TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch
QUYỂN 21
Hỏi: Tất cả pháp chân tục đều có hành tướng lý sự thông biệt, quả báo rõ ràng, vì sao chỉ hướng đến việc diệt trừ ngã chấp, nhưng chưa vào tông này e trở thành không kiến ?
Đáp: Được gốc mới biết ngọn, chấp ngọn thì trái tông. Nếu không quán tâm pháp không có chỗ đến mà chỉ tu hạnh hữu vi, không đạt tự tâm vô vi thì mê sự mất tông, quả thuộc về sinh diệt. Nếu thể hội nơi lý, thực hành nơi sự, song chiếu không trái nghịch, chỉ e tu lệch lạc lý sự đều mất. Như kinh Đại Bảo Tích ghi: “Giả sử xây cất bảo tháp nhiều như cát sông Hằng cũng không bằng trong sát-na tư duy kinh này”. Chỉ có nhất tâm là gốc của vạn hạnh, nó có thể khởi đồng thể đại bi, vô duyên giáo hóa. Như Khởi Tín Sao ghi: “Nếu tin một vị không lý thì ưa chán đều dứt. Nếu tin toàn bộ pháp tướng thì Thánh phàm cách biệt, không thể khởi hạnh tiến tu. Nay bảo tin nhất tâm là nguồn gốc của phàm Thánh, chỉ vì mê ngộ mà sai khác, có thể khởi hạnh tiến tu cầu Phật quả. Biết rằng chân tâm không giữ tự tính mà tùy duyên thăng trầm, quả báo rõ ràng. Lại tùy duyên chẳng mất tự tính, duyên giả không thật cảnh trí đều tịch”. Do đó luận Khởi Tín nói: “Tuy nghĩ các pháp tự tính không sinh, rồi lại nghĩ nhân duyên hòa hợp nghiệp thiện ác, báo khổ vui v.v… chẳng mất chẳng hoại”. Tuy nghĩ nhân duyên thiện ác nghiệp báo mà cũng nghĩ ngay đến tính bất khả đắc. Hoặc nói quả báo chẳng mất thì cần phải tu đủ vạn hạnh. Hoặc nói tính bất khả đắc thì phải biết chỉ là nhất tâm. Vả lại, bước đầu của vạn hạnh không gì bằng giữ năm giới. Nếu nương vào sự tướng thì được báo nhân thiên, Tạng giáo chỉ chứng vô thường, Thông giáo rỗng không không có tự tính, Biệt giáo nói nhân quả riêng biệt không dung nhau, Viên giáo nói quán tâm thì đầy đủ pháp giới. Do đó kinh Đại Niết-bàn ghi: “Tuy tin tướng sai biệt, không tin một thể không có tướng sai biệt, gọi là lòng tin chẳng đủ”. Vì lòng tin chẳng đủ nên cấm giới cũng không đủ, nên sự nghe thấy cũng không đủ. Thế nào là tin chẳng đủ ? Chưa rõ một pháp là tất cả pháp, tin như thế đủ sao ? Thế nào là giới chẳng đủ ? Chẳng biết giới tính như hư không, giới như vậy đủ sao ? Thế nào là nghe chẳng đủ ? Chưa nghe Như Lai thường không nói pháp, đây là nghe thấy đầy đủ, nghe như thế đủ sao ? Nếu vào Tông Cảnh đâu chỉ giới thiện, nhẫn đến quả đức của chư Phật, vạn hạnh của Bồ-tát không một pháp nào chẳng bao trùm thì niệm niệm liễu tri, pháp pháp viên mãn.
Chẳng hạn như năm giới, giới từ tâm sinh, tâm do giới lập. Nếu tâm không khởi là nền tảng của tứ đức vạn hạnh. Nếu tâm khởi là gốc của lục thú tam đồ thì tất cả thiện ác đều thâu nhiếp.
Cho nên Thiên Thai Giáo nói: Năm giới cũng là pháp môn đại thừa, gom năm giới này làm ba thừa tức là đối với vô lượng tam pháp môn như tam vô thất, tam bất hộ, tam luân bất tư nghì hóa, tam mật, tam quỹ, tam thân, tam Phật tính, tam bát-nhã, tam niết-bàn, tam trí, tam đức v.v… ngang dọc không bờ mé, đồng với hư không pháp giới, cũng là pháp môn vô tận tạng, cũng là vô lượng nghĩa tam-muội. Nói tóm lại chính là tất cả Phật pháp.
Thiên Thai Kim Quang Minh Kinh Sớ nói: Năm giới là đại kị của trời đất, trên đối năm vì sao, dưới phối năm ngọn núi, giữa thành năm kho tàng. Kẻ nào phạm giới là lăng mạ trời, xúc phạm đất, tự phá hoại chính mình.
1- Không giết hại: Hại sinh mạng gọi là sự sát, chẳng hại mạng gọi là sự bất sát. Pháp môn giải thích: Phân tích pháp gọi là lý sát, thể hội pháp gọi là lý bất sát.
Nếu tác ý phòng hộ như ngựa có dây cương, như trâu có kẻ chăn thì có quả báo tại cõi người sống được một trăm hai mươi tuổi chỉ được nhục nhãn.
Nếu nhậm vận tính thành như sông chảy về biển, có báo tại sáu cõi trời Dục giới sống được chín trăm hai mươi sáu ức bảy nghìn vạn năm, chỉ được thiên nhãn.
Nếu tu thêm giới, định, tuệ như vô thường, khổ, không vô ngã, có báo tại biến dịch, thọ bảy trăm a-tăng-kỳ, chỉ được tuệ nhãn.
Nếu tu thêm huệ thường vô thường, có báo tại biển Liên Hoa Tạng, thọ pháp tính thân, được một phần ngũ nhãn, được một phần thường thọ, so với Phật thì các căn chưa đầy đủ, thọ mạng kém hơn.
Nếu người trong Viên giáo giữ giới sự bất sát, lại còn giữ giới lý bất sát, chẳng hoại nhân làm người, thường tùy một tướng, chẳng đoạn si ái, khởi tâm giải thoát, thể hội ấm giới nhập không thể phá hủy, hoặc hạt giống, hoặc quả chẳng sinh chẳng diệt, thành tựu trí tuệ, nơi cõi tịch quang, thường thọ trạm nhiên, ngũ nhãn đầy đủ, được các căn tự tại, được thọ mạng tự tại, dài ngắn tự tại, dây gọi là trì giới tuyệt đối, các căn đầy đủ thọ mạng chẳng tổn giảm. Người theo Viên giáo đâu chỉ trì giới, vừa sát hại vừa thương xót, vừa có sự sát vừa có lý sát. Như đại vương Tiên Dự giết hại năm trăm bà-la-môn mà vẫn được thấy Phật, thọ mạng mười kiếp.
Lại pháp môn sát là dẹp sạch trần lụy phiền não, như thần cây chặt nhánh không còn oán hận các loài chim, như kiếp hỏa thiêu đốt cây cối, tro than đều mất. Cho nên kinh Lăng Già nói: “Giết cha vô minh, hại mẹ tham ái, dứt oán hận thùy miên, hoại hòa hợp ấm, chặt đứt thân bảy thức”. Nếu có làm thì hiện chứng pháp thân, cái nghịch này chính là thuận. Ương-quật nói: Ta thề dứt ấm giới nhập, không giữ giới bất sát. Tất cả trần lao là hạt giống Như Lai, dứt hết hạt giống này gọi là Phật, thành tựu pháp thân kim cương vi diệu, trạm nhiên ứng tất cả hình tướng chín cõi, tùy theo chỗ thích nghi mà thị hiện thọ mạng dài ngắn, tùy theo chỗ thấy mà dùng các căn thiếu đủ để hóa độ.
2- Không trộm cắp: Không cho mà lấy gọi là trộm, cho mà lấy gọi là không trộm. Theo pháp môn, Phật nói không lấy vật của người gọi là chẳng trộm pháp môn, bồ-đề không cho mà lấy gọi là trộm pháp môn. Nếu giữ giới tạo nghiệp cầu quả theo ý mình, vô thường chóng vánh đều là vật của người, thối như đống phân, hại như thuốc độc, kẻ có trí không nên cầu, tại sao phải chịu đắng nuốt cay tự tổn hại mình, làm sao vượt qua dòng nước xoáy khốn khổ ? Ba chướng chướng Phật, xa lìa đệ nhất nghĩa đây là trộm cắp chẳng phải không trộm cắp.
Lại Nhị thừa dùng trí tứ đế quán thân thọ tâm pháp, chán ghét sinh tử, thích cầu niết-bàn. Khởi tâm cầu niết-bàn tức là lấy vật của người, là thủ chứng phi thời, là chẳng đợi chỗ nói nhân, hạt giống bị thiêu đốt không nảy mầm! thấy khổ, đoạn tập, tu đạo đến hết, đó chẳng phải cầu pháp. Nghĩa là có niết-bàn thì có kiến chấp niết-bàn, nếu có chấp không thì chư Phật không độ, thân cao ba trăm do-tuần, không có hai cánh, đọa vào ba hầm vô vi, đói khát cơ thể gầy yếu sinh ghẻ lở, đâu chẳng phải bần cùng khốn khổ ? Lại chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, chẳng nhập chúng đâu chẳng phải xa lìa đệ nhất nghĩa ? Đây cũng gọi là trộm cắp.
Nếu là người theo Biệt giáo từ cạn đến sâu, bỏ một lấy một, đến rồi lại đến, đi rồi lại đi, đều là kẹt ở tướng đến đi, cũng là không cho mà lấy; lấy rồi lại bỏ cũng là bần cùng; bỏ rồi lại lấy luôn luôn lấy bỏ, là khốn khổ, chẳng tương ưng với đệ nhất nghĩa, tức là xa lìa, đây cũng gọi là trộm cắp.
Người theo Viên giáo quán thật tướng các pháp, thọ cũng không nhận, chẳng thọ cũng không nhận, cũng thọ cũng chẳng thọ cũng không nhận, phi thọ phi chẳng thọ cũng không nhận; chẳng lấy là bồ-đề, vì chướng các chấp thủ; pháp này bình đẳng không có cao thấp. Không cao nên chẳng lấy, không thấp nên chẳng bỏ. Quán như thế là quán Như Lai tạng đầy đủ không thiếu, là hạt châu như ý sản xuất của báu, là cây đàn Tu-la tùy ý phát ra âm thanh, tức là đại phú. Đại phú nên không lấy. Vì là đệ nhất nghĩa nên không xa lìa, đây gọi là giữ giới không trộm cắp một cách tuyệt đối.
Người theo Viên giáo cũng có pháp môn trộm cắp; bồ-đề không cho mà lấy, như biển cả chứa các dòng sông, như đất nâng đở mái hiên. Chúng sinh phải độ, phiền não phải đoạn, pháp môn phải biết, Phật đạo phải thành.
3- Không dâm dục: Nam nữ giao hợp gọi là sự dâm. Giải thích theo pháp môn, nếu tâm tiêm nhiễm các pháp gọi là dâm. Nếu nghiêm cấm thất chi như con vượn giữ chặt bát dầu đi qua đám đông, dứt hết xả lạc, xúc lạc, cầu ngũ dục trong sạch ở vị lai, đây là thêm lớn sự ham muốn, chẳng phải không tham muốn.
Nếu dứt trừ sự tham muốn thô lỗ xấu xa ở cõi Dục, nhiễm trước niềm vui thiền định ở cõi sắc, vô sắc, như sâu bọ ngủ đông, đọa cõi trời Trường Thọ, đây là nạn tham đắm thiền vị gọi là sự trói buộc nghiêm trọng, là tham muốn, chẳng phải không tham muốn.
Nếu ghét sinh tử thích niết-bàn, đi thẳng một đường không quay đầu lại, đối với sắc thanh không nhiễm trước như tám ngọn gió không làm lay động núi Tu-di. Nếu nghe công đức thắng diệu của Bồ-tát, âm thanh tiếng đàn của Chân-ca-la, Ca-diếp nhảy múa không thể kềm chế, đây là tham muốn, chẳng phải không tham muốn.
Nếu Bồ-tát ghét sinh tử như phân nhơ, ghét niết-bàn như chim oán, bỏ nhị biên chỉ trụ trung đạo, khởi thuận đạo, sinh pháp ái gọi là đảnh đọa, là Bồ-tát chiên-đà-la, đã không có phương tiện, trí tuệ bị trói buộc không thể thắng được oán ghét, đây là tham muốn, chẳng phải không tham muốn.
Người theo Viên giáo quán nhất tâm tam đế, tức không thì chỗ nào nhiễm, tức giả thì chỗ nào tịnh, tức trung thì chỗ nào biên, tức không tức giả thì chỗ nào trung ? Vì tức không nên không yêu thích ngã nhân, mười sáu tri kiến, y chính v.v… Vì tức giả nên không yêu thích không, vô tưóng, vô nguyện v.v… Vì tức trung nên không yêu thích Phật bồ-đề, chuyển pháp luân, độ chúng sinh v.v… tam đế thanh tịnh gọi là tất cánh tịnh, chỉ có đức Phật có đủ tịnh giới, những người khác đều là ô giới.
Người theo Viên giáo cũng có pháp môn nhiễm ác như cô gái Hòa-tu-mật-đa, người thấy là nhân nữ, trời thấy là thiên nữ, người nào thấy thì được kiến Phật tam-muội, kẻ nào nắm tay thì được đáo Phật tam-muội kẻ nào kêu tên thì được cực ái tam-muội, kẻ nào ôm thì được minh như tam-muội, cũng như hạnh của ma giới không làm ô nhiễm Bồ-tát biến ra vô lượng thân, có vô lượng thiên nữ theo hầu, thảy đều phát tâm bồ-đề. Lại trước tiên dùng dục lôi kéo rồi sau khiến vào Phật trí, đây là dục mà chẳng phải dục, đem dục dẹp dục, như lấy chốt tháo chốt, lấy âm thanh trừ âm thanh.
4- Không nói dối: Theo pháp môn, chưa được nói được, phàm phu ngu si ở trong khổ tưởng rằng vui rồi sinh ngã mạn, ăn nói ngang tàng, chấp sự tranh luận có với không, không với có, khởi sáu mươi hai tà kiến phá hủy tuệ nhãn, không thấy sự chân thật. Miệng có bốn lỗi. Cõi tam thập tam thiên cho lá vàng sinh tử là vàng thật, cõi phi tưởng cho cõi mình ở là niết-bàn. Đây chẳng phải vọng ngữ thì cái gì là vọng ngữ ? Nhị thừa tranh giành gạch ngói vui mừng nắm lấy, sinh ra ý nghĩ diệt độ, thực ra chưa hết làm sao được diệt độ ? Sinh ra ý nghĩ an lạc nhưng việc làm chưa xong làm sao được an ổn ? Kỳ thực chưa được tất cả giải thoát chưa được nói được đâu chẳng phải vọng ngữ ? Phật vì người theo Biệt giáo, bốn môn nói thật tướng, chấp một môn thì chướng ngại ba môn, cho đến chấp phi hữu phi vô thì chẳng dung hữu vô. Nói về thật tướng thì đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, tại sao dùng đến văn tự, văn tự đối với không văn tự. Tại sao dùng con số, số đối với không số, đâu chẳng phải vọng ngữ ?
Người theo Viên giáo thì như thật quán, như thật nói. Như thật quán là chẳng phải nội quán, cho đến chẳng phải lìa nội ngoại quán, cũng chẳng nhờ vô quán mà được trí tuệ. Như thật nói là tất cả thật, cho đến phi thật, phi bất thật, như thế đều gọi là các pháp thật.
Kinh nói: “Chư Phật đều nói thật”, tức là dùng âm thanh Phật đạo khiến tất cả đều nghe. Người theo Viên giáo cũng có pháp môn vọng ngữ, không có xe nói có xe để dụ dỗ trẻ con, không vui nói vui để dỗ con nít nín khóc. Nếu có chúng sinh nhân nơi hư vọng nói điều lợi ích, đức Phật cũng nói dối như thế.
Như nói: Ta là Thi-lợi tham dục, ta là trời, người, thật ra chẳng phải trời người. Đem hư vọng để ra khỏi hư vọng khiến được không hư vọng.
5- Không uống rượu: Giải thích theo pháp môn, mê hoặc thấy điên đảo gọi là rượu. Rượu là bất thiện, là gốc rễ mọi điều ác. Uống rượu chuốc lấy sự điên cuồng. Ngoại đạo v.v… là thế gian say mê. Đại kinh nói: “Từ xưa đến nay thường bị thanh sắc làm cho say đắm trôi lăn trong sinh tử, người trời trong ba cõi đều có sự say đắm này, Nhị thừa chưa nôn mữa rượu vô minh như người bị sốt rét”. Kinh dẫn ra sự say đắm để quy về. Sự vui vô thường ở thế gian mà nói ngã tịnh, còn thật ngã tịnh của Như Lai thì cho là sự vui vô thường, như kẻ say kia thấy mặt trời xoay chuyển. Đây là sự say sưa của Nhị thừa.
Bồ-tát chưa hết vô minh nên chẳng thấy rõ ràng như ban đêm thấy hình vẽ, như người say thấy đường lờ mờ. Ca-diếp nói: “Từ đây về trước bọn ta đều là kẻ tà kiến”. Đây là sự say sưa của Bồ-tát.
Người Viên giáo thực hành Như Lai hạnh, đầy đủ phiền não tính, có thể biết kho bí mật Như Lai, tuy có nhục nhân mà gọi là Phật nhãn. Những điều đáng thấy không còn thấy nữa, đây là ngũ trụ chính tập nhất thời không còn sót. Pháp đã trừ còn gì để mê ?
Người Viên giáo cũng có pháp môn uống rượu. Ương-quật nói: “Cầm cái bình chân không đựng đầy rượu thật tướng, biến hóa thành ngũ đạo tuyên dương ầm ỉ”. Vua Ba-tư-nặc say rượu thay đổi ân tình, hoàng hầu Mạt-lợi cũng uống rượu. Phật nói khi giữ giới, dù có vào trong quán rượu phải có giữ vững ý chí của mình, cũng lập chí cho người khác. Hễ được pháp môn đó thì nghịch thuận đều nên, người đánh mất cái cán thì cầm dao đứt tay, là biết có thể lấy trần lao phiền não làm Phật sự, đây là thấy tất cả pháp đều là thật tướng. Ở trong nhất tâm thật tướng không thấy có pháp hoạn nạn chướng ngại thì làm sao bỏ ? Cũng không thấy có pháp thù thắng vi diệu xuất thế thì làm sao lấy ? Chỉ vì chưa vào trong môn thật tướng nên thấy có phàm Thánh sai biệt mà sinh lòng ưa thích, chán ghét, rồi theo cơ nghi kia, tùy theo việc làm của họ mà khéo léo hóa đạo khiến cho họ vào pháp môn tự chứng nhất tế bình đẳng, cứu cánh thường lạc. Khai thị như thế chẳng cô phụ tiền nhân. Nếu hiểu tâm tính một cách nhanh chóng như lấy báu vật trong túi là cách nói hay hơn cả, bao quát hết trước sau, mở ra môn đại thí, được cốt tủy của pháp thân chính mình, đạt đến cội nguồn của biển trí nhất tâm. Ban đầu đã nhiếp vô biên và cuối cùng không văn tự để nói.
Hỏi: Giới là quỷ trì, hoàn toàn y theo sự tướng, đại cương được lập từ Luật Tứ Phần. Nay trong Tông Cảnh tại sao xưng là đệ nhất đối với môn vạn hạnh ?
Đáp: Nguyên do của vạn hạnh đều khế hợp chân lý hiển bày cội gốc; nếu trái chân theo ngọn thì không biết giáo tông. Tất cả chúng sinh đều sẵn đủ luật tự tính. Nếu là độn căn thì từ từ dùng tướng chỉ bày, nếu là bậc thượng căn thì ngay nơi tính thuyết minh. Như Phó đại sĩ nói: “Trì luật vốn là chế phục sinh tâm, nay ta không tâm thì đâu cần giới luật !”.
Thủ Lăng Nghiêm nói: “Trì phạm chỉ để thúc liễm thân, chẳng phải thân làm sao trói buộc!” Cơ như thế, giáo như thế đâu cần giới ? Vì đã tự biết mỗi người đều đủ Phật tính giới. Nhưng đối với phàm phu sơ tâm và Bồ-tát ra khỏi giả cũng không hủy hoại sự tướng, giá giới và tính giới thảy đều cùng giữ. Vì sơ tâm tự tu hành căn cơ hạ liệt nên cần lý sự trợ giúp. Vì tu hành lâu dài giáo hóa người viên mãn nên quyền thật đều đầy đủ.
Lại như phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát, chư Phật hễ trì giới thì đều do nhất tâm khởi. Bởi phàm phu hoàn toàn không tự biết giới nhân cấu tịnh do tự tâm sinh, giới quả tội phước sẽ tự tâm thọ. Hàng Nhị thừa dù biết do tâm chuyển biến nhưng chấp có tiền trần. Hàng tiểu Bồ-tát tuy không chấp tiền trần thật có, trụ vô tự tính không, đều không rõ ngoại cảnh vốn không, không này đều do tự tâm biến ra. Bậc đại Bồ-lát thấu rõ duy tâm, không hữu đều mất, vô minh chưa dứt, công đức chưa tròn, lý hạnh còn kém, vẫn ở nơi nhân vị. Chư Phật viên chứng chân duy thức tính, lìa niệm được thanh tịnh, cho nên kinh nói: “Chỉ có Phật giữ tịnh giới, còn những người khác đều là kẻ phá giới”. Như Lục Hạnh Pháp ghi: Căn cứ vào giới thuyết minh tâm người có sáu thứ bất đồng:
Trước hết nói về phàm phu thô lỗ y giới tạo tội, nghĩa là có kẻ ngu si, thân tuy trì giới mà không biết xem xét tâm mình, lại còn không giữ gìn miệng lưỡi, tự cậy mình, xúi người phá giới, do lời nói ác này phá hoại lòng kính tín của người tạo thành tội nghiệp sẽ sinh vào ác đạo.
Kế nói về phàm phu, thân miệng trì giới nhưng chưa học quán huệ chỉ thành những phước hạnh.
Kế nói về Nhị thừa, xuất thế đạo giới, nghĩa là lúc hàng Nhị thừa quán sinh không, lìa sự điên đảo của mình thì thành đạo giới.
Kế nói về tiểu Bồ-tát của Đại thừa, lúc quán tướng không, huệ tâm sáng sạch, lìa các tội chấp lấy tướng gọi là giới.
Kế nói về giới đại Bồ-tát của Đại thừa, nghĩa là quán duy tâm, vốn không ngoại sắc, không có sắc để phá, tướng không cũng không, lìa cái lỗi chấp tướng nên gọi là giới. Đây không giống giới của tiểu Bồ-tát tuy lìa chấp hữu song vẫn còn chấp tướng không. Còn đại Bồ-tát nầy biết không cũng không, không có cái không để chấp thì chứng đại không, cho nên Trí Luận nói: “Phá các pháp không, chỉ còn lại không mà nắm lấy nó”. Đại không là phá tất cả pháp không, không cũng lại không. Bởi văn kinh này chứng minh chấp không là lỗi, đại căn xa lìa lỗi này, nên gọi là giới.
Kế đến nói về Phật giới, nghĩa là chứng duy tâm lìa niệm được thường tịnh, vô minh cấu hết liền thành Phật giới. Chỉ vì trong Phật tâm đầy đủ các công đức, lìa các lỗi nên gọi là giới.
Hàng đại Bồ-tát, tuy đủ các công đức nhưng vô minh chưa hết thì không bằng Phật cho nên tịnh giới của Phật cùng với nhân có khác.
Trên đây nói về sáu cấp bậc trì giới, tuy do ưu liệt bất đồng nhưng đều từ nhất tâm; bởi phàm phu tiểu thừa không rõ duy tâm, chứng không thủ tướng. Thủ tướng (chấp lấy tướng) trở thành vết nhơ tội phước. Chứng không là trái nghịch pháp môn viên thường.
Nếu vào Tông Cảnh tự thành giới đức thì chẳng bị các duyên không hữu làm động, đâu chẳng phải đệ nhất sao ? Giới pháp đã vậy, vạn hạnh cũng thế. Do đó Hoa Nghiêm Luận ghi: “Tiểu thừa giới là tình hữu tông, là chỗ Như Lai lập ra vì phàm phu tạo nghiệp, nói nên làm hay chẳng nên làm, nói thiện hay bất thiện, lập giáo như đây chưa phải thật có, có giáo như đây là căn cứ chỗ hư vọng của phàm tình, bị các điều ác ràng buộc nên dùng giáo lý chế ngự khiến sinh làm người trời”. Cho nên bài tựa về giới nói: Muốn sinh trời người thường phải gìn giữ giới luật, chớ để hủy phạm. Chúng sinh hữu vi tạo nghiệp hư vọng chẳng phải thật đức nên sinh vào trời người. Vô thường hư vọng chẳng phải thật, chưa được pháp thân trí thân, chẳng phải là thật hữu tông. Vì là tính hữu tông ở trong tiểu thừa là quỷ trì giáo. Nhưng kinh Hoa Nghiêm nói về trì giới không giống như trên. Kinh nói: “Thân là phạm hạnh, thân nghiệp bốn oai nghi cho đến Phật Pháp Tăng, thập chúng, thất già, hòa thượng, yết-ma, đàn-đầu v.v… là phạm hạnh chăng ? Như thế quán sát thật kỹ để cầu phạm hạnh hoàn toàn bất khả đắc, thế nên gọi là phạm hạnh thanh tịnh”.
Như phẩm Phạm Hạnh ghi: “Hạnh thanh tịnh như thế gọi là trì tính giới Phật, vì được pháp thân Phật. Cho đến lúc mới phát tâm liền thành Chính giác, vì trì tính giới Phật, đồng với Phật thể, lý sự bình đẳng, cùng chân pháp giới”. Trì giới như thế thì không thấy mình giữ giới, không thấy người phá giới, chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền Thánh, chẳng thấy tự thân phát tâm bồ-đề, chẳng thấy chư Phật thành đẳng Chính giác. Hoặc tốt hoặc xấu hoặc có chút pháp để được thì không gọi là tịnh hạnh, nên quán như thế. Tính giới là pháp thân, pháp thân là trí tuệ Như Lai, trí tuệ Như Lai là Chính giác. Thế nên không giống Tiểu thừa có chỗ lấy bỏ, ở đây tuy không lấy bỏ đối với lý thuyết và thực hành, mà cũng chẳng bỏ phế việc tu hành. Như Hàn Sơn có thơ:
Năm núi đều thành bột
Tu-di một tấc núi
Biển cả một giọt nước
Tưới mát ruộng tâm ta
Sinh trưởng hạt bồ-đề
Bao trùm trời trong trời
Để báo kẻ mộ đạo
Cẩn thận với thập triền.
Cửu kết thập triền tính tuy không tịch, kẻ sơ tâm học đạo cũng nên xa lìa nó. Thế nên chư Phật nói các kinh trước tiên khuyên không nên ở trước các Bồ-tát mới phát tâm mà nói điều này, vì nghĩ bọn họ có chủng tử tập khí nặng nề phát khởi hiện hành, căn cơ cạn cợt, sự tin hiểu còn yếu kém.
Kinh Tịnh Danh nói: “Phật nói tính của dâm nộ si chính là giải thoát”. Lại nói: “Chẳng đoạn trừ dâm nộ si, cũng không ở chung với nó”. Cho nên nói được nó thì ẩn, gần nó thì hiện. Nếu đối với dâm nộ si, tình sinh chấp trước nhận được sự tướng của nó thì đạo ẩn mất. Nếu gần bên khéo quán sát thấu rõ thể tính của nó thì đạo hiện bày. Tuy thấu rõ mà không dính mắc nên nói cũng không ở chung với nó. Nếu chẳng phải hàng Bồ-tát căn cơ thuần thục tu hành đã lâu thì làm sao có thể lý sự vô ngại. Cổ đức có kệ:
Kẻ trồng sâu căn lành
Gặp trần trần chẳng dính
Chẳng phải trần không xâm
Chính do ta vô tâm.
Hỏi: Pháp thân không hình, chân độ như hư không, đều là nhất tâm không phân y chính, tại sao trong giáo nói nhiều về thân độ ?
Đáp: Chỉ ở nơi tính tướng tự tâm mà có tên gọi thân độ. Căn cứ ý nghĩa tướng của tự tâm gọi là thân, ý nghĩa tính của tự tâm gọi là độ.
Thanh Lương Sớ ghi: Hỏi: Pháp tính thân độ là khác hay chẳng khác ? Khác thì không gọi là pháp tính, vì tính không hai. Chẳng khác thì không có năng y và sở y.
Đáp: Kinh luận nói rất nhiều về sự khác biệt, nhưng tóm lại pháp thân có mười thứ:
1- Dựa theo Phật Địa Luận, chỉ lấy pháp giới thanh tịnh làm pháp thân, cũng lấy pháp tính làm độ. Tính tuy một vị, song tùy theo tướng thân độ mà chia làm hai thứ sai biệt. Trí Luận nói: “Ở trong hữu tình gọi là Phật tính, ở trong vô tình gọi là pháp tính. Giả nói năng sở mà thật ra không có sai biệt”. Duy Thức Luận nói: “Tuy thân độ thể không sai biệt mà thuộc về Phật pháp, vì tính tướng khác nhau, cho nên nói rằng pháp tính thuộc về Phật là pháp tính thân, pháp tính thuộc về pháp là pháp tính độ, vì tính tùy theo tướng mà khác biệt nên nói “nhĩ” (như thế).
Nói như hư không, như luận Duy Thức nói: Thân độ không thuộc về sắc, tuy không thể nói hình tướng số lượng lớn nhỏ, nhưng tùy sự tướng mà số lượng vô biên, như hư không đầy khắp mọi nơi nên nói như hư không để dụ cho thân độ.
2- Hoặc chỉ lấy đại trí làm pháp thân, chỗ chứng chân như làm pháp tính độ. Cho nên luận Vô Tính Nhiếp ghi: “Trí vô cấu vô quái ngại là pháp thân”. Nếu vậy tại sao nói thân tướng như hư không, vì trí thể vô ngại đồng hư không.
3- Cũng trí cũng như làm pháp thân. Trong luận Lương Nhiếp và kinh Kim Cương Quang Minh đều nói: “Chỉ có như như và như như trí là pháp thân”. Ở đây thân gồm cả như và trí, độ chỉ có như.
4- Cảnh trí đều mất là pháp thân. Kinh nói: “Pháp thân Như Lai chẳng phải tâm, chẳng phải cảnh”; dựa theo nghĩa này, độ cũng thế. Trong khế kinh đều nói thân độ Như Lai không hai, đây là y chân mà nói, hiển bày không có năng sở mới gọi là y chân, thành ý nghĩa như hư không.
5- Bốn câu trên hợp làm pháp thân vô ngại, tùy nói đều được; độ cũng thế.
6- Năm câu tổng biệt trên đây tương dung hình đoạt, dứt hết năm thuyết này hoàn toàn không nương tựa lấy làm pháp thân, độ cũng như thế. Trên đây căn cứ vào cảnh trí để biện.
7- Gồm nhiếp năm phần và thực hành bi nguyện Hằng sa công đức đều do pháp thân này gồm thâu; vì tu mà sinh công đức ắt chứng chân lý, nên dung nhiếp vô ngại thì chân như được chứng này thể lớn làm pháp tính độ. Y theo nghĩa này thân độ khác nhau. Nay nói các công đức là thân tướng nói như hư không là thân tính. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biết thân Như Lai chẳng phải hư không vì tất cả công đức, vô lượng diệu pháp đều viên mãn”.
8- Gồm thâu công đức của báo hóa sắc tướng thảy đều do pháp thân này. Trong Nhiếp Luận nói ba mươi hai tướng đều thuộc pháp thân. Kinh Pháp Hoa nói: “Pháp thân tịnh vi diệu, đủ ba mươi hai tướng”. Nhưng có ba nghĩa: Một là tướng tức như nên thuộc về lý pháp thân hai là trí hiện bày nên thuộc về trí pháp thân, ba là tất cả đều là pháp công đức nên gọi là pháp thân. Độ sở y thì thông cả tính tướng, tịnh uế vô ngại. Cõi nước ta tịnh mà ông không thấy, chúng sinh thấy thiêu đốt mà tịnh độ không hoại, sắc là như, tướng là phi tướng. Thân độ sự lý nương nhau gìn giữ, gồm có bốn câu: một là ức thân nương vào sắc tướng độ, hai là sắc thân nương vào pháp tính độ, ba là pháp thân nương vào pháp tính độ bốn là pháp thân nương vào sắc tướng độ. Trên đây vẫn còn thông cả Đại thừa giáo.
9- Gồm nhiếp ba thứ thế gian làm một đại pháp thân, vì có đủ mười Phật, vì ba thân đều thuộc trí chính giác. Độ cũng như thế, tức như không thân mà thị hiện khắp cả thân thì làm sao chẳng đủ.
10- Trên phân ra quyền thật, chỉ có thứ chín thuộc về kinh Hoa Nghiêm. Nếu căn cứ theo giáo lý dung nhiếp và nhiếp đồng, gom hết chín nghĩa trên làm một câu, nghĩa là thân độ vô ngại của Như Lai.
Lại các độ vô ngại gồm có mười thứ, các giáo nói độ, hoặc nói chỉ là vô thường, hoặc nói do tâm biến ra, lý sự sai biệt, nhất đa không dung, cho nên nay cần phải biện rõ về vô ngại:
1- Lý sự vô ngại, nghĩa là cùng đồng chân tính mà tướng cõi nước rõ ràng. Kinh tụng: Hoa tạng thế giới hải, pháp giới không sai biệt, vì trang nghiêm thanh tịnh.
2- Thành hoại vô ngại, nghĩa là thành tức hoại, hoại tức thành.
3- Rộng hẹp vô ngại, vì không hoại tướng mà ở khắp nơi. Kinh tụng: Thể tướng như vốn không sai biệt, vô lượng quốc độ đều cùng khắp.
4- Tương nhập vô ngại, kinh tụng: Đem một cõi nước vào mười phương, mười phương vào một cõi không sót, cũng là nhất đa vô ngại.
5- Tương tức vô ngại, kinh tụng: Vô lượng thế giới là một cõi.
6- Vi tế vô ngại, kinh tụng: Châu ngọc trong sáng giăng như mây, hiển hiện rõ ràng bóng chư Phật.
7- Ẩn hiển vô ngại, nghĩa là vì nhiễm tịnh khác nhau nên thấy ẩn hiển bất đồng.
8- Trùng hiện vô ngại, nghĩa là trong hạt bụi thấy tất cả cõi; trong hạt bụi thấy cõi nước cũng thế, trùng trùng vô tận như lưới trời Đế Thích.
9- Chủ bạn vô ngại, hễ một thế giới ắt có tất cả để làm quyến thuộc. Kinh tụng: Nơi Tỳ-lô-giá-na dạo qua, vô lượng cõi nước đều thanh tịnh. Mọi cõi nước là quyến thuộc.
10- Tam thế vô ngại, Vì nhất tâm dung nhiếp. Những sự vô ngại trên đều là nhất tâm, nếu có pháp khác xen vào thì không thể dung nhiếp.
Như kinh Đại Tập ghi: “Phật dạy thiện nam làm sao Bồ-tát tự thanh tịnh được cõi nước như chư Phật ? Nếu Bồ-tát biết tất cả pháp không có cõi nước cũng chẳng phải không có cõi nước; đến tất cả nơi mà không đến cũng không chẳng đến. Nếu Bồ-tát thấy pháp đối với lục tình đều biết là Phật pháp, cũng không thấy pháp phàm phu với Phật pháp khác nhau, nghĩ rằng tất cả pháp đều là Phật pháp, vì Phật pháp đến mọi nơi nên tất cả pháp và Phật pháp chỉ là giả danh, cũng chẳng phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp cho nên chúng ta không nên chấp trước; vì cõi nước của mình tịnh thì biết Phật độ tịnh. Việc này cùng với pháp bình đẳng. Nhãn giới là Phật giới, nhĩ tỷ thiệt thân ý pháp giới là Phật giới. Chúng ta không nên phân biệt cao quí hạ tiện, Bồ-tát cũng như thế, đạt đến chỗ tất cả pháp bình đẳng, đây là Bồ-tát tự tịnh cõi nước như cõi nước chư Phật thì biết chủ bạn y chính không lìa năm uẩn. Năm uẩn tính không tức là bình đẳng.
Lại thấy pháp từ duyên khởi, thì biết cõi nước do tâm hiện, vì cõi nước do tâm hiện nên có mà là không. Không là pháp tính, muôn pháp do không mà sinh ra. Thấy pháp tính vốn là trí tuệ chân thật. Do đó tha thọ dụng độ của chư Phật tùy căn cơ bất đồng mà có sai biệt”.
Kinh Pháp Hoa nói: “Tịnh độ của ta không hư hoại chúng sinh thấy thiêu đốt sạch hết”. Người xưa nói: Như con người đối với lửa của ngạ quỉ thấy là nước, còn ngạ quỉ đối với nước của con người thấy là lửa. Cũng như cung điện của la-sát với cung điện con người cùng ở một chỗ mà không thấy lẫn nhau, tha thọ dụng độ cũng như thế. Nếu là tự thọ dụng độ thì phải trùm khắp, vì chẳng phải tam giới, cũng chẳng lìa tam giới. Nếu là pháp tính độ thì khởi diệt thường như. Cho nên biết Phật độ khó nghĩ bàn, không thể có ý nghĩ mất còn nhiễm tịnh.
Cổ đức giải thích có ba nghĩa:
1- Tự tính thân độ đã cùng chứng đắc, thể nó đồng như hư không trong một nhà.
2- Tự thọ dụng như ánh sáng nghìn ngọn đèn đầy khắp trong nhà.
3- Tha thọ dụng độ và biến hóa độ được chứng đắc ở trên cũng tương tợ tên gọi đồng mà tùy căn cơ mà thấy khác.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Theo nghiệp phát hiện là tùy theo nghiệp quả của chúng sinh đều có thể hiển hiện”. Như Thích-ca xuất thế cõi nước nhỏ hẹp mà biển cả rộng nhiều; Di-lặc hạ sinh thì thế giới rộng lớn, bốn biển thu giảm lại. Bồ-tát tại pháp hội không có các đồi gò hầm hố, chỗ của Thanh văn uế ác đầy dẫy cho nên biết tùy theo loài hữu tình mà xuất thế ứng hiện. Rộng hẹp tịnh uế đều là do tâm lượng chúng sinh tạo thành, Phật quả không tạo tác”.
Dụ Công nói: “Tâm mà chư Phật chứng làm pháp thân, cảnh chư Phật chứng làm tịnh độ. Thân độ là sở chứng, trí là năng chứng”.
Từ Ân Sớ ghi: Hỏi: Tịnh độ lấy gì làm thể ? Đáp: Nhiếp Luận nói: “Lấy duy thức trí làm thể”. Luận Kim cương Bát-nhã nói: “Huân tập trí tuệ, thông đạt duy thức, như vậy là thủ chứng tịnh độ”. Luận Phật Địa nói: “Lấy tâm vô lậu tự tại làm thể, không thể lìa ngoài tịnh tâm Phật riêng có tịnh tâm sắc”. Lại nói: “Sắc v.v…là do tâm thanh tịnh của Phật cảm ứng, lìa tự tâm Phật không riêng có năng cảm”. Như thế sắc giả thật đều không lìa tịnh tâm Phật, là vì tịnh tâm này có thể hiển bày sắc giả thật. Kinh nói: “Màu xanh ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng”.
Thiên Thai Vô Lượng Thọ Sớ nói: “Cõi vui với cõi khổ, vàng bạc với đất cát, thai ngục với ao sen, rừng gai với rừng ngọc, thật ra do tâm phân biệt cấu tịnh, mà thấy sự hơn thua của hai cõi, bày ra thiện ác, thô diệu của hai phương, dụ như hình ngay thì bóng thẳng, nguồn đục thì dòng nhơ. Cho đến có thể nói là “vi hành yếu thuật, diệu quán chí đạo”.
Theo kinh này, tâm quán là tông, thật tướng là thể. Ký nói: Diệu quán chí đạo, nghiệp hành tuy nhiều song chỉ lấy tâm quán làm yếu thuật. Một niệm tâm khởi, tịnh độ rõ ràng không tạo tác thể tính như như nên nói “vi hành”. Nhất tâm tam quán là không giả trung, năng sở dù phân chia chiếu soi lẫn nhau bất tư nghì, cảnh chủ yếu ở nơi tâm nguyên tức là công phu tu quán vậy. Dọc ngang cùng khắp bình đẳng không hai, nhân của tam quán tròn thì quả của tam đức đủ, đều do tâm yếu nghĩa thành cho nên nói là chí đạo yếu thuật.
Pháp sư Tăng Triệu nói: “Mọi sự mọi vật đều do tâm thành, tâm có cao thấp nên sinh ra gò nổng”. Lại nói: “Cõi Phật thường tịnh, đâu chờ biến hóa rồi sau mới tịnh”. Bởi biến đổi theo chỗ thấy của chúng sinh nên chúng sinh thấy là đất đá núi sông, đều do nghiệp sinh khởi. Bồ-tát chỉ toàn là trí tuệ vi diệu, lìa tâm Thánh phàm, không có cảnh chân tục.
Như Hoa Nghiêm Luận nói: “Kinh Hoa Nghiêm nói về môn duyên khởi pháp giới lý sự không hai, không duyên nào chẳng tịch, không sự nào chẳng chân, mười phương thế giới nhất chân tính hải, đại trí tròn sáng, vì quốc độ cảnh giới đều là biển tính, là nhất chân pháp giới, chẳng phải hữu tình vô tình theo nghiệp mà nói, vì trong Hoa Nghiêm cảnh giới thuần chân đều là trí. Bồ-tát Thập trụ lấy tuệ làm cõi nước, Bồ-tát Thập hạnh lấy trí làm cõi nước, Bồ-tát Thập hồi hướng, Thập địa lấy diệu làm cõi nước, không nói hữu tình với vô tình sai biệt, vì kinh Hoa Nghiêm hiển bày pháp gốc khác với tam thừa quyền giáo, vì vô tình, hữu tình có sinh có diệt”.
Hỏi: Tất cả thân độ do tám cực vi tạo thành, tại sao duy tâm mà không có chất ngại ?
Đáp: Chấp sắc cực vi có tính chất ngại là Tiểu thừa, không phải tông chỉ Đại thừa. Người thấy nước, quỉ thấy lửa, đâu phải do khác ở nơi chốn. Biển trong sợi lông, quả núi trong hạt cải ai luận lớn nhỏ ? Một trần một thức, muôn cảnh muôn tâm. Nếu mê tâm mà quán sắc thì thông bít rõ ràng. Nếu rõ sắc minh tâm thì dứt sạch thị phi. Do đó Cổ đức nói: Nếu biết sắc là không, thì quán sắc là sai chăng ? Nếu chấp sắc là có thì quán sắc là đúng chăng ? Nếu biết không là sắc thì quán không là sai chăng ? Nếu thấy không khác với sắc thì quán không là đúng chăng ? Đây là sự hiểu biết và sự mê hoặc khác nhau, tự phân đẹp xấu, đâu liên quan đến sắc không mà rõ chính tà ? Nếu thấu suốt tông chỉ này thì thường quán sắc mà luôn luôn chính, nếu chẳng rõ chỉ thú này thì tuy quán không mà luôn luôn tà.
Vả lại, chúng sinh chẳng thấu rõ nhị không, vì chấp tâm sắc thật có nên quán tâm không thâm diệu, chiếu cảnh không công năng. Đã chẳng hiểu tức sắc minh không mà còn không thể phân tích tỉ mỉ, làm sao biết sắc tự thô tế, tận cùng tâm nguyên chân vọng. Nay đối với căn cơ sâu cạn mà nêu sơ lược ý nghĩa của tính tướng giúp cho hàng trung hạ được lợi ích.
Cổ đức nói: Như Lai xuất thế vốn vì độ sinh, hữu tình mê chấp quá nặng, vọng chấp thật có ngã pháp, đức Phật liền khéo bày phương tiện khiến họ trừ tâm điên đảo. Đối với sắc tụ, Phật dạy họ phân tích, rõ ràng hai chấp ngã pháp đều không, sắc tuy vô lượng nhưng không ngoài hai loại: một là câu ngại, hai là sở ngại.
Câu ngại sắc nghĩa là năm cảnh, năm cảnh hay tạo ra bốn đại, đây là tổng thể. Còn phân biệt ở trong là xanh vàng đỏ trắng, bốn thứ này là thật; dài ngắn vuông tròn thô tế cao thấp cong ngay, mười thứ này là giả. Y theo thật có nên gọi là hình sắc, hay ngại cái khác và cũng bị cái khác làm ngại nên nói là câu ngại. Y theo đây phân tích thành cực lược sắc. Cực lược sắc thuộc về pháp xứ.
Lại có bóng sáng, khói, mây, bụi, mù thuộc về sắc, biểu sắc không nhất định hiển sắc v.v…đều là giả có, do bị cái khác làm ngại, chứ không làm ngại cái khác nên gọi là sở ngại sắc. Y theo đây giả tưởng phân tích gọi là cực hướng sắc, cực hướng sắc thuộc về pháp xứ.
Ba hiển bày hành tướng và định sở y, nghĩa là các sư Du-già lúc tu quán hạnh, y theo bốn tĩnh lự căn bản định tâm, tương ưng với tuệ, nhờ căn cảnh và ngoại sắc làm chất; ở trên tự thức biến ra bóng dáng mà duyên lấy. Ở trong một sắc tụ, mới đầu phân tích làm hai. Quán trên hai phần sắc này ngã pháp đều không, rõ ràng phân minh không hôn trầm không tán loạn. Lại e rằng trong hai phần sắc ngã pháp vẫn còn, lại dùng tuệ tâm phân tách làm bốn biệt, như vậy cho đến một tướng lân hư không thể phân tích gọi là sắc hậu biên. Nếu phân tích nữa là phi sắc. Y theo đây giả lập hai thứ cực nhỏ là cực lược và cực hướng. Xét tìm ngã pháp thật thể đều không, đạt biến kế là không, ngộ y tha là giả, liền có thể dẫn khởi nhị không vô lậu, căn bản trí sinh liền chứng nhị không, chân lý hiển bày.
Lại nói về Phật quốc, như trong một nước đều do thiên tử thống lĩnh, không gì chẳng thuộc về nước ấy. Nay cũng thế, tùy tâm một tưởng một duyên, hữu tình vô tình, hoặc sắc hoặc tâm đều là cảnh được chiếu bởi thật trí; vì thấu rõ tính tướng nên gọi là Phật quốc.
Thiên Thai Tịnh Danh Sớ ghi: “Tùy sự thành tựu chúng sinh mà Phật độ tịnh; tùy Phật độ tịnh mà việc nói pháp tịnh; tùy việc nói pháp tịnh mà trí tuệ tịnh; tùy trí tuệ tịnh mà tâm tịnh; tùy tâm tịnh mà tất cả công đức tịnh. Cho nên Bồ-tát Bảo Tích muốn được tịnh độ thì phải tịnh tâm của mình”.
Tùy tâm tịnh thì Phật độ tịnh, nghĩa là quán tâm tính vốn tịnh dường như hư không, là cảnh của tính tịnh, cảnh là cõi nước. Quán trí giác ngộ, tâm này gọi là Phật. Mới quán gọi là nhân, quán thành gọi là quả. Nếu luận về tự tu hành là tâm vương không nhiễm, nếu luận về hoá tha là tâm sở giải thoát. Trí tuệ số là đại thần có thể loại trừ các mê hoặc trên các số để trở về tâm nguyên thanh tịnh độ, cho nên nói tâm tịnh thì Phật độ tịnh.
Lại tùy theo bốn giáo mà nói về bốn tâm, bốn tâm tịnh thì bốn loại Phật quốc tịnh. Bốn tâm chỉ là một tự tính thanh tịnh tâm. Tâm này nếu tịnh thì tất cả Phật độ đều tịnh, như gương sáng thì chiếu xa. Tâm tịnh thì trí hạnh cùng tịnh. Ý rỗng rang thì cảnh giới tịch lặng. Cấu tịnh không gì chẳng do tâm, là một tịnh tất cả tịnh. Hoặc thấy thành trụ hoại không đều là nghiệp thiện ác của chúng sinh ứng hiện. Như kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tư báo chiêu dẫn quả xấu. Tư nghiệp này giao kết thì lúc lâm chung trước tiên thấy ngọn gió dữ thổi tan cõi nước, thần thức người chết bị gió thổi lên hư không, xoay tròn theo gió rồi rơi vào địa ngục vô gián”.
Người xưa giải thích: Tư là ý. Cõi nước không hoại nhưng do tâm phân biệt nên thấy cõi nước hoại. Do ý suy nghĩ bóng dáng pháp trần sinh diệt, báo xứ cũng vậy hay biến đổi sinh tử.
Lại người sống thấy cõi nước, người chết thì thấy hoại, đều do ý sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì cảnh diệt.
Thập Tứ Khoa Tịnh Độ Nghĩa ghi: “Kinh nói có Hằng sa cõi Phật đều là phương tiện tiếp vật của Thánh nhân, chứ thật ra Phật không có cõi nước”. Làm sao biết ? Phàm những kẻ chưa khỏi sự phiền lụy của hình hài thì phải nhờ đến cõi nước để nương ở. Bồ-tát Bát Trụ trở lên hoàn toàn thoát khỏi sự hệ lụy của hình sắc, chiếu thể độc lập, thần không nơi chốn đâu cần cõi nước ? Nhưng lại nói có là vì chúng sinh hiểu ít mê nhiều chưa thể nhận sự giáo hóa chân thật nên đem phước lạc trời người dẫn dụ họ tu hành giới thiện, hoặc dùng bốn quả của Tam thừa để khuyến dụ họ tu theo đạo phẩm. Nhưng những thiện hạnh này cũng đương nhiên âm thầm trở về bồ-đề. Do khởi mê hoặc tham ái nên trôi lăn trong sinh tử. Cõi uế thuộc chúng sinh nên không cõi nào chẳng uế, cõi tịnh thuộc chư Phật nên không cõi nào chẳng tịnh. Do đó kinh nói tịnh độ của ta chẳng hoại, là nghĩa này vậy.
Hỏi: Nói đến tịnh độ cung kính như ý nghĩa cao cả, chỉ dựa vào huyền tông, không lấy sự tướng làm tịnh, tịnh thủ không nhơ uế. Đây là hạnh nghiệp sai khác, báo đến không hỗn tạp, cho nên con người ở trên đất đá không được như loài trời đi trên thất trân. Nay nghi nghiệp súc sinh khác biệt với loài người mà lại cùng đi trên đất đá, thì trái với chỗ lập nghĩa sao ?
Đáp: Sở dĩ súc sinh được cùng người đi trên đất đá là do có chút ít thiện giống người, vì súc sinh thiện ít nên con người bị khổ không bằng súc sinh. Lò chảo đất đá là thiện, nặng nhẹ tuy khác nhau song sự thật gần nhau, do đó vẫn cùng con người đi trên đất đá. Vì thiện thắng sự tinh mà địa hạt cách biệt, nên con người của đất đá không thể bước lên cõi thất trân.
Hỏi: Tịnh uế dường như tính chất không cố định, như Thích-ma-nam cầm mảnh ngói biến thành vàng, ngạ quỉ thấy nước thành lửa, tại sao tịnh uế địa hạt cách biệt ?
Đáp: Pháp nhân duyên thật sự có lý lẽ này. Kinh nói: Như Thích-ma-nam đây phải chăng là thị hiện ý chỉ, muốn thuyết minh pháp không có tướng cố định để dẹp trừ sự cố chấp của chúng sinh. Ngạ quỉ mê lầm nên thấy nước là lửa, nhưng chẳng phải nước theo “hoặc” mà thành lửa. Sở dĩ địa hạt cách biệt, vì người ở trên đất đá không được sinh về an dưỡng.
Giải thích: Tịnh thủ không nhơ uế nghĩa là không lấy hình làm tịnh, lấy vô hình làm tịnh. Lại nói: Thất trân không có đất đá làm tịnh, không lấy thất trân làm tịnh. Nếu súc sinh với con người nghiệp thiện gần nhau vì thế cùng đi trên đất đá. Thiện thắng sự tinh là vì nghiệp của trời người khác biệt nên con người không thể đi trên cõi thất trân. Con người bị khổ không bằng súc sinh, vì súc sinh bị nhiều khổ não hơn như đánh đập, trói buộc, mổ xẻ, nấu nướng và tự ăn nuốt lẫn nhau; con người không có những việc này. Lò chảo là vì loài nhẹ tội cùng con người ở chung, kinh nói những địa ngục nhỏ trong núi Thiết-vi, hoặc ở vùng hoang dã ven biển; còn địa ngục A-tỳ cùng con người ở riêng, thiện của chư thiên thù thắng hơn, thất trân là sự tinh tế của cõi nước, do đó chư thiên với con người địa hạt cách biệt.
Hỏi: Nêu câu chuyện Thích-ma-nam là muốn nói rằng con người có thể thọ báo của trời, tại sao nói con người không thể đi trên cõi thất trân ? Lại nêu câu chuyện ngạ quỉ là muốn nói con người không cách biệt hạn vực ngạ quỉ, tức là báo con người thành báo ngạ quỉ.
Đáp: Thị chỉ là thị hiện ý chỉ. Ý trừ dẹp mê muội thường tột bực. Chỗ nói chẳng theo sự mê hoặc mà thành lửa, nghĩa là ngạ quỉ tuy từ nghiệp hoặc mê muội thấy nước là lửa, nhưng nước không từ sự mê hoặc mà thành lửa. Pháp nhân duyên thật sự có lý lẽ này nghĩa là Như Lai nói pháp có hai môn: một là nhân duyên môn, hai là nhân quả môn. Nhân duyên môn là có nghĩa không cố định. Nhân quả môn là có nghĩa cố định.
Lại kinh nói tất cả cõi nước uế tịnh trong thế gian đều do hạnh Bồ-tát tạo thành, hoặc do nghiệp chúng sinh cùng cảm. Nếu duyên Ta-bà chín mùi thì Hoa Tạng là Ta-bà. Nếu duyên Hoa Tạng chín mùi thì Ta-bà là Hoa Tạng. Nếu không tu hành không cảm thì thế giới không thành và lìa ngoài tâm không còn một pháp nào khác. Như biển Hoa Tạng thế giới lược có hai nhân:
1- Căn cứ theo chúng sinh Như Lai tạng thức, tức là hương hải còn gọi là pháp tính hải. Y theo gốc vô trụ gọi là phong luân cũng gọi là gió vọng tưởng. Ở trong biển này có tướng nhân quả Hằng sa tính đức là hoa chính nhân, quả pháp vị lai thế xuất thế gian thảy đều hàm nhiếp cho nên gọi là tạng. Nếu lấy pháp tính làm biển, tâm làm hoa, hàm tàng cũng thế. Nhưng trong tướng phần của tạng thức này, phân nửa là ngoại khí vì không chấp thọ; phân nửa là nội thân vì chấp là tự tính mà sinh giác thọ. Như Lai tạng thức duyên cái gì mà như thế, vì pháp như thị, vì hành nghiệp dẫn dắt.
2- Căn cứ theo chư Phật, nghĩa là lấy gió đại nguyện duy trì biển đại bi, sinh ra vô biên hoa hạnh hàm tàng hai điều lợi ích, quả pháp tịnh nhiễm lớp lớp vô ngại; cho nên tướng trạng cõi nước được cảm ứng như thế, sở dĩ trùng trùng vô tận vì đều là tâm chân như tính của phàm Thánh. Đại hải nói trên đã là tạng thức, nay nói về trong hoa tâm chứa các chủng tử, mỗi chủng tử không lìa biển tạng thức, nên có nhiều hương hải; nhưng mỗi mỗi đầy đủ tính đức vì đều có trang nghiêm.
Lại tất cả các pháp tùy duyên huyễn sinh, thể dụng đều không, ẩn hiển cùng khởi. Hoặc trong nhiều hiện một, trong một hiện nhiều. Nếu chẳng biết căn do khởi diệt thì mặc tình chỉ theo cảnh mà chuyển, hoặc theo cảnh đẹp mà vui mừng, hoặc theo duyên xấu mà sinh lo sợ. Nếu có thể hiểu rõ tất cả pháp phàm Thánh đều là cảnh giới tự tâm, dùng một ấn này thì các điều sợ hãi âm thầm tiêu tan. Do đó kinh Trì Địa ghi: “Phật bảo Bồ-tát A-dật-đa: Đối với tất cả pháp như pháp Bồ-tát, pháp Bích-chi Phật, pháp Thanh văn, pháp phàm phu đừng sợ hãi; cho đến đối với tĩnh, loạn, giả, tin, không tin, niệm thiện, niệm bất thiện, trụ, không trụ cũng đừng sợ hãi. Như thế Bồ-tát đối với tất cả pháp chớ sinh sợ hãi. Này A-dật-đa, thuở xưa ta tu pháp vô úy như thế mà được thành Chính giác, đều biết rõ tất cả cảnh giới của tâm chúng sinh, nhưng đối với sở tri không khởi tướng tri, theo chỗ chứng của ta tùy căn cơ mà diễn nói có thể khiến cho những Bồ-tát nghe pháp được quang minh đà-la-ni ấn, vì được pháp ấn nên mãi mãi chẳng thoái chuyển”.
Giải thích: Rõ một pháp vô úy có thể trừ năm điều sợ hãi. Vào môn nhất tâm này sẽ sinh vào Hoan Hỉ Địa. Lại nói tâm tịnh được Phật độ công đức tịnh, cho nên nói muốn được quả tịnh độ thì phải tịnh tâm. Nếu quả khuyến nhân nghĩa là do tâm vậy. Thế nào gọi là tịnh ? Nếu hành giả chẳng được tâm xứ thì tâm không sinh diệt, vì không sinh diệt nên gọi là tịnh tâm. Lại kinh Đại Phẩm nói: “Vì không, vì lìa, vì chẳng sinh, vì tịch diệt nên gọi là tịnh”. Tùy tâm tịnh thì Phật độ tịnh là thuyết minh nhân này là tâm. Đây nói rằng ngoài tâm không có cảnh giới, tùy tâm sinh. Tâm đã thanh tịnh thì tướng ngoại báo cũng tịnh. Tịnh uế theo tâm, tự không thể chất, đâu có ngăn ngại nhau mà chỗ ở khác nhau. Thế nên hành nghiệp bất đồng mỗi mỗi thấy khác, nếu hành nghiệp đồng nên thấy giống nhau, như tiếng hòa thì vang thuận, hình ngay thì bóng thẳng. Tịnh uế khác nhau đều do tâm tạo tác. Nếu không tâm phân biệt cấu tịnh làm sao sinh ? Thấy cấu thật tính tức không có tướng tịnh, đâu có hai pháp đối đãi mà luận về sai biệt ? Cho nên kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:
Cõi Phật không phân biệt
Không ghét cũng không yêu
Chỉ tùy tâm chúng sinh
Thấy sai khác như thế.
Do đó đối cơ lập giáo, ở trong môn phân biệt luận về tịnh tâm và chúng sinh, chẳng phải chỉ có một thứ không thể như nhau. Người xưa giải thích có bốn thứ:
1- Chân thật tịnh nghĩa là thiện tâm vô lậu.
2- Tương tợ tịnh nghĩa là thiện tâm hữu lậu.
3- Cứu cánh tịnh nghĩa là Phật Thế Tôn.
4- Bất cứu cánh tịnh nghĩa là Thập Địa trở xuống cho đến phàm phu.
Lại đến bốn câu liệu giản thể tướng tịnh uế:
1- Thể tịnh tướng uế, như Phật hiện tướng uế độ, vì tâm Phật thanh tịnh vô lậu. Kinh nói vì muốn độ kẻ hạ liệt mà thị hiện cõi xấu ác bất tịnh.
2- Thể uế tướng tịnh, như Thập Địa đã trở về bản thức và thức thứ sáu, thứ bảy hữu lậu cùng với hàng phàm phu địa tiền có tâm hữu lậu hiện ra tịnh độ, vì là hữu lậu nên gọi là thể uế. Vì y theo Như Lai thanh tịnh Phật độ, tự thức biến ra tướng tịnh độ nên gọi là tướng tịnh.
3- Thể tướng đều tịnh như tịnh độ hiện ra trong tâm vô lậu của Phật và Bồ-tát Thập Địa.
4- Thể tướng đều uế, như tâm hữu lậu hiện ra uế độ.
Nếu phân biệt tịnh độ, tịnh tâm, còn có nhiều thứ, có cứu cánh tịnh tâm và chưa cứu cánh tịnh tâm, có hữu lậu tịnh tâm và vô lậu tịnh tâm, có hữu tướng tịnh tâm và vô tướng tịnh tâm, có phục hiện hành tịnh tâm và đoạn chủng tử tịnh tâm, có tự lực tịnh tâm và tha lực tịnh tâm. Chư Phật tùy cơ nói pháp không nhất định. Nếu luận về ý nghĩa lớn còn không được một tịnh huống là nhiều môn. Đây là nhất tâm chân như không giữ tự tính, tùy duyên mà có cạn có sâu, hoặc cấu hoặc tịnh, không thể mắc kẹt lý sự, giữ lấy một điều nghi thì khởi cái thấy thông suốt hoặc hạn cuộc. Tuy cùng một ý nghĩa mà nơi tướng có sai biệt, tuy nói có khác biệt mà thuận thể nhất như bất động.
Nếu nói là đồng thì An dưỡng cõi báu, Ta-bà gò nổng. Nếu nói là khác thì mười phương cõi Phật nhất đạo thanh hư. Nếu nói là có thì vô biên cõi tịnh như hư không. Nếu nói là không thì cõi nước vi diệu đan xen như lưới trời Đế Thích.
Do đó vượt lên tứ cú, ra khỏi bách phi, đạo không thể dùng một lời mà nói, lý không thể dùng một nghĩa mà luận. Cho nên như trên nói thân độ duy tâm chỉ cần đem pháp thế gian đã thấy đã nghe mà nghiệm xét thì tự nhiên sẽ hiểu.
Như sông núi chẳng linh nhưng vì người có cảm ứng, đất đá cỏ cây nào biết chi mà đều tinh diệu là do ý chí của con người. Từ thức biến hiện, hoặc phi nhân gá vào, đều chẳng ngoài tâm.
Như Hoàng Đường quốc sử, vào niên hiệu Trinh Nguyên thứ 7 đời vua Đức Tông, có sứ giả nước Phiên đến viếng triều đình. Vua đích thân hỏi sứ giả. Từ Tần, Hán đến nay chưa từng thông giao với Trung Quốc. Vua lại hỏi: Vì sao biết trẩm mà lâm triều ? Đáp rằng. Ba năm nay ở nước tôi trâu ngựa khi nằm đều quay đầu về hướng đông, biển không dậy sóng cho nên biết ở Trung Quốc có hoa phong, đó là Thánh đức của bệ hạ. Cho đến châu hoàn hiệp phố, kiếm đến kinh đô nước Ngô, hùm cõng con qua sông, chim phượng bày điềm lành. Trâu ngựa không biết so đo phân biệt, châu kiếm vốn thuộc loại vô tình, đâu thể cảm đức tri ân, đó là do lòng người biến hiện, duy thức tạo thành. Như hết lòng làm thiện thì thiên đàng hiện tiền, làm việc ác thì xe lửa kề bên. Số giàu thì trân bảo đầy kho, phận nghèo thì mái tranh vách đất; nếu không dùng Tông Cảnh chiếu soi thì mọi việc khó tránh khỏi ảnh hưởng.