Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
LỄ PHẬT HIỆN QUANG ĐỆ TAM THẬP BÁT
Phẩm nầy nói rõ từ ân vô cực của bậc đạo sư hai cõi, gia bị tất cả chúng hội, khiến họ đều được thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc.
Gia Tường Sớ viết: “Hiện cõi nước khiến người ưa thích, hâm mộ. Tuy trước đó đã nghe giảng về cõi nước mầu nhiệm, nhưng chưa được thấy. Nên lần nầy, Phật hiện cõi nước để tất cả đều ngưỡng mộ mà tu hành”.
Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Từ đầu tới đây đã giảng về nhân quả; thân và cõi nước của Phật A Di Đà, chúng hội đều được nghe, trí tuệ thù thắng đã phát sinh, nhưng chưa tin hiểu hết. Kẻ hạ căn, tuệ kém vẫn chưa quyết định. Hơn nữa, tai nghe không bằng mắt thấy. Vì thế, tiếp đó Phật A Di Đà ban thêm sức oai thần để đại chúng tận mắt nhìn thấy những sự việc trong cõi ấy”.
KINH VĂN:
Phật cáo A Nan: – Nhược tào dục kiến Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, cập chư Bồ Tát, A La Hán đẳng sở cư quốc độ, ưng khởi Tây hướng, đương nhật một xứ, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
A Nan tức tùng tọa khởi, diện Tây hiệp chưởng, đảnh lễ bạch ngôn: “Ngã kim nguyện kiến Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, cúng dường phụng sự, chủng chư thiện căn”. Đảnh lễ chi gian, hốt kiến A Di Đà Phật, dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm, như hoàng kim sơn, cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng. Hựu văn thập phương thế giới, chư Phật Như Lai, xưng dương, tán thán A Di Đà Phật chủng chủng công đức, vô ngại, vô đoạn.
VIỆT DỊCH:
Phật bảo A Nan: – Các ông muốn thấy đức Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác và các Bồ Tát, A La Hán v.v… trong cõi ấy, nên đứng dậy hướng về phương Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”.
A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặt hướng về Tây, chắp tay, đảnh lễ bạch rằng: “Con nay nguyện thấy Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc để cúng dường, phụng sự, trồng các thiện căn”. Khi vừa đảnh lễ, bỗng thấy Phật A Di Ðà dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm như núi vàng ròng, cao vượt trên tất cả thế giới. Lại nghe chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới xưng dương, tán thán công đức vô lượng của Phật A Di Ðà một cách vô ngại, vô đoạn.
GIẢNG:
Bản Hán dịch ghi danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, hoặc gọi tắt là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác.
“Ưng khởi Tây hướng” (Nên đứng dậy hướng về phía Tây): “Tây hướng” là hướng về Tây. Chữ “hướng Tây” ở đây là đức Phật phương tiện nói. Thật ra, Tây phương tồn tại ở khắp mọi nơi, mọi hướng. Phương hướng chỉ là giả danh không thật như phía trước đã đề cập qua. Pháp môn Tịnh Độ sở dĩ phải “chỉ phương lập hướng”, nhằm giúp chúng sinh tâm được chuyên nhất.
“Cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật”: Câu “xưng niệm Nam mô A Di Ðà Phật”, ý nói: Muốn thấy Phật thì phải niệm Phật. Đức Phật mà ta thấy, đó chính là nhất niệm tâm tánh của người niệm: Tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Lại do các đức Như Lai của hai cõi gia bị nên cảm ứng đạo giao, ngay trong khi niệm Phật liền được thấy Phật.
A Nan vâng lời Phật dạy, “tức tùng tọa khởi, diện Tây hiệp chưởng” (liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặt hướng về Tây) xưng danh hiệu Phật, đảnh lễ, phát nguyện.
“Đảnh lễ chi gian, hốt kiến A Di Đà Phật” (Vừa đảnh lễ, bỗng thấy Phật A Di Đà). Chữ “hốt kiến” (忽 見 hū jiàn) là bỗng thấy, biểu thị sự cảm ứng thần tốc. Đảnh lễ chưa xong, mắt đã thấy đấng giáo chủ cõi Cực Lạc và nghe các đức Như Lai khắp mười phương tán thán Phật A Di Đà.
Sách Hội Sớ viết:
“Đó là vì cõi nước không có tướng nhất định, tịnh hay uế là do tâm. Ví như chư thiên cùng dùng bát bằng chất báu để ăn, nhưng tùy theo phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có sai khác. Do vậy, nếu nghiệp cấu che tâm thì kim dung cũng như tro bẩn. Ngón chân nhấn xuống đất thì ngói, sạn cũng biến thành ngọc quý; thân và cõi cũng giống như vậy! Biết Tây phương không xa, nhưng do tâm mê liền thấy có xa cách. Nếu có thể nhất niệm quy chân thì sẽ vãng sinh thấy được cõi Phật, còn có khoảng cách ý niệm và thời gian nữa ư?”. Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Câu “tùy theo phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có sai khác”. Ý nói: Thức ăn có hương vị sai khác là tùy theo phước báu của mỗi người. Ngày xưa, Phật mỗi ngày ôm bình bát đi khất thực, bất luận là thức ăn ra sao, vào miệng Phật liền biến thành thượng vị cực ngon. Vì sao thế? -Vì cảnh tùy tâm chuyển! Tâm Phật thanh tịnh thì thức ăn cũng thanh tịnh. Cũng thế “nếu nghiệp cấu che tâm, thì kim dung cũng như tro bẩn”. “Kim dung” là chỉ cho tướng hảo của Phật. Như trong kinh nói: “Thân tử ma chân kim sắc”, có đủ vô lượng tướng tốt. “Kim dung cũng như tro bẩn”. Ý nói: Tâm tịnh thì cõi tịnh; tâm ác thì cõi cũng nhơ ác.
“Ngón chân nhấn xuống đất thì ngói, sạn cũng biến thành ngọc quý”.
Có đệ tử bạch Phật Thích Ca: Cõi Cực Lạc có tứ độ, Ngài cũng có Tứ độ, vậy cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Ngài ở đâu? Phật liền đặt chân xuống đất, ấn đầu ngón chân, ngay khi ấy, đại chúng đều thấy cả mặt đất, cảnh quang đều giống Tây Phương Cực Lạc; gạch, ngói v.v…đều biến thành ngọc quý. Phật rút chân lên, ngồi sắp bằng thì tất cả đều biến mất, trở lại như cũ. Điều này nói lên, tất cả pháp không rời tự tánh, đều do tự tánh biến hiện.
Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Lời Sớ trên đây đã giảng tường tận ý chỉ “Tâm tịnh thì quốc độ tịnh”. Kinh Tịnh Danh nói: Phật dùng ngón chân nhấn xuống đất, cõi này biến ngay thành cõi tịnh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Ngã chỉ án địa, hải ấn phát quang” (Ngón tay ta ấn xuống đất thì hải ấn phát quang). Quang minh phát ra ấy nào phải vì chân hay tay! A Nan thấy Phật là do Ngài đã trở về với tâm chân thật: Lúc niệm Phật thì tâm này niệm Phật, lúc thấy Phật thì tâm nầy thấy Phật, chỉ là nhất tâm! Tâm ta, tâm Phật không hề cách một mảy mai. Do vậy, Hội Sớ mới viết: “Còn có khoảng cách ý niệm và thời gian ư? Chỉ là nhất niệm, không quá khứ, hiện tại, vị lai. Do vậy mà A Nan niệm Phật, lễ Phật liền thấy Phật A Di Đà.
Cũng thế, nếu lúc lâm chung mà hành giả có thể nhất tâm quy chân, thì lập tức sẽ thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sinh Cực Lạc, nên nói: “Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật”, làm gì có khoảng cách giữa ý niệm và thời gian!
“Dung nhan quảng đại”: Chữ “nhan” là diện mạo; chữ “quảng đại” là như Quán Kinh nói Phật Vô Lượng Thọ: “Phật thân cao lục thập vạn ức hằng hà sa do-tuần. Mi gian bạch hào, hữu triền uyển chuyển, như ngũ Tu Di Sơn, Phật nhãn như tứ đại hải thủy” (Thân Phật cao sáu mươi vạn ức hằng hà sa do-tuần. Tướng lông trắng giữa chặn mày uyển chuyển xoay về bên phải như năm hòn núi Tu Di. Mắt Phật như nước bốn biển lớn). Thân Phật A Di Đà vô cùng vĩ đại, chúng ta không thể nào tưởng tượng được! Sáu mươi muôn ức hằng hà sa do-tuần là con số thiên văn. So với thân tướng của Phật A Di Đà, chúng ta chưa bằng một con kiến, y như đã biến thành vi sinh vật! Chung quy vẫn là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.
Tâm của Phật A Di Đà là “tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Tâm chúng ta thì quá nhỏ, không dung nạp được một người, thậm chí còn không ưa nổi chính mình! Vậy phải làm sao? – Chúng ta thấy có biết bao nhiêu người tự tử. Tự tử chính là không dung nạp nổi chính mình! Tâm lượng nhỏ hẹp như thế, không cần phải suy nghĩ cũng biết tương lai người tự sát sẽ đi về đâu!
“Sắc tướng đoan nghiêm” là tướng hảo trang nghiêm. Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng trung các hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo, nhất nhất hảo trung, hựu hữu bát vạn tứ thiên quang minh” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, trong mỗi tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo, trong mỗi tùy hình hảo lại có tám vạn bốn ngàn quang minh).
“Như hoàng kim sơn” (Như núi vàng ròng). Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật thân như bách thiên vạn ức Dạ Ma Thiên Diêm Phù Đàn kim dã” (Sắc thân Vô Lượng Thọ Phật như trăm ngàn vạn ức vàng Diêm Phù Đàn của cõi trời Dạ Ma). Lại có nghĩa: Thân Phật cao vòi vọi như núi nên bảo là “như hoàng kim sơn”. Hòa thượng Tịnh Không lưu ý chúng ta: “Phật thân” ở đây là chỉ Báo Thân Phật, không phải Ứng, Hóa thân nên thân tướng của Phật mới “cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng” (cao vượt trên tất cả thế giới).
Tuy A Nan và các tỳ kheo có cùng quả vị Tu Đà Hoàn như
Ngài hay thấp hơn, không thể thấy trọn hết Báo Thân trang nghiêm của Phật A Di Đà, nhưng nhờ sức oai thần của đấng Như Lai hai cõi gia bị, nên ai nấy, tùy theo căn khí của mình, đều được thấy cả.
“Hựu văn thập phương thế giới, chư Phật Như Lai, xưng dương, tán thán A Di Đà Phật chủng chủng công đức, vô ngại, vô đoạn” (Lại nghe chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới xưng dương, tán thán công đức vô lượng của Phật A Di Ðà một cách vô ngại, vô đoạn).
Chữ “vô ngại, vô đoạn” ở đây có nghĩa là mười phương chư Phật Như Lai dùng Tứ Biện Tài diễn nói thế giới Tây Phương Cực Lạc và đức Phật A Di Đà công đức vô lượng vô biên, nên bảo là “vô ngại”. Tán thán như thế mãi đến tột cùng đời vị lai không hề gián đoạn, nên bảo là “vô đoạn”.
– Vì sao chư Phật Như Lai trong mười phương đều tán thán Phật A Di Đà không dứt?
– Theo Hòa thượng Tịnh Không: Nói theo ngôn ngữ hiện nay thì các ngài chiêu sinh giúp Phật A Di Đà. Thế giới Cực Lạc giống như một ngôi trường, mà Phật A Di Đà là hiệu trưởng; mười phương chư Phật giống như cha mẹ chúng sinh, nên các ngài đều mong đưa con mình vào được trường này, sẽ vĩnh viễn xa lìa tam ác đạo, trở về với thế giới Nhất chân.
KINH VĂN:
A Nan bạch ngôn: “Bỉ Phật tịnh sát đắc vị tằng hữu, ngã diệc nguyện nhạo sinh ư bỉ độ”. Thế Tôn cáo ngôn: “Kỳ trung sinh giả, dĩ tằng thân cận vô lượng chư Phật, thực chúng đức bổn. Nhữ dục sinh bỉ, ưng đương nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng”.
VIỆT DỊCH:
A Nan bạch rằng: “Cõi tịnh của đức Phật ấy thật chưa từng có, con cũng thích nguyện sinh về cõi ấy”. Ðức Thế Tôn bảo: “Người sinh trong cõi ấy đã từng thân cận vô lượng chư Phật, trồng các cội đức. Ông muốn sinh trong cõi ấy, phải nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng”.
GIẢNG:
A Nan đích thân thấy đức tướng đoan nghiêm của Phật A Di
Đà như tòa núi vàng, cùng các thứ thanh tịnh trang nghiêm nơi cõi ấy, đều là những điều xưa nay chưa từng thấy, nên thưa là “bỉ Phật tịnh sát đắc vị tằng hữu” (cõi tịnh của đức Phật ấy thật chưa từng có). Lại nghe mười phương chư Phật khen ngợi Phật A Di Đà, liền sinh tâm hi hữu, phát khởi đại nguyện, nguyện sinh về Tây Phương Cực Lạc. Điểm này chứng tỏ ngài A Nan quả đúng là đương cơ; Ngài đã khế hội Thánh tâm, nên phát nguyện “ngã diệc nguyện nhạo sinh ư bỉ độ” ( con cũng thích nguyện sinh về cõi ấy). Chữ “thánh tâm” ở đây là chỉ tâm của Phật A Di Đà và tâm của Thích Ca Mâu Ni Phật. Cả hai Ngài đều mong chúng sinh phát nguyện cầu sinh Cực Lạc.
Thế Tôn bảo: Phàm người được vãng sinh, đều đã từng thân cận vô lượng chư Phật, cúng dường, phụng sự, học tập, gieo trồng các cội đức, đúng như kinh A Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sinh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút thiện căn phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi kia). Ở đây, kinh chép: “Nhữ dục sinh bỉ, ưng đương nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng” (Ông muốn sinh về cõi ấy, hãy nên nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng). Chữ “chiêm” (瞻 zhān) là ngẩng mặt trông, nhìn xa. Chữ “ngưỡng” (仰 yăng) là ngưỡng mộ.
Câu “quy y, chiêm ngưỡng” bao gồm các ý nghĩa lễ Phật, quán Phật, niệm Phật, tưởng nhớ đức Phật, mà cũng chính là Ngũ Niệm Môn như Bồ tát Thiên Thân đã đề xướng. Ngũ Niệm Môn là: Lễ bái, tán thán (xưng danh), phát nguyện, quán sát và hồi hướng. Nói theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Nhất tâm xưng niệm sáu chữ hồng danh đã gồm trọn cả Ngũ Niệm Môn”.
“Nhất tâm” là tâm thanh tịnh. Lại như bản kinh A Di Đà khắc trên đá ở thành Tương Dương vào thời Lục Triều có câu: “Dĩ xưng danh cố, chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn, phước đức, nhân duyên” (Do xưng danh nên các tội tiêu diệt; đấy chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên). Vì thế, ngài A Nan nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng, đó chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên; cũng giống như người được vãng sinh là do trong quá khứ đã từng thân cận vô lượng chư Phật, trồng các cội đức, mới được thỏa nguyện vãng sinh.
KINH VĂN:
Tác thị ngữ thời, A Di Đà Phật tức ư chưởng trung phóng vô lượng quang, phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới. Thời chư Phật quốc, giai tất minh hiện, như xử nhất tầm. Dĩ A Di Đà Phật thù thắng quang minh, cực thanh tịnh cố, ư thử thế giới sở hữu Hắc Sơn, Tuyết Sơn, Kim Cang, Thiết Vi đại tiểu chư sơn, giang hà, tùng lâm, thiên nhân cung điện, nhất thiết cảnh giới, vô bất chiếu kiến. Thí như nhật xuất, minh chiếu thế gian. nãi chí Nê Lê, khê cốc, u minh chi xứ, tất đại khai tịch, giai đồng nhất sắc. Do như kiếp thủy di mãn thế giới, kỳ trung vạn vật, trầm một bất hiện, hoảng dưỡng hạo hãn, duy kiến đại thủy. Bỉ Phật quang minh, diệc phục như thị. Thanh Văn, Bồ Tát nhất thiết quang minh, tất giai ẩn tế, duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách.
VIỆT DỊCH:
Lúc nói lời ấy, A Di Ðà Phật liền từ bàn tay phóng ra vô lượng tia sáng chiếu khắp thế giới chư Phật. Khi ấy, các cõi Phật đều hiện rõ như trong một tầm. Do quang minh thù thắng của A Di Ðà Phật tột bậc thanh tịnh, nên ở thế giới này như Hắc sơn, Tuyết Sơn, Kim Cang, Thiết Vi, các núi lớn nhỏ, sông suối, rừng cây, cung điện của trời người, tất cả cảnh giới đều sáng rõ. Ví như mặt trời mọc chiếu khắp thế gian, cho đến địa ngục, khe, hang, chốn tối tăm thảy đều sáng rõ, đồng một màu sắc. Như kiếp thủy tràn ngập thế giới, vạn vật trong ấy đều bị chìm lấp chẳng hiện; thăm thẳm mênh mông, chỉ thấy toàn nước. Quang minh của đức Phật ấy cũng giống như thế. Tất cả quang minh của Thanh Văn, Bồ Tát thảy đều bị ẩn lấp, chỉ thấy quang minh của Phật là sáng ngời, rực rỡ.
GIẢNG:
“Tác thị ngữ thời, A Di Đà Phật tức ư chưởng trung phóng vô lượng quang, phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới”: Đức Thế Tôn vừa dứt lời thì đức Phật A Di Đà ở cõi kia liền phóng quang minh từ lòng bàn tay chiếu khắp tất cả thế giới chư Phật. Điều nầy chứng tỏ Phật trong hai cõi đều đồng tâm, đồng đức: Thích Tôn khuyên vãng sinh; Phật A Di Đà tiếp dẫn.
“Thời chư Phật quốc, giai tất minh hiện, như xử nhất tầm” (Khi ấy, các cõi Phật đều hiện rõ như trong một tầm): Phật quang phổ chiếu tất cả cõi Phật, biểu thị Phật A Di Đà tiếp độ tất cả phàm thánh trong mười phương đều được vãng sinh. Do Phật quang gia trì, đại chúng trong hội đều thấy được mười phương cõi Phật như trong khoảng một tầm (một tầm là tám thước).
“Dĩ A Di Đà Phật thù thắng quang minh, cực thanh tịnh cố, ư thử thế giới sở hữu Hắc Sơn, Tuyết Sơn, Kim Cang, Thiết Vi đại tiểu chư sơn, giang hà, tùng lâm, thiên nhân cung điện, nhất thiết cảnh giới, vô bất chiếu kiến”: Quang minh của Phật A Di Đà tôn quý nhất trong các quang minh nên bảo là “thù thắng”. Sở dĩ quang minh thù thắng bởi lẽ quang minh ấy “cực thanh tịnh cố” (tột bậc thanh tịnh). Nên ở thế giới này như: Hắc Sơn (còn gọi là Hắc Lãnh, là tên một ngọn núi được ghi trong Tây Vực Ký và Từ Ân Truyện); Tuyết Sơn (tiếng Phạn là Himalaya, tức là Hỷ Mã Lạp Nhã Sơn, đảnh núi này quanh năm tuyết phủ nên gọi là Tuyết Sơn); Kim Cang, Thiết Vi đều là tên núi (xem lời giải thích trong phẩm mười một). Tất cả cảnh giới trên “vô bất chiếu kiến” (đều sáng rõ).
“Thí như nhật xuất, minh chiếu thế gian. nãi chí Nê Lê, khê cốc, u minh chi xứ, tất đại khai tịch, giai đồng nhất sắc” (Ví như mặt trời mọc chiếu khắp thế gian, cho đến địa ngục, khe, hang, chốn tối tăm thảy đều sáng rõ, đồng một màu sắc): ý nói như mặt trời mọc thì tối tăm tiêu mất, không luận là hang hốc như “u minh chi xứ” (chốn hang sâu cực tối), “nãi chí Nê Lê” (cho đến địa ngục) đều được hiện rõ, nên bảo là “tất đại khai tịch”. Điều này cũng nói lên:
Ánh quang minh của Phật đã đột phá các tầng không gian, nên tất cả lục đạo, thập pháp giới, thậm chí đến quốc độ của mười phương chư Phật thảy đều hiện bày.
“Giai đồng nhất sắc” (đều cùng một sắc). Theo Quán Kinh,, “nhất sắc” chính là màu vàng ròng, như trong phép quán thứ bảy của Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật ngự trên không trung. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí là hai vị đại sĩ đứng hầu hai bên. Quang minh rực rỡ chẳng thể thấy trọn. Sắc của trăm ngàn khối vàng Diêm Phù Đàn chẳng thể sánh bằng”.
Trong pháp quán thứ tám cũng nói: “Phật, Bồ tát tượng giai phóng quang minh, kỳ quang kim sắc” (Tượng Phật và Bồ tát đều phóng quang minh. Quang minh ấy sắc vàng).
Pháp quán thứ mười lăm nói: “Kiến A Di Đà Phật dữ chư quyến thuộc, phóng kim sắc quang” (Thấy A Di Đà Phật và các quyến thuộc phóng quang minh sắc vàng).
Kinh Thất Phật Thần Chú dạy: “Kỳ trung sở hữu nhất thiết vạn vật, giai tác kim sắc” (Trong ấy, tất cả vạn vật đều thành sắc vàng).
Lại như kinh Pháp Hoa thuật: Lúc Phật phóng quang hiện điềm lành “Chiếu ư Đông phương bát vạn thiên độ, giai như kim sắc” (chiếu tám vạn ngàn cõi nơi phương Đông, đều như sắc vàng).
Theo Hòa thượng Tịnh Không, chữ “sắc vàng” ở đây chỉ là biểu pháp. Ý nghĩa thật của “sắc vàng” là vĩnh hằng, bất biến. Bởi trong tất cả các kim loại, chỉ có vàng là không bị oxy hóa, nên được xem là kim loại quý. Nếu thế giới nầy, tất cả đều màu vàng thì rất tẻ nhạt! Hoa sen trong ao thất bảo ở thế giới Cực Lạc có bốn màu, trên thực tế, Quán Kinh nói với chúng ta, có vô lượng màu, đẹp không kể xiết! Tất cả màu sắc ở thế giới Cực Lạc đều không thay đổi, đấy gọi là màu vàng.
Cho nên, nhất định phải hiểu được ý nghĩa tượng trưng của “sắc vàng” là vĩnh hằng, bất biến. Ngoài ra“sắc vàng” cũng tượng trưng cho tự tánh, tánh đức vĩnh hằng. Tất cả pháp không rời tự tánh. Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh. Sự biến đổi tánh đức cũng do tâm tưởng. Khi tâm không nghĩ tưởng, buông bỏ tất cả phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm thì tánh đức liền có mặt, trở về với nguyên trạng của chân, thiện, mỹ. Sai biệt là xét về tướng; “nhất sắc tướng” là xét về tánh; tánh chỉ có một, vì thế “giai đồng nhất sắc” (đều cùng một màu). Đây là hiển lộ tánh chân thường, bất biến vậy.
Nói theo cụ Hoàng, hiểu ở mức độ cao hơn, “nhất sắc” ngụ ý “vạn pháp nhất như” (giống hệt như nhau). Trong diệu trí quang của Phật đều hiển hiện bản thể thanh tịnh không có tướng sai biệt, chỉ còn tướng chân thật hiển lộ, nên nói“giai đồng nhất sắc” (đều cùng một màu).
“Do như kiếp thủy di mãn thế giới, kỳ trung vạn vật, trầm một bất hiện, hoảng dưỡng hạo hãn, duy kiến đại thủy” (Như kiếp thủy tràn ngập thế giới, vạn vật trong ấy đều bị chìm lấp chẳng hiện; thăm thẳm mênh mông, chỉ thấy toàn nước):
“Kiếp thủy” là một trong tam tai, tức là đại thủy tai khi kiếp hoại. Nước từ “thủy luân” dưới mặt đất phun vọt lên, mưa tuôn xuống, mỗi giọt to như bánh xe. Từ trời Đệ Nhị Thiền trở xuống đều bị nước ngập phá hủy hết. Thủy luân là tầng thứ hai, là một trong “Tứ luân” thành lập nên thế giới. Tứ luân là Phong luân, Thủy luân, Kim luân và Không luân. Theo Luận Câu Xá, quyển mười một: “An lập khí thế gian, phong luân nằm thấp nhất, rộng đến vô số, dày mười lạc-xoa. Kế đến là Thủy luân, sâu mười vạn ức. Tám lạc-xoa nước ở đáy tầng thủy luân ngưng kết thành chất vàng… Trên nền vàng đó có tám ngọn núi lớn. Diệu Cao Sơn Vương trụ ở trên đó”.
Chữ “hoảng dưỡng” (滉 瀁 huăng yăng) mô tả nước lớn không biết đâu là bờ. Chữ “hạo hãn” (浩 汗 hào hàn) hình dung nước lớn bao la.
Bản Đường dịch ghi là “Thí như đại địa, hồng thủy doanh mãn, thọ lâm sơn hà, giai một bất hiện, duy hữu đại thủy” (Ví như đại địa, nước ngập lênh láng, núi sông, cây cỏ, không thể thấy được, chỉ toàn là nước). Nước lớn ví cho “Bỉ Phật quang minh”; cây cối ví cho “Thanh Văn, Bồ tát nhất thiết quang minh” (quang minh của tất cả Thanh Văn, Bồ tát). Cũng như khi mặt trời mọc thì ánh sáng của các vì sao đều “tất giai ẩn tế” (thảy đều ẩn lấp). Phật quang sáng ngời, nên quang minh của tất cả Thanh Văn, Bồ tát đều bị ẩn lấp.
“Minh diệu hiển hách” Chữ “minh” (明 míng) là sáng;
“diệu” (耀 yào) là chiếu ngời; “hiển” (顯 xiăn) là lộ rõ; “hách” (赫 hè) là sáng ngời, đỏ ửng. “Duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách” (chỉ thấy quang minh của Phật là sáng ngời rực rỡ).
KINH VĂN:
Thử hội tứ chúng, thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng, giai kiến Cực Lạc thế giới, chủng chủng trang nghiêm. A Di Đà Phật ư bỉ cao tọa, oai đức nguy nguy, tướng hảo quang minh, Thanh Văn, Bồ Tát, vi nhiễu cung kính. Thí như Tu Di sơn vương, xuất ư hải diện, minh hiện chiếu diệu, thanh tịnh bình chánh, vô hữu tạp uế, cập dị hình loại. Duy thị chúng bảo trang nghiêm, thánh hiền cộng trụ. A Nan cập chư Bồ Tát chúng đẳng, giai đại hoan hỉ, dũng dược tác lễ, dĩ đầu trước địa, xưng niệm Nam Mô A Di Đà Tam Miệu Tam Phật Đà.
VIỆT DỊCH:
Bốn chúng trong hội này, tám bộ trời, rồng, nhân, phi nhân v.v… đều thấy các thứ trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà ngự trên tòa cao, oai đức nguy nguy, tướng hảo quang minh. Thanh Văn, Bồ Tát cung kính vây quanh. Ví như núi chúa Tu Di nhô lên khỏi mặt biển, rạng ngời chói lọi, thanh tịnh, bình chánh, không có tạp uế cùng các loài dị hình, chỉ trang nghiêm bằng các báu, thánh hiền cùng ở. A Nan và các chúng Bồ
Tát đều hoan hỉ, hớn hở làm lễ, cúi đầu sát đất, xưng niệm: “Nam Mô A Di Ðà Tam Miệu Tam Phật Ðà”.
GIẢNG:
“Thử hội tứ chúng” (Bốn chúng trong hội nầy) là chúng đại tỳ-kheo một vạn hai ngàn vị; năm trăm tỳ-kheo ni, bảy ngàn thanh tín sĩ, năm trăm thanh tín nữ. Lại có Phổ Hiền, Văn Thù, Di Lặc, mười sáu vị Chánh sĩ và vô lượng vô biên tất cả Bồ tát trong Hiền Kiếp. Còn có “chư thiên Phạm chúng, cho đến thiên long bát bộ, nhân, phi nhân đẳng” đều là hội chúng.
“Giai kiến Cực Lạc thế giới chủng chủng trang nghiêm” (Đều thấy các thứ trang nghiêm của thế giới Cực Lạc): Tứ chúng đệ tử trong pháp hội cõi này gồm hai vạn người đều là thân huyết nhục, đều thấy thế giới Cực Lạc. Đây là chứng thực cho tất cả chúng sinh hiện tại và đời sau phát khởi tín tâm.
“A Di Đà Phật ư bỉ cao tọa, oai đức nguy nguy, tướng hảo quang minh, Thanh Văn, Bồ Tát, vi nhiễu cung kính” ( Phật A Di Đà ngự trên tòa cao, oai đức nguy nguy, tướng hảo quang minh, Thanh Văn, Bồ Tát cung kính vây quanh). Tướng lành thù thắng này được cả năm bản dịch cùng nêu ra:
– Bản Hán, do Chi Lâu Ca Sấm dịch ghi: “A Nan, chư Bồ tát, A La Hán đẳng, cập chư thiên, đế vương, nhân dân, tất giai kiến Vô Lượng Thanh Tịnh Phật cập chư Bồ tát, A La Hán, quốc độ thất bảo dĩ” (A Nan, chư Bồ tát, A La Hán v.v…và chư thiên, đế vương, nhân dân đều thấy Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ tát, A La Hán, cõi nước bảy báu).
– Bản Ngô, do cư sĩ Chi Khiêm dịch, cũng ghi như thế, nhưng ghi là A Di Đà, thay vì Vô Lượng Thanh Tịnh Phật.
– Bản Ngụy, do Khương Tăng Hội dịch ghi: “Vô Lượng Thọ Phật oai đức nguy nguy như Tu Di Sơn Vương, cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng. Tướng hảo, quang minh, mị bất chiếu kiến. Thử hội tứ chúng, nhất thời tất kiến” (Vô Lượng Thọ Phật oai đức vòi vọi như núi chúa Tu Di, cao vượt tất cả các thế giới. Tướng hảo, quang minh không gì là chẳng soi tỏ. Tứ chúng trong hội này cùng lúc đều thấy) và “Tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tất kiến Vô Lượng Thọ Như Lai” (Tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều thấy Vô Lượng Thọ Như Lai).
– Bản Đường, do Bồ Đề Lưu Chí dịch ghi: “Bỉ chư quốc trung, tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất kiến Vô Lượng Thọ Như Lai như Tu Di Sơn Vương chiếu chư Phật sát. Thời chư Phật quốc giai tất minh hiện, như xử nhất tầm”. (Trong các cõi ấy, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều thấy Vô Lượng Thọ
Như Lai, như núi chúa Tu Di chiếu các cõi Phật. Khi ấy các cõi Phật thảy đều hiện rõ như trong một tầm).
– Bản Tống, do ngài Pháp Hiền dịch ghi: “Nhĩ thời hội trung bật-sô, bật-sô-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Thiên, Long, Dược-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân đẳng, giai kiến Cực Lạc thế giới chủng chủng trang nghiêm, cập kiến Vô Lượng Thọ Như Lai. Thanh Văn, Bồ tát vi nhiễu cung kính. Thí như Tu Di Sơn vương, xuất ư đại hải”. (Lúc ấy, trong pháp hội, bật-sô, bật-sô-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dược-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Câu-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân v.v..đều thấy các thứ trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc và thấy Vô Lượng Thọ Như Lai ví như núi chúa Tu Di, nhô lên biển lớn).Thanh Văn, Bồ tát cung kính vây quanh.
Cả năm bản dịch đều đề cập, đủ chứng minh việc Phật A Di Đà xuất hiện chứng tín là điều được nói trong bản kinh gốc, chớ không phải do dịch thuật sai lầm.
“Thí như Tu Di sơn vương, xuất ư hải diện, minh hiện chiếu diệu, thanh tịnh bình chánh” (Ví như núi chúa Tu Di nhô lên khỏi mặt biển, rạng ngời chói lọi, thanh tịnh, bình chánh): Núi Tu Di nói đủ là Tu Di Lô (Sumeru) Sơn vương, là một trong mười hòn núi chúa. Núi này không phải là núi đất hay núi đá như ở thế gian, mà thuần bằng bốn chất báu hợp thành, nên bảo là “vô hữu tạp uế, cập dị hình loại, duy thị chúng bảo trang nghiêm, thánh hiền cộng trụ” (không có tạp uế và các hình loại dị hình, chỉ trang nghiêm bằng các báu, thánh hiền cùng ở). Chánh báo quang minh vô lượng, nên bảo là “minh hiện chiếu diệu” (rạng ngời chói lọi); y báo “khoan quảng bình chánh” (rộng rãi, bằng phẳng), “thanh tịnh an ổn” nên nói “thanh tịnh bình chánh”.
Do “Thanh văn, Bồ tát vi nhiễu cung kính” (Thanh văn, Bồ tát cung kính vây quanh) nên bảo là “thánh hiền cộng trụ” (thánh hiền cùng ở).
“A Nan cập chư Bồ Tát chúng đẳng, giai đại hoan hỉ, dũng dược tác lễ, dĩ đầu trước địa” (A Nan và các Bồ Tát đều hoan hỉ, hớn hở làm lễ, cúi đầu sát đất): A Nan là đương cơ nên được nêu tên đầu tiên; “Bồ tát chúng đẳng” là các vị Thanh Văn, trời, người v.v…nhờ Phật gia bị mà thấy được điềm lành nên ai nấy đều hoan hỉ, hớn hở làm lễ, gieo năm vóc xuống đất, chí thành xưng niệm “Nam Mô A Di Ðà Tam Miệu Tam Phật Ðà”. “Tam Miệu Tam Phật Ðà” (Samyak Sambuddha), cựu dịch là “Chánh Biến Tri, tân dịch là “Đẳng Chánh Giác”, là danh hiệu thứ ba trong mười danh hiệu của Phật. Do đó, “Nam Mô A Di Ðà Tam Miệu Tam Phật Ðà” chính là sáu chữ hồng danh.
KINH VĂN:
Chư thiên nhân dân, dĩ chí quyên phi nhuyễn động, đổ tư quang giả, sở hữu tật khổ, mạc bất hưu chỉ, nhất thiết ưu não, mạc bất giải thoát, tất giai từ tâm tác thiện, hoan hỉ, khoái lạc. Chung, khánh, cầm, sắt, không hầu, nhạc khí, bất cổ tự nhiên giai tác ngũ âm. Chư Phật quốc trung, chư thiên nhân dân, các trì hoa hương, lai ư hư không, tán tác cúng dường.
VIỆT DỊCH:
Chư thiên nhân dân, cho đến loài bò bay xuẩn động thấy quang minh ấy, tất cả tật khổ không chi chẳng ngưng dứt, tất cả ưu não không gì chẳng ngưng, thảy đều từ tâm hành thiện, vui vẻ, sung sướng. Chuông, khánh, cầm, sắt, không hầu, nhạc khí chẳng đánh tự nhiên phát ra ngũ âm. Chư thiên, nhân dân trong các cõi Phật đều mang hương hoa đến nơi hư không rải ra cúng dường. GIẢNG:
Đoạn kinh văn trên trình bày những thành tựu do nguyện thứ mười bốn “xúc quang an lạc” của Phật A Di Đà mà có. Trong lời nguyện nầy có câu: “Kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân, mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện” (Thấy quang minh tôi chiếu chạm vào thân, không ai mà chẳng được an lạc, từ tâm làm thiện). Lời nguyện nầy cũng đồng nghĩa với đoạn kinh văn trên. “Đổ tư quang giả, sở hữu tật khổ, mạc bất hưu chỉ, nhất thiết ưu não, mạc bất giải thoát, tất giai từ tâm tác thiện, hoan hỉ, khoái lạc” (Thấy quang minh ấy, tất cả tật khổ không chi chẳng ngưng dứt, tất cả ưu não không gì chẳng ngưng, thảy đều từ tâm hành thiện, vui vẻ, sung sướng)
Phẩm “Quang Minh Biến Chiếu”, thứ mười hai, cũng chép: “Nhược tại tam đồ cực khổ chi xứ, kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức” (Nếu trong chốn cực kỳ khổ não của tam đồ thấy quang minh nầy, đều được ngưng nghỉ). Chữ “thấy” ở đây có nghĩa là tiếp xúc. Chỉ cần tiếp xúc được quang minh của Phật, mọi nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, sẽ được an lạc, tăng trưởng trí tuệ. Bởi trong quang minh ấy có bốn mươi tám nguyện lực và công đức năm kiếp tu hành của A Di Đà Phật, nên quang minh Ngài, thật sự có thể gia trì thù thắng như vậy.
“Chung, khánh, cầm, sắt, không hầu, nhạc khí, bất cổ tự nhiên giai tác ngũ âm” (Chuông, khánh, cầm, sắt, không hầu, nhạc khí chẳng đánh tự nhiên phát ra ngũ âm). Đây là nhạc trời. “Ngũ âm” ngày nay gọi là nhạc giao hưởng, do kết hợp của rất nhiều nhạc cụ, không phải chỉ một loại nhạc.
Theo sách chú giải của cụ Hoàng: “Cầm” là loại đàn dài ba thước Hán, rộng sáu tất, gồm bảy dây. “Sắt” là loại đàn tựa như đàn tranh, thời cổ chỉ có mười ba dây, sau đổi thành hai mươi lăm dây. “Cầm” và “Sắt” thường hòa tấu chung với nhau nên người xưa hay dùng chữ “sắt cầm hảo hợp” để ví cho tình nghĩa vợ chồng. “Không hầu” là loại đàn dây, xuất xứ từ Tây Vực, thường có thân cong, mặt dài, số dây từ hai mươi đến hai mươi lăm. Khi sử dụng, ôm vào lòng, hai tay cùng khảy.
“Chư Phật quốc trung, chư thiên nhân dân, các trì hoa hương, lai ư hư không, tán tác cúng dường” (Chư thiên, nhân dân trong các cõi Phật đều mang hương hoa đến nơi hư không rải ra cúng dường): Điều này nhằm biểu thị sự khoái lạc thù thắng do thấy được Phật, thấy được Phật quang, thấy cõi nước Phật v.v…
Chỗ này, cụ Hoàng Niệm Tổ nêu ra: Ắt có kẻ cho đó là chấp tướng! Nhưng, tiếc thay kẻ ấy chưa biết được điều mầu nhiệm của Tịnh Tông: Chính ngay nơi tướng là đạo, ngay nơi sự chính là chân, nên chẳng cần phải bỏ tướng để cầu đạo, lìa sự để thấy chân! Kinh nầy thuần là cảnh giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm. Một hoa, một hương, không thứ gì chẳng phải là hạt châu nơi mành lưới của Thiên Đế. Mỗi mỗi đều viên minh, mỗi mỗi đều thắng diệu, mỗi mỗi đều là toàn thể nhất chân pháp giới, viên minh cụ đức, chẳng thể nghĩ bàn!
KINH VĂN:
Nhĩ thời Cực Lạc thế giới, quá ư Tây phương bách thiên câu chi na-do-tha quốc, dĩ Phật oai lực, như đối mục tiền, như tịnh thiên nhãn, quán nhất tầm địa. Bỉ kiến thử độ, diệc phục như thị, tất đổ Sa Bà thế giới Thích Ca Như Lai cập tỳ-kheo chúng, vi nhiễu thuyết pháp. VIỆT DỊCH:
Lúc bấy giờ, thế giới Cực Lạc qua khỏi phương Tây, trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi, nhờ oai lực Phật, như ngay trước mắt, như mắt tịnh thiên nhìn một tầm đất. Cõi ấy thấy cõi này cũng giống như vậy. Liền thấy thế giới Sa Bà, Thích Ca Như Lai và chúng tỳ-kheo vây quanh thuyết pháp.
GIẢNG:
Thế giới Cực Lạc không lìa tự tâm, ấy là xét về Lý. “Quá ư Tây phương bách thiên câu-chi na-do-tha quốc” (Qua khỏi phương Tây, trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi) là xét về Sự. Lý, Sự vô ngại nên dù có cách xa mười vạn ức cũng chỉ là ngay trước mắt. Do vậy, mà Quán Kinh nói: “Phật A Di Đà cách đây không xa” (A Di Đà Phật khứ thử bất viễn). Vì sao? – Vì không rời tự tánh!
– Tự tánh lớn bao nhiêu?
– Lớn đến không có gì ngoài; nhỏ đến không có gì trong. Đấy là tự tánh!
Lớn là vũ trụ vĩ mô, nhỏ là thế giới vi mô. Trong Phật pháp: Vĩ mô và vi mô là một, không phải hai.
– Vi mô có điểm dừng chăng?
– Không có! Đây gọi là trùng trùng vô tận!
Tóm lại: Vĩ mô không có biên giới; vi mô không có điểm dừng. Đấy là tự tánh, là pháp vốn như vậy! Đến lúc nào chúng ta kiến tánh thì sẽ rõ thôi. Không thể nào dùng ý thức, tư duy mà có thể hiểu được.
“Dĩ Phật oai lực, như đối mục tiền” (Nhờ oai lực Phật, như ngay trước mắt): Hội chúng chí thành nên cảm ứng được Phật lực gia trì, hai cõi tịnh, uế đều thấy rõ nhau như ở trước mặt.
“Như tịnh thiên nhãn, quán nhất tầm địa” (Như mắt tịnh thiên nhìn một tầm đất): Ý nói thánh chúng cõi Cực Lạc đều thấy rất rõ ràng đức Thế Tôn ở cõi nầy trong đại hội đang giảng kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác.
Kinh A Di Đà nói pháp môn này là “nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (pháp khó tin trong tất cả thế gian). Chúng sinh đời Mạt pháp tình chấp sâu nặng, đối với diệu pháp tối cực viên đốn, Nhất thừa liễu nghĩa, cứu cánh phương tiện, chẳng thể tin được, trái lại còn sinh nghi ngờ, phỉ báng. Bởi thế, lấy phẩm nầy là “Lễ Phật Hiện Quang” để làm chứng chuyển. Thế giới nầy có hai vạn người tận mắt thấy cảnh trang nghiêm thanh tịnh của thế giới Cực Lạc, đích thân nghe được Phật A Di Đà đang thuyết pháp, đấy là nhân duyên thù thắng không gì sánh được, chứng minh những gì đức Thế Tôn nói trước đây đều là chân thật, không hư vọng. Họ sẽ là những người chứng thực, khiến chúng sinh phát khởi chánh tín, ưa thích cầu được vãng sinh, phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm, đều được bốn lợi ích Tất Đàn. Bốn lợi ích này sẽ giải thích ở phần sau.
Để kính thuận thánh tâm, cụ Hoàng Niệm Tổ dẫn kèm thêm một số kinh đề sau đây để chứng tỏ “Cực Lạc diệu hữu”, ngõ hầu (người đọc) không thiên chấp nơi “không”.
– Cực Lạc diệu hữu là gì?
– Theo Hòa thượng Tịnh Không: “Diệu hữu” là có mà không có; không có mà có! Giống như cảnh giới trong mơ: Đương thể tức không, không thể chiếm hữu! Vạn pháp giai không, cái “không” này không phải là “vô” mà sẽ lại hiện tướng. Tuy hiện tướng nhưng tướng đó không phải thật tướng, tướng đó là “diệu hữu”.
Sau đây là một số kinh đề:
1.- Quán Kinh chép: “Vi Ðề Hi và năm trăm thị nữ nghe lời
Phật dạy, lập tức thấy tướng rộng lớn của thế giới Cực Lạc, được thấy thân Phật và hai vị Bồ Tát, tâm sinh hoan hỉ, khen là chưa từng có, hoát nhiên đại ngộ, được Vô Sinh Nhẫn. Năm trăm thị nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện sinh về cõi ấy. Thế Tôn thọ ký họ đều sẽ vãng sinh. Sinh trong nước ấy rồi sẽ đắc Chư Phật Hiện Tiền tam-muội”
2.- Kinh Phật Thuyết Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn ghi: “Khi ấy, trong hội chúng của đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai nơi thế giới Sa Bà, tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát (một vạn hai ngàn người), bật-sô (hai vạn người), bật-sô-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Phạm Vương, Ðế Thích, Hộ Thế Tứ Vương (tức Tứ Đại Thiên Vương) và các chúng khác như Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân v.v… đều thấy thế giới Cực Lạc và thấy Vô Lượng Quang Như Lai. Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng vây quanh. Quang minh rực rỡ như núi Diệu Cao”
3.- Kinh Thập Vãng Sinh chép: “ Phật bảo Sơn Hải Tuệ Bồ Tát: – ‘Ông nay nên đứng dậy, chắp tay, hướng về phương Tây, chánh niệm quán cõi Phật A Di Đà, nguyện thấy Phật A Di Đà’. Bấy giờ, tất cả đại chúng cũng đều đứng dậy, chắp tay, cùng quán Phật A Di Đà. Lúc đó, Phật A Di Đà hiện đại thần thông, phóng đại quang minh, chiếu thân Sơn Hải Tuệ Bồ Tát. Khi ấy, Sơn Hải Tuệ Bồ Tát v.v…(bao quát tất cả đại chúng), liền thấy tất cả sự trang nghiêm diệu hảo của cõi Phật A Di Đà đều là bảy báu: Núi bảy báu, cõi nước bảy báu; nước, chim, cây cối thường diễn pháp âm. Cõi ấy hàng ngày thường chuyển pháp luân”
Hòa thượng Tịnh Không lưu ý chúng ta: Câu “hằng ngày thường chuyển pháp luân” là câu quan trọng cần phải chú ý không được lướt qua. Người xưa thường nói: “xây dựng đất nước, dạy học làm đầu”. Nơi nào có nền học vấn hưng thịnh là nơi đó nhân dân được an vui, xã hội ổn định.
Những đoạn kinh trên chứng tỏ trong xã hội Ấn Độ thời ấy đã có vài trăm hoặc vạn người tận mắt thấy y, chánh trang nghiêm nơi cõi Cực Lạc. Điều này cũng khẳng định rằng: Có thế giới Tây phương, có Đức Phật A Di Đà. Đối với hai chữ “có” nầy cần phải hết sức lưu ý, phải thật tin, không phải mơ hồ.
Tóm lại, phẩm này bao gồm bốn thứ Tất Đàn:
1.- Y báo, chánh báo cõi Cực Lạc có mặt chính là “Thế giới Tất- đàn”: Hiển thị đích xác diệu cảnh, cắt đứt mọi nghi tình khiến chúng sinh sinh tâm hoan hỉ, thật sự phát nguyện vãng sinh.
2.- A Nan và đại chúng hoan hỉ kính lễ, xưng niệm thánh hiệu là “Vị nhân Tất-đàn”. “Vị nhân” là sinh thiện: Thân lễ bái là thân cung kính; xưng niệm Phật hiệu là miệng cung kính cùng với ý cung kính. Cả ba nghiệp kiền thành cung kính; đó là “thiện”. Trì danh vãng sinh là điều thiện nhất trong các điều thiện.
3.- Phá nghi sinh tín là “Đối trị Tất-đàn”. Nghi căn chưa đoạn đó chính là tội căn. Lúc tín lực viên mãn sẽ trở thành Phật lực.
Khoa học ngày nay, điều kiện thứ nhất là hoài nghi, hoài nghi với tất cả hiện tượng vật chất, mãi đến khi nào có phát hiện mới thôi. Nhưng, đối với thánh giáo, có hoài nghi thì hỏng! Không bao giờ được kiến tánh! Nói cách khác: Đối với sự kiện vật lý có thể hoài nghi để phát hiện. Nhưng, đối với tâm lý, hoài nghi là mất mạng! Như khi bạn mắc bệnh, nếu nghĩ bệnh này không thể chữa khỏi, thì chắc chắn chữa không khỏi. Đó là tâm lý! Nếu có niềm tin vào cách chữa trị, không hoài nghi thầy thuốc thì sẽ rất chóng khỏi.
Trên thực tế, bác sĩ trị bệnh, hiệu quả cứu sống chỉ khoảng ba phần; người có niềm tin sẽ đạt được bảy phần. Nếu có thể đặt hết niềm tin vào chính mình thì không cần thuốc thang mà tự khỏi. Ngày trước, tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) có nghe bài báo cáo trong CD Sơn Tây Tiểu Viện: Hơn bốn mươi người mắc bệnh ung thư. Bệnh viện tuyên bố không còn cách cứu chữa, cho mọi người biết họ chỉ có thể sống được thêm ba tháng. Nghe tin này, họ nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Kết quả, họ không vãng sinh mà hoàn toàn bình phục, tái khám không còn thấy triệu chứng bệnh. Việc này chứng minh: Tin tưởng một trăm phần trăm thì bệnh sẽ tự khỏi. Lưu Tố Vân trước đây cũng không cần thuốc thang mà bệnh tự lành. Bởi thế, nên nói: “Nghi căn chưa đoạn đó chính là tội căn. Khi tín lực viên mãn sẽ trở thành Phật lực”. Điều này rất chính xác! Mấy câu này nói rất hay!
– Con người nhờ đâu để thành Phật?
– Nhờ niềm tin để thành Phật!
Tin chắc vào hai câu: “Vốn dĩ là Phật” và “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” thì chắc chắn sẽ thành Phật, không nghi.
4.- Tâm và Phật không hai, diệu cảm khó suy lường, sự lý bất nhị, diệu cảnh hiện tiền, chính là “Đệ Nhất Nghĩa Tất-Đàn” vì hiển bày trọn vẹn tự tánh khiến cho chứng nhập Thật Tướng. “Đệ Nhất Nghĩa” là cứu cánh viên mãn. Cho nên, chúng ta phải tin tưởng tâm và Phật là một, không phải hai: Tâm là tâm của ta; Phật là Phật hiện trong tâm ta. Phật A Di Đà là tự tánh hiện ra. Mười phương ba đời chư Phật cũng không rời tự tánh.
Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh viết: “Ðoạn này ý nói vô lượng quang minh chiếu soi tất cả. Cực Lạc và Sa Bà cùng một pháp giới, vốn chẳng phải đây, kia thì nào có Ðông, Tây! Sơn hà, đại địa đều do con mắt nhặm của chúng sinh mà thành.
Nếu có thể nhất niệm nhập vào cảnh giới Phật thì ánh sáng trí tuệ vô lượng trùm khắp cõi nước, tam đồ, lục đạo đồng thời giải thoát. Không những A Nan được oai thần Phật gia bị thấy được thân Phật và các y báo, chánh báo; mà những chúng sinh ngay trong đời Mạt pháp, nếu vào được pháp môn này, không rời niệm này sẽ nhanh chóng được thấy Phật.
Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Chư Phật như tấm kính lớn, thân ta như hạt Ma-ni châu. Pháp thân chư Phật nhập thân ta, thân ta thường nhập vào thân chư Phật. Biết chư Phật và chúng sinh vốn không hai, gọi là ‘thấy Phật’, thật ra không thấy. Vì cớ sao? Vì trong cùng một thân, chẳng thể thấy lẫn nhau”.
Câu “sơn hà đại địa đều do con mắt nhặm của chúng sinh mà thành”, theo sách chú giải của cụ Hoàng, câu này dựa theo ý kinh Viên Giác: Như người bị bệnh mắt, thấy trên hư không có những đóm sáng bay lờn vờn, gọi đó là “không hoa” (tức hoa đóm giữa hư không). Nhưng, thật sự trong hư không không có những đóm sáng ấy, chỉ vì mắt bệnh mới thấy có “không hoa”.
Câu “vào được pháp môn nầy”, “pháp môn nầy” chính là pháp môn Tịnh Độ, trì danh niệm Phật.
“Chư Phật như tấm kính lớn, thân ta như hạt Ma-ni châu. Pháp thân chư Phật nhập thân ta, thân ta thường nhập vào thân chư Phật”. Hòa thượng Tịnh Không nêu ra câu hỏi và giải thích:
– Đấy là gì?
– Là ta và Phật trở thành một thân (nhất thể) “Phật như tấm kính lớn”, đây là ví dụ. “Thân ta như hạt Ma-ni châu”, viên ngọc soi vào gương, trong gương có ngọc. “Châu” là châu báu, có thể phát sáng. Trong viên ngọc có hình tấm gương; trong tấm gương có hình viên ngọc, vì thế “Pháp thân chư Phật trong thân ta”, là nhất thể. “Thân ta cũng thường nhập trong thân chư Phật”, đây là chân tướng sự thật, không phải tưởng tượng.
Do vậy mà “chư Phật và chúng sinh vốn không hai, gọi là ‘thấy Phật’, thật ra không thấy. Vì cớ sao? Vì trong cùng một thân, chẳng thể thấy lẫn nhau”. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Tuy “không thấy lẫn nhau” nhưng vẫn có hiện tượng chiếu soi lẫn nhau, che chở lẫn nhau, đấy là điều không thể nghĩ bàn! Thân như thế, quốc độ cũng không ngoại lệ: Thế giới Cực Lạc như tấm gương lớn; thế giới Sa Bà như hạt ma ni châu. Trong tấm gương có hình ngọc Mani; trong ngọc Ma-ni cũng có hình tấm gương, ánh sáng soi chiếu lẫn nhau, cũng là “nhất thể”.