TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 68

Hỏi: Đã nói y cứ thế tục giả lập bày tâm cảnh, mở ra thì hai phần, hợp lại thì một vị. Nay y cứ nghĩa mở ra thì sinh lẫn nhau, chưa từng có cảnh vô tâm, chưa từng có tâm vô cảnh. Nói chung phàm Thánh có bao nhiêu cảnh ?

Đáp: Đại khái có ba cảnh. Tụng rằng:

Tính cảnh bất tùy tâm
Độc ảnh từ kiến phần
Đới chất gồm tình bản
Tính chủng nói tùy ứng.

– Tính cảnh bất tùy tâm: Tính cảnh, tính là nghĩa chân thật, là cảnh tướng phần của căn, trần, bốn đại và định quả sắc chân thật. Đất tùy tâm, là tướng phần của căn, trần v.v… đều tự có chủng loại thật sinh; chẳng phải từ chủng loại kiến phần năng duyên sinh.

– Độc ảnh từ kiến phần: Ảnh là ảnh tượng, là tên khác của tướng phần. Vì tướng phần hư giả này không chủng loại làm bạn, chỉ riêng tự có nên gọi là độc ảnh, là các pháp ảnh tưởng hư giả như hoa đốm, sừng thỏ, quá khứ, vị lai. Nó chỉ từ kiến phần năng duyên biến sinh, đồng một chủng loại với kiến phần.

– Đới chất gồm tình bản: Một nửa tướng phần cùng với bản chất đồng một loại sinh, một nửa tướng phần cùng với kiến phần đồng một loại sinh, nên nói là gồm tình bản. Tình là kiến phần năng duyên; bản là bản chất sở duyên.

– Tính chủng nói tùy ứng: Tùy ứng là nghĩa bất định, nghĩa là trong ba cảnh gọi là tùy sở ứng, có tính chủng giới hệ thuộc ba khoa dị thục v.v… sai biệt bất định.

Giải thích rộng:

Tính cảnh là có tướng phần thể thật, là năm thức trước và tâm vương thứ tám; những thật sắc mà thức thứ sáu hiện lượng duyên, có được tự tướng của cảnh, chẳng kẹt danh ngôn, không tâm suy lường, những cảnh này mới gọi là tính cảnh. Lúc căn bản trí duyên chân như cũng là tính cảnh, vì vô phân biệt hồn nhiên chuyển.

Nói bất tùy tâm, có năm thứ bất tùy:

1- Tính bất tùy, kiến phần năng duyên gồm ba tính, cảnh tướng phần sở duyên chỉ có tính vô ký, là chẳng theo kiến phần năng duyên gồm ba tính.

2- Chủng bất tùy, là kiến phần từ chủng tử của tự kiến phần sinh, tướng phần từ chủng tử của tự tướng phần sinh, chẳng theo chủng tử của tâm kiến phần năng duyên sinh nên gọi là chủng bất tùy.

3- Giới hệ bất tùy, như lúc minh liễu ý thức duyên hương, vị; hai cảnh hương, vị chỉ thuộc dục giới, chẳng theo minh liễu ý thức thuộc thượng giới. Lại như lúc thức thứ tám dục giới duyên cảnh chủng tử, thức năng duyên thứ tám chỉ thuộc dục giới, chủng tử sở duyên thông cả tam giới, là thức thứ sáu và thứ tám có giới hệ bất tùy.

4- Tam khoa bất tùy:

– Ngũ uẩn bất tùy, là kiến phần của năm thức thuộc về thức chủng, tướng phần của năm trần thuộc về sắc uẩn, là uẩn khoa bất tùy.

– Thập nhị xứ bất tùy, là kiến phần của năm thức thuộc về ý xứ, tướng phần của năm trần thuộc về ngũ cảnh xứ, là xứ khoa bất tùy.

– Thập bát giới bất tùy, là kiến phần của năm thức thuộc về ngũ thức giới, tướng phần của năm trần thuộc về ngũ cảnh giới.

5- Dị thục bất tùy, như kiến phần của thức thứ tám là dị thục tính, tướng phần của năm trần sở duyên chẳng phải dị thục tính, gọi là dị thục bất tùy.

Độc ảnh cảnh nghĩa là tướng phần và kiến phần cùng sinh từ một chủng tử.

Gọi độc ảnh chỉ từ kiến, như thức thứ sáu duyên hoa đốm, sừng thỏ, quá khứ, vị lai và biến ảnh duyên vô vi, duyên địa giới pháp, hoặc duyên giả định quả cực hướng, cực lược v.v… đều là ảnh tượng giả. Những thứ này chỉ từ kiến phần sinh tự nó không có chủng tử nên gọi là từ kiến.

Độc ảnh có hai loại:

1- Vô chất độc ảnh: chính là các tướng phần sở biến như hoa đốm, sừng thỏ, quá khứ, vị lai v.v… mà thức thứ sáu duyên. Tướng phần của nó cùng với kiến phần của thức thứ sáu đồng chủng tử sinh không có bản chất như hoa đốm v.v…

2- Hữu chất độc ảnh: là thức thứ sáu duyên chủng tử của năm căn hiện, vì đều gá mượn bản chất để khởi; tướng phần và kiến phần của nó cùng một chủng tử sinh, nên cũng gọi là độc ảnh cảnh.

Đới chất là tâm duyên tâm, như lúc thức thứ bảy duyên kiến phần của thức thứ tám, tướng phần của nó không có chủng tử riêng biệt sinh; một nửa cùng với bản chất đồng chủng tử sinh, một nửa cùng kiến phần năng duyên đồng chủng tử sinh.

Từ bản chất sinh là tính vô phú; từ kiến phần năng duyên sinh là tính hữu phú. Vì cả hai đều thuộc bất định nên gọi là bao gồm tình bản. Chất là kiến phần năng duyên thứ bảy, bản là kiến phần sở duyên thứ tám.

Lại phân biệt bốn trường hợp:

1- Duy biệt chủng, phi đồng chủng, là tính cảnh.

2- Duy đồng chủng, phi biệt chủng, là độc ảnh cảnh.

3- Gồm cả hai, là đới chất cảnh.

4- Đều chẳng phải hai loại, là căn bản trí duyên chân như.

Vì chân như chẳng từ chủng tử của kiến phần sinh nên gọi là phi đồng chủng. Lại chân như đương thể là vô vi, chỉ do chứng mới hiển, chẳng phải là pháp do nhân duyên sinh nên gọi là phi biệt chủng.

Tính chủng nói tùy ứng, tính là tính cảnh, chủng là chủng loại, nghĩa là trong ba cảnh đều có chủng loại bất đồng, hiện tại cần phải tùy ứng mà nói.

Lại căn cứ vào tám thức phân biệt, năm thức trước trong mọi lúc đều là tính cảnh bất kể hỗ dụng hay chẳng hổ dụng, trong hai thứ biến chỉ là nhân duyên biến, lại cùng năm căn đồng chủng loại. Ý thức thứ sáu có bốn loại:

1- Minh liễu ý thức gồm cả ba cảnh, cùng với năm thức trước đồng duyên năm trần thật, ban đầu trực tiếp trong tâm là tính cảnh; niệm sau duyên các sắc giả trên năm trần như vuông, tròn, dài, ngắn v.v… là hữu chất độc ảnh, cũng gọi là tựa đới chất cảnh.

2- Tán vị độc đầu ý thức, cũng gồm cả ba cảnh, phần nhiều là độc ảnh, vì duyên cả pháp hữu chất, vô chất trong ba đời. Lúc duyên tự thân hiện hành của tâm và tâm sở là đới chất cảnh. Lúc duyên tự thân năm căn và duyên tâm và tâm sở người khác là độc ảnh cảnh, cũng gọi là tựa đới chất cảnh.

Lại độc đầu ý thức nơi sát-na ban đầu duyên năm trần, chút phân duyên thật sắc cũng gọi là tính cảnh.

3- Định trung ý thức cũng gồm cả ba cảnh, vì duyên cả pháp hữu chất, vô chất trong ba đời, là độc ảnh cảnh. Lại vì hay duyên tự thân hiện hành tâm, tâm sở là đới chất cảnh. Định vị hữu lậu của những bậc dưới Thất Địa cũng hay dẫn khởi năm thức, vì duyên năm trần tức là tính cảnh.

4- Mộng trung ý thức, chỉ là độc ảnh cảnh.

Thức thứ bảy chỉ là đới chất cảnh. Thức thứ tám tâm vương này chỉ là tính cảnh, vì nhân duyên biến, năm món tâm sở tương ưng như tác ý v.v… là tựa đới chất chân độc ảnh cảnh.

Hỏi: Ba cảnh lấy gì làm thể ?

Đáp: Thứ nhất tính cảnh dùng năm trần thật làm thể, vì đủ tám pháp. Tám pháp là bốn đại: đất, nước, gió, lửa và bốn vi: sắc, hương, vị, xúc. Nói theo hữu vi, nếu hay duyên các pháp hữu lậu, ngoại trừ thức thứ bảy, bảy thức còn lại đều lấy tự tâm và tâm sở làm thể.

Thứ hai độc ảnh cảnh lấy tướng phần hư giả do kiến phần thức thứ sáu biến ra làm thể, hay duyên tự tâm, tâm sở làm thể.

Thứ ba đới chất cảnh là biến khởi tướng phần hư giả trung gian làm thể; nếu hay duyên các pháp hữu lậu, chỉ lấy tâm tâm sở của thức thứ sáu và thứ bảy làm thể.

Thành Duy Thức Luận Xu Yếu Chí nói: “Chân sắc chân tâm đều là sở duyên, tướng phần được biến đều gọi là tính cảnh. Hoặc tâm hay duyên mà chẳng vọng chấp phân biệt tính toán gọi là chân tâm. Chân tâm duyên cảnh chân sắc, tướng phần được biến gọi là tính cảnh. Nếu tâm duyên tướng phần được biến của tâm, vì tướng phần không thật chỉ là đới chất. Tính là thể, thể tính là thật nên gọi là tính cảnh. Độc ảnh, độc là một mình; chỉ có ảnh tượng mà không có bản chất cho nên gọi là độc, như duyên các tướng lông rùa, gái đá… Hoặc tuy có tướng phần bản chất nhưng chẳng thể huân tập chủng tử bản chất ấy, không thể trông mong bản chất mà chỉ có bóng giả, cũng gọi là độc, như tâm phân biệt duyên tướng vô vi và tướng tâm sở của thức thứ tám; những cái khác y theo đây mà biết”.

Cảnh đới chất, chất là hình thể theo Chu Dịch; đới gọi là thân (sợi dây thắt lưng) theo Thuyết văn, thân nghĩa là buộc lại. Theo Phương ngôn, đới nghĩa là hành. Nay nói đới chất gồm cả hai nghĩa. Nếu y cứ Thuyết văn là nghĩa mang đeo như sợi dây thắt lưng. Nếu y cứ Phương ngôn thì nhờ ảnh mà chất sinh, như do con đường mới có nghĩa đi (hành). Tướng phần này tuy có năng huân chủng tử của chính mình và bản chất nhưng không có thực dụng, như duyên tâm tướng, tâm của tướng phần không có tác dụng suy nghĩ.

Thông tình bản, tình là kiến phần, bản là bản chất; hiển bày tướng sở biến tùy kiến phần, tùy bản chất để phán định hai nghĩa chủng tính bất định.

Lại cảnh có hai thứ:

1- Chúng sinh biến kế sở chấp tình cảnh, ngoài tâm thấy pháp gọi là cảnh.

2- Chư thánh tự tại đức dụng trí cảnh, vì từ tâm hiện làm thành cảnh trí diệu dụng.

Lại có hai thứ:

1- Phân tể cảnh, vì rộng lớn vô biên.

2- Sở tri cảnh, vì chỉ có Phật mới biết hết.

Lại có hai thứ:

1- Cảnh của tâm, vì duy tâm hiện; bày cảnh ngoài tâm không tâm, bày tâm ngoài cảnh không cảnh, vì thường họp thành một vị.

2- Cảnh của cảnh giới, nghĩa là tâm cảnh vô ngại, ẩn hiển đồng thời, thể dụng tương thành, lý sự cùng hiện.

Hỏi: Ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm tại sao lại nói tâm, nói cảnh ?

Đáp: Trước đã nói rõ, cần gì chấp nữa, về lý nhất tâm tứ phần, giáo không sai, có cảnh có tâm mới thành duy thức, như lúc tâm duyên cảnh hẳn có tướng phần, như lúc gương soi mặt ắt có hình bóng của mặt.

Lượng nói: “Tâm duyên cảnh là có pháp, trên tâm hẳn bám vào bóng dáng của cảnh”. Tông nhân nói: “Tâm đối với ngoại chất giống như gương soi mặt”.

Hỏi: Trí cảnh chỉ có một, vì sao chia làm nhiều thứ ?

Đáp: Trí phân do cảnh nên có chân tục sai biệt; cảnh từ trí lập bày phàm Thánh chẳng đồng. Y cứ tác dụng dường như nhiều thứ, xét thể tính vốn là một. Như Khởi Tín Sao ghi: “Cảnh trí là một hay là khác. Đáp: Trí thể không hai, cảnh cũng không hai. Trí không hai, nghĩa là chỉ là một trí mà nghĩa dụng có khác, biết nơi chân gọi là chân trí, biết chỗ tục gọi là tục trí. Cảnh không hai, nghĩa là sắc tức là không là chân cảnh, không tức là sắc là tục cảnh. Do đây lúc chứng chân hẳn phải rõ tục, lúc rõ tục ắt phải chứng chân, rõ tục vô tính chính là chân không, đâu có trước sau huống chi không có cảnh ngoài tâm thì làm gì có tâm ngoài cảnh, chính tâm cảnh dung nhiếp tự tại là một pháp giới”.

Hỏi: Lý sự về nhất tâm nhị đế chẳng phải hư dối, chứng lý tính mà thành chân, xét sự thật mà có tục, đều đầy đủ nghĩa cực thành, chẳng hoại môn nhị đế, Đại thừa và Tiểu thừa cùng chung kiến lập. Thế nào là nghĩa cực thành ?

Đáp: Chỗ thành tựu quyết định chẳng dời đổi, tùy chân tùy tục đều có đạo lý. Luận Du Già nói: “Một là thế gian cực thành chân thật, hai là đạo lý cực thành chân thật”.

Thế gian cực thành chân thật, nghĩa là đối với các sự việc ấy, tất cả thế gian tùy thuận giả lập, thấy sự ngộ nhập giác tuệ với thói quen thế tục cùng một tính, nghĩa là đất chỉ là đất, chẳng phải là lửa v.v… cho đến khổ chỉ là khổ, chẳng phải là vui v.v…, vui chỉ là vui, chẳng phải là khổ v.v…

Nói tóm lại, pháp nào ra pháp nấy, quyết định thấu rõ các cảnh vận hành, tất cả thế gian từ chỗ chân thật biểu hiện linh động cùng thành lập sự phân biệt của chính mình, chẳng do tư duy suy lường quán sát rồi sau mới nắm lấy, đây gọi là thế gian cực thành chân thật.

Đạo lý cực thành chân thật, nghĩa là nương tựa hiện lượng, tỷ lượng và giảo lượng khéo léo tư duy chọn lọc quyết định biết điều hiểu biết, việc phải làm, do chứng được đạo lý nên nghĩa được lập bày, đây gọi là đạo lý cực thành chân thật.

Hỏi: Văn nghĩa đều bài bác lìa thức có sắc, giáo lý chứng minh ngoài tâm không trần, nhưng dựa vào danh ngôn huân tập những kiến chấp thế gian bền chắc, nếu chẳng phân tích kỹ lưỡng thì khó thể chính tín trọn vẹn. Như ngoại sắc hoặc thô, hoặc tế, làm thế nào suy xét nó vốn không, phân biệt rõ ràng thành tựu duy thức ?

Đáp: Sắc thô tế đều từ thức biến; đã từ thức có ngoại sắc thì nó hoàn toàn không, vì thế kinh nói: “Sắc tính tự không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không”. Vì người chưa rõ nên lại phân tích chia chẻ cho đến cực vi mới tin là có cái không. Thức luận nói: “Các thừa khác chấp lìa thức thật có các pháp như sắc v.v… làm sao phi hữu ? Vì sắc bị chấp chẳng tương ưng với hành và các lý vô vi phi hữu”.

Sắc bị chấp gồm có hai thứ:

1- Hữu đối cực vi sở thành; 2- Vô đối phi cực vi thành, sắc hữu đối quyết định chẳng phải thật có, vì có thể thành cực vi chẳng phải thật có, nghĩa là các cực vi nếu có chất ngại như chiếc bình v.v… là giả chẳng phải thật. Nếu không chất ngại thì lẽ ra như phi sắc thì làm sao có thể tập họp thành chiếc bình, cái áo v.v… Lại nữa, nếu các cực vi có thành phần ắt có thể phân tích bèn chẳng phải thật có. Nếu không có thành phần thì như phi sắc, cho đến tuy phi vô sắc mà là thức biến, nghĩa là lúc thức sinh, năng lực nhân duyên bên trong biến tợ tướng phần nhãn v.v…, sắc v.v… hiện bèn lấy tướng này làm sở y duyên. Nhưng nhãn căn v.v… chẳng phải có hiện lượng, vì hay phát thức nên so sánh biết là có, đây chỉ là công năng, chẳng phải là sắc hữu đối bên ngoài. Lý đã chẳng thành nên lẽ ra chỉ là nội thức biến hiện, phát ra nhãn thức gọi là nhãn căn, đây là chỗ nương sinh ra nhãn thức. Ngoại sở duyên duyên của nhãn thức theo lý chẳng phải có, quyết định cho rằng những gì tự thức biến ra làm sở duyên duyên, nghĩa là hay dẫn sinh tợ tự thức, cho đến do đây quyết định biết những gì tự thức biến ra lấy các tướng sắc v.v… làm sở duyên duyên, vì cái thấy nương gá tướng kia sinh khởi. Nhưng lúc thức biến tùy lượng lớn nhỏ chợt hiện một tướng, chẳng phải riêng biến làm nhiều cực vi rồi họp thành một vật là chấp sắc thô có thật thể. Phật nói cực vi là khiến họ phân tích trừ dẹp, chẳng phải nói rằng các sắc thật có cực vi. Các sư Du-già dùng trí tuệ giả tưởng phân tích dẹp trừ các sắc tướng thô, cho đến chẳng thể phân tích được nữa tạm nói là cực vi. Tuy cực vi này vẫn có thành phần nhưng không thể phân tích. Nếu còn phân tích nữa thì dường như có cái không, chẳng gọi là sắc nên nói cực sắc là bờ mé của sắc. Do đây nên biết các sắc hữu đối đều do thức biến hiện, chẳng phải do cực vi tạo thành. Các sắc vô đối khác thuộc loại này nên cũng chẳng phải thật có, hoặc vì vô đối như tâm và tâm sở quyết định chẳng phải thật sắc. Các sắc hữu đối hiện có sắc tướng, dùng lý suy xét lìa thức còn không có, huống là sắc vô đối hiện không sắc tướng mà có thể nói là sắc pháp chân thật.

Hỏi: Biểu sắc và vô biểu sắc chẳng ở ngoài thân, những động tác bên trong hiển hiện chẳng phải hư rỗng. Luận Thành Nghiệp có bài kệ:

Do ngoài phát thân ngữ
Bày suy nghĩ trong tâm,
Như cả ẩn đáy nước
Biểu hiện bằng dấy sóng.

Như thế biểu sắc và vô biểu sắc là thật có chăng ?

Đáp: Thức luận nói: “Nếu thân biểu sắc là thật có thì lấy gì làm tính; nếu nói là hình thì chẳng thật có, vì có thể phân tích, vì cực vi chẳng thật có; nếu nói là động cũng chẳng phải thật có, vì vừa sinh liền diệt, không có nghĩa động, vì pháp hữu vi diệt chẳng đợi nhân; nếu đợi nhân mới diệt lẽ ra chẳng phải diệt. Nếu nói hữu sắc phi hiển phi hình, nhờ tâm dẫn dắt khiến cho cử động tay chân, đây gọi là thân biểu nghiệp”. Lý này cũng chẳng đúng. Nếu là nghĩa động như ở trước đã phá, nếu là nguyên nhân của động phải là gió, gió không có sự biểu thị chẳng nên gọi là biểu, vì thế thân biểu nghiệp quyết định chẳng phải thật có. Tâm là nguyên nhân khiến cho các sắc tướng do thức biến sinh diệt nối nhau xoay chuyển các phương dường như có động tác, biểu thị tâm nên tâm gọi là thân biểu. Năm uẩn cũng chẳng phải thật có thanh tính, vì trong một sát-na âm thanh không có sự biểu hiện, vì nhiều niệm nối nhau bèn chẳng phải thật, vì sắc hữu đối bên ngoài đoạn trước đã phá. Nhưng nhờ tâm nên thức biến tợ âm thanh sinh diệt nối nhau dường như có biểu thị, tạm gọi là ngữ biểu, đối với lý không trái. Biểu đã không, vô biểu làm sao thật! Nhưng nương nơi sự suy nghĩ mong được thiện ác có phần hạn tạm lập vô biểu, lý cũng chẳng trái.

Hỏi: Trong kinh nói có ba nghiệp, quả báo thiện ác chẳng thăng trầm quá đáng, tại sao bác là không, đâu chẳng trái giáo sao ?

Đáp: Chẳng bác là không, vì nó hiển bày thức, xét kỹ nó chẳng thật, nơi môn thế tục khéo tùy thuận thành lập. Thức luận nói: “Chẳng bác là không chỉ nói là chẳng phải sắc, có thể động thân tư gọi là thân nghiệp; có thể phát ngữ tư gọi là ngữ nghiệp; thân tư và ngữ tư tương ưng với ý, tác động ý nên gọi là ý nghiệp. Khởi thân ngữ ý có chỗ tạo tác gọi là nghiệp. Vì là chỗ hoạt động của sự suy nghĩ thẩm quyết, vì sinh ra các quả khổ, vui, dị thục nên cũng gọi là đạo. Hoặc thân ngữ biểu hiện do sự phát sinh sai biệt nên tạm gọi là nghiệp, vì là nơi hoạt động của sự suy nghĩ nên gọi là nghiệp đạo. Vì thế nên biết thật không có ngoại sắc, chỉ có nội thức biến tợ sắc sinh.

Hỏi: Bất tương ưng hành là thật có chăng ?

Đáp: Thức luận nói: “Bất tương ưng hành cũng chẳng phải thật có. Vì sao ? Vì sắc chẳng phải sắc, chẳng phải như sắc tâm và các tâm sở có thể tướng để được, chẳng phải dị sắc tâm và các tâm sở có tác dụng để được, vì thế nên biết quyết định chẳng phải thật có, chỉ nương nơi phận vị như sắc v.v… tạm lập, đây quyết định chẳng phải dị sắc tâm và tâm sở có thể dụng chân thật.

Hỏi: Tâm không hai quyết định không có tưởng dị thục thì lẽ ra dị sắc tâm v.v… phải có thật tính ? Nếu không có thật tính lẽ ra chẳng thể ngăn tâm và tâm sở khiến chẳng hiện khởi ?

Đáp: Thức luận nói: “Ở địa vị vô tâm riêng có thật pháp, dị sắc tâm v.v… hay ngăn tâm gọi là vô tam định; lẽ ra lúc không có sắc sẽ riêng có thật pháp, dị sắc tâm v.v… hay chướng ngại sắc gọi là vô sắc định”. Cõi vô sắc còn chẳng có thật pháp huống chi cõi này ?

Lại ngăn ngại tâm cần gì thật pháp, như bờ đê hay ngăn nước, nghĩa là lúc tu định, nơi định gia hạnh, vì nhàm chán tâm và tâm sở thô động phát sinh mong muốn ngăn tâm và tâm sở thô động, nghĩ đến tâm tâm sở vi tế. Lúc tâm vi tế huân dị thục thức thành các thứ tâm tột nhàm chán, do đây đè nén các thứ tâm thô động khiến cho tâm chẳng hiện hành. Nương nơi phận vị này tạm lập ra hai định, loại thiện này cố định cũng gọi là thiện, vì vô tưởng định ở trước cầu quả vô tưởng nên huân tập thành chủng tử chiêu lấy dị thục thức, nương đây tưởng thô động chẳng hiện hành. Nơi phận vị này tạm lập vô tưởng, nương nơi dị thục đặt tên gọi là dị thục, vì thế ba pháp này cũng chẳng phải thật có.

Hỏi: Thế gian nương nơi tưởng kiến lập pháp hữu vi đều hư rỗng, tục thế được tạo ra từ thức, môn vô thể đều giả dối. Văn cú trong Thánh giáo diễn bày là do tướng lưỡi rộng dài tuyên nói, do diệu quan sát trí diễn bày tại sao gọi là chẳng thật ?

Đáp: Chư Thánh giảng nói đạo lý đều nương nơi văn tự thế tục, do đó Phật dạy các học giả trong ba thừa chỉ y nghĩa chớ y ngữ, tạm mượn giáo để sáng tâm, cho nên văn tự đều không tự tính và từ thức biến. Luận Quảng Bách Môn nói: “Các thế gian biến hiện theo tự tâm nghĩa là các chữ hòa hợp làm danh, các danh hòa hợp làm cú, danh cú này hay có sở thuyên; năng thuyên sở thuyên đều từ tâm biến. Những gì do tâm biến tình có lý không, bậc Thánh trong ấy thấy biết như thật. Thấy biết thế nào ? Nghĩa là các pháp ấy là đều do vọng thức phân biệt của phàm phu tạo ra, hư giả chẳng phải thật, tục có chân không, tùy thuận thế gian tạm nói là có.

Hỏi: Âm thanh có thể nghe, sắc trần có thể thấy đều nói là do tâm biến. Như thời gian vô tướng lẽ ra là thật có ?

Đáp: Hữu tướng còn không, vô tướng làm sao có ? Thời gian cũng vô thể, dài ngắn do tâm, bắt đầu từ một niệm, cuối cùng thành một kiếp. Nếu niệm chẳng khởi, thời kiếp vốn không, chỉ có thời lượng ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều là thời của duy thức.

Phẩm Phá Thời trong luận Quảng Bách nói: “Lại nữa, tất cả hoặc giả, hoặc thật đều nương vào giả tướng thế tục bày ra, tại sao các ông cố chấp các pháp đều là thật thể”.

Hỏi: Nếu tất cả pháp đều chẳng thật có, tại sao thấy rõ ràng trước mắt ?

Đáp: Bóng trong gương, trăng đáy nước, thành Càn-thát-bà, cảnh trong mộng, việc ảo thuật, mặt trăng thứ hai v.v… có thể thấy rõ ràng chẳng lẽ là thật có sao ?

Những điều thế gian thấy đều không có thật, tại sao với pháp hiện chứng là lúc giác ngộ thấy tất cả chẳng phải chân, là duyên vào thức, như những việc trong chiêm bao mà tâm thấy quyết định chẳng phải chân, những gì do loạn thức duyên lấy như mặt trăng thứ hai. Như vậy tuy không có pháp thể chân thật mà có thể làm cảnh sinh tâm hiện thấy, do đây linh động phát sinh nhớ nghĩ, trước sau đều duyên chẳng phải thật có cảnh. Thế nên không thể sinh nhớ nghĩ, chứng pháp là chân. Pháp đã không chân, thời gian làm sao thật!

Hỏi: Nếu duyên vọng cảnh sinh ra cái thấy điên đảo, cảnh có thể là giả, cái thấy phải là thật ?

Đáp: Cảnh đã là giả, cái thấy làm sao thật ? Như trong chiêm bao, nhãn thức duyên cảnh sắc, lúc tỉnh dậy biết hai việc ấy đều không; cảnh hư vọng và tâm điên đảo cũng thế, phàm phu cho là có, bậc Thánh biết là không.

Hỏi: Có điên đảo nên tâm cảnh đều giả, không điên đảo tâm cảnh lẽ ra là thật ?

Đáp: Thế tục như vậy, thắng nghĩa chẳng phải thế. Vì trong thắng nghĩa đều bặt nói năng, suy nghĩ. Nơi thắng nghĩa đều bặt nói năng, suy nghĩ, tại sao luôn nói tâm cảnh là giả là phá chấp thật nên nói giả. Nếu chấp thật đã trừ thì giả cũng chẳng có. Nói thật, nói giả đều là trừ chấp. Y theo tục đế nói chẳng phải đến thắng nghĩa; thắng nghĩa đế cũng là giả lập, vì trái với thế tục chẳng phải có lời nói cố định.

Hỏi: Tâm cảnh hiện tại thấy nói là không, cảnh tâm nhớ nghĩ làm sao chẳng có ?

Đáp: Hiện tại thấy còn không, nhớ nghĩ làm sao có!

Hỏi: Nếu tất cả pháp chẳng phải thật có, tại sao thế gian hiện tại tạo thiện ác ? Nếu không có thiện ác thì khổ vui cũng không, đây là bác không nhân quả. Nếu bác không nhân quả thì không tà kiến, sao chẳng sợ tội của tà kiến này ?

Đáp: Lạ thay! Kẻ thế gian ngu si khó tỏ ngộ, chỉ biết sợ tội mà chẳng biết nguyên nhân tạo tội. Mọi nhân quả thiện ác khổ vui, thế tục thì có, trong thắng nghĩa thì không, ta y theo thắng nghĩa nói không thật có, chẳng phải bác thế tục sao thành tà kiến! Trong thế tục chấp có thắng nghĩa thì chẳng gọi là chính lý, đây là tà kiến. Hiện nay trong đây vì phá sự chấp trước về thời gian, đại lược các pháp tục có chân không.

Người xưa giải thích: Ba thời thuyết pháp của Như Lai, có người cho là một thời ba đời, mười đời đều từ tâm năng biến sinh ra, ngoài không có cảnh ba đời, lìa ngoài tự tâm các pháp vô thể, như Thế Tôn nói Di-lặc thành Phật, tức là người nghe ở trên tự tâm biến ra tướng phần quá khứ sinh khởi. Thế Tôn đáp: Từ nay đến 12 năm sau ắt được vãng sinh, tức là trên tâm của người nghe lại biến ra tướng phần vị lai sinh khởi. Tâm năng biến là hiện tại, thời quá khứ không có thật cảnh đều từ tâm biến; chỉ tùy phần hạn của tâm biến khởi lúc dài lúc ngắn. Thế nên thời gian do tâm lập, không có tính cố định, do hiện tại nên có quá khứ, vị lai; nhân dài có ngắn; nhân một niệm có đại kiếp. Nếu không có tâm hiện tại làm sao có quá khứ, vị lai ?

Tây Vực Ký ghi: “Xưa có ẩn sĩ kết am giấu kín tông tích, chuyên nghiên cứu tu tập thần lý, có thể biến gạch đá thành châu báu, biến người thành súc sinh, nhưng chưa thể cưỡi gió mây, ông ta xem đồ hình trong sách xưa lại cầu phép tiên. Cách cầu tiên như sau: Trước hết phải xây dựng đàn tràng sai một liệt sĩ chống trường kiếm đứng ở góc đàn, im hơi lặng tiếng từ tối tới sáng; người cầu tiên ngồi giữa đàn, chống trường kiếm, tụng thần chú, thu nhiếp sáu căn, đến sáng được lên tiên. Đã được phép tiên trong vài năm tìm liệt sĩ không được, về sau gặp được một người, trước kia làm thuê chịu gian khổ năm năm, một ngày nọ người ấy do phạm lỗi bị đánh phạt, lại không được trả tiền nên buồn khổ đi lang thang trên đường. Ẩn sĩ thấy số mạng người này rất tốt có thể làm liệt sĩ. Ẩn sĩ nói: “Nhiều năm tôi vất vả tìm kiếm hôm nay may mắn được gặp người có dung mạo lạ lùng giống như đồ hình là ông đây, chỉ mong ông im lặng một ngày được không ?”.

Người ấy nói: “Dù chết còn chẳng từ, huống chi im lặng”. Khi ấy, ẩn sĩ lập đàn thực hành pháp tu tiên; suốt ngày chỉ nghĩ đến pháp tu. Ẩn sĩ tụng chú, liệt sĩ chống kiếm chờ cho đến sáng. Bất chợt liệt sĩ kêu to tức thời trên không trung lửa hạ xuống như đám mây nóng, ẩn sĩ nhanh chóng dẫn người này vào ao nước lánh nạn, ông ta hỏi: “Đã bảo ông im lặng sao lại kêu la”. Liệt sĩ nói: “Đang lúc làm nhiệm vụ, đến tối tôi có cảm giác mờ mịt như chiêm bao, chợt thấy chuyện xưa hầu hạ chủ nhân hết dạ; tuy cảm thâm ân chẳng nói mà còn bị đánh đập đến chết, thác sinh vào nhà Đại bà-la-môn ở Nam Ấn Độ, cho đến xuất thai chịu nhiều khổ ách cũng lặng thinh; cho đến tuổi đôi mươi, mỗi khi nhớ ân trước nên im lặng, cả nhà thân thích đều lấy làm lạ. Hơn 60 tuổi mới có một đứa con trai, người vợ nói: “Nếu ông làm thinh hoài tôi sẽ giết đứa nhỏ”. Tôi tự nghĩ: “Cả đời mình chỉ có một đứa con trai đâu nỡ nhìn nó chết”, để ngăn cản vợ nên tôi bèn hét lên.

Ẩn sĩ nói:

– Đó là lỗi của tôi, bị ma quấy nhiễu.

Liệt sĩ cảm kích việc ấy bực tức mà chết”.

Cho nên biết nằm mộng và thức tỉnh mọi việc đều là duy tâm, thời gian dài ngắn chẳng lìa một niệm, thế nên dẫn chuyện lúc chiêm bao để rõ lúc tỉnh thức.

Phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa nói trong chiêm bao vào địa ngục, thành đạo, độ sinh trải qua vô lượng thời gian chỉ trong tâm chiêm bao của một đêm. Do đó luận Vô Tính Nhiếp có bài tụng:

Trong mộng trải nhiều năm
Tỉnh ra là khoảnh khắc
Thời gian tuy vô lượng
Chỉ trong một sát-na.

Chứng tỏ trên tâm người nghe tự biến thời gian dài ngắn, thật ra chỉ là tâm và tâm sở hiện tại. Cho nên Nghĩa Hải nói: “Như khi thấy trần, là do một niệm tâm hiện, thời gian một niệm tâm này toàn là trăm nghìn đại kiếp thành, vì sao ? Vì trăm nghìn đại kiếp vốn do một niệm làm thành. Đại kiếp đã thành lập nhờ tương quan nên không có tự tính, cho đến tất cả sự vật ba đời trong thế giới xa gần của Phật và chúng sinh đều hiện trong một niệm, vì sao ? Vì tất cả các pháp nương nơi tâm mà hiện; niệm đã vô ngại, pháp cũng dung nhiếp nhau, thế nên một niệm liền thấy sự vật ba đời rõ ràng. Vì vậy kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Một niệm quán khắp vô lượng kiếp,
Không đến, không đi cũng không dừng.
Như thế biết rõ việc ba đời
Siêu việt phương tiện thành thập lực.

Lại tụng:

Ban đầu một niệm, sau thành kiếp
Thảy đều từ tâm tưởng chúng sinh
Tất cả sát hải kiếp vô biên
Vì một phương tiện đều thanh tịnh.

Lại tụng:

Hoặc từ biển tâm sinh
Theo tâm mà biết trụ
Như huyễn không nơi chốn
Tất cả là phân biệt.

Cho nên biết không gian bao gồm vô số cõi nước, thời gian trải suốt a-tăng-kỳ đều là một niệm tâm, thuở trước sau bặt dứt. Đã không cõi lớn nhỏ, cũng không có thời gian dài ngắn, dùng một môn phương tiện duy tâm khiến cõi chúng sinh đều thanh tịnh, vì sao ? Vì biết cảnh chỉ do vọng thức phân biệt thì chẳng khởi tâm; vì tâm chẳng khởi nên vọng cảnh chẳng hiện; vọng cảnh chẳng hiện thì pháp tịnh cấu không chỗ nương, tưởng thô chẳng sinh, thời gian dài ngắn tự dứt. Trong giáo nói kiếp lượng dài ngắn đều là phương tiện khéo léo độ người, hoặc vì chúng sinh khiếp nhược nói thành Phật chỉ trong sát-na, hoặc vì chúng sinh giải đãi nói cần phải trải qua a-tăng-kỳ kiếp. Nếu là ý chỉ thành Phật thì nhất tế không sai, lời nói dài ngắn đều quy về quyền trí.

Người xưa giải thích:

Một phương tiện là rõ duy tâm, một niệm và một kiếp đều do tưởng tâm, tâm tưởng chẳng sinh dài ngắn bình đẳng; chẳng phải dài chẳng phải ngắn là thanh tịnh. Chẳng hoại tướng thì kiếp hải vô biên cho nên biết tất cả các pháp đều không tự thể, đều chẳng bền chắc, chỉ từ tưởng sinh, nếu chấp là thật chỉ là điên đảo. Do đó kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh ghi: “Ngài Văn-thù-sư-lợi bảo A-nan: Phàm phu và Tiểu thừa cho mặt trời là ban ngày, vì không có trí tuệ; vì sao ? Nếu cho ban ngày là chân thật, là thường trụ, là bền chắc lẽ ra có tích tụ, chẳng có quá khứ, chỉ có ban ngày, chẳng có ban đêm.

Hỏi: Thời gian ba đời đã từ tâm biến, trong tám thức, nó duyên thức nào ?

Đáp: Người xưa giải thích: Chỉ duyên ý thức, nghĩa là một pháp thời gian là giả, nó chẳng thể duyên năm thức trước và thức thứ tám. Thức thứ bảy lại thường duyên kiến phần thức thứ tám làm ngã, vì luôn vô phân biệt. Chỉ có thức thứ sáu có thể duyên. Lại trong bốn loại ý thức, chỉ có minh liễu ý thức chẳng thể duyên, vì thời gian là giả. Ba thứ định trung, mộng trung, độc tán đều có thể duyên. Nếu y cứ ba cảnh thì chỉ là độc ảnh cảnh.

Hỏi: Các pháp hữu vi trong bất tương ưng hành dường như có tác dụng lẽ ra chẳng lìa thức, sáu pháp vô vi không có tác dụng lẽ ra lìa sắc tâm có thật tính ?

Đáp: Pháp hữu vô đều nương nơi thức biến, năm pháp vô vi như hư không đều nương nơi vọng thức biến ra; chân như vô vi là tính của tịnh thức cũng chẳng lìa thức, cho đến tất cả tính tướng hữu, vô, chân, giả lìa chân duy thức tính không thật có.