc giữa đêm và lúc cuối đêm.

Tùy kỳ thời tiết, hoàn phục châu biến: Chữ “hoàn phục” có nghĩa là lần lượt xoay vòng, trở lại từ đầu. “Châu biến” là trọn khắp cả.

Dữ tiền vô dị, như thị lục phản” (Như trước chẳng khác, sáu lượt như vậy): “Lục phản” là sáu lần.

Sách Yếu Giải giảng: “Y báo và chánh báo cõi ấy đều có quang minh; chẳng cần đến mặt trời, mặt trăng để phân định ngày hay đêm. Chỉ là thuận theo phương này (tức cõi Sa Bà) mà giả lập có phân chia giờ khắc như thế”.

Sách Sớ Sao giảng: “Cõi ấy chẳng có Tu Di, chẳng có mặt trời, mặt trăng, luôn sáng sủa, không tối tăm, nên chẳng phân biệt là ngày hay đêm. Chỉ lấy hoa nở, chim hót là ngày; hoa khép, chim đậu là đêm”.

Ngài Từ Ân viết trong sách Di Ðà Thông Tán rằng: “Ao vàng hoa nở, người hóa sinh nghĩ là lúc ban ngày. Chim đậu rừng quỳnh, Bồ Tát nghĩ là trời đã tối”. Các thuyết khác cũng nói như vậy.

Riêng sách Viên Trung Sao giải thích ở mức độ cao hơn như sau: “Trộm nghĩ: Việc lấy hoa nở, chim hót làm ban ngày; coi lúc chim đậu, hoa khép là đêm chỉ là khí phận của cõi Phàm Thánh Ðồng Cư, vẫn chưa quên những điều thuộc uế độ; đáng lẽ phải nên quên đi. Ấy bởi người vãng sinh đa số là kẻ mang nghiệp đi vãng sinh. Còn trong ba cõi trên, ắt chẳng hề có tướng trạng như vậy”.

“Ba cõi trên” Ngài nói ở đây là chỉ cho ba cõi: Cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm và cõi Thường Tịch Quang. Vì “mang nghiệp đi vãng sinh”, nên tập khí phiền não trong tâm họ vẫn hiện hành. Chỉ cần khởi một niệm thì cảnh giới liền xuất hiện; không có ý niệm, cảnh giới cũng không có. Ở hạ bối: Hạ bối thượng sinh, hạ bối trung sinh, hạ bối hạ sinh, hiện tượng nầy rất có thể.