Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
BỒ TÁT VÃNG SINH ĐỆ TỨ THẬP NHỊ
Tất cả ba bậc vãng sinh cùng với nghi thành đã nói trong các phẩm trước đều luận về phàm phu vãng sinh. Phẩm nầy giảng rộng về số lượng mười phương Bồ tát vãng sinh số đến vô biên, nhằm chỉ rõ thêm diệu pháp Tịnh Độ thâu nhiếp cả phàm lẫn Thánh, lợi độn đều thu, khuyên khắp chúng sinh cầu sinh Cực Lạc.
KINH VĂN:
Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn: “Kim thử Sa Bà thế giới, cập chư Phật sát, Bất Thoái Bồ Tát đương sinh Cực Lạc quốc giả, kỳ số kỷ hà?” Phật cáo Di Lặc: “Ư thử thế giới, hữu thất bách nhị thập ức Bồ Tát, dĩ tằng cúng dường vô số chư Phật, thực chúng đức bổn, đương sinh bỉ quốc. Chư tiểu hạnh Bồ Tát, tu tập công đức, đương vãng sinh giả, bất khả xưng kế”.
VIỆT DỊCH:
Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng: – Nay có bao nhiêu Bồ Tát
Bất Thoái trong thế giới Sa Bà nầy và các cõi Phật sẽ sinh về cõi Cực Lạc?
Phật bảo Di Lặc: – Trong thế giới này có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, trồng các cội đức, sẽ sinh về cõi ấy. Các tiểu hạnh Bồ tát tu tập công đức sẽ sinh về cõi ấy, số lượng không thể tính kể.
GIẢNG:
Trước hết, Di Lặc đại sĩ thưa hỏi số lượng các Bồ tát Bất Thoái trong cõi nầy và mười phương sẽ vãng sinh. Phật đáp: Các Bồ tát ở cõi nầy được vãng sinh có bảy trăm hai mươi ức đại hạnh Bồ tát, còn tiểu hạnh Bồ tát thì vô lượng không thể tính kể nổi.
Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng chữ “tiểu hạnh” như sau: Thập Tín Bồ Tát gọi là tiểu hạnh, ấy là vì so với địa vị Bất Thoái ”. Ý nói: Bồ Tát Bất Thoái gọi là đại hạnh, còn Thập Tín gọi là tiểu hạnh vì họ còn thăng trầm bất định. Họ chưa ra khỏi mười pháp giới, nhưng họ đã ra khỏi lục đạo luân hồi.
KINH VĂN:
Bất đản ngã sát chư Bồ Tát đẳng, vãng sinh bỉ quốc, tha phương Phật độ, diệc phục như thị. Tùng Viễn Chiếu Phật sát, hữu thập bát câu-chi na-do-tha Bồ Tát Ma Ha Tát, sinh bỉ quốc độ. Đông Bắc phương Bảo Tạng Phật sát, hữu cửu thập ức Bất Thoái Bồ Tát, đương sinh bỉ quốc. Tùng Vô Lượng Âm Phật sát, Quang Minh Phật sát, Long Thiên Phật sát, Thắng Lực Phật sát, Sư Tử Phật sát, Ly Trần Phật sát, Đức Thủ Phật sát, Nhân Vương Phật sát, Hoa Tràng Phật sát, Bất Thoái Bồ Tát đương vãng sinh giả, hoặc số thập bách ức, hoặc số bách thiên ức, nãi chí vạn ức.
VIỆT DỊCH:
Không những các Bồ Tát trong cõi ta vãng sinh cõi ấy, mà các cõi Phật phương khác cũng lại như vậy. Từ cõi Phật Viễn Chiếu có mười tám câu-chi na-do-tha Bồ Tát Ma Ha Tát sinh về cõi nước ấy. Cõi Phật Bảo Tạng ở phương Ðông Bắc có chín mươi ức Bồ Tát Bất Thoái sẽ sinh về cõi ấy. Từ cõi Phật Vô
Lượng Âm, cõi Phật Quang Minh, cõi Phật Long Thiên, cõi Phật Thắng Lực, cõi Phật Sư Tử, cõi Phật Ly Trần, cõi Phật Ðức Thủ, cõi Phật Nhân Vương, cõi Phật Hoa Tràng, các Bồ Tát Bất Thoái sẽ vãng sinh, hoặc số mười trăm ức, hoặc số trăm ngàn ức, cho đến vạn ức.
GIẢNG:
Ðoạn kinh văn này nói đến danh hiệu mười một cõi Phật và số lượng các Bồ Tát được vãng sinh từ những phương khác. Ðoạn kinh tiếp sau đoạn nầy sẽ nêu tên hai cõi Phật thứ mười hai và mười ba.
Sách Hội Sớ viết: “Thứ tự của mười ba vị Phật này là kể theo thứ tự xuất thế hay là tính theo phương vị? Chưa rõ nghĩa này”. Vì thế, ở đây cụ Hoàng Niệm Tổ cũng không bàn sâu. Kinh nêu lên cõi này và mười ba cõi Phật cũng chỉ là nêu đại lược trong vô lượng cõi Phật.
KINH VĂN:
Kỳ đệ thập nhị Phật danh Vô Thượng Hoa, bỉ hữu vô số chư Bồ Tát chúng, giai bất thoái chuyển. Trí tuệ dũng mãnh, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật, cụ đại tinh tấn, phát thú Nhất Thừa. Ư thất nhật trung, tức năng nhiếp thủ bách thiên ức kiếp, đại sĩ sở tu kiên cố chi pháp. Tư đẳng Bồ Tát, giai đương vãng sinh. Kỳ đệ thập tam Phật danh viết Vô Úy, bỉ hữu thất bách cửu thập ức đại Bồ Tát chúng, chư tiểu Bồ Tát cập tỳ-kheo đẳng, bất khả xưng kế, giai đương vãng sinh. Thập phương thế giới chư Phật danh hiệu, cập Bồ Tát chúng đương vãng sinh giả, đản thuyết kỳ danh, cùng kiếp bất tận.
VIỆT DỊCH:
Vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa. Ngài có vô số các Bồ Tát đều là bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đủ đại tinh tấn, hướng đến Nhất Thừa. Trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ các pháp của bậc đại sĩ tu hành kiên cố trong trăm ngàn ức kiếp. Các vị Bồ Tát ấy sẽ đều vãng sinh. Vị Phật thứ mười ba tên là Vô Úy, Ngài có bảy trăm chín mươi ức đại Bồ Tát; các tiểu Bồ Tát và các tỳkheo sẽ đều vãng sinh, số không thể tính kể. Mười phương thế giới, danh hiệu chư Phật và chúng Bồ Tát sẽ vãng sinh, dù chỉ kể tên, thì suốt kiếp cũng không thể kể hết.
GIẢNG:
“Kỳ đệ thập nhị Phật danh Vô Thượng Hoa” (vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa): Trong cõi Phật thứ mười hai này, đức Phật nêu một số đức hạnh tượng trưng của các Bồ Tát ở cõi ấy, nên nói:
“Giai bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật, cụ đại tinh tấn, phát thú Nhất Thừa” ( Đều là bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đủ đại tinh tấn, hướng đến Nhất Thừa).
“Ư thất nhật trung, tức năng nhiếp thủ bách thiên ức kiếp, đại sĩ sở tu, kiên cố chi pháp” (Trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ các pháp của bậc đại sĩ tu hành kiên cố trong trăm ngàn ức kiếp).
“Kiên cố chi pháp” (pháp kiên cố) chính là Bất Thoái Chuyển. Ngay cả các vị Bồ Tát Bất Thoái Chuyển này cũng vãng sinh Cực Lạc, ý nghĩa là sao? Ðại Luận giải đáp:
“Hỏi: Pháp của Bồ Tát lẽ ra phải độ chúng sinh, sao lại chỉ sinh về thế giới thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ?
Ðáp: Bồ Tát có hai loại: Một là có tâm từ bi thường vì chúng sinh, hai là (thích) tu tập nhiều các công đức của Phật. Hạng thích tu tập nhiều các công đức của chư Phật thì sinh trong thế giới Nhất Thừa thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ; hạng thích vì chúng sinh thì sinh vào nơi không có Phật pháp”.
Sách Luận Chú còn viết: “Các Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm là các Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên, Thất Ðịa trở xuống. Các Bồ Tát ấy cũng có thể hiện thân trong trăm, hoặc ngàn, hoặc vạn, hoặc ức, hoặc trăm ngàn vạn ức cõi không có Phật để làm Phật sự. Nhưng họ cần phải vận tâm nhập tam-muội thì mới có thể làm như thế, chớ không thể không vận tâm. Do phải vận tâm nên gọi là chưa đắc tịnh tâm. Các Bồ Tát ấy nguyện sinh trong Tịnh Ðộ An Lạc liền thấy Phật A Di Ðà. Lúc thấy Phật A Di Ðà sẽ được thân rốt ráo, đắc pháp bình đẳng với các bậc Ðịa Thượng Bồ Tát.
Long Thọ Bồ Tát, Bà Tẩu Bàn Ðầu Bồ Tát (Vasubandhu, tức ngài Thế Thân Bồ Tát) nguyện sinh về cõi ấy cũng chính vì điều đó”.
Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu: “Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên, Thất Ðịa trở xuống”: Đây là nói về Biệt Giáo. Sơ Địa của Biệt Giáo là Sơ Trụ của Viên Giáo. Viên Giáo Sơ Trụ đến Bồ tát Thất Trụ đều đã Kiến tánh. Nếu xuống thấp một bậc, đó là Thập Tín vị, Thông Giáo.
Thiên Thai thông giáo nói: Từ Sơ Địa đến Thất Địa; chính là chỗ nầy chúng ta nói: Sơ Tín đến Thất Tín. Thất Tín ngang hàng với A La Hán.
“Các vị Bồ tát ấy cũng có thể hiện thân…trong trăm ngàn vạn ức cõi không có Phật để làm Phật sự. Nhưng họ cần phải vận tâm nhập tam-muội mới có thể làm như thế… Do phải vận tâm nên gọi là chưa đắc tịnh tâm”: Pháp Thân Bồ tát không cần phải nhập Định (tức tam-muội), công lực của họ cao hơn. Trong đi, đứng, nằm, ngồi họ đều ở trong Định, hoàn toàn không có tạp niệm. Cho nên tác dụng của Kiến tánh (Pháp Thân Bồ tát) và không kiến tánh (A La Hán) khác nhau rất lớn.
“Các Bồ Tát ấy nguyện sinh trong Tịnh Ðộ An Lạc liền thấy Phật A Di Ðà. Lúc thấy Phật A Di Ðà sẽ được thân rốt ráo, đắc pháp bình đẳng với các bậc Ðịa Thượng Bồ Tát”: Đây là nhờ Di Đà bổn nguyện, nguyện thứ hai mươi “Lâm chung tiếp dẫn” gia trì mới được như vậy. Sinh đến thế giới Cực Lạc, ai ai cũng đều làm A Duy Việt Trí Bồ tát. Thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng. Cho dù phàm phu hay các tiểu hạnh Bồ tát vãng sinh đến thế giới ấy đều được sức bổn nguyện lực của Phật A Di Đà gia trì nên thần thông, trí tuệ, đức năng v.v…của họ đều ngang bằng với Địa Thượng Pháp Thân Bồ tát. “Địa Thượng” là cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Sách Luận Chú còn viết thêm:
“Bồ Tát trong Thất Ðịa đắc đại tịch tĩnh: Trên không thấy chư Phật để cầu, dưới không thấy chúng sinh để độ, muốn xả Phật đạo chứng nơi Thật Tế. Lúc bấy giờ, họ không được thần lực của mười phương chư Phật hỗ trợ khuyến khích nên liền diệt độ, không khác chi Nhị Thừa. Còn nếu Bồ Tát vãng sinh cõi An Lạc do thấy được Phật A Di Ðà nên không mắc nạn ấy”.
Hòa thượng Tịnh Không giải thích như sau: Nói “Bồ Tát trong Thất Ðịa đắc đại tịch tĩnh”, đây chính là vào cảnh giới rồi. “Trên chẳng thấy chư Phật để cầu, dưới không thấy chúng sinh để độ, muốn xả Phật đạo chứng nơi Thật Tế”. Họ vẫn còn có ý niệm này, vẫn còn khởi tâm động niệm. Do vậy, chúng ta biết họ không phải là Bồ tát Viên giáo. Người tu hành đạt đến cảnh giới “Vô Phật, vô chúng sinh”, bèn muốn xả Phật đạo, chứng nơi Thật Tế. Thật tế chính là Niết Bàn. A La Hán chứng là Tiểu thừa Niết Bàn; Bồ tát chứng là Quyền giáo Niết Bàn. Trong lúc quan trọng này, nếu không được mười phương chư Phật thần lực gia trì, họ liền vào diệt độ, “không khác chi Nhị Thừa”. Họ nhập diệt liền không khởi tác dụng nữa! Đây không phải thật sự là minh tâm kiến tánh.
Thật sự minh tâm kiến tánh gọi là Đại Bát Niết Bàn. Nếu chỉ tượng tợ với Đại Bát Niết Bàn thì đó không phải thật, vẫn là một loại ảo giác. Nhưng, Phật sẽ chiếu cố họ. Trong cảnh giới này, mười phương chư Phật nhất định hiện thân thuyết pháp, khuyên họ nên dũng mãnh tinh tấn, phải phước tuệ song tu, phải cầu sinh Tịnh Độ. Bởi đến thế giới Cực Lạc gặp Phật A Di Đà thì không còn nạn này nữa, lỗi lầm này chắc chắn không còn. Hiểu được đạo lý này, chúng ta mới biết Quyền giáo Bồ tát vẫn còn đi sai đường. Cho nên, Bồ tát vì sao phải đến thế giới Cực Lạc, phải cần được Phật gia trì, đạo lý chính là đây.
Sách Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận viết: “Ðoạn kinh trên đây nói rõ Bồ Tát vãng sinh không thể tính nổi số, đều là những người được nguyện lực của Như Lai gia trì, quang minh của Phật nhiếp thọ. Bởi thế, Trí Giả đại sư khi lâm chung sai môn đồ xướng tụng đề mục các kinh Vô Lượng Thọ và Quán kinh, chắp tay khen rằng: ‘Bốn mươi tám nguyện trang nghiêm Tịnh Ðộ, ao hoa, cây báu, dễ đi mà chẳng có người. Dẫu tướng xe lửa bốc cháy biến hiện, nhất niệm cải hối còn được vãng sinh, huống hồ (là kẻ) giới, định huân tu. Thánh hạnh đạo lực thật không luống uổng’. Nói xong, Ngài xưng danh hiệu Tam Bảo, nghiễm nhiên viên tịch”.
Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Câu “Trí Giả đại sư khi lâm chung”, đây chỉ là thị hiện, Trí Giả đại sư là Phật Thích Ca tái lai. “Hỏa xa tướng hiện, nhất niệm cải hối, thượng đắc vãng sinh” (Dẫu tướng xe lửa bốc cháy biến hiện, nhất niệm cải hối còn được vãng sinh). Câu “Hỏa xa tướng hiện” là tướng địa ngục Vô Gián.
Lúc nầy mới hoảng hốt, lo sợ, cải hối, “nhất niệm cải hối” nầy, Phật sẽ đến tiếp dẫn. Tuy nhiên, phải nhớ: Khi tướng địa ngục xuất hiện không nên hoảng sợ, vì hoảng sợ sẽ làm mất chánh niệm, phải bình tĩnh duy trì được chủ lực của mình, thành tâm sám hối, chí tâm niệm Phật phát nguyện vãng sinh thì mới được cảm ứng.
“Huống giới, định huân tu, Thánh hạnh đạo lực, thật bất đường quyên” (Huống hồ (là kẻ) giới, định huân tu. Thánh hạnh đạo lực thật không luống uổng): Chữ “Thánh hạnh” ở đây là “học Phật”, trong cuộc sống hàng ngày nhất định không trái với giới luật, đó là “Thánh hạnh”.
– Giới luật từ đâu mà có?
– Từ cuộc sống hằng ngày của đức Phật Thích Ca, từng li từng tí đều ghi chép lại để chúng ta học tập, noi theo, đó là giới luật.
“Thánh hạnh” chính là đức. Thực hành theo đại Thánh là người có “đạo lực”. “Đạo” là tánh đức, là quy tắc vận hành của đại tự nhiên, là vĩnh hằng bất biến, thanh tịnh tịch diệt. Cho nên, “Thánh hạnh đạo lực” một đời tu trì “thật bất đường quyên” (thật không luống uổng).
Chữ “đường quyên” là thuật ngữ thời nhà Đường, ý nghĩa là công phu vô ích, không có thành tựu. “Thật bất đường quyên” là chân thật không uổng phí, chân thật có thành tựu.
Đại sư Trí Giả là Tổ Sư của Tông Thiên Thai. Pháp môn Ngài tu là y theo Thập Lục Quán Kinh mà tu, Ngài niệm Phật vãng sinh thế giới Cực Lạc; trong Vãng Sinh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có tên Ngài. Có lẽ, Ngài là khởi đầu cho các Tổ sư tông Thiên Thai về sau, cuối cùng đều niệm Phật vãng sinh Tịnh Độ. Năm xưa, Pháp sư Đàm Hư, tông Thiên Thai ở Hồng Kông cũng niệm Phật vãng sinh Tịnh Độ.
Đời Đường, sư Pháp Chiếu lên núi Ngũ Đài, vào chùa Trúc Lâm Đại Thánh, gặp hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền liền thưa hỏi pháp yếu tu hành. Đức Văn Thù dạy:
“Các môn tu hành, không môn nào bằng pháp Niệm Phật. Trong kiếp quá khứ, ta do niệm Phật nên đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Vì thế, tất cả các pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, thậm thâm thiền định, cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật đều từ pháp niệm Phật sinh ra”.
Ngài Pháp Chiếu thưa: – Nên niệm như thế nào? Đức Văn Thù dạy:
“Phía Tây thế giới này có đức Phật A Di Đà. Đức Phật ấy nguyện lực không thể nghĩ bàn. Ông nên liên tục niệm chớ gián đoạn thì lúc mạng chung quyết định vãng sinh”.
Nhân đó, hai vị Bồ tát thọ ký rằng: “Ông do niệm Phật bất tư nghị, rốt ráo chứng được vô thượng giác. Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu muốn nguyện mau được xuất ly thì phải nên niệm Phật”.
Câu chuyện này thiết nghĩ quý vị đồng tu đều biết: Sư Pháp Chiếu là Tổ sư thứ tư của Tịnh Tông, trước đó Ngài vốn là người tu thiền. Một hôm lên núi Ngũ Đài, Ngài thấy trên núi có một ngôi chùa cực kỳ nguy nga tráng lệ, có vườn cây, ao nước v.v…, nhìn thấy tấm biển bên ngoài ghi là Đại Thánh Trúc Lâm Tự. Ngài bèn đi vào bên trong, thấy đức Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát đang ngự trên tòa báu sư tử thuyết pháp. Bên dưới có khoảng một vạn vị Bồ tát đang lặng lẽ lắng nghe. Ngài cũng cung kính đảnh lễ, rồi ngồi xuống nghe pháp.
Sau khi nghe xong, liền đến thỉnh giáo với Bồ tát, hỏi: Thời kỳ mạt pháp, chúng sinh căn tánh thấp hèn, phải tu pháp môn nào để có thể được thành tựu? Đức Văn Thù Bồ tát bảo: Thời kỳ nầy; chính là lúc chúng sinh cần nên niệm Phật. “Trong tất cả hành môn, không gì hơn niệm Phật. Trong kiếp quá khứ, bản thân ta (tức Ngài Văn Thù) cũng “do niệm Phật mà đắc được Nhất Thiết Chủng Trí” (Nhất Thiết Chủng Trí tức là thành Phật) “Tất cả các pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, thậm thâm thiền định, cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật đều từ pháp niệm Phật sinh ra”:
“ Thậm thâm thiền định” là hành môn; “Bát Nhã Ba La Mật Đa” là giải môn. Giải, hành tương ưng. “Nãi chí chư Phật chánh biến tri hải” (cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật), đây là thành Phật. Chư Phật chứng đắc là rốt ráo viên mãn, vô sở bất tri, vô sở bất năng, “đều từ pháp Niệm Phật sinh ra”. Mới biết, pháp môn niệm Phật thật không thể nghĩ bàn!
Sư Pháp Chiếu lại hỏi Bồ tát Văn Thù: “Nên niệm thế nào?” Đức Văn Thù dạy:
“Phía Tây thế giới nầy có đức Phật A Di Đà. Đức Phật ấy nguyện lực không thể nghĩ bàn. Ông nên liên tục niệm chớ gián đoạn thì lúc mạng chung quyết định vãng sinh”.
Sau đó, Bồ tát Văn Thù dạy sư phương pháp niệm Phật có tiết tấu, có âm điệu. Sư rời núi, trở về, liền đề xướng niệm Phật, gọi là “Ngũ hội niệm Phật”. Cách “ngũ hội niệm Phật”, sau nầy bị thất truyền.
Đầu năm Dân quốc, có pháp sư (không nhớ rõ tên) có biên tập một khúc nhạc về “ngũ hội niệm Phật”, xướng lên nghe rất hay, giống như âm nhạc, có thể biểu diễn trên sân khấu, tiếp dẫn người sơ cơ, gieo trồng thiện căn cho họ. Nhưng, rất tiếc với âm điệu nhạc này không giúp cho hành giả nhiếp tâm. Do vậy mà, tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) nghĩ đây nhất định không phải là “ngũ hội niệm Phật” của đức Văn Thù truyền lại.
Trước khi ra về, Ngài Pháp Chiếu còn được hai vị Đại Thánh đồng đưa tay vàng xoa đầu thọ ký cho Ngài. Ngài vui mừng đảnh lễ, từ tạ lui ra. Vừa ra khỏi cổng chùa, quay đầu nhìn lại thì thấy cả người và cảnh thảy đều biến mất. Ngài bèn dựng đá ghi dấu chỗ ấy, rồi trở về chùa Phật Quang.
Lại thêm một thí dụ nữa:
Ngài Huệ Nhật cưỡi thuyền vượt biển đến Thiên Trúc, tới nước Kiền Đa La (Gandhara). Nơi hòn núi ở phía Đông Bắc nước ấy có tượng Quán Âm. Ngài Huệ Nhật đê đầu lễ bái suốt bảy ngày, lại nhịn ăn cho đến hết mạng để làm kỳ hạn (cầu được cảm ứng). Đến đêm ngày thứ bảy, chợt thấy Quán Âm hiện thân tử kim, ngồi tòa sen báu, đưa tay xoa đầu sư bảo: “Ông muốn truyền pháp tự lợi, lợi tha, chỉ cần niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Rõ ràng là pháp môn Tịnh Độ vượt hẳn các hạnh.
Cũng theo sách chú giải của cụ Hoàng: “Các tác phẩm Vãng sinh Luận của Thiên Thân đại sĩ, Khởi Tín Luận của Mã Minh đại sĩ, Thập Nghi Luận của Trí Giả đại sư và bao nhiêu trước tác của các vị đại đức như Vĩnh Minh, Thiên Như, Sở Thạch, Liên Trì, không tác phẩm nào lại chẳng ân cần khen ngợi, dẫn dắt về việc vãng sinh Tây phương, quyết không phải là việc lừa dối, gạt gẫm người đời. Huống hồ chúng ta sinh nhằm đời mạt, pháp nhược ma cường, lại độc lực tu hành thì há chẳng phải là sai đường đó ư? Nếu vẫn bồi hồi không tin, tham đắm trần lao sâu đậm, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa, như cá mắc cạn, biết đến bao giờ mới hết đại khổ?! Ai nấy phải nên dũng mãnh phản tỉnh, đừng cầu pháp nào khác nữa!”
Trong Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận, cư sĩ Bành Tế Thanh còn viết sơ lược về bốn sự việc trong phần Chánh Tông của kinh này như sau:
1.- Một là nói rõ nguyện hạnh rộng lớn của ngài Pháp Tạng, nhằm giúp cho hành giả sinh tâm gánh vác, phát khởi Bi Trí, đầy đủ nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
2.- Hai là nói đến công đức rộng lớn (năm kiếp tu hành) của ngài Pháp Tạng, khiến hành giả sinh tâm chân thật, rộng hành phương tiện (phương tiện ở đây là tự lợi, lợi tha), đầy đủ hạnh của Bồ tát Phổ Hiền.
3.- Ba là giảng về y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, khiến hành giả sinh tâm quyết định, chí thành hồi hướng, nhập cảnh giới Phật, chẳng đọa nghi thành.
4.-Bốn là tỏ bày chánh nhân vãng sinh (tức “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”) và quả báo thế gian khiến hành giả sinh tâm tinh tấn, nhất niệm niệm Phật, thành tựu tam-muội, quyết sinh về cõi ấy”.
Tóm lại, theo thuyết của ông Bành thì hai điều đầu chính là “khuyến nguyện” cũng chính là khuyến phát Bồ Ðề tâm. Điều thứ ba là “khuyến tín”. Điều cuối cùng là “khuyến hành”: Dứt ác hành thiện; mà vua của các điều thiện là Trì Danh. Tín nguyện chính là “phát Bồ Ðề tâm”, Trì Danh là “nhất hướng chuyên niệm”. Ðấy chính là tông chỉ của bộ kinh nầy; nên gọi là Chánh Tông Phần. Nếu xét theo kinh Tiểu Bổn thì chính là “tín nguyện trì danh”. Hai bản tuy có giản lược hay chi tiết sai khác, nhưng cương tông không khác.
Linh Phong đại sư nhận định trong phần giải thích về Chánh Tông Phần của kinh Tiểu Bổn như sau: “Trước hết rộng bày diệu quả y báo, chánh báo cõi ấy để khơi gợi lòng tin. Hai là riêng khuyên chúng sinh nên cầu vãng sinh để phát nguyện. Ba là phần dạy chánh yếu: Dạy hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh. Tín nguyện trì danh là yếu chỉ của cả bộ kinh”.