TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi lăm: Nhẫn nhục Ba la mật

C3. Nhẫn độ
D1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật trước đây đã nói về pháp Bố thí Ba la mật, Trì giới Ba la mật. Bồ tát làm thế nào tu Nhẫn nhục Ba la mật?

D2. Như Lai trả lời
E1. Nói sơ về thể tính của Nhẫn nhục

Đức Phật nói: “Thiện nam tử! Nhẫn nhục có hai loại: (1) nhẫn nhục thế gian, (2) nhẫn nhục xuất thế gian.

Nếu như có thể nhẫn chịu sự đói khát, lạnh nóng, khổ vui, đây gọi là nhẫn nhục thế gian. Nếu như có thể nhẫn chịu: tín, giới, thí. Có được sự nghe, trí huệ, chánh kiến không sai lầm. Đối với Phật, pháp, tăng, hoặc giả, nhẫn chịu sự nhục mạ, đánh đập, chửi rủa, việc ác, tham, sân, si, v.v…, tất cả đều có thể nhẫn thọ. Có thể nhẫn những việc khó nhẫn, có thể làm những việc khó làm, gọi là nhẫn nhục xuất thế gian.

Thiện nam tử! Bồ tát nếu gặp người khác đánh mắng, khinh miệt, hủy nhục, chửi rủa, lúc ấy, trong lòng không khởi tâm niệm báo thù. Bồ tát thực hành hạnh nhẫn nhục, không cầu quả báo hiện đời, mà cầu sự lợi ích đời vị lai. Nếu được đối xử tốt đẹp, Bồ tát tìm cách báo đáp. Nếu ai làm hại, Bồ tát cam tâm nhẫn chịu.

[Giải]    “Chánh kiến không sai lầm”, tức có thể nhẫn khả. Loại nhẫn này, tức là “thắng giải”. Đại khái, có thể nhẫn nhục được những điều khó nhẫn trên phương diện vật chất, gọi là thế gian nhẫn, còn như có thể chịu đựng được những điều khó nhẫn trên phương diện tinh thần, gọi là xuất thế gian nhẫn.

E2. Nhẫn nhục Ba la mật

Thiện nam tử! Có nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, có nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, có không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật. Nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự nhẫn nhục của thế gian, của Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, chẳng hạn như Thiền Ba la mật; nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, chẳng hạn như bị kẻ khác chặt tay chân, móc mắt, chặt đầu, mà vẫn không khởi một niệm sân hận, hoặc là Bố thí Ba la mật, Trì giới Ba la mật và Bát nhã Ba la mật; không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự trì giới, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác.

[Giải]    Như kinh Kim Cương nói; “Đức Phật lúc còn làm nhẫn nhục tiên nhân, bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể, không khởi tâm sân, đây là nhẫn nhục đến mức rốt ráo, tức là Nhẫn nhục Ba la mật.

E3. Chỉ rõ phương pháp tu nhẫn nhục

Thiện nam tử! Nếu muốn tu nhẫn nhục, trước tiên phải diệt trừ tâm kiêu mạn, tâm sân hận, tâm si mê, không quán tướng ngã, ngã sở, và tướng thường hằng của chủng tính. Nếu có thể quán sát như vậy, nên biết kẻ đó có thể tu nhẫn nhục. Tu tập nhẫn nhục như vậy, tâm sẽ vui mừng. Người trí khi bị chửi rủa ác độc, nên nghĩ như vầy: “Những lời chửi rủa đó, không phải phát ra cùng một lúc. Lúc lời chửi trước được phát ra, lời chửi sau chưa có; lúc lời chửi sau được phát ra, lời chửi trước đã không còn. Nếu như những lời chửi rủa không hiện hữu cùng lúc, như vậy sự chửi rủa là vật gì? Chỉ là tiếng gió, tại sao ta phải giận dữ? Thân hiện nay của ta chỉ là sự hòa hợp của ngũ ấm. Bốn ấm kia không thấy được, không thể chửi rủa chúng được. Còn sắc ấm do mười phần (ngũ căn, ngũ trần) hòa hợp mà thành. Nhưng sự hòa hợp này, mỗi niệm đều khác nhau. Nếu có sự khác biệt, ai là kẻ bị chửi rủa? Hơn nữa, sự nhục mạ đó, chỉ là tiếng gió. Gió có hai loại: (1) ở ngoài, (2) ở trong. Đối với tiếng gió ở ngoài, ta đều không sinh tâm giận dữ, tại sao lại sinh tâm giận dữ với tiếng gió ở trong? Lời chửi rủa thế gian cũng có hai loại, một là đúng sự thực, hai là không đúng sự thực. Nếu như đúng sự thực, thì còn sân nỗi gì? Còn nếu không đúng sự thực, kẻ chửi rủa sẽ bị kẻ khác mắng nhiếc, đâu can dự gì đến ta, mà ta phải giận dự Nếu ta giận dữ, đó là tự làm ác. Vì sao? Vì giận dữ mà đọa lạc ba đường ác. Nếu như ta phải chịu khổ trong ba đường ác, tức là tự làm tự chịu khổ báo, cho nên nói tất cả thiện ác đều do thân mình tạo ra.

Thiện nam tử! Có năm điều kiện để tu nhẫn nhục: (1) không trả thù kẻ làm ác đối với mình, (2) quán sát sự vô thường, (3) tu tập từ bi, (4) tâm không buông lung, (5) đoạn trừ tâm giận dữ.

Thiện nam tử! Người nào thành tựu năm điều kiện này, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục. Người nào ăn nói nhỏ nhẹ, làm thanh tịnh nghiệp thân và miệng, ôn hòa nhã nhặn, hỏi han chào đón, có thể quán sát tất cả nhân duyên khổ vui, nên biết người ấy có thể tu hạnh nhẫn nhục.

Người nào có thể tu không tam muội, quán sát chúng sinh đều là vô thường, nhận chịu sự khổ não, v.v… Lúc bị nhục mạ, có thể quán kẻ nhục mạ giống như kẻ cuồng, kẻ si, trẻ con, đần độn, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục.

Người trí nên quán sát: nếu kẻ hơn ta chửi rủa, ta không nên giận dữ. Vì sao? Vì nếu ta sân, kẻ đó có thể giết ta. Nếu kẻ thua ta chửi rủa, ta cũng không nên báo thù. Vì sao? Không phải là kẻ ngang hàng, nếu như báo thù, chỉ là tự làm nhục mình.

Ví như có người trao thuốc độc cho kẻ khác, không ai trách hắn. Nếu như hắn tự uống thuốc độc, ắt sẽ có người cười chê. Ta cũng như vậy. Nếu như giận kẻ chửi rủa, ta sẽ chịu khổ não trong đời vị lai, tất cả hiền thánh sẽ quở trách ta. Do nhân duyên này, thân ta dù bị cắt xẻ từng phần, cũng không nên sinh lòng giận dữ. Phải nên quán sát sâu xa nhân duyên của nghiệp đời quá khứ, nên tu từ bi thương xót tất cả. Nếu như không thể nhẫn chịu việc nhỏ, ta làm sao có thể điều phục chúng sinh. Nhẫn nhục là chánh nhân của Bồ đề. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tức là quả của sự nhẫn nhục. Nếu ta không trồng hạt giống nhẫn nhục như vậy, làm sao có thể thu hoạch chánh quả.

[Giải]    Lời nhục mạ không thể sinh cùng một lúc, như chửi người khác là súc sinh, lúc nói chữ “súc”, chữ “sinh” chưa sinh, lúc nói chữ “sinh”, chữ “súc” đã diệt, nếu không cùng lúc, tức là lời chửi rủa không thành tựu, đây tức là dùng lý “tích không quán” hoặc “thể không quán” mà quán sát. Loại không quán này, nếu biết sử dụng khéo léo, ắt có thể dứt trừ phiền não, còn như không khéo sử dụng, lại chấp trước vào quán không mà bài bác nhân quả, ắt sẽ trở thành điên đảo.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một đoạn nói: “Có người nhục mạ Phật, Phật không trả lời. Sau đó Đức Phật hỏi: Nếu có người tặng đồ vật, nếu đối phương không nhận, thì người tặng làm thế nào? Kẻ đó trả lời: Đem đồ trở về. Phật nói: Ông nhục mạ, tôi không nhận, vậy ông hãy đem nó về!” Đây cũng là người mẫu tốt nhất cho sự nhẫn chịu sự nhục mạ.

E4. Thành tựu đức nhẫn nhục

Thiện nam tử! Nếu như người trí ưa tu nhẫn nhục, người ấy thường được dáng điệu ôn hòa, tính tình vui vẻ, mọi người thấy mặt đều hoan hỷ, chiêm ngưỡng không chán; đối với người chịu giáo hóa, tâm không tham đắm. Người trí thấy kẻ oán thù đến gây sự, nên phát nguyện như sau: “Nguyện cho kẻ oán thù này, trong đời vị lai sẽ thành cha mẹ, anh em, thân thuộc của ta, không còn giận ghét, oán hờn ta nữa. Những kẻ thân hình tàn khuyết, diện mạo xấu xa, các giác quan không đầy đủ, thiếu thốn của cải, nên biết đều từ nhân duyên giận dữ mà bị quả báo, hiện nay sao ta lại không chịu tu nhẫn nhục.” Do nhân duyên này, người trí phải nên siêng tu hạnh nhẫn nhục.

Thiện nam tử! Lúc Bồ tát ma ha tát tu hạnh nhẫn nhục, thường hay quán sát tội lỗi của sinh tử, ưa tu pháp hạnh, siêng năng đọc tụng, biên chép kinh điển của Như Lai, cúng dàng sư trưởng cùng những bậc đức hạnh, chăm sóc người bệnh khổ, tu tập hạnh từ bi, thương xót tất cả chúng sinh, giúp người khác thoát ly khổ não. Thường ưa xuất gia, nhẫn đến trọn đời trì giới, tinh tiến, thu nhiếp sáu căn, không cho phát khởi nhân duyên phiền não, chẳng thà mất thân mạng, quyết không phá giới. Ưa lo lắng công việc cho người khác, thường có lòng hổ thẹn, ưa khen ngợi sự nhẫn nhục. Vì muốn điều phục chúng sinh, nên nhẫn chịu nhiều sự khổ sở, đối với kẻ oán còn có thể nhẫn nhịn, huống là người thân. Có thể nhẫn hai loại giận: một là giận loài hữu tình, hai là giận loài vô tình. Hy sinh sự vui của mình, để mọi kẻ khác được vui. Không tưởng nghĩ đến kẻ dù đem nhiều khổ đau đến cho mình, mà thường hay tưởng nghĩ đến kẻ đem an vui cho mình dù rất ít. Xa lìa lời đâm thọ, không bao giờ nói khuyết điểm của người khác. Chỉ khuyên nhắc mọi người xa lìa phiền não, không bao giờ nói những điều mà người khác không thích nghe. Thanh tịnh các nghiệp thân, khẩu, ý, dứt trừ tất cả tội chướng. Nếu vì nhân duyên phiền não mà tạo tội, liền sinh lòng hổ thẹn, hối hận.

[Giải]    Giận loài vô tình, tức là một loại cảnh giới có thể làm hành giả khởi tâm sân hận.

E5. Sự khó khăn của người tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát có hai loại, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Ở đây biện minh Bồ tát tại gia thực hành hạnh nhẫn nhục khó khăn.