TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi: Thanh tịnh Tam quy y

[Giải]    Tam quy thanh tịnh, nghĩa là thanh tịnh thọ trì giới pháp Tam quy y. Trước khi nói Tam quy y, lại giảng về Bố thí độ, bởi vì trước khi thọ Tam quy y, phải là người ham thích bố thí, sau đó mới thọ Tam quy, ngũ giới.

C2. Giới độ
D1. Tam quy y thanh tịnh
E1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật trước đây có nói ‘Nếu có người đến cầu thọ giới Bồ tát, trước tiên nên cho họ thọ Tam quy y, sau đó mới thọ giới Bồ tát.’ Do nhân duyên gì mà phải thọ Tam quy y? Thế nào là Tam quy y?”

[Giải]    Thiện Sinh trước đó đã từng thọ Tam quy; ở đây đại khái, vì những chúng sinh chưa thọ Tam quy mà hỏi.

E2. Như Lai trả lời
F1. Biện minh ý nghĩa của Tam quy y

– Thiện nam tử! Vì muốn phá diệt sự khổ đau, đoạn trừ phiền não, hưởng thọ sự vui tịch diệt vô thượng, do nhân duyên này mà thọ Tam quy y. Như lời ông vừa hỏi, Ba chỗ quy y tức là Phật, pháp, tăng. Phật là bậc chỉ dạy phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh; Pháp là phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân thực; còn Tăng là kẻ bẫm thọ phương pháp diệt trừ nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh. Hoặc có người nói rằng: ‘Nếu vậy, tức là chỉ có một quy y.’ Điều này không đúng. Vì sao? Đức Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện thế gian, chính pháp vẫn thường tồn tại, không có gì khác biệt. Sau khi Đức Như Lai xuất thế, Ngài là kẻ giảng nói Chính pháp, cho nên phải riêng thọ quy y Phật. Lại nữa, Đức Như Lai xuất thế hay không xuất thế, Chánh pháp vẫn thường hiện hữu, thế nhưng không có người bẫm thọ, chỉ có đệ tử của Phật mới có thể bẫm thọ, cho nên phải riêng thọ quy y Tăng. Con đường giải thoát chân thực gọi là pháp, bậc không thầy mà tự giác ngộ gọi là Phật, có thể thọ trì đúng như pháp thì gọi là Tăng. Không có Tam quy y thì làm sao nói có Bốn bất hoại tín? Những kẻ bẫm thọ Tam quy y, hoặc bẫm thọ đủ, hoặc không đủ. Thế nào gọi là đủ? Nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng. Thế nào là không đủ. Như Đức Như Lai chỉ quy y Pháp mà không quy y Tăng.

Thiện nam tử! Còn các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di đều bẫm thọ đầy đủ Tam quy y. Thiện nam tử! Như Phật, Duyên giác, Thanh văn, có sự khác biệt, bởi thế Tam bảo cũng có sự khác biệt. Khác biệt thế nào? Những sự phát tâm, tu hành, đắc đạo đều có sự khác biệt, cho nên gọi là khác biệt. Nhân duyên nào mà cho rằng Phật tức là Pháp? Vì hiểu rõ các pháp, cho nên gọi là Phật. Lãnh thọ giáo pháp của Phật thì gọi là Tăng. Nếu như nói rằng: ‘Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng’, điều này không đúng. Vì sao? Nếu Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng, thì sẽ không có Tam bảo, Tam quy y và Bốn bất hoại tín. Này thiện nam tử! Pháp của Bồ tát khác biệt, cho nên Phật và Tăng cũng khác biệt. Bồ tát có hai loại: một là Bồ tát hậu thân, hai là Bồ tát tu đạo. Nếu quy y với Bồ tát hậu thân, thì gọi là quy y Pháp; còn quy y với Bồ tát tu đạo, thì gọi là quy y Tăng. Những bậc quán sát các pháp hữu vi đầy dẫy những tội chướng lỗi lầm, riêng một mình tu tập, được vị cam lộ, thì được gọi là Phật. Tất cả pháp giới vô lậu vô vi được gọi là Pháp. Những bậc thọ trì cấm giới, đọc tụng, giảng nói mười hai phần giáo, thì được gọi là Tăng. Nếu có người nói: ‘Sau khi Đức Như Lai đã diệt độ, thì quy y Phật là quy y với ai?’

Thiện nam tử! Quy y như thế là quy y với pháp vô học của chư Phật đời quá khứ. Như trước đây ta có dạy ông trưởng giả Đề Vị rằng: “Ông nên quy y với chư Phật đời vị lai.” Quy y với chư Phật đời quá khứ cũng giống như vậy! Vì quả báo, phúc điền, hoặc nhiều hoặc ít, mà chia làm ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Đức Phật còn tại thế hay sau khi nhập Niết bàn, quả báo của sự cúng dường không có gì khác biệt. Sự thọ tam quy y cũng giống như vậy. Như Đức Phật lúc tại thế, vì các hàng đệ tử chế lập giới luật. Sau khi Ngài nhập Niết bàn, nếu có kẻ phạm giới, cũng vẫn phạm tội. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Cũng như lúc Đức Như Lai gần nhập Niết bàn, tất cả trời người vì cầu pháp Niết bàn, nên đều dâng lễ vật cúng dường lên Đức Như Lai, khi ấy Đức Như Lai chưa nhập Niết bàn, vẫn còn tại thế, Ngài đã thọ nhận sự cúng dường của chúng sinh đời vị lai. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Giống như có người, cha mẹ ở xa, nếu người ấy giận dữ mắng chửi cha me, cũng sẽ mắc tội; hoặc nếu như đối với cha mẹ cung kính, khen ngợi, cũng sẽ được phước. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Cho nên ta có nói: “Nếu có kẻ cúng dường cho ta, khi còn tại thế hay sau khi nhập Niết bàn, phước đức sẽ như nhau, không có sự khác biệt.”

[Giải]    Khổ, có ba khổ, tám khổ. Nguyên nhân của khổ là nghiệp, nguyên nhân của nghiệp là phiền não.

Phật là Đấng nói pháp giải thoát. Pháp, chính là đạo đế và diệt đế. Tăng là bậc tu Phật pháp được giải thoát.

Có người nói chỉ cần một quy y, ý muốn nói quy y Pháp mà không cần quy y Phật và Tăng. Đây chính là điều mà Đức Phật quở trách trong bộ kinh này.

Bốn bất hoại tín, tức là tin Phật, pháp, tăng và giới.

Tu đạo Bồ tát, tức là từ bậc sơ địa lên đến thập địa. Hậu thân Bồ tát, như phần trên đã giải thích.

Pháp mà Đức Thích Tôn giảng nói, tuy hiện nay vẫn còn lưu hành, nhưng Đức Thích Tôn đã diệt độ hơn hai ngàn năm, đương nhiên là Phật quá khứ. Thế nhưng, theo Phật pháp Đại thừa, hiện nay vẫn còn có mười phương Phật.

F2. Biện minh thứ tự của Tam quy y

Thiện nam tử! Người nam, hoặc người nữ nào, nếu có thể lập lại ba lần pháp tam quy y, thì người đó gọi là ưu bà tắc, hoặc ưu bà di. Tuy rằng tất cả chư Phật đều quy y Pháp, thế nhưng Pháp phải do chư Phật nói ra, mới có thể hiển hiện ở thế gian, vì thế chúng sinh phải quy y Phật trước. Người trí quán sát sâu xa sự tối thắng của trí tuệ giải thoát của Đức Như Lai, Ngài có thể nói pháp giải thoát, nói nhân cho sự giải thoát, có thể chỉ cho chúng sinh nơi vô thượng tịch tĩnh, có thể làm khô cạn biển lớn sinh tử khổ não. Đức Phật uy nghi chững chạc, ba nghiệp tịch tĩnh, vì thế, trước tiên phải quy y Phật.

Người trí quán sát thâm sâu pháp sinh tử là sự tập hợp của sự khổ, chỉ có đạo chân chánh vô thượng mới có thể trừ đoạn. Pháp sinh tử là pháp khát ái, đói khát, chỉ có cam lộ vô thượng mới có thể thỏa mãn tất cả sự mong cầu. Pháp sinh tử là sự sợ hãi, hiểm nạn, chỉ có Chánh pháp Vô thượng mới có thể trừ đoạn. Pháp sinh tử, đầy dẫy sự sai lầm, tà vạy bất chánh, vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là ngã, không vui chấp là vui, bất tịnh chấp là tịnh, chỉ có Chánh pháp Vô thượng có thể đoạn trừ tất cả, do nhân duyên này, nên phải quy y Pháp.

Người trí nên quán sát những kẻ ngoại đạo, không biết hổ thẹn, không sống đúng như pháp, tuy cũng tu hành, nhưng lại không biết con đường chơn chánh, tuy cũng cầu giải thoát, song không biết điểm cốt yếu chân thật, tuy cũng được chút ít pháp lành của thế gian, song lại bỏn sẻn giấu diếm, không chịu truyền dạy cho người khác. Cái không phải là pháp lành, lại cho là pháp lành. Còn như các vị Tăng trong Phật pháp, tâm tính tịch tĩnh, lòng thường thương xót, ít muốn biết đủ, sống đúng như pháp, tu tập chánh đạo, được sự giải thoát chân chánh, đã được rồi lại đem chỉ dạy cho người khác, bởi thế, kế đó phải quy y Tăng.

[Giải]   Niệm danh hiệu Phật, đương nhiên là niệm Phật, niệm (quán tưởng) công đức tướng hảo của Phật, cũng là niệm Phật.

“Không biết điểm cốt yếu chân thực”, như những người tu đạo Tiên, cho rằng có thể trường sinh, thế nhưng, cầu được quả Tiên, chẳng qua thọ mạng tương đối dài lâu, đến khi nghiệp báo hết rồi, vẫn phải tử vong.

Chánh đạo, tức là Bát chánh đạo.

F3. Biện minh Tam quy y giới

Nếu có người lễ bái Tam bảo, cung kính đón đưa, tôn trọng khen ngợi, sống đúng như pháp, tin tưởng không nghi, như thế gọi là cúng dường Tam bảo. Nếu như có người sau khi quy y Tam bảo, tuy chưa thọ giới, song lại đoạn trừ tất cả pháp ác, tu tập tất cả pháp lành, tuy đó là kẻ tại gia, nhưng sống đúng như pháp, kẻ đó cũng được gọi là ưu bà tắc. Nếu có người cho rằng: “Nếu trước đó không quy y Tam bảo Phật Pháp Tăng, nên biết kẻ thọ giới đó không đắc ngũ giới.” Điều này không phải như vậy. Vì sao? Như trước đây ta có nói: “Thiện lai tỳ kheo.” Những kẻ đó chưa hề quy y Tam bảo, thế nhưng bọn họ đều đầy đủ giới pháp. Hoặc có người cho rằng: “Nếu không thọ hết các giới tướng, thì sẽ không đắc được giới thể. Pháp bát quan trai cũng giống như thế.” Thế nhưng, điều này lại cũng không phải như vậy. Vì sao? Nếu không thọ hết tất cả giới tướng thì không đắc được giới thể, tại sao những ưu bà tắc chỉ mưu cầu phước lạc nhân thiên lại được đắc giới? Sự thật là đắc được giới thể, chỉ có giới tướng là không đầy đủ. Tương tự, không thọ đủ giới tướng Bát giới trai, tuy không gọi là trai, nhưng vẫn có thể gọi là pháp lành. Thiện nam tử! Nếu có thể dùng nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thọ giới ưu bà tắc, thì gọi là ngũ ấm. Thế nào là ngũ ấm? Không thọ nhận tà kiến, không giảng nói tà kiến, tin tưởng thọ nhận chánh kiến, giảng nói chánh kiến, tu hành chánh pháp, đây gọi là ngũ ấm.

[Giải]    “Sống đúng như pháp”, tức là sống đúng như pháp Tam quy y.

Y theo sự thọ giới thông thường, trước tiên cần phải quy y Tam bảo, thế nhưng, có người thiện căn đã thành thục, chỉ cần Đức Phật gọi một tiếng “Tỳ kheo”, tức thì đắc quả Tu đà hoàn, nhẫn đến quả A la hán, đầy đủ giới luật uy nghi. Loại “lợi căn” này, có thể đắc đạo cộng giới ngay tức khắc, mà không cần phải làm pháp bạch tứ yết ma.

“Thọ hết các giới tướng”, tức là thọ toàn thể, chẳng hạn như cần phải thọ hết năm giới, v.v…

“Ưu bà tắc mưu cầu phước báo nhân thiên (Hán: cầu hữu ưu bà tắc)”, tức là kẻ cầu phước báo nhân thiên, không cần phải cầu toàn bộ giới luật của Phật.

Giới Bát quan trai là giới luật của Đức Phật, chẳng qua thời gian tương đối ngắn mà thôi. Như nói: “Như Đức Phật rốt ráo không sát sanh, con ….. một ngày một đêm không sát sanh”. Nếu không toàn thọ bát giới, thì có thể thọ trì vài loại thiện pháp. Năm giới cũng có thể chỉ cần thọ một hai giới cũng được.

Nếu hiểu rõ thân miệng ý do năm ấm tạo thành, ắt không thọ tà kiến. Nếu như chấp trong năm ấm có thần ngã thường trụ, đây là thường kiến; còn nếu cho rằng thân thể máu thịt này, một khi mất đi là mất hẳn, thì đây là đoạn kiến.

Năm ấm, ba nghiệp nếu làm thiện, thì sẽ được thân ngũ ấm ở cõi trời, còn như làm ác, thì sẽ thọ thân ngũ ấm ở nơi ác đạo.

F4. Biện minh sự còn, mất của Tam quy y

Nếu như sau khi thọ Tam quy y, lại tạo tác nghiệp ngu si, tiếp thọ tà pháp của ngoại đạo, nghe lời của bọn Tự tại thiên, do nhân duyên này sẽ mất Tam quy y. Nếu có người lòng dạ ngay thẳng, không bỏn sẻn tham lam, thường biết hổ thẹn, ít muốn biết đủ, người đó không bao lâu sẽ được thân tịch tĩnh. Nếu như tạo tác nghiệp tạp nhiễm, vì muốn hưởng sự vui sướng mà tu các pháp lành, nhưng lòng không biết thương xót chúng sinh, giống như việc mua bán đổi chác, những kẻ như vậy không đắc được pháp Tam quy y. Nếu như có người vì muốn giữ gìn nhà cửa, thân mạng, mà thờ cúng thần linh, những kẻ đó không gọi là mất Tam quy y. Nếu như có người hết lòng tin tưởng rằng ngoại đạo có thể cứu giúp mình qua tất cả sự khổ não, mà lễ lạy bọn họ, thì kẻ đó mất Tam quy y. Khi lễ lạy Tự tại thiên vương, nên giống như lễ lạy các vị quốc vương, trưởng giả, quý tộc, những người tuổi tác đức hạnh, những kẻ lễ lạy như vậy, cũng không mất pháp Tam quy y.

[Giải]    Ở đây biện minh, nếu cho rằng các vị thiên thần (không phải trong hàng ngũ Phật, pháp, tăng) là đấng tối cao vô thượng, thì mất Tam quy y, nếu không thì không mất.

Nếu không thấu hiểu nghĩa lý “nhân duyên hòa hợp vô ngã”, “tạo nghiệp thọ báo”, thì gọi là si.

Có tâm thương xót,tức là tương ưng với tâm Phật. Cần phải tương ưng với tâm Phật, mới được Tam quy y.

Ở đây biện minh Bồ tát tại gia mới có thể lễ lạy (thiên thần), còn người xuất gia, tuyệt nhiên không được lễ lạy Tự tại thiên, quốc vương, trưởng giả, v.v…

F5. Biện minh sự phá tà sùng chánh

Tuy có lúc lễ lạy tà pháp của ngoại đạo, thế nhưng, phải nên cẩn thận không tiếp thọ giáo pháp của bọn họ. Lúc cúng dường chư thiên, nên khởi tâm từ bi, vì muốn bảo hộ thân mạng, của cải, cõi nước, và làm cho nhân dân không sợ hãi. Tại sao không tiếp thọ những tà thuyết của ngoại đạo? Người trí nên quán sát những gì mà ngoại đạo nói, bọn họ cho rằng tất cả mọi vật đều do trời Tự Tại sinh ra. Nếu tất cả đều do trời Tự Tại sinh ra, tại sao ngày hôm nay chúng ta lại phải tu tập pháp lành? Hoặc có người nói: “Nhảy xuống vực sâu, nhảy vào lửa, nhịn đói cho đến chết thì được hết khổ.” Những điều này là nhân của sự khổ, tại sao lại cho rằng nhờ đây sẽ được hết khổ? Tất cả chúng sinh làm nghiệp thiện ác, do nghiệp duyên này mà tự mình thọ quả báo. Lại có người cho rằng: “Tất cả vạn vật, hoặc do thời gian, hoặc do tinh tú, hoặc do trời Tự Tại sinh ra.” Nếu thế, tại sao chúng ta lại thọ nhận quả báo của nghiệp trong đời này và đời quá khứ? Người trí biết rõ đó là quả báo của nghiệp. Tại sao lại cho rằng mọi vật là do thời gian, tinh tú, hoặc trời Tự Tại sinh ra? Nếu do nhân duyên của thời gian, tinh tú mà thọ sự khổ, sự vui, như vậy, trong thiên hạ có nhiều người sinh đồng thời, hoặc đồng tinh tú, tại sao người này thọ khổ, người kia hưởng vui? Người này là nam, người kia là nữ? Như các vị trời, và a tu la, sinh ra đồng thời, hoặc đồng tinh tú, tại sao hoặc là trời thắng, a tu la thua, hoặc là a tu la thắng, trời thua. Tại sao lại có các vị vua, tuy cũng sinh đồng thời, cùng tinh tú, mà trên phương diện chánh trị, lại có người mất nước, có người giữ nước. Các bọn ngoại đạo lại cũng nói rằng: “Nếu có năm xấu, lúc sao xấu xuất hiện, phải dạy bảo cho chúng sinh tu pháp lành để tiêu tai giải nạn.” Nếu nhân vì năm xấu, hoặc sao xấu, tại sao do tu pháp lành lại qua tai nạn? Đã biết như vậy, người trí sao lại còn lãnh thọ tà thuyết sai lầm của ngoại đạo?

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh tùy hanh nghiệp của mình, nếu biết tu tập chánh kiến sẽ hưởng sự an vui, nếu như tu tập tà kiến sẽ thọ nhiều khổ não. Nhờ tu tập nghiệp lành mà được tự tại, sau khi được tự tại, chúng sinh sẽ đến gần gũi. Lại vì chúng sinh mà nói nghiệp lành, nhờ nghiệp lành mà được tự tại. Tất cả chúng sinh nhờ tu nghiệp lành mà được an lạc, chẳng phải do năm tháng, hay do tinh tú. Thiện nam tử! Vua A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa, đã do tạo nghiệp mà đọa địa ngục, chẳng phải do năm tháng, tinh tú mà bị quả báo đó. Còn ông Uất Đầu Lam Phất vì tà kiến, trong tương lai sẽ đọa địa ngục.

Thiện nam tử! Lòng ham muốn là gốc của tất cả pháp lành. Do lòng ham muốn mà được ba pháp Bồ Đề và quả giải thoát. Do lòng ham muốn mà chúng sinh xuất gia, phá trừ nghiệp ác căn bản và nghiệp gây tạo sinh tử luân hồi. Có thể thọ trì giới luật, gần gũi chư Phật, bố thí tất cả của cải cho những kẻ đến xin. Kiên quyết trừ diệt tất cả quả báo ác, trừ diệt tất cả nghiệp ác lớn, được “quyết định tụ”, xa lìa ba chướng, khéo léo tu tập phương pháp phá diệt phiền não. Bởi do lòng ham muốn, có thể thọ trì Tam quy y. Do đã thọ Tam quy y, có thể thọ ngũ giới. Sau khi thọ giới, tất cả sự kiến đạo, tu đạo, đều hơn hàng Thanh văn. Ngay những kẻ vì sợ sư tử, cọp, sói, ác thú mà quy y Phật, còn được giải thoát, huống chi những kẻ phát tâm lành cầu thoát ly sinh tử mà không được giải thoát? Khi ông Cấp Cô Độc bảo người vợ thọ Tam quy y cho đứa con còn trong thai, thì đứa trẻ đó chưa thành tựu pháp Tam quy y. Vì sao? Vì pháp Tam quy y phải do tự miệng mình nói ra. Tuy chưa thành tựu, song đứa trẻ trong thai cũng được long thiên bảo hộ.

Thiện nam tử! Bọn ngoại đạo cho rằng tất cả pháp thế gian đều do trời Tự Tại tạo ra, lại còn cho rằng, trong tương lai, sau một trăm kiếp, sẽ có người huyễn xuất hiện. Bọn họ nói “người huyễn”, là muốn ám chỉ Đức Phật. Nếu như trời Tự Tại tạo ra Phật, tại sao Phật lại biện phá ý nghĩa của sự “quy y trời Tự Tại”? Nếu như trời Tự Tại không tạo ra Phật, tại sao lại nói trời Tự Tại tạo ra tất cả? Bọn ngoại đạo lại cho rằng: “Ba vị trời Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu, chỉ là một vị, song chỗ sinh của mỗi vị đều khác nhau.” Trời Tự Tại, còn có tên là “thường”, là “chủ”, là “hữu”, là “Luật đà”, là “Thi Bà”, mỗi tên đều có ý nghĩa khác nhau. Theo bọn họ, trời Tự Tại là kẻ cầu sự giải thoát, mà cũng chính là sự giải thoát. Thế nhưng điều này không đúng. Vì sao? Nếu trời Tự Tại có thể tạo ra chúng sinh, thì ông ta cũng tạo ra thế gian, tạo ra nghiệp thiện ác cùng quả báo của nghiệp, tạo ra tham, sân, si trói buộc chúng sinh. Bọn ngoại đạo lại cho rằng, lúc chúng sinh được giải thoát, sẽ nhập vào thân của trời Tự Tại, cho nên biết rằng giải thoát là pháp vô thường. Điều này không đúng. Vì sao? Nếu là vô thường, thì làm sao gọi là giải thoát? Ví như đứa con của người Bà la môn, thọ mạng có hạn, cho nên biết ông ta không được gọi là trời Tự Tại. Ba vị trời Đại Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu cũng chẳng phải là một. Vì sao? Vì giống dân A Châu Na được giải thoát bởi trời Tỳ Nữu và trời Đại Phạm, vì lý do đó, ba vị trời này không phải là một.

Nếu cho rằng giải thoát là pháp vô thường, thì sự giải thoát là huyễn hóa, chứ không phải Đức Phật là huyễn hóa. Nếu như có thể thấy chân ngã một cách chính xác rõ ràng, gọi là sự giải thoát. Hoặc có người cho rằng: “Thấy được sự khác biệt của bổn tánh, và sự khác biệt của chân ngã, gọi là giải thoát.” Điều này không đúng! Vì sao? Kẻ nào tu đạo thấy được bốn Thánh đế, kẻ đó mới là kẻ thấy được bổn tánh, thấy được chân ngã, và hơn nữa, chỉ có người thọ Tam quy y mới có thể thấy bốn Chân đế, vì thế pháp Tam quy y là căn bổn cho vô lượng pháp lành, nhẫn đến A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

[Giải]    Phá diệt tà kiến, tôn sùng chánh pháp, ưa làm thiện, thích bố thí, đây là chánh hạnh của người tại gia sau khi quy y Tam bảo.

Lễ lạy các vị trời, nếu người tại gia là quan chức chánh phủ, hoặc lãnh tụ các đoàn thể xã hội, vì muốn cầu dứt thiên tai, cầu mưa, v.v…, tuy lễ lạy các vị trời thần, nhưng không coi họ là bậc tối cao vô thượng, điều này cũng không phương hại.

Ý nghĩa chính yếu của sự quy y Phật giáo, là tin tưởng Phật pháp tăng, tinh tưởng nhân quả. Hiểu rõ nhân quả nghiệp báo, ắt có thể hiểu rõ nghĩa lý các pháp nhân duyên đều là không có tự tính. Chân như bình đẳng, cho nên người chân thực tin tưởng Phật pháp tăng, nhân quả nghiệp báo, ắt sẽ không còn tìm cầu ở ngoài, mà tìm cầu nơi chính mình.

Nếu làm nhiều nghiệp thiện, ắt có thể tiêu trư,ø hoặc chế phục nghiệp ác của đời quá khứ, có thể chuyển phiền não mà không bị phiền não lay chuyển, nghĩa là “ta là pháp vương, tự tại đối với các pháp”.

Ba pháp Bồ đề, tức là Bồ đề của ba Thừa.

Ba chướng, tức là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng.

Lúc Đức Phật còn tại thế, có một ông lão muốn xuất gia, các ngài Xá Lợi Phất, v.v…, quán sát thấy ông ta không có thiện căn nên không cho xuất gia; Đức Phật quán sát, thấy trong một đời quá khứ bị cọp rượt, đã từng kêu lên một tiếng “quy y Phật”, nhân đây độ ông ta xuất gia, sau này chứng được thánh quả.

Người huyễn, chỉ cho ma, bởi vì bọn ngoại đạo cho Phật là ma.

Đại Phạm thiên, tức là tầng trời thứ nhất của cõi sắc. Đại Tự tại thiên là tầng trời thứ tu của cõi sắc. Tỳ nữu thiên, tức là tên khác của trời Na la diên.

Luật đà, Thi bà, không rõ nghĩa dịch là gì?

A châu na, là tên vùng, ở đây ý nghĩa không rõ ràng; đại khái nói người A châu na cần trời Tỳ nữu giải thoát cho họ.

Chân ngã, tức là như trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói đến cái ngã “thường lạc ngã tịnh”, tức là pháp thân tự tại, sau khi được giải thoát.

Bốn thánh đế, còn gọi là bốn chân đế, tức là khổ, tập, diệt, đạo.

F6. Kết luận tại gia khó hành trì

Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia thanh tịnh Tam quy y, điều này không khó. Bồ tát tại gia thanh tịnh Tam quy y, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.