TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi hai: Ngũ giới

[Giải]    Tuy giới điều của Ngũ giới ít hơn so với Bát quan trai giới, nhưng phải thọ trì suốt đời, do đó giảng sau Bát quan trai giới.

D3. Ngũ giới
E1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: ” Bạch Đức Thế Tôn! Kẻ nào được pháp Tam quy y, và kẻ nào không được?”

[Giải]    Trước khi thọ Ngũ giới phải thọ Tam quy, cần phải đắc giới thể Tam quy mới có thể được thanh tịnh Ngũ giới, do đó Thiện Sinh hỏi về việc đắc hoặc không đắc Tam quy.

E2. Thế Tôn trả lời
F1. Trả lời đắc giới thể Tam quy y

– Thiện nam tử! Kẻ nào tin nhân, tin quả, tin pháp tứ đế, tin có sự đắc đạo, kẻ đó được Tam quy y. Kẻ nào lòng tin kiên cố không thoái chuyển, gần gũi Tam bảo, chấp nhận lời dạy bảo của bạn lành, kẻ đó được pháp Tam quy y. Giới Ưu bà tắc cũng giống như vậy. Kẻ nào có thể quán sát: “Giới Ưu bà tắc có vô lượng quả báo công đức, có thể trừ diệt vô lượng pháp ác; chúng sinh vô biên, sự thọ khổ cũng vô lượng vô biên; thân người khó được; tuy được thân người, khó được các căn đầy đủ; tuy các căn đầy đủ, khó có lòng tin đối với Tam bảo; tuy có lòng tin, khó gặp bạn lành; tuy gặp bạn lành, khó được sự tự tại; tuy được tự tại, các pháp đều vô thường”, thì nên tự nhủ rằng: “Nếu như gây nghiệp ác, do nghiệp ác này, sẽ thọ ác báo của thân tâm vào đời kế tiếp. Do nhân duyên này, nghiệp thân miệng ý đều là kẻ thù của chính ta. Giả như, tạo ba nghiệp ác mà vẫn không thọ ác báo, việc ác trong hiện tại cũng không nên làm. Ba nghiệp ác này làm cho hiện đời hình mạo hiện ra tướng xấu ác, lúc chết lại sinh lòng hối hận, do nhân duyên này, ta nên thọ Tam quy y và Bát quan trai giới, xa lìa tất cả nghiệp ác không lành”.

[Giải]    Đoạn này biện minh ý nghĩa do tâm mà đắc được giới thể Tam quy.

Người nào chân thực hiểu rõ nhân duyên quả báo, chỉ cần hơi hơi khởi nghiệp ác, tức thời phải tự oán tự trách, sinh lòng lo sợ, hổ thẹn sám hối trừ diệt.

F2. Phân biệt giới tướng

Người trí quan sát giới có hai loại: giới thế gian và giới giải thoát. Nếu sự thọ giới không nương vào Tam bảo thì gọi là giới thế gian; giới này không bền chắc, giống như màu vẽ không có keo, vì thế trước tiên nên quy y Tam bảo, rồi sau đó mới thọ giới. Hoặc thọ cả một đời, hoặc chỉ thọ một ngày đêm, đây gọi là giới bát quan trai của ưu bà tắc. Giới thế gian, không thể diệt trừ những ác nghiệp đã tạo từ trước; nếu thọ Tam quy y và giới, thì có thể trừ diệt nghiệp ác, tuy tạo tội nặng cũng không mất giới. Vì sao? Vì nhờ thế lực của giới pháp vậy. Như có hai người cùng tạo tội ác, một người thọ giới, một người không thọ; người đã thọ giới thì phạm tội nặng, còn người không thọ giới thì phạm tội nhẹ. Tại sao như vậy? Vì kẻ thọ giới hủy phạm lời Phật dạy. Tội có hai loại: một là tính trọng, hai là giá trọng. Hai loại tội này lại có nặng nhẹ khác nhau. Hoặc có người, tội nặng biến thành nhẹ, hoặc có người, tội nhẹ biến thành nặng. Chẳng hạn như ông Ương Quật Ma La hủy phạm giới tính trọng mà không bị tội nặng, còn rồng Y La Bát, tuy chỉ hủy phạm giới giá trọng mà lại bị tội nặng. Thế nên, không thể cho rằng cùng phạm một điều giới thì sẽ có tội bằng nhau. Giới thế gian cũng có những điều giới, như không sát sinh, không trộm cắp, nhẫn đến không uống rượu cũng giống như vậy. Giới thế gian, căn bản không thanh tịnh, thọ trì không thanh tịnh, sự trang nghiêm không thanh tịnh, giác quán không thanh tịnh, quả báo không thanh tịnh, cho nên không được gọi là giới đệ nhất nghĩa, mà chỉ được gọi là giới thế gian. Cho nên người trí tự nhủ: “Ta phải thọ giới đệ nhất nghĩa”.

[Giải]    Ở đây phân biệt tướng trạng của giới thế gian và giới của Phật. Sau khi thọ giới được công đức lớn, nhưng nếu phạm giới thì tội cũng lớn, cho nên cần phải đặc biệt cẩn thận.

F3. Rộng khen giới đức

Thiện nam tử! Hoặc giả, có chúng sinh thọ giới trong đời vị lai, khi thân người thân cao tám trượng, tuổi thọ đúng tám vạn bốn ngàn năm, so với chúng sinh thọ giới trong đời ác này, quả báo thọ giới của hai chúng sinh đó bằng nhau không khác. Vì sao? Vì ba thiện căn đều bình đẳng. Hoặc có người cho rằng: “Đối với loài hữu tình mới có thể đắc được giới thể.” Điều này không đúng. Vì sao? Trong giới pháp của chư Phật, đắc được giới thể là đối với tất cả loài hữu tình và vô tình, mà loài hữu tình, vô tình thì vô lượng vô biên, cho nên giới thể cũng vô lượng vô biên.

Thiện nam tử! Trong pháp bố thí, bố thí “sự không sợ” là thù thắng nhất, cho nên ta nói năm giới tức là năm sự bố thí lớn. Năm giới như vậy có thể làm cho chúng sinh xa lìa năm sự sợ hãi. Năm loại bố thí như vậy rất dễ tu tập, tự tại vô ngại, không phải mất tiền của mà lại được vô lượng công đức. Nếu không có năm loại bố thí này, sẽ không được quả Tu đà hoàn, nhẫn đến không được quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Thiện nam tử! Nên biết rằng, sau khi thọ giới, kẻ thọ giới sẽ được trời người cung kính bảo hộ, được danh tiếng lớn, tuy gặp cảnh ác, tâm không sầu lo, chúng sinh gần gũi, cầu xin nương nhờ. Người con của trưởng giả Cấp Cô Độc, vì muốn được tám ngàn đồng tiền vàng mà thọ giới, còn được quả báo vô lượng công đức.

Thiện nam tử! Vì muốn của cải mà thọ, còn được lợi ích, huống chi chí tâm cầu giải thoát mà thọ giới, lẽ nào lại không được lợi ích?

Thiện nam tử! Có năm pháp thiện thường vây quanh giới pháp, làm cho nó tăng trưởng không ngừng, như nước sông Hằng. Năm pháp đó là gì? Một là từ, hai là bi, ba là hỷ, bốn là nhẫn, năm là tín. Kẻ nào có thể phá tan tà kiến sâu nặng, tâm không nghi ngờ, thì sẽ đầy đủ chánh niệm, trang nghiêm thanh tịnh, căn bản thanh tịnh, lìa xa ác giác quán.

Thiện nam tử! Kẻ nào xa lìa năm việc ác, thì gọi là thọ giới, lìa xa tất cả những nghiệp ác của thân, khẩu, ý. Nếu có người cho rằng: “Không có năm giới cũng có thể vượt biển sinh tử”, đây là điều không thể có.

Thiện nam tử! Ai muốn vượt biển sinh tử, phải nên chí tâm thọ trì ngũ giới.

[Giải]    Ở đây biện minh công đức của sự trì giới.

F4. Riêng biệt nói rõ giới, trai

Trong năm giới này, bốn giới trong đời sau sẽ thành vô tác giới. Chỉ có ái dục khó đoạn, cho nên giới không tà dâm không thể trở thành vô tác giới thể, do nhân duyên này, sự ái dục dai dẳng khó có thể đoạn trừ. Các ông phải nên chí tâm cẩn thận, không được phóng dật. Có người cho rằng: “Có vô lượng pháp khác, nếu phạm, thọ tội rất nặng, chư Phật đời quá khứ tại sao không cấm, mà lại cấm đoán uống rượu?”

Thiện nam tử! Bởi sự uống rượu làm mất tâm hổ thẹn, làm cho người say không còn biết sợ ba đường ác, và do đó, không thể thọ trì bốn điều giới khác, bởi thế cho nên chư Phật đời quá khứ cấm không cho uống rượu. Nếu có người cho rằng: “Đức Như lai nói uống rượu có nhiều lỗi lầm, tại sao lại không đặt giới này vào hàng đầu của năm giới?” Điều này không đúng. Vì sao? Giới cấm uống rượu là giới giá trọng, không phải là giới tính trọng. Đức Như Lai chế lập giới tính trọng trước, sau đó mới chế lập giới giá trọng.

Thiện nam tử! Trước đây Đức Như Lai nói tháng trắng, tháng đen mỗi tháng đều có ba ngày trai, đây là thuận theo pháp của ngoại đạo. Bọn ngoại đạo vào những ngày này thường cúng tế các vị trời, cho nên Đức Như Lai nói có ba ngày trai.

Thiện nam tử! Ví như màn cửa sổ, nhờ có dây cột nên không rớt, pháp ba ngày trai mỗi tháng trắng, đen cũng giống như vậy. Nếu chúng sinh nào phát tâm thọ trì, sẽ không bị đọa vào ba đường dữ. Thiện nam tử! Nếu có người muốn tu tập hạnh bố thí, cúng dường Tam bảo, tọa thiền, tu tập hạnh lành, đọc tụng kinh điển, cúng dường cha mẹ, thì trước tiên nên lập thệ nguyện: “Nếu ta không làm những việc này, sẽ tự hành phạt.” Nếu được như thế phước đức của người đó mỗi ngày sẽ một tăng trưởng như dòng nước sông Hằng. Pháp Ngũ giới này có năm loại quả báo: một là vô tác quả, hai là báo quả, ba là dư quả, bốn là tác quả, năm là giải thoát quả. Nếu như có người thọ ngũ giới, phải biết người đó sẽ được năm quả báo như thế. Nếu ưu bà tắc nào thường đến chùa chiền, chỗ của chúng tăng, gần gũi các vị tỳ kheo, hỏi han chánh pháp, hết lòng lắng nghe, nghe xong thọ trì, ghi nhớ không quên, có thể phân biệt nghĩa lý, sau khi hiểu rõ bèn đem dạy dỗ chúng sinh, đây gọi là ưu bà tắc lợi mình lợi người.

[Giải]    Đời sau, tức là chỉ đời kế tiếp.

Vô tác giới, từ lúc thọ giới, ba lần nói “không sát sinh”, v.v…, lập tức huân tập vào trong thức A lại da, tương ưng với tư tâm sở, thành vô tác biểu sắc, hoặc thọ sở dẫn sắc. Xuyên qua sự huân tập vào tàng thức này, thế lực chủng tử của ba nghiệp thân khẩu ý, tức là ngay tình trạng không hay không biết, thường bị “vô tác giới thể” chi phối, chỉ cần không phạm lỗi làm cho mất giới thể, thì giới thể này qua đến đời sau cũng không mất. Tướng trạng của sự mất giới thể, phần trên đã nói qua.

Ví dụ như sau khi phát nguyện ăn chay trường, lâu ngày không còn dám đến gần những thức ăn có mùi vị tanh hôi của thịt cá, đây tức là thế lực của thệ nguyện huân tập thành chủng tử. Nếu như giữa chừng, ăn thịt trở lại, thì sẽ bị mất vô tác giới thể này.

Viên Giác Kinh nói: “Chúng sinh cõi dục giới, đều do sự dâm dục mà có tính mệnh”. Nếu sinh lên cõi sắc giới, thì sẽ tương ưng với định cộng giới.

Trừ các vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên, chính niệm thọ sinh, chúng sinh khác của cõi dục giới đều do sự dâm dục mà có sinh mệnh. Do đó, bọn họ không thể thành tựu vô tác giới thể của giới “không tà dâm” ở đời sau. Tuy có nhiều người hiện đời có thể thọ trì giới “không tà dâm”, thế nhưng, không khởi niệm tà dâm, thì đây làm điều rất khó, cần phải đến quả A na hàm mới có thể đoạn trừ được sự dâm dục.

Ba ngày trai, nếu như chưa ăn chay trường, trong ba ngày này không nên ăn thịt cá (nghĩa là ăn chay), còn nếu như đã ăn chay trường, thì ba ngày này nên giữ giới “không ăn quá ngọ”.

Tháng trắng, từ ngày mồng một đến ngày mười lăm; tháng đen, từ ngày mười sáu đến ngày ba mươi. Ba ngày trai của tháng trắng là mồng tám, mười bốn, mười lăm. Ba ngày trai của tháng đen là hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi.

Tự mình lập chế ước, làm các điều lành, dứt các điều dữ, là phương pháp quan trọng nhất của sự tu hành.

Dư quả là quả báo phụ thêm, chẳng hạn như không sát sanh được quả báo trường thọ, đây là quả chánh, nhưng mà lại được thêm quả báo sức khỏe dồi dào, v.v…, đây là dư quả.

F5. Sống đúng pháp, không đúng pháp

Nếu ưu bà tắc không chịu học tập những điều đã được dạy bảo, lại còn khinh mạn tỳ kheo, vì muốn tìm lỗi tỳ kheo mà đến nghe pháp, không có tâm tin tưởng kính trọng, phụng sự ngoại đạo, cho rằng đây là việc công đức, tin vào ngày tháng, sao hạn, thì ưu bà tắc này không được gọi là sống đúng chánh pháp một cách vững chắc. Nếu ưu bà tắc, tuy tự mình không làm việc ác, song lại sai kẻ khác làm, ưu bà tắc đó không sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc, làm việc cho hải quan, đánh thuế hàng hóa, thì ưu bà tắc đó không sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc tính giá tiền bằng đồ vật rồi mới trị bệnh, trị xong đem bán đồ vật đó, thì ưu bà tắc đó không sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc, tự mình không làm ác, không bảo người khác làm ác, tâm cũng không nghĩ điều ác, thì ưu bà tắc đó sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc, do vì phiền não khởi lên mà tạo tội, sau khi tạo tội, nếu không sinh tâm hổ thẹn sám hối, thì ưu bà tắc đó không sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc, vì sinh mạng mình mà làm những việc ác, thì ưu bà tắc đó không sống đúng chánh pháp. Nếu ưu bà tắc, tuy được thân người, lại làm việc phi pháp, thì kẻ đó không được gọi là người. Nếu như có lòng tin, có thể làm việc phước đức, khéo tu tập chánh niệm, quán sát tất cả pháp đều là vô thường, vô ngã, vô ngã sở, đối với tất cả pháp, tâm không sinh tham đắm, thấy tất cả pháp đều là không tự tại, đều là sinh diệt, khổ, không, không có sự tịch tĩnh; thân người khó được, tuy được thân người, khó có đầy đủ các căn; tuy có đầy đủ các căn, khó có chánh kiến; tuy đầy đủ chánh kiến, khó có lòng tin; tuy có lòng tin, khó gặp bạn lành; tuy gặp bạn lành, khó được nghe chánh pháp; tuy nghe chánh pháp, lại khó thọ trì; nếu có thể quán sát như thế, thì gọi là có được thân người. Nếu quán sát dục giới là vô thường, nhẫn đến trời Phi tưởng phi phi tưởng cũng là vô thường, do nhân duyên này, không cầu ba đường ác, nhẫn đến không cầu sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Quán sát như vậy rồi, thấy được ba sự không bền chắc, bèn đem thân không bền chắc đổi lấy pháp thân bền chắc. Đối với Tam bảo lễ lạy cúng dường, đến thì đón, đi thì đưa, tự tay bố thí, tự thân làm việc phước đức, đây gọi là đem thân không bền chắc đổi lấy thân bền chắc. Đem tài sản không bền chắc đổi lấy tài sản bền chắc, bằng cách đem thức ăn bố thí cho người bệnh, kẻ đi đường, cúng dường cho sa môn, bà la môn, cùng những kẻ nghèo khổ, đây gọi là đem tài sản không bền chắc đổi lấy tài sản bền chắc. Lại đem thọ mệnh không bền chắc đổi lấy thọ mệnh bền chắc, bằng cách tu tập pháp lục niệm, từ bi hỷ xả, chứng đắc bốn Chân đế, khéo léo quán sát sinh lão bệnh tử, tin rõ quả báo của các nghiệp lành dữ, biết chắc sự ân ái sẽ có lúc biệt ly, tất cả chúng sinh đều không được tự tại, chưa được Thánh đạo, thế lực của sinh tử rất lớn, tất cả sự vui trên thế gian đều có sự khổ đi kèm. Tuy cũng hưởng thọ sự vui, song lòng không đắm nhiễm, giống như trong tháng lạnh tìm lửa để sưởi ấm. Tuy hưởng sự vui thế gian, song quyết không vì đó mà làm ác. Tu tập nhẫn nhục và hai loại bố thí để lợi ích chúng sinh, quán sát sâu xa bản tánh bình đẳng của hai sự khổ vui. Phàm nói ra điều gì, lời nói đều dịu dàng, khéo dạy bảo chúng sinh, làm cho họ sống đúng chánh pháp. Lìa xa bạn ác, tâm không phóng dật, và không làm những việc như uống rượu, cờ bạc, săn bắn, v.v… Đây gọi là đem tuổi thọ không bền chắc đổi lấy tuổi thọ bền chắc.

Thiện nam tử! Nếu được thân người, lại có nhiều tài sản và được tự tại, trước tiên nên cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng, bậc trưởng thượng, người giữ gìn chánh pháp, lại cung cấp đồ cần dùng cho những người từ xa đến, những người sắp đi xa, cùng những kẻ tật bệnh. Lời nói dịu dàng, thường biết hổ thẹn, không chỉ kính trọng riêng một người có đức nào, mà cúng dường tất cả bậc thánh hiền, kẻ trì giới, đa văn; đều có thể đem nhà cửa, thức ăn uống, giường chiếu, quần áo, thuốc men ra để cúng dường. Tin chắc các vị tăng trong tăng đoàn có nhiều công đức, tu tập hạnh Tu đà hoàn, đắc quả Tu đà hoàn, nhẫn đến tu tập hạnh A la hán, đắc quả A la hán, hoặc tu tập Kim cương tam muội, Điện quang tam muội. Quán sát như vậy rồi, bèn đem tâm bình đẳng phụng sự, bố thí các ngài. Bố thí như vậy, sẽ được vô lượng phúc đức, cho nên trong kinh Lộc Tử, ta có nói với Lộc Tử Mẫu rằng: “Nếu đem tâm phân biệt thỉnh tăng, tuy thỉnh Phật cùng năm trăm A la hán, vẫn không được gọi là thỉnh phúc điền tăng. Còn như có thể đem tâm bình đẳng, thỉnh một vị tương tự tỳ kheo rất ác trong tăng đoàn, lại được vô lượng phúc đức. Vì sao? Vị tương tự tỳ kheo đó, tuy là kẻ ác, không có giới hạnh, không đa văn, không tu pháp lành, nhưng có thể giảng nói ba loại Bồ đề, có nhân có quả, lại không hủy báng Tam bảo Phật pháp tăng, nắm giữ ngọn cờ thù thắng vô thượng của Đức Như Lai, chánh kiến không sai lầm. Nếu cúng dường tăng, tức là cúng dường Phật bảo, tăng bảo. Nên biết, quán sát công đức vi diệu của Phật pháp, tức là cúng dường Tam bảo đầy đủ. Nếu như lúc bố thí, không cầu quả báo, tức là cúng dường Vô thượng Bồ đề, thành tựu đầy đủ pháp Bố thí Ba la mật, tu tập đạo Bồ đề, được vô lượng công đức trong đời vị lai, lại cũng có thể lợi mình lợi người. Có thể tu tập từ bi, xả bỏ sự vui thích của chính mình vì muốn người khác bớt khổ. Lúc chưa chứng quả Bồ đề, tâm không bao giờ lo lắng hối hận. Tuy nghe con đường tu tập đạo Bồ đề dài xa, quả vị Bồ đề khó được, nhưng trong tâm vẫn không thoái chuyển. Vì muốn độ chúng sinh mà ở trong vô lượng đời nhận chịu rất nhiều sự khổ não, nhưng không bao giờ mệt mỏi chán nản. Ưa thích sống đúng chánh pháp, không cầu sự vui thế gian, ưa sự tịch tĩnh của sự xuất gia tu hành. Khi chưa xuất gia, tuy còn tại gia, vẫn sống như kẻ tu hành giải thoát, không tạo điều ác, được ba loại giới, tức là giới giới, định giới, và vô lậu giới.

[Giải]    Y chiếu Phật pháp mà hành trì, gọi là sống đúng chánh pháp, nếu không, không đúng với chánh pháp.

Khách trần phiền não, hoặc là do hoàn cảnh đưa đẩy, hoặc là do tập khí đời trước, không tương ưng với hiện hành tâm, đều là khách trần phiền não.

Tất cả pháp đều do nhân duyên tạo thành, sát na sinh diệt, cho nên không được tự tại.

Thân kim cương vô lậu, gọi là thân bền chắc; công đức pháp tài, gọi là tài sản bền chắc; thọ mệnh do phiền não nghiệp báo chiêu cảm, gọi là thọ mệnh không bền chắc, còn từ bi tuệ mệnh, thì gọi là thọ mệnh bền chắc.

Bốn chân đế, tức là khổ, tập, diệt, đạo.

Hành giả ba Thừa, lúc sắp chứng đắc cực quả, đều dùng “định có thể diệt trừ phần phiền não vi tế cuối cùng”, có một sát na định hiện tiền một lần, cũng gọi là Kim cương tam muội.

Lúc chân kiến đạo, một sát na như ánh chớp xẹt qua, cũng gọi là Điện quang tam muội. Vị đáo định của cõi dục giới, cũng gọi là Điện quang tam muội.

Giới giới, tức là biệt giải thoát giới; định giới, tức là định cộng giới, chứng đắc thiền định, có thể đoạn trừ các pháp ác của cõi dục giới, như dâm dục, sân hận, v.v… Lúc chứng đắc thiền định, các pháp ác tự chúng không còn sinh khởi, thế nhưng chỉ là do định lực tạm thời hàng phục, mà vẫn chưa đoạn trừ được; đến khi chứng vô lậu giới, tức là đạo cộng giới, thì có thể diệt trừ tất cả các chủng tử ác.

F6. Hiển rõ tại gia khó hành trì

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu hành đúng chánh pháp, điều này không khó; Bồ tát tại gia tu hành đúng chánh pháp, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.