Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

TỪ THỊ THUẬT KIẾN ĐỆ TAM THẬP CỬU

Phẩm này là chứng tín, trừ nghi: Ngài Từ Thị thuật lại những điều Ngài thấy ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhằm xác minh lời Phật dạy là hoàn toàn chân thật. Ngài còn nêu việc mình thấy những thai sinh ở biên địa nghi thành để chỉ rõ cái tai hại của tâm nghi hoặc lời Phật dạy.

KINH VĂN:

Nhĩ thời Phật cáo A Nan, cập Từ Thị Bồ Tát: – Nhữ kiến Cực Lạc thế giới, cung, điện, lâu, các, tuyền, trì, lâm thụ, cụ túc vi diệu thanh tịnh trang nghiêm phủ? Nhữ kiến Dục giới chư thiên, thượng chí Sắc Cứu Cánh thiên, vũ chư hương hoa, biến Phật sát phủ?

A Nan đối viết: – Dụy nhiên dĩ kiến.          

– Nhữ văn A Di Đà Phật đại âm tuyên bố nhất thiết thế giới, hóa chúng sinh phủ?

A Nan đối viết: – Dụy nhiên dĩ văn.

Phật ngôn: – Nhữ kiến bỉ quốc tịnh hạnh chi chúng, du xử hư không, cung điện tùy thân, vô sở chướng ngại, biến chí thập phương cúng dường chư Phật phủ? Cập kiến bỉ đẳng niệm Phật tương tục phủ? Phục hữu chúng điểu trụ hư không giới, xuất chủng chủng âm, giai thị hóa tác, nhữ tất kiến phủ? 

Từ Thị bạch ngôn: – Như Phật sở thuyết, nhất nhất giai kiến.

VIỆT DỊCH:

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ngài A Nan và Từ Thị Bồ Tát:  – Các ông có thấy cung điện, lầu gác, suối ao, rừng cây trong cõi Cực Lạc đầy đủ vi diệu, thanh tịnh trang nghiêm chăng? Có thấy chư thiên Dục giới cho đến trời Sắc Cứu Cánh rải hoa, hương xuống khắp cõi Phật chăng? 

A Nan thưa: – Vâng, con đã thấy. 

– Ông có nghe âm thanh Phật A Di Ðà vang vọng tất cả thế giới giáo hóa chúng sinh chăng? 

 A Nan thưa: – Vâng, con đã nghe. 

Phật dạy: – Ông có thấy chúng tịnh hạnh trong cõi ấy bay trong hư không, cung điện theo thân không bị chướng ngại, đến khắp mười phương cúng dường chư Phật chăng? Và thấy họ liên tục niệm Phật chăng? Lại có chim chóc ở giữa hư không hót các thứ tiếng; đều là biến hóa, ông thấy hết chăng? 

Từ Thị thưa: – Như Phật đã nói, con đều thấy cả.

GIẢNG:

“Nhĩ thời Phật cáo A Nan cập Từ Thị Bồ Tát” (Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo ngài A Nan và Từ Thị Bồ Tát). A Nan là người kết tập kinh tạng, là truyền nhân của đức Phật Thích Ca; Ngài Từ Thị là Phật tương lai sẽ hạ sinh; vì thế, Phật đem pháp môn vi diệu này phó chúc cho hai vị.

Trước hết, Phật nói đến những điều trang nghiêm mầu nhiệm trong cõi Cực Lạc như cảnh chư thiên rải hoa, bảo hai ngài xem làm chứng.

“Sắc Cứu Cánh Thiên” là Đệ Tứ Thiền Sắc giới; là một trong các cõi trời Tịnh Cư thù thắng nhất trong Sắc Giới. Tứ Thiền có chín cõi: Bốn tầng dưới là phàm phu; năm tầng trên là chỗ ở của bậc Thánh đã chứng quả Bất Hoàn tức A Na Hàm. Bậc này đã đoạn sạch chín phẩm Tư Hoặc của Dục Giới, không còn tái sinh trong Dục Giới nữa, họ sinh vào Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới, nên gọi là quả Bất Hoàn.

Năm tầng trời của cõi Tịnh Cư là: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt

Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên và Sắc Cứu Cánh Thiên.

Sách Câu Xá Tụng chép: “Năm cõi trời này gọi là Tịnh Cư Thiên, chỉ có thánh nhân sống, không có các loài khác sống lẫn vào nên gọi là Tịnh Cư”.

Nội dung đoạn kinh trên bao gồm:

– Thứ nhất, Từ Thị Bồ Tát trông thấy chư thiên rải hoa. Đây quả là chứng thật điều kinh đã nói trong phần trước: “Nhất thiết chư thiên giai tê bách thiên hoa hương, vạn chủng kỹ nhạc, cúng dường bỉ Phật” (Tất cả chư thiên đều mang trăm ngàn hương hoa, muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Phật ấy (tức Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc). Những thứ trang nghiêm y báo mà Ngài đã thấy cũng chứng thật nguyện thứ ba mươi chín: “Trang Nghiêm Vô Tận” của Phật A Di Đà là: “Quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng” (Vạn vật trong nước, nghiêm tịnh đẹp đẽ, hình sắc thù đặc, vi diệu cùng cực không thể nói hết).

– Thứ hai, Ngài trực tiếp được nghe Phật A Di Ðà thuyết pháp, pháp âm vang dội phổ độ mười phương. Ðiều này chứng thật lời kinh dạy: “Phật ngữ phạm lôi chấn, bát âm sướng diệu thanh” (Lời Phật như sấm vang, tiếng bát âm vi diệu) và Bồ Ðề thọ vương (tức đạo tràng thọ của Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc): “Diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh. Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc” (phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp. Âm thanh ấy truyền khắp cõi nước chư Phật). Tiếng thuyết pháp của thọ vương cũng chính là tiếng Phạm âm của Phật A Di Ðà vậy.

– Thứ ba, Ngài thấy thánh chúng trong cõi Cực Lạc du hành mười phương cúng dường chư Phật. Ðiều này chứng thật sự thành tựu lời nguyện thứ mười một: “Biến cúng chư Phật” (Cúng khắp chư Phật) của Phật A Di Đà.

– Thứ tư, Ngài thấy thánh chúng liên tục niệm Phật, đây chính là cốt lõi các lời nguyện của Phật A Di Ðà: Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, độ khắp ba căn, gồm thâu vạn loại. Phàm phu mười niệm chứng ngay lên Bất Thoái; Đại sĩ tu tập nhanh chóng, hàng Thập Ðịa cũng không rời niệm Phật. Vì thế, phàm phu niệm Phật được vãng sinh; vãng sinh rồi, vẫn niệm Phật, niệm niệm tiếp nối cho đến cùng tột vị lai. Bởi công năng của niệm Phật chính là duy trì tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, vĩnh viễn xa lìa vọng tâm, trở về với chân tâm, gọi là thành Phật.

– Thứ năm, ngài thấy các loài chim thuyết pháp đã chứng thật lời dạy trong kinh Tiểu Bổn: “Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật, dục linh pháp âm, tuyên lưu biến hóa sở tác” (Các loài chim ấy đều do Phật A Di Ðà muốn pháp âm được truyền khắp mà biến hóa ra).

Hiện nay khoa học sáng chế ra rất nhiều thứ, như người máy, nó cũng rất linh hoạt. Nếu làm thành chim chóc, nó cũng biết thuyết pháp, biết hót v.v… Thế giới nầy có thể làm được thì ở thế giới Cực Lạc, đức Phật A Di Ðà cũng làm được, càng thù thắng hơn rất nhiều. Cây cỏ, hoa lá, suối ao v.v…đều có thể niệm Phật, chứng minh toàn bộ thế giới Cực Lạc, bất luận là đi đến đâu đều thấy Phật A Di Ðà, đều nghe âm thanh niệm Phật…thật là vi diệu, chẳng thể nghĩ bàn!

KINH VĂN:

Phật cáo Di Lặc: – Bỉ quốc nhân dân hữu thai sinh giả, nhữ phục kiến phủ?

Di Lặc bạch ngôn: – Thế Tôn! Ngã kiến Cực Lạc thế giới nhân trụ thai giả, như Dạ Ma thiên, xử ư cung điện. Hựu kiến chúng sinh, ư liên hoa nội kiết già phu tọa, tự nhiên hóa sinh. Hà nhân duyên cố, bỉ quốc nhân dân, hữu thai sinh giả, hữu hóa sinh giả?

VIỆT DỊCH:

Phật bảo Di Lặc: – Nhân dân cõi ấy có kẻ thai sinh, ông có thấy chăng? 

Ngài Di Lặc thưa: 

– Bạch Đức Thế Tôn! Con thấy kẻ ở trong thai nơi thế giới Cực Lạc như đang ở trong cung điện cõi trời Dạ Ma. Lại thấy chúng sinh ngồi xếp bằng trên hoa sen, tự nhiên hóa sinh. Vì nhân duyên nào mà nhân dân cõi ấy có kẻ thai sinh, kẻ thì hóa sinh?

GIẢNG:

“Bỉ quốc nhân dân hữu thai sinh giả” (Nhân dân cõi ấy có kẻ thai sinh). Theo Hòa thượng Tịnh Không: Chữ “thai sinh” ở đây không phải là “thai sinh” thật mà chỉ là ví dụ. Chủ ý là Phật muốn khuyên chúng sinh phát khởi thâm tín, tránh đọa vào biên địa nghi thành. Biên địa chính là nghi thành, cũng gọi là “thai sinh”. Thời gian ở trong nghi thành này cũng chính là ở trong hoa sen, dài nhất là năm trăm năm (năm trăm năm này là của thế gian, không phải của Tây Phương Cực Lạc), họ không thấy được Tam Bảo, đây là cái khổ của họ, nên mới gọi là “thai sinh”. Chỉ cần họ không còn nghi hoặc thì hoa sen sẽ nở. Lúc bấy giờ: “Hoa khai kiến Phật”, họ sẽ được nhập phẩm. Địa vị thấp nhất là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hạ phẩm hạ sinh.

– Hiện nay ai là người không nghi hoặc?

– Người nhất tâm niệm Phật, mọi việc đều buông xuống là người không nghi hoặc. Nếu còn nghe ngóng chuyện thế sự, việc nầy, việc kia là bạn chưa tin! Khẳng định là như vậy!

Câu “Hữu thai sinh giả, hữu hóa sinh giả” (Có kẻ thai sinh, có kẻ hóa sinh) nghĩa là Cực Lạc có hai loại Hóa Sinh và Thai Sinh.

“Ư liên hoa nội, tự nhiên hóa sinh” (Ở trong hoa sen, tự nhiên hóa sinh) là hóa sinh.

Theo sách chú giải của cụ Hoàng: “Thai sinh” là vì dùng tâm ngờ vực tu các công đức, nguyện sinh Cực Lạc, ngờ vực không tin Ngũ Trí của Phật, nhưng vẫn tin vào tội phước, tu tập cội lành. Họ vẫn được sinh về Cực Lạc nhưng trong năm trăm năm, hoa sen chẳng nở, ở mãi trong hoa thai, không được gặp Phật, nghe pháp nên gọi là “thai sinh”, hay còn gọi là “biên địa”.

Sách Hội Sớ của Đại Sư Tuấn Đế người Nhật nói rất hay: “Thai là ý nói chốn tăm tối, dùng hình ảnh này để ví cho kẻ [ở mãi trong hoa sen] nơi Cực Lạc, chớ không phải là Thai Sinh trong thai bào. Vì sao biết thế? Trong cõi Cực Lạc thuần là Hóa Sinh, nên chẳng thật sự có Thai Sinh”. Ý nói: Gọi là “Thai sinh” vì kẻ đó nghi hoặc chưa tận, còn tồn tại ám chướng. Ám chướng chưa đoạn, nên chưa thể thấy Phật, nghe pháp. Vì vậy, dùng chữ “thai” để sánh ví.

Cũng theo cụ Hoàng Niệm Tổ:

“Nếu luận theo sự thật, tất cả những người được vãng sinh đều là Hóa Sinh, không hề có Thai Sinh. Hơn nữa, người sinh vào biên địa cõi Cực Lạc, tuy bảo là ở trong thai nhưng chẳng hề chịu cái khổ ở trong thai, chỉ hưởng khoái lạc như các vị trời cõi Dạ Ma ngự trong cung điện. Dạ Ma Thiên là tầng trời thứ ba trong Dục Giới, nằm trên tầng trời Tứ Thiên Vương và Ðao Lợi thiên. Người trong cõi trời Dạ Ma luôn thốt lên: “Sướng quá! Sướng quá!” đủ thấy chư thiên trong cõi trời ấy khoái lạc tột bực”! 

Ngài Từ Thị thấy xong bèn thưa với Phật: “Hà nhân duyên cố? Bỉ quốc nhân dân, hữu thai sinh giả, hữu hóa sinh giả?”(Vì nhân duyên nào mà nhân dân cõi ấy có kẻ thai sinh, có kẻ hóa sinh?). Ðây chính là thấy quả liền muốn biết nhân. Sách Hội Sớ nói về hai chữ “nhân duyên” như sau: “Yếu tố chính để phát sinh (ra quả) là Nhân, yếu tố trợ giúp (cho Nhân) phát sinh là Duyên. Thai sinh hay

Hóa sinh đều nhờ vào nhân duyên. Bởi thế, đối theo cái quả mà hỏi đến nguyên do”.

Bản sớ giải kinh Lăng Nghiêm của ngài Trường Thủy có câu: “Phật giáo lấy nhân duyên làm Tông, vì thánh giáo của Phật từ cạn tới sâu, nói ra hết thảy pháp không ngoài hai chữ nhân duyên”.

Nhà Phật thường nói: “Tất cả pháp từ duyên sinh”. Phật pháp không nói “nhân sinh” mà nói “duyên sinh”. “Duyên” của mỗi người không giống nhau. Ngày nay, chúng ta gặp được thiện duyên: Gặp được pháp môn Tịnh Độ, gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, gặp được câu Phật hiệu này…đây là duyên thành Phật. Nếu nắm bắt được, quyết tâm thực hành, đời này nhất định được làm Phật, mọi vấn đề đều được giải quyết.