BỒ ĐÀO THỦ NHÃN

 

Bồ Đào Thủ (Tay cầm chùm Bồ Đào):

Tay thứ tám trong tám tay thuộc Ma Ni Bộ của Mật Pháp, là Pháp Tăng Ích.

Câu thứ 66 trong Chú Đại Bi là:”A tất đà dạ” dịch nghĩa là thành tựu vô lượng tức Bồ Đào Thủ Nhãn trong tướng tay Đại Bi.

Đại Bi xuất tướng câu 66: A Tất Đà Dạ

Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni: Bản dịch của Tam Tạng BẤT KHÔNG Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 41 trong Kinh Văn:

“Nếu muốn có được quả trái, các thứ lúa gạo thì nên cầu nơi tay Bồ Đào”.

Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh: Bản dịch của Tây Thiên Trúc GIÀ PHẠM ĐẠT MA Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 40:

“Nếu người nào vì quả trái, các thứ lúa đậu thì nên cầu nơi bàn tay cầm chùm Bồ Đào”.

Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh: Tướng tay Ấn thứ 40 là:

“Nếu vì thành tựu ngũ cốc, tất cả thực vật nên tu Pháp Bồ Đào. Tượng HỘ ĐỊA QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT…. chỉ có tay trái cầm chùm Bồ Đào, tay phải là thế Thí Nguyện Khế, tượng đó thành rồi.”

Tướng Ấn là: quyền trái đặt ở eo, tay phải duỗi các ngón ấn lên mặt đất.

Hộ Địa Quán Tự Tại Bồ Tát

40) Bồ-Đào Thủ Nhãn Ấn Pháp

Kinh nói rằng: “Nếu muốn có được cây trái ngũ cốc, nên cầu nơi Tay cầm chùm Bồ-Đào”.

Thần-chú rằng: A Tất Ðà Dạ [66]

𑖦𑗜𑖎𑖿𑖝𑖯𑖧
MUKTĀYA

MUKTĀYA (Viên ngọc)

SARVA  MAHĀ MUKTĀYA: Tất cả viên ngọc to lớn biểu thị cho Tất cả Pháp Đại Thừa vô thượng vô tỷ.

A Tất Ðà Dạ” dịch ra nghĩa là “vô lượng thành tựu”, thành tựu chẳng có số lượng. Nghĩa là nói pháp Bồ Tát đại thừa cứu kính đạt đến bờ bên kia, vô lượng sự thành tựu.

Thủ Nhãn này là gì? Là “Bồ Ðào Thủ Nhãn”. Nếu bạn tu thành tựu Bồ Ðào Thủ Nhãn này thì trong miệng của bạn luôn luôn có vị ngọt giống như ăn bồ đào (nho), thậm chí còn ngọt hơn nho, hơn đường. Khi bạn tu pháp này thì bạn sẽ cảm giác trong miệng có một mùi vị ngọt, đây là sự tương ưng đầu tiên có cảm giác này. Nếu bạn trồng tất cả rau cỏ ngũ cốc, hết thảy các thứ thực vật trong vườn, nếu bạn tu Bồ Ðào Thủ thì tất cả sâu bọ sẽ không ăn hoặc phá hoại mùa màng của bạn làm. Bạn tu Thủ Nhãn này thì sâu bọ sẽ bỏ chạy đi. Bạn tu pháp này thì những cây ăn trái mà bạn trồng như táo, lê, mận, ổi… đặc biệt trái rất mau chín, cũng có một vị ngọt đặc biệt. Cho nên Bồ Ðào Thủ này cũng rất hữu dụng, vô lượng pháp đại thừa đều sẽ thành tựu.

“Tất Ra Tăng A Mục Khê Da Ta Bà Ha”: Ở trên là bổn thân Dược Vương Bồ Tát, Ngài dùng đủ thứ thuốc để chữa trị đủ thứ bệnh cho chúng sinh. Còn câu Chú “Ta Bà Ma Ha A Tất Ðà Dạ Ta Bà Ha” này là bổn thân của Bồ Tát Dược Thượng. Ngài cũng dùng đủ thứ loại thuốc để vì chúng sinh chữa trị tất cả bệnh tật.

Kệ:

Hằng thuận chúng sanh giáo sa bà
Ngũ trọc ác thế hóa quần ma
Sa lí đào kim cầu hiền khát
Thủy trung lao nguyệt bất bì xuyết

Dịch:

Tùy thuận chúng sinh, cõi sa bà giáo hóa
Thế gian đầy ngũ trược dạy quân ma
Khó gặp người hiền như đãi cát tìm vàng
Tận đáy nước vớt trăng không biết mỏi.

Chơn-ngôn rằng: Án– A-ma lã kiếm đế nể nảnh, Tát-phạ hạ.

𑖌𑖼_ 𑖀𑖦𑖩𑖎𑖽 𑖝𑖸𑖕𑖸𑖜𑖰_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ AMALAKAṂ  TEJEṆI_ SVĀHĀ

OṂ (nhiếp triệu) AMALAKAM (Vô Cấu Tính: Tính không có dơ bẩn) TEJEṆI (uy quang) SVĀHĀ (quyết định thành tựu)

Bồ Đào là tính của Thảo Diệp (cỏ, lá), hình dạng có nhiều loại. Bồ Đào phần nhiều là giống như Ngọc Tụ (một đống châu ngọc) lá có 5 màu: thoạt tiên là màu xanh dần dần chuyển thành màu vàng, màu đỏ, màu đen cho đến lúc nóng khô lại trở thành màu trắng. Đặt biệt là nóng lạnh không làm cho Bồ Đào bị hư hoại. Do đó, Bồ Đào biểu thị cho nghĩa “ chẳng tổn hoại lúa nếp” tức là làm cho trái cây tăng trưởng.

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Bản nguyện Từ Bi xông ướp “Phước Đức Môn” nên tay cầm loại thảo dược này biểu thị cho nghĩa “chẳng làm lúa nếp hư hoại”.

Muốn thành tựu Pháp này, Hành Giả làm hình chùm Bồ Đào đặt trước Bản Tôn. Xong niệm Chú vào nước đem rưới vẩy lên cây lá thì được thành tựu.  Như  Kinh nói “Mưa tuôn thấm nhuận thì thảo thực sinh trưởng”.

Kệ tụng:

Viên phố quả qua đào lý tân
Hướng vinh chi diệp thậm tiên minh
Ngũ cốc phong thu thương doanh túc
Bách ban như ý khánh thăng bình.

[VƯỜN-TRỒNG cây ăn trái  như là DƯA, ĐÀO và MẬN.
Cành lá đều XUM XÊ tươi tốt;
Nên  được mùa thu hoạch, ngũ cốc đầy kho.
Vì NGŨ-CỐC ĐƯỢC DỒI DÀO, cho nên dân chúng được AN-LẠC.
]

NGŨ-CỐC là tất cả NHỮNG CÂY LƯƠNG THỰC mà chúng ta trồng trọt ĐƯỢC DỒI DÀO như ý.

Ngũ cốc là tên gọi CHUNG của loại thực phẩm được làm từ 5 loại hạt khác nhau được dân gian khi xưa, cũng như Y-học hiện nay khẳng định là mang đến nhiều giá trị dinh-dưỡng cho người già cùng trẻ em.

Thông thường được làm từ 5 loại hạt như là: mè, gạo nếp, gạo tẻ, lúa mì và các loại đậu.

Hôm nay, chúng ta học về PHÁP TĂNG ÍCH, nghĩa là qúy vị tu thủ nhãn này, thì thành tựu vô lượng vô biên PHƯỚC-BÁO ở thế gian cùng THIỆN-CĂN CÔNG-ĐỨC xuất thế gian, cũng như THIỆN-TÀI sanh ở PHƯỚC-THÀNH có đầy đủ mọi thứ THỨC-ĂN ĐỒ-DÙNG NHƯ Ý MUỐN, đây là phước báo thế gian, còn xuất thế gian thì được VĂN-THÙ bồ tát dạy cho phát BỒ-ĐỀ TÂM, được tham học với 53 vị thiện tri thức, sau cùng thành tựu NHỨT THIẾT CHỦNG-TRÍ.

THIỆN-TÀI: tức là Thiện Tài Đồng-tử con trai của Trưởng-giả Phước-Đức ở Phước Thành, Đông Thiên-trúc. Vị đồng-tử này vâng theo lời dạy của Bồ Tát Văn-Thù mà đi về PHƯƠNG NAM, vượt qua cả trăm thành trì để được tham học với 53 vị thiện tri thức.

KINH VĂN:

Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng-Tử biết người Phước Thành đều đã đến đông đủ, tùy tâm sở thích của họ mà hiện thân tự tại ánh sáng rực rỡ chói lấp đại chúng. Ngài dùng Đại-từ tự tại làm cho họ thanh lương. Dùng Đại-bi tự tại khởi tâm Thuyết-pháp. Dùng Trí-huệ tự tại biết tâm sở thích của họ. Dùng Biện-tài quảng đại sắp vì họ mà thuyết pháp.

Lúc đó, Ngài lại quán sát Thiện-Tài đồng tử do cớ gì mà có Tên như vậy. Ngài biết đồng tử này lúc mới nhập thai, trong nhà đó tự nhiên hiện ra lầu các thất bửu. Dưới lâu các đó có bảy phục tạng. Trên phục tạng, đất tự nứt ra mọc lên nanh thất bửu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, xa cừ, mã não.

Sau mười tháng, Thiện Tài đản sanh thân hình tay chân đoan chánh đầy đủ. Lúc đó bảy phục tạng từ đất trồi lên ánh sáng chói rực. Mỗi tạng báu ngang dọc cao thấp đều vuông vức bảy thước tay.

Trong nhà đó lại tự nhiên có năm trăm món đồ bằng thất bửu, mọi vật đều đựng đầy trong đó. Những là : Trong chậu kim cang đựng tất cả thứ hương thơm. Trong chậu hương đựng các thứ y phục. Trong bát mỹ ngọc đựng các thứ thực phẩm thượng diệu. Trong bát ma ni đựng đầy những thứ trân bửu đẹp lạ. Bình vàng đựng bạc. Bình bạc đựng vàng. Trong bình vàng bạc đựng đầy ngọc lưu ly và ma ni. Trong bình pha lê đựng đầy xa cừ. Trong bình xa cừ đựng đầy pha lê. Trong bình mã não đựng đầy chơn châu. Trong bình chơn châu đựng đầy mã não. Bình hỏa ma ni đựng đầy thủy ma ni. Bình thủy ma ni đựng đầy hỏa ma ni. Năm trăm đồ đựng châu bửu như vậy tự nhiên xuất hiện.

Nơi đó lại mưa các châu bửu và những tài vật làm cho tất cả kho đụn trong nhà đó đều đầy ngập.Do cớ trên đây nên cha mẹ thân thuộc và tướng sư đều kêu đứa trẻ ấy là Thiện-Tài.

(Kinh Hoa Nghiêm-Phẩm Nhập Pháp Giới -Thứ ba mươi chín)

Tóm lại, nếu qúy vị tu thủ nhãn nầy, thì tuy được GIÀU SANG NHƯ Ý, như sẳn sàng buôn-bỏ tất cả (XẢ-LY TÂM) , để cầu NHỨT THIẾT CHỦNG-TRÍ, như ngài THIỆN TÀI BỒ-TÁT vậy.

Kệ tụng Việt dịch:

Đào lý mướp dưa trổ vườn rau
Cành tươi đơm nhánh lá non xanh
Bao thóc chứa đầy năm giống lúa
Trăm điều như ý cảnh thanh bình.

Bồ-Đào Thủ Nhãn Ấn Pháp
Thứ Bốn Mươi

A Tất Đà Dạ [66]
𑖦𑗜𑖎𑖿𑖝𑖯𑖧
MUKTĀYA

Án– A-ma lã kiếm đế nể nảnh, tát-phạ hạ.
𑖌𑖼_ 𑖀𑖦𑖩𑖎𑖽 𑖝𑖸𑖕𑖸𑖜𑖰_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ AMALAKAṂ  TEJEṆI_ SVĀHĀ