Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
HOẶC TẬN KIẾN PHẬT ĐỆ TỨ THẬP NHẤT
KINH VĂN:
Thí như Chuyển Luân thánh vương, hữu thất bảo ngục, vương tử đắc tội, cấm bế kỳ trung, tằng lâu, ỷ điện, bảo trướng, kim sàng, lan, song, tháp, tọa, diệu sức kỳ trân . Ẩm thực y phục, như Chuyển Luân Vương, nhi dĩ kim tỏa hệ kỳ lưỡng túc. Chư tiểu vương tử ninh nhạo thử phủ?
Từ Thị bạch ngôn: – Bất dã, Thế Tôn! Bỉ u trập thời, tâm bất tự tại, đản dĩ chủng chủng phương tiện, dục cầu xuất ly, cầu chư cận thần, chung bất tùng tâm. Luân Vương hoan hỉ, phương đắc giải thoát.
VIỆT DỊCH
Thí như Chuyển Luân Thánh Vương, có ngục bảy báu, vương tử có tội, bị giam kín bên trong, lầu tầng, điện dẹp, màn báu, giường vàng, lan can, cửa sổ, giường ghế, trang sức quý giá. Uống ăn, y phục như Chuyển Luân vương, nhưng dùng xích vàng, xiềng hai chân lại. Các tiểu vương tử có vui được chăng? Từ Thị bạch rằng: – Thưa Thế Tôn, không ạ! Họ bị giam cầm, tâm không tự tại, chỉ dùng mọi cách, để mong thoát ra, cầu các cận thần, cũng không toại ý. Luân Vương vui vẻ mới được giải thoát.
GIẢNG:
Phẩm này tiếp tục khuyên hành giả phải đoạn trừ nghi hoặc.
Trước hết, Phật dùng thí dụ: “Thí như Chuyển Luân Thánh Vương, hữu thất bảo ngục, vương tử đắc tội, cấm bế kỳ trung, tằng lâu, ỷ điện, bảo trướng, kim sàng, lan, song, tháp, tọa, diệu sức kỳ trân. Ẩm thực y phục, như Chuyển Luân Vương, nhi dĩ kim tỏa hệ kỳ lưỡng túc” . Ý nói: Thí như Chuyển Luân Thánh Vương có ngục bảy báu, vương tử có tội, bị giam kín bên trong, lầu tầng, điện đẹp, màn báu, giường vàng, lan can, cửa sổ, giường ghế, trang sức quý giá. Uống ăn, y phục như Chuyển Luân Vương, nhưng dùng xích vàng, xiềng hai chân lại.
Ngài Gia Tường nói: “Chuyển Luân Thánh Vương ví cho Phật Vô Lượng Thọ. Cung điện bảy báu ví cho cõi Tịnh Ðộ. Vương tử mắc tội ví như người mắc tội nghi hoặc. Xích vàng ví như hoa sen không nở. Thức ăn, y phục đều như Chuyển Luân vương là ví hành nhân ở trong hoa sen hưởng các sự khoái lạc tự tại…”
Chữ “tằng lâu” là lầu gác nhiều tầng. Chữ “sàng” là chỗ để ngồi hoặc nằm. Chữ “trướng” là màn treo hay căng trên giường để ngăn muỗi. “Tháp” là loại giường dài, hẹp và thấp. “Diệu sức kỳ trân” (Trang sức quý giá) ý nói dùng các thứ kỳ trân dị bảo trang hoàng hết sức khéo léo.
Đức Phật hỏi Bồ Tát Di Lặc: “Chư tiểu vương tử ninh nhạo thử phủ” (Các tiểu vương tử có vui được chăng?).
Từ Thị (tức Bồ Tát Di Lặc) bạch rằng: -Bạch đức Thế Tôn, người bị trói buộc giam cầm, mất hẳn tự do. Lúc đó, họ chỉ muốn tìm đủ mọi cách để được thoát ra. Nên nói: “Bỉ ư trập thời, tâm bất tự tại, đản dĩ chủng chủng phương tiện, dục cầu xuất ly” (Họ bị giam cầm, tâm không tự tại, chỉ dùng mọi cách để mong thoát ra). “U trập”: Chữ “u” là tù ngục, chữ “trập” là trói buộc, cầm giữ. “U trập” có nghĩa là trói buộc, nhốt vào ngục.
KINH VĂN:
Phật cáo Di Lặc: – Thử chư chúng sinh, diệc phục như thị. Nhược hữu đọa ư nghi hối, hy cầu Phật trí, chí quảng đại trí. Ư tự thiện căn, bất năng sinh tín. Do văn Phật danh khởi tín tâm cố, tuy sinh bỉ quốc, ư liên hoa trung bất đắc xuất hiện. Bỉ xử hoa thai, do như viên uyển cung điện chi tưởng.
Hà dĩ cố? Bỉ trung thanh tịnh vô chư uế ác; nhiên ư ngũ bách tuế trung, bất kiến Tam Bảo, bất đắc cúng dường phụng sự chư Phật, viễn ly nhất thiết thù thắng thiện căn. Dĩ thử vi khổ, bất sinh hân nhạo. Nhược thử chúng sinh thức kỳ tội bổn, thâm tự hối trách, cầu ly bỉ xứ. Vãng tích thế trung, quá thất tận dĩ, nhiên hậu nãi xuất.
VIỆT DỊCH:
Phật bảo Di Lặc:
– Các chúng sinh này, cũng giống như thế. Nếu có kẻ đọa vào nghi hối, mong cầu Phật trí cho đến quảng đại trí, đối với thiện căn của chính mình không thể sinh tín. Do nghe danh hiệu Phật phát khởi tín tâm, tuy sinh nước kia, ở trong hoa sen, không được xuất hiện. Kẻ ấy ở trong hoa thai mà tưởng như đang ở trong vườn hoa, cung điện.
Vì sao thế? Trong ấy thanh tịnh, không có uế ác, nhưng trong năm trăm năm chẳng thấy Tam Bảo, không được cúng dường, phụng sự chư Phật, xa lìa tất cả thiện căn thù thắng, nên lấy đó là khổ, không sinh tâm vui thích. Nếu chúng sinh này biết gốc tội mình, hết lòng ăn năn tự trách, cầu thoát chốn đó, khi đã hết tội đời trước, sau mới thoát ra.
GIẢNG:
Câu “diệc phục như thị” (cũng giống như vậy) là nêu sự việc để phối hợp với những ví dụ trong phần trước: “Hoa thai” tương ứng với “thất bảo ngục” (ngục bằng bảy báu); “bất đắc xuất hiện” (không được xuất hiện) tương ứng với “nhi dĩ kim tỏa, hệ kỳ lưỡng túc” (dùng xích vàng xiềng cả hai chân); “do như viên uyển cung điện chi tưởng” (tưởng như đang ở trong vườn hoa, cung điện) tương ứng với “tằng lâu ỷ điện… như Chuyển Luân Vương” (lầu tầng, điện đẹp… như Chuyển Luân vương); “bất sinh hân nhạo” (không sinh tâm ưa thích) tương ứng với “vương tử bất lạc” (vương tử không vui).
Câu “Nhược thử chúng sinh, thức kỳ tội bổn, thâm tự hối trách, cầu ly bỉ xứ, vãng tích thế trung, quá thất tận dĩ, nhiên hậu nãi xuất”. ( Nếu chúng sinh này, biết gốc tội mình, hết lòng ăn năn tự trách, cầu thoát chốn đó, khi đã hết tội đời trước, sau mới thoát ra) tương ưng với “Luân vương hoan hỉ, phương đắc giải thoát” (Luân Vương hoan hỉ mới được giải thoát).
Sách Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Ý nói Thai sinh không có các nỗi khổ gì khác, chỉ vì trong năm trăm năm không được thấy Tam Bảo, không được tu thiện nên lấy đó là khổ. Do có khổ đó, nên dẫu ở chốn vui mà chẳng thấy vui”.
Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Do cầu cái vui thù thắng nên xem cái vui kém cỏi là khổ; như ưa thích cái vui bậc thượng, chán cái vui thấp hèn, nên xem đó là cái khổ về bậc thô. Tuy gọi là khổ, nhưng không phải cảm thọ”.
Ngài Vọng Tây, trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết:
“Hỏi: Sinh vào Biên Địa là quả của tâm nghi hay quả của việc tu thiện?
Ðáp: Chính là quả của việc tu thiện, chớ không phải là quả của tâm nghi. Nhưng do tâm nghi xen tạp nên đạt cái quả không thuần tịnh”. Ý nói: Nghi tâm không thể vãng sinh mà nguyên nhân phải chính là do tu thiện. Nhưng, tu thiện lại có hoài nghi xen tạp nên phải nhận cái quả là sinh vào Biên Địa.
“Tu thiện” ở đây phải hiểu là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà”, không phải là những thiện khác. Nên nhớ: Niệm Phật phải nhất tâm, không nên để tạp niệm xen vào. Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta phương pháp “Thập niệm” rất có hiệu quả: Từ câu “Nam mô A Di Đà Phật” thứ nhất đến câu thứ mười, phải ghi nhớ rõ ràng thứ tự từng câu; nghe thật rõ ràng từng chữ. Nếu không ghi nhớ thì tạp niệm sẽ xen vào, niệm Phật sẽ không được nhất tâm, như vậy sẽ đạt đến cái quả không thuần tịnh là sinh vào Biên Địa.
“Nhược thử chúng sinh thức kỳ tội bổn”. (Nếu chúng sinh này biết gốc tội mình). Sách Hội Sớ giảng: “Bổn tội là tội nghi hoặc”.
Ngài Vọng Tây bảo: “Nghi năm trí của Phật thì gọi là bổn tội, chớ không phải là mười ác nghiệp”. Bởi người có mười ác nghiệp thì không thể nào được vãng sinh.
“Thâm tự hối trách, cầu ly bỉ xứ” Ngài Nghĩa Tịch giảng câu “thâm tự hối trách” (hết lòng ăn năn, tự trách) như sau: “Nói đến hối trách thì quán sát tâm là Hối, trách cứ tâm mê của mình là Trách”.
“Vãng tích thế trung, quá thất tận dĩ, nhiên hậu nãi xuất” (khi đã hết tội đời trước sau mới thoát ra) Ngài Vọng Tây bảo: “Hết năm trăm năm thì túc chướng mỏng nhẹ, biết gốc tội mình nên tự hối trách. Do hối trách nên hết chướng, liền đến chỗ Phật A Di Ðà ”.
Ngài Ðàm Loan, trong tác phẩm Lược Luận, cũng bảo: “Biết gốc tội của mình, tự hối trách sâu, cầu thoát chốn ấy, liền được như ý, lại thuộc vào ba bậc vãng sinh. Phải hết năm trăm năm mới biết tội mà sám hối”.
Cả hai vị Ðàm Loan và Vọng Tây đều cho rằng đến cuối thời gian năm trăm năm mới hối tội và thoát được Biên Địa.
Ngài Gia Tường lại nghĩ khác, trong Gia Tường Sớ, Ngài viết: “Nói thâm tự hối trách là ngụ ý: (Chúng sinh trong chốn Biên Địa) không phải chỉ có một loại. Hễ sám hối liền được thoát khỏi, chẳng cần phải hối trách trọn cả năm trăm năm”.
Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Thật ra, hai thuyết trên không hề mâu thuẫn nhau: Cuối thời gian năm trăm năm mới biết tội, sám hối là chỉ cho đa số người ở Biên Địa. Thật ra, không cần đợi đến năm trăm năm, hễ sám hối liền được ra, đấy chính là những người thượng căn. Câu “Quá thất dĩ tận” (Tội lỗi hết sạch) là khi những lỗi nghi hoặc ngày trước đã sám trừ hết mới được ra khỏi nghi thành gặp Phật, nghe pháp, nên nói “nhiên hậu nãi xuất”.
KINH VĂN:
Tức đắc vãng nghệ Vô Lượng Thọ sở, thính văn kinh pháp. Cửu cửu diệc đương khai giải, hoan hỉ, diệc đắc biến cúng vô số vô lượng chư Phật, tu chư công đức. Nhữ A Dật Đa! Đương tri nghi hoặc ư chư Bồ Tát vi đại tổn hại, vi thất đại lợi. Thị cố ưng đương minh tín chư Phật vô thượng trí tuệ.
VIỆT DỊCH:
Liền được đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ nghe giảng kinh pháp. Lâu ngày cũng sẽ khai giải, hoan hỉ, cũng được cúng khắp vô số vô lượng chư Phật, tu các công đức. Nầy A Dật Ða! Nên biết: Nghi hoặc là thứ gây tổn hại nặng nề cho Bồ Tát, làm mất lợi ích lớn. Vì vậy, phải tin rõ trí tuệ vô thượng của chư Phật.
GIẢNG:
“Tức đắc vãng nghệ Vô Lượng Thọ sở” (liền được đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ) Ngài Gia Tường giảng câu này như sau: “Tức đắc nghĩa là không trở ngại về mặt thời gian”, ý nói: Vừa ra khỏi hoa sen thì lập tức thấy Phật A Di Đà, không cần phải mất chút thời khắc nào.
“Cửu cửu diệc đương khai giải hoan hỉ” (Lâu dần cũng sẽ khai giải, hoan hỉ). Ý nói: Người ấy do đời trước “trí tuệ bất minh, tri kinh phục thiểu” (trí tuệ không sáng suốt, lại ít biết kinh) nay tuy được đích thân gặp Phật A Di Ðà cùng nghe giáo huấn của Ngài, nhưng tâm cấu chưa trừ, tình chấp, kiến chấp vẫn còn, nên phải đa văn huân tập, tăng trưởng trí tuệ mới có thể tin hiểu được lời Phật dạy. Vì thế, kinh nói: “Cửu cửu diệc đương khai giải hoan hỉ”.“Khai giải” là tâm khai đắc giải. “Hoan hỉ” là nghe pháp liền lãnh hội nên tự nhiên hoan hỉ.
“Diệc đắc biến cúng” (Cũng được cúng khắp). Ngài Ðàm Loan giảng: “Liền được như ý, lại thuộc vào ba bậc vãng sinh”. Đây tức là được “Như Ý Thông” tức “Thần Túc Thông” có thể phân thân cùng một lúc hóa hiện đến các quốc độ chư Phật để lễ lạy, cúng dường, tu phước, khai mở trí tuệ.
“A Dật Ða” (Ajita) là tên của ngài Từ Thị. Ðức Thích Ca gọi tên Ngài lần nữa để lưu ý đại chúng chuyên tâm lắng nghe.
“Đương tri nghi hoặc ư chư Bồ Tát vi đại tổn hại, vi thất đại lợi. Thị cố ưng đương minh tín chư Phật vô thượng trí tuệ” (Nên biết: Đối với các Bồ Tát, nghi hoặc là điều tổn hại lớn, là đánh mất lợi ích lớn. Vì vậy, phải tin rành rẽ vào trí tuệ vô thượng của chư Phật). Vì sao vậy? – Theo Hòa thượng Tịnh Không: Vì tự tánh chúng ta vốn đủ, không phải từ bên ngoài. Tin tưởng Phật chính là tin tưởng chính mình. Những gì Phật có, chúng ta cũng có. Kinh giáo Đại Thừa nói: “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Học Phật là giúp chúng ta khai giải vấn đề, biết được vì sao phải buông bỏ dục vọng, danh lợi; vì sao phải quên mình nghĩ đến mọi người. Tất cả đều có lý do.
Ðối với vấn nạn “vì sao Bồ Tát còn có nghi hoặc”, sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết: “Phải chăng là phàm phu Ðại Thừa mà gọi là Bồ Tát? Hoặc giả: Nếu Bồ Tát mà còn có nghi hoặc thì cũng mất lợi ích lớn, nên phàm phu càng phải tin rành rẽ (vào Phật trí) vậy”. Lời bàn trên rất khiêm nhường, chưa dám quyết đoán. Nhưng theo cụ Hoàng Niệm Tổ, cả hai thuyết nêu trên đều đúng:
* Thứ nhất, tuy là phàm phu đầy dẫy, nhưng nếu có thể chân thật phát khởi tâm Bồ Ðề, người đó chính là “Sơ Phát Tâm Bồ Tát”. Hòa thượng Tịnh Không giải thích rõ thêm phần này như sau:
Đăng đàn giảng kinh là việc của Bồ tát. Vì vậy, cư sĩ tại gia chưa thọ giới Bồ tát, chưa thể chính thức đăng đàn thuyết pháp. Vấn đề nầy khi Phật còn tại thế, cư sĩ Duy Ma là người tiên phong. Cư sĩ tại gia thọ giới Bồ tát có thể đắp y, nhưng lằn y không có từng điều, từng điều, gọi là “man y”. Xuất gia và tại gia chỉ khác nhau ở chỗ này.
Cho nên, tại gia đắp “man y”, ta biết người nầy đã có thọ giới Bồ tát, họ có thể đại diện Phật, thăng tòa giảng kinh. Khi họ đăng tòa, người xuất gia trông thấy cũng phải cúi chào. Vì sao? -Vì họ đại diện cho Phật! Do khiêm nhường, không dám nhận sự cung kính của người xuất gia, họ bèn đặt pho tượng Phật ngay trước bục giảng, ngầm ý: Họ lạy Phật không phải lạy tôi, đây là khiêm tốn.
Sách Luận Chú nói: “Tâm Bồ Ðề vô thượng này chính là tâm nguyện làm Phật. Tâm nguyện làm Phật chính là tâm độ chúng sinh. Tâm độ chúng sinh chính là tâm nhiếp thủ chúng sinh sinh về cõi có Phật”. Hành nhân Tịnh nghiệp nếu phát được tâm như thế, cũng chính là sơ phát tâm Bồ Tát (Bồ tát mới phát tâm).
Ngài Thiên Thai bảo Bồ Tát thuộc Tín vị (thuộc địa vị của Thập Tín) trong Biệt giáo giống như những sợi bông trên không trung bấp bênh vô định. Bởi “Sơ phát tâm Bồ Tát” vẫn còn có nguy cơ bị thoái đọa! Chỗ này, Hòa thượng Tịnh Không nêu thêm giải thích:
Ngày trước, trong vòng bốn mươi dặm, có pháp sư giảng kinh. Bất luận là pháp sư xuất gia hay tại gia; người đã thọ giới Bồ tát nếu không đến nghe kinh là phạm giới.
– Vì sao Bồ tát phải đến nghe kinh?
Gây ảnh hưởng cho mọi người! Nhiều người đến nghe kinh sẽ gây sức tín tâm cho nhiều người khác. Có như vậy thì Phật pháp mới hưng thịnh. Bốn mươi dặm ngày xưa là đi bộ, có thể cần đến bốn, năm giờ để đi; nghe hết một thời kinh mới quay về nhà.
Ngày nay, giao thông thuận tiện. Giả như bạn đang nghe kinh, có người đến báo tin nhà bạn đang bị cháy. Thử hỏi: Bạn có tiếp tục nghe kinh hay quay về dập lửa? Nếu vội vàng chạy về, thế là hỏng! Đây là tâm không kiên định! Phật pháp là việc lớn, cháy nhà không vấn đề! Ngài Thiên Thai nêu ra ví dụ về Bồ tát Tín vị rất hay: “giống như sợi bông bay trên hư không, bấp bênh không định”. – Bông trên không trung là gì? – Là bông vải rất nhẹ, chỉ một cơn gió thoảng là bay đi tứ tán!
* Thứ hai, giả như thật sự là Bồ Tát, vẫn còn nghi hoặc, cũng mất lợi lớn. Do đó, phàm phu chúng ta càng không thể nghi ngờ.
Tóm lại, cả hai thuyết trên không hề mâu thuẫn nhau.
Chữ “đại lợi” (lợi lớn) chính là “chân thật lợi” (cái lợi chân thật) như trong kinh dạy. Thập phương Bạc Già Phạm (Bạc Già Phạm là Phật trong tiếng Phạn) trụ trong “Chân Thật Tuệ” khai hóa, hiển thị “Chân Thật Tế” (rốt ráo chân thật), “dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi, nan trị, nan kiến, như Ưu Đàm hoa hi hữu xuất hiện” (muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chân thật, khó gặp, khó thấy như hoa Ưu Ðàm ít khi xuất hiện). Nay đấng khó gặp đã được gặp, điều khó nghe đã được nghe, mà không tin nhận thì thật là bội bạc ơn Phật, nên bảo là “vi thất đại lợi” (mất lợi ích lớn).
Hơn nữa, pháp môn Tịnh Ðộ: Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, tín nguyện trì danh, chứng ngay Bất Thoái. Đây chính là điều chân thật nhất trong những điều chân thật, là điều lợi lớn nhất trong những điều lợi lớn nhất. Không tin pháp này thì vĩnh viễn đánh mất lợi lớn.
Kinh Thiên Thủ dạy:
“Nếu đối với đà-ra-ni này mà sinh nghi không tin thì nên biết người ấy vĩnh viễn đánh mất cái lợi lớn. Trong trăm ngàn muôn kiếp luân hồi trong nẻo ác, không có lúc ra, thường không thấy Phật, không nghe pháp, không gặp Tăng”. Câu kinh này đã chỉ rõ nghi hoặc là “vi đại tổn hại” (điều tổn hại lớn).
Hòa thượng Tịnh Không giải thích: “Đà-ra-ni” là tiếng Phạn, ở đây chỉ pháp môn Tịnh Độ. Đây là pháp môn tổng trì: Tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa. Vì sao vậy? – Vì chỉ một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, một bộ kinh Vô Lượng Thọ nầy đã bao gồm tất cả giáo pháp của mười phương ba đời chư Phật đã nói, đây gọi là “Tổng trì”. Nếu không tin, còn hoài nghi Thánh giáo, hoài nghi Tịnh Độ thì phải biết đó chính là tổn thất lớn nhất. Vì sao vậy? – Vì cơ hội không nhiều!
Đức Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp”. Được thân người không phải dễ, gặp được Phật pháp lại càng khó hơn. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật, đơn giản nhất không gì bằng pháp môn niệm Phật: Vừa dễ tu, dễ hành và dễ chứng. Rất tiếc là chúng sinh không tin nên mất luôn lợi ích lớn! Trong trăm ngàn vạn kiếp phải trôi lăn trong ác đạo không biết ngày ra! “Thường không thấy Phật, không nghe pháp, không gặp Tăng”, đó là không gặp được Tam Bảo.
– Lợi ích gì khi gặp được Tam Bảo?
– Gặp Tam Bảo sẽ tăng trưởng phước tuệ: Lễ kính cúng dường là tu phước; nghe Kinh pháp là tăng trưởng trí tuệ. Pháp thân tuệ mạng ta có được đều nhờ Tam Bảo. Cho nên, đối với Tam Bảo không được có tâm nghi hoặc.
Kinh Thập Vãng sinh nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân chánh tín kinh này, yêu thích kinh này, quán sát, dẫn dắt chúng sinh, thì kẻ nói, người nghe đều được vãng sinh cõi Phật A Di Ðà. Nếu có những người như vậy thì từ hôm nay, ta thường sai hai mươi lăm vị Bồ Tát hộ trì những người ấy, thường khiến cho họ không bệnh tật, không khổ não. Dù là người hay không phải người không có dịp khuấy nhiễu họ. Ði, đứng, nằm, ngồi; bất luận là ngày hay đêm thường được an ổn”.
Câu “dù là người hay không phải người”:
– “Người”, đó là ai?
– Là oan gia trái chủ đến gây phiền phức, chướng ngại cho ta! – “Không phải người” là ai?
– Là oán thân trong cõi tối tăm, họ bám vào thân thể ta để gây đau đớn cho ta. Thế là lục phủ, ngũ tạng của ta sinh bệnh. Nếu được hai mươi lăm vị Bồ tát nầy hộ trì, ta sẽ được an ổn, không bị oán thân trái chủ hay quỷ thần làm hại. Điều nầy cho chúng ta thấy: Người có thể tin, có thể y giáo phụng hành, biết chia sẽ Phật pháp, hướng dẫn người khác cùng tu sẽ được những điều lợi như thế.
Kinh Thập Vãng sinh còn dạy:
“Sau này (ý nói thời mạt pháp) trong Diêm Phù Ðề có tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni thấy có người đọc tụng kinh này (chỉ kinh Vô Lượng Thọ) mà sinh tâm giận dữ, ôm lòng phỉ báng, do phỉ báng chánh pháp, ngay nơi thân hiện đời của người ấy sẽ phát ra các bệnh nặng nề, thân căn không đầy đủ, điếc, mù, câm, ngọng, thủy thũng, quỷ mị, nằm, ngồi không yên, cầu sống không được, cầu chết không xong, hoặc đến khi chết đọa vào địa ngục, trong tám vạn kiếp chịu khổ não lớn, trăm ngàn ức đời, chưa nghe danh từ uống, ăn. Lâu sau thoát ra làm trâu, ngựa, heo, dê, bị người giết hại, chịu khổ não lớn. Sau được làm người, thường sinh vào nhà hèn hạ, trăm ngàn vạn đời không được tự tại, trọn không được nghe đến tên Tam Bảo. Vì thế đối với những kẻ vô tín, vô trí, chớ nói kinh này”
Câu “thủy thũng, quỷ mị”, Hòa thượng Tịnh Không giải thích là: Quỷ mị làm trướng bụng; nghĩa là quỷ áp vong, mang đến vô số bệnh tật khiến nạn nhân ngồi, nằm không yên; cầu sống không được, cầu chết không xong, rất là khổ sở. Trong nhà Phật gọi đó là “hoa báo”, phải nhận chịu quả báo ngay trong đời nầy.
Nên nhớ: Người mang tâm nóng giận, thù oán dễ mắc bệnh gan, ngày nay gọi là ung thư gan. Người bất nghĩa, rất dễ mang bệnh phổi. Người vô lễ, dễ mắc bệnh tim. Người không có chữ tín, chuyên lừa lọc người, dễ mắc bệnh bao tử. Người ngu si, không có trí tuệ dễ mắc bệnh thận. Cho nên, con người nếu sống có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì lục phủ ngũ tạng của họ sẽ không có vấn đề.
Sau cùng, cụ Hoàng Niệm Tổ nói: Sở dĩ ông trích dẫn thêm hai kinh trên đây là để chứng minh rõ thêm về “nghi” và “tín”. Tuy chỉ trong một niệm của đương cơ, nhưng họa, phước khác nhau một trời, một vực, bao đời không hết. Bởi thế, Phật mới dạy: “Ưng đương minh tín chư Phật vô thượng trí tuệ” (Phải nên tin chắc vào trí tuệ vô thượng của chư Phật).
KINH VĂN:
Từ Thị bạch ngôn: “Vân hà thử giới nhất loại chúng sinh, tuy diệc tu thiện, nhi bất cầu sinh?” Phật cáo Từ Thị: “Thử đẳng chúng sinh, trí tuệ vi thiển, phân biệt Tây phương, bất cập thiên giới, thị dĩ phi lạc, bất cầu sinh bỉ”. Từ Thị bạch ngôn: “Thử đẳng chúng sinh, hư vọng phân biệt, bất cầu Phật sát, hà miễn luân hồi”.
VIỆT DỊCH:
Ngài Từ Thị bạch rằng: – Vì sao có hạng chúng sinh trong cõi nầy tuy cũng tu thiện mà không cầu sinh? Phật bảo Từ Thị: – Bọn chúng sinh nầy trí tuệ cạn cợt, phân biệt Tây phương không bằng cõi trời; cho là không vui nên không cầu sinh về đấy.
Từ Thị bạch rằng: – Bọn chúng sinh ấy phân biệt hư vọng! Không cầu sinh về cõi Phật, làm sao thoát khỏi luân hồi?
GIẢNG:
Từ Thị Đại sĩ do tâm Vô Duyên Đại Từ, xót nghĩ đến những chúng sinh đời sau, tuy cũng tu thiện nhưng không cầu sinh Tây Phương Tịnh Ðộ, nên Ngài mới bạch Phật: “Vân hà thử giới nhất loại chúng sinh, tuy diệc tu thiện, nhi bất cầu sinh?” (Vì sao có hạng chúng sinh trong cõi này tuy cũng tu thiện mà chẳng cầu sinh?)
Phật bảo: Bọn chúng sinh ấy trí tuệ nông cạn, tham đắm phước báo trời người, không nguyện vãng sinh nên nói ““Thử đẳng chúng sinh, trí tuệ vi thiển, phân biệt Tây phương, bất cập thiên giới, thị dĩ phi lạc, bất cầu sinh bỉ” (Bọn chúng sinh này trí tuệ cạn cợt, phân biệt Tây Phương không bằng cõi trời, cho là không vui nên không cầu xin về đấy).
Ngài Từ Thị thưa:“Thử đẳng chúng sinh, hư vọng phân biệt, bất cầu Phật sát, hà miễn luân hồi” (Những chúng sinh này phân biệt hư vọng không cầu sinh về cõi Phật, làm sao thoát khỏi luân hồi?) Câu này có hai nghĩa:
*Một là chuyên chỉ hạng chúng sinh suy nghĩ lầm lạc, cho rằng cái vui nơi cõi Tây phương không bằng cái vui ở cõi trời. Phân biệt hư vọng như thế nên không cầu sinh Tịnh Ðộ; không biết rằng được sinh thiên, cái phước đó là không cố định, sau khi tuổi thọ cõi trời hết rồi, lại tiếp tục trôi lăn trong luân hồi lục đạo.
* Hai là chỉ chung hành nhân của các tông phái, tuy tinh tấn tu trì, nhưng nếu không lấy Tịnh Ðộ của Phật A Di Ðà làm chỗ quay về, chỉ cậy vào tự lực thì khó lòng dứt hẳn sinh tử ngay trong đời này, ắt phải thọ thân sau, nên ngài Di Lặc nói: “Bất cầu Phật sát, hà miễn luân hồi? (Không cầu sinh về cõi Phật, làm sao thoát khỏi luân hồi?)
KINH VĂN:
Phật ngôn: – Bỉ đẳng sở chủng thiện căn, bất năng ly tướng, bất cầu Phật tuệ, thâm trước thế lạc, nhân gian phước báo. Tuy phục tu phước, cầu nhân thiên quả, đắc báo chi thời, nhất thiết phong túc, nhi vị năng xuất tam giới ngục trung. Giả sử phụ mẫu, thê tử, nam nữ, quyến thuộc, dục tương cứu miễn, tà kiến nghiệp vương, vị năng xả ly, thường xử luân hồi, nhi bất tự tại.
Nhữ kiến ngu si chi nhân, bất chủng thiện căn, đản dĩ thế trí thông biện, tăng ích tà tâm. Vân hà xuất ly sinh tử đại nạn?
VIỆT DICH:
Phật dạy: – Những thiện căn họ trồng được không thể lìa tướng, không cầu Phật tuệ, tham đắm vui thú thế gian và phước báo nhân gian. Tuy cũng tu phước, cầu quả nhân thiên, khi được quả báo, tất cả dư dật, nhưng chưa thể thoát khỏi ngục tù tam giới. Giả sử cha mẹ, vợ con, nam nữ, quyến thuộc muốn đến cứu vớt, nhưng tà kiến nghiệp vương chưa thể lìa bỏ, nên thường ở trong luân hồi, không được tự tại.
Ông có thấy kẻ ngu si không trồng thiện căn, chỉ cậy vào thế trí thông biện, tăng thêm tà tâm, làm sao thoát được đại nạn sinh tử?
GIẢNG:
“Phật ngôn: – Bỉ đẳng sở chủng thiện căn, bất năng ly tướng, bất cầu Phật tuệ, thâm trước thế lạc, nhân gian phước báo. Tuy phục tu phước, cầu nhân thiên quả, đắc báo chi thời, nhất thiết phong túc, nhi vị năng xuất tam giới ngục trung”. Đoạn kinh văn này Phật nói đến điều bất lợi của việc “chấp tướng tu phước”. Những chúng sinh này tuy trồng các thiện căn nhưng “cầu nhân thiên quả”, tham đắm phước báo nhân thiên. Họ không thể lìa tướng cũng không cầu trí tuệ Phật. Đến khi được quả báo “nhất thiết phong túc” (tất cả dư dật), tạm hưởng sự vui thế gian, nhưng vẫn chưa ra khỏi ngục tù Tam giới, khi hết phước rồi lại bị đọa, hậu hoạn vô cùng!
Sau khi mạng chung, “Giả sử phụ mẫu, thê tử, nam nữ, quyến thuộc, dục tương cứu miễn” (Giả sử cha mẹ, vợ con, nam nữ, quyến thuộc muốn đến cứu vớt). Ý nói: Dẫu thân quyến vì họ sám hối cầu phước, tu pháp, tụng kinh hầu cứu hộ cho, nhưng vì kẻ ấy “tà kiến nghiệp vương, vị năng xả ly” (chưa thể lìa bỏ tà kiến nghiệp vương), nên “thường xử luân hồi, nhi bất tự tại” (thường ở trong luân hồi, không được tự tại).
Kế đến, Phật hỏi ngài Từ Thị:
“Nhữ kiến ngu si chi nhân, bất chủng thiện căn, đản dĩ thế trí thông biện, tăng ích tà tâm. Vân hà xuất ly sinh tử đại nạn?” (Ông có thấy kẻ ngu si không trồng thiện căn, chỉ cậy vào thế trí biện thông, tăng thêm tà tâm, làm sao thoát được đại nạn sinh tử?): Hạng người này còn tệ hơn hạng người trước. Hạng người trước còn biết tu thiện, chỉ vì cầu phước báo nhân thiên nên không thoát khỏi luân hồi. Hạng người này ngu si, không trồng thiện căn (thiện căn là ba gốc thiện: Không tham, không sân, không si), còn cậy vào thế trí biện thông, kiêu mạn tự đại, thấy mình hơn người, người khác không bằng mình, ngay đến cha mẹ họ cũng không xem ra gì, khiến tà tâm càng thêm lớn. Họ không biết Thế Trí Biện Thông là một trong tám nạn. Tà kiến điên đảo, lại tưởng là hay. Hạng người như thế làm sao thoát khỏi biển khổ sinh tử!
“Thế trí biện thông”, ngày nay chúng ta gọi là tri thức, không phải trí tuệ. Họ cũng thông minh, biện tài. Nếu bỏ mất gốc thiện, “thế trí” này trở thành tai họa, khiến họ tăng thêm tà kiến. “Tám nạn”, phía trước chúng ta đã học qua, gồm: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Bắc câu lô châu, Trường Thọ thiên (tức trời Vô Tưởng trong Sắc Giới), mù điếc câm ngọng, Thế trí biện thông và sinh ra trước hoặc sau Phật.
– Chúng ta có phải là sau Phật chăng?
Hòa thượng Tịnh Không nói: Không được xem là sau Phật. Bởi pháp vận của Phật đến mười hai ngàn năm sau khi đức Phật Thích Ca diệt độ. Sau mười hai ngàn năm mới gọi là sau Phật.
KINH VĂN:
Phục hữu chúng sinh, tuy chủng thiện căn, tác đại phước điền, thủ tướng phân biệt, tình chấp thâm trọng, cầu xuất luân hồi, chung bất năng đắc. Nhược dĩ vô tướng trí tuệ, thực chúng đức bổn. Thân tâm thanh tịnh, viễn ly phân biệt, cầu sinh tịnh sát, thú Phật Bồ Đề, đương sinh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát.
VIỆT DỊCH:
Lại có chúng sinh, tuy trồng gốc thiện, làm ruộng phước lớn, nhưng chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thoát được. Nếu dùng vô tướng trí tuệ trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh về cõi tịnh, hướng đến quả Bồ Ðề của Phật, sẽ sinh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát.
GIẢNG:
“Phục hữu chúng sinh, tuy chủng thiện căn, tác đại phước điền, thủ tướng phân biệt, tình chấp thâm trọng, cầu xuất luân hồi, chung bất năng đắc”. (Lại có chúng sinh, tuy trồng gốc thiện, làm ruộng phước lớn, nhưng chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thoát được). Nói chung, Phật đáp lời ngài Từ Thị: Có ba loại chúng sinh trong cõi này, tuy cũng tu thiện nhưng không chịu cầu sinh Tịnh Ðộ đó là:
1) Một là tham đắm phước lạc thế gian, cầu quả nhân thiên 2) Hai là Thế Trí Biện Thông, tà tâm lừng lẫy. 3) Ba là “thủ tướng phân biệt, tình chấp thâm trọng”.
Ba loại người này dẫu có tu phước cũng chỉ đạt được phước báo tạm bợ của thế gian mà thôi. Cho dù họ có, “cầu xuất luân hồi” cũng “chung bất năng đắc” (trọn chẳng thể thoát).
Hơn ba mươi năm trước, tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) khi còn ở thư viện Cảnh Mỹ, có một ông cụ khoảng bảy mươi tuổi đến thăm tôi. Ông nói: Công phu niệm Phật của ông rất tốt, chỉ có một thứ mà ông không thể buông là đứa cháu của ông. Đây là tình chấp! Chỉ cần ông buông được đứa cháu đó, chỉ nhất tâm niệm Phật A Di Đà thì mới được vãng sinh. Bằng không thì sao? -Chắc chắn sau nầy đầu thai sẽ làm con của nó! Tình chấp người đời là như vậy, người tu cũng không ngoại lệ!
Khi tôi ở Mỹ, gặp một pháp sư, ông nầy lớn tuổi hơn tôi. Suốt đời ông theo đuổi thú sưu tầm tượng Phật cổ. Ông có một bảo tàng nhỏ, mở ra thấy toàn là tượng Phật: Nào là tượng Phật đời Đường, kia là tượng Phật đời Tống, nọ là tượng Phật đời Nguỵ v.v… Ông có được vãng sinh chăng? – Không thể! Mất rồi sẽ đi về đâu? -Chắc chắn không rời được căn phòng đó! Căn phòng đó có gì? -Có chuột, gián, sâu, kiến! Ông đầu thai đến đó! Việc nầy thật rắc rối!
Thấy vậy, tôi vô cùng sợ hãi, bởi tôi cũng yêu thích kinh sách, thích nhất là những kinh sách đẹp có đóng bìa cẩn thận. Tôi bèn gom tất cả những sách mà tôi thích trước đây gửi tặng cho quỹ Giáo Dục Phật Giáo để họ phiên bản, rồi cho in, bản chính vẫn cho họ giữ. Tôi không giữ thứ gì để không còn tham luyến. Cho nên, có yêu thích là có rắc rối, chướng ngại. Phải nhìn thấu, và mạnh dạn buông bỏ, để duy trì tâm thanh tịnh thì niệm Phật mới được nhất tâm.
“Tình chấp thâm trọng” chính là ngu si, làm sao có đại trí?! “Thủ tướng phân biệt” là có tâm lấy, bỏ, thương ghét v.v… làm sao hưng khởi được tâm “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”?! Người như thế không thể phát tâm Bồ Ðề, cho dù có niệm Phật cũng không thuộc vào ba bậc vãng sinh!
Ngẫu Ích đại sư dạy: Nếu niệm Phật mà không có tín nguyện, cũng không thể vãng sinh, thật tương đồng với ý kinh ở đây. Hơn nữa, “chấp tướng tu phước” thì phước ấy có cùng tận. Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ, hành ư bố thí, sở vị: Bất trụ Sắc bố thí, bất trụ Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng” (Hãy nên không trụ vào đâu mà hành bố thí, tức là: Không trụ vào Sắc để bố thí, không trụ vào Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để bố thí. Này Tu Bồ Ðề! Bồ Tát nên bố thí như vậy, không trụ vào tướng. Vì sao thế? Bồ Tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phước ấy không thể suy lường nổi).
Trong tác phẩm Phá Không Luận, đại sư Linh Phong giảng câu kinh ấy như sau: “Lấy pháp không trụ vào đâu để trụ vào Bát Nhã, chăm chắm thực hành sáu Ba La Mật mà không chấp tướng. Nhờ thế có thể khiến cho chút phước thành nhiều như hư không…
Do trụ vào tướng nên chúng sinh tự hư vọng so nhân, tính quả, xét lớn, xét nhỏ. Nếu có thể xứng hợp với tánh mà trụ thì không trụ vào các tướng. Ví như tánh của hư không chứa trong hạt cải, cùng với tánh của hư không trong mười phương không hai, không khác. Vì hư không chẳng phải trong, ngoài, đây, kia, phương, góc, hình tướng, Tiểu Không cũng không khác với Ðại Không. Cái phước vô tướng ấy rất lớn”.
Kinh Kim Cang còn dạy: “Nhược tâm thủ tướng, tức vi trước ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” (Nếu tâm chấp tướng là chấp vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả). Lại nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ giả là không phải Bồ Tát).
Trên đây, cụ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn nhiều đoạn trong kinh Kim Cang Bát Nhã để nói lên cái hại của việc “thủ tướng phân biệt”. Do “thủ tướng phân biệt” mà “Cầu xuất luân hồi, chung bất năng đắc” (Cầu thoát luân hồi, trọn không thể được).
Cuối đoạn kinh văn trên Phật dạy: “Nhược dĩ vô tướng trí tuệ, thực chúng đức bổn” (Nếu dùng trí tuệ vô tướng trồng các cội đức) cầu sinh Tịnh Ðộ thì vĩnh viễn được giải thoát. Gốc của các đức chính là “phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.
“Vô tướng trí tuệ”
– Vô tướng là gì?
– Là không trước tướng!
Trong kinh Đại Thừa thường nói: “Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp”. Nếu thật sự lìa tất cả tướng thì không pháp nào chẳng phải là Phật pháp. Kinh Niết Bàn dạy: “Niết bàn danh vi vô tướng” (Niết Bàn gọi là vô tướng). Nói cách khác, thật sự thực hành được “vô tướng” sẽ chứng Đại Bát Niết Bàn.
Sách Diễn Nghĩa Sao nói: “Nghĩa của tịch diệt chính là vô tướng; nhưng (tịch diệt) chỉ do tâm tự chứng, không thể từ cái khác mà có được, nên không có các tướng”.
Như kinh Kim Cang dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng không phải là tướng, chính là thấy Như Lai). “Như Lai” ở đây chính là tự tánh. Khi nào thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy được tự tánh, cũng chính là thành Phật. Chúng sinh và Phật không có sai biệt, chỉ khác ở chỗ: Phật ứng dụng được bốn câu trên. Bốn câu nầy là cảnh giới của chư Phật, không phải cảnh giới của phàm phu chúng ta.
Mục tiêu duy nhất của phàm phu niệm Phật cầu vãng sinh, phải làm sao tan nhạt được “chấp tướng”; vấn đề này rất quan trọng! Phải thật sự buông bỏ được tình chấp, phân biệt mới cảm ứng được với Phật A Di Đà.
Kinh Kim Cang còn dạy: “Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật” (Lìa tất cả tướng thì gọi là chư Phật). Ðây chính là “vô tướng trí tuệ” được nói trong phẩm kinh này.
“Nhược dĩ vô tướng trí tuệ, thực chúng đức bổn, thân tâm thanh tịnh, viễn ly phân biệt, cầu sinh tịnh sát, thú Phật Bồ Đề, đương sinh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát” (Nếu dùng vô tướng trí tuệ trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh cõi tịnh, hướng đến quả Bồ Ðề của Phật, sẽ sinh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát). Đoạn kinh văn này nói lên diệu chỉ “vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu tất cả thiện pháp thì chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” của kinh Kim Cang.
Tác phẩm Phá Không Luận giảng về điều trên như sau: “Nếu chưa đạt đến vô ngã mà tu tất cả thiện pháp, chỉ thành cái quả hư ngụy trong cõi nhân thiên. Không tu tất cả thiện pháp, chỉ chứng Ngã Không, chỉ thành Tiểu Quả Nhị Thừa. Vờ nói rằng ngã, pháp đều không, nhưng mặc tình gây các ác pháp thì thành hạng Xiển-đề, địa ngục. Chỉ có vô ngã tu tất cả thiện pháp thì mới đúng là không trụ vào đâu mà sinh tâm, nên liền đắc vô thượng Bồ Ðề”.
Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu: “Không tu tất cả thiện pháp, chỉ chứng Ngã Không, chỉ thành Tiểu Quả Nhị Thừa” như sau: A La Hán và Bích Chi Phật (tức tiểu quả Nhị Thừa) họ ít có tâm lợi ích tất cả chúng sinh, đa phần họ chỉ nghĩ đến tự lợi nên gọi là Tiểu thừa không tu tất cả thiện pháp.
Lại có hạng người “vờ nói ngã, pháp đều không” để “mặc tình gây ác pháp”, làm đủ sát, đạo, dâm, vọng. Cho rằng vạn pháp đều không thì nhân quả cũng không có, nên cứ tha hồ làm quấy, trở thành hạng Xiển-đề, rơi vào địa ngục!
Câu “Không trụ vào đâu mà sinh tâm”, chữ “sinh tâm” ở đây là tâm gì? – Là tâm phổ độ tất cả chúng sinh khổ nạn.
So sánh hai kinh, thì những điều như: “Vô tướng trí tuệ”, “viễn ly phân biệt” trong kinh này chính là “vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả” của kinh Kim Cang. Những điều như: “thực chúng đức bổn” (trồng các cội đức), “cầu sinh tịnh sát, thú Phật Bồ Đề” (cầu sinh cõi tịnh, hướng đến Phật Bồ Đề) trong kinh nầy chính là “tu tất cả thiện pháp” được nói trong kinh Kim Cang. Ngoài ra, “đương sinh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát” (sẽ sinh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát) chính là “liền đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” trong kinh Kim Cang.
Hơn nữa, Tịnh Độ chính là pháp mà tất cả thế gian khó thể tin, nếu tin được thì đó chính là “ vô tướng trí tuệ”.
Theo Hòa thượng Tịnh Không: Tiêu chuẩn tín tâm nầy rất cao, nhưng quả thật là như vậy. Lời nói trên không có chi là thái quá. Biết bao Bồ tát tiếp xúc pháp môn này đều rất khó tin, hà huống là phàm phu. Chúng ta học Phật nhiều năm, phải chăng là thật tin? – Nghiêm túc mà nói thì chúng ta chưa thật tin, vẫn còn bán tín bán nghi! Nếu thật sự tin thì không thể có một tạp niệm.
Chúng ta ngày nay đọc kinh, niệm Phật đều có tạp niệm, gặp vấn đề gì thì do dự chẳng quyết tâm, đây chính là không tin. Cho nên, chữ “Tin” này rất khó! Chúng ta học kinh pháp chỉ là học được tri thức Phật học, tri thức kinh điển. Đấy chỉ là ngoài da, không có tác dụng lớn. Tác dụng lớn là trí tuệ. Tri thức và trí tuệ không giống nhau. Trí tuệ là từ công phu mà có. Phật giáo Đại thừa thường nói: “Nhân giới được Định, nhân Định khai Trí tuệ”. Tri thức là thứ ở bên ngoài. Có trí tuệ nhất định có tri thức. Có tri thức chưa chắc đã có trí tuệ. Trí tuệ là Thể, tri thức là Dụng. Chỉ có tri thức không có trí tuệ, đó là hữu dụng vô thể, sẽ sinh ra rất nhiều sai lầm.
Trí tuệ có thể giải quyết mọi vấn đề cá nhân đến vũ trụ, đây là đại trí tuệ. Cho nên, pháp môn Tịnh Độ thật sự là khó tin. Hoài nghi sâu thì họ không tin tưởng; hoài nghi ít thì họ bán tín bán nghi. Vì thế, ở đây cụ Hoàng Niệm Tổ nói rất hay: “Có thể tin, chính là vô tướng trí tuệ”. Đây không phải là việc dễ dàng, như kinh Kim Cang dạy: “Văn thị chương cú, nãi chí nhất niệm sinh tịnh tín giả… Thị chư chúng sinh vô phục ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng” (Người nghe chương cú này, cho đến chỉ trong một niệm sinh lòng tin thanh tịnh … thì các chúng sinh ấy không còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng nữa).
Kinh còn nói: “Kỳ hữu chúng sinh đắc văn thị kinh, tín giải thọ trì, thị nhân tức đệ nhất hi hữu, hà dĩ cố? Thử nhân vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng” (Nếu có chúng sinh được nghe kinh nầy, tin hiểu, thọ trì, người ấy chính là hi hữu bậc nhất, vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sinh tướng, không có thọ giả tướng).
Sách Phá Không Luận giảng: “Giả sử còn chút nhân tướng, ngã tướng v.v… thì quyết không thể tin nổi kinh này. Cho dù có tin hiểu, thọ trì kinh này, quyết không hiểu thông suốt các tướng: Bản thể của nhân, ngã v.v… chính là vô tướng”.
Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Chúng ta thấy rằng toàn thể của diệu đức “năng tín” chính là “vô tướng trí tuệ”. Tịnh tông chính là pháp môn vi diệu tối cực viên đốn, siêu tình ly kiến không thể nghĩ bàn. Nếu ai có thể sinh được lòng tin chân thật nơi pháp môn này: Tín Tự, tín Tha , tín Nhân, tín Quả, tín Sự, tín Lý. Đầy đủ cả sáu thứ tín này, nên biết người đó đã siêu tình ly kiến, đã khế hợp với vô tướng trí tuệ.
Do vậy mà, trong phẩm Độc Lưu Thử Kinh (Riêng lưu lại kinh này) trong kinh đây có nói: “Nhược văn thử kinh, tín nhạo thọ trì, nan trung chi nan, vô quá thử nan” (Nếu nghe kinh này, tin ưa thọ trì, là điều khó nhất trong những điều khó, không có gì khó hơn việc này).
Phần trước, kinh nói “thủ tướng phân biệt”, tuy gieo đại phước điền “cầu xuất luân hồi, chung bất năng đắc” (cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thể được) là nói đến cái hại của việc chấp tướng. Trong phần này, kinh dạy “Nhược dĩ vô tướng trí tuệ, thực chúng đức bổn” (Nếu dùng trí tuệ vô tướng trồng các cội đức), “đương sinh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát” (sẽ sinh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát) chính là giảng về công năng của việc ly tướng cầu sinh. Thuộc vào trong ba bậc hay bị đọa trong nghi thành, hoàn toàn tùy thuộc ở điểm mấu chốt này.
“Thân tâm thanh tịnh, viễn ly phân biệt” là “vô tướng trí tuệ”. Vạn pháp đều “Như”, nhiễm – tịnh bình đẳng nên thân tâm thanh tịnh, lìa tất cả mọi phân biệt. Có kẻ nghi rằng: Tịnh Tông lấy “nhàm chán Sa Bà, ưa cầu Cực Lạc” làm nguyện; chán-ưa như thế chẳng phải là phân biệt hay sao?
Sách Diệu Tông Sao đáp: “Ðạt đến chỗ cùng cực thì lấy bỏ hay không lấy bỏ cũng không sai khác”. Ấy bởi “xả chi nhược cực” (bỏ đến chỗ cùng cực) thì vạn duyên đều buông hết, sáu căn tịch tĩnh; “thủ chi nhược cực” (lấy đến chỗ cùng cực) tức sáu chữ hồng danh niệm đến cùng (nhất niệm đơn đề). Niệm Phật như thế có khác chi chẳng lấy, chẳng bỏ nên nói: “Cũng không sai khác”. Cụ Hoàng Niệm Tổ khen câu giải đáp nầy rất hay! “Thủ xả” và “không thủ xả” không có gì trái nhau, thật sự là nhập pháp môn bất nhị, “thủ, xả” không khác!
Hoặc như sách Di Ðà Yếu Giải giải đáp: “Ví như nếu không từ Sự để lấy bỏ mà chỉ khăng khăng không lấy không bỏ, đó là chấp Lý bỏ Sự. Ðã bỏ Sự thì Lý cũng không viên. Nếu thông đạt toàn Sự chính là Lý thì “lấy” cũng là Lý mà “bỏ” cũng là Lý. “Lấy” hay “bỏ” đều là pháp giới”. Ngẫu Ích đại sư giải đáp câu nầy rất hay! Phải hiểu được Lý-sự là một, không phải hai. Do tâm chúng sinh có phân biệt, chấp trước mà thành ra có “lấy-bỏ”. Lấy, bỏ là nhị biên đều phải buông xuống. Sự thật mầu nhiệm như thế, không thể dùng tình chấp, kiến giải mà lãnh hội được.
“Cầu sinh tịnh sát” (Cầu sinh cõi tịnh) là chí tâm tin ưa, nguyện sinh cõi Cực Lạc. Cầu được sinh như thế chính là đem tâm nguyện nhỏ nhiệm của mình gieo vào biển nguyện vô biên của Phật A Di Ðà; cũng chính là đem cả biển nguyện Nhất Thừa vô biên ấy trút vào trong tâm niệm nhỏ nhiệm của ta. Vì thế, mười niệm tất sinh, có nguyện ắt thành.
“Thú Phật Bồ Đề” (Hướng đến quả Bồ Ðề của Phật) nghĩa là: Nhân là phát Bồ Ðề tâm, quả là Bổ Xứ thành Phật, rốt ráo Bồ Ðề. Nói cách khác, tu hành đúng theo tông chỉ “Phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm” thì chắc chắn “đương sinh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát” (sẽ được sinh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát).