Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

BIÊN ĐỊA NGHI THÀNH ĐỆ TỨ THẬP

Phẩm nầy giảng về cái nhân của Thai Sinh, nhằm khuyên chúng sinh nên phát tâm tin sâu hầu tránh đọa vào biên địa nghi thành.

KINH VĂN:

Phật cáo Từ Thị: – Nhược hữu chúng sinh, dĩ nghi hoặc tâm, tu chư công đức, nguyện sinh bỉ quốc, bất liễu Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí, ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín. Do tín tội phước, tu tập thiện bổn, nguyện sinh kỳ quốc.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo ngài Từ Thị: – Nếu có chúng sinh, dùng tâm nghi hoặc, tu các công đức, nguyện sinh cõi ấy, không rõ Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Ðại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Ðối với các trí này, nghi hoặc không tin, do tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sinh cõi ấy.

GIẢNG:

Phần trước đã nói qua: Sinh vào Biên Địa nghi thành, suốt năm trăm năm không thấy được Tam Bảo. Ngài Vọng Tây nói: “Biên địa và Thai Sinh đồng thể khác tên”.

Sách Lược Luận của Đại Sư Đàm Loan có ghi: “Lại có một loại vãng sinh cõi nước An Lạc nhưng không thuộc vào ba bậc… Trong năm trăm năm thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy Bồ Tát và thánh chúng Thanh Văn, gọi là Biên Ðịa của cõi Cực Lạc, còn gọi là Thai sinh”. Như vậy, ngài Vọng Tây chỉ nhắc lại ý của tổ Ðàm Loan.

Sách Lược Luận còn viết:

“Biên Ðịa là ý nói trong năm trăm năm không được nghe đến Tam Bảo, giống như cái nạn [sinh nơi] biên địa, hoặc cũng là  cõi An Lạc nhưng ở ngoài bìa cõi Cực Lạc. Thai Sinh là ví như người sinh trong thai, lúc sơ sinh nhân pháp chưa thành. Chữ Biên chỉ cho cái nạn ấy, chữ Thai chỉ sự tối tăm. Hai danh từ này đều là mượn tình huống nơi đây để ví cho tình trạng nơi kia (Ý nói: chữ Biên và Thai đều là thí dụ mà thôi), chớ không phải là biên địa trong tám nạn, cũng không phải là kiểu Thai Sinh bằng thai bào. Do đâu biết thế? Cõi nước An Lạc thuần là hóa sinh, nên biết là chẳng thật có Thai Sinh. Do năm trăm năm sau lại được thấy nghe Tam Bảo, nên chẳng phải là nạn biên địa trong tám nạn”.

“Nạn (sinh ở) biên địa”: Chữ “biên địa” là chỉ nơi vĩnh viễn hoàn toàn không có Phật pháp nên gọi là “biên địa”.

Câu: “Ở ngoài bìa cõi Cực Lạc”: Đây chỉ là ví dụ. Vì sao vậy? -Vì thế giới Cực Lạc không có biên tế, đó là cõi Pháp tánh thì nào có ranh giới mà gọi là “bìa”.

Câu “lúc sơ sinh nhân pháp chưa thành” có nghĩa là trẻ mới sinh ra chưa có hành vi của con người.

“Chữ Thai chỉ sự tối tăm” có nghĩa là hoàn toàn mê muội đối với cảnh giới bên ngoài.

“Biên địa trong tám nạn”: Phía trước đã học qua, “Biên địa” ở đây là chỉ Bắc Câu Lô Châu (còn gọi là Uất-đan-việt châu). Châu này, là một trong bốn đại châu, ở phía Bắc núi Tu Di. Sông núi ở đây đẹp đẽ, khí hậu ấm áp, hoa quả sum suê. Mọi hưởng thụ ăn mặc đều tự nhiên như cõi trời Tha Hóa Tự Tại: Muốn gì liền hiện. Phước báo con người ở đây rất lớn, sống đến một ngàn tuổi, không có chết yểu. Do hưởng thụ sung sướng mãi nên họ không tu học được. Chính vì vậy, người sinh về đây vĩnh viễn không thấy được Tam Bảo! Trong bốn đại châu, chỉ có châu nầy là không có Phật pháp. Đây là một trong tám nạn mà đức Phật đã dạy.

“Nghi thành” là chỉ cung điện bảy báu nơi biên địa cõi Cực Lạc. Người dùng tâm nghi ngờ niệm Phật A Di Đà sẽ cư ngụ tại đây, trong năm trăm năm không thấy được Tam Bảo nên gọi là “nghi thành”.

Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ dạy:

“Nếu người lúc mạng chung, biết trước giờ chết, chánh niệm phân minh, tắm gội, mặc y phục, thanh thản ra đi. Quang minh chiếu thân, thấy tướng hảo của Phật, các điều lành cùng hiện (chính là đoan tướng) thì biết chắc người này quyết định vãng sinh Tịnh Ðộ. Nếu người niệm Phật, trì giới, tâm không tinh tấn thì lúc mạng chung không có tướng lành, cũng không có tướng ác. Ðịa phủ chẳng thâu, An Dưỡng chẳng nhiếp, bèn như mơ ngủ mà đi. Kẻ này nghi tình chưa đoạn nên sinh vào nghi thành. Hưởng vui trong năm trăm năm, lại tu tín nguyện, mới được về Tịnh Ðộ”

Rõ ràng Tín và Nguyện là điều kiện căn bản để vãng sinh gặp Phật!

Ngoài ra còn có Giải Mạn Quốc, còn gọi là Giải Mạn Giới.

Cõi này nằm giữa cõi Sa Bà và Cực Lạc. sinh vào nước nầy dễ bị đắm nhiễm vào sự khoái lạc trong đó, mà nảy sinh tâm kiêu mạn, giải đãi, không muốn tấn tu để sinh về Cực Lạc nên gọi là Giải Mạn quốc.

Như kinh Bồ Tát Xử Thai chép:

“Phương Tây, cách Diêm Phù Ðề mười hai ức na-do-tha [cõi nước] có cõi Giải Mạn. Cõi nước ấy khoái lạc… Chúng sinh phát ý trước sau, muốn sinh về cõi Phật A Di Ðà, nhưng đều đắm nhiễm sâu nặng cõi nước Giải Mạn, không thể tiến lên sinh về cõi Phật A Di Ðà. Trong ức ngàn vạn chúng mới có một người có thể sinh về cõi Phật A Di Ðà. Vì sao vậy? Ðều vì lười biếng, kiêu mạn, chấp trước, tâm chẳng kiên cố”. Cứ theo ý kinh, ta thấy cõi Giải Mạn cũng thuộc về biên địa nghi thành nhưng không sánh bằng biên địa ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Biên địa ở cõi Cực Lạc chỉ sau năm trăm năm là thấy được Tam Bảo, bắt đầu tiến tu cho đến khi thành Phật.

Khác hẳn đến nước Giải Mạn, mọi tập khí phiền não trong họ sẽ hiện hành, không biết đến bao giờ mới đoạn được! Thật không có kỳ hạn, cũng chắc chắn là rất dài! Nghi thành cõi Cực Lạc là đài hoa sen, là cung huyền diệu, thanh tịnh bảo hộ an toàn cho họ. Tuy không thấy được Tam Bảo, nhưng họ không bị tiêm nhiễm bất cứ tập khí nào cho đến khi “hoa khai kiến Phật”.

“Bất liễu Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”: Trong tác phẩm Lược Luận, ngài Ðàm Loan giảng câu nầy như sau: “Không hiểu rõ Phật trí là không thể tin trọn vẹn vào Nhất Thiết Chủng Trí của Phật. Do không hiểu nổi nên khởi nghi. Một câu này nêu chung điều nghi; bốn câu tiếp theo, mỗi câu đối trị mối nghi ấy”.

Các vị Tịnh Ảnh, Pháp Vị, Nguyên Hiểu đều theo thuyết này cùng cho rằng câu “bất liễu Phật trí” Tổng, bốn câu sau là Biệt.

* Ngài Tịnh Ảnh viết: “Trước hết nói ‘bất liễu Phật trí’, câu này là Tổng, (những câu như) ‘bất tư nghị trí’ v.v… là Biệt. Phật trí uyên thâm, những trí khác không thể suy lường nổi nên bảo là ‘bất tư nghị’. Phật trí thật nhiều, không thể kể hết nên bảo là ‘bất khả xưng’. Phật trí biết rõ cùng tột các pháp môn nên gọi là ‘quảng trí’.

Phật trí ở địa vị cao trỗi nên gọi là vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”.

Đến đây, Hòa thượng Tịnh Không giải thích thêm về phần “Ngũ trí”, xin tóm lược như sau: Giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Chuyển bát thức thành tứ trí”. “Ngũ trí” ở đây: Trí đầu tiên là “Phật trí” nói chung, tức là “Nhất Thiết Chủng Trí”. Thêm vào đó là “Tứ trí” (đã chuyển từ bát thức) mà thành ra “Ngũ trí” (năm thứ trí).

Theo Phật Học Đại Từ Điển: “Hiển Giáo chuyển bát thức thành tứ trí để lập nên Cứu Cánh Báo Thân Như Lai”. Đây chính là, trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại

Sĩ, họ đều đã chuyển thức thành trí. Trên thực tế, trong tám Thức có hai phần: Một phần là Chân, một phần là Vọng. “Vọng” là A Lại Da; “Chân” là Chân Như tự tánh (trong Mật Tông gọi là thức thứ chín).  Pháp Tướng Tông, không lập thức thứ chín mà chỉ nói thức thứ tám gồm hai phần: Tịnh và Nhiễm. Mật Tông, ngoài tám thức, thêm vào thức thứ chín, phân thành: A Lại Da “Nhiễm”; Am ma la

“Tịnh”. Nói cách khác, thức thứ tám và thức thứ chín giống nhau, chỉ khác ở: Bên mê, bên ngộ. Khi mê gọi là A Lại Da; khi ngộ là thức thứ chín, cũng gọi là  Am ma la thức.

* Ngài Hải Ðông Nguyên Hiểu trong tác phẩm Tông Yếu đời Ðường đem bốn trí trong kinh văn phối hợp với bốn trí của Pháp Tướng Duy Thức như sau:

“Câu Phật Trí là câu nêu chung, bốn câu tiếp đó đều nói về bốn trí: ‘Bất tư nghị trí’ là Thành Sở Tác Trí, trí này có thể làm được những việc chẳng thể nghĩ bàn; chẳng hạn như một niệm xưng danh vĩnh viễn diệt được trọng tội trong nhiều kiếp. Công đức của mười niệm phát sinh ra quả báo thù thắng vượt ngoài tam giới. Các việc như thế không thể lường  nổi, nên gọi là ‘bất tư nghị trí’.

‘Bất khả xưng trí’ là Diệu Quán Sát Trí. Trí này quán sát chẳng thể nói nổi cảnh giới, nghĩa là: Tất cả pháp như huyễn, như mộng, chẳng phải có, chẳng phải không, lìa ngôn ngữ, dứt bặt suy nghĩ, chẳng thể dùng ngôn ngữ để suy lường, diễn tả nổi. Vì thế trí này gọi là ‘bất khả xưng trí’.

‘Ðại Thừa quảng trí’ là Bình Ðẳng Tánh Trí. Trí này độ rộng khắp, chẳng giống với Tiểu Thừa, tức là dung hội vô ngã nên gọi là không có ngã. Do không có ngã nên không gì là chẳng bình đẳng nhiếp thọ. Dùng trí lực đồng thể này độ khắp vô biên hữu tình khiến họ đều chứng vô thượng Bồ Ðề nên gọi là ‘Ðại Thừa quảng trí’.

‘Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí’ chính là Như Lai Ðại Viên Kính Trí. Đây là chuyển bổn thức (tức A Lại Da thức) trở về nguồn tâm. Với tất cả cảnh, không cảnh nào không chiếu soi trọn vẹn. Vì lẽ đó, gọi là Ðại Viên Kính Trí. 

Trong một trí này (Ðại Viên Kính Trí) có năm điều thù thắng:

1. Như Nhị Thừa cũng chứng đắc giải thoát thân, nhưng vì Kính Trí này chính là Pháp Thân nên Nhị Thừa không thể đạt được; do vậy gọi là ‘vô đẳng’ (không ai bằng). Ðấy là điều thù thắng thứ nhất.

2. Ba trí trước đó (tức Thành Sở Tác Trí, Diệu Quán Sát Trí và Bình Đẳng Tánh Trí) Bồ Tát cũng dần dần sẽ đạt được; nhưng Ðại Viên Kính Trí chỉ Phật mới đốn chứng, không ai khác có thể chứng nổi nên gọi là ‘vô luân’ (không ai sánh nổi). Ðấy là điều thù thắng thứ hai.

3. Hơn cả ‘bất tư nghị trí’ là ‘tối’; vượt xa ‘bất tư nghị trí’ là ‘thượng’. Rộng hơn ‘Ðại Thừa quảng trí’ là ‘thắng’. Ðấy chính là các điều thù thắng thứ ba, thứ tư và thứ năm vậy.

Bởi thế, trí này được gọi là vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”.

* Sách Hội Sớ lại nói:

“Bất liễu Phật trí là nghi ngờ tánh đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật trí, không ngộ được vì sao đức Như Lai là vĩ đại. Niệm Phật vãng sinh được kiến lập bởi Phật trí mà (chúng sinh) lại nghi ngờ trí ấy nên chẳng thể hiểu rõ Phật trí.

Bất tư nghị trí: Vì trí tuệ của Phật sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là ‘bất tư nghị trí’. Niệm Phật vãng sinh được kiến lập bởi bất tư nghị trí mà (chúng sinh) lại nghi trí ấy nên bảo là ‘không hiểu rõ bất tư nghị trí’.

Bất khả xưng trí: là trí tuệ của Phật nhiều đến vô lượng chẳng thể nói hết nên gọi là bất khả xưng trí. Niệm Phật vãng sinh là do bất khả xưng trí thành tựu mà lại nghi trí ấy thì gọi là ‘không hiểu rõ bất khả xưng trí’.

Ðại Thừa quảng trí: là trí biết đến cùng tột các pháp môn nên gọi là Đại Thừa quảng trí. Niệm Phật vãng sinh là do Đại Thừa quảng trí cảm thành mà lại nghi trí ấy nên gọi là ‘không hiểu rõ Ðại Thừa quảng trí’.

Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí là do trí ấy có địa vị cao trỗi nên gọi là vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Nay niệm Phật vãng sinh là do vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí phát khởi mà lại nghi trí ấy nên bảo là ‘không hiểu rõ vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”.

Tóm lại:

Ba thuyết trên hỗ trợ nhau: Thuyết của Tịnh Ảnh Sớ trình bày tóm lược những điểm quan trọng; thuyết của sách Tông Yếu giảng rộng từng ý nghĩa; sách Hội Sớ quy kết về Tịnh tông.

Kinh nói “Ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín” (đối với các trí này, nghi hoặc không tin). Đây đích thực là vấn đề vô cùng nghiêm trọng! Dưới đây, cụ Hoàng Niệm Tổ tổng hợp những ý chính của các vị Ðàm Loan, Nguyên Hiểu, Tuấn Ðế và Cảnh Hưng để giảng bốn ý nghĩa của chữ “nghi” như sau:

– Một là không tin vào “Bất tư nghị trí”.nghi nên niệm Phật A Di Ðà chưa chắc được vãng sinh Cực Lạc, không biết “Bất tư nghị trí” có đại oai lực không thể suy lường được. Tất cả muôn pháp không pháp nào chẳng phải là tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp, thiên biến vạn hóa, vô lượng vô biên. Há nên dùng cái tình thức còn ngăn ngại của phàm phu để ngờ vực diệu pháp vô ngại của đức Như Lai; đâu biết rằng một tấm gương có thể hiện bóng muôn vàn cảnh tượng, củi chất ngàn năm một mồi lửa cháy sạch. Vì vậy, chí tâm nhất niệm xưng danh tiêu diệt được trọng tội sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Mười niệm ắt được vãng sinh có chi là lạ!

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “một tấm gương có thể hiện bóng muôn vàn cảnh tượng” như sau: Tấm gương là biểu thị có thể dung, có thể nhiếp, hiển thị tất cả vạn pháp đều là tự lực, tha lực. Tấm gương là tự lực, có thể đem tha lực dung nhập vào tự lực; tự và tha không hai.

Câu “củi chất ngàn năm, một mồi lửa cháy sạch”, ý nói: Tội nghiệp tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ cần thắp sáng một ngọn lửa trí tuệ thì tất cả tội nghiệp sẽ hoàn toàn tiêu.

“Vì vậy, chí tâm nhất niệm xưng danh”: Hai chữ “chí tâm” nầy rất quan trọng, không phải “hữu tâm vô ý” mà là tâm chân thành đến tột đỉnh, thì câu xưng danh niệm Phật này sẽ “tiêu diệt được trọng tội sinh tử trong tám mươi ức kiếp”.

– Hai là không tin vào “Bất khả xưng trí”, không hiểu được rằng thể tánh của Phật trí là tuyệt dứt mọi đối đãi, lìa mọi lỗi lầm, tuyệt mọi thị phi.

Ngài Ðàm Loan nói: “Bất khả xưng trí” là tin Phật trí chẳng thể diễn bày, mô tả, không có tướng đối đãi. Vì sao nói thế? Pháp nếu là có, ắt phải có cái trí biết có. Pháp nếu là không, ắt phải có cái trí biết không. Các pháp rời ngoài có không mà Phật thấu hiểu sâu xa các pháp nên trí Ngài vượt mọi đối đãi. Dùng cái biết để hiểu Phật thì không gọi là biết Phật. Dùng cái không biết để hiểu Phật cũng không gọi là biết Phật. Dùng cái bất tri, phi bất tri để hiểu Phật cũng không phải là biết Phật. Dùng cái phi phi tri, phi phi bất tri để hiểu Phật cũng không phải là biết Phật. Phật trí rời cả bốn câu ấy”. Đây quả thật là “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, bất khả tư, bất khả nghị. Phật trí lìa tứ cú, tuyệt bách phi, Thể của Phật trí không còn đối đãi nên gọi là “bất khả xưng trí”. Do trí ấy không thể diễn tả được, nên công đức niệm Phật cũng không thể diễn tả nổi. Niệm Phật vãng sinh là do “Bất khả xưng trí” tạo thành, nếu nghi trí này thì gọi là “không hiểu rõ bất khả xưng trí”.

– Ba là không hiểu rõ Ðại Thừa quảng trí, nghi Phật không thể thật sự độ khắp chúng sinh. Lại nghi tất cả chúng sinh niệm Phật đâu thể đều được vãng sinh. Rõ ràng có rất nhiều người niệm Phật, nhưng người được vãng sinh thì không nhiều! Ấy là do đâu? – Ấy là do giả niệm Phật, không phải chân thật niệm Phật! Trong tâm họ chỉ cầu tự tư tự lợi, cầu danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần v.v…thì làm sao vãng sinh! Tuy không thể vãng sinh, nhưng hạt giống niệm Phật trong A Lại Da Thức của họ vĩnh viễn không hư hoại. Hơn nữa, chủng tử rất nhiều, vì họ niệm Phật nhiều. Đến khi nào duyên thành thục, thiện căn sâu dày, họ nhất định sẽ vãng sinh.

Người chân thật niệm Phật, trong tâm họ thanh tịnh, không nghĩ đến bất cứ điều gì, chỉ nghỉ đến Kinh Vô Lượng Thọ, nghĩ đến Phật A Di Đà và thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định vãng sinh. Cổ nhân nói: “Vạn người tu, vạn người đi” không sót người nào. Đây là thật không phải giả.

Ðể đối trị mối nghi này, Phật mới nói đến “Ðại Thừa quảng trí”. Đây là chuyển thức thứ bảy thành Bình Đẳng Tánh Trí. Trí này không pháp gì không biết, không phiền não nào không đoạn được, không thiện nào không đầy đủ, không chúng sinh nào không độ được; đều giáo hóa đưa họ vào Vô Dư Niết Bàn nên gọi là “Đại Thừa”. Trí này độ thoát tất cả chúng sinh vô hạn, không ngằn mé nên gọi là “Quảng Trí”. Lại biết rõ cùng tột các pháp môn nên gọi là “Ðại Thừa Quảng Trí”, có thể khế hợp mọi căn cơ của tất cả chúng sinh.

Như Lai Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí, Đại Đức đối với những người hữu duyên (tức những người có thể tin, có thể hiểu, có thể hành giáo pháp của Phật), Ngài đều độ thoát khiến họ niệm Phật chứng nhập vô niệm,  khiến họ vãng sinh chứng được Vô Sinh.

Hơn nữa, thế giới không phải là hữu biên, không phải là vô biên, cũng tuyệt hẳn “tứ cú”. “Tứ cú” là vọng tưởng: Nghĩ thế nầy, suy thế khác, nghĩ trước, nghĩ sau v.v… Bất luận nghĩ điều gì cũng đều sai lầm cả! Vì sao vậy? – Vì chân tánh là thanh tịnh, tịch diệt… Ngày nay, chúng ta học Phật, mục đích là từ điên đảo khôi phục lại tâm thuần tịnh, thuần thiện.

Cho nên, Phật khiến chúng sinh lìa “Tứ cú”. “Tứ cú” diễn rộng là “vô lượng cú”, đều là những lời thừa, không có giá trị. Muốn rời “Tứ cú” thì tuyệt “bách phi”. Phương pháp tuyệt diệu của Tịnh Tông là niệm Phật A Di Đà, không niệm thị phi nhân ngã. Rời vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đó chính là rời “Tứ cú”, đây gọi là “độ”. Thật ra “phi độ, phi bất độ” (không độ, không phải không độ); “độ” chỉ là giả danh. Nếu chấp trước có “độ” là sai! “Phi tận, phi bất tận” (không tận, không phải không tận): Đây là độ tận chúng sinh: “Tận” hay “bất tận” đều không nghĩ đến; cũng không nghĩ đến “độ” hay “bất độ”, trong tâm không lưu một dấu vết nào, đấy là “diệu dụng”.

– Bốn là không hiểu rõ “vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí” (Đây là chuyển A Lại Da thành Đại Viên Cảnh Trí), nghi Phật không đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Bởi nghi như thế nên đối với pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh không thể chánh tín; nên cảm lấy Thai sinh.

Theo ngài Nguyên Hiểu, đối với Phật trí như thế, chỉ có thể ngưỡng mộ, kính tin, chớ không thể so lường được, nên gọi là “vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”. Tin tưởng, ngưỡng mộ như thế nào? Hãy nên như Trí Ðộ Luận đã nói:

“Tất cả cảnh giới vốn là nhất tâm, lìa sự nghĩ nhớ. Do chúng sinh lầm lạc thấy có cảnh giới nên tâm có phân biệt. Do vọng khởi nhớ nghĩ, không xứng hợp với pháp tánh nên không thể hiểu rạch ròi. Chư Phật Như Lai lìa các tướng thấy, không gì mà không hiểu trọn vẹn, vì tâm chân thật chính là tánh của chư pháp. Tự thể chiếu rõ tất cả pháp hư vọng, có đại trí dụng, vô lượng phương tiện, tùy theo chúng sinh hiểu được pháp nào thì Phật sẽ khai thị pháp đó. Vì thế được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí”.

Câu “Chư Phật Như Lai lìa các tướng thấy, không gì mà không hiểu trọn vẹn”. Còn tâm chúng sinh hiện nay thì sao? – Quá mê mờ! Hòa thượng Tịnh Không nói tiếp:

– Tâm họ thấy người này thích, kẻ kia không thích, kẻ phải , người quấy v.v… chẳng thể bao dung, nên tâm lượng nhỏ như bọt nước trong biển cả. Bao giờ phá được bọt nước đó tức là ngã chấp và pháp chấp không còn nữa mới hiểu được biển cả mênh mông chính là ta.

Cụ Hoàng Niệm Tổ kết luận: “Do không có cái bị thấy nên không gì mà chẳng thấy. Đó chính là vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí” của chư Phật Như Lai.

Trong tác phẩm Tông Yếu, ngài Nguyên Hiểu lại viết:

“Nếu người không thể đoạn nổi bốn mối nghi đó thì dẫu sinh vào nước kia vẫn ở Biên Địa. Nếu có kẻ tuy không thể hiểu được cảnh giới của bốn trí vừa nói trên đây nhưng tự khiêm tốn, tâm nhãn chưa mở nhưng ngưỡng mộ Như Lai, một bề tin phục, người như vậy sẽ tùy theo phẩm hạnh của họ mà vãng sinh về cõi ấy, không ở Biên Địa. Sinh vào Biên Địa là một loại riêng, không thuộc vào chín phẩm. Vì thế không nên sinh tâm nghi hoặc xằng bậy!”

Đoạn này nói với chúng ta: Tín tâm là then chốt để được vãng sinh về Cực Lạc. Lời luận trên đây thật rất tinh xác, rất khẩn yếu. Nếu tin hiểu được cái trí của Như Lai, người này cũng có thể được xem là bậc thượng căn lợi trí. Bằng nếu không tin hiểu được, thì cứ giữ tâm rỗng rang, tự khiêm, tin kính, ngưỡng mộ các trí ấy cũng được vãng sinh, không bị đọa vào nghi thành. Hành nhân Tịnh nghiệp nên ghi nhớ lời luận trên để thể hội sâu xa yếu chỉ “khiêm tốn, tín ngưỡng”, nhất định vãng sinh Tịnh Độ.

“Do tín tội phước, tu tập thiện bổn, nguyện sinh kỳ quốc” (Do tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sinh cõi ấy). Đây là người thiện, tuy họ không tin hiểu được các trí của Như Lai, nhưng họ vẫn tin có tội phước, nhân quả báo ứng, họ cũng trì giới niệm Phật cầu sinh Tịnh Ðộ. Do niệm Phật là căn bản của các điều thiện nên bảo là “tu tập thiện bổn”, người như vậy: Tin phước, chẳng tin trí, tin Sự nhưng mê Lý, nên bị đọa vào nghi thành.

KINH VĂN:

Phục hữu chúng sinh, tích tập thiện căn, hy cầu Phật trí, phổ biến trí, vô đẳng trí, oai đức quảng đại bất tư nghị trí. Ư tự thiện căn, bất năng sinh tín. Cố ư vãng sinh thanh tịnh Phật quốc, ý chí do dự, vô sở chuyên cứ. Nhiên do tục niệm bất tuyệt, kết kỳ thiện nguyện vi bổn, tục đắc vãng sinh.

VIỆT DỊCH:

Lại có chúng sinh tích tập thiện căn, mong cầu Phật trí, phổ biến trí, vô đẳng trí, oai đức quảng đại bất tư nghị trí. Đối với thiện căn của chính mình không sinh lòng tin nên đối với việc vãng sinh cõi Phật thanh tịnh, ý chí do dự, không thể chuyên chú nơi chỗ y cứ. Nhưng do liên tục niệm Phật không ngớt, kết thành thiện nguyện căn bản, vẫn được vãng sinh.

GIẢNG:

Ðoạn kinh này nói đến loại người phải sinh về Biên Địa vì họ chỉ có “tín Tha” mà không có “tín Tự” (không tin ở chính mình). Loại người này cũng như loại người trước đều là hạng tín căn không đủ. Bởi tín căn đầy đủ phải đạt được sáu tiêu chuẩn: Tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín sự, tín lý.

Ba thứ trí nói ở đây tương đương với bốn trí đã nói ở phần trước. Có thể nói: “Oai đức quảng đại bất tư nghị trí” tương đương với “bất tư nghị tr픓bất khả xưng trí”. “Phổ biến trí” tương đương với “Ðại Thừa quảng trí”; “Vô đẳng trí” tương ứng với “vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”. 

Những trí trong đoạn trước được ghi trong bản Ngụy dịch. Những trí ở đây được ghi trong bản Ðường dịch. Ðó là do dịch giả bút văn có sai khác nên tên gọi các trí cũng có sai khác. Tuy danh từ khác nhau nhưng ý nghĩa vẫn tương đồng.

Hành nhân ở đây biết “Hy cầu Phật trí” (Mong cầu Phật trí) tức là có “tín Tha”, nhưng lại không tin “Tự Phật” (là Phật của chính mình), nên không có “tín Tự”. Do không thể tin “Tự Phật” nên ý chỉ “tâm này là Phật” họ không tin. Ðấy là lỗi lầm lớn!

Sách Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh đã giải thích tường tận về vấn đề này như sau: “Cần phải hiểu thấu suốt Phật Trí cho đến Thắng Trí mới gọi là tín tâm chân thật. Do tất cả trí không rời tự tâm, vô ngã, vô ngã sở, phàm thánh như nhau, đều có chung những trí này. Hoàn toàn tin tự tâm mình đầy đủ tất cả trí, vốn là thành Phật, không hề ở ngoài tâm lại có tâm khác tin Phật. Hồi hướng như thế gọi là duy tâm Tịnh Ðộ, liền được gặp Phật. Nếu đối với các trí trong tự tâm mà còn vướng mắc mối nghi thì không tránh khỏi chuyện thấy có Phật ở ngoài tâm, nên dẫu tu các điều thiện, nương theo nguyện mà vãng sinh nhưng không thấy được Phật vì không khế hợp Phật Trí.

Bởi thế, Kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới dạy: “Ba đời tất cả chư Phật đều vô sở hữu, chỉ nương vào tự tâm. Bồ tát nếu có thể hiểu rõ chư Phật và tất cả pháp đều do tâm lượng thì sẽ đắc Tùy Thuận Nhẫn, hoặc chứng bậc Sơ Địa, lúc bỏ thân sẽ mau sinh vào thế giới Diệu Hỉ, hoặc sinh vào Phật Tịnh Độ Cực Lạc. Như vậy, hễ biết rõ tâm lượng thì chẳng nhọc công, mà tất cả công đức đều thành tựu đầy đủ. Do đó, ta thấy là phải có trí quyết định mới sinh được tín tâm quyết định. Có tín tâm quyết định mới quyết định vãng sinh. Cẩn thận đừng vì tâm nghi hoặc mà đánh mất lợi lớn”. 

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “vô ngã, vô ngã sở” như sau:

– Vì sao nói “vô ngã, vô ngã sở”?

– Vì không có “Ngã” nên không có “Ngã sở”. “Ngã” chỉ là giả. Tất cả vạn pháp đều không có tự thể, đều từ nhất niệm mà sinh ra. Phần trước chúng ta đã học qua: Trong một giây có đến một ngàn sáu trăm triệu niệm, niệm niệm thành hình, hình giai hữu thức. Niệm thứ nhất không phải là niệm thứ hai v.v…, mỗi niệm đều độc lập, chỉ là tướng “tương tợ tương tục” mà thôi. Cho nên, “niệm” cũng là giả thì vạn pháp làm sao có thật, cũng là giả thôi.

Câu “Hoàn toàn tin tự tâm mình đầy đủ tất cả trí, vốn là thành Phật, không hề ngoài tâm lại có tâm khác tin Phật”: Đây là từ trên Lý mà nói: “Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh Độ”. Thật sự, Di Đà và chính mình là nhất thể, tuyệt đối không phải giả. Phải tin rằng: Ta niệm Di Đà là niệm tự tánh Di Đà. Ta cầu thấy Phật A Di Đà là cầu thấy tự tánh Phật A Di Đà. Tất cả pháp đều là tự tánh. Phải nhớ kỹ câu nầy của Phật dạy: “Ngoài tâm không có pháp; ngoài pháp không có tâm”. Tâm hiện tất cả tướng, tất cả tướng chính là tâm. Cổ nhân có ví dụ rất hay: “Dùng vàng làm vật dụng; mọi vật dụng đều là vàng”.

Câu (nếu) thấy Phật ở ngoài tâm, dẫu tu các điều thiện…vãng sinh nhưng không thấy được Phật”: Như vậy là sinh vào Biên Địa nghi thành!

Câu “Bồ tát nếu có thể hiểu rõ chư Phật và tất cả pháp đều do tâm lượng”, đây là ý gì? – Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy tâm ứng lượng”. Nếu có thể tùy thuận chúng sinh, hòa quang đồng trần không có chướng ngại, hoàn toàn không lưu lại một dấu ấn nào trong tâm, người nầy được Tùy Thuận Nhẫn, hoặc chứng bậc Sơ Địa. “Sơ Địa” ở đây là Sơ Địa của Biệt Giáo, ngang bằng với Sơ Trụ của Viên Giáo Bồ tát trong kinh Hoa Nghiêm. Họ đã buông bỏ được khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước. Cho nên, khi xã thân họ liền “sinh vào thế giới Diệu Hỉ, hoặc sinh trong Phật Tịnh Độ Cực Lạc”. – Thế giới Diệu Hỉ, ai là đấng Như Lai ở cõi này?

Theo giải thích của Hòa thượng Tịnh Không: Đương thời với đức Phật Thích Ca còn có một vị Phật tại gia, đó là cư sĩ Duy Ma Cật. Trong kinh chép rất rõ: Cư sĩ Duy Ma Cật giảng kinh, các đệ tử lớn của Phật như ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài A Nan v.v…đều đến nghe và đảnh lễ cư sĩ Duy Ma Cật ba lạy, đi nhiễu phía hữu ba vòng như đảnh lễ Đức Phật Thích Ca. Điều này chứng tỏ thành Phật không nhất định phải xuất gia.

– Xuất gia nghĩa là gì?

– Là cầu cho bản thân tu học ít phiền não! Xuất gia tu hành tốt hơn tại gia, bởi tại gia có rất nhiều tình chấp rất khó buông bỏ, là vì vấn đề này. Từ trên phương diện nầy, cũng theo quan điểm của Hòa thượng Tịnh Không: Công phu tu hành của người tại gia còn cao hơn tu hành của người xuất gia. Vì sao vậy? – Người xuất gia phải xa rời tình chấp; người tại gia không xa rời tình chấp mà vẫn có thể buông tình chấp để tu, đấy mới thật là công phu.

Cư sĩ Duy Ma đến từ thế giới Diệu Hỉ. Trong kinh Duy Ma, đức Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất: Có một cõi nước Phật tên là Diệu Hỉ. Trong cõi nước nầy có vị Phật tên là Vô Động, nghĩa là Bất Động. Cư sĩ Duy Ma là Bất Động Như Lai, đã viên tịch ở đó, đến thị hiện ở thế giới Sa Bà nầy. Nói như vậy, cư sĩ Duy Ma cũng  là cổ Phật lâu xa về trước, đến thế gian nầy dùng thân cư sĩ để độ chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là dùng thân Phật để độ chúng sinh. Cả hai vị Phật đều thị hiện “Phật pháp là sư đạo”.

Câu “Như vậy, hễ biết rõ tâm lượng thì chẳng nhọc công”. Ý nói: Hiểu được tâm lượng, không liên quan đến lộ trình, cũng chính là ngày nay chúng ta nói: “vượt khỏi tầng không gian duy thứ”; thời gian và không gian không còn nữa, mà ngay lập tức “Tất cả công đức đều thành tựu đầy đủ” viên mãn. Đây là trí tuệ, là “quyết định trí”. Thấu triệt chân tướng sự thật, thật tướng các pháp mới “quyết định tín”. “quyết định tín” thì mới quyết định vãng sinh.

Đoạn khai thị trên đây vô cùng quan trọng. Nên nhớ: “Tin Phật mà không tin bản thân vẫn là thiếu trí tuệ”. Không có “quyết định trí” thì không có “quyết định tín”, nên ý chí còn do dự, không biết căn cứ vào đâu.

Hiện nay, chúng ta học Phật, thử nghĩ: Chúng ta có tin Phật chưa? – Không phải không tin nhưng còn do dự! Có hoài nghi Phật chăng?- Có! Có hoài nghi bản thân chăng? – Có! Như vậy là tín nguyện chưa kiên cố! Nhưng, vẫn ra sức niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, vẫn có thể vãng sinh, nhưng sinh vào Biên Địa! Không bằng Hạ phẩm hạ sinh, họ đến thế giới Cực Lạc liền thành A Duy Việt Trí Bồ tát, lập tức được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Nói cách khác, họ liền có năng lực hóa độ chúng sinh trong mười phương pháp giới. Chúng sinh có cảm họ liền có ứng.

Ngày nay, đức Thế Tôn và đức Phật A Di Đà trong bộ kinh nầy trực tiếp khuyên chúng ta phải có tín tâm kiên định, phải nương tựa bộ kinh nầy làm chỗ y cứ tu hành, suốt đời nhất định không thay đổi. Chỉ một bộ kinh, một câu Phật hiệu nầy có thể giúp chúng ta ngay đời nầy vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

KINH VĂN:

Thị chư nhân đẳng, dĩ thử nhân duyên, tuy sinh bỉ quốc, bất năng tiền chí Vô Lượng Thọ sở, đạo chỉ Phật quốc giới biên, thất bảo thành trung. Phật bất sử nhĩ, thân hạnh sở tác, tâm tự thú hướng. Diệc hữu bảo trì liên hoa, tự nhiên thọ thân, ẩm thực khoái lạc, như Đao Lợi thiên. Ư kỳ thành trung, bất năng đắc xuất. Sở cư xá trạch tại địa, bất năng tùy ý cao đại. Ư ngũ bách tuế, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng. Kỳ nhân trí tuệ bất minh, tri kinh phục thiểu, tâm bất khai giải, ý bất hoan lạc, thị cố ư bỉ vị chi thai sinh.

VIỆT DỊCH:

Những người ấy, do nhân duyên nầy, tuy sinh về nước kia, nhưng không thể đến ngay chỗ Phật Vô Lượng Thọ, mà chỉ đến biên giới cõi Phật, trong thành bảy báu. Không phải Phật muốn như vậy, mà chính họ tạo, nên tâm tự hướng đến. Ở đó cũng có ao sen báu, tự nhiên thọ thân, ăn uống sung sướng, như trời Ðao

Lợi. (Nhưng) trong thành ấy, không ra ngoài được. Nhà cửa ở ngay trên mặt đất, không thể cao lớn tùy ý. Trong năm trăm năm, không được thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng. Người ấy trí tuệ không sáng suốt, lại ít biết kinh, tâm không khai mở, ý không vui vẻ. Bởi thế, gọi đó là “thai sinh”.

GIẢNG:

Chữ “thị chư nhân đẳng” (những người đó) là chỉ hai loại người vãng sinh về Biên Địa đã nói ở trên: Loại thứ nhất là không tin trí tuệ của Phật; loại thứ hai là không có lòng tin đối với chính mình.

“Dĩ thử nhân duyên, tuy sinh bỉ quốc, bất năng tiền chí Vô Lượng Thọ sở” (Do nhân duyên này, tuy sinh về nước kia, nhưng không thể đến ngay chỗ Phật Vô Lượng Thọ) tức là do cái nhân tu thiện, niệm Phật, phát nguyện cầu sinh nên cảm được chốn Biên Ðịa ở cõi Cực Lạc, được sống trong cung điện hoa sen bảy báu, vui thú như cõi trời Ðao Lợi và hưởng quả không thoái đọa. Nhưng, do phạm lỗi nghi hoặc nên phải cảm lấy quả “đạo chỉ Phật quốc giới biên” (chỉ đến biên giới cõi Phật), sống trong Nghi Thành không thể thoát ra được, trong năm trăm năm không được thấy nghe Tam Bảo.

Những điều như trên đều do tâm tạo, do nghiệp lực dắt dẫn, nên Phật bảo: “Phật bất sử nhĩ, thân hạnh sở tác, tâm tự thú hướng” (không phải Phật muốn như vậy, mà chính họ tạo, nên tâm tự hướng đến). Ðây chính là điều trong kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán pháp giới tánh, tất cả do tâm tạo).

“Diệc hữu bảo trì liên hoa, tự nhiên thọ thân, ẩm thực khoái lạc, như Đao Lợi thiên. Ư kỳ thành trung, bất năng đắc xuất. Sở cư xá trạch tại địa, bất năng tùy ý cao đại” (Ở đó cũng có ao sen báu, tự nhiên thọ thân, ăn uống sung sướng, như trời Ðao Lợi. Ở trong thành ấy, không ra ngoài được. Nhà cửa ở ngay trên mặt đất, không thể cao lớn tùy ý). Ý nói: Sinh trong Biên Địa cũng là liên hoa hóa sinh trong ao thất bảo, không phải như thai sinh ở thế gian. Ở đấy, họ sống vui vẻ khoái lạc như “Đao Lợi thiên”, chỉ một việc là họ không ra ngoài được. Chốn cư ngụ của họ là ngay trên mặt đất, không thể thăng lên hư không, cũng không thể tùy ý biến hóa cao thấp theo ý muốn.

Ư ngũ bách tuế, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng” (Trong năm trăm năm, không được thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng): Đây là điều đáng tiếc nhất, trong năm trăm năm, không thấy được Tam Bảo!

Về “ngũ bách tuế” (năm trăm năm), bản Hán dịch chép rõ là “ư thị gian ngũ bách tuế” (năm trăm năm trong cõi này). Kinh chép

“thị gian” chớ không ghi là “bỉ quốc” (cõi kia), nên chữ “thị gian” nên hiểu là “thời gian ở cõi Sa Bà”. Vì thế, ngài Cảnh Hưng nói: “Năm trăm năm là số năm trong thế gian này”.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Chúng ta không thể chấp nhất định rằng “năm trăm năm” ấy chính là năm trăm năm trong cõi trần gian, vì phẩm số trong Cực Lạc vô lượng, nên phẩm số trong cõi Biên Ðịa cũng sai biệt vô lượng. Chẳng hạn như trong Quán kinh bảo trung phẩm hạ sinh thì “ư liên hoa trung mãn thập nhị đại kiếp, liên hoa phương khai” (ở trong hoa sen trọn mười hai đại kiếp, hoa sen mới nở). Ðấy là cả một thời gian dài.

Lại như cư sĩ Viên Hoằng Ðạo đời Minh do chấp vào công đức soạn tác phẩm Tây Phương Hiệp Luận nên sinh vào Biên Địa, nhưng do trí tuệ thù thắng nên chẳng lâu sau liền được thấy Phật nghe Pháp.

Phẩm bốn mươi mốt của kinh này có nói: “Nhược thử chúng sinh, thức kỳ tội bổn… nhiên hậu nãi xuất” (Nếu chúng sinh ấy biết gốc tội của mình… thì sau đấy mới được thoát khỏi). Vì vậy, “sám hối đoạn nghi” mới chính là mấu chốt để thoát khỏi Biên Địa, còn thời gian không phải là nhất định.

Kỳ nhân trí tuệ bất minh, tri kinh phục thiểu, tâm bất khai giải, ý bất hoan lạc, thị cố ư bỉ vị chi thai sinh” (Người ấy trí tuệ không sáng suốt, lại ít biết kinh, tâm không khai mở, ý không vui sướng. Bởi thế, gọi đó là “thai sinh”). Chữ “kỳ nhân” (người ấy) là chỉ người sinh trong Biên Ðịa. Câu “trí tuệ bất minh” (trí tuệ không sáng suốt) ý nói ngu si vô trí. “Tri kinh phục thiểu” là không biết nhiều về kinh điển Ðại Thừa. “Tâm bất khai giải” là cấu nhiễm sâu nặng nên tâm không thể khai ngộ, ý không thể hiểu biết. Lại do quá nhiều nghi hoặc nên chẳng vui vẻ, an lạc. Vì vậy gọi đó là “thai sinh”.

KINH VĂN:

Nhược hữu chúng sinh, minh tín Phật trí, nãi chí thắng trí, đoạn trừ nghi hoặc, tín kỷ thiện căn, tác chư công đức, chí tâm hồi hướng, giai ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sinh, già phu nhi tọa. Tu du chi khoảnh, thân tướng quang minh, trí tuệ công đức, như chư Bồ Tát, cụ túc thành tựu. Di Lặc đương tri, bỉ hóa sinh giả, trí tuệ thắng cố. Kỳ thai sinh giả, ngũ bách tuế trung, bất kiến Tam Bảo, bất tri Bồ Tát pháp thức, bất đắc tu tập công đức, vô nhân phụng sự Vô Lượng Thọ Phật. Đương tri thử nhân, túc thế chi thời, vô hữu trí tuệ, nghi hoặc sở trí.

VIỆT DỊCH:

Nếu có chúng sinh, hiểu tin Phật trí, cho đến thắng trí, đoạn trừ nghi hoặc, tin thiện căn mình, làm các công đức, chí tâm hồi hướng, đều tự nhiên hóa sinh, ngồi kiết già trong hoa bảy báu. Trong khoảnh khắc, thân tướng sáng rực, công đức trí tuệ thành tựu đầy đủ như các Bồ Tát. Di Lặc nên biết! Kẻ hóa sinh đó, trí tuệ thù thắng. Kẻ thai sinh kia, trong năm trăm năm, không thấy Tam Bảo, không biết pháp thức Bồ Tát, không được tu tập công đức, không có nhân duyên phụng sự Phật Vô Lượng Thọ. Nên biết, người nầy trong đời trước không có trí tuệ, nghi hoặc nên mới như thế.

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên nêu chung về tướng trạng nhân quả của Thai sinhHóa sinh.

Nhược hữu chúng sinh, minh tín Phật trí, nãi chí thắng trí, đoạn trừ nghi hoặc, tín kỷ thiện căn, tác chư công đức, chí tâm hồi hướng” Ý nói: Người có đầy đủ tín tâm, chẳng những tin vào Phật trí mà còn tin vào thiện căn của chính mình. Ngoài thì kính mộ chư hiền thánh, trong thì tôn trọng tánh linh của chính mình, tu tập các công đức, chí tâm hồi hướng. Người như thế sẽ “giai ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sinh, già phu nhi tọa. Tu du chi khoảnh, thân tướng quang minh, trí tuệ công đức, như chư Bồ Tát, cụ túc thành tựu” (Đều tự nhiên hóa sinh, ngồi kiết già trong hoa sen bảy báu. Trong khoảnh khắc, thân tướng sáng rực, công đức trí tuệ thành tựu đầy đủ như các Bồ Tát).

Phật bảo Di Lặc Bồ tát: Nên biết kẻ hóa sinh đó có trí tuệ thù thắng, còn “kỳ thai sinh giả, ngũ bách tuế trung, bất kiến Tam Bảo, bất tri Bồ Tát pháp thức, bất đắc tu tập công đức, vô nhân phụng sự Vô Lượng Thọ Phật. Đương tri thử nhân, túc thế chi thời, vô hữu trí tuệ, nghi hoặc sở trí”. Ý nói: Kẻ thai sinh kia, trong năm trăm năm, không thấy được Tam Bảo, không biết pháp thức của Bồ Tát  (tức là không biết oai nghi, phong độ của Bồ Tát) không được tu tập công đức, không có nhân duyên phụng sự Phật Vô Lượng Thọ. Nên biết, người này trong đời trước không có trí tuệ, nghi hoặc nên mới như thế). Đủ thấy: “Đoạn nghi sinh tín” là điều vô cùng thiết yếu.