Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

TÂM ĐẮC KHAI MINH ĐỆ TAM THẬP TỨ

Trong phẩm này, ngài Di Lặc lãnh hội được ý chỉ của Phật, tâm được khai sáng. Phật lại ân cần khuyên dạy: Một là đoạn Hoặc niệm Phật, biết khổ tu thiện; hai là tự lợi, lợi tha, lần lượt cứu giúp nhau; ba là chỉ ra lạc quốc thắng quả; bốn là đoạn trừ nghi hối, khỏi sinh vào biên địa.

KINH VĂN:

“Di Lặc bạch ngôn: – Phật ngữ giáo giới, thậm thâm, thậm thiện, giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ. Phật vi pháp vương, tôn siêu quần thánh, quang minh triệt chiếu, đỗng đạt vô cực, phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư. Kim đắc trị Phật, phục văn Vô Lượng Thọ thinh, mị bất hoan hỉ, tâm đắc khai minh.”

VIỆT DỊCH:

Ngài Di Lặc bạch rằng: – Lời Phật dạy răn rất sâu, rất thiện, [chúng con] đều nhờ ân đức từ bi, giải thoát ưu khổ. Phật là đấng pháp vương tôn quý, siêu việt trong hàng thánh, quang minh chiếu tột, thấu suốt vô cực, bậc thầy của tất cả trời người. Nay được gặp Phật, lại nghe danh hiệu đức Vô Lượng Thọ, không ai chẳng hoan hỉ, tâm được sáng tỏ.

GIẢNG:

Ngài Di Lặc lãnh giải lời Phật dạy (“lãnh” là tiếp thu lời dạy, “giải” là có thể lý giải được đại ý của Phật thuyết), vui mừng khôn xiết, bằng cách tỏ bày: Phật ngữ giáo giới, thậm thâm thậm thiện” (Lời Phật dạy rất sâu, rất thiện)

Hai chữ “giáo giới” được sách Câu Xá Giới Phẩm Tụng Sớ giảng như sau: “Giáo” (教 jiāo) là dạy dỗ khiến người tu thiện; “Giới” (戒 jiè) là khuyên răn khiến người đoạn ác. Đoạn ác tu thiện gọi là giáo giới”

Sách Hội Sớ nói: “Giáo là người trên bảo kẻ dưới. Giới là ngăn chận. Lời nói thấu triệt thật lý nên bảo là rất sâu, chuyển phàm thành thánh nên bảo là rất thiện”.

“Giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ”. Ý nói: Pháp âm thấm nhuần rộng rãi, khiến mọi người ai nấy đều được ân đức từ bi mà giải thoát ưu khổ.

Sách Hội Sớ giảng: “Giải thoát ưu khổ là được nghe pháp yếu dứt bặt những nổi lo trôi nổi, no say pháp lạc, thoát khổ sinh tử”. Ý nói: Được nghe pháp yếu nên không còn lang thang trong sáu nẽo, được no nê pháp lạc nên trừ được cái khổ sinh tử.

“Phật vi pháp vương, tôn siêu quần thánh” (Phật là đấng pháp vương, tôn quý siêu việt trong hàng thánh). Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương có nói: “Như Phật vi chư pháp vương” (Như Phật là vua của các pháp). Lại nói, trong phẩm Thí Dụ của kinh Pháp Hoa có câu: “Ngã vi pháp vương, ư pháp tự tại” (Ta là pháp vương, tự tại nơi pháp). Chữ “Ta” là đức Thế Tôn tự xưng. Chữ “quần thánh” là chỉ cho các bậc thánh nhân đã đoạn Hoặc chứng Lý như: Từ Sơ Quả của Tiểu Thừa trở lên, hay từ Sơ Địa của Đại Thừa trở lên, hoặc từ Sơ Trụ trở lên trong Viên Giáo. Phật là đấng đạo sư của chín cõi, là bậc tôn quý nhất trong hàng thánh, nên ngài Di Lặc nói Phật là “tôn siêu quần thánh”.

”Quang minh triệt chiếu, đỗng đạt vô cực”. Ý nói quang minh của Phật chiếu soi cùng tột, thấu suốt chẳng có ngằn hạn.

Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Quang minh triệt chiếu, tự phước thù thắng; đạt không vô cực, tự trí thù thắng”.

Hòa thượng Tịnh Không khen ngợi, lời giải thích của ngài rất hay!

– Vì sao gọi quang minh là phước đức?

– Vì quang minh là trí tuệ. Dùng trí tuệ để đối đãi với tất cả chúng sinh, đây là bố thí pháp, cho nên nói “tự phước thù thắng”. Phước báu ở Tây Phương Cực Lạc vô cùng thù thắng, vượt xa cả mười phương thế giới chư Phật, nhưng thánh chúng cõi Cực Lạc không hề có mảy mai tham luyến, đây chính là “tự trí thù thắng”.

– Vì sao vậy?

– Vì họ hiểu được “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Chỉ có cõi Thường Tịch Quang là vô tướng, mới là thật.

Ngài Tịnh Ảnh lại giảng chữ “vô cực” như sau: “Danh cảm thập phương, hữu duyên tự nhiếp, danh vô cùng cực”: Chữ “danh” ở đây là chỉ cho sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”.

– Vì sao danh cảm mười phương?

– Vì mười phương chư Phật đều khuyên mọi người niệm A Di Đà Phật. Niệm A Di Đà Phật là niệm tánh giác, niệm chân tâm, thống nhiếp tất cả vạn pháp. Công đức danh hiệu thật chẳng thể nghĩ bàn, cho nên nói: “danh cảm mười phương, có duyên đều nhiếp”, tức là đều được Phật A Di Đà nhiếp thọ. – Có duyên là gì?

– Là có thể tin nhận, có thể thật làm, không có chút hoài nghi, đây là người có duyên.

“Danh vô cùng cực”: Chỗ nầy cụ Hoàng Niệm Tổ dạy chúng ta “lưỡng giải hợp tham” tức là tổng hợp cả hai cách giải thích nầy để hiểu thấu cái “không” đến mức vô cực, chính là tự trí rốt ráo thông đạt Đệ Nhất Nghĩa Không, chứng ngộ triệt để Lý Thể chính là “đại trí”, cho nên bảo là “thù thắng”. Phổ độ chúng sinh hữu duyên trong mười phương chẳng có ngằn hạn, đó chính là đại bi, Như Lai là từ Thể khởi Dụng, vận dụng cả Bi lẫn Trí nên diệu dụng vô tận. Như vậy, ngài Di Lặc đã tán thán Phật đức: Phước lẫn Trí đều siêu việt thù thắng.

Hơn nữa, một trong mười hiệu của Phật là Thiên Nhân Sư.

Trên trời, dưới thế chỉ có Phật là tôn quý. Ngài dạo khắp mười phương làm đại đạo sư, nên bảo là “Phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư” (Làm thầy của tất cả trời, người).

“Kim đắc trị Phật” (Nay được gặp Phật). Chữ “trị” (値 zhí) là gặp. Kinh dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật nan trị”. (Thân người khó được, Phật khó gặp), nên “kim đắc trị Phật” (nay được gặp Phật) là điều vui mừng lớn.

“Phục văn Vô Lượng Thọ thinh” (Lại được nghe danh hiệu đức Vô Lượng Thọ). Kinh dạy: “Tín, tuệ, văn pháp nan trung nan” (Tin, Tuệ, nghe pháp là điều khó nhất trong các điều khó), huống hồ lại nghe được diệu pháp bất khả tư nghị là sáu chữ hồng danh, Nhất Thừa nguyện hải tối cực viên đốn.

Sách Di Đà Yếu Giải cũng nói: “Chẳng luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc hiểu hay chẳng hiểu, chỉ một phen danh hiệu Di Đà thoảng qua tai, thì dẫu cho ngàn vạn kiếp sau cũng nhờ đó mà được độ thoát”. “Mị bất hoan hỉ, tâm đắc khai minh”: Chữ “mị” là không. Ý nói: Nghe được pháp này khiến tất cả hội chúng, không ai mà chẳng hoan hỉ, khai phát Phật trí, hiểu rõ tự tánh.

Sách Hội Sớ bảo: “Khai phát Phật trí, đoạn diệt vô minh nên bảo là khai minh”.

KINH VĂN:

“Phật cáo Di Lặc: 

– Kính ư Phật giả, thị vi đại thiện. Thật đương niệm Phật, tiệt đoạn hồ nghi, bạt chư ái dục, đỗ chúng ác nguyên, du bộ tam giới, vô sở quái ngại. Khai thị chánh đạo, độ vị độ giả. Nhược tào đương tri thập phương nhân dân, vĩnh kiếp dĩ lai, triển chuyển ngũ đạo, ưu khổ bất tuyệt. sinh thời khổ thống, lão diệc khổ thống, bệnh cực khổ thống, tử cực khổ thống. Ác xú bất tịnh, vô khả lạc giả!

Nghi tự quyết đoạn, tẩy trừ tâm cấu. Ngôn hạnh trung tín, biểu lý tương ứng.”

VIỆT DỊCH:

Phật bảo ngài Di Lặc: 

– Kính Phật là đại thiện, nên thật niệm Phật, dứt hẳn hồ nghi, nhổ trừ ái dục, lấp các nguồn ác, dạo trong ba cõi, không hề ngăn ngại. Khai thị chánh đạo, độ người chưa độ. Các ông nên biết, chúng sinh mười phương, nhiều kiếp đến nay, luân chuyển năm đường, khổ lo không dứt. Lúc sinh rất khổ, đến già cũng khổ, bệnh càng khổ hơn, chết khổ tột cùng. Xấu xa, bất tịnh, có đáng gì vui? Hãy tự quyết đoạn, tẩy trừ tâm xấu, nói làm thành tín, trong ngoài tương ứng.” GIẢNG:

Phật bảo ngài Di Lặc:

“Kính ư Phật giả, thị vi đại thiện. Thật đương niệm Phật, tiệt đoạn hồ nghi” (Tôn kính Phật là đại thiện. Nên thật niệm Phật, dứt hẳn hồ nghi): Đây là cương yếu của toàn giáo lý trong Đại Tạng Kinh. Chữ “Kính” (敬 jìng) là cung kính.

Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ “Kính Phật” như sau: “Kính trọng, gánh vác Phật ân thì gọi là kính Phật”. Chữ “gánh vác” nghĩa là đảm đang, nhận lãnh. Như Lai vạn kiếp huân tu, nhập Phật tri kiến, rồi dùng tri kiến ấy khai thị chúng sinh để tất cả đều được ngộ nhập. Dùng quả Giác của Phật, chính là câu “A Di Đà Phật” để làm cái nhân tâm tu hành, chứng nhập ngay Phật trí, chẳng phải nhọc công suốt cả ba A Tăng Kỳ Kiếp. Đấy chính là thâm ân của Phật.

– Làm thế nào để báo ân Phật?

– “Ngã đẳng tuân y Phật thị, tùng văn tự Bát Nhã nhi khởi quán chiếu Bát Nhã, nhập ư thật tướng, thị danh kính hà Phật ân”. Có nghĩa là: Chúng ta phải tuân theo đúng lời Phật khai thị, nương vào văn tự Bát Nhã mà quán chiếu Bát Nhã, hòng chứng nhập Thật Tướng, đấy gọi là “kính trọng, gánh vác Phật ân” (kính hà Phật ân). Chữ “hà” ở đây là gánh vác, đón nhận.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Tuân theo những điều Phật dạy răn trong kinh này, hầu đoan chánh thân tâm, dứt ác tu thiện, phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, sinh ngang bốn cõi Tịnh Độ, chứng trọn vẹn bất thoái đó mới là tôn kính Phật một cách chân thật”.

Theo Hòa thượng Tịnh Không: Tiêu chuẩn của “kính ư Phật giả” (tôn kính Phật) thật sự là rất khó. Không phải chỉ có cúi đầu đảnh lễ, đó chỉ là hình thức, mà phải phát tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh Độ, thật sự vãng sinh, viên chứng Tam Bất Thoái, chính là A Duy Việt Trí Bồ tát. Câu “đoan chánh thân tâm” có nghĩa là thân phải ngay và  tâm phải chánh. Nói cách khác, “đoan thân” là phải lễ phép. Bây giờ không còn “lễ” nữa rồi! Thân không đoan; trong tâm có vọng niệm là tâm bất chánh.

Tuyệt đối không được xem thường tổ tiên. Đây là căn bệnh của thời đại: Cho rằng tổ tiên không bằng chúng ta! Tổ tiên dùng đèn dầu, không có đèn điện! Tổ tiên đi lại bằng xe trâu, xe ngựa, làm gì có xe ô tô như ngày nay! Đây là cái sai lầm trầm trọng! Thật sự, tổ tiên trí tuệ, thông minh hơn chúng ta rất nhiều. – Vì sao? – Vì tổ tiên đích thật là “đoan chánh thân tâm, chỉ ác tu thiện”, chúng ta thì không làm được! Chúng ta là thân bất đoan, tâm bất chánh!

– Lấy tiêu chuẩn nào để nói như vậy?

– Trong Tứ Thư, đoạn đầu trong Đại học có nói: “Cách vật chí tri, thành ý chánh tâm”.

– Làm thế nào để “chánh tâm”?

– Phía trước có ba điều kiện, bắt đầu từ “cách vật”.

– “Cách vật” là gì?

– “Cách” là chiến đấu; “vật” là dục vọng; chính là phải đấu tranh với dục vọng của bản thân mình, phải đánh bại nó. Sau khi “cách vật” sẽ “chí tri” tức là được trí tuệ. Vì vậy, thanh tịnh tâm sinh trí tuệ, đó là “cách vật chí tri”. Sau khi có trí tuệ rồi phải thành tâm, thành ý mới khởi tác dụng là “chánh tâm”.

Điều nầy không phải đức Phật dạy mà tổ tiên dạy, dạy rất cặn kẽ. Chỉ cần có tự tư tự lơi, danh văn lợi dưỡng là tâm sẽ bất chánh. Tâm bất chánh, thân sẽ bất đoan, cho dù có học bao nhiêu quy tắc cũng chỉ là giả vờ thôi,  không phải thật sự là người có đức hạnh. Có được bốn chữ “đoan chánh thân tâm” mới có thể “chỉ ác tu thiện”. Không những không có những hành vi độc ác mà ý nghĩ độc ác cũng không còn, sẽ rất tự tại, sẽ rất an vui.

Làm người viên mãn rồi mới phát Bồ Đề Tâm, mới có thể thành Phật. Nếu tuân theo tất cả những lời dạy trên: Từ đoan  chính thân tâm, chỉ ác tu thiện, phát Bồ Đề tâm là chúng ta đã như kinh dạy: “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật; niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật” thì chắc chắn sẽ gặp Phật.

“Hoành sinh tứ độ” (sinh ngang qua bốn cõi Tịnh Độ), nghĩa là trong đời nầy chúng ta có thể vượt qua tam giới, hai mươi tám tầng trời. Cái vượt qua đó chính là “hoành sinh” vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Đến thế giới Cực Lạc rồi thì viên chứng Tam Bất Thoái: Thứ nhất là “Vị Bất Thoái” (Tu Đà Hoàn chứng được, không còn đọa trong tam ác đạo). Thứ hai là “Hành Bất Thoái” (Bồ tát sẽ không lui sụt xuống Tiểu Thừa). Thứ ba là “Niệm Bất Thoái” (Pháp Thân

Bồ Tát niệm niệm đều hướng lên Vô Thượng Bồ Đề, ngoài ra không có suy nghĩ nào khác).

“Kính ư Phật giả, thị vi đại thiện” (Tôn kính Phật một cách chân thật, đó là đại thiện). Chữ “đại” trong “đại thiện” phải hiểu như chữ “đại” được dùng trong từ ngữ “đại phương quảng”: Dứt bặt các đối đãi nên miễn cưỡng gọi là “đại”. Ở đây, kinh nói “đại thiện” nghĩa là điều thiện vô thượng. Vì sao vậy? – Vì nó có thể giúp ta viên mãn thành Phật.

Sách Hội Sớ giảng: “Tam nghiệp kính phụng mới là tôn kính”. Dùng cả ba nghiệp thân, khẩu, ý của chính mình để cung kính, phụng sự Như Lai: Thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh mới gọi là “kính Phật”. Chẳng phải như thế tục cứ nghĩ rằng đốt hương, sụp lạy mới là “kính Phật”. Mật tông thường nói: “Thanh tịnh tam môn tín Thượng sư”, “dùng thân, khẩu, ý cúng dường thượng sư” cũng là do nghĩa nầy. Kính Phật như vậy mới thật là “đại thiện”.

Sách Hội Sớ còn nói: “Phật như thiện kiến dược, kiến văn tất đắc ích, cố vi đại thiện” (Phật như thuốc Thiện Kiến, thấy nghe đều được lợi ích, nên gọi Phật là đại thiện). Ý nói: Đức Phật được ví như thuốc lành. Gặp Phật, nghe Phật khai thị không gì là không có lợi ích. Được tiếp thu từ khí chất của Ngài, chính là được Phật gia trì, chúng ta sẽ cảm thấy tâm rất yên bình, an lạc, nên gọi Phật là đại thiện..

“Thật đương niệm Phật, tiệt đoạn hồ nghi”. (Nên thật niệm Phật, cắt đứt hồ nghi): Đặc biệt nhấn mạnh niệm Phật, phải thật sự niệm Phật, buông bỏ tất cả vọng tưởng, tuyệt dứt hồ nghi, chí tâm niệm Phật mới là tôn kính, gánh vác Phật ân. Vì sao vậy? – Vì niệm Phật chính là báo ân Phật, vì Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh chính là ân tối thượng trong những Phật ân.

Lại vì niệm Phật chính là “tam nghiệp kính phụng”, thâu nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối; cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều chuyên chú nơi Phật A Di Đà đó mới là quy kính một cách chân thật.

Nếu muốn chân thật niệm Phật, trước hết phải “tiệt đoạn hồ nghi”. Câu này quan trọng! Tánh của loài cáo hay nghi ngờ nên mới bảo là “hồ nghi”. Nên biết: Khi chưa đoạn hẳn cội nghi thì khi tin, khi ngờ, hoặc miễn cưỡng niệm thử mà tâm ý chưa yên; hoặc miệng niệm Phật, tâm vẫn hâm mộ tông khác. Đây là “hữu khẩu vô tâm”, công phu không đắc lực, chẳng phải là chân thật niệm Phật.

Nói tóm lại, nghi tình chưa đoạn, chánh tín khó sinh. Tín nguyện khiếm khuyết thì tư lương không đầy đủ. Vì thế, Phật dạy phải “tiệt đoạn hồ nghi”, ròng rặc niệm Phật, hăm hở mà niệm, dốc trọn cả tâm mà niệm cho đến chết! Đến khi hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sinh Nhẫn. Như vậy mới là “đại thiện”.

Trên đây, Phật đã dạy “đoạn nghi niệm Phật”. Tiếp đó, ngài dạy: “Niệm Phật có thể đoạn nghi”.

Sách An Lạc Tập nói: “Nếu có thể thường tu niệm Phật tammuội sẽ trừ được tham, sân, si. Chẳng luận hiện tại, quá khứ, tương lai, tất cả các chướng đều trừ được cả!” Ngu si kém trí nên tâm hồ nghi. Niệm Phật trừ si nên nghi tình đoạn.

Hai vị đại sư Liên Trì, Linh Phong đều dạy: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể không thành Phật”. Đấy chính là ý nghĩa của câu “Thật đương niệm Phật, tiệt đoạn hồ nghi” vậy.

Nếu niệm Phật mà vọng niệm vẫn nhiều, nên dùng máy niệm Phật đeo vào tai để nghe, không làm ồn người khác, lâu dần vọng niệm sẽ tiêu ngay, đây là biện pháp chỉ dạy của Hòa thượng Tịnh Không cũng rất có hiệu quả.

“Bạt chư ái dục” (đoạn trừ ái dục). Ngài Cảnh Hưng giảng: “Bạt dục là khiến cho lìa phiền não”. Nên biết: Tham dục chính là cội rễ của phiền não nên Phật khuyên phải nên đoạn dứt.

“Đỗ chúng ác nguyên” (Lấp các nguồn ác). Chữ “đỗ” (杜 dù) là ngăn bít.

Tịnh Ảnh Sớ ghi: “Đỗ chúng ác nguyên là khiến lìa ác nghiệp. “Đỗ” cũng là bít. Ác nghiệp là gốc dẫn đến đường ác, nên gọi là nguồn gốc của các điều ác. Dạy phải đoạn ác nên bảo là đỗ (lấp)”.

Ngài Vọng Tây cũng giảng giống như vậy: “Đỗ chúng ác

nguyên là khiến đoạn ác nghiệp. Trôi lăn trong sinh tử là do ác nghiệp làm nguồn cội nên gọi là Nguyên”.

Sách Hội Sớ lại giải thích cách khác: “Trong các phiền não, nóng giận là nặng nề nhất nên bảo là “Nguyên” (源 yuán), cũng chỉ cho nguồn gốc của vô minh. Phật đã đoạn tận không còn tàn dư” nên bảo “đỗ chúng ác nguyên” (Lấp các nguồn ác)

Chỗ nầy, cụ Hoàng Niệm Tổ nêu ra nhận xét: Sách Hội Sớ đứng về phía Phật mà giảng, còn thuyết của ngài Tịnh Ảnh, Vọng Tây…là căn cứ trên việc hành nhân hạ thủ công phu mà luận. Cả hai cách giải thích, chúng ta đều có thể áp dụng chẳng ngăn ngại.

“Du bộ tam giới, vô sở quái ngại” được sách Hội Sớ giảng như sau: “Vô mưu thần hóa, thường thể tánh không, cố vi du bộ” (Thần thông biến hóa chẳng do suy tính, thường thể hội tánh không nên bảo là du bộ):

Theo Hòa thượng Tịnh Không: chữ “mưu” ở đây có nghĩa là khởi tâm động niệm. “Vô mưu thần hóa” là thần thông biến hóa do bản năng không phải do bên ngoài đến. Nguời vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, năng lực nầy liền có, là do thọ báo mà được.

“Thường thể tánh không”: Chữ “thể” là thể hội; chữ “thường” là không gián đoạn. Họ biết được điều gì? – Tự tánh không. Biết được “tự tánh không”, họ sẽ không còn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước. Thông thường, cảnh giới này của Viên Giáo Sơ Trụ Bồ tát trở lên.

“Cố vi du bộ”: Chữ “du bộ” này có hai việc: Một là vì bản thân; hai là vì chúng sinh. Vì bản thân, họ có thể nương theo oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì mà phân thân, đến khắp quốc độ mười phương chư Phật để lễ Phật và tham học. Đây là họ tu Phước lẫn tu Tuệ. Trong khi đó, bản thân họ vẫn còn bất động nơi giảng đường của Phật A Di Đà để nghe Phật giảng kinh. Đây là bản năng tự tánh của chúng ta. Trong cảnh giới này, thời gian và không gian không còn nữa, “thường thể tánh không”, mười pháp giới, khắp hư không pháp giới không còn cự ly xa cách, không có trước sau. Nói cách khác, Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai họ đều thấy hết. Đích thật là họ có năng lực nầy, nên bảo là “du bộ” (dạo khắp).

“Vô sở quái ngại” (Chẳng hề ngăn ngại). Ngài Cảnh Hưng bảo: “Trên trời dưới thế, chỉ mình Phật là tôn quý, cho nên Ngài du bộ tam giới, biến hóa tùy ý không bị ngăn ngại”. Đây là nói Phật ứng hóa trong mười phương pháp giới hóa độ chúng sinh. Chúng sinh có cảm, ngài liền có ứng. Cảm ứng đạo giao rất tự tại, không có bất kỳ chướng ngại nào. Chữ “quái ngại”, trong các tác phẩm sớ giải của ngài Tịnh Ảnh, Cảnh Hưng và Hội Sớ đều chép là “câu ngại”. Ngài Cảnh Hưng nói: “Vô sở câu ngại tức là vô sở quái ngại”.

Theo sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Như trên đã nói, tác giả Hội Sớ và ngài Cảnh Hưng đứng về phía Phật để bàn luận, vì họ dùng bản Nguỵ dịch để giải thích kinh. Nay căn cứ trên bản hội tập, ta có thể hiểu: Người kiêm cả phát Bồ Đề tâm, niệm Phật được vãng sinh đều nương vào sức oai thần của Phật A Di Đà mà du hóa độ khắp tam giới. Kinh nói: “Ư nhất niệm khoảnh, siêu quá ức Nado-tha bách thiên Phật sát” (Trong khoảng một niệm, vượt cả ức nado-tha trăm ngàn cõi Phật). Kinh còn dạy: “Tùy ý tu tập, vô bất viên mãn” (Tùy ý tu tập, không gì chẳng viên mãn). Do vậy mới “vô sở quái ngại” (chẳng hề ngăn ngại). Người được vãng sinh sẽ du hành mười phương tuyên thị diệu pháp Di Đà viên đốn: Nhất thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, nhằm dẫn dắt kẻ chưa được độ quy hướng Cực Lạc, nên nói: “Khai thị chánh đạo, độ vị độ giả” (Khai thị chánh đạo, độ kẻ chưa được độ).

Trong đoạn kinh trên, nửa đoạn trước, Phật khuyên dạy chúng sinh “đoạn Hoặc niệm Phật”; nửa đoạn sau đây Phật lại khuyên chúng sinh nên “biết khổ tu thiện”. “Biết khổ tu thiện”, bốn chữ này vô cùng quan trọng! Biết khổ không nên oán trách, không nên oán trời trách người, trong khổ sẽ càng khổ hơn! Tốt nhất là biết khổ phải lo tu thiện. Tu thiện có thể cải thiện, liền có thể chuyển họa thành phước.

“Nhược tào đương tri” (các ông nên biết): Chữ “nhược tào” chính là “nhữ đẳng” (các ông). Thập phương nhân dân, vĩnh kiếp dĩ lai, triển chuyển ngũ đạo, ưu khổ bất tuyệt” (Chúng sinh mười phương, nhiều kiếp đến nay, luân chuyển năm đường, sầu khổ không dứt).

Chữ “vĩnh kiếp” tức là kiếp số lâu xa dằng dặc. Chữ “ngũ đạo” là năm đường, đã giải thích ở phần trước.

Theo Hội Sớ, cả đoạn từ “Nhược tào” cho đến “ưu khổ bất tuyệt”, ý nói: “Từ bao kiếp đến nay tuy gặp nhiều đức Phật, phát đại tâm, nhưng tu thánh đạo khó được thành tựu nên thường bị chìm đắm, lưu chuyển, mãi đến nay vẫn chưa thoát khỏi sinh tử”.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Ý của Hội Sớ muốn nói người gặp được Phật vẫn còn nhiều kiếp trầm luân sinh tử, ưu khổ chẳng dứt huống chi người không gặp được Phật, ưu khổ của họ còn hơn thế nữa!

“Sinh thời khổ thống, lão diệc khổ thống, bệnh cực khổ thống, tử cực khổ thống” Ấy là vì sinh, già, bịnh, chết  đều rất đau khổ. Cái thân nghiệp báo của phàm phu “ác xú bất tịnh, vô khả lạc giả” (xấu, hôi, bất tịnh có đáng gì vui). Chữ “Ác” (惡 è) là xấu ác, hung ác; chữ “xú” (臭 chòu) là mùi hôi khó ngửi; chữ “bất tịnh” là chẳng sạch sẽ. Kinh Tâm Địa Quán dạy: “Xem thân mình, ba mươi sáu thứ xấu ác rỉ ra chẳng sạch”.

Đại Trí Độ Luận kể ra năm thứ bất tịnh là: Chủng tử, trú xứ, đương thể, ngoại tướng cứu cánh. Chủng tử chính là tinh cha, huyết mẹ. Trú xứ là bào thai. Đương thể là toàn thân. Ngoại tướng là hình tướng trong bào thai. Cứu cánh là rốt ráo. Cả năm thứ đều bất tịnh.

Thập Nghi Luận lại kể ra bảy thứ bất tịnh: Một là “chủng tử”, hai là “thọ sinh”, ba là “trụ xứ”, bốn là “thực đạm” (thức ăn cho bào thai là máu của người mẹ), năm là “sơ sinh”, sáu là “toàn thân”, bảy là “cứu cánh”. Cả bảy thứ đều bất tịnh. (Chữ “cứu cánh” là lúc tử vong).

Vì thế, cả thân mình lẫn thân người khác đều chẳng có chỗ nào đáng yêu cả. Nhưng, sự việc nầy không ai nghĩ đến! Mọi người đều cho rằng thân nầy là đáng yêu nên luyến tiếc nó. Sự việc nầy là phiền phức lớn! Nếu thật sự hiểu rõ, nhìn thấu sẽ thấy đó chỉ là thuần khổ chẳng vui, lẽ nên phải chán lìa! Nên nói “vô khả lạc giả”.

“Nghi tự quyết đoạn, tẩy trừ tâm cấu, ngôn hạnh trung tín, biểu lý tương ứng” (Hãy tự quyết đoạn, tẩy trừ tâm xấu, nói làm thành tín, trong ngoài tương ưng).

Sách Hội Sớ nói: “Tham, sân, si là tâm cấu, trái với ba thứ ấy là ba thiện”. Chữ “tẩy” là rửa sạch; chữ “trừ” là dứt bỏ.  “Tẩy trừ tâm cấu” là dứt sạch ba độc phiền não tham, sân, si.

“Ngôn hạnh trung tín”: Chữ “ngôn” là lời lẽ; chữ “hạnh” là hành động. Sách Tiên Chú viết: “Làm đúng như lời nói, lời nói đúng như việc làm là trung tín”.

Theo Hòa thượng Tịnh Không: “Trung tín là trong ngoài tương ưng, tức là tâm và miệng là một chẳng phải hai. Nói được phải làm được, đây gọi là trung tín”.

“Biểu lý tương ưng” (Trong ngoài tương ưng). Theo ngài Tịnh Ảnh: Chữ “biểu” chỉ lời nói, chữ “lý” chỉ cái tâm.

Tịnh Ảnh Sớ ghi: “Lời nói là ngoài, tâm là trong. Lời nói chẳng trái với tâm nên bảo là tương ưng” cũng có nghĩa là tâm khẩu đồng nhất chính là “biểu lý tương ưng”.

Sớ còn giảng rộng: “Biểu là biểu hiện; những gì biểu hiện ra ngoài đều gọi là Biểu”. Như vậy, “hạnh” cũng là “biểu”. “Lý” (bên trong) là nội tâm; trong ngoài như một gọi là “tương ưng”. Đó chính là trực tâm như trong kinh Tịnh Danh dạy: “Trực tâm là đạo tràng”.

– Đạo tràng nghĩa là gì? – Chư Phật Như Lai, đại đạo ở đâu thì nơi đó gọi là đạo tràng. Nói cách khác, nơi hành đạo gọi là đạo tràng, không nhất thiết phải là chùa chiền hay am đường. Không phải vậy!

KINH VĂN:

“Nhân năng tự độ, chuyển tương chửng tế. Chí tâm cầu nguyện, tích lũy thiện bổn, tuy nhất thế tinh tấn cần khổ, tu du gian nhĩ. Hậu sinh Vô Lượng Thọ quốc, khoái lạc vô cực, vĩnh bạt sinh tử chi bổn, vô phục khổ não chi hoạn. Thọ thiên vạn kiếp, tự tại tùy ý.”

VIỆT DỊCH:

Trước tự độ mình, sau ra độ người. Chí tâm cầu nguyện, tích lũy cội lành. Tuy một đời siêng tu vất vả, cũng chỉ như khoảnh khắc. Đời sau sinh vào cõi Vô Lượng Thọ, khoái lạc vô cực! Vĩnh viễn nhổ sạch tận gốc sinh tử, không còn trở lại chịu những đau khổ hoạn nạn, thọ ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý.

GIẢNG:

Phần trước, đức Phật giảng rõ sinh tử lưu chuyển, ưu khổ không ngớt, khuyên mọi người phải xuất ly, nhàm chán cõi Sa Bà. Phần nầy, Phật khuyên nên cầu sinh Cực Lạc.

Sách Di Đà Yếu Giải lấy “chán lìa Sa Bà, vui cầu Cực Lạc” làm “nguyện”. Bởi đây là điều không thể thiếu của người tu Tịnh Độ. Lại lấy “tín nguyện trì danh” làm “cái nhân chân thật của Nhất Thừa”, chính là vãng sinh chánh nhân.

“Nhân năng tự độ, chuyển tương chửng tế”: Ý nói trước tiên phải tự độ mình, sau mới có thể giúp người khác. Đó là hạnh tự lợi, lợi tha.

Chữ “chửng” (拯 zhěng) là cứu vớt, cứu độ; chuyển tương chửng tế” là lần lượt cứu độ những người khác, cũng chính là thể hiện bi tâm “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Phải phát được đại tâm nầy thì niệm Phật mới có thể khế hợp được tông chỉ của bản kinh là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.

“Chí tâm cầu nguyện, tích lũy thiện bổn”. Ý nói: Đã phát đại tâm thì phải dùng tâm chí thành “tích lũy thiện căn” để cầu được diệu quả của bổn nguyện. Chữ “thiện bổn” đồng nghĩa với “thiện căn”. Kinh Thắng Man, quyển thượng dạy: “Thiện bổn, bổn cũng là nhân. Muốn dùng nhân thiện này làm gốc Bồ Đề nên gọi là “bổn”.

– Gốc của Bồ Đề là gì?

– Là tâm thuần thiện, thuần tịnh! Bồ Đề là giác ngộ, là trí tuệ. Tâm thanh tịnh là căn bản để khai mở trí tuệ.

Sách Hội Sớ nói: “Cầu nguyện là tâm nguyện được vãng sinh. ‘Thiện bổn’ là tên chung của các điều thiện, mà cũng chỉ riêng việc xưng danh niệm Phật”. Bởi xưng danh niệm Phật là gốc thiện của việc vãng sinh Cực Lạc. “Tích lũy thiện bổn” chính là “nhất hướng chuyên niệm”.

“Tuy nhất thế tinh tấn cần khổ, tu du gian nhĩ, hậu sinh Vô Lượng Thọ quốc, khoái lạc vô cực”: Chữ “tu du” (khoảnh khắc) là một phần bốn mươi tám của một phút, tức khoảng thời gian rất ngắn. Phật khuyên chúng ta: Một đời siêng tu vất vả cũng chỉ như khoảnh khắc. Đời sau sinh về Cực Lạc, nỗi vui nầy không cùng tận, vượt trỗi mười phương, không hề chấm dứt, nên bảo là “vô cực”.

Trong tác phẩm Khuyến Tâm Vãng Sinh Luận của sa-môn Nhẫn Không, thuộc tông Thiên Thai có câu: “Đời nầy vinh hoa chỉ một thời kỳ, nhưng kết thành khổ quả đến ức kiếp. Đời nầy siêng tu trong khoảnh khắc, nở nhụy giác tam minh”. “Nhụy” là nhụy hoa; “tam minh” “lục thông”. “Tam minh lục thông” là nói đến quả đức. Ý nói: Nhân nhỏ quả to, thọ báo lâu dài. Hễ được vãng sinh thì như kinh dạy: “Vĩnh bạt sinh tử chi bổn, vô phục khổ não chi hoạn, thọ thiên vạn kiếp, tự tại tùy ý” (Vĩnh viễn nhổ sạch tận gốc sinh tử, không còn trở lại chịu những đau khổ, hoạn nạn, thọ ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý).

Ngài Linh Chi giảng về cõi Cực Lạc như sau: “Tịnh độ Di Đà là cảnh giới thù thắng tuyệt diệu. Thánh hiền cùng hội, nghe pháp ngộ đạo, thọ mạng vĩnh kiếp, bất thoái Bồ Đề, không còn nỗi vui nào hơn được niềm vui này. Chỉ không có cái khổ vô thường đã đáng vui rồi, huống là còn có các sự thù thắng, những sự vui ấy chẳng cùng tận!”

Chữ “bất thoái Bồ Đề” có nghĩa là chứng viên mãn Tam Bất Thoái.

KINH VĂN:

“Nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện. Vô đắc nghi hối, tự vi quá cữu, sinh bỉ biên địa, thất bảo thành trung, ư ngũ bách tuế thọ chư ách dã. Di Lặc bạch ngôn: – Thọ Phật minh hối, chuyên tinh tu học, như giáo phụng hành, bất cảm hữu nghi.” VIỆT DỊCH:

Hãy nên tinh tấn, cầu đạt, chẳng được nghi hối, tự tạo tai  họa, sinh vào thành thất bảo nơi biên địa của cõi ấy, trong năm trăm năm chịu các ách nạn. Di Lặc bạch rằng: – Tuân lời Phật dạy, chuyên cần tu học. y giáo phụng hành, chẳng dám có nghi.

GIẢNG:

Trên đây là đức Thế Tôn thùy từ khuyên đại chúng nên yêu thích cầu sinh Cực Lạc, nên xả bỏ nghi hoặc để khỏi sinh vào biên địa. Đây là điểm thứ tư trong lời khai thị của Phật. Kinh dạy:

Nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện”, ý nói: Phật khuyên đại chúng nên chí thành tu tập cầu được vãng sinh.

“Vô đắc nghi hối, tự vi quá cữu” (Chẳng được nghi hối, tự tạo tai họa):

Sách Đại Thừa Nghĩa Chương giảng chữ “hối” (悔 huǐ) như sau: “Hối là nghĩ ngược lại”, tức là nghĩ trái lại rồi đâm ra thụt lùi.

“Quá cữu”: Chữ “quá” (過 guō) là tội; chữ “cữu” (咎 jiù) là tai họa. Ý Phật khuyên đại chúng chớ nên nghi hoặc, tự tạo tai họa để tránh “sinh bỉ biên địa, thọ chư ách dã” (sinh vào biên địa của cõi ấy…chịu các ách nạn). Chữ “ách nạn” ở đây là gặp sự khó khăn. Chữ “biên địa” còn gọi là “nghi thành” hay “nước giãi đãi”.

Sách Tịnh Độ Lược Luận viết: “Trong năm trăm năm thường chẳng thấy Tam Bảo của cõi An Lạc nên gọi là Biên Địa hoặc là Thai Sinh”. Nên nhớ: Năm trăm năm ở đây là năm trăm năm của cõi nhân gian chúng ta, nên đối với thế giới Cực Lạc cũng không phải là thời gian dài. Trong thời gian nầy, họ không thấy được Tam Bảo, tức là không thấy được Phật A Di Đà, không thấy được chư Bồ Tát ở cõi Tây Phương Cực Lạc, cũng không nghe được Phật thuyết pháp. Đây là chướng ngại khi sinh về Biên Địa.

Gia Tường Sớ giảng: “Ở đây, trước hết răn dạy phải đoạn nghi hoặc, dạy rõ: Hoài nghi sẽ sinh vào Biên Địa, chẳng được gặp Phật. Suốt cả năm trăm năm hoa chẳng nở. Hoa không nở nên chẳng thể đến mười phương cúng dường chư Phật”

Sách Hội Sớ nói: “Trước sau không thoái chuyển gọi là tinh tấn. ‘Cầu tâm sở nguyện’ là nguyện cầu vãng sinh. ‘Nghi hoặc’ là không hiểu được Phật trí. ‘Hối’ là ác tác: Trước tin, sau ngờ; đối với lòng tin khi trước sinh tâm hối hận, nửa đường bỏ cuộc. ‘Tự tạo quá cữu’ (tức tự cho mình có lỗi lầm), dẫu ‘bỉ quốc vô nghịch vi’ (nước ấy chẳng trái nghịch), mà tự cam tâm sinh vào Biên Địa. ‘Chư ách’ là chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được nghe kinh pháp”. Lời giải thích của Hội Sớ rất tường tận.

Đối với vấn nạn: Biên Địa có thuộc vào ba bậc vãng sinh hay không, sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao đã bàn rất tỉ mỉ. Sách viết:

“Các kinh nói chẳng giống nhau. Theo như Giác Kinh (tức bản Hán dịch) và Đại A Di Đà Kinh (tức bản Ngô dịch), Biên Địa thuộc vào Trung Bối và Hạ Bối (ý nói: Cả Trung Bối lẫn Hạ Bối đều có Biên Địa); còn kinh nầy (chỉ bản Ngụy dịch) chẳng những không giống như thế mà còn dạy khác đi. Bởi thế, các sư cũng hiểu khác nhau.

Chẳng hạn như ngài Đàm Loan, ngài Nguyên Hiểu, ngài Pháp Trụ, ngài Như Trạm v.v…đều cho rằng Biên Địa chẳng thuộc trong Tam Bối.

Ngài Nghĩa Tịnh, ngài Cảnh Hưng, ngài Long Hưng, ngài Nhân Bạc v.v…lại nghĩ Biên Địa gộp trong các Bối.

Mỗi vị căn cứ vào một khía cạnh nên các ý kiến ấy chẳng trái nghịch nhau. Nhưng, kinh nầy là bản phiên dịch chính và đại sư Đàm Loan lại là cao tổ của tông ta nên nay phải thuận theo ý ngài, tức là như ngài đã viết trong sách Lược Luận: ‘Lại có một thứ vãng sinh cõi An Lạc chẳng thuộc vào trong ba bậc’. Phàm ba bậc đều là do tín tâm vãng sinh; ấy chính là điều nên khuyên bảo. Biên Địa là do tâm nghi mà vãng sinh; ấy chính là điều phải răn dè. Tin, ngờ, khuyên, răn khác nào như trời với đất; lửa với nước, làm sao dung được nhau!”

Lời luận của sách rất hay: Người đầy đủ tín tâm thì thuộc vào ba bậc vãng sinh. Kẻ ôm lòng nghi thì rơi vào Biên Địa. Do hai tâm chẳng đồng, tất nhiên nơi vãng sinh cũng phải khác. Cho nên, trong hội bản nầy, ngoài ba bậc vãng sinh ra, kinh còn dạy rõ về “Biên Địa nghi thành” được nói trong phẩm thứ bốn mươi ở phần sau.

“Thọ Phật minh hối, chuyên tinh tu học” (Tuân lời Phật dạy, chuyên cần tu học): Ngài Di Lặc lãnh thọ lời Phật dạy, hướng Phật bạch rằng: “Thọ Phật minh hối” (vâng lời Phật dạy). Chữ “minh” ở đây là trí tuệ hoàn bị, rõ ràng khai phát. “Minh hối” tức là lời răn dạy có tác dụng hiển phát đại trí. Đức Phật vừa nói, Bồ tát Di Lặc liền hiểu, biết ngay mình phải làm thế nào để có thể tự hành hóa tha. Nói cách khác, đương lai ngài Di Lặc hạ sinh, nhất định sẽ giảng về pháp môn Tịnh Độ, nhất định giảng bộ kinh nầy. “Chuyên tinh” là chuyên nhất chỉ tu học một pháp môn Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sinh.

“Như giáo phụng hành, bất cảm hữu nghi”: Ngài Di Lặc lãnh thọ lời Phật dạy, quyết định tuân hành, chẳng dám có nghi hoặc. Câu “bất cảm hữu nghi” nầy cũng hàm ý khuyên chúng sinh vâng lãnh lời Phật, dứt bỏ tâm nghi. Bởi “nghi” là căn nguyên phát sinh muôn mối lầm lạc nên phải đoạn trừ.

***

Đại Cư Sĩ Hàn Anh

Vị Đại Hộ Pháp đầu tiên đã hộ trì giúp Ân Sư Hòa Thượng hoằng pháp lợi sinh suốt 30 năm. Khi sắp vãnh sinh về Tây Phương Cực Lạc, bà đã hai lần nhìn thấy Đức Phật A Di Đà; một lần thấy Liên Trì Hải Hội. Đây là tương ưng với công đức hộ pháp lớn lao của bà. Trước phút ra đi, bà còn vui vẻ trò chuyện với mọi người.